Hổng biết tại sao họ có thể vừa nhìn trên mấy trang web của người Hoa mà vừa nói thao thao bất tuyệt về đủ thứ chuyện "trên trời, dưới đất": từ chuyện shop online, hàng nào đang sale, chợ nào giá rẻ, nên mua món gì cho bữa cơm chiều nay, etc...?
Hổng biết tại sao họ có thể đi trễ, về sớm mà boss nào cũng ...làm lơ cho họ tha hồ "tung tăng" thoải mái như vậy? Hổng biết tại sao họ có thể đi shopping ngoài Fashion district, Toy district, Jewelry district, etc... rồi xúm lại khoe mua hàng giá rẻ tỉnh bơ mà hổng thấy ông boss nào có ý kiến?
Hổng biết tại sao họ có thể đi tập thể dục hàng giờ ngay trong giờ làm việc rồi tỉnh bơ ngồi "đấu láo" với nhau về mọi chuyện trên đời mà hổng thấy e ngại, mắc cỡ?
Hổng biết tại sao họ vừa nói chuyện huyên thuyên về đủ đề tài thiệt là hay, vừa có thể liếc mắt, khoa tay múa chân làm điệu với boss mà hổng thấy ông chồng nào biết ghen hay "dạy vợ"?
Hổng biết tại sao họ vừa nói xong là đi pha trà, hâm thức ăn rồi ...take break hay ăn trưa cả giờ đồng hồ mà vẫn có thể vừa chat online, hay vừa xem phim Tàu, hay ngủ ngáy khò khò tỉnh queo?
Đảng làm sao có thể “hạ cánh mềm”?
Đôi lời: Sáng nay 18/12/2013, một cuộc « đấu tố » đã diễn ra đối với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng – người đã viết Tâm thư từ bỏ đảng, tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh làm việc. Trước đó, Đảng ủy Viện và Đảng ủy cấp trên đã cố gắng vận động anh rút đơn « ở lại trong đảng để đấu tranh » nhưng không thành công, nên đã chỉ thị cho các đảng viên « đấu tố » anh. Tuy nhiên có đến 60% đảng viên không đồng ý khai trừ đảng TS Phạm Chí Dũng !
Xin phép được giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng về sự kiện này:
Cuộc họp kiểm điểm tôi xảy đến vào buổi sáng ngày 18/12/2013, hai tuần sau khi tôi viết Tâm thư từ bỏ đảng và đơn xin ra đảng, được đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển - một cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM nhưng chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy khối dân chính đảng - triệu tập như một hội nghị bất thường.
Vào buổi sáng này, thời tiết Sài Gòn lại se lạnh bất thường không kém và là một trong những ngày đẹp nhất trong năm để kỷ niệm Chúa Giêsu ra đời. Không biết có phải vì cảm hứng đột ngột đó hay không mà ông Phan Xuân Biên, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, một đảng viên cao cấp cùng sinh hoạt trong đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển, đã mở đầu cuộc “đấu tố” tôi bằng đánh giá cho rằng bức tâm tư từ bỏ đảng mà tôi đã “phát tán” lên mạng Internet và báo đài phương Tây là “lăng nhăng lít nhít”. Tất nhiên, ngay sau đó tôi đã phải đề nghị vị đảng viên có bình phẩm bất thường đó càng cần phát biểu có văn hóa hơn, nhất là khi không còn giữ chức trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đúng với mặt bằng văn hóa tối thiểu về góp ý và dân chủ cơ sở trong đảng.
Một chi tiết đáng chú ý liên quan đến văn hóa phản biện trong đảng là chi bộ nơi tôi sinh hoạt đã nêu ra một “gợi ý” để tôi làm bản kiểm điểm, là hành động tán phát tâm thư từ bỏ đảng và đơn xin ra đảng của tôi đã vi phạm điều lệ đảng và quyết định số 47 của trung ương về 19 điều đảng viên không được làm. Trong đó có những nội dung “Nói, làm trái hoặc không thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của đảng”, và “…tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước”.
Sự hiện diện không tránh khỏi của hai cơ quan Đảng ủy khối dân chính đảng và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trong cuộc họp này cũng như cuộc họp trước đó với tôi đã không thể tránh cho tôi cảm giác về một sự hiện diện khác, tuy không lộ diện, của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đối với toàn bộ chỉ đạo về quy trình tổ chức kiểm điểm và có thể khai trừ đảng với tôi.
Khuynh hướng và kỹ thuật tổ chức kiểm điểm đối với tôi cũng khiến tôi nhớ lại trường hợp của đại tá, nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng. Vào năm 2009, ông Phạm Đình Trọng làm đơn xin ra khỏi đảng. Tuy nhiên người ta đã tổ chức “đấu tố” ông ở địa phương, để 5 tháng sau ông phải nhận quyết định khai trừ đảng. Mục đích của giới cấp ủy là người bỏ đảng phải bị mất danh dự và răn đe các đảng viên khác không được bỏ đảng theo.
Có nghĩa là mặc dù theo điều lệ đảng thì việc xin vào đảng và xin ra đảng là hoàn toàn bình thường, nhiều cấp ủy đảng vẫn sẵn sàng coi hành động ra đảng là bất thường. Họ sẵn sàng quy chụp về thái độ chính trị, kể cả thái độ và hành vi “chống đảng”, và thay vì cho người xin ra đảng “hạ cánh mềm”, họ bắt buộc những người này phải “hạ cánh cứng”.
Tôi tự hỏi với lối tư duy và hành xử vẫn quá nặng về độc đoán và áp đặt như thế, liệu đảng có thể “hạ cánh mềm” trước sự phẫn nộ rất có thể xảy ra của dân chúng trong 4 hay 5 năm tới?
Cũng như với ông Phạm Đình Trọng, tổ chức đảng Viện Nghiên cứu Phát triển tìm cách thuyết phục tôi “tiếp tục ở trong đảng để có đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực”, hoặc nhắc lại “lời thề” của tôi khi xin vào đảng. Nhưng khi nhận ra quyết định ra đảng của tôi là không thể thay đổi, một số ý kiến khác đã cho rằng tôi phủ nhận tất cả thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam và ít nhất tôi đã vi phạm điều lệ đảng khi tán phát đơn xin ra đảng lên mạng Internet.
Còn với tôi, đã đến lúc phải bày tỏ quan điểm tách bạch và kiên quyết hơn đối với thái độ quy chụp chính trị của các cơ quan đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã thề trung thành với Đảng khi xin vào, nhưng lời thề đó chỉ còn giá trị một khi Đảng vẫn còn trung thành với những người đã sinh ra đảng và đóng thuế cho giới quan chức đảng sinh nhai và ngự trị trên cái ghế dán nhãn “lãnh đạo toàn diện”. Chứ không phải như hình ảnh hiện thân đầy rẫy và tàn bạo của các nhóm lợi ích trong đảng như ngày nay, với một bản Hiến pháp 2013 phản bác lại mọi phản biện của đại đa số nhân dân. Và vì thế, lời thề duy nhất còn lại với một người từng là sĩ quan quân đội và bảo vệ an ninh như tôi chỉ là “trung với nước, hiếu với dân”.
Cũng vì thế, trong bản giải trình tôi đã nêu rõ: “Trong trường hợp Thành ủy, Đảng ủy khối Dân chính đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng tôi vi phạm điều lệ đảng, tôi buộc lòng phải bảo lưu quyền công dân được khiếu nại tới các cấp thẩm quyền và quyền thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế”.
Thâm tâm tôi không hề ngạc nhiên về những động thái mà tổ chức đảng đã áp đặt có chủ ý đối với tôi, bởi đơn giản là tôi không sai trong toàn bộ các bài viết và phát ngôn về cái thực trạng khó có lối thoát của Đảng Cộng sản hiện nay. Nếu Đảng không tự thay đổi bằng cách tự làm sạch mình và ngó ngàng tới dân chúng, người nghèo nhiều hơn, không chấp nhận những tiếng nói và chính kiến đa chiều, trái chiều, Đảng sẽ bị chính dân chúng phủ nhận và thay đổi trong không bao lâu nữa.
Tâm tư này không chỉ là của tôi, mà còn thuộc về tâm tưởng của rất nhiều đảng viên khác - những người đương chức trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang và giới đảng viên hưu trí.
Có lẽ vì tính phổ biến của tâm tư ấy mà đã phát sinh một chi tiết đáng lưu tâm không kém trong cuộc họp kỷ luật tôi: chỉ có khoảng 40% đảng viên có mặt bỏ phiếu khai trừ đảng (10/24 người), trong khi khoảng 60% còn lại bỏ phiếu mức độ khiển trách, cảnh cáo đảng và không bỏ phiếu. Trong khi trước cuộc họp xét kỷ luật này, một số người quen của tôi nhận định rằng với bức tâm thư từ bỏ đảng được “tán phát” lên mạng của tôi, đó là một “tội” rất nặng trong con mắt của Đảng và chắc chắn đảng ủy, chi bộ nơi tôi sinh hoạt sẽ phải chịu sức ép rất lớn để có được 100% hoặc gần như thế phiếu khai trừ đảng tôi.
60% không đồng ý khai trừ đảng có lẽ cũng là một tỉ lệ xã hội học đảng viên đáng quan tâm trong hiện tình tư tưởng ngổn ngang của đảng viên hiện thời. Tỉ lệ này cho thấy những đánh giá gần đây về khả năng có đến 60-80% đảng viên ở vào thế “trung lập” hoặc có nhận thức và hành động tiến bộ là có cơ sở. Tỉ lệ này lại hoàn toàn trái ngược với một tỉ lệ khác - khoảng 20% số đảng viên bị gắn bó quá hữu cơ bởi các quyền lợi và chức vụ, hoặc là những người theo quan điểm “còn đảng còn mình” như một triết lý dân gian đương đại.
Tôi cũng tự hỏi là với tỉ lệ mang tính “cách mạng” đang trở thành một xu thế không thể đảo ngược ngay trong nội bộ đảng như thế, một hệ quả mà hoàn toàn có thể dẫn đến một làn sóng thoái đảng và bỏ đảng công khai trong những năm tới, Đảng sẽ làm sao có thể “hạ cánh mềm” nếu họ không tự thay đổi, và hơn nữa phải “thay máu” một cách ghê gớm. Mà thời gian để tự đổi thay lại không còn nhiều, chỉ có thể được tính theo năm…Phạm Chí Dũng
Kìa! Cái Tất Yếu đang lừng lững đi tới!
I- VÌ SAO QUỐC HỘI KHÔNG THỂ NHẬN THỨC ĐƯỢC ”CÁI TẤT YẾU”?
Sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo, dư luận cả nước sôi hẳn lên. Các giáo sư, tiến sĩ Mác – Lê phân tích “Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng được Quốc hội thông qua là thắng lợi của ý Đảng lòng dân”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong nói ”Hiến pháp mới nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào”. Báo Nhân Dân đăng bình luận “Hiến pháp (sửa đổi) – một bước tiến lịch sử”.
Nhưng có sự phản ứng ngược lại. Nhà văn Võ thị Hảo kêu lên ngày thông qua Hiến pháp là ngày tang khốc của dân tộc. Đảng viên Lê Hiếu Đằng, người từng bị chế độ Sài Gòn kết án tử hình tuyên bố từ bỏ Đảng. Hôm sau, đảng viên tiến sĩ Phạm Chí Dũng một cây bút bình luận thời sự chính trị xuất sắc, gửi tâm thư xin ra Đảng, bởi “Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng chỉ mang hơi thở và bóng hình của các nhóm lợi ích”. Tiếp theo, đảng viên, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên ra Đảng nhưng hứa hẹn ”Khi nào Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc vứt bỏ ngọn cờ xã hội chủ nghĩa thì tôi lại phấn đấu xin vào”. Đảng viên Nguyễn Minh Đào gần 80 tuổi đời, gần 60 tuổi Đảng cảnh báo “Đất dưới chân Đảng đang rung chuyển, tôi mong Đảng hãy kịp thời hành động, đừng để quá muộn!”.
Lời nói đầu Hiến Pháp mới viết rằng, Hiến pháp này “kế thừa Hiến pháp 1946”. Nếu đúng như vậy thì cũng đã đáp ứng được phần lớn đòi hỏi của số khá đông đảng viên và nhân dân rồi, vậy tại sao vấp phải phản ứng dữ dội như vậy? Không đúng! Hiến pháp 1946 và Hiến pháp mới khác nhau về ý thức hệ, cho nên không có chuyện kế thừa ! Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nhân dân, đảm bảo các quyền cơ bản của nhân dân, quy định nhân dân tham gia quyết định các sự kiện trọng đại của đất nước bằng quyền phúc quyết sau khi đã được Quốc hội thông qua. Hiến pháp 1946 quy định nhà nước pháp quyền, với tam quyền phân lập, điều mà Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp năm 1879 ở Điều 16 viết: ”Ở một xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng thì Hiến pháp có được ban hành hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Khác với Hiến pháp 1946, Hiến pháp mới quy định cho một tổ chức chính trị được quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội mà không cần phải qua bầu cử của nhân dân, quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với tổ chức chính trị ấy.
Giống như bào chữa cho việc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp của Quốc Hội, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng: “Hai năm qua, những tư tưởng về chủ nghĩa lập hiến, về chủ quyền nhân dân, về quyền con người, về cơ chế kiểm soát quyền lực…đã tràn vào nước ta, thắp sáng khối óc và con tim của hàng triệu người Việt… Tuy nhiên, nhận thức về sự tất yếu như vậy nhiều khi khó đạt một cách dễ dàng. Một độ trễ nhất định của nhận thức so với thực tiễn đã đầy “đa nguyên” của đời sống kinh tế là rất khó tránh khỏi.” Lời bào chữa của ông không giúp được “hạ nhiệt” dư luận mà trái lại đã làm cho người đọc thêm bức xúc: “Tại sao những tư tưởng khai sáng tràn vào thắp sáng được khối óc, con tim của hàng triệu người Việt mà nó lại không thể thắp sáng nỗi đầu óc, con tim của gần 500 đại biểu Quốc hội, trong có hơn 90 % là đảng viên, và có mặt tất cả các ủy viên Bộ chính trị của Đảng tiên phong lãnh đạo, “những đại biểu ưu tú mang trí tuệ của dân tộc và thời đại”? Điều ấy gây khó cho những ai muốn bào chữa họ là những đại biểu ưu tú của nhân dân!
Mọi người đều biết “tất yếu và ngẫu nhiên” là một cặp phạm trù triết học phản ánh mối liên hệ khách quan giữa các hiện tượng trong quá trình biến đổi, phát triển của thế giới. Tất yếu là cái nhất thiết phải xảy ra trong những điều kiện nhất định, còn ngẫu nhiên là cái có thể xảy ra hay không thể xảy ra, có thể xảy ra thế này hay thế khác. Tất yếu gắn liền với những nguyên nhân bên trong, bản chất của hiện tượng, là xu hướng phát triển cơ bản của hiện tượng. Cái tất yếu mở đường đi cho nó thông qua vô số những cái ngẫu nhiên, còn cái ngẫu nhiên thì trở thành biểu hiện, bổ sung cho cái tất yếu. Cái tất yếu được chỉ ra trong các quy luật động học có độ xác định cao. (theo Từ điển Bách khoa).
Nhiều học giả trên thế giới và trong nước đều khẳng định rằng, tự do, dân chủ, nhân quyền là xu thế tất yếu của thời đại mà mọi quốc gia nhanh hay chậm đều phải đi đến. Vậy nếu đi ngược lại cái tất yếu thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn phía trước tiềm ẩn nhiều tai họa!
Đại văn hào Stephan Zweig cho rằng “Luôn có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước những tai họa lớn bằng sự bay của mình”. Tiếc thay tiếng chim báo bão ở nước ta không có người lắng nghe!
“ĐẾN HẾT THẾ KỶ NÀY CHƯA BIẾT ĐÃ CÓ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HOÀN THIỆN Ở VIỆT NAM HAY CHƯA”!
Trên đây là câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi góp ý sửa đổi Hiến pháp. Ông vốn là tiến sĩ về lý luận xã hội chủ nghĩa Mác – Lê, là người đứng đầu Đảng cộng sản nhận nhiệm vụ “đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Vậy câu nói của ông nên hiểu là với “nhận thức và tư duy” thế nào?
Theo lý luận Mác- Lê thì ở thời kỳ quá độ, chuyên chính vô sản phải thi hành các chính sách nhằm tạo ra “điều kiện tiên quyết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa hùng mạnh và tiến hành hợp tác hóa kinh tế nông dân. Thời kỳ quá độ kết thúc sau khi đã tiêu diệt thành phần tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn, chủ nghĩa xã hội thắng lợi trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.” (Từ điển kinh tế, Nhà XB CTQG Liên Xô năm 1958, NXB Sự thật in lại 1962, trang 565). Về thời kỳ quá độ, Đại hội 11 kết luận:”Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.” Nội dung này trung thành với nguyên lý nói trên và không gây cảm giác “chuyện ấy còn lâu”.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới bác bỏ khả năng thực hiện “quá độ xã hội chủ nghĩa” nói trên. Nhưng có lẽ sự bác bỏ có sức thuyết phục mạnh nhất là việc các nước SNG trong Liên Xô cũ và các nước Đông Âu vứt bỏ hoàn toàn lý thuyết nói trên để thực hiện nền dân chủ pháp quyền, kinh tế thị trường hiện đại và xã hội dân sự.
Nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa xã hội không thể vượt qua được chiếc cầu “quá độ” là vì nó mang nhiều khuyết tật không thể khắc phục, trong đó có hai vấn đề lớn nhất:
Một là chế độ độc tài toàn trị từng bước làm thoái hóa Đảng cộng sản cách mạng, vốn đặt mục đích vì lợi ích người lao động, cuối cùng lại trở thành Đảng quan liêu, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, đứng trên nhân dân. Tình trạng này không thể khắc phục được, bởi như nhận định của lý thuyết gia chính trị Lord Acton “ Quyền lực dẫn tới tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối.” Các Đảng cộng sản đều kêu gọi đảng viên gần dân, dựa vào dân, nhưng mọi quyền lợi của họ đều do Đảng quyết định, cất nhắc, phân công cho nên không có đảng viên nào thấy cần phải dựa vào dân. Hơn nữa, những điều người dân đòi hỏi mà trái với Nghị quyết của Đảng thì họ phải nhân danh Đảng bác bỏ, thậm chí trù giập, để bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là “Đảng cử dân bầu”.
Hai là chế độ xã hội chủ nghĩa triệt tiêu quyền sở hữu tài sản cá nhân tức là quyền tự do về kinh tế, khiến cho con người mất động lực lao động sản xuất và sáng tạo. “Cha chung không ai khóc”, “của chung là của chùa” khiến cho “làm thì nhác, chia chác thì siêng”. Lê Nin cho rằng quyết định cuộc đấu tranh “ai thắng ai” là ở năng suất lao động bên nào cao hơn. Nhưng kết cục, năng suất lao động ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa đều thấp, hàng hóa làm ra vừa ít, vừa kém chất lượng. Đời sống vật chất không được cải thiện, trong khi đời sống tinh thần không có tự do, nhân dân không thể mãi cúi đầu cam chịu.
Đảng cộng sản Việt Nam may mắn hơn các Đảng cộng sản khác ở 2 điều: Nhân dân ta nhạy bén, dám phản ứng khi nhìn thấy khuyết tật lộ ra sau cải tạo xã hội chủ nghĩa; Đảng có nhiều nhà lãnh đạo biết lắng nghe nhân dân, âm thầm cùng họ “xé rào”(tức là vượt qua các nguyên lý xã hội chủ nghĩa), như Võ Văn Kiệt, Trần Phương, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Hơn, Bùi Văn Giao… Nhờ đó, Đảng có thể lãnh đạo cuộc đổi mới kinh tế của Đại hội 6 năm 1986. Với cách nói né tránh là “xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp”, thực ra đó là xóa bỏ cơ chế xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lê mà nội dung đã trích dẫn ở trên. Chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư bản, nhưng né tránh tên cúng cơm để gọi là doanh nhân. Tuy nhiên về mặt chính trị thì hầu như 28 năm qua không có sự tự giác đổi mới đáng kể, chỉ vì sợ mất vị trí độc quyền toàn trị. Ngay trong khóa 6, ông Trần Xuân Bách, ủy viên Bộ chính trị chỉ vì đề nghị đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế đã lập tức bị sa thải!
Đại hội 7, Đại hội 8 vẫn nhắc lại đổi mới kinh tế là “điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới chính trị”, nhưng lại “bác bỏ lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm quấy rối về chính trị”. Đại hội 9 rút ra 4 bài học đổi mới không nhắc gì đến đổi mới chính trị. Điều lạ lùng là Đại hội này khẳng định “Con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta bỏ qua chủ nghĩa tư bản”. Thật là cố bám lấy mớ lý luận giáo điều một cách hết sức nông nổi, dù rằng thừa nhận “tình trạng tham nhũng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.”, bởi vì không nhân thức được nguyên nhân suy thoái là do không đổi mới chính trị. Đại hội 10, quyết định,“Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, và phát triển văn hóa tinh thần”; đồng thời cảnh báo tình trạng suy thoái đa dạng và nghiêm trọng hơn khóa trước: “Suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng thiếu sức chiến đấu.” Trước thềm Đại hội 11, nhiều đảng viên, trong đó có nguyên ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên Trung ương, kiến nghị phải đổi mới chính trị. Ý kiến các đồng chí này không được nghe, họ còn bị quy chụp là suy thoái chính trị, “tự diễn biến”! Đại hội 11 nhắc lại ”Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp…”. Nhưng không nêu ra được những nội dung tự do, dân chủ của thời đại vào lộ trình đổi mới chính trị. Các văn kiện vẫn tiếp tục khái niệm “mở rộng dân chủ” mà mấy mươi năm trước, Trần Xuân Bách đã bác bỏ:” Dân chủ không phải do lòng tốt của những người lãnh đạo muốn ban ơn cho dân, thấy thuận lợi thì mở rộng thấy bất tiện thì thu hẹp. Dân chủ không có chỗ cho những ai muốn lợi dụng”. Thực hiện nghị quyết Đại hội 11, Hội nghị TƯ 4 ra Nghị quyết xây dựng Đảng, tìm biện pháp khắc phục tình trạng mà một nhà lãnh đạo Đảng đã chẩn đoán”Tình trạng suy thoái trong Đảng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư đã di căn”. Đáng buồn là biện pháp chủ yếu để trị “ung thư đã di căn” được HN TƯ 4 đề ra chỉ là “tự phê bình và phê bình chân thành xây dựng.” Nhà văn Vũ Tú Nam xót xa bình luận”Đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn!”
Đến đây, đã có thể hiểu được vì sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt mục tiêu xã hội chủ nghĩa xa vời đến thế. Ông đã thấy “Tham nhũng tổ chức thành đường dây chứ không phải từng người ăn mảnh….họ đua nhau tham nhũng”. Đảng viên có chức, có quyền, “một bộ phận không nhỏ” là những “tư bản đỏ” nắm quyền vận hành nền kinh tế theo thứ “chủ nghĩa tư bản hoang dã”. Ông không thấy không thể nào “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với họ. Vậy thì, làm sao biết hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa! Ông thấy bất lực trước thực tế, nhưng tiếc thay tại sao vẫn cố buộc cả dân tộc phải đi “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”?
Thưa Tổng bí thư, xin được nhắc lại lời của Alexander Ivanovich Herzen, một nhà tư tưởng Nga lỗi lạc:” Mục đích mà xa bất tận thì không phải là mục đích nữa,- nếu anh muốn, chỉ là mánh khóe thôi; mục đích thì phải gần hơn, ít nhất cũng như tiền lương hay khoái cảm trong lao động….Cuộc sống không thỏa mãn với những ý tưởng trừu tượng, không chịu vội vã, cứ chậm chạp….Cho phép tôi được hỏi anh, do đâu mà anh cảm thấy thế giới bao quanh chúng ta lại vững chắc và trường tồn đến thế?”.
II – TỪ BẢN KIẾN NGHỊ 1 NGƯỜI KÝ, ĐẾN “KIẾN NGHỊ 72”. Đầu năm 1991, trước thềm Đại hội 7, tình hình kinh tế đã có chuyển biến khá, nhưng đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng. Một số lão thành cách mạng họp nhau nhận diện cuộc khủng hoảng và bàn bạc tìm lối ra. Các cụ nhất trí giao cho ông Nguyễn Kiến Giang, nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự thật chấp bút. Đến tháng 3-1991 bản kiến nghị viết xong với tựa đề là “Khủng hoảng và lối ra”. Các cụ họp lại đọc, tất cả đều tán thành, nhưng chỉ có cụ Lê Giản, nguyên giám đốc Nha Công an đầu tiên đồng ý ký tên, số còn lại mỗi người nêu một lý do để từ chối ký tên ! Bởi tháng 3 năm 1990 ông Trần Xuân Bách đã bị kỷ luật vì những luận điểm ná ná bản kiến nghị này. Thế mới biết ở thời ấy nỗi sợ hãi thật là ghê gớm. Trước tình hình đó, Nguyễn Kiến Giang đành xin phép các cụ một mình ông ký tên và gửi cho Bộ chính trị!
Bản kiến nghị Khủng hoảng và lối ra dài hơn 17 trang giấy A4, hơn 10.000 từ. Xin lược ghi những điểm quan trọng.
ĐẶT VẤN ĐỀ:
“Tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài là hiện thực cơ bản bao trùm toàn bộ đời sống xã hội nước ta không ai không thừa nhận….. Văn kiện Đảng gọi là khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng thực chất của nó là thế nào? Nguyên nhân chủ yếu của nó? Có khả năng ra khỏi khủng hoảng hay không? Thoát ra bằng lối nào?
KHỦNG HOẢNG:
Đây là khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội: kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị. Khủng hoảng ở mỗi lĩnh vực vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của khủng hoảng ở các lĩnh vực khác”
Các quan hệ sở hữu không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, do đó vẫn tiếp tục kìm hãm và phá hoại những năng lực sản xuất xã hội. Rõ nhất là ở khu vực sở hữu nhà nước, đang biến thành ổ chứa những bệnh tật hiểm nghèo: Tham nhũng, buôn lậu và lãng phí vô tội vạ…. Những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy nhà nước móc ngoặc với những phần tử lưu manh kết thành những mafia có thế lực khá lớn.
Sự phân hóa xã hội không lành mạnh đang diễn ra…. Nghèo khổ lạc hậu cộng với bất công xã hội làm cho tình hình xã hội rất ngột ngạt.
Trong hoàn cảnh đó, khủng hoảng về tinh thần là không thể tránh khỏi. Chưa bao giờ con người sống chông chênh và lo lắng như bây giờ. Chưa bao giờ đạo đức xã hội bị xói mòn và băng hoại như bây giờ. Tội ác xảy ra ngày càng tăng, mang những hình thức nghiêm trọng hiếm thấy… Các giá trị tinh thần bị lật ngược: Người ngay sợ kẻ gian, người lương thiện có năng lực sống khổ cực hơn kẻ cơ hội; xu nịnh trở thành “mốt” phổ biến.
Khủng hoảng có khía cạnh quốc tế của nó. Xu thế dân chủ hóa phát triển rộng rãi và mạnh mẽ. Trong khi đó nước ta vẫn sống trong thế cô lập với thế giới bên ngoài. Tính chất lạc hậu, lạc điệu của nước ta càng nổi bật lên,tạo thành một sức ép tinh thần lớn đối với nhân dân, nhất là lớp trẻ và giới trí thức..
Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị. Đảng duy trì địa vị độc tôn quá lâu, biến sự lãnh đạo của mình là một tất yếu khách quan trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành chế độ đảng trị hiện nay là một áp đặt chủ quan… Đảng đã tự đánh mất uy tín vốn có. Trong điều kiện đó không thể nói tới một nhà nước pháp quyền. Xã hội gần như sống không có luật pháp. Chỉ cần nhắc tới một sự thật là đã phát hiện 10.000 vụ tham nhũng, nhưng chỉ đưa ra xét xử vài chục vụ mà cũng không xét xử đến nơi đến chốn.
LỐI RA:
Về mặt quốc tế: Quốc tế hóa kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ, dân chủ hóa đời sống xã hội của nhân loại đang tạo cho chúng ta những điều kiện hòa chung vào trào lưu văn minh hiện đại.
Trong nước, những lực lượng ủng hộ đổi mới có khắp nơi, chỉ cần có sự lãnh đạo sáng suốt. Có 2 điểm cần làm rõ:
1- Bài học từ Đông Âu không phải là kìm giữ, bị động đối phó với dân chủ hóa và đổi mới chính trị mà phải là chủ động thực hiên dân chủ hóa và đổi mới chính trị từng bước vững chắc, triệt để.
2- Dân chủ hóa không đe dọa sẽ tước mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Chỉ có đảng nào không gắn bó với nhân dân, biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó thì mới bị sụp đổ.
Chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước trên nền tảng văn minh chung của loài người đã được khảo nghiệm là: Xã hội dân sự (Nguyễn Kiến Giang dùng thuật ngữ “xã hội công dân”); kinh tế thị trường; nhà nước pháp quyền.
Phải tách Đảng ra khỏi các chức năng nhà nước, tách nhà nước ra khỏi chức năng quản lý, điều hành kinh tế, mới có thể vận hành có hiệu quả guồng máy kinh tế- xã hội.
Thay đổi quan hệ sở hữu: Chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu cổ phần và sở hữu tư nhân những phần còn lại. Đối với nông dân thực hiện quyền có (droit de possession) về ruộng đất lâu dài, kể cả quyền thừa kế và chuyển nhượng.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền sát chuẩn mực quốc tế.
Phát huy năng lực trí tuệ của giới trí thức. Tôn trọng tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí. Xóa bỏ độc quyền chân lý là một yêu cầu bức bách về chính trị.
Chuyển quyền lực chính trị từ các cơ quan Đảng sang các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân. Tuyên bố xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp quy định vai trò của Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội chỉ được thực hiện bằng phương pháp thuyết phục.
Mặt trận Tổ Quốc đứng ra triệu tập một Đại Hội quốc dân mới theo kinh nghiệm Đại hội quốc dân ở Tân Trào trước khởi nghĩa Tháng 8 1945 để bàn và quyết định Một chương trình khắc phục khủng hoảng.
Theo tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc, Đảng chỉ cần bảo đảm cho mình một nửa số đại biểu, hoặc một đa số tương đối trong Quốc hội.
Bản kiến nghị với những điều đặt ra hết sức thiện chí đã bị xếp xó. Do đó mà sau 22 năm, tình trạng khủng hoảng toàn diện của đất nước đã tăng lên theo cấp số nhân! Thực tế đất nước và nguyện vọng bức xúc của nhân dân đã hun đúc đưa tới sự ra đời của Bản kiến nghị 72. “Kiến nghị 72” là liều thuốc mạnh chữa một bệnh trạng của Đảng độc quyền lãnh đạo “ung thư đã di căn”, gồm các điểm quan yếu:
- Theo nguyên tắc chủ quyền nhân dân, không định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc một tổ chức chính trị.
- Quy định quyền con người theo đúng tinh thần Tuyên ngôn về quyền con người năm 1948 và các Công ước quốc tế.
- Đất đai thuộc nhiều quyền sở hữu: tư nhân, tập thể, cộng đồng, nhà nước.
- Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập.
- Quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.
- Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc.
Trí tuệ và tầm vóc lớn lao của kiến nghị lần này không phải ở con số gấp 72 lần, cũng không phải 15.000 lần tương ứng với số người đã hưởng ứng ký tên. Điều quan trọng là nó mang sức mạnh tỉnh thức của nhân dân, nhận ra cái tất yếu nhất thiết phải xảy ra! Một số nhà lý luận “phò chính thống”(theo cách nói của Nguyễn Kiến Giang) cố cãi chày cãi cối rằng, 72 hoặc 15000 vẫn là thiểu số. Các ông không nhớ rằng, Kim Ngọc, người khai sinh khoán 10 là rất thiểu số! Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945 với 5000 đảng viên là rất thiểu số! Vấn đề không phải là ít hay nhiều mà là tiềm năng có thể nhân lên nhanh chóng để chiến thắng, hoặc ngược lại thì, dù là một thực thể khổng lồ nhưng rất dễ bị thoái hóa, lụi tàn. Điều quyết định là ở chỗ thuận theo lòng dân và hợp với xu thế tất yếu của thời đại.
Tiếc thay, bản Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh vừa được thông qua, chẳng những không đếm xỉa góp ý của nhân dân mà còn bác bỏ nhiều điều đã được chính Chính phủ gồm có ủy viên Bộ chính trị, ủy viên BCH TƯ đã thảo luận và biểu quyết !
III. XIN CHỚ VỘI REO MỪNG, CŨNG ĐỪNG BUỒN TANG KHỐC!Vô cùng trân trọng sự âu lo của nhà văn Võ thị Hảo khi nghe bà đau đớn kêu lên, ngày thông qua Hiến pháp là ngày tang khốc của dân tộc! Xin đừng quá đau buồn, hãy nhìn kìa, sự tất yếu vẫn cứ đang lừng lững đi tới!
Biên soạn bản Hiến pháp này, người ta đã rất dày công, khéo léo chọn từng câu, tìm từng chữ để hóa trang cho nó có bộ mặt dân chủ, nhân quyền. Trước kia, Stalin, Mao Trạch Đông không cần điều đó. Nói chi xa, Hiến pháp 1980 không cần điều đó. Nghĩa là thời đại đã dần dần buộc dù muốn toàn trị cũng không được ngang nhiên, mà phải khéo diễn đạt bằng ngôn từ tự do dân chủ! Và khi đã đóng vai ông Thiện thì không thể vung dùi cui bạt mạng được!
1 – “Viết hoa chữ Nhân dân”Ngày 9-12 2013 họp báo công bố Hiến pháp, ông Phan Trung Lý chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết “Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân nâng lên một bước vai trò của Nhân dân, Hiến pháp trước hết khẳng định chủ quyền của Nhân dân”.
Viết hoa chữ nhân dân là học cách nói của nhà văn Maksim Gorky khi ông nói “Con người viết hoa” để tỏ ý trân trọng con người lao động và tự do, chứ không phải ông viết hoa chữ con người trong các tác phẩm của mình! Tuy vậy, không vì cách nói của ông mà làm cho nhà nước xô viết Stalin tôn trọng con người, để nhờ đó mà tránh khỏi diệt vong. Các nhà ngôn ngữ sẽ cho ý kiến cách viết đó có đúng ngữ pháp hay không, nhưng vấn đề cần nói là liệu viết hoa tất cả chữ nhân dân trong Hiến pháp có tạo ra được điều kiện để khẳng định chủ quyền nhân dân trong thực tế? Xin nêu 2 điểm sau đây để cùng suy nghĩ:
- Khiếu kiện là một hình thức tỏ bày ý kiến rất cao so với những kiến nghị ở các cuộc họp, hoặc góp ý của cử tri. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói”Không ai thích thú gì đi khiếu kiện”. Vậy thì tại sao người dân bắt đầu khiếu kiện suốt hơn 10 năm qua mà cho đến nay nguyên nhân chính của nó là lời hứa “người cày có ruộng” từ những năm 30 và trước cuộc cải cách ruộng đất ở thế kỷ trước, vẫn chưa được ghi nhận trong Hiến pháp này? Chắc chắn rồi đây, người nông dân sẽ không thể câm lặng!
– Chủ quyền nhân dân nằm trong cái khung của Cương lĩnh! Đại biểu Dương Trung Quốc khi trả lời chuyện ông không bỏ phiếu tán thành Hiến pháp :“Khi đặt lên bàn thì phải nói là các nhà lãnh đạo Quốc hội cũng rất muốn mở rộng dân chủ để mọi người tham gia. Có lẽ cuộc thảo luận đó nó đã khá rộng rãi và nó đi quá giới hạn mà theo tôi quan niệm, là vượt quá xa Cương lĩnh của Đảng cộng sản cho nên về sau họ điều chỉnh lại”. Như vậy “chủ quyền nhân dân” không thể vượt qua cái khung mà Đảng đặt ra trước đó!
2 – Ở các nước dân chủ, Hiến pháp là quyền lực tối thượng.Các Đảng cầm quyền ở các xã hội dân chủ phải xây dựng cương lĩnh của Đảng sao cho nhân dân thấy rằng Cương lĩnh đó có chất lượng thực thi Hiến pháp hiệu quả nhất. Khi quyền con người được Hiến pháp ghi nhận thì nhân dân cứ theo đó mà thực hiện, không phải “theo quy định của pháp luật”để cắt xén vô lối. Ngay dưới chế độ thực dân Pháp, ngày 22-7-1938, Đảng cộng sản Việt Nam đã ra báo Dân chúng không xin phép tại số nhà 43- đường Hamelin (nay là Lê thị Hồng Gấm, quận 1, TP HCM). Chính quyền thực dân Pháp đã chấp nhận. Chẳng lẽ sau nửa thế kỷ đổ bao xương máu để giành độc lập, tự do, người Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp lại bị trấn áp bởi Đảng cộng sản mà mình đã cưu mang? Chẳng lẽ người Việt Nam có một nhà nước “dân chủ gấp vạn lần hơn” như lời bà Phó chủ tịch nước, lại không thể tự do lập ra một cái Hội nhà văn cỡ như Tự lực Văn đoàn dưới nanh vuốt của thực dân Pháp? Nhà nước Việt Nam vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền thế giới với số phiếu cao tuyệt đối. Vậy thì thế giới nhìn vào Việt Nam, họ sẽ nghĩ sao? Và nhân dân Việt Nam nhìn ra thế giới sẽ nghĩ sao về thân phận của mình? Xin đừng quá bi quan! Một sự kiện có tính lịch sử: ngày 23 tháng 9-2013, Diễn đàn xã hội dân sự đã ra đời với một Ban cố vấn gồm có 8 vị có uy tín đã công khai danh tính. Diễn đàn xã hội dân sự thành lập trang mạng với bài vở nhiều chiều, phong phú, do Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhóm trị sự điều hành, qua 2 tháng có hàng triệu khách ghé thăm. Sự kiện này có hai ý nghĩa: Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam muốn chứng minh quyền con người được ghi trong Hiến pháp là có thực; mặt khác, người Việt Nam cũng đã bắt đầu hiểu rằng quyền con người là do “tạo hóa ban tặng”, không phải cúi xin và chờ được cho. Rồi từ đó, quyền dân chủ của công dân cũng sẽ được hiểu như thế, phải đòi hỏi một chế độ bầu cử tự do để có một Quốc hội thực sự của dân, do dân, vì dân.
3- “Đảng phải như thế nào mới là Đảng lãnh đạo chứ!”Để chứng minh Đảng cộng sản Việt Nam xứng đáng là Đảng lãnh đạo, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Một Đảng gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng như thế mới là Đảng lãnh đạo chứ!”.
Như vậy là từ nay nhân dân sẽ đòi: Không thể để cho một ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh bất chấp việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, ngang nhiên khẳng định Trường Sa, Biển Đông là của họ, vẫn cứ sang Tàu cam kết đưa họ lên vùng đất Tây nguyên có ý nghĩa chiến lược về an ninh, để khai thác bô xít, tàn phá môi trường, đe dọa nguồn nước sông Đồng Nai, bán alumina cho họ dưới giá thành, mà không bị gọi ra tòa! Từ nay, Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” ghi trong Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh”, nếu nó tiếp tục gây thất thoát cỡ Vinashin. Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc từ chối nội dung nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, nếu nạn tham nhũng tiếp tục hoành hành không thể ngăn chặn. Nhân dân phải có tiếng nói của mình khi câu “tình trạng tham nhũng diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn được” cứ lặp đi lặp lại từ nghị quyết Đại hội này sang Đại hội khác. Mới đây, ngày 13-12- 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam tham nhũng đứng thứ 4 Châu Á, chỉ khá hơn 3 nước đại tham nhũng là Bắc Triều Tiên, Apganistan, Somalia. Đảng sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu như năm 2014, Tổ chức Minh bạch thế giới lại tiếp tục có đánh giá tương tự ?
Cái tất yếu sẽ đến một cách hòa bình như vậy. Trong xu thế hội nhập quốc tế không có điều gì bưng bít được, cũng không có điều gì bị kiêng kỵ cho rằng chỉ phù hợp với Phương Tây. Bởi ông cha ta ngày xưa đã dám cắt bỏ cái búi tóc mà theo văn hóa truyền thống “ cái tóc là gốc con người”, tức là các cụ đã theo phương Tây đấy!
Lịch sử cho thấy thấy xu thế tất yếu nhất thiết phải xảy ra, không có thế lực nào ngăn chặn được. Nhưng tùy hoàn cảnh, điều kiện, nó sẽ đến nhanh hay chậm và với hình thức nào. Con người có thể tác động để tạo ra điều kiện tương ứng. Nếu các thế lực độc tài, bảo thủ điên cuồng ngăn chặn bằng vũ lực thì cái tất yếu sẽ đến cùng với gươm và súng. Đó là bài học Lybia, Syria. Tuy không cưỡng chế nhân dân bằng vũ lực, nhưng lại cố chần chừ, không chịu mau chóng cải cách chính trị thì, nó sẽ đến với cách mạng hoa cam, hoa nhài, như ở Ucraina. Dù không đổ máu, nhưng nó cũng gây xáo trộn, ngưng trệ sự phát triển đất nước. Sẽ rất may mắn nếu như đất nước có những nhà cầm quyền sáng suốt cùng nhân dân cải cách chính trị, thực hiện tự do, dân chủ thì “cái tất yếu” sẽ đến với nụ cười và niềm vui hòa hợp, hòa giải. Đó là cuộc Đổi mới kinh tế,(có thể gọi là “cải cách một nửa”!) của Đại hội 6 ở Việt Nam và cải cách triệt để như Myanmar mới đây. Cải cách triệt để, toàn diện để đất nước không phải qua cách mạng hoa cam, hoa nhài đang là tâm nguyện của người Việt Nam yêu nước. Có thể tin rằng, cuối cùng các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay sẽ vận dụng tốt nhất bài học từ Đại hội 6 của Đảng cộng sản Việt Nam để đón “cái tất yếu” đang hòa bình đi tới với nụ cười hòa hợp, hòa giải, đại đoàn kết dân tộc!
Tống Văn Công (nguyên là Tổng biên tập báo Lao động).Ngày 17-12- 2013
Mạng xã hội và bảo mẫu
Đang quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa mạng xã hội và báo chí nên tôi quan sát vụ hai bảo mẫu hành hạ con trẻ dưới góc độ này và thấy một số điều như thế này. Lúc nào xảy ra một vụ gây xôn xao như thế này đều xuất phát từ báo chí trước, ngay sau đó mạng xã hội là nơi làm bùng phát sự phẫn nộ của mọi người dưới nhiều sắc thái khác nhau, lan tỏa như đám cháy rừng. Sự phẫn nộ đó lây lan ra báo chí chính thống, buộc hàng loạt tờ báo khác vào cuộc. Mọi việc bị đẩy tới đỉnh điểm.Báo chí Việt Nam thường chọn mảng đề tài "dễ và an toàn" để đưa tin: Ảnh 1: Nhà báo bu quanh tội phạm giết người Nguyễn Đức Nghĩa. Ảnh 2: Nhà báo bu quanh 2 bảo mẫu hành hạ trẻ em Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Ảnh 3: Nhà báo bu quanh "hoa hậu bán dâm" Minh Xuân. Ảnh 4: Nhà báo bu quanh... vô tuyến truyền hình đang phát trực tiếp buổi xét xử Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI toàn quốc Dương Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Ký Yêu Nước)
Sau đó một thời gian, ngắn dài tùy lúc, nhưng thường xuất phát từ mạng xã hội với một cây bút được nhiều người theo dõi, đưa ra một góc nhìn khác, tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn. Ví dụ ở đây là trách nhiệm của bố mẹ vì không lẽ con họ bị hành hạ như thế suốt một thời gian dài mà họ không phát hiện được? Dư luận mạng xã hội chùng lại và có khả năng bục ra ở một hướng hoàn toàn mới. Chẳng hạn trong vụ này là tấm hình hai bảo mẫu chịu sự soi mói của báo chí làm một số người đặt vấn đề sự căm thù, tính bạo lực không giải quyết được vấn đề…. Cứ như thế mạng xã hội như một cơ thể sống, thay đổi liên tục.
Theo tôi ở trên mạnh xã hội các làn sóng xúc cảm thay đổi từng giờ là chuyện bình thường – vậy nó mới là mạng xã hội. Chẳng hạn, sự phẫn nộ ban đầu (hoàn toàn chính đáng) có thể là để giải tỏa mặc cảm (bỗng nhận ra) là lâu nay mình không quan tâm đến con cái, không lắng nghe chúng, không biết vì sao nó sợ hãi khi bị đưa đi nhà trẻ. Đó có thể là cảm giác ân hận, cảm giác mình cũng có lỗi… và đó chính là hiệu ứng tích cực từ câu chuyện đáng buồn này – nó giúp cảnh tỉnh mọi người trong một chừng mực nào đó. Mọi tranh cãi đều có ích, ít nhất nó giúp nhiều người giảm stress.
Nhưng làm báo phải thận trọng không thể chạy theo xúc cảm của mạng xã hội vì rất dễ chạy quá đà, rơi vào chỗ lố bịch. Làm báo là phải có sự tỉnh táo cần thiết. Ví dụ chạy theo mạng xã hội để lôi các trang Facebook của hai người bảo mẫu này với người thân của họ là quá đáng. Ví dụ cho nhịp phim chạy nhanh lên nhiều chỗ để nhấn mạnh hành vi bạo lực là không trung thực. Ví dụ đẩy làm sao thành “sẽ xét xử lưu động” sao giống thời Trung Cổ quá.
Theo tôi lẽ ra báo chí chính thống nên khai thác những đề tài này, nó quan trọng hơn nhiều:
- Vì sao công nhân nghèo không gởi con được vào các trường mầm non công lập? Các trường mầm non công lập hiện dành cho ai?
- Vì sao một nhà giữ trẻ chưa có phép mà vẫn hoạt động, không ai xử lý?
- Vì sao quy trình đào tạo đại học giáo dục mầm non vẫn đẻ ra những nhân vật bảo mẫu như thế?
- Có biện pháp gì để ngăn chận hiện tượng bạo hành với trẻ nhỏ vì đây không phải là trường hợp cá biệt. Gắn camera có phải là điều khả thi?
- Bạo lực thân thể đã là đáng lên án nhưng trẻ nhỏ và ngay cả học sinh cấp một hiện còn chịu nhiều cảnh bạo hành tinh thần còn ghê gớm không kém. Cái quan trọng nhất là không ai lắng nghe trẻ nhỏ cả. Vì sao? Nguyễn Vạn Phú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét