Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Bài viết hay(756)

Hôm nay ở nhà một mình xem phim "Home Alone", tuy cũ nhưng sao tui thích quá! Trong khi thiên hạ đều có gia đình sum họp, quây quần vui vẻ, tui lại một mình với 4 con chó trung thành, dễ thương.  Mua một hộp gà chiên KFC về, cùng 4 con chó đón mừng Noel cũng vui...
image Nghệ thuật Tha thứ
     Cuộc sống thường nhật có bao điều bạn bực mình: Tiếng ồn, thất bại, lo sợ, bệnh tật, cơm áo gạo tiền, thời tiết, nỗi buồn, công việc, tình yêu gia đình, giao tiếp, xóm giềng, học hành, giao thông, thị trường, dịch bệnh… Bạn phải chịu đựng nhiều thứ. Để không cằn nhằn người khác và có thể chịu đựng sự khó tính của người khác, quả thật không dễ chút nào. Vậy làm sao có thể tự giải thoát mình?       
Các bậc cha mẹ thường hay chỉ trích con cái. Các chủ nhân luôn trách mắng và nhìn công nhân của mình bằng con mắt xoi mói. Vợ chồng cũng thiếu tôn trọng nhau, ưa áp đặt và nghi ngờ nhau. Các mối quan hệ khác cũng gặp nhiều phức tạp. Họ làm mất lòng nhau bằng nhiều cách. Thậm chí có những vết thương lòng vẫn nhức nhối sau nhiều năm. Giữa chúng ta có nhiều dạng ác cảm, làm những điều ác cho nhau, nói xấu nhau đủ điều, thậm chí là trả thù nhau. Có người còn biết nghĩ lại, hối hận, nhưng có người không hề tỏ ra hối tiếc vì lương tâm đã chai lì.
Cách tốt nhất để thanh thản tâm hồn là luôn chống lại ý nghĩ trả thù, luôn tâm niệm ba chữ “Tôi tha thứ” (nguyên tắc 3T). Đó là biện pháp tuyệt vời có thể giúp bạn chịu đựng những gì làm bạn phiền lòng. Tha thứ có giá trị tuyệt đối trong cuộc sống.
Tha thứ không có nghĩa là đầu hàng, chịu thua, chịu lép vế, mà là “bỏ qua”. Robin Casarjian giải thích: “Khi tha thứ, bạn không còn lệ thuộc vào người đã làm bạn đau lòng”. Tha thứ kéo bạn ra khỏi sự giận dữ của người khác và cho phép bạn sống thanh thản.        
Nêu sự tha thứ là điều tốt như vậy mà tại sao vẫn có nhiều người tích lũy cơn giận trong lòng? Đó là muốn trả thù để chứng tỏ mình không yếu thế. Chẳng qua là thua kém người khác nên mới hùng hổ lên cơn tức giận. Thế nhưng, chính sự tha thứ mới tạo nên sức mạnh thực sự, kiểu “mưa dầm thấm sâu”. Khi tha thứ, người ta cân nhắc kỹ lưỡng. Dù cho người kia có xứng đáng được tha thứ hay không thì vẫn không thành vấn đề, mà chỉ vì mình xứng đáng tự do. Đây còn là động thái cao thượng của một công tử. Chịu đựng để có thể tha thứ. Một lý do khác mà chúng ta có thể từ chối tha thứ là cảm thấy bạc nhược hoặc quy phục. Có người cho rằng tha thứ là nhận mình sai và người kia đúng. Nhưng tha thứ không là miễn trừ cơn giận đổ lên người khác mà là “rút dao ra khỏi vết thương”. Tha thứ là “bỏ qua” các lỗi lầm mà người khác đã làm cho mình, nhưng phải “bỏ qua” với cả lòng tự trọng và tôn trọng – kèm theo lòng yêu thương chân thành. Nhưng cũng có khi người khác không hề biết nỗi đau lòng của bạn mặc cho bạn phải âm thầm chịu đựng. Nếu biết tha thứ, bạn sẽ không phải khổ sở nữa. Tha thứ vẫn hữu ích cho các trường hợp như thất tình, bị hiểu lầm, bị ghen ghét,…         
Tha thứ tốt cho cả thể lý lẫn tinh thần. Trong cuốn Anger Kills, tiến sĩ Reddford Williams viết: “Cứ nhớ mãi về nỗi đau quá khứ thì sức khỏe sẽ suy yếu. Đơn giản như nhớ mãi một chuyện bực mình thì bạn sẽ căng thẳng và tim bị ảnh hưởng”. Về tình yêu tan vỡ, đại văn hào R. Tagore nói: “Khôn ngoan gì mà đau khổ mãi vì một người đã mang trái tim họ đi xa!”. Các ý nghĩa tiêu cực cũng có liên quan tới cao huyết áp, động mạch vành và dễ bị chứng bệnh khác. Sống cởi mở và thanh thản có thể làm tăng hệ miễn nhiễm. Chỉ cần một giây để xúc phạm người khác, có khi gây tổn thương trầm trọng, nhưng sự tha thứ lại cần nhiều thời gian. Mới đầu, bạn cảm thấy các tình cảm tiêu cực như tức giận, buồn bã, và xấu hổ. Sau đó bạn biến chúng thành tích cực hoặc làm giảm dần “mức căng”. Đặc biệt là học cách nhìn người khác bằng ánh mắt khác trong sáng hơn. Người hại mình sẽ trở thành yếu thế, bị động, như ngồi trên đống lửa. Người Việt Nam có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Cổ nhân cũng đã minh định: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (Ngậm máu phun người, trước tiên bẩn miệng mình). Chí lý lắm thay!
  Có người lại không thể đạt tới chặng cuối của sự tha thứ. Đó là những người bị tổn thương từ thuở ấu thơ, bị sỉ nhục bởi chính những người mà họ yêu thương và tin tưởng – như bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành thể lý hoặc tâm lý, bị cưỡng dâm, bị khinh miệt,… Dù không có sự tha thứ trọn vẹn, họ vẫn có lợi nhờ biết tha thứ một phần. Nếu cảm thấy khó tha thứ, hoặc muốn tha thứ mà không biết bắt đầu từ đâu, xin bạn hãy thử áp dụng 7 cách này:
1. Vi mô. Luyện tập tha thứ những lỗi nhỏ của người xa lạ - chẳng hạn bị tính gian mất vài ngàn đồng, bị “chơi gác” một chút… Dần dần, bạn sẽ có thể tha thứ những lỗi lớn hơn một cách dễ dàng hơn.

2. Giải thoát. Tự vượt qua nỗi thất vọng và kiềm chế cơn giận đối với người thân và bạn bè, hoặc những người mà mình tín cẩn. Nhờ vậy, bạn thấy “mạnh mẽ” hơn và rồi bạn cũng sẽ được nhận biết. Bạn vẫn có thể để tình cảm của mình tự do mà không hề giận dữ, không dùng ngôn ngữ hoặc ngữ điệu “khó nghe”, và bạn sẽ không phải hối tiếc về sau. Phương pháp “hả giận” cũng có hiệu quả - như đấm vào gối bông, bỏ đi chỗ khác, những tuyệt đối không đập phá đồ đạc hoặc “đá mèo, khoèo rế”. Nếu không tức giận tột độ, bạn hãy đọc sách báo. Đừng “giận cá chém thớt” như phóng xe bạt mạng, chửi “đổng” (chửi cho hàng xóm nghe, cho trời đất nghe)… Đó là cách biểu lộ tiêu cực và “hạ cấp”, nên tránh!

3. Chứng minh. Nếu thực sự cần thiết, bạn hãy viết thư hoặc gởi email (nếu ở xa), hoặc gặp trực tiếp để tìm hiểu sự thật bằng cách nói ôn hòa và tích cực xây dựng, chứ không nguyền rủa hoặc chỉ trích “đối phương”. Chẳng hạn, “Tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi không hiểu…”. Hãy diễn tả sự ảnh hưởng đối với bạn vì cách xử sự của người kia, đồng thời bày tỏ thiện chí “đàm phán” để có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa, gọi là “dĩ hòa vi quý”.
4. Mặc nhiên. Đối với tội loạn luân, cưỡng dâm và các tội phạm khác, nạn nhân có thể tránh né tha thứ trực tiếp, vì việc gặp nhau để “đối chất” sẽ… không an toàn! Thật vậy, không cần “đối diện”. Đó là sự tha thứ mặc nhiên. Người được tha thứ có thể không nhận ra lỗi và không bao giờ biết mình được tha thứ. Ví như người say rượu không biết mình nói gì hoặc nghe gì. Điều quan trọng là bạn đừng để cho cơn giận dữ lộng hành, vì không ai ngu dại đến nỗi căng buồm ra khơi khi trời đang giông tố!
5. Lắng nghe. Nếu đối diện với người làm tổn thương mình, bạn hãy lắng nghe và chỉ nói về những gì bạn đã nghe. Làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu có cách nhìn khác và dễ dàng tha thứ hơn. Im lặng và lắng nghe, đó là cửa mở rộng đưa bạn thanh thản bước vào vùng bình yên của sự tha thứ tuyệt vời.
6. Suy tư. “Nhân vô thập toàn”. Con người luôn bất túc và bất trác. Hãy đợi đến lúc lòng mình lắng xuống, chọn khung cảnh yên tĩnh và suy tư. Chắc chắn bạn sẽ đủ sáng suốt để có thể quyết định đúng đắn, không gì tốt hơn là yêu thương và tha thứ. Suy tư là cách hữu hiệu để nhận biết chính mình và thông cảm với những người xung quanh. Đừng bao giờ quên: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”.
7. Hướng thiện. Nhờ hướng tới Chân-Thiện-Mỹ và tương lai, bạn có thể sớm đạt tới “đích” tha thứ. Hai chị em tị nạnh nhau về việc chăm sóc người mẹ bệnh tật. Cô ở gần than phiền về gánh nặng vất vả và hàng ngày phải lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ, đích thân làm đủ thứ. Cô ở xa chỉ gửi tiền về, lâu lâu mới đến thăm được. Cô ở gần thì bực tức và luôn gắt gỏng. Cô ở xa thì chỉ biết im lặng và bỏ qua tất cả để giữ tình chị em. Một câu nhịn, chín câu lành. Thời gian là bằng chứng hùng hồn nhất.       
      Sự hướng thiện sẽ dẫn tới sự tha thứ, và sự tha thứ dẫn tới sự bình an tâm hồn. Sidney Simon nói: “Sự tha thứ làm cho bạn cười nhiều, có thể cảm nhận sâu xa, và trở nên liên kết với người khác nhiều hơn”. Chính sự tha thứ là thần dược mau chữa lành vết thương lòng. Vả lại, chính lúc mình tha thứ là lúc mình được thứ tha.
Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định rằng “tha thứ không có nghĩa là quên”. Có lẽ hơi… “khó nghe” chăng? Không đâu. Chúng ta không thể quên nỗi đau hoặc điều thiệt hại, và cũng không nên quên, vì bị lừa lần một thì không do lỗi mình, nhưng bị lừa lần hai thì do lỗi mình. Chính những “kinh nghiệm đau lòng” đó dạy chúng ta đừng bị lừa thêm lần nữa – còn được gọi là “kinh nghiệm xương máu”. Ở một góc độ nào đó, giống như “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin” là vậy. Con chim bị bắn hụt một lần rồi thì nó sẽ khôn hơn.
        Không để bị lừa lần nữa và không lừa ai, đó là những người khôn ngoan. Tha thứ là việc khó nhưng vẫn khả thi, càng khó thực hiện thì việc đó càng có giá trị cao. Bị khiêu khích mà không giận thì hoặc là kẻ tiểu nhân, hoặc là người quân tử và cao thượng. Sự tha thứ luôn luôn cần thiết, vì có tha thứ thì mới có thể tái lập hòa bình và bình thường hóa quan hệ – ở mọi cấp độ khác nhau. Đôi khi rất cần một lời xin lỗi!        Xin mượn lời Kinh Thánh để kết: “Không chỉ tha bảy lần mà tha bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ mãi mãi. Không tha thứ, đó là người ích kỷ! Xin chúc mừng nếu bạn là người vị tha. Nếu chưa, cố gắng thêm thì rồi bạn sẽ thành công – và chắc hẳn được mọi người nể trọng.

“Câu khách” bằng áo trắng… học trò Đi học đúng nghĩa với Những Thiên Thần Áo Trắng 
Chủ quán đã khéo léo khoác cho các nữ tiếp viên chiếc áo sinh viên, học sinh để tăng thêm phần hấp dẫn. Để giữ "áo trắng học trò", quán này không cho các em ngồi với khách mà chỉ có đứng cạnh bên và mức độ ôm cũng vừa phải, nhẹ nhàng. Với những khách quá trớn, các em cũng được dạy cách từ chối khéo léo hoặc tỏ vẻ ngượng ngùng, khó chịu của một cô gái từ quê mới lên thành phố học hành.
image
 Theo một báo cáo tổng kết của UBND TP HCM vào năm 2006 thì thời điểm này trên toàn TP HCM có khoảng 25.000 cơ sở (bao gồm cả kinh doanh có phép và không phép) kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" dễ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH). Trong đó có 47 cơ sở khiêu vũ, 880 quán karaoke, gần 8.000 nhà hàng, hơn 3.000 khách sạn, còn lại là điểm massage, cà phê nhạc, hớt tóc thanh nữ… Vậy trong số cơ sở "nhạy cảm" đó có bao nhiêu cơ sở đã phát sinh TNXH?
Từ bia ôm "nhẹ nhàng"
Thế giới bia ôm ở TP HCM hiện nay có thể chia thành ba loại, loại thứ nhất là kiểu bia ôm "nhẹ nhàng". "Đại diện tiêu biểu" cho kiểu bia ôm "nhẹ nhàng" hiện nay là quán Tr.Ch. nằm gần giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám thuộc địa bàn quận 3. Quán này trông vẻ bên ngoài chẳng khác nào một quán nhậu bình thường nhưng phía trên lầu 1 lại là một thế giới khác.
Ở đó, các cô tiếp viên chẳng chịu xả láng nhưng lại gây sự chú ý và thích thú với nhiều khách nhậu ở tuổi trung niên. Chính vì thế mà quán luôn đông nghẹt khách, muốn nhậu trong phòng lạnh thì khách phải điện thoại đặt phòng trước ít nhất 1 tiếng đồng hồ.
Nhiều lần đến quán này tìm hiểu thì tôi mới phát hiện ra rằng, "độc chiêu" mà người chủ quán thể hiện ở đây chính là đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp, trông còn vẻ ngây ngô, thậm chí có em chân còn đóng phèn mà đó mới chính là điểm mà các ông khách lấy làm thích thú.
image

Không chỉ có lợi thế tiếp viên "Hai lúa", người quản lý của quán này còn khôn khéo khoác cho các tiếp viên chiếc áo sinh viên, học sinh để tăng thêm phần hấp dẫn. Để làm được việc này, quản lý xem em nào chân dài, dễ thương thì là "sinh viên trường du lịch, trường sân khấu điện ảnh"; em nào cục tính, ít nói thì "trung cấp kế toán, trung cấp tin học"; em nào ít chữ, ngây ngô thì "bổ túc văn hóa, học viên trường dạy nghề"… Sau khi gán ghép xong xuôi, các em cũng được đưa đi tiếp cận nơi trường tọa lạc rồi được dạy dăm ba thuật ngữ về chuyên ngành… thế là thành học sinh, sinh viên.
Để giữ "áo trắng học trò", quán này không cho các em ngồi với khách mà chỉ có đứng cạnh bên và mức độ ôm cũng vừa phải, nhẹ nhàng. Khách nào quá trớn các em cũng được dạy cách từ chối khéo léo hoặc tỏ vẻ ngượng ngùng, khó chịu của một cô gái từ quê mới lên thành phố học hành vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mới cắn răng làm tiếp viên quán nhậu. Chính điều này đã làm không ít khách nhậu chẳng tiếc tiền "boa" và sẵn sàng chi thêm mỗi khi em cần tiền "học phí", ba mẹ bị bệnh, sửa chữa lại nhà… nhưng tất cả chỉ là giả dối.
Tương tự như quán Tr.Ch. là quán B.L. nằm trên đường Kỳ Đồng và quán H.Y. trên đường Lê Quý Đôn cũng thuộc địa bàn quận 3. Tiếp viên của các quán này không giả dạng sinh viên, chẳng kêu than kể khổ, cũng không ngồi với khách nhưng chỉ có "chiêu" nhỏ và xem ra cũng khá hiệu quả là hay "vô tình" để lộ nhiều phần "nhạy cảm" trên cơ thể. Thi thoảng cũng để cho khách ôm ấp nhẹ nhàng.
Đến bia ôm "thuần túy"
Bia ôm "thuần túy" tức có tiếp viên ngồi phục vụ khách và phải thỏa mãn nhu cầu… ôm! Quán loại này chiếm phần đông trong số quán bia ôm nói chung ở TP HCM và khách phần lớn là những người mới bước vào con đường ăn nhậu "tăng hai". Hiện tại, ở nội thành TP HCM, bia ôm "thuần túy" có mặt trên rất nhiều tuyến đường chính ở quận 1, quận 3, quận 5 như đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu…
Nhưng chỉ có mỗi con đường mà khi nhắc đến giới ăn chơi ai cũng biết, đó chính là đường Trần Quang Khải thuộc địa bàn quận 1. Con đường dài chỉ trên dưới 1km (chạy dài từ đường Hai Bà Trưng đến Đinh Tiên Hoàng) này lại có đến cả chục quán bia ôm mà quán nào cũng có lượng tiếp viên đông đảo. Phương thức hoạt động, tổ chức của các quán ở đây cũng na ná như nhau: quán nào cũng có vài ba "má mì", mỗi "má mì" quản trên dưới 10 tiếp viên và tùy theo nhu cầu của khách thích tiếp viên theo gu kiểu nào sẽ được quản lý bố trí cho "má mì" kiểu đó.
Trong số những quán nêu trên, có quán từng bị đóng cửa nhưng sau đó lại thay chủ rồi xin giấy phép mới và tiếp tục hoạt động bán bia ôm… Đặc biệt, hầu hết các quán này chỉ đăng ký kinh doanh nhà hàng nhưng đều có karaoke và các tiếp viên chẳng ai có hợp đồng lao động. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà các quán này vẫn tồn tại từ nhiều năm qua…
Và bia ôm "quằn quại"
Bia ôm "quằn quại", có ranh giới rất mong manh với tệ mại dâm. Đó là bia ôm theo kiểu nhà hàng Vân Nhi, nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận đã bị Công an triệt phá. Các tiếp viên ở nhà hàng này không chỉ "trần như nhộng" mà còn có những màn biểu diễn thoát y rợn người mà chúng tôi không tiện kể ra đây.
Sau khi ổ tệ nạn này bị triệt phá, Đoàn kiểm tra liên ngành 814 các cấp trước đây và nay là Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều quán bia ôm có tiếp viên "quậy" tưng bừng như nhà hàng Thiên Thanh Hải, nhà hàng Hương Xuân (đều ở quận Bình Thạnh)… nhưng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Vì trên thực tế hiện nay, bia ôm "quằn quại" có dấu hiệu ngoi đầu trở lại.
Nổi đình nổi đám trong số này là quán nhậu số 3… nằm trên đường Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh. Các tiếp viên ở đây sau khi đã ngà ngà say sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách như nhảy múa thoát y, biểu diễn những trò rùng mình mà dân chơi hay gọi là "múa lửa". Sau cùng, nếu khách có nhu cầu mua dâm thì sẽ được quán bố trí phòng trên lầu với giá 300 ngàn đồng/lần...Cà phê Thanh Đa vẫn dập dìu "cảnh nóng"
image

quán Cỏ Hoa tại thanh đa vào giấc ngủ trưa chuẩn bị cho ca làm việc bận rộn buổi đêm
 Một thời, cà phê Thanh Đa (TPHCM) nổi tiếng với những quán cà phê bờ sông trá hình, rồi “giọt nước tràn ly” khi đĩa phim nữ sinh Hoàng Hoa Thám được tung ra thị trường với cảnh nóng quay lén được thực hiện tại đây. Một tối tháng 8/2009, chúng tôi quay lại Thanh Đa, sau một thời gian tưởng rằng đã im ắng.
Vẫn tấp nập từ A đến Z
Qua khỏi ngã tư Thanh Đa, đi thẳng vào đường Bình Quới, P28 (Q. Bình Thạnh), chúng tôi đếm được trên 30 quán cà phê ven sông. Có nhiều quán nằm sâu trong hẻm được trang hoàng bằng đèn chùm. Nhân viên nam ngồi trước các quán nhanh nhẩu tiếp thị: “Vào đây đi anh!”, mỗi khi thấy những chiếc xe máy đi qua. Đi tiếp, những tên quán cà phê trá hình xuất hiện càng nhiều như: Cỏ hoa, Đ.N, 104…
Bị một thanh niên 22 tuổi chèo kéo, chúng tôi tấp xe vào quán Cỏ Hoa. Bên ngoài có hàng chục chiếc xe máy của khách với đủ biển số 50, 51, 79, 63… Đóng vai một cặp tình nhân, tôi và cô bạn đồng nghiệp nắm tay bước vào đã bị một nam nhân viên hỏi: “Anh chị dùng gì ?”. Chúng tôi nói cần một ly cà phê đá và một chai xá xị.
Một anh thanh niên khác, tay cầm đèn pin bảo chúng tôi: “Đi theo em”, rồi dắt ra sau quán. Lúc này, quán tối thui, không một bóng đèn, chúng tôi quan sát được ba dãy với những chiếc ghế nệm kiểu salon. Theo quan sát của chúng tôi, quán Cỏ Hoa đã được xây dựng lại khá khang trang. Những năm trước, quán chỉ có khu vực trang bị ghế nệm, còn hiện nay đã có thêm dãy nhà nghỉ mới xây. Mỗi phòng có giường, nệm nho nhỏ cho những khách muốn “đi tới Z”.
Dắt chúng tôi vào dãy trong cùng, anh thanh niên rọi đèn pin để… bật quạt và đốt nhang muỗi dưới chân, sau đó đòi 35.000 đồng tiền nước. Tôi cố tình đưa 50.000 đồng để anh ta rọi đèn pin… thối tiền. Ngồi chưa ấm chỗ, cách chỉ hai mét, chúng tôi trông thấy một đôi “uyên ương” đang “quấn” lấy nhau, vật vã trên chiếc ghế nệm. Chốc chốc là tiếng thở hổn hển, tiếng uống nước ừng ực, vội vàng và ánh sáng yếu ớt từ chiếc ĐTDĐ của anh chàng kia phát ra.
Tôi viện cớ đi tìm nước rửa mặt để lần vào trong thì chỉ thấy, trên những chiếc ghế da, nhiều cặp đang nhiệt tình… thể hiện. Tiếng nói khe khẽ, thỉnh thoảng là những câu nói của các cô gái vang lên: “Đừng anh, đừng làm vậy!” phát ra. Tôi đếm được 10 cặp đang nằm sõng soài. Chốc chốc, một cặp nam nữ ôm vai bá cổ nhau đi về rồi cặp khác lại kéo vào… lấp chỗ trống.
12 giờ đêm, chúng tôi ra về, bãi xe vẫn còn rất nhiều xe máy. Một cặp tình nhân tuổi teen cũng đang nổ máy xe ra về sau một đêm “mưa gió” trong dãy phòng trọ đóng cửa kín mít. Họ làm gì thì không ai biết, chỉ thấy cô gái mặt búng ra sữa lấy tay chải tóc và chỉnh trang quần áo cho ngay ngắn, trước khi về nhà. Đi qua các quán khác, tình hình cũng không khác là bao, dù bên ngoài im ắng.
Bãi đáp giá bèo
Tối hôm sau, chúng tôi quay lại khu vực này và vào thử quán N. Đây là một quán tầng rất đẹp với nhiều đèn chùm trang trí. Lúc tôi đến, quán rất đông khách, nhiều nhân viên nam đang tán gẫu trước quán làm nhiệm vụ chào mời khách.
image
Quán Điểm Nhớ
Bước vào quán, một thanh niên hỏi thượng khách ngay: “Anh chị ở dưới hay lên lầu?”. “Ở dưới đất thì tình hình “nhẹ”, còn lên lầu thì cứ vô tư đi bởi ….“trái đất này là của chúng mình” – anh nhân viên giải thích, khi thấy chúng tôi đang giả vờ ngơ ngác. Mất 30.000 đồng tiền nước, khách vào quán tự do “làm việc”, nhưng không được tới “giai đoạn cuối” như ở khu vực trên lầu, vì đơn giản giá nước ở dưới chỉ bằng nửa với trên.
Lần này, chúng tôi lại… ngồi nhìn những cặp khác “hành nghề” rất thoải mái. Một tốp thanh niên “lầm đường lạc lối” thế nào khi tưởng nơi đây là quán cà phê hóng gió dọc theo bờ sông Thanh Đa mới bước vào quán đã bị những thanh niên bảo vệ hỏi thăm là vào quán làm gì.
Lần khác, mất 50 nghìn đồng cho cả hai người, chúng tôi cũng có cớ để lên lầu với những chiếc ghế nệm đen xì trong bóng tối. Giống như các quán khác, nhân viên nam cũng dẫn chúng tôi lên lầu với đèn pin lăm lăm trong tay.
Để anh ta đi khỏi, chúng tôi quờ quạng xung quanh thì giật mình khi thấy những tiếng người, chốc chốc là tiếng xé vỏ bao cao su, tiếng vỗ khăn lạnh hừ hự.
Tôi rút điện thoại định làm vài kiểu trong khi giả vờ xem tin nhắn, ánh sáng yếu ớt từ điện thoại phát ra, tức thì nhiều tiếng nói của nam lẫn nữ vọng ra ngay, kèm những tiếng chửi bới: “ĐM. Tắt ngay điện thoại đi”. Có tiếng một cô gái nói lịch sự hơn: “Làm ơn tắt điện thoại”.
11 giờ đêm rời khỏi Thanh Đa giữa sự náo nhiệt, khi quay lại vào 3 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy các quán vẫn đóng cửa im ỉm, không còn hoạt động, bên trong chỉ còn đèn ngủ. Không khí nơi đây trở lại yên tĩnh trong khi các quán nhậu đêm gần đó đang vào giờ… cao điểm.
Một anh xe ôm am hiểu tình hình cho tôi biết, cái khó của công an là khi ập vào kiểm tra, các quán đều có cách đối phó khi có hệ thống đèn báo động, cửa sau.
Nơi đây quả là “bãi đáp” lí tưởng cho người mua bán dâm, những cô cậu học sinh sinh viên… vì có giá quá rẻ. Chỉ cần mất 25.000 đồng cho hai người so với việc phải có CMND và 50.000 đồng tới 200.000 đồng để thuê nhà nghỉ, khách sạn.
Anh để cho em ngồi lên đùi đi, không chủ quán nói em không biết tiếp khách là bị đuổi đó”, cô tiếp viên vừa nói, vừa nhảy tót lên đùi, hai tay ôm chặt khách rồi bắt đầu “màn dạo”.
Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp bên trong hàng loạt quán cà phê trá hình đang hoạt động rầm rộ tại các quận huyện vùng ven Sài Gòn.
Muôn màu cà phê vùng ven
Câu cửa miệng “ăn quận năm, nằm quận ba, la cà quận nhất…” giờ đây đã xưa đối với dân chơi “nhà nghèo” Sài Thành. Với họ, bây giờ muốn vui vẻ phải dạt về các quận ngoại ô để vừa hóng mát, an toàn mà “đào” quậy thì không thua gì thành phố, còn dễ kiếm hàng “rau sạch” với giá rẻ.
Đúng 7h tối ngày cuối tuần, theo chân thanh niên tên Tuấn, tôi được dẫn đi “tham quan” một trong hàng loạt địa điểm quán cà phê trá hình đang tồn tại ở các quận huyện vùng ven thành phố. Chưa đầy 20 phút lượn trên hai đoạn đường Nguyễn Ánh Thủ, Tô Ký (thuộc huyện Hoóc Môn, đoạn giáp ranh quận 12), ở đây có hàng chục quán cà phê “ôm” nằm san sát nhau như: P.T., M.N…, đó là chưa kể quán “gội đầu máy lạnh”, karaoke, khách sạn giá rẻ.
image
Theo quan sát, một điểm chung của quán cà phê “ôm” là chúng được dựng lên bởi những căn nhà lá lụp xụp, phía ngoài treo dãy đèn nhấp nháy lòe loẹt xanh đỏ và ngụy trang bởi những chậu cây um tùm chắn ngang trước cửa quán.
Để mục sở thị, chúng tôi chọn quán P.T. nằm trên đường Nguyễn Anh Thủ làm điểm dừng chân. Vừa dựng xe, một cô tiếp viên “mặt búng ra sữa” ra vồ vập cầm tay giả lả: “lâu lắm mới thấy anh tới thăm em nha” (mặc dù đây là lần đầu tiên tôi tới quán) rồi kéo đi ra phía sau một cái chòi ẩm thấp, bên trong những bộ bàn ghế cũ kĩ, ánh đèn mờ ảo và một cây hương muỗi…. Sau khi đưa nước ra, cô tiếp viên bắt đầu “tâm sự” hàng loạt chuyện, nhưng chủ đề chính vẫn xoay quanh vấn đề “khiêu khích” pha lẫn nhiều câu chửi thề rất tự nhiên.
Cô gái giới thiệu tên Nhung, quê ở Bạc Liêu mới vào bán được hai tháng “trước đó em bán ở quận 7, rồi về quê và bị cha mẹ ép lấy ông chồng người Hàn Quốc đã 54 tuổi, em không chịu nên bỏ trốn lên đây bán cà phê cho khỏe”, Nhung hồn nhiên cho biết. Vừa nói, cô bé vừa nhảy tót lên đùi khách ngồi, khi tôi không thích, tiếp viên này nói, “anh cho em ngồi lên đi, không chủ cho em là không biết tiếp khách sẽ đuổi đó…”.
Trong lúc nói chuyện, mặc dù cô gái luôn miệng cười nói vui vẻ để tạo không khí cho khách, nhưng đôi lúc ánh mắt Nhung vẫn hiện rõ nét lo âu, “lúc trước đi bán chủ nuôi ăn, ở và trả lương 500.000 đồng/tháng, nhưng bây giờ tụi em chỉ ăn trên tiền nước nên khó khăn lắm…”.
Cô giải thích, mỗi chai nước khách phải trả 20.000 đồng cho quán, tụi em được hưởng 5.000 đồng, còn nếu ai gặp “dân chơi” thì có thêm tiền bo nhưng thường là rất “bèo”. Thời gian làm việc của các nhân viên bắt đầu từ 9h sáng cho đến tối, có hôm đông khách thì phải tiếp đến 1h, 2h mới được nghĩ. Khổ cực là vậy, nhưng khi tôi hỏi vì sao không xin vào các công ty, xí nghiệp làm may, giày gia…cô gái bĩu môi “em từng đi làm rồi, nhưng cực khổ lắm mà tháng được mấy đồng sao đủ sống, làm thế này cho khỏe, thoải mái hơn”. Nói xong, cô gái đưa ra ví dụ, “như bà chủ em đó, hồi xưa cũng như tụi em nhưng gặp được ông khách “tốt bụng” nên thuê luôn cho cái quán, đứng lên làm chủ”.
Đang luyên thuyên nói chuyện với tôi, bất ngờ cô bé nhảy xuống chạy qua một bàn gần đó với dáng vẻ khá vội vàng. Thấy vậy, Tuấn liền cười giải thích “nó chạy qua để kiếm tiền bo đó, một đứa tiếp nhiều bàn nên khi khách kêu tính tiền là phải có mặt xem có được thưởng gì không ”. Theo quan sát, mới hơn 8h tối nhưng khoảng 20 chiếc bàn trong quán đã nằm trong tình trạng “cầu” hơn “cung”, buộc tiếp viên phải “chạy sô” khắp các bàn để phục vụ.
Muốn tới Z… cũng được chiều
Rời quán, Tuấn tiếp tục chở tôi đến một quán cà phê nằm trên đường Tô Ký, nhìn bề ngoài khá sang trọng nên ít ai có thể biết đây là quán cà phê trá hình. Thế nhưng, theo lời quảng cáo của Tuấn thì đây là quán “3 trong 1” gồm phần dành cho các đôi tình nhân vào “tâm sự”, phần cho khách uống cà phê “sờ mó” và karaoke “ôm”, vào đây muốn gì đều được phục vụ tất.
Nhìn thấy hai “thượng đế”, nhân viên phục vụ khá niềm nở hỏi chúng tôi “hai anh có nhu cầu gì để tụi em phục vụ?”. Thể hiện dân sành điệu, Tuấn liền móc trong túi ra tờ 50.000 đồng dúi vào tay anh chàng nhân viên; với bộ dạng phấn khởi, vừa dẫn chúng tôi vào “thế giới” riêng nhân viên này vừa nói “sư huynh yên tâm đi, em sẽ đưa hai “đào” mới từ quê lên phục vụ, tụi nó đang dại lắm nhưng trẻ, đẹp…nếu không thích cứ nói để em đổi”.
Ngay cửa ra vào, có khoảng gần 10 cô gái mặc trên người những bộ váy không thể ngắn hơn đang “tút” lại vẻ đẹp để chờ đón khách; lúc này chúng tôi bị đẩy vào một căn phòng tối om, khách chỉ biết ngồi yên vị một chỗ và nghe tiếng nói thầm thì từ các bàn xung quanh.
Một lát sau, cô nhân viên bước tới cầm khăn lạnh đập mạnh rồi bắt đầu “phục vụ” cho khách. Cô gái ngồi với tôi tên Lan, 17 tuổi, quê Cần Thơ, mới vào làm 1 tuần. Lan cho biết, học hết lớp 7 thì ở nhà phụ giúp gia đình, nhưng ở quê không có việc gì làm nên được đứa bạn cùng quê đưa lên rồi giới thiệu vào đây làm. Song, điều khiến tôi nghi ngờ về cô gái “mới đi làm 1 tuần” là việc quá mạnh dạn, không hề rụt rè khi sà vào lòng khách ôm rất tự nhiên. Chưa dừng lại, cô tiếp viên còn chủ động đề nghị khách “sờ mó” vô tư vì “tụi em chỉ được chủ cho ăn, ở nên phải làm tất cả theo yêu cầu của khách mới có tiền bo để sống…trừ việc tới Z”; khi tôi đánh tiếng muốn tới Z, cô nhân viên quả quyết “ở đây không có chuyện đó”.
Lấy lý do sợ người ngồi bàn bên cạnh thấy, cô gái cười chế nhạo “vào đây việc ai biết người đó chứ ai mà thèm nhìn…nếu anh sợ thì mình đi vào phòng hát karaoke sẽ thoải mái hơn”. Lát sau, tranh thủ hai nhân viên này “chạy sô” bàn khác, Tuấn rỉ vào tai tôi “anh có muốn đi thật không để em thiết kế cho, không đi khách thì tụi nó lấy gì mà sống, anh mới quá nên nó chưa dám, để em nói với tụi quản lý một tiếng là ok thôi”. Khi Lan quay vào, tôi viện lý do đang đau cổ họng, không muốn hát và đề nghị tính tiền thì Lan tỉ tê “anh cho em số điện thoại đi, có gì rảnh em gọi cho”, “không, em đưa số điện thoại cho anh” tôi nói; thì cô gái cho biết điện thoại đã mang đi cầm đồ, đang muốn kiếm tiền chuộc và hẹn gặp lại tôi lúc 11h.
Khoảng 12h, điện thoại tôi liên tục đổ chuông và hiện lên số điện thoại bàn. Bốc máy, giọng cô nhân viên mới quen cất lên “anh đi chơi không, tối nay cuối tuần khách đông quá em làm bây giờ mới xong nên điện cho anh muộn”. Nghe vậy, tôi lấy lý do đợi lâu quá, hiện đang đi nhậu ở xa và hết tiền, “khách sạn ở đây chỉ 30.000 đồng/giờ, còn qua đêm là 70.000 đồng, nếu không đưa em 4 “xị” (trăm) sẽ lo phòng qua đêm luôn”, cô gái “năn nỉ”…
Hệ lụy từ cà phê “sờ mó”

image
Trên đường ra về, Tuấn cho biết việc nhân viên chửi bới lẫn nhau vì không chia tiền bo do hai người ngồi tiếp một “thượng đế”; các quán lôi kéo “đào” đẹp, khách “choảng” nhau vì tranh giành “em út”, đánh ghen…là chuyện xảy ra thường xuyên tại các quán cà phê trá hình này. Anh chàng kể, hầu hết các quán ở đây phải có “bảo kê” chứ không sẽ bị quậy không thể bán được; phần lớn người vào đây khi đã “ngà ngà”, nếu nhân viên phục vụ không đáp ứng thỏa mãn là họ chửi bới, không trả tiền, có nhân viên còn bị khách cầm chai nước “choảng” vào đầu chảy máu phải nhập viện nhưng chủ quán không dám báo cơ quan chức năng vì sợ việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, vụ nào nghiêm trọng quá thì chủ quán nhờ dân “anh chị” giải quyết giúp.
Quả thực đúng vậy, lúc đang ngồi trong quán cà phê, chúng tôi nghe tiếng của một cô tiếp viên chửi mắng “thượng đế” toe tua vì “đòi gì cũng được chiều mà bo chỉ có 10.000 đồng là sao, ông đi chơi kiểu đó à…đừng bao giờ mò đầu vào đây nữa nha”.
Về tính xác thực của việc săn “hàng rau sạch” ở vùng ven, Tuấn chia sẻ, một số dân chơi đồn đại, rồi kéo nhau dạt về đây để kiếm “hàng rau sạch” vì cho ở đây thường có “hàng” công nhân “làm thêm” trong thời buổi thất nghiệp, các cô gái trẻ vị thành niên nhà nghèo bỏ quê lên đây kiếm tiền nuôi sống bản thân nên ngờ nghệch, dễ lợi dụng mà giá rẻ nữa…Nhưng thực tế, những trường hợp đó bây giờ rất hiếm, nếu không cẩn thận sẽ bị dính “hàng thải”.
Theo Tuấn, “hàng thải” là những cô gái có nhan sắc, “hành nghề” lâu năm tại một số nhà hàng, quán bar, karaoke… tại trung tâm thành phố, nhưng do “không biết giữ mình” nên đã dính vào các căn bệnh xã hội…từ đó bị “má mì” đẩy ra đứng đường. Vì vậy, những quán cà phê trá hình như thế này chính là bến đỗ an toàn đối với gái mại dâm, các cô gái nhà nghèo ở quê nhưng có bản tính lười biếng, thích đua đòi...
image

Hình minh họa (internet) Con Nợ Của Các Cô Trẻ Đẹp
Đó là anh Danny, con bác Hai tôi, người được mệnh danh là “con nợ của các cô trẻ đẹp”.
Tội nghiệp, anh đã trả nợ gần hết cuộc đời anh mà coi bộ vẫn chưa hết nợ!
Giờ nầy, khi tôi ngồi tào lao, tỉ tê kể chuyện mê gái trẻ đẹp của anh cho mọi người nghe chơi, thì anh đang nằm trong phòng riêng, nước mắt lả chả ngắn dài, xen lẫn tiếng thở dài thườn thượt nghe não ruột quá trời! Khiến tôi đây, vốn dễ mau nước mắt, suýt khóc theo anh. Nhưng cảm xúc tôi chợt ngưng lại, khi nhớ ra rằng, chẳng bao lâu nữa, anh lại tiếp tục tìm kiếm những cô gái trẻ đẹp, bằng  cách  qua sự giới thiệu của người quen ở Việt Nam, hoặc lùng trên mạng… Rồi anh vẫn sẽ tiếp tục “đi cày”. Vẫn đêm đêm chạy cái xe truck cũ kỹ não nùng, đi bỏ bánh pizza. Vẫn mải mê ki cóp chắt bóp từng tờ $1 tiền tip nhàu nát, nâng niu dành dụm tiền lương hàng tháng để cung phụng cho các cô trẻ đẹp.
 *Anh Danny vừa trở về căn phòng mà anh vẫn share của vợ chồng tôi ba năm nay. Có nghĩa là khi Betty, Bé Tý của anh, bông hồng nhỏ của anh, người vợ bảy tháng hăm mốt ngày của anh, kéo mấy chiếc va ly căng phồng quần là áo lượt ra khỏi nhà anh và đời anh, chất lên chiếc xe Mercedes màu mận chín mới toanh, phóng đi mất, thì anh cũng trở về ở với chúng tôi cho đỡ tốn và đỡ buồn.
Thật ra, theo tôi, Betty đáng trách nhưng cũng đáng được thông cảm. Ở Việt Nam, cô bé chỉ nhìn thấy nước Mỹ qua những hình ảnh rực rỡ tráng lệ huy hoàng của những tòa nhà cao ốc, những khu vui chơi giải trí Disneyland, Hollywood, sòng bài Las Vegas… mà Danny gửi về cho cô. Ừ, thì người ta thường chụp hình khi đi chơi chứ mấy ai chụp hình khi đang làm việc? Cho nên khi qua đây, cô vỡ mộng. Những ngày đầu Danny cũng đã đưa cô đi chơi nhiều nơi, cô tha hồ được thưởng thức cuộc sống tươi đẹp của nước Mỹ. Danny cũng đưa cô đi shopping tưng bừng, cô tha hồ mua sắm những bộ quần áo, dày dép đẹp… nhưng đó chỉ là thoáng chốc trong cuộc sống. Còn đời thường thì khác nhiều. Dù sao cũng tội nghiệp cô, bởi cô còn quá trẻ con để hiểu rằng, bất kỳ ở đâu, con người ta cũng phải có làm mới có ăn, đất đai dù màu mỡ đến đâu, người ta cũng phải ra tay chăm bón thì mới đơm hoa kết quả tốt lành. Thêm nữa, hồi Danny về Việt Nam sao khác hẳn Danny ở đây. Ở Việt Nam, Betty tự hào với gia đình, bạn bè về Danny bao nhiêu thì khi ở Mỹ, Betty xấu hổ về Danny bấy nhiêu. Kỳ lạ thay! Hồi về Việt Nam, cái gì ở Danny sao cũng thơm “mùi Mỹ”, từ quần áo tới cái phong bì thư, từ đôi vớ tới cái khăn tắm… Và Danny, dù sáu chục tròn, trông vẫn rất “tây”, rất sang trọng, rất phong độ. Vậy mà khi qua đây, Betty thấy tất cả bỗng nhạt nhòa, thậm chí đảo ngược.
Rồi tệ hại hơn nữa là khi đi học Tiếng Anh, Betty càng thấy mình thật trẻ trung, gần gũi, hòa đồng, líu lo với các bạn cùng trang lứa bao nhiêu thì cảm thấy xa lạ, cách biệt với Danny già cỗi  bấy nhiêu.
Có lần Danny đưa Betty tới trường, vừa mở cửa ra khỏi xe, Betty gặp ngay nhỏ bạn cùng lớp đang tung tăng đi tới, nhỏ lễ phép kính cẩn chào Danny:
- Cháu chào ông ạ!
Và cái gì đến cũng sẽ đến, khi có nhiều lời ra tiếng vào quanh Betty, nhất là đám bạn trẻ vô tư:
- Mèng ơi! Mắc mớ gì mà mầy phải ở với ông già bỏ bánh pizza!
- Betty, mầy có biết mầy rất đẹp không? Mầy còn nhiều cơ hội…
- Betty ơi, cha mầy tới rước mầy kìa!
Hồi còn ở Việt Nam, khi trở thành người yêu, rồi người vợ của Danny, hàng tháng, nhân viên dịch vụ gửi tiền tới tận nhà Betty. Cô chỉ cần ký tên là được nhận những tờ trăm đô mới toanh, thơm phức cùng những lời yêu thương mật ngọt. Tiền Mỹ mà! Tha hồ tiêu xài thoải mái. Và để chuẩn bị sang Mỹ, Betty chỉ việc đi mua sắm, đi học tiếng Anh, tập thể dục thẩm mỹ, bơi lội, đi học nhảy đầm… Dĩ nhiên cô đâu biết đó là công sức anh Danny đã hằng đêm chạy như ma rượt ngoài đường, nhiều khi leo lên hàng mấy chục bậc cầu thang, dù đêm đông giá rét.
 Rồi khi qua đây, ngoài thời gian đầu, sau đó coi bộ Danny không còn ga- lăng, hào phóng như xưa khiến Betty càng thất vọng. Cuối tuần, Betty muốn đi ăn phở ở tiệm, Danny bảo : “ Để mai anh nấu cho cưng ăn.” Tối tối, Betty thích đi la cà ở mấy quán cà phê, Danny cười hề hề: “Em muốn loại cà phê nào anh pha cho. Anh pha cà phê còn ngon hơn ở quán nhiều!” Sáng chủ nhật, Betty thích đi chơi, Danny cứ nằm ườn trên giường, giọng ngái ngủ: “Tối qua anh về khuya quá, để anh ngủ thêm tí, chiều anh lại phải đi làm rồi!”
“Ôi! Sống như vầy thì đi Mỹ làm gì hở trời? Chán chết đi được!”Betty than thở với mấy đứa bạn như vậy.
 *Ôi thôi! Còn đâu hình ảnh một anh Danny cách đây không lâu, mắt sáng long lanh, hoan hỉ khi kể về người yêu bé nhỏ xinh đẹp ở Việt Nam. Luôn hớn hở nói cười khi khoe rằng giấy tờ bảo lãnh đã xong. Và anh đã nhảy dựng lên, suýt đụng trần nhà, khi bông hồng của anh đã vượt qua được cuộc phỏng vấn gay go tại văn phòng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn!
Ôi thôi! Còn đâu hình ảnh một Danny, sau ngày về Việt Nam làm tiệc cưới trong nhà hàng lớn nhất của Sài Gòn, đi hưởng tuần trăng mật ở Nha Trang, Đà Lạt… Rồi trở lại Mỹ với phong độ của một chú rể tràn trề nhựa sống và thỏa thuê hạnh phúc.
Sau đó là những ngày anh háo hức đi tìm thuê nhà. Rồi anh tất bật sắm đồ nội thất. Rồi anh mua chiếc Mercedes mới toanh, màu mận chín sẵn sàng cho Betty yêu quý. Tất cả phải mới, phải sang mới xứng đáng với cô vợ nhỏ hơn con gái anh hai tuổi. Ừ, Betty mới hăm bốn tuổi.
Nhắc tới con gái anh, hẳn phải nhắc tới người vợ trước của anh, đó là chị Mộng Mơ, đã bỏ anh cách đây ba năm. Chị Mộng Mơ đương nhiên rất đẹp (không đẹp dễ gì anh thèm lấy). Nghe có lần chị Mộng Mơ tính đi thi hoa hậu phu nhân nhưng sau đó anh đã khôn ngoan tìm mưu kế cản trở, vì nghe bạn bè nói, mầy mà để bả thành hoa hậu phu nhân là mầy trắng tay. Thế là anh là anh đã giả đò bị đau bụng tiêu chảy. Anh rên hừ hừ, thảm thiết, năn nỉ van xin chị đừng bỏ anh ở nhà một mình. Khi chị phát hiện được mưu kế của anh, chửi anh một trận tơi bời hoa lá.
Nhưng rồi sau đó, dù không trở thành hoa hậu phu nhân, chị vẫn bye bye với anh. Chị đẹp, quá đẹp, chị biết mình đẹp. Và chị thích ngắm mình càng đẹp hơn trong những bộ quần áo đẹp, xe cộ sang, nữ trang xịn, mỹ phẩm đắt tiền… Mà anh, hằng đêm chạy đi bỏ bánh pizza thì làm sao cung cấp nổi nhu cầu cao cấp của chị. Thêm vào đó, bạn bè hỏi nhau, chồng mầy làm nghề gì? Lúc đầu chị nói dối, chồng tui kỹ sư computer. Ai ngờ, oái oăm sự đời, có lần người order anh đưa bánh pizza là bạn của chị. Thế là sau đó, anh phải xách cái valy nhẹ hều ra khỏi căn nhà ở New York lạnh lẽo, đáp máy bay về miền nam Cali nắng ấm, ở với chúng tôi, cho đến ngày anh chat chit trên mạng, gặp được “Bông hồng bé nhỏ”.
“Bông hồng bé nhỏ” là tên anh gọi yêu nàng. Mà quả là bông hồng đó bé nhỏ thật. Cô bé trông như một học sinh trung học, đẹp tuyệt, nhất là từ khi quen anh Danny, có nghĩa là tăng thêm những phụ tùng đẹp từ những tờ đô la anh gửi về hàng tháng. Nhìn những tấm hình cô bé gửi qua, ai cũng tấm tắt khen nhưng… kèm theo cái chép miệng: “ Không biết con bé làm vợ Danny được bao lâu”.
Cũng từ ngày trở thành tình nhân, rồi làm chồng của Betty, anh Danny “cày” nhiều hơn. Hàng tháng, anh vô cùng hạnh phúc đưa xấp tiền chẵn ít lẻ nhiều, nhờ tôi gửi tiền cho Betty (vì tôi làm việc trong một văn phòng gửi tiền về Việt Nam) cùng với những lời nhắn thấm đẫm tình tứ âu yếm. Nào là : “Bông hồng bé nhỏ của anh ơi, nhớ em lắm lắm lắm…” Nào: “Betty em ơi, đêm qua anh nằm mơ thấy em đang ở bên anh…”, “ Hun người yêu bé nhỏ của anh thật sâu…” Và còn nhiều câu nữa, sực nức yêu nhớ mà tôi thấy mắc cỡ cho anh nên không kể ra đây… Có lần tôi phải nhắc anh: “Thôi anh Đực, vừa vừa phai phải thôi, anh nhắn nhe gì mà nghe phát ớn, nghe muốn… nổi da gà!” Các bạn trong công ty tôi xuýt xoa, công nhận cái cô Nguyễn thị Bé Tý đó có phước thiệt! Tha hồ xài tiền. Đó, lấy Việt Kiều Mỹ sướng vậy, còn lấy Đài Loan, Hàn Quốc thì thê thảm cuộc đời.
Nhưng than ơi! Nàng Betty (tên Bé Tý tự chọn từ khi có người yêu là Việt Kiều Mỹ) đã bỏ anh mà đi rồi. Còn việc nàng đi với ai và đi đâu có trời mới biết!
Thật ra chuyện nầy đã cũ mèm cũ mẽm, nghe muốn nhàm tai trong cộng đồng người Việt ở đây. Và anh Danny, đã được tất cả mọi người trong gia đình cũng như họ hàng xa gần và bạn bè cảnh báo, nhưng anh không chịu nghe.
Mẹ tôi từng “tiên tri”:
- Mai mốt, nó nhai bắp rang được, còn thằng Đực phải trệu trạo bắp hầm, vậy là cãi nhau. Mai mốt, nó khoái nghe nhạc giựt gân, thằng Đực thì ưa bô- lê- rô, vậy là cãi nhau. Mai mốt nó thích đi chơi, thằng Đực, ngoài giờ đi làm, thích nằm nghỉ ngơi, vậy là cãi nhau…
Chị Hai của anh Đực, giọng hiu hắt buồn:
-   Khéo bày lại thất tình nữa đó Đực ơi.
Chị Ba càm ràm:
- Cái thằng toàn làm chuyện ruồi bu.
Chị Tư đe nẹt:
-   Mầy không chịu nghe lời cho mầy chết!
Em trai út tôi nháy mắt:
-  Chị Betty nhí nhảnh nhảy chân sáo, anh Đực lụm cụm gối mỏi chân run, làm sao chạy theo kịp.
Ông xã tôi tủm tỉm nụ cười tinh ma quỷ quái:
- Cô đó đang xuân, anh Đực… tàn xuân… Ừm… Hổng biết ảnh… còn đủ sức…
Tôi cũng góp phần để can ngăn:
- Anh Đực ơi, chị ấy nhỏ tuổi quá so với anh, thấy kỳ quá! Eo ơi… thấy ghê ghê… giống như … ẹ ẹ… ông cháu… cha con…
Anh Đực phản ứng liền:
- Bộ mầy không đọc báo, coi tivi? Nhiều ông bảy tám chục còn lấy vợ hai mươi kìa.
- Nhưng đó là người nước ngoài. Còn mình là người Việt Nam. Phong tục, tập quán của người Việt mình không như vậy.
- Hồi xưa mấy ông vua già khú đế vẫn có hàng nghìn mỹ nhân tuổi đôi tám thì sao?
- Đó là chuyện đời xưa, đó là chuyện mấy ông vua. Còn chuyện anh Đực là chuyện đời nay, anh Đực cũng không phải là vua.
Ba tôi đề nghị:
- Đực nè, tao thấy ở đây single mom đẹp đẹp nhốc. Mầy kiếm một cô, tuổi chừng trên bốn mươi là OK rồi. Thôi, trẻ đẹp mà làm gì hả cháu? Chừng tuổi nầy, cháu nên suy nghĩ chín chắn, kiếm ai đó hiền lành, biết điều phải trái để nương tựa nhau mà đi tiếp phần đời còn lại, Đực à!
Anh Đực giẫy nẫy liền:
- Tội quá đi chú Tư! Trên bốn mươi còn xơ múi gì nữa?
Cho nên anh Danny, người đàn ông vừa chẵn sáu mươi, đang gục ngã một cách vô cùng bi đát trên chốn tình trường mà không ai thèm thương xót. “ Đáng đời nó, ai biểu ham sắc ham trẻ!” “ Thương cái nỗi gì thằng Đực, cái thằng suốt đời mê gái đẹp!” “Để nó bị quật tan tác bầm dập cho trắng mắt ra!”.
Và hình như chỉ có tôi đây, đứa em họ anh luôn tin cậy từ nhỏ giờ, thấy tội nghiệp, xót xa cho anh quá, bèn ngồi tẩn mẩn cà kê dê ngỗng kể chuyện mê gái trẻ đẹp của anh cho mọi người nghe chơi.
 *
Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh anh Danny luôn gắn liền với niềm si mê các cô gái đẹp.
Giờ kể chuyện ngày xưa của anh thì phải gọi anh bằng cái tên ngày xưa mới thuận miệng. Bác Hai sinh một hơi năm chị công chúa, tới hoàng tử là anh, vợ chồng bác Hai mừng húm, sợ khó nuôi, đặt tên xấu cho anh: Đực. Khi anh Đực cắp sách tới trường, cô giáo thấy cái tên hơi thô tục, bèn xin phép gia đình anh thêm chữ ơ vào sau chữ ư, ra chữ Được. Nhưng đó là trong giấy tờ. Còn thường ngày mọi người vẫn gọi anh là Đực.
Tôi và anh rất thân nhau vì anh hay mê say những đứa bạn học cùng lớp với tôi. Anh thường lui tới nhà tôi để có dịp làm quen với mấy nhỏ bạn đẹp gái của tôi. Cũng nhờ đó mà tôi rành cuộc đời anh hơn sáu câu vọng cổ.
Ngay từ thời trung học đệ nhất cấp, mới lớp đệ lục, hỉ mũi chưa sạch, anh Đực đã biết yêu! Yêu mê mẩn! Tôi còn nhớ hình ảnh anh mặc quần xà lỏn, những buổi trưa nắng chang chang, anh đạp cái xe đạp “đòn giông”, vì chưa đủ cao để ngồi lên yên xe, nên anh phải thọc một chân qua phía dưới khung xe, vẹo nghiêng người mà đạp ngang qua nhà cô bạn Thúy Kiều cùng lớp tôi, hàng trăm lần, chỉ cốt để nhìn nhỏ Kiều một chút. Suốt ngày tôi khốn khổ vì anh cứ theo hỏi tôi về Thúy Kiều. “Tâm ơi, Thúy Kiều có thích ô mai không?” “ Thúy Kiều thường kẹp tóc bằng cái kẹp màu hồng phải không?” “ Thúy Kiều cười coi đẹp ác chiến hen.” Dĩ nhiên tôi cũng thu lợi ít nhiều từ tình yêu của anh. Vì anh Đực là quý tử, nhà anh lại buôn bán, nên túi anh luôn rủng rỉnh tiền, cặp anh luôn căng phồng kẹo bánh. Gì chứ mỗi lần gặp tôi với mục đích hỏi han, nhờ đưa thư tỏ tình… anh rất hào phóng quà cáp cho tôi để tôi vui vẻ nhận lời.
Lên lớp đệ ngũ, anh Đực mê nhỏ Hằng Nga. Rồi chẳng bao lâu, bác Hai hỏi tôi: “ Con Giáng Tiên là đứa nào mà thằng Được ngủ mơ kêu ơi ới vậy Tâm?… Ôi thôi, kể những tên các cô gái mà anh Đực đã từng say mê chắc phải mấy trang dài như sớ táo quân. Dĩ nhiên, toàn những người đẹp.
Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh anh Đực, thời phong trào mốt cao bồi, anh mặc quần ống túm; thời mốt hippy anh mặc quần ống loa, miệng thường nghêu ngao rên rỉ mấy bài hát em ơi em hỡi mùi mẫn. Và hễ khi anh mê cô nào, y như rằng cô ấy tha hồ nhận quà. Không lấy được tiền trong ngăn kéo của gia đình, thì anh Đực giả đò sà tới bên bác gái, ôm hôn bác, nịnh bác mấy câu rồi nhẹ nhàng cho tay vào túi áo bác gái mà rút tiền.
 *Chiều nay, 5 giờ, anh sẽ bắt đầu công việc của anh: Đi bỏ bánh pizza! Anh sẽ ki cóp những đồng tip, gom lại thành từng trăm, rồi cùng với tiền lương, góp lại thành tiền nghìn, để tiếp tục tìm cô gái đẹp, để trả món nợ đời anh. Tội nghiệp!
Mẹ tôi cứ chép miệng thở dài, nói, chắc kiếp trước thằng Đực lấy con gái người ta có chửa rồi bỏ rơi con gái người ta nên kiếp nầy nó phải trả. Đúng là nghiệp chướng!
  Tịnh Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét