Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bài viết hay(771)

Hôm nay, người Việt ở Nam California sẽ tiễn đưa Việt Dzũng - ca nhạc sĩ/ nhà báo/ xướng ngôn viên/ nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ tại VN.
Chương trình tang lễ
 7:30 sáng: Điếu văn
Peek Family Colonial Funeral Home, 7801 Bolsa Ave, Room #1
9:30 sáng: Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Linh(17270 Ward St. Fountain Valley, CA 92708)
12:30 trưa: Hạ huyệt tại nghĩa trang God shepher (8301 Talbert Ave, Huntington Beach, CA 92605)
Vĩnh biệt Việt Dzũng! Anh nằm xuống trong sự tiếc thương, đã ra đi thanh thản với biết bao nước mắt của rất nhiều người!
Xin mời bạn hãy cùng nghe lại vài nhạc phẩm bất hủ của Việt Dzũng:
http://www.youtube.com/watch?v=eZtz9-f6cKg 
(đây là bài hát mà tôi đã nghe và rất thích từ khi còn ở VN!)
http://www.youtube.com/watch?v=APvxltWbl6k
(đây là bài hát mà ai đã từng vượt biên sẽ rất thấm thía)
http://www.youtube.com/watch?v=L7Rgn57jmzA
 http://www.youtube.com/watch?v=nE2hcL5RW4s
Xem chương trình tưởng nhớ Nhạc Sĩ Việt Dũng của STBN.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
http://youtu.be/8ea4ZzmWNRo
Chào năm mới 2014 và em đã về trên quê hương yêu dấu!
Đặng Huy Văn (Danlambao) Do cậy con nhà giàu, nên tôi cứ lêu lổng mãi chơi thành ra phải học đi học lại lớp Một tới ba năm. Đầu năm 1953, tôi bước vào lớp Một năm thứ ba thì gặp Diễm Hạnh, một bé gái người công giáo rất xinh xắn kém tôi một tuổi vào học cùng lớp. Mặt bạn ấy nhìn như Đức Mẹ Maria nên nhiều “chàng trai” trong lớp muốn làm thân nhưng bạn ấy không ngờ lại chỉ quí tôi, có thể vì ba bạn ấy cùng làm việc ở xã với chú tôi, nên chúng tôi đã quen nhau từ trước. Mỗi lần tôi ngồi quậy phá trong lớp bị cô giáo đuổi ra ngoài, bạn ấy đều cất sách vở cho tôi, rồi đến cuối buổi lại âu yếm trao lại cho tôi mà không một lời trách móc. Tôi thì vẫn gọi bạn ấy bằng “mày, tao” nhưng trong thâm tâm, tôi rất mến và phục vì bạn ấy đã ngoan lại học giỏi hơn tôi. Chúng tôi cùng học với nhau năm lớp Một rồi đầu năm 1954, cả hai đứa lại cùng lên học lớp Hai với nhau.
Mùa hè năm 1954, vừa học xong học kỳ I của lớp Hai, tôi và bạn ấy lại tham gia cùng đội thiếu niên nhi đồng của xã tập múa hát để chào mừng ngày hòa bình lập lại 20/7/1954 nên thỉnh thoảng tôi phải ở lại ăn cơm trưa tại nhà bạn ấy. Nhà bạn ấy vào loại khá giả. Bạn ấy còn một cậu em trai 7 tuổi nữa tên là Thiện. Ba bạn ấy làm việc ở xã, còn bà mẹ thì giúp việc trong Nhà Thờ. Mỗi lần tôi ở lại ăn cơm thì cả hai chị em đã giành hết thời gian để chăm sóc tôi. Nhưng không ngờ hơn một tháng sau, cả gia đình tôi và gia đình bạn ấy đã gặp phải một sự cố khủng khiếp. Tháng 9/1954 đội Giảm Tô về, mẹ tôi đã bị qui là địa chủ, còn ba bạn ấy thì bị qui là phản động. Tháng 10 năm ấy, nhà mẹ tôi bị trưng thu để thoái tô, còn ba bạn ấy đã bị bắt giam và cả hai đứa chúng tôi đều đã bị đuổi học. Tôi phải đi ở chăn bò để kiếm cơm ăn, nhưng chỉ có người công giáo họ mới thuê, nên tôi đã đi ở ngay tại làng bạn ấy. Ngày ngày, hai đứa lại dong bò lên đồi ngay gần làng cho ăn cỏ và thỉnh thoảng, bạn ấy lại dúi cho tôi vài củ khoai ăn trưa. Và cuối năm 1954, điều khủng khiếp nhất đã ập xuống gia đình bạn ấy. Ba bạn ấy đã bị kết án tử hình vì tội “làm gián điêp” và đã bị xử bắn ngay đầu xã vào một chiều mùa đông giá rét. Cả mẹ và bạn ấy đều phải ra tận nơi xử bắn ba mình để chứng kiến tận mắt. Mẹ tôi và các gia đình địa chủ khác trong xã cũng đều phải đến dự. Khi nghe tiếng súng nổ, mẹ tôi phải ôm chặt người bạn ấy, còn mẹ bạn ấy thì lăn lộn trên mặt đất ướt gần nơi xác ba bạn ấy vừa ngã xuống. Tôi không cầm được nước mắt rồi cùng mẹ tôi cứ ôm chặt lấy bạn ấy, nhưng bạn ấy chỉ bặm môi nấc lên mà không khóc thành tiếng. Mẹ tôi thì ngửa mặt lên như hỏi ông trời, “Sao một người hiền lành lại bị bắn một cách oan uổng như vây?” Tôi nhớ đó là ngày 26 tháng 11 năm Giáp Ngọ, tức ngày 20/12/1954, cách đây tròn 59 năm! Sau khi chôn cất ba được hai tuần, thì ba mẹ con bạn ấy đã theo những người công giáo khác ra Nghệ An để di cư vào Nam. Mồ mả của ba bạn ấy đã được gửi lại cho người bà con trông nom. Lúc chia tay vội vã vào giữa đêm gió mùa đông bắc, tôi chỉ kịp ôm choàng lấy bạn ấy và khóc nấc lên thành tiếng. Từ đó trở đi, tôi không còn tin tức gì về bạn ấy nữa!
Lạ kỳ thay, một tuần trước Nô-en 25/12/2013 này, thấy bạn tôi ở quê gọi điện ra bảo: “Anh Văn ơi, có một bà Việt kiều ở Mỹ về quê, đến chơi nhà tôi nói là muốn gặp anh đấy. Bà ấy nói tên là Diễm Hạnh cùng anh con trai từ Mỹ về để xây mộ cho bố bà ấy đã bị bắn hồi giảm tô, cuối năm 1954, anh ạ! Bà ấy đẹp lắm! Nghe nói bà ấy còn ở nhà xây mộ ba, góp tiền tôn tạo lại Nhà Thờ công giáo nên qua tết một tháng mới đi. Tết này, anh về thăm nhà vẫn còn gặp được, anh ạ”. Tôi bần thần người rồi bỗng giàn giụa nước mắt. Lạy Chúa! Thế mà trời vẫn còn cho hai đứa chúng con còn có dịp gặp lại nhau ư?
Chào năm mới 2014 và em đã về trên quê hương yêu dấu!
(Viết tặng Phan Thị Diễm Hạnh, một người bạn thời thơ ấu) 
Em ơi nhớ chăng?
Thuở hai đứa mình còn ngồi học bên nhau
Anh hay phá quấy nên nhiều lần cô giáo đuổi
Em cất sách vở cho anh, chiều về đưa không nói
Anh cứ tưởng bị em khinh, tim anh bỗng nhói đau!
Vừa xinh đẹp lại ngoan, ai cũng thích em kết bạn bè
Mà em chỉ săn sóc anh, làm cho anh thấy ngượng
Em ơi, anh là một trẻ hư học đúp lên đúp xuống
Đừng chơi với anh, mà các bạn diễu em nghe!
Nhưng thỉnh thoảng em cứ đón anh về nhà ăn trưa
Được ba mẹ em coi như con, mà lòng anh hạnh phúc
Mẹ em bảo, anh phải ngày ngày giúp em trong học tập
Như một lời khuyên răn, cháu phải học giỏi, nghe chưa?
Rồi sáng chủ nhật nào em cũng rủ anh cùng đi lễ nhà thờ
Để nghe hát những bài Thánh Ca, để hiểu về Đức Chúa
Anh được nghe Cha đạo giảng thánh kinh từ ngày đó
Nhiều câu kinh Phúc Âm anh vẫn còn nhớ tới giờ
Rồi một chiều cuối năm, anh dẫn em lên Chùa xã
Em kêu lên, chùa trên đỉnh núi sao linh thiêng kỳ lạ!
Chùa nhà Phật từ bi, đã dạy ta phải biết sống làm người
Khác nào Chúa răn trong Nhà Thờ, phải ngoan đạo, em ơi!
Có một lần em hỏi ba, Chúa Trời và Đức Phật khác gì nào?
Ba bảo, Đức Phật do tu vô lượng kiếp đã thánh Giác Ngộ
Còn Chúa Giê su do được Trời ban Phước Lành mà có
Cả hai đều răn, con người phải biết sống yêu nhau!
Em còn nhớ mùa hè vừa ký xong Hiệp định Genève(*)
Cả lớp Hai của chúng mình, đã cùng nhau vui hát múa
Em như thiên thần nhỏ Nô-en trong đêm Sinh Nhật Chúa
Trên sân khấu chào mừng hòa bình đã trở lại giữa làng quê
Ngày tựu trường lớp Hai học kỳ II đầu tháng Chín đã trở về
Chúng ta lại bên nhau cùng thi đua bước vào năm học mới
Nhưng chưa kịp đón mừng cùng bạn bè vui phấn khởi
Thì một biến cố từ trên trời đã ập xuống thảm thê!
Mẹ anh bị qui sai là địa chủ khi đội Giảm Tô về
Còn ba em đã bị chính quyên gán cho là phản động
Một tháng sau ba em bị bắt giam, nhà anh thì trưng dụng
Hai đứa đều bị đuổi học khỏi trường mà buồn thảm buồn thê!
Ôi khủng khiếp quá ngày chúng đưa ba em ra trường bắn!
Ba còn giơ tay vẫy chào mẹ em và cả hai đứa chúng ta
Mẹ em lăn lộn trên bùn đất khi nghe tràng súng nổ
Thôi! Cả hai đứa mình đâu còn nữa người ba!
Hai tuần sau, mẹ con em di cư làm anh nức nở khóc
Diễm Hạnh ơi! Sao ông trời không thương xót chúng ta?
Hãy dũng cảm lên em, một thiên thần mới vừa tròn 9 tuổi
Đã phải rời bỏ quê hương dấu yêu và nấm đất của người cha!
Em đi rồi, cây trong vườn nhà em cũng như lòng anh khô héo
Anh phải bỏ về bên quê ngoại chăn bò để vợi bớt buồn đau
Em ơi, anh nghĩ giá ông trời cho sống thêm kiếp nữa
Thì xin Người lại cho ta được đi học cùng nhau!
Nay nhận được tin em, lòng anh đã bồi hồi thổn thức
Mẹ em nay ở đâu hay đã cùng số phận các thuyền nhân?
Cậu Thiện em nay ở đâu, hay đã bỏ mình trong chiến trận
Chồng em nay ở đâu hay đã bị vùi trong biến cố Mậu Thân?
Sao quê hương đã gây cho em bao đớn đau mà em còn trở lại?
Gặp lại em, anh sẽ biết nói gì nữa đây khi tuổi đã xế chiều
Người ta đang dọa sẽ bỏ tù anh ví hay nói về chuyện cũ
Xin em đừng dính vào anh mà khốn khổ đó, em yêu!
Tết năm nay, anh sẽ về quê để gặp lại em lần cuối
Mong em đừng buồn vì anh đã thân tàn ma dại mất rồi!
May chăng em có thể nhận ra anh khi em nhìn vào đôi mắt
Đời dẫu bảy nổi ba chìm, mà đôi mắt anh vẫn còn đó niềm vui!
Năm Mới 2014, anh chúc em và bà con Việt Kiều an vui, hạnh phúc
Chúc nền kinh tế nước ta từ thôn quê đến thành thị đỡ khó khăn
Chúc Dân Chủ, Nhân Quyền, Tự Do năm nay hơn năm ngoái
Chúc sức khỏe tù nhân lương tâm và hàng triệu dân oan!
Hà Nội, 29/12/2013 
Những tấm chân tình ngày cuối năm
Tâm ạ, hãy tạm quên đi những gương mặt vô cảm, quên đi những nụ cười lạnh lùng, tàn ác của những bộ đồng phục màu xanh trong tòa án Phú Yên. Hãy biết rằng, bên cạnh những tâm hồn rừng rú ấy vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình từ xa, xa lắm nhưng cũng gần, gần quá bên em. Hãy dìu dắt nhau bằng những tấm chân tình này. Và từ những vòng tay ấm đó, sẽ cho chúng ta niềm hy vọng chan hòa vào một ngày trên đất nước Việt Nam sẽ không còn những nhà tù giam giữ những con tim biết yêu thương...
Ca Dao (Danlambao) - Một năm buồn, một năm vui, một năm hạnh phúc hay một năm đầy những oan khiên, rồi cũng sẽ khép lại, mọi người lại tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng, tiếp tục chúc cho nhau những điều mong đợi ở 365 ngày trước mặt.
Trong những ngày cuối năm cuống cuồng vội vã ấy, người ta quên đi một người tù vừa mới nhận bản án nghiệt ngã 15 năm, người ta không để ý đến một người vợ lã chã dòng nước mắt thống thiết gọi tên chồng, người ta không biết ở mãnh đất Phú Yên có hai đứa con trai tủi thân lặng lẽ dìu Mẹ đang oằn người trong nỗi đau, bỏ lại sau lưng người Cha mắt nhìn theo đau đáu một vòng ôm.
Trở về căn nhà dột nát, người con trai trưởng gói trọn những dòng nước mắt của Mẹ, những uất ức của em vào những con chữ trong lá thư gửi cho Cha. Lá thư sẽ không bao giờ đến được tay người nhận. Nhưng hàng chục ngàn người khác đã thay người Cha đọc lá thư này.
"Thư cho Ba trong tù" được đăng trên Dân Làm Báo ngày 27/12/2013. Ngay ngày đầu tiên đã có 17 comments, 3 ngày sau đã có 35 comments. Nhưng, con số comments không phải là chỉ số yêu thương mà nội dung của những comments mới là những thông điệp của tình người.
Hương Giang: Buồn muốn khóc.
Thạch Nguyên vò võ một tâm tình: “Đọc thơ em, lòng tôi se thắt, một vài giọt lăn, thương em, thương Mẹ, thương Ba, thương những gương hy sinh cũng như thương cả chính mình...”
Phạm Đức nhắn nhủ “Cháu và Gia đình không đơn độc, những người yêu công lý và cương quyết tiêu diệt ác thú Cộng sản luôn luôn bên cháu và gia đình cháu”.
Và kêu gọi: “Tôi mong tất cả mọi người hãy quyên góp giúp đỡ cho gia đình bác Ngô Hào trong khả năng theo tinh thần “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”.
Chu Mot phẩn uất “Một bản án nghiệt ngã, bất công, một người tù vô tội, một gia đình lý tán, một hoàn cảnh não lòng...”
Người đưa tin hy vọng “Bác Ngô Hào sẽ sớm đoàn tụ với gia đình”.
Bà Năm Trầu: “không ngăn được dòng nước mắt”.
Và chắc chắn không phải chỉ có Bà Năm Trầu mà nhiều người đàn ông khác, trái tim tưởng chừng khô khan cũng đã phải vội dấu đi những dòng nước mắt chảy vội bởi những dòng chữ từ con tim của một người con hiếu thảo.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng hiện đang còn bị quản chế ở Sài Gòn, Ngô Minh Tâm là một học trò giỏi và là một người con hiếu thảo. Những ngày Ba bị bắt và ra tòa sơ thẩm, Tâm đã liên lạc với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng, người đã dạy trường Tâm đang học để hỏi thăm kinh nghiệm về nhà tù CSVN, để chia sẻ với thầy Hoàng nỗi đau và sự bất lực của mình trước bản án bất công của chế độ. Tâm đang học cuối năm thứ ba Đại học Bách khoa, ngày đi học, đêm dạy thêm và làm bất cứ việc gì có thể với hy vọng nhỏ nhoi là mãnh bằng đại học sẽ là cứu cánh cho cả gia đình. Mảnh bằng Đại học ở Việt Nam dù nhẹ như mây trời, vẫn là niềm mong ước của bất cứ bậc Cha Mẹ nào.
Lá thư cho Ba ấy không chỉ dừng lại trên khoảng không gian của Dân Làm Báo, nó được chuyển đến các diễn đàn và ở đó, nó cũng đã gợi lên những giọt lăn tăn. Dù người ta chưa từng nghe tên ông Ngô Hào, dù người ta không biết Ngô Minh Tâm là ai. Nhưng người ta đã đau cùng với Tâm một nỗi đau. Những người không quen ấy muốn được san sẻ cùng Tâm nỗi oan nghiệt của một kiếp người, kiếp làm người trong một đất nước Việt Nam bất hạnh.
Và, chỉ có ở đây, chỉ có lúc này người ta mới thấy được tình người nở rộ, ngay cả trong những giây phút tất bật của những ngày cuối năm. Những email được chuyển đi vội vã, và cũng rất nhanh, tấp nập những email phản hồi, nhắn hỏi: 
- Xin cho địa chỉ gia đình cháu Tâm để tôi gửi chút quà biếu.
- Gửi về đây có an toàn không? có nhận được không?
- Cho tôi địa chỉ hội Thương Phế Binh để tôi chuyển thư cho họ.
- Bên tôi sẽ tổ chức gây quỹ!...
- Tôi muốn giúp đỡ, phải làm sao, đồng đội của tôi mà!
- Ông Hào không phải đồng đội của tôi, tôi không đi lính, nhưng đồng hương. Tội quá!
- Bà vợ ông Hào bệnh nặng quá, gửi chút tiền cho bả trị bệnh, trong thư thằng nhỏ nói thuốc gửi, tháng có, tháng không...
Và tôi cũng khóc, khóc vì những giọt chân tình của người- người gửi cho một người không quen. Niềm tin về con người tưởng đã ngủ yên sau những trăn trở về lòng người nay bỗng thức giấc. Như một ngôi vườn được tưới mát sau một trận mưa rào, tình người trở dậy, rực rỡ trong nắng mai. Vẫn còn đó những trái tim, vẫn còn đó những chân tình của con-người dành cho con-người, không mất mát, nó chỉ cần được đánh thức đúng lúc, đúng nơi.
Tâm ạ, hãy tạm quên đi những gương mặt vô cảm, quên đi những nụ cười lạnh lùng, tàn ác của những bộ đồng phục màu xanh trong tòa án Phú Yên. Hãy biết rằng, bên cạnh những tâm hồn rừng rú ấy vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm chân tình từ xa, xa lắm nhưng cũng gần, gần quá bên em. Hãy dìu dắt nhau bằng những tấm chân tình này. Và từ những vòng tay ấm đó, sẽ cho chúng ta niềm hy vọng chan hòa vào một ngày trên đất nước Việt Nam sẽ không còn những nhà tù giam giữ những con tim biết yêu thương.
30/12/2013 
Ngày mai tôi thành dân oan
Mẹ Nấm Gấu (Danlambao) - Trở thành người được uỷ quyền trong vụ án “Khiếu kiện Quyết định hành chính về việc cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất” do ông Phạm Khắc Mẫn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm tôi sẽ đặt mình vào vị trí của một người dân oan vào ngày mai, ngày 30/12/2013.
Ông nông dân tên Mẫn tìm gặp tôi năm 2012 lúc thông tin về vụ án gia đình Đoàn Văn Vươn đang tràn ngập trên mặt báo.
Để thực hiện dự án du lịch sinh thái Bãi Dông, do Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Cam Ranh là chủ đầu tư, tháng 10/2008, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành các quyết định thu hồi đất của nhiều hộ dân trong đó có hộ gia đình ông Phạm Khắc Mẫn tại thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông. Diện tích đất bị thu hồi của ông Mẫn là 10.122,7m2 đất rừng trồng sản xuất, nuôi thuỷ sản, mức bồi thường tài sản trên đất là 15.965.712 đồng. Thử làm phép chia bạn sẽ thấy một m2 đất được đền bù khoảng 1.578đ (Một ngàn năm trăm bảy mươi tám đồng).
Ông Phạm Khắc Mẫn đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại sự việc này. 
Hơn 1 tháng sau, ngày 5/12/2008 ông Nguyễn Xuân Hà - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 1719/QĐ-CC. 
Bị cưỡng chế thu hồi đất với mức đền bù không thoả đáng, ông Phạm Khắc Mẫn đã gửi đơn kiện ông Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm và đề nghị huỷ bỏ quyết định cưỡng chế 1719/QĐ-CC.
Hơn một năm trời kiên trì ròng rã vượt qua các thủ tục hành chính, vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm ở Toà án nhân dân huyện Cam Lâm vào cuối hồi tháng 9/2013. Tại phiên toà, đại diện của UBND huyện Cam Lâm bất ngờ công bố rằng UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1192/ QĐ-UBND để bãi bỏ quyết định cưỡng chế số 1719/QĐ-CC, ngày 5/12/2008 do ông Nguyễn Xuân Hà (nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm) ban hành đối với hộ ông Mẫn. 
Kết quả: Toà án nhân dân huyện Cam Lâm đã “bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Khắc Mẫn” vì đối tượng bị khởi kiện là quyết định cưỡng chế 1719/QĐ-CC do ông Nguyễn Xuân Hà ban hành đã không còn tồn tại.
Mảnh đất đầy mồ hôi, và máu mà ông Mẫn nhọc nhằn đổ ra mưu sinh bị cưỡng chế thu hồi lại để phục vụ cho dự án khu du lịch sinh thái Bãi Dông của Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch Cam Ranh với diện tích 10,122.70m2 được niêm yết đền bù lúc đầu với giá 7,455,040đ (Bảy triệu, bốn trăm năm mươi lăm ngàn, không trăm, bốn mươi đồng) sau tăng lên 15.965.712đ nói lên điều gì?
Nhà nước không thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc hoàn tất các thủ tục giấy tờ xác minh sở hữu đất để cướp đoạt tài sản của họ với giá hỗ trợ đền bù rẻ mạt.
Nhà nước càng không thể tận dụng các kẻ hở của luật pháp để tuỳ tiện ban hành các quyết định nhằm che giấu sai phạm của mình.
Theo dòng trình tự các văn bản, các quyết định mà ông Phạm Khắc Mẫn cung cấp tôi phát hiện ra việc thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện Cam Lâm được thực hiện rất bài bản, “đúng quy trình” như sau: 
- Bước 1: ban hành các quyết định thu hồi đất (cụ thể ở đây là 1023/QĐ-UBND và 1024/QĐ-UBND ngày 14/10/2008).
- Bước 2: ban hành quyết định mới huỷ bỏ quyết định thu hồi đất cũ (cụ thể ở đây là Quyết định số 703/ QĐ-UBND ngày 14/04/2009). Quyết định này được ban hành trong nội bộ, không thông báo đến người dân, không ra thêm quyết định thu hồi đất mới nào. Tình trạng đất lúc này đương nhiên lại thuộc quyền quản lý của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức.
- Bước 3: ban hành quyết định cưỡng chế nhà mặc dù đã huỷ bỏ quyết định thu hồi đất. (1719/QĐ-CC ngày 5/12/2008). 
- Bước 4: ban hành quyết định huỷ quyết định cưỡng chế sau khi đã ủi sập nhà, lấy xong đất (1192/QĐ-UBND ngày 23/08/2013)
Pháp luật là để bảo vệ ai? 
Khi nhà nước (ở đây đại diện là ông Chủ tịch UBND huyện) ra một quyết định cưỡng chế sai xoá sổ một gia đình, đẩy người nông dân như ông Mẫn vô tình cảnh mất nhà, mất đất, mất nơi làm ăn sinh sống, để rồi sau đó khi bị khởi kiện, họ lẳng lặng ra một quyết định mới để huỷ bỏ cái quyết định đập phá nhà người ta trước kia. Vậy là huề làng ư???
Để sửa sai cho một văn bản, UBND huyện đã giải quyết một cách rất tối ưu bằng một quyết định mới nhằm vô hiệu hoá cái sai của mình? 
Kết quả cuối cùng mà người dân phải gánh chịu đó là: đất vẫn mất, nhà đã bị giật sập. Khiếu kiện cái gì Uỷ ban ra quyết định huỷ cái đó xem con kiến còn kiện củ khoai được đến bao giờ.
Tôi đã hỏi ông Mẫn: “Chú thực sự muốn gì khi kiên trì đi qua bao khó khăn trong vụ kiện này?” và ông trả lời: “Chú cần có sự công bằng”.
Cái sự cần của ông Mẫn tuy nhẹ tênh nhưng rõ ràng là rất khó, bởi người ra cái quyết định cưỡng chế nhà ông năm xưa nay đã lên tới chức Trưởng ban nội chính tỉnh Khánh Hoà – ông Nguyễn Xuân Hà.
Cái sự cần của ông Mẫn để đạt được chắc sẽ rất khó khăn khi mới đây tôi và chú đến phòng Công chứng tỉnh để làm giấy uỷ quyền thì công chứng viên ở đây đã từ chối với lý do “rất khó, kiện chính quyền chứ không phải kiện cá nhân... và người đứng đầu chính quyền làm sai giống như trong một nhà cha mẹ làm sai thì con cái phải bênh vực...”.
Tôi nói với ông Mẫn: “Con sẽ đi cùng chú để tìm kiếm công bằng trên con đường này, dẫu biết là rất khó khăn, và có thể chúng ta sẽ lại thua tiếp ở phiên phúc thẩm này. Nhưng khi chú đã để con được đến, được chứng kiến thì nhất định con sẽ đem phần sự thật này đến với nhiều người khác”.
Đường tìm đến công bằng xã hội của những người như ông Mẫn hẳn sẽ là một con đường gian nan, nhưng tôi tin rằng dù kết quả có không như mong đợi thì sẽ lại có rất nhiều người thấy rõ sự bất cập của hệ thống luật pháp tại Việt Nam, và sự yếu thế không nơi trợ giúp của những người nông dân để từ đó cùng liên kết lại để bảo vệ chính mình. 
Tôi cũng tin rằng mọi tranh đấu cho sự thay đổi tốt đẹp hơn của một xã hội cần được bắt đầu từ sự tranh đấu cho từng con người.
Quyền Con Người đến với Festival Hoa Đà Lạt
Mắt Bão (Danlambao) - Hưởng ứng sự kiện phổ biến cẩm nang quyền con người đang diễn ra rộng khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là Noel nhân quyền vừa diễn ra... Chúng tôi đã tìm đến thành phố Đà Lạt, 1 thành phố du lịch hiền hòa đang tổ chức Festival Hoa, với hành trang là những cuốn cẩm nang và những quả bong bóng về quyền con người, chúng tôi hứng khởi bỏ lại sau lưng những xô bồ náo nhiệt ở chốn thành thị mang quyền con người lên cao nguyên núi rừng…
Bóng Quyền con người đã đến đỉnh Lang Biang
Tối ngày diễn ra khai mạc Festival Hoa Đà Lạt, dưới cái lạnh 18 độ lượng khách du lịch khắp nơi đổ về thành phố này đông vô số kể, tôi và nhóm bạn đi phát cẩm nang quanh khu chợ Đà Lạt và hồ Xuân Hương, 1 cách ngẫu nhiên nào đó mà hầu hết những người chúng tôi phát cẩm nang và tặng bong bóng đều là dân buôn bán dạo hoặc sinh sống ở đây... Người dân ở đây rất hiền hòa và hiếu khách, việc kinh doanh buôn bán ở đây chỉ được những mùa du lịch nhất định, còn lại những ngày thường Đà Lạt rất vắng vẻ yên ắng...
Các bé rất vui vì được tặng bóng Quyền con Người nhé ^^
Bong bóng tặng các bé và cẩm nang thực thi quyền con Người dành cho phụ huynh
Phụ huynh cười tít mắt vì được tặng quà
Anh phụ huynh này có bé trai rất mắc cỡ, luôn né tránh ống kính của chúng tôi, bé cầm quyền cẩm nang chạy đi mất bỏ bố lại chụp hình cùng bong bóng :D
Con trai của 1 cô bán bắp nướng ngay bờ hồ Xuân Hương, bé rất dễ thương được chúng tôi tặng bóng bé đã tự biết khoanh tay cảm ơn
Cháu của 1 bà cụ bán kẹo bông gòn dạo xung quanh chợ Đà Lạt, chúng tôi mời bà cụ chụp hình cùng bé nhưng bà lại ngại vì vẻ lam lũ của mình
Công an, cảnh sát giao thông ở Đà Lạt cũng rất hiếm khi xuất hiện ngoại trừ những dịp lễ lớn như thế này, và tôi nghĩ rằng những anh cảnh sát ở đây hiền lành, vui vẻ và hòa đồng hơn ở Sài Gòn hay Hà Nội rất nhiều, hi vọng các anh cũng biết và hiểu về Quyền con Người của người dân...
1 nhóm anh cảnh sát giao thông đứng ngay ngã tư khi thấy tôi chụp hình ảnh này đã nhìn tôi, tôi quay lại cười với các anh và các cũng nhe zăng cười với tôi :D nếu các anh cảnh sát ở nơi khác nhìn thấy tôi như thế thì sẽ thế nào nhỉ?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét