Ngẫm nghĩ cái thú tánh trong CON NGƯỜI lúc nào cũng có thể bộc lộ ra để cho thấy cái CON đầy thú tánh mọi rợ, hèn hạ, đê tiện... nhất là khi tham vọng vì hư danh, vì tư thù cá nhân, vì ganh ghét - tị hiềm - đố kỵ, vì tiền bạc, vì địa vị, vì quyền lợi làm cho họ bị mờ mắt; lúc ấy cái NGƯỜI đã không còn nữa! Hình như khi người ta muốn làm chính trị thì họ sẽ trở nên độc ác, tàn nhẫn như gia đình họ Kim này vậy. Nghĩ lại xem Stalin, Mao, Lê Đức Thọ... cũng giống hệt nhau ở cái thú tánh tàn độc và tham vọng vô bờ bến nhưng kết cuộc bao giờ cũng là sự nguyền rủa ngàn đời của lịch sử.
Già và Trẻ
Có lẽ cũng chỉ bấy nhiêu đó thôi. Bạn không thể vũ trang lật đổ chính quyền vì bạn không có vũ khí, không có lực lượng quần chúng đủ mạnh để bao vây, chiếm đóng…
Bạn sẽ thở dài, chép miệng:
- Khó lắm, có lẽ phải chờ thế hệ kế tiếp.
- Thế hệ nào?
- Thế hệ trẻ.
- Trẻ nào?
- Lớp trẻ Tây học. Lớp con cháu các quan đang học nước ngoài về nối nghiệp.
- Thì cũng nối nghiệp cha chúng nó thôi.
- Nhưng mà dẫu sao chúng nó trẻ, chúng học bên Tây bên Mỹ, chúng nhiễm tinh thần tự do, dân chủ. Thế hệ ấy phải khá hơn nhiều chứ.
Cứ tạm an ủi với niềm tin ấy. Vì đó là chọn lựa ít rủi ro nhất.
Niềm tin ấy dựa trên hai yếu tố cơ bản: TRẺ và TÂY HỌC để thay thế cho đám già và ít học.
Trẻ là bao nhiêu tuổi? Tuổi teen à? Có lẽ. Đó là lớp tuổi từ 13 đến 19. Ưu điểm của lứa tuổi này là gì? Năng động, khoẻ mạnh, trong sạch. OK. Tốt quá, nhưng cái đám này còn con nít quá, đếch làm lãnh đạo được, chủ yếu bị người ta xúi dại. Năm 1966 ở Trung Quốc có lão Mao dụ khị tụi con nít thành lập một đội quân đông hàng chục triệu người gọi tên là Hồng Vệ Binh, tay đứa nào cũng cầm một cuốn “Mao tuyển” chia nhau đi vây bắt những đối thủ của Mao, không từ một ai, kể cả chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Phong trào “hồng vệ binh” ở Trung Quốc đã gây bao nhiêu đau thương tang tóc cho đất nước và dân tộc Trung Hoa, làm cho hàng triệu gia đình tan nát.
Trong phong trào “Cải Cách Ruộng Đất” ở Việt Nam năm 1953-1956 có lẽ cũng không vắng mặt đám bần cố nông tuổi teen làm mưa làm gió, gào thét chửi rủa, đánh giết hàng xóm láng giềng, cha ông, chú bác cô dì của chúng.
Và trong cuộc chiến tranh tương tàn vừa qua, lớp người của cả hai bên chiến tuyến bị xúi giục lăn xả vào bắn giết nhau, phần lớn cũng là những người rất trẻ.
Ôi tuổi trẻ! Lịch sử đã chứng minh rằng các em chẳng làm được cái trò trống gì ngoài việc bị những lão già lợi dụng, xúi dại, đem máu mình ra để xây lâu đài vinh quang cho bọn họ.
Bây giờ sang yếu tố thứ Hai: Trẻ Tây Học.
Có một thời tôi cũng tin vào tầng lớp này. Cứ nhìn vào những đứa con của mình, tôi thấy chúng năng động, giỏi giang, hiện đại… và tôi rất tự hào về chúng. Nhiều đứa con của bạn tôi cũng thế, chúng thuộc một lớp trẻ mới, tươi tốt, tài năng…
Nhưng chúng là con của chúng tôi, những công dân bình thường, chúng đi học nước ngoài vì chúng học giỏi chứ không phải vì dựa thế cha mẹ. Chúng hoàn toàn khác với con em của những quan lớn đang cầm quyền. Những đứa trẻ này đi du học không vì tài năng mà vì “con ông cháu cha”, vì “tiền rừng bạc biển”. Chúng chỉ cần học cho có cái “mác Tây học” để về nước làm bộ trưởng, làm chủ tịch, làm thủ tướng. Chúng cũng nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp lưu loát, cũng làm quen với lối sống tự do, chúng cũng hiểu thế nào là nhân quyền, là dân chủ, là tam quyền phân lập…
Nhưng lịch sử lại một lần nữa chứng minh rằng chúng đếch cần những thứ đó. Chúng đã vứt những khái niệm dân chủ, tự do, nhân quyền của “Tây học” ngay tại cầu thang máy bay khi chúng bước chân lên tàu về nước.
Kim Jong-un là trường hợp điển hình nhất. Hắn là một người trẻ Tây học chính cống. Nhưng khi về nước nắm quyền, hắn sắt máu còn hơn một ông vua phong kiến thời chiến quốc bên Tàu. Hắn sống xa hoa trên sự đói rách của nhân dân, hắn bắt dân phải quỳ gối tung hô vạn tuế hắn như hoàng đế, hắn coi đám cận thần trong bộ chính trị, trong trung ương đảng như lũ nô tài, hắn muốn bỏ tù ai thì bỏ, muốn giết ai thì giết. Ngay cả người yêu của hắn chỉ vỉ nghe nhạc và xem phim Hàn Quốc cũng đã bị hắn hành quyết, hàng loạt tướng lãnh bị hắn bắn bỏ chỉ vì dám uống rượu trong thời gian để tang cha hắn, chú dượng hắn là Jang Song-thaek bị còng tay ngay trong hội nghị trung ương đảng, đưa thẳng ra toà án binh, xử xong, hành quyết ngay bằng súng tiểu liên.
Đấy, “tây học” đấy!
Vậy phải lý giải thế nào?
Xin thưa: cả hai yếu tố mà chúng ta vẫn cho là quan trọng để đặt niềm tin vào hàng ngũ lãnh đạo kế tiếp là: TRẺ và TRẺ TÂY HỌC… đều là bố láo.
Bởi vì chúng chẳng có gì quan trọng cả. Trẻ hay Trẻ Tây Học cũng đều là “con người” với đầy đủ tham sân si như đồng loại chúng.
Cái quan trọng là GUỒNG MÁY, là CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ.
Cái quan trọng là bọn trẻ ấy chúng sẽ làm việc trong guồng máy nào? trong chế độ chính trị nào? Nếu chúng làm việc cho bác Mao thì chúng là những “bác Mao mini”, nếu chúng làm việc cho gia tộc Kim bên Bắc Triều Tiên thì chúng sẽ là những con quái vật “Kim Jong-il” nho nhỏ.
ĐÀO HIẾU
Một cái “lỗ đen” cho những kẻ bị lộ
Dân Luận: Hai án tử hình cho một vụ tham nhũng đình đám, nghe có vẻ như công lý đã được thực thi. Nhưng cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết: Đó là một thể chế không có trách nhiệm giải trình, không công khai minh bạch, không có sự kiểm soát quyền lực. Khái niệm kinh tế nhà nước làm chủ đạo vẫn được ghi nhận trong bản hiến pháp mới thông qua. Từ cái gốc đó, sẽ còn nhiều án tử hình nữa, và sẽ còn nhiều tiền bị quan tham bòn rút từ ngân quỹ.
2 án tử hình đã được tuyên trong tiếng gào khóc của thân nhân và sự… bình thản của các bị án tử hình. Đây không phải là án tử hình đầu tiên đối với một tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, nhưng chắc chắn, phải đến khi bản án tử hình dành cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines được tòa tuyên chiều qua, người dân mới thực sự tin rằng một “tiền lệ” mới bắt đầu được mở ra: Tham ô, tham nhũng nghiêm trọng dứt khoát phải trả giá bằng mạng sống.
Một chiếc ụ nổi được sản xuất từ năm 1965, già nua và hỏng hóc đến mức không thể có bất cứ hoạt động nào khác, ngoài việc chưa chìm. Ấy thế mà, cũng chỉ bằng 24 chữ cái, những người có trách nhiệm ở Vinalines đã biến nó thành con số 9 triệu USD. Và số tiền tiêu tốn cho cái ụ nổi chưa chìm đó lên tới 500 tỉ đồng. Mỗi tháng 1 tỉ đồng, và một năm mất 12 tỉ riêng cho việc… neo đậu. Thực tế là chỉ qua việc mua một chiếc ụ nổi, những quan chức ở Vinalines đã tham ô hơn 28 tỉ đồng và qua đó, gây thiệt hại 366 tỉ.
Nếu phải bày tỏ cảm xúc, chắc chắn, đó là sự phẫn nộ không chỉ ở số tiền tham nhũng quá lớn, mà còn từ việc hành vi tham nhũng được thực hiện quá dễ dàng.
Phải nói thêm là trước khi tòa tuyên án, thì “tòa án công luận” đã kết án tử hình đối với Dương Chí Dũng. Người dân có lý khi bày tỏ sự đồng thuận với mức án nghiêm khắc này, coi đó như việc cụ thể hóa cam kết chống tham nhũng “không có khoảng trống”. Cũng như chỉ hôm qua, họ kể cho nhau nghe chuyện Dương Chí Dũng thản nhiên bảo “Anh cảm ơn em” khi nhận hàng vali tiền.
Nhưng bản án tử hình được tuyên ngày hôm qua chỉ ra biết bao nhiêu những cái “lỗ đen”. Cái lỗ đen từ cơ chế quản lý khiến người ta có thể “thổi” giá một đống sắt thành một chiếc ụ nổi. Lỗ đen từ không ít DNNN “mua cái gì cũng đắt. Làm cái gì cũng nhanh hỏng”. Lỗ đen từ cơ chế kiểm soát khi cái ụ nổi đồng nát, qua biết bao cơ quan kiểm tra, bao cơ quan giám định, qua bao nhiêu chữ ký được đàng hoàng thanh toán bằng tiền thuế của người dân. Lỗ đen trong quy định kiểm soát tài sản và thu nhập của quan chức nhà nước khi nền kinh tế tiền mặt và sự hình thức trong kê khai, khiến trong thực tế, tình hình tệ đến mức là tội phạm ở Việt Nam thậm chí chẳng cần phải rửa tiền.
Và vô số những “lỗ đen” này đang cho thấy lỗ đen lớn nhất trong chính bản án: Tử hình sẽ chỉ là biện pháp xử lý với một cá nhân phạm tội tham ô tài sản. Còn “lỗ đen” đối với xã hội nếu như sau án tử đó, những lỗ đen khiến người ta tham nhũng, đến mức độ phải tử hình, không được lấp kín.
“Lỗ đen” là từ dùng mà “khắc tinh của án tử hình” - luật sư nổi tiếng nhất thế giới Judy Clarke - nói về những bản án tử hình. Một đất nước có quá nhiều “lỗ đen” cũng có mặt trái là cơ chế phòng bệnh và sự kiểm soát cũng đang có “lỗ đen”. Dù ủng hộ, dù đồng thuận với án tử hình ngày hôm qua, nhưng có lẽ, không một người dân nào muốn có thêm bất cứ một bản án tử hình nào cho nhóm tội tham nhũng nữa. Vấn đề căn cơ, vì thế, phải là cơ chế ngăn chặn, để có muốn người ta cũng không thể tham nhũng, để không có án tử hình đối với tội danh tham ô tài sản, chứ không chỉ là đào một cái “lỗ đen” cho “những đồng chí bị lộ”. Đào Tuấn
9.000 giáo sư, phó giáo sư để làm gì?
Tuổi Trẻ (15/11/2010) giật tít ngay trang nhất: “Việt Nam đã có 9.000 giáo sư, phó giáo sư”, nội dung bản tin như sau: “Sáng 14-11 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 578 người.
Trong số trên 900 hồ sơ đăng ký xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2010, có 71 người được công nhận GS và 507 người được công nhận PGS.
So với năm trước, số GS, PGS thuộc các đơn vị ngoài trường, viện nghiên cứu tăng hơn; có 19,9% GS, PGS là nữ, có hai GS và bốn PGS là người dân tộc thiểu số. PGS trẻ nhất là Diệp Công Thành, 32 tuổi, ngành cơ học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, GS trẻ nhất là Phạm Quang Trung, 46 tuổi, ngành kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Như vậy với 578 GS, PGS lần này, cả nước hiện có 9.000 GS và PGS kể từ năm 1945 đến nay”.
Ai cũng biết xã hội tiến bộ và phát triển nhờ vào tầng lớp trí thức, khoa học. Nước ta là nước nghèo, lạc hậu, nay có số lượng GS, PGS nhiều đến như thế thì quả là một tin vui. Nhưng đàng sau con số 9.000 lại thấy có gì đó không bình thường.
Xứ tui có một di tích văn hóa- lịch sử độc đáo mà cả nước không có, đó là chiếc đồng hồ đá của Bác vật Lưu Văn Lang (còn gọi là Bác vật Lang, Bác vật tương đương với chức danh kỹ sư bây giờ, chưa đến mức Giáo sư, Phó Giáo sư). Ông Bác vật Lang là người Việt Nam du học sang Pháp rồi trở về Việt Nam làm việc, tuy không sanh ra ở Bạc Liêu nhưng thân sinh ông và ông có thời gian lập nghiệp sinh sống ở nơi này. Người dân Bạc Liêu tự hào về ông Bác vật Lang và chiếc đồng hồ đá lắm. Nó là bằng chứng hùng hồn chứng minh với người xứ khác rằng dân Bạc Liêu không chỉ biết đi rừng, đi biển, “mần guộng”, uống rượu “đế mắt mèo” không say, ca vọng cổ thiệt là mùi… mà còn biết phát minh khoa học để đời.
Nghe nói, khi ông Bác vật Lang về Bạc Liêu, thời đó đồng hồ hiếm lắm, nhà giàu mới sắm được đồng hồ quả quít đeo tòn teng bằng sợi dây chuyền vàng để… khoe của hơn là coi giờ. Vì vậy, mà có nhiều sự “trớt he” giữa người dân và “người nhà nước”. Để giúp cho hai bên khỏi hiểu lầm nhau, ông bèn xây tặng một cái đồng hồ đá ngay trong sân Tòa hành chánh của nhà nước bảo hộ Pháp (nay thuộc khuôn viên sân trường Đại học Bạc Liêu) để cho viên chức nhà nước và dân chúng cùng xài chung. Trừ những ngày mưa, trời có nắng đồng hồ chạy cực kỳ chính xác và vẫn chính xác cho đến ngày nay. Thật đáng khâm phục tài năng và tinh thần đem khoa học phục vụ cộng đồng của ông Bác vật Lang.
Từ năm 1990, tức là từ khi tôi biết đọc và nghiền ngẫm kỹ từng tờ báo trong nước cho đến nay, nếu tôi nhớ không lầm thì “báo ta” thường đăng bài về các phát minh đủ loại máy móc phục vụ nông nghiệp của mấy nhà “pha học tay ngang” nông dân, được nông dân nhiệt liệt hoan hô và đặt mua máy ào ào, sản xuất không kịp bán; nhưng hiếm khi thấy có vị GS, PGS công bố công trình khoa học gây sự chú ý và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nếu có thì đọc qua rồi một thời gian tui cũng quên béng không biết họ phát minh ra cái gì bởi lẽ nó xa vời, mông lung quá.
Nói túm lại là nhà khoa học hay GS, PGS gì đó chỉ được người ta nhớ tên tuổi, tôn trọng, quý mến khi GS, PGS ấy có công trình khoa học phục vụ được lợi ích thiết thực cho người dân.
Cũng theo Tuổi Trẻ cùng ngày, nước ta là nước chuyên sản xuất muối, muối trong nước dư thừa nhưng vẫn nhập, ông Phạm Ngọc Thảnh (chuyên viên cao cấp Cục Hóa chất, Bộ Công thương) cho biết nhu cầu muối năm 2010 là 454.000 tấn (sản xuất hóa chất 240.000 tấn và sản xuất, chế biến thực phẩm, hải sản 214.000 tấn) thì mua trong nước chỉ có 156.000 tấn, nhập khẩu đến 298.000 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu muối lý giải rằng muối Việt Nam không đạt độ sạch và chất lượng, “không thể sử dụng được trong công nghiệp nói chung và sản xuất thực phẩm nói riêng”. Hơn 400 tấn muối Sa Huỳnh tồn đọng không bán được đã mất trắng trong đợt lũ vừa rồi. Các vị GS, PGS đã làm gì để nâng cáo chất lượng hạt muối Việt Nam và cứu lấy diêm dân?
Ông Nguyễn Bá Định (Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I), cho biết các mặt hàng rất là bình thường như: văn phòng phẩm, bút, bì thư, miếng chùi xoong nồi, miếng rửa chén… vẫn được nhập khẩu về thường xuyên. Hàng nông sản nhập về Việt Nam tăng đột biến. “Tổng cộng trong mười tháng đầu năm nay, lượng cà rốt nhập khẩu lên đến 21.300 tấn”. Hành lá nhập khẩu cũng tăng vọt từ 947 tấn trong năm tháng đầu năm nay lên đến 8.350 tấn, các loại nấm từ 887 tấn “nhảy” tới gần 7.740 tấn… Lượng táo, nhãn, me… nhập khẩu cũng tăng vùn vụt. Hầu hết mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia. Ở mặt hàng trái cây, ổi, mận Trung Quốc, cùng với chuối, thơm Philippines trước đây mới chỉ xuất hiện ở siêu thị và một số sạp bán lẻ, nay đã trở nên phổ biến tại các sạp trái cây”. “Tại các chợ đầu mối, bắp cải, xá lách, cải thảo xuất xứ Trung Quốc ngày càng nhiều, được đóng trong các thùng xốp lớn, bảo quản lạnh với giá bán tương đương hàng VN”.
Sau tăm tre, cà rốt, khoai tây… nhiều mặt hàng nông sản quen thuộc khác mà trong nước sản xuất được như: bắp cải, cải thảo, xà lách, hành lá… vẫn đang được nhập khẩu với số lượng tăng gấp nhiều lần so với hồi đầu năm nay. Trong đó, phần lớn mặt hàng trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2010 đã nhập 1.118 tấn… tăm tre.
“Theo quy định hiện nay, nếu có C/O chứng minh xuất xứ, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%”. “Riêng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thuế suất nhập khẩu là 5%”.
Người tiêu dùng lẫn nông dân không hiểu tại sao hàng nông sản Trung Quốc thì không bị đánh thuế mà nông sản của quốc gia Đông Nam Á khác lại bị đánh thuế 5%. Nhờ ưu đãi về thuế nên giá bán nông sản Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn, thậm chí có loại còn rẻ hơn nông sản trong nước, nên nông sản Trung Quốc tha hồ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Hàng nhập vào không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng không có cách gì nhận biết những thứ nông sản ăn vào hằng ngày có hay không dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích… đang ngày ngày đầu độc giống nòi dân Việt, làm tê liệt nền nông nghiệp trong nước, đẩy nông dân Việt vào cảnh bần hàn. Các vị GS, PGS đã làm gì để cứu lấy nền nông nghiệp Việt Nam, cứu lấy nông dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?
Việt Nam vẫn còn phải đào tài nguyên thô đem bán. Trước kia là than đá, là dầu thô. Ngư trường Việt Nam rộng lớn, hải sản biển tuy nhiều nhưng Việt Nam chưa có được một chiếc tàu đánh cá nào có luôn nhà máy chế biến đóng hộp sản phẩm trên tàu để tăng giá trị hải sản Việt. Bây giờ Việt Nam chuẩn bị đào bán bauxite, đất hiếm. Các vị GS, PGS đã làm gì để tăng giá trị “biển bạc”, Việt Nam không phải bán tài nguyên thô mà là bán những sản phẩm công nghiệp hoàn chính?
Giá như 9.000 GS và PGS kia mỗi vị chỉ cần có 1 công trình khoa học nho nhỏ như ông Bác vật Lang thôi thì người dân Việt hạnh phúc và biết ơn các vị ấy biết chừng nào. Chức danh GS và PGS không phải là thứ trang sức để dành khi đăng đàn diễn thuyết, lên báo, lên đài đọc lên nghe “nổ đùng đoàng” để cho sướng lỗ tai!
Tạ Phong Tần- Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Nhìn lại 70 năm lịch sử Việt Nam
Cách đây 70 năm, trong những ngày cuối năm bên đèn dầu heo hắt, Lý Đông A, một chàng thanh niên trẻ Việt Nam, nhìn lên tấm lịch cũ treo trên tường đất, suy tư về ý nghĩa của con đường đấu tranh và lịch sử dân tộc. Đối với Lý Đông A, cha đẻ của chủ thuyết Duy Dân, thì lịch sử là một tiến trình hiện thực hóa lý tưởng của con người, của nhân loại. Với phong thái quán tưởng của một con người trong giai đoạn chuyển tiếp, Lý Đông A kêu gọi thanh niên Việt Nam, nhân những ngày cuối năm, “Hãy nhắm mắt lại, trở lại tự mình, xem cái sinh mệnh của tự mình tất thấy tất cả cái kết hợp và sinh mệnh của loài người, của lịch sử muôn năm cho đến ngày hôm naỵ"
Đối với Lý Đông A thì cuộc đời, “chỉ thấy đau khổ và chỉ còn rớt lại đau khổ trong cái vạch hướng thượng của đời sống.” Là một Phật tử, Lý Đông A chiêm nghiệm cuộc đời trên căn bản của một con người nhận chân ra giá trị của khổ đau để vươn mình đi tới. Ông trích Mạnh Tử rằng, “Trời sắp giáng đại mệnh cho ai, tất bắt người đó óc mỏi, gân nhừ, tim héo, phổi mòn, đủ điều khốn khổ, bách chiết thiên ma, làm cho người đó đứng dậy mà lớn lao lên.” Theo Lý Đông A thì mỗi dân tộc có một khổ nạn của số phận. Dân tộc phải chịu đau khổ như cá nhân để dân tộc đó được đi đến con đường “Thắng Nghĩa” và “Thắng Nhân”. Có thể ông đã chịu một ít nhiều ảnh hưởng của Immanuel Kant cách khoảng 150 năm trước, Lý Đông A chủ trương rằng mục đích của lý tưởng quốc gia và dân tộc là thể hiện được chân lý và đạo đức của Tạo hóa. Theo ông, “Quốc gia với dân tộc chỉ là một khái niệm, một tên gọi rỗng không nếu không sung thực cho nó một thực thể ở bên trong.” Lý Đông A nói tiếp, “Quốc gia hay dân tộc chỉ là hư danh” mà phải tìm thấy và phải thực hiện “cái sinh mệnh thực thể của giống nòi và toàn dân hướng theo một lý tưởng và chính nghĩa.”
Khi Lý Đông A đang viết những dòng chữ trên thì Thế chiến thứ Hai đang tiếp diễn. Những con người thao thức của thời đại đang đi tìm và bị đẩy vào những chọn lựa quyết liệt. Mỗi bước đi tới của Việt Nam thời đó đều mang thảm họa trộn lẫn với cơ hội. Lý Đông A nhìn
lên tường, trầm tư để nghĩ đến cái “Sử hồn” của dân tộc Việt. Từ những thao thức đó, ông viết thành một tiểu luận phân bày một ý nghĩa về tiến hóa lịch sử gọi là “Duy Dân Biện Chứng.”
Lý Đông A hỏi, “Trải 5.000 năm qua, nòi giống chưa bị diệt vong, phải có một lẽ gì? Và phải có một việc gì để làm?” Có thể ông đã hỏi tiếp, “Không lẽ cái giá trị hiện hữu của dân tộc Việt chỉ là để bị đau khổ?” và “Đau khổ cho mục đích gì?” Lý Đông A không trả lời những câu hỏi này mà chỉ còn hy vọng là “Chỉ có những người dưới địa ngục mới thực nghiệm thấy cái đau khổ của nòi giống và chúng sinh.”
Nhưng khi nhìn vào khối nhân loại trước mặt, nhất là dân tộc Việt, Lý Đông A nhìn thấy được luồng “Gió Đáy”. Luồng “Gió Đáy” của ông là thế hệ của thập niên 1940-50. Thế hệ của thời đó “tác dụng chủ đạo của mình” để làm việc cho “Thời Đại 2000.” Ông nói, “Chỉ có thế hệ thực tiền tiến” trang bị cho mình “trí viễn kiến và dũng cảm” để “đủ huyết tính ra gánh vác công việc lớn lao của thời đại trao cho.” Lý Đông A nhấn mạnh rằng dân tộc tính chỉ “tỏ lộ được sinh mệnh thực thể” khi chúng ta mang “chính nghĩa kiến thiết.” Và cái nền tảng căn bản là sự tiến hóa. Tiến hóa cho mỗi con người và cho cả dân tộc. Theo ông, “Người Việt ta phải hiểu thấu cái Để Uẩn tối thiêng liêng của nòi mình, cái lý niệm tối thực tại của Tiên với Rồng.” Ông trầm tư về “Một thế kỷ lâm ly, khố ải để thẩm thấu vào lòng mọi người Việt, cái bột phát của tương lai, cái đột biến của sự nghiệp.”
Lý Đông A có lẽ là triết gia chính trị duy nhất của Việt Nam trong gần thế kỷ qua. Ông là cha đẻ của sử quan mới trong đó cái “Lẽ Sống” của dân Việt phải được suy nghiệm. Tất cả chính trị và cách mạng đều phải cho sự tiến hóa của đạo lý dân tộc. Nhưng Lý Đông A chỉ nói lên được nỗi khát khao của con người thời đại với những vốn liếng kiến thức giới hạn và cũng còn quá nhiều cực đoan tính. Lý Đông A chỉ dừng lại ở biên giới dân tộc và chủ trương cách mạng bạo
lực với những ngôn từ của một nhà giảng đạo hơn là một tư tưởng gia - mặc dầu ông đã nói lên được nhiều nội dung triết học cách mạng sâu sắc của thời đại. Năng lực cách mạng của thời đại Lý Đông A ở tiền bán thế kỷ XX này vẫn còn mang nhiều tính chất thô sơ của tình cảm “non song,” “dân tộc” mơ hồ khi đối diện với một logic mới của lịch sử mà Tây phương đang nắm đầu dây chuyển động. Lý Đông A đáng cố gắng vùng vẫy thoát ly khỏi qua khứ ràng buộc nặng nề vào tư duy của một người Việt Nam đang đi làm cách mạng cứu nước.
Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của triết học chính trị Lý Đông A là không đưa ra được một nội dung giá trị cơ chế nào ngoại trừ lẫn quẫn ở chữ “Nhân” mơ hồ ràng buộc bởi cái đạo làm người trong hệ thống giá trị của Trung Hoa và Khổng Giáo. Lý Đông A cũng như toàn thể hệ thống triết học Đông phương đã thần tượng và lý tưởng hóa quá mức về khả năng chính trị của con người, vượt qua khỏi biên độ thực tế cần thiết, nhằm xác định một tầm mức khả thể thực tiễn cho vấn đề chính trị và xã hội vốn đòi hỏi những phương thức giải quyết trên căn bản định chế, tổ chức, và chính sách.
Từ trong khoảng trống to tát của triết học chính trị này, thanh niên Việt lên đường đi tìm tư tưởng chính trị mới. Trong đó có Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu và biết bao nhiêu người trẻ thao thức khác. Trường hợp của Hồ Chí Minh và các nhà tiền phong Cộng sản đại diện cho một trào lưu cách mạng tuyệt đối và cực đoan mà thời đại tạo nên. Những người Cộng sản Việt Nam là những người yêu nước với lý tưởng dân tộc, công bình xã hội. Họ ra đi trong cái nỗi đau chung của thế hệ với cực đoan tính của thời đại với những năng lực cách mạng sôi bỏng. Kết tụ lịch sử oai hùng của dân tộc và của người Cộng sản Việt Nam là chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một chiến thắng hiển hách, mang đủ anh hùng tính của dân tộc ta thời đại đó trước vấn nạn thực dân bạo lực.
Có lý luận cho rằng người Cộng sản đã “cướp công” kháng chiến chống Pháp của toàn dân vì những người đi kháng chiến thời Việt Minh đã không ra đi và chiến đấu cho lý tưởng Cộng sản. Lý luận này mang tính chất tình cảm để phủ nhân giá trị lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải có một cái nhìn quân bình hơn.
Nguồn gốc của chủ nghĩa Cộng sản, hay Xã hội Chủ nghĩa theo mô thức Marxist-Leninism, là lương tâm nhân bản hiện thực hóa qua ảo tưởng triết học. Đây là một hệ thống triết học chính trị phát xuất từ sự bất mãn với tình trạng dã man và bất công của giai đoạn kinh tế tư bản non nớt ở Âu châu ở thế kỷ thứ XIX. Chủ nghĩa này đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của con người đối với lịch sử và muốn chuyển hóa xã hội bằng lý tưởng quản trị lịch sử. Lịch sử phải được nắm đầu và dìu dắt đến một chọn lựa lý tưởng trừu tượng và toàn thiện. Chủ nghĩa Cộng sản lạc quan quá đáng vào khả năng cách mạng giá trị toàn bộ để chuyển hóa con người và xã hội một cách khẩn cấp. Tính lạc quan này tập trung được những ước mơ đầy ảo tưởng của nhiều thế hệ từ những con người có đầu óc nhìn thấy được những hiện tượng bất thường và bất thiện của lịch sử. Họ phân tích sâu sắc căn bệnh của thời đại và đổ tội vào cơ chế và cơ cấu xã hội èo uột và bất công đương thời. Chính ảo tưởng lịch sử với những lý luận mang nhiều tính chất khoa học và triết lý Tây phương mà chủ nghĩa này đã nắm được năng lực tình cảm chính trị của quần chúng, nhất là giới trí thức đang được mở mắt ra trước giá trị Tây phương nhưng vốn ngây thơ và nông cạn về triết học chính trị.
Chủ Nghĩa Cộng sản đóng vai trò của một tôn giáo cho những xúc động nhân bản để biến tất cả những con chiên thành những chiến sĩ cực đoan cho một lý tưởng cực đoan. Thảm họa bắt nguồn từ đó. Khi một tuyệt đối luận như Marxist-Leninism được trang bị cho những con người cực đoan thì hậu quả không lường được. Chính câu nói của Lenin, "Cực đoan cộng với ngu dốt là thảm họa" đã áp dụng đúng cho trường hợp này. Thêm vào đó, người Cộng sản biết sử dụng tình cảm lý tưởng cao độ này để biến thành sức mạnh tổ chức, biến chính quyền thành khí cụ để chuyển hóa toàn bộ xã hội. Đối với giới trí thức, nhất là khối quần chúng vừa bắt đầu có ý thức chính trị ở các nước chậm tiến như Việt Nam thì chủ nghĩa này vừa khoa học, vừa nhân bản, lý tưởng, tuyệt đối, cách mạng toàn diện, có mục tiêu tôi hậu và điểm đi đến cho lịch sử nhân loại.
Giới tiền phong Cộng sản Việt Nam lớn lên trong bối cảnh đầu thập niên này khi nước nhà thì nghèo đói, nô lệ, lạc hậu, nhục nhã, với cơ chế thực dân áp bức, bất nhân cùng với triều Nguyễn bất lực, lạc hậu, ngu dốt. Việt Nam thời đó không những chỉ đương đầu với hai cơ chế trên mà thôi mà còn bất mãn tận cùng cái truyền thống văn hóa, xã hội lạc hậu, phong kiến, thiển cận không đủ năng lực để chuyển hóa. Những giá trị và cấu trúc xã hội Khổng Nho và Phật giáo giống như những ngôi miếu trong góc vườn thiếu khả năng đương đầu với chao động toàn diện của giai đoạn lịch sử đó. Chúng ta hãy đọc lại những vần thơ Chế Lan Viên để thấy được tâm tình này: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ!” Ở đầu thế kỷ XX, nếu không có Pháp đô hộ Việt Nam đi nữa, thanh thiếu niên Việt Nam cũng lên đường ra đi. Thời đại như thế đã sinh ra những đứa con lãng tử lịch sử bị chơi vơi với trước ánh sáng mới của văn minh nhân loại. Họ ra đi không những chỉ vì bất mãn mà còn muốn tìm kiếm một linh hồn cho chính mình, cho dân tộc. Đây là những con người dân tộc muốn phủ nhận quá khứ và hiện tại phủ phàng để mong cứu đất nước và chính mình. Dù họ có muốn trở lại căn nhà xưa đi nữa, họ cũng đã phải bước vào ngõ cụt không lối thoát. Căn nhà tổ tiên đã mục nát tận rường cột. Đình làng, chùa chiền, đền miếu bị Pháp, tức là văn minh Tây phương, đang tiêu diệt cả về phương diện vật thể lẫn tinh thần. Tâm hồn của họ chìm ngập trong tâm trạng đau xót của nỗi “nước mất, nhà tan.” Những đứa con dân tộc Việt ở đầu thế kỷ XX đã phải đương đầu với hai công trình lịch sử lớn: Giành độc lập và xây dựng một Việt Nam mới.
Đứng giữa hai gọng kềm, một là bất mãn và thất vọng với truyền thống và hiện tại; hai là mặc cảm và hận thù đối với Pháp và Tây phương, người con Việt chỉ còn muốn đi tìm một con đường thứ ba. Phan Bội Châu, Lý Đông A, Phan Chu Trinh cùng các nhà yêu nước thời đại đều nhìn ra phía ngoài, hy vọng tìm một mô thức mới khả dĩ có thể cứu nước, xây dựng nước nhà trên căn bản giá trị Đông phương nhưng với tính thực tiễn và khoa học Tây phương. Nhưng những nhà cách mạng này lúng túng cho một hệ ý thức cho thời đại. Họ chỉ có diễn đàn đánh đuổi thực dân nhưng mơ hồ về một mô hình chính trị và xã hội cho Việt Nam khi đã giành được độc lập. Trong khi đó, Hồ Chí Minh và đồng chí của ông nao nức và triệt để hơn. Họ cảm nhận được cái lúng túng của những nhà cách mạng thời đó. Họ muốn có một phương thức cách mạng sâu rộng và toàn diện để đáp ứng nhu cầu to lớn của thời đại.
Trước bối cảnh tinh thần và hoàn cảnh mà những người Cộng sản tiền phong đã có như thế, chúng ta hãy thử đặt chính mình vào thực tế khách quan và nội tại đó - bỏ đi mấy chục năm cái xa xỉ đứng nhìn những thảm họa từ chủ nghĩa Cộng sản đối với Việt Nam - thì chúng ta đã có khuynh hướng chính trị như thế nào?
Những người như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Tạ Thu Thâu... lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Cộng sản Marxist-Leninism đã cảm thấy như một người lạc lõng, tuyệt vọng giữa sa mạc tìm được nước uống và bản đồ. Sự chọn lựa chủ nghĩa Cộng sản đối với họ, trong hoàn cảnh đó, là sự chọn lựa sai lầm của những người yêu nước. Nhưng sự sai lầm này không thế tránh được.
Khi họ đã có chủ hướng, người Cộng sản từ đó đã được trang bị một ý thức hệ và khoa học tổ chức cách mạng chính trị hiệu năng và tàn bạo. Cộng sản Việt Nam, từ đó, đáp ứng được với nhu cầu chiến tranh bạo động chống thực dân. Họ không ngần ngại sử dụng hết mọi thủ đoạn để phục vụ chọ lý tưởng ý thức hệ và mục tiêu tổ chức. Bất cứ cản trở nào đối với họ đều phải bị tiêu diệt, kể cả các phe cách mạng dân tộc chống Pháp, những nhà yêu nước, những chiến sĩ dân tộc. Cuối cùng, người Cộng sản làm chủ được năng lực cách mạng dân tộc thời đại và thành công đánh đuổi thực dân Pháp.
Chúng ta phải nhớ rằng, trong đấu tranh chính trị quyết liệt, nhất là ở mức độ lạc hậu của dân tộc ta thời đó, mục tiêu giành được chủ động độc tôn cách mạng và lãnh đạo chính trị là điều đương nhiên. Cái tàn bạo, giết chóc không cần thiết cũng không chỉ có người Cộng sản đã vi phạm. Hãy nhìn thực dân Pháp đã tàn sát dân lành như thế nào trong thời gian này. Hãy nhìn lính Nhật và trận đói khủng khiếp Ất Dậu. Chính đảng Cộng sản Việt Nam đã có những chương trình cứu đói cho các tỉnh miền Bắc và Trung Phần. Các đảng phái quốc gia thì bất lực, thụ động, làm ngơ, lo tranh chấp nội bộ, và cũng tàn sát lẩn nhau không kém. Tuy nhiên, cái nỗi bật là tính triệt để và tàn ác cao độ khi người Cộng sản hành xử đấu tranh và cách mạng.
Phán xét nghiêm khắc trên phương diện chính sách và phương thức hành xử chính trị của người Cộng sản Việt Nam đối với các đoàn thể tổ chức, cá nhân yêu nước thời đại là một việc. Tuy nhiên, sự “đổ tội” cho người Cộng sản khi họ vận động, sử dụng được sức mạnh cách mạng bằng lý tưởng chủ nghĩa nằm trên phương diện khác. Nên nhớ rằng cách mạng phải cho một lý tưởng chính trị và xã hội nào đó khi đất nước đã được độc lập. Dân chủ, Tư bản, hay Cộng sản đều là những mô hình chính trị, xã hội Tây phương cả. Hãy ví dụ: Nếu Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học vận dụng được sức mạnh thời đại và đánh đuổi được thực dân Pháp, thiết kế Việt Nam bằng một mô thức mới (Quốc Dân Đảng là mô thức chính trị Trung Hoa) đem đến những hậu quả tai hại cho nước nhà, thì liệu cái lý luận Quốc Dân Đảng “cướp công” kháng chiến có hợp lý hay không?
Người Cộng sản Việt Nam đã không cướp công của ai cả. Tác phẩm chính trị, kinh tế, lịch sử hiện nay của Việt Nam là của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng Việt Nam đang đi về đâu?
Trước hết, trên bình diện rộng lớn về một viễn kiến chính trị cho tương lai, người Cộng sản Việt Nam, cho đến nay, 1991, vẫn tiếp tục xác nhận lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa, mô thức Marxist-Leninism. Họ vẫn tin vào rốt ráo tính của những dự phóng ý thức hệ mà lịch sử và nhân loại đã đào thải. Hãy bình thản nhìn lại ý nghĩa của cách mạng và chính trị.
Những vận động cách mạng, chính trị, xã hội đều nằm trong sự vật lộn của con người đương đầu với vấn nạn ngàn năm về mục tiêu tối hậu của lịch sử và giá trị hiện hữu. Những chuyển biến liên tục trong khoảng năm thế kỷ qua đều nhằm đánh thức và mở lối những con
đường có thể của ý thức. Một lộ trình đã được mở ra là “lịch sử tuyệt đối luận” không còn bị kềm kẹp bởi ảnh hưởng thần học. Nhân loại kinh nghiệm tuyệt đối luận này qua kinh nghiệm Cộng sản trong suốt thế kỷ qua. Tinh hoa của hệ thống triết học chính trị Marxism thu gọn trong niềm tin rằng vật thể cấu tạo tiền đề cho ý thức. Xuống một mức nữa, Marxism muốn lấp cái hố sâu chia cách cá nhân và xã hội để chấm dứt hiện tượng vong thân cho nhân loại. Cơ chế xã hội không thỏa mãn được lý tưởng nhân bản là nguồn gốc thao thức không cùng để tìm cách phế bỏ. Niềm tin vào khả năng của con người có khả năng kiến tạo cơ chế phản ảnh giá trị nội tại chủ quan là động cơ cách mạng thường trực. Nhưng niềm tin đó đã được hiện thực chưa và có thể thành đạt không?
Hãy nhìn vào lịch sử cận đại. Hãy nhìn vào Việt Nam. Hố ngăn cách giữa giá trị nội tại giữa cá nhân và cơ chế xã hội lại càng sâu thẵm. Tình trạng vong thân, tha hóa ở nước nhà còn trầm trọng hơn ở các nước tư bản, hay ngay cả những quốc gia nghèo đói lạc hậu không Cộng sản. Nền tảng triết học của Marxism sụp đổ trước kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản.
Lịch sử không thể uốn nắn bằng tuyệt đối luận, lãnh đạo bởi một thiểu số mang ảo tưởng. Lịch sử là tiến trình chọn lựa hợp lý, vừa phải, trong giới hạn của thời đại, hoàn cảnh và con người. Lịch sử là một trường tiến hóa bất tận. Lịch sử phủ nhận chủ nghĩa Cộng sản vì nó không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, cải tiến xã hội, giáo hóa con người. Nó đè bẹp và bóp chẹt giá trị nhân bản vì bản chất độc tài và hoàn cảnh đời sống kinh tế, vật chất khó khăn. Nó không mở lối tự do để đáp ứng những ước vọng phổ quát cho cá nhân. Nhân loại đã đổ quá nhiều máu xương và nước mắt để thử nghiệm xã hội chủ nghĩa. Cái mà người Cộng sản Việt Nam phải công nhận bây giờ là xã hội chủ nghĩa không có tương lai cho nhân loại và cho dân tộc.
Nghĩa là, Yêu nước là phải từ bỏ xã hội chủ nghĩa. Lúc này và bây giờ!
Cái chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sờ dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất cùa nó là một lỗi lầm lịch sử... Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vờ bi hài kịch khủng khiếp.Lịch sử là tiến trình của nỗ lực con người - cá nhân - tự cai quản chính mình, tự ý thức về mình, tự làm chủ được mình, tự thắng mình, tự vượt qua đau khổ, tự hòa nhập khách quan với chủ quan để thực hiện hóa tự do. Như Hegel đã nói thì lịch sử là sự chuyển hóa tiệm tiến của lý trí. Cách mạng hướng thượng là nỗ lực xây đắp tương lai bằng những kết quả lịch sử đã được tích trữ. Tiến bộ đích thực là tinh thần của tương lai trở về hòa nhập và bắt tay với nỗ lực hiện tại.
Trong đó, quốc gia là cơ chế vận hành lịch sử. Và luật pháp đóng được thế đứng cung cấp cơ hội, tự do tích cực, phương tiện cho sự thể hiện tiềm năng và ý lực cá nhân. Quốc gia trong lý tưởng này phải là một tập thể được sống chung trong cơ chế dân chủ pháp trị. Chỉ có luật pháp thể hiện được năng lực ý chí và lý trí để được tự ý thức, tự quản của cá nhân đối với xã hội.
Luật pháp là máu huyết của cơ thể quốc gia nuôi dưỡng những tế bào quốc dân. Hướng đi của quốc dân là tiến trình nâng cao ý thức về chính mình. Luật pháp, khi kiến tạo bởi cơ chế chính trị dân chủ, thể hiện được chính nội tâm của cá nhân.
Luật pháp, từ đó, là ngôn ngữ của tự do. Luật pháp là hơi thở của lịch sử.
(Nguyễn Hữu Liêm: 1991)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét