* Đa số các lãnh tụ cách mạng hay làm chính trị, các nhà sư hay thầy tu ở VN là người miền Trung. Từ miền đất cày lên sỏi đá mà năm nào cũng bị bão lụt đã sản sinh ra rất nhiều "lãnh tụ" tôn giáo và chính trị - quân sự; chưa kể là rất nhiều trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ... Có 1 điều mà tôi chiêm nghiệm từ khi còn nhỏ nghe bè bạn kháo nhau rằng: "trai thâm, gái dâm"... nhưng thực tế cho thấy những người bạn gốc miền Trung của tôi đều rất cần kiệm (nôm na là hà tiện), chịu khó hơn là những người bạn gốc miền Nam và Bắc của tôi.
BBC: Thách thức cho bà Yingluck Shinawatra
Bà Yingluck Shinawatra đã đi theo bước chân của người anh nổi tiếng hơn, Thaksin Shinawatra, khi bà trở thành thủ tướng Thái Lan.
Nữ doanh nhân trở thành nhà nữ lãnh đạo đầu tiên của đất nước khi đảng Pheu Thai chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng Bảy 2011.Chiến thắng này xảy ra một năm sau các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố Bangkok. Từ đó đến nay, dưới chính phủ của bà Yingluck, Thái Lan đã tương đối ổn định.
Nhưng nỗ lực thông qua dự luật ân xá, mặc dù sau đó thất bại, có vẻ thổi bùng lên căng thẳng âm ỉ, và kích động cáo buộc lâu nay rằng chính phủ vẫn do ông anh trai giật dây.
Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2006 và đang sống lưu vong.
Người biểu tình xuống đường và vào lúc này họ bác bỏ kêu gọi đàm phán của bà Yingluck.
Trước cuộc bầu cử 2011, bà Yingluck, người có hai bằng về chính trị, chưa từng ra tranh cử hay giữ chức vụ trong chính phủ.
Bà từng là giám đốc điều hành của AIS, một công ty viễn thông do anh trai sáng lập, và điều hành SC Asset Company, một công ty gia đình chuyên về bất động sản.
Người chỉ trích nhanh chóng chỉ ra sự non nớt chính trị của bà. Họ nói tiêu chuẩn duy nhất của bà hình như chỉ là việc bà là em gái của Thaksin Shinawatra.
Họ nói vai trò chính của bà là chỉ huy người ủng hộ Thaksin, chủ yếu là người nghèo ở nông thôn, trong khi ông anh điều hành chính phủ từ nước ngoài.
Bà Yingluck chứng tỏ được mình trên lộ trình vận động tranh cử. Khi bà mỉm cười và cúi xuống để chào một bà cụ hay người nông dân, người dân có vẻ thích bà.
Vào tháng Bảy 2011, cũng những cử tri từng giúp anh bà lên cầm quyền đã ủng hộ đảng Pheu Thai. Đảng này sau đó thành lập liên minh cầm quyền.
“Chừng nào chúng tôi còn giải quyết được các vấn đề, tôi hy vọng nhân dân Thái sẽ cho tôi cơ hội để chứng tỏ mình và chứng tỏ sự chân thực.”
Ba tháng sau, bà có thử thách đầu tiên khi nhiều nơi bị lũ lụt.
Hơn 500 người chết tại miền bắc và một phần năm thủ đô ngập trong nước. Chính phủ phải loan báo kế hoạch 100 tỉ baht trong lúc có cáo buộc chính phủ không chuẩn bị trước.
Đầu năm 2012, chính phủ thông qua quỹ đền bù cho nạn nhân của bất ổn chính trị gần đây. Họ dành 2 tỉ baht cho gia đình người thiệt mạng, những người bị thương và những người “bị tạm giam bất công”.
Bà Yingluck cũng được xem là thiết lập quan hệ đầm ấm với hai định chế, hoàng gia và quân đội.
Nhưng chính sách bao cấp lúa gạo – chính phủ mua gạo từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường – khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan chịu thiệt.
Nhưng phe đối lập thì phẫn nộ, lo ngại Thaksin Shinawatra sẽ có thể quay lại mà không chịu án tù.
Bà Yingluck đã kêu gọi bình tĩnh, và cho phép dự luật thất bại tại Thượng viện. Nhưng người biểu tình không hài lòng.
Dẫu sao hiện nay bà vẫn ở vị thế mạnh. Nếu bị buộc phải tổ chức bầu cử lại, cơ sở vững mạnh của bà ở nông thôn rất có thể sẽ giúp bà trở lại nắm quyền.
BBC: 'Tôi tự tháo vòng kim cô Mác -Lênin'
Nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang đã từ trần hồi 9 giờ sáng nay 2/12 tại Hà Nội, để lại cho tôi nhiều nổi thương nhớ.
Ông có tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, sinh ngày 22-1-1931 tại một làng quê Quảng Bình bên con sông Kiến Giang.Ông Giang xuất thân từ gia đình thuộc 'cừu gia tử đệ', tức là gia đình có mối thù với giặc nước.
Các cụ thân sinh ra ông tham gia cộng sản từ những năm 1930, anh em của ông và bản thân ông đều tham gia Việt Minh rất sớm.
Từ năm 1945 ông đã trở thành đảng viên cộng sản, khi mới 14 tuổi.
Năm 1947 ông được cử vào huyện ủy rồi được điều lên công tác ở tỉnh ủy Quảng Bình (1945-1955).
Năm 1956 ông về công tác tại Hà Nội và đã từng được đề bạt làm Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.
Năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng cao cấp tại Liên Xô.
Khi Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9 chống chủ nghĩa xét lại thì tất cả anh em trong khóa học của ông đều bị gọi về nước.
Giam hãm một đời Từ 1964-1967 ông bị đưa đi 'công tác thực tế' tại Quảng Bình và Thái Bình.
Sau đó ông bị tống giam cho đến 1973 mà vẫn không hề được xét xử.
Ra khỏi tù, ông vẫn chịu quản chế tại Thanh Ba, Vĩnh Phú cho đến năm 1976.
Sinh thời ông thường tâm sự:
“Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa cơ. Nghe người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế từ giam ở xà lim mấy năm, và mấy năm quản chế, khoảng gần 10 năm.”
"Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa"
Từ tháng 9-1976 được về với gia đình tại Hà Nội sống như một người ngoài lề xã hội, ông ngồi dịch và viết sách báo dưới nhiều bút hiệu khác như Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ...
Sách ông đã viết gồm có 'Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nông dân trước Cách mạng Tháng Tám' (1959), 'Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám' (1961), 'Việt Nam – Khủng hoảng và lối ra' cùng 'Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang' (1993).
Ông còn viết chung với Nguyễn Khắc Viện các cuốn 'Liên Xô 70 năm trên đường khai phá' (1987); 'Cách mạng 1789 và chúng ta' (1989).
Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 đã đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước hoặc tán phát chuyền tay được Talawas gom thành một tập hợp mang tên 'Suy tư 90'.
Trong tập hợp này có nhiều bài giá trị như 'Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt', 'Một cuộc chiến chống lại 'phi lý tính'; 'Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?'...
Hai người cũng đánh giá nguồn gốc hệ thống chính trị hiện nay trong cuốn 'Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam'.
Chủ nghĩa không tương lai Phần đáng kể nhất trong các nghiên cứu của Nguyễn Kiến Giang có lẽ là những bài viết về các vấn đề cốt tử của chủ nghĩa xã hội và những biến cố lớn trên thế giới, liên quan đến các lựa chọn cần thiết cho Việt Nam.
Ông từng đưa ra nhiều đề nghị chân thành và tâm huyết với đảng cầm quyền những mong cải tổ nó từ bên trong.
Dĩ nhiên chính điều này lại tiếp tục biến ông thành đối tượng 'đáng cảnh giác' đối với chính quyền và ông vẫn bị an ninh tiếp tục theo dõi.
Chia tay ông, chúng ta không thể không nhắc lại một trong các kết luận trong nghiên cứu của ông:
"Cuộc sống đã chứng minh khá đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ "
“Ở một mức độ nào đó, số phận của nó cũng giống như số phận của Nho giáo ngày xưa ”.
Nguyễn Kiến Giang không phủ định sạch trơn, không phỉ báng chủ nghĩa Mác.
Ông tâm sự trong bài trả lời phỏng vấn BBC 1/2 năm 2004:
“Trước đây tôi để chủ nghĩa Mác-Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại”.
“Bây giờ tôi làm một việc khác, tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu...
"Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả.”
Quang Thiều - Gửi đến BBC từ Việt Nam
BBC: Tôi từ bỏ CNCS như thế nào?
Trong cuộc phỏng vấn với Hà Mi, nhà văn hóa Nguyễn Kiến Giang kể về hành trình của ông đến với chủ nghĩa cộng sản và từ bỏ nó như thế nào.
Trong phần một, ông Nguyễn Kiến Giang cho biết ông đến với chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản như thế nào và nên đối xử với nhau như thế nào khi có những bất đồng ý kiến.
Nguyễn Kiến Giang (KG): Cuộc đời tôi cũng chẳng có gì đáng nói lắm đâu. Do hoàn cảnh đặc biệt, ông cụ tôi tham gia cách mạng khá sớm. Khi tôi mới khôn lên thôi đã tham gia phong trào cách mạng địa phương, chủ yếu tham gia Mặt trận Việt Minh vào năm 1945, khi mới 14 tuổi, trở thành Việt Minh và thành Đảng viên cộng sản một cách rất tự nhiên.
Một số anh em địa phưong biết tôi gọi tôi là cộng sản nòi vì hồi ông cụ tôi bị giam ở nhà giam Đồng Hới, bà cụ bế tôi đi thăm, nhưng thực ra thì nó là một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi cũng không hiểu tại sao do một thiên hướng nào đó, tôi say mê với những hoạt động trong các phong trào của địa phương.
Năm 1947 tôi được cử vào huyện uỷ, sau đó lên tỉnh. Đấy là thời kỳ ở ta phạm vào những sai lầm như cải cách ruộng đất mà chính tôi là một nạn nhân. Việc tôi tham gia sớm là một chuyện mà chính vì tham gia sớm tôi lại trở thành nạn nhân của chính những cuộc khủng bố, đàn áp của thời kỳ cải cách ruộng đất.
BBC:Tại sao ông lại trở thành nạn nhân của các cuộc khủng bố thời cải cách ruộng đất đó, thưa ông?
KG Bởi vì chính tôi bị bắt trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Nếu mà không có một trường hợp đặc biệt thì có khi không còn nữa đâu. Bởi vì lúc tôi bị giam trong cải cách ruộng đất, tôi bị chảy máu dạ dày, một sáng sớm ra ngoài, bị xây xẩm và ngã xuống bên một cái hố xí trong vườn ở nông thôn.
BBCÔng đi Liên xô khi nào thưa ông?
KG: Tôi đi Liên xô là mãi cho tới đầu năm 1962. Sang bên đó thì học chưa xong thì có nghị quyết của Trung ương, gọi là Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa Xét lại thì tất cả các anh em học trường Đảng bên đó đều bị điều về cả và sau đó không sang lại nữa. Khi tôi về nước, ít lâu sau thì bị đưa đi thực tế, nhưng thực ra đấy là một cách không cho mình làm việc gì cả.
BBCÔng có nhắc tới thời kỳ CN Xét lại và Nghị quyết Chín, cũng có một số đồng tình với Nghị quyết 20 của đảng CS Liên xô và một số theo quan điểm của đảng CS Trung quốc nên có sự phân hóa trong Đảng CS Việt Nam. Một số nghiêng theo phía Liên xô đó thì đã từ Liên xô bị gọi về và không được tham gia một số hoạt động. Theo ông giờ nhìn lại thì ông có suy nghĩ là nên đối xử với nhau như thế nào khi có những ý kiến trái ngược nhau thưa ông?
KG Theo tôi thì bây giờ đã rất rõ, vì lúc bấy giờ đó là một thời kỳ hết sức quyết liệt. Vấn đề chiến tranh và hòa bình đặt ra đặc biệt tại miền Nam. Miền Bắc cũng có những vấn đề nóng bỏng, phải giải quyết như thế nào để đưa miền Bắc đi lên tương đối ổn định. Lúc đó có những cách giải quyết gọi là duy ý trí mà sau này Đại hội Đảng 6 đã phê phán, là đã đẩy cuộc cách mạng XHCN quá nhanh, gây tổn thất, đảo lộn không cần thiết. Còn trong Nam, vấn đề này tôi vẫn đang tiếp tục suy nghĩ, CM giải phóng miền Nam nên tiến hành thế nào cho đỡ đổ máu hơn.
Tôi muốn phong trào CM miền Nam đi theo kiểu vận động quần chúng như CM tháng Tám, chứ không hòan toàn dùng bạo lực, dùng chiến tranh, nhưng khi cần thiết thì có thể dùng tới bạo lực ở một mức độ nhất định, nhưng nói chung tiến hành một cuộc CM phi bạo lực thì vẫn tốt hơn.
Khi đó ý kiến rất khác nhau và một số anh em sau này bị kết tội đi theo chủ nghĩa Xét lại, và sau này còn bị quy cho là thuộc nhóm Xét lại chống Đảng nữa. Thì những anh em này có ý kiến khác với ý kiến vừa nói, tức là đối với chúng tôi, tất cả vấn đề là phải khôi phục và thực hiện cho được dân chủ hóa XH, dân chủ hoá nội bộ đảng, tôn trọng các pháp chế XHCN. Và để xây dựng thì phải nắm chắc các mặt trận kinh tế văn hoá khoa ọc kỹ thuật chứ không phải chỉ nói xuông về chính trị, hô hào xuông mà thôi.
Số người đó, thực ra lúc đầu cũng không phải biết nhau cả đâu. Bởi vì đó là sự bất đồng nảy sinh từ trong những nhóm khác nhau, các cơ quan khác nhau, không hề có những liên hệ gì với nhau. Thế rồi cũng có hiện tượng là những người có cùng quan điểm thì cũng trao đổi với nhau nhất là khi những quan điểm đó bị coi là Xét lại, bị lên án.
Thì cũng thỉnh thoảng có gặp nhau, trao đổi với nhau ý kiến này ý kiến kia, chủ yếu là để có thể nương tựa lẫn nhau về tinh thần trong lúc như vậy.Ở các nước XHCN có vấn đề như thế này người ta có sự nhầm lẫn giữa ba lĩnh vực, tư tưởng, chính trị và pháp luật. Nếu đã khác nhau về tư tưởng thì bị coi là kẻ thù về chính trị. Nếu anh không đồng ý với tôi về mặt tư tưởng thì về chính trị anh là kẻ thù mà khi về mặt chính trị là kẻ thù thì luật pháp tha hồ, có thể bắt bớ, giam cầm, và có thể làm khác nữa.
Số anh em mà người ta thường gọi là nhóm Xét lại chống Đảng cũng không có biết nhau nhiều. Như riêng tôi ngoài một vài anh em cùng cơ quan có xu hướng gần như thế, như anh Minh Tanh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản mới mất gần đây, thì với những người khác cũng không có liên hệ gì, có những tổ chức gì như sau này người ta nói đâu. Chẳng hạn như tôi bị coi là nhân vật trung tâm của nhóm Chống Đảng thì thực ra nhiều cái tôi không biết gì cả, thậm chí có những anh em sau nay lúc ra tù mới quen nhau.
Theo tôi vấn đề là như thế này: Nếu ở trong Đảng có những ý kiến bất đồng với nhau và những ý kiến đó được phát biểu công khai, có thể giới hạn trong nội bộ Đảng, nhưng được phát biểu đàng hoàng trong tổ chức Đảng, sau đó có thể dùng biện pháp thuyết phục đấu tranh với nhau về mặt tư tưởng, cũng không sao cả. Nhưng tuyệt đối không sử dụng công cụ bạo lực để đàn áp những người có ý kiến khác bởi vì làm như thế lịch sử sẽ phải trả giá rất đắt, vì nhiều khi những ý kiến bị coi là sai đó về sau lại trở thành đúng.
Tôi lấy ví dụ như vấn đề kinh tế chẳng hạn, thời đó nếu ai ca ngợi kinh tế thị trường thì trở thành một người phản bội CN Marx Lênin rồi. Bởi vì đối với CN Marx Lênin là kinh tế có kế hoạch, còn kinh tế thị trường là kinh tế của CN tư bản. Chẳng hạn như bây giờ ở Việt Nam ai phê phán kinh tế thị trường thì trở thành một chuyện rất lạ. Nhưng khi ấy nếu ai chủ trương đi theo kinh tế thị trường thì người đó là xét lại, mà đã là xét lại về mặt tư tưởng thì có thể trở thành kẻ thù về chính trị, và phải chịu những hệ quả khác.
Cho nên là theo tôi, cần phân biệt mấy lĩnh vực đó, tức là khi khác nhau về tư tưởng thì không nên, không được, coi đấy là đối lập về chính trị. Và đối lập về chính trị đó phải có những tiêu chuẩn, như lập cương lĩnh, rồi có những tổ chức để đưa những chủ trương ra truyền bá trong dân chúng. Nhưng nếu không phải như thế thì không thể đối xử như là kẻ thù về chính trị được. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa ba lĩnh vực ấy: tư tưởng, chính trị, luật pháp.
Dùng biện pháp luật pháp bắt giam, có những anh em chết ngay trong tù, như anh Phạm Viết, hay về nhà thì chết như anh Kỳ Huân chẳng hạn. Tôi thấy những cái đối xử như thế nó quá tàn bạo. Có thời kỳ anh Nguyễn Trung Thành có viết một cái thư cho Trung ương để minh oan cho nhóm Xét lại chống Đảng, thì anh có nói thực ra không phải là oan đâu vì ý kiến khác nhau là có thật, nhưng vấn đề là có nên đối xử với những ý kiến khác nhau như thế không, bắt bớ giam cầm đàn áp như thế không.
Từ đó tôi nghĩ là chúng ta có một bài học rút ra: trong lĩnh vực tư tưởng nên có sự bao dung, đừng dùng những biện pháp đàn áp về luật pháp, chừng nào chưa có những biểu hiện phạm pháp, mới chỉ phát biểu ý kiến, phê phán ý kiến ông này ông kia, thì chuyện đó không có gì phải đàn áp cả.
Theo tôi những đối xử với những người bị coi là Xét lại Chống Đảng là những đối xử quá tàn bạo. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa cơ, nghe người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế từ giam ở xà lim mấy năm, và mấy năm quản chế, khoảng gần 10 năm khi tôi trở về Hà nội với tư cách là một người công dân thì tôi cũng không biết là tôi có tội gì, cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa.
BBCNhững người được biết ông thì đều nói rằng ông là một người đọc rất nhiều và mặc dù bị những dập vùi gian truân, nhưng ông không có thái độ hằn học, hận thù, tại sao vậy thưa ông?
KG Bởi vì tôi cho là những ý kiến, quan điểm khác nhau là chuyện rất bình thường và nếu chúng ta biết nghe nhau thì đều có lợi cho cả hai phía. Và sự phát triển xã hội có lẽ được lợi hơn nhiều.
Khi tôi mới ra tù có anh bạn hỏi tôi nếu anh có quyền thì anh có bỏ tù cái ông A, người mà được cho là chịu trách nhiệm đàn áp những người Xét lại chống Đảng đó, thì tôi đáp là không, vì nếu mình giải quyết theo cái lối cứ trả thù như thế thì lịch sử sẽ đi đường vòng, nếu người ta đánh anh, anh trả thù, thì con người ta, hay bạn bè người ta sẽ trả thù anh, và cứ như thế, một đất nước cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái chuyện trả thù lẫn nhau đó thì mất hết thì giờ. Vấn đề là có phạm pháp hay không phạm pháp.
Theo tôi nếu anh A đó phạm pháp thì cứ đưa ra pháp luật nhưng đây không phải là chuyện tuỳ tiện muốn bỏ tù nhau thì cứ việc làm, tôi cho rằng như thế không đúng. Trong sự phát triển của VN lúc này, nếu biết nghe nhau thì có rất nhiều ý kiến hay. Như trong lĩnh vực giáo dục đang rất bê bối hiện nay, tôi đọc hàng chục bài báo của hàng chục người ở những vị trí, trình độ khác nhau, viết rất hay mà có lẽ những ý kiến như thế có thể không phù hợp lắm với những ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục. Trong trường hợp ấy ông giáo dục chẳng bỏ tù được ai chứ nếu bỏ tù được thì có khi cũng bỏ tù đấy. Vì đấy là những ý kiến hoàn toàn đối lập, phê phán rất là gay gắt Bộ Giáo dục.
Tôi nghĩ trong trường hợp có những ý kiến khác nhau như thế thì tốt nhất nên tổ chức những hội thảo, để được nêu ý kiến góp ý thẳng thắn, không bị hạn chế gì, mà như thế đất nước sẽ có lợi hơn, xã hội sẽ phát triển nhanh hơn và những sai lầm sẽ được khắc phục nhanh hơn nhiều.
BBCViệc không nghe ý kiến của ngừoi khác và không để cho người khác nêu ý kiến của mình thì phải chăng đó là một biểu hiện của tình trạng không có dân chủ thưa ông?
KG Đúng thế, hoàn toàn đúng. Theo tôi một trong những mục tiêu của cuộc vận động hiện đại hoá đất nước chính là vấn đề dân chủ hóa, vì nếu không có dân chủ hóa thì sẽ không có hiện đại hoá hoặc sẽ có một hiện đại hóa nửa vời hoặc cuối cùng sẽ thất bại.
Ví thử như nước Việt nam ta là một chiếc xe chạy trên con đường hiện đại hoá thì phải lắp đủ bốn bánh: thứ nhất là kinh tế thị trường, thứ hai là xã hội công dân, thứ ba là nhà nước pháp quyền và thứ tư là chế độ dân chủ. Thì muốn lắp như thế nào thì lắp, cái này trước cái nào sau tuỳ đấy nhưng cuối cùng thế nào cũng phải lắp cho đủ thì chiếc xe hiện đại hoá mới có thể đi tới đích. Đến bây giờ tôi vẫn giữ ý kiến như vậy.
BBC: Kiến nghị thúc đẩy nhân quyền
Kiến nghị tổ chức hội đồng thúc đẩy nhân quyền ở trong nước chưa được chính quyền Việt Nam phản hồi, một tuần sau khi gửi đi.
Bản kiến nghị được một nhóm nhân sỹ trí thức nổi tiếng ở TP HCM gửi tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM hôm 26/11.Trong số 40 người ký tên ban đầu có những tên tuổi như Giáo sư Tương Lai, nhà báo Tống Văn Công, Thế Thanh, Huy Đức, các nhân vật đấu tranh sinh viên từ thời chống Mỹ như bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm, ông Hạ Đình Nguyên...
Nói với BBC từ Sài Gòn, ông Hạ Đình Nguyên cho hay kiến nghị được đưa ra ngay sau sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước chống tra tấn của LHQ, đồng thời cam kết 14 điều khi nộp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.
"Chúng tôi đánh giá, việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền là điều tích cực, nhất là với những cam kết đưa ra," - ông Nguyên nhận xét - "Vì vậy, bản kiến nghị có mục đích góp thêm tiếng nói để thúc đẩy, và cũng là thể hiện nhân quyền ở trong nước".
Hành động cụ thể Kiến nghị của các vị trí thức bày tỏ hy vọng "kể từ nay, các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và các quyền cơ bản khác của công dân… cần phải được thực thi đúng theo tinh thần Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và các Công ước quốc tế nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, hoặc đã là thành viên và đặc biệt mới đây là 14 điều cam kết mà chính phủ Việt Nam ký khi nộp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền".
Văn bản mà BBC có trong tay cũng nói "Nhà nước Việt Nam phải bằng hành động cụ thể có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Nhà nước và của dân được quy định công khai, minh bạch với những chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó có những văn bản pháp quy nhằm đảm bảo cho 90 triệu người dân ở trong nước được hưởng và thực hiện đầy đủ các quyền".
Những người kiến nghị đề xuất thành lập Hội đồng nhân quyền các cấp, đồng thời phổ biến rộng rãi toàn văn các văn bản về nhân quyền của LHQ mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và kịp thời cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Hạ Đình Nguyên nói ông biết giới hoạt động và các nhóm trí thức đã gửi nhiều kiến nghị lên lãnh đạo Đảng CSVN và Nhà nước mà chưa có phản hồi tích cực.
"Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không nên tiếp tục lên tiếng."
"Tôi luôn luôn cho rằng chúng ta cần tin tưởng vào tương lai và đấu tranh cho nó."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét