8 dự báo kinh tế Việt Nam 2014
FDI sẽ tiếp tục là phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014( giống như SSI cho người già nghèo túng hay SSD cho người tàn tật ở Mỹ?).
Tuy vậy, năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, mà điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP (có thể sẽ được ký kết trong năm nay). Không chỉ có TPP, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác, như Cộng đồng Kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), Hiệp định thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Để giúp độc giả mường tượng một bức tranh toàn cảnh hơn về nền kinh tế Việt Nam trong năm sau. Dưới đây là 8 dự báo về các khía cạnh nổi bật nhất của nền kinh tế năm 2014. Những dự báo này được đưa ra dựa trên báo cáo của các tổ chức quốc tế và trong nước như ngân hàng Thế giới, ngân hàng HSBC, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, công ty Chứng khoán MB, công ty Tư vấn Bất động sản Jones Lang LaSalle Vietnam.
Tăng trưởng khiêm tốn, lạm phát cao hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2014 sẽ cải thiện hơn so với năm 2013 nhưng không nhiều. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt 5,3% và tăng thêm chỉ 0,1 điểm phần trăm vào năm sau. Dự báo này có thể xem là hợp lý khi tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP cho năm 2014 được định hướng vào khoảng 30%, tức tương đương năm nay. Đối với một nền kinh tế đang phát triển với nguồn lực trẻ dồi dào như Việt Nam, con số tăng trưởng quanh mốc 5% không phải là kết quả đáng phấn khởi. Tăng trưởng thấp kéo theo số lượng công việc mới tạo ra không lớn và sẽ khó đáp ứng được một lượng lớn thanh niên đến tuổi trưởng thành hay mới ra trường.
Trong khi tăng trưởng vẫn khiêm tốn thì lạm phát có khả năng sẽ cao hơn nhiều so với năm nay khi các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, dù chậm, cũng góp phần khiến giá cả hàng hóa cao hơn, gây sức ép làm gia tăng lạm phát trong nước. Các chính sách điều hành giá điện, than, xăng dầu, gas, nước dần được nới lỏng hơn cũng góp phần tăng kỳ vọng về lạm phát năm sau. Tuy vậy, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn quá yếu sẽ hạn chế phần nào tốc độ tăng của giá cả hàng hóa.
Theo tính toán của Ngân hàng HSBC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm sau sẽ tăng đến 8,3%, một sự khác biệt khá lớn so với con số khoảng 6,6% năm nay. Với viễn cảnh lạm phát cao hơn, khả năng thực hiện tiếp các đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Đồng Việt Nam giảm giá trong biên độ hẹp Việc lạm phát nhiều khả năng cao hơn trong năm sau sẽ khiến tiền đồng mất giá. Tiền đồng bị mất giá còn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giảm dần và tiến đến kết thúc gói nới lỏng định lượng, khiến đồng bạc xanh mạnh dần lên. Tuy vậy, luồng vốn FDI và ODA khả quan hơn và thâm hụt thương mại không lớn sẽ hỗ trợ tốt cho giá trị của tiền đồng. Do đó, biên độ giảm giá có thể sẽ chỉ vào khoảng 2-3% cho năm sau. HSBC dự báo tỉ giá cho năm sau sẽ đứng ở mức 21.500 VND/USD, tức tỉ giá có thể tăng thêm 1,1%.
Một năm đáng buồn của giá vàng Vàng đang chịu một kết cục buồn khi rớt giá thê thảm trong năm nay. Điều này có thể sẽ tiếp tục trong trong năm tới khi đồng USD đang mạnh lên, khiến giá vàng thế giới đi xuống. Trong nước, chính sách độc quyền của Ngân hàng Nhà nước về nhập khẩu và mua bán vàng cuối cùng khiến sức cầu của thị trường trầm lắng.
Lạm phát có cao hơn trong năm sau nhưng nhìn chung vẫn ở mức kiểm soát được (dưới 1 con số) và điều này sẽ khiến giá vàng khó tăng mạnh trở lại. Doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó Năm 2013 tiếp tục chứng kiến một lượng lớn doanh nghiệp rời cuộc chơi. Tính đến hết tháng 11.2013, đã có gần 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, cao hơn con số của cả năm 2012 và 2011. Sức tiêu thụ của thị trường yếu, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường bất động sản chưa khởi sắc sẽ khiến doanh nghiệp trong nước tiếp tục chật vật tìm chỗ đứng. Tuy vậy, việc đầu tư công được mở rộng và thị trường thế giới phục hồi sẽ giúp cải thiện phần nào nguồn thu của các doanh nghiệp. Nhìn chung, 2014 sẽ vẫn là một năm khó khăn của các doanh nghiệp trong nước.
FDI vẫn là ngôi sao Trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục đình trệ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, tính đến tháng 11/2013, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới hơn 20 tỷ USD, tăng đến 54% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia đầu tư mạnh vào Việt Nam là Nhật, Singapore và Hàn Quốc. Vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn với 90 triệu dân cùng viễn cảnh lợi ích do các hiệp định thương mại như TPP, AEC mang lại cũng sẽ giúp cho FDI vào Việt Nam tiếp tục khả quan trong năm tới.
Ngoài ra, chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng lên và vấn đề xung đột lãnh thổ phức tạp sẽ khiến các quốc gia có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn như Nhật, Hàn Quốc cân nhắc thay đổi địa điểm đầu tư và Việt Nam là một trong những điểm đến đó. Theo HSBC, luồng vốn FDI sẽ mang đến những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp trong nước ở các khía cạnh như học hỏi công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu và các bộ phận sản xuất cho các doanh nghiệp đa quốc gia.
Ngoài ra, sức ép về nguồn nhân lực có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cẩu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng tác động tích cực lên hệ thống giáo dục trong nước, buộc các trường đại học, cao đẳng phải thay đổi để thích ứng.
Nợ xấu sẽ tăng chứ không giảm Dù công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC đã được thành lập, nhưng nhìn chung, hoạt động của nó vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời là nơi nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng. Còn cơ chế xử lý nợ triệt để hay bán nợ cho bên thứ ba vẫn chưa định hình rõ ràng và điều này sẽ khiến việc xử lý nợ xấu tiếp tục đình trệ trong năm sau. Ngoài ra, sau một thời gian bị trì hoãn, Thông tư 02 về phân loại lại nợ xấu sẽ có hiệu lực trở lại kể từ ngày 1/6/2014 và điều này có thể sẽ khiến nợ xấu tăng mạnh. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, năm nay đã có hơn 300.000 tỷ đồng được bật đèn xanh “tái cơ cấu” mà trong đó có tới 60%, tức 180.000 tỷ đồng, đã ngay lập tức chuyển thành nợ xấu nếu không được tái cơ cấu.
Con số “tạm giấu” này nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm sau, đẩy tăng nợ xấu. Thêm vào đó, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động không giảm, cùng một hệ thống luật pháp về phá sản chưa được sửa đổi cho phù hợp với thực tế sẽ khiến bức tranh nợ xấu ảm đạm thêm. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, việc mở cửa rộng hơn đối với khu vực tài chính Việt Nam có lẽ là điều bắt buộc phải làm để có thể thu hút một lượng vốn mới tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng trong nước.
M&A sẽ sôi động hơn Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm sau sẽ nhộn nhịp hơn vì nhiều lý do. Đó là tác động từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm sau nhiều khả năng sẽ tăng mạnh khi Chính phủ đang tỏ ra kiên định hơn trong việc tái cấu trúc khu vực này. Theo phát biểu mới đây của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm phân nửa số lượng doanh nghiệp nhà nước hiện nay xuống còn 600 doanh nghiệp đến năm 2015 và 300 doanh nghiệp đến năm 2020. Ngoài ra, chính sách nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài (có thể lên đến 60%) sẽ tác động mạnh đến nguồn vốn từ bên ngoài khi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội nhảy vào vào những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp, bất động sản, tiêu dùng.
Viễn cảnh hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế khu vực và thế giới cũng là lý do giới đầu tư nước ngoài muốn đầu tư hoặc đẩy mạnh sở hữu ở các công ty trong nước. Một điều nữa là các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện và tiến hành M&A với các doanh nghiệp khác để gia tăng năng lực cạnh tranh. Trong năm 2013, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thủy sản. Nhiều khả năng, các hoạt động này sẽ tăng mạnh trong năm 2014.
Bất động sản tiếp tục đóng băng 2013 là một năm đáng buồn của thị trường bất động sản khi giá giảm liên tục. Điều này có thể sẽ tái diễn trong năm 2014 khi nguồn cung nhà tiếp tục tăng trong khi sức tiêu thụ vẫn yếu. Tuy vậy, đến cuối năm 2014, thị trường có thể sẽ khả quan hơn nhờ các hoạt động M&A cũng như sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế. Chính sách xem xét nới lỏng điều kiện mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài sẽ tác động tích cực đến thị trường. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động bất động sản sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm tới.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Patrick M. Cronin: Kim Jong Un ngày càng trở nên nguy hiểm
“Càng gần đến vô cùng,” tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert viết, “bạn càng lún sâu hơn vào khủng bố.”
Điều đó xảy ra với Kim Jong Un, gã đàn ông nguy hiểm nhất trong nhà nước hạt nhân bấp bênh nhất trên thế giới. Sau khi xử tử một cách nhanh chóng người chú kiêm nhiếp chính Jang Song Taek trong tuần này, anh ta còn trở nên nguy hiểm hơn. Kim đã tự đẩy mình vào một góc để rất khó có thể giành được một tương lai hòa bình cho cả triều đại gia đình trị hoặc của đất nước mà anh ta cai trị.
Không mấy ai nghi ngờ về “hành vi phản bội” của ông chú Jang. Nói một cách chắc chắn, một số cáo buộc vô đối nhắm vào ông Jang, được liệt kê trong một bản tin đáng chú ý của Bắc Triều Tiên, thuộc về sân khấu của sự phi lý (bán rẻ những thành tựu tuyệt vời của cháu trai, có lẽ là một nước công viên ở phía Đông Bình Nhưỡng và một khu trượt tuyết nghỉ dưỡng mở vào cuối tháng này.) Nhưng thực sự đã có những hành vi không chính đáng. Ông Jang rõ ràng là phạm tội xây dựng quyền lực cá nhân, một mối đe dọa đối với gã Kim ở tuổi 30, kẻ có dòng máu nắm quyền cai trị, mà không phải là gã đàn ông kết hôn với dì của anh ta, để đòi hỏi chiếc áo choàng của bố anh ta, cố “Lãnh tụ Kính yêu”.
Cách xử lý đột ngột và tàn bạo của Kim đối với ông chú làm nổi bật một mức độ đáng lo ngại về hành vi tàn ác và bất thường. Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc, ông Seo Sang-gi cho biết ông được biết rằng ông Jang và các cấp dưới của ông ta đã bị hành hình bằng súng máy và súng phun lửa. Những kẻ thách thức Kim có thể im lặng trong lúc này, nhưng trong hàng ngũ của họ chắc chắn đang xảy ra tình trạng báo động về việc sẽ phải làm gì – một thực tế sẽ chỉ có thể làm tăng thêm sự hoang tưởng nơi gã bạo chúa trẻ.
Cuộc hành hình ông Jang là đáng báo động vì những lý do nằm ngoài những điều cho biết về trạng thái tâm trí của Kim. Ông ta không chỉ là chú của Kim, ông ta còn là một nhân vật quyền lực trong chế độ, và nhiều người coi ông ta như một kẻ ủng hộ cải cách dần dần theo kiểu Trung Quốc. Điều đó biến ông ta thành một người đối thoại quan trọng đối với Bắc Kinh, bởi vì những gì mà các quan chức Trung Quốc lo ngại nhất về Bắc Triều Tiên không phải là vũ khí hạt nhân hoặc các mối đe dọa to lớn nhằm biến Seoul thành một “biển lửa”, mà đó là sự sụp đổ của nhà nước Bắc Triều Tiên sẽ đẩy hàng triệu người tị nạn đói khát chạy qua biên giới của nước này. Kế hoạch của Trung Quốc cho một cuộc hạ cánh mềm dường như bao gồm sự kết hợp giữa sự bấu vứu cá nhân (tin cho biết ông Jang đã thọc sâu vào hầu bao của Trung Quốc) và đầu tư cơ sở hạ tầng cứng (đầu tư vào các đặc khu kinh tế và khai thác tài nguyên). Giờ thì giấc mơ đó đã chết cùng với ông Jang.
Thật vậy, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện dường như là không thể tránh khỏi. Quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân không ngừng của Kim, cùng với nhãn hiệu tàn nhẫn của chủ nghĩa độc đoán, sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và đẩy nhanh sự suy thoái của Bắc Triều Tiên. Mặc dù nhiều người hy vọng rằng học vấn Thụy Sĩ sẽ cho anh ta một cái nhìn phương Tây hơn, Kim đã không thể thông qua bất kỳ cải cách kinh tế quan trọng nào. Mối lo ngại của anh ta về kẻ thù trong nước sẽ đảm bảo rằng nhiều nguồn lực đang được đổ vào an ninh quốc phòng – một vòng xoáy đi xuống luẩn quẩn khiến cho Bắc Triều Tiên có thể sẽ không bao giờ hồi phục.
Ngồi trên đỉnh một nền kinh tế thất bại và một xã hội khép kín, giữ gìn ổn định thông qua khủng bố và một nhà nước cảnh sát, Kim đang mất dần những lựa chọn. Trong vòng hai năm, hình ảnh của một gã đàn ông trẻ trung có đầu óc cải cách trong mắt người dân đã chập chờn chuyển sang hình ảnh của kẻ bạo chúa thuộc loại tồi tệ nhất thời trung cổ. Nó gợi nhớ lại triều đại Choson của Triều Tiên, khi cạnh tranh chém giết giữa các thành viên gia đình hoàng gia không phải là không phổ biến. Thậm chí còn có một tiền lệ lịch sử về một vị vua trẻ cai trị ở thế kỷ 15, Vua Danjong, bị lật đổ và cuối cùng bị giết bởi người chú đang nhiếp chính. Năm trăm năm sau đó, Bắc Triều Tiên tồn tại như một khải hoàn ca cho sự dã man của thời tiền hiện đại. Cuộc hành quyết tạo ra một loại trật tự kỷ cương, ít nhất là trên bề mặt. Nhưng trong thế kỷ 21, đó là một khúc dạo đầu cho sự sụp đổ cay đắng. Đặt đạo đức sang một bên, lý do khiến cho chế độ chuyên quyền đã hết thời là bởi vì nó không có mấy tương lai.
Nhưng Bắc Triều Tiên, dù đã là nhà nước đàn áp nhất trên thế giới, còn có thể tồi tệ hơn nhiều trong thời gian chuyển tiếp. Khi gã Kim lo lắng cho quyền lực tuyệt đối và sự tồn tại của anh ta, anh ta có khả năng đẩy đất nước vào khủng bố toàn trị hoàn toàn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà không thể dễ dàng kiềm chế. Công nghệ lạc hậu của Bắc Triều Tiên và cách tuyên truyền kỳ lạ của nước này có thể làm cho chúng ta bật cười, nhưng nó cũng là một nhà nước trang bị vũ khí hạt nhân với một nhà lãnh đạo đang mất nhận thức về thực tế. Điều đó nên nhận được sự chú ý từ một số người có tư duy trong Nhà Trắng.
Câu hỏi đặt ra là phải làm gì bây giờ. Sau cuộc hành quyết ông Jang, chính quyền Obama cần phải tiêm những suy nghĩ mới mẻ và mãnh liệt vào trong chính sách Bắc Triều Tiên của nước này, cho đến giờ phần lớn đã phớt lờ cơn giận dữ của Bình Nhưỡng hay chỉ đơn giản là chồng chất thêm nhiều biện pháp trừng phạt. Thay vì phản ứng, đã đến lúc phải nhìn về phía trước và lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất.
Một chính sách mới của Mỹ phải mang tính toàn diện, không chỉ đơn giản là tập trung vào việc giải thoát thế giới khỏi vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Điều đó có nghĩa là cộng tác với Trung Quốc, thừa nhận rằng chúng ta chia sẻ lợi ích chung trong hòa bình, và chúng ta cần phải tranh luận làm thế nào để đạt được sự ổn định lâu dài mà không chỉ là các bước tiếp theo hướng tới phi hạt nhân hóa. Đối với người Hàn Quốc, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc lập kế hoạch cho bất kỳ loại kịch bản nào, từ hành vi khiêu khích mới đầy ngạc nhiên, cho đến một cuộc đảo chính cung điện, hoặc sự sụp đổ đột ngột của triều đại nhà Kim.
Hồi kết của Kim đã gần như là không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ còn là thời gian, nhưng cuộc hành quyết ông Jang là một lời nhắc nhở cho thấy cuộc chuyển biến có thể nhanh chóng như thế nào. Chế độ độc tài thế hệ thứ ba vốn đã có vấn đề. Mất đi khởi nguồn chính danh ban đầu, họ phải được đo bằng tính hiệu quả của mình. Trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, được bao quanh bởi các nền kinh tế thịnh vượng khiến cho điều đó không thể xảy ra mà không mở cửa để tự do hóa kinh tế. Trong thời đại thông tin, nhiều thành viên của tầng lớp tinh hoa sẽ biết rằng chế độ phải ra đi.
Mối đe dọa là rất lớn. Chính quyền Obama không còn có thể để riêng chính sách Bắc Triều Tiên sang một bên nữa. Triều đại nhà Kim đang gần kết thúc, và cùng với nó, sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên có thể diễn ra nhanh chóng. Nếu đã bao giờ có một thời điểm cho chủ nghĩa đa phương táo bạo bằng sức mạnh, thì nó chính là bây giờ.
[*] Patrick M. Cronin là giám đốc cao cấp của Chương trình An ninh châu Á -Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ.
Nguồn: Patrick M. Cronin, “Kim Jong Un Just Got More Dangerous“, Politico Magazine, ngày 15 Tháng 12 năm 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
0 nhận xét:
Đăng nhận xét