Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bài viết hay(772)

Tôi thật sự không hiểu tại sao nhiều người luôn vỗ ngực tự xưng là người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng không hiểu sao cái TÔI của họ quá lớn, họ quá độc tài, luôn tự kiêu, tự tôn, tự đại, họ cứ nghĩ là họ luôn luôn đúng, ai trái ý họ thì họ mạt sát, chà đạp, chụp mũ loạn cào cào!  Vậy thì làm sao họ có thể "lãnh đạo"? Đó là cái dở tồn tại rất lâu mà không biết làm sao có thể thay đổi và chấm dứt hoàn toàn khi chúng ta luôn lên án VC là độc tài, độc tôn, độc quyền! Bởi vậy khi nghe nói ông Đằng muốn lập ra đảng Dân Chủ Xã Hội, tôi lại hoài nghi và lo sợ vì không khéo ông Đằng lại muốn tái lập một đảng CS "thuần tuý" và "lý tưởng" nữa thì ...bỏ bu! Thực ra khuynh hướng dân chủ xã hội Âu Châu khác xa khuynh hướng dân chủ xã hội kiểu Châu Á khi mà tư tưởng độc tài, phong kiến, quan liêu, gia trưởng đã ăn sâu vào máu thịt, tim óc từ lâu của mỗi người dân châu Á rồi nên nói thật là tôi lo lắm. VN đã có một "thằng" độc tài CSVN là đủ cho dân VN ngất ngư gần chết mà nay có thêm  một "thằng" độc tài CSVN khác nữa với tên gọi là đảng Dân Chủ Xã Hội thì tôi lại thấy vô vàn lo âu và bài toán nan giải khác sắp nảy sinh!
Trận Hoàng Sa (1974-2014)
Quan hệ Trung Việt trước trận Hoàng Sa

Từ 1968, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu nói đến 'mối đe dọa' từ Liên Xô
Tiếp tục loạt chuyên đề về Hoà đàm Paris 1973, BBC xin giới thiệu bài của Giáo sư Lý Hiểu Binh từ Đại học Central Oklahoma trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt và Tiếng Trung từ London về bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Moscow và Hà Nội từ 1968.
Giáo sư Lý Hiểu Binh, tác giả các cuốn sách và bài viết về quân đội Trung Quốc, cũng trình bày lại cách nhìn từ Bắc Kinh về trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Quan hệ Trung Xô đổi hướngVào ngày 31/3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố tạm ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam để bày tỏ một thiện chí hòa bình, và đã nhận được phản hồi tích cực từ Hà Nội qua tuyên bố ngày 4 tháng 4 rằng họ sẵn sàng thảo luận với người Mỹ.
Trung Quốc chỉ biết về chuyện Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam (DRV) đàm phán với nhau mãi về sau này. Vào khoảng tháng 4 và 5, Bắc Kinh bắt đầu phê phán Hà Nội đi theo Moscow. Sau khi đàm phán tại Paris bắt đầu ngày 13/5/1968, Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ trích Bắc Việt nói chuyện với Hoa Kỳ. Ngày 31/10, Tổng thống Johnson ngưng oach tạc Bắc Việt cả trên đất liền và vùng ven biển. Trong lúc Bắc Kinh kiềm chế không tham gia hội đàm Paris thì Moscow, trái lại, luôn hào hứng ủng hộ đàm phán. Bắc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển lại gần Liên Xô.
Cùng thời gian ban lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu cảm thấy có bằng chứng rằng Hoa Kỳ đã là cường quốc mất dần ảnh hưởng vì thất bại của họ tại Việt Nam, trong khi Liên Xô lại chiếm ngay ‘khoảng trống quyền lực’ đó và bắt đầu thay chân Mỹ để thành ‘đế quốc xâm lăng’. Trung Quốc và các nước châu Á khác dễ trở thành mục tiêu của ‘chủ nghĩa đế quốc Xô Viết’. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu và cộng sự coi Liên Xô là mối đe dọa trực tiếp hơn Hoa Kỳ.
Quan niệm của Lâm Bưu được các cấp chỉ huy và binh sỹ Quân Giải phóng tán đồng vì họ trực tiếp chứng kiến sự thù địch gia tăng của Liên Xô với Trung Quốc. Trong cuộc xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, quân Liên Xô đã tràn vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha, tập phá và đánh tàn bạo các nhà ngoại giao Trung Quốc. Khi căng thẳng hai bên lên cao, Liên Xô triển khai một số lượng lớn quân đội dọc biên giới Trung – Xô, từ 17 tăng lên tới 27 sư đoàn vào cuối 1968.
Chu Ân Lai cũng từng nói thẳng với Phạm Văn Đồng vào ngày 29/4 rằng: “Nay Liên Xô đang bao vây Trung Quốc và vòng vây đó đã gần trọn, chỉ còn phía Việt Nam là chưa.” Lâm Bưu ra lệnh cho Quân Giải phóng sẵn sàng chiến đấu chống trả Liên Xô một khi có xâm nhập.
Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng có một sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Trung Quốc năm 1968. Vì coi Liên Xô là mối đe dọa hàng đầu, Trung Quốc cho rút quân khỏi Việt Nam mà trước đó họ sang theo lời mời của ông Hồ Chí Minh để đề phòng bị tấn công từ phía Bắc. [Trên thực tế] liên minh cộng sản ở Đông Nam Á coi như tan rã.
Ngày 17/11/1968, Mao nói với Thủ tướng Bắc Việt, Phạm Văn Đồng rằng một số đơn vị Trung Quốc sẽ rút về nước và Trung Quốc “sẽ gửi quân trở lại nếu người Mỹ quay lại”.
Vào tháng 3/1969, theo thỏa thuận giữa hai quân đội, Quân Giải phóng bắt đầu rút về, giảm dần từ 16 sư đoàn, gồm 150 nghìn quân, xuống không còn đơn vị phòng không nào ở Bắc Việt Nam vào tháng 7/1970.
Trong thời gian ở Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia 2153 trận, bắn rơi 1707 máy bay Mỹ và làm hư hại 1608 chiếc trong trận Sấm Rền (Rolling Thunder) hay ‘Chiến tranh phá hoại miền Bắc’ theo cách gọi của Hà Nội.
Liên Xô thay dần Trung Quốc Từ đầu tháng 3/1969 bắt đầu có va chạm dọc biên giới Trung – Xô. Các vụ bắn nhau xảy thường xuyên trong cả năm, và hai nước ở vào thế sắp lâm chiến. Sang đầu năm 1970, Liên Xô triển khai tới 48 sư đoàn, bằng gần một triệu quân dọc đường biên. Có tin rằng lãnh đạo Liên Xô tính cả đến cách dùng vũ khí nguyên tử để ‘đánh phủ đầu’ Trung Quốc. Hậu quả của tình hình đó là Quân Giải phóng tăng cường lực lượng lên tới tổng số sáu triệu quân, cao nhất trong lịch sử của họ.
Một tài liệu của CIA 12/8/1969 dự báo rằng:
“Gần như căng thẳng Trung – Xô sẽ không thể nào giảm trong vòng hai ba năm tới. Vì quyền lợi quốc gia xung đột nhau, vì sự cạnh tranh nhằm lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, và sự lo sợ có thực về ý định của nhau sẽ khiến việc tiếp cận gần gũi không thể xảy ra. Vấn đề biên giới cũng sẽ không dễ giải quyết.”
Sau khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam và giảm viện trợ cho Hà Nội, Liên Xô ngay lập tức bù vào chỗ trống và còn tiếp tục hỗ trợ kinh tế, quân sự cho Bắc Việt Nam. Từ 1969 đến 1971, Moscow ký bảy hiệp định viện trợ cho Hà Nội. Năm 1972, Liên Xô tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ bằng tên lửa ở Bắc Việt Nam.
Điều thú vị là các lãnh đạo Trung Quốc cũng khuyến khích phía Việt Nam yêu cầu thêm viện trợ từ Liên Xô. Chẳng hạn như Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã nói với Thứ trưởng Ngoại thương Bắc Việt Nam, ông Lý Ban, vào năm 1971, rằng “Các đồng chí cần yêu cầu Liên Xô chuyển nhiều, càng nhiều càng tốt vũ khí, đạn dược, lương thực”.
Khi Chủ tịch Ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh thăm Bắc Kinh năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai nói với ông rằng Bắc Việt Nam cần đòi hỏi nhiều hơn vũ khí, quân trang quân dụng từ Liên Xô.

"Từ những năm 1968-69, Liên Xô tăng cường nhiều sư đoàn quân đội đến biên giới với Trung Quốc"
Với Bắc Kinh, cam kết hỗ trợ liên tục cho cuộc chiến tranh tại Đông Dương đã và đang làm hao hụt nguồn lực của Liên Xô. Ngoài ra, mối đe dọa từ Liên Xô đã thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Nhu cầu chiến lược này cuối cùng đã đưa tới chỗ bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung vào nửa đầu thập niên 1970.
Về tác động của nó đến cuộc chiến tại Đông Á và Chiến tranh Lạnh, giao ước Mỹ – Trung đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong thế chiến lược giữa hai cường quốc thời Chiến tranh Lạnh. Nếu như các nhà hoạch định chính sách ở Washington thấy nhờ đó mà việc tập trung nguồn lực và quan tâm chiến lược của Mỹ vào đối phó với Liên Xô dễ dàng hơn, Liên Xô lại coi việc phải đương đầu cùng lúc với Phương Tây và Trung Quốc là chuyện khiến sức mạnh của họ bị phân tán nghiêm trọng.
Không nổ súng trước Quần đảo Hoàng Sa hay Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa nằm cách Đà Nẵng chừng 170 hải lý, giữa vĩ tuyến 15'45" và 17'05" và kinh tuyến đông 111'00" và 113'00". Quần đảo này gồm khoảng từ 15-30 hòn đảo, tùy cách tính...Sau hai thập niên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ, năm 1974, Hoàng Sa đã bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chiếm bằng vũ lực.
Nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 330 hải lý về phía Đông Nam, quần đảo Hoàng Sa gồm các nhóm đảo Tuyên Đức (tên Việt Nam: nhóm An Vĩnh - BBC) và Vĩnh Lạc (nhóm Lưỡi Liềm) và chừng 30 đảo nhỏ khác nằm trải rộng trên khoảng 15 nghìn km2. Đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) là đảo lớn hơn cả, có diện tích 1,6 km2 và hiện nay chính quyền Hải Nam và Quân Giải phóng có trụ sở chính…
Vào tháng 9/1973, VNCH ra tuyên bố sáp nhật đảo Nam Yết và Thái Bình ở Trường Sa cùng 10 đảo khác thuộc vào lãnh thổ trên đất liền (tỉnh Phước Tuy- BBC) nhằm giữ quyền khai thác nguồn lợi thiên nhiên như dầu. Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra công bố chính thức “xác nhận chủ quyền của nước này Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa và toàn bộ các nguồn lợi tự nhiên xung quanh là thuộc về CHND Trung Hoa”.

"Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý."
Ngày 15/1/1974, Hải quân VNCH gửi một khu trục hạm ra vùng biển quanh đảo Vĩnh Lạc. Sang ngày 16, phía Nam Việt Nam bắn vào đảo Cam Tuyền (Việt Nam: đảo Hữu Nhật) buộc các tàu đánh cá của Trung Quốc phải rời vùng này. Sang ngày 17, phía Việt Nam cử một khu trục hạm nữa chở quân lính đến chiếm Cam Tuyền và Kim Ngân (đảo Quang Ảnh) và nhổ cờ Trung Quốc. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897-1986), Bộ trưởng Quốc phòng và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hạ lệnh cho Hải quân Quân Giải phóng trực chiến và sẵn sàng mở chiến dịch bảo vệ Tây Sa.
Nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền đánh bắt cá, chính phủ Trung Quốc đã quyết định có biện pháp trước tình hình này. Các tàu cá tiếp tục hành nghề nhưng luôn chú ý đến các hoạt động của Hải quân VNCH. Cùng lúc, Hải quân Trung Quốc triển khai hai chiến hạm săn tàu ngầm số 271 và 274 đến đảo Vĩnh Lạc để bảo vệ ngư dân và dân quân Trung Quốc; hai tàu quét mìn cũng được cử đến, cùng các nguồn cung ứng nước ngọt và tiếp liệu. Chiến lược của Trung Quốc là không nổ súng trước nhưng nếu Nam Việt Nam khai hỏa trước thì Trung Quốc sẽ đánh trả tàn bạo. Nguỵ Minh Sâm, chỉ huy trưởng của căn cứ hải quân Ngọc Lâm được phong làm ‘tư lệnh chiến dịch bảo vệ Tây Sa’.
Ngày 17/1, hai chiến hạm săn ngầm của Trung Quốc chở một số dân quân ra Tấn Khánh (tên Việt Nam: Duy Mộng), và Sâm Hàng (Quang Hòa). Khi đến khu vực này họ chứng kiến hai tuần dương hạm số 4 và 16 của VNCH đã bắn vào thuyền cá Trung Quốc. Phía Trung Quốc cảnh báo phía Việt Nam ngay lập tức và yêu cầu ra khỏi khu vực. Ngày 18/1 hai khu trục hạm Việt Nam quay lại và bắn vào các tàu cá Trung Quốc tám lần, phá hỏng một thuyền phía Bắc bãi Linh Dương (đá Hải Sâm).
Đến tối, phía Nam Việt Nam cử thêm tuần dương hạm số 5 (Trần Bình Trọng) và hộ tống hạm số 10 (Nhật Tảo) vào vùng nước cạnh Vĩnh Lạc. Như thế có bốn chiến hạm Nam Việt Nam trong khu vực và sau đó, Hải quân Trung Quốc cử thêm hai tuần ngầm số 281 và 282 tới đảo Vĩnh Hưng.
Mao đồng ý chiếm trọn Ngày 18/1, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chu Ân Lai (1898-1976), Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt cùng nhằm lập ra ban chuyên trách năm người để ứng phó với tình hình. Các vị Diệp Kiếm Anh, chủ nhiệm ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn (1935-1992), Trương Xuân Kiều (1917-2005), Đặng Tiểu Bình (1904-1997) và Trần Tích Liên (1915-1999) đã nghe Tô Chấn Hoa (1912-1979), Phó Tư lệnh Hải quân báo cáo tình hình và đề nghị phản công.

"Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, chiến hạm số 10 (Nhật Tảo) của Hải quân VNCH bị hư hỏng nặng"Ban chuyên trách đã ngay lập tức công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các tuần dương hạm của VNCH tại đảo Vĩnh Lạc. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến dịch.
Vào 4:10 chiều ngày 18/1, ba tàu tuần dương của Việt Nam đã lập thành một đội hình nhằm tiến vào chỗ hai tàu săn ngầm số 271 và 274 của Trung Quốc. Hai tàu này nhổ neo và lao tới tăng hết tốc lực chặn đội tàu Việt Nam. Các tàu VNCH vì thế đã quay lại. Vào lúc 7:00 sáng ngày 19/1, hai tàu số 4 và số 5 của VNCH đem hơn 40 binh sỹ đổ bộ vào hai đảo Sâm Hàng (Quang Hòa) và Quang Kim (Quang Hòa Tây). Sau cuộc đổ bộ, hai bên bắt đầu đọ súng.
Một binh sỹ VNCH bị bắn chết, ba người khác bị thương. Chừng 10:22 sáng, bốn tàu Việt Nam bắn vào tàu Trung Quốc, phía Trung Quốc bắn trả. Trong loạt đạn đầu tiên, phía Trung Quốc bắn hỏng ăng-ten cho radar trên tàu số 4 của VNCH. Tàu VNCH số 16 cũng bị tàu chống ngư lôi của Trung Quốc bắn trúng và phải rời khu vực. Các tàu Trung Quốc sau đó tập trung hỏa lực và tàu số 10 của Việt Nam.
Sau khi chiến đấu được 1 giờ 37 phút, các tàu Việt Nam để lại chiến hạm số 10 bị hư hỏng nặng. Tàu này tìm cách bơi đến bãi Linh Dương như không được. Hai tàu số 281 và 282 của Trung Quốc đã bắn chìm nó. Cùng thời gian, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý. Sau trận hải chiến thành công ngoài biển, quân đội Trung Quốc đã đổ bộ xuống Cam Tuyền, San Hô (đảo Hoàng Sa), Kim Ngân (Quang Ảnh) và chiếm đóng các đảo này.
Trong trận chiến ‘Bảo vệ Tây Sa’ của Trung Quốc, có 18 binh sỹ Trung Quốc bị giết, 67 bị thương và phía Việt Nam có hơn 100 sỹ quan và binh sỹ bị giết hoặc bị thương, 49 người bị bắt làm tù binh.
Giáo sư Lý Hiểu Binh giảng dạy tại Đại học Central Oklahoma và là tác giả cuốn 'A History of the Modern Chinese Army'.Lý Hiểu Binh

Hòa đàm Paris: VN và các cường quốc 

Bốn mươi năm sau khi Hòa đàm Paris nhằm 'chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam' được ký kết (27/1/1973-2013), giới chuyên gia tiếp tục đánh giá ý nghĩa, diễn biến, cũng như các hệ quả của hiệp định.
Sử gia Vũ Minh Giang, chuyên gia khu vực học và nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho rằng 'hiệp định Paris chỉ là một cách thức để kết thúc chiến tranh' nhưng không nhất thiết 'mang lại hòa bình.'Ông nói: "Tôi nói đây là một cách thức kết thúc chiến tranh, nhưng không ai ảo tưởng rằng có một hiệp định đem lại sự vui vẻ cho hai bên tham chiến. Điều ấy là không bao giờ có."Đấy là một phản ánh tương quan lực lượng và vì vậy cho nên ký như thế, vì người ta không thể làm khác, nhưng trong thâm tâm, cả mấy bên tham chiến, trong thâm tâm đều muốn mình giành một thắng lợi trọn vẹn hơn."Cái đó là đương nhiên và tôi cho đó là quy luật của chiến tranh. Cái ký kết ấy không phải là quy luật của hòa bình. Cái đó là cách thức kết thúc chiến tranh và vì vậy nó vẫn nằm trong sự điều hành, tác động của quy luật chiến tranh."Có nghĩa là ký thì ký như vậy, nhưng để đạt được mục tiêu của mình, mỗi bên đều có một cố gắng nào đó để đạt được kết quả cao nhất như mình mong muốn. Và vì vậy ở đây như thể là một tình trạng tạm dừng cuộc chiến ở đó..."Một sử gia khác từ trong nước, ông Vũ Quang Hiển, Phó Giáo sư lịch sử Đảng thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, giữ quan điểm nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris năm 1973 là 'một thắng lợi của quân và dân Việt Nam' với mục đích 'đánh cho Mỹ cút' để tiến tới làm cho 'Ngụy nhào', như cách ông trả lời BBC nhân dịp 40 năm Hòa đàm Paris.
Cựu đại sứ Việt Nam Công Hòa, ông Bùi Diễm, hiện định cư tại Hoa Kỳ phản bác một số ý kiến nói chính Chính quyền Sài Gòn đã 'vi phạm hiệp định'. Người từng là quan sát viên do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định tại Hòa đàm Paris, ông Bùi Diễm nói với BBC vào tháng 1/2013:"Nếu nói chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã vi phạm hiệp định Ba-Lê là quá đáng là bởi vì sự thực ra những người ở miền Bắc đã chủ trương rõ rệt là để lại, mà họ đã làm được việc đó qua Hiệp định Ba-Lê, là giữ lại một số quân của họ ở trong miền Nam."Còn nhà báo Harish Mehta, cựu phóng viên Đông Nam Á cho Busines Times (1987 - 2003) nêu ra đánh giá về vị thế của Sài Gòn sau Hòa đàm Paris:"Hiệp định hòa bình tạo ra người thắng, kẻ thua rõ ràng. Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc chiến và lấy lại tù binh. Hà Nội thôi bị đánh bom, nhưng ông Thiệu chẳng được gì. Tháng Sáu 1973, Quốc hội Mỹ thông qua luật ngay lập tức ngừng đánh bom Campuchia, và chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Dương,""Tháng 11 năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua luật buộc tổng thống báo cho Quốc hội trong vòng 48 tiếng quyết định điều quân Mỹ trong chiến tranh, và triệt thoái trong vòng 60 ngày nếu không có phép của Quốc hội. Hai biện pháp này đã khiến Nixon không còn khả năng can thiệp ở Đông Dương.""...Bị cô lập, chính thể Sài Gòn ở trên bờ vực sụp đổ kinh tế...""Sau chót, chiến lược kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc của Mỹ thất bại thảm hại, vì đa phần nông thôn miền Nam đã do cách mạng nắm giữ, và năm 1975 thì cả nước nằm dưới sự kiểm soát của người cộng sản."
Sử gia thiên tả người Canana, ông Gabriel Kolko đặt vấn đề:"Đối với Tổng thống Hoa Kỳ, ông Richard Nixon, và cố vấn an ninh quốc gia của ông, ông Henry Kissinger, thì Hiệp định Paris đem lại cho họ thời gian mà họ hy vọng sẽ thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam bằng cách nói với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đang bắt đầu chia rẽ sâu sắc, rằng nếu họ không hợp tác với Hoa Kỳ bằng cách cắt viện trợ quân sự cho phe Cộng Sản Việt Nam, thì Hoa Kỳ sẽ thực hiện các biện pháp tăng cường cho kẻ thù Cộng Sản của họ, và như vậy đe dọa sẽ dùng chính hai quốc gia cộng sản lớn này đối chọi lẫn vào nhau - được gọi là "đòn tay ba".Nhưng Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Hà Nội cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng minh Mặt trận Dân tộc hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam đã 'rút kinh nghiệm' từ Hiệp định Geneve và 'chủ động hơn', cũng như không chịu tác động của các cường quốc.Tuy nhiên sử gia Vũ Minh Giang, từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói 'các sự kiện có liên quan tới nhau' khi nói về các đợt không kích của không quân Mỹ trong quá trình hai bên đàm phán, kể cả tới sự kiện Trung Quốc tấn chiếm Hoàng Sa một năm sau Hiệp định. Ông cũng cho rằng 'các nước lớn' đều có toan tính riêng của họ.Giáo sư gốc Trung Quốc Lý Hiểu Binh từ Hoa Kỳ cho rằng trong giai đoạn 1968-1973 đã có sự dịch chuyển lớn trong quan hệ Trung - Xô và tác động của nó đến cuộc chiến tại Việt Nam khi đó và rộng hơn là Chiến tranh Lạnh.Theo ông, giao ước Mỹ – Trung đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong thế chiến lược giữa hai cường quốc là Liên Xô và Hoa Kỳ thời Chiến tranh Lạnh.Nếu như các nhà hoạch định chính sách ở Washington thấy nhờ đó mà việc tập trung nguồn lực và quan tâm chiến lược của Mỹ vào đối phó với Liên Xô dễ dàng hơn, Liên Xô lại coi việc phải đương đầu cùng lúc với Phương Tây và Trung Quốc là chuyện khiến sức mạnh của họ bị phân tán nghiêm trọng, theo ý kiến ông Lý Hiểu Binh nói với BBC.Ông cũng xác nhận rằng một năm sau Hòa đàm Paris ký kết, sau khi xảy ra trận Hải chiến Hoàng Sa (Tây Sa), các lãnh đạo quân sự Trung Quốc Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa đã báo cáo lên Mao Trạch Đông và đề nghị Trung Quốc chiếm nốt các đảo do Nam Việt Nam kiểm soát và Mao đã đồng ý.Di sản tồi tệ của Nixon

Tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu năm 1969
Tổng thống Nixon thăm Sài Gòn năm 1969
“Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ký ngày 27/1/1973, chưa bao giờ có vẻ sẽ có kết cuộc như tên gọi.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã đến nghe đề nghị của Tổng thống Richard Nixon về các điều khoản. Hà Nội sẽ thả tù nhân Mỹ và để miền Nam chọn chính phủ thông qua bầu cử tự do. Nhưng hiệp định đặt quá trình bỏ phiếu trong tay một ủy ban mà chỉ có thể hành động khi toàn bộ thành viên cùng thống nhất, gồm cả phe Cộng sản và phi Cộng sản mà suốt bao nhiêu năm đánh nhau.
Tệ hơn nữa, Nixon sẽ để quân Bắc Việt chiếm và kiểm soát phần lớn miền Nam, và rút toàn bộ bộ binh sĩ Mỹ còn lại. “Sớm hay muộn, chính phủ sẽ sụp,” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tường thuật lại cho Tổng thống nghe hôm 6/10/1972: “Tôi cũng nghĩ ông Thiệu nói đúng, rằng các điều kiện của chúng ta rồi sẽ tiêu diệt (destroy) ông ta.”
Lời thừa nhận bẽ bàng của Kissinger đến từ hồ sơ chính xác và đầy đủ nhất về tổng thống: hệ thống ghi âm bí mật của Nixon. Các máy ghi âm, kết nối với microphone giấu trong Phòng Bầu dục và các phòng khác hoạt động bất cứ khi nào nhận ra âm thanh, từ 16/2/1971 đến 12/7/1973.
Tôi đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu các băng này với Trung tâm Miller của Đại học Virginia, nhưng sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm vẫn làm tôi bị sốc.
Trẻ em được dạy rằng Nixon đã hứa với nước Mỹ về “hòa bình trong danh sự” thông qua chiến lược Việt Nam hóa và thương lượng. Ông nói Việt Nam hóa sẽ giúp người miền Nam tự vệ mà không cần lính Mỹ. Ông ta nhận ra nó sẽ không làm được. “Nam Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ tồn tại được,” Tổng thống nói trên băng.
Trong ngày nhậm chức đầu tiên, ông hỏi giới chức quân sự, ngoại giao, tình báo rằng khi nào thì miền Nam có thể đối đầu Cộng sản một mình. Câu trả lời thống nhất: Chẳng bao giờ. Nixon có lựa chọn khắc nghiệt: tiếp tục gửi người Mỹ đến chiến đấu và chết, hoặc đưa quân về nhà mà biết rằng thiếu họ, Sài Gòn rồi sẽ sụp đổ. Cả hai lựa chọn đều không thể được gán nhãn “hòa bình trong danh dự” như ông hứa.
Nói dối


Chu Ân Lai và Henry Kissinger trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh tháng 7/1971
Vì thế ông nói dối. Để Việt Nam hóa trông có vẻ thành công, ông lên lịch triệt thoái qua bốn năm, từ từ giảm số lính Mỹ từ 500.000 tháng Giêng 1969 xuống còn chưa đầy 50.000 vào ngày Bầu cử 1972. Trong bốn năm đó, ông có nhiều diễn văn trên truyền hình thông báo các đợt rút quân, và lần nào cũng nói nó chứng tỏ Việt Nam hóa đang hiệu nghiệm.
Mảng thương lượng trong chiến lược rút đi của Nixon cũng lừa đảo như Việt Nam hóa. “Chúng tôi muốn một cự ly an toàn”, Kissinger ghi vội trong sổ tay khi bí mật thăm Trung Quốc tháng Bảy 1971.
Suốt nhiều thập niên, Kissinger phủ nhận việc có thỏa thuận về “cư ly an toàn”, nhằm chừa ra một, hai năm giữa việc Nixon rút quân và Sài Gòn sụp đổ.
Nhưng sự phủ nhận này sụp đổ khi lời của ông ta có trên băng ghi âm và được các trợ tá ghi lại trong các thương lượng với lãnh đạo nước ngoài.
Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Kissinger phác thảo đòi hỏi của Nixon. Hòa bình không có trong đó. Nixon cần tù nhân Mỹ, triệt thoái toàn bộ, và ngừng bắn trong “khoảng 18 tháng”. Sau đó, nếu phe Cộng sản lật đổ chính phủ miền Nam, “chúng tôi sẽ không can thiệp”.
Liên Xô cũng được bảo đảm như vậy. Trong phiên họp kín với Nixon tại hội nghị thượng đỉnh Moscow 1972, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev nói:
“Tiến sĩ Kissinger nói với tôi rằng nếu có thỏa thuận hòa bình ở Việt Nam, ngài sẽ để người Việt làm gì thì làm, cho cái họ muốn sau khoảng 18 tháng. Nếu chuyện này có thật, và nếu người Việt Nam biết chuyện này, họ sẽ thông cảm.”

"Sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm làm tôi bị sốc"
“Cự ly an toàn” phục vụ một mục tiêu chính trị quan trọng. Nếu Sài Gòn sụp ngay sau khi Nixon rút lính Mỹ cuối cùng, rõ là ông thất bại. “Về đối nội, lâu dài nó không giúp chúng tôi vì các đối thủ sẽ nói lẽ ra chúng tôi phải làm chuyện đó từ ba năm trước,” Kissinger nói.
Chính trị chi phối các quyết định quân sự của tổng thống. Trong năm nhậm chức đầu tiên, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa làm thăm dò bí mật để xem cách chấm dứt chiến tranh nào được ủng hộ nhất. Đến 66% ủng hộ đánh bom và bao vây miền Bắc để Hà Nội đồng ý thỏa thuận bao gồm bầu cử tự do ở miền Nam.
Những người được hỏi nói họ ủng hộ ném bom và bao vây trong sáu tháng. Ngày 8/5/1972, sáu tháng trước bầu cử, Tổng thống Nixon lên truyền hình nói sẽ đánh bom và đặt mìn ở các cảng miền Bắc.
Nhưng đến tháng 8, CIA ước tính Hà Nội vẫn đưa được 3000 tấn chiến cụ vào miền Nam mỗi ngày. Tuy vậy, mặc dù đánh bom là thất bại chiến lược, nó lại thành công theo cách có ý nghĩa nhất cho Nixon. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân ủng hộ việc gia tăng đánh bom.
Khi miền Bắc chấp nhận điều kiện của Nixon không lâu trước Ngày Bầu cử, nó có vẻ nước cờ quân sự của Nixon khiến kẻ thù phải gục ngã. Nhưng không phải. Hà Nội đồng ý thỏa thuận với cùng lý do khiến miền Nam từ chối. Cả hai phe nhận ra nó sẽ dẫn tới việc Cộng sản kiểm soát miền Nam, y như Nixon và Kissinger đã biết.
Huyền thoại sai lầm


Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 năm 1975
Người Mỹ không biết tổng thống của mình đã làm gì. Các cuốn băng của ông bí mật, ghi chép đối thoại của ông và Kissinger với các lãnh đạo Cộng sản được giữ bí mật. Vào Ngày Bầu Cử, Nixon giành 60.7% phiếu bầu, cao hơn mọi ứng viên Cộng hòa trong lịch sử.
Sau này, Nixon cáo buộc Quốc hội Mỹ đã tạo ra thất bại trong khi chiến thắng trong tầm tay. Một cách chỉ trích là lên án Quốc hội đã giảm viện trợ cho Sài Gòn. Đúng là các nghị sĩ đã cho miền Nam ít hơn những gì Nixon và Tổng thống Gerald Ford yêu cầu. Nhưng dù có tăng gấp đôi, gấp ba, Sài Gòn vẫn sụp đổ theo các điều khoản của Nixon. Miền Nam không thể chống đỡ Cộng sản khi thiếu hỗ trợ của bộ binh Mỹ.
Ngay cả ngày nay, chiến lược thực sự của Nixon vẫn gần như không được công chúng biết, mặc dù giới học giả đã viết về nó từ nhiều năm. Jeffrey Kimball in hai tác phẩm bước ngoặt, Nixon’s Vietnam War và The Vietnam War Files, sử dụng tài liệu giải mật để chứng tỏ Nixon đã tạo dựng “cự ly an toàn” ra sao. Julian Zelizer mô tả Nixon gắn việc rút quân với bầu cử 1972 trong Arsenal of Democracy.
Nhưng huyền thoại Nixon bị đâm sau lưng vẫn sống. Khi các chính trị gia và chuyên gia tranh luận làm sao, khi nào thoát khỏi Afghanistan (như Iraq trước đó), họ trích dẫn sai lầm lịch sử “thành công” của Nixon khi đào tạo miền Nam biết tự vệ và thương lượng để giải quyết khác biệt thông qua bầu cử tự do – hai điều mà Nixon chưa bao giờ làm được.
Kỷ niệm 40 năm Hiệp định “Hòa bình” Paris cũng cùng một tháng đánh dấu 100 năm ngày sinh Nixon. Nay đúng là dịp để giải phóng đầu óc và chính trị của chúng ta khỏi di sản tồi tệ nhất của Nixon.

Ken Hughes

 CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.
Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.


̣Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó
Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.Gia tăng hoạt động Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”

Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa
Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:
"Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"
“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.Liên Xô lo Trung Quốc Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”

Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ
Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”
Vũ Quí Hạo Nhiên

Ý nghĩa vụ thanh trừng ở Bắc Hàn với TQ

Hình ảnh ông Jang Song-thaek
Hình ảnh ông Jang Song-thaek tại phiên tòa được phát trên vô tuyến Bắc Triều Tiên

Khi đài truyền hình nhà nước Bắc Hàn thông báo vụ thất sủng của ông Jang Song - thaek, chú rể dượng của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, dường như Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã bị bất ngờ.
Là đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn nhưng Trung Quốc đã mất tới 40 tiếng đồng mới đưa ra tuyên bố đầu tiên sau tin tức này.
Tuyên bố này ngắn ngủi và không thực rõ ràng:
"Là láng giềng thân thiện, chúng tôi hy vọng được thấy ổn định quốc gia, phát triển kinh tế và người dân được sống trong hạnh phúc ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, "phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong một cuộc họp báo vào ngày 13/12, đề cập vụ hành quyết là thuộc về "công việc nội bộ" của Bắc Hàn.
'Ông Jang thất sủng' Vào ngày 12/12, ông Jang, 67 tuổi, bị hành quyết sau khi nhận tội trước một Tòa án Quân sự. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn mô tả ông "tồi tệ hơn một con chó", và cáo buộc ông đã "bán tháo tài nguyên" với giá rẻ và cho thuê đất, bao gồm các đặc khu kinh tế Rason trong 50 năm cho Trung Quốc.

"Vụ thanh trừng của ông Jang không liên quan gì đến tranh chấp quyền lực, mà là kết quả của một cuộc đụng độ quyền lợi về việc ai sẽ được hưởng lợi từ “các mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Bắc Hàn"
The New York Times
Nhiều người tin rằng sự sụp đổ của ông Jang là hệ quả của một cuộc tranh giành quyền lực, và các tin tức ban đầu cho rằng ông Jang đã mưu đồ một cuộc đảo chính chống lại ông Kim Jong -un. Ông Kang Myong -do, con rể của cựu Thủ tướng Bắc Hàn Kang Song-San, người đã đào thoát tới Nam Hàn hồi tháng 5/1994, đồng ý với nhận định này.
"Vào tháng Mười, ông Jang Song - thaek đến gặp người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong-un, là ông Kim Jong-nam, và đã giao cho ông này các khoản tiền để chi phí sinh hoạt," ông Kang nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình với kênh YTN News Channel của Hàn Quốc vào ngày 13/12," Kim Jong- un đã theo dõi ông Jang kể từ năm ngoái, và ông ta nghĩ rằng Jang đã cố gắng đưa Kim Jong-nam lên ngôi."
Lời giải thích phản ánh các lời lẽ cáo buộc về sự ‘xấu xa’ của nhà lãnh đạo 30 tuổi chống lại người chú của mình. Trong bản cáo trạng nảy lửa dài 2.700 từ, ông Jang bị buộc tội âm mưu làm đảo chính chống lại Kim Jong-un, và ông bị gọi là "kẻ phản bội của mọi thời đại," và "một con người cặn bã, hèn hạ."
"Tôi đã dàn dựng một cú đảo chính bằng cách sử dụng các sĩ quan quân đội có quan hệ gần gũi với tôi, hoặc bằng cách huy động lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của những người thân tín của tôi," ông Jang được cho là đã thừa nhận như vậy trong phiên tòa.

Ông Jang Song-thaek
Ông Jang Song-thaek từng được Trung Quốc coi là có vai trò quan trọng trong kết nối bang giao Trung-Triều
Nhưng giải thích mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc đối chọi lại giải thích nói trên. Ngày 23/12, ông Nam Jae-joon, Giám đốc cơ quan Tình báo Hàn Quốc nói với Quốc hội rằng vụ thanh trừng của ông Jang không liên quan gì đến tranh chấp quyền lực, mà là kết quả của một cuộc đụng độ quyền lợi về việc ai sẽ được hưởng lợi từ “các mặt hàng xuất khẩu sinh lợi nhất của Bắc Hàn là than, trai và cua," tờ The New York Times đưa tin.
‘Cái tát vào mặt’ "Trong mọi trường hợp, đây là điều gây lo ngại sâu sắc cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở CHDCND Triều Tiên," John Everard, cựu đại sứ Anh tại Bắc Hàn nói. Trong khi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Bắc Hàn vẫn còn nghiêm khắc, Trung Quốc đã giao dịch với Bắc Hàn trong suốt nhiều năm.
Theo Cục xúc tiến Thương mại - Đầu tư của Hàn Quốc, 88% tổng kim ngạch ngoại thương của Bắc Hàn năm ngoái liên quan tới Trung Quốc. Trong số các thỏa thuận làm ăn, Trung Quốc nhập khẩu một lượng than và quặng sắt trị giá chừng 2,4 tỷ USD từ Bắc Hàn trong năm 2012. Trong hệ thống quan liêu và bí mật của Bắc Hàn, bây giờ chúng ta biết rằng Jang Song - thaek là người đứng sau các giao dịch.
Trong nhiều năm qua, ông Jang Song - thaek được Trung Quốc coi là hy vọng tốt nhất cho Bắc Hàn để khởi động các cải cách kinh tế dần dần, cùng loại với những cải cách mà bản thân Trung Quốc đã trải qua từ năm 1979. Bằng cách ủng hộ các cải cách kiểu Trung Quốc, cách thức này không chỉ có tác dụng ‘câu giờ' với Trung Quốc để tìm ra một giải pháp cho Bắc Hàn, mà cũng sẽ giúp Bắc Hàn duy trì sự ổn định. Trước khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, phương pháp này dường như đã có tác dụng.

"Cái chết của ông Jang đã cắt đứt một kênh giao tiếp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng," ông Everard nói thêm. Hy vọng cải cách dần dần đã "không làm Kim Jong-un quan tâm"
John Everard, cựu Đại sứ Anh ở Bắc Hàn
Tại Thượng Hải vào năm 2001, cha của Kim Jong-un, ông Kim Jong-il đã được giới thiệu khi tới thăm thị trường chứng khoán Thượng Hải, thăm hệ thống tàu điện ngầm cũng như một khu công nghệ cao. Tin tức từ các kênh truyền thông khác nhau khi đó cho hay ông Kim Jong-il đã tỏ ra có "ấn tượng" về sự tiến bộ của Trung Quốc.
Dưới thời của Kim Jong-il, Bình Nhưỡng đã thất bại trong nỗ lực tái cơ cấu mô hình kinh tế. Những nỗ lực này bao gồm một cuộc cải cách bất thành về tiền tệ trong năm 2009, và một số dự án phát triển chung với Trung Quốc dọc theo đường biên giới chung. Bình Nhưỡng "dường như cố chứng tỏ các tác động của lệnh trừng phạt kinh tế của Nam Hàn có thể được cân bằng lại bởi sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, " tờ nhật báo lớn của Hàn Quốc, The Chosun Ilbo viết trong chuyến thăm Trung Quốc của cố chủ tịch Kim vào năm 2011.
Ngay sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, Jang Song - thaek và vợ của ông là bà Kim Kyong -hui nổi lên như những nhà lãnh đạo trên thực tế của Bắc Hàn. Vào thời điểm khi áp lực quốc tế đặt lên vai Bắc Kinh để gây ảnh hưởng tới Bắc Hàn, ông Jang là một phần biện minh cho vai trò của Bắc Kinh trong duy trì hiện trạng.
"Nhưng việc hành quyết ông Jang đã cắt đứt chuyện này", ông Everard nói. Trong bản cáo trạng của ông Jang, ông bị cáo buộc bán đất đai thuộc khu vực kinh tế và thương mại Rason cho "nước ngoài " với thời hạn năm thập niên, dường như đề cập đến Trung Quốc. "Cái chết của ông Jang đã cắt đứt một kênh giao tiếp giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng," ông Everard nói thêm. Hy vọng cải cách dần dần đã "không làm Kim Jong-un quan tâm", ông nói.

Ông Jang Song-thaek (phải) và ông Kim Jong-un
Có giả thuyết nói vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek liên quan tranh giành nguồn lợi kinh tế
"Trung Quốc đã bị tổn thương nặng nề bởi Bình Nhưỡng. Địa vị của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên bị xấu đi tệ hại; khả năng ảnh hưởng đến CHDCND Triều Tiên chỉ còn ở một mức độ rất thấp, và giới lãnh đạo Bắc Hàn cho thấy rõ ràng họ chẳng tôn trọng gì người mà Trung Quốc coi là bạn bè tại phiên tòa của chính quyền Kim Jong-un”, ông Everard nói, "Trung Quốc đã bị tát vào mặt."
‘Đồng hồ đếm ngược’ Nhưng một câu hỏi rộng hơn là trên tư cách đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn, Trung Quốc có thể làm được gì với ông Kim Jong-un?
Mặc dù Bắc Hàn là một vấn đề rất gây chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã đang có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần thay đổi lập trường ở Bắc Hàn.
"Hãy cứ để Bắc Hàn 'tức giận’, chúng ta không thể ngồi đó nhìn và không làm gì chỉ vì chúng lo lắng hành động có thể ảnh hưởng đến quan hệ Trung- Triều", tờ báo tuyên truyền chính thức của nhà nước, Hoàn cầu Thời báo cảnh báo hôm 25/12.

"Họ cần phải làm cho Kim Jong- un hiểu rằng chính sách hiện tại của ông ta vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế sẽ thất bại. Bắc Hàn phải lựa chọn"
John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Bắc Hàn
Mối thất vọng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh cũng được phản ánh trong hành vi biểu quyết của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Hai tuần sau khi ông Kim Jong-un ra lệnh cho một vụ thử hạt nhân thứ ba vào tháng Hai, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận "mở rộng đáng kể" các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc về Bắc Hàn. Đó là một động thái hiếm hoi của Trung Quốc.
Nhưng điều này vẫn chưa được điều chuyển thành những thay đổi trong chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông Nam nói với các nhà lập pháp Nam Hàn vào ngày 23/12 rằng Bắc Hàn có thể tung ra các hành động khiêu khích vũ trang chống lại Nam Hàn "vào khoảng tháng Giêng và tháng Ba" để tập hợp đoàn kết ở trong nước.
"Người Mỹ đôi khi nói rằng Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này bằng cách riêng của mình, tôi nghĩ rằng điều đó quá lạc quan", ông Everard nói và cho hay thêm rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên bắt đầu bàn thảo một kế hoạch nghiêm túc:
"Họ cần phải làm cho Kim Jong- un hiểu rằng chính sách hiện tại của ông ta vừa phát triển vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế sẽ thất bại. Bắc Hàn phải lựa chọn."
"Nếu chúng ta có thể buộc ông ta phải lựa chọn, khi đó chúng tôi có thể thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân," ông Everard để xuất, "đồng hồ đang đếm ngược và chúng ta sắp hết thời gian."
Bài do cây bút tự do Vincent Ni tổng hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét