VnTim™<>Phong trào “ăn blog, ngủ blog, nói chuyện blog...” đang ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Sẽ không quá lời khi nói khá nhiều bạn trẻ đang “nướng” rất nhiều thời gian vào blog một cách vô bổ, trong khi cái lợi từ những trang nhật ký mạng này thì rất mơ hồ. Không “vật vã” như những tín đồ của game online đến mức phải mang theo mền... đến tiệm net để thỏa mãn “cơn khát level”, blogger đa phần là những bạn trẻ biết “kiềm chế mình” và biết tranh thủ thời gian công sở hoặc tương tự như thế để “tình thương mến thương” trên cộng đồng cư dân mạng. Rõ ràng những giá trị ảo từ số lượng pageview, số lượng comment là có thật, khiến không ít blogger tìm mọi cách chạy đua như một thứ quyền lực trong thế giới ảo. Thậm chí nó suýt trở thành một thứ nhu cầu cần đến những dịch vụ. Ý tưởng về một “công ty comment” đã từng được báo chí lăng xê là một minh chứng. Một blogger là cán bộ giảng dạy tại trường đại học viết nửa đùa nửa thật rằng: “Thanh niên trí thức Việt Nam đi đâu hết cả? Viết blog... Gì nữa? Đọc blog... Gì nữa? Cãi nhau trên blog... Gì nữa? Còm men trên blog... Gì nữa? Yêu trên blog...Gì nữa? Ngủ blog...Gì nữa? Ăn blog...”. Blog với sức lan tỏa cực lớn hơn một năm qua đã quen thuộc với giới trẻ Việt Nam và nhanh chóng trở thành chủ đề cho cả báo giới lẫn những người làm công tác quản lý văn hóa. Thế nhưng, tâm điểm chú ý của blog Việt trong thời gian qua cũng chỉ là những scandal được tạo ra từ những blog như Cường OZ, Bé Crys, hoặc câu chuyện “choảng nhau” giữa hai cô gái, một ở Việt Nam, một ở Mỹ, chuyện nữ sinh bị quay lén hoặc những phong trào mang tính vui chơi như Freehug, Tag... chứ không phải là một lợi ích thiết thực nào đối với cộng đồng. Những hoạt động có ý nghĩa từ cộng đồng blogger như offline vì đồng bào bị thiên tai ở miền Trung, offline chia sẻ sách, Đồng ca vì công lý... còn quá ít và sức lan tỏa không lớn. Ngoài bề nổi với những tác động ít nhiều của blog đối với cộng đồng, phần đông blog đang đảm nhận đúng chức năng là một nhật ký cá nhân trên mạng. Không thể phủ nhận về những dòng nhật ký cảm động, về những câu chuyện thấm đẫm tình người, nhưng cũng không ít người đang sử dụng sức lan tỏa blog như một diễn đàn để bày tỏ quan điểm cá nhân một cách quá trớn. Giá trị thực sự của những thông tin, bài viết, ngôn ngữ từ blog thì... không biết đâu mà lần. Tên trộm thời gian... Hỏi về việc sử dụng thời gian vào blog, một blogger thành thật chia sẻ: Nghiện đấy. Một blogger khác thuộc vào hàng “số má” (pageview đã đạt con số trên 1 triệu) tâm sự trên blog của mình: “Tớ có 440 cái nick yahoo trong list, tớ đã delete 200 cái, con số ignore phải gấp nhiều lần, đôi khi có tới 51 người add cùng lúc. Nếu mỗi ngày có khoảng 200 người lên mạng, mỗi người tớ đều nhớ tên, tuổi, tính tình... nói chung đều có thể nói chuyện được, nhưng chỉ cần mỗi người gửi một tin nhắn rồi nói chuyện 5 phút thôi thì mỗi ngày cũng mất của tớ... 1.000 phút”. Cũng đã từng có những ý kiến lạc quan khi hy vọng một nền văn học mạng sẽ được ra đời từ những blog cá nhân. Vậy nhưng sau hơn một năm, cộng đồng blogger tham gia viết lách, diện mạo của blog Việt vẫn chỉ là những hoạt động lấy đi khá nhiều thời gian của giới trẻ. Vẫn là những cuộc đua pageview, vẫn là phong trào “póc tem” (người comment đầu tiên sau mỗi bài viết) hoặc là hàng nhiều giờ lang thang trên các blog để ghi lại dấu ấn của những lần viếng thăm bằng những comment vô thưởng vô phạt. Hiếm hoi lắm mới đọc được một bài viết nghiêm túc, có chất lượng đối với cộng đồng. Những entry có chất lượng được nhiều người đọc phần lớn được lấy từ các trang web hoặc mượn của nhau. Ngược lại, những tác động tiêu cực từ blog, mặc dù không phải là chủ đích chung của cộng đồng blogger nhưng lại gây ra những ảnh hưởng lớn khiến dư luận xã hội đã bắt đầu suy nghĩ đến những biện pháp quản lý blog. Trong khi câu chuyện quản lý blog vẫn còn là một câu chuyện dài, và phải còn rất lâu mới đến hồi kết thì việc xác định một thái độ đúng đắn trong việc chơi blog, trả về cho blog những chức năng đích thực là chuyện cần thiết đối với giới trẻ. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét