Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Gia đình Việt ngày ấy - bây giờ

Bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt một thời còn thiếu thốn giờ đang dần biến mất vì thừa kinh tế nhưng thiếu thời gian. 

Trong những ngôi nhà rộng rãi, xây dựng theo kiểu hiện đại, không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người ăn sau.
Gia đình Việt ngày ấy - bây giờ

Bữa cơm xưa và nay

Xã hội phát triển mang đến cuộc sống ngày càng hiện đại, đầy đủ và cũng kéo theo sự chuyển dịch lớn lao đến từng nhà. Nhịp sống gấp gáp ấy khiến nhiều gia đình chỉ họp mặt đầy đủ vào bữa cơm cuối ngày. Buổi sáng, bố mẹ vội vàng đưa con tới lớp rồi vội vã đến cơ quan. Khi bố mẹ kết thúc công việc trở về nhà cũng là lúc trời đã nhá nhem. Bữa tối của gia đình được mẹ nấu vội vàng, nhanh chóng cho kịp giờ cơm.
Ngày nay, các gia đình ở thành thị thường chỉ có 1 hoặc 2 con.
Đến 7, 8 giờ tối, khi cơm canh đã bày biện xong xuôi trên bàn, cả nhà mới ngồi xuống dùng bữa cơm chung đầu tiên và cũng là duy nhất trong ngày. Ấy là còn chưa kể, có những ngày việc ở cơ quan bận rộn, bố mẹ phải làm thêm giờ, không kịp về dùng bữa tối, hay con cái đi học thêm phụ đạo, năng khiếu lớp buổi tối nên phải ăn sau. Đó là những ngày mà mâm cơm của cả nhà vô cùng trống vắng, nhưng rồi ai cũng quen dần…
Nhiều cặp vợ chồng trẻ không sống cùng bố mẹ lựa chọn cơm hàng thay cho bữa cơm gia đình ở nhà.

Một số bà mẹ trẻ bận rộn bây giờ còn ngại cơm nước, vừa mệt, vừa mất thời gian nên có khi gọi điện đặt luôn dịch vụ “cơm lười” trên mạng internet. Không ít gia đình có nhà riêng, đồ đạc trong nhà đầy đủ, bếp ăn đàng hoàng nhưng gian bếp lại rất ít khi đỏ lửa. Tuần có 7 ngày thì đến 6 ngày đi ra ngoài ăn hàng, nhất là những gia đình vợ chồng mới cưới, chỉ có 2 người nên lại càng ngại nấu nướng. Chỉ nhà nào còn sống chung với ông bà thì may ra còn giữ được cái nếp sinh hoạt từ thời các cụ để lại. Cái thời mà cứ bữa cơm nào cũng phải đông đủ cả nhà thì mọi người mới bắt đầu động đũa mà xung quanh bữa cơm cũng có bao điều đáng bàn.
Một bữa cơm đạm bạc nhưng sum vầy của gia đình Việt xưa.
Thế hệ trước thường rất chú trọng nề nếp ăn uống, sinh hoạt. Ngay từ khi còn nhỏ, những người con trong gia đình đã được cha mẹ rèn thói quen để biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết lễ giáo quanh mâm cơm… Cha mẹ luôn dạy con cái không được dùng đũa cho vào tô canh mà phải dùng một chiếc muỗng riêng. Ngay cả việc dùng tăm sau khi ăn, cả nhà đều ý thức tăm đã dùng sẽ bị bẻ đôi để cả trẻ nhỏ và người lớn đều biết đó là tăm bẩn.

Thật đáng buồn là bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt một thời còn thiếu thốn giờ đang dần biến mất vì thừa kinh tế nhưng thiếu thời gian. Trong những ngôi nhà rộng rãi, xây dựng theo kiểu hiện đại, không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người ăn sau, xô bồ, dần thành nếp quen và coi đó là chuyện thường.
Một gia đình tứ đại đồng đường hiếm hoi ở Việt Nam vẫn còn giữ nếp sinh hoạt từ thời các cụ.
Nhiều bậc cha ông đến giờ vẫn còn nhớ như in cái thời đói kém, ngày chỉ ăn hai bữa là bữa trưa và bữa tối. Chỉ gia đình nào con quan, con địa chủ khá giả mới có tiền ăn quà sáng. Thậm chí, vào giai đoạn bao cấp, kinh tế ách tắc, nhiều lúc thiếu lương thực trầm trọng nên một thời gian dài, nhiều người chuyển sang chỉ ăn một bữa. Ấy là còn chưa kể có những lúc phải ăn độn, ăn cháo, ăn bo bo, khoai, sắn thay cơm. Nhưng trong những bữa ăn đạm bạc ấy, tất cả các thành viên trong gia đình đều góp mặt đông đủ để san sẻ từng miếng khoai, miếng sắn.
Bữa cơm theo kiểu truyền thống của gia đình Việt xưa.
Qua rồi thời gia đình tứ đại đồng đường

Thời nay, mỗi cặp vợ chồng thường chỉ dừng lại ở 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Trong gia đình thường chỉ có 4 thành viên, trừ nhà nào sống chung với ông bà. Chỉ những thế hệ cha chú chúng ta mới thấu hiểu cái thời mà cả nhà có đến gần chục anh chị em, nhiều đứa cách nhau chỉ có một tuổi. Rồi khi bố mẹ đi làm thì đứa lớn trông đứa nhỏ, cứ thế bồng bế nhau chờ bố mẹ về. Đứa nào lớn lớn một tí thì được bố mẹ giao thêm trọng trách như cơm nước, giặt giũ, hay thậm chí là được cho đi làm thuê kiếm thêm tiền phụ gia đình. Cái thời những đứa trẻ còn thò lò mũi xanh đã phải cắp nách đứa em để dỗ dành, cho em ăn khi cha mẹ đi vắng có lẽ giờ chỉ còn trong ký ức của thế hệ cha chú.
Một đại gia đình thời xưa.
Ngày ấy, trai gái chỉ mười tám đôi mươi là đã thành gia lập thất. Với quan niệm an cư thì mới lạc nghiệp, các bậc phụ huynh đều cố gắng lo cho con yên bề gia thất để tập trung làm lụng. Chính vì lấy chồng, lấy vợ sớm nên không ít người khi mới ở tuổi 40 đã lên chức ông bà, 60 đã lên chức cụ. Rất nhiều gia đình tứ đại đồng đường chung sống dưới một mái nhà. Và có lẽ chính vì sự hiện diện của những người cao tuổi mà từng thành viên đều phải nhìn nhau sống cho có trên có dưới. Các cụ, các ông bà tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng lại là cột trụ tinh thần trong mỗi gia đình. Những việc lớn trong nhà, các con cái đều phải thông qua người lớn tuổi nhất.

Các bậc cha mẹ ngày xưa nhường lại quyền hành cai quản gia đình cho người con trưởng khi tuổi đã xế chiều. Quyền trưởng nam từng là một trong những điều trọng yếu của gia đình truyền thống xưa. Có thể nói, việc dạy dỗ con cái trong gia đình, tổ chức các hoạt động trong dòng họ ngày xưa phần lớn đều nghe theo sự sắp đặt của trưởng nam. Ngày nay, chỉ ở những vùng nông thôn là còn đặt nặng vai trò của trưởng nam trong gia đình, dòng họ. Còn hầu hết đều các nơi, trưởng nam chỉ còn giữ vị trí như một người đứng ra tổ chức cho anh em trong dòng họ gặp mặt vào ngày giỗ hay các dịp lễ lạt.
Những gia đình tứ đại đồng đường như thế này không hiếm gặp thời xưa.
So với thời ấy, số lượng thành viên trong các gia đình ngày nay có lẽ chỉ bằng một nửa. Trong mái ấm nho nhỏ ấy, cha mẹ có điều kiện chăm lo kỹ càng hơn cho con cái. Không chỉ cái ăn, cái mặc, không gian sống của các con cũng được các ông bố, bà mẹ chú trọng. Nhiều đứa nào bắt đầu đến tuổi đi học cũng được bố mẹ thu xếp cho phòng riêng, tha hồ bày biện không gian riêng của mình theo sở thích.
Gia đình xưa thường rất đông con.
Nhớ lại một thời, nhà nào cũng được xây theo kiểu ba gian, riêng tư lắm cũng chỉ ngăn bằng một tấm rèm. Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười từ gian này vang sang gian bên cạnh, cha mẹ chỉ cần ngó đầu là biết các con đang làm gì, đang học hay đang chơi. Nhà có mấy anh chị em thì cứ 2, 3 đứa chung nhau một cái giường hay cái phản. Chật thì có chật nhưng cũng thật vui.
Những cô bé, cậu bé còn nhỏ xíu đã được dạy làm việc nhà, việc đồng áng giúp cha mẹ.
Sự thay đổi trong lối sống và nề nếp của các gia đình hiện nay có lẽ là một xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của toàn xã hội. Nhưng dù đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn.
Theo: soha.vn
______________________________________________
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét