Sáng nay bạn tui chợt khuyên tui: Mày hãy bỏ hết mấy căn nhà đang ở hay "đầu tư" đi mà xin vào ở khu dưỡng lão hay senior living house cho khoẻ trí, rảnh nợ... Khi ra đi, hột nút còn lắc lại, chỉ còn 2 bàn tay trắng thì lo nghĩ, bon chen, tham sân si gì nữa? Nhìn nó sống thoải mái, bên cạnh la liệt những lọ thuốc: "Đông trùng hạ thảo", nấm linh chi, Milk Thistle, Tongkat Ali...; tự dưng tôi muốn bắt chước nó, sống như vậy mà khoẻ!
Những lời khuyên đơn giản, bổ ích đối với người cao tuổi
Các bác sĩ cho biết người cao tuổi và sự đau yếu không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Điều quan trọng là phải duy trì một cách sống hợp lý, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bị bệnh thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa khám sức khỏe để biết được nguyên nhân và tìm ra cách điều trị tốt nhất. Các bác sĩ và chuyên gia khoa học đã đưa ra những lời khuyên đơn giản và rất bổ ích cho mọi mặt của cuộc sống người cao tuổi.
Chế độ ăn uống
Giữ chế độ ăn đúng giờ, ngày 3- 4 bữa ăn nhẹ.
Bớt dùng thịt đỏ (bò, lợn, chó…) thịt khô, đồ nướng, đồ hộp, chất bột, dầu mỡ, bơ, muối mắm, bột ngọt, ớt cay, hạt tiêu, đường và sữa béo. Không ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống và cơm bụi (quán chợ hay hè phố). Tăng cường ăn chất xơ, rau sạch, củ, quả tươi.
Uống nhiều nước buổi sáng. Dùng nước lọc hoặc chè tươi, nước vối, chè nụ. Không uống nước lã và nước quá lạnh.
Tránh ăn đêm, uống rượu mạnh, chè đặc, cà phê, giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào.
Không kiêng khem quá gắt gao làm khó cho mình và gia đình.
Trang phục
Mặc áo quần vải rộng, thoáng mát mùa hè và đủ ấm mùa đông. Không mặc đồ ẩm ướt.
Tránh mặc hoặc mang các thứ nặng nề, rối rắm, khó đóng mở.
Không dùng giày dép chặt hoặc cao gót. Dùng bít tất vừa chân và hút được mồ hôi. Ra nắng phải đội mũ. Mùa rét có mũ ấm, găng tay, khăn quàng.
Sinh hoạt
Cố gắng tập thể dục đều đặn, dưỡng sinh (khí công, yoga, thái cực quyền…), đi bách bộ. Chơi những môn thể thao vừa sức.
Duy trì lao động nhẹ nhưng phải từ từ và vừa sức mình, không nhấc các vật nặng như xô nước đầy, chậu cây cảnh, tivi, xe máy…
Nếu đi lại được thì hàng ngày phải ra khỏi nhà để tiếp xúc với cây xanh, môi trường sạch đẹp và trẻ em, bạn bè. Tránh nắng to và mưa, gió mạnh. Nên đại tiện đúng giờ giấc vào mỗi buổi sáng. Không rặn mạnh kể cả khi tiểu tiện. Nhà vệ sinh, phòng riêng nên có điện thoại, bình chữa cháy, nến, diêm hoặc đèn pin và dùng cửa ngăn bằng kính để có thể đập vỡ trong trường hợp khẩn thiết.
Phải giữ vệ sinh thiết yếu cho cơ thể và phòng ngủ của mình. Cửa sổ có rèm che. Chỉ dùng lò sưởi, quạt điện hoặc máy lạnh khi thật sự cần.
Uống ít nước vào buổi tối. Tối ngủ sớm, sáng dậy sớm. Không nên băn khoăn vì mơ nhiều hay mất ngủ, nhưng nếu ngủ không đủ 5 tiếng một ngày thì phải hỏi bác sĩ.
Nên ngủ thêm giấc ngắn vào buổi trưa, nhất là vào mùa hè. Cần có nơi tắm kín gió, khăn bông khô và máy sấy tóc. Tắm không lâu quá 10 phút. Không tắm và gội đầu ban đêm.
Giảm bớt các đồ điện và vật sắc nhọn trong phòng. Nên dùng đồ tre gỗ.
Thay kính lão và kính râm phù hợp thị lực. Trong nhà phải có đủ ánh sáng. Bớt xem truyền hình, nên nghe đài, đọc sách, nói chuyện, đi bộ hoặc chăm sóc cây cảnh, chim, cá...
Đi nhẹ, nói khẽ, tránh bậc thang cao và đường dốc quá. Không đi xe máy hai bánh.
Tránh xúc động mạnh. Không tranh luận vô bổ. Không xem phim kinh dị, bạo lực. Không nghe nhạc kích động hoặc sướt mướt, thê lương. Nên kết bạn, tập tành chung, giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong một nhóm nhỏ những người cao tuổi hợp với mình.
Chăm sóc y tế
Trong nhà phải có tủ thuốc gia đình để ở chỗ ai cũng nhìn thấy dễ dàng. Thiết lập đường dây liên lạc thuận tiện với con cái, bác sĩ và bạn thân. Có sẵn số điện thoại của họ và điện thoại cấp cứu. Áp dụng các biện pháp sơ cấp như bôi dầu gió, xoa rượu thuốc, ngâm chân hoặc chườm nước nóng, đấm bóp (tẩm quất), bấm huyệt, châm cứu, thở sâu, yoga, thiền định…
Không tự dùng thuốc lạ hoặc các cách chữa bệnh theo lời mách của những người k h ô ng chuyên môn.
K h ô n g dùng chung kim châm cứu và tiêm. Nên trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp… và ghi lại kết quả đo để theo dõi sức khỏe được liên tục, dễ phát hiện sự bất thường.
Lưu ý những gì khiến cơn đau giảm và những gì khiến cơn đau tăng, dù chỉ là cơn ho nhẹ.
Đánh giá mức độ cơn đau trên thang điểm 10 và thông báo cho bác sĩ, sau đó tiếp tục ghi lại những lần bị đau. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người có chuyên môn và kinh nghiệm xử lý cơn đau. Trao đổi kỹ càng, chính xác, trung thực với bác sĩ về những biện pháp khống chế cơn đau, bao gồm các loại thuốc hay thảo dược.
Giữ cẩn thận tất cả các phiếu xét nghiệm, chẩn đoán và đơn thuốc với ngày khám, chữ ký, tên họ, địa chỉ và số điện thoại chính xác của bác sĩ khám bệnh cho mình. Nếu có điều kiện thì tránh xa các nơi ẩm ướt, ồn ào, vội vã, bụi bặm, đầy rác rưởi, khí thải độc hại và tàu xe nguy hiểm. Hàng năm nên điều dưỡng ở suối nước nóng, tắm bùn.
Không lạm dụng thuốc quá liều lượng, dù là mật gấu, sừng tê giác, nhân sâm, linh chi, cao hổ cốt, đông trùng hạ thảo hay các thực phẩm chức năng và biệt dược đắt tiền.
Phòng ngừa đột tử ở người cao tuổi trong mùa hè
Thời tiết oi bức của mùa hè làm tăng đáng kể các ca đột tử, nhất là với người cao tuổi. Các bệnh dẫn đến tử vong đột ngột thường là bệnh tim mạch, bệnh phổi, rối loạn điện giải do nắng nóng...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột tử:
Bệnh tim mạch: Như nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim và tăng huyết áp... Các bệnh này dễ gây suy tim, loạn nhịp tim và dẫn đến đột tử. Những người bị nhồi máu cơ tim có tỷ lệ đột tử cao gấp 10 lần người bình thường.
Bệnh phổi mạn tính: Hen phế quản ác tính dẫn đến suy hô hấp cấp tính.
Rối loạn thể dịch: Như mất máu nặng, rối loạn điện giải...
Phản ứng quá mức của cơ thể: Như phản xạ thần kinh phế vị (thần kinh chi phối hoạt động của phổi và dạ dày).
Đối với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thì điều quan trọng phải biết cấp cứu ban đầu rồi gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trường hợp này phải được theo dõi chặt chẽ và có cách điều trị thích hợp.
Người có bệnh tăng huyết áp cần được điều trị kịp thời và kiểm tra thường xuyên huyết áp để ngăn ngừa các cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới suy tim, loạn nhịp, đột tử.
Người bệnh hen cần có thuốc và phương tiện trợ hô hấp khi có cơn hen ác tính. Nói chung, những người bị bệnh trên cần biết cách theo dõi và có thuốc cấp cứu bên mình để phòng tình huống nguy hiểm xảy ra.
Những người nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu thì nên cai vì trong thuốc lá có tới hơn 4.000 loại chất độc. Đặc biệt, nghiện thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành và bệnh phổi tắc nghẽn. Còn rượu làm tăng huyết áp, giãn cơ tim, có nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim và đột tử.
Việc tăng cường hoạt động thể lực cũng làm giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tử vong đột ngột. Đối với người đã bị bệnh tim mạch, cách luyện tập tốt nhất là đi bộ.
Bất cứ ai cũng có thể bị đột tử nếu không biết mình có bệnh gì. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ là phương pháp phòng ngừa đột tử triệt để nhất.
Người cao tuổi và những hội chứng thường gặp
PGS.BS. Hà Văn Ngạc
Một số hội chứng hay gặp khi đã có tuổi, làm cho họ băn khoăn lo lắng, ít nhiều đều có ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bị những hội chứng này nên đi khám bệnh, báo cho bác sĩ biết để được điều trị kịp thời.
Suy tuần hoàn não
Mạch xơ cứng đưa máu lên não kém có những biểu hiện: hay quên, quên tên người quen, quên những việc gần nhưng lại nhớ những chuyện đã rất xa xưa hồi còn niên thiếu. Thường gọi là quên gần, nhớ xa, ù tai, hoa mắt, chóng mặt nhất là khi ngồi dậy hoặc đứng dậy. Tập trung tư tưởng lâu không được, dễ đau đầu, thay đổi tính tình, dễ xúc động, ngủ ít, giấc ngủ không đều.
U phì đại tuyến tiền liệt
Đi tiểu khó, tiểu lâu, tiểu không hết, có khi tiểu buốt, nhịn tiểu không được lâu, tia nước tiểu nhỏ, chẻ đôi, ngắt quãng.
Thiểu năng mạch vành tim
Hoặc có cơn đau ngực điển hình: đau nhói vùng tim (ngực trái), xiên lên hàm, xiên ra tay trái, thường kèm theo khó thở. Đau thường xảy ra lúc làm việc nặng (lên cầu thang, mang nặng) nhưng cũng có thể đau về đêm lúc đang ngủ phải thức dậy vì đau ngực trái. Người mập, người tăng huyết áp thường hay bị, nhưng người gầy có cholesterol cao cũng bị. Hoặc không có những cơn đau điển hình mà chỉ điện tim mới phát hiện được.
Thoái hóa các khớp
Thường là cột sống, 2 khớp gối, các khớp đốt ngón tay. Hay đau vào buổi sáng ngủ dậy, đau, cử động rất khó khăn, vận động một lúc giảm đau dần và hết đau trong ngày, đêm nằm nghỉ không đau. Khi cử động khớp gối có tiếng lục cục.
Đau vai, cánh tay
Đau khớp vai, lan xuống cánh tay, bóp mạnh cơ thì dễ chịu. Đau âm ỉ, hạn chế cử động cánh tay, khi bất ngờ làm một động tác nhẹ cử động cánh tay có thể rất đau. Đau một bên vai và có thể cả vai bên kia đồng thời hoặc trước hoặc sau. Thường lúc đầu đau nhẹ, dần dần đau giảm và tự hết sau 8 tháng đến một năm. Không để lại di chứng, lúc mới đau bao giờ cũng cần khám bác sĩ để chụp X-quang khớp vai và phổi (để phòng bỏ sót ung thư đỉnh phổi).
Rối loạn tiền và sau mãn kinh ở phụ nữ
Có những cơn bốc nóng lên mặt trong ngày và có khi trong đêm; thường vào giờ nhất định vào ban đêm, cơn vã mồ hôi. Có những cơn tăng huyết áp bất thường nên đi khám nhưng không nên hốt hoảng, có thể một thời gian rồi khỏi.
Viêm bàng quang ở phụ nữ sau mãn kinh
Thường bị từng đợt tiểu rát, tiểu bốt do bị nhiễm khuẩn, cần đi khám.
Tóm lại sức khỏe tạo ra mọi nguồn vui khác. Biết cách giữ gìn sức khỏe là một điều cần thiết cho mọi người, đặc biệt là cho người cao tuổi. Bây giờ là lúc chúng ta, lớp người cha ông làm lại những điều mà chúng ta đã từng nhắc nhở con cháu khi xưa: tập ăn, nằm, ngồi, nghỉ để bản thân chúng ta có thể bền bỉ dẻo dai, ít ốm đau, giúp kéo dài tuổi thọ. Đối với tuổi già, không có một niềm vui nào lớn hơn là sống khỏe mạnh, sống lâu và sống có ích.
Phòng tránh ngã tại nhà cho người cao tuổi Ngã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần, gây giảm khả năng tự lập của người già, tăng nhu cầu cần chăm sóc. đặc biệt người cao tuổi ngã có thể dẫn tới cái chết do hậu quả trực tiếp của ngã hay các biến chứng.
Tuổi thọ cao đi đôi với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật cho người cao tuổi cũng tăng lên. Người cao tuổi rất dễ bị bệnh tật tấn công vì cỗ máy thời gian đã bào mòn và gặm nhấm sức khỏe của họ, người cao tuổi còn dễ bị chấn thương do nguyên nhân ngoài ý muốn như ngã trong sinh hoạt hằng ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 28% - 35% người trên 64 tuổi bị ngã hằng năm, nếu trên 70 tuổi tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều, tới 42%.
Tại sao người cao tuổi lại dễ bị ngã?
Người cao tuổi cần tham gia tập luyện các bài tập phù hợp để tăng cường sức mạnh cơ xương.Người cao tuổi dễ bị ngã do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do sức khỏe giảm sút, các cơ quan bị giảm chức năng (cơ teo yếu, khớp thoái hóa, biến dạng, rối loạn dáng đi...); rối loạn thăng bằng, giảm đáp ứng, sa sút trí tuệ..., giảm thị lực, rối loạn tiểu tiện, người già hay bị ốm, hồi phục sức khỏe chậm; người già phải dùng quá nhiều thuốc (thuốc hạ huyết áp, an thần...). Các yếu tố khách quan khiến người cao tuổi dễ ngã như nền trơn, thiếu ánh sáng, vấp, bậc thềm, thảm lau chân... Các vị trí người cao tuổi dễ bị ngã như trong nhà tắm, cầu thang, nền nhà, xuống giường, ghế, bậc và các vị trí bên ngoài nhà.
Phòng tránh ngã cho người cao tuổi như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngã có thể phòng tránh được bằng nhiều sự can thiệp phối hợp như thay đổi môi trường cho phù hợp với sức khỏe người cao tuổi; tập luyện giúp cải thiện thăng bằng, dáng đi khỏe cơ - xương khớp; điều trị bệnh phối hợp, chọn thuốc hợp lý cho người cao tuổi; hướng dẫn và khuyến khích sử dụng dụng cụ trợ giúp di chuyển khi cần thiết. Trong đó thay đổi môi trường và tập luyện là hai biện pháp đầu tiên, bản thân người cao tuổi và gia đình của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng tránh ngã để giúp loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây ngã cho người cao tuổi tại nhà.
Thay đổi môi trường
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ, bổ sung độ an toàn trong gia đình đảm bảo yêu cầu chống trơn chống trượt, chống vấp, cụ thể: Nhà tắm, nền nhà cần được lát gạch chống trơn, dùng thảm chùi chân có chống trơn. Nhà tắm, vệ sinh nên ở gần phòng ngủ. Nhà cửa gọn gàng, không thả súc vật nuôi như chó, mèo trong nhà, nền nhà giữ luôn khô ráo.
Bổ sung tay vịn cầu thang, đủ ánh sáng. Trong phòng ngủ cần gọn gàng, đủ ánh sáng. Đồ dùng như kính, điện thoại để ở nơi dễ lấy, dễ cầm. Nên sử dụng hố xí bệt cho người cao tuổi; xí bệt cần có tay vịn, khi cần thiết có thể nâng độ cao của xí bệt để người già dễ sử dụng. Dùng giày dép phù hợp, hướng dẫn và khuyến khích sử dụng dụng cụ trợ giúp để đi lại khi cần thiết.
Người cao tuổi không nên đi giày dép cao, nên chọn dùng các loại dép đế bằng, có nhiều ma sát, mềm phù hợp với chân vì người cao tuổi rất hay có vấn đề về bàn chân như loét, chai chân, thoái hóa khớp đặc biệt ngón chân cái.
Dụng cụ trợ giúp đi lại cần được sử dụng trong các trường hợp cần thiết như mất thăng bằng, mắt kém, đau khớp, cơ yếu teo, bệnh parkinson. Dụng cụ trợ giúp đi lại như gậy, khung đi, xe lăn. Cần nhớ rằng gậy chỉ giúp cải thiện yếu tố tâm lý, không giúp chịu trọng lực cho cơ thể. Hiện nay có loại gậy 3-4 chân rất hữu ích cho người cao tuổi đi lại, trợ giúp cả chịu lực và thăng bằng. Khung đi trợ giúp chịu lực và thăng bằng cho cơ thể. Khi người cao tuổi phải sử dụng dụng cụ trợ giúp đi lại, gia đình nên cho các cụ ở tầng thấp, không được leo thang (đặc biệt với khung đi), một số trường hợp cần có người giám sát hoặc cần trợ giúp.
Tập luyện để phòng tránh ngã cho người cao tuổi
Mục đích tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi. Qua nhiều nghiên cứu trên thế giới, thái cực quyền là bài tập rất có hiệu quả để phòng tránh ngã cho người cao tuổi, bài tập này phù hợp với sức khỏe người cao tuổi. Tập thăng bằng (đứng trên một chân, ngồi trên bóng...), đạp xe, tập đi, tập dưới nước. 4-6 tháng đầu tập 3-5 buổi/tuần, sau duy trì tuần 1-2 buổi. Có thể tập cá nhân hoặc tập thể. Tuy nhiên, tốt nhất trước khi tập người cao tuổi cần khám sức khỏe để được tư vấn hình thức tập nào là phù hợp với bản thân.
ThS. BS. Ngân Thị Hồng Anh
Trị chứng tiểu đêm ở người cao tuổi
Trong những biến đổi sinh lý của người cao tuổi thì tình trạng đi tiểu đêm rất phổ biến. Giấc ngủ của người cao tuổi thường ngắn hơn so với người trẻ, và ở nhiều người điều đó còn bị chi phối do buồn đi tiểu nhiều lần trong đêm, đây là một khó khăn cho cuộc sống người cao tuổi. Chứng bệnh này đối với đàn ông cao tuổi không đơn thuần là sự giảm khả năng phản xạ thần kinh mà còn có thể là biểu hiện của những nguy cơ khác.
Bữa tối người cao tuổi nên uống ít nước.Đi tiểu là một nhu cầu bình thường của cơ thể
Ở người bình thường, dung tích bàng quang từ 300- 400ml, khi nước tiểu bài tiết từ thận xuống đầy bàng quang cơ thể sẽ có phản xạ cần đi tiểu. Tuy nhiên, đi tiểu là một động tác mang hai tính chất: phản xạ và theo sự điều khiển của con người. Phản xạ là khi dung tích bàng quang đầy thì cần được phóng thích nhưng vì lý do chưa thuận tiện, chưa muốn đi tiểu thì lập tức não sẽ ức chế không cho bàng quang co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài. Theo nhịp sinh học, khi ngủ thì bàng quang cũng nghỉ, dù rằng đã đầy nước tiểu, điều này có được là nhờ sự ức chế tự động của não. Ở một số trẻ em, hiện tượng đái dầm có thể do sự ức chế này của não chưa phát triển hoàn thiện. Vì sao đàn ông cao tuổi bị chứng tiểu đêm?Ở người bình thường, dung tích bàng quang từ 300- 400ml, khi nước tiểu bài tiết từ thận xuống đầy bàng quang cơ thể sẽ có phản xạ cần đi tiểu. Tuy nhiên, đi tiểu là một động tác mang hai tính chất: phản xạ và theo sự điều khiển của con người. Phản xạ là khi dung tích bàng quang đầy thì cần được phóng thích nhưng vì lý do chưa thuận tiện, chưa muốn đi tiểu thì lập tức não sẽ ức chế không cho bàng quang co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài. Theo nhịp sinh học, khi ngủ thì bàng quang cũng nghỉ, dù rằng đã đầy nước tiểu, điều này có được là nhờ sự ức chế tự động của não. Ở một số trẻ em, hiện tượng đái dầm có thể do sự ức chế này của não chưa phát triển hoàn thiện. Vì sao đàn ông cao tuổi bị chứng tiểu đêm?
Nếu ban đêm phải thức dậy nhiều lần đi tiểu, có thể do những yếu tố sau: Cơ chế ức chế của não đối với phản xạ ở bàng quang bị suy giảm, tính nết, hành vi của người cao tuổi trở nên giống con trẻ; Xuất hiện sự phì đại ở tuyến tiền liệt với các u lành (phì đại tuyến tiền liệt thường do u lành, hiếm gặp u ác tính). Tiền liệt tuyến nằm ở ngay đáy bàng quang và bao bọc niệu đạo, khi tuyến này xuất hiện các u phì đại sẽ chèn ép cổ bàng quang gây tiểu khó và tiểu không hết nên bàng quang rất chóng đầy. Hơn nữa, tình trạng giãn các tĩnh mạch ở đây làm giảm sự lưu thông máu tại tiền liệt tuyến, gây ra phù nề niêm mạc tại vùng cổ bàng quang.
U lành tiền liệt tuyến thường phát triển chậm và âm ỉ, nó có thể chung sống hòa bình với người bệnh hàng vài chục năm với điều kiện nó không làm người bệnh rối loạn tiểu tiện đến mức không chịu nổi. Biến chứng của u tiền liệt tuyến gây ra là tình trạng bí tiểu mạn tính, tiểu phải rặn lâu, tiểu không hết, dung lượng nước tiểu tồn đọng ngày một tăng, có người phải thông bàng quang mới đi tiểu được. Người bệnh còn cảm thấy nặng, khó chịu ở vùng hạ vị. Nếu bệnh nặng mà không được chữa trị có thể gây ra biến chứng nguy hiểm là viêm thận, suy thận.Khắc phục chứng tiểu đêm như thế nào?
đối với những người tiểu đêm do suy giảm thần kinh ở não, cần phải khắc phục bằng các biện pháp như hạn chế uống nước vào buổi tối, trước khi đi ngủ nhớ đi tiểu. Mặt khác, để tránh những tai biến não khi thức dậy nửa đêm, cần bình tĩnh ngồi dậy, tỉnh táo hẳn mới nên bước ra khỏi giường. Nếu không có công trình vệ sinh trong nhà nên dùng bô để đi tiểu chứ không nên mở cửa đi tiểu ngoài trời.
Đối với những người do u xơ làm phì đại tuyến tiền liệt cần đi khám xem mức độ bệnh cụ thể để được điều trị. Có nhiều trường hợp được điều trị bằng thuốc hoặc có thể nội soi, phẫu thuật cắt bỏ u. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp phẫu thuật người ta thấy rằng rất có thể bệnh nhân sẽ bị phóng tinh ngược chiều, có nghĩa là tinh dịch chảy ngược vào bàng quang vì hệ thống cơ vòng khép cổ bàng quang trong lúc phóng tinh bị phá hủy, đây là điều bệnh nhân nên biết và chấp nhận.
Để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là phòng ngừa được u ác tính ở tuyến tiền liệt, những người đàn ông trên 40 tuổi cần được đi khám tuyến tiền liệt hằng năm. Khi có dấu hiệu tiểu khó cần được thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và tránh nhiễm khuẩn đường tiểu.BS. Nguyễn Văn Dũng
Váng đầu và hoa mắt do đâu?
Người già thường có tình trạng trên khi thay đổi các tư thế của cơ thể (nằm, ngồi, đứng) sang các tư thế khác, đó được gọi là huyết áp thấp do đứng. Khi về già, do sự lão hóa về sinh lý dẫn đến động tác thường chậm hơn và cứng, sự cân bằng cơ thể cũng giảm sút, nguyên nhân do sự cân bằng của thần kinh tự chủ giảm sút nên hành động và phản ứng đều chậm, làm huyết áp biến động. Đặc biệt huyết áp trong ngày thường thay đổi ở khoảng thời gian sáng dậy do vậy khi đang ngủ nghe tiếng gọi, người cao tuổi nhất là người có bệnh tim mạch không nên bật dậy ngay mà nên từ từ.
Hiện tượng huyết áp thấp do đứng thẳng không chỉ xuất hiện ở người già, mà ở trẻ em và phụ nữ trẻ cũng có thể gặp. Ở một số em tuổi học đường nhất là các em gái thường hay kêu nhức đầu sau những buổi thể dục chào cờ hoặc đội ngũ phải đứng lâu, có em choáng ngã. Những phụ nữ trẻ buổi sáng đi làm vội không kịp ăn cũng dễ nhức đầu và choáng. Tất cả những hiện tượng này đều thuộc thể huyết áp thấp do đứng, chủ yếu là do thần kinh tự chủ mất cân bằng gây ra. Để phòng ngừa chứng bệnh này cần có chế độ ăn uống đầy đủ, tập luyện đều đặn. Ở độ tuổi của bác cũng nên kiểm tra huyết áp thường xuyên vì tăng huyết áp và huyết áp thấp đều gây biến chứng. Định kỳ đo huyết áp là một thói quen tốt, nếu thời gian đo được cố định là tốt nhất. Thời gian đo trong ngày khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Ngược lại đo trong thời gian nhất định sẽ dễ so sánh với kết quả đo hôm trước, dễ phát hiện sự thay đổi của huyết áp.
Người cao tuổi cẩn trọng với cúm
Cúm là bệnh đường hô hấp nhưng có thể trở nên nghiêm trọng ở những người cao tuổi (NCT), nhất là người từ 65 tuổi trở lên. Ở Việt Nam, bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh và ở những thời điểm thời tiết thay đổi. Vì thế, ngay từ bây giờ NCT nên bắt đầu tăng cường thể chất nhằm kháng lại sự tấn công của bệnh cúm.
Bệnh thông thường mà NCT cần phải cảnh giác
Cúm là bệnh đường hô hấp do virus gây ra, bệnh dễ lây nhiễm từ người này sang người khác qua không khí do chất tiết đường hô hấp. Virus gây bệnh cúm biến đổi liên tục nên chúng ta có thể bị mắc bệnh cúm nhiều lần trong đời. Một khi virus thâm nhập vào màng nhầy đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày (lúc này virus sinh sôi rât nhanh). Dấu hiệu lâm sàng của bệnh cúm phát ra một cách dữ dội. Sốt cao, rùng mình, viêm họng hoặc viêm phế quản, tất cả các chứng nói trên gây cho bệnh nhân sự khó chịu, mệt mỏi.
Sự tiến triển có lợi ở những người có sức khỏe tốt. Các triệu chứng sẽ mất đi trong vòng một tuần lễ. Chỉ những cơn ho và sự mệt mỏi còn kéo dài lâu hơn. Ngược lại, bệnh cúm có thể là nguyên nhân của những triệu chứng nghiêm trọng về phổi ở những NCT hoặc người lớn trưởng thành có sức đề kháng yếu. Viêm phế quản cấp, viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn và viêm phổi, có nguy cơ dẫn đến tình trạng nguy hiểm đối với người NCT. Như vậy, tăng cường hệ miễn dịch của NCT trước khi mùa lạnh bắt đầu là điều thật sự cần thiết.
Tiêm chủng được thực hiện nhưng hiệu quả vẫn còn bàn cãi
Hội đồng sức khỏe cộng đồng của Pháp đảm bảo việc tiêm chủng ngừa bệnh cúm cho những NCT từ 65 trở lên do nguy cơ bị biến chứng cao. Hằng năm, đều có loại vaccine mới ra đời nhằm đáp ứng lại với các loại virus khác nhau có khả năng gây dịch cúm theo mùa. Sau khi vaccine được chỉ định, việc bảo vệ chống lại virus vẫn chưa phát huy tác dụng vì cơ thể cần một thời gian 2 tuần lễ để củng cố hệ miễn dịch chống lại cúm. Chống chỉ định duy nhất đối với vaccine chống bệnh cúm đã được biết đến là phản ứng phản vệ với chất đạm trong trứng gà cho vào thành phần của vaccine.
Cho đến hiện nay, việc tiêm chủng là mức đo dự phòng mang tính tham khảo, là cách tốt nhất để phòng bệnh, giảm các biến chứng (nhập viện và viêm phổi), giảm tỉ lệ tử vong.
Chọn phương pháp vi đồng căn
Có khoảng hơn 30% những người trên 60 tuổi không chịu tiêm chủng mà chọn liệu pháp vi lượng đồng căn. Cơ quan y tế công cộng không tán thành việc chọn phương pháp tăng cường hệ miễn nhiễm tự nhiên, khác với việc tiêm vaccine. Tuy nhiên, những chuyên gia về sức khỏe càng ngày càng đông ủng hộ đề nghị có được tuyên bố chung về việc sử dụng vaccine vi lượng đồng căn.
Biện pháp phòng ngừa bệnh bằng ăn uống
Nên nhớ rằng chất đạm cần phải được cung cấp cho cơ thể vào mỗi bữa ăn, đạm động vật hay thực vật là tùy vào sự lựa chọn của từng cá nhân. Cây họ đậu là nguồn cung cấp chất đạm và chất xơ. Trái cây và rau quả mang lại nhiều sinh tố và khoáng chất. Cần uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước cũng sẽ làm bạn mệt mỏi.
Vào mùa lạnh: nên dùng nhiều vitamin bổ sung.
Dùng thuốc tiêm sinh học để tăng cường miễn dịch đường ruột trong giai đoạn mùa đông.
Phối hợp thêm chất đồng, một nguyên tố vi lượng “kháng virus” tuyệt vời, thuốc uống, viên nang, viên nén.
Cách pha chế thuốc uống để phòng bệnh cảm theo Y học cổ truyền
Xắt mỏng củ gừng nhỏ bằng ngón tay cái. Thêm vào nước cốt một trái chanh tươi, bảo quản trong tủ lạnh.
Mỗi sáng dùng một muỗng cà phê “gừng ngâm chanh” với mật ong, sữa ong chúa hòa với nước nóng.
Động tác thể dục nhẹ nhàng
Vận động ít động tác nhưng đều đặn mỗi ngày sẽ đem lại một sức khỏe dẻo dai.
Môn khí công là phương pháp xoa bóp kích thích do bản thân tự thực hiện. Giữa mỗi động tác, hít vào căng bụng lên rồi thở ra (3 lần).
Dùng bàn tay hội chụm lại, đấm vào phía trong và phía ngoài hai cánh tay. Sau cùng đấm vào xương các chi, 3 lần mỗi ngày.
Hai chân hơi khép lại, xoay tròn từ phải sang trái (9 lần) và ngược lại (9 lần).
BS Đặng Minh Trí (Theo Santé Magazine)
Những lưu ý khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ không lớn lắm trong dân số (như ở Việt Nam có 6 triệu người cao tuổi, chiếm 7% dân số) nhưng lại là đối tượng dùng rất nhiều thuốc. Không chỉ được kê toa dùng nhiều thuốc, NCT còn hay tự ý dùng thêm thuốc đưa đến tình trạng tỷ lệ bị tai biến do thuốc ở NCT cao hơn nhiều so với các lứa tuổi dưới 60.
Dùng thuốc cho người cao tuổi cần phải thận trọng.
Nguyên nhân tăng tỷ lệ tai biến ở NCT khi dùng thuốc
NCT thường hay đau ốm, đặc biệt, mắc một lúc nhiều bệnh, do đó, thường phải dùng thuốc nhiều hơn người trẻ tuổi, thì càng dễ bị tai biến do thuốc.
Do mắc một số bệnh mạn tính mà các bệnh này đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh.
NCT thường quá lo lắng về sức khỏe nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định, thậm chí dùng thuốc gọi là để "phòng" (như uống thuốc trị cảm sốt để ngừa cảm).
NCT do trí tuệ giảm sút thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng và số lần dùng thuốc. Một số NCT có thói quen để dành thuốc, gói cất trong những gói hoặc chai lọ không nhãn, một thời gian sau lại đem ra dùng nhưng do không nhớ rõ nên đã có những trường hợp bị tai biến do uống lầm thuốc.
Có nhiều thuốc trở nên nguy hiểm đối với NCT vì những thay đổi sinh lý của tuổi già thường làm tăng nồng độ thuốc trong máu một cách bất thường. Hiệu quả sử dụng thuốc ở NCT giảm do:
Thuốc được hấp thu chậm và kém ở NCT do hoạt động của hệ tiêu hóa đã bị giảm sút.
Ở NCT, khối lượng cơ bắp và lượng nước giảm trong khi lượng mỡ tăng. Điều này làm thay đổi sự phân bố của thuốc. Có thuốc giữ lại trong mỡ lâu đưa đến thuốc được thải trừ chậm. Có thuốc tập trung trong máu cao làm tăng tác dụng dược lý, tức tăng hoạt tính đồng thời cũng tăng độc tính.
Thuốc được chuyển hóa và khử độc kém do hoạt động của gan ở NCT đã yếu đi.
Do lượng máu đi qua thận và tốc độ lọc của thận đã giảm, khả năng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể NCT đã giảm dễ đưa đến tình trạng tích lũy thuốc và dẫn đến ngộ độc thuốc.
Cần lưu ý khi dùng thuốc ở NCT
NCT cần sử dụng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Chỉ có bác sĩ hiểu rõ đặc điểm của bệnh tật và có thẩm quyền ấn định liều lượng, chế độ khoảng cách dùng thuốc thích hợp. Hoàn toàn không nên tự chẩn đoán và tự điều trị. Cũng như không nên nghe lời mách bảo, tìm đọc trong sách báo dùng thêm thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
Nếu NCT có nguy cơ bị sút giảm trí nhớ thì không nên để các cụ tự dùng thuốc mà nên có người thân chăm lo, giữ và cho dùng thuốc theo giờ giấc quy định… Đã có trường hợp các cụ ngộ độc thuốc vì không nhớ đã uống thuốc rồi và cứ uống thêm nhiều lần nữa, hoặc có cụ uống thuốc loại dạng thuốc nhỏ giọt quá liều do đếm sai.
Một số NCT có các triệu chứng không điển hình của một bệnh lý nào đó. Nguyên nhân có thể do tuổi già nhưng cũng có thể do thuốc gây ra. Cần theo dõi sát và lưu ý đặc biệt một số rối loạn do thuốc gây ra như: Lú lẫn, trầm uất, táo bón, tiêu tiểu không tự chủ, hạ huyết áp thế đứng (có thể làm ngã quỵ bất thần)… Sau khi dùng thuốc, nếu thấy các cụ có những biểu hiện bất thường nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Cách phòng tránh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Bệnh nhân bị sa sút trí tuệ có biểu hiện suy giảm trí nhớ, giảm khả năng xác định không gian, thời gian, địa điểm, ngôn ngữ... Do sa sút trí tuệ, bệnh nhân mất dần năng lực vốn có trong nghề nghiệp, hoạt động xã hội và sinh hoạt thường ngày, giảm hẳn chất lượng cuộc sống.
Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ là gì?
Bệnh sa sút trí tuệ là sự suy giảm dần khả năng trí tuệ vốn có từ trước của bệnh nhân. Có hai nguyên nhân chính gây nên bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là bệnh Alzheimer và các bệnh do nguyên nhân mạch máu.
- Bệnh do nguyên nhân mạch máu gồm: nhồi máu não đa ổ; nhồi máu não ở các vị trí hạch nền, đồi não, vùng trán...; bệnh não chất trắng xơ cứng động mạch dưới vỏ Binswanger; sa sút trí tuệ đa ổ khuyết dưới vỏ do tăng huyết áp và tiểu đường; sa sút trí tuệ do xuất huyết não.
- Bệnh do mạch máu phối hợp với bệnh Alzheimer: bệnh toàn thân gây sa sút trí tuệ như thiểu năng tuyến giáp, thiếu vitamin B12 và acid folic, tăng canxi máu, nhiễm HIV, giang mai thần kinh; bệnh ở hệ thần kinh trung ương làm mất nhận thức: u não, não úng thủy, tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson...
Biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?
Biểu hiện sớm của sa sút trí tuệ thông thường là giảm trí nhớ tức là bị quên những điều đã biết trước đây. Bệnh nhân gặp khó khăn khi tiêu tiền, mất kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại... Thay đổi nhân cách như vẻ mặt ngơ ngác, thái độ thờ ơ với mọi người, hay than phiền là bị quên hết cả. Bệnh nhân bị loạn trí nhớ về không gian, khó nhận biết nơi mình đang ở và những nơi khác mà mình đã biết trước đây, họ luôn tin rằng họ đang ở một nơi khác với nơi họ đang ở thật sự dù có những đồ vật quen thuộc. Có những bệnh nhân lại gặp chứng quên toàn bộ thoáng qua. Đó là một rối loạn có tính chất chu kỳ của hệ thần kinh trung ương biểu hiện bằng sự mất trí nhớ đột ngột. Họ thường hay lặp lại câu hỏi, nhấn mạnh từ cuối hay nhắc lại đoạn cuối của câu. Nếu bị quên do cao tuổi thì bệnh nhân mất dần tính hài hước trong giao tiếp, suy nghĩ chậm dần, nhân cách ít biến đổi, thường quên sự việc mới xảy ra nhưng lại nhớ rất kỹ các sự việc đã xảy ra rất lâu. Trường hợp bị quên do các nguyên nhân tâm thần, bệnh nhân thường bị rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, chất lượng công việc giảm sút, ăn mất ngon, hay lo lắng sợ hãi. Nếu bị quên do các bệnh thần kinh thường có các biểu hiện khiếm khuyết thần kinh. Đa số bệnh nhân sa sút trí tuệ bề ngoài vẫn có vẻ bình thường, nên không phát hiện sớm được bệnh. Do giảm trí nhớ và nhận thức nên bệnh nhân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy bệnh nhân ngày càng bị động và dần dần lẩn tránh mọi giao tiếp xã hội. Những bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu còn có thêm các biểu hiện thần kinh khu trú như: yếu cơ, liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ. Các nhà chuyên môn còn định ra tiêu chuẩn để xác định sa sút trí tuệ giai đoạn sớm gồm: bệnh nhân có than phiền về việc giảm sút trí nhớ; trí nhớ của bệnh nhân có giảm so với tuổi; mọi hoạt động, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày vẫn bình thường; chức năng nhận thức chung bình thường; bệnh nhân chưa bị sa sút trí tuệ.
Các phương pháp điều trị sa sút trí tuệ
Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bị sa sút trí tuệ tăng dần theo độ tuổi: trên 65 tuổi khoảng 5 - 10%; trên 80 tuổi khoảng 20% và khoảng 47 % từ 85 tuổi trở lên. Ở châu Âu và châu Mỹ có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer và 15 - 20% do nguyên nhân mạch máu. Nhưng ở châu Á lại có 60 - 70% bệnh nhân sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu; còn lại là số bệnh nhân sa sút trí tuệ do Alzheimer hay phối hợp nhiều nguyên nhân khác.
Với tiến bộ của y học có thể điều trị sự suy giảm trí nhớ ở giai đoạn còn sớm hoặc làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với các chứng quên do sa sút trí tuệ, quên do tai biến mạch máu não, quên ở người cao tuổi... Theo quan niệm mới, có thể dùng các thuốc chống thoái hóa não như các vitamin E, C, gingo giloba và piracetam có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ tế bào não tránh khỏi tác hại của các gốc tự do. Để điều trị bệnh sa sút trí tuệ có thể sử dụng một trong các thuốc sau: thuốc ức chế men cholinesterase; ở phụ nữ dùng nội tiết tố estrogen thay thế; sử dụng nhóm thuốc statin; thuốc chống tinh bột hóa ở hệ thần kinh.
Tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục làm giảm tần suất tai biến mạch máu não ở nam 40-49 tuổi do giúp giảm huyết áp, giảm trọng lượng cơ thể, giảm fibrinogen huyết tương, giảm hoạt động tiểu cầu, tăng hoạt hóa plasminogen huyết tương...
Thực hiện chế độ ăn điều độ, hợp lý như giảm ăn muối; bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, folat trong khẩu phần ăn sẽ làm giảm nồng độ homocystein; bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, nhũn não và tai biến mạch máu não.
ThS. Nguyễn Hoàng Lan
Một số loại thuốc cần lưu ý khi dùng cho người cao tuổi
Người cao tuổi (NCT), đối tượng quen thuộc của phòng khám bệnh, là nhóm người hay sử dụng thuốc nhất. Ở các nước phát triển khoảng 40% chi phí về thuốc thuộc về NCT. Một thống kê cho thấy khoảng 61% số người trên 65 tuổi phải luôn luôn dùng đến thuốc. Không chỉ hay dùng thuốc mà NCT thường phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc (do mắc nhiều bệnh), phải dùng lâu dài, gần như suốt đời do mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...).
Trong khi đó, trải qua một quá trình sống và hoạt động trên 60 năm, từng phải chống đỡ nhiều với hoàn cảnh bất lợi nên các chức năng của đa số bộ phận trong cơ thể suy giảm nhất là chức năng biến đổi chọn lọc, đào thải chất độc của gan, thận (giảm khoảng 50-60%). Do đó tác động phụ bất lợi của thuốc cũng như sự tương tác tiêu cực giữa các thuốc dùng đồng thời có thể gây nhiều tai biến cho NCT.
Một số thuốc NCT hay dùng nhưng cần lưu ý thận trọng
Digoxin: Đây là glycosid cường tim, thường dùng trong suy tim với lưu lượng thấp nhất là khi có rung nhĩ. Hiệu quả của thuốc đối với NCT thấp hơn so với người trẻ nhưng lại hay gây độc nên NCT dùng phải giảm liều. Có khoảng 50-90% NCT khi dùng thuốc này đều cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, buồn nôn, kém ăn nên dễ gây cho cơ thể suy dinh dưỡng. Dùng thuốc nếu thấy trọng lượng cơ thể tụt xuống nhanh cần báo thầy thuốc biết để xử trí kịp thời. Digoxin có nhiều tương tác bất lợi với một số thuốc khác nếu dùng phối hợp như chống chỉ định với các muối canxi (rối loạn nhịp tim trầm trọng, gây tử vong), với sultoprid (thuốc an thần kinh) do gây rối loạn tính tự động – chậm nhịp quá mức), thận trọng dùng chung với amiodaron, quinidin (thuốc chống loạn nhịp), sucralfat (chống loét dạ dày – tá tràng tiến triển), erythromycin (kháng sinh), một số thuốc hạ đường huyết... nên thực hiện việc uống digoxin cách 2 giờ với các thuốc trên.
Nhóm thuốc lợi tiểu
NCT mắc bệnh về tim mạch hoặc tăng huyết áp thường dùng loại thuốc này. Tác dụng phụ bất lợi của thuốc là gây cho người dùng cảm giác mệt mỏi rã rời, nhịp tim thất thường, huyết áp thấp vì lượng nước tiểu nhiều làm hạ kali. NCT rất nhạy cảm khi mất nước nên chịu ảnh hưởng nhiều của thuốc. Để khắc phục cần bổ sung thêm kali qua nguồn thực phẩm dồi dào chất này như: các loại đậu (xanh, đen, đỏ), nấm hương, chuối tiêu, tôm nõn, lạc...
Nội tiết tố: Một loại thuốc NCT hay dùng, nhưng NCT cũng rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc gây ra như: teo, co với cơ, giòn xốp với xương nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Để hạn chế bất lợi này nên ăn bổ sung một số loại thực phẩm giàu vitamin D như gan động vật, dầu gan cá, trứng, sữa, lòng đỏ trứng, đậu phụ, tôm khô...
Rimifon: Thuốc chủ yếu thường có trong phác đồ điều trị lao. Do thuốc độc với gan nhất là khi phối hợp với pyrazinamid, rifampicin nên có thể làm tăng transaminase, bilirubin niệu, viêm gan cấp (tuy hiếm nhưng nặng), đồng thời gây tình trạng thiếu vitamin B6. NCT nếu suy thận cần giảm liều. Nếu là người nghiện rượu cần thận trọng khi dùng. Nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin B6 như gan trâu bò, cám gạo, men khô hay dùng phối hợp với pyridoxin (vitamin B6). Cần được định lượng transaminase và xét nghiệm về hủy tế bào gan theo định kỳ, nếu tăng trên 3 lần của trị số bình thường phải ngừng thuốc để bác sĩ chuyên khoa quyết định.
Thuốc an thần, gây ngủ: Về già, do mạch máu não xơ cứng, tế bào thần kinh lão hóa, đồng thời hay lo nghĩ, phiền muộn nên dẫn đến khó hoặc mất ngủ nên loại thuốc trên thường hay được NCT sử dụng. Lạm dụng thuốc an thần gây tình trạng thường xuyên lơ mơ, buồn ngủ, biếng ăn hoặc ăn mất ngon dẫn đến suy dinh dưỡng và một số chứng bệnh khác. Thuốc diazepam hay gây lệ thuộc thuốc, ảnh hưởng gan, làm nặng thêm các triệu chứng liệt cơ. Do đó dùng thuốc càng ngắn ngày càng tốt, giảm dần liều dùng và không uống rượu khi dùng thuốc. Diazepam có thể gây cơn kịch phát ở NCT như gây gổ, cáu gắt, hưng phấn, lú lẫn, ảo giác. Trường hợp đã dùng thuốc lâu ngày, không nên ngừng đột ngột, cần giảm liều từ từ rồi mới thôi dùng để tránh xảy ra các triệu chứng như nôn oẹ, mất ngủ, cơ bắp co giật, mất thăng bằng.
Aminophylin: Thuốc làm mất cơn co thắt phế quản, tăng cường hô hấp và tuần hoàn ở các động mạch nhỏ, lợi tiểu, thường dùng để phòng và trị cơn hen phế quản, điều trị phối hợp chứng hen tim, suy tâm thất trái. NCT dùng thuốc này chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc do thời gian bán thải của thuốc kéo dài. Có thể bị nhức đầu, buồn nôn, nôn, đỏ bừng mặt, đánh trống ngực, bồn chồn, lo âu, khó thở, rối loạn tiêu hóa, trí nhớ giảm, định hướng kém, loạn nhịp tim, huyết áp giảm đột ngột có thể dẫn đến tử vong. NCT dùng thuốc này phải hết sức cẩn thận, dùng từ liều lượng nhỏ rồi tăng dần (nếu nước tiểu ít phải báo ngay thầy thuốc để xem lại liều). Nếu thấy mất ngủ hoặc dạ dày khó chịu có thể dùng một số dẫn chất benzodiazepin (diazepam, pirenzepin), thuốc ức chế tiết dịch vị nhưng không có tác dụng chống tiết cholin.
Thuốc giảm đau: aspirin, ibuprofen...
NCT thường hay đau đầu, nhức nhối xương khớp nên các loại thuốc kháng viêm không steroid thường hay được dùng. Trong đó, có một số thuốc gây loét và chảy máu đường tiêu hóa, nhất là khi bắt đầu dùng và tăng liều. Tuổi tác tuy không làm tác dụng bất lợi này tăng thêm nhưng nếu tai biến xảy ra thì tình trạng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong ở người già cao hơn. Đặc biệt nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa sẽ tăng gấp 10 lần nếu dùng phối hợp với warfarin (thuốc chống đông máu). Với NCT, để phòng ngừa biến chứng nên uống kèm misoprotol hoặc các thuốc chống tiết toan dịch vị (omeprazol, lansoprazol).
Thuốc kháng histamin H2: Cimetidin, ranitidin, nizatidin... sinh khả dụng của cimetidin tăng theo tuổi, thường do giảm thanh lọc ở gan. Sự suy giảm chuyển hóa của cimetidin qua gan làm tăng hàm lượng của thuốc trong huyết tương có thể gây lú lẫn tâm thần, đi từ kích động tới chứng hoang tưởng bộ phận, ảo giác. Hiện tượng này thường phục hồi sau khi ngừng thuốc cần giảm 33-50% liều dùng cho NCT, đặc biệt khi có suy gan, suy thận, kể cả ranitidin, nizatidin cũng gây triệu chứng lú lẫn tương tự cimetidin nếu nồng độ thuốc trong huyết tương tăng cao (với NCT).
Nhóm thuốc phiện (opiat): NCT nhạy cảm rõ rệt với tác dụng giảm đau của opiat và kéo dài độ thanh lọc nên so với người trẻ, liều dùng cần ít hơn. Thuốc có thể gây cho NCT táo bón nghiêm trọng nên cần giảm liều và tần suất dùng thuốc, ăn nhiều chất xơ, rau quả, tăng uống nước và vận động cơ thể. Pethidin được khuyên không dùng cho NCT vì giảm gắn vào hồng cầu làm tăng dạng tự do nên dễ gây tai biến suy hô hấp, ngoài ra chất chuyển hóa của pethidin còn kích thích thần kinh trung ương.DS. Phạm Tiếp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét