Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Bài viết hay(777)


Thăm bạn
Như mọi ngày, Lâm dựa chiếc xe đạp có đèo theo bình gaz vào trụ cement, bắt đầu mở vòi thổi bong bóng. Những chiếc bong bóng đủ màu được buộc vào tay cầm xe đạp bằng sợi dây dài độ một thước, lơ lửng, lay động, xôn xao trong cơn gió mát sớm mai.
Thổi xong độ ba chục cái, Lâm lấy cọ và mấy hộp sơn đủ màu, sắp sẵn trong cái rổ nylon vuông vức, màu xanh đã khờn. Ba năm theo học ở trường Mỹ Nghệ Gia Định đã giúp Lâm sống đắp đổi qua ngày được, dù với thân thể và nội tạng tàn phế 75% theo giám định của Cục Quân Y thời VNCH.
Hôm nay Tâm thật vui và phấn khởi vì tình cờ ngày hôm qua cũng tại công viên nầy Tâm gặp lại Tánh, người bạn chiến đấu – còn hơn thế nữa gặp lại người ơn cứu tử của mình trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào năm 1971.
Trận thử lửa đầu tiên xảy ra giữa Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân và hai trung đoàn CS Bắc Việt.
Tiểu đoàn 39 và 21 BĐQ đều là những đơn vị đầu tiên được trực thăng vận xuống Hạ Lào. Khu vực hành quân của những đơn vị ‘’Cọp Rừng Mũ Nâu’’ nầy tại vùng núi cao ở cực Bắc quốc lộ 9 trên 15 cây số.Một đơn vị đang chờ trực thăng vận từ Khe Sanh sang Lào khi bắt đầu chiến dịch Lam Sơn 719, năm 1971
Lâm thuộc Tiểu đoàn 39 BĐQ, còn được gọi là ‘’Ranger North’’ vị trí xa nhứt ở phía Bắc quốc lộ 9, đơn vị thiện chiến trên chiến trường Quân Khu I từ nhiều năm, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Bồng Sơn…
Ngay khi các trực thăng của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ thả xuống khu vực ấn định, các đại đội bung ra hoạt động, lục soát, tổ chức các tiền đồn và đào hầm, thiết trí hệ thống phòng thủ.
Trời chưa sáng, Cộng quân pháo như mưa vào toàn khu vực chiếm đóng, kể cả các chốt tiền đồn và cuộc tấn công biển người của Cộng quân bắt đầu. Nhờ hầm hố cá nhân có nắp che đầu, hệ thống mìn claymore, lựu đạn gài cùng trái sáng, Lâm chỉ huy các chốt chống trả mãnh liệt. Nhờ sự yểm trợ hữu hiệu của Pháo Binh, sau bốn giờ tấn công, Cộng quân rút lui để lại ngoài hàng rào trên trăm xác chết. Trời sáng các phản lực cơ và Cobra trút bom và hỏa tiễn xuống đầu địch, gần hai trăm xác địch nằm la liệt trên trận địa, hàng trăm vũ khí bị tịch thu.
Địch rút chạy về các cao điểm, hang núi và pháo kích dữ dội vào vị trí đóng quân, sân bay trực thăng dã chiến, các phi công trực thăng Mỹ không thể hạ cánh để tải thương, tiếp tế đành quay về căn cứ Khe Sanh.
Nhưng chỉ mấy phút sau đó, một chiếc quay lại đáp thật lẹ, các chiến sĩ BĐQ hối hả khiêng thương binh lên trực thăng dù địch pháo kích như mưa. Chiếc trực thăng vừa cất khỏi mặt đất, một trái đạn súng cối 82 ly rớt nổ ngay trước đầu trực thăng, phi công bị thương và trực thăng chúi đầu xuống đất. Phi hành đoàn được một trực thăng cảm tử cứu thoát. Riêng chuyên viên cứu thương Fujii, một quân nhân Mỹ gốc Nhật cũng bị thương và kẹt lại với các thương binh BĐQ, đã trở thành nhân chứng sống trong trận đánh để đời của đơn vị Mũ Nâu anh hùng nầy.
Sau nhiều giờ cầm cự và chiến đấu với nhiều đợt xung phong biển người của địch, các tiền đồn của tiểu đoàn bị bứt hết, chỉ có một số ít quân nhân trong đó có Lâm bị thương ở bả vai phải vì miểng đại bác 37 ly, lui về vị trí của Bộ Chỉ Huy. Đơn vị gần hết đạn không tiếp tế được vì phòng không địch đan kín bầu trời. Những người lính BĐQ trên bước đường cùng, sa cơ, thất thế đã phải lật từng xác đồng đội và kẻ thù để lấy súng đạn sử dụng cho đến khi địch tràn ngập tới sát hầm chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng đành thúc thủ và cho lệnh rút lui. Những thương binh nặng không di chuyển được, những người hy sinh đều bị bỏ lại trận địa.
Sau ba ngày đêm giao tranh đẫm máu. Thật là một cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy, hàng trăm xác địch nằm la liệt khắp nơi, chồng chất lên nhau. Những đốm lửa của bom napal còn cháy âm ỉ. Những mảnh rocket, súng cối văng tứ tung. Tiếng kêu gào thảm thiết của người còn sống ngoắc ngoải hơi tàn, giống địa ngục trần gian.
Và một pha nghẹt thở, tưởng rằng chỉ có thể xảy ra trên màn bạc. Khi tổ súng nặng đầu tiên của địch lọt vào hàng rào phòng thủ cuối cùng, chạy đặt khẩu thượng liên trên nấp hầm của bộ chỉ huy tiểu đoàn thì hai người, hạ sĩ Thành và binh nhứt Dũng, đã nhào ngay tới họng súng cuả địch ném lựu đạn. Xác họ tung lên cùng xác địch khi hai tiếng nổ kinh hoàng của lựu đạn quyết tử vang lên.
Trên đường rút lui, khoảng hai cây số về phía căn cứ Tiểu Đoàn 21, Lâm bị thương lần thứ hai với miểng đạn pháo kích ghim vào bụng, ruột lòi ra ngoài. Mọi người mệt lả, thiểu não như xác chết biết đi. Lâm ra lệnh cho người âm thoại viên chạy đi, để hết mấy quả lựu đạn lại cho anh. Địch đang đuổi phía sau. Tiếng hô xung phong vang trời. Lâm nhét ruột vào, cởi áo buộc ngang bụng, đôi chân tê liệt không bước đi được. Với mấy quả lựu đạn nầy Lâm cũng đổi mạng được vài tên địch. Một sĩ quan thuộc binh chủng mũ nâu phải biết chọn cái chết hào hùng như thế. Miệng khô đắng, trước mắt một màu đỏ thẫm như máu, Lâm gục xuống bất tỉnh.
Một tuần sau, Lâm tỉnh dậy trong phòng hồi sinh của bệnh viện Cộng Hòa. Người đầu tiên Lâm nhìn thấy là chuẩn úy Tánh, cụt tay trái, đưa tay còn lại bắt tay Lâm, mỉm cười nói:
- Mừng huynh trưởng đã tỉnh.
Qua lời kể Tánh cho biết rằng mình đã bị thương mất tay trái vì đại liên địch tiện đứt. Chạy ngang thấy Lâm nằm bất tỉnh, Tánh rút chốt mấy quả lựu đạn của Lâm ném về phía địch, xốc Lâm lên vai chạy dưới làn mưa đạn được một đoạn khá xa. Kiệt sức vì đói, mệt và máu ở cánh tay ra nhiều quá, Tánh khuỵu xuống nhưng vẫn còn cõng Lâm trên lưng. May mắn họ được trực thăng cũng vừa đáp xuống bốc hai người về căn cứ Khe Sanh, sau đó chuyển về đây.
Nghe xong Lâm ứa nước mắt siết chặt tay Tánh:
- Cám ơn bạn đã cứu sống tôi.
Ngày cơn hồng thủy 30 tháng 4 năm 1975 phủ ập lên đầu toàn thể hai mươi bảy triệu dân miền Nam. Họ chiụ tù đày, tan nhà, nát cửa, nước mắt chan lên bát cơm độn bo bo trên vùng kinh tế mới.
Lâm bám Sàigòn làm đủ nghề, buôn bán lề đường, đánh bóng bàn ghế xưởng mộc, vá xe đạp, và sau cùng bán bong bóng có vẽ hình. Thỉnh thoảng có người mướn Lâm vẽ chân dung hoặc họa hình người chết để thờ.
May mắn đến với Lâm khi được nhờ vẽ chơn dung của cô vợ bao của một đại thương gia. Suốt tuần lễ ngồi làm mẫu cho Lâm, thông cảm cảnh đầu đường xó chợ, cô đề nghị với ông chồng bao cho Lâm ở trong garage bỏ trống đồng thời làm người giữ nhà khỏi trả tiền. Đại thương gia đồng ý một phần vì bức tranh truyền thần quá đẹp.
Hôm nay về sớm, Lâm đã mang về một lít đế Bình Điền nguyên chất, một túi thịt phá lấu, một chục nem chua, một gói xôi lớn trộn mỡ hành, đãi bạn.
Lâm cuốn chiếu, trải tờ báo lên sạp gỗ làm bàn ăn, dọn chén đũa và bày thức ăn ra dĩa. Rót rượu hai người cụng ly, Lâm trân trọng:
- Cám ơn Trời, Phật đã cho mình gặp lại Tánh, người bạn cứu tử của mình.
Hai người cạn ly, khà một tiếng Tánh nói:
- Từ nay xin anh bỏ đi hai chữ ‘’cứu tử’’, chiến hữu mũ nâu với nhau mà. Anh em mình còn sống và gặp nhau đây là quí hóa lắm rồi. Còn ai buồn nhớ đến tụi mình đâu. Tội nghiệp cho anh em đã nằm xuống.
Cầm chai rượu chồm qua rót cho Tánh, Lâm nói:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi, Tánh ơi! Cả đất nước và dân tộc còn bị người ta đem ra mua bán, có nghĩa gì đâu đời lính khốn nạn của tụi mình.
- Đồng ý! Dứt một trăm phần trăm luôn.
Đặt ly xuống Lâm nêu thắc mắc:
- Từ lúc xuất viện đến nay gần hai chục năm rồi, bạn sống ra sao kể cho mình nghe coi,
Mở chiếc nem chua cắn một miếng, Tánh kể:
- Mình cụt tay trái, nhưng còn một miểng B.40 nằm sau ót, thỉnh thoảng chạm vào thần kinh, sùi bọt mép té xuống như người bị kinh phong. Mình mang thêm chứng bịnh suyển vì những tháng ngày sống thiếu thốn, bụi bờ ở rừng Cà Tum.
Cha mẹ đã qua đời hết để lại cho mình năm công vườn trái cây ở Bình Dương sống rất thoải mái. Sau năm bảy mươi lăm, họ tịch thu vườn mình cấp cho một Huyện Ủy Viên và bắt buộc mình đi vùng Kinh Tế Mới Cà Tum ở Tây Ninh. Vì chỉ còn một tay, lao động thật khó khăn nên cuộc sống rất chật vật. Đốn tre, tầm vong mướn, vá xe đạp, bán thuốc lẻ… sống không nổi, mình quyết định về Sàigòn. Một tháng nay, đi lượm bọc nylon ở lề đường và moi các thùng rác công cộng, đêm ngủ ngoài mái hiên, chạy trốn nhiều lần vì bị công an bố ráp.
Rứt một khúc xương ống thảy cho con chó có bộ lông đen tuyền, hai đốm trắng ở mắt, đang nghếch mỏ lên chực hờ, Tánh tiếp:
- Sáng sớm mình thường ra thùng rác chung cư Minh Mạng vì có nhiều bao nylon thì gặp nó lẩn quẩn kiếm ăn. Mình lượm bọc, moi gặp xương, cá thịt thừa mình liệng xuống cho nó. Đến ngày thứ ba cảm kích sự đối xử, nên mình đi đâu nó lẽo đẽo theo sau. Tối ngủ nó nằm khoanh trong lòng mình, kể từ đó mình đối xử với nó là đôi bạn thân thích, giữa chợ người có nó mình cũng cảm thấy bớt lẻ loi. Lúc đầu mình đặt tên nó là ‘’Bụi Đời’’ tên hai chữ dài dòng quá nên mình gọi tắt là Đời, nó có vẻ hài lòng với tên mới nầy lắm.
Tánh búng tay miệng tróc… tróc.
- Đời! Đời! Đời!…
Thằng Đời, vì nó là đực, chồm lên ngoắc đuôi liên hồi, mừng rỡ.
Chỉ bức tranh lớn treo trên vách, khỏa thân nhìn từ phía sau lưng và nửa gương mặt nhìn ngang của thiếu nữ đẹp, thanh tú, lồng khung kính đàng hoàng, Tánh hỏi:
- Người mẫu trong tranh đẹp quá! Bạn vẽ ai và hồi nào vậy?
Hớp nửa ly rượu, mắt xa xôi, Lâm trả lời:
- Vẽ năm 1967, cô giáo Đoan Trang người yêu của mình. Cô ta đã chết rồi. Tối nay kể chuyện tình đời cho bạn nghe, giờ mình ‘’dzô’’ đi.
Rượu vào lời ra là những trận Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Huỳnh, 719 Hạ Lào… Thương tiếc, nhắc lên từng thằng bạn, em út gục ngã, xương phơi trắng hếu… Chẳng có mộ phần, nằm xuống đã lâu mà thư tình mấy lá vẫn còn gửi đến đơn vị.
Bưng một phần thức ăn để xuống cho thằng Đời, giọt rượu cuối cùng nốc cạn, Lâm và Tánh quay lăn ra ngủ. Đàn muỗi đói chén một bữa no nê, bay không nổi.
Mặt trời đã lên khỏi nóc phố bên kia đường, Lâm và Tánh mới thức dậy, đầu nhức như búa bổ vì nhản hiệu đã ghi Gò Đen chính gốc.
Tắm xong tỉnh rượu, hai bạn ngồi nhìn những giọt cà phê nâu sánh, lững lờ rơi xuống tách, cho đường vào, khuấy đều, hớp một ngụm, rít một hơi thuốc nhả khói sảng khoái. Lâm nói:
- Bắt đầu ngày mai, ông ra chỗ tôi ngồi bán, tôi thổi, vẽ bong bóng sẵn cho ông, thỉnh thoảng ra thăm sẽ làm thêm khi ông bán hết. Xong tôi về nhà sửa và họa hình thờ. Vụ họa hình nầy dễ ăn lắm! Tôi bày mặc thêm áo veston cho đàn ông, áo dài, đeo bông, dây chuyền cho đàn bà, khách hàng ai cũng hài lòng có người tặng thêm tiền vì qua nét bút của tôi hình người thân để thờ của họ đẹp và sang thấy rõ. Tâm lý chung ai cũng muốn cho mọi người biết ông bà, cha mẹ họ thuộc thành phần thế gia vọng tộc. Vả lại vẽ chân dung người sống bị sửa đi sửa lại còn bị chê khen đủ điều, Người chết thì không và họ hơn hẳn người sống không bao giờ khen chê, một sự yên lặng rất đáng trân trọng. Tiền bạc làm ra là của chung hai anh em mình. Anh thấy thế nào xin cho biết ý kiến?
Tánh cười vui vẻ:
- Lối hành xử của ông quá đẹp rồi còn gì! Không phải hai mà cả ba anh em, có cả thằng Đời nữa chứ!
Hai người bạn thi nhau nhả khói và cười ha hả. Tuần sau cũng trong buổi nhậu, khi rót rượu cho Lâm, Tánh nhắc:
- Tuần rồi ông hứa kể chuyện tình của ông cho tôi nghe. Đêm đó hai đứa quắc cần câu nên bữa nay kể cho tôi nghe đi ông.
- Hôm đó, tôi và mấy thằng bạn gồm Hữu, Đản, Luận, Chiêu Hà xuống nhà hai thằng bạn Hồ Văn Ẩn và Nguyễn Đồng Danh ở Bến Tre uống nước dừa cho đã. Khi phà Rạch Miểu rời bến Mỹ Tho ra giữa sông, Hữu chạy đến bá vai tôi chỉ:
- Ê! Lâm mầy thấy gái Bến Tre đẹp mê hồn chưa?!
Phía lan can bên kia mỏ phà, tôi nhìn thấy cô gái áo với tím thân hình thon đẹp, tóc dài bay bay trong gió, cặp kính trang nhã. Nhìn ngang gương mặt thật thanh tú, tôi thấy tâm hồn hội họa xôn xao trong lòng. Tôi mở cốp xe Lambretta, lấy cặp da có kẹp sẵn giấy ‘’rô ky’’ tôi hưng phấn phóng bút như ông đồ nho viết câu liễn ngày tết.
Phà chạy ngang cù lao Ông Đạo Dừa thì bức phác họa truyền thần người mẫu hồn nhiên áo tím cũng vừa xong. Tôi ký tên và cẩn thận ghi tên và địa chỉ rõ ràng của mình dưới góc cuối bức tranh. Vừa lên khỏi cổng phà, bước song song với cô gái tôi trao bức tranh cuộn tròn và nói:
- Cô đánh rơi cuộn giấy nầy, xin gửi trả lại cô.
Cô gái bỡ ngỡ cầm cuộn giấy. Khi Hữu rồ xe lướt ngang, tôi phóng lên. Chiếc Lambretta vọt nhanh, để lại đàng sau mình ánh mắt ngơ ngác, ngạc nhiên của người đẹp áo tím.
Hai tuần lễ sau, trong căn gác thần tiên, quanh năm ngát mùi chuối cau chín, tôi nhận được lá thư màu xanh.
Cai Lậy, ngày… tháng… năm…
Kính họa sĩ Lâm,
Lời nói đầu tiên là cám ơn ông về bức tranh phác họa chân dung tôi với đường nét đầy tính nghệ thuật độc đáo. Đồng thời tôi cũng xin xác nhận bức họa truyền thần nhìn nghiêng rất giống tôi, nhưng ở ngoài tôi không được đẹp như người trong tranh.
Một lần nữa, xin ông nhận nơi đây lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ tài năng của ông với góc độ và đường nét tuyệt vời, cùng cái nhìn thiện cảm đầy nghệ thuật của ông về tôi, một cô giáo dung dị ở một quận lỵ quê mùa.
Kính chúc ông sức khỏe và sáng tác thật nhiều, hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được nhìn ngắm những họa phẩm độc đáo của ông,
Kính,            
Võ Thị Đoan Trang
Tánh cắt ngang câu chuyện:
- Gần hai chục năm rồi, ông đọc thơ Đoan Trang không vấp chữ nào! Sao ông nhớ hay quá vậy. Còn cái đoạn ‘’trong căn gác thần tiên, ngát mùi chuối cau chín quanh năm’’ làm gì có mùi chuối cau chín quanh năm giữa thàng phố Sàigòn đầy bụi bậm nầy.
Lâm cười, gắp một hột gà xác chiên kèm theo cọng rau răm, và đưa cay nửa ly rượu thuốc, quơ quơ tay Lâm tiếp:
- Thơ của Đoan Trang còn giữ trong rương, đọc không biết bao nhiêu lần nên thuộc lòng. Còn mùi chuối cau chín quanh năm là như vầy: Hồi thi đậu vào trường Mỹ Nghệ Gia Định, trước khi rời quê nhà Bến Tranh lên Sàigòn học, má mình có gửi một thùng giấy trong đó đựng một buồng cau dầy và cả trăm lá trầu vàng sà lẹt, lên biếu bà Sáu ở trong hẻm thuộc khu Vườn Chuối. Chiều tôi mới tìm được địa chỉ và thưa với bà rằng má mình có chút quà gởi biếu bà Sáu. Người bạn còn hồi tiểu học, ở cùng xóm thường hay nhảy nhà cò với má mình.
Bà Sáu cảm động nói rằng số cau trầu nầy quá ngon, bà ăn cả tháng chưa hết. Biết qua tình cảnh của mình bà Sáu nói căn nhà có căn gác khá rộng, bỏ trống. Nếu tôi đồng ý bà cho ở không. Từ phòng khách, bà Sáu đẩy cánh cửa ván. Trong buồng có cả trăm buồng chuối cau, lớp chín, lớp còn xanh treo lơ lửng cả phòng. Bà cho biết chuối cau bà quanh năm mua ở Cầu Ông Lãnh, mỗi ngày đem ra chợ xé từng nải, bán dần. Đi khum lưng bà Sáu đưa mình đến cầu thang nhỏ lên gác. Căn gác rộng khoảng ba thước dài trên năm thước, đầy bụi và dán nhện vì đã lâu ngày không người ở.
Tôi mừng vì có chỗ trọ, cho ở không lấy tiền đỡ gánh nặng cho mẹ tôi tảo tần quê nhà, trong khi bà Sáu mừng có tôi ở hủ hỉ, phòng những khi đau yếu trở trời, vì bà ở một mình không con cháu.
Cả xóm gọi bà Sáu trầu vì bà bỏm bẻm nhai trầu suốt ngày. Hôm nào có tiền, tôi ghé mấy tiệm ăn bình dân ở góc đường Cao Thắng – Phan Thanh Giản gần rạp chiếu bóng Đại Đồng ăn cơm dĩa. Cuối tháng bà già chưa gởi tiền tiếp tế kịp, chỉ cần một ổ bánh mì không, về nhà ăn với chuối cau thâm kim, da trổ đồi mồi vừa đụng vào đã nằm trong lòng tay. Da chuối mỏng như giấy, ruột vàng ươm, ngọt lịm, thơm phức thêm ly trà hoặc cà phê đá nữa, cuộc đời nầy đẹp quá đi thôi! Mấy năm trên căn gác nầy có tiền hoặc không đều vui vẻ thoải mái như nhau và lắm bạn bè lui tới.
Có một khế ước không văn tự, chẳng thốt thành lời, những buồng chuối chín nào đem ra chợ đôi ba ngày chưa bán hết, da trổ đồi mồi bà Sáu đem về treo góc riêng như thầm bảo ‘’Phần của tụi bây đó’’.
Hôm nào có đứa nhận được tiền tiếp tế đều không quên mua trầu cau biếu bà Sáu, bà nhận với đôi mắt hấp hái cảm động. Thời gian qua đi êm đềm trên tổ ấm, tình bè bạn, sực nức mùi chuối cau chín và tình thương của bà Sáu trầu. Tuổi mới lớn, tiền xài biết bao nhiêu cho đủ, đứa nào cũng cầm đồng hồ, dây chuyền cà rá đôi khi cả xe đạp nữa nhưng đố ai biết! Đứa nào ra đường cũng ăn mặc bảnh bao.Liên đoàn 1 BĐQ tại Lào, 1971 (Lam Sơn 719)
Cuối năm đầu tháng chạp, chúng tôi gần chục đứa hợp nhau lại, ngày đêm cắt giấy, dán bao thơ, dùng sơn dầu vẽ hình hoa pensée, mimosa, nhà thờ Đức Bà… Làm thiệp Noel và chúc Tết. Học Mỹ Nghệ nên thiệp chúng tôi làm ra bỏ các sạp, bán số lượng lớn. Khách hàng mua nhiều nhất là các nữ sinh Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Bá Tòng…
Cuối năm bán thiệp được số tiền kha khá, chúng tôi đến tiệm cầm đồ, chuộc tất cả đồ cầm về nhà ăn Tết khỏi bị gia đình la mắng. Chúng tôi không quên mua xấp vải biếu bà Sáu may áo dài mới mặc đi lễ và xin xăm ngày Tết ở Lăng Ông. Còn bao nhiêu chúng tôi làm tiệc ở nhà hàng một đêm huy hoàng, xả láng trước khi về quê sớm ăn Tết với gia đình. Sang năm sau, điệp khúc con đường xưa anh đi… đến tiệm cầm đồ tái diễn.
Có một lần bà Sáu trầu giận xanh mặt, khi tình cờ về nhà bắt gặp tụi tui cả chục đứa, cả trai lẫn gái đang thưởng thức bánh mì, chuối cau, cà phê đá, và ca hát tưng bừng. Bà Sáu lớn tiếng:
- Cha mẹ dưới quê cực khổ, chắt mót từng đồng từng cắc để tụi bay lên đây ăn học chứ đâu phải tề tụ, cặp kè trai gái, đờn ca xướng hát!
Bạn bè xuống thang, lấm lét tản hàng. Bà Sáu trầu hầm hầm bảo tôi cùng bà khiêng cầu thang lại gần khung sắt cửa sổ, dùng lòi tói quấn ngang khóa lại, lấy tay quệt cổ trầu bà lẩm bẩm:
- Thử hỏi coi con nhỏ nào dám trèo được lên gác õng ẹo với tụi bây nữa cho biết.
Bây giờ trở lại chuyện cô giáo Đoan Trang, phụ trách môn Việt Văn của trường trung học công lập Cai Lậy, quê xã Quới Sơn huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Thư đi qua lại gần nửa năm, tôi có đến trường thăm Trang một lần và chúng tôi yêu nhau.
Sáng thứ bảy từ Sàigòn xuống, Đoan Trang từ Cai Lậy về, gặp nhau ở ngã ba Trung Lương. Hôm nào còn sớm, chúng tôi đi xem ciné ở rạp Định Tường. Sau đó tôi đưa Đoan Trang ra phà Rạch Miễu về Quới Sơn thăm nhà, tôi trở về Sàigòn. Có khi tôi cùng xuống phà đưa Đoan Trang qua bến Tân Thạch và có khi Đoan Trang đưa tôi lại bến Mỹ Tho. Chiếc phà trở thành con đò tình đưa đón hai kẻ tình si, không muốn rời xa.
Giáng Sinh năm đó Đoan Trang lên Sàigòn thăm tôi. Được thông báo, bạn bè tản hàng hết. Tôi bắt Đoan Trang đứng lên hai vai, định đứng dậy đỡ em trèo lên gác, bà Sáu trầu mở cửa hông nhìn thấy, bà phán một câu mà mãi tới bây giờ tôi còn nhớ:
- Mồ tổ nó! Giấu cây thang để đám con gái không tới, cho tụi nó có thời giờ học hành! Đàng nầy nó thế cây thang đội trên đầu, cô kia bước xuống.
Tôi và Trang sượng sùng đứng tựa vào nhau, bà đưa chìa khóa để tôi mở cây thang bắc lại chỗ cũ. Biết Trang là cô giáo bà nói:
- Làm cô giáo phải đi đứng đàng hoàng.
Bà Sáu trầu vui vẻ mời tôi và Trang ăn gà quay mừng Giáng Sinh sớm. Bà nói đồ ăn ngon “không có tụi bây tao ăn một mình không ngon.”
Đêm đó, Trang mặc mini-jupe màu hồng thân hình cân đối với cặp đùi đẹp. Bạn bè tôi suýt soa, tôi ngẩng mặt và hãnh diện về nhan sắc người tình. Chúng tôi dự tiệc ở nhà người bạn đường Cống Quỳnh, khiêu vũ đã đời và các nàng không buồn hỏi ‘’Đêm nay ai đưa em về’’. Đặc biệt đêm hôm đó trời se lạnh, trên đường khuya đếm bước thằng nào cũng ga lăng cởi áo vest choàng cho bạn gái. Bây giờ ngồi nhớ lại đêm đó ‘’romantic’’ làm sao! ‘’Sàigòn đẹp lắm! Sàigòn ơi!’’ Chúng tôi về nhà và nửa khuya chúng tôi hiên ngang bước từng bậc thang lên gác. Đêm đó chúng tôi quấn bên nhau không cần biết ‘’Gác lạnh về khuya’’ có ‘’cơn gió lùa’’ hay không? Chúng tôi quên hết ‘’bỏ trời đất bơ vơ’’ mê say cuốn quít ‘’lùa’’ nhau suốt đêm. Hôm sau dìu nhau xuống thang Trang đã để lại đời con gái trên căn gác nồng nàn, sực nức mùi chuối cau chín. Sau đó Trang còn lên thăm tôi mấy lần và bức tranh nầy Trang làm người mẫu khỏa thân cho tôi vẽ.
Chúng tôi định năm sau mãn khóa học sẽ cưới nhau, nhưng Trang đã chết trên chuyến xe sớm từ nhà ra phà sang Mỹ Tho vì xe cán phải mìn do Cộng Sản gài. Mười mấy người trên xe không ai sống sót cả. Khúc lộ nầy năm 1960, VC đã chặt đầu trưởng ấp, những người bị chụp mũ làm gián điệp, bỏ vào thúng đặt ở giữa đường! Khách bộ hành khiếp đảm.
Cả tuần sau tôi mới hay hung tin, xuống thăm và rơi nước mắt bên mộ Trang. Tôi bỏ trường và tình nguyện vào Thủ Đức. Qua giai đoạn một, tôi có danh sách về Tổng Cục CTCT. Từ chối, tôi chọn binh chủng Mũ Nâu Biệt Động Quân. Cái chết của Trang đã dạy cho mình biết thế nào là căm thù.
Kiếp lính Mũ Nâu của tụi mình thì anh biết quá rồi. Đêm nay, Lâm và Tánh làm mồi cho đàn muỗi đói sau khi cưa đứt một lít rượu thuốc Cây Lý.
Hôm nào nước kém, mùi bùn của con rạch bốc lên hòa với mùi ván thông khiến Tánh lên cơn suyển, mặt tái mét, thức suốt đêm, lưng tựa vào vách và thở bằng miệng. Sáng ra thường thấy xác chuột cống xù, mình đầy ghẻ lở, nằm chết rải rác bên ngoài vách garage! Nạn nhân của thằng Đời bỏ công ngồi rình suốt đêm.
Hai năm êm đềm trôi qua trong tình chiến hữu thắm thiết giữa Lâm và Tánh: “khi xỉn rượu, lúc cà phê, sáng xem chuột chết, tối chờ cơn hen.”
Bong bóng bán hoài ít người mua dù Tánh di chuyển nơi bán nhiều lần, bù lại Lâm họa hình thờ rất đắt, có hẹn suốt tháng do khách hàng quảng cáo và giới thiệu.
Sáng nay đi bán ở dốc cầu Ba Cẳng chợ Kim Biên, Tánh gặp lại người cậu ruột thứ ba đã mất liên lạc từ đầu năm 1975 đến nay. Tánh dẫn cậu Ba về giới thiệu với Lâm. Bên mâm cơm cậu Ba cho biết hiện ở quận Sông Ông Đốc (vùng Cà Mau), đi vùng kinh tế mới bảy năm, khai khẩn được một vuông đất ba mẫu ruộng và trồng được chuối chung quanh bờ vào thời điểm có huê lợi. Mợ vừa mất một năm, cậu ở một mình không con cái. Cậu gần bảy mươi tuổi rồi, không biết theo ông bà ngày nào. Gặp lại Tánh cậu mừng lắm, muốn Tánh về Cà Mau sống. Ba mẫu đất và căn nhà để lại cho Tánh hưởng khi cậu qua đời. Vả lại ngày xưa Tánh dạy học, về dưới chỉ dạy cho con em cả ấp, gồm gia đình quân đội, hành chánh chế độ cũ bị bắt đi vùng kinh tế mới chịu dốt vì chính quyền không mở trường học.
Tuần sau cậu lại trở lên năn nỉ Tánh nhiệt tình, xin đừng bỏ cậu tuổi già một mình. Tánh xin phép Lâm về ở thử với cậu, đổi vùng coi có hết bịnh suyễn không? Tánh không bao giờ quên bỏ Lâm đâu.
Tánh đi rồi, Lâm đêm đêm trằn trọc một mình, vừa mới chợp mắt lại giật mình vì tiếng cắn nhau chí chóe ở ngoài sân. Lũ chuột lộng hành vì Tánh đi mang cả thằng Đời theo.
Tánh đi trên một tháng có người mang đến cho Lâm một bao khô cá sặt bổi, to bằng bàn tay xếp, một đặc sản sản xuất rất nhiều ở vùng Cà Mau, nhứt là vùng Hòn Đá Bạc và một bức thư. Tánh vội vàng xé bức thư ra coi:
Cà mau, ngày… tháng… năm…
Lâm thương mến!
Mình về đây hơn tháng mới có tin cho bạn đây. Báo cho bạn mừng về đây thay đổi không khí mình đã dứt cơn suyễn, mập ra và đêm về ngủ thật ngon. Thằng Đời xuất sắc tung hoành một cõi, ngày nào cũng mang chuột, rắn và cá lóc về nhà. Riêng túi khô cá sặt bổi là sản phẩm thả lưới của mình, ướp lạt vừa ăn, trộn với dĩa dưa leo hay xoài sống nhậu hết sẩy.
Mình bắt đầu tổ chức hai lớp học cho hai trình độ về Toán và Anh văn, thấy đám nhỏ bị dốt nát do chính quyền ‘’đỉnh cao trí tuệ’’ phân biệt đối xử, mình thấy có bổn phận với tụi nhỏ. Mình là thương binh, chứ không phải phế binh.
Mùa nầy nước nổi, lớp học của mình trên địa cầu nầy không có quốc gia nào có. Thầy giáo và bảng đen dựng trên hàng ba nhà sàn, học trò chống sào ngồi trên xuồng, tập kê lên tấm ván thầy trò say mê dạy và học trên làn nước nhấp nhô m. mỗi lần có ghe gắn máy đuôi tôm chạy ngang. Phụ huynh thương quí mình vô cùng. Bao giờ có dịp về Sàigòn sẽ tả cho bạn rõ về lớp học vùng nước nổi độc đáo nầy.
Xa bạn tôi buồn lắm! Thời gian tới sắp xếp thế nào cho ổn để hai anh em mình nương tựa nhau đi suốt cuộc đời thê lương nầy.
Nhớ nhậu giùm mình một ly. Ít dòng thăm và chúc bạn dồi dào sức khỏe và thân tâm an lạc.
Nhớ bạn nhiều.
Lê ngọc Tánh
Lâm xếp thư, ngồi thừ người yên lặng không biết bao lâu, rượu đế Gò Đen không biết lóng rày sao nhạt phèo. Lâm bất chợt nghiệm ra rằng: ‘’Kẻ thực sự nghèo là kẻ không tiền và không cả bạn bè’’.
Trong xóm mỗi khi có người về Sàigòn, Tánh đều nhờ mang quà đến cho Lâm, khi lít mật ong, lúc bầu rượu trắng ngâm bìm bịp, khô cá trê… Lâm gửi báo, sách dịch của các tác giả Nobel cho Tánh.
Mới đó Tánh và Lâm xa nhau gần một năm rồi. Cơn gió bấc mang theo cái se lạnh vào thành phố. Nhớ bạn quá, tết này Lâm quyết định xuống Cà Mau thăm Tánh một chuyến. Túi quà nặng trĩu gồm cà phê, sữa, thuốc lá, mấy hộp phó mát Đầu Bò, hai chai Mai Quế Lộ và mấy tờ báo Xuân khổ lớn.
Xuống bến xe tỉnh, Lâm ra bến đò, tác ráng chạy băng băng trên sông Ông Đốc, xóm Hòn Đá Bạc một giờ sau đến xã Khánh Hưng, nói tên cậu Ba của Tánh có người biết.
Đò ghé. Lâm bước lên bờ, qua cây cầu ván là nhà của cậu Tánh. Trước sân mấy chục cây sào còn cắm trong nước, thân dù bị bóc vỏ nhưng vẫn ngoi lên. Lâm xách túi lên mấy bậc thang, cậu Ba chạy ra mừng rỡ và bật khóc:
- Lâm ơi! Thằng Tánh đã chết hơn nửa tháng nay rồi!
Lâm sững sờ, hình Tánh trên bàn thờ, bình hoa, bát nhang. Tánh chết thật rồi!
Cậu Ba cho biết hôm đó, cậu Ba bơi xuồng đi dự đám giỗ xóm trên, tối về thấy nhà cửa tối thui, không đèn đuốc gì cả. Ra sân nước thấy Tánh té, nằm úp mặt xuống đám bông súng chìm xuống nước. Tánh đã chết từ lâu, do miểng hỏa tiễn còn trong xương cổ, chạm thần kinh. Tánh bị co giật té xuống nước bất tỉnh ngộp thở chết luôn.
Lâm nhờ cậu Ba chống xuồng ra thăm mộ Tánh. Nằm trên gò đất chung quanh nước lé đé, Lâm đốt nhang và quì lạy Tánh, người đã cứu sống mình ở chiến trường Hạ Lào, giờ đã nằm yên trong lòng đất ngấm nước.
Cạnh mộ Tánh, có nấm đất nhỏ bằng cái thúng. Cậu Ba cho biết, sau khi chôn cất Tánh rồi, cả tuần không thấy con Đời đâu? Mấy ngày sau ra thăm mộ thấy con Đời nằm chết bên mộ Tánh. Cậu chôn kế bên luôn cho ấm như khi còn sống, nó thường nằm ngủ đêm trong lòng Tánh! Một người một vật sưởi ấm cho nhau.
Lâm đứng bên mộ Tánh thì thầm:
- Thằng Đời trung nghĩa theo nằm cạnh bạn cũng đủ lắm rồi. Con người không ai làm được như thằng Đời đâu, Tánh ơi!
Lâm bước xuống. cậu Ba chống sào xuồng lướt êm. Mặt trời rụng khuất sau khu rừng tràm bạt ngàn, mặt nước tranh tối tranh sáng, lóng lánh như thủy ngân.
Lâm ngồi trước mũi xuồng gục đầu khóc thành tiếng. Cậu Ba kéo vội chéo khăn rằn lên lau nước mắt. Chẳng ai nói với nhau một lời nào.
Tiếng vạc bắt đầu đi ăn đêm, tiếng cúm núm rộ lên khẽ khàng, tiếng quốc kêu ai oán hòa cùng tiếng muỗi như sáo thổi. Tất cả đưa rừng vào tối.Tường Lam
Ghi chú:
Có trích dẫn ‘’Trận hạ Lào 1971’’ của Phạm Huấn. 
Thương hoài ngàn năm 
Tường Lam 
Ðôi Mắt Phượng
Tôi là một quân y sĩ ra trường năm 1974; đơn vị đầu tiên, cũng là đơn vị cuối cùng của tôi, là một tiểu đoàn Nhẩy Dù. (Xin bạn đọc cho phép tôi được bất chấp văn phạm, viết hoa hai chữ “Nhẩy Dù”, vì đó là những chữ tôi thương yêu nhất.)
Tôi lập gia đình năm 22 tuổi, ngày còn là một sinh viên quân y. Mẹ tôi bảo “chờ ra trường, có việc làm, có lương nuôi vợ, rồi hẵng cưới vợ.” Tôi biết mẹ tôi có lý, nhưng tình yêu cũng không vô lý. Tình yêu thúc dục tôi cưới Phượng ngay. Nàng quá đẹp; thằng Quỳnh, thằng Khương, thằng Ðịnh, những đứa bạn cùng lớp bảo tôi, “Phượng đẹp ngây ngất.”
Phượng là nữ sinh đệ nhất Trưng Vương; nàng cũng yêu tôi nhưng xin một năm đính hôn để học hết trung học. Tôi chờ; một năm dài được chia thành 52 tuần lễ ngắn hơn, đánh dấu bằng 52 ngày chủ nhật chúng tôi gặp nhau.
Không phải là một nhà văn, tôi không mô tả được nét đẹp của Phượng; tôi chỉ biết là Phượng rất đẹp, và nhất là có một sức hút dễ sợ; chỉ cần gặp Phượng một lần là không người đàn ông nào quên được nàng.
Xin đừng hiểu lầm Phượng là “típ” người nở nang, ăn mặc khêu gợi; sức hút của Phượng là sức hút ngầm do duyên dáng, do tình ý, chuyển đi từ đôi mắt. Ðôi mắt thật là tình. Mẹ tôi phán là đôi mắt lẳng lơ; tôi không thích hai chữ này vì nó làm mất đẹp cặp mắt trữ tình của Phượng.
Trước hôn nhân tôi mê mệt với đôi mắt ấy; sau hôn nhân tôi khổ sở, bực bội cũng vì đôi mắt ấy. Không một người đàn ông nào, dù chỉ gặp Phượng lần đầu, không có cảm tưởng đã yêu nàng và tình yêu của họ không bị nàng hất hủi. Ít nhất Phượng cũng không xua đuổi, không vô tình với họ. Tôi mất một số bè bạn cũng vì Phượng. Chỉ một vài lần gặp Phượng, chạm mắt với Phượng cũng đủ để họ thầm nghĩ là tôi đã mọc sừng.
Dĩ nhiên vợ tôi không thể có tình ý với tất cả mọi người, nhưng cái khổ là đôi mắt đắm đuối của Phượng không nhìn mọi người một cách thản nhiên như người ta nhìn những vật vô tri quanh mình.
Giờ này, vợ tôi không còn trên cõi đời trần tục nữa tôi mới thấm thiá hiểu được một việc rất giản dị, rất tầm thường là không tạo ra đôi mắt của chính mình, Phượng không có trách nhiệm gì về những đổ vỡ đôi mắt gây ra. Chỉ có tác giả đôi mắt đó _ông Thợ Tạo_ mới đúng là người tôi phải oán trách.
Ði đôi với cặp mắt tình tứ là một đồng tiền rưỡi (một ở bên má trái, và một nửa ở cạnh môi dưới) trên khuôn mặt tươi như hoa, trắng mỏng manh. Cái đồng tiền rưỡi ấy, dù chỉ có đồng rưỡi nhung lai có ma lực giết người. Xin hiểu hai chữ “giết người” theo nghĩa trắng của nó.
Tôi hèn nhát? Có thể; nhưng tôi làm gì hơn được? Không chỉ yêu thương vợ, tôi vẫn còn say mê vợ tôi sau 3 năm chăn gối.
Mẹ tôi, chị tôi đề quyết vợ tôi đã cho tôi ăn bùa mê, thuốc lú. Tôi hiểu quan điểm những người thân của tôi; tôi hiểu cả định mệnh của tôi, của vợ tôi, và của cả những người say mê vợ tôi nữa.
Tôi vừa nói tôi hiểu định mệnh của vợ tôi. Ðiều đó cần được giải thích rõ hơn; đôi khi tôi nghĩ Phượng cũng đáng trách, nhưng trong đa số những đổ vỡ quanh nàng, Phượng chỉ thụ động, đáng thương. Phượng sợ và tránh né tất cả mọi gặp gỡ. Những buổi liên hoan của đơn vị tôi, những cuộc họp khóa, họp bạn của tôi, luôn luôn Phượng cáo bệnh hay tìm cớ bận con để không tham dự.
Sở dĩ tôi phải dài lời nói về vợ tôi như vậy, lả để người đọc hình dung được cái ray rứt, khổ sở của tôi trong 14 tháng tù khổ sai được cộng sản đánh bóng bằng hai chữ “cải tạo.”
Sau 3 ngày học tập, binh sĩ đem loan truyền với chúng tôi cái tin tưởng học tập qua loa, ra về đúng kỳ hạn. Ðiều đó làm đa số sĩ quan cấp úy chúng tôi yên lòng khăn gói lên đường với 10 ngày tiền ăn. Nhiều anh lười, không đem theo cả mùng mền, tính ngủ nhờ với bạn bè cũng đủ qua khoảng thời gian 10 ngày ngắn ngủi.
Dĩ nhiên là chúng tôi đã lầm; chỉ ngay sau khi cái bẫy xập xuống đầu chúng tôi, cộng sản trắng trợn vứt bỏ mặt nạ “đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù.”
Bài học đầu tiên chúng tôi được nghe qua giọng nói hằn học căm hờn của một anh cán bộ quản giáo Bắc Việt. Anh ta oang oang bảo chúng tôi, “Các anh quên hết địa vị xã hội của các anh đi. Kể từ ngày hôm nay, vợ con các anh sẽ ngửa tay xin nhân dân từng hột cơm; và vài tháng sau vợ các anh chỉ còn nước đi làm đĩ để sống.”
Chúng tôi thắc mắc về thời gian 10 ngày, hắn cười khẩy, vẻ mặt câng câng, đểu cáng, “Các anh chỉ có 10 ngày ăn thôi ư? Ðừng lo, cứ ăn hết 10 ngày đó đi đã; sau đó ăn bám vào sức sản xuất của nhân dân.”
Trước mỗi cửa phòng giam, cộng sản cắc cớ bắt chúng tôi phải dán lên khẩu hiệu “không có gì quý bằng độc lập, tự do.” Cán bộ Việt Cộng còn phụ giải “người đi trên sa mạc thấy không có gì quý bằng nước uống. Các anh sẽ thấy đối với các anh thì không có gì quý bằng tự do.”
Ðề cao cái giá của tự do trong nhà giam quả là việc làm vừa châm biếm, vừa độc ác. Nhưng không phải chỉ trong nhà giam tôi mới thấm thía hiểu tự do là quý. Sau này ra khỏi trại cải tạo, sống trong cái nhà giam lớn hơn là nguyên cả Miền Nam Việt Nam tôi càng thấy rõ không phải chỉ một mình tôi, mà cả 20 triệu người dân Nam Việt đều đang khắc khoải giữa sa mạc thống trị, thèm khát ngụm nước tự do.
Xin trở lại với trại cải tạo và với vợ tôi; tôi bị giam 2 tháng hơn thì một buổi chiều nghe loa gọi lên văn phòng. Tôi tái người, nghĩ ngay đến những vụ thủ tiêu, biệt giam, thường xẩy ra đối với những thành phần cộng sản gọi là ngoan cố.
Bản chất hiền lành, tôi không ra mặt chống đối bọn giảng viên, quản ngục. Cái tội của tôi chỉ là không nuốt trôi được mớ lý thuyết rẻ tiền, lẩm cẩm của cộng sản. Nhưng đối với chúng, đó không phải là một khinh tội. Tôi lo lắng chờ đợi một hình thức trừng phạt vì trọng tội trí thức.
Lên đến văn phòng, tôi được một anh binh ba Bắc Việt, mặt non choẹt, đưa vào phòng chính ủy. Và tôi đã chết đứng khi thấy Phượng trong đó.
Giọng đầy cải lương, nhân vật số một của trại giam bảo tôi, “Xét thành tích học tập tốt của anh, nhân dân đặc biệt cho anh được nhận sự chăm nuôi của gia đình.”
Tôi học tập tốt? Thật là mai mỉa; những âm thanh giảng huấn chan chát của bọn cán bộ cộng sản đối với tôi không một mảy may khác những tiếng cuốc đất trong giờ lao động sản xuất. Tôi đoán hiểu cái lý do đã khiến “nhân dân đặc biệt cho phép” tôi được nhận sự thăm nuôi của gia đình.
Cặp mắt nẩy lửa vì giận, tôi nhìn Phượng. Vợ tôi đã đến cái nước đi làm đĩ như bọn cộng sản tiên đoán rồi ư? Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt vẫn tình tứ, nhưng buồn thăm thẳm và ướt đẫm. Những giọt lệ lăn dài trên đôi má nhung mịn màng làm lòng tôi se thắt. Tôi thèm bước tới, ôm Phượng vào vòng tay, và hôn dài trên đôi mắt đắm đuối ấy. Nhưng dĩ nhiên ngoại cảnh không cho phép tôi làm việc tôi thường làm đó.
Vợ tôi nghẹn ngào, “Bé Mai nhớ anh lắm.”
Bé Mai! Ðứa con gái 2 tuổi của tôi, báu vật của vợ chồng tôi! Tôi đứng khựng như trời trồng trước cái hình ảnh nhỏ bé, thương yêu mà vợ tôi vừa gợi ra.
Suốt 10 phút gặp gỡ, tôi không nói được một lời nào với Phượng cả. Cổ họng tôi nghẹn cứng; rồi bên tai tôi văng vẳng thật xa có tiếng nói của tên chính ủy: “Thôi, xách đồ ăn về phòng đi, Tuần sau lại được thăm nuôi nữa.”
Ðêm đó tôi không chợp mắt. Tôi hình dung những chuyện đã xẩy ra giữa vợ tôi và tên chính ủy cộng sản trước khi tôi được dẫn vào và sau khi tôi bị đưa ra khỏi văn phòng hắn. Tôi không tin đã có gì quá đáng trong phòng làm việc. Nhưng sau đó hắn có thể đến nhà tôi hay bảo vợ tôi đến một chỗ nào đó.
Tuần sau và những tuần kế tiếp, Phượng đều đều đến thăm tôi, mỗi lần đem theo một món ăn mà trước kia tôi ưa thích. Tôi nuốt những món khoái khẩu mà có cảm tưởng như mình đang ăn rơm khô, không mùi, không vị. Mỗi lần thăm viếng chúng tôi được nói chuyện với nhau 10 phút. Toàn những chuyện bâng quơ. Cả hai đứa chúng tôi đều không dám đả động tới điểm ngờ vực đau xót của tôi.
Có lần Phượng nói với tôi bằng cái giọng thiết tha nhưng nghiêm trọng, “Em chỉ xin mình tuyệt đối tin tưởng là em yêu mình. Suốt đời em, em chỉ yêu có một mình mình. Mặc dù những gì đã xẩy ra hay sẽ xẩy ra thì tình em yêu mình vẫn mãi mãi là sự thật duy nhất.”
Qua tâm linh, tôi biết Phượng nói thật. Tôi muốn quên những việc đáng buồn đã xẩy ra; quên không được, tôi cố gắng bào chữa cho Phượng. Nhưng ghen tương, ích kỷ, cũng không phải là những cảm nghĩ nhỏ trong lòng người chồng.
Những cuộc thăm viếng kéo dài được 4 tháng thì một hôm Phượng bảo tôi, “Tuần sau em về Long Xuyên với má; sống ở thành phố không có sinh kế gì hết.”
Tôi hăng hái khuyến khích vợ tôi xa lìa Saigon. Ít nhất về ruộng sống với mẹ Phượng cũng đỡ phải lo 2 bữa ăn hàng ngày, cái lo to lớn của người thị dân sau ngày bị giải phóng.
“Mỗi tuần được gặp em là niềm an ủi lớn cho anh,” tôi bảo vợ. “Nhưng cái nhìn ngờ vực, khó chịu của 2,000 anh em đồng đội, đồng cảnh trước việc anh được uu đãi làm anh khổ sở. Anh muốn chịu chung những đầy ải với họ.”
Tuần sau Phượng không đến thăm tôi nữa. Cuộc sống khổ sai không hạn định trở thành dài hơn vì thiếu sự chia cắt của những tiêu mốc ngắn hạn. Tôi trở lại vị trí của cái máy người, vô tri giác, không phản ứng, bảo đi thì đi, bảo học thì học, bảo lao động thì lao động. Những bạn nào đã sống trong trại cải tạo của Việt Cộng hẳn đồng ý với tôi là cộng sản đã thành công trong việc làm chúng tôi mất hết tri giác. Không vui, không buồn, không hy vọng, thất vọng, không mong chờ bất cứ một điều gì nữa. Cuộc sống hàng ngày như một bộ máy được điều động bằng những tiếng còi, những khẩu lệnh. Phần ăn quá đói làm tất cả chúng tôi tìm được cái khôn ngoan của loài vật: không làm một cử động thừa, không nói một câu thừa để không phí phạm bất cứ một phấn thật nhỏ nào cái sinh lực le lói còn trong xác người.
Chính trong trạng thái vật vờ của một xác chết chưa chôn ấy, tôi nhận được giấy phóng thích. Cầm tờ giấy chấm dứt cuộc sống tù ngục của mình trong tay, tôi dửng dưng như cầm một tờ truyền đơn học tập. Nói dửng dưng cũng vẫn chưa đúng; tôi không ý thức được những thay đổi tờ giấy mang lại cho tôi. Nhẩn nha nhơi từng hột bắp của bữa ăn trưa đói khổ tôi nghe cơ thể khoan khoái với chút bồi dưỡng ít oi. Trái bắp có trong tay vẫn quý hơn hai chữ “tự do” mới viết trên giấy.
Một cán bộ bảo tôi, “Chiều nay anh khỏi lao động; về sửa soạn nóp, chén trả lại nhà kho.”
Khỏi lao động, một tin mừng khác. Tôi trở về căn phòng giam hôi hám nhưng mát rượi như một thiên đàng so sánh với cái hỏa ngục lao động sản xuất mà các bạn tôi đang chịu đựng ngoài trời.
Bốn giờ chiều Phượng đón tôi ngoài cổng trại giam. Người vợ đài các của một bác sĩ mặc cái áo bà ba vải bông và cái quần đen, đứng vịn một chiếc xe đạp đàn ông cũ kỹ. Có thể tôi sẽ ít ngỡ ngàng hơn nếu từ trong thế giới tù ngục bước ra được gặp lại thế giới cũ của mình với xe honda, với áo dài. Tôi đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác lạ sau chưa đầy 2 năm mất nước.
Thế giới bên ngoài nhà tù không phải ít khe khắt, ít đọa đầy; suốt một năm trời tôi phải sống trong chế độ “quản chế của nhân dân”; tôi xin giải thích những chữ văn hoa này. Chế độ “quản chế của nhân dân” có nghĩa là tôi phải làm mọi không công, phải sợ sệt tất cả mọi người. Bất cứ ai trong phường cũng có quyền phán xét là tôi chưa giác ngộ, cần học tập thêm, là tôi lại đi tù nữa.
Tôi cúi mặt trước tất cả mọi người, dù đó chỉ là một đứa con nít. Tôi vâng dạ, tôi tuân lệnh, không cần biết lệnh đến từ đâu. Một bà hàng xòm gọi tôi đến coi chứng bệnh cho thằng con tám tuổi. Sau khi quan sát kỹ mọi triệu chứng, tôi bảo bà là con bà bị thương hàn và không có cách nào hay hơn là đưa nó đi bệnh viện. Bà quắc mắt, “Anh đi học tập ra mà con như vậy đó hả? Nhân dân có quá nhiều nhu cầu để bệnh viện thừa chỗ trống cho một đứa con nít nóng lạnh. Anh không biết cách nào khác nữa sao?”
Tôi đề nghị bà đừng cho con ăn gì hết để ruột không hư. Bà ta cáu kỉnh nạt, “Lang băm tư bản.”
Sau khi tôi về không hiểu bà có nghe lời tôi khuyến cáo không, nhưng rất may là đứa trẻ lành bệnh. Suốt nửa tháng trời tôi hồi hộp lo sợ: cái chết của đứa trẻ vì thiếu thuốc, thiếu chăm sóc có thể đưa tôi trở lại trại cải tạo như không.
Nguồn an ủi của tôi là số người thiếu ý thức như bà hàng xóm mà tôi vừa kể tương đối rất ít; đa số dân Saigon sống trong một tình đoàn kết ngấm ngầm nhưng khắng khít. Một bà cụ dúi cho tôi gói gạo nhỏ qua câu nói chí tình, “Bác sĩ phải ăn thêm mới sống nổi, tôi già rồi, thiếu thốn chút đỉnh cũng không đến nỗi nào.” Bà vợ của một công chức còn đang tù tội cho tôi đôi giầy. Ông hàng xóm sát vách cho cái áo.
Nhưng mọi nguồn vui của tôi đến từ Phượng thì nàng cũng là nguyên nhân của mọi buồn khổ. Phượng làm đĩ ra mặt, không còn e dè gì tôi nữa cả. Vợ tôi không chỉ tống tình cán bộ cộng sản để thăm nuôi tôi nữa, mà xuống đến tận chân thang của xã hội: mỗi ngày vài lần những anh phu xích lô đến gọi Phượng đi khách. Những lần đầu tiên Phượng còn ngượng với tôi, nhưng sau quen dần, nàng chỉ bảo tôi, “lát em về.”
Phần tôi, tôi vẫn phải tình nguyện xung phong trong mọi công tác nặng nhọc của phường như hốt rác, quét đường, trồng cây, thông cống, … . Tôi xung phong để được chấm điểm, xung phong để khỏi trở lại lao tù cải tạo. Ðôi khi nghĩ quẩn tôi cho rằng đi tù mà còn tự do hơn chế độ nhân dân quản chế.
Thêm một lần nữa, tôi tuyên dương sự thành công của cộng sản. Chúng đã hoàn toàn đập tan uy thế của giới chỉ huy, giới trí thức miền Nam. Suốt một năm ra khỏi tù, tôi không được phép làm bất cứ một việc gì cả. Nói một cách khác, tôi phải ăn bám vào đồng tiền vợ tôi ngày ngày bán thân tạo ra. Sau 31 năm, nghĩ lại tôi vẫn rùng mình khiếp sợ.
Tôi xin độc giả ngưng đọc một phút để hình dung cái nhục nhã của tôi, của tất cả giới trí thức miền Nam. Tôi không đủ can đảm để nói bất cứ câu gì với vợ tôi về việc làm của nàng; cả hai chúng tôi cúi đầu chịu phép trước guồng máy xã hội mới.
Nếu một ngày tù dài bằng một ngàn năm sống tự do thì 365 ngày bị trói tay, thất nghiệp, sống đói khổ dưới quyền quản chế của nhân dân, và nhìn vợ đi làm đĩ chắc phải dài hơn sự hiện hữu của cả hệ thống vũ trụ.
Giữa hai vợ chồng tôi nẩy sinh ra một tình trạng ngượng ngập khó tả, Ít khi tôi dám nhìn thẳng vào mắt Phượng, và gần như không bao giờ tôi dám nói với nàng chuyện gì khác hơn là những câu đối thoại tầm thường quanh sinh hoạt nho nhỏ trong nhà.
Thỉnh thoảng bà mẹ vợ tôi lén lút đem được ít gạo, ít thịt lên cho chúng tôi. Qua những cuộc tiếp tế lậu này, tôi khám phá thêm được một bí mật: vợ tôi không hề về Long Xuyên với mẹ như nàng đã nói với tôi. Phượng đã làm gì, ở đâu, trong 7 tháng trời tôi nghĩ nàng về quê sống với mẹ? Cả đến câu hỏi này cũng chưa lần nào tôi dám hỏi Phượng. Tôi trốn chạy một sự thật phũ phàng nào nữa đó sẽ đến, nếu Phượng phải trả lời tôi.
Tối 30 tháng Chín 1978, sau khi theo một anh xích lô “đi khách” về, Phượng kéo tôi vào phòng trong cùng với bé Mai. Trên bộ ván thay cho cái giường nệm đã đi vào chợ trời từ hai năm trước, Phương mở gói thịt quay ra rồi bảo tôi, “Mình ăn với em.”
Từ sau ngày mất nước đây là lần đầu tiên tôi lại được nhìn thấy miếng thịt quay; Phượng lăng xăng bới cơm, và vợ chồng con cái chúng tôi ăn uống ngon lành như chưa bao giờ được ăn ngon đến như thế.
Những đó không phải là điều ngạc nhiên duy nhất của tôi; ăn uống xong, vợ tôi kéo từ trên đầu tủ xuống một gói giấy: bên trong là một bộ đồng phục thanh niên xung phong. Tay chân run rẩy, Phượng trải bộ quần áo lên mặt bộ ván, rồi giọng nói cũng run rẩy nàng bảo tôi, “8 giờ sáng mai, mình mặc đồng phục này đứng đón tàu ở bến Bạch Ðằng.”
“Ðón tầu? Ðể đi đâu?”
Không trả lời câu hỏi của tôi, vợ tôi chỉ lập cập nói, “Em đã đóng đủ 10 cây cho họ rồi.”
Mười cây vàng! Tôi choáng váng với con số lớn khiếp đảm đó.
“Vàng đâu mà em có đến 10 cây?” Câu hỏi buột miệng không nuốt trở vào được nữa, tôi chỉ còn biết nhìn vợ tôi, câu xin lỗi ngầm chứa trong ánh mắt. Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt thăm thẳm tình tứ trên khuôn mặt vẫn còn đẹp dù đã gầy đi và dạn dầy phong trần.
Sau một phút im lặng, nàng nghẹn ngào, “Em không biết mình có tin hay không, nhưng sự thật lúc nào em cũng yêu mình.”
Tôi ôm Phượng vào lòng; giữa một xã hội thù hận, cái bóng mát yêu thương nhỏ bé thật là vô giá. Mặc dù Phượng chưa nói, nhưng tôi cũng đoán hiểu mục đích vượt thoát của chuyến đi ngày mai, và hiểu 10 lượng vàng, giá của chuyến đi là kết quả của những canh dài Phương đem thể xác ra cho thiên hạ dầy vò để góp nhặt từng đồng hầu mua tự do cho tôi.
Cổ nghẹn lại, tôi không nói được một tiếng nào cả; tôi vừa sung sướng trước những bằng chứng hiển nhiên của một mối tình to lớn, bền chắc, vừa xấu hổ nhận những hy sinh nhục nhã của vợ.
Phượng bảo tôi, “Em chỉ đủ tiền đóng cho mình; nhưng em với con vẫn đi theo mình.” Nàng giải thích cho tôi hiểu chuyến tầu vượt thoát là tầu thầu việc chuyên chở thanh niên xung phong đi làm rừng ở cửa Cần Giờ. Sáng mai, tôi sẽ cùng với 30 người nữa đội lốt thanh niên xung phong xuống tầu tại bến Bạch Ðằng. Ðàn bà, trẻ con đi đường bộ xuống ngã ba Ðồng Chanh, chờ tại đó và sẽ đổ lên tầu. Họ là những người đi lậu, không đóng vàng.
“Người ta đi lậu nhiều lắm,” Phượng bảo tôi. “Em cũng trà trộn vào đám người đó; không lẽ người ta xô mình xuống sông. Sợ gì?”
Tôi sợ. Rùng mình tôi nghĩ đến cảnh “người ta xô vợ con tôi xuống sông”, nhưng có sợ tôi cũng không giải quyết được cái khó không tiền và đành theo mọi xếp đặt của Phượng.
Ðêm đó tôi trằn trọc không ngủ, Phượng cũng không ngủ. Vào khoảng gần sáng nàng hỏi tôi, “Mình đã đủ tin vào tình em yêu mình để tha thứ hết mọi việc cho em chưa?”
“Anh tin. Anh yêu mình.”
“Em còn một tội nữa, chưa thú nhận được với mình.”
Trong bóng đêm, tôi lặng thinh lo lắng. Ngần đó bất hạnh chồng chất vào một cuộc sống ngắn ngủi, cay cực, còn chưa đủ nữa hay sao.
Vợ tôi thở dài, “Lúc đó em còn khờ quá nên chuyện mới xẩy ra. Em phải nói dối mình là em về Long Xuyên với má. Thật ra em không muốn mình buồn.”
Dù vợ tôi chưa nói ra, nhưng tôi cũng đoán hiểu.
“Em có con?” tôi hỏi.
Rúc đầu vào ngực tôi, vợ tôi thút thít khóc, “Mình tha cho em.”
Ðứa con chỉ là hậu quả đương nhiên của những việc làm mà tôi đã nhìn vợ tôi hàng ngày đi theo những bác phu xích lô để làm. Bây giờ tôi lại hiểu mục đích cao cả của việc làm đê tiện đó. Tôi thương Phượng hơn là trách nàng.
“Ngày mai em muốn cho con cùng đi?”
“Nếu mình đồng ý.”
Dĩ nhiên tôi đồng ý; đồng ý đưa những người thân nhất đời mình vào chuyến đi địa ngục, vào vòng tay tử thần.
Trước 5 giờ sáng hôm sau, trong bộ đồng phục thanh niên xung phong, tôi chở Phượng và bé Mai trên chiếc xe đạp mà mấy tháng trước Phượng đã dùng để đón tôi ra khỏi trại tù cải tạo. Mặc dù giờ hẹn là 8 giờ, nhưng tôi vẫn đi sớm để hàng xóm đừng để ý đến bộ đồng phục của tôi. Hơn nữa, Phượng còn ghé Phú Nhuận, nơi nàng gởi nuôi thằng Vình, đứa trẻ ra đời trong thời gian tôi ở tù.
Mọi việc xuôi lọt, và tương đối dễ dàng: 7 giờ sáng tôi đến điểm hẹn; nhiều người cũng mặc đồng phục như tôi đã có mặt; nhìn thái độ ngỡ ngàng, dè dặt của họ, tôi hiểu họ cũng như tôi, ngoài bộ áo thanh niên xung phong, chúng tôi không xung phong làm gì hết.
Phượng bảo tôi, “Mình chờ ở đây, em qua Tân Thuận đón đò máy.”
Nhìn vợ lưng đai một đứa con, chở đứa thứ nhì trên thanh ngang xe, ra sức đạp chiếc xe cót két, tôi nghe đứt ruột. Nửa tiếng đồng hồ sau tôi xuống tàu, chọn chỗ ngồi ngay bên hông, hy vọng giúp đỡ Phượng đưa con lên. Khoảng 8 giờ 45, tàu đến ngã ba sông Ðồng Chanh; bốn chiếc đuôi tôm xáp lại, đàn bà trẻ con ồn ào dành nhau leo lên. Tôi đỡ bé Mai trên tay Phượng, rồi kéo Phượng, tay còn bồng thằng Vinh lên theo. Cuộc đổ bộ của khoảng 70 đàn bà, trẻ con lên tàu không những đã công khai mà còn ồn ào, hỗn độn, tranh dành, la lối, đính chánh hùng hồn cái huyền thoại gán cho cộng sản một hệ thống an ninh bao trùm và hữu hiệu. Hàng chục khách thương hồ và ít nhất là 4 người tài công đuôi tôm đã chứng kiến và chắc chắn cũng đã biết mục đích của chuyến đi, nhưng cộng sản vẫn không bắt buộc được họ khai báo, phản phúc đồng bào ruột thịt.
Mười rưỡi, tàu ra đến cửa biển Cần Giờ, và trưa hôm đó quê hương thương yêu chỉ còn là một vệt dài dậm hơn mầu biển. Ðến lúc này các “giới chức” trên tàu mới hò hét chửi mắng những người vượt thoát lậu. Họ bảo chỉ dự trù lương thực và nước uống cho những người có ghi tên và có góp vàng. Những người khác sẽ không có khẩu phần.
Phần ăn và nhất là phần nước uống ít oi của tôi được chia làm 4; bao tử trống nhưng tâm tư vợ chồng chúng tôi tràn đầy hạnh phúc. Vợ tôi ngồi sát bên tôi, tay ẵm thằng Vinh, bé Mai nằm gọn trong lòng tôi; đầu vợ chồng tôi đội chung một cái áo, vừa làm nón cho người lớn, vừa làm mái nhà cho trẻ con.
Ngồi bó rọ trong cái cảnh mà nếu được nhìn thấy, chắc mọi người phải gọi là địa ngục trần gian, vợ chồng tôi bàn chuyện thiên đàng mộng tưởng. Cái thiên đàng của chúng tôi rất giản dị: bất cứ nơi nào cho tôi được đem sức đàn ông ra đi làm, làm bất cứ việc gì để nuôi vợ, nuôi con.
Tôi bảo Phượng, “Anh sẽ làm việc, làm ngày, làm đêm, để không bao giờ em và con còn phải thiếu thốn khốn khổ nữa.”
“Em thương mình,” Phượng thủ thỉ bên tai tôi. “Không bao giờ em còn làm mình buồn nữa.”
Tất cả những cam kết, hứa hẹn, dự tính đẹp như mộng ấy, chúng tôi đem ra làm thức ăn để đánh lừa cơn đói. Khẩu phần của tôi mỗi bữa khoảng 2 chén cơm chỉ vừa đủ cho 2 đưa nhỏ. Phượng và tôi nhắp một đầu đũa để cầm hơi.
Qua đến ngày thứ 3, vì đói quá, khi đi lãnh cơm tôi thò tay vào nồi, vừa bốc thêm một nắm cơm vừa nói, “Cho tôi xin thêm chút cơm.”
Một quả đấm bay vào mặt tôi; yếu đuối sau 14 tháng bị giam cầm đói khổ, yếu đuối sau 3 ngày thiếu cơm, thiếu nước, tôi té ngửa dưới sức mạnh của quả đấm trời giáng.
“ÐM quân ăn cướp. Ðã đi lậu mà còn đòi ăn nữa hả.”
Quả đấm tuy đau, nhưng tôi vẫn mừng vì cà mèn cơm chưa đổ. Bưng cà mèn đầy cơm hơn nhờ bốc thêm được một nắm về mái lều to bằng manh áo, tôi sung sướng nhìn Phượng được ăn thêm miếng cơm thứ nhì. Tôi an ủi vợ, “Mình đi được 3 ngày rồi, nhiều lắm 2 ngày nữa cũng phải đến Thái Lan hay Mã Lai.”
Héo hắt cười, Phượng nhìn tôi. Tôi muốn thuyết phục cho vợ yên lòng, nhưng chính giọng nói của tôi cũng không vững.
Mũi tàu vẫn hướng về phía Nam, điều làm tôi thắc mắc. Mặc dù không có cả đến một tấm địa đồ nhỏ trong tay, nhưng tôi vẫn mường tượng được vị trí của Thái Lan và Mã Lai so với Việt Nam. Tôi góp ý với những người điều khiển tàu là nên cho mũi tàu chếch thêm về hướng Tây Nam. Tôi chưa nói dứt lời, một ông vạm vỡ nạt ngang, “Anh biết gì mà nói.”
Ðến ngày thứ 5 của chuyến hải hành, vợ tôi lả đi vì đói, vì mệt và say sóng. Phượng dựa vào thành tàu, mắt nhắm nghiền, đầu gục xuống. Tôi van xin ông ngồi cạnh nửa thước khoảng trống để vợ tôi có thể ngả lưng trong thế nằm co quắp. Hai đứa bé không còn khóc được nữa; tiếng khóc của chúng trở thành những tiếng rên nho nhỏ.
Tôi mò xuống bếp tán tỉnh xin phụ việc. Khoản thù lao tôi mong mỏi chỉ là mỗi bữa một chén nước cơm cho trẻ con uống. Chúng không còn sức để nhai và nuốt vật cứng nữa. Một ông “giới chức” hất hàm hỏi tôi, “Trước kia anh làm nghề gì?”
Dĩ nhiên việc đi cải tạo không phải là một nghề, mà cũng không phải là việc đem ra khoe được, tôi đành khai, “Thưa ông, tôi làm bác sĩ.”
“Biết chích không?”
“Dạ biết.”
Thế là tôi biến thành thầy Hai chích dạo. Bà vợ ông giới chức bị bệnh đái đường; ông đem theo một xách thuốc cần thiết cho bà, nhưng thiếu thầy Hai chích. Ðường lên, bà nằm mê man từ 2 ngày nay. Tôi được đưa vào khoang để chích insuline cho bà. Bữa đó không những có được chén nước cơm, mà trong cà mèn còn thêm được một miếng thịt.
Ðược dinh dưỡng, vợ tôi và 2 đứa trẻ cũng tỉnh táo hơn. Chiều hôm đó tôi lại có thêm một thân chủ: gia đình một người Trung Hoa nhờ tôi chăm sóc cho đứa con bị cảm nắng. Họ tạ thầy một hộp Sumaco, khiến bữa ăn chiều của chúng tôi có thể nói là thịnh soạn.
Cà mên cơm đầy ăn với cá hộp giúp Phượng đủ sức ngồi dậy săn sóc con. Hai đứa trẻ vẫn đuối, nhưng nhờ được uống nước cơm nên không đến nỗi bị lả đi như hôm trước nữa.
Sáng hôm sau tôi trở lại chích thuốc cho bà giới chức; nhờ insuline làm tan đường, bà đã ngồi dậy được, tỉnh táo hơn. Uy tín lang băm của tôi gia tăng nhanh chóng, số thân chủ cũng gia tăng vì sau 5 ngày ngồi bó rọ phơi nắng, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy mệt đuối, đau nhức, nhiều người sốt, cảm, và ho.
Nỗi khổ tâm của tôi là trị bệnh không dược liệu; đem kinh nghiệm 14 tháng giúp bạn tù trị bệnh bằng phương pháp kháng bệnh, tôi chỉ dẫn mọi người cách hô hấp, cánh tập trung tư tưởng để tự kỷ ám thị.
Nhờ hành nghề bác sĩ, khẩu phần của gia đình tôi trở nên sung túc hơn rất nhiều. Mỗi gia đình vượt biển đều có thủ theo một vài thứ thực phẩm khô, họ chia cho tôi một ít để thù lao bác sĩ.
Ðến ngày thứ 7, nhờ được ăn no hơn vợ tôi đã bình phục và hai đứa trẻ cũng tỉnh táo. Trưa hôm ấy chúng tôi gặp hoạn nạn: chiếc áo mái nhà của tôi bị gió biển cuốn đi, vợ tôi lục giỏ tìm cái áo khác ra căng lều. Lần này tôi có ý cột kỹ tay áo vào thành tầu.
Tối hôm đó, đang gục đầu trong thế ngủ ngồi tôi nghe như một biến chuyển lớn đang xẩy ra. Giật mình tôi thức dậy trong tiếng reo hò của mọi người.
“Tới rồi. Thấy đất rồi.”
“Cảm ơn trời phật. Chuyến đi quá dài nhưng rồi cũng đến.”
Giọng quát của một giới chức, “Ngồi cả xuống; chạy tới, chạy lui, mất thăng bằng lật tàu chết cả đám bây giờ.”
Mọi người ngoan ngoãn ngồi trở xuống, nhưng tiếng ồn ào vẫn không ngớt. Người ta bàn tán, “Chắc là Mã Lai.”
“Có lẽ như vậy, vì nó là hòn đảo, chứ Thái Lan thì đã thấy lục địa.
“Không chừng Nam Dương.”
“Rất có thể là Úc.”
Vợ tôi nắm tay tôi bóp mạnh. Tôi nghe như những mừng vui của Phượng đang được chuyền sang tâm hôn tôi mà không cần một lời nói. Mọi người mừng vì chuyến hải hành 8 ngày đã đến đích. Cuộc hành trình của riêng tôi và Phượng đã kéo dài gần 4 năm, mà mỗi ngày là một cơn ác mộng bất tận cho cả 2 chúng tôi cũng đang chấm dứt với chuyến đi này. Nỗi mừng của chúng tôi, vì vậy mà to lớn hơn tất cả. Chúng tôi mừng đến không nói được nên lời, không hò reo được như mọi người. Tôi ngồi yên, không buồn chồm lên nhìn hòn đảo mà tàu đang tiến vào nữa. Niềm vui của tôi đã quá đầy từ ngày bước chân xuống tàu rời bỏ quê hương địa ngục, trên những bằng chứng xác nhận tình yêu tuyệt vời của Phượng đối với tôi. Không một người bạn đồng thuyền nào thỏa mãn bằng tôi.
Ông bạn ngồi cạnh gợi chuyện, “Hình như hòn đảo nhỏ quá.”
“Vâng,” tôi lơ đãng đáp.
“Không chắc đã có người trên đảo.”
“Vâng.”
Mũi tàu vẫn hướng vào hòn đảo cô đơn trong khi niềm lạc quan trên tàu lắng xuống. Khoảng cách thu ngắn dần làm mọi người thấy rõ kích thước nhỏ bé của hải đảo. Nhưng giữa khoảng ngàn trùng của đại dương nhấp nhô hòn đảo kia vẫn là đất, vẫn bảo đảm vững vàng. Hơn nữa, nó cũng lớn tối thiểu bằng 20 lần con tàu dài 15 thước, rộng 3 thước với 140 người trong lòng tàu.
Ða số góp ý kiến nên ngừng lại đảo.
“Biết đâu bờ bên kia lại không có một làng chài lưới.”
“Ghé nghỉ ngơi một ngày, đi lại cho dãn gân; ngồi bó gối mãi, mỏi quá.”
“Có thể tìm nước ngọt, đánh cá tăng thêm thực phẩm trước khi tiếp tục đi nữa.”
Cuối cùng, những giới chức trên tầu quyết định cho tầu chạy một vòng quanh đảo để quan sát trước. Và đó là quyết định cuối cùng của họ với tư cách chỉ huy chiếc tiểu hạm tử thần: mới chạy được nửa vòng đảo, tàu chạm đá ngầm, vỡ đáy, lật nghiêng qua 30 độ.
Phượng văng từ thành tàu bên này sang thành tàu bên kia, thằng Vinh tuột tay mẹ, rơi thẳng xuống biển. Trên đà nghiêng của con tàu, tôi phóng nhanh đến bên Phượng, trao vội bé Mai cho nàng và nhẩy xuống biển để chỉ vừa kịp nắm tay đứa bé chưa đầy năm, theo nó ngụp vào một đợt sóng lớn. Sóng đưa tôi và thằng Vinh vào gần bờ, và do đó tôi trở thành người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo san hô thê lương, sau này biến thành nơi gởi xác của nhiều người trong chúng tôi.
Việc làm đầu tiên của tôi là bồng thằng Vinh đưa lên cao để vợ tôi nhìn thấy mà yên lòng. Cách bờ khoảng 15 thước, mọi người nhốn nháo; tiếng kêu khóc thật là thê thảm, nhiều người nhẩy xuống nước chạy vào bờ.
Sau khi bị vỡ đáy, con tàu mắc cạn đang từ từ trở lại thế thăng bằng, mặc dù vẫn còn hơi nghiêng, nhưng người trên tàu không đến nỗi phải bám cứng vào thành tàu để khỏi rơi xuống biển nữa.
Nhờ người coi chừng thằng Vinh, tôi lội xuống nước trở ra mạn tàu bồng bé Mai, và xách gói hành lý khiêm tốn của chúng tôi, rồi dắt Phượng lên đảo. Nhiều người khác cũng làm như chúng tôi; họ lìa bỏ con tàu mà không cần biết là đi đâu, nhắm mắt đưa chân, như 8 ngày trước rời bỏ quê hương Việt Nam.
Ðó là sai lầm của chúng tôi. Hòn đảo san hô khô cằn, lởm chởm, không dung nạp chúng tôi. Tìm được một chỗ bằng phẳng để ngồi xuống cũng đã khó chứ chưa nói đến việc ngả lưng.
Sau gần một tiếng đồng hồ loay hoay tìm kiếm, tôi chọn được một hốc đá tương đối rộng rãi để định cư. Cái áo làm mái nhà đổi vai trò trở thành tấm chiếu cho trẻ con ngồi.

“Ðau đít quá ba ơi,” bé Mai nhăn nhó nói.
Tôi ẵm con lên, đặt nó ngồi trên bọc quần áo, rồi bảo Phượng, “Em coi chừng con, anh đi quanh tìm xem có con ốc, con sò nào không.”
Tôi ngỡ mình là người nhanh chân trong việc đi kiếm ăn, nhưng hơn chục người khác cũng đã lom khom trong các hốc đá tìm kiếm như tôi. Cái may của tôi là trong một kẹt đá nhỏ, tôi chụp được hai vợ chồng một chú tôm hùm khá to, mỗi con khoảng hai kí.
Phượng reo mừng, “đồ biển sẵn thế này là không phải lo đói nữa.”
Phượng lầm, mà tôi cũng lầm. Ðồ biển không sẵn như chúng tôi tưởng, hoặc ít ra thì đó cũng không phải là nguồn thực phẩm đủ cung cấp cho 140 người đói khát.
Tôi đi nhặt rác và rong biển về làm củi nướng tôm; tôi cũng tìm được một mảnh ván nhỏ cho Phượng ngồi. Bữa ăn đầu tiên trên hoang đảo, cách tìm thực phẩm, nướng và ăn bốc theo kiểu thượng cổ, vừa ngon lại vừa vui. Vợ chồng, con cái chỉ ăn hết một con tôm, con thứ nhì để dành.
“Em chưa thấy con tôm hùm nào lớn đến như vậy,” Phượng vừa chôn vỏ tôm xuống cát vừa bảo tôi.
Mới 6 giờ chiều, mặt trời còn cao mà gió biển nghe đã lạnh; tôi lo lắng bảo Phượng, “Có bao nhiêu quần áo em lấy mặc hết cho con. Cả em nữa.”
Gói hành lý được mở ra, tắp hết lên người. Mỗi đứa trẻ mặc 4 áo, 3 quần. Phượng được 3 áo, 2 quần. Tôi mặc thêm cái sơ mi nửa ra ngoài bộ đồng phục chưa thay từ ngày đi.
Gia đình ông hàng xóm sát hốc đá nhà tôi định xuống tầu tránh lạnh nhưng bị đuổi trở lên. Một số thanh niên tổ chức chiếm độc quyền cư ngụ trên tầu. Họ cũng ngưng, không phát thực phẩm như trước nữa.
Ðêm hôm đó một người đàn bà chết, có lẽ vì quá lạnh. Chúng tôi xuống tầu mượn được một cây xà beng và một cái búa để đục đá chôn người xấu số. Ðó là người đầu tiên và người cuối cùng được chôn. Lý do thứ nhất khiến chúng tôi không chôn người chết nữa là vì đục đá làm mồ là một công trình quá khó mà lại không hiệu quả. Lớp đá vụn lấp xác chết không chặt được như đất nên chỉ một ngày sau mùi thối đã xông lên nồng nặc. Lý do thứ nhì chua chát hơn: người ta không muốn vùi đi mấy chục kí thịt của người chết trong lúc tất cả đều đói.
Xác chết đầu tiên tôi thấy bị xẻ thịt là xác một thiếu nữ trắng trẻo, xinh xắn. Tôi đang đi nhặt ốc thì nhìn thấy xác cô, khuy áo bị cổi banh ra, chỗ đôi nhũ hoa chỉ còn thịt lầy nhầy và mấy rẻo xương lồng ngực. Một tiếng đồng hồ sau, tôi trở lại, cô đã bị lột truồng, bắp vế, bắp chuối bị xẻo mất.
Tôi rùng mình. Suốt 2 năm chinh chiến tôi cũng đã chứng kiến nhiều cái chết ghê rợn do súng đạn gây nên, nhưng quả thật chưa một xác chết nào làm tôi khiếp đảm hơn.
Thượng Ðế ơi, người đã sinh ra con người như sinh vật khôn linh hơn mọi sinh vật khác, sao người lại còn bày ra những thử thách trớ trêu đó để làm gì? Ðể chứng minh là con người cũng không hơn gì loài cầm, loài thú ư?
Tôi trở về hốc đá với khuôn mặt chắc phải vô cùng sầu thảm; nhìn tôi, Phượng bảo, “Mình đuối lắm rồi, để em đi kiếm thực phẩm thay mình.”
“Em không đi đâu hết,” tôi gạt phăng.
Vợ tôi nhìn tôi lo sợ; có thể Phượng thấy phản ứng của tôi không bình thường, chưa bao giờ tôi gắt gỏng với nàng, ngay cả những lần nàng theo bác phu xích lô đi khách. Quanh chúng tôi, người ta phát điên, người ta đánh nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Tình trạng tuyệt vọng, kinh hoàng làm chúng tôi thành hốt hoảng. Có thể Phượng nghĩ tôi cũng đang có những triệu chứng bắt đầu. Tôi an ủi vợ, “Anh không muốn em đi đâu hết. Quanh chúng ta đang có trên 100 người mất tự chủ. Em phải ở cạnh anh.”
Thật ra tôi chỉ muốn tránh cho Phượng khỏi nhìn thấy xác người thiếu nữ không vú, không đùi. Kéo đầu Phượng gục vào vai, tôi vỗ về, “Rồi mọi chuyện sẽ khá hơn; thế nào chẳng có một thương thuyền đi qua đây.”
Tôi nói để mà nói, nhưng tôi nghĩ Phượng không mấy tin, không mấy quan tâm đến những điều tôi nói.
Chúng tôi đã đói khát gần 1 tuần lễ; quanh bờ biển không còn một cái vỏ hào nào nguyên vẹn. Người đầu tiên vừa đập vỡ con hào để lấy ruột, thì chỉ vài phút sau đã có người đến đập lần thứ nhì, hy vọng vớt vát một chút gì còn xót lại.
Ðến tuần thứ nhì không ai còn dấu diếm chuyện ăn thịt người nữa. Gần như tất cả mọi người đều đã ăn thịt đồng loại. Tệ hơn là họ không chờ nạn nhân chết hẳn mới xẻ thịt. Ðể thịt và ruột gan không lạnh tanh, họ xẻ thịt những người đang thoi thóp, ngắc ngoải. Xương và đầu người chết bị ném xuống biển, cám dỗ hàng bầy cá mập.
Nhìn những con cá hung hãn chồm vào đến tận bờ để chia phần thịt người, tôi bàn với ông hàng xóm phương pháp bẫy cá mập. Chúng tôi đào một vũng cạn, rồi lấy đá be bờ khá cao. Sườn vũng nước nghiêng vào bờ, bên trong sâu hơn bên ngoài bờ biển.
Mượn cái đầu của một bà lão vừa bị xẻ thịt, chúng tôi thả mồi chờ cá mập; thời gian chờ đợi không lâu hơn 20 phút: theo đà sóng một con cá mập nhỏ, khoảng trên dưới 40 kí, trườn vào bẫy.
Sóng rút ra, cá mập mắc cạn và chết ngay sau vài chục nhát búa và xà beng của chúng tôi. Chúng tôi lôi cá lên cạn xẻ thịt; khoảng vài chục người đến hôi món thịt cá mập. Việc xẻ thịt chưa xong, con cá mập thứ nhì đã lại trườn vào bẫy trước tiếng reo hò mừng vui của hơn 100 con người đói khổ.
Thịt cá mập béo ngậy và tanh rình, nhưng vẫn giúp chúng tôi tránh được ăn thịt người, và cái bẫy cá mập của tôi trở thành nguồn cung cấp thực phẩm khá dồi dào cho những nạn nhân mắc cạn.
Cái khổ của chúng tôi là trên đảo san hô không còn một thứ gì có thể sử dụng thay củi nữa cả; một vài người liều lĩnh xách búa ra định bửa tầu lấy gỗ, nhưng chỉ cần một phát súng bắn chỉ thiên của nhóm thanh niên khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, lại có võ khí, đang chiếm giữ con tàu, cũng đủ làm những người liều nhất trở thành khôn ngoan, lui nhanh vào bờ.
Cầm miếng cá sống, vừa xệu xạo cắn, Phượng vừa hỏi tôi, “Mình có còn tin được câu người ta thường nói ‘trời xanh có mắt’ nữa không?”
Tôi thở dài. Nếu quả trời có mắt thì cặp mắt đó đã nhắm lại từ 4 năm nay rồi. Bé Mai chỉ còn là một cái xác nhỏ xíu, gầy ốm, thoi thóp níu vào cuộc sống. Thằng Vinh khá hơn đôi chút, nhưng cũng nằm lả, đôi mắt gần như không bao giờ hé mở.
Tôi nhai miếng cá trong miệng đến thành nước rồi cúi xuống mớm cho con. Phượng thút thít khóc. Cũng như tôi, vợ tôi hiểu mạng sống của đứa con gái chúng tôi thương yêu, nâng niu, đang tàn lụi dần và sẽ tắt hẳn, khi gió biển, nắng cháy, và thiếu dinh dưỡng, cướp đi những sinh lực cuối cùng.
Bé Mai bỏ đi tối hôm đó. Ôm con trong tay tôi nghe hơi thở nó yếu dần, yếu dần trước khi tắt hẳn. Cơ thể của đứa con yêu thương vẫn mềm mại nhờ chút hơi ấm của tình phụ tử ủ ấp.
Tôi lặng đi ngồi ôm xác con trong gió biển cắt da; khoảng một tiếng đồng hồ sau Phượng hỏi tôi, “Con có khá hơn không mình?”
Tôi hiểu nghĩa câu hỏi này: Phượng muốn biết bé Mai đã chết chưa, nhưng chữ “chết” ghê rợn không phát ra được trên đôi môi người mẹ. Tôi lặng thinh để vợ tôi ngỡ là tôi đã thiếp đi trong mòn mỏi. Nhưng rồi tôi thiếp đi thật; sức chống đỡ của cơ thể chỉ có giới hạn. Giữa những hoàn cảnh phi lý nhất, thể chất vẫn giữ nguyên những đòi hỏi bình thường của nó. Ôm xác con trong tay, ngồi giữa một cô đảo Thái Bình Dương, tôi ngủ ngon lành.
Tôi bị mặt trời nhiệt đới đánh thức; mở mắt dạy trong ánh nắng chói lòa, tôi hốt hoảng nhận ra là bé Mai không còn nằm trong tay tôi nữa. Phượng cũng không thấy đâu cả. Tôi cất tiếng gọi vợ, tiếng sau lớn hơn tiếng trước, những tiếng cuối cùng trở thành tiếng gào kinh hoảng.
Những người chung quanh nhìn tôi; cặp mắt họ không thiện cảm, nhưng cũng không ác cảm, mà chỉ là những cập mắt vô can mất hết khả năng xúc động. Cái khổ đau, bất hạnh của tôi, tôi cứ tự gánh lấy. Phần riêng của họ cũng đã quá lớn, họ không thể chia xẻ thêm với ai chút gì nữa cả.
Tay ẵm thằng Vinh, tôi phóng nhanh xuống bờ biển vừa chạy quanh đảo, vừa gọi Phượng. Vợ tôi ngồi xẹp trên một phiến đá, vẻ mặt sầu khổ. Ôm chầm lấy vợ, tôi hỏi, “Em đi tìm con?”
Vợ tôi không nói được một tiếng nào cả.
“Họ đã xẻ thịt bé Mai?” Phượng gật đầu rồi gục vào vai tôi thút thít khóc; tôi lặng đi, tê tái.
Nguyên ngày hôm đó vợ chồng chúng tôi không nói thêm với nhau một câu nào nữa. Trước những đổ vỡ thương đau toàn diện, chúng tôi không còn khả năng khóc, than.
Sáng hôm sau, sau một vòng đi tìm thực phẩm thất bại như từ nhiều ngày nay, tôi trở về hốc đá và tình cờ khám phá ra nguyên nhân giúp bé Vinh còn tương đối mạnh khỏe: Phượng đang cho con bú. Tôi ngạc nhiên vì từ trước đến giờ Phượng không hề làm việc đó. Cả bé Mai cũng bú sữa bò từ khi mới lọt lòng.
Phượng bối rối nhìn tôi, trong lúc tôi nhìn bé Vinh: môi đứa bé đỏ lòm. Tôi kéo vú Phượng ra để thấy một vết cắt còn mới trên đầu vú. Tôi tìm thấy nhiều vết cắt khác ở đầu ngón tay, ở cổ tay người mẹ khốn khổ. Thở dài, tôi cúi đầu. Phượng đang trút tàn lực sang để nuôi một mầm sống. Việc làm vô cùng đáng kính phục đó chắc chắn sẽ làm tôi trở thành góa bụa sớm hơn.
Dĩ nhiên tôi không ngăn cản, cũng không phiền trách gì Phượng. Ðiều độc nhất tôi có thể làm là cố gắng hơn nữa trong việc tìm kiếm thực phẩm để nuôi Phượng và bé Vinh, nhưng số người đói khát thì đông mà số thực phẩm lại giới hạn nên gần như chúng tôi không còn tìm ra bất cứ một thứ gì, dù chỉ là cỏ, là cây, để nhai trong miệng.
Bốn ngày sau ngày bắt gặp Phượng cho con bú bằng máu, tôi tìm được một con của khá lớn. Phượng ăn gượng gạo rồi lại nằm ngay. Vợ tôi đuối đến mức tôi phải xé từng miếng thịt cua, đút vào miệng cho nàng.
Suốt tuần sau, tôi chỉ tìm được vài con ốc. Nhìn những triệu chứng sắp chết của vợ, tôi nghe đứt ruột. Tôi không dám đi kiếm thực phẩm xa nữa, sợ người ta đến ăn thịt Phượng.
Hai ngày sau, đang nửa mơ, nửa tỉnh, tôi chợt nghe nhiều tiếng súng; tiếp theo là tiếng reo hò. Bàng hoàng choàng dậy, tôi nhìn theo hướng nhìn của mọi người và thấy một chiếc tàu đang từ từ tiến lại.
Tim tôi ngừng đập; cuối cùng trời vẫn còn có mắt, chúng tôi sắp được cứu sống, và tôi vẫn còn Phượng, còn người vợ mà trong hoạn nạn tôi thấy tình yêu trở thành to lớn hơn, bền chặt hơn. Tôi sẽ lại được mê mệt, được khổ sở với cặp mắt đa tình của Phượng.
Trong tiếng reo hò của những người đồng cảnh ngộ, tôi cúi xuống thủ thỉ bảo vợ, “Hôm trước em hỏi anh có còn tin là ‘trời xanh có mắt nữa không’; bây giờ anh trả lời em là anh tin. Anh tin cuối cùng rồi ông trời vẫn có mắt.”
Nhưng tôi đã lầm. Ðối với những kẻ bất hạnh, vô phước như tôi, ông trời (nếu có ổng) đã vĩnh viễn nhắm mắt, quay mặt đi.
Con tầu tôi đang nhìn theo là một ngư thuyền của Ðài Loan. Họ neo xa bờ chừng 2 cây số, rồi cho ghe nhỏ vào chở người đại diện của chúng tôi ra thương lượng. Cuộc thương lượng, nói trắng ra chỉ là một cuộc trả giá.
Người đại diện trở về cho chúng tôi biết tầu Trung Hoa đòi một số vàng lớn mới chịu cứu chúng tôi. Số người có vàng đề nghị chia số người Trung Hoa đòi hỏi trên đầu người; những kẻ trắng tay như tôi ngồi lặng thinh, dự thính.
Chiều hôm ấy người đại diện của chúng tôi trở ra ngư thuyền Trung Hoa với một phản đề nghị. Cuộc trả giá kéo dài cho đến tối, và ông ta ngủ lại trên tầu đánh cá. Sáng hôm sau ông trở lại với 3 người Tầu, và bắt đầu cuộc ghi danh, góp vàng.
Những người có vàng để góp lần lượt được xuống ghe máy để ra tàu trước cặp mắt thèm thuồng của chúng tôi. Khoảng xế chiều việc đưa những người góp vàng ra tàu hoàn thành. Người Trung Hoa chở vào cho chúng tôi một thùng cá và bảo, “Các anh ăn uống tạm tối nay. Sáng mai chúng tôi sẽ vào chở tất cả ra tàu.”
Thì ra họ chỉ muốn làm khó dễ để lột một số vàng của những người có tài sản. Sáng hôm sau toàn bộ chúng tôi được chở ra tàu; một thủy thủ Trung Hoa giúp tôi bồng bé Vinh, trong lúc tôi bồng Phượng xuống ghe.
Yếu đuối, tôi ngã mấy lần. Phượng mở mắt nhìn tôi, cặp mắt tình tứ, đắm đuối ngày xưa, giờ này đã mất thần.
Xuống tầu, tôi xin một ly sữa, đút cho Phượng, nhưng vợ tôi không còn nuốt được nữa. Tôi biết cơ thể nàng đã mất hết hydrate; giải pháp độc nhất còn lại là nuôi bằng nước biển, nhưng làm gì có thứ đó trên một ngư thuyền.
Phượng lịm dần và hơi thở thật sự tắt hẳn vào đêm hôm đó. Xác nàng bị chuồi xuống biển theo hình thức thủy táng.

TÔI DỨT CÂU CHUYỆN vào lúc 11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 2004, rồi bảo thằng Vinh, “Ba hứa ngày con học xong, ba sẽ kể lại câu chuyện về mẹ con cho con nghe; ba đã thực hiện lời ba hứa.”
Nó bước đến trước ghế tôi ngồi, quỳ xuống, gục đầu lên đùi tôi, “Ba đau khổ nhiều quá,” lời nó nghẹn lại. “Con thương ba.”Tôi vuốt tóc nó, “ba thương con.”
“Con muốn vinh danh mẹ,” thằng Vinh bảo tôi. Năm đó nó 26, vừa ra trường thuốc Austin, và đang tập sự tại nhà thương Memorial Hertman, Houston, nơi tôi làm việc.
“Bằng cách nào?” tôi hỏi nó.
“Con muốn về Việt Nam để cùng bác sĩ Nguyễn Ðan Quế tranh đấu giải thể chế độ cộng sản dã man đã giết mẹ con, giết chị Mai, và làm ba buồn khổ suốt cuộc đời.”
“Môi trường tranh đấu tại hải ngoại thuận lợi hơn môi trường quốc nội,” tôi bảo Vinh. “ Tiếng nói của con sẽ lớn hơn, vì có một đối tượng rộng hơn, quyền hạn hơn.”
Nó nghe lời tôi, và giờ này bác sĩ Trần Phượng Vinh, con của bác sĩ Trần Quang trở lại trường đại học; môn học mới của nó là điện ảnh.

Họa sĩ Thương Thương, hôn thê của nó đã vẽ xong từ năm ngoái bức tranh quảng cáo cuồn phim đầu tay ÐÔI MẮT PHƯỢNG của tài tử kiêm đạo diễn Phượng Vinh.
Nó đóng vai trung úy quân y của Sư Ðoàn Nhẩy Dù, trung úy Trần Quang.
Nguyễn Đạt Thịnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét