Liệu TQ có thắng Mỹ trong cuộc "chạy đua vũ trang" hiện nay không?
(Kienthuc.net.vn) - Báo chí Trung Quốc năm 2013 thường xuyên nhắc tới tàu sân bay Liêu Ninh, tiêm kích hạm J-15, trực thăng chiến đấu WZ-10... Năm 2013, thế giới vẫn có nhiều biến đổi về địa chính trị, vị thế của các quốc gia đang định hình lại, hoặc là vươn lên khẳng định vị thế cường quốc, hoặc là muốn duy trì thế giới đơn cực, hoặc là thích ứng với các mối đe dọa mới. Chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng thể hiện rõ xu thế này. Có thể nói, Trung Quốc vẫn kiên trì chiến lược quân sự phòng ngự tích cực có tính đến bối cảnh mới và có bước phát triển mới. Chiến lược quân sự mới của Trung Quốc nêu rõ, Quân đội Trung Quốc tích cực thúc đẩy cuộc cách mạng quân sự mang màu sắc Trung Quốc, đẩy mạnh xây dựng quân đội tin học hóa, đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Ảnh minh họa. |
Chính quyền Trung Quốc đã công khai nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục giành sự chú ý ưu tiên cho việc phát triển quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng. Trong năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,7% lên 720,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 115,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Lầu Năm góc Mỹ đây mới chỉ là con số được công bố, còn chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc ước tính khoảng 180 tỷ USD. Việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, chủ yếu nhằm mục đích hiện đại hóa quân đội, mua sắm, nâng cấp, cải tiến và phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật mới.
Những năm gần đây Quân đội Trung Quốc đã đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí trang bị mới, nổi lên là 10 loại vũ khí trang bị tiêu biểu mới nhất gồm:
1. Tàu sân bay Liêu Ninh
Ngày 25/9/2012, tàu sân bay đầu tiên, mang tên Liêu Ninh chính thức được Ukraine bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao của nước này.
Theo đó, Trung Quốc chính thức bước vào thời đại tàu sân bay, trở thành nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng sở hữu loại tàu chiến này. Rõ ràng, đây là một cột mốc trên con đường phát triển đáng chú ý của Hải quân Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Liêu Ninh vốn là con tàu “sắt vụn” Varyag mua lại từ Ukraine năm 1998 và sau nhiều năm cải tạo, Trung Quốc đã hoàn chỉnh con tàu với các hệ thống trang bị nội địa. Liêu Ninh có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 302,3m, thủy thủ đoàn 2.000 người. Tàu có khả năng chở 26 máy bay tiêm kích trên hạm J-15 và 32 máy bay trực thăng chống ngầm. Mặc dù đã gia nhập Hải quân Trung Quốc nhưng con tàu còn đang trải qua quá trình huấn luyện thủy thủ, phi công tiêm kích hạm.
Tàu sân bay Liêu Ninh. |
Theo giới chuyên gia, việc Hải quân Trung Quốc bắt đầu đưa tàu sân bay xuống khu vực Biển Đông hôm 26/11 vừa qua là để bắt đầu quá trình huấn luyện thử nghiệm, song cũng là động thái hết sức đáng chú ý trong bối cảnh thực tế là khu vực này còn đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, thậm chí hoạt động này có thể xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác trong khu vực.
Một số nhận định cho rằng, thông qua hoạt động của Hải quân Trung Quốc, rất dễ có thể nhận thấy Trung Quốc đang dần dần hiện thực hóa tham vọng “Đường lưỡi bò” bao trọn gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan trong đó có Việt Nam mà Trung Quốc đã tuyên bố.
Tất cả các hoạt động xuất phát từ phía Trung Quốc đều được tính toán kỹ lưỡng, được sự yểm hộ chặt chẽ và cụ thể của các bộ ban ngành từ chính trị, ngoại giao đến quân sự, của nước này.
Lần tiến xuống Biển Đông của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc thực tế là để khoe với các nước láng giềng về con tàu này, đồng thời là phép thử tiếp theo, gần hơn, mạnh hơn, có sức răn đe lớn hơn mà Trung Quốc đang nhắm vào các quốc gia lân cận trong khu vực.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để tàu sân bay Liêu Ninh thực sự phát huy được khả năng tác chiến còn phải trải qua rất nhiều thời gian, nhưng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là một hình ảnh thu nhỏ của con đường hiện đại hóa quân đội 30 năm qua của Quân đội Trung Quốc.
2. Tiêm kích hạm J-15
Đi kèm sự kiện tàu dân bay Liêu Ninh là tiêm kích trên hạm J-15. Đây là chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất dành riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh. Ngày 25/11/2012, chiếc J-15 đầu tiên đã cất và hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hoàn thiện từng bước trước khi đưa J-15 vào sản xuất hàng loạt để trang bị cho tàu sân bay duy nhất của mình.
Dự án J-15 ra đời vào năm 2001, sau khi Trung Quốc mua được một chiếc Su-33 của Liên Xô từ Ukraine. Đây là dự án được phát triển và nghiên cứu chung bởi Viện Nghiên cứu 601 của Hải quân Trung Quốc và Tổng công ty hàng không Thẩm Dương.
J-15 được trang bị 2 động cơ công suất cao WS-10 (có nguồn cho là AL-31F Nga) và hệ thống thiết bị cất hạ cánh với cáp hãm đà mới. Theo đó, cánh của máy bay J- 15 có thể gập lại ở 2 bên, mang lại khả năng chiến đấu tuyệt vời và đáp ứng những yêu cầu đặc biệt trong khả năng cơ động cao, có thể sử dụng tốt các vũ khí trong nước, do có hệ thống tương thích, J-15 tác chiến ở cả trên biển và trên không.
Tiêm kích hạm J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. |
Các vũ khí của J-15 gồm tên lửa không đối không PL-8, PL-12 hay tên lửa chống hạm YJ-83K, một số loại bom dẫn đường thông minh. Giới truyền thông Nga kết luận, J-15 là một bản sao từ loại tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga, bởi tất cả thiết kế khí động học của J-15 đều giống với máy bay của Nga.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại phản bác rằng, máy bay chiến đấu của họ được trang bị công nghệ vượt trước máy bay của Nga và có thể so sánh với các loại máy bay tiêm kích trên hạm đăng cấp trên thế giới như F/A-18 Super Hornet của Mỹ và Rafale của Pháp.
Trung Quốc bắt đầu chế tạo hàng loạt chiến đấu cơ J-15 từ cuối tháng 11/2013 và việc chuyển giao dòng chiến đấu cơ này cho Hải quân Trung Quốc đã được tiến hành. J-15 hiện trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Đầu tháng 12/2013 Trung Quốc phát đi thông báo, sẽ phát triển chiến đấu cơ J-15 phiên bản đặc chủng dành cho hải quân J-15. Phiên bản đặc chủng của J-15 sẽ có 2 chỗ ngồi để dành cho các nhiệm vụ đặc biệt như: Đối kháng điện tử và tiếp liệu trên không. Dự kiến, phiên bản tiếp liệu trên không của J-15 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong 3-5 tháng tới, còn thời điểm thử nghiệm phiên bản đối kháng điện tử chưa được xác định.
3. Tiêm kích tàng hình J-31
Báo chí Trung Quốc cho rằng J-31 có thể được dùng làm tiêm kích hạm cho tàu Liêu Ninh. |
Một loại vũ khí khác của Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm đó là tiêm kích tàng hình J-31 thế hệ thứ 5 do Tập đoàn Hàng không Thẩm Dương phát triển. Cách mà J-31 lộ diện cũng giống như cách mà J-20 xuất hiện năm 2011, ban đầu là một số hình ảnh mờ mờ, ảo ảo trên các trang mạng Trung Quốc. Theo các chuyên gia phân tích, đây dường như là sự rò rỉ thông tin có chủ ý hơn là vô tình. Việc đăng các tấm ảnh này không thể thực hiện nếu không có sự cho phép từ Chính quyền Bắc Kinh.
Qua các bức ảnh, J-31có kiểu dáng giống F-22 nhìn từ bên hông và giống F-35 nếu nhìn phía trước. J-31 được thiết kế ứng dụng công nghệ tàng hình về kiểu dáng và sơn phủ bên ngoài. Nhiều khả năng, J-31 sẽ là máy bay tiêm kích trên hạm tương lai trên tàu sân bay Liêu Ninh hoặc tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng.
Tuy nhiên, để J-31 có thể đi vào phục vụ, có thể Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian nữa. Nhất là khi nước này vẫn chưa thể làm chủ công nghệ động cơ hàng không thế hệ 4+. Mặc dù tiêm kích tàng hình J-31 chưa bay, song Trung Quốc đã rêu rao và tính đem xuất khẩu.
4. Trực thăng chiến đấu Z-10 và Z-19
Hai loại máy bay trực thăng chiến đấu do Trung Quốc tự chế tạo gồm Z-10 và Z-19 đã luôn được giới truyền thông quốc tế quan tâm. Tháng 11/2012, Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại 2 trực thăng này tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 9.
Trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10. |
Theo đánh giá của các chuyên gia thì hai loại máy bay này đứng vào top 3 trong số các máy bay trực thăng cùng loại trên thế giới. Máy bay trực thăng chiến đấu luôn bị phương Tây cho là điểm yếu trong trang bị Quân đội của Trung Quốc. Z-10 và Z-19 đã loại bỏ quan niệm này, nó phản ánh trình độ nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng của Trung Quốc đã đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Z-10 là trực thăng chiến đấu do Công ty công nghiệp máy bay Xương Hà và Tổng công ty chế tạo máy bay Cáp Nhĩ Tân cùng nghiên cứu phát triển. Bề ngoài trông khá giống máy bay AH-64 Apache của Mỹ. Z-10 dài 14,15m, cao 3,85m, trọng lượng 5,54 tấn, tốc độ bay tối đa 300km/h, bán kính hoạt động 800km.
Dư luận Mỹ thì cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ của hãng Pratt & Whitney, nên mới có thể chế tạo được loại trực thăng tấn công hiện đại Z-10. Còn Z-19 là máy bay trực thăng tấn công nhẹ hơn Z-10. Toàn bộ khung máy bay và động cơ của Z-19 được cho là sao chép từ máy bay AS365 Dauphin của Pháp. Z-19 có trọng lượng 4,5 tấn, tốc độ bay tuần tiễu 245km/h, tầm hoạt động tối đa 700km.
Trực thăng chiến đấu hạng nhẹ WZ-19. |
Tháng 9/2013, các phương tiện truyền thông Trung Quốc loan tin, trực thăng chiến đấu tối tân nhất nước này Z-10 và Z-19 là lựa chọn khả thi trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh. Theo lý giải báo chí Trung Quốc, trực thăng là loại máy bay rất quan trọng của tàu sân bay. Trực thăng chiến đấu không gặp bất kỳ khó khăn kỹ thuật nào trên tàu sân bay, thậm chí là có ưu thế hơn máy bay chiến đấu cánh cố định. Máy bay trên hạm của Liêu Ninh không thể toàn là máy bay chiến đấu như J-15, mà không gian còn lại có thể dành cho trực thăng.
Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, 3 tàu đổ bộ lớp Type 071 Côn Luân Sơn và thậm chí tàu khu trục, tàu hộ vệ đều có thể được trang bị trực thăng Z-10 hoặc Z-19 trở thành lực lượng tấn công trên biển bổ trợ cho tàu mẹ.
5. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41
Tháng 7/2012, Trung Quốc lần đầu bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 (DF-41). Đầu năm 2013, thông tin về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 không xuất hiện nhiều, song Trung Quốc vẫn sử dụng truyền thông đưa tin mờ ảo để nhằm mục đích khẳng định Trung Quốc vẫn đang ngầm phát triển loại tên lửa này và thị uy sức mạnh răn đe.
Bệ phóng tự hành tên lửa đạn đạo DF-41. |
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, DF-41 được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo SS-27 của Nga. Tên lửa có trọng lượng khoảng 63,5 tấn, dài 16,5 m. Tên lửa thiết kế với ba tầng động cơ nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tối đa tới 12.000 km, tốc độ bay gấp 25 lần vận tốc âm thanh.
Đặc biệt, DF-41 là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc có khả năng mang theo 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập nên sức tàn phá có thể nói rất khủng khiếp. Tuy Trung Quốc nhiều lần tuyên bố họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên mà chỉ nhằm để phản công mội cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào họ. Nhưng thông tin cuộc thử DF-41 đã làm giới chức Mỹ hết sức lo ngại khi với tầm bắn có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
6. Máy bay không người lái HQ-4 Xianglong
HQ-4 Xianglong do Tổ hợp hàng không Quý Châu và Viện thiết kế máy bay Thành Đô hợp tác phát triển. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn bề ngoài HQ-4 Xianglong của Trung Quốc khá giống RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Nhưng phần mũi máy bay có vẻ rộng hơn để lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh. Điểm đặc biệt của HQ-4 Xianglong là có kết cấu cánh khác thường.
HQ-4 Xianglong được trang bị động cơ phản lực, có trọng lượng cất cánh 7,5 tấn, dài 14,3 m, sải cánh 25 m, cao 5,4 m, vận tốc 750 km/h, cự ly bay 7.000 km.
HQ-4 thiết kế với kiểu dáng cánh kỳ quái. |
Nhiệm vụ chính của HQ-4 Xianglong dùng để chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa đối hạm mới DF-21D – loại tên lửa Trung Quốc đang phát triển để đối phó với tàu sân bay Mỹ.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa ra kết luận rằng, HQ-4 Xianglong tốt hơn RQ-4 Global Hawk của Mỹ về tốc độ và tầm hoạt động. Đầu năm 2013, HQ-4 Xianglong xuất hiện vẫn trong khuôn mẫu mô phỏng, và được truyền thông nước này rêu rao là loại máy bay trinh sát không người lái khủng nhất của Trung Quốc.
7. Siêu máy bay vận tải Y-20
Vận tải cơ hạng nặng tầm chiến lược Y-20 được báo chí Trung Quốc ca tụng sẽ tăng cường khả năng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc sau chuyến bay thử thành công vào ngày 26/01/2013. Máy bay Y-20 có chiều dài 47m, sải cánh 45m, có thể chở xe tăng hạng nặng nhất của Trung Quốc Type-99A2.
Giới truyền thông Trung Quốc còn quảng cáo là Y-20 có thể chuyên chở khí tài, binh sĩ đến tận lãnh thổ Guam của Mỹ hay Ai Cập mà không cần tiếp nguyên liệu.
Tuy nhiên, thực tế, Y-20 thua xa so với Boeing C-17 Globemaster 3 của Mỹ với lý do thiết kế khí động lực khá bảo thủ và thiếu động cơ.
Mẫu thử đầu tiên của máy bay vận tải chiến lược Y-20. |
Còn các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định Y-20 không chỉ giúp cải thiện khả năng triển khai quân nhanh chóng mà còn cung cấp một phương tiện vận chuyển đáng tin cậy cho các máy bay chống tàu ngầm, tiếp nhiên liệu trên không hay cảnh báo sớm do nước này sản xuất. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Y-20 mở ra thời kỳ Trung Quốc không còn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga về máy bay vận tải quân sự hạng nặng.
Trung Quốc cần ít nhất 100 chiếc Y-20 để nâng cao khả năng mở rộng sức mạnh trên toàn cầu và ít nhất 300 chiếc để có thể cạnh tranh với Mỹ. Tính đến nay Trung Quốc đã sản xuất 2 mẫu Y-20 và chiếc vừa bay thử nghiệm dùng động cơ phản lực D-30KP-2 được nhập khẩu từ Nga.
8. Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99A2
Sau một thời gian tích cực nghiên cứu chế tạo trang bị kỹ thuật tăng thiết giáp mới, đến nay, xe tăng chiến đấu Type-99A2 kiểu mới nhất của Trung Quốc đã bắt đầu được trang bị cho Lục quân Trung Quốc.
Type-99A2 là phiên bản cải tiến mới nhất của xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99, loại xe được công khai lần đầu tiên vào năm 1999. Ngoại hình ban đầu của dòng xe tăng này có rất nhiều điểm giống với xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M của Nga. Có tin cho biết, Trung Quốc từng thông qua các kênh đặc biệt để bí mật sở hữu được một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99. |
Mặc dù trên xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99A2 mới vẫn còn có thể nhìn thấy một phần đặc tính di truyền của xe tăng T-72, nhưng các thành phần của nó có thể đã được cải tiến bằng công nghệ Trung Quốc. Hệ thống vũ khí trên Type-99A2 rất hiện đại với pháo 125mm, tên lửa chống tăng dẫn bằng laser, súng máy 12,7 mm. Đạn pháo có khả năng xuyên giáp và công sự bê tông dày 850mm. Hệ thống tiếp đạn tự động cho tốc độ bắn 8 phát/phút.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn trang mạng Bình luận Quân sự Nga, 5 năm gần đây Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo xe tăng kiểu mới Type 99A2 trên nền tảng Type 99. Năm 2009, đã có một số chiếc Type 99A2 bắt đầu được dùng thử nghiệm trong Quân đội Trung Quốc. Hiện nay dự án này đã đi tới bước cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo các chuyên gia quân sự, thiết kế Type 99A2 khác hẳn với nền tảng Type 99. Theo đó, phần phía trước thân của Type 99A2 và tháp pháo được thiết kế với lớp giáp phòng vệ mạnh hơn, mật độ lượng thép phòng vệ tương đối cao, có thể chống chịu hiệu quả các đòn tấn công từ xe tăng Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài giáp bị động, xe tăng Type 99A2 còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động kiểu mới.
Hình ảnh loại xe tăng "lạ" được cho chính là Type 99A2 của Trung Quốc trên một đoàn tàu quân sự. |
Về mặt hỏa lực, Type 99A2 trang bị pháo cỡ nòng 140mm bắn được nhiều loại đạn có thể chọc thủng lớp thép bọc phía trước của xe tăng hiện đại, thậm chí là cả giáp trước xe tăng hiện đại nhất Lục quân mỹ M1A2.
Thậm chí, theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã chế tạo thành công đạn xuyên giáp sabot với đầu xuyên bằng Uranium không thua kém sản phẩm của Mỹ. Và có báo cáo cho rằng, loại đạn này đã được bắn thử nghiệm trên pháo cỡ nòng 140 mm. Ngoài ra, pháo 140mm này có thể bắn đạn tên lửa chống tăng dẫn đường bằng lade nhập khẩu từ Nga.
Nhưng là do công nghệ của loại pháo mới 140mm này vẫn không phải là hoàn hảo. Vì vậy vũ khí chủ yếu của xe tăng Type 99A2 có thể vẫn là pháo nòng trơn 125mm sao chép công nghệ Liên Xô (Nga) và có thể kết hợp với hệ thống nạp đạn tự động. Hoàn Cầu nhận định, đối đầu với xe tăng tiên tiến của châu Âu và Mỹ thì pháo 125mm không phải là lựa chọn tốt.
Vũ khí phụ trên Type 99A2 sẽ gồm đại liên phòng không QJG02 cỡ 14,5mm có uy lực mạnh hơn so với đại liên QJC88 12,7mm dùng trên Type 99, súng máy 7,62mm.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của Type 99A2 cũng được cải thiện. Theo đó, hệ thống này gồm các thành phần: máy đo xa lade; thiết bị quan sát nhiệt ảnh (có tầm hoạt động hiệu quả là 7-9km, tuổi thọ 4.000 giờ); máy tính đường đạn; các bộ cảm biến (thiết bị cảm biến theo dõi điều kiện khí hậu và độ cong của nòng pháo); hệ thống theo dõi mục tiêu tự động. Trên tháp pháo được gắn thiết bị quan sát màu.
Ngoài ra, nhiều khả năng Type 99A2 có thể trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và trong tương lai là cả hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc. Nó sẽ giúp không chỉ có thể nâng cao độ chính xác trong việc xác định vị trí của xe tăng đối phương, mà còn có thể nâng cao tính chính xác của đội ngũ lái tăng trên chiến trường.
Type 99A2 được cải tiến mạnh về hệ thống điều khiển hỏa lực, giáp bảo vệ, động cơ. |
Về thiết kế trang bị hệ thống động lực xe tăng, các chuyên gia cho rằng động cơ Type 99A2 phân phối theo chiều dọc chiếm không gian tương đối lớn, hạn chế khả năng nâng cấp của nó.
Về kiểu loại động cơ, Type 99A2 có thể sử dụng động cơ công suất lớn hơn dựa trên động cơ 150HB 1.200 mã lực trang bị trên Type 99 và có thể đạt tới mức tương đương động cơ MTU MT883 1.500 mã lực của Đức.
Theo Hoàn Cầu, động cơ diesel kiểu mới đã được thử nghiệm trên xe tăng Type 98 cho thấy tốc độ trên đường quốc lộ đạt 80km/h, tốc độ trên đường có chướng ngại vật đạt 60km/h. Ngoài ra, hệ thống thanh lọc không khí động cơ xe tăng Type 99A2 sử dụng bộ lọc đôi, tương đối giống với xe tăng M1A2 của Mỹ.
9. Tàu khu trục thế hệ mới Type 055
Cuối năm 2012, các trang mạng quân sự Trung Quốc đã xôn xao khoe về tàu khu trục tên lửa thế hệ mới Type 055. Theo nguồn tin từ trang mạng, bàn thiết kế tàu khu trục đã được hoàn thiện, tàu được thiết kế với tính tàng hình mạnh, giảm tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện tử.
Type 055 có lượng giãn nước đầy tải 12.000 tấn, dài 183 m, rộng 22 m, được trang bị động cơ cải tiến QC-280 do Trung Quốc sản xuất, vận tốc tối đa 30 hải lý/giờ. Type 055 lắp hệ thống radar mảng pha chủ động đa chế độ thế hệ mới có tầm hoạt động 600 km. Nó có thể giám sát và kiểm soát hàng trăm mục tiêu. Tàu còn có hệ thống truyền tải dữ liệu chiến đấu chuẩn tương tự như Hệ thống dữ liệu Link-16 của NATO.
Ảnh đồ họa tàu khu trục Type 055. |
Tàu khu trục Type 055 được trang bị hệ thống vũ khí đồ sộ gồm tháp pháo tầm xa 155 mm; 2 hệ thống ống phóng thẳng đứng với 64 ống/hệ thống (tích hợp phóng tên lửa đối không tầm xa HQ-10, tên lửa hành trình đối đất, tên lửa chống tàu ngầm); tên lửa chống tàu mặt nước YJ-83; hệ thống phóng ngư lôi WHH004 dùng để chống tàu mặt nước; hệ thống pháo phòng không siêu tốc 30 mm Type-1130 với tốc độ bắn 10.000 phát/phút. Hiện nay, pháo Type-1130 đã được trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh.
Ngoài ra, tàu khu trục Type 055 có thể chở được 2 máy bay trực thăng săn tàu ngầm. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, hỏa lực của Type 055 cao gấp 3 đến 5 lần so với tàu khu trục Aegis Arleigh Burke và gấp 2 lần hỏa lực của tàu tuần dương Aegis Ticonderoga của Hải quân Mỹ.
Type 055 trang bị tên lửa đối không tầm xa HQ-10. Ảnh minh họa |
10. Tàu đổ bộ tiến công Type 081
Type 081 có kích thước lớn hơn rất nhiều so với loại tàu đổ bộ lớn nhất biên chế của Hải quân Trung Quốc hiện nay là Type 071. Type 081 được thiết kế với hai đài chỉ huy tách biệt, có hai thang máy ở hai bên sườn tàu để vận chuyển máy bay trực thăng từ trong hầm chứa lên mặt boong.
Tàu đổ bộ Type 081 dài 211 m, tải trọng tối đa khoảng 20.000 tấn, có thể chở theo 8 máy bay trực thăng hạng nặng và 1.068 binh sĩ. Trên boong tàu có thể tổ chức cất và hạ cánh cùng lúc cho 6 máy bay trực thăng khác nhau (gồm các loại vận tải Z-8, Z-9, trực thăng tấn công WZ-10, trực thăng đa năng Z-15).
Tàu đổ bộ tiến công kiểu mới Type 081. |
Ngoài ra, Type 081 còn có khả năng mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí, hệ thống radar mảng pha 3D đa năng, 4 hệ thống phóng tên lửa đối không tầm ngắn, hệ thống pháo phóng thủ và hệ thống tác chiến chống ngầm.
Type 081 có thể đạt vận tốc tối đa 23 hải lý/giờ, tầm hoạt động gần 13.000 km và có thể hoạt động liên tục 30 ngày trên biển.
Type 081 được cho là có thiết kế lai ghép giữa tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp và Hyuga của Nhật Bản.
Có thể thấy, trong năm 2013, Trung Quốc đã công khai quảng bá 10 loại vũ khí trang bị trên, tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng cho thấy nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.
Hoàng Nam
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên CCTV, chuyên gia quân sự Y Trác đã giới thiệu về sức mạnh của hệ thống phóng tên lửa kiểu thẳng đứng được trang bị trên tàu khu trục tên lửa Type 052D đang thử nghiệm của Trung Quốc.
Type 052D được lắp đặt hệ thống phóng thẳng đứng cùng hệ thống radar mạng pha lắp trên tháp chỉ huy. So với các tàu khu trục Type 052C, hệ thống phóng kiểu mới có thể chứa được những vũ khí cỡ lớn, trong đó có tên lửa hành trình đối đất DH-10 (Đông Hải-10) và tên lửa phòng không tầm xa Hồng Kì 9.
Số lượng các ống phóng tên lửa trong hệ thống được tăng từ 48 lên 64, sức mạnh hỏa lực được tăng cường hơn nhiều so với thế hệ tàu khu trục Type 052C.
Cận cảnh bệ phóng thẳng đứng trên khu trục Type 052D. |
Bình luận về hệ thống phóng thẳng đứng thế hệ mới của tàu khu trục tên lửa Type 052D, chuyên gia quân sự Y Trác cho biết, trên thực tế, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ phóng tên lửa kiểu thẳng đứng này.
Hệ thống phóng thẳng đứng mới của Trung Quốc cũng đã được sử dụng trên tàu khu trục Type 052C, Type 054A. Hệ thống này có tốc độ rất nhanh, ví dụ như một tên lửa phòng không sau khi phóng lên ngay lập tức có thể quét, tìm tiêu diệt mục tiêu.
Còn đối với bệ phóng tên lửa thông thường cần phải có góc ngắm, thời gian ngắm chuẩn mục tiêu là 4-6 giây, có nghĩa là mục tiêu chỉ được phát hiện trong khoảng 20 km, cần thời gian từ 4-6 giây là một thiệt hại rất lớn, có thể không kịp đánh chặn. Chính vì vậy, đây là một điểm rất quan trọng trong hệ thống phóng kiểu thẳng đứng.
Ngoài ra, tên lửa hành trình chống tàu thế hệ cũ cần có bệ phóng cố định mới có thể thiết lập được góc ngắm, còn việc sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng, không cần cải tiến thân tàu, hơn nữa bệ phóng thẳng đứng có thể quay góc 360 độ nên giúp tăng cường khả năng phản ứng nhanh với mọi tình huống.
(Kienthuc.net.vn) - Tập đoàn hàng không Tây An (Trung Quốc) đã khoác “áo mới” cho mẫu thử nghiệm vận tải cơ chiến lược Y-20.
Các trang mạng Trung Quốc đã đăng tải những hình ảnh mới nhất về máy bay trinh thám không người lái HQ-4 Xianglong với thiết kế cánh độc đáo “không đụng hàng” bất kỳ nước nào. HQ-4 do Tổ hợp Hàng không Quí Châu nghiên cứu thiết kế, giới thiệu lần đầu tại triển lãm hàng không Chu Hải 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét