Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bài viết hay(721)

Cuối cùng Nelson Mandela đã qua đời! Chào vĩnh biệt bác báo đen vĩ đại!
 
Đêm qua tôi mới đọc hết "Truyền kỳ trên Quê Nam" của tác giả Hồ Trường An (http://vietmessenger.com/books/?title=truyenkytrenquenam), tự dưng tôi lại suy nghĩ tùm lum về cuộc đời mình, về quê mình...  Sao thấy buồn quá vì quá nhiều chuyện ...từa lưa nát bấy! Lẽ ra ở tuổi mình đã có một cuộc sống yên ấm, ổn định, vợ con đề huề chứ đâu có ...tè le tứa lưa như vầy? Bạn tui nói là mấy trang mạng và báo NV muốn dùng tôi như "vật tế thần" vừa răn đe VK đừng về VN cưới vợ, vừa câu khách; chưa kể là nhiều đứa vốn không ưa gì tôi nên lợi dụng cơ hội này để trả thù cá nhân. 20 năm trước, một bác ở gần cầu Băng Ky đã bói rằng đường tình duyên gia đạo là xấu nhất trong cuộc đời của mình; kế đó là cung nô bộc vì bác nói rõ là tôi chớ có dại dột mà chơi với bạn nhỏ tuổi hơn vì chúng nó chỉ lợi dụng rồi phản thôi; hãy tìm bạn già hơn mà kết thân. Kế tiếp là cung huynh đệ, bác nói là tôi chỉ nuôi các em rồi sau đó tức trào máu khi đám em sẽ phản bội chứ đừng tụi nó giúp khi đau yếu, hoạn nạn. Ngẫm nghĩ lại thấy đúng phóc, bây giờ thấy y chang những gì bác ấy "phán" cho mình! Cả cung tình duyên, nô bộc, huynh đệ đều xấu khi tôi chỉ gặp toàn là đám lợi dụng và phản bội!  Buồn!!!
Thôi thì mời bạn vào đọc thử coi có thích "Truyền kỳ trên Quê Nam" của tác giả Hồ Trường An không nhen?



Những ngày xa xưa trên quê hương đâu rồi?
Hỏi:
Thưa bà,
Tôi ở với con gái và rể – vì con trai chưa thành gia thất. Rể và con gái tôi đều là bác sĩ. Tôi nghĩ ở với con gái dễ hơn là dâu.
Nói là ở chung nhưng thật ra nhà cháu rộng có làm thêm một phòng ngủ và bếp rất tiện cho một người ở. Tôi đi làm tối về nấu ăn và cho ngày mai bới đi làm, ngày nghỉ ở nhà săn sóc vườn nên hoa cỏ rất đẹp. Lâu lâu thì 2 mẹ con lại đi shopping hoặc cũng đi chợ. Vợ chồng con gái tôi ăn riêng và ở trên lầu.
Được 2 năm nay, bỗng cháu có ý định mua nhà khác ở vùng nhà giàu trên đồi với lý do rất chính đáng: vì vùng này bây giờ họ cho housing nhiều quá, phần đông là người mới qua. Họ có cách sống giống ở VN — cả ngày ở nhà và coi phim bộ — vài ba ngày lại chửi bới con cái, đuơng nhiên là bằng tiếng Việt.
Thật sự, tôi không chịu nổi họ, chứ nói gì con tôi học hành đỗ đạt bên này. Nhưng con gái tôi dọn ra thì không mang tôi theo — lý do: nhà mới vừa đủ hai phòng và chúng không muốn tôi ở chung.
Tôi nay đã 60, nay đau mai yếu, lại bị cao máu, vả lại 5-3 năm nữa cũng về hưu ở nhà cả ngày làm sao ở một mình được. Tôi đã khóc lóc nói ra ý tưởng cô đơn của mình, nhưng con gái tôi bảo:
“Ở  Mỹ có ai con cái ở chung với cha mẹ đâu?”
Ở địa vị tôi, bà Thuần Nhã nghĩ ra sao?
Xin chân thành cảm ơn bà nhã ý chia sẻ cùng tôi.
Độc giả – Oakland
 Đáp: 
Thưa bà,
Đọc xong thư của bà, lòng nặng trĩu, tôi mở cửa bước ra vườn. Chiều hôm nay trở gió, bầu trời u ám, sương phủ mờ rặng núi xa xa.
Những ngày xa xưa trên quê hương đâu, đâu rồi?
Quê hương chúng ta, ở đó có cô Nguyên, nhà gần chợ Nguyễn Tri Phương, có bà mẹ bị ngã từ trên sân thượng xuống đất, gẫy xương sống ngay trước ngày đám cưới của cô chỉ chừng gần một tháng. Cô lặn lội trong nhà thương nuôi mẹ, rồi bệnh không hết, mẹ về nhà ăn, ngủ, tiêu, tiểu, đều trên giường, một mình cô là con độc nhất, hầu giường phân chiếu tiểu, vị hôn phu gớm quá từ hôn, cô nói:
“Ảnh biểu tui giao mẹ cho người làm rồi đi theo ảnh, ảnh không chịu ở chung nhà. Má tui biểu nghe theo lời ảnh, nhưng mà thôi, ảnh không thương thì tui chịu, tui hổng nỡ bỏ mẹ cho người ngoài cắng đắng  khi dể trong lúc bịnh hoạn này, tội nghiệp mẹ tui”.
Ở đó có nhà thím Ba Hồi, góa chồng sớm,hẩm hút một mình nuôi hai con. Con lớn đạp phải mìn cụt hai chân trong chiến tranh, không làm ăn gì được, sống nhờ vào gánh hàng rong của thím Ba hai sương một nắng, vậy mà tối nào về, thím cũng mang theo mấy tờ báo cũ thím xin được trên đường, để dưới ánh đèn mờ, con đọc mẹ nghe, mái nhà tôn tối nhờ nhờ lại vang lên tiếng cười thương yêu, đầm ấm.
Ở đó có nhà cụ Tâm Thái, hồi còn ở quê hương, mỗi chiều khi đi làm về, ngang qua, tôi liếc mắt vào thường thấy cụ ngồi ngay một đầu chiếc bàn bầu dục, đó là chỗ danh dự của cụ, cụ ngồi đó nghe các cháu chia nhau đọc truyện Tầu cho cụ giải trí. Đến bữa thì các con và các cháu ngồi quây chung quanh cụ, lao xao “Mời mẹ, . . . Mời bà xơi cơm . . . “.  Tôi nghe nói hình ảnh này cũng vẫn còn quen thuộc đối với một số gia đình người Trung Hoa trên San Francisco, California.
Bà ạ,
Thế hệ bà là thế hệ khoảng trống của bước nhẩy giữa hai nền văn hóa. Nền văn hóa mà bà lãnh hội thì cha mẹ hết lòng hy sinh cho con cái đến tối đa, đến tận khi nào đã kiệt lực, miễn sao con đủ lông cánh ra đời. Con ra đời rồi, mà thất bại, thương tích, tàn tật, cha mẹ lại sẵn lòng đem con về, tiếp tục tận tụy lo cho con, bất kể tuổi tác. Tất cả là vì tình thương yêu, tình phụ tử, mẫu tử.
Khi cha mẹ già yếu, bất lực, con cái cũng ăn ở cho tận hiếu đạo, để đền đáp tối đa tấm lòng cha mẹ đã nghĩ đến con, chăm lo, thương yêu con khi xưa. Trong cái xã hội mà mọi người đều sống với nề nếp như vậy, thì sự bảo bọc nhau đó là tự nhiên, bà ạ.
Con gái bà nói “ở Mỹ có ai con cái ở chung với cha mẹ đâu?”, cô ta nói cũng có phần đúng, đó là vì cũng có những người như thế. Tuy nhiên, hàng xóm nhà tôi cũng là người Mỹ, họ ở chung 3 thế hệ, bà cụ hằng ngày dắt cháu đi học, vẫn đi qua nhà tôi. Thực tế, quả là cũng có những gia đình không ở chung với cha mẹ, thậm chí bỏ rơi cha mẹ luôn, cha mẹ có nhớ con mà già quá không còn di chuyển được, thì phải mua vé máy bay cho con về thăm.
Nhưng chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó, có lẽ cô con gái của bà cũng biết, nhưng không muốn nói ra, rằng cũng có nhiều cha mẹ bên đây đã bắt con phải tự lập khi vừa đủ 18 tuổi, không tiếp tục nuôi con nữa, vì cha mẹ còn phải thủ tiền để đi du lịch, đi sòng bài, v.v. . . , để enjoy cuộc đời, hơi đâu mà đóng tiền học cho con. Cha mẹ đuổi con ra khỏi nhà, bắt con phải tự  lập khi con vừa mới đúng 18 tuổi, thì con bỏ rơi cha mẹ lúc về già, tuy là bất hiếu bất nhân thật đấy, nhưng cũng chỉ là nhân quả.
Bà được giáo dục bằng nền văn hóa Đông Phương của chúng ta, nên đau đớn, bàng hoàng, kinh ngạc, khi thấy con nhẫn tâm bỏ rơi mình lại.
Cô con gái lại đem một khía cạnh của nếp sống lạnh lùng ở đây ra ví von để đủ lý do hất mẹ ra khỏi vòng tay nâng đỡ mẹ lúc tuổi già.
Đã đến nông nỗi này thì tôi nghĩ rằng sự con bà đổi ý, cho bà đi theo là chuyện rất khó xẩy ra. Cho nên tôi đề nghị là bà nên can đảm tiếp tục đi làm cho đến khi về hưu, sẽ tiếp tục sống như những người già về hưu khác. Bà nên tiếp xúc với các Hội Người Già (Senior Citizen Community Center), kể cả hội của người Việt Nam và hội của người Mỹ.
Gần nhà tôi có một hội Người Già Mỹ. Hằng ngày tôi thấy có cả các cụ Việt Nam tới ăn cơm trưa. Họ có cả thư viện và các loại thể thao, Tai Chi, Khí Công, và các trò giải trí, chơi các loại bài, thí dụ mà chược, bài tây, v . v . . . Nhiều cuối tuần tôi thấy các cụ leo lên nhiều xe bus, hỏi ra mới biết là các cụ đi picnic ngoài biển, hoặc đi chơi tiểu bang khác, hoặc sang chơi bên Mexico, v. v… Tôi thấy các cụ phải đi xe lăn cũng được họ thả cần trục xuống cho các cụ lăn xe vào, rồi kéo lên. Thấy các cụ vui cười trong lúc tuổi già, tôi mừng lắm.
Bà cũng đừng quá lo lắng về chuyện bệnh hoạn, hoặc già quá không còn tự lập được. Trong khu tôi ở có một cụ già Mỹ đã 87 tuổi. Hằng ngày, cụ trang điểm gọn gàng, xinh xắn, rồi thủng thỉnh chống gậy đi bách bộ trong khu, gặp ai cũng tươi tỉnh “Hello!”, hoặc “Hi, how are you, honey?”. Mỗi buổi trưa lại có người của Hội Già đem phần ăn của cụ tới, vì cụ không lái xe ra phòng ăn của Hội được. Khoảng 11 giờ mỗi sáng là cụ đã ngồi sẵn cạnh cửa sổ, kéo rèm mở hé để chờ người của Hội. Trông thấy họ từ xa, cụ đã bước ra đón tận phía ngoài, ríu rít chào hỏi, vui lắm.
Ngoài ra, hệ thống y tế cho người già bên đây cũng rất tốt. Bà mới 60 tuổi, kể ra là còn  trẻ đối với đời sống văn minh khoa học tân tiến này. Hãy nhìn về tương lai, tạo một nhóm bạn hợp với quan niệm sống của mình để mà cùng nhau thưởng thức cuộc đời, nhìn đời một cách lạc quan. Không nên u sầu mà cơ thể héo hon dần, lại thành bệnh hoạn sớm.
Nhập gia tùy tục, bà ạ. Đời cho ta quả chanh thì ta hãy pha thành ly nước chanh cho nó đỡ chua.
Chỉ tiếc cho con gái của bà, cô ta sẽ không được hưởng niềm vui ấm áp khi nhìn thấy mẹ già run rẩy xỏ kim, mình chạy lại giành lấy để làm giùm mẹ, rồi hai mẹ con cười khanh khách, tiếng cười vang lên khiến cho mấy cháu chạy ùa ra, miệng bi bô :” Bà… bà… mẹ … mẹ … “.

Thuần Nhã (ĐPK) 
Vài bài thơ của Nguyễn Duy
Chút thu vàng
Gửi Ira Davưdova
Se se một chút lạnh lùng
mình sang với bạn, sang cùng thu sang

bạn đi như sợ lỡ làng
mùa thu đi trước lá vàng theo sau

Buồn vui đâu cũng giống nhau
lẻ loi kim tước chân cầu ngủ mơ

Vàng long lanh chóp nhà thờ
cánh chim ngoan đạo lửng lơ ngang trời

Rừng phong đã chớm thu rồi
vàng rơi trên mái tóc người đi qua

Ruột gan hoang vắng miền xa
hiu hiu ngọn gió nhớ nhà lạnh tê

Mải ham hố chén u mê
hư vô chặn mất lối về như chơi

Mátxcơva, 9.1985 / Đường xa, 1989 
Tre Việt Nam
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu

Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh
1970-1972
 Ánh trăng
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
1978
Theo dấu người xưa

Rằm tháng giêng năm nay là lần thứ ba liên tiếp Huân được cha dẫn đi viếng cội thần Mai. Lần đầu tiên đến đây hồi còn học lớp sáu nó chỉ biết chơi năm-mười với thằng Thiện, con Mai cháu của ông Hai từ đình và ăn heo quay với bánh hỏi rồi về. Lần sau nữa lại nhằm vào ngày cưới của gia đình nên bà Hai và mấy đứa trẻ phải về dưới Thạnh Phú. Không có ai chơi đùa nên Huân phải lót tót theo cha đứng vòng quanh chung với mấy cụ ông cụ bà và các cô chú ngay từ đầu cho đến khi tan lễ.

Thấy người ta cung kính thắp nhang ở đàn xã tắc sau phần phát biểu và trước khi đọc thơ Huân đã lấy làm lạ. Đến chừng thấy các cụ ông cụ bà trịnh trọng vái lạy cây Mai thì Huân chỉ… nhắm mắt làm theo mà chẳng còn biết đầu cua tai nheo ra làm sao cả.

Huân cứ nghĩ rằng cây cỏ thì mình mắc gì phải lạy chúng. Nếu muốn trồng thì trồng, muốn đốn bỏ thì cứ việc đốn bỏ, đâu ai ngăn cấm. Còn cùng lắm nếu như có quá yêu quí chúng thì trồng ở đất nhà mình phải tiện ích hơn không. Chớ ai lại vượt ba bốn chục cây số, thậm chí còn hơn thế nữa chỉ đến đây cốt để lạy cây Mai ba lạy!

Mang suy nghĩ ấy bày tỏ với cha, ông phì cười rồi thong thả kể lại cho Huân nghe một câu chuyện. Chuyện kể rằng:

Đoàn tàu của Mạc Cửu rời vùng Thuận Hóa thấm thoát đã bước sang ngày thứ tám. Biển trời phương Nam lồng lộng gió, lớp lớp sóng xô rào rạt vào mạn tàu. Đang mùa gió Nam, ông cho đoàn tàu đi cặp vào gần bờ hơn. Phương Nam vẫn còn hoang vu lắm, những loài thực vật lạ thi nhau chen chúc mọc trên bờ; những đàn khỉ, heo rừng cùng những đàn chim cò đang thong dong xoãi cánh như ngầm hứa hẹn sự trù phú của vùng đất mới khai sinh.

Bỗng những người đang có mặt trên đoàn tàu nhất loạt ồ lên khi nhìn thấy đàn sếu đầu đỏ bất ngờ xuất hiện bay lượn trên vùng đất rộng che rợp cả khoảng không gian bên trong.

Đoàn tàu dong đi chậm lại theo lệnh Mạc Cửu và họ cùng dõi ngắm nhìn một cảnh tượng như thần tiên, mà họ chỉ được nghe kể lại từ những ngày còn tạm dừng chân ngoài Thuận Hóa: “Ở phủ Sài Mạc (sau gọi là Hà Tiên) thường hay có người tiên hiện ra trên sông…”.

“Người tiên” là đây chăng? Quả là đất lành chim đậu. Không lẽ đây lại là điềm ứng báo cho giấc mộng đêm qua?”. Mạc Cửu tự hỏi. Và ông ngây người, thả hồn mình bay theo đàn sếu đang chao lượn.

Đúng là đêm qua ông đã chiêm bao thấy một bụi Mai trắng to lớn dị thường, lớn hơn cả cây Mai ở Lôi Dương- Quảng Đông, quê hương ông. Dưới bụi Mai ấy luôn có đàn chim đông đúc bay lượn bên trên xếp thành hình những nàng tiên đang múa hát như giúp vui cho một nhóm mấy mươi người, diện mạo khôi ngô đĩnh đạc đang vây quanh chiếc bàn đá bàn bạc việc quân và tranh luận về học thuật.

Ông vụt nảy ra ý định dừng chân lại hẳn nơi này nhưng rồi vội xua tan cái ý nghĩ ấy đi. Vì trước đây không lâu, ông đã thảo một bức thư sai bọn Lý Xã, Trương Cầu dâng lên chúa Nguyễn Phúc Chu xin được cứu giúp và chúa đã vui vẻ chấp thuận lại còn hào phóng phong cho ông chức tổng binh, chỉ định ông về cai quản đất Hà Tiên mất rồi. “Nếu không…”. Ông thầm tiếc rẻ.

Gần đây triều đình Mãn Thanh mục ruỗng đã ra lệnh tróc nã quyết liệt những người trong phong trào “bài Thanh phục Minh” như ông. “Nhưng người Nam thật anh hùng nhân nghĩa. Khi xưa chính những người này- mà lớp hậu duệ của Chu Nguyên Chương, trong đó có đồng liêu của ông, sau này đã dám vô phép gọi là Nam Man- đã từng tha chết cho mười vạn quân Minh qua hội thề Đông Quan. Đến nay họ cũng lại vui vẻ chấp nhận cưu mang mình”. Ông lại trầm ngâm nghĩ ngợi.

Mạc Cửu lập tức cho đoàn tàu dừng lại.

Suốt một buổi đi thám sát, chừng mặt trời vừa quá đỉnh đầu người đội trưởng về tâu lại: “Bẩm tướng quân, ở đây chỉ có vài con lạch nhỏ tàu lớn không thể vào được”. “Thế còn dân tình?”. Mạc Cửu hỏi Trương Cầu, người được giao nhiệm vụ đội trưởng đội thám sát. “Bẩm tổng binh rất thưa thớt, suốt một hai dặm đường mới thấy có vài mái nhà tranh. Suốt một buổi sáng chúng tôi chỉ bắt gặp một nhóm bốn ngư phủ đang phơi lưới trên một cái gò cao, có lẽ là chỗ ban sáng đàn hạc quần tụ. Trông họ có vẻ hiền lành và dễ thân thiện”. Trương Cầu cung kính đáp lời.

Mạc Cửu đảo mắt nhìn dải rừng bên trong như để kiểm tra lại lần nữa báo cáo của người thuộc cấp. Không gian im ắng hoàn toàn, nhưng không hề gợn chút sát khí. Thỉnh thoảng đàn chim rừng thi nhau kêu táo tác rồi bay vút lên trời cao sau hồi âm thanh Hrừm… Hrừm… của chúa sơn lâm.

Đêm xuống tĩnh mịch. Ngoài tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn tàu người ta chỉ còn nghe tiếng rít của gió. Mọi người đang say giấc. Mạc Cửu bấm tay lần đếm rồi bỗng ngước nhìn bầu trời đêm đang chi chít những vì sao tìm kiếm. Kia rồi! Ôi, vì sao Bắc Đẩu xa xôi. Cố hương ơi chắc chẳng bao giờ ta còn có dịp quay về… Tất cả rồi cũng như giấc mộng phù sinh! Ông cầm ly “Hùng phá xà” lần bước đến khoang tàu phía trước… Sương đêm làm ướt đẫm những chiếc lá non của hai cây Mai nhỏ mà ông đã kịp mang theo trước khi rời quê nhà Lôi Dương, bắt đầu cuộc đào thoát. Ông rưới nhẹ nửa ly trà còn lại xuống hai thân cây nhỏ pha những giọt lệ âm thầm.

Thêm một chiếc xuồng cứu nạn nữa được hạ xuống phía bên trong cửa Đại, Mạc Cửu cùng đội thám sát bơi xuồng về hướng con rạch nhỏ. Nê địa đầm lầy với bạt ngàn lau sậy, họ phải vừa men theo đường nước vừa dùng binh khí bạt cỏ cây hai bên bờ để mở đường mà tiến sâu vào bên trong. (Có ngờ đâu sau này người đời đã dựa vào cái tính hiểm trở của vùng đất này mà đặt tên luôn cho dòng kinh- Kinh Chẹt Sậy). Không giấu được nỗi lo sợ, đôi lúc họ phải dùng sào, mái chèo thi nhau đập đùng đùng xuống nước và hô to “tả là… tả là…” để xua đi những con sấu đang bơi chập chờn quanh xuồng.

Mạc Cửu rì rầm khấn nguyện: “Trời cao đất dày chứng giám cho tấm lòng của kẻ mạt tướng này. Nếu có lòng gian ngoa tráo trở xin chịu chết chẳng toàn thây dưới vuốt hùm hàm sấu, còn không xin trời thần cho phép kẻ ngu muội này được bình yên đến đó một lần dù chỉ trong giây lát để tỏ lòng hàm ơn người và đất phương Nam đã rộng lòng dung chứa”.

Khi mặt trời đã lên cao, chừng độ quá giờ thìn đoàn đã trở lại được nơi bến nước dẫn đến cái gò cao ngày hôm qua. Cột xuồng xong, mọi người lục tục kéo nhau lên bờ. Ngoảnh nhìn lại phía dòng kinh thấy đàn sấu đang nằm rải rác đây đó ghếch mõm lên bãi nghé phì phì.

Trên gò cao có ngôi miếu nhỏ dựng bằng cây lá đơn sơ thờ con cọp lông vằn vàng đen. Xung quanh còn vương vất những vỏ bắp, xương cá bên bếp lửa đã được dập tắt tự bao giờ. Giở họa đồ ra, trầm ngâm giây lâu Mạc Cửu cho binh lính đào một cái lổ về phía hữu của ngôi miếu rồi ông đặt cây Mai vào lấp đất lại. “Hoành sơn nhất đái…”(1). Mạc Cửu thầm kêu lên.

Mai trắng (ảnh Internet)

Khấn vái xong ông nói với thuộc hạ: “Ta hi vọng sau này khi lập làng người đời sau đừng quên quay đại môn hướng về cây Bạch Mai này. Được vậy địa linh ở đây ắt sẽ sinh nhân kiệt”. Mọi người gật gù ngẫm ngợi ra chiều đắc ý vì họ tin vào tài phong thủy thuộc vào bậc cao thủ của thầy địa lý Mạc Cửu mà họ đã tin tưởng dốc lòng đi theo mãi đến nơi sơn cùng thủy tận này.

Bạch Mai được khai sinh từ đó. Tính đến nay đã gần ba trăm năm. Bao nhiêu tuổi tưởng như cũng chừng ấy bể dâu của cuộc đời mà Bạch Mai đã từng chứng kiến. Chỉ nửa thế kỷ gần đây thôi Bạch Mai đã ghi đậm bao cuộc chia ly, bao mối tình say đắm ở quanh đây. Còn nhớ những ngày Vệ Quốc xa xôi có chàng trai đã ra đi mãi mãi không về để tinh anh thấm đẫm vào tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa vắt cả tim óc qua bao đêm dài bên dòng kinh Chẹt Sậy để dâng tặng cho đời bài Hòn Vọng Phu hoành tráng mà thê thiết… “Nơi phía Nam xa mờ. Ai bế con ngóng chờ. Như nước non xưa tới giờ…”(2). Rồi những cuộc trùng phùng rơi nước mắt. Bạch Mai đã chịu đựng và dung chứa tất cả, kể cả nỗi lòng của người mạc tướng ngoại bang năm xưa.

Còn nhớ vào một đêm tối trời của mùa xuân năm Mậu Thân 1968, từ trong hầm trú ẩn người dân ở đây đã hốt hoảng khi cảm thấy người mình như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất và kèm theo là tiếng nổ kinh thiên động địa của một quả bom cách bụi Bạch Mai chưa đầy ba mươi mét. “Nhưng kỳ lạ chưa!” - Sáng ra người ta trầm trồ - “Ngôi đình và cội Bạch Mai không hề hấn gì cả!”.

Biển vẫn bồi tụ và đất vẫn vươn dài về mãi tận phương Nam. Đến nay biển đã trôi xa lắm rồi.

Rồi thanh bình lại đến như một giấc mơ. Người ta ngạc nhiên với đầy vẻ thán phục. Nhưng không phải là kỳ lạ nữa vì người Việt chưa bao giờ biết giết hại bất kể kẻ nào dưới ngựa. Nhưng không giống như mười vạn quân Minh tiền bối của Mạc Cửu trước đây được Nguyễn Trãi tha mạng, những người lính bại trận năm trăm năm sau được ngồi quây quần dưới cội Bạch Mai lắng nghe những bài học về dân tộc, về lòng yêu nước và kách mạng…

Bạch Mai vẫn nhẫn nại cắm rễ sâu vào trong lòng đất nghe gió réo qua tàn mang theo hương vị nồng ấm của cuộc đời. Mùa nắng oi nồng qua đi, mùa mưa lại tới kéo theo những trận bão bùng, rồi gió chướng lại thổi…Xuân sang. Trời đất phương Nam bao lâu rồi vẫn luôn trôi theo cái nhịp điệu thân quen gần gũi ấy.

Rồi tiết Nguyên Tiêu lại đến, Bạch Mai trổ hoa và người đời lại lũ lượt dắt nhau đến thăm.

Nguyên Tiêu năm nay đến viếng cội thần Mai, Huân đã lớn hơn nhiều. Nó đã biết Bạch Mai không giống như các loài thực vật khác, hễ muốn trồng là được. Cả nước Việt Nam mình dường như chỉ còn duy nhất một mình nó. “Riêng cây Bạch Mai còn lại hôm đó ông Mạc Cửu đem về trồng dưới phủ Sài Mạc sau đó cũng đã chết từ lâu rồi”. Cha Huân nói vậy.

Nhìn cội Bạch Mai và ông hổ thờ trong miếu, Huân bỗng thương cảm lạ lùng. Nó thấy dường như do anh linh của người xưa hòa quyện nên khiến chúng cũng có thần sắc như con người ta vậy. Huân lại bắt chước cha và mọi người thắp nhang ở đàn xã tắc, dưới cội Bạch Mai như mọi năm nhưng lần này nó thành tâm và cung kính hơn trong từng cử chỉ chớ không làm lấy có như trước. Tiến về phía cội Mai với nén nhang trên tay, Huân lại liên tưởng đến cây sao ngoài góc vườn phía bờ rạch do ông cố trồng tự hồi nảo hồi nào. Cây sao nay đã lớn lắm rồi, dễ phải đến hai người ôm mới giáp. Chú bảy Trung chủ trại ghe cứ vô nài nỉ cha Huân hoài nhưng ông nhứt định không bán, ông nói rằng để dành đó cho con cháu mai sau có dịp dùng.

Vụt nhớ tới ngôi miếu nhỏ nằm ngang nhà vỏ ca, Huân đến xin cha thêm ba nén nhang nữa rồi đi về phía ấy. Bên trong miếu ông hổ đang nằm nghiêng quay đầu ra nhìn nó. Huân không còn sợ hãi như hai lần trước mà vừa cắm xong ba nén nhang, tiện tay nó nhón chân rồi vói vào bên trong xoa đầu con vật nói nhỏ: “Ai biểu mày giết hại dân lành làm chi nên người mới giết mày đó thôi. Nhưng người vẫn thương mày lắm, vẫn luôn muốn cùng mày chung sống. Người vẫn giữ nguyên vẹn bộ da cho mày và thờ cúng mày bao lâu nay đó, mày có thấy hôn?”…
Truyện ngắn của Từ Phạm Hồng Hiên

Hãy tha thứ cho mình !
Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối
.Xin lỗi ! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người "bên thua cuộc!"
 
Xin Lỗi Tháng Tư !  
Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ ...lên đường " đánh Mỹ!"
Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót , áo sờn vai thấm lạnh!
Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
"Ba mươi tháng Tư" Bên Thắng cuộc, hả hê!!!
Con trở thành kẻ "kiêu binh!" trong đoàn "quân Giải phóng!"
Nhưng! Ba mươi tám năm sau con vô cùng thất vọng!
Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai???
Chỗm trệ trên cao, toàn những kẻ bất tài!
Đáy xã hội, nhiều "dân oan!" mất đất.
Những nghịch lý, tai ương...chồng chất!
Khoảng cách "sang, hèn" cứ rộng mãi ra.
Người ở "quê" không còn tha thiết với "ao nhà".
Tràn vào Miền Nam "ngoạ, chiếm, xâm canh...từ núi, rừng, chợ búa, thị thành, lầu cao, gác tía ....!"
Ngay như nhà ta thôi!
Chỉ có mình tôi "gọi là : góp công giải phóng".
Chẳng tước quan gì! Mà cũng cả xóm kéo vào.
Người thì bán rau, lượm ve chai, giặt ủi, bán thịt chó, thuốc Lào ...
Thậm Chí! Có cả lừa gạt, bảo kê, hút chích, đĩ điếm, bụi đời...
Đi đâu, ở đâu cũng gặp toàn người "ngoài ấy".
Còn! đố ai tìm thấy bóng dáng người "miền trỏng!" hiện diện trên quê hương mình đấy?
Nhà cửa, ruộng vườn ngoài ấy họ bỏ hoang???
Quê Hương tôi, tên thật đẹp (làng Vàng).
Cũng có đình, chùa, bờ xôi, ruộng mật!
Không hiểu vì sao nhiều người "bỏ tất ?" để vào Nam chen lấn, đua đòi ?

Riêng tôi!
Đã hơn sáu mươi năm, đang ở cuối cuộc đời .
Vẫn cháy bỏng! Muốn được về nơi mình "chôn nhau, cất rốn!"
Đã mấy năm nay, tôi đã làm kẻ "chạy trốn!"
Trốn khỏi "sai lầm !" những năm, tháng ...đã đi qua!
Trở về quê hương, cất lại một nếp nhà!
Tập làm nông, ngớ ngẩn tìm những mảnh gốm xưa, và "Hoài niệm!" thuở ấu thơ ....
Bỗng choàng tỉnh! Đôi khi tìm thấy mình trong đó.
Cửa, cổng nhà tôi cứ mở toang! Kể cả khi trời đang nổi giông, nổi gió ...
Mỗi tháng Tư về tôi lại nhớ vào Nam!
Xin lỗi ! "tháng Tư!"
Xin lỗi ! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người "bên thua cuộc!"
Biết sao được !
Mọi người chúng ta sinh ra, đâu có thể chọn được thời cuộc
Nhưng! Lẽ đời, Đen, trắng phải phân minh!
Xin lỗi! "tháng Tư!"
Hãy tha thứ cho mình! Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.

BÌNH-NGỌC.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét