Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Bài viết hay(794)

Đọc "Người Trung Quốc xấu xí "
 Người Trung Quốc xấu xí ra mắt bạn đọc đầu hè 98 tại Paris.
Thi sĩ Nguyễn Hồi Thủ (NHT) (khổ) dịch từ một bản in ở Trung Quốc (TQ) của tác giả Bá Dương (Bo Yang) sau một chuyến đi TQ cách đây năm năm.
Người Trung Quốc xấu xí (Chõu lòu de Zhong Guó rén) tập họp những bài viết và nói chuyện từ năm 1977.
Bá Dương sinh năm 1920 ở Trung Hoa lục địa, chạy sang Đài Loan từ 1949 : Tôi sống ở Đài Loan hơn 30 năm, mười năm viết tiểu thuyết, mười năm viết tạp văn, mười năm ngồi tù, còn mười năm tới sẽ viết lịch sử (tr. 23) theo bài tựa "Người Trung Quốc xấu xí " đọc tại đại học Iowa năm 1984. Và ông cho biết lý do ngồi tù : vì tôi đã nói lên vài sự thật .
Cách đây hai tuần, khi vừa đọc xong, tôi tìm cách gặp dịch giả Nguyễn Hồi Thủ, mong được phép chất vấn ông. Bởi tôi đinh ninh ông dùng tựa sách này để nói về người mình, như mấy ông Mỹ, Nhật và cả Việt nữa trong quá khứ : Người Mỹ ưu tư, người Mỹ trầm lặng, người Nhật xấu xí, người Việt cao quí, chính Nguyễn Hồi Thủ nói đến quyển sau này trong "lời người dịch" Quá nhiều bóng dáng (người) mình trong đó. Tôi nghi rằng NHT sợ đi chợ khu 13 bị "anh em" chận đường...hỏi tội, nếu ông dám giữ tựa đề Người Việt xấu xí.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi biết đã nghi oan cho người ta. Thêm nữa, cách đây vài tháng (lúc đó tôi chỉ mới đọc lời giới thiệu NTQXX ở báo Thông Luận, chỉ nhớ tên Nguyễn Hồi Thủ, vì đã có dịp đọc thơ ông) nhân trò chuyện với một sinh viên người Tàu của đại học Phục Đán, Thượng Hải, tôi có hỏi về quyển này -tôi đã dịch bừa là the ugly chinese- May sao tôi gặp được một chú bé, học khoa học nhưng ưa đọc sách văn chương đông tây kim cổ, cả trong và ngoài nước Tàu lục địa, đúng là học trò giỏi của đại học nổi tiếng nhất nhì ở TQ, chú ấy bảo có đọc và biết tác giả là người Tàu Đài Loan.
Vậy thì còn nghi ngờ chi nữa. Nhưng tôi vẫn thấy cứ như ông Bá Dương nói về người Việt chứ không phải về người Tàu. Nhìn ra mình trong bức họa người, chắc là chuyện giống nhau lông cánh gì đó chăng?
Theo cổ sử Trung Hoa, phía bắc sông Dương tử, khi dân Trung Hoa đã văn minh, có đất nước và thiên tử, phía nam chỉ là những bộ lạc, người Hoa gọi chung là Bách Việt (BV) . Chúng ta ngày nay là hậu duệ của một trong các nhóm người nam man ấy. Coi bộ dân tộc " văn minh" này (người TQ) nói rõ chúng ta chả có họ hàng chi với họ, nhưng xưa nay bên ta vẵn có người cứ muốn bắt quàng làm "con cháu" người sang:
Theo sử Việt Nam, Đế Minh cháu ba đời Thần Nông (thần của người Tàu) đi tuần thú phương nam, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục.
Lộc Tục được Đế Minh cho làm vua phương Nam tức Kinh Dương Vương, Đế Nghi làm vua phương Bắc (con bà cả, gốc ở phương bắc, giỏi nặn bánh bao?)
Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long Động Đình Quân.
Thí dụ rằng bà tổ này là con gái Bách Việt, phần lai Tàu của chúng ta từ đây giảm bớt (?!) Con trai của Kinh Dương Vương, Sùng Lãm Lạc Long Quân lấy con Đế Lai là bà (tiên) Ấu Cơ (biết hò giả gạo và nấu cơm?)
Xin nhắc Đế Lai là con Đế Nghi, vua phương bắc. Vậy bà tiên Ấu cơ của chúng ta có lai Tàu không?
Nếu xem Lạc Long Quân với Ấu Cơ chỉ là biểu tượng hay người cầm đầu, đám dân Bách Việt còn lại, cho đến nay, đã lai Tàu đến mức nào ? Sử sách Tàu không lẽ lại quên vết tích một (vài) hoàng thân lưu lạc phương nam? Hay ta chỉ nên biết đến mức vua Hùng để khỏi nhắc đến mối dây nhợ lòng thòng khi thì máu huyết anh em, tay chân môi răng, khi thì bè lũ bá quyền, bành trướng?
Người Tàu xưa nay (sinh đẻ/sinh cơ/ sinh sống) ở đâu, vẫn luôn quay về Tàu và sẵn sàng nhìn anh em với bất cứ người Tàu nào gặp gỡ ở bất cứ nơi nào trên thế giới . Người Việt xưa nay (Mường / Kinh....) thà trốn biệt trên núi hoặc chịu khổ nhục trong một thời gian (lệ thuộc, mất bớt lãnh thổ, xin lệ cống v..v..) rồi vẫn "ngoan cố" không chịu làm dân Trung Hoa.
Tiếng Việt, nghe rằng vay mượn đến sáu mươi phần trăm tiếng Tàu, nhưng đố ai chỉ học trường Việt, tiếng Việt, lúc đi chơi Cấm Thành mua hàng (trả giá) mà không dùng tay chân.
Nếu xưa là anh em (chú bác?), nếu xưa là một (?), tại sao đa số chúng ta vẫn dài lâu cương quyết chối từ sự ..tái hợp một nhà này ?
Rồi đến nay, với những khai quật ở Đông Sơn, Sa Huỳnh ...những công trình khảo cổ ở Việt Nam, tôi càng tin tưởng ở sự khác biệt đôi bên, từ những chỉ số sọ, màu da, nước tóc, đường nét môi răng, chiều cao lẫn bề dầy các thức trên người hay đồ vật... (nhân chủng), cho đến ngôn ngữ, phong tục, tập quán, truyền thống.. (văn hoá) . Tin tưởng hầu tiếp tục cưững chống ý muốn châu (như Tây Tạng) về hiệp phố (Bắc Kinh) này, mong còn mãi cái biên giới rạch ròi hiện tại (cho dù rằng nó đã lùi khá nhiều từ thời Bắc thuộc, cả từ thời Pháp thuộc, nói chi đến thời hai Bà Trưng ?!) Nhưng đọc sách NTQXX xong lại đâm sợ : con cháu ...Thần Nông không giống lông cũng giống cánh !
Xin giới thiệu cùng các bạn. Đọc xong, mong rằng bạn vẫn đủ lý lẽ khuyên tôi rằng "tôi ơi, đừng tuyệt vọng".
Quyển NTQXX gồm 3 phần : Thứ nhất Những bài nói chuyện. Thứ hai : Những bài viết và phần thứ ba là Những bài phê bình (của người khác) về hai phần đầu.
Trong bài đầu tiên (Iowa 1984) khi nói đến "nỗi khổ nhục và gian nan làm người Hoa " bắt đầu từ những người Hoa ở trại tị nạn Khao Y Đăng, bị Việt Nam đuổi đi (bằng ghe thuyền sau khi trả tiền cho nhà cầm quyền - địa phương-và trung ương ?-) Ông đặt câu hỏi Người TQ đã làm điều gì ác. ..(tr 18)
Ác với nhau :
Ngay cả đối với những người Hoa sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả,cánh hữu, trung lập, độc lập, thiên tả trung, trung thiên hữu, hữu thiên trung, vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cừu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì ?
Trên thế giới không có nước nào có lịch sử lâu đời như TQ, không có nước nào có một nền văn hoá không đứt đoạn như TQ, mà cái văn hoá đó lại đã từng đạt đến một nền văn minh cao độ. Người Hy Lạp, thời nay với người Hy Lạp ngay xưa chẳng liên quan gì với nhau. Người Ai Cập cũng vậy. Nhưng người TQ hôm nay thì đúng là hậu duệ của người TQ cổ đại. Tại sao một nước khổng lồ như vậy, một dân tộc to lớn như vậy, ngày nay lại ra nông nỗi xấu xa ấy ? Chẳng những bị người nước ngoài ức hiếp mà còn bị ngay dân mình ức hiếp. Nào vua bạo ngược, quan bạo ngược, mà cả dân (quần chúng) cũng bạo ngược.(tr. 22)
(...) người TQ sở dĩ trở thành xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ không hề biết mình xấu xí (tr25)
Cái văn hoá truyền thống kiểu nào mới sinh ra cái hiện tượng này, nó đã khiến (...) chúng ta mang sẵn trong mình những đặc tính rất đáng sợ ! Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn , ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn , nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn,. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. (tr. 28)
(...) Cho nên có thể nói , mỗi người Trung Hoa đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở bên dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư . Người Trung Hoa ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi- nơi không cần quan hệ với người khác- thì có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người TH hợp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng một con giòi nữa. Bởi vì người TH có biệt tài đấu đá lẫn nhau. Chỗ nào có người TH là có đấu đá, người TH vĩnh viễn không đoàn kết được....(tr.30)Nghe ghê chưa ? Đã hết đâu :
...đường đường là một nước lớn. Thế mà thay vì có một tấm lòng bao la, người TQ lại có một tâm địa thật hẹp hòi (tr. 40)... đưa đến Một đằng tuyệt đối tự ty, một đằng tuyệt đối tự kiêu. Lúc tự ty thì thành ra tôi tớ, nghĩ mình không bằng đống phân chó. Lúc tự kiêu thì thành ông chủ, xem mọi người đều là cứt chó hết (...)
Viết được dăm ba bài văn là đã thành văn hào. Đóng được hai bộ phim đã là ngôi sao sáng của nền điện ảnh. Hai năm có được ít chức quyền nghiễm nhiên có thể cho mình là cứu tinh của nhân dân. Qua Mỹ học được hai năm đã trở thành một học giả chuyên gia.(tr. 41)
Theo tác giả, ấy do tội lỗi của đám nhà Nho đã bóp chết khả năng suy xét, tưởng tượng chẳng khác nào lấy cái túi nhựa bịt kín bộ não lại. Ông gọi là hũ tương văn hoá Trung Quốc (dẫu có vứt mứt đào vào rồi cũng sẽ biến thành cứt khô).(tr.48)
Nếu người dân không tự nuôi dưỡng đươc cho mình cái trình độ phán đoán đánh giá những lãnh đạo của mình thì chẳng có lý do gì để trách ai cả. Đi tôn thờ một kẻ không tôn thờ được thì còn trách ai một khi kẻ đó cưỡi lên đầu lên cổ mình ?(...) Dân chủ là một cái gì phải tự mình giành giật được, chẳng ai ban phát cho cả. (tr 49)
Kết luận của bài nói : Nếu mỗi người đều trở thành kẻ biết thưởng thức, chúng ta sẽ có thể đánh giá chúng ta, hiểu rõ giá trị bạn bè, thấy rõ được mặt thật của những nhân vật lãnh đạo nước nhà. Đó là con đường trước mặt chúng ta phải đi, mà cũng chẳng còn con đường nào khác nữa.
Trong bài Người TQ và cái vại tương, Bá Dương chê người TQ ưa làm quan, phong kiến, khi phán xét, suy luận, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính; xã hội dựa trên tiêu chuẩn chính trị đạo đức thời phong kiến hủ Nho, đặt lợi ích của người làm quan lên trên. Lâu ngày, những thói tục xấu xa ăn sâu vào "nhiễm thể", kết quả là " quả báo nhãn tiền". Cuộc chiến tranh nha phiến là một thí dụ.
Dân vi quí, quân vi khinh (dân là quí, vua là thường) Đấy chỉ là một thứ lý tưởng mà TQ chưa bao giờ thực hiện (tr. 62) Người TQ xưa nay có bao giờ biết dân chủ, tự do, pháp trị là gì. Tuy có người bảo chúng ta cũng có tự do, có thể chửi cả hoàng đế, song thật ra quyền tự do của chúng ta rất có hạn, bị kẻ thống trị khống chế trong phạm vi cho phép (....) Phạm vi của tự do rất hẹp hòi. Đương nhiên có thể có cái tự do suy nghĩ vớ vẩn chứ các khái niệm dân chủ, pháp trị thì hoàn toàn chẳng có. (tr.65)
Trong bài Đời sống, văn học và lịch sử , diễn văn đọc ở trường đại học Stanford (S. Francisco) năm 1981, đây là một trong những bài đầu tiên, chúng ta gặp trong đó các ý đã được khai thác ở những bài sau năm này.
Bá Dương liệt kê năm khuyết điểm :
Thứ nhất : vì nhân quyền, nhân tính, phẩm giá con người bị chế độ và xã hội phong kiến chà đạp trong suốt 5000 năm, khiến dân không còn lòng tự trọng ( ?) cái tự trọng còn lại chẳng qua cũng chỉ là cái tinh thần tự dối mình như A Q trong truyện của Lỗ Tấn (...). Ví dụ tôi đến thăm anh, thấy anh nhà cao cửa rộng (....) lúc ra khỏi nhà anh lại bảo " Ở nhà đẹp thế ! Không biết ăn cằp hay ăn cướp ở đâu ra lắm tiền ! Cầu trời cho ngày mai có đám cháy thiêu trụi cái nhà nó đi cho rồi !" Tâm lý (...) bị ức chế lâu ngày chỉ biết dùng cái tinh thần đó để tự thoả mãn. (tr. 80) . Đến nỗi, theo tiên sinh, hai lần thắng lợi lớn nhất của văn hoá TQ là khi TQ bị nhà (Bắc) Ngụy của Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành và nhà Mãn Thanh chiếm, lại chẳng đem kết quả tốt , bởi vì Những kẻ xâm lược cố nhiên đều hấp thụ và kế thừa văn hoá TQ, nhưng lại tiếp thu cái phần kém nhất của văn hoá TQ, nên kết cục cũng chẳng ra gì. Thay vì trở nên hùng mạnh thì cả dân tộc họ lẫn dân tộc Trung Hoa lại càng suy thoái (tr 78)
Khuyết điểm thứ hai là 4000 năm chiến tranh liên miên chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài thành ra lòng dạ chúng ta thành hẹp hòi (tr.82)
Khuyết điểm thứ ba là chế độ khoa cử, quan trường, tạo ra một tầng lớp Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan (tr 85) (....) Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp. (tr 86) (.....) phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nồi (tr.89)
Tinh thần Nho giáo bảo thủ, là khuyết điểm thứ tư, khiến xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu, tự phê phán (tr 93)

Và nạn nhân mãn là khuyết điểm (cuối cùng) TQ quá đông, nghèo khổ quá lớn, quan trường quá mạnh, cạnh tranh quá khắc nghiệt, những lý do này sinh ra nơi người TQ cái hiện tượng bẩn, loạn, ồn, xâu xé lẫn nhau (...) Tôi cho là TQ là một nước tuyệt đối không trọng lễ nghĩa. Người TQ thật thô lỗ...(tr 96) Người TQ thông minh (....) đến độ khi bị đem đến lò sát sinh, còn cố cò kè về giá cả của mình, nếu kiếm thêm được vài đồng thì chết rất hả hê. Cái kiểu thông minh quá cỡ này nhất định sẽ thành kiểu ích kỷ quá cỡ. (...) người nào mà không suy nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc (tr.99) Trong phần những bài viết, trích từ các tập Đập tan hũ tương, Dẫm lên đuôi nó và Những con trùng dậy sớm và Quảng trường thông giám với những chi tiết, thí dụ hay dẫn chứng lấy ra từ lịch sử hay từ đời sống hiện tại ở tại Trung Quốc, Đài Loan và cả nước Mỹ, ông khai triển các ý đã nói trong phần đầu
(...) Nhân là phe nắm quyền, đối với thứ dân (...) bố thí , ban phát cho để tỏ ra mình đại lượng, khẳng khái. Sự thực là giữa người và người đầy những "cung kính" và "sợ sệt". Có nhiều người vì kính mà thành sợ, chẳng khác nào con đối với cha. Có nhiều người vì sợ thành ra kính, giống gái đĩ đối với khách làng chơi, như đại thần đối với hoàng đế, tiện dân đối với quan lại, tù nhân đối với cai ngục.(tr.115)
Tính ích kỷ quá mức nói ở phần trước được thể hiện ở chỗ không tuân thủ kỹ luật chung và lúc nào cũng mưu lợi riêng Ôi ! Một kế hoạch, một phương pháp, một hội nghị, một quyết sách, thậm chí một vụ kiện cũng chỉ đều là cái cớ để (.....) nghĩ ngay rằng trong việc này mình có lợi gì không? hoậc ta sẽ kiếm chác (...) được hưởng quyền hành gì (....) được trách nhiệm lớn hay nhỏ? (....) đều lòng vòng trên những thứ đó. Bề trên cũng vậy, cấp dưới cũng thế. Cả anh cả tôi cũng rứa, mọi người đều ôm lấy chúng đến chết cũng không buông (tr. 119) Cái kiểu nhà Nho, mồm không nói đến lợi, đến tiền nhưng lòng dạ lại đầy ứ những quan niệm què quặt về lợi tiền (tr.121) Miệng lưỡi thì không ai bằng, thông minh tài trí, khả năng phán đoán tưởng chừng như nhất thiên hạ. Nhưng (...) trong muôn vạn người chẳng gặp được ở lòng ai có chất chứa những thứ đó (tr. 122)
Mỉa mai Khổng Tử :
Những điều dạy bảo này của thánh nhân thật là thông minh rành mạch : Con người phải sống theo chiều gió(...) chờ cho người khác bình thiên hạ xong rồi thì ta nhảy ra tìm một chức quan. Lúc dầu sôi lửa bỏng thì ta ở nhà đánh giày cho thật trơn, và gởi vợ con đến những nơi an toàn nhất. (....) tấm thân nghìn vàng không ngồi trong căn nhà sắp đổ (....) không bao giờ nên đến gần một nơi mà một viên ngói có thể rơi vào đầu. Đối với những thối nát chính trị, những đau khổ của dân lành, mình chẳng dính vào làm gì cho mệt thân (...)Vì nhìn thấy thường khó tránh khỏi tức giận, tức giận thường khó tránh khỏi nói toáng lên, nói toáng lên thường khó tránh khỏi bị tai vạ. (tr. 124)
Tại sao Khổng tử ít khen ai khác ngoài Nhan Hồi cái anh chàng học trò nghèo rớt mồng tơi đó (....) bởi nhà Nho ca ngợi chỉ vì nghĩa mà không vì lợi và dạy đời rằng Nghèo cũng hạnh phúc được Nếu mỗi người TQ đều hạnh phúc kiểu đó, quốc gia dân tộc phải quay về thời đồ đá mà thôi (tr.125)
Con người là một loại động vật biết cười. Nhưng những cô y tá, những cô bán vé xe người TQ lại là một ngoại lệ.(..) trừ phi vứt tiền vào mặt họ, thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cậy mồm họ ra cho họ cười được
So sánh với nước Mỹ, dân Mỹ, Bá Dương tiên sinh chê dân mình trong chuyện tiếp xúc, giao tế, không trọng khách hàng, thiếu lễ nghĩa, không biết nói cám ơn, xin lỗi, không biết xếp hàng trật tự.
Nước quân tử (...) là nơi trẻ con và người già có bị lừa khi đi mua bán không (tr. 126)
Ông kể về kinh nghiệm của mình sau những chuyến viếng thăm nước Mỹ :
Trời ơi ! Thi ra người Tây phương mỗi khi đi ra cửa đều dừng chân giữ cửa cho người đi sau... hay (...) giữ cửa cho người đi sau tiếp được cửa rồi mới từ từ bỏ tay ra.Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn,. Bây giờ cái việc giữ cửa này, tôi đã thuộc như cháo. Và từ đấy trở đi tôi liên tục được nghe từ cửa miệng những ông già, bà già Mỹ cái câu "cám ơn ông" nghe sướng cả lỗ tai. Lúc quay lại Đài Loan, tôi vẫn quen thói "tôn sùng" Tây phương này . Nhưng chỉ được ba hôm thì lại vẫn chứng nào tật ấy. Mà cái đó không phải vì ý chí của tôi yếu đuối, nhưng vì mỗi lần dừng lại cung kính giữ cửa, thì cái ông bạn da vàng ở đàng sau nhìn tôi như thể mồm anh ta đang ngậm cục cứt khô, không thể nào nghe được một thanh âm gì giống như tiếng cám ơn phát ra từ nó cả. Tôi bèn cứ thả cho cửa nó tung ra như cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được ! Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người TQ ra cái câu "cám ơn ông" e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.
Bằng chứng của ông về một đất nước thiếu lễ nghĩa, là những nhận xét về cung cách ứng xử của người TQ trong các buổi đình đám vui chơi hay tang ma.
Trong đám cưới chẳng hạn, những nghi thức trang nghiêm, dù là truyền thống xưa hay du nhập của Tây phương hiện đại Hôn lễ không ra hôn lễ mà biến thành một loại phường chèo. Lễ đường (...) trở nên một thứ miếu đền ồn ào náo nhiệt. Mọi người đến không phải để chúc mừng đám cưới , mà để tìm gặp bạn bè, trao đổi xã giao với những người sống trong cùng một thành phố mà hai, ba bốn năm rồi chưa gặp mặt nhau. Phòng cưới thành ra một loại trà đình tửu điếm .Độ chừng nghi lễ đã xong, (...) bày mà chược(..) tụ tập hàn huyên,thăm hỏi tin tức, bàn luận thời cuộc, ngay cả chửi rủa người này, người nọ. (tr.149)
Và cũng vậy, tang lễ (...) trở thành một bản sao của cái loại 'đám cưới văn minh" đã nói trên (...) sự thực, ngay ở nơi quàn xác chết hiển nhiên cũng đã thành chỗ kết bè kết đảng, lại đương nhiên thành chỗ " xa nhà gặp người quen" thì nét mặt phải tươi cười rạng rỡ. (tr.152)
Nói về các phố Tàu (trên thế giới Tây phương) : từ những băng đảng mafia cho đến giới trí thức
Đa số người TQ đều cố gắng" không mất gốc" nghĩa là tích cực chia rẽ, xâu xé nhau. Bất kỳ ở góc biển chân trời nào hễ có người TQ là có cấu xé lẫn nhau (tr 156)
Ví dụ : giáo sư A mời tôi đi quán nhưng nhất định không mời giáo sư B tham gia. Ông giáo sư C nghe nói tôi ngủ nhà ông giáo sư D tức khắc thanh minh không muốn kết bạn với cái loại người trục lợi như tôi. Tôi rời nhà ông E, định nhờ ông ấy chở đến nhà ông F, thì ông E nói " Anh bảo thế nào? Gặp thằng đó à? Thôi, anh đi bộ cho nó khoẻ nhé
Các phố Tàu đã trở thành những động quỉ nuốt tươi người TQ, thành nơi chứa chấp vô số người ở chui không giấy tờ. Ở đó trẻ con hoặc các bà già nhiều khi không có cách nào khác hơn cách làm việc trong các xưởng quần áo lậu với đồng lương không đủ húp cháo cầm hơi, chẳng khác gì những nô lệ da đen thuở nào (tr 157) Và tác giả trở lại cái nỗi sợ ông nói đến ở phần trước (tr 115) : một phụ nữ Tàu kể chuyện bị đồng bào lừa, ông đề nghị đem lên báo thì bà ta thất sắc " Ông ơi, ông ở tận bên Đài Bắc, đối với bọn chó săn đó thì không có gì phải lo. Nhưng em tôi đang ở Xăng Phrăng-xítx-cô. Ông hại nó mất. Ông đúng là cái thằng chuyên gây ra tai họa thôi !" Nói xong bà chùi nước mắt nước mũi lên người tôi và bắt tôi thề nếu viết gì về bà thì tôi sẽ chết đuối ngay trong cốc nước trà.
Than ôi! Trong thế giới này chỉ có cái thiên tính nhu nhược của người TQ mới không dám căn cứ trên lý lẽ để đấu tranh . Nếu có vài người dám làm như vậy thì những con giòi trong hũ tương cho rằng đấy là những phần tử cực đoan không an phận. Mọi người đều sống theo cái kiểu " Thôi ! Bỏ qua ! Bỏ qua đi ! Cái gì nó qua thì để cho nó qua, quá khứ thì hãy để cho nó là quá khứ (tr. 158)
Trong phần trả lời bạn đọc, cho rằng dưới sự hun đúc của văn hoá TQ, người TQ mang một tâm địa cực kỳ mù mờ tăm tối, kỳ thị địa phương, lấy hổ thẹn làm vinh dự, không dám yêu, ghét, không dám biết ơn và hy sinh, ông viết:
Đại Hán thiên thanh (...) đó là tiếng nói của người TQ khi tụ tập lại với nhau để công kích, bới móc đến không còn một cái gì về đời tư của kẻ khác (tr.164) Yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Thế là yêu và ghét quện với nhau thành một thứ lực lượng gian ác (...)
đã nổ bùng (...) tại lục địa qua cái gọi là Cách Mạng văn hoá. Tất cả những dã man, hung bạo, xảo trá, đố kỵ, tàn nhẫn tiềm tàng trong nội tâm sâu thẳm, thâm nhập vào xương cốt người TQ đều đã được biểu hiện qua nó. (...) Một quốc dân hạng ba không thể nào sinh ra được một chính phủ hạng nhất, cũng như một chánh phủ hạng ba không thể nào có được một quốc dân hạng nhất cả. Chúng ta, (...) phải bắt đầu việc ấy (...) Chúng ta không thể nào chỉ trong chốc lát mà thay xương đổi thịt. Nhưng nếu thay đổi được- dù chỉ một tế bào-thì chúng ta cũng phải làm ngay (tr 165)
Muốn thay đổi, phải học của người khác những điều hay tốt ở các nước tiên tiến, bởi vì cái anh TQ, bị lao phổi dến thời kỳ thứ ba kia, nhất thời đứng trên vũ đài thế giới dương dương tự đắc, nhưng rồi một cơn gió lạnh thổi tới lập tức hắt hơi ba bốn cái thật to, mũi dãi lòng thòng (...) nếu như cứ một mực kiêu ngạo hão, giống như một bà lão già lúc nào cũng giơ cái chân bị bó vừa kinh vừa thối của mình lên khoe nào là bó khéo, bó đẹp thì không tránh khỏi sẽ đi vào cái ngõ của sự diệt vong.(tr169)
Sự học hỏi này bị xem là "sùng dương, mị ngoại", tác giả xem như mình bị (một kiểu chụp mũ) Phiên Thiên Ần ngàn cân chụp xuống đầu mình chỉ vì những so sánh và lời kêu gọi học hỏi bắt chước những cái tốt đẹp của Tây phương này Nếu chúng ta muốn người TQ có thể mở rộng cái tấm lòng nhỏ hẹp ra, chúng ta phải học tập của người phương Tây sự vui vẻ phóng khoáng, tấm lòng thích giúp người (....) Đứng trước người Tây phương lễ độ, lịch sự, có thật là chúng ta không cảm thấy thẹn vì mình thấp hèn không? (tr 179)
Từ đây trở về sau, khoảng hơn 100 trang, là phần thứ ba gồm những bài phê bình của độc giả, các bài xã luận của báo chí TQ ở Hồng Kông, New York, Los Angeles ... kể cả những bài bênh vực hoan hô chỉ trích những người đã phê bình tác giả.
Có người khen Bá Dương, so sánh ông như Lỗ Tấn với AQ , cùng Lý Tông Ngô tiên sinh với cái "Hậu sắc", sáng tạo ra cái hũ tương như ba chân của một cái đỉnh (tr. 198) phán đoán sâu sắc (tr.206) và rút tỉa kết luận (...) nếu hỏi TQ cần gì, cầu gì thì chỉ có một thứ duy nhất mà thôi, đó là dân chủ (tr.210) và thêm rằng : chúng ta không nên hy vọng vào sự "tự mình tỉnh ngộ" (....) Đó là chuyện nằm mơ giữa ban ngày (...) Chúng ta chỉ có thể sửa đổi chế độ chính trị, dùng áp lực của chế độ bắt những người không tự nguyện sửa đổi lỗi lầm không còn đường tránh né (...)Những chế độ không dân chủ, tức không có chân lý, tức không thể sửa đổi lỗi lầm (...) Thế mà (...) vẫn còn nhiều người (....) tin rằng những kẻ thống trị sẽ tự động biến thành Nghiêu Thuấn, không cần quyền lực khác để chế ngự và xét đoán, không cần có dân chủ để giám sát, lại cũng không cần có cả tự do ngôn luận để tố cáo (tr.214)
Trái lại, một người khác mai mỉa :
-ở cái nước Mỹ tốt đẹp của ông đấy , những đen tối và tàn khốc đều bị xoá bỏ trong chuyện khai phá miền viễn tây của Mỹ,
-người Nhật thì đối với nền văn hoá TQ lúc nào cũng phục sát đất (tr 220), người Tây phương cũng đang nghiên cứu học tập nó, đừng để người Nhật Bản nói rằng chỉ có họ mới là con cháu thừa kế chính thức của nền văn hoá TQ (tr 222)
Có kẻ cũng rầy rà :
... mấy người TQ cố ý chửi đổng đó là những người TQ không bình thường (...) Ngày hôm nay lại chui ra cái ông Bá Dương, tự xưng là một nhà văn yêu quần chúng một cách phi thường để giương cao thêm cái truyền thống " ngũ tứ" .Trước hết y gào to "Văn hoá hũ tương" sau đó là bôi nhọ cái anh chàng TQ xấu xí
Và hỏi ông có ý định gì (dịch theo tiếng Việt hiện đại : ý đồ gì) anh là thằng thối tha không ngửi được đến mức vô phương cứu chữa. Có người phản bác nhẹ nhàng hơn, đưa ra dẫn chứng cụ thể về những công trình xưa nay của nền văn minh và văn hoá TQ (Khổng Tử Mạnh tử), hay rất trừu tượng : (...) khi tôi đi trên mảnh đất lớn của TQ, bất kỳ ở xó xỉnh nào, đối diện với đám đông người, nơi tâm linh tôi thường rạo rực cảm thấy một thứ trí tuệ mênh mông không bờ bến....
Và một phần trí tuệ mênh mông này dẫn giải : thật đó người Ần Độ.. .dơ hơn chúng ta -vì hình ảnh cái vỉ đập ruồi Ần Độ sau lưng tổng thống Mỹ Carter trong một lần viếng thăm chính thức xứ sở của Gandhi; còn chúng ta bẩn ở trung tâm Los Angeles nhưng ở Monterey park, phố Tàu ta sạch hơn chứ (vì ở đây người TQ ta giàu hơn) còn sở dĩ ta ồn ào là bởi cái thứ tiếng TQ ta vốn độc âm, nhiều đồng âm và nhiều âm tiết, người TQ phải nói to và hoa chân múa tay để giúp mồm miệng lên bỗng xuống trầm cho ý tưởng diễn đạt (...) rõ ràng hơn (tr. 253) Suốt mấy trăm trang một giọng lỗ mãng, tuy có hài hước tí chút nhưng vẫn thô bạo. Một bức tranh (naif) toàn những mặt trái, trắng đen hai màu, không bề sâu, đôi lúc mâu thuãn, nhưng khiến tôi liên tưởng đến bức họa guernica Marie sến của Phạm Thị Hoài. Dĩ nhiên, xin thưa ngay để khỏi bị (đồng bào, fans của PTH) mắng mỏ, bằng lời của tác giả BD : không thể so sánh tranh của BD tôi với tranh Van Gogh Phạm Thị Hoài .
Tranh vẽ người xấu xí hay tranh vẽ quần tiên mà chúng ta nhìn vào như gương soi hay như ác mộng, do " lỗi " chúng ta hay do tài ba (ý đồ?) của tác giả?
Chỉ mới nhìn bà con xa thôi , dù cho rằng có mọi trùng hợp ngoài ý muốn của tác giả này (?), mà tôi còn nghe chao đảo, huống hồ là kẻ trong gia đình cật ruột : Ông Bá Dương bị đánh mắng hay bị bỏ tù hẳn là điều...tự nhiên, Nhưng cho dù có thật sự thiếu trình độ uyên bác và cái chặt chẽ của lý luận, như nhận xét của dịch giả, khi bình tĩnh lại,tôi tự hỏi vì sao mà chao đảo, bàng hoàng.
Xin trích sau đây một phần lời người dịch, để hiểu mục đích và chia sẻ nỗi niềm, tâm tình, hoài bão của thi sĩ Nguyễn Hồi Thủ khi ông thực hiện công trình này. Bởi tôi tin chắc ông đã cực kỳ xúc động, nên vội vàng vác gương mang về nhà cho chúng ta cùng soi :
" Bản thân tôi trước kia mỗi lần đọc phải những quyển sách kiểu "Người Việt cao quí" "Người Việt đáng yêu" là một lần không những không cảm thấy mình được dự phần vào cái cao quí, đáng yêu ấy một tý nào, mà càng thấy mình thấp hèn và đáng ghét. (...) may thay tôi gặp được quyển sách của Bá Dương.
(...) Người Việt Nam vừa thoát ra được cuộc nồi da xáo thịt, còn phải mất hơn 20 năm để chì chiết lẫn nhau, bỗng một hôm tự thấy mình đang đứng bên lề đường phát triển; đói rách, nghèo nàn, lạc hậu, bối rối không biết đi về đâu. Vì cục diện thế giới đã thay đổi quá nhanh, các phe phái, chiêu bài mà mình vì nó mất bao xương máu và cả một thời son trẻ đã chỉ còn là một dấu vết mờ nhạt.
Trí thức Việt Nam, hoặc những người còn chút suy tư, nhìn sang các nước láng giềng, nhìn ra thế giới cũng hoang mang, lúng túng không kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ khi tỉnh dậy vì những tiếng cà nông phươnfg Tây bắn vào các cửa biển.Trong thời kỳ gọi là " đổi mới" gần đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam hay những người tự cho mình có sứ mạng lãnh đạo, lại phát động phong trào đi tìm kiểu mẵu phát triển, giống phong trào "canh tân" của các cụ đồ ngày xưa. Nhưng (...) ngoài các mô-đen Mỹ Pháp Nhật, ngày nay còn có một lô các mô-đen mới nữa, trong đó phải kể mấy con rồng, con cọp châu Á ngay sát nách mà ở thời các cụ họ cũng chẳng khác gì mình. Người có đầu óc một lần nữa phải thắc mắc tại sao bây giờ lại có sự khác biệt đó? Dân tộc Việt Nam cơ bản khác gì với các dân tộc khác để ra nông nỗi này?
(...) tôi vẫn tin rằng mỗi dân tộc phải có một phương thức, một giải pháp riêng đối với cái vận mệnh riêng của mình. Cho nên, trước khi đi cóp nhặt các mô-đen, cần nhất phải biết mình là cái thứ gì và có thể làm được gì ngay trước mắt. (...) không thể chỉ cứ tinh tướng, huyển hoặc để tiếp tục tự kỷ ám thị hoặc lừa dối nhau, tiếp tục dùng cái lưỡi gỗ để nói những điều cường điệu, hãnh tiến.
Thường trong lịch sử Việt Nam vốn đã rất ít người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu cái dở của dân tộc mình. (...) chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng trong sáng..Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân tộc mình. (...)
Trung Quốc đã là một mô-đen lớn cho Việt Nam (....) hiện nay (...) vẫn còn là mô-den phát triển cho một nước theo chế độ đảng chủ, lại thuộc về thế giới Hán hoá như Việt Nam.
Quyển sách này soi sáng thêm một bề mặt, có thể là mặt trái của văn hoá Trung Hoa, của dân tộc Trung Hoa .Theo tôi nghĩ nếu lấy cái bề mặt này đem tham chiếu để phản tỉnh, không những chỉ là việc ích lợi cho những người Hoa mà còn cho tất cả các cộng đồng có liên quan ít nhiều đến văn hoá Trung Quốc. " (tr.4-5)
Xin quí vị thử thay chữ Trung Quốc bằng Việt Nam và thay Đài Loan, Đài Bắc, lục địa bằng Bolsa, Paris hay Sài gòn, Hà Nội, hũ tương bằng tĩn nước mắm, Phiên Thiên Ần bằng chụp mũ, mũ cối, thay chữ chế độ khoa cử, quan trường, bằng đảng, đảng tịch, thay thế Đại Hán thiên thanh bằng anh hùng bách chiến ,bách thắng, cuộc chiến long trời lở đất , thu 5000 năm văn hiến lại còn 4000 năm giữ nguyên những cách mạng văn hoá, cải cách ruộng đất , quan liêu..v..v và v...v Chẳng là ta trong gương đó hay sao? Bạn chưa bằng lòng ư?
Xem lại năm khuyết điểm người TQ của tác giả để so sánh với ta :
- Về hai khuyết điểm đầu : Vì nhân tính, phẩm giá bị chà đạp... ...chiến tranh liên miên vì bần cùng , giết chóc đố kỵ...Thử đưa vài thí dụ : những chuyện nhỏ :
* như vô (kỷ) luật (vì không biết hay không chịu học hỏi , không tự trọng , bất chấp hoặc xem như mình nằm trên luật pháp như BD đã nói) , riêng về luật đi đường chẳng hạn : "phóng nhanh vượt ẩu" , " đi bộ ở khu Bolsa mà bị cảnh sát Mỹ cho "ticket" phạt hay lái xe trên xa lộ ở Đức, Tiệp bị tai nạn thảm khốc, Luật rừng trong giáo dục , buôn bán (trong và ngoài nước Việt)v..v...

* như nhà cửa bẩn loạn , tính đố kỵ ,ham lợi , hẹp hòi, lường gạt, chửi bới nhau...chỉ cần ...nhìn quanh hay đọc báo (báo chí Việt Nam ở Sài Gòn, và hải ngoại)
* Còn "chuyện lớn" (vì là những thành tích lẫy lừng của các người lãnh đạo, lãnh đạo mấy mươi triệu dân thường nói trên, thay phiên nhau nằm trên pháp luật, nắm quyền sinh sát trên hai miền Nam Bắc, suốt sáu bảy thập niên sau cùng của thế kỷ này) chúng ta chỉ cần đọc những quyển hồi ký, lịch sử, các tâm thư, thư kêu gọi, những đơn kêu oan/kiện cáo : từ chuyện xa xưa như những vụ thảm (ám) sát cá nhân hay tập thể (luật 59 miền Nam VNCH xử tử Việt cộng nằm vùng, chiến dịch Phượng Hoàng, luật miệng (?) của Việt Minh/ Cộng : tiêu diệt Việt gian , phản động : Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm và những người trotskystes khác ,..ngụy quân ,ngụy quyền Mỹ Thiệu Tết Mậu Thân, vụ Trần Quốc Hoàn giết một số người dân Tày- chuyện chị em cô Vàng-) đến chuyện nay : cô Cầm cùng cụ Kiệt và vụ thầu đường dây cao thế, cụ Đỗ Mười với bài báo cáo nội bộ và một triệu đô la quà tặng của tư bản Nam Hàn, nỗi lòng của các đại cố vấn (Trần Quỳnh tâng bốc "anh Lê Duẩn" và tiếp tay thù trong giặc ngoài hạ bệ thần tượng, Hà Nghiệp với sự phân vân đầy triết lý (hiện sinh) : tới nay ta vẫn chưa biết mình là ai !)
Bạn tôi cười khoát tay : Thiếu tự trọng ư? Bẩn loạn ư? Chỉ bởi nghèo ! Phú quí sinh lễ nghĩa và ...sạch sẽ. Vào những biệt thự ở Hà Nội, ở Sài Gòn bây giờ xem. Có khi còn ...hơn vi la ở Nice, ở Foutain Valley hay Hollywood /Palm springs/ Miami, đừng vào những mái nhà xơ xác ở làng quê hẻo lánh hay của đồng bào thiểu số ở Sapa ! .
Xin hỏi bạn tại sao nghèo? Có phải bởi chiến tranh? Nhưng đó là chuyện quá khứ !
Về cuộc chiến long trời lở đất này, cho dù là anh hùng bách chiến bách thắng, nhìn lại những tiêu tan, mất mát, những đau thương oán hận bao trùm nhiều thế hệ, những ai tự trọng và có nhân đạo khó lòng dương dương tự đắc, hùng hổ hâm nóng chiến tích hay tiếp tục thổi lửa căm thù và ngang nhiên xâu xé nhau để tranh dành quyền lợi. Thứ quyền lợi nhỏ trước mắt. Biết đâu, khiêm tốn hơn, biết hoà giải hoà hợp dân tộc thật sự, với tình lý (luận) thuộc hạng siêu, và chỉ với những trí tuệ hơn bình thường một tí thôi, các vị đã chẳng có thể thuyết phục được người Mỹ và các đồng minh giúp đỡ (bồi thường?) hòng cùng nhau xây dựng lại đất nước .
Chẳng giống người bà con TQ của ông Bá Dương hay sao?
Về các khuyết điểm : chế độ quan trường, tầng lớp quan liêu , nạn nhân mãn : đều là những chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi, Cũng chỉ cần đọc các báo đã dẫn, sách vở, thư từ (bỏ ngỏ) , tâm tình , của các sĩ phu, trí thức trong nước Những sự việc này, người dân thường trong nước bị thiệt thòi vì phải đọc lén lút, lắm khi có mà không dám đọc
Về Nho giáo bảo thủ?
Cần lao (nhân vị), cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, anh hùng, liệt nữ, đảm đang, trung hậu, trí dũng, tuyệt đối trung kiên, trung thành những khẩu hiệu đầy mùi vị tương chao xì dầu này đã được trương ra trong cả nước từ xưa đến giờ . Áp dụng có sáng tạo (?) : vua được thay bằng đảng , và vài năm gần đây thêm những món mới : (nhà nước , đảng) biết ơn nhân dân, (nhà nước, đảng) khuyến khích tư nhân cũng như cơ quan xây dựng giúp đỡ mẹ liệt sĩ (trợ cấp, xây nhà tình nghĩa) Chúng xuất phát từ những người lãnh đạo vốn dĩ chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh đúng vào thời Khổng Mạnh suy tàn và bị thay bằng Tây học . Nghĩa là hiểu nửa vời hoặc bị ảnh hưởng chỉ lớp ngoài những cái hay ho của Nho xưa, chỉ thấm nhuần nổi một phần của...hình nhi hạ học?)
Nghĩa là hiểu tự do , dân chủ như dân là chủ, cán bộ là đầy tớ hoặc đa thê thì được, đa nguyên .Hoặc khuyên cấp dưới đa thê thời được đa nguyên thời đừng !!! , hoặc cần kiệm liêm chính là mang dép cao su, mặc áo bỏ ngoài quần, không có vợ bé (hay vợ chính) mà thật nhiều nàng hầu, hoặc xa nhà đúng tiêu chuẩn (cây số) được cưới vợ ...khác, của nhà nước là của chùa, tức của đảng tức của mình. Hiểu rằng Đảng là thiên tử cho nên các hoàng thái tử và công thần từ sau ngày Việt Nam thống nhất cho đến nay cứ tiếp tục nối ngôi và chia nhau của cải đất nước. Những chịu đựng và chấp nhận, phục tùng của tuyệt đại đa số nhân dân từ hàng chục năm nay có phải cũng đến từ cái hiểu "đại khái" của trung thần bất xử nhị (đảng) quân?, phu tử tòng tử? Nói nôm na là các đấng lãnh tụ giải nghĩa, áp dụng đại khái , cho hợp với tham vọng và quyền lợi riêng tư.Chẳng là cái tinh thần Nho gia bảo thủ như BD nói đấy sao? Thì ra từ lúc bị lệ thuộc Tàu đến khi (mấy phen) dành được độc lập, chúng ta không ngừng bị ảnh hưởng cũng như tự nguyện lấy mẵu mực từ Trung Quốc. Ngày nay, với những sửa đổi từ ngữ cho hợp với tình hình, nhu cầu, những rào đón tâm lý cần thiết cho tự ái, tự tồn (dùng nhân liệu quá khứ, sử dụng, phát huy, khai thác toàn diện và sâu sắc giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, , thấm nhuần đạo lý làm người của ....người làm cách mạng với tìm tòi sáng tạo ....trong khuôn khổ, bến bờ của quan điểm và lập trường ...tính đảng (!!) v..v...chúng ta không ngừng nghe thấy trong các diễn văn, nghị quyết, bài học tập từ trung ương đến làng xã, báo chí v..v.. từ vài mươi năm trước cho đến nay Nhưng cũng như tự ngàn xưa, quán tính nào đã khiến chúng ta chỉ "cóp dê" được phần bên ngoài : quân tử nhất ngôn.....là quân tử dại ! Tứ hải giai huynh đệ đích thị : bốn phương thổ phỉ đều là anh em? chúng ta thiếu khả năng hấp thụ với sáng tạo thật sự để tạo được bản sắc riêng? Có phải vì quán tình (dân tộc) hay vì (dân tộc) thiếu tài ba, nội lực nên chỉ có thể giỏi tới mức bắt chước lớp vỏ ngoài đến nỗi làm độc tài, toàn trị cũng không tới nơi,tới chốn (xem chú thích 17) thậm chí còn tự ý giản lược, đôi khi xuyên tạc ,Có phải thời nào cũng chỉ có một lớp người nhiều khả năng , lẽ ra có thể chuyển hoá được cả cái quán tính đó thành sức đẩy cho cả nước,(như trường hợp vĩ nhân của hầu hết các nước trên thế giới) thì lại cứ vì quyền lợi riêng, hoài bão riêng, nên không có được sự đồng thuận (lâu dài) của toàn khối " ù lì "? Xem kỷ lại những thứ xấu xí của người TQ do ông Bá Dương khai ra : tôi thật tình không tin rằng : người TQ bẩn loạn, ở dơ, khạc nhổ ngoài đường., độc ác, bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ .. nói giỏi hơn làm, hay chỉ giỏi giang lẻ tẻ ở xứ người v..v...
Năm 1994,tại Thượng Hải, quả tình , ra phố vào giờ đi làm hay tan tầm, chúng tôi bị xô đẩy và ép đến nghẹt thở như mọi người TQ khác, mỗi lần đi xe buýt . Nhân viên kiểm soát xông pha vất vả và tài tình . Một lần khác đi xe đò chúng tôi bị un /ướp khói thuốc lá và nghe tiếng khạc nhổ suốt một ngày trời. Ngoài đường, trong đám đông dày đặc thỉnh thoảng cũng nghe tiếng khạc nhổ. Người Việt có khạc nhổ ngoài đường không?Nhưng cũng trong dịp đó, trước một viện bảo tàng, chúng tôi gặp ngay một đoàn trẻ con dài đến một cây số, có lẽ học mẵu giáo hay nhiều lắm là lớp một, đứa nào cũng hồng hào, ríu rít cười căng đôi má tròn, đỏ au . Vào bên trong viện bảo tàng, lũ chim con nói cười tíu tít nhưng rất vừa phải, các cô giáo đi kèm giảng giải từ tốn, chả nghe bà nào la lối, quát mắng. Gần trưa, chúng tôi thấy các cháu chia nhau từng nhóm ba bốn đứa ngồi ăn trên những mảnh vải nhựa cá nhân trải trên sân cỏ quanh viện, dưới những bóng cây. Ắn xong, mỗi đứa tự động thu lượm rác rến bỏ vào thùng rác và xếp mảnh vải nhựa bỏ vào túi đeo lưng đủ màu đủ kiểu của mình. Sân cỏ xanh rờn không một gợn rác khi cả đám ra khỏi cổng viện bảo tàng. Chỉ vẳng nghe tiếng hello, hello vui vẻ, trong trẻo mỗi khi chúng thấy một vài du khách Ấu Mỹ. Bốn năm sau, đến thăm Thượng Hải lần thứ hai, người bạn Tàu, chắc là nhớ kỷ niệm xưa, cứ bắt chúng tôi đi tắc xi. Cho đến một bữa chúng tôi "đòi" đi xe buýt.Nói sao cho hết nỗi ngạc nhiên : xe buýt nhiều và thường xuyên và trên suốt lộ trình hôm đó, không hề có cảnh chen lấn hay đè bẹp nhau. Xe buýt hai tầng, có máy lạnh. Tuyệt nhiên không có tiếng ho, khạc, không một chen lấn. Như thể khách giữ mình cho xứng với xe. Một tối, ăn xong chúng tôi đi dạo, trên một khoảng ngắn, đèn đường bị hỏng, một người dừng lại nhờ vợ giữ xe, ghé vào tường đứng đái. Lập tức những tiếng càu nhàu phóng ra từ những bóng tối sau và trước bọn tôi. Với dân số hiện tại một tỷ vài trăm triệu, trong suốt hai lần đi chơi ở TQ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy một đường phố nào vắng người, dù nhỏ hẹp đến đâu ngay cả ở những vùng rừng núi hẻo lánh ! Thì anh chàng, vì cấp bách, hay vì bàng quang có vấn đề, đã chẳng đặng đừng liều mạng... Người bạn Tàu đi với chúng tôi không nói gì, nhưng tôi đoán được nỗi xấu hổ của anh, dù sau đó tôi có khoe, bên nước tao, người ta đái ngay giữa ban ngày cơ. Qua nơi có ánh đèn, tôi thấy người vợ vùng vằng trao xe cho chồng, dắt con vượt lên phía trước, miệng vo vảnh, chắc là mắng chồng hay xin lỗi những người bắt gặp chồng mình đang thiếu văn minh.Ai lại không thấy những cảnh đái đường, ngủ đường nơi khác, kể cả Paris hoa lệ (chưa nói đến lề đường đầy cứt chó !) và có mấy ai nhìn thấy phản ứng như vậy của khách bàng quan? Cũng năm 94, ở bến buýt, bến xe lửa, bến tàu thuỷ, đầy dẫy người ăn xin. Bà bạn đầm đi cùng lỡ dại, một lần, cho một người hành khất ít tiền lẻ, lập tức chúng tôi bị bao vây, người bạn Tàu đưa đường khổ sở, xấu hổ, cản trở, phân trần, thậm chí cả cãi lộn với một bà ăn xin cứ theo lẳng nhẳng ở bến xe lửa Hàng Châu. Tháng tám năm 98, tôi chỉ thấy duy nhất hai người ăn xin, một già và một tàn tật trên con đường nhỏ dẫn đến vài ngôi chùa xưa trên một đảo nhỏ ngoài khơi tỉnh Ninh Phố, đầu dãy núi Ngũ Lĩnh . Chả lẽ công an nhốt tất vào mùa du lịch hay xua họ đi khuất mắt du khách? Tôi không tin. Và chúng tôi về nhà các bạn TQ quen, ăn uống, nói dóc thoải mái. Bốn năm trước, quả thật, khi đến nhà bạn, đi ngang qua trạm gác nhân dân, chúng tôi phải ngậm tăm.Bốn năm sau, tôi nhìn thấy tận mắt kết quả những đổi mới của họ : xin kể, không theo một thứ tự nào, không nói đến thẩm mỹ, luân lý hay hậu quả sinh thái ... : các xa lộ, bệnh viện, trường học, cao ốc được xây dựng ngay từ khu thị dân đông đúc Thượng Hải cho đến ...Lhassa. Ngay nhà trong chung cư cũng trang bị máy lạnh, máy sưởi made in China. Nghe kể chuyện thủ tướng họ lên ti vi khen các máy VCD chế tạo trong nước : xem compact disc piraté (ăn cắp !!) résolution (độ rõ) cứ tuyệt vời như bản chính !! Và tuyệt nhiên không nghe một lãnh tụ nào tuyên bố tham nhũng không có ở lãnh đạo cấp cao . Đúng như bạn tôi nói : họ quyết tâm làm giàu, và phú quí, sạch sẽ đến dần ! Mèo TQ đang bắt chuột có khác !Đi từ Thượng Hải qua Tây An rồi Tứ Xuyên, Thanh Hải, qua các khách sạn, các hiệu buôn lớn, thậm chí ngay cả trong những công viên, tôi đều thấy họ tổ chức quyên tiền giúp nạn nhân lũ lụt . Có nơi người cho phải xếp hàng để chờ lượt mình đến bỏ tiền vào thùng.
Đó là ở quốc nội, còn hải ngoai?
Một thí dụ nhỏ trước mắt, ở Paris, ai cũng thấy chưa đến hai mươi năm, những siêu thị của anh em nhà họ Đường (Tang ... Frères) đua nhau mọc, xanh tươi rậm rạp. Một hai siêu thị Việt chỉ phát triển kha khá một lúc nào đó rồi thì bị phá, đốt hay lục đục, kiện cáo nhau, dần dần thu nhỏ, người mua thưa thớt. Vùng Bolsa ở Cali phát triển đến chóng mặt, phố xá, hàng quán Việt chen chúc, nhưng những đại siêu thị, đại nhà hàng, hay thậm chí chủ phố, hỏi ra lại là người Tàu. Mà nói chung, người Việt đến lập nghiệp trước nhất, lâu đời hơn. Nếu người TQ chỉ nói giỏi và không đoàn kết , họ không thể thành công như chúng ta thấy.Những thành công thương mãi, kỹ nghệ (xin chừa nghệ thuật làm đồ giả, đang tiến tới giống đồ thật, nếu đổi mới của họ vẫn đi tới theo đường dân chủ hoá), và cả nghệ thuật (như điện ảnh, với Trương Nghệ Mưu chẳng hạn) không chỉ dừng ở phương diện quốc gia.
Đến đây, tôi đã sa đà, ra khỏi biên giới những xấu xí rồi. Trở lại với những xấu xí TQ, xin nêu ra một thí dụ BD quên kê khai : Tây Tạng, một nước lớn đất rộng người thưa, diện tích gần bằng TQ , từ mấy mươi năm nay, thuộc nước TQ, càng lúc càng bị TQ hoá mạnh mẽ. Người TQ còn lấn chiếm các đảo Trường Sa, Hoàng Sa của nước ta, gây gổ với nhiều nước khác trong vùng biển Đông hải, thế giới chỉ la ó lấy lệ, có nước nào dám kéo quân, kéo tàu bay tàu thủy sang tấn công TQ như đã tấn công Irak của Sađam Hussein hay nước đại Serbie của Milosevic?Như vậy, TQ có phải là một đất nước chỉ có những người nói giỏi hơn làm, thiếu đoàn kết, đố kỵ, hẹp hòi, chỉ thấy lợi lộc riêng tư, trước mắt?
Các nhà lãnh đạo Việt cũng toan tính, thử nghiệm ý đồ trên Lào, Kam pu chia mà không/ chưa thành công, chỉ mới giỏi ăn hiếp được những đồng bào thiểu số miệt rừng núi, cao nguyên.Chúng ta bắt đầu thấy những khác biệt với người hàng xóm TQ rồi đó !
Ngoài những món đã được Bá Dương kê ra, ngoài chuyện bách chiến bách thắng, chúng ta còn hơn người TQ ở điểm nào? Một điểm nhỏ chút xíu, nhưng cam đoan món này thì quí vị phải công nhận bên ta thời có, bên Tàu thời không : bia ôm.
Và nào chỉ bia, còn karaôkê ôm, trà ôm, cơm ôm, cháo ôm, cà phê ôm, phở ôm v..v..Danh từ/túc từ không quan trọng : cơm cháo phở ...ta (và Tàu) đã có từ nghìn năm hơn ; còn thức lạ : từ hai mươi lăm năm nay, ta đã đuổi kịp tất cả các nước khác : bao sơn hào, hải vị lan tràn trên đường phố nước Việt - vỉa hè, khách sạn, cao lâu...-: chó, rắn, rùa, khỉ... nước ta cho đến của lạ nước người : vodka, saké, trứng cá caviar...và đỉnh cao là thịt người, nói rõ hơn là thịt phụ nữ (chính bản VN).   Ăn như người ta thì...xoàng quá, bắt chước nguyên mâm thì dễ quá, chúng ta bèn áp dụng có sáng tạo : ôm . Đó là đem theo cái tình (vốn thiếu từ thuở đất trời (Nam)nổi cơn gió bụi) vào cái lý (để sinh tồn, cho cuộc đời còn lại). Một bạn tôi đã nhầm khi tưởng rằng kể từ ngày Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên rơi lệ , ngồi vào bàn ăn bánh vẽ, chúng ta thôi không luận, không nghĩ đến các kiểu/ cách ăn.
Mớ thịt người này thay thế cho bác sĩ phân tâm học, thay thế cho tấm gương, khỏi phải nhìn thẳng vào bộ mặt lởm chởm râu ria của những đêm mất ngủ. Ôm ấp tại chỗ thì còn thiếu sáng tạo, ít lợi nhuận nên mới có chuyện xuất khẩu. Sang Thái Lan, Đài Loan, Đức...thịt này có thể dùng làm món khác. Dòm xa xa thấy như không cần cả vốn !
Không , không, thức vặt cả, con người cả. Bạn tôi lại kêu : cái ông Bá Dương này thật ...bá láp, chỉ thổi phồng những điều vặt vảnh. Thí dụ ông chỉ nói tới giả trá, lường gạt, cướp bóc xoàng xỉnh thôi, chúng ta còn hơn nữa : những bằng chứng về giả dối, phản bội, tàn ác ...ở phương diện rộng lớn, tổ chức qui mô.
Chúng ta không thiếu tài năng, không thiếu tình đoàn kết, biết thưởng thức nghệ thuật, phân biệt dân chủ với độc tài?
Xin giải thích ra sao chuyện cây cầu chưa xây mà đã gẫy? Tại khu Phước Lộc Thọ ở Bolsa (hay bất cứ nơi nào khác, để cho thấy ta là ta) thay vì ba cái tượng chình ình rất chẳng Việt Nam đó, ta phải để cái chi? Một cái trống đồng Đông Sơn (đang được chùi rửa đánh bóng)? Một chiếc thuyền tí hon đầy đặc người vẫy tay (gọi nhau làm người? cầu cứu?) giữa đại dương sóng gió? Một lá sớ gửi thiên đình với tên tuổi những người chết với những cái chết không tự nhiên ở đôi miền trong suốt mấy mươi năm? Chúng ta có ác với nhau, có thù hận nhau không? Nếu không sao từ xưa tổ tiên không ngừng khuyên dạy ăn hiền ở lành, chín bỏ làm mười, lá lành với lá rách và bây giờ nữa, chúng ta cứ kêu gọi nhau hoà giải hoà hợp mà lại cứ như điên lên vì thấy mình đã vô cùng hoà giải, hoà hợp, còn kẻ trước mặt lúc nào cũng thiếu thiện chí và giả dối. BD trách dân mình không dùng lý trí mà chỉ hay dùng cảm tính. Còn dân Việt ta? Hành động la ó, cấm cản, thậm chí xô xát những người đi xem/diễn nhạc kịch đến từ Việt Nam là lý trí hay cảm tính?
Đành rằng xóa bỏ hận thù không phải là quên đi những tội ác. Hoà giải hoà hợp không phải là dùng bạo lực để áp đặt một chủ nghĩa hay đường lối. Quên không phải chỉ giản dị sửa đổi ngày tháng, sự kiện lịch sử, cấm đoán (không cho xem và truyền bá tài liệu không chính thống) là tiêu tan mọi bằng chứng và hậu quả. Không phải không nhắc nhở, cứ che dấu mọi chuyện là sẽ quên. Nói như BD, đó là thiếu tự trọng và không tôn trọng người khác.
Tôi tin rằng bạn sẽ tìm ra một nghìn thứ khác nhau và một nghìn lẻ một cái giống nhau với người TQ. Với những xấu xí và tốt đẹp của con người nói chung. Có phải người TQ đã nhìn ra những nhược điểm của mình và đang sửa đổi? Còn chúng ta? Rõ ràng mấy nghìn năm nay, dù hời hợt hay nhiệt thành bắt chước, dù hân hoan hay miễn cưững chấp nhận bất cứ áp đặt nào đến từ bên trong hay bên ngoài, dù là một nghìn năm với ...người TQ xấu xí , một trăm năm với..., năm mươi năm với...vv.. và vv .. (biết rồi..khổ lắm...) đến nay ,thanh bình, chúng ta vẫn còn quốc gia chưa thành chư hầu của ai, một đất nước để ở và để đi về, vẫn tiếp tục học, viết, nói tiếng nói của chúng ta,. Có phải nhờ cái bề mặt của chúng ta? Cái bề mặt sâu lắng của băng sơn, của đám đông ù lỳ, thầm lặng? Nhờ cái nội lực mà lãnh tụ nào cũng mơ ước vận dụng?Chưa đủ để sung sướng tạ ơn đất trời tiên tổ ông bà, và tất cả những người đã nằm xuống trong và sau cuộc chiến vừa qua? Chưa đủ để cùng nhau ...dập tắt lửa thù hận? chẳng lẽ đợi cho mấy người hàng xóm xấu xí này (nói phỉ phui ! phỉ phui !) sang cà khịa đòi sát nhập hay đòi làm anh em hay đem đến văn minh, lú c đó chúng ta mới tỉnh mộng? Có khi hối hận không kịp ngáp!
Diện mạo nào là của chúng ta? Xấu xí hay tốt đẹp? Bỏ cái gì, giữ cái gì? Làm sao có thể quay lại nhìn mình và không chối bỏ sự thật? Làm sao ta có thể tiếp tục tồn tại độc lập, không kiêu căng lố bịch cũng chẳng phải cúi mặt đau đớn, xấu hổ? Tiếp tục tồn tại với bản mặt riêng (lai diện mục) của chính chúng ta? . Một bản mặt có trái có phải, có sâu xa, cạn cợt, có thắng bại, vui buồn, có khổ sở, mất mát....mới dựng nên kích thước trong không gian và thời gian.
Tiếp tục tồn tại độc lập tự do với dân chủ hạnh phúc thật sự cho tất cả hay ít ra cho đại đa số chứ không phải chỉ cho một nhóm nhỏ và những kẻ đại diện cho đại đa số đó không cần phải tiêu diệt hay hành hạ những thiểu số kỳ cục luôn luôn có ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ đất nước nào.
Tôi nghi là ông Bá Dương vuốt ve tự ái những người Nam Dương, Mã Lai, người Việt Nam, người Mỹ, người Úc, dụ khị người Đài Loan, Tân Gia Ba... Chính thực là ông kích động dân ông tiến chiếm lấy thế giới đấy thôi.
Phan thị Trọng Tuyến

Tương tàn
Gặp lại anh tại chùa sáng nay tôi mừng quá. Ở xứ la. quê người gặp được một người quen đã mừng rồi đừng nói chi là một người cùng sanh ra một làng, lớn lên một nơi và sinh hoạt chung một Gia Đình Phật Tử từ khi tôi còn thơ ấu. Anh lớn hơn tôi ít nhất cũng hai chục tuổi. Mái tóc anh đã bạc màu, khuôn mặt xương xỏ, vầng trán cũng đầy vết nhăn. Tôi nhận ra anh ngay một phần cũng nhờ vết sẹo bẩm sinh trên má phía bên trái của anh. Lễ Vu Lan năm nay không đông người dự bằng mọi năm. Trong chánh điện còn nhiều chỗ trống nhưng hình như anh không thích đám đông. Anh đứng lặng lẽ trong một góc sân chùa, lẩm bẩm tụng kinh. Anh không nhận ra tôi. Ba mươi năm qua trong đời sống với biết bao nhiêu thăng trầm thay đổi.
Ngày biết anh, tôi còn là thằng bé mười tuổi đầu, đoàn viên đội Đồng Nam của Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Bây giờ con tôi cũng đã trên mười tuổi, anh không nhận ra tôi là phải. Khi nghe tôi kê khai tên họ và kể lại chuyện xưa, đôi mắt anh chợt sáng hẳn lên. Anh nhớ ra ngay. Anh nhìn thẳng một hồi lâu vào mặt tôi rồi dang hai tay ôm chầm lấy tôi vào lòng như đã từng ôm tôi, từng vuốt tóc tôi những ngày khi tôi còn là một đoàn viên mười tuổi. Khi buông tay ra, tôi thấy đôi mắt anh đỏ hoe. Anh vui mừng như vừa tìm lại một kỷ niệm thân yêu tưởng đã mất từ lâu hay là vì tôi, như nhánh cây vô tình khơi lại mặt hồ trong lòng anh một vết thương không bao giờ nguôi được. Tan lễ, anh rủ tôi về nhà anh ở Dorchester để uống một ly nước và cũng để biết nơi anh ở. Tôi đi theo anh ngay vì riêng tôi ba mươi năm qua cũng còn nhiều điều thắc mắc tôi cần phải hỏi.
Thú thật năm đó chính xác là năm nào tôi cũng chẳng còn tin là mình nhớ đúng. Tôi chỉ nhớ tôi vào Gia Đình Phật Tử nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo, ở một khoảng thời gian khi tôi còn nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi trong ký ức xa xôi chỉ còn lại hình ảnh một thằng bé luộm thuộm, cồng kềnh trong chiếc quần xanh rộng thùng thình và dài quá gối mà cha tôi may dành cho ngày trọng đại: ngày tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử.
Cha tôi dắt tôi đi trên con đường cong rợp bóng tre xanh để đến chùa Ba Phong, ngôi chùa nhỏ của làng Mã Châu vừa mới được xây xong. Chùa rất đẹp, nằm trên một lô đất rộng phía cuối làng, mặt trước chùa hướng ra bờ sông Chợ Vạn. Dạo đó, chiến tranh chưa lan tràn tới quê tôi. Ngồi trên thềm chùa, người ta có thể thấy bãi cát Tây An trắng phau chạy dài tận Núi Đất. Ngồi bên thềm chùa người ta có thể lắng tai nghe tiếng nước suối Yến chảy réo rắt từ phía bên kia bờ sông vọng lại. Từ đó tôi như con chim nhỏ bắt đầu tập hát những bài hát thương yêu và hy vọng trong khu vườn đời đầy nắng ấm. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa để tôi không còn cô đơn nữa, tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi có anh, có chị, có bạn bè. Gia đình tôi không còn heo hút nữa nhưng đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Từ đó tôi như con nai tơ tìm được dòng suối mát của đạo từ bi đang bắt đầu róc rách chảy qua tâm hồn mình. Tôi cảm nhận được rằng tình thương là một điều có thật và tôi được dạy để thương yêu đồng loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình.
Từ đó tôi như bắt đầu một cuộc sống mới. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình trong tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết của mình trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.
Sau nầy tôi lớn khôn lên, đi vào đời với bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng càng gian khổ bao nhiêu tôi càng biết cám ơn hạt giống Bi Trí Dũng do Gia Đình Phật Tử gieo trồng trong tâm hồn thơ ấu của tôi.
Những đêm trăng sáng chúng tôi ngồi quây quần bên lửa trại để nghe các chị Thu, chị Trưởng của chúng tôi, kể chuyện về cuộc đời đức Phật. Nhiều khi rảnh rỗi hơn chị còn kể những chuyện cổ tích, chuyện dân gian như Tấm Cám, Ăn Khế Trả Vàng cho chúng tôi nghe. Chị Thu có đôi mắt rất đẹp và nụ cười thật hiền. Mái tóc chị chảy dài xuống vai trong đêm trăng sáng làm tăng vẻ đẹp dịu dàng và thánh thiện của chị. Chúng tôi thích nghe chuyện cổ tích hơn là chuyện đạo vì chuyện cổ tích ly kỳ gay cấn hơn những chuyện sông A-Nô-Ma, vườn Lâm-Tỳ-Ni. Những câu chuyện đạo không nhiều nên bọn tôi thuộc ráo cả. Nhiều chuyện chị chưa kể xong bọn tôi đã biết kết luận ra sao rồi, thâm chí có khi chị quên bọn tôi còn nhắc chị cơ mà. Giọng chị Thu ngọt ngào và nhẹ nhàng như người mẹ càng làm cho những câu chuyện thuộc loại Tấm Cám thêm phần cảm động. Trong những đêm vui như thế, thường là những tối thứ Bảy, chúng tôi ngủ đêm ngay trong chánh điện của chùa để sáng mai còn tiếp tục sinh hoạt. Chị Thu thương chúng tôi lắm và chúng tôi cũng coi chị như chị ruột của mình. Chị nấu cơm cho chúng tôi ăn, chị dạy chúng tôi học và đôi khi đi họp đoàn chị còn mang theo cả kim chỉ để lỡ có đứa nào trong bọn tôi bị rách áo quần thì đem theo để chị vá lại dùm cho.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngoài là Liên Đoàn Trưởng của Gia Đình Phật Tử chúng tôi anh còn là Hiệu Trưởng của trường Trung Học Đệ Nhất Cấp ở quận Duy Xuyên. Cũng vì là thầy giáo nên anh có phần nghiêm nghị hơn các anh chị khác trong ban huynh trưởng. Anh săn sóc chúng tôi như người anh cả. Ngoài việc hướng dẫn đoàn, anh còn mở thêm ở chùa những lớp dạy kèm cho những đoàn viên học kém ở trường. Anh có nhà riêng nhưng thường hay ở lại trong chùa. Ngoài những giờ sinh hoạt đoàn, anh đọc sách. Anh biết đàn và hát rất hay. Anh tập chúng tôi hát những bài hát đạo và cả những bài hát quê hương mà anh yêu thích. Sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn nhớ như in dáng dấp nghệ sĩ của anh khi ôm cây đàn guitar đứng hát bài Những Nẻo Đường Việt Nam "Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, ôi những nẻo đường Việt Nam ...ta đắp đường làng ta, nhắn ai đi chớ quên quê nhà ...". Giọng anh thiết tha và trầm ấm. Anh dạy chúng tôi đánh Morse, dạy chúng tôi thắt gút, đóng trại. Bọn tôi không thích nghe anh thổi Morse chút nào vì anh thổi nhanh như gió. Mỗi lần có trại anh thường là người thổi Morse cho trò chơi lớn. Đội chúng tôi toàn là tay dốt Morse, nên khi nghe anh thổi thì bọn tôi chẳng tài nào nghe kịp. Cố gắng lắm cũng chỉ ghi được vài tiếng tít tít te te đầu tiên mà thôi còn sau đó thì chỉ biết nhìn nhau. Cả đội đành cúi mặt chịu đựng rẻ khinh, lò mò theo mấy đội con gái mà đi tìm mật thư. Đám con gái đi đâu thì bọn tôi bám như đỉa theo đó. Có lần bị đám con gái biết ý định nên lập kế để nửa đội dắt bọn tôi đi vòng vòng cả buổi trong khi nửa đội còn lại âm thầm tới lấy mật thư đem về lãnh giải. Biết bị gạt nhưng vì là những người gian mắc nạn nên bọn tôi chỉ biết đành nghiến răng nuốt hận mà thôi.
Vài đoàn viên có tật hay ngứa miệng, trong đó có tôi, cảm thấy anh Tuấn chị Thu xứng đôi vừa lứa và cũng rất mến nhau nên cặp đôi anh chị là vợ chồng. Những tin tức của bọn tôi tung ra chọc ghẹo chị Thu chẳng may lọt vào tai anh Tuấn. Thế là một buổi chiều Chủ Nhật sau khi họp đoàn, tôi và các cu cậu miệng ăn mắm ăn muối được anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn gọi lên chánh điện "hỏi thăm sức khỏe". Khi nghe gọi chúng tôi đã biết chuyện chẳng lành sắp sửa xảy ra và thậm chí còn biết hình phạt gì sẽ dành cho chúng tôi. Trong Gia Đình Phật Tử hình phạt tương đương với hình phạt khổ sai ở ngoài đời là phạt quỳ hương. Không đứa nào dám chối, chỉ cúi đầu nghe anh giảng một bài tư cách đoàn viên Gia Đình Phật Tử dài chừng nửa giờ, sau đó nhận lãnh hai cây hương dài. Để bảo đảm hình phạt được thực hiện nghiêm túc và trọn vẹn, anh Tuấn còn sai cậu đội trưởng của chúng tôi đứng canh phòng, thỉnh thoảng đánh chuông để chúng tôi lạy Phật sám hối lỗi lầm. Mỗi khi nghe tiếng chuông bọn tôi phải lạy một lạy. Cũng may cậu đội trưởng không thù hằn gì bọn tôi nên lâu lâu mới gõ chuông một tiếng.
Tôi bị phạt mà không tâm phục, vì gần cả giờ răn dạy bọn tôi, anh Tuấn không hề xác nhận hay phủ nhận tin đồn về chuyện tình cảm giữa anh và chị trưởng. Đại ý anh chỉ trách chúng tôi không lo học hành tu tập lại bày đặt nhỏ to chuyện người lớn. Nhưng cũng từ đó, tôi để ý thấy chị Thu không còn tự nhiên với anh Tuấn, ít nhất trước mặt chúng tôi. Nếu đứa nào lỡ miệng nhắc lại chuyện quỳ hương, tôi thấy chị Thu mặt đỏ như gấc, tay mân mê vạt áo dài lam và mắt nhìn đi chỗ khác như trong truyện thằng bé ăn cắp quả trứng bị bắt quả tang mà có lần chị đã kể cho chúng tôi nghe. Tôi cũng để ý, không giống như anh Tuấn giận phạt chúng tôi quỳ hai cây hương, chị Thu lại không tỏ ra buồn hay giận gì chúng tôi. Có lần tôi định nói với chị Thu rằng người đáng bị quỳ hai cây hương là chị đấy. Cũng may là tôi chưa nói ra đã kịp rút lưỡi lại nếu không thì hai cây hương đó chắc là tôi hưởng một mình.
Nhưng từ sau những ngày rất đẹp nhưng ngắn ngủi đó, chiến tranh cũng đã lan tràn đến làng Mã Châu hiền hòa nhỏ bé của tôi. Mỗi nhà đã phải đào một căn hầm tránh đạn. Đứng bên bờ sông, tôi không còn nghe tiếng mái chèo của các chiếc ghe chở rau, chở lụa trở về trong những chiều nắng tắt. Trời chiều như đã xuống nhanh hơn, bóng tối đã về nhanh hơn trong sân chùa Ba Phong thân thương của chúng tôi. Tiếng súng vọng về mỗi đêm từ phía bên kia sông. Màu hỏa châu đã thay thế cho ánh trăng vàng quen thuộc. Một đêm, khi đang ngủ tôi bị đánh thức bởi tiếng súng nổ dồn dập thật gần. Cha tôi kéo tôi nằm sát đất và kê miệng nói nhỏ cho tôi biết là phía bên kia đang tấn công vào trong ấp chiến lược làng tôi. Sáng ra, khi vừa thức dậy thì chúng tôi nghe tin anh Tuấn, Liên Đoàn Trưởng của chúng tôi đã vắng nhà sau đêm đó. Có người bảo rằng anh bỏ nhà đi theo Việt Cộng nhưng cũng có người nói rằng anh bị Việt Cộng về bắt đem đi. Người em gái của anh Tuấn là nhân chứng duy nhất có mặt trong nhà đêm đó nhưng phải trốn dưới hầm sâu nên chẳng rõ đầu đuôi gốc ngọn xảy ra như thế nào, ngoài việc chị nghe có nhiều tiếng chân người chạy dồn dập trên nắp hầm. Tôi chạy xuống chùa thì chị Thu và các anh trưởng khác đã có mặt. Chị Thu hốt hoảng như vừa đánh mất một vật quý giá nhất đời mình. Chưa bao giờ tôi thấy chị Thu lo sợ như vậy. Chúng tôi cả đoàn sắp hàng trong chánh điện để làm lễ cầu an cho anh. Anh Liên Đoàn Phó ngành nam, Huỳnh Văn Ẩn, chính thức báo cho ban trị sự chùa và Gia Đình Phật Tử biết rằng anh Nguyễn Văn Tuấn, Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Ba Phong đã bị Việt Cộng đột nhập vào làng và bắt đi đêm qua. Một bác trong ban trị sự đứng dậy hỏi anh Ẩn có bằng chứng gì cho thấy là anh Tuấn bị bắt. Anh Ẩn ngần ngừ một lúc rồi đáp rằng anh đã được trên Quận xác nhận đúng là như thế. Anh Ẩn, ngoài là Liên Đoàn Phó ngành Nam của Gia Đình Phật Tử anh còn là Trung Đội Phó Nghĩa Quân của Xã, nên câu nói của anh đã đánh tan mối hoài nghi trong lòng những ai nghĩ khác về anh Tuấn. Anh quyền Liên Đoàn Trưởng Huỳnh Văn Ẩn của chúng tôi, dạo mới đây ít sinh hoạt không biết vì bận chuyện ngoài Xã hay vì giữa anh và anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn không thuận nhau điều gì đó như bà con trong xóm đồn đại. Nhìn về phía chúng tôi, anh khuyên chúng tôi bình tĩnh và tiếp tục sinh hoạt như trước. Anh hứa từ nay sẽ đến với chúng tôi thường xuyên. Chúng tôi miệng thì dạ vang nhưng gan ruột rối bời.
Anh Ẩn giữ lời. Anh dành nhiều thời gian để săn sóc chúng tôi. Anh cũng thương chúng tôi với tất cả tấm lòng của một người huynh trưởng. Anh cũng cố dạy chúng tôi hát dù anh hát không hay bằng anh Tuấn và dạy giáo lý mỗi tuần dù anh ăn nói không lưu loát bằng anh Tuấn. Anh cố diễn xuất, đóng kịch để chúng tôi vui dù không khéo léo, không có dáng nghệ sĩ như anh Tuấn. Anh cố gắng bảo vệ thôn làng thân yêu của chúng tôi, cố gắng bảo vệ chúng tôi như con chim đầu đàn cố giương đôi cánh che chở cho đám chim em giữa cơn giông bão.
Về phần chị Thu, từ ngày anh Tuấn xa đoàn, chị như bông hoa thiếu nước. Chị vẫn đến với đoàn nhưng nụ cười hiền hòa đã tắt trên môi chị. Anh Ẩn và ban huynh trưởng đều biết điều đó nhưng ai cũng cố tình làm như mình không biết đến. Mọi người đều hy vọng thời gian sẽ làm chị nguôi đi. Mặc dù anh Ẩn bảo đảm với mọi người là anh Tuấn bị Việt Cộng bắt đi nhưng trong làng nhiều người vẫn chưa tin hẳn, vẫn còn có kẻ bàn vô tán ra về chuyện bị bắt của anh.
Làng tôi sống trong không khí tạm bình yên được chừng sáu tháng, một đêm tiếng súng lại nổ vang ở phía vườn chùa. Lần nầy súng không nổ lâu như những lần trước và cũng không chứng tỏ gì hai bên đã đánh nhau lớn, chỉ vài tràng đạn chát chúa vang lên rồi tắt lịm. Bình thường khi trận chiến nổ ra, hỏa châu bắn yểm trợ từ căn cứ pháo binh Hòn Bằng nã xuống làm sáng rực cả góc trời nhưng đêm đó thì tuyệt nhiên im lặng. Cả làng chìm trong bóng tối. Khi trời chưa đủ sáng thì có tiếng chú tôi gõ cửa tìm cha tôi. Chú tôi làm Ấp trưởng nhưng nếu có chuyện gì quan trọng thì người thứ nhất ông báo không phải là ông Xã trưởng mà là cha tôi. Cha và chú tôi nói với nhau điều gì đó tôi không nghe rõ. Sau khi chú tôi ra về, cha tôi gọi tôi lại gần và cho tôi biết anh Liên Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Tuấn trở về và bị bắn chết ngoài bến đò. Xác anh Tuấn được giao cho thân nhân anh đem về nhà chôn cất. Cả người anh được đắp kín bằng chiếc chiếu nhuộm đầy vết máu. Chúng tôi không được thấy mặt anh chỉ thấy hai bàn chân xanh bầm của anh ló ra ngoài chiếu. Chị Thu đang gục mặt lên thành giường mà khóc. Chị chẳng còn gì để dấu nữa. Anh và chị yêu nhau từ khi họ mới biết yêu, ngay cả trước khi anh đi học sư phạm ở Huế. Anh chị không muốn đoàn sinh xao động, không muốn ảnh hưởng đến sinh hoạt của các em sớm quá nên anh chị không cho ai biết. Dĩ nhiên họ mong đến một ngày thật đẹp trời và thật thích hợp nào đó sẽ chính thức công bố với đoàn. Chị Thu tưởng tượng ngày đó chúng tôi sẽ reo lên vì mừng rỡ, sẽ chạy lên bá cổ anh chị mà chúc mừng, sẽ đứng dọc hai bên đường làng mà chọc ghẹo cô dâu chú rể, sẽ sắp hàng hai bên cổng chùa chào anh Liên Đoàn Trưởng, chị Liên Đoàn Phó thành chồng vợ. Ngày đó đã không bao giờ đến với chị Thu nữa. Chiếc áo chúng tôi rách nhờ tay chị vá may nhưng chiếc áo tâm hồn của chị rách sẽ chẳng ai có thể vá lành lại được.

Đám tang anh Tuấn diễn ra trong nghi lễ Phật Giáo. Chúng tôi sắp hàng hai bên bắt ấn Tam Muội chào khi quan tài chứa thân xác đầy vết đạn của anh Liên Đoàn Trưởng chúng tôi do ban huynh trưởng khiêng từ chùa đi ra. Chị Thu trong chiếc áo lam dài và mái tóc rối bời đi sau quan tài. Tất cả chúng tôi đều khóc. Anh Ẩn cũng im lặng trầm ngâm đi sau quan tài. Người trong làng đồn nhau anh Tuấn vượt tù và bị Việt Cộng đuổi theo giết chết nhưng đó cũng chỉ là tin đồn.

Chiến tranh, từ đó, cũng đã lan tràn mạnh, đoàn chúng tôi không còn sinh hoạt nữa. Chùa Ba Phong bị sập một bên và khu vực chùa cũng không còn an ninh như trước. Anh Ẩn đăng lính và đóng tận ngoài Quảng Trị. Chị Thu cũng từ giã chúng tôi để theo gia đình dọn ra Đà Nẵng làm ăn và sau đó đã có chồng. Gia đình tôi cũng quyết định rời xa thôn làng Mã Châu yêu dấu để vào Nam. Tôi bước đi trên con đường đầy gai tre mang theo trong lòng ngổn ngang bao điều thắc mắc, thắc mắc về chuyện anh Tuấn ra đi, về chuyện tại sao anh Tuấn trở về, về chuyện tại sao anh Tuấn bị bắn chết, và ai đã giết anh. Những thắc mắc mà trí óc còn xanh ngày xưa của tôi chẳng thể nào hiểu được, những câu hỏi đó tôi phải chờ 30 năm sau, nhân dịp đi chùa sáng nay và gặp lại anh Liên Đoàn Phó Huỳnh Văn Ẩn, tôi mới hiểu ra hết sự thật.

Anh Huỳnh Văn Ẩn rót thêm vào tách trà của tôi và rót đầy vào tách của anh trước khi kể tiếp:
- Anh muốn các em mãi mãi nhớ một anh trưởng Nguyễn Văn Tuấn với chiếc áo lam, chiếc mũ nỉ nhọn truyền thống của Gia Đình mình. Anh không muốn đánh mất hình ảnh huynh trưởng Nguyễn Văn Tuấn đáng yêu, đáng kính trong lòng các em. Anh biết Tuấn thương yêu các em thật sự nhưng anh ấy cũng theo đuổi một con đường riêng của ảnh. Anh không trách Tuấn vì chính anh cũng có chọn lựa riêng cho mình. Anh biết Tuấn trước sau gì cũng bỏ làng mà đi. Anh chỉ yêu cầu Tuấn một điều, nếu đi thì đừng bao giờ trở lại làng ta nữa. Hãy để các em yên vui sinh hoạt, yên vui tu tập. Nhưng Tuấn đã không giữ lời.
Anh Ẩn trầm ngâm một chốc rồi nói như trăn trối:
- Bây giờ anh đã già và đang bị bịnh nặng. Đời tỵ nạn trên xứ người của anh cũng chẳng còn bao lâu nữa. Anh chẳng còn gì để dấu diếm các em. Ngày ở tù ra anh định ghé thăm Thu nhưng cuối cùng không đến. Để làm gì. Cơn bão đã qua đi nhưng để lại những tâm hồn tan nát trong một đất nước điêu linh băng hoại. Ý thức hệ đã chia bọn anh ra làm hai ngã tương tàn. Anh không hối hận nhưng vô cùng đau xót. Vết thương trong tâm hồn anh sẽ không bao giờ lành lặn. Anh kể lại không phải để tìm sự an ủi cho chính mình, không phải để biện minh cho hành động, cho chọn lựa của mình. Lịch sử dù đáng yêu hay tàn nhẫn cũng là lịch sử. Anh là huynh trưởng của các em, Tuấn là huynh trưởng của các em và Thu là chị trưởng của các em. Ba mươi năm anh giữ kín chuyện nầy vì anh không muốn thấy trên chiếc áo lam hiền hòa chơn chất của các em ngày đó bị hoen ố bởi giọt máu hận thù từ tay của các anh nhỏ xuống. Anh không muốn thấy tâm hồn thanh tịnh, trắng trong của các em ngày đó bị lem luốt bởi những màu đen của khói đạn nhả ra từ nòng súng của các anh. Anh hy vọng mai nầy có cơ hội các em sẽ có cơ hội xây dựng lại chùa, xây dựng lại đoàn trên một đất nước tự do, không có chiến tranh, không có thù hận, không có rẽ chia cốt nhục, huynh đệ tương tàn. Anh mong rằng các em và những thế hệ Việt Nam sau này, sẽ yêu thương nhau và lịch sử đau thương sẽ không còn lặp lại.
Chúng tôi ngồi trong đêm vắng. Đêm đã xuống từ lâu mà anh em chúng tôi không hay. Anh Ẩn vói tay mở đèn, tôi thấy trên má người lính già và người anh trưởng Gia Đình Phật Tử Huỳnh Văn Ẩn của tôi vẫn còn vương nước mắt.
Trần Trung Đạo


Có lần hãng gửi mình đi học ba ngày về cách sử dụng cuốn Planner của giáo sư Stephen Covey, nổi tiếng với cuốn sách "the 7 habits of highly effective People" . Họ khuyên các học viên, mỗi ngày nên viết ít dòng về những việc đã làm trong ngày, mổi năm đặt ra những mục đích để thực hiện về gia đình, sức khoẻ, công việc,...
Có dạo tình cờ mình coi một video và đọc một cuốn sách về luyện trí nhớ vì muốn giúp cho mấy đứa con ghi nhớ khi học thi thì tác giả bảo là phải viết xuống để khỏi quên nên mình bắt đầu viết lặt vặt khi đọc một bài viết bằng tiếng Pháp thì ghi lại tiếng Pháp, bài tiếng Đức thì ghi lại tiếng Đức,...vì lâu ngày không sử dụng thì sẽ bị quên lãng. Như Phan Đình Diễm và Phạm Công Bình bảo là trong đầu mình Bộ nhớ chỉ có 4 gig nên nhiều khi viết ra để mình xoá bớt để bộ nhớ có tài khoản để tiếp thu các chuyện ngày nay và mai sau.
Mình coi một cuốn phim trên kênh Sundance kể về một sinh viên Mỹ đi sang xứ Ukraine thuộc Liên Sô cũ để tìm cái làng, nơi ông nội của anh ta đã sinh sống khi xưa qua nhật ký của ông Nội viết lại thời thơ ấu tại đó và đem theo một món quà dành cho một người đàn bà quen với ông ta ở làng. Khi đến nơi thì anh ta hỏi thăm thì không ai biết cái tên của cái làng của ông Nội đã sinh ra. Hướng đẫn viên du lịch phải chạy vòng vòng để tra hỏi thì tình cờ gặp một người đàn bà sống đơn độc với những hình ảnh đồ vật xưa tại một nơi hẻo lánh thì được biết là trong thế chiến, một tuần sau khi ông Nội của người sinh viên trốn thoát sang Mỹ thì quân đội Đức Quốc xã đến bao vây và tàn sát hết mọi người trong làng này vì gốc do Thái, chỉ có hai người sống sót là bà ta và một người đàn ông đã mất tích từ ngày đó...sau này chế độ cộng sản Sô Viết chiếm đóng xứ này và đổi tên của địa danh này. Nên từ dạo đó mình hay viết trong nhật ký về Đà Lạt , VN, quê ông cụ ở Sơn Tây,.. bằng Anh ngữ để con cháu sau này muốn tìm hiểu thêm thì đọc vì phần ông cụ của mình thì cũng mù tịt, sau này có về thăm quê, đọc gia phả thì có chút khái niệm về quê cha đất tổ.
Hè vừa rồi bổng nhiên liên lạc được với một số bạn học cũ khi xưa ở Văn Học, Yersin thì bao nhiêu kỹ niệm thời mới lớn từ đâu kéo về nên mình ghi lại và hy vọng mấy người bạn học cũ có những kỹ niệm nào kể lại để cùng nhau lội ngược về dòng sông tuổi thơ ở Đà Lạt. Nhị Anh nói cứ viết để cho con cháu sau này đọc nên mình như người tù cải tạo, viết tờ khai lí lịch nên phải thành khẩn khai báo nhưng nhờ vậy mới mình có cơ hội hiểu về chính mình hơn. Đi lại con đường đã đi qua, nhớ lại những kỹ niệm xưa và biết đâu 20 năm tới khi đầu óc bắt đầu thu nhỏ, mình lại có dịp đọc lại những gì đã viết sẽ giúp mình minh mẫn một tí, không phiền người thân.
Tuần rồi trong tờ báo The Economist có đăng một bài nói về những người song ngữ. Họ nhận thấy những người biết nói hai ngôn ngữ thì trí nhớ của họ khi về già tốt hơn là những người chỉ biết một sinh ngữ. Khi nói một sinh ngữ thì con người hay cá thể thay đổi tuỳ theo phong tục tập quán, điển hình người gốc Hy Lạp thì khi nói tiếng Anh thì họ rất trầm tĩnh nhưng khi nói tiếng Hy Lạp thì họ trở nên hùng hồn, hay ngắc quảng người đối thoại vì tiếng Hy Lạp chỉ cần nghe đến động từ thì người đối thoại hiểu ý người đang nói trong khi tiếng Đức thì động từ để cuối cùng của câu nên mọi người phải lắng nghe hết câu trước khi trả lời. Nghiệm lại bản thân thì khá đúng vì khi mình ở Tây thì cách suy nghĩ của mình khác, nay ở Mỹ lại khác. Khi nói chuyện hay viết email cho đám bạn tây thì mình suy nghĩ theo cách khác. Mình nhớ dạo sang Ý sinh sống 9 tháng, khi về lại Paris thì mình nhận thấy đám bạn Tây, mỗi lần gặp nhau ăn uống thì chúng nó đều nói về sex trong khi dân Ý thì nói chuyện toàn là đá banh, cứ chủ nhật đi xem đá banh, thằng nào cũng có cái radio kè kè bên tai để nghe tiếp vận các trận khác trong khi đang hò hét trên sân vận động của tỉnh nhà mà ca sĩ Toto Cutugno diễn đạt rất rõ trong bản nhạc "lasciatami cantare".
Trong bài báo có nói là những người song ngữ có thể nói hai ngôn ngữ nhưng chưa chắc là sở hữu được hai văn hoá (bicultural). Nói chung thì bên Âu Châu, người Việt ít hơn nên dù muốn dù không, người tị nạn vẫn phải gia nhập vào nền văn hoá của người bản xứ. Ngược lại bên Mỹ nhất là vùng Bolsa, thủ đô người Việt tị nạn thì có nhiều người sang đây 30 năm nhưng không rành tiếng Anh lắm, sinh hoạt khu Bolsa nên không cần biết nhiều Anh ngữ. Mình có bà chị dâu sang đây 30 năm, làm ăn khá giả nhưng coi tv Mỹ thì không hiểu cho nên chưa bao giờ đi xem nghe nhạc hoà tấu, opera hay coi kịch của người Mỹ. Lâu lâu có chương trình văn nghệ do các trung tâm băng nhạc người Việt tổ chức ở các sòng bài thì đi xem hay đi nhảy đầm, hát karaoke trong các tiệm ăn do người Việt làm chủ. Dần dần các sinh hoạt ấy biến thành một loại Văn hoá ghetto. Nhạc thì toàn những bài khi xưa trước 75, được biến hoá theo những điệu tân thời; "Đôi mắt người Sơn Tây" hát theo điệu Lambada rồi đến Hip hop, techno,... Rồi tới mùa tango, cha cha. Nói chung là rượu cũ bình mới, không có gì gọi là sáng tạo cho nên mình hay từ chối tham dự các sinh hoạt này nên hay bị đồng chí gái la nên cực chẳng đã phải đi nhưng lại thấy người Việt hấp thụ Văn hoá Tây nhưng lại sử dụng theo kiểu người mình. Hồi ở Âu Châu, thì mình cũng có đi nhảy đầm nhưng nhảy đầm của Tây được xem như một sinh hoạt xã giao, mình mời các cô các bà trong buổi tiệc nhảy một bản hay hai để xã giao nhưng khi sang Mỹ thì lại sợ bị đánh vì dám mời cô nào được tên nào kết dù chỉ xã giao như bài báo đã nêu ra có người song ngữ, biết nói hai thứ tiếng nhưng chưa chắc đã là song văn hoá, tương tự ăn cơm Tây với đũa thay vì với dao nĩa. Tối hôm qua đi ăn cưới thì đồ Tàu dọn ra trên đĩa như người mình lại ăn bằng đũa. Cuối cùng thì có cơm chiên để và.
Mình mê nhất đạo diễn nhật Akira Kurosawa qua những phim 7 samurai, Rashomon,..nhưng ông này bị dân Nhật phê phán, chê bai vì tiêm nhiễm văn hoá Tây phương. Ông ta làm phim Ran, dựa theo King Lear của Shakespeare hay Kagemusha,...Nhờ những phim của ông ta mà thế giới mới biết đến Kabuki hay No của Nhật Bản. Ông ta có vài phim được thế giới bình chọn là hay nhất và các sinh viên điện ảnh phải coi trong khi các đạo diễn khác được yêu thích ở Nhật bản nhưng cả thế giới ít ai biến đến. Thế giới ngày nay như ông Thomas Friedmann viết trong cuốn "the world is flat" thì văn hoá nào không thay đổi theo thời gian trong cuộc cách mạng tin học sẽ tự đào thãi.
Mình có gia nhập vài diễn đàn với nhóm bạn Tây, Mỹ, Ý, Việt,..thì nhận thấy khi viết tiếng Việt thì mình phải thận trọng dùng những từ vì trong văn hoá VN, người ta dùng những từ ám thị để diễn tả về bộ phận sinh dục,..điển hình Dương vật là Chim, buồi còn âm vật thì dùng bướm,...Thật ra mình viết về những kỹ niệm với các bạn xưa để hy vọng họ có những kỹ niệm khác hay đứng ở một góc độ hay lăng kính nào đó nhìn về những gì xảy ra khi xưa để mình có một cái nhìn khái quát, rộng rãi hơn nhưng bị nhiều người gọi là ăn nói thô tục. Trong các diễn đàn của người ngoại quốc thì không thấy bị chê trách. Có lẻ vì đầu óc Cartesien thiên về khoa học nên họ phải sử dụng từ ngữ đúng để thông tin trong khi người mình bị những hủ tục xưa cấm kị. Mình hay đọc những bài của nhiều người nghiên cứu về Văn hoá VN thủa xưa. Mình nhớ bài hát quan họ Bắc Ninh về yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay,... Mình thuờng tự hỏi trong một chế độ phong kiến, nam nữ thụ thụ bất thân thì tại sao lại có những bài hát như vậy. Sau này đọc những bài viết nghiên cứu của viện Viễn Đông Bác Cổ, kể rằng các làng huyện khi xưa điển hình ở Bắc Ninh, có những phong tục rất thoáng như các tục hát úp đèn và đánh chen, hát thờ thần và hát nằm hay điểm ngực. Đại loại trong làng có những cái tục này hàng năm như làng tổ chức cúng thổ thần làng thì mướn các đào nương về hát ở đình thì con trai chạy ra phía sau con gái đứng hờ tay trước ngực rồi đến khi đèn tắt thì bóp ngực, đàn ông đàn bà cũng thi đua bóp sau 3 phút thì đèn đuốc được đốt lại thì ai nấy nghiêm chỉnh trở về địa vị của mình. Nhiều người thù cai tổng, trương tuần,.. Thì cứ độ họ đứng đâu thì lúc đèn bị chụp là họ tìm đến đánh trả thù mấy tên quan này. Mấy cặp trai gái thích nhau thì dẫn đi xa cái đình giao hoan,..có mấy tấm tranh vẽ về các phong tục đó. Tục hát nằm thì trai làng này sang làng kia hát quan họ xong thì đám con gái làng kia đi theo về vào trong nhà có những tay hát chuyên nghiệp được mướn hát để dạy đám trong làng. Họ nằm hát trong bóng tối rồi ai thích ai thì cứ kéo nhau ra khỏi nhà để tỏ tình như Trăng sáng vườn chè. Theo phong tục của làng nếu không làm như vậy thì thần hoàn về quở và năm đó trâu bò, heo trong làng bị dịch, làm ăn thất mùa,...
Mình nhớ có lần mình viết chữ c... hay l... thì các bà nhảy đảnh đảnh lên như các cụ khi xưa nghe truyện Kiều nên sau đó phải thay vào các từ như chim, bướm nhưng vẫn bị chụp mũ là ăn nói bậy bạ trong khi trên các diễn đàn khác của đám bạn ngoại quốc thì người ta dùng các từ chính xác để diễn tả tư tưởng của họ. Nếu đám bạn còn tuổi vị thành niên thì còn hiểu nhưng nay đa số là bà Nội ông ngoại hết nhưng lại sợ một cái gì vô hình, có người thì bảo là sợ thầy cô la. Thầy cô cũng sờ bướm rờ chim như ai thì có gì đâu phải lo ngại. Cái tập tục đã vô hình trung trở thành một cái chuồng vô hình mà ta tự giam hảm vào. Nhưng người Tây họ cũng có những thói quen do Tín ngưỡng của họ áp đặt. Mình nhớ có lần mới sang Tây thì một gia đình Tây không quen nhưng gửi thư mời mình đến nhà họ ăn Giáng sinh với gia đình họ. Ông Tây này một thời đi lính sang VN nên có hỏi hội cựu chiến binh Đông Dương muốn mời một gia đình tị nạn trong ngày thế giới mừng chúa ra đời. Mình thân với gia đình này đến khi họ về hưu và dọn về Biarritz. Có lần mấy đứa con gái của họ hỏi mình cho xem tranh vẽ thì mình đem các tranh vẽ ngoại cảnh và khoả thân đến thì bà mẹ la không cho thằng con trai 7 tuổi xem.
Người mình như con thú sống trong cái chuồng Nho Giáo cho nên khi ra hải ngoại hay lớn lên ở trong nước vẫn sinh sống, tư duy như con thú trong cái chuồng vô hình kia như bám víu vào một cái vô hình gì đó gọi là phong tục như Dustin Hoffman trong phim Papillon, bám víu vào căn nhà trên đảo, nuôi con heo trồng rau trong khi Steve Mcqueen lại muốn trốn thoát hòn đảo dù không còn bị cùm chân tay như xưa. Cái buồn cười là mình có hỏi nhiều người về phong tục hay lí do tại sao thì không ai biết cả. Đa số người lớn tuổi chỉ nghe ngày xưa ông bà nói vậy rồi chế lại hoặc hiểu sai. Mình nhớ có lần đọc một cuốn sách của một ông đại diện dòng Tôn thất. Ông ta khuyên ngày xưa dân An Nam mình ăn trầu theo câu tục ngữ "miếng trầu là đầu câu chuyện" và khuyên người mình sang Mỹ thì khi gặp nhau nên mời nhau cái kẹo cao su vì ngày nay không ai ăn trầu cả. Mình có đọc một tài liệu của Tây khi còn đô hộ VN, nói về phong tục ăn trầu vì có lẻ người VN khám phá ra trong chất vôi và lá trầu đã giúp họ không bị hư răng. Người ta nhuộm răng đen vì có chất bảo trì các răng để khỏi bị hư vì chất nhuộm như một chất men bao phủ lấy hàm răng không bị bacteria phá hủy. Tiếc mình không học về nha khoa nếu không sẽ nghiên cứu cái chất nhuộm răng này và làm cho trắng để bán.
Chúng ta dù muốn dù không cũng đã thay đỗi như cái cây được bứng từ VN đem ra hải ngoại để trồng và lớn dần trong phong thổ xứ người còn những người bạn ở VN thì cũng thay đổi dù vẫn ở trong nước nhưng 40 năm qua, họ như những cái cây được uốn nắn, phân bón bởi người làm vườn khác VNCH khi xưa nên cũng thay đổi rất nhiều cho nên khi mình về gặp lại người thân cũng thấy ngỡ ngàng khi nói chuyện với nhau, họ dùng những từ sau 75 trong khi mình thì dùng những từ trước 75, sẽ mai một trong tương lai.
Như ai đã từng nói " một người tự do là một người từ chối một bửa tiệc mà không cần phải kiếm cớ để từ chối". Ngày nay sống ở hải ngoại nhất là gần tuổi về hưu nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ tạo ra một cái chuồng giam hảm chúng ta như một tên Nô lệ? Có lẻ chúng ta vẫn sợ hải? Vì cái chuồng vô hình kia? Hay vì chúng ta có thói quen sinh hoạt trong cái chuồng ấy quá lâu chăng? Như con chim sợ đàn bỏ rơi? Tại sao ta không muốn làm con chim đại bàng hay con ó để bay cao để thấy các phương trời xa lạ thay vì bay thấp lè tè để chỉ nhìn cái đuôi phía sau của con chim đang bay trước mình?
Khi xưa mình học Diderot, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau,..nhưng có lẻ câu nói của Voltaire đã ám ảnh mình suốt cuộc đời là "Tôi không đồng ý với những gì Anh nói nhưng tôi sẳn sàng chết để bảo vệ cho Anh được cái quyền nói".
Sơn đen
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét