Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Bài viết hay(784)

BẢN TIN MỚI DMV CALIFORNIA, USA
 - Không mang theo bằng lái xe: $214
- Sau 10 ngày đổi địa chỉ mà chưa thông báo cho DMV: $214
- Lái xe không có bảo hiểm gây tai nạn: $796 và bị treo bằng lái trong 4 năm
- Vượt đèn đỏ: $533 - Vượt qua hai lằn vàng (double solid lane): $425
- Quẹo và U-Turn ở chỗ cấm: $284 - Quá tốc độ (từ 1-15 miles): $224
- Quá tốc độ (từ 16-25 miles): $338
- Lái quá chậm: $328
- Không dừng lại ở bảng Stop Sign: $284
- Qua mặt xe bus khi có đèn đang flashing: $675
- Dùng tay nghe phone khi lái xe (lần đầu): $160
- Ðậu xe chỗ dành cho xe bus: $976
- Không mở đèn khi trời sắp tối (30 phút): $382
- Che kín cửa xe hơi: $178
- Không đeo dây an toàn: $160
- Trẻ em không đeo dây an toàn hay ghế ngồi theo qui định: $436
- Ðeo máy nghe bịt cả hai tai: $178
Tất cả các ticket về lỗi vi phạm trên đều phải theo một lớp học “An Toàn Giao Thông” (Traffic Violator Class).
Những năm về trước, nếu như chúng ta hoàn tất xong lớp học này, ticket xem như được xóa.
Nhưng theo luật mới kể từ tháng 7.2011, từ khi hoàn tất lớp học, phải chờ 18 tháng. Trong thời gian này, xem như án treo, nếu vi phạm một lỗi khác sẽ bị trừ 2 điểm.  An toàn là bạn, tai nạn là thù. 
Năm mới nhắc lại: cẩn thận khi lái xe ra đường. 
NQL:Bác Thanh Thảo khôn chết được, chắc bác vừa nức nở viết bài này vừa nhếch mép cười. Hi hi.
 Thực lòng rất mừng khi thấy TT nghĩ đến Dân chủ và Pháp quyền. Lâu nay cứ tưởng TT loay hoay loanh quanh quyết liệt mấy món DNNN, ngân hàng, nợ xấu, vàng, Bauxite, Vinalines, Vinashinv.v.. Ai ngờ quay ngoắt 180 độ, TT nói về dân chủ và Pháp quyền, mừng quá là mừng.
 Chỉ cần TT nghĩ được, nói ra được là mừng ri chứ làm thì hổng được đâu.
 Không phải nghi ngờ năng lực TT, cũng không phải vì câu nói dzậy mà không phải dzậy. Muốn làm được thì TT phải cho sửa Hiến pháp 2013 mà QH vừa thông qua. Một khi cái HP ấy là hiến pháp của đảng chủ, đảng quyền thì TT làm dân chủ và pháp quyền là TT vi hiến đấy TT ơi!
Vào đúng ngày Tết dương lịch (1.1.2014) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng gửi đến toàn dân. Đây có thể coi là Thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Đã có những nét mới trong Thông điệp này, mà nổi bật nhất là quan điểm về Dân chủ và Pháp quyền.
Thông điệp viết: “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại”. Điều này không mới, nhưng nhấn mạnh đúng tầm mức quan trọng của nó trong thời điểm này là điều mới mẻ. 
Bởi, không một xã hội có tổ chức nào lại thiếu pháp luật, lại không dùng tới pháp quyền, trừ xã hội công xã thời Nghiêu Thuấn mang nhiều yếu tố huyền thoại. Nhưng, nếu xã hội chỉ dùng Pháp quyền cai trị không thôi, thì với thế giới bây giờ, xã hội ấy sẽ không thể phát triển, thậm chí, sẽ bị rơi vào tình trạng “ốc đảo” của sự cô lập.
Vì vậy, Pháp quyền luôn phải song hành cùng Dân chủ. Đúng là như một cặp “song sinh”. Tự thân nó, Dân chủ chỉ là ý thức của công dân về dân chủ. Nhưng nếu cơ chế dân chủ được phát huy thực chất trong xã hội pháp quyền, cơ chế ấy sẽ bảo đảm cho người dân những quyền cơ bản làm người, cũng như những quyền cơ bản tham gia xây dựng một thể chế phù hợp với sự phát triển, trong khi vẫn bảo đảm được nhân quyền. 
Xã hội Pháp quyền không phải là xã hội mà cứ ra đường là gặp công an (nhưng lúc cần có sự can thiệp giữ gìn trật tự thì công an lại chẳng thấy đâu), đó phải là một xã hội mà pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, và mọi công dân đều phải tuyệt đối bình đẳng trước pháp luật. 
Khi điều này chưa thực hiện được, thì cũng chưa có xã hội pháp quyền. Còn dân chủ, không phải ai muốn làm gì thì làm, mà chỉ được làm những gì pháp luật không cấm. Nghĩa là không được làm những gì pháp luật cấm.
Phải minh bạch điều này, thì sẽ không còn ai phải “lăn tăn” gì về dân chủ nữa. Nhưng phải có dân chủ, bắt đầu từ ý thức dân chủ rồi tới những quyết định, những hành xử mang tính dân chủ, cao nhất là một thể chế dân chủ “do dân và vì dân” thực sự chứ không phải chỉ trên khẩu hiệu. 
Khi có một đại biểu quốc hội đương nhiệm đề nghị “Khoan hãy ban bố Luật biểu tình, vì lý do cần ổn định chính trị hay vì ý thức người dân chưa cao” thì đó là sự ngụy biện mang tinh thần nô lệ hơn là có ý thức dân chủ. 
Luật biểu tình, cũng như nhiều luật khác, là nhằm đảm bảo quyền dân chủ của công dân trong khuôn khổ pháp luật. Ở những quốc gia phát triển và dân chủ, chính nhờ luật biểu tình mà người dân có thể tự do bày tỏ chính kiến của mình trong trật tự, kẻ nói có người nghe, chứ không phải mạnh ai nấy nói, và chẳng ai nghe ai cả. 
Nghĩa là Luật biểu tình, bảo đảm cho chính sự thực thi nghiêm minh của pháp luật, chứ không hề ngăn cản nó. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. 
Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.” (Thông điệp 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)
Cái mới ở Thông điệp đầu năm 2014 này là ở tính minh bạch của nó về những vấn đề trọng yếu của quốc gia, dù không còn là mới, nhưng chưa bao giờ được giải quyết triệt để và thỏa đáng. Người dân đang trông chờ rất nhiều những hành động cụ thể của nhà nước và chính phủ để hiện thực hoá Thông điệp đầu năm này.
Thanh Thảo
Vài điều đáng chú ý trong thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
NQL: Đã và sẽ còn nhiều lời bình về thông điệp đầu năm của TT gửi đến dân Việt.. Câu hỏi lớn nhất là liệu TT có quyết liệt làm những gì TT đã nói, hay chỉ là đòn gió nhằm vực dậy uy tín của TT sau những thất bại ê chề năm 2013?Dân đã quá quen và quá sợ cái sự nói dzậy mà không phải dzậy lắm rồi. Tất cả đang trông chờ hành động của TT. Trước mắt là chờ xem TT xử lý vụ Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào thế nào. Bởi vì hai vị này chỉ làm những gì mà pháp luật không cấm, thưa TT! 
 Trong bài viết được coi như thông điệp đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có những ý tứ mới lạ về dân chủ. Không mới so với nhận thức thông thường của con người trong thế giới hiện đại, nhưng khác lạ so với những câu thuyết giáo chung chung về dân chủ của chính ông và các đồng chí của ông từ trước đến giờ. Tác giả bài này xin nêu ra một vài câu có những ý tứ mới lạ đó của ông Nguyễn Tấn Dũng và có vài lời bình thêm.
Trước hết, xin chú ý đến câu: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Câu này lẽ ra không cần nói, bởi “pháp luật không cấm” đã hoàn toàn đồng nghĩa với “có quyền làm”. Nói như trên cũng chẳng khác gì nói: Người dân có quyền làm tất cả những gì họ có quyền làm. (He he!) Tuy vậy, than ôi, vẫn cần phải cám ơn ngài thủ tướng đã nhấn mạnh câu đó, trong bối cảnh cơ quan nhà nước các cấp vẫn đang thường xuyên cản trở rất nhiều những hoạt động không phạm luật của người dân, ra những thứ quy định vi hiến, bó hẹp những quyền hợp pháp, ví dụ cấm khiếu kiện tập thể. Đặc biệt, lực lượng công an thường xuyên ra tay đàn áp thô bạo những nhóm người tập trung lại để thể hiện những nguyện vọng chung (chẳng hạn về đất đai hay quyền bày tỏ quan điểm).  Mặc dù phải cám ơn thủ tướng, nhưng xin các quý ông quý bà quan chức nhà nước đảng (tôi không nói: đảng và nhà nước) cần hiểu rằng người dân đương nhiên có những quyền sau đây: 
 - quyền nói khác với cấp trên, thậm chí nói ngược với cấp trên (vì không có luật nào cấm);
 - quyền phê phán cấp trên (kể cả cơ quan đảng và cá nhân cán bộ lãnh đạo các cấp), thậm chí nói xấu, miễn là không vu khống (vì không có luật nào cấm);
 - quyền biểu tình (ngay cả khi chưa có luật biểu tình, vì không có luật nào cấm); 
 - quyền (tự mình) lập hội (vì không có luật nào cấm);
vân vân và vân vân.
Hãy đừng sợ người dân thực thi những quyền đó. Nếu quý vị làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, sẽ không có ai làm hại được quý vị cả! 
Câu đáng chú ý thứ hai của ngài thủ tướng là: “Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”
Câu này thì về lý có vẻ cũng không cần nói. Tuy nhiên, nó được ghi ngay cả trong bộ luật của một số nước văn minh, nhằm răn đe quan chức nhà nước đi quá đà, không ý thức được giới hạn quyền lực của mình, cứ tưởng mình đứng trên dân và muốn làm gì cũng được. Cần nhấn mạnh điều đó vì ở nước nào cũng vẫn có thể có quan ngu và tham. Ở ta thì càng cần nói, vì vậy lại xin cám ơn ngài thủ tướng!  Hai câu tiếp theo là: “…dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả... Phải mở rộng dân chủ trực tiếp.”  Càng cám ơn thủ tướng vì đã nói (dù chỉ là nói) hai câu này. Đúng quá! Từ trước đến giờ người ta vẫn nói: quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm đầy đủ thông qua những người đại diện (đại biểu quốc hội, HĐND). Đây là lần đầu tiên có một vị quan chức cấp cao nói “phải mở rộng dân chủ trực tiếp”. Không có dân chủ trực tiếp thì mọi lời nói mỹ miều về dân chủ chỉ là lòe bịp!  Câu đáng chú ý cuối cùng là: “Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu  nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.” Câu này đúng là phải “xem xét cẩn trọng”, vì mới nghe thì rất hợp lý, nhưng “người ta” có thể lấy cớ “nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…” để hạn chế quyền tự do của công dân. Khi đó, ai cãi lại được với họ? Không khéo lại phạm tội “chống người thi hành công vụ” và bị bắn bỏ như chơi! Cho nên câu này, chỉ một mình câu này, khi cố tình vận dụng với ý đồ chống dân, thì có thể vô hiệu hóa tất cả những câu trên.  Cho nên, nếu thủ tướng thật tâm với dân chủ thì nên đưa ra tuyên bố rằng: “Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được cấp cao nhất phê duyệt kèm theo công khai tên tuổi người phê duyệt và chỉ được áp dụng trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa.”  Có thể khi đọc những dòng này, nhiều người cho là tôi dạy khôn lãnh đạo. Nhưng thực tế, qua cách ứng xử của chính quyền đảng với người dân trong mấy chục năm qua, rõ ràng bộ máy công quyền chưa hiểu được những điều bình thường đó.Nguyễn Trần Sâm(Tác giả gửi Quê Choa)

Hai điểm sáng và một hạt sỏi

Về cuộc giao lưu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với sinh viên 28/12
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với một đại biểu sinh viên
Các vị lãnh đạo nhà nước đều là người của công chúng, vì thế mọi công dân có quyền hoan nghênh, ngưỡng mộ cũng như phê phán, chỉ trích. Sự khen chê có thể đúng hoặc sai, nhưng không có lỗi. Vì công luận không làm nên chính sách, nhưng có tác dụng phản ánh thực tế xã hội, để chắt lọc sự đúng sai hay dở, giúp nhà nước và những con người nhà nước có sự phát uy hay điều chỉnh cần thiết.
Cuộc giao lưu của PTT Vũ Đức Đam ngày 28/12 vừa qua, với 650 đại biểu SV toàn quốc tại Hà nội đã để lại một dấu ấn khá tốt đẹp trong dư luận, đặc biệt trong giới Sinh viên. 
Đó là một điểm sáng hiếm hoi trong hàng quan chức, với hai đặc điểm nổi bật và một hạt sỏi rất khó chịu, như sự hiện diện của nó trong một bửa cơm ngon.
1) - Phong cách văn minh-dân chủ trong buổi giao lưu. Giữ vai trò là Phó Thủ Tướng chưa được bao lâu, ông đã có một phong cách tạo nên một dấu ấn khác biệt, gây nhiều cảm tình của người tham dự. Điều nầy thật là khó có được ở hầu hết các quan chức khác trong một quảng dài lịch sử. 
Cái khác biệt đó không phải là kiểu cách cao siêu. Ông bước lên sân khấu một mình, đơn giản, lịch sự và vui vẻ, với tinh thần trẻ trung, thân thiện, không khoảng cách. Ông tự làm MC cho cuộc giao lưu, hỏi và đáp trực tiếp với sinh viên, và mời Sinh viên lên sân khấu cùng đối thoại. Ông tâm sự một cách chân thực, vắn tắt quá trình học tập và rèn luyện của minh, những gian khổ, tình cảm và ước mơ cũng rất gần gủi với đa số sinh viên. Hình như lâu nay chưa từng có một sinh hoạt như thế ? Hội trường đã khác hẳn, dám chắc khác hẳn với không khí trang nghiệm trịnh trọng khô cứng của các kỳ họp Đoàn TNCS, do các quan “rất quan” của Thành Đoàn, Tỉnh Đoàn hay TƯ Đoàn chủ trì. Không ẩn mình sau những chậu bông sặc sở, không cần ngồi trên chiếc ghế bệ vệ xác định ưu thế, ông đứng như một thanh niên trẻ trung, tự tin và đối thoại. Câu hòi cũng không cần phải gởi trước để gạn lọc. 
Cũng vào cuối năm nay có sự kiện nổi bật ở xứ sở “Đại Hán”, Ông Tập Cận Bình, chủ tịch nước, đã xếp hàng mua bánh bao, và ngồi ăn tại tiệm bán bánh bao bình dân. Báo chí thế giới đưa tin như một chuyện lạ, người dân Trung quốc thì vô cùng ngưỡng mộ. Cái bình thường bị mất đi, trở thành cái bất thường. Đã quen cái bất thường, nay trở lại bình thường, thành ra cái bất thường đáng ngưỡng mộ. Thế mới biết xã hội ta xa với một xã hội dân chủ cở nào ! Cả thế giới đều nhìn xem Tổng Thống Mỹ Obama quyết liệt “ngoạm” bánh mì một cách “cực kỳ thô lỗ”, lại lấy làm thích chí, vì cái thật ấy gần gủi với dân chúng, một thứ văn hóa chính trị đáng nể, nó rất con người, chẳng mang chút màu sắc nào của giòng máu thần thánh từ núi Paektu.
Trường hợp Phó TT Vũ Đức Đam cũng thế. Nhưng điều nầy không dễ làm, và không phải quan chức nào cũng làm được, mà phải vượt qua từ một khuôn mẫu Á Đông lỗi thời và phong kiến quan liêu, từ một văn hóa sinh hoạt dân chủ chỉ mới ở bước đầu “khẩu hiệu” trơn chảy xuôi chiều. Cho nên, rất cần được hoan nghênh, rất mừng khi có hiếm hoi những quan chức như thế. Có lẽ, ông đạt được vị trí ngày hôm nay không do sự ẩn núp cố tình từ một loại bóng râm nào đó. Ông rất tự tin, vì có cái để tự tin.
2)- Nội dung tư tưởng
Cũng không phải là điều quá mới lạ trong hoài vọng của dân chúng, nhưng là hiếm hoi từ một quan chức nói ra. 
Cái hiếm hoi bộc lộ ngay trong so sánh lời mở đầu của vị Bí thư TƯ Đoàn Lê Quốc Phong, cái mùi vị già nua khô cứng vốn đã thành nếp nhăn, dù là đại biểu giới trè, với những cụm từ khẩu hiệu vừa có tính ép buộc vừa động viên vụng về, có xác mà không hồn :
“Sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, luôn sáng tạo, hăng hái đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ”.“Sinh viên Việt Nam thi đua học tập - sáng tạo - tình nguyện - hội nhập”,  
 “Sinh viên Việt Nam trong giai đoạn tới quyết tâm thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài đóng góp sức mình cho sự phát triển đất nước”. 
 cống hiến và trưởng thành; tạo những bước phát triển mới cho tổ chức Hội và phong trào sinh viên cả nước..”
Có lẽ nói mãi như thế cũng chẳng bao giờ sai.
Những từ ngữ thật là quá quen thuộc khi cách đây hơn 30 năm lúc tôi còn là cán bộ Đoàn TNCS. Tôi không hề trách hay có ý khiếm nhã nào với các vị lãnh đạo Đoàn TNCS, nhưng chỉ đáng tiếc về cái khung sườn vô hình, quá chắc mà lại hẹp.                                                     
Với PTT Vũ Đức Đam thì nổi bật những nét sau đây:
- Chia sẻ cảm xúc. Là một sinh viên nghèo chưa từng biết phương Tây, để khi bước chân ra xứ người, với sự so sánh, anh sinh viên nghèo kia bồi hồi thương cảm cho bản thân mình, thế hệ mình, cho gia đình và làng xóm, để mà thấm thía cái lạc hậu, cái cực kỳ gian khổ của chiến tranh “không thể nào kể xiết”. “Khổ lắm.”, “Chỉ hai bộ quần áo, mà chỉ một bộ lành”, “ba tháng sau tăng lên 20 kg (là vì quá khứ thiếu ăn). 
- Khi nói về việc học, ngoài kiến thức, ông nhắc nhở tầm quan trọng về kỹ năng –– là một nhược điểm chết người của nền giáo dục sửa mãi mà không tới đâu – mà khởi đầu bằng việc mang về nước cái “thiết kế vệ sinh tự hoại” Rất đáng cảm động ! 
 - Vấn đề bảo vệ đất nước, ông nói rằng bảo vệ đất nước bằng nhiều cách : “ngoại giao, kinh tế,… tinh thần chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc, công ước quốc tế về luật biển, tìm hiểu và tuyên truyền cho mọi người hiểu, tinh thần chủ đạo là hòa bình, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực”. 
  Chừng ấy lời cũng đủ cho sinh viên nắm chắc vấn đề cơ bản. Người ta tự hỏi , lâu nay Tuyên huấn, Tuyên giáo, bộ máy tuyên truyền…, họ làm gì ? Hay chỉ có những kẻ chỉ biết nói theo một cách “bảo vệ sổ hưu”, tuy thực tế nhưng quá thiển cận của một ‘trào lưu” ? 
 Khi sinh viên hỏi về cộng đồng ASEAN, ông nêu lên phương hướng, không chỉ là công dân của đất nước, mà chuẩn bị cho mình là công dân của khu vực ASEAN, là công dân của hoàn cầu trong một thế giới hội nhập. Như thế nó mở lối cho  thanh niên nghĩ đến sự vươn lên, vượt thoát khuôn khổ tư tưởng dân tộc hẹp hòi, địa phương bản vị, giai cấp hồ đồ, gia tộc kiểu phong kiến…Như thế, tất yếu phải đi đến một xã hội dân sự, một luật pháp bình đẳng, một sân chơi công bằng của một thể chế dân chủ. 
   Về kinh tế. Là lời nói có thể tin cậy : …từ nền kinh tế tập trung chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển đổi đó về cơ bản chúng ta đã gần đi đến giai đoạn cuối rồi, còn lại một số vấn đề nữa chúng ta phải làm rốt ráo, thực sự để chuyển sang nền kinh tế thị trường”. Những doanh nghiệp Nhà nước còn lại thì chỉ giữ những doanh nghiệp thật sự thiết yếu, thật sự cần thiết. Còn lại tiếp tục phải đổi mới, tiếp tục tạo ra môi trường thật sự cạnh tranh, đây là điều khó khăn và lớn hơn.  
 Nhưng khó khăn ấy là gì ? Trong các văn kiện vẫn còn ghi “Doanh nghiệp nhà nước giữ vai tró chủ đạo..” ?  “.. phải giải quyết đến cùng những vấn đề còn lại để nền kinh tế chúng ta thực sự là môi trường cạnh tranh bình đẳng, để mọi người trong xã hội đều có thể tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội được..”.
-- Tư tưởng không hẹp hòi với sinh viên học nước ngoài. “Chúng ta cũng không quá khắt khe đối với các bạn học ở nước ngoài, đi học rồi phải về. Nếu ở lại nước ngoài mà có điều kiện trau dồi kiến thức, học tập tốt hơn, làm những việc có thu nhập tốt hơn thì cũng rất tốt.”, Và cũng không phân biệt nguồn gốc lý lịch.
-- Đổi mới giáo dục. “Bây giờ rất thuận lợi khi chúng ta ban hành Đề án đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, tức là đổi mới từ cơ cấu, đến chương trình, phương pháp thi cử, đánh giá chất lượng, đổi mới đội ngũ giáo viên.”
Chỉ chừng ấy nội dung mà Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã nêu trên, quả thật là niềm mong muốn mỏi cổ của toàn dân về quan điểm đổi mới đất nước. Người sinh viên thấy được vai trò của mình, xác định được lộ trình đang đi và một định hướng của đất nước, chứ không phải xà quần trong khu rừng rậm không có lối ra.
Nói như thế là rất đúng. Nhưng còn khoảng cách giữa nói và làm ? Nói thật và làm thật ? Lời nói dối không có giá trị, nhưng lời nói dối là một tội lỗi, vì có thể gây hại cho một thế hệ hay nhiều thế hệ. Nhưng ít ra, chúng ta có thể nhìn thấy một điểm sáng. Điểm sáng ấy đang bị bao quanh bởi những thứ hắc ám, đòi hỏi rất nhiều người phải tham gia vào cuộc đốt đuốc cho đất nước sáng lên.
Điều mà PTT Vũ Đức Đam gọi là “khó khăn và lớn hơn” cho công cuộc chuyển hóa bao hàm nhiều ý nghĩa. Nhân dân đểu hiểu rằng các “thế lực lợi ích” đang ngự trị kiên trì trên toàn bộ đất nước, về cả hai phương diện, quyền lực hửu hình và tư duy theo hệ thống của nó. Nó đội lốt, hay nó chính là con đẻ của  thể chế chính trị ? 
Hãy thử một lần để có “niềm tin chiến lược” trong nhân dân.? 
3 -  Một hòn sỏi to trong buổi đại tiệc.                                                 
   Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã chiêu đãi cho 650 sinh viên một buổi tiệc lớn, thật là tuyệt vời, từ phong cách đến nội dung đều mang một nét hiện đại, hợp thời ai cũng thích, nhưng có một hòn sỏi gây “khó chịu” trong mỗi chén súp. Có cái gì khác hơn là một quán tính tư duy còn sót lại theo kiểu gia tộc hay làng xã , hoặc biểu hiện một thứ bệnh nào đó có tính di truyền, ngay trong con người Phó Thủ Tướng ?
Tại sao lại xưng “Bác – Cháu” ngọt xớt thế kia ?
Nêu lên điều nầy có phải là sự kiếm chuyện quá đáng hay không?
Hôm Phó Thủ Tướng nói chuyện, ngày 28-12-2013, đúng là 50 tuổi. Thời kỳ 1945 trở về trước, tuổi thọ bình quân dân ta là 40- 50. Các cụ tuổi 50 là thành lão làng. Ngày nay tuổi thọ lên 70, thì cái tuổi 50 trở thành trẻ khỏe. Đúng thế, ông Đam còn trẻ lắm, thưa ông ! Trong quan hệ làng xã thân quen, gia tộc họ hàng, gọi thế nào thì gọi, tùy tập quán địa phương, chẳng có vấn đề gì.
Nhưng ở đây, dù tuổi tác có cao mấy, Phó Thủ Tướng đứng về phương diện quốc gia, nói chuyện cùng 650 anh chị sinh viên, không phải là chổ riêng tư. Có nên thế không ? Sinh viên đều trên 18 tuổi, đầy đủ tư cách công dân, bên kia là tư cách đại diện Chính phủ. Đây là quan hệ giữa công dân và nhà nước, một quan hệ công chúng, của một nhà nước mà ta muốn là nhà nước pháp quyền, ta muốn có những công dân trưởng thành, trưởng thành ở tầm vóc khu vực, công dân thế giới nữa cơ. Sao bác tự tin một cách tuyệt vời, lại không muốn cho tuổi trẻ thiếu tự tin, bằng cách “cháu, cháu” thế nầy ? Hay bác cho rằng đây là vấn đề “đạo đức” theo một nghĩa nào đó dù không phổ quát lắm?  Thời chúng tôi còn đi học, tưổi 18-20, bước chân vào giảng đường, các Giáo sư, dù trẻ hay già, đều nhất thiết gọi chúng tôi là các “anh, chị” và xưng “tôi”. Thầy giáo ở cấp trung học, thường gọi học trò là em, các em. Ở cấp đại học, dứt khoát không. Vì lẽ, ở đại học có thể  có những sinh viên rất lớn tuổi, hoặc cha mẹ họ cũng lớn tuổi. Chúng tôi xưng “em’ và gọi là “thầy”. Nếu có dịp giao tiếp với quan chức nhà nước thì gọi bằng chức danh người đó. Điều đó có gì bất ổn ?     Cách xưng hô trong một cơ quan nhà nước, có thể biến không khí cơ quan thành không khí gia đình, mà sau đó nó biến thành gia đình thật, có cái vỏ là cơ quan nhà nước, sự tuyển chọn nhân viên nhà nước cũng theo cái đà “bác cháu” ấy mà hình thành. Chẳng phải cái hình thức xưng hô tạo nên bản chất sự việc, mà chính bản chất sự việc bộc lộ qua cách xưng hô, và hiện nay là đều khắp. Câu chuyện thật buồn cười về cách xưng hô của đại sứ VN tại Thổ Nhỉ Ký Nguyễn Thế Cường, khi chuyển 20000 usd bất hợp pháp bị ách lại ở sân bay Đức. Đấy là việc : “Gởi ít quà về cho cháu”. Cái từ “ít”, “quà”, “cháu” đậm đặc một nổi mơ hồ, bay đi khắp thế giới, một cách dùng từ thân mật, xúm xít trong cõi riêng tư gia đình, hóa thành chuyện công chúng đàm tiếu.“Bác cháu chúng ta cùng cố gắng” (lời PTT.Vũ đức Đam), tôi nhớ ngay lời  chủ tịch Hồ Chí Minh : “Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ nước”. Thế hệ Thanh niên hôm nay chẳng mấy chốc có nhiều Bác quá! Một đất nước có cách xưng hô thân ái kiểu gia đình trong bối cảnh hôm nay, có phải là chỉ dấu một xu hướng tốt, tiến lên hiện đại, pháp quyền chăng? 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có vẻ là một ngôi sao đang lên, có thể là một kỳ vọng trong bối cảnh lùm xùm nầy, mong rằng ông không sớm trở thành cây đa cây đề che bóng tuổi trẻ, trong căn bệnh thường phát sinh từ tích lũy tuổi tác. 
Tôi nhận thấy, và cũng ngạc nhiên, tất cả những sinh viên phát biểu đều xưng “cháu”, chỉ có các đại huynh TƯ Đoàn mới xưng “tôi” khi nói với Phó Thủ Tướng. Đẳng cấp hơi nhiều. Trong số 650 sinh viên, phần lớn là Đoàn viên TNCS, hẳn có một số đã trưởng thành từ “không gian bác cháu” cũng không phải chuyện lạ. 
Đọc bài tường thuật cuộc giao lưu, tôi thật là thú vị về không khí trẻ trung và cởi mở, nội dung cũng thật là hửu ích, nhưng va vào cái từ “bác –cháu”, lực sực như nhai phải hạt sỏi, lại giật mình sợ nổi đường xa.., một ngày kia, “bác” sớm mang bệnh tuổi già..?
Hạ đình nguyên 1-1-2014(Tác giả gửi Quê Choa)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét