Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Số phận những ngôi làng đẹp nhất Việt Nam

Làng phát mệnh đế vương 
Khắp vùng châu thổ sông Hồng, người dân đã xây rất nhiều đền, chùa để tưởng nhớ công lao của Lý Quốc Sư, một vị cao tăng nổi tiếng thời Lý. Thế nhưng ngôi làng nơi ông sinh ra ở xã Gia Sinh, ven núi Bái Đính thì lại không có một vết tích gì tưởng nhớ đến người thầy thuốc trứ danh này.
Một trong những tượng Phật lớn nhất chùa Bái Đính

Pháp sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, là người phủ Tràng An, gần núi Bái Đính, Ninh Bình hiện nay. Ông là người thông minh, tài năng xuất chúng nhưng lại theo nghiệp tu hành. Truyền thuyết kể rằng, một lần sư thầy Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ để dọa, ông trách thầy sẽ phải ăn năn về việc làm của mình. Từ Đạo Hạnh thở dài và nói với ông rằng: “Kiếp sau ta sẽ đầu thai vào một vị vua, nếu cơ thể ta mọc toàn lông hổ thì con sẽ là người cứu ta nhé”. Sau đó Từ Đạo Hạnh truyền cho ông bí quyết trị bệnh.
Tương truyền vị vua Lý Thần Tông do Từ Đạo Hạnh hóa kiếp thành. Vào tuổi trưởng thành, vua bị bệnh rất lạ: Trên khắp cơ thể mọc toàn lông lá, miệng thì cứ gầm gừ như hổ. Triều đình buộc phải nhốt vua vào cũi và truyền gọi thần y khắp nơi chữa trị. Trong lúc đó từ đất Tràng An, Ninh Bình, bọn trẻ chăn trâu truyền nhau câu sấm: “Muốn trị bệnh cho thiên tử, chỉ có Nguyễn Minh Không”.
Triều đình nhà Lý cho mời pháp sư vào. Quả thật, ông trị được bệnh hóa hổ của vua Lý Thần Tông. Nhà vua phong cho ông là Quốc sư, quản lý các sư sãi của quốc gia. Lý Quốc Sư đồng thời cũng là ông tổ của nghề đúc đồng, tên tuổi của ông gắn với tứ đại khí của Đại Việt, tiêu biểu như chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh. Chính vì thế mà ông được nhân dân phong thánh.
 Điện thờ ba vị Tam Thế tại chùa Bái Đính
Mảnh đất sinh ra vị thánh này nay là một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Bái Đính, đột nhiên nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc vì những công trình kỳ vĩ mới mọc lên từ cách đây dăm năm. Những nẻo đường ngày xưa sư Minh Không đi hái thuốc cứu bậc đế vương nay tấp nập bước chân của người bốn phương về thăm chùa Bái Đính.Mặc dù chưa xây dựng hoàn chỉnh, nhưng với những tác phẩm văn hóa Phật giáo quý giá, ngôi chùa này vẫn tiếp đón khách thập phương đến viếng cảnh. Nằm trên đồi cao là điện Tam Thế với ba tầng mái cong có 12 mái ở bốn phía, cao 30m, dài 52m, rộng 47m. Trong điện đặt ba tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi tượng nặng 50 tấn. Xuống thấp hơn là một vườn sinh vật cảnh quý hiếm với những hòn non bộ độc đáo. Theo độ dốc của đồi là đến điện thờ Pháp chủ gồm hai tầng mái cong, có tám mái ở bốn phía và một hàng cổ lâu.
Điều đặc biệt ở điện thờ Pháp chủ có tượng Phật A Di Đà bằng đồng rất lớn, nặng 100 tấn. Pho tượng này được công nhận là tượng Phật lớn nhất VN. Tiếp đó là một sân chùa rộng, sừng sững tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá to, cao, rồi đến điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát với một tầng mái cong. Lại có một sân chùa và một vườn cây nữa rồi mới đến tháp chuông lớn, kiến trúc bát giác theo kiểu chồng diêm, gồm ba tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở tám phía với các đầu đao.
Trong tháp chuông này treo một quả chuông nặng 36 tấn. Trên đồi cao về phía bên trái toà Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Từ hai phía của Tam quan là các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to, đồ sộ.
Độ dài từ thấp đến cao tính từ Tam quan ở dưới lên đến điện Tam Thế ở trên là gần 800m. Khu vực chùa Bái Đính còn tỏa ra một không gian rộng lớn hơn nữa, có giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà tăng thiền viện, khu nhà khách, bảo tháp 14 tầng và khu bảo tàng Phật giáo VN.
Số phận một ngôi làng trung du ở Ninh Bình thật kỳ lạ. Nó là mảnh đất hội tụ nhiều khí thiêng, không chỉ là quê hương của pháp sư Minh Không, mà còn là nơi phát mệnh đế vương của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, từng là nơi vua Quang Trung dừng lại làm lễ tế cờ trước khi đánh vào thành Thăng Long năm 1789, là khu căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp

. Vì vậy mà nơi này đã được công nhận là Khu Di tích văn hóa lịch sử quốc gia vào năm 1997. Và nay một phần đất làng có thêm quần thể chùa Bái Đính có quy mô hoành tráng và đẹp đẽ nhất từ trước đến nay ở VN. Tương lai, nó sẽ trở thành trung tâm lớn của Phật giáo VN.  
HỒNG BÍCH 
Qua chốn phủ đệ Kim Long
Làng Kim Long xưa nằm ở bờ Bắc sông Hương. Vị Chúa Nguyễn thứ ba khi ấy mới kế vị đúng một năm, say đắm trước cảnh sơn thủy hữu tình nên đã dời phủ về làng.
Cố đạo Alexandre de Rhodes đã mô tả Kim Long như là một thành phố lớn. Ông cho rằng phủ Chúa lúc ấy rất khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột, kèo chạm trổ tinh vi, nhà nào cũng có vườn, ban đêm, đèn sáng trưng. Dưới bến sông có thuyền rồng và nhiều thuyền chiến. Sau khi Gia Long lên ngôi, nhiều quan lại các triều đại không thích chốn phồn hoa đô hội ở Phú Xuân, nên lui về Kim Long lập phủ đệ, nhà vườn, để lại một gia sản kiến trúc quý giá, tạo thêm cho Huế một điểm dừng chân thơ mộng hiếm có.
Bây giờ đứng ở làng Kim Long, trước mắt du khách là con sông Hương xanh biếc, yên ả, thỉnh thoảng lại có con đò nhỏ của những người đi cào hến trôi ngang. Và câu chuyện về đất Kim Long còn trải dài theo bước chân du khách trên đường vào thôn Phú Mộng, nơi vua Gia Long cho tạo dựng nhà vườn phủ đệ và ban phát cho khanh tướng. Con đường cong cong uốn lượn, lát gạch men đỏ sang trọng, hiếm có ở VN.
Nhà Tả quân Lê Văn Duyệt
Ngay đầu thôn là ngôi nhà cũ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, gồm ba gian hai chái, chạm trổ tinh xảo, được dựng cách đây đúng 187 năm. Ngay chính giữa điện thờ có tấm hiểu dụ của vua Tự Đức ban với nội dung xóa tội cho ngài và nhiều hoành phi, câu đối, cặp trúc hóa long chạm trổ tỉ mỉ do các quan cùng triều mừng nhà mới. Du khách thắp hương cho ngài, đi dạo trong khu vườn rộng và tự hỏi, không biết ngày xưa ông Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) sau khi giết hổ bạch ở đấu trường đã đem xác về chôn ở góc nào trong khu vườn này.Từ phủ Tả quân trở đi, những ngôi nhà rường ken dày. Nhà vườn thôn Phú Mộng còn nguyên vẹn 60 cái, như Phủ Diên Phước công chúa, Phủ Lê Văn Duyệt, nhà ở của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điền. Có nhà còn năm, sáu nghìn mét vuông đất hoa viên, trồng sapôchê, cam, quýt, thanh trà, nhiều loại hoa vạn thọ, hồng, cây cảnh. Dù trời nắng nóng, đi trong vườn vẫn thấy mát mẻ, dễ chịu. Có gia đình còn giữ được tủ có con rồng chạm nổi, thếp vàng óng ánh, còn nguyên năm móng. Ở Huế ai cũng biết, chỉ tủ thờ trong cung vua rồng mới có năm móng, nhà quan bốn móng và nhà dân chỉ được phép “xài” rồng ba móng. Người dân Phú Mộng đa phần là con quan, cháu Chúa, cố giữ nếp văn hóa ứng xử thanh lịch, vô cùng kiên nhẫn, cởi mở với du khách.
Có một nghịch lý là từ trước tới nay, các điểm tham quan trong làng Kim Long đều miễn phí, còn việc giữ gìn những ngôi nhà vườn ở thôn Phú Mộng, làng Kim Long đều do chủ nhân tự lo liệu. Anh Lê Chánh Tuấn nói: “Tôi có trong tay nhiều chương trình tour của các công ty du lịch đang đóng trên địa bàn Huế. Họ quảng cáo rầm rộ để đưa khách đến tham quan Kim Long, trong đó có phủ thờ ngài Tả quân, nhưng vẫn liên kết với các chủ nhà vườn, tạo điều kiện cho chủ nhân những ngôi nhà này có thu nhập để sửa chữa, bảo tồn các kiến trúc nhà cổ của Huế”.Nhiều ngôi nhà có giá trị xuống cấp trầm trọng, rui mè bị mối mọt, mái dột, nhưng chủ nhân không đủ sức trùng tu. Anh Tuấn cho biết đã gặp khó khăn như thế nào khi vay tiền ngân hàng để sửa nhà thờ, sổ hồng của anh không được ngân hàng chấp nhận với lý do đây là đất có di tích của tỉnh. Cụ Nguyễn Ngọc Trinh than phiền, đất vườn rộng nhưng cũng không được xẻ vài trăm mét vuông bán bớt để lấy tiền sửa sang nhà cửa, do thôn nhà vườn này đã được quy hoạch, cấm xẻ vườn chia lô. Cụ chỉ có hai chọn lựa, hoặc bán toàn bộ nhà vườn, dọn đi nơi khác, hoặc cam chịu hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Nhiều gia đình đã chọn cách bán toàn bộ nhà cửa và vườn tược để có vốn liếng làm ăn. Đã xuất hiện những chủ nhân mới với các nhà hàng, quán sá, nếp sống thôn dã bắt đầu bị khuấy động
ĐỖ PHƯỚC TIẾN 
Làng “Vua Lửa”
Từ trung tâm thành phố Pleiku, vượt qua đèo Chư Sê là sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ với 13.500 ha ruộng lúa nước. Chính giữa thảm lúa, ngọn núi Chư Tao Yang chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hóa tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Puih (Vua Lửa).
Ngọn núi giấu gươm thần
Cửa hang chỉ rộng chừng 70cm. Lách qua cửa hang này sẽ gặp một nhánh hang nữa. Và đây chính là nơi chiếc gươm đang ẩn mình. Người duy nhất có thể vào hang sau khi đã làm lễ cúng là Pơtao Puih Siu Luynh, đời Vua Lửa cuối cùng ở Tây Nguyên. Nhưng ông đã băng hà năm 1999. Bên cạnh núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi), quê hương của các Vua Lửa. Plei Ơi thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai.Trong hệ thống các “vua” mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm “vua” lửa, “vua” nước, “vua” gió... thì “vua” lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Gia Rai. Siu Luynh là Pơtao thứ 14 ở Tây Nguyên. Lần đầu tôi gặp ông, Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh.
Quyền hạn thực sự của ông là quyền cúng cầu mưa và mưa nhiều ông lại cúng cho hết mưa. Thanh gươm của “vua” theo huyền thoại là gươm thần được luyện bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm chưa ai thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã gần ba chục năm, nhiều lần ngồi uống rượu với “vua”, nhiều lần lởn vởn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm.
Vua Lửa Siu Luynh
Theo truyền thuyết, thanh gươm của Pơtao Puih có nguồn gốc như sau: Nó do anh em T’dia và T’diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía Nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước...Cuối cùng, người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ(?) và ai sở hữu thanh gươm này sẽ nói chuyện được với thần linh. Tôi nhiều lần được tiếp xúc với “vua”, chỉ thấy đó là một người đàn ông Gia Rai hiền lành, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy tìm, cách nhà hàng năm, bảy cây số. Ông suốt ngày làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là... làm kinh tế từ danh hiệu “vua”: ai muốn chụp ảnh ông đều phải trả tiền.
Làng “vua” lửa ở là Plei Ơi đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Khi Siu Luynh mất, cả Plei Ơi và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông khác người thường một chút: Thi hài không đặt trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng Đông Tây và được liệm trong một cây gỗ to khoét rỗng ruột. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp, nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng để giúp những người kế vị làm việc tốt hơn.
Nhà vua Lửa ngày xưa
Chúng tôi vừa trở lại Plei Ơi, ngôi làng cũ bây giờ về cơ bản đã khác hoàn toàn. Ngày xưa, ngôi làng này mang vẻ đẹp đặc trưng Gia Rai với những ngôi nhà sàn liền kề, quây quần quanh ngọn núi Chư Tao Yang. Nhà Vua Lửa vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Bây giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, cột ăng ten ngất nghểu chẳng khác gì những ngôi làng của người Kinh...Ngôi nhà sàn cũ của Vua Lửa để không, cũ nát, xiêu vẹo. Bà vợ ông Siu Luynh còn sống, ở cùng với con cháu trong ngôi nhà xây, nền xi măng cách đấy khoảng năm chục mét. Cái trống da voi trắng để sau lưng cái tivi. Bộ chiêng cổ xếp dưới gầm giường, bụi và mạng nhện giăng đầy. Có một điều lạ, có thể là vô tình: Khi tôi xem các tấm ảnh chụp đã lâu, tất cả những tấm chụp bộ chiêng, trống cổ của “vua” và bà vợ “vua” đều bị thừa sáng, mất nét, nhòe nhoẹt, còn những bức khác thì không sao... 

VĂN CÔNG HÙNG 
Mông Phụ: Hồn Bắc Bộ
Đá ong có thể đột ngột xuất hiện rực rỡ ở bất cứ góc quẹo nào, trên tường nhà, nơi trụ cổng cửa gỗ khép hờ và ở bờ tường hai bên đường làng...
Mông Phụ chỉ là một làng nhỏ trong quần thể làng cổ Đường Lâm, cách trung tâm Hà Nội 60 km, mà vẻ cổ kính của nó được giữ nguyên vẹn nhất với cây đa 500 năm tuổi, cổng làng cổ, đình làng đẹp vào loại mẫu mực. Và những con đường làng dẫn bạn đi cùng với cuộc trình diễn tuyệt đẹp của kiến trúc bằng đá ong, tạo nên vẻ đặc biệt không đâu có khắp vùng đồng bằng Bắc bộ.Đá ong có thể đột ngột xuất hiện rực rỡ ở bất cứ góc quẹo nào, trên tường nhà, nơi trụ cổng cửa gỗ khép hờ và ở bờ tường hai bên đường làng, tạo nên một màu vàng sáng bừng. Trải qua gần 400 năm, những bờ tường đá ong đã xiêu đổ, chênh vênh, nhưng vẫn cố giữ vẻ đường hoàng. Mảnh đất này đã sinh ra Ngô Quyền, Phùng Hưng và là quê hương của bà Man Thiện, mẹ hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trong danh sách người thành đạt là con cháu người Mông Phụ hoặc xã Đường Lâm còn thấy có cả phó thủ tướng, nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Và chỉ cần bước vào chính điện chùa Mía là có thể thấy hơn 200 pho tượng Phật cổ đẹp nhất miền Bắc hiện nay.
Những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đánh thức ngôi làng cổ này và chẳng mấy chốc ngôi làng đã cuốn hút khá đông khách du lịch. Nay thì mỗi năm có hơn 30 nghìn khách thăm làng. Nhà của ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm giữa, một trong những ngôi nhà hơn 400 năm, đã bán vé cho khách tham quan từ mấy năm nay. Ngôi nhà ấy cũng chính là nơi đêm ngày ông hằng ưu tư về số phận làng mình. Đình làng Mông Phụ từng bị “cưỡng bức” trùng tu, san phẳng làm mới. Cổng làng Mông Phụ cũng không thoát, không hỏng người ta vẫn lập dự án sửa chữa. Ông Hùng lo lắng khi cách nhà ông có ba cái sân gạch, một tòa nhà bê tông ba tầng màu xanh đã lừng lững vươn lên. “Nhà ấy làm xóm tôi thành nửa cổ nửa kim”, ông Hùng than vãn với khách.

Cha con ông dẫn tôi đi quanh vườn. Chỗ này là chuồng gà nhốt toàn gà đồi để làm món nướng nổi tiếng. Bên dưới mái hiên, hàng dãy chum vại gốm đựng tương để bán cho khách. Ngoài cách nấu một bữa cơm quê, người Đường Lâm chưa biết làm gì để giữ làng cổ nguyên vẹn. Trong khi ấy, ở ngoài làng loan tin đồn thế đất hưng vượng đã kéo người ta ùn ùn về Đường Lâm mua đất để làm lăng cho ông bà, bố mẹ.
Đường Lâm được các dự án bảo vệ di tích nhiều trăm tỷ đồng, nhưng những dự án ấy đem lại cho ngôi làng cổ một cái đình làng Mông Phụ là của giả. Gần 1.000 ngôi nhà cổ còn lại trong các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh đang chao đảo bởi làn sóng du lịch mà chưa có cách gì để bảo vệ. Mặc dù được công nhận di tích cấp quốc gia 20 năm nay, nhưng chưa có những quy định khoanh vùng bảo vệ không gian văn hóa đi kèm. Chính vì thế, 20 nhà mới cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng giữa xã. Đình cổ, cổng làng cổ bị những đội quân thợ xây dựng vô tư kéo sập xuống để làm mới lạ theo dự án.
Những người nông dân chưa hiểu rõ giá trị của ngôi làng cổ không chỉ là kiến trúc đặc biệt tiêu biểu, mà còn là nếp sống văn hóa đang bị xói mòn từng ngày. Nhưng đáng lo hơn, Đường Lâm đang được bảo vệ bằng những dự án “giật sập rồi xây mới lại” như đã từng xảy ra với đình làng Mông Phụ. Rồi đây, những người săn lùng nhà cổ sẽ đến. Khi ấy, nếu không có những văn bản bảo vệ bằng quy chế, liệu ngôi làng này có chống nổi những cám dỗ vật chất rồi chịu kiếp vật đổi sao dời hay không?

BÍCH HỒNG
  “Ngôi làng của những người già”
Người trẻ hơn đã rời làng đi khắp xứ kiếm sống, để lại ngôi làng cổ 500 năm tuổi chìm trong tĩnh mịch cùng những người già cô đơn. Đánh thức một không gian sống mà thời gian và lịch sử dường như đã dừng lại như làng Phước Tích là trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa cổ.

Phước Tích là một trong vài ngôi làng cổ đẹp nhất VN đã được phát hiện cho đến nay cần được gìn giữ như một di sản.
Đi đến km 40 kể từ Huế ra phía Bắc, rẽ vòng vèo đường liên xã một đoạn thì chúng tôi đến được làng Phước Tích nằm ở huyện Phong Điền. Cái nề nếp làng xứ Huế có thể nói đã đọng lại hết ở Phước Tích. Con sông Ô Lâu xanh mướt ôm trọn những cây đa, những miếu mạo và vườn Huế. Và hàng chục ngôi nhà cổ nằm im lìm trong những vườn cũ.
Làng Phước Tích đẹp đến mức nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ về ở cả tháng, chụp đến nghìn bức ảnh mà ra đi không nỡ. Cái tinh thần cốt cách của làng Phước Tích đọng lại trong hai câu chuyện. Vào năm 1939, vua Bảo Đại ban cho gia đình ông Hoàng Như Khuê bức hoành phi bốn chữ Tứ đại đồng đường. Đây là gia đình nổi tiếng đông con và phúc đức trong làng.
Chuyện thứ hai là bà Trương Thị Liễu, chồng bệnh chết sớm vào năm bà mới 18 tuổi, tuy trẻ trung, xinh đẹp nhưng bà ở vậy nuôi hai người con và thờ chồng. Năm 1934, vua Bảo Đại đã ban cho bà bức hoành phi Tiết hạnh khả phong. Bà Liễu sống một đời thanh bạch, đạm bạc nên đại thọ. Trong hai cuộc kháng chiến, Phước Tích đúng như tên gọi, tưởng như ông cha đã tích luỹ phước đức, ngôi làng rộng lớn chẳng hề nằm trong tầm bom đạn, vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ xưa quý phái, yên bình.
Nhà rường ở Phước Tích được xây dựng bằng những đội thợ nổi tiếng khắp miền Trung nên tinh xảo, thẩm mỹ và qui mô không kém nhà rường của giới quý tộc chốn kinh thành Huế. Trong làng, bạn có thể gặp những tủ sách cổ, những đình chùa, cây cổ thụ nhiều trăm năm tuổi. Cuối làng, một lò gốm cổ mới được phục chế đã cho ra lò những sản phẩm đơn sơ giống hệt những vật dụng vẫn bán ở chợ làng cách đây 500 năm.
Sau 500 năm lập làng, đầu tháng 4/2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận làng Phước Tích là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá: “Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh rất trẻ và tràn đầy sức sống”.
KTS Hoàng Đạo Kính cũng đánh giá Phước Tích là một trong vài ngôi làng cổ đẹp nhất VN. Dù không có sự kiện này, thì Phước Tích vẫn đang sống dậy đôi chút nhờ công nghệ làm lễ hội của các kỳ Festival Huế. Mỗi lần lễ hội, khách du lịch lại đổ về Phước Tích ngắm làng cổ. Ngôi làng này gần trung tâm Huế nhưng không nhiều thay đổi là bởi lẽ bên trong khoảng vườn vuông vắn, những ngôi nhà cổ ba gian hai chái còn nguyên vẹn chỉ có những người già cô đơn quạnh quẽ đang sống.
Có mấy cụ đã trên 100 tuổi, nhiều người khác cũng đã làm lễ thượng thọ 80 tuổi. Những người trẻ đã rời làng đi khắp xứ kiếm sống từ lâu. Không gian sống trong làng im lìm, đi gần hết làng mới bắt gặp một cặp vợ chồng trẻ bán nước mía ở gốc cây cổ thụ soi bóng xuống dòng Ô Lâu. Phước Tích không có đất làm ruộng, xưa nay chỉ là nhà vườn của nhiều dòng họ giàu có làm quan ở kinh thành Huế.
Bà Trần Thị Trúc, chủ nhân của một ngôi nhà cổ đẹp nằm giữa làng, kể, những người lui tới trong nhà lại chính là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, một đoàn làm phim và các nhà nghiên cứu văn hoá. Con cháu bà thỉnh thoảng về thăm chỉ nói chuyện bán nhà rường của tổ tiên cho đại gia Đà Nẵng, Sài Gòn làm du lịch.
Sở dĩ 27 nhà cổ giá trị nhất làng Phước Tích chưa bị gỡ bán cũng nhờ phước tổ tiên, nền nếp gia phong rất khắt khe, đất lại phát nên con cháu không nỡ lòng bán nốt. Như vậy, sự kiện Phước Tích mới đây được chính thức công nhận là di tích quốc gia có thể là cách giữ lại cho tỉnh Thừa Thiên - Huế một ngôi làng đẹp nhất vùng Bắc Trung Bộ?
Bây giờ làng Phước Tích thỉnh thoảng lại rộn ràng đón tiếp du khách theo tour “Hương xưa làng cổ”, hoặc khách Pháp, Tây Ban Nha thích đến đây du lịch kiểu “như ở nhà” “home-stay”. Lúc ấy bếp mấy ngôi nhà cổ giữa làng lại nghi ngút khói để dạy khách làm bánh ướt và bánh bèo truyền thống.
Những lúc ấy tôi nghĩ rằng KTS Hoàng Đạo Kính thật có lý khi nhận định tại hội thảo gìn giữ phát triển di sản làng cổ Phước Tích cách đây ba năm, rằng, không thể xếp hạng làng Phước Tích như một di tích, mà hãy xếp nó là làng-di sản. Địa phương phải ban hành quy chế bảo tồn, cải tạo và phát triển làng, hướng dẫn duy tu, cải tạo thích ứng các ngôi nhà, cách thức tổ chức du lịch hợp lý.
KTS Hoàng Đạo Kính lo nhất không phải là vấn đề kỹ thuật và đầu tư, mà là làm sao để gắn kết máu thịt, quyền lợi của người dân với di sản, biến di sản thành động lực phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra với làng cổ Phước Tích 500 năm tuổi là gìn giữ di sản văn hóa và tiếp tục phát triển chứ không phải giữ nguyên trạng một di tích.BÍCH HỒNG 
Ngôi làng có thành cổ Diên Khánh
 Bây giờ người ta hay nói đi tham quan thành cổ Diên Khánh, chứ ít ai nhắc đến ngôi làng có cái tên xưa cũ Khánh Thành nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang 10km về hướng Tây, đang sở hữu một ngôi thành cổ.
Di tích hiện nay còn lại đủ bốn cổng thành: Đông, Tây, Tiền, Hậu được xây dựng từ năm 1793, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm dinh Bình Khang. Thành Diên Khánh có mục đích chính là phục vụ quân sự (thành cao, hào sâu), là cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa khi ấy. Trong ký ức ông già bà cả, làng Khánh Thành là một tên gọi khác khi nói về khu vực thành Diên Khánh thời ấy.
 

Ngày xưa trong thành có hành cung, hình dáng giống như điện Thái Hòa ở Huế, cũng ngai vàng, sân chầu, vườn ngự uyển mùa ngâu ra hoa, ra trái chín vàng rực một khoảng sân dẫn ra mái tam quan. Xung quanh hành có dinh thự các quan án sát, tuần vũ, kiểm học, và cả kho gạo... Còn đa số nhà cửa của dân làng Khánh Thành chỉ toàn là vách đất, lụp sụp.
Năm Bính Tuất (1946), Pháp đến chiếm thành, đốt sạch xóm làng. Dân làng Khánh Thành đùm túm chạy giặc, gồng gánh kéo nhau rời khỏi thành. Sau đó, Pháp bắt những người có chức sắc cũ tập trung dân về thành, lập làng. Họ dọa người đứng đầu làng là ông Hương Kiểm, nếu không lập được làng sẽ bị giết.
Dân lác đác hồi cư, dựng nhà cửa trên đống hoang tàn đổ nát. Tên làng Khánh Thành ngày nay chỉ còn trong ký ức những người lớn tuổi, gắn liền với thành Diên Khánh và những cuộc chiến tranh trong quá khứ từ thời Tây Sơn sang thời Pháp thuộc...

Bây giờ đến làng này, điều đáng chú ý nhất vẫn là có thể tham quan thành cổ đắp đất cao hơn ba mét, mặt ngoài hơi thẳng đứng, mặt trong thoai thoải, có hai bậc thang dùng làm đường đi. Phía bên ngoài các cổng thành đều có hào dẫn nước từ sông Cái vào. Ngày xưa, bên ngoài hào có đường hào, bên trong có đường quan phòng vòng quanh bốn cổng thành.
Cổng thành có lầu tứ giác, mái uốn cong, bốn cửa ở bốn hướng, ban công hai bên. Mỗi cổng thành có ghi tên bằng chữ Hán (Đông, Tây, Tiền, Hậu). Hành cung ngày nay không còn, thay vào đó là trường học và các cơ quan, công sở... Nếu trước năm 1975, bờ thành vẫn còn hoang vu bởi cây cỏ mọc dày đặc, nhà cửa trong thành đa phần là nhà vườn, thì hôm nay, bộ mặt thành đã đổi khác.
Không chỉ bốn cổng thành được “làm mới” mà bờ thành được “phát quang” bằng phẳng. Nhà cửa ở ngôi làng xưa trong thành cũng tự phát với kiểu nhà ống, lầu cao, lô nhô vượt quá cổng thành, khiến cách nhìn của du khách hay người xa quê lâu ngày cũng khác đi. Một chút hoài niệm, một chút tiếc nuối nhưng biết sao được, quy luật bể dâu của muôn đời!

Một dự án trong thành Diên Khánh đang chờ triển khai nhằm khôi phục lại con đường quan phòng với mục đích chính là phục vụ du lịch. Để thực hiện dự án này sẽ phải giải tỏa nhiều nhà dân lấn chiếm đất sát bờ thành. Tuy nhiên, điểm thu hút khách du lịch không chỉ là con đường quan phòng này mà còn là nhiều thứ khác.
Mặc dù cách thành phố Nha Trang khoảng 15 phút đi xe máy, nhưng mấy ai ngược dòng lịch sử để nhớ có biết bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra nơi đây, kéo dài từ thời Tây Sơn đến thời Pháp thuộc với những danh tướng như Trần Quang Diệu, Trịnh Phong, Trần Đường.
Hay cái chết của nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp - một vụ án đẫm máu và nổi tiếng năm 1908. Khi nhận án tử, Trần Quý Cáp bình thản ra pháp trường, giằng khăn bịt mắt, ngẩng cao đầu nhìn về quê hương (Quảng Nam), ung dung nói với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái rồi khẳng khái tựu hình.

Làng cổ nhạt phai dấu cũ, người ta đang chờ con đường quan phòng được khôi phục như một cách làm mới lại (như cũ) thành Diên Khánh. Tuy nhiên, giá như có hành cung, còn dinh thự, và giá như không lỏi chỏi nhiều nhà ống thì có lẽ thành Diên Khánh của làng Khánh Thành xưa sẽ tăng giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi làng vì được chọn làm nơi xây dựng thành quách mà trở thành chứng nhân của bao diễn biến lịch sử. Nhưng thôi, giữ lại được cho đến hôm nay bốn cổng thành, những con đường nhỏ, nhịp sống êm đềm, yên ắng mà ít nơi nào có được đã là quá tốt rồi.BÌNH AN
Ngôi làng bị sét đánh 
Ở nước ta hiện có nhiều ngôi làng bị sét đánh. Nhiều người bị thiên lôi cướp đi tính mạng. Và bi hài hơn, quanh câu chuyện của những người không may bị “xơi tầm sét” là những lời đồn thổi khiến người thân còn sống phải hoang mang, lo lắng.
Ngày định mệnh
Đã gần 7 năm trôi qua, chúng tôi mới tìm về lại huyện Ân Thi (Hưng Yên). Đi trên con đường đê thuộc cánh đồng của 4 xã khi nhìn lên bầu trời đã thấy những đám mây đen ùn ùn kéo tới, những tia chớp lóe sáng. Một số bà con nông dân đang gặt lúa cũng hối hả tìm đường về nhà, trẻ nhỏ chăn trâu đang hối thúc đàn trâu nhanh bước. Chúng tôi sợ hãi hơn khi được biết, ngay tại cánh đồng này vào ngày 9/6/2006, sét đã đánh 5 người tử vong tại chỗ.
Cho đến bây giờ, người dân huyện Ân Thi vẫn chưa quên ngày định mệnh kinh hoàng ấy. Các nạn nhân trong vụ sét đánh gồm có 2 phụ nữ và 3 trẻ em. Hai phụ nữ bị sét đánh khi đang đi gặt lúa là chị Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1959 ở thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng và chị Hoàng Thị Lý, sinh năm 1980 ở thôn Chu Xá, xã Bắc Sơn. 3 nạn nhân còn lại trong đó 1 em đi chăn vịt là Bùi Duy Hiếu, sinh năm 1993 ở thôn An Khải, xã Bắc Sơn; 2 em đi chăn bò là Vũ Văn Huỳnh, sinh năm 1992 ở thôn Đỗ Mỹ (xã Bãi Sậy); Phạm Văn Luyện, sinh năm 1991 ở thôn Ngọc Châu, xã Quang Vinh đang dắt bò thì bị sét đánh chết cả người và bò. Điều đáng nói là cả 5 người này đều bị sét đánh cùng vào khoảng 18 giờ, làm người dân nơi đây hoang mang, lo lắng, thậm chí họ còn thêu dệt nên những câu chuyện hoang đường.
Một ngôi mộ người bị sét đánh đổ bê tông rất chắc chắn tránh trộm đào mộ
Theo chỉ dẫn của một người dân xã Bãi Sậy, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Duy Huân là cha của nạn nhân Vũ Văn Huỳnh bị sét đánh chết ở huyện Ân Thi. Mỗi khi có ai nhắc đến câu chuyện đau lòng, ông Huân lại nước mắt sụt sùi. Ông Huân cho biết: “Cháu mất khi mới tròn 15 tuổi. Cháu nó cao ráo, thông minh, khỏe mạnh, ai cũng bảo sau này bố mẹ được nhờ cậy. Vậy mà… ông trời đã “bắt” nó đi”.
Theo như những gì ông Huân nhớ lại buổi chiều định mệnh đó, khi trời nổi cơn dông, chưa thấy bò về chuồng nên Huỳnh chạy đi tìm. Đang trên đường lùa bò về qua đoạn đê thì bị sét đánh. Khi mọi người phát hiện ra, trên người em đã không còn mảnh vải che thân do quần áo cháy thành tro hết. Hô hấp nhân tạo không được, gia đình vội vàng đưa Huỳnh đi cấp cứu ở bệnh viện huyện Ân Thi nhưng khi tới nơi thì Huỳnh đã tắt thở từ lúc nào không ai biết.
Tương tự, nhiều trường hợp khác cũng không thể cứu được như vậy.
Sau cái chết của 5 người trên cùng một cánh đồng thì người dân ở huyện Ân Thi không khỏi hoang mang. Và rồi, những tên gọi như “cánh đồng chết”, “đồng sét đánh” là nỗi ám ảnh thường trực trong họ. Hễ cứ có mưa gió, sấm chớp đùng đùng là người dân lại tìm nơi trú ẩn, tránh sét. Chị Nguyễn Thị Dương, một người dân ở đây không giấu nổi vẻ sợ hãi: “Dân chúng tôi sợ lắm chú à. Hễ trời mưa có ai dám đi ra đường đâu”.
Không chỉ tại Hưng Yên mới có “làng sét đánh” mà ở tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có làng sét đánh. Năm 2009, sét đánh đã cướp đi sinh mạng 6 người dân ở xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An) khiến cuộc sống của người dân quanh khu vực bị đảo lộn vì thông tin trộm thi thể bị sét hoành hành. Tại xã Sơn Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có năm, sét đánh đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân.
Sét đánh thật sự là nỗi ám ảnh đối với người dân bởi nó không chủ đích nhằm bất cứ vào một người nào. Dù sợ hãi nhưng chưa ai tìm ra được phương pháp chống sét nào tuyệt đối an toàn và đảm bảo được tính mạng cho mình.
Thực thực hư hư
Khi còn nhỏ, tôi đã được nghe người lớn nói chuyện về những bộ phận trên cơ thể người bị sét đánh chết như cánh tay, xương bánh chè có “công dụng” vô cùng huyền bí. Lớn lên, dù không một tài liệu khoa học nào giải thích về hiện tượng thần bí này nên tôi cũng không dám tin đó là sự thật.
Nhiều người nói rằng, một số bộ phận trên cơ thể người bị sét đánh chết có công năng “siêu phàm”. Những người hành nghề ăn trộm muốn “đầu xuôi đuôi lọt” thì chỉ có một cách là đi đào mộ người chết do sét đánh khi chưa quá 100 ngày cắt trộm lấy một bàn tay đem về yểm. Để yểm được bàn tay đó, người ta phải lấy máu của con chó, tiết gà rồi đem thờ cúng, niệm chú 49 ngày thì bàn tay đó mới phát huy được tác dụng (?).
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người
Có người lại rỉ tai, bàn tay của người bị sét đánh là công cụ hữu hiệu nhất của kẻ đạo chích. Trước khi hành nghề thì đem bàn tay ấy lên bàn thờ để cúng, bàn tay đó chỉ về hướng nào thì theo hướng đó ắt sẽ thành công. Nếu chẳng may chủ nhà phát hiện thì tên trộm chỉ cần đem bàn tay ấy lên huơ qua, huơ lại trước mặt lập tức chủ nhà sẽ bất động mặc cho kẻ trộm… vét sạch sành sanh.
Lại có thông tin, xương bánh chè của những người bị sét đánh chết chữa được bách bệnh. Người ta mài ra rồi đem sắc với nước để uống chữa bệnh, trong đó có bệnh tâm thần mà được uống loại “thần dược” này thì bệnh thuyên giảm trong chốc lát và chỉ thời gian sau là hết bệnh(?). Hay ai có được đốt sống lưng của người bị trời đánh làm bùa treo ở cổ thì sẽ không bao giờ bị ốm đau, bệnh tật.
Ghê nhất là tin đồn, nếu lấy được răng người chết đem rang lên rồi hạ thổ, tán nhỏ uống thì mọi bệnh tật có trong người đều tiêu tan hết. Chính vì những lời đồn vô căn cứ và thiếu khoa học ấy đã khiến những gia đình có người bị sét đánh chết phải khổ sở. Họ phải an táng người xấu số cẩn thận, sâu dưới lòng đất và phải canh giữ cẩn thận. Nhiều trường hợp phải xây kiên cố ngay trong vườn nhà mình và canh giữ mộ qua 100 ngày để tránh kẻ gian đào mộ trộm.
Ông Vũ Duy Huân, bố cháu Vũ Văn Huỳnh cũng vậy. Ông Huân cho biết: “Thông tin về việc người ta trộm thi thể ngày cháu nó mất, gia đình tôi sợ người ta đào trộm mộ để đánh cắp thi thể nên phải cắt cử người thay nhau canh chừng cẩn thận. Đèn điện thắp sáng cả đêm. Phải đắp mộ kiên cố và làm hàng rào bảo vệ xung quanh để kẻ gian khó mà đột nhập được”.
Còn PGS.TS Lê Lương Đống - Phó giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam khẳng định, quá trình nghiên cứu, giảng dạy và hành nghề y học cổ truyền, ông chưa bao giờ thấy tài liệu nào nói về bài thuốc sử dụng các bộ phận cơ thể người chết vì sét đánh. Những lời đồn trên là nhảm nhí, thiếu căn cứ, phản khoa học và thất đức.
Để làm rõ những hoài nghi lâu nay dư luận còn "mù mờ" về cái được gọi là "tác dụng thần kỳ thi thể của người bị sét đánh", chúng tôi bỏ công tìm hiểu nhiều tài liệu nhưng cũng không ở đâu nói về những tác dụng kỳ bí ấy.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: "Sự thật về công năng thi thể người bị sét đánh chữa được bách bệnh là lời đồn thổi. Quá trình nghiên cứu, chúng tôi chưa ghi nhận được một trường hợp nào bị sét đánh chết lại có khả năng đặc biệt đấy cả”.


Hà Long - Văn Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét