Hiện giờ người dạy đạo tu hành theo Phật Giáo, phần đông là học giả chưa có tu hành ngày nào cả và cũng có một số người tu hành chưa tới nơi tới chốn cũng ra giảng đạo dạy người tu hành. Họ nương theo lời dạy trong kinh sách Đại Thừa, tự vỗ ngực xưng mình “Hành Bồ Tát đạo, tu Bồ Tát hạnh”, vừa tu vừa độ người. Do kinh sách Đại Thừa dạy như vậy, nên Tăng, Ni và ngay cả những người cư sĩ cũng ra giảng đạo dạy người tu hành, trong khi tâm mình như bãi sình lầy hôi thối nực mùi danh lợi, giới luật bẻ vụn tan nát. Trong lúc dạy người tu sợ người ta cười chê nên bảo: “Y kinh bất y nhân”. Ngược lại này; dạy đạo theo kiểu này là đưa người vào cõi chết.
Thưa các bạn! Nhìn lại Đạo Phật hiện giờ, người đứng ra thuyết giảng dạy người tu hành phần đông là những học giả tu hành chưa đến nơi đến chốn; họ cũng giống như một người mù dắt một đoàn người mù đi, vì thế biết bao nhiêu người bị rối loạn thần kinh, tẩu hỏa nhập ma, điên khùng. Nhìn thấy cảnh này chúng tôi không biết làm cách nào để cho mọi người hiểu rõ những giáo pháp của Đại Thừa và Thiền Tông tai hại như vậy, để mọi người tránh khỏi cạm bẫy của chúng.
Do lòng thương tưởng các bạn tu hành, nên chúng tôi nói quá thẳng và nói quá mạnh để mọi người đừng bị những vị giảng sư học giả lừa đảo, vì thế có người ngộ nhận, cho chúng tôi: hằn học, mạ lị, mạt sát. Chúng tôi vui lòng chấp nhận miễn là tiếng nói của chúng tôi là tiếng sét làm cho mọi người thức tỉnh cơn ác mộng Đại Thừa và Thiền Tông.
Tóm lại những người tu hành chưa chứng quả A La Hán thì đừng có giảng đạo; giảng đạo như vậy là giết Phật Giáo và làm khổ đau cho nhiều người khi họ bị trở thành những người bệnh rối loạn thần kinh. Người không bệnh do tu hành thành bệnh, biến họ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các bạn có biết không?
(Trưởng Lão Thích Thông Lạc)
Dạy con yêu thương không mù quángMẹ luôn dạy con biết yêu thương, chia sẻ với người khác. Nhưng biết nói với con thế nào về những người ăn mày lạm dụng lòng thương hại của con để mưu lợi?
Ảnh minh họa.
1. Đầu năm học, mẹ tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy xe qua trường Tiểu học, xem lớp con ăn và ngủ ở chỗ bán trú mới ra sao. Lúc đến cổng trường, mẹ hết hồn vì thấy cả lớp con, mấy chục đứa con gái con trai lóc nhóc cặp nơ với áo quần đồng phục đáng yêu, đang chạy rầm rầm theo đuôi hai người ăn mày trước cổng trường.
Mẹ dừng xe bên này đường theo dõi, thấy con và các bạn xúm quanh hai người ăn mày, giúi hết thứ này đến thứ khác cho họ. Các con đều có tiền lẻ một hai nghìn đồng, và hai người ăn mày lấy hết tiền của các con rồi đứng đó chờ lớp khác xuống sân. Mẹ thấy con gái cũng lôi ra cho tờ mười nghìn đồng mẹ dặn cất trong cặp, để đề phòng cần gọi điện gấp cho bố mẹ thì ra quán tạp hóa cổng trường dùng tiền đó gọi. Có bạn không thấy đưa gì, hai người ăn mày còn hất hàm và đòi lục cặp. Khi cô giáo gọi, các con lại nối đuôi nhau chạy rầm rập vào trong sân trường để ăn trưa.
Ngày hôm sau mẹ lại qua trường con, giờ ăn trưa, cổng trường không mở, nhưng hai người ăn mày đã kiên trì đứng đó rồi. Và các con ùa ra như một đàn chim, bấu vào song sắt cổng trường ríu rít, và lại có bao nhiêu tiền lẻ trong cặp lại cho hết người ăn mày. Mẹ lập tức bấm điện thoại gọi cho cô giáo. Một phút sau cô giáo xuất hiện xua các con vào ăn trưa. Mẹ lên xe đi, trong lòng băn khoăn nghĩ miên man.
Mẹ không thể ngăn gương mặt háo hức, sung sướng của con gái và các bạn khi cho tiền người ăn mày. Ngoài lớp con ra còn những lớp học khác. Nhưng làm sao giải thích với con rằng, người ăn mày ấy đang lấy cớ nghèo đói bần hàn và lạm dụng lòng thương hại của các con để mưu lợi? Và họ đang dùng lòng thiện tâm ngây thơ của các con như một con tin bị bắt cóc, để buộc các con trả tiền chuộc, dù chỉ là những đồng lẻ ít ỏi hàng ngày? Làm sao giải thích được họ đâu có đói khát, họ chỉ hòng lấy tiền mà thôi, cho dù các con dành cho họ cả suất cơm ngon, xúc xích bánh kẹo sô-cô-la các con coi là của báu, thì họ cũng vứt trả lại?
Có lẽ khi nào con lớn hơn, con chia tay trường Tiểu học, hoặc con vào Đại học, một ngày nào đó mẹ sẽ nói. Mẹ sẽ bảo rằng, có những khi con cũng cần phải học cách nói Không, để bảo vệ chính bản thân mình.
2. Trưa chủ nhật, hai mẹ con đang ngồi xem Disney Channel thì ngoài cửa có mấy người gọi với vào, họ bảo họ đang đi bán tăm cho Hội người mù, và xin gia đình từ thiện mua ủng hộ, nếu cho thêm tiền càng tốt. Mỗi hộp tăm được bán với giá đắt gấp mười lần giá ở siêu thị.
Mẹ lịch sự mời họ đi, và nói, gia đình tôi chưa có nhu cầu. Mẹ thấy rõ con gái mẹ rất ngạc nhiên và băn khoăn, tới mức trong một khoảnh khắc, con quên cả bộ phim hay đang xem và đăm chiêu suy nghĩ về việc mẹ từ chối Hội người mù.
Con còn quá nhỏ nên con không biết cách che giấu tâm trạng. Mẹ cũng đang quan sát con, vì mẹ sắp nói với con một sự thật.
Con gái hỏi: Tại sao mẹ cho người tàn tật bao nhiêu tiền mà lại không chịu mua tăm cho người mù, chỉ hết mười nghìn đồng.
Mẹ bảo, vì họ đang nhân danh yêu thương để lừa đảo chúng ta.
Ảnh minh họa.
Mẹ giải thích, người mù cũng là người, họ tuy khuyết tật nhưng họ chắc chắn có đầy đủ lòng tự trọng và sự khảng khái như bất kỳ người lành lặn nào. Họ tự trọng nên họ đã tự làm ra sản phẩm để sống bằng sức lao động của họ chứ không viện cớ mù để đi xin bố thí của người khác. Vì thế, họ cũng sẽ bán sản phẩm đúng bằng giá trị của nó.
Còn những người kia, họ đâu bán tăm, họ đang đi xin bố thí đấy chứ. Và để xin được bố thí, họ đã lấy cớ người tàn tật để kiếm chác, đồng thời xin thêm cả bố thí trên một hộp tăm bé xíu đó. Vậy con có nghĩ người mù sẽ nổi giận nếu thấy kẻ mắt sáng đi xin bố thí với danh nghĩa họ không?
Con gái gật gù, dù có thể con chưa thật hiểu lý lẽ tráo trở của đời sống, tại sao có người mắt sáng lại phải ăn bám theo danh nghĩa người mù như thế.
Mẹ nói, mẹ không bao giờ tiếc tiền để cho người khó khăn, nhưng mẹ cho theo cách của mẹ, chúng ta không phải là đã luôn trao tiền khi biết rõ nó được dùng thế nào, nó mang lại điều gì cho người khó khăn kia, đúng không? Hoặc chúng ta trao tiền cho một tổ chức mà ta tin rằng họ giúp đỡ công việc và cơ hội cho người nghèo, đúng không? Ta tỉnh táo khi yêu thương, chứ đâu phải cứ rút tiền ra cho là đã tốt, có khi lại trở thành mù quáng hoặc bị lợi dụng. Tiền từ thiện cũng phải tiêu đúng chỗ, đúng người.
Đồng tiền tiêu đi theo cách ra sao, nó không chỉ phản ánh túi tiền của ta nhiều hay ít, nó còn phản ánh nhận thức của ta với cuộc sống.
3. Cuối năm đi họp phụ huynh cho con gái, khi về, mẹ buồn lắm. Mặc dù con gái được cô giáo khen ngợi trước toàn trường bởi đã dành số tiền mừng tuổi đầu năm của con, một số tiền khá lớn, tặng nhà trường để thầy cô giúp mua vở cho các bạn học sinh nghèo của trường.
Mẹ buồn vì con gái đã giấu mẹ chuyện đó.
Có lẽ con nghĩ việc chia sẻ với người khác, việc yêu thương người khác là thứ tự nhiên như hơi thở. Mẹ vẫn luôn bàn bạc với con mỗi khi ta muốn giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn nào đó trên báo chí. Mẹ vẫn luôn giải thích cho con việc mẹ dùng tiền để hỗ trợ một em bé nào đó, tại sao em này bị bệnh ta chỉ gửi một lần tiền cho em, tại sao em kia bất hạnh ta lại gửi tiền định kỳ cho em. Tại sao người khác số phận bi thương quá nên ta không giúp tiền mà ta kêu gọi mọi người cùng chung tay vào giúp đỡ.
Nên con mặc nhiên nghĩ việc chia sẻ bản thân với người khác là nghĩa vụ của một con người, mà không nhận ra rằng, trong hành trình đó, con đã quên mất mẹ.
Con đã không chia sẻ với mẹ câu chuyện của con, dự định của con. Con đã không kể cho mẹ việc con làm. Điều này làm mẹ bỗng dưng lo âu và tủi thân, như thể con đã không tin tưởng mẹ.
Hoặc như thể con bắt đầu chầm chậm bỏ rơi mẹ khi con bắt đầu lớn lên, có chủ kiến riêng, có nhận định riêng và tự quyết định lấy thái độ của con với cuộc đời.
Mẹ suy nghĩ rất kỹ trước khi nói chuyện này với con gái. Bởi biết đâu con gái chỉ vô tâm cho rằng, đó là việc quá nhỏ, khi mẹ luôn cho con tự quản lý và quyết định chi tiêu tiền cá nhân từ rất sớm. Hay con gái chỉ nghĩ giản đơn rằng, nếu bàn với mẹ, hẳn mẹ cũng vẫn ủng hộ cơ mà. Và nếu mẹ nói không khéo, bỗng dưng con gái bé bỏng sẽ hối hận vì một việc tử tế con đã làm, thì sao?
Mẹ suy nghĩ kỹ bởi mẹ nghĩ, không rõ con phải học thêm một chút về bài học yêu thương, hay chính mẹ mới là người phải học thêm về yêu và thương?
TheoTrang Hạ
Lửa ấm
Nhà văn Trang Hạ: Phụ nữ sinh con cho ai? Lửa ấm
Phụ nữ sinh con cho gia đình chồng để có đích tôn nối dõi, hay cho chính khao khát mãnh liệt bên trong của chính bản thân mình?
Nhà văn Trang Hạ. Ảnh: Đẹp.
Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng được đôi ba năm, trong gia đình tôi bắt đầu nổi lên âm ỉ một cuộc chiến tranh lúc nóng lúc lạnh, quanh vấn đề tôi sẽ sinh đứa con thứ hai. Cuộc chiến kéo dài sáu bảy năm và kết thúc bằng một tờ đơn li hôn ký sẵn. Tôi đề vào đơn lý do chủ động li hôn: Tôi mắc bệnh lãnh cảm!
Bố chồng tôi mồ côi từ nhỏ. Ông thực sự là người con trai duy nhất còn sống của ông nội chồng. Chồng tôi cũng không có anh em trai, giờ đến thế hệ con cái chúng tôi. Ba đời độc đinh không thể nào đến chúng tôi lại chỉ đẻ một đứa con gái. Tôi không chỉ là dâu trưởng, tôi còn cần thiết phải là một người con dâu trưởng sinh bằng được một đứa con trai.
Có rất nhiều thứ trong cuộc sống gia đình mà khi kết hôn, chúng ta sẽ không bao giờ hình dung ra nổi. Ví dụ như, sau vài năm chung sống, tôi trở thành một con người khác. Tôi khao khát được học, được đọc sách, đọc từ sáng tới tối ở bất kỳ xó xỉnh nào của thư viện. Tôi vô cùng ao ước được sử dụng thời gian làm những gì mình thích, chứ không phải làm những gì người khác thích. Tôi không hề nghĩ rằng con trai khác gì con gái, vì với tôi, chúng đều là con người, là con của tôi, và tôi nghĩ mình chỉ đủ tình yêu để yêu một đứa con gái đầu lòng mà thôi! Tôi chỉ đủ sức kiếm tiền để nuôi một đứa con mà thôi.
Nên tôi lẩn tránh trước mọi lời bóng gió hay lộ liễu của mọi người chung quanh. Cuộc trốn tránh đó thật khó khăn.
Nhưng tôi thực sự khao khát được sống cuộc sống mà tôi muốn. Tôi nghĩ rằng đứa con gái là tất cả những gì tôi mong đợi từ cuộc đời này rồi. Vì thế, tôi thỏa thuận với chồng: Li hôn để anh lấy vợ khác mà đẻ con trai. Hoặc, anh cứ chọn phương án nào vừa lòng bố mẹ và vừa lòng anh. Còn em, em không đẻ nữa. Thậm chí, em đi khỏi nhà, anh cứ chung sống với ai đó anh thấy phù hợp, em sẽ gửi tiền để nuôi cả con em và con anh. Đó là lựa chọn rất văn minh và phù hợp với em.
Chồng tôi vẫn chọn tôi. Chồng tôi nghĩ sợ đẻ là triệu chứng của mọi bà mẹ “gái một con”, và tôi chỉ là một người đang bốc đồng. Chồng tôi cũng không phải là người trọng nam khinh nữ. Nhưng còn bố mẹ chồng sau thời gian dài nghi ngờ và trách móc bóng gió, đã đành phải thỏa hiệp một bước: Con cứ đẻ một đứa nữa đi, con gái hay con trai cũng được! Bố mẹ sẽ nuôi cả hai đứa trẻ con, để con có thể tự do bay nhảy, đi đâu cũng được, làm gì cũng được!
Nhà văn Trang Hạ và 3 con. Ảnh: Đẹp.
Chắc trên đời này không còn ai dễ như bố mẹ chồng tôi khi ấy nữa. Nên khi thấy suốt một năm trời không có “tiến triển” gì, một hôm mẹ chồng tôi gọi tôi ra, cay đắng nói:
- Con nghĩ xem, có người mẹ chồng nào như mẹ, phải bắt con dâu ngủ với con trai mà không được không? Ngủ với chồng là nghĩa vụ của người làm vợ, sinh con đẻ cái là trách nhiệm của người làm dâu! Còn nếu con không làm hai việc đó, thì con lấy chồng làm gì?
Nhưng giấy kết hôn không phải là pháp lệnh lên giường, cũng không phải là giấy phép sinh đẻ! Tôi nghĩ những thứ không nhìn thấy trong tim nó quan trọng hơn rất nhiều những thứ nhìn thấy bằng mắt ở bề ngoài. Mà, nếu nhìn bằng mắt, thì cả hai vợ chồng tôi đã cởi nhẫn cưới ra từ lâu lắm rồi!
Nên tôi chọn cách ra đi. Với lý do, tôi bị lãnh cảm, với chồng. Mọi điều trên đời này thay đổi đều là cả một quá trình rất dài, chỉ có điều, chúng ta chỉ nhận ra mỗi kết quả cuối cùng mà thôi, chứ ít ai nhìn thấy đó là cả một quá trình, một người phụ nữ lập gia đình đến lúc cô ấy ra đi khỏi cuộc hôn nhân ấy.
Tôi sẵn sàng làm một người phụ nữ độc lập. Dù tôi thấm thía cái giá phải trả, như mang tiếng ích kỷ, vô trách nhiệm, bất hiếu, gây thị phi mệt mỏi, nhìn quanh chỉ toàn người ghét, không mấy người hiểu. Nên tôi biết những người phụ nữ bị ép đẻ con trai bằng được, họ sống trong một cuộc sống như thế nào. Tôi chỉ may mắn hơn những người ấy một chút thôi, là tôi chấp nhận. Không phải tôi chấp nhận hoàn cảnh, mà là tôi chấp nhận bản thân mình, dù trong mắt xã hội thì tôi chỉ là một người khiếm khuyết đủ thứ, đến mức ngoài ông chồng tôi thì chẳng ai chấp nhận được tôi cả. (Ấy thế mà tôi lại còn bỏ ông ấy nữa chứ!)
Nhưng có một việc làm tôi cảm động suốt đời. Đó là bố chồng tôi đã về quê “đấu tranh” bằng cả lý lẽ lẫn tình cảm để đứa con gái đầu lòng của tôi được ghi tên vào gia phả dòng họ như một suất “đinh” (con trai) chính thức.
Bố chồng tôi nói, cháu nó chỉ đẻ có một con gái, thì chẳng lẽ dòng họ Nguyễn Trung đến đây là bỏ trống vĩnh viễn? Con gái có phải là người không? Nó vẫn là cháu nội của tôi! Phải ghi tên nó vào gia phả! Đây là nguyện vọng của cả gia đình chúng tôi! Nếu nó lớn lên nó thấy nó là con của gia đình, vẫn cúng giỗ ông bà, mà nó không được công nhận là con của dòng họ này, thì nó có tủi thân không?
Nhà văn Trang Hạ và con trai. Ảnh: Đẹp.
Sau vài năm, và rất nhiều lần về quê, rốt cuộc bố chồng tôi đã chiến thắng! Lần đầu tiên dòng họ Nguyễn Trung có tên một đứa con gái vào gia phả, hàng năm vẫn đóng tiền để chi phí những lễ tết ma chay hiếu hỉ của dòng họ, như một suất đinh đàng hoàng! Chưa từng có tiền lệ ấy, chưa có dòng họ nào cho phép làm như thế.
Lúc ấy, tôi đã chọn một cuộc sống riêng khác. Nhưng sau một biến cố lớn trong đời sống, khi chỉ sau một đêm cả thế giới quay lưng lại với Trang Hạ, mọi con đường sống bị cắt đứt, bị chặn mọi nguồn thu nhập, không xuất cảnh được, bị đồng nghiệp phản bội, người quen quay lưng, tôi nhận ra, hóa ra trên đời này chỉ có mỗi gia đình chồng tôi mới là người tử tế nhất đã không bỏ rơi tôi trong cơn hoạn nạn. Tôi quay về, lẳng lặng chui vào giường ông chồng, làm cái việc mà đã lâu mình không hề làm.
Chúng tôi vẫn không đeo lại nhẫn cưới. Vì tôi vẫn nghĩ rằng, những thứ trong tim quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ nằm ở bên ngoài.
Hai đứa con trai tôi lần lượt ra đời trong hạnh phúc và bình yên của tôi. Những ngày cuối đời, bố chồng tôi bế đứa con trai tôi vừa sinh, ông vừa khóc vừa cười. Tôi nghĩ bố chồng tôi đã chết trong hạnh phúc. Không phải ông hạnh phúc vì có đứa cháu đích tôn nối dõi, mà vì ông thấy gia đình được hàn gắn, có phép màu đã xảy ra, cuộc sống này thực sự xứng đáng để được sống, dù nó cay đắng hay gập ghềnh.
Tôi nhớ bố chồng tôi biết bao.
Theo Trang HạĐẹp
Khi bạn bị tuột một cúc áo ngực Người ta không nhớ lâu việc bạn bị hở ngực, hở đồ lót, nhưng sẽ nhớ và bật cười thú vị vì hình ảnh bạn rối rít và thảm hại, cuống quít chỉnh đốn bản thân.
Ảnh minh họa: Internet
Trong những trang phục của mình, tôi tốn nhiều nhất là tiền để mua đồ lót. Tất nhiên, về số lượng thì phụ nữ luôn phải tốn tiền gấp bội đàn ông để đảm bảo nội y của mình tạm đủ dùng. Song về giá tiền, thì nội y luôn là thứ đắt tiền hơn quần áo đang mặc ngoài nó. Đó là sự lựa chọn của tôi từ gần hai mươi năm nay, từ ngày tôi chưa có người yêu, cho tới ngày tôi làm mẹ của ba con.
Nhưng bài viết này tôi không định quảng cáo đồ lót hoặc khoe số đo cơ thể mình, tôi chỉ muốn nói về việc xử lý khủng hoảng.
Đôi khi, phụ nữ nghĩ rằng, khủng hoảng của phụ nữ là phát phì, cơ thể trở nên phì nộn, hoặc bị mất trinh (với người nàng không được hứa hẹn cầu hôn)... đại loại là những nguy cơ nhìn thấy được.
Còn bản thân tôi lại nghĩ, ngay cả khi phụ nữ thành đạt và xinh đẹp, mọi phụ nữ đều đối diện với nguy cơ của cuộc sống y như nhau. Mà đôi khi một phụ nữ hoàn hảo sẽ dễ bị sụp đổ hơn, nhanh chóng bị đánh gục hơn.
Ví dụ bạn tôi, cô ấy rất xinh và nhạy cảm, tới mức một ngày, khi đang nói chuyện với một chàng mới được mai mối trong quán café, cô ấy... gây tiếng ồn. Chàng kia rất lịch thiệp không tỏ vẻ nhận ra nhưng cô bạn tôi từ đó vừa hổ thẹn vừa ngại ngùng nên đã tự làm cho mình biến mất trong cuộc đời chàng kia, dù đáng lẽ, hạnh phúc từ đó có thể đi theo cô ấy...
Nếu cô bạn ấy kém hoàn hảo hơn, giá như cô ấy xuề xòa dễ tính, bộc tuệch hoặc tự nhiên chủ nghĩa hơn, kém chỉn chu nghiêm túc hơn, chắc cô sẽ biết nói một câu dí dỏm chữa thẹn, biết tự tha thứ cho bản thân, hoặc biết cách hài hước để đánh trống lảng.
Thế nhưng, cho đến tận bây giờ và chắc chắn cả sau này, mỗi khi nghĩ đến anh chàng được... nghe tiếng ồn cơ thể kia, cô vẫn ngượng chín mặt.
Tôi thì nghĩ, việc gì phải khốn khổ và tự ti như thế!
Phụ nữ thường tự đánh gục bản thân mình.
Chiếc khuy không có lỗi.
Một buổi chiều đang đi mua sắm tại trung tâm thành phố, tôi bỗng thấy mấy người nhìn mình kỳ lạ và chằm chằm. Sau giây định thần thì tôi phát hiện, mấy hôm nay mới chỉ tăng cân một chút thôi, cái áo sơ mi của tôi tự dưng tuột khuy ở ngay "điểm chết".
Bất cứ ai trong cuộc đời cũng sẽ gặp phải tình huống khó xử như thế. Mọi người như bạn, và bạn cũng như mọi người mà thôi. Vậy bạn hãy nghĩ như tôi cũng như hàng triệu người trên thế giới này bị bật khuy áo ngực giống ta, bị quên kéo khóa quần, tất bị dính vào chân váy, mũ bị sờn, tóc bị cắt hỏng, bị rơi xuống cống trên đường đi dự tiệc... Những sự cố nhỏ nhoi này chẳng thể biến ta thành quái vật được. Và ngược lại, hàng tỉ người cài khuy đàng hoàng, không bị rủi ro nhưng điều đó cũng chẳng làm cho họ trở thành một người hoàn hảo. Vậy tại sao ta không đường hoàng và từ tốn cài lại khuy áo, sửa chữa sai lầm một cách bình thản?
Bạn có biết rằng, người ta không nhớ lâu việc bạn bị hở ngực, hở đồ lót, nhưng sẽ nhớ và bật cười thú vị vì hình ảnh bạn rối rít và thảm hại, cuống quít chỉnh đốn bản thân. Một tin được đưa sai trên radio không được ghi nhớ bằng bản tin cải chính sau đó. Vậy, đừng sửa chữa chi tiết sai sót bằng một thái độ sai lầm.
Nhanh chóng lấy lại tự tin cho bản thân.
Ảnh minh họa: Internet
Nếu bạn bị bắt gặp đang quên... cài khóa quần, bạn hãy tin rằng bản thân bạn không phải là sứ thần ngoại giao đang trên đường đi trình quốc thư cho một vị thủ tướng nào đó, cho nên một lần quên kéo khóa quần chỉ chứng tỏ bạn hơi đãng trí, đầu óc hơi lão hóa như vài trăm triệu người khác trên đời, chứ không ảnh hưởng tới phẩm cách hoặc giá trị con người bạn, càng không thể hủy hoại tiền đồ của bạn.
Tôi nhớ ngày còn là thiếu nữ, trong một buổi hẹn hò, tôi đã phát âm sai tên tiếng Anh của lon nước ngọt trước mặt người phục vụ và anh bạn trai mới quen. Hai mươi năm đã trôi qua, tôi tha thiết muốn gặp lại người con trai ngày ấy biết bao, để nói với cậu ta rằng: "Anh ạ, em đã tránh mặt anh 20 năm nay chỉ vì một từ phát âm sai, em thấy thế là đủ rồi. Em vẫn dốt tiếng Anh như ngày xưa, nhưng giờ đây em đã biết, điều gì thực sự quan trọng với em, và điều gì chỉ là những vụn vặt không đáng bận tâm trong cuộc sống".
Đúng thế, vì bạn là phụ nữ, bạn không thể bị đánh gục bởi những thứ không xứng đáng với bạn.
Nhưng tự bạn đánh gục bản thân bạn: Bằng sự day dứt, sự hối hận, sự xấu hổ, sự sợ hãi, sự lo sợ. Phụ nữ thường rộng lượng với đàn ông trong khi lại khe khắt với bản thân và phụ nữ khác. Trong khi đàn ông thì ngược lại, họ có thể tự tha thứ cho bản thân nhưng đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn ở phụ nữ. Ví dụ như đàn ông họ chẳng sợ mất trinh, họ chỉ sợ bạn gái mất trinh thôi.
Tôi đã nhiều lần được bạn bè, những cô gái trẻ, những bạn quen qua mạng... thổ lộ điều tương tự. Họ đã mất nhiều hơn thế, bị lợi dụng hoặc bị lạm dụng tình dục, bị bạn trai bỏ rơi, từ hôn, bị chồng ngoại tình và bỏ. Thậm chí có một lần một chàng trai cầu cứu tôi tư vấn khi bạn gái của chàng bị người lạ cưỡng hiếp.
Nếu bạn đã sống tốt, tích cực, thì bạn xứng đáng có một tương lai tốt đẹp...
Những cơn khủng hoảng này sâu sắc hơn tất thảy những tai nạn nhỏ nhoi tôi vừa kể. Bởi nó lấy đi những giá trị quan trọng, thậm chí chúng ta cho là quan trọng nhất đời: Trinh tiết, tự trọng, tình yêu, gia đình, hạnh phúc, thể diện, sự thiêng liêng của cảm xúc... Tôi tin rằng chúng ta không thể dùng phép thắng lợi tinh thần, hay bất kỳ lời biện hộ nào để lừa dối bản thân vượt qua những khủng hoảng lớn như thế.
Nhưng chúng ta có quyền đứng lùi xa, nhìn vào tổng thể của cả một cuộc đời, một số phận, một con người để tìm cách hóa giải khủng hoảng. Bạn hãy tự hỏi xem, bạn thực sự cần gì, điều gì mới thực sự có giá trị với bạn?
Chàng trai có người yêu bị cưỡng hiếp nói với tôi rằng, anh sẽ mang dao đi giết chết kẻ khốn nạn kia.
Tôi nói, vậy thì kẻ tung ảnh khỏa thân không cầm dao giết bạn, mà chính cô gái nhẹ dạ đã tự giết mình đó thôi. Và kẻ hiếp dâm kia đáng lẽ chỉ cướp được thân thể cô gái một giờ, thì từ đây hắn đã cướp được tương lai của hai bạn cả đời. Thậm chí còn tống được chàng trai vào tù vì tội sát nhân.
Bởi nếu bạn đã sống tốt, tích cực, thì bạn xứng đáng có một tương lai tốt đẹp... Bị hãm hiếp, bị bỏ rơi, bị lừa dối, bị phá sản... thực tế nó giống như một tai nạn.
Bạn không muốn nó nhưng một ngày bất ngờ nó xảy ra, không thể thay đổi. Tai nạn ấy sẽ cướp mất của bạn một cánh tay, một tình yêu, một gia sản, một gia đình... Bạn buộc phải chấp nhận và chung sống với khuyết tật đó cả đời. Nhưng bạn muốn chặn đứng tai họa lại, hay bạn muốn tiếp tục tự vo vào bản thân vô số tai họa nữa, bằng cách tự tử, bằng cách giết kẻ đã hãm hiếp (mà không tố cáo hắn), bằng cách phạm pháp, bằng cách lo sợ cả đời, tự khép mọi cánh cửa của cuộc đời mình?
Tôi nhớ những bài báo viết về nữ hoàng talk – show Mỹ Oprah Winfrey đã vượt qua việc bị hãm hiếp lúc còn tuổi thiếu nhi và mang thai khi mới 14 tuổi, để sống và thành đạt như hôm nay. Chắc còn nhiều người nhớ đệ nhất phu nhân Evita Peroni của Argentina cũng từng mang một quá khứ đầy gánh nặng. Chúng ta không vượt qua khủng hoảng để đạt được giàu sang, nổi danh hay bất cứ sự lộng lẫy nào.
Cũng không có một kịch bản nào soạn sẵn, một giải pháp nào chung cho mọi số phận. Nhưng nếu không hóa giải được khủng hoảng, bạn sẽ không có cơ hội nào khác để thoát khỏi nó.
Hãy thử nghĩ rằng, tình yêu quan trọng hơn hay màng trinh quan trọng hơn? Nếu người yêu bạn nói màng trinh quan trọng hơn, bạn hãy tránh xa anh ta cùng những tay đàn ông chỉ yêu màng trinh của bạn chứ không hề yêu con người bạn với những giá trị sống của bạn.
Nếu sự hận thù hoặc cơn sụp đổ làm bạn hoa mắt, hãy nghĩ rằng bạn luôn có cơ hội sống khác, bạn luôn có những lựa chọn tử tế hơn. Đừng làm nô lệ cho những sai lầm trong quá khứ.
Tôi rất muốn nói với người phụ nữ trong đau khổ vì bị chồng phản bội rồi li dị chị, rằng thực ra chị không mất gì cả, không mất tình yêu hay mất gia đình, không mất người đàn ông của chị. Chị chỉ mất đi thứ mà chị chưa từng có mà thôi, đó đâu phải lỗi của chị, một người đã yêu và đã hết mình, chân thành?
Đôi khi, tôi cũng rơi vào những cơn khủng hoảng, khi cuộc sống chẳng được như mình mong muốn, những thất bại liên tiếp, những sức ép quá lớn, hoặc gặp những chỉ trích quá nặng nề. Tôi thường thở sâu, ngồi yên suy nghĩ, và tự hỏi, mình có đáng sai lầm không?
Cách giải quyết sắp tới liệu có phải là sai lầm không?
Nếu mình là người khác, mình sẽ làm gì?
Và quan trọng hơn, tôi luôn tự nhủ: Nếu không từng sai sót, không từng mất mát hay lầm lẫn như thế, hẳn tôi đã không ở vị trí của tôi ngày hôm nay.
Vậy, có điều gì xứng đáng để đánh gục và hủy hoại ta hôm nay nữa?
Theo Trang HạTạp chí Guu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét