Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Bài viết hay(761)

I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that: The communist Party only spreads propaganda and deceives
Tôi đã hiến một nửa cuộc đời cho chủ nghĩa cộng sản – Hôm nay tôi đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và lừa bịp.
(Mikhail Gorbachev, cựu tổng bí thư Cộng Đảng Nga)

NGOẠI GIAO BÓNG RỔ LẠI NHỚ BÓNG BÀN


Đầu năm nay tôi có viết 2 bài về tình hình ngoại giao giữa Hoa Kỳ với Trung Hoa và Bắc Hàn, trong đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh về ngoại giao bóng rổ. Bài thứ nhất vào tháng 3/2013: Bày binh bố trận, và bài thứ hai vào tháng 4/2013 là bài Liệu có chiến tranh trên bán đảo liên Triều?

Không biết mọi người có còn nhớ tháng 8/2011 ông phó TT Biden sang thăm Trung Hoa bằng Ngoại giao bóng rổ ở Bắc Kinh mà, lúc ấy ông Hồ Cẩm Đào còn tại vị, và vận động viên Trung Hoa đánh vận động viên của Georgetown University mà không rõ vì sao, nhưng chắc chắn các lãnh đạo cao cấp 2 nước Mỹ Trung hiểu được nguyên nhân tại sao có vụ ẩu đả này, mọi người còn nhớ không?
Sau khi Kim Chính Ân lên ngôi thì vận động viên bóng rổ về vườn Dennis Rodman được Kim Chính Ân mời sang thăm 2 lần, trong đó có một lần dự sinh nhật của Kim Chính Ân không?
Xưa khi cuộc nội chiến Việt Nam đến hồi cuối, trước khi Nixon sang gặp Mao cuối năm 1972, thì các vận động viên Hoa Kỳ và Trung Hoa gặp nhau bằng ngoại giao bóng bàn vào tháng 4/1971. Sau ngoại giao bóng bàn Hoa Kỳ xóa cấm vận Trung Hoa. Sau nữa là Nixon gặp Mao ký kết Thông Cáo Thượng Hải bàn giao Đông Dương cho Trung Hoa cai quản, để Mẽo lấy Trung Hoa tiêu diệt Liên Xô. 18 năm sau, năm 1990, Liên Xô và Đông Âu tan rã. Gấu Nga như mãnh thú trúng tên cho đến nay vẫn chưa hồi phục sức mạnh ngày nào.
Ngoại giao bóng bàn là giao banh qua lại để thắng đối phương, nên cú giao bóng Đông Dương cho Trung Hoa và trả bóng Liên Xô và Đông Âu của Trung Hoa cho Hoa Kỳ là một trận bóng bàn của thế kỷ XX long trời lở đất. Nó cứu vớt hơn nửa tỷ nhân loại thoát ách gông cùm cộng sản ngay tại cái nôi của cộng sản được sinh ra.

5 trong 7 đại trưởng lão của Kim Chính Nhật - bố của Kim Chính ân - những người đã giúp Kim Chính Ân vững vàng trên ngai vàng lại bị Kim Chính Ân hạ bệ, và kể cả tử hình. Trong hình: bên phải từ số 1-8: Kim Jong-un, Jang Song-taek, Kim Ki-nam, Choe Tae-bok, Ri Yong-ho, Kim Yong-chun, Kim Jong-gak và U Dong-chuk (Ảnh: AP)

Lần này ở Bắc Hàn, những biến đổi chính trị về mặt nhân sự mà, có đến 5 trong 7 người trong những vị bô lão chính đi cạnh quan tài ông Kim Chính Nhật - cha của Kim Chính Ân - bị hạ bệ, trong đó có dượng rễ đầy uy quyền của Kim Chính Ân bị xử tử. Hơn thế nữa, tất cả các công ty khai khoán của Trung Hoa bị Kim Chính Ân đuổi về nước sau chỉ 8 tháng nắm quyền. Nó làm cho ông ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Hoa phải hỏi ý kiến ông Lavarov của Nga về tình hình Bắc Hàn, là điều hiếm thấy xưa nay. Vì Bắc Hàn là phênh giậu, cũng là nơi nhận viện trợ của Trung Hoa kể từ 1953 đến nay từ giọt xăng đến hột gạo. Thế giới muốn biết tình hình Bắc Hàn đều phải hỏi Trung Hoa, nhưng lần này lại khác.Giả thiết rằng, Kim Chính Nam anh cả Kim Chính Ân đang ở Hongkong Trung Hoa được Jang Song Thaek và Trung Hoa sắp xếp để lật đổ Kim Chính Ân, để về chấp chính Bắc Hàn, là một giả thiết đáng tin cậy. Đó là lý do để Kim Chính Ân giết dượng rễ của mình. Vì sau khi Jang Song Thaek bị tử hình, thì con trai của Kim Chính Nam đang học ở Đại học Paris phải bỏ trốn. Có phải vì thế mà, Kim Chính Ân mới đoạn tuyệt với Trung Hoa?
Cách đây 2 hôm, tôi viết bài: Trào lưu thoát Trung Hoa của các chư hầu đang chuyển động? Hôm nay tôi hồi cứu lại ngoại giao bóng rổ của Hoa Kỳ, Trung Hoa và Bắc Hàn, khi mà sau khi bắt dượng rễ của mình 2 ngày thì Kim Chính Ân thả cựu quân nhân Hoa Kỳ trong thời chiến tranh liên Triều bị bắt hồi tháng 10/2013 - ông Merrill Newman.
Trong cách chơi bóng rổ, hai đối thủ ghi điểm bằng cách bỏ banh và rổ kiểu úp sọt. Nó như một hành động mà Hoa Kỳ muốn nhắn gửi với Trung Hoa rằng, kỳ này tao hạ mày bằng cách úp sọt thông qua chư hầu của mày là Bắc Hàn. Thông điệp này có thể cho thấy Bắc Hàn sẽ được hưởng ân sủng bằng sự trao đổi như ngày xưa Trung Hoa được ân sủng của Hoa Kỳ, để hôm nay trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và là đối thủ đáng sợ nhất của Hoa Kỳ ở vị trí cầm đầu thế giới trong tương lai.
Từ 2004 cho đến nay, cuộc chiến tranh tiền tệ, hàng hóa và cả quyền lực mền lẫn quyền lực cứng giữa 2 phe tả hữu mà, đứng đầu là Nga Trung với Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây diễn ra rất quyết liệt.
Cuộc chiến giữa đồng đô la và nhân dân tệ giằng co tỷ giá suốt 10 năm qua. Việc gây khó dễ Liên Minh châu Âu về cung cấp khí gas mùa Đông của Nga không hề đơn giản, ngay cả hôm nay dân Ô Khắc Lan - Ukraina - biểu tình chống chính phủ thân Nga buộc chính phủ phải nhượng bộ, đang diễn ra cũng là một trong những nước cờ trên bàn cờ tranh bá đồ vương của 2 phe tả hữu.Hàng giá rẻ của Trung Hoa đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, và thu hút tất cả các nhà tư bản đa quốc gia đổ xô đến Trung Hoa để kiếm lợi nhuận. Các nhà đại tư bản Hoa Kỳ và phương Tây ngày càng giàu nhờ nhân công rẻ mạt của Trung Hoa bao nhiêu thì, chính phủ của họ lại nghèo đi bấy nhiêu, để nước Mỹ phải ngưng hoạt động, và các thành viên EU trên bờ vực phá sản.Trung Hoa đã thành công khi biến đất nước mình thành công xưởng của toàn cầu. Kinh tế Trung Hoa đã tăng trưởng thần kỳ với 30 năm liên tục, mỗi năm 10% tăng trưởng để đồi lại ô nhiễm môi trường và bất công xã hội. Trung Hoa cướp việc làm của thế giới còn lại của Hoa Kỳ và phương Tây. Nạn thất nghiệp của các quốc gia này tăng nhanh.Hậu quả của những quốc gia có tỷ lệ dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, như Hoa Kỳ và phương Tây là, khủng hoảng kinh tế do nhập khẩu, do không có công ăn việc làm. Cái gì đến đã đến là khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ 2008, kéo theo đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Liên minh châu Âu điêu đứng, Ý, tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp trên bờ vực phá sản. Đây lại là nguyên nhân để Trung Hoa suy yếu. Một vòng xoắn suy thoái kinh tế toàn cầu đang quay.Hoa Kỳ và phương Tây giật mình, tháng Mười năm 2010, Hoa Kỳ sử dụng sáng kiến của 4 nước thành viên Singapore, Brunei, Chile và New Zealand đã ký kết với nhau vào tháng 6/2005 để đưa ra chiến lược châu Á Thái Bình Dương - TransPacific Partnership - TPP. Tháng Bảy năm 2013, Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu bàn thảo chiến lược xuyên Đại Tây Dương - TransAtlantic Partnership - TAP. Hai gọng kiềm bắt đầu siết chặt, những thông tin hàng Trung Hoa độc hại được tung ra, cả thế giới tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Hoa. Nhưng cốt lõi vẫn là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu khủng hoảng kinh tế, nên thị trường xuất khẩu của Trung Hoa giảm mạnh.Ngoài ra, chính sách đầu tư, ưu đãi thuế và trẻ hóa lao động của Hoa Kỳ cho sau 2018 - khi mà thế hệ Baby Boomers sẽ về hưu - đang lôi kéo các nhà đại tư bản Hoa Kỳ quay về lại bản quốc. Chương trình thắt lưng buộc bụng của Châu Âu cũng làm giảm sản lượng công nghiệp của Trung Hoa. Trung Hoa đang cải tổ để đối phó những nước cờ bao vây của Hoa Kỳ và phương Tây bằng Hội nghị Trung ương lần 3 của nhiệm kỳ Tập - Lý: Tăng tiêu thụ nội địa, giảm nợ xấu, ngưng cung cấp tín dụng cho đầu tư công ở các chính phủ địa phương, với cái gọi là Likonomics trong lưỡng đầu thọ địch, trong bất ổn nội bộ cộng sản Trung Hoa, bất ổn sắc tộc và bất bình đẳng giàu nghèo, giai cấp đến tột đỉnh như hiện nay.Hãy thử tiên đóan tương lai gần, Kim Chính Ân chịu ngồi vào đàm phán để giải giáp vũ khí hạt nhân để đổi lấy xóa cấm vận, mở cửa, để được các nhà đầu tư nước ngoài vào đưa Bắc Hàn ra khỏi sự lệ thuộc kinh tế với Trung Hoa. Vì mới gần đây, sau khi đổi các công ty khai khoán Trung Hoa ra khỏi Bắc hàn, Kim Chính Ân đã ký hợp đồng 25 năm với Tập đoàn Korea National Resources Trading Corporation của Hàn Quốc về việc thành lập một liên doanh Pacific Century Rare Earth Mineral Limited để khai thác mỏ đất hiếm "Jeonju" là một động thái có thiện chí không chối cãi.Hãy tiên đoán tương lai gần, lương công nhân ở Trung Hoa tăng cao. Trung Hoa không còn là mãnh đất màu mỡ để các nhà đại tư bản đổ xô và kiếm lợi nhuận.Hãy tiên đoán tương lai gần, phênh giậu của Trung Hoa không còn nữa, ngoại trừ nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mang hình bóng Trung Hoa ở phía Nam.
Đó cũng là lúc thấp thoáng bóng dáng của 2 cuộc ngoại giao bóng rổ bắt nđầu chuyển động như Thông cáo Thương Hải 1972, như Hiệp định Paris 1973, như làn sóng cộng sản khắp toàn cầu vào giữa cuối thập niên 1970s, và sau đó là cộng sản sụp đổ ngay trên quê hương sinh ra nó. Liệu thời gian để có ngày ấy là bao lâu? Khi Liên Xô mất 18 năm để sụp đổ, thì Trung Hoa sẽ mất bao lâu để tan rã như cuối đời nhà Thanh? Tất cả đều bắt đầu từ Bắc Hàn, một quốc gia bí hiểm, nghèo khổ có những chính sách ngoại giao bất thường, nhưng đủ làm cho các cường quốc phải âu lo. Và liệu sinh mạng của Kim Chính Ân có được bảo toàn cho đến lúc đó?
BS Hồ Hải
Trong thế giới của tư duy thì không có vùng nào là vùng cấm. Mọi hiện tượng, mọi phạm trù, mọi nhân vật, mọi chủ nghĩa... đều là những dữ kiện của bài toán, không hơn mà cũng không được kém. (Hà Sĩ Phu)
Quê hương có gì lạ không em?
Tôi tìm gì ở ngoài kia, nơi mà mọi người vẫn dùng những mỹ từ tuyệt nhất để gọi? Quê hương.

Quê hương có gì lạ không em?Trong số hàng trăm email tôi nhận mỗi tuần, một câu hỏi nhẹ nhàng chợt làm tôi liên tưởng đến chuyện ngày xưa của mình, “Em có nên về quê hương?”. Người viết là một sinh viên Việt Nam sắp tốt nghiệp MBA vào tháng 6 tới, có cơ hội để ở lại Mỹ, nhưng phân vân vì nghĩ là quê hương đang cần bàn tay khối óc của mình. Anh cũng nhận xét là cơ hội để tỏa sáng ở một ao hồ như Việt Nam cao và hấp dẫn hơn là làm một nhân viên trung bình tại biển lớn như xứ Mỹ.

Cuối năm 1967, giữa khi đất nước đang còn chiến tranh mù mịt, tôi lửng thửng từ Mỹ quay về Sài Gòn. Gia đình, bạn bè đều ngạc nhiên và khuyên tôi lên bệnh viện Biên Hòa khám tâm thần. Nhưng thời thế đẩy đưa, họ lại còn ngạc nhiên hơn nữa, khi vài năm sau, tôi làm chủ 5 xí nghiệp với hơn 12 ngàn công nhân. Dù sự thành công phần lớn là do may mắn, nhưng quyết định về Việt Nam của tôi đã đem cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời, kỳ thú, dù cũng lắm lúc đầy đau thương cay đắng.

Sự quyến luyến với quê hương cũng là những cảm xúc không thể lý giải rõ ràng. Tôi rời quê nhà lúc 18 tuổi, khi trái tim vừa biết mật ngọt của tình yêu, khi giao cảm với cuộc sống còn đượm màu thiên nhiên của cây xanh hoa trái trong mưa nắng hai mùa. Tiềm thức vẫn còn in đậm nét của những kỹ niệm, dù có buồn có vui nhưng nhìn lại thì lúc nào cũng đẹp, nên quyết định quay về có lẽ vẫn là một lực đẩy tiềm ẩn trong tâm hồn, bén rễ sâu hơn lý trí.

Nhưng khi trả lời email cho người bạn trẻ của tôi, tôi phải làm một phân tích theo góc nhìn của một người thứ ba, khách quan và trung thực.

Với một người trẻ vừa ra khỏi trường đại học, nói tổng quan, xứ Mỹ là một thiên đường của cơ hội, một sân chơi bằng phẵng và một lò huấn luyện cho các doanh nhân những kỹ năng chuyên sâu và hợp thời nhất. Mỗi thành công là một bước tiến kỳ diệu, mỗi thất bại là một bài học vô giá cho sự nghiệp về sau. Thêm vào đó, khắp thế giới, không có một thị trường nào lớn, năng động và đồng nhất như Mỹ. Về những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao như IT, tài chánh, y khoa, giải trí, quốc phòng…, các quốc gia mới nỗi như Trung Quốc, Brasil…hay già cỗi như Âu Châu Nhật Bản, còn cần đến nhiều thập niên mới bắt kịp. Thu nhập trung bình hàng năm của một chuyên gia trong các ngành nghề sáng tạo này khoảng $137,000 USD vẫn cao hơn lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp cỡ trung ở Việt Nam. Do đó, nếu chỉ nghĩ đến tương lai sự nghiệp lâu dài và bền vững, thì các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học sẽ khó tìm một nơi nào “ngon lành” hơn nước Mỹ.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là đời sống thường nhật của một người Mỹ thường chịu nhiều áp lực về công việc, gia đình, nợ nần (do sự vay mượn quá dễ dàng) và thói quen tiêu xài. Những áp lực về lâu về dài sẽ gây ra những căn bệnh như tim mạch, ung thư…  Sự chăm chú vào sự nghiệp làm xao lãng những liên hệ gia đình và bạn bè, nên rất nhiều người Mỹ phải than phiền về sự cô đơn trong cuộc sống. Tóm lại, cái giá phải trả cho một sự nghiệp tốt và bền vững có thể là hạnh phúc của cá nhân và gia đình.

So sánh với Mỹ, thì cơ hội để tìm một việc làm thích hợp và hứng thú tại Việt Nam cho một sinh viên vừa tốt nghiệp không có nhiều. Những kỹ năng gì mà trường đại học Mỹ đã đào tạo cho các bạn trẻ sẽ chóng bị lãng quên vì môi trường làm việc và sự thăng tiến của sự nghiệp không đặt trên căn bản “tài năng” hay “sáng tạo”. Sau nhiều năm làm việc ở Việt Nam, một chuyên gia có thể bị tụt hậu rất xa về thu nhập cũng như về kinh nghiệm so với các đồng nghiệp tại Âu Mỹ.

Tuy nhiên, đời sống ở Việt Nam tương đối thư giãn và nhẹ nhàng. Người Việt Nam được xếp hạng là dân xài sang nhất  Á Châu (từ tiêu dùng đến giải trí) nói rõ hiện tượng vui hưởng tận cùng, không cần biết đến ngày mai. Gia đình và bạn bè lúc nào cũng bao quanh, chia sẻ cho nhau những tiếng cười lẫn nước mắt, những giúp đỡ lẫn đòi hỏi. Mặc cho một môi trường tệ hại về khói bụi và ô nhiễm, căn bệnh thường thấy ở nước ta là bệnh về gan, mật (vì nhậu quá nhiều) và phổi, ung thư cổ họng (vì hút thuốc, không phải bụi khói).

Riêng về kinh doanh, đúng như bạn sinh viên MBA đã nói, khả năng thành công ở một sân chơi nhỏ như VN sẽ dễ dàng hơn, nhất là nếu may mắn sinh ra trong một gia đình có nhiều quan hệ với các “nhân vật” của xã hội. Tuy vậy, sự thành công này thường giới hạn ở lãnh thổ nước ta: tôi chưa thấy một doanh nghiệp Việt Nam nào thành công rực rỡ khi ra biển lớn. Trong khi đó, không thiếu những doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, Âu Châu và Úc đã đạt những thành tích làm mọi người chúng ta hãnh diện.

Do đó, nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ đang bước vào đời từ đại học, tôi sẽ phải nói là nên tìm cách ở lại Âu Mỹ để tìm thêm kinh nghiệm, kiếm thêm ít tiền tiết kiệm, và tạo thêm những mối quan hệ cần thiết tại xứ người. Sau đó, nếu thực sự muốn về quê hương đóng góp trí tuệ và tâm sức, thì nước ta vẫn còn đây và nhu cầu về nhân lực cấp cao vẫn sẽ rất nhiều, trong 5 hay 10 năm tới. Lúc đó, bạn đã có một số vốn khá tốt về kỹ năng, kinh nghiệm cũng như khả năng giao tiếp với quốc tế. Như bố tôi vẫn thường nói khi sinh tiền “Con muốn giúp một người nghèo, thì đừng bao giờ làm một người nghèo. Thế giới này hơi dư người nghèo rồi”

Nói theo lý trí thì vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn còn những gắn bó không sao lý giải với quê hương. Gần đây, tôi thường về lại Sài Gòn ngay trong những ngày đang bận rộn công việc. Tôi về đây không phải để kinh doanh: trong một hội thảo của doanh nhân người Việt ở San Jose tháng rồi, tôi nói là các bạn muốn làm ăn thành công ở Việt Nam phải thay đổi và làm theo cái tư duy của người Việt Nam. Giống như lái xe trên các đường phố ở Hà Nội hay HCM, bạn sẽ gây ra không biết bao nhiêu tai nạn nếu bạn khăng khăng giữ cái tư duy của người Mỹ về luật lệ hay phản ứng của các tài xế xe khác. Tôi cũng không về để ăn chơi: tôi không thích ăn nhậu vì sức khỏe không cho phép; và ở tuổi 66, với bệnh đãng trí, tôi thường quên không biết phải làm gì khi đối diện với một cô gái đẹp. Tôi cũng không mơ mộng để mà tưởng tượng “quê hương là chùm khế ngọt”. Tôi không ăn khế và luôn nghĩ là rau quả ở Thái Lan ngon ngọt và tươi mát hơn.

Còn đi tìm lại những kỷ niệm ngày xưa thì thực sự dòng đời dâu biển và văn hóa mới đã cuốn trôi theo chiều gió những dấu vết của quá khứ. Những con đường lá me đầy bóng mát khu đại học đã bị chặt trụi và hè đường là một bãi đậu xe mênh mông, chen lẫn những quán cóc dơ dáy, đầy rác rưởi. Những tà áo tím e ấp bên dòng sông Hương đã đi về đâu, chỉ còn những bộ âu phục lỗi thời, quê mùa và lạc giọng. Những mẫu chuyện cười nhỏ bé dễ thương của tuổi trẻ trong quán café đã được thay thế bằng những lời chào mua bán dự án hay các khẩu hiệu khó khăn rỗng tuếch.

Vậy tại sao tôi vẫn hay về đây? Tôi tìm gì ở ngoài kia, nơi mà mọi người vẫn dùng những mỹ từ tuyệt nhất để gọi? “Quê hương”. Cái âu yếm êm đềm khi thả hồn vào những đêm thao thức? Hay cái hoang tưởng thơ mộng về những con người hiền hòa bên ruộng lúa tre xanh? Cho đến khi tôi đọc lại bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan về những nghịch lý của cuộc đời, tôi mới thấu hiểu là mỗi người trong chúng ta đều có những tâm hồn tơi tả như những chiếc áo rách vai của anh lính trẻ, luôn đi tìm một nơi hay một người để khâu vá lại.

Sau cùng, tôi muốn nói với người bạn trẻ vừa quen qua Email, “Hãy quên đi những phân tích, lý luận, biện giải về quê hương. Em cứ nhìn vào tận đáy thẳm của tâm hồn và tự hỏi mình, trong những buổi chiều mưa xa xứ, có lúc nào em như người lính trẻ, nhớ về một hình bóng nào đó, và muốn hát trong màu hoa tím của ngày xưa.

“Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chết sớm. mẹ già chưa khâu”.
Alan Phan
"The only thing necessary for the triumph of evil, is that good men do nothing."
(Edmund Burke, thế kỷ 18)
 **
(Chỉ cần những người tốt không làm gì cả,
thế là đủ để ác quỷ ca khúc khải hoàn.)
Tôi yêu đất nước tôi
 “Đất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanhRuộng đồng vun sóng ra Thái Bình… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi!”

Tôi nhớ năm lên 12 hay 13 gì đó, tôi chui lỗ chó vào rạp Quốc Tế, đường Trần Hưng Đạo bây giờ, để coi “cọp” một chương trình đại nhạc hội Tết rất hoành tráng. Tôi đã quên chi tiết của các màn trình diễn hay tên nghệ sĩ, chỉ còn nhớ điều duy nhất là một bài hát nghe lần đầu. Bài “Tình Ca” của Phạm Duy do Thái Thanh hát. Tôi bị cuốn hút ngay từ câu đầu…”Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” Cho đến giờ này, hơn 50 năm sau, tiếng hát vẫn quyện tròn quanh tôi trong những đêm về sáng.

Tuổi thơ Việt Nam

Thực ra, khi tôi sinh ra, không phải là giọng ru con êm đềm của Mẹ mỗi đêm mà là tiếng đại bác và bom đạn vọng về thường trực. Chiến tranh bùng nổ khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương năm 1945 và gia đình tôi phải chạy giặc liên tục. Một ký ức Mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “bẹn” khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phài bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Đôi khi giặc sục sạo trên đầu và Mẹ cứ lo là tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng.

Lớn lên, tôi cũng an hưởng một tuổi thơ tương đối êm đềm dù nghèo khổ. Một ký ức khác từ Mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, Mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để Mẹ đươc cân bằng. Đứa bạn thân duy nhất của tuổi thơ đó là một con khỉ nhỏ đi lạc vào nhà, cho đến ngày nó bứt dây xích và biến mất. Trong những ngày tiểu học, vì thiếu ăn và nhỏ con, tôi luôn bị các bạn đồng lớp bắt nạt và đánh đập. Có lẽ nhờ vậy, kỹ năng đánh lộn và phá phách của tôi cũng được trau dồi nâng cấp khá ấn tượng.

Những năm hạnh phúc

Gia đình tôi dọn về Saigon khoảng 1950. Ở cạnh vườn Tao Đàn bây giờ, tôi có chút khung xanh để đuổi hoa bắt bướm, để nghe tiếng ve sầu mỗi hè, để nhìn lá me bay khắp phố mỗi mùa mưa. Cái tuổi thơ đó chắc cũng không khác gì những tuổi thơ của triệu triệu đứa bé khác trên trái đất, nô đùa và vui cười hay khóc nhè mà không cần biết đến những nổi trôi của đất nước. Thế giới của chúng tôi quay nhẹ qua những trận đá dế, ném bi…những lần trốn học bị đòn nát đít, những lần được cha mẹ cho đi ngoại ô dã ngoại (ngoại ô đây là công viên ở sân bay Tân Sân Nhất hay ven sông Nhà Bè…).

Rồi tình yêu cũng đến rất sớm trong cái nhút nhát rụt rè của …”em tan trường về, đường mưa nho  nhỏ”. Quen nhau 3 năm, ngày tôi rời Việt Nam qua Mỹ khi lên 18, tôi chỉ mới dám nắm tay nàng. Nhưng đã có Trịnh Công Sơn, Nguyên Sa, Mai Thảo…nói thay tôi những lời yêu thương mật ngọt, đã có ngàn hè phố bóng cây giữ cho chúng tôi dấu ấn, đã có trăm ghế đá công viên nghe câu chuyện tình ngây ngô …

Những ngày ra biển lớn

Dù đẹp và thơ mộng, cái tuổi mới lớn đó cũng khác gì nhiều với những thiếu niên đã lớn lên ở Boston, Bogota hay Belgrade. Quê hương Việt Nam của tôi không phải là vườn địa đàng của tuổi trẻ hay là một chùm khế ngọt ngào đặc thù nào. Cho nên, với tuổi còn say mê khám phá những chân trời lạ, xứ Mỹ vừa gặp qua phong cảnh mênh mông, văn hóa đa dạng và nhịp sống năng động làm tôi mau chóng quên đi những êm đềm của quê hương, dù mỗi đêm trên đài truyền hình, thời sự về Việt Nam đã được phát sóng không ngừng.

Con người tôi thich ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng. Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42,000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường Duy Tân. Viêt Nam thật xa và ký ức mờ nhạt.

Cho đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận một lá thơ của Bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc nhở anh đã tốt nghiệp đại học, chúng tôi sẽ ngưng gởi tiền học bổng. Anh cũng lo mà về phụng sự nước mình đi chứ. Tôi quăng lá thơ vào sọt rác, điện thoại bạn bè hỏi cách ở lại Mỹ, hợp pháp và bất hợp pháp, rồi tiếp tục mê mết trong một cuộc tình đang nhiều thú vị với hai cô đồng tính (lesbians).

Quê hương tìm đến

Vài ngày sau, chị Loan gõ cửa phòng. Em chị là Chí, người bạn nối khố từ nhỏ của tôi từ trường tiểu học đến khi đậu Tú Tài 2. Chị qua Mỹ tu nghiệp và đi xe buýt cả 10 tiếng để đến thăm tôi. Tôi hồn nhiên hỏi thăm về Chí. “Nó hy sinh ở chiến trường Bình Giả hai tháng trước rồi em.” Tôi lặng người. Chị kể thêm về anh Quang, người yêu sắp cưới của chị, cũng đã gục ngã ở Quảng Nam. ‘Em còn nhớ con Thu Anh?” Ai mà không nhớ, hoa khôi Trưng Vương, niềm yêu thầm nhớ trộm của cả nhóm học sinh Petrus Ký lẫn Chu Văn An. Chúng tôi cứ nghĩ là ông nhạc sĩ nào đặt bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” là để dành riêng cho nàng. “Con bé đi thăm chồng đóng quân ở Pleiku, khi về, xe bị trúng mìn, nó cũng chết rồi em ạ”. Sau một tiếng, tôi không nhớ được con số bạn bè đã ra đi hay tàn phế. Trên cả sự chết chóc là một nỗi niềm tuyệt vọng vô bờ của lớp người trẻ đã lớn lên cùng tôi.

Đêm đó mưa xuân, nhẹ nhưng rả rich cả đêm. Tôi và chị ngồi co ro ngoài hiên nghe hơi gió hú. Suốt đêm không ngủ, nhưng hai đứa cũng không nói lời nào. Cái thanh bình riêng biệt mà tôi tự tạo mấy năm qua để quên đi những quằn quại của quê hương ngàn dặm giờ đang bị chị Loan xô đẩy. Cái hạnh phúc bé nhỏ của thế giới mới tôi đang an hưởng đã bị gánh nặng của ký ức và thực tại đè chìm. Tôi đã sống như trong một cơn mơ. Và đến giờ phải tỉnh giấc.

Bài hát ngày xưa

Tháng sau, tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới…khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực hay sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây”, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, đắng cay, tủi nhục và đau thương của những người đã “sinh nhầm thế hệ”.

Trước Tết Mậu Thân 1968, tôi lại tình cờ vào phòng trà nghe nhạc. Lần thứ hai, Thái Thanh lại làm nước mắt tôi lại lưng tròng với bài Tình Ca …” bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu..vài ngàn năm… khóc cười theo mệnh nước nổi trôi… nên tôi yêu biết bao người…Lý, Lê, Trần và còn ai nữa…”.

Tôi tự nhủ, “bao giờ quê hương mình mới hết hát nhạc buồn?”.

*link của bài “Tình Ca”, nhạc Phạm Duy, qua tiếng hát Thái Thanh:

Alan Phan

 Công bằng trong hội nhập?
 

Trước khi bàn chuyện hội nhập cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), có lẽ phải giới thiệu cơ cấu giá của hai sản phẩm tiêu biểu cho rõ cái cơ chế thương mại và đầu tư toàn cầu trước đã.
 Theo thông tin của tờ BusinessWeek, một chiếc quần jeans có giá bán lẻ tại một cửa hàng ở Anh là 22,12 đô-la thì tiền công cắt may, kể cả chi phí điện nước, mặt bằng của nơi gia công chỉ là 90 xu! Trong khi đó, nơi bán lẻ hưởng đến 10,5 đô-la. Thậm chí, bên trung gian, nơi nhận đơn hàng rồi tìm chỗ gia công cũng hưởng đến 4,33 đô-la (tính cả phí vận chuyển).
 Ở một loại sản phẩm khác là chiếc máy nghe nhạc iPod, giá bán lẻ là 299 đô-la thì nơi gia công lắp ráp sau cùng là Trung Quốc chỉ được 4 đô-la. Hãng Apple hưởng được phần lớn nhất là 80 đô-la mặc dù không đụng tay vào khâu sản xuất nào.
 Người viết không có con số chi tiết tiền công may chiếc áo sơ mi xuất khẩu hay tiền công lắp ráp chiếc điện thoại thông minh cho Samsung tại Việt Nam nhưng có lẽ tỷ lệ cũng gần như hai trường hợp ở trên.
 Có thể rút ra những điều gì từ các con số này?
 Trước hết hoàn toàn không có sự công bằng nào trong việc phân định miếng bánh toàn cầu hóa cho các nước thành viên. Đó là một thực tế và cho đến nay nếu chấp nhận tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận thực tế này. Không thể tranh cãi vì sao công nhân chúng tôi đổ mồ hôi công sức như thế mà chỉ được chia phần như thế, vì sao các ông không đụng tay đụng chân, chỉ tốn nước bọt làm trung gian mà hưởng nhiều thế! Toàn cầu hóa đã buộc các nước như Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều nước khác để giành lấy các hợp đồng gia công hàng may mặc, để thu hút được dòng chảy vốn đầu tư mặc dù phần nhận được không đáng kể. Vẫn có hàng chục nơi khác sẵn sàng nhận gia công với giá thấp đó nếu chúng ta không đồng ý.
 Thứ hai các nước giàu sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm phần bánh của họ luôn là độc quyền, luôn là phần lớn nhất. Tài sản trí tuệ đó có thể là bản vẽ một kiểu áo thời trang mới nhất, là thiết kế chiếc máy nghe nhạc, là giải pháp cho một sản phẩm tài chính giao dịch qua điện thoại di động… Tính độc quyền các tài sản trí tuệ giúp người chủ sở hữu có thể định giá cao mà không chịu sức ép cạnh tranh.
 Vừa qua Wikileaks đã tiết lộ một phần nội dung dự thảo Hiệp định TPP có liên quan đến sở hữu trí tuệ và phần được tiết lộ càng khẳng định nguyên tắc nói trên. Ví dụ các hãng dược phẩm vận động mạnh để các nước thành viên như Mỹ đòi hỏi quyền tái đăng ký quyền sở hữu trí tuệ một loại biệt dược sắp hết hạn bản quyền nhờ một số bổ sung nhỏ như thay đổi hình thức đóng gói chẳng hạn. Điều này làm các nước nghèo phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua thuốc mặc dù họ đã có khả năng sản xuất thuốc tương tự nếu không bị ràng buộc bởi quyền sở hữu trí tuệ.
Và điều quan trọng nhất, thương thảo các hiệp định thương mại tự do (FTA) không phải là thương lượng phần bánh được chia nhiều hay ít. Dù có hay không có FTA giữa hai nước thì phần hưởng được của mỗi nước sẽ không thay đổi. Điều đó là chắc chắn bởi đó là lợi ích của các doanh nghiệp từng nước, không ai có thể dàn xếp để tăng hay giảm được. Bản chất của các FTA là giúp một nước có khả năng cạnh tranh tốt hơn với một nước khác nhờ lợi thế về thuế hay các rào cản khác. Ví dụ nếu giữa Hà Lan và Việt Nam có một FTA (cứ giả định như thế) thì khi cạnh tranh giành quyền gia công hàng may mặc cho thị trường Hà Lan, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn Bangladesh là nước chưa có FTA với Hà Lan (cũng cứ giả định thế) nên phải chịu thuế suất nhập khẩu cao hơn.
TPP nếu được ký kết giữa Việt Nam và 11 nước khác sẽ giúp hàng may mặc hay hàng giày da của Việt Nam xuất vào Mỹ chẳng hạn tăng lên là nhờ thuế suất của Mỹ đánh lên hàng nhập từ Việt Nam sẽ giảm hẳn. Ngược lại hàng Mỹ nhập vào Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn hàng của Đức vì thuế của Việt Nam dành cho hàng nhập từ Mỹ cũng giảm mạnh. Vấn đề của thương lượng, do đó, là cân nhắc giữa cái được và cái thiệt, để tìm ra điểm cân bằng tốt nhất cho Việt Nam.
 Trên bình diện trong một nước với nhau, cũng diễn ra tình trạng cạnh tranh để chiếm lấy phần bánh lớn nhất trong miếng bánh nhỏ xíu được chia. Ở đây hiện đang có sự chuẩn bị khá sôi động của giới đầu tư nước ngoài muốn khai thác những cơ hội mà TPP sẽ đem lại. Trong 90 xu tiền công cắt may, dù sao giới đầu tư nhà máy gia công vẫn được lãi một khoản nào đó. Giới đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào để tìm cơ hội từ khoản này, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước. Họ có những lợi thế như là công ty con của bên trung gian, là công ty tiêu thụ vải hay nguyên liệu khác cùng chuỗi cung ứng, là nơi hiểu rõ cách làm ăn của bên đi gia công… Tất cả những yếu tố này là điều mà lẽ ra doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị – để gọi là đón đầu TPP.
Điều nghịch lý là trong thương lượng, các nước phát triển vừa cố gắng chiếm ưu thế trong các công cụ giúp họ củng cố phần bánh lớn như sở hữu trí tuệ, lại vừa tìm mọi cách để doanh nghiệp họ khi đầu tư vào các nước đang phát triển lại được hưởng những ưu đãi khác. Đến lượt mình các doanh nghiệp FDI này lại cạnh tranh với doanh nghiệp nước sở tại để tiếp tục hưởng lợi từ phần bánh của nước đang phát triển.
Vấn đề là các nước đang phát triển hầu như không có sự chọn lựa nào khác: nếu không mở cửa giao thương, nếu không ký các hiệp định thương mại tự do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn doanh nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả. Lúc đó họ lại phải cạnh tranh với nhau để giành lấy 90 xu tiền gia công nói ở đầu bài.  Tác giả: Nguyễn Vạn Phú 16/12/2013


“Lãnh tụ hay lãnh đạo, cũng như tã lót, cần phải được thay đổi thường xuyên, vì cùng một lý do!”
VẬT THẾ CHẤP CHO CÁC CƯỜNG QUỐC


Hôm nay ngồi xem lại clip Thông tấn xã trung ương Bắc Hàn - KCNA: KOREAN CENTRAL NEWS AGENCY of DPRK(Democratic People's Republic of Korea) - đăng tải hồi tháng 7/2012 - khi mà ông cựu TT Lee Myung Bak còn tại nhiệm - về câu chuyện ông Ro Su Hui sau khi vượt biên giới vĩ tuyến 38 để tham gia ngày giỗ 100 ngày sau khi Kim Jong Il qua đời. Ông Ro Su Hui là Phó chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nam Bắc Hàn của chính quyền Nam Hàn. Ông Ro đã được ông chủ tịch cửa khẩu Pomminryon bên phía Bắc Hàn là Choe Jin Su đưa tiễn về lại Nam Hàn sau giỗ 100 ngày của Kim Chính Nhật. 
Khi sang bên phía Nam Hàn ở cửa khẩu Pomminryon, ông Ro Su Hui hô khẩu hiệu rằng: "Đả đảo nhóm những kẻ phản bội Lee Myung Bak". Khi ông sang lại Nam Hàn thì ông bị an ninh Nam Hàn bắt đi. Dân Bắc Hàn đứng bên kia cửa khẩu Pomminryon vẫy cờ thống nhất Liên Triều và hô khẩu hiệu: "Hãy để Ông Ro Su Hui về nhà!" và "Chính quyền bảo thủ của Mỹ và Nam Hàn phải ngưng hành động vi phạm nhân quyền một lần nữa khi bắt Phó Chủ tịch Ro Su Hui!"
Qua đó ta thấy có 3 điều cần suy nghĩ:
1. Cả ở Nam và Bắc Hàn điều có những người mong muốn thống nhất Liên Triều. 
2. Mặc dù sống ở một chế độ tự do dân chủ của Nam Hàn, nhưng vẫn có những công dân có chức tước kính trọng ông cố chủ tịch Kim Jong Il, đặc biệt với ông Ro Su Hui là phó chủ tịch Ủy ban Thống nhất Liên Triều là người am hiểu rất rõ tiến trình đàm phán để thống nhất Liên Triều, thể hiện sự kính trọng và mong muốn thống nhất Nam Bắc Hàn. Chẳng những thế, ông Ro Su Hui còn tỏ thái độ gọi tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là thành phần phản động. Nó chứng tỏ, không phải chỉ Kim Chính Nhật có lỗi trong việc thống nhất Nam Bắc Hàn, mà chính phủ diều hâu Lere Myung Bak cũng góp phần vào việc Nam Bắc Hàn không thống nhất được.
3. Vấn đề Liên Triều thống nhất không phải chỉ 2 chính quyền của Bắc và Nam Hàn quyết định, mà có thể Trung Hoa, Mỹ và Nga là những cường quốc quan trọng quyết định. Cũng giống việc miền Bắc Việt Nam nuốt Nam Việt Nam cũng do Mỹ Nga và Trung Hoa quyết định trên bàn cờ chính trị thế giới.
Câu chuyện Nam Bắc Hàn thông qua chỉ một clip 2'21", nhưng nó nhắc chúng ta một nguyên tắc cơ bản của các quốc gia nhỏ bé rằng không bao giờ có độc lập tự chủ thực sự, khi có chung đường biên giới với 1 cường quốc bẩn thỉu. Ngay cả Nam Hàn hiện nay là đồng minh Hoa Kỳ, có nền kinh tế hùng cường đứng thứ 12 toàn cầu với chỉ dân số và diện tích chỉ bằng 1/2 so với Việt Nam, nhưng cũng không quyết định được sự thống nhất quốc gia anh em bị chia cắt.
Ngày ấy, lịch sử phân tranh Nam Bắc Việt cũng có những cuộc đi đêm giữa chính quyền Hồ Chí Minh ở Bắc Việt với chính quyền Ngô Đình Diện ở Nam Việt, thông qua những cuộc gặp gỡ giữa ông Ngô Đình Nhu và ông Phạm Hùng ở khu rừng Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy - bây giờ là huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Cả hai phía Nam Bắc Việt Nam đều muốn hòa bình thống nhất. Nhưng lý do vì đâu mà không thành. Cuối cùng, lịch sử đã ghi dấu dòng họ Ngô bị Hoa Kỳ giật dây để tướng Minh lớn thủ tiêu và lật đổ.


Khi chính quyền đệ nhị Cộng Hòa sụp đổ vào ngày 30/4/1975. Những ai nhức nhối với lịch sử nước Việt trong nội chiến đều hiểu rõ: Hoa Kỳ, Nga và Trung Hoa đóng vai trò quyết định việc Bắc Việt "thắng" Nam Việt thông qua cuộc mua bán giữa Mao Trạch Đông và Nixon trong Thông Cáo Thượng Hải 1972. Và sau đó là, ký kết Hiệp định Paris 1973 với nội dung Hoa Kỳ rút quân về nước, hai miền Nam Bắc phân chia ranh giới, ngưng chiến để dân chúng làm ăn. Nhưng Bắc Việt đã vi phạm Hiệp Định Paris, và Hoa Kỳ làm lơ để Trung Hoa chiếm lấy Hoàng Sa vào năm 1974. Sau đó là 30/4/1975 lịch sử làm dấu mốc nhân dân Việt Nam thoát nội chiến, nhưng toàn Đông Dương lại mắc vào một cổ 3 tròng: chính quyền Hà Nội, Liên Xô cũ và Trung Hoa, sau khi đã nồi da xáo thịt hơn 5 triệu sinh linh nước Việt. Quả là đau lòng!


Nam Bắc Hàn rồi sẽ thống nhất dưới triều đại Kim đệ Tam - Kim Chính Ân. Nhưng để đi đến thống nhất sẽ là sự mặt cả giữa tam quốc phân tranh: Nga, Hoa Kỳ và Trung Hoa là điều chắc chắn. Song vấn đề là, khi bỏ Nam Việt Nam để lấy Trung Hoa chống lại Liên Xô, và 18 năm sau Liên Xô Đông Âu sụp đổ, thì bây giờ, để đổi lấy thống nhất Liên Triều, Hoa Kỳ phải đổi lại cái gì cho Trung Hoa? Liệu có phải là Biển Đông và Đông Dương một lần nữa được đưa vào làm vật thế chấp, khi mà biển Đông chỉ là cái ao làng, và Việt Nam chỉ là con cờ không giá trị đối với Hoa Kỳ trong lúc này?Chính vì thế mà, chúng ta không lấy làm lạ gần đây Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện trong cả việc nhất định không sửa đổi hiến pháp 2013, và nhiều chuyến viếng thăm con thoi giữa 2 bên, những lời hứa Việt Nam trung thành với Trung Hoa, và kể cả việc Việt Nam từ chối gia nhập TPP. Và một điều đáng lưu ý là người Nga bỏ của chạy lấy người ở cảng Cam Ranh tháng 6/2001, thì 12 năm sau họ quay lại cảng Cam Ranh, trong khi đó, từ thời TT Bush vào tháng 12/2007, ông Đô Đốc tư lệnh Thái Bình Dương - Robert Lucius - đã khẳng định: Hoa Kỳ dứt khoát là không quan tâm đến cảng Cam Ranh.Nếu như vật thế chấp của các chính trị gia ở các nước nhược tiểu là nhân dân, hoặc con cái của vua quan triều đình của quốc gia này, thì vật thế chấp chính trị toàn cầu cho các cường quốc lại là chính các quốc gia nhược tiểu. Đó là nỗi đau của các dân tộc có quốc gia cùng đường biên giới với các cường quốc gian hiểm và bẩn thỉu như Trung Hoa, Nga và Hoa Kỳ. BS Hồ Hải
Asia Clinic, 16h08' ngày thứ Tư, 18/12/2013  
Chủ nghĩa Xã hội
1) Có thể xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong một nước không?
- Xây dựng thì có thể, nhưng sống ở đó thì không!

2) Hệ thống XHCN ưu việt hơn các hệ thống khác ở chỗ nào?
- Hệ thống XHCN ưu việt ở chỗ nó có khả năng giải quyết được những khó khăn không thể nảy sinh ở các hệ thống khác.

3) Hai hệ thống nào không thể hòa hợp với nhau.
- Hệ xã hội chủ nghĩa và hệ thần kinh .

4) Cái gì tồn tại vĩnh viễn ở chủ nghĩa XHCN Việt Nam?
-  Những khó khăn tạm thời.

5) Trong chủ nghĩa Cộng sản còn nạn trộm cắp không?
- Không. Người ta đã ăn cắp hết trong chủ nghĩa xã hội rồi.

6) Đảng đối lập ở Việt nam có thể tồn tại được không?
- Không. Bởi nếu người ta cho phép thêm một đảng nữa thì tất cả mọi người lại gia nhập đảng nầy và thế là lại độc đảng như cũ.

7) Khi nào có thể nói được rằng Cuba đã tiến tới giai đoạn xã hội chủ nghĩa phát triển?
- Chỉ khi Hoa kỳ nhập khẩu đường của nước nầy.

8) Cuộc bầu cử theo kiểu CS thực sự diễn ra lần đầu vào lúc nào?
- Khi Thượng Đé dẫn Eva đến cạnh Adam và bảo: "Hãy chọn vợ cho con đi!"
VẬT THẾ CHẤP CHÍNH TRỊ


 Lời tuyên bố đầy bản lĩnh chính trị của cô gái trẻ Phương Uyên trong phiên tòa ngày 16/8/2013 là một bản án đanh thép đi vào lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam với chế độ độc quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam
Từ ngàn xưa, khi con người bước ra khỏi cuộc sống của thời cộng sản nguyên thủy bầy đàn, để đấu tranh sinh tồn với hiểm họa vây quanh, cũng là lúc con người biết sử dụng vật thế chấp làm tin trong giao dịch.
Để được ngồi ngôi cao, hưởng ân sủng của thiên hạ, lấy uy tín với thần dân, các vua phong kiến sử dụng con mình để gả cho quốc gia lân bang làm vật thế chấp chính trị, để thực hiện phương án ngoại giao, chờ thời cơ xâm chiếm.
Trong làm ăn giao thương, tài sản cố định là vật thế chấp cho đối phương, ngân hàng để vay vốn làm ăn. Chỉ có những đối tác làm ăn lâu bền, uy tín lớn, tín chấp là một kiểu thế chấp cao cấp nhất của con người tới giờ này.
Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển vật thế chấp càng có nhiều hình thức tinh vi hơn. Tinh vi và ác độc nhất vẫn là các chính khách lấy đồng bào mình làm vật thế chấp chính trị trong bang giao. Trong khi họa cũng trút lên đầu dân, mà nguy cũng trút lên đầu dân, còn lộc thì chính khách và dòng họ an hưởng.
Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngày nay, phương án dùng dân làm vật thế chấp để đi buôn chính trị của chính khách đều có, thời chiến cũng thế, và thời bình cũng thế.
Hoa Kỳ khi muốn lấy lòng toàn thế giới, vật thế chấp của họ gồm cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Đã thế, ở đâu có bất ổn, họ sẵn sàng đem tuổi trẻ của họ làm lính viễn chinh đến, với cái gọi là vì tự do dân chủ. Nhưng nếu nhìn về bản chất, những người trẻ lính viễn chinh này không ngoài là vật thế chấp.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam 83 năm qua, vừa ra khỏi ách đô hộ thực dân Pháp thì lao vào nội chiến. Hậu quả, hơn 3 triệu sinh linh đã ngả xuống, đến giờ này còn hơn 300 ngàn không tìm được xác, và còn hơn 200 ngàn đã tìm được xác, nhưng chưa rõ họ tên. Những chiến sỹ vô danh ấy, họ sinh ra, và lớn lên, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ là vật thế chấp cho ngai vàng của các chính trị gia của cả 3 bên - thắng cuộc, bỏ cuộc, và thua cuộc trong nội chiến kéo dài 20 năm.
Hòa bình lập lại, chưa được yên ấm bao nhiêu ngày. Một nửa bên thua và bỏ cuộc trở thành vật thế chấp để các chính khách bên thắng cuộc tiếp tục nồi da nấu thịt, để người dân thà bỏ thây cho cá, cướp biển, để đi tìm đất sống. Và chỉ vì chính khách kém tầm trong ngoại giao, và mê muội trong men say thắng cuộc. Một cuộc chiến kéo dài 12 năm ở cả 2 biên giới Tây Nam và phía Bắc - 1978 đến 1990. Hàng triệu thanh niên nữa lại ngả xuống, không phải vì chén cơm manh áo của mình và gia đình mình, mà vì sai lầm của chính khách.
Vốn xuất thân từ giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhờ không có gì để mất - giai cấp vô sản. Họ đã chọn con đường đã và đang đi theo 83 năm qua là con đường tăm tối. Nó đã sụp đổ ngay tại cái nôi sinh ra nó. Nhưng có một nghịch lý cuộc đời là, chính giai cấp vô sản là giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhưng khi cướp được chính quyền, thì họ lại không có gì để có thể dựng xây đất nước. Thế cuộc buộc họ lại phải quay lại con đường mà họ đã đạp đổ nó - bất công, độc tài và tàn ác còn hơn cả thực dân.
Vì không có gì để dựng xây đất nước, và con đường đã chọn tăm tối ấy, họ lại quay sang lấy biên cương lãnh thổ, tài nguyên và cả đồng bào mình làm vật thế chấp cho việc bang giao.
Khi vào WTO và muốn ra khỏi các nước nằm trong danh sách các nước đặc biệt bị quan tâm - Country of Particular Concerns, gọi tắt là CPC - một số nhân vật bất đồng chính kiến như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân Thái Hà, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, v.v... được lấy để làm vật thế chấp trong đàm phán bang giao. Họ được thả và giảm án.
Sau khi ra khỏi danh sách CPC, và vào WTO cùng lúc vào tháng 11/2006,  thì tình trạng đàn áp tôn giáo và bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến lại diễn ra dày đặt, ngày càng gia tăng từ 2008 đến nay. Cụ thể là tháng 02/2005 Linh mục Nguyễn Văn Lý được giảm án và ân xá, thì đến 18 tháng Hai năm 2007 ông bị bắt và chính thức ngồi tù lại vào ngày 30 tháng Ba năm 2007. Luật sư Lê Quốc Quân cũng trở lại nhà tù vào tháng 12/2012, sau khi bị bắt vào tháng 3/2007, và còn bao nhiêu người khác nằm trong diện sẵn sàng "chờ đợi" làm vật thế chấp cho con buôn chính trị.
Hôm qua, câu chuyện giảm án của Phương Uyên từ 6 năm tù giam còn 3 năm tù treo cộng với 3 năm quản thúc, cũng là 6 năm từ nhà tù nhỏ sang nhà tù to. Với Nguyên Kha giảm án từ 8 năm tù còn 4 năm tù cũng không ngoại lệ là vật thế chấp chính trị trong bang giao. Vì nếu chế độ này đối xử tốt với dân thì cái án của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã không y án sau phiên phúc thẩm! Xem ra chế độ Phong kiến xưa kia tuy vậy mà vua lo cho dân, cho nước hơn nhiều.
Liệu những điều trên các quốc gia bang giao với Việt Nam họ có biết? Chắc chắn và đương nhiên là quá biết, và càng không tin cậy Việt Nam, khi đồng bào Việt Nam bị đối xử tệ thì làm sao họ là ngoại bang được đối xử tốt hơn?
Từ đó cho thấy, chế độ đảng cầm quyền này chưa và sẽ không bao giờ xem dân là gốc, mà luôn là vật thế chấp trong mọi cuộc bán buôn nhơ nhớp của chính trị. Chỉ có ngoại bang có ảnh hưởng đến sinh mệnh sống còn của đảng cầm quyền, mới có thể sai khiến được đảng cộng sản làm theo như kiểu con tắc kè đổi màu, để đấu tranh sinh tồn, rồi màu khát máu vẫn là màu của máu.
Một chế độ mà ở đó, xem người dân là vật thế chấp cho con buôn chính trị thì, bản chất của chế độ đó như Marx nói - chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại, để chăm chút cho bộ lông của mình. Nhưng xem ra súc vật còn có lòng tin với gia chủ của nó được nuôi nấng, vỗ về. Còn với chế độ Việt nam hiện tại niềm tin dân chúng đã không còn 38 năm qua và mãi mãi.
Sức mạnh của một thể chế nhà nước là ở toàn dân, khi niềm tin dân chúng đã cạn kiệt thì, liệu chế độ đó tồn tại được bao lâu? Sức mạnh mềm của một quốc gia là vô hình và vô hạn. Liệu với cách cư xử với đồng bào đã từng vào sinh ra tử cho chế độ như thế thì, sức mạnh mềm của Việt Nam có còn?BS Hồ Hải
Asia Clinic, 9h31' ngày thứ Bảy, 17/8/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét