Tôi đã mơ về Zone 9 như vậy khi có đến hàng chục bài báo ví von nơi này chính là một Paris thu nhỏ. Nghĩa là một chút hoài cổ của rong rêu phủ kín trên mảng tường ẩm ướt hàng chục năm, hay đường cong uốn lượn của những tay vịn cầu thang với lối đi lập lòe ánh sáng, tự nhiên cấu thành khu nhà cũ ở Paris chăng ? Hoặc giả định tương tự, nơi này xưa kia do chính tay người Pháp xây dựng để rồi trở thành nhà kho của Xí nghiệp dược phẩm TW2 và sau này là một bãi phế tích trước khi Zone 9 ra đời.
Nhưng những phán đoán trên chỉ đúng một phần rất nhỏ, cho đến khi tự mình đặt chân đến "khu vực số 9", mới thấy kỳ thực có đến hàng trăm ô cửa sổ vuông vắn xếp thẳng hàng, cứ vài ô lại phân thành một lô riêng biệt. Cũng chính sự khuôn mẫu đến hoa mắt này lại làm nên một nét rất riêng ở Zone 9. Không như những gì tôi từng tưởng tượng, sự kỳ thú để ví von Zone là một Paris thu nhỏ nằm ở cách biến hóa mỗi lô nhà vuông vức, khô khan ấy trở thành bầu không gian khiến bất cứ ai đặt chân đến đều phải hít thở thật chậm trước khi lịm đi vì sung sướng.
Toàn cảnh Zone 9 nhìn từ tòa nhà 1960 đang sửa chữa.
Nơi đây từng bị bỏ hoang trong nhiều năm tháng.
Buổi sáng ở Zone 9Có quá nhiều lời khuyên bạn nên đến Zone 9 vào buổi tối để thấy rõ cuộc sống về đêm của người trẻ Hà Nội, và một phần cũng vì có những hàng quán chỉ hoạt động về đêm, khi những ánh đèn lung linh đủ màu sắc được thắp lên và loa đài hoạt động hết công suất. Nhưng vì muốn ghi lại hình ảnh buổi sớm với những cô nàng ngồi ghế sắt trên vỉa hè, nhấp môi uống latte và dùng tay bẻ một mẩu bánh sừng bò, thế nên tôi dứt khoát đến vào buổi sáng, bỏ qua mọi lời khuyên hoặc ý định tìm… hướng dẫn viên du lịch.
Thế nhưng chẳng có ai ngồi trên vỉa hè cả, ở đây thậm chí không có vỉa hè mà chỉ có lối đi phủ đầy bụi và ướt nhẹp từ những công trình ngổn ngang. Bởi vì quá bán nơi này vẫn đang trong quá trình sửa sang, hoặc vẫn còn chưa thức giấc, nên điều cần làm là kiếm tạm một chỗ dừng chân.
Và Ladurée Cafeshop chính là cửa tiệm mặt tiền "đập vào mắt" tất cả những ai còn tồn tại ý định kiếm chỗ ngồi. Thật ra như đã nói, kiến trúc của phần lớn các cửa hàng ở Zone 9 đều giống nhau vì được phân lô từ tòa nhà tập thể, nên trừ khi chủ nhân của nó chi mạnh tay để tái thiết lập không gian, còn nếu không mỗi cửa hàng sẽ chỉ là… một căn phòng rộng mênh mông. Ladurée là kiểu giản đơn như vậy, chỉ có thêm một gác xép nhỏ xíu, nhưng vẫn nườm nượp khách vào ra trong buổi sáng sớm. Hình như chủ quán cũng chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho việc này, nên chỉ có một nhân viên phục vụ và một bartender vừa làm việc vừa thở hồng hộc.
Ladurée Cafeshop mang hơi hướm cổ điển phương Tây.
Cách bài trí nhẹ nhàng, ấm áp, mang một chút dấu vết của thời gian.
Đến Ladurée ngoài việc uống cà phê còn là nơi phù hợp để chụp ảnh.
Điều giúp Ladurée vẫy tay gọi khách chính là bàn ghế, đồ decor và những mảng tường phủ sơn rất thời trang. Thế nên có người vừa uống sinh tố, vừa trang điểm chỉ để làm một việc ngay sau đó – đứng vào tường và chụp ảnh. Nghe có vẻ buồn cười nhưng hai bức tường của Ladurée từng xuất hiện trong hàng chục bộ hình thời trang và là địa điểm được ghé thăm nhiều nhất trong một cuộc thi tìm kiếm stylist.Xu hướng đồ nội thất đang cực kỳ thịnh hành hiện nay chính là… nội thất cũ của những năm 90 trở về trước. Đúng như người ta thường nói, cà phê đi đôi với thời trang. Và khi những thứ phủ lên người là sự quay vòng theo năm tháng, thì bàn ghế, nhà cửa và thậm chí là cốc thủy tinh đựng sinh tố cũng phải vintage "xưa ơi là xưa". Ở Sài Gòn có rất nhiều tiệm cà phê đi đầu xu thế này, như Things hay L’Usine. Đặc biệt hơn nữa là bên cạnh hoặc trong chính tiệm cà phê đó, chắc chắn sẽ phải là một cửa hàng thời trang.
District01 tái hiện cuộc sống vui tươi, đông đúc của các bạn trẻ hiện đại.
Không gian ở District01 đem đến rất nhiều cảm hứng sáng tạo.
Hành lang xuất hiện trong nhiều MV ca nhạc.
Thế nên chủ nhân của Ladurée và cả District01 nằm trên tầng 2 sưu tầm đủ các thể loại sofa, salon, bàn ghế gỗ… làm không gian tưởng chừng rộng mênh mông bỗng nhộn nhịp, ấm cúng vô cùng. District01 tuy nằm ở một góc kín trên tầng 2 nhưng đông khách từ tận… hành lang – một nơi rất thích hợp để chụp ảnh. Không gian cửa tiệm được chủ nhân – stylist Hoàng Ku bố trí rất nhiều ánh sáng trắng, sạch sẽ, thoáng mát thay vì "phủi bụi" như đa phần ở Zone 9.Vì luôn có người ngắm nhìn
Một trong những yếu tố làm nên thú vui ở Zone 9 chính là… khách đến đây. Có 2 lý để thường xuyên góp mặt tại Zone 9, một là vì bạn luôn ăn mặc đẹp khi ra đường và muốn có người ngắm nhìn, hai là bạn muốn tìm kiếm vài thứ cho mình đẹp hơn.
Bước chân vào Merceria, không gian vintage bao trùm tất cả từ phục trang, mannequin cho đến những chiếc lồng chim lơ lửng bên ô cửa kính. Nhắm đến đối tượng khách hàng là các cô gái thành thị yêu thích sự lãng mạn, cổ điển, Merceria dường như làm thỏa mãn cả những tay máy nam giới bất chợt ghé ngang qua. Chính bởi sự chỉn chu từ những tiểu tiết nhỏ xíu cho đến ý tưởng sáng tạo từ những món decor không đụng hàng đã làm nên một Merceria xứng tầm với vị trí mặt tiền.
Chút nữ tính ở cửa tiệm Merceria.
Những món đồ decor đều không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Còn nếu như ghé thăm Consignista - mô hình Nhà kho ký gửi, sẽ rất... "loạn não" nếu cố đọc và hiểu cách thức gửi hàng, chia lợi nhuận... Nhưng đến đây với tâm lý của một người mua hàng thì chắc chắn sẽ bắt gặp hàng tá bạn trẻ "canh me" hàng mới vào buổi sáng. "Cũ người mới ta" là tiêu chí của nhà kho, gần giống với việc chúng ta thường xuyên góp mặt tại các phiên chợ flea market, nhưng nhà kho hoạt động liên tục và cập nhật hàng mới mỗi tuần. Đây cũng là một trong những địa điểm tiên phong và nổi bật nhất khi nhắc đến Zone 9.Đích đến của nghệ thuật
Thật ra, nơi đông người đến Zone 9 nhất vào buổi sáng lại không phải là một quán cà phê hay cửa hàng thời trang, mà là MSpace - tòa lâu đài chỉ để chụp ảnh cưới. Mặc dù nằm ở góc trong cùng nhưng MSpace nổi trội hơn hẳn chờ chiếc cầu thang sắt xoáy vỏ đỗ, dẫn lối lên một không gian nghệ thuật đậm hơi hướm Châu Âu cổ điển.
MSpace - địa điểm chụp ảnh cưới đắt khách nhất hiện nay.
Thủy - chủ nhân của MSpace là một cô gái rất trẻ, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè đã cho ra đời studio "đắt như tôm tươi" này. Không gian của MSpace không quá rộng, chỉ khoảng 3 căn phòng được bài trí cực kỳ tỉ mỉ và khéo léo. Vì sao nói nơi đây đông người nhất, bởi tôi thậm chí không được đứng yên một chỗ trong vòng một phút vì phải nhường chỗ cho các tay máy chọn lựa góc đẹp nhất.Liền kề với MSpace và một nơi không ai có thể bỏ qua khi đến đây - Barbetta Republic. Nếu nói vì sao con người ta có thể lịm đi trong một khoảng không gian đẹp và cá tính đến từng milimet, thì Barbetta đích thị là một minh chứng hoàn hảo thay cho câu trả lời. Mọi món đồ trang trí được giăng trên trần nhà hoặc nằm im lìm trong góc phòng cũng đều khiến giới điệu mộ nghệ thuật phải nghiêng đầu suy ngẫm, tò mò và thích thú khi phát hiện ra sự thật.
Ví như một chiếc máy hút gió được dùng để làm chao đèn, thanh giảm sốc xe máy làm thành chân ghế, biển số xe ốp viền quầy bar với hàng trăm chiếc ly úp ngược tỏa ra ánh sáng. Buồn cười nhất là cái toilet nhuốm màu hồng được ốp sàn từ những viên đá hoa tưởng chừng như tuyệt chủng từ chục năm về trước. Sẽ là chây lì nếu như cố nán lại Barbetta từ sáng đến tối, nhưng đến một lần để rồi trở lại thêm nhiều lần nữa là điều không có gì khó hiểu.
Barbetta Republic - điểm nhấn nổi bật của Zone 9.
Thanh cảnh trong buổi sớm mai.
Căn phòng không thể lý tưởng hơn để tụ tập hội nhóm.
Bí ẩn một chút là không gian trưng bày nghệ thuật Tadioto với cánh cửa gần như chẳng mấy khi mở. Chủ của nó chính là nhà văn/dịch giả Nguyễn Quý Đức, người nổi tiếng với danh hiệu "trùm đồ cổ" và cũng là một kiến trúc sư danh tiếng tại Hà Nội. Sự góp mặt của ông tại Zone 9 là một điều quý giá cho các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận dễ dàng hơn.Trái ngược với những địa điểm kể trên, Nhà Sàn Collective là không gian nghệ thuật duy nhất không xen lẫn giá trị thương mại bên trong nó. Nằm im lìm trên tầng 3, nhiều người chỉ thực sự biết đến sự tồn tại của Nhà Sàn khi vô tình bước chân lên đây, để rồi nhanh chóng bị cuốn vào không gian đầy mê hoặc của những người trẻ yêu thích sự sáng tạo.
Nhà Sàn Collective mang không gian triển lãm đến gần hơn với người trẻ.
Những món đồ khó tìm thấy được trưng bày tại Nhà sàn.
Một trong 3 người sáng lập nên Nhà Sàn Collective là nghệ sỹ đương đại Phương Linh, nơi được chị và những người bạn bỏ tiền túi để thuê địa điểm và tổ chức những buổi triển lãm, sắp đặt nghệ thuật. Mới đây nhất, triển lãm tái hiện không gian thời bao cấp của Nhà Sàn thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng, dù rằng chủ yếu mọi người "mách nhau" đến đây qua con đường truyền miệng.Bất ngờ hơn nữa là các triển lãm của Nhà Sàn có sự phối hợp giúp đỡ của các bảo tàng tại Hà Nội, nơi mà nhiều người vẫn cho là vắng vẻ, khô khan. Nỗ lực đem những giá trị nghệ thuật đến gần hơn với công chúng của Nhà Sàn Collective cho thấy nhiệt huyết vô bờ bến của những người trẻ, chắc chắn Nhà Sàn sẽ trở thành một "bảo tàng" thu nhỏ nhưng đủ lớn để làm thay đổi thói quen thưởng thức công chúng.
Có lẽ giờ chưa đến lúc người ta tận hưởng buổi sáng ở Zone 9 theo cách an nhàn trên hè phố ngắm người qua lại, hoặc ý nghĩ đó chỉ là giả định, bởi thực tế người ta không ví nơi này là Paris thu nhỏ chỉ bởi cách con người hưởng thụ nó. Zone 9 là nơi tập hợp những cá tính, những gam màu rất khác trong một sân chơi chung có tên gọi là nghệ thuật, và mọi cá thể góp phần làm ra thế giới "Paris tí hon" này đều là những người lao động nghiêm túc và miệt mài góp lại thành một bức tranh lung linh, tráng lệ. Đó chẳng phải là những gì người ta nghĩ ngay đến Paris của một thời "Hội hè miên man" đấy hay sao?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét