Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Bài viết hay(756)

Hải Huỳnh (Danlambao) – Tin từ nhà tù IDC-Bangkok Thailand cho hay Đặng Chí Hùng đã được đưa về đây. Các cơ quan truyền thông của Thái Lan cũng như các cơ quan an ninh của Thái Lan cũng đã biết về trường hợp đặc biệt của Đặng Chí Hùng. Điều đáng ghi nhận là cơ quan an ninh của Thái Lan không đáp ứng yếu cầu quá đáng của cơ quan an ninh Việt Nam là bàn giao Đặng Chí Hùng cho họ. Khi có sự sốt sắng của tòa đại sứ Việt Nam cũng như các nhân viên tình báo của Việt Nam thì Thái Lan nghi ngờ và e dè trong trường hợp này.

Nguồn tin của chúng tôi cho biết là Đặng Chí Hùng được “đặc cách” về chung phòng với người ngoại quốc da trắng chứ không bị đưa về chung với phòng có người Việt. Ban đầu ai cũng nghĩ là Đặng Chí Hùng sẽ về phòng 5 là nơi giam chung 8 người tỵ nạn chính trị ở IDC. Một nguồn tin cũng từ Bangkok cho hay là sáng nay 16.12.2013 thì người nhà của Luật sư Trần Quốc Hiền đã tiếp xúc được với Hùng trong buổi thăm nuôi sáng nay.

Khi biết chắc không bị trả về Việt Nam thì tinh thần của anh Đặng Chí Hùng cũng thoải mái hơn một chút. Nguồn tin của chúng tôi cho biết là đã thấy anh Hùng ra sân vận động nhỏ trong nhà tù IDC để tập thể dục. Phải nói rằng đây là trường hợp tù IDC đặc biệt được quan tâm ngay khi người tù này chưa được đưa về đây.
Bên cạnh đó cũng có tin từ UNHCR-Bangkok cho hay là buổi chiều ngày 16.12.2013 đại diện của Cao ủy tỵ nạn LHQ cũng đã đến nhà tù IDC để gặp gỡ Đặng Chí Hùng.

Như vậy cho đến hiện nay thì kế hoạch bắt sống hay ám sát Đặng Chí Hùng của tình báo Việt Nam đã thất bại. Yếu cầu dẫn độ Đặng Chí Hùng về Việt Nam của tòa Đại sứ Việt Nam tại Bangkok cũng bị Thái Lan bác bỏ Khi tòa đại sứ Việt Nam xuất hiện đòi yêu cầu dẫn độ Đặng Chí Hùng thì phía nhà tù IDC nói họ biết là hiện nay IDC đang giam giữ gần 100 công dân Việt Nam và trước đây họ đã nhiều lần gởi công hàm yêu cầu Tòa đại sứ Việt Nam tại Bangkok đến phối hợp để đưa những công dân Việt Nam về nước nhưng luôn bị phớt lờ. Bây giờ cần giải quyết những trường hợp này trước.
Về tình hình của Trương Quốc Huy xin được cập nhật như sau. Trương Quốc Huy đã được đưa về nhà tù IDC-Bangkok vào buổi sáng ngày 16.12.2013 và được đưa về phòng 6. Số tù của Trương Quốc Huy là IDC 30959. Trường hợp của Trương Quốc Huy đã có quy chế tỵ nạn của Cao ủy tỵ nạn LHQ.
Nhà tù IDC hiện nay giam giữ nhiều người thuộc các sắc tộc Ê Dê, J’rai, Kh’mer của Việt Nam qua Thái Lan tỵ nạn nhưng chưa được UNHCR cấp quy chế tỵ nạn.

Cần nói thêm tất cả những người nhập cư vào Thailand bất hợp pháp hay ở quá hạn visa mà bị cảnh sát Thái Lan bắt thì trong vòng 48 tiếng đồng hồ sẽ ra tòa án Thái xét xử tội nhập cư bất hợp pháp và phải bị đóng tiền phạt là 6000 THB. Sau khi đóng tiền phạt thì bị đưa về nhà tù IDC. Người Việt Nam thì chờ tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy thông hành có giá trị trong vòng 30 ngày. Trong thời hạn này thì gia đình mua vé máy bay một chiều cho nạn nhân bay về Việt Nam. Nếu gia đình không thể thực hiện được việc này thì tù nhân Việt Nam có thể nhờ dịch vụ trong tù IDC này làm nhưng giá cả đắt hơn là có người thân bên ngoài tự làm. Những ai có quy chế tỵ nạn thì có thể đóng tiền thuế chân là 50000 THB (gần 2000 USD) và sau đó mỗi tháng đi trình diện cảnh sát Thái Lan một lần. Cho đến ngày rời khỏi Thái Lan đi tỵ nạn thì phải tuyên thệ là từ nay không được nhập vào Thái Lan bất hợp pháp. Những người nhập cư vào Thái Lan bất hợp pháp sẽ bị phạt cấm quay trở lại Thái Lan trong vòng 3 năm.

Qua đây cũng xin thông báo là trong nhà tù của IDC cũng có cantin phục vụ tù nhân bị giam giữ bất hợp pháp. Giá cả có đắt hơn bên ngoài nhưng không đắt đỏ kiểu cắt cổ như trong tù Chí Hòa, Bố Lá, Z30A của nhà nước Việt Nam. Khoảng 10 USD thì tù nhân IDC có thể sống qua ngày đầy đủ bình thường.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi mọi diễn biến liên quan đến các anh em dân chủ bị nạn tai Bangkok-Thái Lan. Luôn đây cũng thông báo luôn là trường hợp Lê Văn Quang cũng đã đóng tiền phạt 6000THB (khoảng 200 USD) nên không phải bị cưỡng bức lao động để trừ tiền phạt.  
Cần nói rõ Đặng Chí Hùng là một người trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc XHCN nhưng anh đã thấy rõ sự thật về CS và anh đã viết ra "Những sự thật cần phải biết" đăng trên trang Dân Làm Báo(nay đã đến phần 30).
Chúng tôi cần anh
Có một ngày buồn nhất trong đời tôi
Đó là ngày được tin anh bị bắt
Nắng ngoài hiên chợt tắt
Chung quanh tôi lặng ngắt một khoảnh trời.

Đặng Chí Hùng
Anh và tôi chưa từng gặp trong đời
Nhưng gắn bó như đã quen nhau từ niên thiếu
Bọn chúng ta sinh trong thời “đồ đểu”
Nên cuộc đời thiếu vắng những niềm vui
Tuổi thanh xuân phải sống trốn sống chui
Trên đất nước gọi là “thiên đường cộng sản”
Anh vì dân đã vạch trần tội ác
Của tập đoàn bán nước Việt Nam
Từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng bầy đàn
Đưa dân tộc đến điêu tàn mất nước.

Đặng Chí Hùng
Anh là người yêu nước
Yêu tự do, yêu dân chủ, dân quyền
Anh phải được bình yên
Được che chở bởi hồn thiêng sông núi
Cuộc chiến này đang đi vào đoạn cuối
Bọn cọng nô đang đuối sức làm càn
Cầu mong anh trên đất nước Thái Lan
Thoát kiếp nạn cùng chúng tôi chiến đấu.

Lê Dủ Chân (DanLamBao)12/13/2013
(http://baovecovang2012.wordpress.com/category/tai-lieu-bien-khao/dang-chi-hung/)
Chúng ta phẫn nộ để làm gì?
Hôm qua trên khắp các mặt báo tràn ngập thông tin về việc hai cô bảo mẫu ở Thủ Đức (Sài Gòn) bạo hành trẻ mầm non.
Các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã kiên trì theo dõi khá lâu để có một đoạn phóng sự khiến dư luận phẫn nộ.
Trên mạng xã hội hàng loạt status và comment đòi phải trừng trị hai bảo mẫu kia thật nghiêm minh.
Phản ứng thường thấy của những người lớn khi trẻ con bị bạo hành đó là đòi đánh đập, xé xác, bắt những con người dã man kia phải hứng chịu những hình phạt như họ đã làm với con trẻ.
Phản ứng khác hơn một chút có người đưa ra giải pháp khác là nên đưa con đến các nhà trẻ tốt hơn, tin tưởng hơn với giá cao hơn.
Vấn đề chúng ta cần bình tĩnh xem xét nghiêm túc rằng đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành nhức nhối trên mặt báo.
Đã có bao nhiêu lần bạo hành xảy ra, đã bao nhiêu lần trẻ con bị ngược đãi?
Hành vi sử dụng bạo lực để nuôi dạy trẻ của mẹ con bà Quản Thị Kim Hoa đã bị phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai ghi hình và phát sóng vào ngày 15/1/2008, gây bức xúc dư luận cả nước. Kết quả mức án 18 tháng tù giam có làm giảm đi nạn bạo hành trẻ mầm non không?
Xin thưa là không.
Mới nhất là ngày 16/11/2013, cháu bé 18 tháng tuổi Đỗ Ngọc Long đã bị bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ xách ngược lên doạ khi cháu không chịu ăn và làm té xuống sàn, sau đó lại bị đạp liên tiếp vào bụng dẫn đến tử vong.
Chúng ta phẫn nộ, chúng ta sục sôi khi đọc tin nhưng chúng ta ngồi im để sự phẫn nộ ấy trôi qua như một tiếng chặc lưỡi.
Chưa bao giờ chúng ta - những người lớn, những người đã, đang và sẽ làm cha làm mẹ nghĩ đến việc lên tiếng để yêu cầu phải có thay đổi từ hệ thống giáo dục – nguồn gốc chính dẫn đến tình trạng rối ren và ảnh hưởng đến tương lai của con cái chúng ta.
Xem xét kỹ lại các tình huống đã xảy ra những vụ bạo hành thương tâm, đa phần là ở các nhà trẻ tư, nơi có nhiều công nhân nghèo xa quê sinh sống.
Chúng ta – những người lớn, chưa một lần nghiêm túc nghĩ đến việc lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của thế hệ tương lai.
Năm 2008, báo Sài Gòn Tiếp Thị có đăng bài “Khi sữa mẹ còn chảy ròng ròng trên ngực áo” (1) của nhà báo Trung Hồ. Và đến nay lời đề nghị “Thưa ông bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, xin hãy ra ngay một lệnh buộc các trường mầm non nhận ngay các cháu kể từ bốn tháng tuổi, khó khăn nếu có sẽ cùng tìm ra cách giải quyết” của nhà báo này đã rơi vào quên lãng.
Đã có lúc nào chúng ta, những người lớn nghĩ rằng mình sẽ phải lên tiếng để yêu cầu các cơ quan chức năng phải nghiêm túc giải quyết vấn đề nhận giữ trẻ ngay khi các bà mẹ kết thúc giai đoạn nghỉ thai sản quay lại làm việc chưa?
Chúng ta phẫn nộ vì sự tàn ác của các bảo mẫu nhưng có lúc nào chúng ta thật sự quan tâm đến việc các khu công nghiệp có công nhân nghèo xa quê phải có các nhà trẻ được đăng ký và giám sát chặt chẽ bởi hệ thống công quyền chưa?
Có nhiều cha mẹ quan tâm đến chất lượng và sự quản lý đào tạo ở các nhà trẻ của các cơ sở tôn giáo nhưng ít biết rằng các cơ sở này rất khó khăn khi muốn cấp phép hoạt động bình thường như bao cơ sở khác. Và chúng ta sẽ phải làm gì nếu muốn lựa chọn những trường học như thế này cho con cái chúng ta?
Chúng ta phẫn nộ để làm gì? Cần bao nhiêu lần chúng ta phẫn nộ nữa để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ mầm non?
Chính chúng ta - những người lớn cũng có lỗi vì không bảo vệ được trẻ em khỏi sự bạo hành này.
Chúng ta phẫn nộ mỗi ngày khi có sự việc xảy ra, nhưng lại chấp nhận sống chung với nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ ấy chỉ vì nó chưa đụng chạm đến con em mình. Đó là một hình thức dạy dỗ con em chúng ta trở nên ích kỷ với cuộc sống xung quanh.

Chúng ta phẫn nộ khi thấy trẻ con bị đánh, người dân bị án oan 10 năm vì bức cung, người lao động nghèo bị bóp cổ, tham nhũng tràn lan trong xã hội.. Và chúng ta phẫn nộ trong im lặng bởi nó chưa đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng mắt thường.
Và mọi thứ cứ lặng lẽ trôi qua như một ấm nước sôi sùng sục rồi trở nguội, không có gì thay đổi. Vậy thì chúng ta phẫn nộ để làm gì?
Đã đến lúc đừng để sự phẫn nộ của chúng ta dần trở nên một phản ứng bình thường và vô cảm nếu chúng ta muốn mọi thứ thay đổi thật sự.Mẹ Nấm 
Sự lạnh nhạt dễ hiểu

Cả thế giới vô cùng tiếc thương quý mến nhà hoạt động chính trị da đen Nelson Mandela vừa qua đời.
Hơn 100 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, kể cả bốn tổng thống và cựu tổng thống Hoa Kỳ, và hơn 70 ngàn quần chúng đã tập trung đưa tiễn ông.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho rằng ông Nelson Mandela là một người “khổng lồ trong lịch sử”( A giant in history), còn ngụ ý rằng có Nelson Mandela là tổng thống da đen ở một nước đa số là người da đen mới đi đến có một tổng thống gốc da đen ở một nước đa số là người da trắng. Một bước tiến dài trong nền văn minh nhân loại khi con người bình đẳng, tự do.
Đến Cộng sản Trung Quốc cũng cử phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều và Cuba có Chủ tịch Raul Castro sang dự.
Còn Việt Nam ư? Một sự lặng im bẽ bàng đến tội nghiệp của bộ máy nhà nước nặng nề và bộ máy truyền thông lề phải vốn ầm ĩ lắm mồm. Báo Nhân dân cầm chịch đưa một tin ngắn, nhạt thếch, không một bài bình luận.
Không một đại diện chính phủ nào được cử sang Nam Phi dự quốc tang này.
Một sự câm lặng và vắng mặt nổi bật.
Rất dễ hiểu. Những gì Mandela chủ trương, kiên trì thực hiện đến cùng trong cuộc đời Ông gần như hoàn toàn trái ngược hẳn với những gì những thế hệ kế tiếp lãnh đạo ở Việt Nam chủ trương và kiên trì đến cùng.
Một bên là hòa bình, hòa giải, hòa hợp trong một đất nước bị chia rẽ, xâu xé, nghèo khổ, tan hoang vì tai họa phân biệt chủng tộc tưởng như họa truyền kiếp. Trong cuốn hồi ký No Easy Walk to Freedom (Đi đến Tự do không dễ dàng), ông kể lại những đắn đo, cân nhắc, băn khoăn dày vò tâm trí ông, những trở ngại trùng điệp về nhận thức tư tưởng của cả phía ta và phía đối phương tưởng như không sao vượt qua nổi, để rồi ông từng bước chinh phục được cả 2 phía, đi vào con đường tuyệt vời của chung sống hòa bình, của hòa giải, hòa hợp dân tộc, kẻ thù thành bạn đối tác, 2 bên cùng thắng.
Xúc động bao nhiêu khi ông tỏ ra quý trọng vô cùng mạng sống của mỗi con người, từ em bé, phụ nữ, người đau yêu, nhất là sinh mạng người lính phần lớn là trẻ măng trong chiến tranh. Ông kể rằng ông sinh ra năm 1918 khi Thế chiến I chấm dứt với hàng triệu người chết thê thảm trên chiến trường, để rồi thời trai trẻ được sống giữa những năm Thế chiến II (1939 / 1945) còn man rợ gấp nhiều lần, tiếp theo lại còn những cuộc chiến ở châu Á và châu Phi, đồng loại đồng bào ăn thịt nhau như loài dã thú. Ông dứt khoát dồn tư duy chống lại những điều vô nhân ấy, bắt đầu từ thuyết phục chính mình, vì chính ông đã bị kết án tù chung thân về tội cầm đầu hệ thống khủng bố ở Nam Phi. Ông nhất quyết chuyển sang con đường của Gandhi.
Một điều tuyệt vời nữa ở Nelson Mandela là nhận thức của ông về giá trị của luật pháp. Hòa bình, hòa giải, tự do, bình đẳng đều phải được thể chế hóa thành luật, luật điều hành mọi mối quan hệ trong xã hội văn minh. Từ trong tù của người tù chung thân, ông dốc sức học ngành Luật có thi cử, chứng chỉ hẳn hoi của Đại học London ( Anh quốc) rất nổi tiếng. Ra tù nhà luật học uyên bác Mandela trực tiếp góp công đầu vào bản Hiến pháp 1996 của Nam Phi,một nền móng vững cho nền pháp trị của một đất nước vừa có độc lập vừa có tự do và dân chủ. Ông cho rằng tự do kinh doanh theo luật là chìa khóa của phát triển, phồn vinh.
Một nét quý hiếm trong con người của Mandela là cốt cách cao thượng ẩn mình trong đức độ cực kỳ khiêm tốn. Sức thu hút của ông là ở đó. Là tổng thống ông sống hết sức giản dị, thường đi vi hành, không xe mở đường, xe hộ tống ồn ào, chú ý các thôn xóm quạnh hiu, không ưa yến tiệc xa hoa. Mọi người còn nhớ môn thể thao bóng bầu dục rugby trước kia được coi là môn thể thao quý phái chỉ dành cho người da trắng, nên người da đen rất ít chơi, người đi xem đấu thường 95% là da trắng. Do kỳ thị trở lại, dân da đen rất ghét màu áo thể thao màu xanh lá cây của đội Nam Phi, cả khi đội dành được Cúp quán quân thế giới về rugby năm 1995. Tổng thống Mandela liền mời cả đội toàn cầu thủ da trắng đến nhà riêng uống trà thân mật . Tại đây thủ quân Francois Pienaar tặng ông chiếc áo cầu thủ mầu xanh lá cây số 6; ông vui vẻ tiếp nhận với thái độ khiêm tốn chan hòa, mặc luôn vào người. Từ đó đông đảo dân da trắng công nhận và vui vẻ gọi ông là “ My President, Our President ” (Tổng thống của chúng tôi), khác hẳn trước đó. Sự hòa giải hòa hợp thống nhất dân tộc làm giảm đi rất nhanh di sản apartheid nặng nề từng ngự trị suốt 4 thế kỷ tại đây.
Trông người lại ngẫm đến ta. Ông Hồ Chí Minh nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng lại đóng cửa trường Luật, ngăn cấm sự hình thành xã hôị dân sự, tự coi đảng là pháp luật. Ông nói “xã hội ta dân chủ công bằng”, nhưng ông lại quay hẳn mặt đi khi bà Nguyễn Thị Năm ân nhân của đảng ông bị đưa ra pháp trường, khi ông Nguyễn Mạnh Tường bị tước hết chức và bị triệt đường sinh kế, khi ông Nguyễn Hữu Đang bị truy tố, tù đày, cả khi người tâm phúc Vũ Đình Huỳnh bị lâm nạn do vu cáo; ông vẫn dửng dưng, ung dung trên ngôi chủ tịch nước suốt 24 năm trời. Một sự vô cảm vô trách nhiệm làm gương xấu cho mọi cán bộ có chức quyền , gây vô vàn tai họa cho dân lành.
Khi đất nước bị chia cắt , hậu quả của thế giới chia làm 2 phe Cộng sản và Dân chủ, theo ý kiến của Chu Ân Lai và Molotov, đại diện cho Trung quốc và Liên Xô tại Hội nghị Geneve 1954 , quy định rõ Bắc Nam có 2 chính quyền riêng, phải tôn trọng nhau, không vi phạm lãnh thổ của nhau, sẽ hiệp thương để đi đến tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình. Các bên cam kết không dùng bạo lực vũ trang. Lúc ấy Liên Xô cũng khuyến cáo 2 miền Nam Bắc VN nên thi đua xây dựng trong hòa bình, lấy nhân dân cả nước làm trọng tài phán xét và lựa chọn. Ông Hồ và Bộ Chính trị hồi ấy sùng bái Mao Trạch Đông, nhân khi chính quyền miền Nam không thực hiện tổng tuyển cử trong cả nước, liền lợi dụng sự việc ấy để công khai thực hiện lời dạy của người cầm lái vĩ đại là “chính quyền đẻ ra từ nòng súng”’ và “ bạo lực là bà đỡ của cách mạng “. Nấp sau cái lý sự “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh” miền Bắc bắt đầu đưa bí mật rồi nửa công khai quân đội và vũ khí vào miền Nam với quy mô ngày càng lớn, dựng lên Mặt trận Giải phóng, quân Giải phóng, đảng Nhân dân Cách mạng, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời với Bộ Quốc phòng , Bộ Ngoại giao, với cả lá cờ nửa đỏ nửa xanh, tất cả là bình phong, mưu mẹo, là đóng kịch, mang bản chất lừa dối để che mắt thế gian việc đảng CS và chính quyền miền Bắc vi phạm có hệ thống và nghiêm trọng Hiệp định Geneve.
Vậy thì so sánh giữa tư duy lãnh đạo thâm sâu cao quý của Mandela quý trọng sinh mạng con người, từ bỏ bạo lực chiến tranh, đặt trọn niềm tin ở con đường hòa giải hòa hợp, 2 bên cùng thắng và cùng nhân dân thực hiện đến cùng niềm tin ấy, với tư duy lãnh đạo của Việt Nam vay mượn từ Lênin, từ Mao, cổ xúy bạo lực, lao vào “cuộc chiến tranh giải phóng, chống Mỹ xâm lược” thực chất là cuộc nội chiến quân ta giết quân mình nhiều nhất, hăng say nhất, ta có thể rút ra điều gì bổ ích nhất? Rõ ràng ở ta đã thiếu một tư duy lãnh đạo thâm sâu mang bản chất nhân bản, yêu thương sinh mạng con người, một tư duy xây dựng nền pháp quyền dân chủ, niềm tin ở tình đoàn kết dân tộc để hòa giải trọn vẹn. Đã đến lúc cần nói thẳng ra rằng tư duy ông Hồ Chí Minh cũng có nhiều sai lầm bất cập, không theo kịp thời đại, rõ rành rành không thể chối cãi khi so với tầm nghĩ, tầm nhìn của Nelson Mandela, cùng sống trong thế kỷ XX đầy biến động.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo đảng CS nên mở cuộc nghiên cứu trung thực về Nelson Mandela trong các cấp ủy đảng, kết hợp kiểm điểm sâu sắc theo đúng tinh thần của cuộc họp Trung ương thứ 6 và thứ 8, tự phê bình cho nghiêm túc , từ đó xây dựng một hệ thống dân chủ pháp trị đích thực, thực hiện hòa giải dân tộc trọn vẹn, chấn chỉnh đảng CS đang suy thoái thê thảm. Đó là con đường cứu dân, cứu nước, cũng là cứu đảng đang lao xuống dốc và lâm nguy vậy.
Bùi Tín
Bỏ Đảng Chạy Lấy Người
ĐCSVN đã tàn phá nặng nề khả năng phản biện, đầu độc tư tưởng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong tổ chức này ngay từ khi tâm hồn họ còn rất trong sáng, động lực đầy nhiệt huyết. - Nguyễn Chí Đức
Sau khi lòng vòng qua nhiều tiểu bang, cuối cùng, tôi dừng chân ở California. Vùng đất này không nóng như Texas và không lạnh như Kansas, hay Arkansas – nơi tôi đã trải qua một mùa đông mà cả đất lẫn trời đều trắng xoá như bông.
Bên cạnh cái ưu điểm nổi bật là khí hậu ôn hoà, quanh năm nắng ấm, sống ở California cũng có đôi điều bất tiện: động đất hoài hoài và khách khứa đều đều – dù bạn không mời, kể cả mời lơi. Khách đến chơi tuy không gây thiệt hại về nhân mạng, và tài sản như thiên tai nhưng cũng dễ để lại những đổ vỡ (tình cảm) còn phiền phức hơn động đất.
Không trước thì sau, người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới (thế nào) cũng có hôm bước chân đến Mỹ. Xong, chắc chắn sẽ phải phải ghé qua California – ít nhất cũng đôi ngày.
Bởi vậy, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cú điện thoại từ xa (nghe) hết sức... bùi ngùi – đại khái như “văn kỳ thanh nhưng bất kiến kỳ hình nên muốn có dịp gặp gỡ để hàn huyên tâm sự,” hay (nghiêm trọng hơn) “để bàn chuyện quốc sự!”
Ý Trời, nói gì nghe thấy ghê dữ vậy?
Đã có không biết bao nhiêu độc giả (nhất định) phải vượt hàng vạn dặm đến California để gặp tôi – một anh già mặt mũi dị hợm, sặc sụa hơi men, quần áo tả tơi, người ngợm hôi hám, ăn nói quàng xiên – cùng với một tiếng thở dài, khó nén!
Những vụ “diện kiến” bẽ bàng như thế là cơ hội rất tốt để thiên hạ ôn lại (và nhớ mãi) lời dậy của cổ nhân: người trông xa ma trông gần! Mà kinh nghiệm đắng cay này không chỉ đúng với con người mà còn đúng luôn cho những đảng phái tổ chức nữa (trông càng xa càng tốt) nhất là với Đảng CSVN.
Chính xác là bao xa, cho biết liền đi, sao nẫy giờ (chưa say) mà cứ lòng vòng hoài vậy - cha nội?
Theo tôi phải xa tuốt luốt tận Châu Âu, Châu Mỹ – hoặc Châu Phi càng tốt – còn nếu tại Châu Á thì tối thiểu cũng phải (xa) cỡ từ Nhật Bản:
Đỗ Diệu Hương, hiện đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại ĐH châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Oita, được kết nạp Đảng ở tuổi 20...
Diệu Hương nhận xét: “Ở VN, các chi bộ Đảng có thể họp mặt thường xuyên để quản lý và củng cố tư cách người đảng viên tốt hơn. Còn ở nước ngoài không có điều kiện như vậy nên việc rèn luyện bản thân là quan trọng nhất”.
Sống xa Tổ quốc, ngoài việc học tập, lao động và kỷ luật tốt cần phải tích cực tham gia giao lưu với cộng đồng quốc tế. Diệu Hương luôn ý thức được mình chính là tấm gương phản ánh thế hệ trẻ VN với bạn bè thế giới, vì vậy cần phải sống trách nhiệm và gương mẫu.


Các bạn trẻ là lưu học sinh VN ở nhiều nơi trên nước Nhật về dự một lớp cảm tình Đảng ở vùng Kyushu – Okinawa. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ Online
Nữ đảng viên Đỗ Diệu Hương, có lẽ, nên ở luôn bên Nhật để “rèn luyện bản thân” (cho nó chắn ăn) chớ sinh hoạt chi bộ đảng ở nước ta – xem ra – có vẻ linh tinh lắm. Khi blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên còn tại thế, tôi đã nghe ông kể vài “chuyện ngắn” sau:
1. Mình có quen một cậu là đảng viên, nhà ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Có lần mình vô tình nghe nó với thằng bạn là lái xe đường dài nói chuyện, thằng bạn hỏi:
- Thế ông đợt này ở nhà làm gì?
- Thì vẫn công tác đảng thôi.
- Phải kiếm việc gì mà làm, chứ vô công rồi nghề thế thì chết!
2. Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có Phó Chủ tịch UBND xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon, thịt chó ngon. Nhân câu chuyện về tình hình an ninh - trật tự ở địa phương, Phó Chủ tịch xã nói:
- Báo cáo các bác! Số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí. Còn Đảng viên Chi bộ bọn em có... 16 thằng!
Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!
Tôi không dám nói là bác Nguyên “nói điêu” nhưng chuyện ông kể có vẻ hơi khó tin, ít nhất thì cũng không dễ tin bằng câu chuyện (tiếp theo) của bác Phạm Đình Trọng:
Sáng chủ nhật, tôi vừa mở máy vi tính mới viết được mấy dòng thì có chuông gọi cửa làm đứt mạch suy nghĩ. Xuống cầu thang ra mở cửa, thấy ông hàng xóm là đảng viên cùng sinh hoạt tổ đảng với tôi mà ít ngày trước tôi đã phải mất một buổi tối họp kiểm điểm ông về cái tật lãng nhách, rất không đáng có ở một đảng viên của đảng cách mạng, đảng chính trị là tật tối ngày nhậu nhẹt bét nhè, bê tha, đã kéo dài suốt nhiều năm của ông. Nay một người như thế đến bảo tôi nộp cho ông bản thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh!
Kinh nghiệm của ông nhà văn tuy có hơi cay đắng nhưng (nói nào ngay) vẫn cũng chưa đến nỗi phũ phàng như trường hợp của ông Vi Đức Hồi, Giám Đốc Trường Đảng huyện Hữu Lũng – Lạng Sơn:
Bác trưởng khu đề nghị:
-Bây giờ đến mục các đại biểu phát biểu ý kiến!
Chưa rứt lời, một cựu chiến binh có tên Miến, đeo trên ngực một huy hiệu gì tôi cũng không để ý, ông ta hung hăng xông lên bục vừa nói, vừa khua chân, múa tay vào mặt tôi. Ông ta nói tràng giang đại hải, kể về thành tích của mình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người chủ trì phải nhắc ông ta đi vào trọng tâm, lúc này hình như ông ta mới sực nhớ ra những nội dung cần nói mà đã được chuẩn bị kỹ. Ông ta bắt đầu sỉ vả, xông đến trước mặt tôi chỉ tay vào mặt tôi định gây gổ, hành hung…
- Mày là thằng ngu! mày ngu lắm Hồi ạ!không biết mày học hành thế nào!tao thấy mày ngu lắm!
Mấy người bên dưới nhắc nhở ông ta bình tĩnh, ông ta quay lại bục rồi yêu cầu:
- Tôi đề nghị phải bắt nó lên đây đứng trước mọi người, không thể để nó ngồi như thế được. Thu toàn bộ đồng hồ, điện thoại và các tư trang của nó. Biết đâu bây giờ nó đang truyền thông trực tiếp ra nước ngoài thì chết chúng ta!
Phía dưới hội trường bắt đầu có người phản đối.
- Nói thế mà cũng nói được! nói thế hoá ra là mình làm sai! càng nói càng ngu. Mình làm đúng, nó đưa lên đến đâu cũng chẳng sợ, phải không?
-Thiếu gì người mà đi bồi dưỡng cho ông này lên phát biểu, dạy đời. Bản thân ông thì có tốt đẹp gì mà đi dạy người khác... -Người ta phải dùng những người không bình thường như thế mới đạt được mục đích chứ!
Những người không bình thường như thế, trong Đảng, chắc hơi nhiều. Và đây có lẽ là một trong những lý do khiến ông Phạm Đình Trọng, và Vi Đức Hồi đành bỏ Đảng. Hai ông, tất nhiên, không phải là những người đâu tiên (hay cuối cùng) đã bỏ Đảng chạy lấy người.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEifofI_wUA8wwfa0djEp_H1lUz7opLxaardWMyXEV66rc8JuA2v9-2iDe5KJtPVBpI4AA3q3Nkvh5M1RFb8y0ZUSCuJB9f39UOuTrSefQzhdBzxHUu7dTmyl7OtTNVHco6BF4lKQc_5Rlc/s320/phamchidung4.jpgChỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12 năm 2013, lại có thêm thêm ba nhân vật nữa (luật sư Lê Hiếu Đằng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng và bác sĩ Nguyễn Đắc Diên) đã nộp đơn công khai xin ra khỏi Đảng. Nói một cách văn chương, và nói theo kiểu của nhà văn Trần Mạnh Hảo, là họ xin được... ly thân.
Với thời gian, chuyện ly thân với người hôn phối, cũng như với Đảng – xem chừng – mỗi lúc một thêm đông và thêm phức tạp.
Trước kia không mấy khi nghe ai nói tới chuyện ly thân, ly hôn, hay li dị. Nếp sống, cũng như ngôn ngữ (hồi trước) ngó bộ đỡ phức tạp hơn. Thỉnh thoảng, mới có người nhỏ giọng:
- Cô A và cậu B thôi không đi lại với nhau nữa.
Hoặc, trầm trọng hơn chút xíu:
- Ông C với bà Đ đã thôi ăn ở với nhau rồi.
Thôi là xong. Là hết chuyện. Là đường ai nấy đi. Là nhà ai nấy ở. Mạnh ai nấy sống. Đời ai nấy lo. Tiền ai nấy sài. Hồn ai nấy giữ!
Biệt ly, nếu không bịn rịn, không êm đềm, “không nhớ nhung từ đây” thì cũng (thường) êm thắm. Sóng gió, nếu có, ráng dấu trong lòng. Chớ đâu có cái vụ mang nhau ra toà, hay mang đơn xin ra khỏi Đảng phát tán (tùm lum) trên... mạng – như mấy bữa rầy.
Thời thế, xem chừng, đã đổi. Gió, ngó bộ, cũng muốn chuyển rồi – theo như nhận định của blogger Nguyễn Lân Thắng (nghe được) qua BBC vào hôm 6 tháng 12 vừa qua:
"Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức."
"Đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa..."
"Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội."
'Chưa ai biết điều gì xảy ra ở phía trước với bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, tình hình sẽ còn thay đổi rất mạnh và rất nhiều. Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây."
http://aotrangoi.files.wordpress.com/2013/08/642ed-lhd.jpg?w=500&h=200Cùng lúc, trên diễn đàn RFA, blogger Nguyễn Ngọc Già cũng đã có nhận định tương tự: “... anh Đằng, anh Dũng, anh Diên bỏ đảng vừa rồi gây ra một làn sóng... lớn.”
Chuyện “tình hình” hay “sóng gió” lớn/nhỏ ở Việt Nam ra sao – trong những ngày sắp tới – cái thứ người cả đời núp kỹ ở nước ngoài, và luôn luôn trốn biệt trong chai như tôi (e) không đủ tư cách để lạm bàn. Nhân dịp này, tôi chỉ xin nâng ly chúc mừng ba ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên – những người ngay – vừa thoát nạn. Kiếp nạn trao duyên lầm tướng cướp!
Tưởng Năng Tiến-Theo RFA Blog 
Xã hội rừng rú, bạo lực tràn lan
Mở trang báo lề đảng ra, ngày nào cũng gặp nhan nhản những chuyện đâm chém, đổ máu thê thảm. Cá nhân hành hung nhau chí tử, băng nhóm thanh toán nhau đẫm máu chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh, không đâu.
Vào các trang mạng xã hội lề dân những vụ sử dụng bạo lực trong quan hệ dân sự càng diễn ra thường xuyên, man rợ, rừng rú, mạnh hiếp đáp yếu, nhân danh quyền lực Nhà nước ức hiếp dân. Công an cùng côn đồ dùng sức mạnh Nhà nước và sức mạnh xã hội đen đánh người dân lương thiện tay không, sức yếu, thế cô ngay trên phố đông, ngay giữa làng xóm yên lành. Công an huy động côn đồ hành hung dân đến làm việc ngay trong phòng trực ban công an. Công an đánh chết dân ngay trong nhiệm sở chỉ vì những vụ việc dân sự thông thường hàng ngày.
Hai sự việc gần đây nhất của xã hội rừng rú, bạo lực tràn lan từ cơ quan công quyền Nhà nước lẽ ra phải là nơi ngự trị của pháp luật, người dân được bảo vệ, lẽ phải được sáng tỏ lại là nơi người dân bị hành hung, pháp luật bị chà đạp, luật rừng ngự trị, đến tận nơi nuôi dạy trẻ thơ lẽ ra chỉ có tình thương yêu lại là nơi bạo lực thi thố.
Bạo lực nơi công quyền. Ba công dân từ Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế vào Đà Nẵng, tối 7.12.2013 nghỉ trọ ở nhà nghỉ Hồng Ngọc đường Nguyễn Huy Tự, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ngay đêm đó công an phường Hòa Minh không có nguyên cớ và công lệnh gì đường đột xâm phạm nơi cư trú của công dân, xông vào nhà trọ tra hỏi rồi cùng những người đàn ông mặc đồ dân sự không rõ xuất xứ với thái độ bặm trợn côn đồ dùng bạo lực bắt trái pháp luật ba công dân về đồn hạch xách giam giữ suốt đêm.
Sáng hôm sau công an phường Hòa Minh mới trả tự do cho ba công dân nhưng thu giữ của họ những tài sản quí giá và là tài sản tối cần thiết, bất li thân của con người thời đại công nghệ thông tin là láp tốp và điện thoại di động. Ba công dân phản đối việc thu giữ tài sản trái pháp luật, công an Hòa Minh buộc phải viết giấy hẹn họ hai ngày sau lên công an thành phố Đà Nẵng nhận lại tài sản.
Theo giấy hẹn của công an Hòa Minh, ngày 10.12.2013, ngày Quốc tế Nhân quyền, ba công dân đến công an thành phố Đà Nẵng nhận lại tài sản thì công an thành phố Đà Nẵng trả lời hoàn toàn không biết sự việc vì công an Hòa Minh chưa báo cáo và chỉ ba công dân về công an Hòa Minh. Công dân bị quyền lực Nhà nước bất chính, hành xử trái pháp luật đẩy từ phường lên thành phố rồi lại bị đẩy từ thành phố về phường. Về phường, công an Hòa Minh lại đẩy tiếp, lại hẹn đến 12. 12. 2013 lên công an thành phố Đà Nẵng giải quyết.
Bị đối xử quá bất công, vô lí, tàn nhẫn và trái pháp luật, ba dân đen thấp cổ bé họng cũng đành chấp nhận chỉ xin những kẻ bất lương mất tính người, không còn trái tim con người, chỉ là robot mặc áo công an phường Hòa Minh tờ giấy hẹn để có chứng cứ buộc nơi họ được hẹn đến phải giải quyết. Một việc nhỏ, một thủ tục hành chính đương nhiên, bắt buộc phải thực hiện nhưng công an Hòa Minh dứt khoát không thực hiên. Buộc lòng ba công dân phải đứng trước đồn công an phường Hòa Minh lên tiếng: “Phản đối công an phường Hòa Minh quận Liên Chiểu bắt người và thu giữ tài sản công dân trái pháp luật”, “Yêu cầu công an trả lại tài sản”. Lập tức công an phường Hòa Minh cùng những người mặc đồ dân sự bặm trợn mà ba đêm trước đã xông vào nhà trọ Hồng Ngọc lại xuất hiện xô vào đánh ba công dân máu chảy tràn trên mặt và ngất xỉu phải đưa vào bệnh viện cấp cứu!
Bạo lực ở nơi của tình thương. Trường mầm non tư thục Phương Anh phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Sài Gòn nhận trông giữ và nuôi dạy 22 trẻ từ mười tháng đến bốn tuổi. Ở nơi chỉ từ ngữ phát âm lên: Trường mầm non. Nuôi dạy. Trẻ thơ đã gợi lên, đã đòi hỏi tình thương yêu bao la, sự nâng niu, chăm sóc, nhân hậu nhưng lại chỉ có bạo lực, tàn nhẫn, hung ác. Hàng ngày hai cô giáo nuôi và dạy những đứa trẻ dưới bốn tuổi bằng cách đến bữa ăn, cô nuôi trẻ liên tục dồn cháo vào đầy mồm đứa trẻ rồi bóp cổ, bịt mũi, vung tay tát tới tấp vào mặt, đánh túi bụi khắp người đứa trẻ, dựng ngược, nhét đầu đứa trẻ vào phuy nước bắt nó phải nín khóc để nuốt cháo.
Nhà trẻ cùng với gia đình là nơi gieo yêu thương, đánh thức tính người trong lòng trẻ thơ lại là nơi gieo hận thù, đánh thức tính thú, rèn luyện bạo lực cho đứa trẻ để đứa trẻ lớn lên trở thành những con thú trong xã hội rừng rú mà bạo lực công an là chúa tể.
Xã hội rừng rú càng được khuyến khích phát triển, bạo lực càng tràn lan trong xã hội qua cách ứng xử của pháp luật và dư luận xã hội với hai vụ việc bạo lực trên.
Hai cô giáo hành hạ trẻ thơ không gây thương tích trên cơ thể nhưng gây chấn thương tâm lí, tinh thần cho trẻ thơ bị báo chí phanh phui, lập tức chính quyền vào cuộc, pháp luật truy tố, các quan chức từ quốc gia đến các ban, ngành, phường, xã lên tiếng, cả hệ thống truyền thông từ đài truyền hình quốc gia đến các tờ báo địa phương, ngành đồng loạt, cấp tập lên án.
Nhưng công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng xâm phạm nơi cư trú công dân, bắt giam người, thu giữ tài sản trái pháp luật của ba công dân rồi cùng côn đồ xã hội đen quây đánh ba công dân lương thiện, hoàn toàn không có sai phạm pháp luật, gây thương tích nặng nề cho người dân trong đó có một công dân nữ, gây phẫn nộ trong lòng người dân với Nhà nước, vụ việc lớn, nghiêm trọng hơn nhiều vụ việc ở trường mầm non phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Sài Gòn thì chính quyền, pháp luật và báo chí lề đảng hoàn toàn im lặng, làm ngơ, khuyến khích công an tiếp tục sử dụng bạo lực phi pháp trong những quan hệ dân sự với người dân. Người dân bị hành hung, bị đánh chết trong đồn công an cứ liên tiếp diễn ra trên khắp đất nước. Xã hội Việt Nam cứ mãi mãi là xã hội rừng rú mà bạo lực công an là chúa tể trong xã hội rừng rú đó.  Phạm Đình Trọng 
 VÀI SỰ VIỆC ĐÁNG NÓI 

Một phiên tòa không bình thường
Thông thường thì những phiên tòa có vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia hoặc bí mật quân sự thì mới xử kín, còn phiên tòa xử Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô mà cũng xử kín, đến nỗi ông Nguyễn Bá Thanh phụ trách chống tham nhũng mà cũng không được vào dự trực tiếp tại phòng xử án, phải ngồi ở phòng bên theo dõi qua TV.
​Thông thường khi bị can bị tòa tuyên án tử hình thì òa khóc hoặc ngất xỉu. Ở phiên tòa này, khi nghe kiểm sát viên đề nghị án tử hình thì Dương Chí Dũng lại rất bình thản, còn đọc thơ nữa, ra vẻ thách thức quan tòa. Có lẽ anh ta tin rằng có ông to nào đó cũng dính líu sẽ có những thủ đoạn gian xảo gì đó để cứu mình. Ông to nào đó có thể dân cũng đoán được. ​
​Tham ô không bị khởi tố
​Đảng, Chính phủ nhiều lần tuyên bố kiên quyết diệt trừ tham nhũng. Thế mà ở Hà Giang, ông Phạm Ngọc Thành, giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ tàn tật cùng kế toán và thủ quỹ biển thủ 181 triệu đồng tiền cứu trợ, thì kiểm sát, công an lại họp bàn thống nhất không khởi tố.
​Số tiền 181 triệu đồng tuy không lớn nhưng đối với những kẻ táng tận lương tâm ăn chặn cả của trẻ tàn tật mà vẫn được dung dưỡng, thì “kiên quyết”, “nghiêm minh” ở đâu? Làm sao phát huy được tác dụng răn đe!
​Lại cưỡng chế, lại đàn áp ​
Ngày 10/12/2013, xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh để là sân golf. Với luận điệu “chống người thi hành công vụ”, công an đã dùng roi điện đánh dân khiến nhiều người bị thương nặng và bắt đi 15 người.
​Nước ta diện tích không lớn, lại là nước đương phát triển, còn nghèo mà đã có 20 sân golf thừa thãi, nay do động cơ nào, lợi ích nào chính quyền Hà Tĩnh lại cưỡng chế nông dân lấy đất canh tác để làm sân golf nữa. Môn thể thao này chỉ phục vụ số ít người, sao lại phung phí bao nhiêu ha ruộng một cách phi kinh tế thế. Ai cũng biết do biến đổi khí hậu, tương lai nước biển dâng cao sẽ ngập mất một diện tích rất lớn ruộng đất của nước ta, nhất là ở Nam bộ, dân số lại tăng thêm, sẽ là mối nguy mất an ninh lương thực cho các thế hệ mai sau. Những người nắm quyền mà phí phạn ruộng đất là có tội.
Tàu cá Quảng Ngãi bị TQ đập phá
​Không kể trong năm đã có nhiều vụ ngư dân ta bị tấn công khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa của chúng ta (bị TQ cướp và chiếm đóng), mới đây ngày 01/12/2013 lại xảy ra vụ tàu cá Qng 92046 của ông Nguyễn Văn Lâm gặp trục trặc do lưới cá bị dính vào chân vịt, cập đảo Phú Lâm để nhờ cấp cứu cho thuyền nhân gặp nạn thì bị phía TQ khống chế, đập phá máy móc.
Thế mà trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn hát lại bài: “Kiên trì phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt, tình hữu nghị Trung – Việt là tài sản quý báu…”. Thiên hạ đã đúc kết: “Chớ vội tin lời người TQ nói, hãy xem việc họ làm”, quả không sai. Nguyễn Trọng Vĩnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét