Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Bài viết hay(750)

Em Việt Nam bí ẩn
image
Khi cuộc hành trình đi về miền nhiệt đới nóng ẩm của tôi đổi hướng từ Thái qua Việt Nam thì khí hậu cũng theo ngày tháng mà nóng dần lên. Tiếng gọi giục giã của Sài Gòn không còn là những rạo rực, háo hức nóng bỏng thương nhớ của những năm đầu người trở về,  không còn câu chào mời hết sức niềm nở cho các Việt Kiều từ ngàn dặm xa của người ở lại. Trong mắt tôi, bây giờ VK được đối xử nhã nhặn, vui vẻ, chừng mực, một cách rất bình đẳng như tất cả các khách du khác.
image
Tôi đón xe Taxi từ phi trường về khách sạn nơi tôi đặt trước ở trung tâm Sài Gòn. Phố xá giờ khang trang, xe cộ ồn ã kín đặc, người người ai cũng vội vàng tất bật chạy theo dòng luân lưu như một cộ đèn kéo quân. Tôi bỗng giật mình, dường như mình lầm vì không còn nhận ra bóng dáng thân yêu của các cô gái Việt Nam ngày cũ nữa.
image
Cái ký ức những cô nữ sinh áo dài trắng đạp xe, vạt sau cài yên, giỏ trước chất đầy tập vở đã đi vào giấc mơ của hoa bướm ngày xưa. Những lời thơ có cánh, xôn xao lòng như “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” cũng bay vào ngăn kéo lãng mạn của viện bảo tàng văn học nào đó trước thập niên 75. Phái nữ giờ thay đổi từng ngày, từng tháng, từng năm, nhanh đến nỗi bất ngờ. Em hiện đại, “phơi phới” giữa đường, chân ga, tay găng, mắt kiếng râm, mặt khẩu trang, mũ vải rộng vành nằm (trên) dưới mũ bảo hiểm, áo nắng siêu đắt, tất cả kín mít từ đầu đến chân…..như phụ nữ Hồi.
image
Em Huế, Sài Gòn Hà nội ngày nay ra đường được “ngụy trang đến tận răng”. Anh nào mà ngớ ngẩn, lạng quạng “theo ngọ về”, đến nhà lột hết mũ áo ra mới hay mình lầm, lỡ “theo cọp về” chỉ có nước tẽn tò.
Đất mẹ nứt nẻ, toàn cầu bị hâm nóng, tia tử ngoại gia tăng, nhà cửa, cao ốc thành phố thi nhau mọc lên như nấm, bụi bặm, khí độc ô nhiễm khắp nơi, ai mà không sợ? Các em giờ chống nắng triệt để, vì sợ đen, sợ ung thư da.  Không những phụ nữ mà tất cả già trẻ lớn bé ai phải “xông pha” ngoài đường cũng phải dùng khẩu trang. Chỉ cách đây vài năm, các cô chỉ đeo khẩu trang sơ sơ và găng tay.  Giờ tân thời hơn, “phát minh mới” cái áo che nắng đặc chế ra đời, phủ trùm từ đầu đến chân (cho các cô mặc đầm) khiến các cô trông như các phi hành gia hay nhân viên phòng thí nghiệm.
image
Tuy nhiên, sự cẩn thận nào cũng có cái lý của nó. Không thể chối cãi được, bạn sẽ nhận ra rằng em VN tóc dài, tay lụa, đã thay da, đổi thịt, đẹp, trắng, xinh hơn khi về đến nhà, khi cởi “vỏ bọc”. Nhất là các cô làm những nghề cần đến nhan sắc đã biết dùng kem lột da để tự tạo làn da trắng nõn, khiến các bậc tu mi điên đảo khoé nhìn.
Tự ngàn xưa, theo quan niệm thẩm mỹ của người VN, khi nhắc đến một phụ nữ đẹp, các cụ nhà ta thường có câu “trắng da, dài tóc”. Ngày nay, phụ nữ VN trắng da, dài tóc nhờ được che chắn kỹ càng.  Những phụ nữ Hồi cũng vậy, họ rất đẹp và trắng dù ở những nơi mịt mù gió cát sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhờ trùm kín mít chỉ hở có đôi mắt.

image
Mới đây, bản tin Swiss Canton, một tỉnh bang của Thụy Điển vừa bầu xong đạo luật “cấm mặc quần áo che hết khuôn mặt”, làm tôi chú ý. Lại một nơi nữa, ngoài Pháp và Bỉ, đã ra đạo luật ngăn cấm những  chiếc áo có mạng che mặt như  Burqas hay Niqabs không được mặc để đi lại. Việt Nam ta có câu “Nhập gia tùy tục”. Những phụ nữ Hồi Giáo vẫn không chịu tuân thủ luật cấm, đã bị chặn ở Pháp và bị phạt khoảng 200 đô khi trang phục kín mít chỉ để hở đôi mắt. Hầu hết trong các trường hợp họ đều cởi mạng che mặt không kháng cự nếu cảnh sát yêu cầu, nhưng tháng 7 vừa qua đã có một cuộc nổi loạn gần Versailles khi cảnh sát bắt một phụ nữ Hồi Giáo tháo khăn che mặt.

image
Cái đẹp huyền bí của những tấm che mặt Burqas hay Niqabs như một khiêu khích vô chừng trí tưởng tượng và tò mò của con người và nó cũng mở ra những huyền thoại. Người phụ nữ Hồi phải che mặt vì bị bắt buộc theo luật định của tôn giáo, của gia đình, của quan niệm gia trưởng độc đoán, của sự an toàn bản thân và cũng để nhận diện tộc  phái chính mình. Nếu sai phạm, một người phụ nữ có thể bị đánh đập tàn nhẫn, hiếp dâm và giết chết. Họ được dạy dỗ về sự thiêng liêng của việc gìn giữ thân xác, khuôn mặt chỉ cho riêng một người. Đó chính là người phối ngẫu, mới xứng đáng được hưởng tất cả những cái đẹp thể xác và linh hồn của người phụ nữ do thượng đế đã tặng dữ. Chỉ có người chồng mới yêu mến, có ý định gắn bó trăm năm, không lợi dụng họ, xem họ như một món đồ chơi hay hình tượng gợi dục cho phái nam giữa công chúng như thế giới ngày nay thường làm trên mạng, truyền hình và sách báo.

image
Người phụ nữ Hồi hài lòng và chấp nhận cái hay, đẹp, cần được chăm sóc và đem giấu kỹ trái hẳn với quan niệm “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”.
Nếu bạn có ghé qua khu vực chợ Bến Thành, Sài Gòn ngay góc đường Nguyễn An Ninh, bạn sẽ thấy chung quanh khu này có rất nhiều tiệm quần áo trưng bày và bán những sản phẩm thủ công thêu tay hay thêu máy rất đẹp và tinh xảo. Những tấm khăn Burqas, Niqabs, các trang phục phụ nữ Hồi thêu hoa màu sắc rực rỡ hay trang nhã được treo và trưng bày khắp nơi dọc theo khu phố này ban ngày cũng như trong khu chợ đêm Bến Thành. Người ngoại quốc ra vào nườm nượp, nhất là những khách buôn người Malaysia.

image
Du khách từ Mã Lai đến để mua những mặt hàng thêu này về bán lại vì nó đẹp, nét thêu tỉ mỉ, mỹ thuật, lại rẻ. Người bán cũng trang phục phụ nữ Hồi và nói tiếng Anh và Mã Lai. Nhìn những bộ quần áo trông giông giống bộ áo dài thêu VN này được các phụ nữ Mã nâng niu đi tới đi lui trả giá bạn sẽ thấy hoa lòng rộ vui vì nền công nghiệp may mặc VN phát triển song song với kỹ nghệ du lịch.

image
Như chúng ta đã thấy sự khác nhau trong ý nguyện che mặt và thân thể của phụ nữ Vn và phụ nữ Hồi, một bên là tự nguyện vì làm đẹp, một bên là vì lý do tôn giáo và truyền thống. Nhưng kết quả cuối cùng vẫn mang lại cho chúng ta những người đẹp trắng da dài tóc được gói ghém cẩn trọng trong lụa là gấm vóc. Địa cầu thay đổi, con người thay đổi, thế hệ thay đổi, dĩ vãng đen trắng qua đi như những cơn mơ. Hình ảnh những nàng nữ sinh áo trắng tan trường đạp xe đạp đi hàng đàn với nón lá che ngiêng, giờ tan học từng làm xốn xang lòng người, giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Thương ơi !!! Thương quá ngày xưa.
Trịnh Thanh Thủy - http://baomai.blogspot.com/2013/12/em-viet-nam-bi-an.html
Dốc cạn lòng mà thương nhau
Câu tục ngữ “gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau” rất đúng với trường hợp hai vợ chồng ông Phan Văn Bảy và bà Vương Thị Đầm ở ấp Đông Thắng, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ông đã 79 tuổi nhưng vẫn mưu sinh bằng nghề chèo đò lo cho người vợ đau yếu 77 tuổi.
Trong căn nhà tranh dột nát, bà Vương Thị Đầm gầy gò đến quắt queo nằm trên giường, ánh nhìn xa xăm lạc thần. Ông Phan Văn Bảy đỡ vợ ngồi dậy, rồi bưng thau nước đến lau mặt cho bà.
Bóng chiều nương tựa vào nhau
Ông chăm sóc vợ với thái độ ân cần, nhẹ nhàng. Rồi ông bộc bạch sau mấy năm ròng bị bệnh, sức khỏe bà xuống dốc quá dữ, cộng thêm tuổi tác lớn khiến trí nhớ của bà cũng theo đó sụt giảm, thành thử những chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân bà không thể tự mình làm được. Vì vậy ông phải thường trực bên cạnh chăm sóc vợ...
Ông vội đi, thoáng chốc quay về với bịch bún riêu và hai con cá lóc con trên tay. Bịch bún riêu ông chia ra làm hai phần cho mình và vợ. Còn phần cá, con thì ông kho quẹt, con ông nấu canh với mớ rau tập tàng hái ven sông.
Ông nói răng vợ rệu rã hết cả rồi nên bữa cơm lúc nào cũng phải có canh cho dễ nuốt. Cơm chín, ông dọn mâm lên giường sát chỗ vợ. Trong khi ăn, ông luôn tay chan nước canh, gắp cá bỏ vào chén cho bà.
Khi cơm nước đã xong, ông đang lui cui rửa chén thì có người đến gọi ông chèo đò chở hàng hóa giao cho các tiệm tạp hóa bên kia sông. Dặn dò vợ dăm ba câu, ông vội vã xuống bến.
Hàng hóa hôm đó là những thùng bánh, kiện nước ngọt... được chất lưng lửng trên chiếc ghe tam bản. Dưới cái nắng trưa gay gắt, bóng đôi tay ông in đậm trên mặt sông vội vã cố đẩy hai mái chèo để xong việc về nhà sớm.
Ông kể mỗi lần chở thuê bỏ bà ở nhà một mình là hàng loạt rủi ro xuất hiện trong đầu ông: sợ bà mắc tiểu tiện nhưng đôi chân lại yếu ớt, đi đứng không ai dìu lỡ té thì sao; sợ bà thấy ông đi lâu rồi lo lắng lên huyết áp... Ông cứ phập phồng lo lắng như thế cho đến khi xong việc.
Về đến nhà, y như ông dự đoán, bà ngồi trên giường hướng cái nhìn khoắc khoải, chờ đợi về phía cửa. Thấy dáng ông, ánh mắt bà toát lên sự mừng rỡ, giọng bà thều thào những âm thanh yếu ớt không nghe rõ, chỉ duy mình ông hiểu. Ông trả lời với bà: “Hôm nay chở hàng nhiều nên tôi đi hơi lâu”...
Hơn nửa thế kỷ dốc cạn lòng
Duyên nợ khiến ông Bảy gặp và kết nghĩa vợ chồng cùng bà Đầm từ những lần ở quê ra thăm người chị tại Cần Thơ. Lúc đó bà Đầm đang phụ giúp việc nhà. Ông để ý bà bởi cái tính hiền lành chịu thương chịu khó. Còn bà thương ông ở chỗ tháo vát, siêng năng.
Cái nghèo cứ đẩy đưa đôi vợ chồng trẻ rày đây mai đó với đủ thứ nghề như làm ruộng, giăng câu, làm thuê..., để rồi cuối cùng họ dừng chân cất một căn nhà nhỏ ở tạm ven bờ sớm hôm chèo đò đưa đón khách sang sông. Hạnh phúc của họ vẫn bền chặt theo tháng ngày khi sáu đứa con nối tiếp nhau lần lượt chào đời.
Trên 35 năm chung một nhịp chèo gắn bó với con sông, vợ chồng nuôi đàn con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho con... Vì mưu sinh, các con họ lần lượt tha hương, trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại hai vợ chồng nương tựa vào nhau ở cái tuổi đã bước sang hàng thất thập.
Và lúc này khi tay không còn khỏe, cũng là lúc cây cầu được bắc qua sông, không còn ai gọi đò nữa. Vậy là đôi vợ chồng già lại cùng chung tay chuyển sang bán xôi, bánh bò. Phần ông ở nhà làm, còn bà đội ra chợ bán...
Căn bệnh viêm phổi kéo đến quật bà ngã xuống giường, vét sạch tiền được 2 triệu đồng ông lo cho vợ. Bệnh vợ vẫn còn nhưng tiền đã cạn, đang lo âu không biết làm gì để sống, thời may các tiệm tạp hóa thuê ông chở hàng từ bên này qua bên kia sông. Những chuyến ghe chở hàng với khoảng cách 400m được trả công 60.000 đồng/ngày. Tuy nhiên công việc bấp bênh ngày có ngày không, có khi hai, ba ngày mới có.
Với thu nhập ít ỏi như vậy nên ông rất dè sẻn. Mỗi sáng ông mua 5.000 đồng bánh tằm hoặc bịch cháo dinh dưỡng về cho vợ ăn. Phần ông thì nhịn ăn sáng. Chỉ hôm nào được thuê chở hàng hai ngày liên tiếp, ông mới dám mua một tô bún riêu giá 10.000 đồng để hai vợ chồng cùng ăn. Còn mỗi buổi đi chợ ông chỉ mua cá vụn hoặc chút thịt đem về bằm cộng mớ rau hái ven sông nấu nồi canh để vợ chồng dùng nguyên cả ngày.
Không được điều trị đến nơi đến chốn khiến căn bệnh viêm phổi của bà Đầm nặng dần, rồi sức khỏe bà ngày càng suy yếu, việc đi đứng khó khăn phải có người dìu. Trí nhớ bà cũng sa sút nên ông sớm hôm cận kề để lo cho bà từng li từng tí từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.
Tuy nhiên cũng có khi bà tỉnh táo, những lúc ấy bà cứ nắm tay ông mà khóc, khi thấy ông chở hàng đi lâu chưa về là bà phập phồng lo bởi ông đã già yếu, sông nước mình ên, ngộ nhỡ có điều gì xảy ra thì sao. Phần ông sức khỏe cũng rệu rã, cộng thêm căn bệnh viêm khớp hành hạ, nhưng ông chỉ dám mua vài viên thuốc giảm đau uống... Rồi vì thương vợ, ông ráng gánh thêm việc nuôi heo mướn cho người ta để lấy tiền công đưa bà đi bệnh viện...
Hơn nửa thế kỷ, bằng tình yêu họ dìu nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Ở buổi tàn niên, tình già càng đằm sâu sự yêu thương, keo sơn gắn bó như theo lời ông: “Mấy chục năm gian khổ, hoạn nạn có nhau. Giờ ở cái tuổi không còn bao lâu nữa, càng phải dốc cạn lòng mà thương nhau...”.
Minh Tâm(http://yume.vn/news/doi-song/tu-nha-ra-ngo/doc-can-long-ma-thuong-nhau.35AA4ECC.html)
Nấu bánh chưng ở Mỹ
image
Tối Thứ Sáu trước khi đi ngủ, xem thời tiết đoán sáng Thứ Bẩy 07-Dec-2013 ở Simi có mưa tuyết làm tôi trước khi đi ngủ hí hửng như sắp sửa được dự đêm tân hôn. Bắc Mỹ mùa Đông là mùa mưa nên ở các thành phố về phía Bắc thì 100% sẽ có mưa tuyết, không năm nào thoát. Ở vùng Los Angeles thì năm có năm không. Lần này họ tiên đoán cơn bão khá lạnh từ miền Bắc xuống có thể mang tuyết đến Simi Valley. Tôi ở Simi 24 năm, chỉ thấy tuyết rơi trước nhà có một lần nên nếu được xem lần thứ hai thì có phải ăn cơm thiu một tháng tôi cũng muốn xem tuyết rơi ngay sân sau nhà.

image
Vài tuần trước ăn một miếng bánh chưng mua, cậu con trai hỏi tôi chừng nào nấu bánh chưng nên tôi đã chuẩn bị tất  cả mọi vật liệu để ngày mai gói nấu. Sáng sớm dậy gói bánh chưng mà ngoài trời lại có mưa tuyết thì tưởng không còn gì bằng. Con trai của tôi chỉ thích thức ăn Mỹ, phở nó cũng không mê, thế mà nó lại thích ăn bánh chưng. Tôi thì thú thật có một thời không thích bánh chưng, thế nhưng khi tôi bắt đầu nấu ở nhà thì lại thấy ngon, đặc biệt là khi vừa mới nấu xong bánh chưng nóng hổi thì bảo đảm không thua gì bánh bao của bà Năm Sa Đéc. Thế cho nên tôi quyết định mua vật liệu về nhà nấu, không cần đợi Thanh Tuyền hát bài "Trên đường đi lễ xuân đầu năm" để mới biết Tết sắp đến, báo hiệu thời điểm nấu bánh chưng.

image
4 giờ rưỡi sáng thức dậy tôi thấy trời đã mưa bên ngoài nhưng khi xem thời tiết, họ tiên đoán không còn mưa tuyết ở Simi Valley vì nhiệt độ chỉ xuống một độ C. Buồn năm phút, nhưng chuyện đại sự gói bánh chưng vẫn phải tiếp diễn.

image
Tối hôm qua tôi đã chuẩn bị sẵn: ngâm nếp, luộc đậu (mục đích để cho nếp và đậu mềm đi, thời gian nấu nhanh hơn) , trộn thịt, hành hương và muối tiêu để qua đêm.

image
Sáng nay thì chỉ cần lau và cắt lá chuối, cắt dây buộc để sẵn lên bàn là chỉ còn có việc gói.

image
Bát nước bên tay phải để rửa tay. Sau mỗi lần bỏ hết thịt, đậu, và nếp vào khuôn rồi dùng tay đè nếp xuống thì tay mình dính đầy nếp. Do đó nhúng tay vào bát nước để nếp không dính tay, mình có thể buộc bánh. Góc trên bên tay phải của tấm hình là máy hút bụi để thỉnh thoảng hút chiến trận cho sạch.

image
Tôi đóng khuôn, dùng khuôn gói bánh chưng nên gói bánh rất dễ. Cô bạn Ngọc Lan bên Pháp của chúng tôi gói bánh chưng bằng lá dong, không dùng khuôn mà bánh chưng thật vuông vức. Đó là những người gói bánh chưng với Đệ Thất Đẳng Huyền Đai đáng kính phục, so với bánh chưng của tôi nếu có vuông vức thì chỉ vì nhờ có khuôn.

image
Tôi dùng bát ăn cơm là đơn vị đo lường. Một bát nếp, một bát đậu, thịt, rồi lại một bát đậu và một bát nếp.

image
Sau hai giờ rưỡi đồng hồ, tôi gói được 18 bánh chưng.
Nếu ai có thắc mắc tôi gói 18 cái bánh chưng ở Mỹ tốn bao nhiêu tiền thì đây là giá cả (tính chẵn giá):
-Nếp: Một bao 25 lbs (11.33 kg) bán $23 dollars, số lượng tôi dùng cho 18 bánh khoảng $15 dollars.
-Thịt heo: $20 dollars.
-Lá chuối: 3 bao, $1 dollar một bao.
-Hành hương: $2 dollars.
-Đậu xanh, 8 bịch, 1 dollar một bịch.
-Gas propane: $11 dollars.
-Dây gói: 1 dollar. 
Tiền tốn tổng cộng là $60 dollars. Dĩ nhiên số tiền này chưa tính tiền xăng lái xe đi chợ mua vật liệu (10 dollars), và tiền một đêm không ngủ với vợ vì tôi phải dậy từ ban đêm để chuẩn bị gói bánh (theo tôi trị giá $500 dollars, nhưng theo vợ tôi thì chỉ trị giá 5 dollars).

image
Nấu bánh chưng bằng hơi gas propane.

image
Ở Mỹ garage để xe hơi đậu, chỉ còn dư chỗ rất ít để đồ đạc.
Nhiều người thay vì đậu xe thì họ dùng garage để  đồ đạc lỉnh kỉnh. Tôi đậu cả ba chiếc xe vào trong  garage nên phải chứa đồ đạc ít dùng ở phần dưới mái nhà trên lầu, tiếng Anh gọi là attic.

image
Để nồi nấu bánh chưng cùng đồ đạc cắt cỏ thường dùng ở một nhà kho phụ trội nhỏ bên hông nhà, tiếng Anh gọi là shed.

image
Cái nồi của tôi chứa được 34 bánh chưng (gạch đè cho bánh khỏi nổi lên).
Lần này tôi chỉ gói có một nửa, 18 cái. Châm nước thì đã có vòi nước tưới cây, cuộn tròn sau cái nồi trong hình.

image
Bình hơi propane nấu hơn bẩy tiếng thì hết bình. Lần này tôi muốn thử xem thời gian nấu ít nhất là bao nhiêu nên tôi thử nấu ba giờ hơn rồi tắt lửa, lấy một cái ra nếm thử xem có còn sống hay không.

image
Nếm xong thì tôi thấy đã chín, nhưng vẫn còn thua món bún bò Huế vợ tôi nấu (Mấy ông chồng nên để ý:  Mỗi lần có dịp là mình phải khen vợ khen lấy khen để như thế này thì bảo đảm muốn gì vợ cũng cho. Phần này là trích từ trang 287 của quyển sách tôi đã xuất bản: "Nghệ Thuật Chinh Phục Vợ Cho Phép Mình Về Việt Nam Thăm Đào Nhí").

image
Tôi vớt hết bánh ra phơi cho ráo nước.
Sáng hôm nay khi viết bài này, tôi bắc nồi chiên một cái bánhchưng. Ăn miếng bánh chưng mà tôi có lời khuyên cho các đấng nam nhi chưa lấy vợ là mỗi lần gặp nàng, cứ khoe là mình biết nấu bánh chưng.

image
Tuy là dễ òm nhưng  ai cũng có khái niệm sai lầm là nấu bánh chưng khó lắm, khó như đậu Thủ khoa ở Đại học Harvard, khó như được lên làm Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố, khó như được chọn làm phi hành gia bay vào không gian. Nếu biết được anh nấu bánh chưng, bảo đảm nàng sẽ trố mắt, thất thần, kinh ngạc, sững sờ, khâm phục, ấp úng, hỏi anh:-Trời ơi, nấu bánh chưng khó lắm. Anh biết nấu bánh chưng thiệt sao anh? Trước khi trả lời, mắt anh phải nhìn vào một phương trời xa lạ, vai nhún lên một cái như tỏ ra việc mình biết nấu bánh chưng không quan trọng, rồi trả lời cho nàng như thế này:-Ừ, nấu bánh chưng khó lắm, chỉ có rất ít người như anh biết thôi, bằng chứng là 270 triệu người Mỹ sinh  ở Mỹ  không ai biết nấu bánh chưng hết.Bảo đảm khi nghe xong, 100% nàng sẽ nghĩ rằng dịp may muôn thuở mới gặp được một người tài ba xuất chúng biết nấu bánh chưng, nàng sẽ quấn đít lên, về nhà năn nỉ bố mẹ mang quà cưới đến  xin lấy anh gấp gấp.

image
Đây là bài thơ tôi đã làm đề tài về bánh chưng mà tôi thật là thích:
Mối tình bánh chưng
đêm nay thc nu bánh chưng,
ngày mai tết đến, đón mng xuân sang.
t ngày em bưc sang ngang,
xuân v gi mnh tình tàn trong tôi.
tình mình như bánh chưng sôi,
lúc đun nóng bng, ngui ri lnh băng.
em gi p gi chăn,
cnh ngưi yêu mi, ái ân mn nng?
đi em hnh phúc bên chng,
riêng tôi vn tiếc đóa hng xa bay.
em nm bên y có hay,
yêu em tôi vn đêm ngày nh nhung?
chng em không nu bánh chưng,
trai gì d t, em đng thương chi.
bánh chưng tôi nu thùng phi,
tht nhiu, m ít, không xì nếp ra.
nếu em nghĩ li tình ta,
tôi xin ngh vic, nhà; không ngưng:
ti ngày lo nu bánh chưng,
tng em nghìn cái, ăn mng đôi ta.
Nguyễn Tài Ngọc (Xem http://baomai.blogspot.com/2013/12/nau-banh-chung-o-my.html)

Quán cafe Pháp thưởng khách hàng lịch sự

image
Một quán cafe French Riviera đã gây xôn xao trên mạng xã hội khi thưởng cho những khách hàng có thái độ lịch sự.
Tại quán Petite Syrah ở thành phố Nice vùng Cote d'Azur của Pháp, một tách cà phê sẽ có giả rẻ hơn khi khách gọi đồ uống thêm hai tiếng đơn giản "Hello" - Xin chào, và "please" - Xin (cho tôi).
Một tấm bảng đen quảng cáo bên ngoài quán cafe ghi rõ "Một tách cà phê" giá bảy euros ($9.6) - nhưng "Xin chào, xin cho một tách cà phê" giá chỉ 1,40 euros thôi.

image
Chủ quán, Fabrice Pepino, cho biết mới đầu chỉ là câu đùa nhưng nay khách hàng của ông mỉm cười nhiều hơn.
Một bức ảnh chụp thực đơn của quán được một phóng viên địa phương đưa lên mạng đã lan rất nhanh trên mạng xã hội.
Cho tới nay câu chuyện trên trang Facebook của tờ báo Nice-Matin đã nhận được hơn 60.000 "likes".

Cựu Bộ trưởng trong chính phủ Pháp, Christine Boutin, đã nói đó là một ý tưởng rất hay, theo báo địa phương đưa tin.

image
Ông Pepino và vợ ông, bà Renee, mở quán này cách đây ba năm.
"Mới đầu chỉ là chuyện đùa vì vào giờ ăn trưa, khách tới ăn thường trong tâm trạng căng thẳng mệt mỏi và đôi khi bất lịch sự với chúng tôi khi họ gọi cà phê," ông Pepino nói với trang The Local, một trang mạng bằng tiếng Anh ở địa phương.
"Đây là cách của chúng tôi để nói rằng 'hãy bình tĩnh và cứ tiếp tục làm việc'. Tôi biết người ta nói rằng các dịch vụ của Pháp có thể khá bất lịch sự nhưng sự thực là chính khách hàng có thể bất lịch sự khi họ bận rộn," ông nói.

image
"Suốt ba năm qua chúng tôi dồn tâm sức vào những gì mình làm đó là cố phục vụ thức ăn chất lượng, rượu ngon, thế nhưng điều gì khiến người ta xôn xao? Hóa ra lại là một vài chữ viết nguệch ngoạc trên một tấm bảng đen."

image

Ông Pepino cho biết ông bắt gặp ý tưởng đó khi đọc trên mạng và ông rất thích ý tưởng này. Ông thú nhận cách đây vài tháng ông đã suýt xóa tấm biển đó đi rồi.
http://baomai.blogspot.com/2013/12/quan-cafe-phap-thuong-khach-hang-lich-su.html  
Đàn ông Việt hãy thôi bàn chuyện trinh tiết đi!
Nhiều đàn ông Việt Nam thỉnh thoảng hoặc thường xuyên đi cave, rồi khi yêu thường đòi hỏi chuyện quan hệ tình dục (QHTD) với bạn gái nhưng đêm tân hôn lại đòi hỏi vợ mình còn… chảy vài giọt máu (?!)
Đúng là thật nực cười, lố bịch. Lố bịch hơn nữa là có mỗi chuyện “trinh tiết” cỏn con mà tốn bao thời gian, giấy mực. Rồi bao anh chồng vật vã, đau khổ, bao gia đình không hạnh phúc vì đêm tân hôn vợ mình không chảy vài giọt máu… Không thể hoãn cái sự đau xót này lại được (nói theo cách nói của Nam Cao)!
Trong Tháp nhu cầu của A.Maslov thì nhu cầu tình dục được xếp ở tầng thứ nhất của tháp, cùng với nhu cầu: ăn, uống, thở, bài tiết. Hay nói cách khác, tình dục như là cơm ăn nước uống hàng ngày. Để thỏa mãn nhu cầu này thì chuyện QHTD là bình thường, có gì mà to tát, quan trọng. Làm gì đến mức phải tốn bao nhiêu thời gian, giấy mực.
Trong tiểu thuyết “Rừng Na-uy” có một chi tiết thế này: trong một đêm, nhân vật nam chính gặp một bạn nữ cùng trạc tuổi mình, rồi hai người QHTD với nhau để giải quyết nhu cầu sinh lí. Sáng hôm sau, mỗi người một ngả, chẳng còn gì liên quan. Kết thúc truyện là nam nhân vật chính koảng ngoài 20 tuổi và người phụ nữ hơn gấp đôi tuổi mình, trong đêm cuối trước khi 2 người chia tay đã QHTD với nhau những… bốn lần! Còn trong Bố Già là chuyện cô vợ 16 tuổi người Ý của Michael Corleone vẫn còn trinh tiết khi kết hôn. Khi đó vừa là do mãnh lực của tuổi trẻ vừa là do sự trong trắng của vợ mà những cuộc giao hoan của hai người diễn ra rất mạnh mẽ, đầy xúc cảm. Sự trinh tiết của cô vợ chỉ giúp những cuộc giao hoan thêm nhục cảm chứ sự trinh tiết đó không giúp gì hơn.
Trong tiểu thuyết siêu siêu kinh điển Suối Nguồn thì nhân vật nữ chính là Dominique Francon là một người con gái cực kỳ thông minh và cá tính. Cô là người con gái Mỹ nhưng 23 tuổi vẫn còn trinh. Không phải là cô không có nhục cảm, không phải là cô không có ham muốn mà là bởi cô chưa gặp được người đàn ông nào xứng tầm làm cô ham muốn. Và rồi cô đã gặp chàng kiến trúc sư Roark Howark - một chàng trai thông minh mạnh mẽ, một người đàn ông đích thực - biểu tượng của cái đẹp. Lúc gặp chàng, cô sẵn sàng để Howark bằng tất cả bản năng hoang dại của một người đàn ông…hiếp dâm mình! Sự thông minh, xinh đẹp của D. Francon đã bị bản lĩnh và tài năng của R. Howark chinh phục. Hiển nhiên sự trinh trắng của Dominique Francon không có ý nghĩa gì ở đây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ở những nước phát triển chuyện trinh tiết chẳng có gì quan trọng, nam nữ bình đẳng. Vả lại thượng đế sinh ra hai phái nam và nữ như hai chân của một cơ thể nếu coi trọng chân nào thì bên chân kia sẽ yếu, bước đi sẽ không vững. Những nước phát triển như: Thụy sỹ, Na-Uy tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội là 50%, còn những nước lạc hậu coi trinh tiết là quan trọng như Afganistan thì vẫn mãi là lạc hậu. Với những nước như phát triển như Nhật chẳng hạn, công nghiệp tình dục rất phát triển, từ Phim X, truyện tranh…Tóm lại, QHTD với họ là bình thường, không có gì là to tát cả. Nhật Bản và chúng ta có nhiều nét tương đồng, sao chúng ta không học họ điều này nhỉ? Chúng ta mãi hoài bàn luận về “trinh tiết” đến bao giờ đây?
Đặt nặng “trinh tiết” còn có lỗi của phái nữ! Sao không kịch liệt đấu tranh để cho hết bất công mà lại sẵn sàng thỏa hiệp như vậy? Dùng từ “dâng hiến cái ngàn vàng” cho bạn trai nghe yếu đuối quá. Nam nữ bình đẳng, phái nam có phải là vua chúa đâu mà phái nữ phải dâng với hiến! Mà thực ra khi QHTD thì chẳng ai “dâng hiến” cho ai cả. Thậm chí nhu cầu tình dục của nữ còn mạnh hơn phái nam (có tài liệu nói nam là 1 phần còn nữ là…9 phần). Có một nữ sinh viên nước ngoài nói: sao là “dâng hiến”, vì khi QHTD thì cả hai đều khoái cảm đâu chỉ có mình nam giới. Khi QHTD thì chúng ta hãy “tập trung chuyên môn”, bỏ qua tất cả, cháy hết mình, hãy nhiệt, hãy xõa đi, hãy là “con đực, con cái tốt” vì “muốn là người chồng tốt, người vợ tốt thì phải là con đực tốt, con cái tốt” (cách nói của Chu Lai) để "tất cả các dây thần kinh được đánh thức" rồi tận hưởng khoái cảm. Dùng từ “dâng hiến” thì phái nữ vừa dùng sai lại vừa thể hiện sự thua kém về địa vị của mình rồi. Clear “dâng hiến”!
“Cái ngàn vàng” của người phụ nữ không phải là cái màng trinh bé tẹo teo mà đó là một tấm lòng rộng mở, trái tim nhân hậu, trí tuệ thông minh, bản lĩnh vững vàng. Người con gái còn trinh hay không còn trinh không quan trọng, quan trọng là họ có những phẩm chất này hay không? “Phải lấy người như anh” là tiêu đề một cuốn truyện, còn Slogan của người đàn ông đích thực thời nay phải là “phải lấy người như thế”.
Trong một giai thoại về vợ chồng Bill-Hillary Clinton có nói thế này: khi 2 vợ chồng Tổng thống Mỹ vào mua xăng ở một trạm xăng thì vô tình gặp người bán xăng là… người yêu cũ của bà Hillary. Ông Bill nói với vợ: nếu em mà lấy ông ta thì bây giờ em là phu nhân của… người bán xăng. Bà Hillary… bật lại: nếu ông ấy lấy tôi thì ông ấy đã là… Tổng thống Mỹ từ lâu rồi!
Còn trong chiến dịch tranh cử với Obama, phe Obama gọi bà là "quái vật". Quái vật ở đây không phải là sự đểu giả, gian ác…mà ở đây là tài năng, bản lĩnh…- một đối thủ xứng tầm. Có người vợ như thế mới là có “cái ngàn vàng” dù xinh hay xấu, còn trinh hay đã mất. Và thằng đàn ông nào may mắn làm chồng người như thế thì sớm muộn cũng là…Tổng thống hoặc nhà khoa học tầm cỡ… Chắc phải tu… nghìn năm mới có được người vợ như thế!
Xin nói thêm ở chỗ này là nhiều người đàn ông chúng ta, thậm chí nhiều người có học đàng hoàng lại có thêm một suy nghĩ ấu trĩ nữa là sợ vợ thông minh hơn, giỏi giang hơn mình. Nếu người yêu, vợ mà thông minh hơn mình thì tốt quá còn gì, sợ gì cơ chứ, đó là điều hạnh phúc mới phải, chỉ sợ vợ... ngu hơn mình thôi. Những người đàn ông thông minh thực sự đều lấy vợ thông minh thực sự, Steve Jobs lấy vợ học Stanford, Mark Zuckerburg có người yêu cũng học ở đó... Đàn ông bây giờ mà vẫn còn sợ vợ hơn mình - thật chẳng còn gì để nói nữa cả!
Cuộc sống đang vận động, phát triển từng giờ; lớp trẻ thế giới đang góp phần thay đổi thế giới với những sáng tạo như tạo ra: Google, Facebook… làm thế giới này tốt đẹp hơn, làm gì có thời gian để làm những việc nhỏ nhoi như để ý cái màng trinh cỏn con. Trong khi lớp trẻ của ta, thậm chí 80% sinh viên nam không đồng ý khi vợ không còn trinh tiết.
Khi thấy Việt Nam thua trong trận chung kết bóng đá SEA Games thì có bao nhiêu bạn trẻ khóc nhưng thử hỏi khi đất nước còn nghèo khó, không có dân chủ thì hỏi có mấy bạn trẻ chảy nước mắt? Rồi chuyện mới đây là đề thi viết luận của đại học FPT. Chữ trinh trong truyện Kiều nó thanh cao như thế, nó chính là lòng hiếu thuận hy sinh bản thân mình để làm tròn chữ hiếu nhưng ở đây lại được hiểu với ý nghĩa thô tục nhất là cái màng trinh bé xíu. Tư duy nhỏ kéo theo hành động nhỏ, số phận nhỏ tầm thường. “Tư duy nào thì số phận ấy”, “giấc mơ con (nhỏ) giết chết cuộc đời con”, “những bộ óc xuất sắc nhất đang được dùng vào những việc nhỏ nhoi”...
Điều này một phần do văn hóa, truyền thống nhưng cơ bản vẫn là do chính bản thân chúng ta. Đơn giản như mỗi việc trinh tiết cỏn con mà hết luận lại bàn mất bao thời gian. “Sao quê hương mình lại già nua đến vậy?”- (TS. Alan Phan). Sao nòi giống Tiên Rồng lại sinh ra những kẻ nhỏ nhoi, tầm thường như vậy? Vẫn mãi hoài nói về cái màng trinh cỏn con thì đất nước vẫn kém phát triển dài dài. Ôi, đau xót quá!
Tuy không nên bàn về “trinh tiết” nữa nhưng chung thủy là vấn đề quan trọng không thể bỏ qua. Có thể yêu đương thoáng, thoải mái, thậm chí là “tình một đêm” nhưng khi xây dựng gia đình thì phải chung thủy, một vợ một chồng. Bởi vì nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự chung thủy. Đây là kết quả của các nghiên cứu điều tra xã hội học. Và đây cũng là điều chúng ta đặc biệt nên ghi nhớ vì “một con người kể cả vua đi nữa chỉ hạnh phúc khi có gia đình hạnh phúc”.
“Nếu còn hướng tới ngay mai” hãy bỏ ngay những bàn luận, suy nghĩ về trinh tiết vì nó chẳng có ý nghĩa gì. Nếu bạn còn bàn về nó thì bạn chẳng đáng giá một xu! Hãy dành thời gian và sức lực để cống hiến cho đời. Đất nước này, Thế giới này còn muôn vàn khó khăn đang rất cần tài năng và trí lực của mỗi chúng ta. “Thế giới quả là rộng lớn có rất nhiều việc phải làm” (Kim Woo Choong - Cựu chủ tịch Deawoo)…
Stop bàn luận về trinh tiết!
( http://yume.vn/news/doi-song/tinh-yeu-gioi-tinh/dan-ong-viet-hay-thoi-ban-chuyen-trinh-tiet-di.35AA4D9E.html) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét