Chuyện dài Kiến trúc Việt Nam(37)
Giới thiệu phương án kiến trúc Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới
Công ty Kiến trúc GMP International GmbH (CHLB Đức) đã giới thiệu 6 phương án kiến trúc mặt đứng và 3 phương án kiến trúc nội thất của công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới tại Hà Nội, hôm 2/6.Đây là những phương án mới do các chuyên gia tư vấn lập trên cơ sở tiếp thu đóng góp của các chuyên gia Việt Nam.Trước đó, Ban Quản lý dự án Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội với Liên danh GMP International GmbH - Inros Lackner AG (CHLB Đức), đơn vị tư vấn thiết kế đã đạt giải A tại cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội tổ chức năm 2007.Tổng giá trị hợp đồng ký kết thực hiện với tư vấn nước ngoài là hơn 8,149 triệu euro (không gồm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp). Cùng đó, các nhà thầu phụ trong nước gồm Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam sẽ thực hiện gói thầu 31,355 tỷ đồng (đã có VAT).Theo hợp đồng ký kết, các đơn vị tư vấn thiết kế sẽ lập dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và giám sát tác giả Nhà Quốc hội; lập dự án đầu tư xây dựng nơi đỗ xe ngầm sức chứa khoảng 500 xe ô tô, quảng trường Bắc Sơn, cải tạo đường Độc Lập và đường Hoàng Văn Thụ.Năm 2008, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho công trình xây dựng Nhà Quốc hội là 150 tỷ đồng.Ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án đoạt giải A (đã được nâng cấp) trong cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội tổ chức năm 2007 là phương án kiến trúc Nhà Quốc hội, với kích thước 102m x 102m và vị trí lùi không quá 20 m về phía đông khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay.Mô hình nhà Quốc hội theo phương án A.
Phương án kiến trúc Nhà Quốc hội sẽ tiếp tục được nâng cấp hoàn thiện trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết kế xây dựng công trình để đảm bảo tính hiện đại, trang trọng, mang tính dân tộc và đáp ứng yêu cầu phục vụ Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ chỉ định Liên danh GMP International GMbH-Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức) là đơn vị tư vấn thiết kế đoạt giải A tại cuộc thi tuyển thiết kế Kiến trúc Nhà Quốc hội lập Dự án đầu tư xây dựng công trình và thiết kế xây dựng công trình nhà Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) tổ chức đàm phán với Liên danh GMP International GMbH-Inros Lackner AG, xác định phạm vi công việc và giá trị Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế bảo đảm tiến độ và các yêu cầu theo quy định.
Phương án đoạt giải A cuộc thi thiết kế tòa nhà quốc hội do Hội đồng chuyên môn bình chọn có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 45.000 m2, trong đó sàn tầng 1 đến tầng 5 là gần 34.500 m2, tầng hầm hơn 10.000 m2, mật độ xây dựng 32%.
Những chi tiết kiến trúc của công trình gắn liền với lịch sử Việt Nam, thể hiện qua các hình dáng cơ bản là tròn và vuông. Tròn tượng trưng cho mặt trời/người cha và hình vuông tượng trưng cho trái đất/người mẹ. Phần công trình hình tròn được lồng trong không gian hình vuông, với những khoảng lùi rộng. Lối vào từ phía quảng trường Ba Đình và trục lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - đài tưởng niệm liệt sỹ. Mục đích của cả phương án là gắn kết có tỷ lệ với không gian đô thị, phân chia bao quát toàn bộ phức hợp và tôn trọng chiều cao của lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt thích nghi với khung cảnh.
Mô hình của công trình.
Như vương miện, phòng họp quốc hội đặt trên 8 tấm tường bao quanh sảnh chính, với 8 cột đỡ, dành để đón tiếp khách, nơi phát biểu và diễn ra các nghi lễ. Phòng họp được đánh dấu trên một bệ hình tròn có thân hình trụ và có vách xòe ra hình nón khi lên cao, được bao quanh bởi một sảnh rộng. Bên trong phòng họp có một ban công bao quanh tầng lửng. Từ đây, có thể nhìn đến quảng trường Ba Đình và lăng Bác. Tầm nhìn còn rộng đến trụ sở bộ Ngoại giao ở phía nam.
Tầng 1 có bố trí phòng khánh tiết, kết nối với công viên bảo tàng cũng như các phòng họp, văn phòng của toàn bộ công trình. Các khu vực công cộng như thư viện và phòng báo chí được bố trí ở hai tầng dưới của công trình phía tây nam, hai lối vào củng cố bên sườn.
Phòng họp chính
Phối cảnh phòng họp nhỏ
Các không gian lùi như dạng các sân trong của công trình hình vuông cho phép chiếu sáng hiệu quả các phòng, đồng thời tạo ra một hình dáng bên ngoài không có sự lặp đi lặp lại của các hệ cửa sổ. Ngoài ra, có thể tạo sự phân chia nhịp nhàng của các diện tích đóng kín và các sân trong trồng cây. Bên cạnh sự rộng rãi của các khu vực giao thông, ánh sáng tự nhiên cũng được đưa vào khu vực bên trong của toàn bộ các khu vực phức hợp.
Ánh sáng tự nhiên được đưa vào bên trong của toàn bộ các khu vực phức hợp nhờ các khoảng lùi
Phòng khánh tiết nằm ở tầng 1,kết nối với công viên bảo tàng
Vật liệu chủ đạo của công trình là đá nhân tạo màu sáng và kính ở khu vực bên ngoài, bổ sung gỗ trong phần nội thất. Các cánh văn phòng được dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép bao gồm các cấu kiện chịu lực như sàn (sàn tầng và sàn mái), các dầm sàn, cột và tường. Sự ổn định (áp lực của tải trọng ngang) của các phần công trình này sẽ được đảm bảo bảo bởi các tấm tường và sàn tầng. Tải trọng ngang được tiếp nhận bởi các sàn tầng và sẽ được truyền đến các tấm tường theo sự phân bổ độ cứng. Mái cũng là kết cấu bê tông cốt thép, trừ một phần nhỏ sẽ được thiết kế bằng thép để giảm tải trọng. Kết cấu phần thân được thiết kế chống lại các tác động động đất. Hệ thống thiết bị kỹ thuật trung tâm bố trí ở tầng hầm.
Bãi đỗ xe ngầm được chia thành 3 phần nằm dưới phần phía đông của đường Bắc Sơn, mở rộng về phía bắc và nam. Khu vực này được thiết kế kết cấu bê tông cốt thép không thấm nước. Theo đặc điểm đất, móng cọc được đào sâu xuống lớp đất chịu tải bên dưới.
Khu quảng trường nhà quốc hội với các đường dạo
Nhà Quốc hội là một công trình chặt, gọn và đứng độc lập, nhưng nó luôn gắn kết vào cảnh quan xung quanh. Các khu vực này liên kết bằng một hệ thống thảm cỏ ô lưới tiếp nối hệ thống hiện có của quảng trường Ba Đình. Trong khu vườn, mặt đá và cỏ là những ô vuông có kích thước 10,5 x 10,5 m. Các đường đi bộ nhẹ xuyên qua sân vườn.
Mặt nhà quốc hội mới tiếp giáp với một quảng trường ở phía nam, kết nối với đài tưởng niệm liệt sĩ. Trục này có không gian mở phía bên trái và được củng cố bởi hai hàng cây ở mỗi bên. Đài phun nước cao 10 m dâng lên đánh dấu điểm trung tâm. Khi đài phun nước tắt, thì hồ nước được đổ đây. Khách vào nhà quốc hội sẽ đi xuyên qua hàng cây và vòng đài phun nước.http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=54013
Nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực tế
Chủ trương (VN) đã có từ lâu, nhưng việc triển khai các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn rất chậm trong nhiều năm qua, do những khó khăn trong việc hoạch định chính sách, huy động quỹ đất, vốn đầu tư, việc xác định tiêu chí, đối tượng được mua nhà.Theo kết quả điều tra của Bộ Xây dựng công bố mới đây, hiện chỉ có 22% trong tổng số gần 3 triệu học sinh, sinh viên được ở trong ký túc xá; chỉ 20% trong tổng số 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2 - 1,5 triệu lao động gián tiếp có chỗ ở; chỉ có khoảng 2/3 trong tổng số 2 triệu cán bộ, công chức tự lo được nhà ở cho mình, số còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm...Để tạo bước đột phá thực sự trong chính sách phát triển nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã chính thức trình Chính phủ phương án cụ thể và đã được thông qua. Mục tiêu của phương án này là trong vòng 6 năm nữa, 60% số sinh viên, 50% công nhân lao động cũng như cán bộ có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ có nhà ở.Mới đây nhất, hai doanh nghiệp là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex) cũng đã chính thức công bố triển khai các dự án trong khuôn khổ chính sách này tại Hà Nội.Là chính sách có ý nghĩa xã hội lớn, nhà ở xã hội đang thu hút sự quan tâm của người dân. Việc triển khai chính sách này trong thời gian tới sẽ như thế nào? Đâu là những thuận lợi và khó khăn? Việc xác định các tiêu chí về đối tượng cũng như trong quá trình triển khai có đảm bảo yêu cầu về chất lượng, công bằng? Mặt khác, để thúc đẩy và mở rộng hiệu của của chính sách, cần có những giải pháp nào để thu hút đầu tư tư và sự tham gia của các doanh nghiệp? Đâu là những mối liên hệ với thị trường bất động sản nói chung?
Mấu chốt vẫn là đất!
Cũng chương trình tiết kiệm nhà ở, cũng mô hình căn hộ với mức giá khoảng 300 triệu đồng/căn, diện tích từ 50-60m2...Hai năm trước khi đề án nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng công bố, Dự án Phát triển hợp tác xã nhà ở đã xây dựng một mô hình với nhiều chỉ tiêu tương tự đề án này, như liệt kê ở trên.Thế nhưng, khoảng 200 người đã nộp tiền và tham gia vào chương trình tiết kiệm nhà ở giờ đây đang ngóng chờ “con dấu đỏ” trong hồ sơ xin đất.Chia sẻ với VnEconomy, ông Nguyễn Duy Nhật, Giám đốc Dự án nói:- Việc triển khai mô hình nhà ở xã hội của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến đất đai.Đất không phải là không có, ví dụ Hợp tác xã Dịch vụ Nhân Chính có 8.500m2 đất, đã nhất trí để chúng tôi xây dựng dự án hợp tác xã nhà ở. Nhưng họ không phải người quyết định được việc cho triển khai dự án, mà phải là các cấp ở trên. Khi đưa lên đến thành phố thì vướng. Quy hoạch không có vấn đề gì, vướng là ở thủ tục, rất nhiều vấn đề. Mà đối với dự án nhà ở thì quan trọng nhất là phải giải quyết xong các thủ tục liên quan đến đất. Không có đất thì không thể làm được.
Chuyện khó thu xếp đất cụ thể như thế nào?
Đúng là “tấc đất, tấc vàng”, rất thiếu. Nhưng ngay tại Hà Nội hiện nay, có nhiều dự án đã được giao đất có triển khai đâu. Hay nhiều dự án nhà ở thương mại, xây được rồi nhưng chẳng ai ở, gây lãng phí cho xã hội. Cần phải xem xét sử dụng đất sao cho hợp lý, cho đến được với người cần chỗ ở thực sự. Người thu nhập thấp là công chức hiện nay rất nhiều và số người không tiếp cận được với nhà ở cũng rất lớn.Tôi tính với thu nhập của một công chức khoảng 2 triệu đồng/tháng thì dù không tiêu pha gì, với mặt bằng giá nhà hiện nay, anh có để dành 20 năm cũng chưa mua được. Nhưng nếu theo mô hình của chúng tôi, giá chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/m2 thì mới có thể mua được.Hiện nay, rất nhiều người muốn tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở của chúng tôi, nhưng vì chưa được cấp đất, không hình thành được dự án nên không dám nhận.Những vị trí đất “vàng” như khu Nhân Chính dễ tạo xung đột lợi ích.
Vì sao các ông không thử tìm vị trí ít thuận tiện hơn, giá trị thấp hơn?
Xin đất ở Sóc Sơn có khi cũng được, nhưng giả sử anh làm việc tại trung tâm thành phố mà dự án lại bán nhà cho anh ở tận Sóc Sơn thì anh cũng không thể mua được. Hay ngược lại, anh làm việc tại Hà Đông thì chắc gì anh đã muốn ở khu Nhân Chính.Dù là nhà ở xã hội, giá trị giao dịch thấp, nhưng không có nghĩa là người sở hữu không được hưởng những thuận tiện về mặt đi lại, hay các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế…Đừng cho người ta những nơi ở mà cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Những người thu nhập thấp này cũng phải được hưởng phúc lợi xã hội như những người khác. Cơ sở hạ tầng Nhà nước đầu tư thì phải được chia sẻ công bằng, đó mới là xã hội.
Có vẻ như dự án của các ông chưa có được sự đồng thuận từ các cấp chính quyền?
Khi chúng tôi trình bày mô hình dự án thì lãnh đạo từ Bộ Xây dựng, đến UBND thành phố đều ủng hộ về chủ trương. Nhưng khi đi sâu vào triển khai thực hiện thì vẫn vướng, vẫn phải chờ đợi.Việc này, theo tôi là phải có được chủ trương từ cấp cao hơn, từ Chính phủ thì mới dễ thực hiện.Trong gói giải pháp kích cầu cũng có đề cập đến việc xây nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đưa phương án phát triển nhà cho người có thu nhập thấp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia…Đưa vào tay doanh nghiệp thì họ phải tính toán đến lợi nhuận, vì thế họ chẳng mặn mà gì với nhà ở xã hội.Đã có chủ trương dành 20% đất đối với dự án đô thị quy mô trên 10ha để phát triển nhà ở xã hội, nhưng nhiều năm qua chúng ta không làm được theo đúng mục tiêu này.
Luật Nhà ở có hiệu lực từ 2005, nhưng đến nay vẫn chưa làm được.Gần đây đã có một số doanh nghiệp lại quay ra “mặn mà” với dự án nhà ở xã hội. Ông nghĩ sao về việc này?
Có một vài doanh nghiệp, tổng công ty có thông tin trên báo chí là muốn xây dựng các dự án theo mô hình nhà ở xã hội.Thực ra, khi mà thị trường nhà ở thương mại bị đóng băng hết cả thì doanh nghiệp họ quay ra nhà ở xã hội, tuy lãi suất thấp hơn nhưng triển vọng kinh doanh có vẻ sáng sủa hơn. Đó là chiến lược kinh doanh của họ thôi.Nhà cao cấp thì có thể lãi suất cao, nhưng khó bán trong tình hình này. Nhà giá thấp hơn thì sẽ dễ bán, bán được nhiều. Đó là bài toán mà các nhà làm kinh doanh phải tính đến.Họ phải theo nhu cầu thị trường hết. Mà thị trường phải tuân theo tiêu chí của nhiều những người cần nhà.Vừa rồi Bộ Xây dựng cũng có công bố chỉ tiêu nhà ở xã hội được dư luận quan tâm là nhà khoảng 50m2 giá chỉ 300 triệu đồng. Ông nghĩ gì về việc này?Theo tôi thì dù ai, cơ quan nào giải quyết được vấn đề nhà ở cho dân với mức giá hợp lý, số lượng đủ nhiều để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được thì đều tốt cả.Mà Nhà nước phải làm sao giải quyết được vấn đề đó, vì nhu cầu hiện nay rất lớn. Đây là nhu cầu rất chính đáng, nếu không giải quyết được là tạo khiếm khuyết trong xã hội. Giải quyết được thì phải liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước, và phải cụ thể hơn nữa, đặc biệt là chính sách liên quan đến đất đai. Ông có cho rằng hai năm không triển khai được dự án thì cần phải xem xét lại mô hình này?Mô hình này hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu xã hội và có nhiều tính ưu việt. Lãnh đạo các bộ, địa phương đều nhìn nhận rất tốt về mô hình này.Có phải do Liên minh Hợp tác xã không đủ ảnh hưởng nào đó đối với việc quyết định cho phép triển khai dự án?Cũng không hẳn thế. Có nhiều bộ, ngành vai trò rất lớn nhưng cũng không dễ làm được. Vì đất đai bây giờ là vấn đề rất khó khăn, đặc biệt là giải quyết xung đột quyền lợi các bên.Doanh nghiệp này, tổng công ty nọ triển khai dự án khu đô thị, nhà ở cao cấp… thì chúng ta thấy nhiều rồi. Nhưng triển khai một dự án nhà ở xã hội được Nhà nước quan tâm, được xã hội đồng thuận thì vẫn ít.
Sau rất nhiều lời hứa “chúng tôi sẽ xem xét”, cá nhân ông có lúc nào nghĩ rằng cần có động thái “bôi trơn” nào đó đối với dự án của các ông?
Cái đó chúng tôi không thể đặt ra, bởi vì chúng tôi không được phép làm việc đó. Và mô hình này cũng không có kinh phí để làm việc đó.Hơn nữa, tăng chi phí về đất sẽ ảnh hưởng đến giá nhà, nhiều ý nghĩa tốt đẹp của mô hình nhà cho người thu nhập thấp sẽ mất đi.
Nhà ở xã hội phải theo cơ chế thị trường
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định thị trường nhà đất sụt giảm là thời cơ thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội khi chi phí đầu vào giảm mạnh.Tuy nhiên, yếu tố quyết định việc loại hàng hóa này đến đúng tay người có nhu cầu thực về nhà ở phải là cơ chế thị trườngThị trường lớn...Ông Phạm Sĩ Liêm cho rằng thị trường sụt giảm là thời điểm phù hợp để cơ quan quản lý tìm cách khắc phục nhiều mặt yếu kém bấy lâu nay trong thị trường nhà đất, trong đó có yếu tố bất hợp lý là giá đất quá cao. Chính điểm yếu này là một tác nhân trực tiếp gây khó cho sự phát triển của nhà ở xã hội. Giá nhà đất quá cao khiến nhà đầu tư thường dồn vốn đầu tư vào các phân khúc sinh lợi cao để thu hồi vốn.Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại một cuộc họp cuối tháng 12/2008 nói rằng trong khi các loại hình sản phẩm căn hộ cao cấp, biệt thự, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp được xây dựng ồ ạt trong 3 năm qua thì lại không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai. Những dự án đã được triển khai từ trước thì tiến độ cũng rất chậm trễÔng Liêm cho rằng, khi nền kinh tế suy thoái, cần kích cầu vào những thị trường tạo ra nhiều sự chuyển biến dây chuyền nhất. Trong năm 2009, để khơi thông thị trường, Chính phủ sẽ tung ra gói kích cầu, trong đó một phần dành cho thị trường bất động sản.Thị trường bất động sản phát triển trở lại, chắc chắn thị trường xây dựng, thị trường đồ đạc nội thất cũng sẽ sôi động. Theo ước tính của Bộ Xây dựng, nếu đầu tư 500.000m2 nhà ở sẽ tiêu thụ 120.000 tấn xi măng, 30.000 tấn sắt thép và nhiều loại vật liệu xây dựng khác. Thông qua đầu tư nhà ở xã hội sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong ngành xây dựng.Theo nhiều chuyên gia, lẽ ra việc đầu tư vào nhà ở xã hội phải được khuyến khích từ lâu, vì dù kinh tế có suy thoái thì nhu cầu vẫn có và khá lớn. Mỗi gia đình đều cần có chỗ an cư, nhưng thực tế là nhiều người dân không có khả năng thanh toán. "Đa phần người dân có nhu cầu nhưng không thể thanh toán nổi. Nếu bây giờ nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân về mặt thanh toán, chắc chắn nhu cầu mua nhà giá rẻ sẽ còn cao hơn nữa", ông Liêm nói.Nhiều doanh nghiệp nhà đất cho biết, sự suy thoái rõ nhất hiện nay nằm ở phân khúc thị trường căn hộ chung cư cao cấp, trong khi thị trường nhà ở cho thuê hoặc nhà giá thấp giao dịch vẫn rất sôi động. Nhà giá thấp hứa hẹn sẽ có thị trường rộng lớn khi tình trạng kẹt vốn và khủng hoảng niềm tin trên toàn thị trường nhà đất được dự đoán kéo dài hết năm 2009.... nhưng cần theo cơ chế thị trườngThứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, mặc dù pháp luật về nhà ở đã có những quy định cụ thể về các vấn đề liên quan nhằm phát triển chương trình nhà ở xã hội như tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch phát triển, cơ chế ưu đãi về thuế và đất đai, nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư, đối tượng và điều kiện thuê mua, nguyên tắc xác định giá, mô hình quản lý... nhưng đến nay, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương vẫn chưa có những chuyển biến tích cực.Một số nguyên nhân cơ bản được Bộ Xây dựng đưa ra là do các dự án nhà xã hội cần nguồn vốn lớn và dài hạn, các thành phần kinh tế muốn tham gia đầu tư phải vay với lãi suất cao nhưng lợi nhuận thu được khi cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội lại hầu như không có, thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi đó, hầu hết các địa phương không đủ khả năng bố trí nguồn ngân sách cho nhà ở xã hội do phải chi tiêu cho các mục đích khác như cải thiện hệ thống giao thông, cấp thoát nước, đầu tư giáo dục y tế...Cũng vì sự chậm trễ trên, trong tờ trình Chính phủ phương án kích cầu nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ trực tiếp đầu tư xây dựng một số dự án thí điểm nhà ở xã hội tại một số đô thị mà người dân có nhu cầu bức xúc về nhà ở.Đây là động thái mới của Bộ Xây dựng vì theo quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, theo bộ này thì cho đến nay hầu như các địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ khi chưa có địa phương nào có quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở.Ông Nam cũng giải thích rằng, việc giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai dự án nhà ở xã hội sẽ có điều kiện và khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học về công nghệ xây dựng để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo điều kiện về giá thuê, thuê mua nhà phù hợp với đối tượng phục vụ là những người có thu nhập thấp.Tuy nhiên, theo ông Phạm Sĩ Liêm, điều cốt yếu để quỹ nhà có thể đến đúng đối tượng là cơ chế quản lý, khai thác, vận hành. Nhà ở xã hội là sản phẩm hàng hóa được nhà nước trợ giúp nhưng nhà nước không làm thay. Đã là sản phẩm hàng hóa thì cần phải được thông qua thị trường.Ông Liêm cho rằng, dù doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển nhà xã hội cũng cần tuân theo cơ chế thị trường, nghĩa là giá cả phải theo cơ chế thuận mua vừa bán, cung cầu không lệch nhau khiến giá cả không quá đắt hoặc quá rẻ. Đặc biệt phải luôn thông qua cơ chế cạnh tranh mới có thể điều chỉnh được giá."Nếu chỉ có cung cầu mà không có sự cạnh tranh trong quá trình đầu tư xây dựng sẽ tiếp tục xảy ra tiêu cực, gian lận tại các dự án nhà ở xã hội", ông Liêm nói.Theo chuyên gia này, nếu Chính phủ "bật đèn xanh" bằng một chính sách hợp lý bảo đảm doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội có thị trường thì chắc chắn ngân hàng sẽ lập tức vào cuộc với lãi suất thấp. Ông Liêm cho rằng, đầu tư vào nhà ở xã hội với tỷ suất lợi nhuận 20% hoàn toàn có thể đạt được. Mặc dù mức lợi nhuận này rất thấp so với những phân khúc thị trường khác, nhưng là lựa chọn hợp lý trong thời điểm thị trường ế ẩm hiện nay.Về phía doanh nghiệp, nhiều đại diện cho biết, họ đã sẵn sàng nhập cuộc vào thị trường nhà ở giá thấp, chỉ chờ những hướng dẫn cụ thể hơn về đầu tư.(TBKTSG)
Thuê và mua nhà ở xã hội tại Tp.HCM ra sao?
Quy định về quản lý và sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM, đã có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2008.Theo đó, việc thuê, thuê mua phải tuân thủ một số nguyên tắc: nhà chỉ được dùng để ở, không được chuyển nhượng, trừ trường hợp thừa kế theo quy định.Người thuê nhà ở xã hội chỉ được dùng trong thời gian công tác tại các cơ quan, đơn vị của Tp.HCM. Người thuê mua (một dạng mua nhà trả góp) nhà ở xã hội được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà khi đã trả xong tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định. Sau khi được cấp giấy, nếu muốn chuyển nhượng thì phải ưu tiên bán cho đơn vị trực tiếp quản lý nhà. Khi đơn vị này không mua chủ sở hữu mới được bán cho người khác.Chỉ có bốn nhóm đối tượng được thuê và thuê mua nhà ở xã hội, và các đối tượng trên phải đảm bảo các điều kiện: có thời gian công tác trên ba năm, chưa được Nhà nước giải quyết chính sách về nhà đất, chưa có nhà đất, đang phải ở thuê ở nhờ hoặc đã có nhà nhưng là nhà tạm, hư hỏng, diện tích nhà trung bình dưới 5m2/người.Việc lựa chọn đối tượng đủ điều kiện mua nhà căn cứ theo thứ tự ưu tiên: có nhu cầu bức xúc về nhà ở, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, là chuyên viên cao cấp hoặc giữ các chức vụ chủ chốt, là cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên, công nhân có tay nghề từ bậc 5 trở lên.Người thuê nhà được ký hợp đồng thuê nhà với thời gian tối đa năm năm. Hết thời hạn này nếu vẫn còn nhu cầu thuê thì người thuê phải xuất trình giấy tờ xác nhận vẫn thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội. Còn hợp đồng thuê mua nhà có thời hạn tối thiểu 15 năm, tối đa 20 năm kể từ ngày ký hợp đồng.Tp.HCM sẽ áp dụng khung giá cho thuê đối với nhà thấp tầng tại khu vực nông thôn từ 13.000-20.000 đồng/m2/tháng; nhà chung cư cao tầng từ 15.000-28.000 đồng/m2/tháng. Giá thuê mua từ 18.000-30.000 đồng/m2, người thuê mua phải trả lần đầu 20% trị giá căn nhà.* Bốn đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội (chỉ áp dụng đối với người làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Tp.HCM), bao gồm:1. Cán bộ, công chức, viên chức.2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.3. Các đối tượng đã trả lại nhà công vụ.4. Các đối tượng khác có thành tích lao động xuất sắc, được UBND Tp.HCM phê duyệt (như nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp không thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao).Song Nguyên (VnEconomy)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét