Ba cô kỹ sư ca sĩ dân ca ba miền tại tiệc tất niên Hội người Việt trong công ty Intel.
Từ bao năm nay tôi có một cái lệ cho riêng mình: sáng đi làm nghe đài radio Mỹ, chiều về nghe đài Việt Nam. Làm hoài thành thói quen, rồi lâu ngày trở thành chuyện tự nhiên, cho tới gần đây tôi mới tự thắc mắc tìm hiểu lý do. Và tôi nghiệm ra rằng mỗi ngày từ khi lùi xe ra khỏi garage là tôi đã chuẩn bị tư thế ứng phó với việc làm. Những câu hỏi đến từ cấp trên và cấp dưới, từ văn phòng cùng dãy tới phía bên kia địa cầu; những buổi họp với người gặp hàng ngày và qua internet với người chưa bao giờ biết mặt; những khúc mắc giải quyết được trong năm phút hay những vấn đề có thể làm công việc khựng lại cả tháng …. chuyện gì cũng có thể xảy ra trong ngày. Sáng sớm khi nghe những tin tức nóng hổi và gắn liền với đời sống chung quanh từ đài radio Mỹ, đối với tôi, giống như người thợ vô dầu mỗi sáng trước khi đề máy. Còn buổi chiều khi công việc đã xong, tôi chọn tiếng Việt để đồng hành với tôi trở về nơi bình an đang chờ đón. Có những ngày đầu óc mệt mỏi, không cần chú ý lắng tai, tiếng Việt thân thương nghe sơ vẫn hiểu, câu nhạc quen thuộc dù bật lên nửa chừng cũng vẫn đầy âm điệu thân mến, du dương…Một hôm sửa đường, kẹt xe quá sức. Ngồi trên xe nhích nhích, cứ mười phút radio lại báo “quãng xa lộ 237 West dẫn vào Santa Clara vẫn còn kẹt cứng như bãi đậu”, tôi hết muốn nghe. Vói tay nhấn nút chuyển qua đài Việt Nam, bỗng cái gì đó chụp lấy sự chú ý của tôi. Một giọng nói. Không phải là giọng của xướng ngôn viên chuyên nghiệp mà là một giọng nói địa phương miền Trung.
Nghe tiếp tôi mới biết đó là trích đoạn phỏng vấn một giáo dân tại Cồn Dầu, một giáo xứ nhỏ bé ven sông Hàn, Đà Nẵng. Thêm một chuyện công an và chính quyền địa phương thừa lệnh những thế lực bí mật trên cao ngang nhiên đánh dân tới chết để bật gốc họ khỏi khu đất có vị trí đẹp. Người ta muốn biến những mảnh đất đẹp đó thành khu “sinh thái”, thành đô thị thượng lưu, nơi một căn biệt thự trị giá hơn tài sản của hàng chục thế hệ người dân đã đổ mồ hôi nước mắt khai phá và xây dựng chính khu đất đó. Chuyện Việt Nam bao giờ cũng làm tôi đau lòng, suy nghĩ, nhưng lần đó giọng nói mới là điều đưa tư tưởng của tôi đi xa. Giọng Đà Nẵng tình cờ gặp giữa SanJose sao thân thương quá! Cách phát âm đặc biệt, lâu lắm mới được nghe một cách chân chất, không chút sửa sang, gợi lên cái gì nao lòng bàng bạc mà chính tôi cũng không gọi tên được.
Giống như cảm giác chợt nghe một bài dân ca ở thành phố Berkeley, hơn hai mươi năm trước.
Đêm, gió lớn và trời rất lạnh. Mười một giờ thư viện đóng cửa, tôi lầm lũi ra xe đi về. Đi ngang một quán cà phê nhỏ, bụi bặm, tôi chợt khựng chân. Rõ ràng là bài Lý Chim Quyên của Việt Nam thổi bằng sáo! Tôi đứng lặng. Gió thổi rung các cành cây, cả con phố dài chỉ còn bóng tôi quẩy cái ba lô to hơn nửa người, đổ dài dưới ánh đèn đường vàng vọt. Nhưng tôi vẫn thấy ấm cúng và vui. Tôi lẩm nhẩm hát theo “Chim quyên quầy, quen trái quây… Nhãn lồng … Nhãn lồng ….” Và sực nhớ hôm đó là 29 Tết.
Hồi còn nhỏ ở Sài gòn, thời chiến tranh, Bố Mẹ tôi là nhà giáo nên đủ cơm ăn áo mặc là vui rồi, chẳng dư dả cho con “học đàn, học địch”. Vì theo quan niệm xưa nên Bố Mẹ tôi chỉ muốn chúng tôi học, học, học, chứ không cổ súy chuyện “văn nghệ, văn gừng”. Thỉnh thoảng Bố tôi mới cho nghe nhạc từ vài cái đĩa nhựa qúy. Những bài hòa tấu như Nocturne in C sharp Minor của Chopin, MoonLight Sonata của Bethoveen, Air on G string của Bach đã mê hoặc tôi. Trong trí óc còn non của tôi thời bấy giờ, chỉ có nhạc bán cổ điển Tây phương là hay, là mẫu mực của âm nhạc. Còn mấy bài dân ca “Ví dầu cầu ván đóng đinh…” , mấy bài Lý thỉnh thoảng nghe trên TiVi thì cũng dễ thương nhưng thường quá! Con nít Việt Nam thời đó, có lẽ ít nhiều đều mang tâm trạng “nỗi buồn nhược tiểu”(*). Nói về cô gái đẹp thì phải “đẹp như lai”, nói về lịch sự thì phải “sang như Tây”, còn nét tiểu thư lãng mạn thì phải giống Hàn Ni mong manh bên phím dương cầm trong phim Mùa Thu Lá Bay của Hồng Kông thì mới đủ “quý phái”.
Rồi tôi qua Mỹ, may mắn học được bao nhiêu điều, và càng học tôi càng thấy nước Mỹ là cường quốc thế giới cũng vì họ biết gom cái hay cái đẹp. Từ thời lập quốc, nước Mỹ đã là nơi gặp gỡ của kinh nghiệm và kiến thức đến từ khắp mọi nơi. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hiểu rõ hơn ai hết rằng khi những nét văn hóa cộng lại với nhau thì kết quả là một xã hội sinh động, mạnh mẽ, và nhạy bén với mọi thay đổi. Gắn liền với mỗi dân tộc là một gia sản văn hóa độc đáo, vì thế những gì thuần chất là rất quý. Những điều đó, sống ở Mỹ, tôi cảm thấy và hiểu rõ nhưng vẫn chưa in sâu vào óc tôi…
Cho đến một hôm…
Tôi tham dự buổi trình diễn hôm đó vì cháu David con cô em đánh đàn piano rất giỏi. Hôm đó cháu đại diện cho trường trong một buổi trình diễn tài năng học sinh. Ở Mỹ, con nít quả thật là sướng, hầu như gia đình trung lưu nào cũng cố gắng cho con học ít nhất một nhạc cụ. Chương trình chỉ gồm học sinh trung học trong một học khu mà rất các cháu chơi xuất sắc từ những bài cổ điển tới những tấu khúc nổi tiếng đương thời. Cháu David trổ tài chạy ngón bằng bài Nostaliga vũ bão của Yanni, nhìn tay cháu bay trên phím đàn mà tôi ngẩn ngơ thán phục. Nhưng thú thật, toàn là piano với vài bài violin, tới khoảng tiết mục thứ mười lăm là đầu óc tôi bắt đầu rón rén “đi hoang”. Và, ngay lúc đó, người điều khiển chương trình giới thiệu hai chị em họ Nguyễn song tấu bài Hòn Vọng Phu bằng đàn tranh và đàn bầu.
Cây đàn mười sáu giây đi với cây đàn một giây. Hầu như mọi người đều ngồi thẳng lên, lắng nghe vì tò mò về hai cây đàn lạ. Bây giờ kể lại thì … mắc cỡ nhưng hôm đó ngồi nghe mà tôi muốn khóc. Muốn khóc vì bài nhạc Việt Nam nghe không thua gì những bài nổi tiếng nãy giờ, vì cách trình diễn say mê và trang trọng của hai cháu làm tôi thấy quá tự hào. Tới lúc đó tôi mới nhận thấy rằng trên thế giới không có một nhạc cụ nào có thể chơi những câu “Nơi man khê còn tung gió bụi mịt mùng, Nơi tiêu tương còn thương tiếc ai ngàn trùng, Người đi ngoài vạn lý xa xăm, Người trông chồng còn đứng …muôn năm” ngọt ngào, tình tự hơn tiếng đàn bầu. Tiếng nhạc như bóp vào tim. Khi hai cháu chấm dứt, cả hội trường vỗ tay rào rào. Không phải chỉ mình tôi với nỗi niềm người Việt, mà mọi người đều thấy màn trình diễn này độc đáo nhất.
Tôi để ý nghe dân ca và các nhạc cụ thuần Việt hơn, từ đó. Và tôi thấy rằng mỗi loại nhạc đều có chỗ đứng riêng giống như cội nguồn của chúng là những phần khác nhau trên thế giới. Ngẫm nghĩ cho cùng, cây đàn bầu làm bằng một khúc cây với một sợi dây duy nhất mà vang lên những thanh âm uyển chuyển gần nhất với tiếng người mới quả thật là tuyệt diệu.
Mỗi năm hội người Việt trong hãng Intel đều tổ chức tiệc tất niên. Không chỉ họp mặt ăn uống mà còn trình diễn văn nghệ giúp vui. Toàn “cây nhà lá vườn” nhưng chương trình có đầy đủ ca, vũ, nhạc, kịch và năm nào cũng có ít nhất là một bài múa thuần túy Việt Nam.
Năm đó, để chương trình thêm gần với văn hóa Việt, chúng tôi có một màn dân ca ba miền. Tôi “điếc không sợ súng”, xung phong làm ca sĩ. Chuyện phân chia bài hát cũng đơn giản, nhẹ nhàng. Chị M người xứ Quảng nhưng làm dâu gia đình Bắc Ninh hơn ba mươi năm, rất rành các bài hát quê chồng nên dĩ nhiên chị đảm nhận bài quan họ miền Bắc. Chị P thích một bài có âm hưởng Nghệ An nên hát phần miền Trung, và tôi lãnh vai cô gái miền Nam. Dù hàng ngày nói giọng Bắc nhưng tôi thấy không có chi đáng lo. Ít gì tôi cũng sinh ra ở Tân Định, uống nước từ nguồn sông Đồng Nai mà lớn, nghe cải lương từ bé, và biết nói giọng Sài Gòn. Hát dân ca miền Nam chỉ là chuyện nhỏ, tôi nghĩ vậy.
Vì công việc hãng bận rộn nên chúng tôi đồng ý phần ai nấy tập, cuối cùng mới ráp lại với nhau. Tôi về nhà, lên Internet chọn bài có nhạc sẵn để tập theo. Nghe Bạch Yến hát Lý Ngựa Ô, thích lắm, nhưng hì hục tập rồi tôi mới thấy khó. Âm điệu ngựa ô đi lóc cóc, dồn dập, hát phải thật vững nhịp và trình diễn bài hát vui nhộn này cần phải dạn sân khấu, diễn tả thật linh động, duyên dáng. Lần đầu làm ca sĩ mà phải vừa hát vừa diễn, chắc chắn tôi không đủ sức làm Bạch Yến. Kiếm bài mùi có lẽ chắc ăn hơn…
Nghĩ vậy nhưng bao nhiêu chuyện bận rộn dồn dập, tôi chẳng có nhiều giờ tìm. Tới khi chỉ còn gần hai tuần tôi mới chọn được bài Lý Cái Mơn. Tất tả chạy lên thương xá Grand Century mua một đĩa Karaoke, tôi hối hả tập. Cũng may, bài này không khó. Sau mấy lần tập luyện, ra vô đúng nhịp và hát không sai một note nào, tôi nghĩ sắp xong rồi. Giờ nghỉ trưa tôi hay vào phòng họp, đóng kín cửa, bật nhạc lên vừa ăn vừa nghe Phượng Mai ca thánh thót. Tôi muốn nghe cho nhập tâm, lúc lên sân khấu lỡ có run quá thì còn hát theo … phản xạ.
Một ngày kia, tôi nhờ một người bạn rành về dân ca nghe tôi hát thử. Anh ta lắng nghe rồi góp ý “Hát bài này muốn hay cần láy cho thiệt mùi và phát âm giọng miền Nam thiệt ngọt… Người miền Nam dễ tính, xuề xòa ngay trong cả giọng nói. Họ phát âm lơi lơi, không cần uốn miệng nhiều. Chữ â, chữ ô đớt đớt, nhè nhẹ chứ không rõ ràng như Khôi An nói…” Mấy ngày sau đó, giờ ăn trưa tôi đi dạo trong một bãi đậu xe rộng, ít người qua lại. Nắng đầu Xuân hưng hửng dịu dàng, tôi vừa đi vừa tập hát cho đúng giọng Bến Tre. Trên cành cây, những chú chim ríu rít rồi bay vút lên, lòng tôi cũng bay cao theo câu hát Đôi bờ dẫng nghe chim nhạng tìm nhaaao…
Áp dụng đúng tiêu chuẩn làm việc ở Intel, trước ngày trình diễn chúng tôi phải cho chương trình chạy thử. Màn dân ca ba miền dợt trước năm sáu khán giả, trong đó có một anh từng sinh hoạt văn nghệ lâu năm. Anh nói với tôi “Khôi An hát được rồi nhưng cần diễn tả thêm. Chỗ như tóc em bay theo lòng thủy chung câu hẹn ngày xưa... em phải hát mềm mại chứ đừng căng thẳng vậy. Em làm được mà! Ráng chút nữa thôi!” Tới đây thì bắt tôi đầu lo. Hát dân ca miền Nam lần đầu mà bảo không được căng thẳng, coi bộ anh này nghĩ sau mấy lần vừa ăn trưa vừa tập hát tôi đã hóa thân thành “kỹ sư-ca sĩ”.
Còn hai hôm nữa là tới ngày trình diễn. Áo bà ba đã mượn xong, ngày hôm đó chị H đem cho tôi cái nón lá, thế là đủ bộ. Chiều hôm đó, tôi muốn ráng tập thêm một lần. Đã hơn sáu giờ, phòng lab chỉ còn vài người, nhưng tự nhiên đứng hát thì cũng kỳ. Nhưng nếu bây giờ tôi làm không được với hai người bạn thì làm sao cuối tuần tôi làm được trước hai trăm người? Thế là tôi cắp nón vào phòng lab, mời hai người bạn nghe tôi hát Lý dân ca. Trước hai khán giả mặc lab coat, giữa đám máy móc, tôi mặc quần jean, cầm nón lá, bắt đầu “Đàn cò bay, về nơi thương nhớ…” Tôi tưởng tượng mình là cô thôn nữ hát dưới hàng dừa xanh, trên con đò xuôi trên dòng Cái Mơn. Tôi gởi lòng qua đuôi mắt khi nhắn nhủ thiết tha có sang sông thì chim sáo hát câu hẹn hò làm cô bạn phá lên cười “Coi đưa đẩy ác liệt chưa kìa! Tới lắm!”
Buổi tiệc thành công, ai cũng khen các màn trình diễn. Và tôi tin rằng nếu chúng tôi có quá run mà vấp váp chút đỉnh cũng chẳng ai chấp nhất. Điều quan trọng hơn cả, ai cũng thấy, là các “nghệ sĩ” không chuyên nghiệp đã trình diễn hết sức, hết lòng.
Tôi thật sự không nhớ mình có hát thật đúng giọng miền Nam hay không, không nhớ mình có mỉm cười, liếc mắt khi hát câu hẹn hò hay không, nhưng tôi thấy vui. Vi tôi đã hát dân ca cho mọi người nghe, đã dùng hết khả năng của tôi để nhắn nhủ với bạn Intel rằng dân ca Việt Nam là gia sản quý báu, là một phần làm âm nhạc Việt Nam đáng nhớ trong muôn ngàn thanh âm trên thế giới.
Mới đây tôi nghe cháu David kể lại rằng cô chị đánh đành bầu trong buổi trình diễn năm ấy được nhận vào Stanford. Tôi tin rằng khả năng xử dụng cây đàn độc đáo của cô bé có ảnh hưởng phần nào tới thành quả rực rỡ mà cô đạt được. Bởi vì tất cả các chuyên viên cố vấn cho học sinh (counselors) và các cha mẹ đã trải qua con đường đưa con vào đại học đều đồng ý rằng ở những trường nổi tiếng, cách lựa chọn giữa hàng chục ngàn học sinh xuất sắc là tìm những học sinh có năng khiếu hay thành tích xã hội đặc biệt. Đối với tôi và mọi người được xem hai cô bé biểu diễn, điều cô sinh ra trên đất Mỹ mà xử dụng nhuần nhuyễn một nhạc cụ thuần túy từ quê cha, mà trân trọng nhạc của quê mẹ, đó là một điều hết sức đẹp đẽ và đặc biệt.
Hơn hai mươi năm làm công dân Hoa Kỳ, tôi không còn xem đất nước này là nơi tạm dung hay nơi tôi phải ở vì không có lựa chọn khác. Tôi cảm thấy tôi là một phần của đất nước này, và tôi chia sẻ niềm tự hào, niềm tin Hoa Kỳ - đã từng được chứng minh và lập lại nhiều lần: hoàn thành những sứ mạng khó khăn gần như không tưởng là đặc trưng của đất nước Mỹ, là truyền thống của người dân Mỹ. Tại sao người Mỹ làm được như vậy? Bởi vì họ gom sức mạnh từ các nơi, bởi vì họ hiểu, quý trọng, và phát huy từng cái đặc biệt, từng cái hay của mỗi sắc dân. Ngay từ còn nhỏ, nhà trường đã dạy học sinh tôn trọng sự khác biệt và học hỏi từ người khác bằng những buổi thảo luận, những ngày Diveristy Day.
Người Việt lưu vong như “những phấn hoa tản khắp phương trời” (**). Ở Mỹ, phấn hoa đã rơi xuống mảnh đất vô cùng màu mỡ. Nở thành một nhánh hoa đẹp đẽ, độc đáo hay một bông hoa giông giống các bông hoa khác trong vườn, là tuỳ theo mỗi người. Riêng tôi, tôi mong đó vẫn là những nhánh hoa đầy sắc thái Việt Nam.
Khôi AnTác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009, và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Đón năm mới 2013, mời đọc bài viết cuối năm của Khôi An kể chuyện về thanh âm, ca nhạc.Một Ngày Xui
Cuối tuần này tham dự đám cưới con người bạn. Thật thú vị. Anh Lâm, định cư tại Mỹ cùng thời gian với tôi 1994, chúng tôi cùng làm chung một hãng, xem nhau như anh em. Gia đình anh qua Mỹ hai vợ chồng và ba người con, hai năm sau sanh thêm môt con trai. Vậy gia đình anh Lâm, hai vợ chồng và bốn người con, hai trai hai gái. Những cô bé, cậu bé thật nghich ngợm nhưng cũng thật là dễ thương, các cô bé cậu bé thường lang thang nơi Mac donal với tôi. Thật là vui. Vậy mà thời gian thật nhanh làm sao, ngày mai đám cưới con trai anh, một bác sĩ, còn cô dâu, một nha sĩ. Còn con gái anh thì sao, đang học dươc, hai con nhỏ, học sinh giỏi. Thật không biết diễn tả sao nỗi vui của tôi đến thành công của con người bạn. Rồi trong tiệc cưới gặp lại những người bạn làm chung hãng đầu tiên khi đến Mỹ, cũng gần 20 năm rồi, thời gian trôi nhanh quá, con người thay đổi. Những người bạn của tôi sẽ thay đổi thế nào, không biết, nhưng một điều tôi biết chắc là chúng tôi sẽ thật vui khi gặp lại nhau, nhất là trong khung cảnh một tiệc cưới, thật tuyệt vời.
Trời đất, đèn chớp sáng lóa mắt, chuyện gì đây, tiêu rồi vượt đèn đỏ. Bận suy nghĩ đến tiệc vui vượt đèn, đỏ làm sao bây giờ.
Trở về nhà, nằm dài trên giường, mệt mỏi. Bực thật, tại sao lại có thứ camera đặt tại ngã tư nữa chứ. Los Angeles đã bỏ rồi, cư dân trên đó cho rằng điều này không hợp pháp, không nộp phạt, thành phố nhận thấy tai nạn không giảm, bỏ quách các camera này rồi.Vậy mà Orange county vẫn còn, thật không hiểu. Gỉam tai nạn ư, an toàn cho cư dân ư. Chỉ là bussines thôi. Một công ty tư nhân hợp đồng với thành phố đặt camera tại một số ngã tư và ăn chia tiền phạt với thành phố. Chỉ là buissines thôi chẳng phục vụ gì cả. Bực cả mình. Mình sẽ bị phạt bao nhiêu đây, không biết. Ồ nhớ rồi, có nhận một email từ người bạn nói về tiền phạt vi phạm giao thông của DMV, mở internet xem.
TĂNG TIỀN PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG
- $1000 phạt vi phạm đậu xe chỗ dành riêng cho người tàn tật
- $976 phạt vi phạm đậu xe chỗ dành cho xe bus
- $729 phat lái xe không bảo hiểm
- $616 phạt không ngừng lái xe khi xe chở học sinh chớp đèn
- $436 phạt vượt đèn đỏ
- $214 phạt chạy quá tốc độ
- $148 phạt lái xe cầm cell phone nói chuyện
Thành phố khi thiếu tiền thì tăng mọi thứ tiền đóng góp của người dân. Còn người dân thiếu tiền thì sao? Cầm bảng homeless ở ngã tư hay chôm đồ nhà.
Tiêu rồi, vi pham vượt đèn đỏ $436, chưa dễ sợ bằng vi phạm đậu xe dành riêng cho người tàn tật tiền phạt là $1000. Trời đất lương căn bản $8 một giờ, một tháng lương chưa trừ thuế $1280, vậy mà phạt $1000, tháng đó chắc chắn là đói.
Luật lệ đươc đặt ra để điều hành xã hội, luật lệ giao thông đặt ra để bảo vệ con người, tiền phạt để mọi người tôn trong luật lệ nhằm bảo vệ mạng song con người. Nhưng phạt một số tiền quá lớn, khiền người bị phạt không còn đủ tiền để sống thì thật không hiểu nổi. Không có sự nhân danh nào chấp nhận được khi sự nhân danh đó cướp đi miếng ăn của con người.
Có tiếng mở cửa, chắc bà xã về, thôi bỏ bộ măt rầu rĩ đi kẻo bà xã biết thì lại mất vui. Trời đất sao mặt bà xã hôm nay không vui.
Tức quá đi thôi, tiệm ế, vậy mà state board vào xét, mặt lầm lì dễ ghét, chỉ một sợi tóc khách rớt trên spa chair phạt 500$. Trời đất, ế gần chết làm nguyên tuần cũng không kiếm được 500$, vậy mà phạt 500$, mấy năm trước cũng lỗi như vậy phạt 1000$, bị phản đối quá nay còn phạt 500$. Đúng là giựt tiền.
Thế là một ngày xui, xui thật xui.
Phạm Thái
Tản Mạn Cuối Năm
Cuối năm truyền hình ra rả tin ngắn, tin dài, tóm lược tin thế giới đó đây, mà xứ Tây có cái lạ, nói xa nói gần rồi nói đại đến cái tiểu bang mà tôi tương tư từ dạo tha hương, từ dạo tôi yêu… thức ăn ba miền bên chợ Sàigòn Nhỏ.
Dĩ nhiên TV Tây làm sao biết Chợ Nhỏ của tôi, chỉ toàn nói đến thành phố điện ảnh Hollywood, thỉnh thoảng ghé qua New York rồi quẹo về San Francisco.
Đang coi tin tức tự nhiên nhắc đến « xóm nhỏ », tôi đâm ra trầm tư, may là chưa trầm cảm, rồi tôi nhớ vu vơ, nhớ lang mang, nhớ gia đình, bạn bè, phở, mì, cơm cá kho quẹt…, có thèm cá kho cũng đành quẹt mép chịu trận.
Ai cũng thắc mắc, cá kho quẹt đâu có khó mà nấu không được, đờn bà VN sao mà tệ rứa, không biết kho cá làm sao ở dâu nhà chồng, bây giờ lười quá thì mua cá kho tộ đông lạnh nhập từ Sàigòn cũ mà ăn, mắc chi mà nhịn thèm.
Dạ thưa, thực phẫm đông lạnh nhập từ VN chứa toàn hóa chất độc hại của tàu, tôi không dám ăn, già rồi tôi hổng sợ chết chỉ sợ bệnh hoạn lê lết làm phiền chồng con.
Cá kho tộ, kho quẹt tôi biết mầm chứ, nhưng tại bị, phòng khách nhà tôi có cái « cù zin A mê rích ken » (cuisine américaine, nhà bếp kiểu Mỹ), rồi thì là mà, chàng của tôi kỵ nước mắm, dị ứng từ thuở nhỏ mà chưa biết lý do để chữa.
Nếu tôi chơi bạo kho cá với nước mắm coi như tiêu cái phòng khách, coi như tuyên chiến với chàng, đã lỡ yêu chàng quá lửa rồi, chẳng lẽ vì món cá kho vớ vẫn mà đôi ngã chia ly, thôi đành kiêng nước mắm cho trọn tình già.
Nước mắm được chàng xếp vào loại « dễ sợ », sau đó rượu đỏ, rượu trắng, rượu vàng của Tây được chàng đưa vào loại « khó giao du ». Tôi chịu thua, đặc sản, rồi rượu ngon mà thiếu bạn hiền, còn gì là đời, đành chờ các con về nhà, mẹ con hè nhau ăn nước mắm sống nhắm rượu vang cho bỏ những ngày treo mỏ nhớ nước mắm nhỉ Phú Quốc.
Giá mà có thuốc cai nghiện nước mắm chắc tôi cũng tìm mua từ lâu rồi, rượu thì không lo vì tôi thưởng thức cho biết đời chứ chưa nghiện như dân bợm bị dế Gò Đen vặt ngã lăn cù ra đất.
Có dạo thằng con cả vặn vẹo, ai biểu bố mẹ không sống chung trước khi cưới để bi giờ mẹ không phải vật vờ thế này.
Giời ạ, bộ mi muốn ông bà ngoại cạo đầu mẹ sao mà xúi bậy, ai đời con gái chữa chồng mà đi sống riêng với con trai, mà thôi số phận đã an bài rồi.
Hú viá, hai thằng con nhà này húp nước mắm, mắm tôm giỏi lắm, sau này có lấy vợ Việt, Miên, Lào… ba nước anh em cũng không sao. Vậy mà sao quả tạ đã chiếu tướng thằng lớn, nó lấy vợ đầm, thằng nhỏ lại thèm mắm muối cả đời như mẹ, mà tôi có ăn mặn đâu sao thằng con lại khát nước …mắm.
Trở lại chuyện cuối năm, mấy năm trước tôi thường qua Cali chơi Nol và đón năm mới với gia đình, quà mang đi toàn đồ Tây, hàng mang về chỉ rau củ, về nhà ăn rau cả tuần mà nhớ Cali da diết.
Mỗi lần đi Sàigòn Nhỏ, em tôi chở đi ăn phở, bạn bè chở đi ăn món Huế, ăn hoài không chán, trong tuần ăn chay để chuộc cái tội tham ăn cắm cố.
Ai nghe cũng cười, dân bên đó đói ăn đến tội nghiệp. Dạ thưa đói đặc sản quê hương, chứ bơ phó mác dư thừa nhưng không dám ăn nhiều sợ bệnh, vậy mà qua đây tôi liều mạng, ăn toàn thứ độc đáo hay độc hại tùy người đối diện.
Tôi khoái nhất là rủ nhỏ em đi chợ, thấy hàng rau mừng húm, rau má, muống, lang, nhúc, tơi…tả sao cho siết nỗi lòng đứa si mê ba mươi sáu loại rau xứ mình, rồi rau thơm, chuối chát, dưa mắm, mắm tôm, ruốc… tha hồ hốt đầy giỏ.
Nách một giỏ rau mắm, về nhà nhỏ em cũng kẹt cái « cù zin » Mỹ, đành ra sau hè kho mắm quẹt cho sướng đời, ai nghe cũng cười, già mà ham ăn, chứ mấy ai hiểu cho, càng già càng nhớ nhà, nhớ cả ngọn cỏ cọng rau.
Chỉ một buổi sáng tôi làm mấy ơ cá kho, mắm kho, mắm chưng, nhỏ em đi làm về ăn mệt nghỉ. Sáng hôm sau hai chị em ăn cơm mắm với rau y chang nông dân, bố mẹ tôi có sống lại cũng khó tin con của ông bà chết thèm đặc sản quê hương đến thế.
Chả bù bên Tây tôi chỉ biết luộc trứng dầm nước mắm ớt chấm dưa leo, có lúc ăn gian lấy « cải soon » (cresson) giả rau sống, còn rau muống phải chờ đến mùa hè, rau lang, cần nước … mơ không thấy nỗi.
Nên nếu nói đi Cali trước là thăm gia đình, bạn bè, sau là ăn rau cũng không ngoa.
Đó là chuyện cơm, còn chuyện phở mới hấp dẫn, ăn phở kiểu đờn bà chúng tôi, chứ hổng phải kiểu « cơm phở » của mấy ông nhe.
Chị em tôi nghiện phở từ thời trung học, quà vặt chỉ là phở với phở, sẳn có quán phở Quỳnh Tín nổi tiếng trên đường Trương Minh Giảng, gần nhà thờ Ba Chuông, ở ngay đầu hẻm nhà tôi, không nghiền mới lạ.
Dạo đó ngoài giờ học chúng tôi đi dạy kèm cho con nít tiểu học, đủ tiền ăn quà, đi chơi với bạn bè, và phở là món ăn không thể thiếu trong ngày.
Qua Chợ Sàigòn Nhỏ quán phở nhiều đến phát mê, nhưng nhỏ em đi tiền trạm, ăn từ trong xóm Miên ra tới xóm Mít và lên danh sách nhất nhì ba tư.
Mỗi lần qua nó báo có quán này ngon hơn quán lần trước, nhưng có một quán làm tôi nhớ đời, khách xếp hàng chờ được …xếp bàn, nhanh là năm mười phút, chậm có khi phải chờ đến nửa tiếng.
Ông cụ sắp xếp bàn cho khách ngồi, oai ra phết, cụ tiếp khách với nét mặt nghiêm như trưởng phòng nhân sự đang tuyển nhân viên, không hề có nụ cười tiếp thị, dĩ nhiên khách hàng không thể là thượng đế, cũng chả là thượng khách.
Có bàn rồi là order ngay, nhanh gọn lẹ, đã bảo là cụ tiết kiệm cả nụ cười thì cụ làm gì có thời gian chờ khách suy nghĩ, mà có gì để suy tư, tái nạm gầu gân, cù lẳng, xí quách…phở chỉ có chừng đó cũng đủ chết người rồi.
« Làm việc » với ông cụ xong coi như đi được nửa đoạn đường ăn chơi, chờ thêm một tị, phở nóng hổi, chúi mũi mà ăn quên cả ông già phải gió, no bụng đứng lên là hết hờn.
Lần sau trở lại quán phở, vũ như cẩn, dám ăn chơi dám chịu, miễn là tối ngủ không gặp lại nét mặt của cụ là được rồi.
Sau này cô em đổi quán khác trang nhã, sạch sẽ, thưa khách, nhân viên tiếp khách lịch thiệp, mùi vị một chín một mười so với quán cũ, giá đắc hơn chút đỉnh nhưng thoải mái hơn.
Tôi bỗng nhớ đến ông cụ khó tính, phòng ăn chặt cứng, mùi phở bàn bạc, hình ảnh phở Pasteur Sàigòn, quán phở trước ngỏ nhà tôi, phở xe ban đêm với đám khách vây kín hàng hiên nhà ai.
Nỗi nhớ Sàigòn cũ lại ùa về, phở ngon ngoài hương vị đặc biệt còn có không khí chộn rộn chen vai, thúc cù chỏ vì quán chặt cứng khách ăn chơi.
Chuyện dân mít ăn phở, nghiện phở … là chuyện tự nhiên, điều không bình thường là dân Mỹ ghiền phở, mỗi tuần phải ghé quán để ông già kia « hành hạ » mới lạ.
Anh bạn Mỹ của em tôi ghiền phở đến độ, ăn phở tuần, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối tùy giờ đứng lớp. Gã là dân Veteran chỉ đóng quân bên Châu Âu nên không biết đặc sản xứ Ta, sinh sống bên hông chợ Sàigòn Nhỏ cũng chưa hề ăn phở.
Từ dạo quen nàng, chàng đâm mê phở hơn nàng, sau giờ lên lớp gã phóng xe đến trình diện ông già lạnh lùng y chang ông xếp trường gã dạy học.
Nhỏ em hỏi, anh chưa ngán ông xếp ở trường sao mà còn tìm ông « xếp bàn » để chiêm ngưỡng dung nhan.
Gã cười thích thú, cưng ghiền phở vì cưng quen mùi từ thuở nào không bỏ được, anh quen nhìn ông xếp mười mấy năm thành quen, gặp lại một « phiên bản » ngoài sân trường cũng thích, người ta nói đó là dấu ấn của thời gian đấy.
Nhỏ em nheo mắt, mê phở thì nói đại đi, bày đặt dấu ấn con khỉ gì.
Gã gật đầu, đúng là không qua nỗi mắt cưng, con gái Việt nhìn thấu ruột gan người ta.
Chuyện nghiện phở của gã đến đây cũng giống như bao nhiêu người Mỹ khác chuộng ẫm thực VN, nhưng có một sự cố khiến gã thay đổi cách thưởng thức phở.
Một hôm đi làm về, thèm phở nhưng lười ra phố, nhỏ em lôi tô nước lèo còn lại từ phần phở to go hôm qua ra, hâm nóng rồi lấy khúc bánh mì chấm nước lèo ăn ngon lành.
Gã Veteran trố mắt, sao cưng lại ăn bánh mì với nước phở, anh chưa thấy ai ăn kỳ quặc như rứa.
Nhỏ em bèn bật mí, hồi trước ở Sàigòn có mấy bác đạp xích lô, thèm phở, ăn một tô không đủ no để đạp xe nên mới « ăn dặm » thêm bánh mì cho chắc bụng.
Sợ nhỏ em ăn hết bánh mì, gã mê phở đề nghị, cưng đưa anh ăn thử một miếng xem sao.
Nhúng bánh mì vào nước phở, nhâm nhi một lúc, gã phán, ngon tuyệt, sao cưng không bày cho anh kiểu ăn này.
Nhỏ em cười ngất, tụi mình có đạp xích lô đâu mà phải lấy bánh mì chấm nước lèo, ăn tô phở ở đây no cứng bụng rồi.
Tưởng chuyện ngưng ở đây, không hề đâu nhe, mấy bữa sau gã đến quán phở của ông già xếp bàn, thủ một khúc bánh mì. Dạo này ông già quen mặt gã Mỹ ăn phở với giá trụng, rau thơm, nhưng hôm nay cụ hơi ngạc nhiên vì gã cầm theo khúc bánh mì.
Ông già cầm lòng không đặng khi thấy gã lấy bánh mì chắm vào bát phở, ông cụ bèn kéo ghế ngồi đối diện khách hàng.
Cốc há mồm đây, ông cụ hỏi, ông ăn hết bát phở ở đây vẫn chưa no, lần sau tôi bảo nhà bếp thêm bánh phở cho ông.
Gã khoát tay, không cần đâu, tôi ăn như mấy ông xích lô ở Sàigòn đó mà, ngon lắm. Ông cụ chưa hết ngạc nhiên, ông vừa đi du lịch VN về ?
Gã lắc đầu, bạn của tôi đưa tôi đi du lịch bằng thức ăn ba miền xứ Việt, cũng hứng thú lắm.
Ông già chịu thua gã Mỹ, dân ta sang ra phết, ăn phở là ăn chơi, chứ ai lại ăn no như gã kia, hình như ông chưa hiểu chính gã đang tái diễn kiểu ăn phở của phu xe VN thời trước 75.
Lần qua Cali vừa rồi, nhỏ em dẫn tôi đến quán phở khác, quán mới đổi chủ, do hai vợ chồng trẻ vừa sang lại, phở thơm ngon, giá bằng quán ông già, nhưng tiếp khách lịch sự.
Hôm đó chiều thứ bảy, quán nấu nồi phở mới, chủ quán tặng một tô xí quách đại bàng, nhỏ em bảo tôi ăn thử, tôi lắc đầu chịu thua, ăn tô phở no ngấp ngư rồi.
Nó đẩy tô xương qua gã kia, rồi ghé tai tôi, chị đừng lo xương ế, có khách lãnh trọn gói, nghề của chàng mà.
Chính xác, anh bạn Mỹ dùng bàn tay năm ngón bẻ cù lẳng chấm tương đen, nhai gân như nhai kẹo chewing gun.
Nhỏ em chế diễu, bữa ni không cần bánh mì hỉ.
Gã cười híp mắt, món đó chỉ ăn một mình mới ngon, có tô xương này cũng đủ rồi.
Tối đến tôi hỏi nhỏ em, gã nói ăn phở chấm bánh mì một mình mới ngon là sao ?
Dân Mỹ màu mè đó mà, gã sợ chị cười tính ham ăn nên nói như thế, sao chị dễ tin rứa.
Cuối năm nay tôi không qua Cali, bởi vì thì là mà, cả nhà đang chờ tin vui, sẽ bật mí với bạn đọc trong bài viết khác, nhưng vẫn nghĩ về Chợ Sàigòn Nhỏ của tôi.
TV bên này lại tường thuật Nol đó đây, rồi xẹt qua Cali, nhìn hàng cây cọ thẳng tấp trên đại lộ Hollywood, tôi chợt nhớ đến quán « Phở Chờ » của ông cụ xếp bàn.
Mùa này quán của cụ chắc chắn sẽ đông gấp bội, vì có cả đồng hương ở tiểu bang xa về đây ăn phở, không chỉ riêng quán của cụ mà Cali được liệt vào thành phố phở của dân tỵ nạn từ lâu rồi.
Có hôm còn dư nước phở tôi cũng chấm bánh mì ăn chơi, và chợt nhớ đến gã Mỹ kia, mấy ngày này đố gã dám kẹp nách khúc bành mì xếp hàng trước cửa quán ông già, còn gì là sĩ diện dân bản xứ.
Sau tiệc đêm Giáng Sinh, chưa kịp nghỉ xã hơi, anh chị sui báo năm nay họ sẽ lên Paris thăm con, ăn tết Tây và ghé nhà tôi trao quà. Tôi lại lăn vào bếp chuẫn bị thực đơn, thức ăn Việt họ nếm đủ sáu món ăn chơi, ăn thiệt, lần này phải thay đổi thực đơn.
Hỗm rày TV có chương trình nấu ăn chuyên đề mùa Nol, tết Tây, mấy gã « Cù zin nhê » mấy sao sáng chói (Chef étoilé, Chief Cook) bày một số món ăn làm từ thức ăn cũ ngày hôm qua, dễ thực hiện, khá hấp dẫn.
Tôi bèn nghĩ đến món bánh mì chấm nước lèo phở của gã Mỹ, nhưng không hẳn như vậy.
Chưa kịp nói hết ý, chàng nhảy tưng tưng, bộ mẹ nó muốn làm mếch lòng sui gia hay sao mà cho người ta ăn đồ cũ. Tây có ba mươi sáu kiểu ăn bánh mì, kiểu thứ ba mươi bảy của mẹ nó chắc đưa tình nghĩa sui gia nhà mình vào ngõ cụt mất.
Bình tĩnh nào, nói vậy mà không phải vậy, bố nó biết cái món ăn chơi của Tây chứ, mấy miếng bánh mì nhỏ như cục xí ngầu (crỏton), tẫm phó mác hoặc bơ mặn nướng dòn rụm nhắm với rượu khai vị, ngon tuyệt.
Chàng sốt ruột, có sao nói vậy mẹ nó ơi, mẹ nó tính làm sao với món bánh mì chắm nước phở.
Dễ ợt, bánh mì cũ cứng ngắt, tẫm nước lèo cắt ra viên nho nhỏ, đưa vào lò nước, bánh mì dòn rụm, ngậy mùi phở bò với hương vị hoa hồi, quế …thể nào chả gợi nhớ món quốc tuý của họ « Pot au feu » (bò hầm cà rốt, bo rô, na vê với bó cỏ thơm miệt Provence).
Chàng gãi đầu, tùy mẹ nó tính, hay mẹ nó thủ sẳn một món « xơ cua » để cú bồ rủi họ ăn không vô.
Bố nó giỏi lắm, dĩ nhiên sẽ có bánh pâté chaud trực chiến, sẳn có hoa hồi, quế mình làm luôn một mẻ « rượu nóng » (vin chaud) cho anh chị sui thưởng thức.
Chàng tặc lưỡi, biết ngay mà, ăn chơi mà thiếu rượu mẹ nó đâu có chịu, mà này món rượu nóng là đặc sản của Tây, mẹ nó tranh sao bằng chị sui.
Xin lỗi nhe, rượu đỏ của Tây, nhưng hoa hồi, quế … là của Ta, như vậy đặc sản của họ thuộc loại « tây lai » chứ đâu có chánh cống như bánh bèo, bánh bột lộc… của mình chan nước mắm, đời nào dân ta ăn bánh chấm nước Maggie của họ.
Món rượu nóng sẽ lai VN nhiều hơn nếu mình thả thêm vài lát gừng, chắc chắn uống rượu này vào sẽ nóng ran cả đêm.
Mẹ nó bớt hăng dùm, kiểu này anh chị sui siểng niểng hết đường về, mẹ nó sẽ mang tiếng cho mà xem.
Mình có tiếng hồi nào mà ngại, mà bố nó khéo lo, dân Tây uống rượu như hũ chìm, một chút gia vị phương xa nhầm gì so với tửu lượng của họ.
Đó chỉ mới là vài món khai vị ăn chơi, tôi đang thử vận «làm xếp » cái bếp nhỏ nhà tôi, với cách nấu nhanh gọn mà ngon, không nhất thiết phải dùng thức ăn cũ ngày hôm qua.
Chưa biết vận mệnh đưa đẩy đến đâu, nhưng tôi tin món khai vị này không thể làm mất lòng sui gia, vì món phở của Ta cũng bảnh không kém món « Bò hầm » của Tây đâu.
Mùa này siêu thị lớn của Tây bán thịt kangourou, heo rừng, hưu…, mấy loại thịt này cắt lát mỏng cuốn lá nho nướng vĩ khá hấp dẫn, vấn đề là ướp cái gì, ăn với bún hay bánh mì, chấm tương Tây hay tương Ta ?
Giời ạ, tự dưng ngồi sui với Tây mới ra nông nỗi, mặc cho tôi bối rối lay hoay trong mớ tương chao, chàng rung đùi ưng ý lắm, cuối cùng chàng cũng có anh chị sui làm đồng minh trong phe không chơi với nước mắm.
Thôi đành lên mạng tìm trang nhà của mấy ông xếp bếp rồi từ đó mà « phăng », kết quả buổi tiệc cuối năm ra sao, hẹn bạn đọc vào dịp khác.
Năm hết, tết đến, xin chúc Việt Báo và độc giả, một Năm 2013 Sức Khoẻ dồi dào, Vạn Sự Như Ý.
Đoàn Thị
Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè
Kèm theo bài viết là hình ảnh trực thăng hành quân sưu tập từ internet.
Bất cứ một chiến tranh nào cũng có những hoạt động quân sự được che dấu bảo mật. Với những phi cơ màu đen không số không tên không cờ, Phi Đoàn 219 Thần Phong của Không Quân VNCH, trực thuộc Phòng 7 Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, có nhiệm vụ thả người ra phía Bắc vĩ tuyến, đưa đón và yểm trợ những toán tiền thám Lôi Hổ, Biệt Kích đi sâu vào lòng địch… Bài phóng tác dưới đây được dựa trên câu chuyên của Trần Khánh, một người con của Huế và là một “Thượng Sĩ Già” của Biệt Đoàn 83 gồm những chiếc trực thăng H34 của phi đoàn 219, với nét mặt vẫn mang đầy vẻ khí khái hiên ngang của một chàng trai thời chiến của ngày nào dù tóc nay đã nhuộm màu thời gian. Ước mong bài viết diễn tả được phần nào công việc hiểm nghèo các phi hành đoàn của Không Lực VNCH thi hành hàng ngày mà cá nhân tôi, một y sĩ QYND, đã chứng kiến qua những phi vụ đánh phá mục tiêu, yểm trợ, tiếp tế, tản thương…trong trận đánh năm 1974 ở Đồi 1062 tại vùng Thường Đức/ Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.Từ xa về thăm bạn bè trong vùng Nam Cali nhân Mùa Giáng Sinh năm 1981, Khánh cố tình quên cái đau răng đã hành hạ anh từ mấy ngày qua. Qua một đêm mất ngủ vì nhức răng quá độ dù tối hôm trước anh uống rượu khá nhiều với các bạn cùng phi đoàn, Khánh quyết định tìm đến văn phòng nha sĩ cầu cứu.Vì không quen biết ở vùng này, Khánh bước đại vào một văn phòng nha khoa nằm ở góc đường, gần căn nhà người bạn mà mình vừa tá túc. Trong khi đang đứng kể rõ bệnh tình với cô nhân viên để xin cho được gặp nha sĩ dù không có hẹn trước, Khánh thấy người nha sĩ bước vào phòng và ra dấu cho người nhân viên chấp nhận, có lẽông ta nghe được câu chuyện vì đứng sát cửa phòng chờ khách.Nằm chờ trên ghế khám không mấy lâu, Khánh thấy người Nha Sĩ vừa bước vào phòng vừa đọc hồ sơ cá nhân của Khánh. Qua vài câu thăm hỏi về bệnh tình, ông hỏi Khánh có ở trong quân đội trước khi mất nước. Khánh trả lời có và cho biết mình phục vụ trong Không Quân VN. Người Nha Sĩ ngần ngừ một thoáng rồi nói nhỏ “tôi có người em trai cũng ở trong Không Quân, nhưng nó chết rồi”. Rồi như muốn trút đi một tâm sự buồn, ông vội nói tiếp “Nó tên là Hòa, Nguyễn Đại Hòa, người rất hiền hòa như tên của nó vậy đó. Nó là trung úy phi công trực thăng đóng ở Đà Nẳng, và chết trong một phi vụ vào tháng 2 năm 1971”.Khánh thảng thốt bật thẳng dậy, hỏi ngay “có phải xác của Trung Úy Hòa được đưa về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở Huế bằng trực thăng không?” Người Nha Sĩ bước lui mấy bước và trả lời không ngập ngừng “Đúng rồi. Sao anh biết?”
Như một tia chớp, bao nhiêu hình ảnh trong phút chốc bỗng trở về trong đầu Khánh một cách mạch lạc dù câu chuyện đã xẩy ra cả mươi năm qua.
“Thưa Nha Sĩ, nếu đúng với tên người chết là Trung Úy Hoà, chính phi hành đoàn chúng tôi đưa xác anh ấy về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương!”
Người Nha Sĩ đứng yên lặng trong giây lát, như để tự trấn tĩnh lấy mình, rồi bỗng vái lạy Khánh, vừa nói nhanh.
“Mấy lâu nay gia đình chúng tôi muốn biết về cái chết của nó vì nghe phong phanh phi đoàn nó nói là trực thăng của nó bị bắn rơi, chỉ riêng một mình nó chết thôi và phi hành đoàn 3 người còn lại đều bị bắt làm tù binh”
Trong cùng lúc đó, Khánh cũng bật dậy, nhảy vội ra khỏi chiếc ghế khám, chạy đến bên cạnh người Nha Sĩ, làm hành động ngăn không cho ông ta vái nữa; và trong sự cảm thông, hai người xúc động ôm chặt lấy nhau trong im lặng. Rồi người Nha Sĩ mời Khánh bước qua phòng làm việc. Bấy giờ Khánh mới lấy lại bình tĩnh và tuần tự kể từng chi tiết về chuyến rescue mission đặc biệt năm đó.
Trong Chiến Dịch Lam Sơn 719 đánh vào các căn cứ của CS Bắc Việt ở Hạ Lào vào tháng 2, 1971, Biệt Đoàn 83 của Khánh được biệt phái từ Phủ Bài ra Ái Tử. Sau khi thi hành thả những toán Lôi Hổ vào vùng đất địch, trực thăng H34 của Khánh đang trên đường trở về căn cứ Phủ Bài. Trước khi đến cây số 17 gần An Lỗ, liên lạc viễn tuyến trên tần số phi cơ cho biết có một chiếc trực thăng UH1H của phi đoàn bạn từ Đà Nẵng bị bắn rớt ở phía Tây Động Ông Đô. Phi hành đoàn của Khánh lập tức chuyển hướng, quay về hướng Tây, lần theo toạ độ tìm đến nơi chiếc trực thăng bị rơi.
Trời lúc đó đã về chiều dù chưa tới 5 giờ và càng vào trong núi càng nhiều sương mù. Từ trên cao, Khánh thấy xác chiếc trực thăng nằm nghiêng ở kế bên dòng suối nhỏ. Sau khi đảo quanh một vòng để quan sát tình hình chung quanh trực thăng bị rơi, chiếc H34 từ từ bay dừng một chỗ trên không và sử dụng hệ thống Hoist thả Khánh xuống ở cách xa trực thăng kia khoảng 80 thước. Khi đến được mặt đất và tháo gỡ dây Hoist ra khỏi người, Khánh mới biết cỏ tranh xanh cao hơn đầu người anh và triền đồi rất dốc, khiến anh đã bị lăn từ trên triền đồi xuống đến dưới lòng suối.
Vừa ê ẩm trong người, vừa hồi hộp, Khánh chạy lần theo men bờ suối và đến cạnh chiếc trực thăng ngộ nạn. Khánh nhìn ở bên ngoài và chung quanh trực thăng, nhưng không thấy bóng dáng ai cả. Nhìn vào phòng lái, Khánh thấy thân thể một người nằm gục không nhúc nhích ở ghế phi công trưởng, đầu nghẹo sang một bên và kính phía trước bị bắn lủng một lỗ to tướng.Khánh lách người qua cửa hông bên trái, lần đến gần người nằm bất tỉnh ở ghế trước bên phải. Bấy giờ Khánh mới nghe hơi thở phì phò của người phi công bị thương cùng một lúc nhận thấy khuôn mặt anh bên phải là một khối bầy nhầy đầy cả máu.Sau khi cố gắng lôi được hai bàn chân của người bị thương còn bị kẹt ở pedales phía dưới thân máy bay, Khánh bắt đầu ôm lấy thân hình anh ta, từ từ kéo ra khỏi xác máy bay. Khánh nghe được một tiếng thở mạnh từ người phi công vừa trút hơi thở cuối cùng trong tay mình.
Trong khi vác xác đồng đội trên vai chạy dần về nơi an toàn, máu người chết tiếp tục chảy xuống ướt cả áo bên trong của Khánh, cộng thêm với mồ hôi của mình khiến Khánh choáng váng và mệt đến lả cả người. Sau hai lần phải dừng lại nghỉ mệt, Khánh đã đến được điểm hẹn, bấm đèn pin lên hướng trực thăng của mình làm dấu thả dây Hoist xuống cho Khánh móc xác người chết lên trước, rồi đến mình lên sau.
Chiếc H34 bay quành một vòng nhỏ như để chào vĩnh biệt lần cuối người bạn mới hy sinh, rồi lấy hướng về phía Đông Nam. Ít phút sau, Khánh lấy lại bình tĩnh, nhìn đọc bảng tên HÒA trên áo bay của người phi công xấu số.
Phi hành đoàn H34 báo cáo sự việc và nhận chỉ thị đưa xác Trung Uý Phi Công Hòa về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Khánh vẫn còn run sợ, thầm nghĩ anh có may mắn không bị VC phục kích và chiếc trực thăng H34 đang bay chờ anh trên trời cũng không bị nhắm bắn trong khi thi hành nhiệm vụ một cách đơn độc vào giờ chót trong một thời tiết rất xấu.
Dù đau buồn vì 3 người phi hành đoàn còn lại đã bị bắt làm tù binh trước khi trực thăng của anh đến vùng, và phi công trưởng tử thương, nhưng Khánh và phi hành đoàn H34 của anh có niềm hãnh diện riêng vì ước nguyện của các chiến hữu Không Quân đã thêm một lần được thực hiện qua châm ngôn “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn bè”
Cả tuần sau, Khánh vẫn bồn chồn đứng ngồi không yên, người cứ mệt mỏi bần thần.Bộ đồ bay màu đen của anh vẫn còn thoảng mùi máu của đồng đội dù đã được giặt đi giặt lại khá nhiều lần. Cái chết của người Trung Úy Phi Công Hòa với gương mặt bị bắn nát một nữa bên của anh,cùng với hình ảnh của bao người lính Lôi Hổ, Biệt Kích mà Biệt Đoàn 83 của anh đã từng đưa đi, đón về phía sau lưng địch, có khi đầy đủ có khi thiếu một vài người, đã để lại những vết thương âm ỷ khó quên trong tâm hồn của con người vốn coi nhẹ tính mạng nơi anh.
Nghe xong câu chuyện và với nước mắt lưng tròng, người Nha Sĩ lên tiếng:
“Chắc vong linh em tôi xui khiến và dẫn đường cho anh đến văn phòng gặp tôi sáng nay. Câu chuyện anh kể hôm nay về cái chết của Hòa là một món quà vô giá trong mùa Giáng Sinh năm nay cho gia đình Cha Mẹ và anh em chúng tôi. Nguyện ước biết rõ về cái chết đau thương của Hòa trong vòng tay của một đồng đội sẽ mang đến một kết thúc nhẹ nhàng cho gia đình chúng tôi. Thay mặt cho toàn gia đình, tôi xin được nói lời cảm tạ với ân nhân đã đem xác em tôi về…”.
Trong mùa Giáng Sinh năm 1981, sau khi rời văn phòng nha sĩ, Khánh cảm thấy nhẹ hẳn người, như vừa trút bỏ được một gánh nặng đã cất giữ trong lòng từ lâu. Và anh bỗng thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng như muốn vụt lên với trời cao trong xanh. Bác sĩ Vĩnh Chánh, thuộc Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại. Thời chiến tranh, ông là YSĩ Quân Y Nhảy Dù. Bài viết sau đây được tác giả viết cho Mùa Giáng Sinh năm 2012. Chuyện là thật, nhưng họ và tên các nhân vật không hoàn toàn đúng sự thật.
Chiếc Giày Há Miệng
Ngôi làng của bộ lạc Miwok đã được tái tạo, có bảy chiếc lều nhọn giống như những cái tháp, làm bằng vỏ cây và dây nho, gọi là “Umacha- Bark house.”
Tin…Tin… Tiếng còi xe của mẹ Ashley làm My lính quính. Vừa khập khểnh chạy vừa cố lôi cái quần Jean đang mặc dở lên, My ra nhà giặt vơ đôi giày tenis. Hôm nay My xin phép mẹ theo gia đình Ashley và vài đứa cùng lớp đi tham quan khu rừng “Indian Grinding Rock” ở Sierra Nevada Foothills, gần sòng bài Jackson. My cảm thấy vui mừng lẫn hồi hộp vì lần đầu tiên đi thăm công viên lịch sử này. Mang xong chiếc giày bên kia, xỏ chân vào chiếc bên trái, My bỗng giật mình tái mặt. Trước mũi chiếc giày, ở đâu ra một đường nứt khoản năm phân. Mỗi lần My nhúc nhích chân, nó ngáp ngáp như cái miệng con ếch!Chết rồi! Tối qua My bỏ nó vào máy giặt nhưng đâu có thấy nó rách chỗ nào. Làm sao đây. Tất cả “gia tài” cho đôi chân, My chỉ có mỗi đôi giày đó.
Tiếng Ashley giục giã:
- Hey, My! Nhanh lên chứ! Má tao đang đợi nè! My sực tỉnh, vội vã cột giày rồi chạy ra. Phải mang đại thôi. Không còn đường lựa chọn.
Cửa sau của chiếc van bật mở, My lên ngồi cạnh Heather, kế đến là Casey. Ashley ngồi một mình ở đàng sau, dựa ngửa đầu nghêu ngao hát. Katie, nhỏ em tám tuổi của Ashley, mặc đầm rất đỏm dáng, điệu đàng cài kẹp trên đầu, ngồi đàng trước với mẹ nó, bà Rose.
Xe ra khỏi thành phố, bon bon trên xa lộ 88 về hướng Jackson. Mấy đứa con gái tán chuyện rần rần. Hết nói về những bộ phim “hot” của tuổi “teen,” lại đến những kiểu thời trang giảm giá ở Macys, rồi chuyển qua “mấy thằng boy” cùng lớp. My ngồi im thin thít. Chân phải gát chéo lên chân trái. Người co lại. Cố gắng không cho ai thấy chiếc giày “tàn tật” của mình. Nhìn tụi nó My thật ngưỡng mộ. Vui đùa hớn hở. Quần áo, giày dép, toàn hàng hiệu. Không Tommy thì cũng Nikes, Nordstrom, Sketchers.
Từ khi ba bỏ đi đến giờ, My hết hưởng được những thứ ấy. Mẹ cật lực làm hai job vẫn không đủ trả nợ nhà, xe, và đủ thứ bill ba để lại. Đồ đạc của My, quần áo dép giày đều từ Goodwill, Outlets. Nhiều lần nửa đêm thức giấc, My thấy mẹ ngồi khóc một mình. Rất thương mẹ nên My sống an phận. Không vòi vĩnh. Lâu lâu, My giúp bà hàng xóm Evelyn dọn dẹp vườn sau, nơi mấy con chó cưng của bà “xả rác,” kiếm thêm tiền mua sách vở. My chợt sờ vào túi quần Jean, nơi mười hai đô la được gói cẩn thận trong tờ giấy napkin. Mười hai đô la My dành dụm. Mẹ hứa kỳ tới lãnh lương sẽ cho thêm để My mua một đôi Sketchers. Không ngờ hôm nay đôi giày cũ lại “dở chứng” bất tử như vậy.
- “Mom!” Nóng quá, mở máy lạnh đi! Con bé Katie đột nhiên nói lớn.
- Được rồi, công chúa! Lúc nào cũng có chuyện càm ràm. Bà Rose mắng yêu.
Tác giả (phải), và tượng người vũ công da đỏ tại vườn Indian Grinding Rock, nơi tác giả chứng kiến câu chuyện của My.
Không khí trong xe mát dịu, nhưng con bé đỏng đảnh muốn chứng tỏ “quyền uy,” tạo sự chú ý của mọi người. Là con út được chìu cưng, Katie muốn gì được nấy. Lâu lâu nó nhịch ngợm chọc phá bạn của Ashley nên thường bị gọi là “The little brat.”Xe vừa dừng lại là cả bọn nhảy xuống. Mọi người vươn vai hít thở bầu không khí trong lành, ngan ngát hương hoa. Thời tiết hôm nay rất đẹp. Trời trong xanh không một gợn mây. Gió nhè nhẹ, chỉ đủ làm lay động cỏ cây hoa lá. Nhìn những cụm hoa rực rỡ chen lẫn trong rừng oak xanh rờn, mấy đứa trầm trồ “Ooh” Aah” om sòm, xúm nhau “tạo dáng” chụp hình tới tấp. Sau khi chụp chung một số hình với các bạn, My lảng ra nơi khác, đi vòng vòng. Sờ nắn những cái cối đá tròn tròn, My không hiểu với những cái cối chỉ lớn hơn cái cốc này, người Miwok cổ xưa làm sao nghiền hột “acorn” để làm bếp. Băng qua khoản cỏ, My trèo lên bức tượng người vũ công da đỏ, một công trình điêu khắc giá trị, nhìn ngắm tứ phương rồi trèo xuống để qua bên kia xem ngôi làng lịch sử.
Ngôi làng của bộ lạc Miwok đã được tái tạo, có bảy chiếc lều nhọn giống như những cái tháp, làm bằng vỏ cây và dây nho, gọi là “Umacha- Bark house.” Đứng trong túp lều, My có thể ngắm những con chim humming-bird mình xanh cổ đỏ chuyền nhảy trên cây. Bên kia là con đường mòn để du khách đi bộ vào rừng thưởng thức quang cảnh thiên nhiên. Họ sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại cỏ cây từng là “cứu tinh” của người bản xứ.
Cảnh vật thật thơ mộng, nhưng My phải cẩn trọng từng bước để tránh chiếc giày gây nên “sự cố.” Phải chi ba đừng bỏ mẹ, My đâu khổ sở thế này. Hồi còn ba ở nhà, My đã từng có đủ mọi thứ. Sự việc cũng chỉ tại cái lần ba về Việt Nam mà mẹ không chịu đi cùng. Vợ mấy bác HO bạn của ba đã xúi mẹ phải đi theo, không thì “ông ấy sẽ bị mấy con mèo móng đỏ bên Việt Nam cướp mất.” Nhưng mẹ không nghe. Bà nói ông đi làm cỏ có thể nghỉ lâu, bà làm hảng phải ở nhà giữ job. Mẹ đã đưa hết số tiền dành dụm để ba về quê nội xây nhà. Nhưng rồi nhà nội đâu có xây, mà khi ông trở qua, số tiền lớn đem theo đã bay sạch. Sau khi li dị, ba My về Việt Nam cưới cô bán bia ôm chỉ lớn hơn My mấy tuổi, rồi bảo lãnh qua đây. Nhìn đôi giày rách dưới chân, My nghĩ đến đứa con gái nhỏ của ba. Mỗi lần ba chở My đến nhà, nó lôi ra khoe đủ thứ đồ chơi đắt tiền và quần áo đẹp. Bà dì ghẻ trẻ thì trợn nguýt, kiếm chuyện nạt nộ ba My nhưng ông ấy vẫn im re. My kể chuyện cho nội nghe, bà nói “thằng cha mày đang bị trời phạt!”
Dừng lại ở bìa rừng, My nhặt một quyển sách nhỏ trong hộp “tour guides.” Quyển sách hướng dẫn này giới thiệu đầy đủ chi tiết giúp khách tham quan nhận biết các loài động vật hoang dã và thực vật đang tồn tại ở khu rừng oak (sồi) và pine (thông) này. Các loài chim thì có chim cun cút, gõ kiến, họa mi, vàng anh, humming-birds, và nhiều loại khác. Thú rừng thì nào là nai, cáo, sóc, thỏ, mèo rừng, gấu, sói, và thỉnh thoảng người ta cũng gặp một vài con sư tử và gấu đen xuất hiện trong khu rừng rậm ít người tới lui.
Có hơn 130 loại cây cỏ lá hoa trong khu rừng mà người Miwok đã từng dùng làm thức ăn, thuốc trị bệnh, và chế biến sản phẩm hoặc gia dụng trong nhà. My đến trước một bụi Hoa Xà Phòng, “Soap Plant.” Thật không thể tưởng tượng, củ của loài hoa sáu cánh dài màu tím nhạt chỉ nở một đêm rồi tàn, có thân và lá giống như hoa huệ này lại có công dụng vô biên. Người da đỏ đã ép củ hoa làm xà phòng, đổ xuống ao hồ cho cá “say xỉn” nổi lên, luột củ hoa làm keo dán, phơi khô thì sẽ có những cái chổi nhỏ làm cọ sơn hay quét bụi ghế bàn. Nhưng đem vùi nướng trong tro thì lại thành những củ hành ngọt và thơm phức cho bữa tối. Đúng là loài hoa “bửu bối,” nhưng người ta phải đợi đến mười năm từ khi gieo hột, cây mới trỗ bông! Gần một cây thông nhỏ, My chú ý đến chòm hoa tháp nhọn, được bao vây dày đặc bỡi những búp hoa trắng nõn nà giống hình mỏm sói, gọi là Hoa Sói trắng, “White Lupine.” Hoa Sói trắng chứa nhiều chất bổ dưỡng và chất đạm, “protein.” Bộ lạc Miwok đã dùng làm thức ăn, hột ép dầu, bột hoa làm gia vị nấu nướng, bánh mì, cà phê, và rượu. Đặc biệt, lá của nó pha trà trị ói mửa, cầm máu, sán lãi, lợi tiểu, điều kinh, và ngâm nước đắp sẽ làm tan ung nhọt. My bước sang bên cạnh xem một loài hoa màu đỏ cam trông thật lạ mắt. Hoa nở to chỉ với một lớp cánh mỏng như bông bụt, giữa nhụy hoa là hai đóm trắng và vàng, hình thành giống hệt mắt mũi của “lão Tôn” học trò Đường Tam Tạng. Đó là Hoa Khỉ, “Monkey Flower.” Ngày xưa, muối rất quí hiếm nên người Miwok đã dùng lá của loại hoa này để thay thế muối. Lá Hoa Khỉ tươi ép ra nước chữa được phỏng và ngứa lở ngoài da; độc đáo hơn, hoa và rễ của cây dùng làm thuốc sát trùng, chữa lành vết thương và đau nhức.
My định bước sâu vô phía trước, bỗng nghe Ashley kêu:
- Ê My! Mày đang làm gì ở đó? Ra ăn trưa cái đã, rồi lát nữa hãy đi bộ vào rừng.
- Okay, được rồi! My nói và quay trở lại. Ra gần đến chỗ mấy túp lều Miwok, một con sóc nâu cổ trắng bỗng chui ra từ đám dây leo. Nó đứng dựng, vểnh cái đuôi dài như cái chổi lông, đôi mắt đen láy nhìn My chăm chú. My thích thú đưa tay ngoắt. Sóc ta rất dạn dĩ, bước đi vài bước rồi đứng lại nhìn. My bật cười, phóng tới chụp lấy nó, không ngờ con sóc lỉnh mất tiêu. Nhưng chiếc giày của My lại vướng vào một nhánh cây khô làm My chúi mũi, té nhào tới trước. Nhánh cây gãy, ghim sâu vào chỗ rách của chiếc giày. My ngồi dậy giật nó ra, và bỗng ôm lấy mặt. “Mõm” của chiếc giày oan nghiệt đã “toang hoác” ra tận đàng sau! My muốn òa lên khóc.
- My ơi! “Come here!” Có tiếng Heather gọi. - Qua đây ăn “Chicken pie” nè, ngon lắm! Miễn cưỡng, My đứng dậy. Lê từng bước chậm chạp. Từng bước, từng bước. Thật lâu My mới đến ngồi cạnh Ashley, bưng đĩa pie lên và cắn một miếng.
Con bé Katie ngồi phía đối diện đột nhiên nhìn xuống chân My. Đầu nó nghiêng qua ngoẻo lại, giống như con gà nòi đang lâm trận. My cứng mình. Ruột gan như cồn cào đảo lộn. Chết thật. Con nhóc này sẽ thấy mất thôi!Quả vậy. Nhìn một hồi, Katie bỗng chỉ xuống chân My, phá lên cười ngặt nghẽo:- Ha…ha… chiếc giày của chị My đang…há miệng ra!
Mặt My đỏ như quả gấc. Heather và Casey vội quay đi. Ashley trợn mắt:
- “Shut up!” Katie! Mày phát ngôn bậy bạ cái gì thế!
Miếng pie nghẹn lại nơi cổ họng, mặt nóng bừng, My ước gì có thể biến đi.
“Im sorry” My! Ashley thì thầm vào tai My. - Katie là con nít, mày đừng để ý.
- Tao phải đi toa lét. My nói và đứng dậy lê bước như kẻ không hồn. Đến con đường mòn vô trail, My giận dữ bứt lá hai bên đường ném ra tứ tán. Được một lát, My chợt nhớ là sẽ bị phạt nếu làm hại cỏ cây, nên dừng lại. Đến một gốc cây ngã, My trèo qua phía bên kia rồi nằm vật xuống đám lá khô, khóc nức nở. Lần đầu tiên My bỗng thấy ghét ba thậm tệ, dù mẹ luôn dặn phải tôn trọng ba. Nhưng sao đứa con bà vợ nhỏ có đủ thứ, My chỉ cần một đôi giày mà kiếm không ra.
Trước kia, lâu lâu ba cũng có dúi cho My chút đỉnh để ăn quà. Nhưng một hôm bà vợ nhỏ bắt gặp ba moi tiền giấu trong ghi đông xe đạp đưa cho My, bà làm ầm ĩ. Từ đó My không đến nữa. Ba muốn gặp thì đón ở trường, chở My đi ăn rồi trả về với mẹ. Nhưng lâu rồi ba không đến đón, chắc là bị bà ấy cấm. Khóc một hồi, mùi hương hoa thoang thoảng xung quanh giúp My dịu lại. Ngồi dậy, cảm thấy bàn tay đang chống trên một vật mềm mềm, My nhìn xuống bỗng rụt tay lại, hét lớn:
- Á…con rắn!
Trộn lẫn với đám lá khô là một vật màu vàng và đen có khoang trắng. Không phải con rắn. Một chiếc xách tay nhỏ xinh xinh. Mở ra, My giật mình thấy tờ hai mươi đô la, nằm lẫn lộn với vài thứ lặt vặt. Trong giây phút, trí My hiện ra đôi giày Sketchers với cái bản “On Sale” màu đỏ ở Sears. Số tiền này, cộng với mười hai đô la có sẵn, My sẽ mua một đôi giày mới. Nhét tờ giấy bạc vào túi, đặt chiếc bóp lại chỗ cũ, My đứng dậy bước ra. Nhưng My cứ mãi băn khoăn. Số tiền đó không phải của mình. Người nào đánh mất chắc cũng cần nó lắm. Tờ giấy bạc hai chục, chiếc giày rách, tiếng cười của Katie, và đôi Sketchers trên kệ ở Sears nhảy múa trong đầu My liên tục.
Đắm trong suy nghĩ, sém tí nữa My đụng một người. Cô gái mắt xanh tóc vàng xinh đẹp đang cầm nhánh cây đào bới vào những đống lá khô. Tâm trạng đang vui, My mỉm cười:
- Hello! Bạn đang làm gì vậy?
- Hi! Mình tìm cái bóp. Cô bé nói. - Sáng nay, mình đi qua đây rồi đuổi theo một con nai nhỏ. Khi trở lại thì cái bóp đâu mất tiêu. Mình đã tìm khắp nơi mà không thấy.
- Có phải cái bóp nhỏ có màu vàng đen và vằn trắng?
- Đúng rồi! Cô bé mừng quính: - Bạn có thấy nó không?
- Đi với tôi. My nói. - Tôi đã thấy nó ở đàng kia.
- Ồ, cám ơn bạn. Mình tên Julie, bạn tên gì vậy?
- Mình tên My. Rất vui được gặp bạn. My nói, rồi dắt Julie đến nhặt lại cái bóp và móc túi lấy ra tờ giấy bạc: - Đây là số tiền trong chiếc ví.
- “Thank you, My!” Julie cất tiền vô bóp rồi ôm chặt vào trước ngực, mặt rạng rỡ:
-Xin ghi nhận tấm lòng trung thực của bạn. Mình đã để dành số tiền này, định cuối năm kiếm đủ sẽ mua chiếc áo lông mà Ellen em gái mình rất thích, làm quà Giáng Sinh cũng là quà Birthday cho nó. Cha mình đã bỏ đi mất từ lâu, mẹ mình bị tai nạn chết cách nay mấy tháng. Mình và Ellen đang sống tạm với người của nhà thờ trong khi chờ đợi tìm lại cha. Mình sợ là sinh nhật tới sẽ không có ai mua quà cho em ấy.
My đứng lặng, nhìn sững Julie, rồi đột nhiên cho tay vào túi quần, móc ra gói giấy napkin, lấy hết mười hai đồng bạc dúi vào tay cô gái:
- Cầm lấy! Đem về mai mốt mua quà cho em của bạn.
Julie tròn mắt, hết nhìn My lại nhìn nắm giấy bạc trong tay.
Nụ cười trên môi, My vẫy chào Julie rồi chạy trở ra khu “picnic.” Chiếc giày há miệng đánh phành phạch, phành phạch theo mỗi bước chân My.
Phương Hoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét