Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Bài viết hay(764)

Ngày Nào Cũng Là Ngày Noel
Ít khi thấy ngày mùa Đông có nắng. Nhưng hôm nay, thành phố rộn ràng sao! Mặt trời không mọc ở trên cao. Mỗi người đi bộ ôm mặt trời trước ngực. Tôi thấy những đóa hoa bật khóc… và nụ cười đứng cạnh nụ hoa. Tôi nghĩ tới một người xa… Tôi tưởng tượng mặt trời ở đó. Tóc của người tôi yêu phất phơ trong gió. Mặt của người tôi yêu hồng như mặt trời, bao nhiêu đóa hoa đua nở vì ai, chắc chắn có vì người tôi yêu đang đi bộ!Sáng mùa Đông, đường đi trong phố là đường hoa thơm ngát bình minh. Có nhiều người đi một mình nhưng không ai nói mình là người độc-hành-cô-lữ! Mặt trời mùa Đông không phải là mặt trời rực rỡ mà lòng người rực rỡ như hoa… Tôi nghĩ tới một ngày không xa, lễ Noel mừng ngày sinh của Chúa… mặt trời mọc cả lúc nửa đêm! Tôi nghĩ tới em – ngày nào cũng Noel của người tôi thương nhớ…
Sáng hôm nay tôi cũng đi trong phố, ôm mặt trời, thỉnh thoảng tôi hôn… Những ngọn gió bay qua, những sợi tóc em vờn. Tôi nhớ lại những ngày mùa Đông hành quân lạnh buốt, nghĩ về em, tôi có những mùa Xuân! Nếu có câu thơ nào em thấy thật ngon, em cắn nhé – trái hồng giòn Đà Lạt…
Tôi nhớ lại thời còn đi học, sáng mùa Đông tôi hôn từng trang vở của tôi. Ai ở dãy bàn bên kia nhoẻn miệng xinh cười. Tôi nhìn sang rồi nhìn lên: thấy mặt trời hiện trên bảng phấn… Nếu không có những năm tình lận đận, mình làm sao trong buổi sáng hôm nay? Cho anh nắm lấy đôi bàn tay, cho anh chỉ cho em thấy, đây này những đường gân đứt đoạn!

Dòng Thời Gian
Không có con sông nào nước không xuôi chảy… thì thời gian cũng chảy giống như sông!
Mưa có mùa, nhưng mưa cũng ngưng. Nóng có mùa, nhưng nóng rồi cũng nguội.
Cây mùa Xuân xanh lá dù không cần nước tưới, đến mùa Đông thì vàng, bay, khuyên mãi gió không im…
Hai người yêu nhau già mấy cũng anh em, ai chết trước ai chết sau đều là tội nghiệp…
Thời gian đi để cho đời người chuyển kiếp, đổi thay buồn thì nói cảnh tang thương…
Những người làm thơ, viết văn thường tả cảnh đoạn trường, không thấy ai đưa ra được một cảnh đời vui bất tử…
Sáng hôm nay tôi nâng niu một cành hoa nở, tôi biết thừa chiều hoa đó hết tươi…
Nhưng tôi thua hoa vì buổi sáng hoa cười, có nhiều buổi sáng tôi phải cầm nước mắt…
Theo dòng thời gian, bao nhiêu người xa, cách, quay đầu nhìn Non Nước biệt nơi nao?
nên ngày xưa Thôi Hiệu nghẹn ngào: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Thôi, tôi không nói gì nữa đâu. Hỡi thời gian cứ yên tâm mà chảy…

Anh Không Phải Mặt Trời
Ba bốn hôm nay, anh thấy em không vui. Người ta tiết kiệm tiền bạc, sao em tiết kiệm lời? Em làm như Nguyễn Du, cuối đời không nói, em làm như Hàn Mạc Tử, Maria linh hồn tôi ớn lạnh
Mấy hôm nay mặt trời đi vắng, anh vẫn bên em mà anh không phải mặt trời! Em nhớ mặt trời cho nên em không vui? Ờ nhỉ em giống như đất trời đang buồn bã lắm!
Nhiều ngày mùa Đông, ngày không có nắng. Đêm buồn hiu, thỉnh thoảng mưa sa… Những giọt nước mưa tí tách hiên nhà, nghe như thể mình đang thời nghèo khổ…
Dĩ nhiên bây giờ mình chưa giàu có, em có cần không anh đỗ Trạng Nguyên? Anh phải đi lên, anh phải đi lên… trả thù lại một thời mình… xuống dốc?
Em ơi em, chúng ta đều có học, những văn bằng anh bỏ lại Việt Nam. Anh ra đi không nghĩ mình sống còn, nhiều người chết có Kỹ Sư, Bác Sĩ…
Anh chỉ là người lính trơn ngã quỵ, anh còn gì ngoài những hoa mai héo hon? Thôi thì để cho nước chảy đá mòn, cơm ba bữa nhiều hơn trong Cải Tạo!
Ai cũng nói sống cần cơm cần áo, mình có rồi, đòi gì nữa hả em? Anh không về Việt Nam nhìn cốc bia bọt nổi bồng bềnh. Anh không về Việt Nam để đi bên bồ nhí…
Em nói gì với anh đi, nói đi cho phỉ, hỡi người anh yêu hỡi Bà La Sát của anh! Anh chỉ nói với em: mình không còn nữa tóc xanh, anh quyết giữ lòng anh không bạc!
Đứng bên ni đồng ngó bên kia đồng, mênh mông bát ngát. Đứng bên kia đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mông mênh. Em vẫn còn xa anh xa anh…con đa đa bỏ cành… từ dạo đó!
Mình gặp nhau đây không giữa đường hạnh ngộ… mà giữa đời, còn đó, chia ly… Anh biết em không thể nói gì. Anh cũng giống em, thôi làm thơ cho một mình anh đọc.
Đừng nói thêm: rồi đứa nào sẽ khóc, rồi đứa nào thả tóc làm mây… Em ơi em cho anh nắm lấy đôi bàn tay, cho anh chỉ cho em thấy: đây này những đường gân đứt đoạn.
Trần Vấn Lệ

Lễ Giáng Sinh
(LTS: Cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng là một nhà sử học uyên bác. LỄ GIÁNG SINH:DƯỚI NHÃN QUAN CỦA MỘT NGƯỜI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ là một bài viết mang thật nhiều ý nghĩa cao đẹp của của ngày Thiên Chúa giáng trần)
     Lễ Giáng Sinh là kỷ niệm ngày Đức Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo, sinh ra ở nước Do Thái, cách nay 2007 năm. Đây là một biến cố trọng đại, không những có ảnh hưởng đến người Kitô hữu mà còn ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, v.v.trên thế giới đều lấy cảm hứng từ biến cố nầy. Ngày nay, không một dân tộc nào trên thế giới mà không biết đến ngày lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh thường gọi là Lễ Noel là do chữ Emmanuel ở trong Kinh Thánh, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, gọi tắt là Nuel hay Noel. Người Mỹ gọi lễ nầy là Christmas.
      Kinh Thánh là một pho sách cổ của người Do Thái gồm có 2 phần: Kinh Thánh Cựu Ước và Kinh Thánh Tân Ước.
     -Kinh Thánh Cựu Ước (lời giao ước cũ) ghi chép lại các sự kiện liên quan đến tôn giáo, luật pháp, phong tục, văn hoá, lịch sử,v.v. của người Do Thái trước khi Đức Chúa Giêsu sinh ra.
     -Kinh Thánh Tân Ước (lời giao ước mới) là sách ghi chép lại cuộc đời và những lời giảng dạy của Đức Chúa Giêsu (tức là những tư tửơng, giáo lý của Người).
      Khi đọc Kinh Thánh, người ta thấy có nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử Do Thái và lịch sử nhân loại, nhất là trong phần Cựu Ước. Nhưng mục đích của người viết Kinh Thánh không phải để ghi chép lịch sử, cũng không nhằm trình bày và chứng minh các sự kiện liên quan đến khoa học, mà chính là nhằm mục đích đạo đức, tôn giáo: loan báo sự mạc khải của Thiên Chúa cho dân tộc Do Thái nói riêng, và cho nhân loại nói chung, về “ơn cứu chuộc con ngừơi” do chính Thiên Chúa thực hiện và các giới răn của Thiên Chúa buộc nhân loại phải tuân giữ (tức 10 giới răn).
      Danh từ “mạc khải” gồm có hai chữ “mạc” và “khải” ghép lại. “Mạc” theo nghĩa chữ Hán là cái màn che, “Khải” là mở ra. Vậy “mạc khải” nghĩa là mở bức màn che ra để cho mọi người được biết những gì che dấu bên trong, tỏ cho biết những điều bí mật.
      Người đầu tiên viết Kinh Thánh là Moise, tiếng Việt phiên âm là Mai Sen, Môi Sen, Môi Se,v.v. Ông là ngừơi đã được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo cuộc đấu tranh với vua Pharaon, đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập cách nay vào khoảng 3300 năm. Ông đã viết phần đầu của Kinh Thánh gọi là sách “Sáng Thế Ký”. Theo các nhà thần học và kinh thánh học thì ông được Thiên Chúa soi sáng, mạc khải cho bíêt để viết ra phần nầy. Cũng có thể hiểu rằng những điều ông ghi chép đã được truyền từ đời nọ đến đời kia trong dân tộc Do Thái trứơc ông. Sau khi ông mất, có nhiều người tiếp tục viết Kinh Thánh cho đến ngày nước Do Thái bị xóa tên (khoảng năm 70 đến 80 thế kỷ thứ I sau Công nguyên). Phần đó gọi là Kinh Thánh Cựu Ước.
     Phần Kinh Thánh gọi là Tân Ước (lời giao ước mới) do các học trò của Chúa Giêsu viết về cuộc đời và những lời giảng dạy của Người. Họ là những chứng nhân trực tiếp hoặc gián tiếp (được nghe bà Maria, Mẹ của Đức Chúa Giêsu kể lại). Bốn vị đó là Mathieu, Macco , Luca và Gioan (John). Ngoài ra còn có sách Tông Đồ Công Vụ (hoạt động của các Tông Đồ của Chúa Giêsu) do Paul (Phaolô) viết,  kể lại công cuộc truyền giáo của ông vào thế kỷ thứ I và sách “Khải Huyền” (hay Khải Thị) do Gioan viết.
     Kinh Thánh Cựu Ước (lời giao ước cũ giữa Thiên Chúa và tổ tiên người Do Thái) có loan báo về một Đấng Cứu Thế, gọi là Đức Kitô, sẽ đến trong dân tộc Do Thái để thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại sau khi tổ tông loài người là Adam và Eva phản bội lại Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên mình. Những lời tiên tri nói về cuộc đời của Đấng Cứu Thế do các tiên tri (ngôn sứ) đã được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thời gian của Cựu Ước là thời gian mong đợi, trông chờ Đấng Cứu Thế đến. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với nhân loại qua các tiên tri (ngôn sứ).
     Tân Ước là lời giao ước, lời hứa của Thiên Chúa đối với tổ tiên người Do Thái đã được  thực hiện: đó là sự giáng sinh của Đức Kitô. Trong Tân Ước, Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại qua Đức Kitô, con của Ngài. Cuộc đời của Đức Kitô trong Tân Ước đã diễn ra đúng như lời tiên tri trong Cựu Ước nói về Người. Do đó, Cựu Ước và Tân Ước có liên quan mật thiết với nhau. Cựu Ước là đi tìm và Tân Ứơc là gặp đựơc.
     “Tiên tri” hay “Ngôn sứ” là những người lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo của người Do Thái. Lúc đầu, dân tộc Do Thái khôgn có các vị lãnh đạo chính trị hay quân sự. Toàn dân chỉ theo một tôn giáo duy nhất, chỉ thờ Đấng Tạo Hoá duy nhất, ngừoi Do Thái gọi Đấng đ1o là Gia Vê hay Giê-Hô-Va, nghĩa là Đấng Toàn Năng (tức Thượng Đế hay Thiên Chúa). Thiên Chúa đã chọn những vị tiên tri hay ngôn sứ và qua những vị ấy, để truyền dạy cho dân riêng của Ngài (tức dân Do Thái). Thiên Chúa đã ban cho các vị ấy được quyền làm những việc lạ lùng để dân chúng tin. Người tiên tri đầu tiên là Mai Sen. Những người kế vị sẽ được chọn theo ý của Thiên Chúa và do vị tiên tri tiền nhiệm truyền đạt lại. Tiên tri chọn một vi tứơng để chỉ huy quân đội, bảo vệ dân khi có chiến tranh. Về sau, người Do Thái đòi hỏi phải có một vị vua như các dân tộc khác nên tiên tri thay mặt Thiên Chúa để chọn vua cho dân: như trường hợp tiên tri Samuel chọn  Saule làm vua Do Thái, sau đó lại chọn David thay Saule. Từ David trở về sau thì cha truyền con nối: như David truyền ngôi cho con là Salomon. Vua lo việc chính trị, tiên tri lo việc tôn giáo.
     Theo các sách tiên tri được ghi lại trong Kinh Thanh Cựu Ứơc thì Đức Kitô sẽ sinh ra bởi một trinh nữ thuộc dòng vua David. Người sẽ ra đời trong cảnh nghèo hèn. Người sẽ sinh ra ở Bêlem là một tỉnh nhỏ của nứơc Do Thái. Người sẽ đi rao giảng Tin Mừng về “ơn cứu độ”. Để chứng minh Người là con Thiên Chúa uy quyền, Người sẽ làm nhiều phép lạ cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ câm đuợc nói, ngừơi tàn tật, người đau ốm được lành, kẻ chết được sống lại,v.v. Người sẽ bị bắt, bị nhục hình, chết và sống lại…Đó là tóm tắt những điều Kinh Thánh đã nói về Người.
     Qua Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta biết đuợc dân tộc Do Thái bắt nguồn từ tổ phụ của họ là Abraham, cách nay chừng 4000 năm.
     Abraham sinh ra Isaac bởi vợ chính thức là Sara.
     Ngoài Isaac, Abraham cũng có nhiều con trai với các nàng hầu, những người nầy không được xem là “chính thống” vì không phải là con “bởi lời giao ước” nghĩa là Đấng Cứu Thế sẽ không sinh ra bởi dòng dõi của những người nầy. Isaac có 2 người con trai sinh đôi là Esau và Jacob. Esau không xứng đáng nên Jacob đuợc làm trưởng nam và Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra bởi dòng dõi Jacob.
     Trong một giấc mơ huyền bí, Jacob đã được đổi tên là Israel. Oâng có 12 người con trai, sau nầy con cháu của họ lập thành 12 tỉnh của nứoc Do Thái.
     Nước Do Thái (hay là nước Israel) là do tên của Jacob (t1ưc Israel) tổ tiên của họ.
     Người con thứ 11 của ông Israel là Giuse (Joseph) bị anh em bán cho thương nhân Ai Cập, về sau đã trở thành tể tứơng của nứoc nầy. Sau trận đói xảy ra cho toàn vùng, anh em của ông đã di cư vào Ai Cập.
     Giuse là người đã có công cứu dân Ai Cập khỏi nạn mất mùa, đói khát kéo dài 7 năm liền. Sau khi Giuse chết, người Ai Cập đã vong ân, bắt con cháu của ông làm nô lệ cho họ.
     Thiên Chúa đã chọn Mai Sen làm lãnh tu ïdân Do Thái, đứng ra đấu tranh với vua Pharaon, để đem dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và về miền đất hứa Canaan là nơi  Thiên Chúa đã hứa cho tổ tiên họ là Abraham.
     Họ đã đi qua biển đỏ (Hồng Hải) và trải qua đoạn đừơng dài 40 năm, qua sa mạc…và phải chiến đấu với nhiều dân tộc khác mới đến được đất hứa.
     Những ngừơi sinh bởi dòng máu của Jacob tức Israel đã trở thành dân tộc Do Thái.
     Những con cháu Abraham nhưng không bởi dòng máu Jacob, đã trở thành các dân tộc lân cận với nước Do Thái và thù nghịch với Do Thái. Từ Abraham đến ngày nay khoảng 4000 năm.
     Từ Mai Sen đến ngày nay khoảng từ 3300 đến 3500 năm.
     Cách nay khoảng 3000 năm, Do Thái đã trở nên cường thịnh dứơi triều đại của David. Ông là một anh hùng dân tộc, giải phóng xâm lăng. Ông cũng  là một thi sĩ, nhạc sĩ, một nhà đạo đức và là một tiên tri. Ông đã để lại nhiều lời tiên đoán về cuộc đời của Đấng Cứu Thế, nhất là về cuộc khổ nạn của Người. Ông đựơc sử sách gọi là “tiên tri”, “thánh vương”, v.v.
     Con của David là Salomon, được gọi là “người khôn ngoan nhất thiên hạ vào thời đó” đã làm cho Do Thái trở nên cường thịnh nhất trong vùng, nhờ sự khôn ngoan, thông thái và tài lãnh đạo. Trong đời ông không có chiến tranh xảy ra.
     Sau Salomon thì nứơc Do Thái dần dần suy yếu và bị các dân tộc lân cận xâm lấn.
     Khoảng 587 trước công nguyên, quân Babylon chiếm nước Do Thái và bắt dân Do Thái đem về Babylon làm nô lệ cho họ. Sử gọi là “Thời kỳ lưu đày Babylon” kéo dài 49 năm.
    Trước thời kỳ bị lưu đày, trong dân tộc Do Thái xuất hiện nhiều tiên tri, kêu gọi dân chúng phải ăn năn, hối cải, từ bỏ thói hư nết xấu để trở về đời sống đạo đức. Nếu không, họ sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt.
    Trong thời kỳ bị lưu đày tại Babylon, lời kêu gọi dân ăn năn hối cải lại càng thống thiết hơn, và dân Do Thái càng mong đợi Đấng Cứu Thế đến…
    Theo họ, Đấng Cứu Thế được nói đến trong Kinh Thánh sẽ là một lãnh tụ chính trị, quân sự để đánh đuổi xâm lăng, cứu dân tộc mình thoát vòng nô lệ và tái lập đế qúôc Do Thái như thời David và Salomon. Nhưng theo lời tiên tri của David và các tiên tri khác sau David, thì Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, Người sẽ sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và Người sẽ chịu khổ hình để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại, để nhân loại khỏi bị phạt và được trở nên con của Thiên Chúa, được hưởng phứơc thiên đàng vĩnh cửu.
     Khoảng 539 trứơc công nguyên, một biến cố lịch sử đã xảy ra, vua nứơc Ba Tư là Kyrô thắng đế qúôc Babylon. Người Do Thái bị lưu đày được trở về quê hương của mình.
     Khoàng 533 trứơc công nguyên, Alexandre đại đế đã làm cho nước Hy Lạp cường thịnh. Quân Hy Lạp chiếm được cả Âu Châu và tràn sang tận Ấn  Độ. Do Thái nằm trong vùng đất thuộc đế qúôc Hy Lạp.  Sau khi Alexandre chết, đế qúôc HY Lạp dần dần suy tàn. Đế qúôc La Mã mạnh lên và đánh thắng Hy Lạp.
     Trước khi kéo quân vào Do Thái, La Mã kêu gọi Do Thái liên minh với họ để chống lại Hy Lạp. Sau khi thắng Hy Lạp rồi, La Mã đem quân chiếm đóng Jerusalem và cai trị Do Thái vào năm 63 trứơc Chúa Giêsu giáng sinh.
     Đức Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh dân tộc Do Thái đang sống dứơi chế độ nô lệ của đế qúôc La Mã. Theo Kinh Thánh thì Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại một tỉnh nhỏ là Bê Lem. Nhưng đã đến ngày sinh rồi mà bà Maria, mẹ Đức Chúa Giêsu vẫn còn ở tại Nazaret, cách Bê Lem chừng vài trăm cây số. Một biến cố  đã xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri: hoàng đế La Mã là Augustus Ceasare ra lệnh kiểm tra dân số. Mọi người phải trở về nguyên quán để khai tên vào sổ hộ tịch. Thế là ông Giuse phải đem bà Maria đang mang thai, lên đừơng trở về Bê Lem, là nơi sinh quán của mình. Đức Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bê Lem đúng như các tiên tri đã ghi chép. Những di tích về thời đại Đức Chúa Giêsu hiện nay vẫn còn được bảo vệ.
     Các nhà sử học và khảo cổ học đã minh xác về Đức Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại. Các chứng tích như : hang đá Bê Lem, nơi Người sinh ra, ngôi nhà Ngừoi ở tại Nazaret, dinh quan Tổng trấn Ponce Pilastre nơi Ngừơi bị xét xử, những giọt máu ở cầu thang (hiện nay ngừơi ta dùng những tấm kính úp lên trên để bảo vệ), ngôi mộ, thập giá khổ hình, khăn liệm có in mặt của Ngừơi (hiện để ở thành Turin), đồi Calvario, nơi Người chịu chết, núi Olivete, nơi Người lên trời trứơc mặt các môn đệ và dân chúng (hiện còn dấu chân in sâu vào đá)…cũng như lời Người giảng dạy, tư tưởngvà giáo lý của Ngừơi. Những bản Kinh Thánh cổ được viết trên da bằng tiếng Aram (Do Thái), tiếng Hy Lạp và La tinh (La Mã),vv.v. hiện còn lưu giữ ccho đến ngày nay…Ông Daniel Rops, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp , đã nghiên cứu và công bố nhiều điều xác minh về cuộc đời Đức Chúa Giêsu . Ngoài ra còn có hàng ngàn nhà nghiên cứu khác thuộc các giáo hội: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống,v.v. hoặc thuộc các huynh hướng tự do khác ngoài giáo hội, cũng đã xác nhận những điều được nhắc đến trong Kinh Thánh về Đức Chúa Giêsu là đúng.
     Ngày sinh và năm sinh của Đức Chúa Giêsu đã được thế giới chọn làm niên lịch mới gọi là lịch công nguyên (ère chrétienne) hay là Dương lịch, lấy năm Ngừơi sinh ra làm năm thứ nhất, đến nay đã 2007 năm.
     Kitô giáo là do những người Do Thái, học trò của Đức Chúa Giêsu, trứoc hết truyền bá cho chính người Do Thái, sau đó mới truyền  sang các dân tộc khác…Nhưng có một số người Do Thái ngày nay vẫn còn trông đợi Đấng Cứu Thế như tổ tiên của họ trong thời Cựu Ước. Những người nầy chỉ thừa nhận Kinh Thánh Cựu Ước mà không tin vào Tân Ước.
     Đối diện với Jerusalem có một ngọn núi nhỏ tên là Sion, nơi đó có ngôi mộ của David, từ 3000 năm nay. Người Do Thái xem đó là nơi linh thiêng của họ. Trên ngôi mộ này, từ xưa tới nay có một ngọn lửa hằng cháy sáng mãi. Danh từ Sionit hoặc “chủ nghĩa sionit” là do chữ Sion mà ra, có nghĩa là Do Thái muốn trở lại thời đại huy hoàng của David và Salomon. Họ cứ nghĩ rằng Đấng Cứu Thế là một lãnh tụ chính trị kiểu David hay Salomon. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế tục chứ không theo tinh thần siêu nhiên của tôn giáo. Do đó, họ vẫn chờ đợi và chưa gặp được Đấng Cứu Thế đích thực.
     Đêm Giáng Sinh còn được gọi là “Đêm Hoà Bình”, đêm mà thiên thần ca hát:
         “Vinh danh Thiên Chúa trên trời;
          Bình an dứơi thế cho người thiện tâm”
     Ngày xưa ở Việt Nam, dù trong thời chiến tranh, hai bên đều đề nghị “hưu chiến” trong đêm Giáng Sinh. Đêm Noel là đêm vui mừng cho cả nhân loại, không phân biệt tôn giáo, dân tộc hay thành phần xã hội. Mọi gia đình đều vui mừng vì đây là ngày vui của mọi người từ trẻ em cho đến ngừơi lớn: nào cây thông, ông già Noel, những món quà, những cánh thiệp, những lời chúc tụng tốt đẹp dành cho nhau, tiệc tùng, ca hát, v.v. Riêng người Kitô hữu thì đến nhà thờ dự Thánh Lễ, kỷ niệm Chúa Giáng Sinh…Những ngừơi khác cũng đi chơi, đi xem cho biết lễ nghi phong tục, hoà mình vào niềm vui chung của “đêm hòa bình”.
Chúng tôi xin kính chúc qúy vị một đêm Noel trong hoà bình, yêu thương….trong tình yêu của Thiên Chúa đến với nhân loại. Người đã đến trong nghèo khó, trần truồng, rét lạnh, từ chối tất cả những tiện nghi sang trọng, giàu có của thế gian. Chúng ta đến với Chúa, tức là đến với tình yêu và hoà bình chân thật, thì cũng phải bỏ lại tất cả những đam mê vật chất, những dục vọng đê hèn của trần thế và chỉ có tâm hồn trong sạch, thiện chí, mới gặp được Ngừời. 
GS Nguyễn Lý Tưởng

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
01. Nghĩ đến thân thì đừng cầu không bệnh khổ,
vì bệnh khổ là định mệnh của chúng sanh.
02. Ở đời thì đừng cầu không hoạn nạn,
vì thiếu hoạn nạn thì không thể hiểu được phận người.
03. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc,
vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
04. Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không gặp thử thách
vì thiếu thử thách thì chí nguyện chẳng kiên cường.
05. Việc làm thì đừng mong dễ thành,
vì việc dễ thành thì thường là việc không đáng làm.
06. Giao tiếp đừng cầu lợi cho mình,
vì cầu tư lợi làm mất nghĩa khí.
07. Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình,
vì được theo ý mình thì lòng sinh kiêu mạn.
08. Thi ân thì đừng cầu đền đáp,
vì cầu đền đáp thì còn gì là ân nghĩa.
09. Thấy lợi thì đừng nhúng vào,
vì đã nhúng vào thì ắt si mê phải động.
10. Oan ức không cần biện bạch,
vì biện bạch là dấu hiệu nhân quả chưa xả
(Trọng Đạt chuyển)
- Hãy nhớ rằng không bao giờ có thể bắt ai đó phải yêu mình. Chỉ có thể tự làm cho mình trở nên đáng yêu thôi.
- Cần biết rằng, có nhiều người yêu mến mình, nhưng họ chưa biết cách bộc lộ ra.

Cẩm nang… hối lộ !

Hối lộ và nhận hối lộ thì thời nào và ở đâu cũng có. Song tệ nạn tham nhũng, hối lộ như ở Việt Nam ta gần đây thì có lẽ hiếm có trên thế giới. Kinh hoàng hơn, hiện giờ còn xuất hiện cả một tài liệu để… dạy cách đưa hối lộ.
Lang thang trên mạng, vào Google tìm từ “chạy chức, chạy quyền”, thấy một “tài liệu” kinh hoàng có tên: “9 mẹo chạy chức, chạy quyền”. Thực chất, đây là tài liệu dạy cách “giăng bẫy cho quan” hay “cẩm nang dạy… hối lộ”.
Người viết “tài liệu” nói rằng “sách lược” này không phải ông (bà) ta nghĩ ra mà được tổng hợp từ những nguồn thông tin khác nhau. Đọc xong, không thể không thừa nhận 9 “mẹo” này xứng đáng là cẩm nang đầy mưu mẹo với các tựa đề như… binh pháp Tôn tử. Đó là: “Lọt sàng xuống nia”,“Kính lão đắc… quyền chức”, “Mua quà cho em”, “Sữa để em thơ”, “Lương khô đường dài”…
Thậm chí, có những “mẹo” rất trắng trợn như “Làm hư sếp”. Có mẹo lợi dụng triệt để vào truyền thống văn hóa như “Phong tục nước Nam” hoặc tình cảm phụ nữ như “Lòng dạ đàn bà”.
Người viết còn khẳng định nếu áp dụng các biện pháp này thì việc cá nhân sẽ chắc chắn thành và việc công thì.. chắc chắn bại!
Đọc xong “cẩm nang”, mình không khỏi giật mình. Việc tham nhũng, hối lộ không lạ nhưng việc đúc kết để trở thành sách thì có lẽ chuyện chỉ có ở Việt Nam ta. Điều này càng chứng tỏ công cuộc phòng chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn. Nó không chỉ cần một bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn cần phải có nghị lực vượt qua cám dỗ đồng thời một tinh thần cảnh giác cao độ của quan chức đối với những mưu ma, chước quỉ của bọn “chuyên gia” hối lộ.
Xin hỏi những vụ thất thoát lớn hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ đồng như Vinashin, Vinalines  hay những dự án thu hồi đất gây bức xúc trong nhân dân không có bàn tay nhớp nhúa của các “chuyên gia” hối lộ? Rồi các vụ chạy chức, chạy quyền như trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của TBT Nguyễn Phú Trọng là “một khuyết điểm lớn” phải chăng không có sự “giúp sức” của những kẻ đưa hối lộ?
Công bằng mà nói có không ít kẻ làm quan tham lam, chỉ chăm chăm đòi và nhận hối lộ nhưng chắc cũng không ít người do thiếu cảnh giác mà rơi vào cạm bẫy của bọn “chuyên gia” này. Những kẻ tham nhũng có bao nhiêu mưu lược để bòn mót tiền của đất nước thì bọn đi hối lộ nhằm trục lợi cũng có bằng đó cách để làm hư hỏng những người có chức, có quyền để đạt mục đích.
Nói như thế không có nghĩa là “cảm thông” với những kẻ nhận hối lộ bởi vì phẩm chất đầu tiên của nhà quản lý là phải nhận được chân – giả, biết ai là người chân, đâu là kẻ gian đồng thời phải luôn luôn cảnh giác.
Tuy thế, về pháp lý thì rất cần sự phân biệt rõ ràng để xử “đúng người, đúng tội”. Ví dụ như cần phải phân biệt những người do hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa quà cáp không thể “đánh đồng” như những kẻ cố tình đưa hối lộ để chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… để từ đó làm cơ sở tham ô, tham nhũng đục khoét của nước, của dân.
Có lẽ việc thiếu rạch ròi, “đánh đồng” hai đối tượng này là một trong những nguyên nhân khiến công cuộc chống tham những chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Gần đây, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo vào dự luật sửa đổi lần này. Ông Lượng nói: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ. Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế “cùng thuyền”.
Theo tôi, đây là kiến nghị rất chính xác.
Bùi Hoàng Tám(Theo Dân Trí)
Hãy quan sát cho kỹ, Nhật Bản, Cộng hòa Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan… đều là láng giềng gần của Trung Quốc rộng lớn, họ đâu có coi đó là định mệnh để quỳ gối, cúi đầu.
Thiệt thà là cha dại(tục ngữ)
Đứng bên quan tài của Vương Tấn sắp hạ huyệt, anh bạn tù Trần Phú Trắc nói nhỏ với tôi, vẻ tội nghiệp:
- “Cái số thằng nầy khổ thiệt! Nó thiệt thà quá!”
Tôi cũng đang thương tình cho anh bạn tù nằm trong quan tài, nhưng nghe Trắc nói, tôi không khỏi cười thầm vì sự ngộ nghỉnh trong nhân sinh quan của người Việt. Nói số phần chỉ là cách an ủi. Ông trời bắt vậy thì phải vậy. “Bắt phong trần phải phong trần…” Số phận là do trời, đó là quan điểm của đạo Nho, nhưng tại sao Trắc lại nói “Nó thiệt thà quá!” Vì nó thiệt thà nên nó khổ. Vậy nó khổ là vì nó thiệt thà. Vậy thì còn số phận gì nữa, trách trời gì nữa. Nó tự tạo cho nó cái số khổ, đâu phải tại trời. Cũng theo cách nghĩ đó, theo nhà Phật, nó tự tạo cho nó cái nghiệp. Quả của cái nghiệp đó là sự khổ. Nhân cái nghiệp là thiệt thà. Vì thiệt thà nên khổ. Nếu quan niệm như vậy thì triết lý đạo Phật cũng… trật lất. Làm ác thì mới chịu cái khổ. Thiệt thà mà cũng khổ, vậy nhân quả đâu có tương ứng nhau. Tôi nói ông Phật nói trật là tôi đúng chớ gì nữa! Tôi giải thích cho Trắc như vậy, anh ta cười, trách nhẹ tôi: “Anh thì cứ hay rắc rối!”Tôi chỉ lý luận quàng xiên mà chơi như vậy, nhưng trên đường về, vừa lái xe, vừa nghe nhạc “vàng” và tôi không ngớt suy nghĩ về tính thiệt thà của Vương Tấn.Tốt nghiệp khóa 6 Thủ Đức, khoảng năm 1958, theo như bạn đồng khóa thì ít cũng lên lon thiếu tá, trung tá, có ông lên đại tá, Vương Tấn chỉ mới có đại úy cũng là vì cái tính…thiệt thà.Hồi ấy, việc lên lon không dễ như sau nầy. Đủ thời gian qui định thì lon chuẩn úy tự động lên lon thiếu úy, thiếu úy lên lon trung úy. Từ trung úy trở lên mới phải “chạy”. Chạy là nói nôm na, văn vẽ là đề nghị lên bộ Tổng Tham Mưu; còn như đặc cách mặt trận là do mấy ông tướng tư lệnh quyết định ngay tại chiến trường. Vương Tấn chưa bao giờ được lên lon tại mặt trận vì anh không thuộc loại đánh giặc chì. Thời của Tấn là thời lên lon nào cũng phải “chạy” mà Tấn thì không biết “chạy” nên lon lá bao giờ cũng ở sau người ta.Khi có chương trình đào tạo quan sát viên không quân, cũng khoái đi máy bay, nên Vương Tấn xin đi học. Mãn khóa, anh về phục vụ ở miền Trung. Vương Tấn chọn miền Trung vì Huế ở ngoài ấy. Anh hy vọng làm nghề bay, có dịp về Huế chơi. Anh ta đến Huế thật, và với bộ đồ bay trên người, anh đi dạo phố Huế, – “Trông oai lắm!” – như anh ta nói.
- “Hồi đó tui tính cưới một cô Huế. Sao mà khó thế. Nói chuyện, nó không nhìn mình, cứ nhìn xuống đất, không tán được.”
Bởi câu chuyện đó, có lần tôi nói Trắc: “May cha thằng Tấn. Rước về một cô rồi ngữa mặt lên trời mà than!”
Trắc không đồng ý với tôi, nói: “Duyên số cả anh à! Nó không cưới vợ Huế, về Phước Tuy rước một cô, đời lại bầm dập hơn!”
Trong bọn tôi, Dương Tiến Đông, đội phó, là tay ăn nói bạo mồm bạo miệng nhứt. Có điều, chuyện nó nói, làm người ta bất mãn nhưng vẫn phải cười.Hôm đó, chúng tôi đang cuốc đất, cách trại cũng không xa, bỗng Vương Tấn bị bệnh. Tấn yếu lắm. Anh ta bị thương, mất một phần xương đùi. Hồi đó, để cứu Tấn khỏi bị cưa chân, Tổng Y Viện Cộng Hòa nhờ Hải Quân Mỹ chuyển Tấn ra hạm đội. Ngoài đó phương tiện đầy đủ và tối tân hơn. Thay vì cưa, bác sĩ Mỹ ghép vào đùi Tấn một thanh Inox, bắt ốc, nên Tấn đi lại được, tuy không bình thường. Vì là thương binh, không muốn giải ngủ, Tấn xin qua 101. 101 là đơn vị tình báo, “tội” của Tấn với “cách mạng” nặng hơn, coi như “tù cải tạo” lâu về. Vì đi đứng khó khăn, Trương Đình Gòn, đội trưởng, xin cán bộ Chinh, công an, cho Tấn khỏi đi đốn cây, phá rừng, công việc nặng nhọc lắm. Anh ta được giao nhiệm vụ xuống suối mài dao. Lâu lâu, sợ Tấn mất việc, Gòn lấy dao của anh em, đưa cho Tấn đi mài. Dao không lụt cũng mài. Gòn nói với người có dao: “Không có dao thì ông ngồi chơi. Thằng Tấn không có dao mài, thằng Chinh bắt nó đi kéo cây. Tội nghiệp nó.”Hôm Tấn bị bệnh, Đông nói với cán bộ Chinh: “Cán bộ để tui đem nó về; lỡ nó chết ngoài rừng, cán bộ làm báo cáo mệt lắm!” Rồi Đông cỏng Tấn về, có anh cán bộ bảo vệ (tức là bọn canh tù), cầm súng đi theo. Đông nói nhỏ với Tấn: “Đ. má. Tao phải hù thằng Chinh nó mới cho tao cỏng mày về. Vậy mà mày vô ơn.”
Tấn nói: “Tao đi không nỗi, mày cỏng. Tao biết ơn mày. Mày nói tao vô ơn cái chi?”
Đông nói: “Mày nói cám ơn khi nào? Tao nói thiệt, nếu mầy không chịu, tao bỏ mày xuống đây. Mầy chịu, tao cỏng tiếp về trại. Chịu không?”
- “Chịu cái gì? Mày nói đi.” Tấn hỏi.
- “Tụi nó nói vợ mầy đẹp lắm. Mai mốt vợ mầy lên thăm, mày hôn vợ mày giùm tao một cái, còn không thì… đi bộ mà về nè!”
Nói xong, Đông giả bộ buông Tấn xuống. Tấn nói: “Thôi đươc rồi! Đ. mẹ, anh em chơi ép nhau. Mày cỏng tao về đi. Tao sẽ nói với vợ tao!”
Đông phải đứng lại giữa rừng mà cười ha hả vì cái tính thiệt thà của Tấn. Nghe Đông thuật lại chuyện đó, anh em trong đội ai cũng cười. Cũng có người vừa cười vừa nói: “Đ. mẹ! Thằng Đông mất dạy, vợ người ta mà đòi hôn.”
Vậy mà Tấn vẫn không hết tai nạn với Đông. Đang ở ngoài rừng, gần nhà thăm nuôi. Có người ra tận bãi gọi Tấn, báo cho biết có vợ lên thăm. Tấn hoảng, không biết làm sao! Về trại thay áo quần thì mất thì giờ. Vào thăm vợ ngay bây giờ thì kỳ cục! Anh ta đang mặc quần xà lỏn đi lao động, đưa hai cái giò như hai cây sậy đen đủi thì kỳ quá! Áo quần thiếu, phải tiết kiệm, ở với Việt Cộng thì lấy thân che của thay vì lấy của che thân.Gòn lại tới nói với cán bộ Chinh, cho Tấn đi thăm liền ngay đi, cho vợ Tấn thăm sớm, về sớm, xe cộ khó khăn. Chinh đồng ý, nhưng Tấn không đi thăm được vì không có quần. Đông nói: “Mày mặc quần tao chắc được. Tao cho mày mượn. Nhưng mày đừng quên lời tao dặn như vợ mày lên thăm lần trước. Lần nầy phải nhớ nghe không.” Tấn chần chừ. Đông nói:
- “Mày phải ừ tao mới cởi quần ra cho mày. Ừ đi!”
Tấn lại phải ừ!
Đông lại làm khó: “Mày ừ gì yếu xìu. Ừ to lên, như ở quân
trường vậy.”
Tấn ừ thật to! Cả bọn đứng chung quanh, ai cũng cười.
Lần thăm đó, Tấn gặp tai nạn.
Cha mẹ chết, để lại cho Tấn căn nhà gạch. Lần nầy lên thăm, vợ Tấn biểu làm giấy ủy quyền cho thị. Té ra, thị có bồ là cán bộ. Thị lấy nhà, sang tên cho cán bộ vì tên nầy hứa kết hôn với thị. Có nhà rồi, tên cán bộ bèn “Quất ngựa truy phong”.Từ đó, vợ Tấn không lên thăm chồng nữa. Tấn vừa mất vợ, vừa mất nhà, con Tấn về ở với chị Tấn. Chị Tấn cũng nghèo, không ai thăm nuôi Tấn, hoàn cảnh thật ái ngại. Tấn cam chịu số phận mình, không than van, oán trách.Một lần, vợ Đông từ Đà-Nẵng vào thăm, Đông mời mấy anh em cùng ăn chung một bữa, chia xẻ niềm vui. Đang bữa ăn, có người than phiền bây giờ nhiều người bỏ chồng, không đi thăm nuôi vì đời sống khó khăn quá, không đi thăm được, cũng có người “ôm cầm thuyền ai.” Hoàng, người cùng đội, nói: “Lấy chồng là một sự chọn lựa, lấy là lấy ông bác sĩ, kỹ sư, ông sĩ quan. Bây giờ lon lá mất hết, chỉ còn là thằng tù. Ai lấy thằng tù làm gì.” Vài anh em tỏ ý không đồng ý với lời giải thích của Hoàng, nhưng ông già Minh lại góp ý: “Cứ trường hợp mình thì anh em biết. Người đàn bà khi lấy chồng là họ tìm một chỗ che thân. Khi sự che thân đó không còn nữa thì họ tìm cái khác. Các cậu không thấy sự sinh hoạt trong một đàn bò sao. Con bò mạnh nhứt là con bò “cai quản” hết tất cả các con bò cái.” Ngưng một chút, già Minh nói tiếp: “Con gà trống muốn dụ con gà mái, giả kêu túc túc, làm như tìm được hột lúa để con gà mái chạy tới.”Gòn nói, giọng bực tức:
- “Anh nói vậy bộ không có chung thủy hay răng?”
- “Có chứ sao không,” già Minh nói, “nhưng chỉ ở một số người, cái đó tùy thuộc vào cá tính, văn hóa, nền nếp của gia đình, làng xã. Ở nước ta, người ta cố giữ lệ làng là để giữ văn hóa của làng là vì vậy. Thành thử lệ làng, có khi còn hơn cả luật vua.”
Nghe già Minh nói, anh em thông cảm ông. Ông bị mất vợ từ trước khi “sập tiệm” những mấy năm. Vợ ông bỏ ông đi lấy một ông tướng Quân Đội Cộng Hòa. Chế độ trước thì ông bị mất vợ, chế độ nầy thì ông ở tù. Ông có cay đắng với đời cũng không có gì lạ.Hơn 5 năm sau, khi Tấn được tha về, không có nhà để ở. Hai đứa con ở với chị của Tấn. Bà chị nghèo, hai đứa con thất học. Còn vợ Tấn thì coi như… “Thuyền ra cửa biển”. Tấn đi tìm vợ, vợ Tấn tránh mặt. Lâu lâu, tình cờ gặp vợ, Tấn tới hỏi thăm thì vợ Tấn kiếm cớ bỏ đi.Cải tạo về, Tấn làm nhiều nghề để sống. Nhiều người bạn tù được tha, làm nghề đạp xích lô. Tấn, vì cái chân què, không đạp nỗi. Nghề phổ thông thứ hai cho “cải tạo viên được tha” là mở “tiệm” vá xe đạp bên đường. Nói “mở tiệm” cho oai. Tiệm là khoảnh đất bên cột đèn, gần ngã ba, ngã tư gì đó, với một cái ống bơm to, mấy miếng ruột xe cũ, một miếng lon sữa bò đập thẳng, đục nhiều lổ để làm bàn mài, một hộp keo, mấy miếng cao-su non, một cái piston cũ, có cái bàn ép, và chai dầu để đốt nóng piston khi muốn vá ép. Thường ruột xe Honda phải vá ép mới bền. Sáng đi, khuya về, ăn uống tại “tiệm”.Tấn bỏ Phước Tuy ra Vũng Tàu, năng đường, đông khách hơn. Có tiền, Tấn giúp chị nuôi con chị và con của Tấn. Rồi Tấn bỏ nghề đi buôn thuốc Tây.Mười năm nay, “chính quyền cách mạng” thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng” đời Tự Đức, nội bất xuất, ngoại bất nhập với Tây phương nên cái gì cũng phải “xếp hàng cả ngày” (xhcn) để mua mà không có. Nhờ vậy nên tàu “các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em” vào ra cảng Vũng Tàu, tàu nào cũng buôn lậu, đặc biệt các loại thuốc Tây, “mặt hàng gọn nhẹ” dễ che dấu. Nhờ người chị quen biết với nguồn hàng nầy nên Tấn được gọi tới giao nhiệm vụ đem hàng từ Vũng Tàu lên Saigon. Tấn dấu hàng trong người, thuốc Tây, nhiều nhứt là “hàng Bun” (Hàng do Bulgaria sản xuất), đạp xe đạp ra khỏi trạm, quá một quảng xa, hơn một cây số, Tấn đón chiếc xe đò quen, đã hẹn giờ trước. Gần tới Saigon, cũng cách trạm Văn Thánh cỡ hơn một cây số, Tấn lại xuống xe, lại tàn tàn đạp xe vô Saigon, giao hàng cho người quen, là đầu mối ở đường Phạm Hồng Thái, bên ga Saigon cũ. Lại có mối từ miền Tây lên nhận hàng về. Tấn chỉ có nhiệm vụ giao hàng, nhận tiền công, còn giá hàng bao nhiêu, lên xuống thế nào, hai dầu mối trao đổi với nhau. Nhờ làm việc chăm chỉ và chắc chắn, không mánh mung, không ăn cắp, ăn bớt hàng nên các đầu mối tin tưởng. Suốt mấy năm trường, nhờ chịu khó vậy, tuy vất vả, tuy đau ốm, lâu lâu cái chân bị thương lại trở chứng đau nhức, Tấn vẫn cố gắng làm tròn công việc được giao, sống qua ngày, còn dư tiền đưa cho chị nuôi con của Tấn.Rồi lại có tin đồn xôn xao về việc lập hồ sơ đi Mỹ, được Mỹ bảo lãnh, cho định cư. Ai tù cải tạo 3 năm trở lên, đều được Mỹ cho đi hết. Ban đầu, Tấn không tin. Cỡ như mình Mỹ nhận làm quái gì. Tấn tự nghĩ như vậy. Ai lon to, trung tá, đại tá, tướng lãnh, Mỹ bỏ không được mới phải “gánh” đi. Còn như Tấn, đại úy quèn, lại què quặt, Mỹ rước qua làm chi, nuôi báo cô! Cứ suy nghĩ như vậy nên Tấn chăm lo “chuyện vận chuyển thuốc Tây để cứu người”. Tấn hay đùa với bạn bè về công việc của mình, đầy “tính nhân đạo” như vậy.Thường đi Saigon, Tấn hay gặp các bạn “đồng tù” như Trắc, Kim, Hoàng, v.v… Ông già Minh thì đã qua đời trong trại cải tạo, trước khi Tấn được tha. Còn Đông thì về Đà-Nẵng, “buôn đường dài”, có nghĩa là mua hàng Saigon đem ra Đà-Nẵng và ngược lại. Gòn thì về Long Khánh, làm rẫy, không gặp ở Saigon bao giờ. Mỗi khi lên Saigon mà gặp Đông thì thế nào cũng có một buổi “nhậu chết bỏ”. Tuy không muốn “chết bỏ” như Đông nhưng Tấn không thể từ chối. Bọn nó có nhiều tiền, Tấn khỏi đóng góp hoặc “Cho mày đóng tượng trưng”, như Đông nói. Cũng qua bạn bè, do họ thúc đẩy, Tấn cũng làm hồ sơ, gởi lén qua Bangkok.Vợ Tấn nhạy bén chuyện đi Mỹ nầy hơn Tấn nhiều, nên trước khi Tấn làm hồ sơ, vợ Tấn đến thăm, lại năn nỉ khóc lóc, “Anh đi đừng bỏ em lại tội nghiệp. Em dại dột chớ bao giờ em cũng thương anh.” Tấn cảm động khi nghe vợ nói. Vã lại, cũng có lời khuyên của chị Tấn nữa. “Người ta trở lại với mình, em không bỏ được đâu! Tội nghiệp người ta lắm!” Vừa thương chị, lại mang ơn chị nuôi con mình, Tấn nghe lời, làm hồ sơ cho cả gia đình: Vợ, mấy đứa con, mấy đứa cháu con của chị, Tấn nhận là con của mình.Tháng 10 năm 1992, gia đình Tấn đến Cali, có hội từ thiện bảo trợ. Các con, cháu của Tấn, những đứa lớn vừa đi làm vừa đi học, những đứa nhỏ chỉ đi học mà thôi. Vì là thương binh chế độ cũ, các cơ quan từ thiện khuyên Tấn nên nghỉ ở nhà. Tấn được gọi lập hồ sơ y khoa, được ăn trợ cấp “tiền bệnh”, được “trợ cấp tiền nhà”, v.v… Cuộc sống tạm ổn định.Đến Mỹ chưa được nửa năm, vợ Tấn lại “giong buồm ra khơi” lần nữa. Giong buồm ra khơi là tiếng lóng của Trắc báo cho bạn bè hay khi ai hỏi thăm Tấn. Riêng với Tấn, anh ta lại buồn, ôm lấy mối buồn trong lòng, cũng không than vãn, khóc lóc, như hơn mười năm trước, vợ Tấn ra đi. Số phận. Bao giờ Tấn cũng tự an ủi mình bằng hai tiếng số phận. Thường thì Tấn thấy thương con nhiều hơn thương thân mình. Con cái bao giờ cũng cần mẹ. Chúng nó cần mẹ mà vợ Tấn bỏ Tấn, điều đó không quan trọng bằng mẹ bỏ con. Nghĩ lại mình, so với số phận con, Tấn thấy mình may mắn hơn. Mẹ Tấn vẫn thương Tấn, gần gủi với Tấn, chăm nom, thăm viếng Tấn cho đến khi mẹ Tấn qua đời. “Con mình thì không được như mình vậy.” Tấn chép miệng than, chua xót.Năm ngoái đây, tôi đi Cali, không phải để thăm Tấn hay đi đám ma anh ta. Tôi đâu có biết gì rõ về bệnh tình của Tấn. Mấy năm trước, điện thoại cho Trắc, hỏi thăm anh em, người nầy, người kia. Tất cả bạn tù cũ, đều tìm lại được hết, trừ một vài người, không biết ở đâu, dù nhắn gởi nhiều lần. Tôi cũng tìm được số điện thoại của Gòn, hiện ở Houston, liền báo cho Trắc biết. Gòn biến mất từ ngày ra tù tới giờ, không ai biết tin tức gì hết, trong khi vài anh em cố tìm Gòn. Gòn, tính khí hào hiệp, làm đội trưởng, không ít lần cải tay đôi với quản giáo để bênh vực anh em, nhứt là với Chinh, tên nầy khá “ác ôn côn đồ Việt Cộng.” – Câu Gòn thường nói đùa với anh em sau khi “đấu tranh” với Chinh xong.Tôi đi Cali thăm ông anh vợ và bạn bè. Về tới đó, gọi điện thoại cho Trắc, hẹn đi ăn phở, nhưng trước khi nhận lời, Trắc nói: “Trước khi đi ăn phở với vợ chồng anh, tui tới chở anh đi viếng đám ma thằng Tấn đã. Nó chết rồi, chiều nay chôn.”
Hỏi tới nữa thì Trắc giải thích: “Cả năm nay nó không đi lại được. Bác sĩ lại mổ cái chân bị thương nhưng không hết. Rồi lại bị biến chứng, phong thấp, đau tim… Đủ thứ bệnh. Hai ngày trước bị đột quị. Coi như xong!”
Hỏi tới vợ con, Trắc nói: “Không có tin tức gì vợ nó cả, qua khỏi truông, đi mất biệt. Nghe nói đi theo một thằng nhân tình nào đó, cặp khi thằng Tấn còn ở tù. May mắn các con cháu nó đều học hành và tốt nghiệp đại học cả. Tấn rất vui về việc thành đạt của tụi nó. Đám ma, tụi nó về đủ. Riêng thằng Tấn thì vẫn cu ki một mình cho đến khi qua đời! Số nó vậy!”Số phận! Lại số phận! Cũng được thôi, dù đó chỉ là tiếng để an ủi, nhất là với một người thật thà như Tấn. Tuệ Chương/ Hoàng Long Hải
At 20, if you are not a communist, you are heartless- At 40, if you don’t abandon communism, you are brainless.
20 tuổi mà không theo Cộng Sản, là không có trái tim – 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng Sản, là không có cái đầu
(Milovan Djilas, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nam Tư)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét