Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán Quán Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, "Avalokiteśvara Bodhisattva". Bồ tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ, và cũng có thể được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm.
Namo Avalokiteshvara Bodhisattva là câu niệm hồng danh của ngài Quán Thế Âm Bồ tát.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổn ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của bồ tát, ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tánh và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.
Bồ tát Quán Thế Âm còn được biết đến với tên gọi Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Từ Hàng hay Từ Hàng Đại sĩ.
Trong Kinh Đại bi Tâm Đà Ra Ni, đức Phật Thích Ca dạy ngài Anan rằng trong vô lượng kiếp về trước, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sanh, ngài mới hiện thân làm Bồ Tát, danh hiệu là Quán Thế Âm, thường trụ thế giới Ta-bà, đồng thời cũng là thị giả trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc.
Trong Kinh Đại Bi Liên Hoa (Kinh Bi Hoa), Bồ tát Quán Thế Âm là quyến thuộc bồ đề của vô lượng bồ tát khác và Phật A Di Đà, trước khi phát nguyện lớn, ngài là Thái tử Bất Huyền, con trưởng trong một nghìn người con của Chuyển luân vương Vô Tránh Niệm, người sau này là Phật A Di Đà. Bồ tát Quán Thế Âm được Đức Phật Bảo Tạng thọ ký rằng, Đức Phật A Di Đà dù có thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng sẽ nhập niết bàn, khi đó Quán Thế Âm Bồ Tát tiếp quản chánh pháp và cõi Cực Lạc, thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Quán Thế Âm Bồ Tát được gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát, ẩn tàng một triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quán Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát. Cũng theo kinh này thì Quán Thế Âm Bồ tát có 32 ứng hóa hiện thân là thân Phật, Bích Chi (Duyên Giác), Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la–môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Thần chấp Kim Cang.
Sau này lại có thêm 33 hóa thân khác của Quán Âm, những hóa thân này không dựa vào Kinh sách mà chỉ dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo kết hợp với 33 Ứng hóa thân trên pha trộn với tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản và Trung Hoa mà tạo thành, đó là các hồng danh: Dương Liễu Quán Âm, Long Đầu Quán Âm, Trì Kinh Quán Âm, Viên Quang Quán Âm, Du Hý Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Liên Ngọa Quán Âm, Lang Kiến Quán Âm, Thí Dược Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm, Đức Vương Quán Âm, Thủy Nguyệt Quán Âm, Nhất Diệp Quán Âm, Thanh Cảnh Quán Âm, Uy Đức Quán Âm, Diên Mạng Quán Âm, Chúng Bảo Quán Âm, Nham Hộ Quán Âm, Năng Tĩnh Quán Âm, A Nậu Quán Âm, Vô Úy Quán Âm, Diệp Y Quán Âm, Lưu Ly Quán Âm, Đa La Quán Âm, Cáp Lỵ Quán Âm, Lục Thời Quán Âm, Phổ Bi Quán Âm, Mã Lang Phụ Quán Âm, Hiệp Chưởng Quán Âm, Nhất Như Quán Âm, Bất Nhị Quán Âm, Trì Liên Quán Âm, Sái Thủy Quán Âm. Quán Thế Âm Bồ Tát là bồ tát trợ tuyên đắc lực của Phật A Di Đà ở phương tây, Quán Thế Âm Bồ Tát thể hiện lòng Bi (sa., pi. karuṇā), một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, danh hiệu của ngài thường kèm theo từ Đại Bi (sa. mahākāruṇika). Dạng kia của Phật tính là Trí tuệ (Bát-nhã, sa. prajñā), là đặc tính được Bồ Tát Đại Thế Chí thể hiện, bên tay phải của Phật A Di Đà. Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến mình lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Quán Thế Âm là vị bảo hộ tránh khỏi tai hoạ và hay được phụ nữ không con cầu tự.
Trong các loại tranh tượng về Quán Thế Âm, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen, sa. padmapāṇi) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (sa. amṛta). Số tay của Bồ Tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.
Trong tranh tượng với 11 đầu thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị Bồ Tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A-di-đà. Cứ mỗi ba đầu tượng trưng là ba đặc tính: từ bi với chúng sinh khổ nạn, quyết tâm đối trị cái xấu, hoan hỉ với cái tốt. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa và Phật quả.
Đôi lúc Quán Thế Âm Bồ Tát cũng được trình bày dưới một dạng ít thấy, đó là “Sư Tử Hống Quán Tự Tại” (獅子吼觀自在, sa. siṃhanāda-lokeśvara). Dưới dạng này, Bồ Tát là một Dược sư, đặc biệt cứu độ những người bệnh phong cùi (lepra). Mắt Bồ Tát đang nhìn bệnh nhân và mắt chính giữa (huệ nhãn) đang tập trung chẩn bệnh. Hai bảo vật bên vai cũng là những dụng cụ của một dược sĩ, bình sắc thuốc bên trái của Bồ Tát và đao trừ tà (bệnh) bên phải. Sư tử Bồ Tát cưỡi xuất phát từ một sự tích. Tương truyền rằng, có một con sư tử sinh được một con nhưng con chết ngay sau khi sinh. Đau đớn quá nó rống lên thật to và nhờ tiếng rống uy dũng này, nó làm cho con nó sống lại. Vì thế mà có sự liên hệ giữa tên của Sư Tử Hống Quán Tự Tại (“giọng sư tử”) với nghề nghiệp của một dược sĩ “gọi người sống lại”.
Một thuyết khác giải thích tích của 11 đầu và nghìn tay: lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Bồ Tát đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Bồ Tát mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt. Quán Thế Âm cũng hay được vẽ là một vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo): trong súc sinh, Quán Thế Âm đầu ngựa, hoặc cưỡi sư tử; trong địa ngục, người có nghìn cánh tay; trong cõi A-tu-la, người có 11 đầu.
Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật, Quán Thế Âm có tên là Quan Âm, hay được trình bày dưới dạng thân nữ Bạch Y Hành Giả, tức vị nữ hành giả mặc y phục màu trắng. Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm (bo. chenresi [spzan ras gzigs]) là “người bảo vệ xứ tuyết” và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Bồ Tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố (bo. songten gampo, 620-649), được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm. Đạt-lại Lạt-ma và Cát-mã-ba (bo. karmapa) cũng được xem là hiện thân của Quán Thế Âm. Câu Man-tra OṂ MA-NI PAD-ME HŪṂ được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất. Tranh tượng của Bồ Tát được biểu diễn bằng một người có 11 đầu và ngàn cánh tay hoặc trong dạng có bốn tay, ngồi toà sen.
12 Đại nguyện
- Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quan Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện.
- Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quan Âm Như Lai thường vào Biển Đông (tức Nam Hải) nguyện.
- Nguyện thứ ba: Ở Ta bà, vào Địa phủ, Quan Âm Như Lai cứu với chúng sanh nguyện.
- Nguyện thứ tư: Diệt tà mà trừ yêu quái, Quan Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện.
- Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quan Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện.
- Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quan Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện.
- Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quan Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện.
- Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quan Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện.
- Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quan Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.
- Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quan Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện.
- Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quan Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện.
- Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quan Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.
- Oṃ Maṇi Padme Hūṃ (chữ Devanāgarī: ॐ मणि पद्मे हूं, tiếng Tây Tạng: ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་) là một câu Chân ngôn tiếng Phạn, được xem là chân ngôn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát và là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là "Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn" tức là "Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ".
- Đại Bi Tâm Đà La Ni (Mahā Karuṇā Dhāranī, महा करुणा धारनी), là bài chú căn bản minh họa công đức chứng quả của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát do chính ngài thuyết.
“Nếu cần hiện ra thân gì để cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó như: thân quốc vương, thân tể tướng, thân nhi đồng, thân phụ nữ v.v…” (phẩm Phổ môn). Truyện tích về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải (Diệu Thiện) ở Việt Nam được hình thành dựa trên quá trình tiếp biến văn hóa và cơ sở “thị hiện” này.
Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, truyện thơ và gần đây nhất là truyện văn xuôi. Theo tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, “Truyện thơ Quan Âm Thị Kính (bản Nôm) hiện chưa biết được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu”. Cứ vào nội dung của truyện Quan Âm Thị Kính thì có thể đây là một dị bản của Phật giáo Cao Ly (Triều Tiên): “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”. Tuy vậy, bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc nước ta, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Và Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính, “Xem trong cõi nước Nam ta/Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”. Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.
Truyện thơ Quan Âm Nam Hải gồm 1.426 câu, được lưu truyền trong dân gian trước cả truyện Quan Âm Thị Kính. Theo Nguyễn Lang (sđd), truyện Quan Âm Nam Hải vốn xuất phát từ một vị Tăng đời Nguyên bên Trung Hoa. Tích này được lưu truyền trên đất Việt kể từ khoảng cuối thế kỷ XIV hay XV và được Việt hóa. Bản Nôm cổ nhất của truyện Quan Âm Nam Hải vẫn chưa biết được khắc vào thời đại nào. Bản Việt ngữ đầu tiên Quan Âm diễn ca của Huỳnh Tịnh Của, ấn hành năm 1897.
Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì chú Đại bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).
Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa. Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.
Về ba ngày vía của Bồ tát Quan Thế Âm, HT.Thích Huyền Tôn, dẫn theo Thiền môn nhật tụng cho biết: 19-2 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm đản sinh, 19-6 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm thành đạo, 19-9 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm xuất gia.
Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì chú Đại bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).
Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa. Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.
Về ba ngày vía của Bồ tát Quan Thế Âm, HT.Thích Huyền Tôn, dẫn theo Thiền môn nhật tụng cho biết: 19-2 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm đản sinh, 19-6 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm thành đạo, 19-9 kỷ niệm Bồ tát Quan Thế Âm xuất gia.
Thiên Thủ Quán Âm
Thiên Thủ Quán Âm
by Derek Lin
Thousand Hand Guan Yin
Quán Âm
Quán Âm là vì Bồ tát (Boddhisattva) từ bi, được các Phật tử tôn kính như là Nữ Thần Ân Phước. Tên của ngài được gọi tắt là Quán Thế Âm. Quán có nghĩa là quan sát, xem xét, hay để tâm đến. Thể có nghĩa là Thế gian; Âm có nghĩa là Âm thanh, đặc biệt là âm thanh của những kẻ đau khổ. Do đó, Quán Thế Âm là một người xem xét quan sát và đáp ứng với những kẻ đang kêu khóc cầu cứu trên thế gian.
Bồ Đề (Boddhi) có nghĩa là trí tuệ hay giác ngộ, Tát Đỏa (Sattva) có nghĩa là chúng sanh hay hữu tình. Hai chữ này ghép lại thì có chữ Bồ Tát, một chúng sanh đã giác ngộ và sẵn sàng để ra ngoài vòng sanh tử, nhưng đã chọn trở lại thế gian để giúp những người khác cùng đạt đến sự giác ngộ giống mình. Đây chính là sự biểu lộ của lòng từ bi thanh tịnh tột cùng.
Ngàn tay của vị Bồ tát nầy tiêu biểu cho nhiều khá năng cứu giúp của Quán Âm. Có ngàn con mắt trên ngàn bàn tay giúp Quán Âm có khả năng quan sát thế gian. Quán Âm cũng có nhiều khuôn mặt để có thể dùng khuôn mặt thích hợp cần cho việc giúp người, không nhất thiết là dùng gương mặt của chính ngài, bởi vì sự giúp đỡ được ngài ban ra với tinh thần vô ngã (không có cái tôi trong đó – Lời người dịch).
Do ảnh hưởng lan rộng của văn hóa Trung Hoa, Quán Âm có thể là vị Bồ tát được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Điều nầy đôi lúc đưa đến ngộ nhận khi có nhiều người lẫn lộn Quán Âm và Bồ tát. Thí dụ nhiều người đã dịch lầm tên vũ điệu trình diễn là Bồ Tát Thiên Thủ.
Thêm vao đó hình ảnh thần thánh hóa của Quán Âm có thể đưa đến ngộ nhận ở mức độ căn bản. Một vị Bồ tát không phải là một vị thần mà là một chúng sanh – một chúng sanh đã thăng hoa về tâm linh. Mặc dầu Quán Âm được mô tả qua hình ảnh một phụ nữ Á đông đẹp đẽ, tuy nhiên bất cứ người nào cũng có thể thành Bồ tát dầu người đó có bất cứ hình dáng, chủng tộc, hay giới tính gì đi nữa. Hễ khi nào bạn hành xử theo xu hướng tự nhiên của lòng từ bi, là bạn đã tiến gần thêm được một bước để trở thành Bồ tát.
Về phần trình diễn
Dưới đây là đoạn phim ghi lại phần trình diễn. Phim thuộc dạng WMV, nếu bạn có hệ thống nối mạng nhanh, bạn chỉ cần nhấn hình và xem phim truyền đến máy điện toán cá nhân của bạn mà không cần phải tải xuống trước. Hoặc nếu muốn, bạn có thể nhấn phía phải con chuột (right click) và lưu giữ vào máy điện toán cá nhân của bạn để xem lại sau này. Đoạn phim dùng độ nét 640x480 và chiếm đến 36 Mb, do đó nếu tải xuống bằng DSL hoặc cable modem thì chỉ mất vài phút, nếu tải xuống qua loại modem thường thì vẫn được, tuy nhiên cần nhớ là việc tải xuống có thể mất đến vài giờ đồng hồ.
Những người sử dụng máy điện toán Mac (Macintosh) thì có thể tải đoạn phim xuống trước và sau đó xem bằng nhu liệu trung gian như VLC hoặc Mplayer. Nếu bạn không có các nhu liệu đó để xem, xin cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ chuyển đổi phim thành lọai dành cho QuickTime. Những thắc mắc về kỹ thuật hoặc ý kiến có thể đánh mày vào Tea House (xin viết bằng Anh ngữ – Lời người dịch)
Điều ly kỳ nhất về phần trình diễn này là tất cả các vũ công đều bị điếc. Họ là thành viên của Đoàn Trình Diễn Nghệ Thuật của Người Khuyết Tật Trung Hoa. Không có người nào trong nhóm họ có thể nghe được âm nhạc – điều này làm cho việc múa phối hợp của họ là một thành tựu kỳ diệu. Những khó khăn và thách đố họ gặp phải trong lúc tập luyện thật ngoài sự tưởng tượng.
Nếu bạn thích thú vẻ đẹp và sự tuyệt diệu của phần trình diễn lạ thường này, xin bạn hãy chia sẻ với bạn bè và người thân. Hãy gởi đến họ chi tiết về trang này để họ có thể chính mắt xem. Bạn có thể gởi đến họ địa chỉ mạng là www.truetao.org hoặc www. truetao.org/guanyin nếu bạn muốn họ đi trực tiếp vào trang này. Ngoài ra xin giúp Đoàn Trình Diễn Nghệ Thuật của Người Khuyết Tật Trung Hoa.bằng cách ủng hộ mua DVD của họ khi được phát hành. Chắc chắn tất cả chúng ta đều có thể dùng thêm một chút từ bi trên thế gian này.
Dưới đây là wallpaper với độ nét cao (1280x1024) để làm nền desktop cho máy điện toán cá nhân của bạn. Bạn hãy nhấn vào để xem, và nếu bạn thích hãy nhấn phía bên phải của chuột (rigt click) để lưu giữ hoặc chọn “set as Background" để làm hình nền.
Thông điệp rốt ráo của phần trình diễn này có thể tóm tắt qua những lời của Zhang Jigang, nhà biên soạn và đạo diễn vũ khúc này:
Khi bạn tử tế và trong lòng đầy tình thương,Ngàn tay sẽ tự nhiên đến giúp bạn.Khi bạn tử tế và trong lòng đầy tình thương,Bạn sẽ vươn ngàn cánh tay để giúp kẻ khác.
Chú thích của người dịch:
- Vũ khúc này được các vũ công Trung Quốc tập luyện trong gần 10 năm trước khi ra trình diễn trước công chúng. Trong năm 2005, họ đã đi trình diễn tại hơn 40 quốc gia. Đoàn vũ công gồm 9 nam và 12 nữ đều câm điếc, do câm điếc nên họ dùng nét mặt và cử chỉ để diễn tả nội tâm. Trong quá trình tập luyện, họ đã học phương pháp phối hợp hơi thở và diễn xuất, diễn đạt tấm lòng từ bi bao la của Bồ Tát Quán Âm.
- Trong phim, bạn thấy có 2 người đứng ở hai bên hông sân khấu là những người nhắc vũ điệu bằng cách ra dấu cho các vũ công câm điếc vì các vũ công này không nghe được điệu nhạc.
- Các vũ công, lúc hợp thành một, lúc phân ra thành nhiều, nói lên khả năng phân thân của Bồ Tát Quán Thể Ấm như trong hai câu thơ:
Ngàn xứ khẩn cầu ngàn xứ ứng
Thường vào biển khổ độ người qua.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét