Dinh dưỡng ở tuổi già Theo độ tuổi, chức năng của các cơ quan đều giảm dần, số lượng các tế bào hoạt động ở các cơ quan khác nhau, dẫn đến giảm cường độ trao đổi chất trong cơ thể, ngoài ra người già thường vận động ít hơn. Vì vậy, ở tuổi gia, nhu cầu về năng lượng của cơ thể giảm, vấn đề ăn uống ở độ tuổi này cần phải được đặc biệt chú ý.
Ăn vừa đủ
Trái cây cung cấp nhiều chất xơ và vitamin cho người già.
Cùng với độ tuổi, lượng calo sử dụng cần phải giảm một chút, tuy nhiên vẫn phải được cung cấp thỏa đáng. Ăn ít có thể gây nên hiện tượng bị thiếu protid (chất đạm) và dẫn đến teo cơ, chóng mệt mỏi.
Về các chất dinh dưỡng, thì nhu cầu của cơ thể về chất đạm ở người trưởng thành và người có tuổi là như nhau. Khuyến cáo nhu cầu về chất đạm trên 1 kg cân nặng ở tuổi già (1,0-1,2g/kg/ngày) và gần tương đương với nhu cầu về đạm ở tuổi trẻ em, vì nhu cầu đạm cho quá trình tái tạo ở tuổi già là rất lớn. Ở tuổi già, quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ, do vậy lượng chất đạm phải được cung cấp đầy đủ để phục vụ cho việc tái tạo các tổ chức mô. Một số người già, vì một lý do nào đó (do không nhận thức được ý nghĩa của việc ăn uống điều độ và hợp lý, do bệnh tật, do hoàn cảnh, do yếu tố tâm lý..) thường ăn ít, đặc biệt là ăn không đủ các chất đạm và kết quả là cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể và dễ bị mắc bệnh.
Cơ thể người già cần được cung cấp một lượng tinh bột đầy đủ, tuy nhiên nên hạn chế dùng đường và bánh kẹo ngọt. Giảm sử dụng mỡ sẽ giảm được lượng calo sử dụng chung và giúp phòng chống vữa xơ động mạch, bệnh tim mạch, tiểu đường, đau khớp... Trong khẩu phần ăn của người già, tỷ lệ năng lượng do mỡ cung cấp nên dưới 20%.
Không quên bổ sung thực phẩm giàu vi chất
Thức ăn của người già cần chứa nhiều các vitamin khác nhau (rau quả, trái cây), các chất khoáng và chất xơ. Chất xơ có trong trái cây, rau và ngũ cốc. Chất xơ có tác dụng phòng ngừa bệnh táo bón ở tuổi già, ngoài ra chất xơ còn có tác dụng làm giảm mức độ cholesterol trong máu.
Cháo là món ăn phù hợp cho bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi.
Các vitamin được đưa vào cơ thể trong thành phần của các nhóm chất dinh dưỡng. Những người già thường không hay quan tâm đến việc ăn hoa quả và rau. Nhiều người trong số họ không có thói quen uống sữa, nguồn cung cấp chủ yếu canxi để phòng ngừa bệnh loãng xương... Tất cả những thói quen đó, kết hợp với khả năng hấp thụ các chất của cơ thể người già kém hơn dẫn đến trong cơ thể người già thường bị thiếu các loại vitamin và các khoáng chất khác nhau. Người già cần phải thường xuyên uống từ 2-3 cốc sữa một ngày để phòng ngừa phát triển bệnh loãng xương. Tuy nhiên cần chú ý rằng, ở người già khả năng tiêu hóa sữa kém hơn, do vậy khuyến cáo uống rải nhiều lần trong ngày, mỗi lần 100-120ml. Cơ thể người già thỉnh thoảng nên được cung cấp vitamin bổ sung ở dạng dược phẩm. Đặc biệt là các vitamin nhóm B, vitamin có tính chất chống lão hóa như vitamin A, C, E.
Cùng với tuổi tác, hệ thống tiêu hóa làm việc kém hiệu quả hơn, cường độ trao đổi chất trong cơ thể người già diễn ra chậm, do vậy thức ăn cần được chế biến kỹ, tinh, tránh ăn các thức ăn khó tiêu như đồ rán, thịt mỡ, sụn, gân, da và cổ cánh gia cầm... Người già nên ăn làm nhiều bữa trong ngày, có thể là 4 hoặc 5 bữa. Cần rèn cho mình thói quen ăn hoa quả hằng ngày để tăng cường cung cấp vitamin cho cơ thể.
Uống đủ nước và chăm chỉ tập luyện
Và cuối cùng, nước đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng của người già. Cơ thể người già cần phải được cung cấp đủ nước, trong một ngày, người già nên uống khoảng 1-1,5lít nước ở dạng nước trắng, nước hoa quả, nước chè. Uống đủ nước sẽ làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn, phòng ngừa chứng táo bón.
Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đủ calo, có tỷ lệ cân đối giữa các chất, kết hợp việc tăng cường tập luyện thể dục thể thao với các bài tập rèn sức bền (đi bộ, chạy bước nhỏ, bơi, đạp xe đạp) có cường độ hợp lý và một cuộc sống tinh thần thoải mái sẽ đảm bảo một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc ở người già.
TS. Đặng Quốc Nam
Xơ vữa động mạch ở người cao tuổi Bệnh xơ vữa động mạch là gì, cách phòng và chữa trị bệnh hiện nay như thế nào là vấn đề mà rất nhiều độc giả nhất là những người cao tuổi khi đi khám được chẩn đoán là bị bệnh xơ vữa động mạch, đã viết thư về tòa soạn. Sau đây xin giới thiệu bài viết của giáo sư Lê Sỹ Liêm về căn bệnh này.
Vữa xơ động mạch. GoogleBệnh xơ vữa động mạch (atherosclrosis) là bệnh do động mạch bị xơ cứng và nhỏ hẹp hơn bình thường, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào trong cơ thể và là nguyên nhân chính gây đột quỵ (rối loạn tuần hoàn não), cơn đau tim và thiểu năng tuần hoàn ở cẳng chân. Bệnh này gặp nhiều hơn ở các nước phát triển như ở châu Âu, Mỹ, còn ở các nước đang phát triển như châu Á, Phi ít gặp hơn. Bệnh cũng thường gặp ở người cao tuổi. Qua nghiên cứu thấy rằng chất nội tiết tố sinh dục của phụ nữ như oestrogen cũng có tác dụng giúp hạn chế được bệnh. Vì vậy tỷ lệ bệnh này ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh thấp hơn ở nam giới (theo tư liệu của Mỹ). Phụ nữ tuổi từ 60 tuổi trở lên bị bệnh này cũng nhiều ngang bằng với nam giới. Tuy vậy những phụ nữ có sử dụng nội tiết tố oestrogen trong điều trị một số bệnh khác có tác dụng bảo vệ chống bệnh này tốt hơn (theo một số tài liệu của Mỹ).
Nguyên nhân gây bệnh
Tai biến phát triển bệnh xơ vữa động mạch qua nghiên cứu thấy có liên quan với tỷ lệ cholesterol trong máu của cơ thể mà chất này thực tế phụ thuộc vào chế độ ăn uống nuôi dưỡng và cả một số yếu tố về “gen” (genetic factor).
Vì tỷ lệ chất cholesterol liên quan tới chế độ ăn uống nên bệnh xơ vữa động mạch thường gặp ở người dân các nước Tây Âu vì ở đây người ta có chế độ ăn uống, có tỷ lệ chất béo cao hơn. Một vài bệnh khác như bệnh tiểu đường cũng liên quan chặt chẽ với tỷ lệ chất cholesterol cao trong chế độ ăn. Một vài bệnh có tính chất di truyền cũng có tỷ lệ chất mỡ cao trong máu (bệnh chất mỡ cao di truyền).
Ngoài yếu tố tỷ lệ chất cholesterol trong máu còn có một số yếu tố khác gây bệnh như: hút thuốc lá, không vận động thể dục đều đặn, tăng huyết áp và tình trạng thừa cân béo phì.
Các chất mỡ trong máu tích tụ dần ở lớp trong của thành động mạch và do chất mỡ làm cho thành động mạch dày hơn, kết quả là các động mạch bị hẹp dần lại và lưu thông máu bị cản trở.
Bệnh xơ vữa động mạch có những triệu chứng gì?
Ở giai đoạn sớm của bệnh thường không thấy có triệu chứng rõ. Dần dần về sau, các triệu chứng được phát sinh rõ hơn do dòng máu cung cấp cho các tạng trong cơ thể bị giảm dần do động mạch bị hẹp dần gây tắc dần dòng máu. Nếu động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị tắc dần thì sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực. Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn thì sẽ xảy ra cơn đau tim đột ngột gây tử vong. Nhiều cơn đột quỵ ở người già thường do động mạch cung cấp máu cho não bị xơ cứng và bị hẹp. Trường hợp động mạch ở cẳng chân bị xơ vữa thường có triệu chứng đầu tiên là cơn đau cơ kiểu “chuột rút” do máu không được cung cấp đầy đủ ở cẳng chân.
Nếu bệnh xơ vữa động mạch kết hợp với bệnh rối loạn chất mỡ bẩm sinh di truyền thì chất mỡ có thể tích tụ ứ đọng lên các gân cơ tạo nên những cục dưới da nhìn thấy rất rõ.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Ở giai đoạn sớm thì bệnh chưa có triệu chứng rõ nhưng lại cần phải chẩn đoán sớm để chữa trị có hiệu quả. Do đó người ta phải xét nghiệm máu để phát hiện tỷ lệ cholesterol trong máu cao, cũng cần phát hiện bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường. Vì đây đều là những yếu tố gây bệnh. Do đó ở các nước Âu, Mỹ, để chủ động phát hiện sớm bệnh này người ta cho xét nghiệm máu, đo tỷ lệ cholesterol máu ít nhất 5 năm một lần sau tuổi 20 (theo tài liệu của Mỹ).
Nếu bệnh đã phát triển thì người ta thường cho làm những thử nghiệm về máu để có thể vừa phát hiện được cả tổn thương của động mạch và cả tổn thương của các nội tạng được cung cấp máu. Như vậy cả nguyên nhân và hậu quả đều được kiểm tra.
Ở bệnh viện có điều kiện, người ta làm những kỹ thuật hình ảnh cao như:
- Siêu âm Doppler (Doppler ultrasound scanning).
- Làm điện tâm đồ (ECG).
- Chụp động mạch vành.
Các kỹ thuật này giúp chẩn đoán và đánh giá chức năng động mạch tim, tình trạng dòng máu tuần hoàn.
Điều trị bệnh theo các phương pháp hiện đại
Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay là phòng bệnh xơ vữa động mạch, làm giảm bớt tốc độ phát triển của bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh mới nhất vẫn là chế độ ăn ít mỡ.
- Không hút thuốc lá.
- Luyện tập thể dục đều đặn nghiêm túc hằng ngày.
- Quan tâm duy trì cân nặng cho phù hợp với chiều cao của cơ thể.
Đó vẫn là những biện pháp tốt nhất để làm giảm sự phát triển của bệnh xơ vữa động mạch. Trường hợp vẫn có tình trạng sức khỏe tốt nhưng khám thấy tỷ lệ cholesterol máu cao thì vẫn phải ăn theo chế độ ít chất mỡ.
Đồng thời có thể dùng thuốc hạ cholesterol theo đơn của bác sĩ điều trị.
Đối với người đã bị một cơn đau tim, qua nghiên cứu người ta thấy rằng làm thấp tỷ lệ cholesterol máu vẫn có lợi kể cả tỷ lệ cholesterol vẫn trong giới hạn trung bình ở người khỏe mạnh.
Qua nghiên cứu thấy rằng người ta có thể sử dụng thuốc aspirin để làm giảm các tai biến đông máu ở lớp trong của động mạch bị hư tổn.
Trường hợp có thể bị biến chứng nặng thì người ta khuyên nên điều trị ngoại khoa như tạo hình mạch máu, tạo hình động mạch vành (coronany angioplasty).
Luôn nhớ rằng, một chế độ ăn uống và một lối sống lành mạnh có khả năng làm giảm sự phát triển của bệnh này ở nhiều người.
GS. Lê Sỹ Liêm
Những cách đơn giản bảo vệ xương
Theo nghiên cứu, có tới hơn một nửa những người đang mắc bệnh loãng xương, vẫn chưa được chẩn đoán bệnh. Ở lứa tuổi từ 45 đến 75, trung bình cứ 4 phụ nữ mới có một người đã từng nói chuyện với bác sỹ về bệnh loãng xương (osteoporosis). Trong khi đó ở độ tuổi này, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến bệnh loãng xương là rất cao. Vì thời kỳ hậu mãn kinh, phụ nữ bị thiếu hụt nội tiết tố estrogen, nên chức năng điều hòa hấp thụ can xi vào xương bị suy giảm.
Bệnh loãng xương là tình trạng suy giảm về khối lượng và mật độ xương. Bệnh này đặc biệt hay gặp ở người có tuổi, vì dễ gây ra tình trạng gãy xương khi va chạm, trượt ngã. Tuy nhiên,đây lại là căn bệnh có thể phòng tránh tương đối dễ dàng, nếu chúng ta để ý và biết cách bảo vệ cho hệ thống xương đúng cách.
Dưới đây là một số biện pháp để bảo vệ cho xương rất hữu ích, với chi phí rẻ mà phụ nữ chúng ta, đặc biệt là những người đang có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hay những người gần đến tuổi ngũ tuần nên tham khảo:
1. Hấp thụ đủ can xi và vitamin D: Một nghiên cứu gần đây, trong điều trị bệnh loãng xương cho các phụ nữ thời kỳ hậu mãn kinh cho thấy, có tới 52% số phụ nữ được theo dõi thiếu hụt lượng vitamin D cần thiết, cho dù họ đã được các bác sỹ yêu cầu tăng lượng hấp thụ can xi và vitamin D.
Theo Hiệp Hội Bệnh Loãng Xương Quốc Gia của Mỹ (National Osteoporosis Foundation), mỗi ngày chúng ta nên hấp thụ khoảng 400 đến 800 IU vitamin D. Lượng này còn có thể tăng lên 1000 IU/ngày đối với những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, do lo ngại ung thư da.
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho cơ thể. Vitamin D còn có trong các thực phẩm như: Các sản phẩm sữa, lòng đỏ trứng, cá, gan... Ngoài ra, chúng ta cũng có thể uống bổ sung để đảm bảo đủ lượng vitamin này, đặc biệt với những phụ nữ ở thời kỳ trong và sau mãn kinh.
2. Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục là cách đơn giản nhất, để giữ gìn và tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Trong các loại hình thể dục, có một phương pháp đơn giản với chi phí hầu như bằng không, mà lại hữu ích nhất trong bảo vệ cho xương, đó là đi bộ. Chỉ cần một đôi giầy mềm, vừa vặn và khoảng 30 phút đi bộ mỗi ngày là chúng ta đang giúp cho xương chắc khỏe và duy trì mật độ xương.
Vitamin D có trong sữa
Các loại hình thể dục khác như nhảy dây, lắc vòng hay các phương pháp nhẹ nhàng khác cũng đều mang lại hiệu quả tốt cho cơ thể nói chung, cho hệ thống xương nói riêng. Các hình thức thể dục, thể thao khác cũng rất tốt cho xương, nó không những duy trì mà còn có thể làm tăng mật độ khoáng chất trong xương.
Tuy nhiên, để lựa chọn được hình thức tập luyện phù hợp nhất với lứa tuổi, sức khỏe và tình trạng hệ thống xương thì mỗi người cần được kiểm tra và tư vấn cụ thể của bác sĩ.
3. Kiểm tra “sức khỏe” của xương: Một trong những cách tốt nhất để biết được tình trạng hiện tại của xương, là đo mật độ xương. Phụ nữ từ tuổi trung niên trở đi cần thường xuyên tiến hành các kiểm tra này, đồng thời đừng quên cung cấp các thông tin cần thiết sau (nếu có) cho bác sĩ: Tuổi tác và tình trạng sức khỏe cơ thể hiện tại; có hút thuốc lá không; tiền sử gia đình đã có ai bị bệnh loãng xương không; đã sử dụng thuốc Corticosteroids chưa và thời gian bao lâu; lượng hấp thụ can xi và vitamin D hiện tại; các bệnh hiện có và loại thuốc trị bệnh khác đang sử dụng v.v... Đây là cũng là những cơ sở quan trọng để bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho mỗi người.
Bệnh loãng xương nói riêng và các loại bệnh về xương cốt nói chung, có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, nếu không được quan tâm kịp thời. Vì vậy, mỗi chúng ta theo những cách riêng của mình nên chủ động phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bệnh.
Tại sao về già chúng ta lùn đi? Khi già, chiều cao của hầu hết mọi người đều giảm ít nhất vài centimét so với hồi còn trẻ. Ngoài chứng loãng xương, còn có một nguyên nhân khác khiến cơ thể chúng ta "co" lại.
Một phần cơ thể chúng ta được giữ thẳng đứng bằng cột sống. Một lý do làm chiều cao cơ thể bị giảm, đặc biệt ở phụ nữ, là chứng loãng xương, một căn bệnh mà y học có thể ngăn ngừa và chữa trị được. Loãng xương nghĩa là xương trở nên xốp và yếu đi. Do các xương của cột sống bị trọng lượng cơ thể ép lên nên nó ngắn lại - vì thế mà chiều cao của chúng ta giảm đi.
Nhưng lý do phổ biến nhất cho sự giảm chiều cao lúc về già không phải là bệnh loãng xương. Các đĩa đệm cột sống nằm giữa các đốt xương sống giống như các miếng cao su. Những cái đĩa này co lại một cách tự nhiên và thay đổi hình dạng khi chúng ta già đi - chủ yếu do mô và nước bị mất. Và khi các đĩa này co rút thì các đốt xương sống xích lại gần nhau hơn. Thêm vào đó, cột sống chúng ta không thẳng tắp như một cái que. Thật ra nó là một chuỗi các đường cong ở vùng cổ, phần ngực trên và lưng dưới. Những đoạn cong này của cột sống tăng lên khi chúng ta về già, có thể vì các bắp thịt trở nên yếu hơn. Và các cơ xung quanh cột sống trở nên ít linh hoạt hơn - vì thế thật khó mà đứng thẳng người.
Người già cần những điều gì? Hạnh phúc của người già thường xuất phát từ những điều rất đơn giản.
Cần sự yên tĩnh
Mọi tiếng ồn đều làm cho người già cảm thấy khó chịu và bực bội. Tuy họ không nói ra nhưng con cái cũng cần hiểu sự yên tĩnh là điều rất cần. Trong gia đình phải chú ý bớt nói to, giảm thiểu mọi tiếng ồn từ nhạc, từ tivi... có thể. Sắp xếp một không gian thật yên tĩnh như cửa sổ phải hướng ra phía vườn cây…điều đó là rất tốt với người già.
Cần sự hòa thuận
Liều thuốc tinh thần tốt đối với người lúc về già chính sự hòa thuận trong gia đình. Mọi người phải biết thương yêu, giúp đỡ nhau, chia sẽ những lúc khó khăn, hoạn nạn, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng nhau. Có như vậy người già mới yên tâm để vui sống những quãng đời còn lại của mình - một mong muốn của bất cứ người già nào.
Cần được làm việc
Sau một thời gian cống hiến cho xã hội và cho đất nước, thì lúc này đây chính là thời gian để họ làm những điều mình thích. Hãy để các cụ già lựa chọn những công việc yêu thích. Nhiều khi sự an nhàn cũng không tốt cho sức khỏe các cụ. Nếu bạn bận bịu, hãy để cho các cụ giúp những công việc lặt vặt trong nhà, giúp bạn nuôi dạy con cái. Điều này rất tốt bởi nhiều khi không có gì tốt hơn những kinh nghiệm quý báu đi trước truyền lại, vừa có hiệu quả mà còn có gia phép. Như vậy sẽ làm cho các cụ thấy mình có ý nghĩa, có giá trị cho con cháu.
Cần được kết bạn
Được hàn huyên tâm sự, uống nước với bạn bè cũng là một thú vui của người già. Do đó, bạn nên để các cụ thường xuyên đi chơi và tham gia các hoạt động xã hội ở xã phường. Một chút niềm vui nhiều khi tốt hơn thuốc và cũng để các cụ hoà nhịp vào cuộc sống ngày càng hiện đại.
Người già khi mất bạn đời thường bị cô đơn, hụt hẫng. Xét về lâu về dài "con nuôi cha không bằng bà nuôi ông", nên khi ông bà có suy nghĩ trong việc đi bước nữa, chúng ta cần ủng hộ thay vì phản đối quyết liệt.
Người ăn chay, người già nên bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 rất cần thiết cho duy trì sức khỏe của các tế bào thần kinh và các tế bào máu đỏ. Sự thiếu hụt vitamin này có thể gây ra các triệu chứng bệnh khó nhận thấy bao gồm mệt mỏi và chóng mặt nhẹ, nặng hơn là bị tổn hại thần kinh, bệnh thiếu máu và chứng mất trí. Sự thiếu hụt vitamin B12 xảy ra ngày càng phổ biến hơn, và các chuyên gia đã khuyên những người dễ có nguy cơ thiếu vitamin này nhất - người lớn tuổi và người ăn chay - nên bổ sung đủ vitamin B12.
Theo nghiên cứu tại Anh, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B12, não có thể bị teo.
107 tình nguyện viên (tuổi từ 61 - 87) đã tham gia vào nghiên cứu. Tất cả đều có nhận thức bình thường và đều đã từng trải qua các kỳ kiểm tra sức khỏe thường niên, chụp cộng hưởng từ, các bài test về nhận thức và lấy mẫu máu. Lượng vitamin B12 càng thấp thì thể tích não càng giảm. Những người có mức vitamin B12 thấp nhất thì cũng bị giảm tới 1/6 thể tích não so với những người có nồng độ vitamin B12 trong cơ thể cao nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa rõ mức vitamin B12 có phải là nguyên nhân làm suy giảm nhận thức do liên quan tới thể tích não hay ko? “Có rất nhiều yếu tố cho thấy những ảnh hưởng đối với sức khỏe của bộ não luôn vượt ra khỏi tầm kiểm soát nhưng nghiên cứu này lại chỉ ra rằng chỉ cần quan tâm tới chế độ ăn hằng ngày, nạp đủ lượng vitamin B12 từ các thực phẩm như thịt, cá, ngũ cốc nguyên cám hay sữa là đủ để ngăn ngừa chứng teo não và giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn”, Anna Vogiatzoglou, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hiện tượng teo não liên quan với căn bệnh Alzheimer và tình trạng suy giảm trí nhớ. Theo nghiên cứu, tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin B12 luôn khá phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là người già. Vì thế, hãy luôn chú ý tới chế độ ăn giàu vitamin này, bao gồm: thịt, cá, sữa và ngũ cốc nguyên cám.
Theo bác sĩ Anthony L. Komaroff, giáo sư y khoa tại Trường ĐH Y Harvard ở Boston thì đã có một thời gian các bác sĩ cho rằng sự thiếu hụt vitamin B12 chỉ có một biểu hiện duy nhất là tình trạng bất thường được gọi là chứng thiếu máu nguy hiểm. Những người mắc chứng bệnh này bị thiếu một protein được gọi là nhân tố bên trong có vai trò giúp ruột hấp thu vitamin B12.
Nhưng điều này đã trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây, và sự thiếu vitamin B12 trở thành một vấn đề phổ biến hơn.
Vitamin B12 trong tự nhiên chỉ có ở các sản phẩm chế biến từ động vật gồm thịt, gia cầm, cá và một số ít có trong trứng và bơ sữa. Do đó, những người ăn chay, đặc biệt là người ăn chay trường - những người tránh ăn các sản phẩm làm từ động vật, trong đó có cả bơ sữa -có thể bị thiếu vitamin này.
Tương tự như vậy là những người lớn tuổi (trên 50 tuổi), sự giải phóng axit tiêu hóa bị ngăn cản ở dạ dày. Komaroff giải thích, axit trong dạ dày rất cần thiết cho việc “giải phóng” vitamin B12 từ thức ăn, dẫn đến khả năng hấp thu vitamin B12 kém. Nghiên cứu cho thấy có 1 trong 5 người cao tuổi ở Mỹ (những người trên 60 tuổi) có lượng B12 trong máu thấp.
Do đó, đối với những người ăn chay và người cao tuổi, việc bổ sung vitamin B12 là rất quan trọng, bao gồm cả việc dùng đa vitamin và tăng cường ngũ cốc. Những phụ nữ ăn chay nuôi con bằng sữa mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến việc cung cấp đủ vitamin B12. Thiếu vitamin B12 từ khi còn bé sẽ gây ra các tổn thương không thể thay đổi được ở hệ thần kinh và các vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến sự tăng trưởng của trẻ. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ được khuyên dùng 2,8g B12 mỗi ngày, và người già được khuyên nên dùng 2,4g B12 mỗi ngày.
(Theo Reuters)
Cẩn thận với bệnh gan ở người cao tuổi
Người cao tuổi khi bị bệnh gan thường khó điều trị và khó phục hồi hơn ở người trẻ. Biểu hiện bệnh và phương pháp điều trị cũng khác nhau tùy lứa tuổi. Lưu lượng máu qua gan, kích thước gan và khả năng phục hồi của gan giảm dần theo tuổi. Sự suy giảm này biểu hiện: giảm chức năng gan, suy giảm khả năng phục hồi của gan sau các bệnh viêm gan do virut, suy gan kịch phát và viêm gan do thuốc.
Những thay đổi sinh hóa và tế bào ở bệnh nhân gan cao tuổi
Virus viêm gan A.
Gan ít bị ảnh hưởng của quá trình lão hóa hơn các cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên theo thời gian, chức năng gan, tế bào gan bị suy giảm dần. Tế bào gan không những giảm dần khả năng sản xuất các protein gan mà còn tích lũy các protein bất thường như: glucose-6-phosphate dehydrogenase, phosphoglycerate kinase, NADP cytocrome c reductase, aminoacyl-tRNA synthetase, superoxide dismutase, lipofuscin (gây rối loạn quá trình sinh hóa xảy ra trong tế bào gan). Tế bào gan ít nhạy cảm với insulin và corticosteroid, do đó giảm giải mã và tổng hợp protein. Những thay đổi tổ chức học ở tế bào gan người cao tuổi bao gồm: tăng kích thước tế bào, tăng số lượng nhân bất thường, tăng tần số bất thường nhiễm sắc thể, tăng khối lượng và số lượng các lysosomes. Những thay đổi về chuyển hóa thuốc: giảm thải trừ các loại thuốc được chuyển hóa qua gan bởi hệ thống cytochrome-P 450 như: midazolam, phenytoin, propanolol, acetaminophen. Tuy nhiên hoạt tính men của cytochrome P-4503A và P4502E 1 không thay đổi theo tuổi; vì thế người cao tuổi cũng có thể nhạy cảm với các thuốc gây độc cho gan như: acetaminophen và ethanol. Thành phần cholesterol của mật gia tăng theo tuổi cũng như chỉ số tạo sỏi, do kết hợp giữa sự gia tăng bài tiết cholesterol và giảm sản xuất acid mật. Tỷ lệ sỏi mật gia tăng theo tuổi, biến chứng của bệnh sỏi mật sẽ diễn tiến nặng.
Đặc điểm một số bệnh gan ở người cao tuổi
Viêm gan virut cấp tính: Ở người cao tuổi, viêm gan do virut cấp tính biểu hiện thầm lặng, kéo dài, diễn biến nặng hơn người trẻ có thể do giảm khả năng miễn dịch.
Viêm gan A: Ít gặp ở người cao tuổi do tính miễn nhiễm cao. Song tỷ lệ tử vong lại gia tăng theo tuổi: độ tuổi 15-39 là 0,4%, nhưng trên 40 tuổi là 1,1% và trên 65 tuổi là 4%.
Viêm gan B và D: Cũng ít gặp ở người cao tuổi. Biểu hiện bệnh thường liên quan đến đường mật, bệnh lâu hồi phục. Thời gian HBsAg chuyển âm tính thường dài hơn và nguy cơ tiến triển thành bệnh gan mạn tính cao. Người cao tuổi không đáp ứng tốt với chủng ngừa viêm gan B, rất có thể do có sự giảm các tế bào sinh kháng thể B. Do đó ở người cao tuổi phải chủng ngừa viêm gan B liều cao mới có kết quả.
Viêm gan virus mạn tính: Tiến triển viêm gan virut mạn tính B và C ở người cao tuổi tương tự như các lứa tuổi khác. Nhưng cần lưu ý rằng xét nghiệm HBeAg âm tính và/hoặc nồng độ HBV DNA huyết tương thấp, chứng tỏ sự sao chép virut ở bệnh nhân cao tuổi kém hơn, nên có thể giảm điều trị bằng thuốc kháng virut. Việc phối hợp peginterferon và ribavirin trong điều trị viêm gan C mạn tính cho kết quả tốt ở người trẻ nhưng lại giảm dung nạp thuốc ở bệnh nhân cao tuổi, mặt khác những tác dụng phụ do interferon, thiếu máu do ribavirin có tác động xấu. Viêm gan mạn tính B và C có nguy cơ phát triển ung thư tế bào gan (HCC), vì sự phát triển HCC tương quan với thời gian viêm gan mạn tính nên bệnh nhân xơ gan cao tuổi do viêm gan B hoặc C mạn tính phải được kiểm tra định kỳ siêu âm gan và tìm alphafetoprotein 6 tháng/lần.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số, hay gặp ở người béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, trong đó khoảng 10% tiến triển đến xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Bệnh gan tự miễn: Viêm gan tự miễn điển hình thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên. Điều trị thường khó khăn do tác dụng phụ của việc dùng corticoid kéo dài ở phụ nữ sau mãn kinh, vì họ đã có sẵn nguy cơ cao các bệnh loãng xương, béo phì, tăng huyết áp, glaucome...
Bệnh gan chuyển hóa: Hereditary hemochromatosi (bệnh gan ứ sắt) thường gặp ở bệnh nhân nữ trên tuổi 65, có triệu chứng: mệt mỏi, tiểu đường, lãnh cảm, viêm khớp, thiếu hụt men alpha-1 antitrypsin. Thiếu men alpha-1 antitrypsin có thể là nguyên nhân của 5% bệnh nhân trên 65 tuổi bị xơ gan.
Biến chứng xơ gan ở người cao tuổi: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, biểu hiện thường là chảy máu ồ ạt do vỡ tĩnh mạch thực quản và là nguyên nhân tử vong. Việc phục hồi sau khi có cổ trướng, xuất huyết thường khó và hay tái phát, khả năng sống thấp. Ung thư tế bào gan thường khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao.
ThS. Bùi Hữu Thời
10 điều kỳ lạ về cơ thể Cơ thể con người là một cỗ máy trơn tru tuyệt vời, với các chuyển động nhịp nhàng và chính xác, tạo nên mọi thứ từ ký ức tới nước nhầy. Còn rất nhiều bí ẩn phức tạp mà chúng ta chưa biết hết về cơ thể, trong đó có cái đáng yêu mà cũng có những thứ kinh dị.
Bụng của bạn tiết ra chất axit gây hủy diệt
Có một thứ chất lỏng nguy hiểm mà không một biện pháp an ninh nào có thể tịch thu từ bạn, bởi nó nằm trong ruột. Các tế bào trong bụng tiết ra axit clohydric, một hợp chất phân hủy thường được sử dụng để xử lý kim loại trong thế giới công nghiệp. Nó có thể làm mềm nhũn sắt thép, nhưng lớp chất nhày trong thành bụng đã giữ thứ chất lỏng độc hại này nằm an toàn trong hệ tiêu hóa, để phân hủy các bữa ăn.
Vị trí cơ thể tác động tới ký ức
Bạn không thể nhớ ngày mình ngỏ lời cầu hôn với nàng? Hãy thử quỳ xuống. Ký ức mang tính biểu tượng rất cao trong các giác quan của chúng ta. Một hương thơm hay một âm thanh có thể gợi nhớ nên cả một quãng tuổi thơ. Một nghiên cứu mới đã cho thấy quá khứ sẽ được nhớ lại nhanh hơn và tốt hơn nếu cơ thể ở trong đúng vị trí như tư thế mà chúng ta thực hiện hành vi đó trong quá khứ.
Xương bị gãy để cân bằng khoáng chất
Ngoài nhiệm vụ nâng đỡ các quan quan nội tạng và các bộ cơ, xương còn giúp điều phối hàm lượng canxi. Xương bao gồm cả canxi và phốt pho, trong đó canxi rất cần thiết cho cơ và tế bào thần kinh. Nếu thiếu đi thành phần này, một số hoóc môn sẽ khiến xương bị gãy nhằm gia tăng hàm lượng canxi trong cơ thể cho đến khi đạt được mật độ phù hợp.
Phần lớn thức ăn phục vụ não
Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng số cân nặng cơ thể, bộ não cần tới 20% lượng oxy và calo của cơ thể. Để giữ cho bộ não luôn nhận được nguồn lực đầy đủ, 3 động mạch chính thường xuyên bơm oxy lên não. Khi một trong những đường cung cấp này bị tắc hay vỡ khiến tế bào não thiếu năng lượng cần thiết để hoạt động, sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ.
Hàng nghìn quả trứng không được sử dụng đến
Khi một người phụ nữ đạt đến tuổi 40 hoặc 50, chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng kiểm soát hàm lượng hoóc môn và buồng trứng để sẵn sàng cho việc thụ tinh bị dừng lại. Buồng trứng của người phụ nữ sẽ sản xuất ít dần đi estrogen, và gây ra những thay đổi tình cảm và thể chất trên toàn bộ cơ thể. Những quả trứng chưa được phát triển sẽ bắt đầu rụng ít dần đi. Trung bình một cô gái dậy thì có 34.000 quả trứng chưa phát triển, mặc dù chỉ có khoảng 350 trong số đó là trưởng thành trong toàn bộ quãng đời (với tỷ lệ trung bình 1 quả/tháng). Những quả trứng không được dùng đến sẽ bị teo hết đi.
Tuổi dậy thì thay đổi cấu trúc não
Chúng ta biết rằng những thay đổi do hoóc môn mang lại là cần thiết cho sự phát triển và giúp cho cơ thể sẵn sàng để sinh sản. Nhưng vì sao tuổi dậy thì lại gây ra những biến đổi cảm xúc không mấy dễ chịu? Hoóc môn như testosterone tác động lên sự phát triển thần kinh trong não, và những thay đổi ở cấu trúc não lại gây ra những thay đổi trong hành vi. Chẳng hạn, các vùng trong vỏ não trước trưởng thành sẽ gây ra sự ngượng nghịu trong tình cảm, khả năng quyết định kém, cùng với sự chểnh mảng, bất cần.
Lông mũi để truyền dịch nhày
Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều có lông mao để thực hiện một số chức năng, từ tiêu hóa tới nghe ngóng. Trong mũi, lông mao giúp dẫn chất nhày từ khoang mũi xuống cổ họng. Trời lạnh làm chậm quá trình dẫn nước khiến chất nhày ứ lại làm bạn bị thò lò mũi xanh. Màng nhầy trong mũi đậm đặc cũng gây ra tình trạng ngạt mũi.
Răng khôn "lợi bất cập hại"
Sự tiến hóa không hề hoàn hảo. Nếu nó hoàn hảo thì chúng ta đã có cánh thay vì răng khôn. Đôi khi những đặc điểm vô dụng vẫn ở lại với các loài bởi nó chẳng gây hại gì. Nhưng răng khôn thì lại gây rất nhiều phiền toái cho con người, thậm chí là phẫu thuật. Từ lâu lắm rồi, răng khôn có chức năng nhai nghiền thịt sống. Nhưng khi bộ não chúng ta phát triển và xương hàm được cấu trúc lại, răng khôn trở nên thừa thãi khiến chúng ta có cái miệng chật ních răng mà đôi khi lại tốn tiền nhổ đi.
Thế giới cười với bạn
Nhìn thấy ai ngáp cũng khiến bạn ngáp theo, tương tự với nụ cười. Một bằng chứng mới cho thấy tiếng cười là một đầu mối để xã hội bắt chước nhau. Nghe thấy tiếng cười kích thích vùng não gắn liền với cử động mặt. Sự bắt chước đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội. Những đầu mối như hắt hơi, cười, khóc và ngáp là một cách để tạo ra sự gắn kết xã hội trong một nhóm.
Da của bạn có 4 màu
Da của bạn có thể là màu trắng ngà. Những mạch máu gần trên bề mặt bổ sung thêm nét đỏ. Màu vàng cũng điểm tô cho bức tranh. Và cuối cùng, các sắc tố sẫm, do phản ứng với tia cực tím, tạo nên màu đen ở những mảng lớn. 4 sắc màu này trộn lẫn ở các tỷ lệ khác nhau tạo nên màu da của mọi người trên trái đất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét