Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Xã luận đầu năm (về Thông điệp của Thủ tướng)

Kể ra chị Hoài nhận xét "đối tượng gửi gắm của cái gọi là “thông điệp đầu năm” đó cũng phi diện mạo như tác giả của nó" là không đúng. Đối tượng nhắm đến là ai chắc người đọc đều biết; sắp tới kỳ đại hội Đảng nữa rồi, bác Dũng đã hai khóa Thủ tướng, tới đây cũng sẽ quá tuổi được ở lại làm việc tiếp; do đó bác phải nghĩ cách nào để tiếp tục được Đảng ta hay Đảng nào đó phân công công tác chứ... Mặt khác tác giả của bài này đâu phải "nhóm ghostwriter".
Xã luận đầu năm
Những thông điệp đầu năm của các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ trên toàn thế giới đều có chung một điểm: chúng chẳng ăn nhằm gì đến thực tế chính sách trị quốc mà các nhà cầm quyền này hoạch định. Chúng đơn giản là một nghi thức của văn hóa chính trị. Song cái văn hóa ấy ở mỗi nơi một khác.

Ở Đức, thông điệp đầu năm của Thủ tướng là hình thức diễn văn trang trọng nhất ở bậc cao nhất, bậc thượng đỉnh quốc gia. Hiển nhiên diễn giả phải tuân thủ yêu cầu nội dung bắt buộc của thể loại này là nhìn lại năm cũ, hướng đến năm mới, trong không quá mười phút – khả năng người nghe ngủ gật, chuyển kênh khác, chạy ra bếp khui bia hay tắt tivi ở phút thứ mười một là rất cao.


Song những thứ đó thực ra khá vô nghĩa: chẳng ai muốn dành tai này cho những điều đã biết đến chán ngấy hoặc nghe chuyện cổ tích về 365 ngày vừa trôi qua và dành nốt tai kia cho một phác họa viễn tưởng về 365 ngày còn chưa đến. 

Diễn văn quốc gia đầu năm tự bản thân nó không có cả giá trị thông tin lẫn giá trị giải trí, trừ trường hợp diễn giả quá vụng về. Nhưng nó có thể có một giá trị văn hóa, nếu diễn giả biết sử dụng một ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng và phù hợp với phong cách của bản thân mình; biết pha trộn đúng tỉ lệ giữa nghị luận, hùng biện, suy tư, tâm tình và hài hước; biết để lại ấn tượng bằng ít nhất một khái niệm hay tốt hơn cả là một câu bập ngay vào tâm khảm người nghe; biết mở ra và khép lại với một sợi chỉ đỏ xuyên suốt; biết cấu trúc hợp lí, dẫn dắt khéo léo, thiết kế cao trào và kết thúc với dư âm… 

Đó là chưa kể diễn văn ấy phải được trình bày tự nhiên, trôi chảy, giầu cảm xúc, đúng nhịp điệu và chân thực. Đó là chưa kể đầu tóc, quần áo, ngôn ngữ cơ thể và chất giọng. Tóm lại, diễn văn đầu năm là một thách thức văn hóa chứ không phải thách thức chính trị cho các chính khách ở phương Tây. Đã vô nghĩa thì ít nhất hãy vô nghĩa cho có thẩm mĩ.
Phần lớn các diễn văn đầu năm của những Thủ tướng Đức mà tôi từng nghe đều có thể bị đánh trượt hay chỉ đạt điểm trung bình về tổng thể hay về một phương diện. Hiếm có một kiệt tác nào trong số đó đáng đưa vào bảo tàng văn hóa Đức đương đại. Điều ít thấy nhất ở đó là sự nồng nhiệt, diện mạo cá nhân và sự hài hước, những yếu tố lôi cuốn dễ gặp hơn ở cách chính khách Hoa Kỳ vốn thuần thục hơn với nghệ thuật chinh phục đám đông và cũng phụ thuộc vào đó hơn. Song dù hay dở thế nào, tất cả đều đạt điểm chuẩn ở một phương diện: đúng đối tượng – người dân. 
Những diễn văn phát vào đêm giao thừa từ tám năm nay và sắp thêm bốn năm nữa của bà Merkel không có gì sâu xa xuất sắc, dù có năm bà mở đầu bằng tác phẩm hài kinh điển Dinner for One và kết thúc bằng triết gia Hi Lạp Democritos. Năm nay cũng không thú vị hơn. Không chứa đựng những tín hiệu giữa hai hàng chữ để các chuyên gia phân tích phải dò mìn phỏng đoán nước Đức sẽ đi về đâu – ở một số nước Nam Âu, người ta thậm chí đang lo nước Đức lại lăm le nuốt chửng các láng giềng, lần này không bằng xe tăng mà bằng xe hơi Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen. 
Không một lời về chính sách đường lối, về quyết tâm tới lui, về vai trò sứ mệnh ầm ĩ của chính phủ. Trong vỏn vẹn 6 phút đồng hồ, bằng những lời trang trọng nhưng giản dị và khá thân tình – bà Thủ tướng thổ lộ dự định năm tới là sẽ dành nhiều thời gian đi hít thở không khí trong lành ngoài trời hơn -, trực tiếp nhắm đến địa chỉ là người dân, bà chủ yếu dành lời khen ngợi những thành tích và nỗ lực cụ thể của người dân – chứ không phải của chính phủ Đức – trong năm qua và kêu gọi họ tiếp tục đồng lòng dấn bước trong năm tới, rồi cuối cùng tất nhiên kết thúc bằng lời chúc sức khỏe, viên mãn và phước lành của Chúa – chứ không phải của Đảng Dân chủ Thiên chúa mà bà thống lĩnh – cho mọi gia đình.
Các thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dựa trên một văn hóa chính trị hoàn toàn khác. Mỗi năm là một bài đăng báo dài dằng dặc chứ không phải một diễn văn trước ống kính. Chúng ta hãy thưởng thức một đoạn trong thông điệp đầu năm nay (2014):
Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.
Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.”
hay một đoạn của thông điệp đầu năm ngoái (2013):
Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định.”
hoặc một đoạn của thông điệp đầu năm kia (2012):
Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhất, đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.”
và một đoạn của thông điệp đầu năm kìa (2011):
Tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ, trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phải xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất; gắn kết chặt chẽ giữa áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa sản xuất, chế biến với phân phối trong một chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Đó đơn giản là những bài xã luận với văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, nghị quyết và báo cáo, dùng tốt cho bất kì một thời điểm nào trong năm, dùng tốt cho bất kì năm nào, dùng tốt cho bất kì dịp nào: Ngôn ngữ chính trị là thứ duy nhất ở đất nước này có phẩm chất ổn định. Không có bóng dáng nào của người dân trong đó. Không ai có thể cam đoan là được thấy Thủ tướng đang nói với mình. 
Đối tượng gửi gắm của cái gọi là “thông điệp đầu năm” đó cũng phi diện mạo như tác giả của nó. Tôi không rõ người ta có thể dò thấy quả mìn nào chờ nổ trong những văn bản mà chỉ cần đọc một câu đã tiêu hết dự trữ hứng thú trong ngày ấy. Ông Thủ tướng, hay nói đúng hơn là những người soạn xã luận đứng tên ông, chỉ lặp lại, với mỗi năm một chút xê dịch, tất cả những gì mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã công bố trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 từ nhiều năm trước. Rất có thể nhóm ghostwriter của ông Thủ tướng cũng chính là nhóm soạn Dự thảo đó.
Chất lượng sống có thể bị nhìn lệch qua lăng kính của chỉ số tăng trưởng kinh tế, nhưng bao giờ cũng được phản ảnh trung thực qua những điều tưởng chừng rất nhỏ. Mỗi đầu năm một bài xã luận tra tấn của người đứng đầu chính phủ như nghi thức bất biến của văn hóa chính trị Việt Nam, theo tôi, không phải là chất lượng sống đáng ước ao.
Phạm Thị Hoài
© 2014 pro&contra

0 nhận xét:

Đăng nhận xét