Những “thước đo” năng lực của một nhà khoa học
Thời gian gần đây, trên một vài diễn đàn báo chí trong nước, người ta bàn đến việc đánh giá nhà khoa học. Đây là vấn đề khó khăn và gai góc. Trong bài này tôi sẽ bàn qua một số chỉ số mà các đại học ngoài này hay sử dụng. NGUYỄN VĂN TUẤN
Việc đánh giá năng lực của một nhà khoa học là việc cần thiết. Các trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng năm phải tuyển dụng nhà khoa học, phải tuyển chọn nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ, và hội đồng tuyển chọn phải đi đến một quyết định chọn đúng người trong số nhiều ứng viên. Các trường đại học cũng cần đánh giá nhà khoa học, vì mỗi năm họ phải xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng (như giáo sư, phó giáo sư) cho nhiều ứng viên. Các hội đồng tuyển chọn hay hội đồng khoa bảng cần những chỉ số khách quan để so sánh các ứng viên, và qua đó mà tuyển chọn đúng người hay đề bạt người xứng đáng vào các chức danh khoa bảng.
Nhưng việc đánh giá năng lực và sự nghiệp của một nhà khoa học là một việc làm khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất là do năng lực của một cá nhân lúc nào cũng là một đặc tính đa chiều và có nhiều tiêu chí. Chẳng hạn như một nhà khoa học, ngoài “sản phẩm” chính là sáng tạo tri thức mới, còn có những khía cạnh khác như đào tạo nghiên cứu sinh, phục vụ cho chuyên ngành, hay phục vụ cộng đồng. Cho đến nay, cộng đồng khoa học vẫn chưa nhất trí một công thức khách quan nhất để tồng hợp các tiêu chí này.
Có lẽ cách đơn giản nhất là đọc tất cả những công trình nghiên cứu của nhà khoa học, hay cách làm của Đại học Harvard khi đề bạt chức danh khoa bảng là thẩm định 5 công trình mà nhà khoa học tự đánh giá là có giá trị nhất. Nhưng ngay cả việc làm này phi thực tế, vì đòi hỏi thời gian và cần phải có những chuyên gia trong chuyên ngành. Ngay cả những chuyên gia trong ngành cũng chưa chắc khách quan trong việc đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, vì do cảm tính và cảm tình cá nhân của người đọc đối với nhà khoa học.
Do đó, để đánh giá năng lực một nhà khoa học, các hội đồng khoa bảng phải dựa vào một số chỉ số mang tính định lượng, dù biết rằng những chỉ số này tự nó cũng không hẳn là hoàn hảo. Hiện nay, có 3 chỉ số chính để đánh giá một nhà khoa học: số lượng ấn phẩm khoa học, hệ số ảnh hưởng (impact factor hay thường viết tắt là IF), và chỉ số Hirsch (thường viết tắt là H index).
Số lượng ấn phẩm khoa học
Sản phẩm chính và có lẽ quan trọng nhất của một nhà khoa học là số lượng ấn phẩm khoa học đã được công bố. Cần phải nói thêm rằng cụm từ “ấn phẩm khoa học” ở đây được hiểu theo nghĩa tiếng Anh là “original article”, hay “paper”, tức những bài báo nghiên cứu mang tính nguyên thủy đã được công bố trên một tập san khoa học, và tập san khoa học đó có một cơ chế bình duyệt (peer-review) và tập san đó được cộng đồng khoa học chuyên ngành công nhận. Công nhận ở đây có nghĩa là tập san được liệt kê trong các danh bạ của Viện thông tin khoa học (Institute of Scientific Information).
Ấn phẩm khoa học không bao gồm những bản tóm lược trong các hội nghị khoa học (abstract hay conference proceeding), những bài bình luận (commentary), những bài xã luận (editorial), hay những thư bình luận (letter to the editor) trên các tập san khoa học. Bài báo khoa học cũng không phải là những bài báo đăng trên các tạp chí phổ thông dù là của một hiệp hội chuyên môn; hay những bài đăng trên các tờ báo đại chúng, bởi vì những bài này không đáp ứng tiêu chuẩn đã qua bình duyệt của đồng nghiệp chuyên ngành.
Một số lớn các trường đại học phương Tây thường dựa vào số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng. Tuy không có qui định nào cụ thể là ứng viên phải có bao nhiêu bài báo để được xét duyệt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là giáo sư dự khuyết (assistant professor) phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư (associate professor) thì ít nhất là 20, và giáo sư (professor) thì ít nhất là 50.
Số lượng ấn phẩm phản ảnh một phần về phần lượng, phần năng suất của một nhà khoa học. Tuy nhiên, trong xu hướng hợp tác nghiên cứu khoa học như hiện nay, một bài báo (nhất là trong khoa học thực nghiệm như y khoa) thường có nhiều tác giả, và một số không ít những tác giả này chẳng có đóng góp gì cho công trình nghiên cứu nhưng được ghi tên “tác giả làm quà” (còn gọi gift authorship). Một nhà khoa học có thể có nhiều bài báo, nhưng trong thực tế chỉ là hợp tác, hay thậm chí là “tác giả làm quà”, và do đó số lượng ấn phẩm khoa học không phản ảnh được điều này.
Ngoài ra, số lượng ấn phẩm khoa học như nói trên chỉ phản ảnh phần lượng, nhưng có thể không phản ảnh phần phẩm chất. Một người có thể công bố nhiều công trình khoa học, nhưng là những công trình có chất lượng thấp thì không thể xem là có năng lực. Ngược lại, một nhà khoa học giỏi có thể chỉ công bố vài công trình, nhưng toàn là những công trình có giá trị lâu dài, những công trình được cộng đồng khoa học ghi nhận, nhưng số lượng không phản ảnh được tài năng của nhà khoa học.
Chỉ số trích dẫn
Một công trình khoa học có giá trị hay có chất lượng thường được trích dẫn. Trong một nghiên cứu [1] về lí do trích dẫn, các nhà khoa học trình bày những lí do sau đây : (a) ghi nhận công trạng của tác giả ; (b) kính trọng tác giả ; (c) phương pháp liên quan ; (d) bài báo cung cấp thông tin nền có ích ; (e) trích dẫn để phê bình hay phản nghiệm ; và (f) trích dẫn để làm cơ sở cho các phát biểu trong bài báo. Do đó, ngoài số lượng ấn phẩm khoa học, tần số trích dẫn là một chỉ số rất quan trọng để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.
Chỉ số trích dẫn cũng rất khác biệt giữa các bộ môn khoa học, nhưng tính trung bình chỉ có trên dưới 1% bài báo khoa học được trích dẫn hơn 6 lần mà thôi trong vòng 5 năm. Do đó, có đề nghị là một bài báo được trích dẫn một cách độc lập (tức không phải chính tác giả tự trích dẫn) hơn 5 lần được xem là "có ảnh hưởng". Những công trình có ảnh hưởng lớn thường có số lần trích dẫn 100 lần trở lên. Một nghiên cứu trong thập niên 1970s về tần số trích dẫn các nghiên cứu công bố trước khi các nhà khoa học được trao giải Nobel cho thấy tính trung bình, số lần trích dẫn là 62 (so với tần số trung bình của tất cả các nhà khoa học là 6 lần).
Cần nói thêm rằng theo phân tích của Viện ISI, trong tất cả các bài báo khoa học công bố trên thế giới, có khoảng 55% không bao giờ được ai (kể cả chính tác giả) trích dẫn hay tham khảo sau 5 năm công bố [2]! Trong các ngành như kĩ thuật (engineering), tần số không trích dẫn lên đến 70%. Ở nước ta, theo phân tích của tôi, khoảng 50% những bài báo toán học không được trích dẫn sau 10 năm công bố.
Chỉ số ảnh hưởng (impact factor)
Đánh giá chất lượng một công trình khoa học hay một bài báo khoa học không phải là việc làm đơn giản vì nó đòi hỏi thời gian và phương pháp đánh giá. Một công trình nghiên cứu cơ bản sau khi công bố có khi phải chờ đến 20 năm hay lâu hơn mới có khả năng ứng dụng, hay được cộng đồng khoa học chấp nhận. Tuy nhiên, đối với các hội đồng khoa bảng, họ không có thì giở phải chờ đến 20 năm sau để đánh giá một nhà khoa học; họ cần những chỉ số ngắn hạn nhưng đáng tin cậy để làm “thước đo” chất lượng nghiên cứu của một nhà khoa học.
Một trong những thước đo phổ biến hiện nay là hệ số ảnh hưởng hay impact factor (IF). Hệ số này được phát triển từ thập niên 1950s để đánh giá chất lượng tập san khoa học [3] ở Mĩ, và ngày nay được sử dụng trên toàn thế giới. Theo định nghĩa của Eugene Garfiled (người phát triển chỉ số IF), IF là tần số trích dẫn trung bình của những bài báo khoa học sau khi đã công bố trong vòng 2 năm. Cố nhiên, IF chỉ tính cho những tập san được liệt kê trong danh bạ ISI hay Journal Citation Report của ISI. Chỉ số IF được tính dựa vào số liệu trong 3 năm. Chẳng hạn như IF của năm 2005 của một tập san được tính như sau: IF = A/B, trong đó A là số lần trích dẫn trong năm 2005 của những bài báo đã công bố trong thời gian 2003-2004, và B là số bài báo đã công bố trong thời gian 2003-2004. Ví dụ: trong 2 năm 2003 và 2004 tập san y khoa Lancet công bố 450 bài báo khoa học, và trong năm 2005 có 10,500 bài báo khác trích dẫn 450 bài báo đó, thì hệ số IF = 10.500 / 450 = 23.3. Mỗi năm ISI đánh giá cho khoảng 7,500 tập san trên thế giới. Hiện nay, IF của các tập san dao động từ 0.02 đến 69.
Chỉ số IF tuy được sử dụng rộng rãi, nhưng cũng bị phê bình rất nhiều. Một số khiếm khuyết của IF đã được chỉ ra trong quá khứ bao gồm những vấn đề liên quan đến văn hóa ngành, cách tính toán, :
• IF không biết đến sự khác biệt về "văn hóa" giữa các ngành khoa học, như ngành toán thường có chỉ số trích dẫn thấp hơn ngành vật lí ;
• IF tính luôn những bài bình luận và xã luận trong vế B (như nói trên) mà những bài này trong vế A ;
• IF không thể phân biệt xu hướng tác giả tự trích dẫn bài báo của mình ;
• IF trung bình hóa quá đáng, bởi vì trong thực tế chỉ có khoảng 20% trích dẫn của một tập san có thể chiếm đến 80% tổng số trích dẫn ;
• khoản thời gian 2 năm trong tính toán IF là quá ngắn và không công bằng cho các ngành khoa học cơ bản ;
• IF không phân biệt được những công trình nghiên cứu sai nhưng được trích dẫn thường xuyên để làm ví dụ.
Dù bị phê bình nhiều, nhưng IF vẫn được các cơ quan tài trợ nghiên cứu, đại học, và trung tâm khoa học áp dụng rộng rãi. Sự thật là hiện nay thế giới có trên 108.000 tạp chí khoa học với đủ thứ chất lượng “thượng vàng hạ cám” (con số này chưa kể đến các tạp chí trực tuyến). Do đó, một công trình nghiên cứu dù có chất lượng thấp cỡ nào đi nữa, và nếu tác giả kiên trì theo đuổi, thì công trình sẽ được in trong một tạp chí nào đó, cũng có thể mang tiếng “tạp chí quốc tế”. Do đó, việc sử dụng IF như là một tiêu chí để đánh giá năng lực của nhà khoa học là điều có thể hiểu được.
Như đề cập trên, bởi vì IF dao động rất lớn giữa các bộ môn khoa học. Chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số tác dụng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học. Nhưng ngay cả trong cùng một bộ môn khoa học các tập san cũng có IF rất khác nhau. Chẳng hạn như trong ngành toán học, tập san “Bulletin of the American Mathematical Society” có IF khoảng 1.8, Annals of Methametics 1.7, nhưng tập san toán của Trung Quốc (Chinese Annals of Mathematics) có IF chỉ 0.3 hay tập san toán của Viện hàn lâm khoa học Nga (Russian Academy of Sciences Izvestiya Mathematics) có IF 0.04. Do đó, việc sử dụng IF trong khi đánh giá năng lực của một nhà khoa học cần phải đặt IF trong từng bộ môn khoa học, chứ không thể so sánh giữa các bộ môn.
Cho dù IF không phải là chỉ số hoàn hảo để “đo lường” ảnh hưởng của tập san và bị nhiều “tai tiếng”, nhưng trong thực tế bất cứ nhà khoa học nào cũng biết rằng công bố một bài báo trên các tập san có IF cao thường khó hơn rất nhiều so với công bố trên một tập san có IF gần bằng 0! Ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, và ngay cả Hàn Quốc, Đài Loan, người ta thưởng cho nhà khoa học nào có những bài báo trên các tập san có IF cao.
Chỉ số Z và vị trí tác giả
Nghiên cứu khoa học trong những thập niên gần đây thường mang tính cách liên ngành. Một công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu thực nghiệm như y sinh học, đòi hỏi sự đóng góp từ rất nhiều nhà khoa học với các chuyên ngành như sinh hóa, y khoa lâm sàng, thống kê học và dịch tễ học, y học hạt nhân, sinh học phân tử, di truyền học, v.v... Không những trong các ngành khoa học thực nghiệm, mà ngay cả khoa học xã hội cũng có xu hướng liên ngành. Theo một phân tích vào thập niên 1960s, có đến 62% số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học được trao giải Nobel là do hợp tác với các đồng nghiệp khác [4].
Xu hướng hợp tác liên ngành dẫn đến xu hướng đa tác giả trong các bài báo khoa học. Ngày nay, không ngạc nhiên khi có những bài báo trên các tập san lớn như Science, Nature, Cell, New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA ... mà danh sách tác giả có khi kéo dài đến nửa trang ! Do đó, một bài báo có thể xuất hiện trong hàng trăm lí lịch khác nhau.
Một trong những khó khăn trong các bài báo với nhiều tác giả là vấn đề định lượng công trạng (credit). Một cách hiển nhiên và theo cách hiểu thông thường, người nào có đóng góp nhiều nhất phải là tác giả đầu tiên, người có đóng góp quan trọng thứ hai đứng vai tác giả thứ hai … nhưng trong thực tế thì không đơn giản như thế. Trong thực tế, rất ít nhóm nghiên cứu tuân thủ theo các tiêu chuẩn trên đây, nhưng thứ tự tác giả thường được hoạch định theo một "văn hóa" của trung tâm nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ngầm chấp nhận. Các "qui chế" bất thành văn trong các văn hóa này có thể tóm lược như sau [5]:
• Văn hóa thứ tự (sequence-determined credit). Theo văn hóa này, tác giả có công nhiều nhất (ý tưởng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bản thảo) sẽ đứng tên tác giả số 1, người có công thứ hai đứng tên tác giả 2, và người có công ít nhất đứng tên tác giả sau cùng. Đối với văn hóa thứ tự, tác giả đầu tiên có k điểm, tác giả hai có k/2 điểm, tác giả 3 có k/3 điểm, v.v... trong đó k là IF của tập san.
• Văn hóa tương đương (equal contribution norm). Theo văn hóa này, tất cả các tác giả có mức độ đóng góp như nhau, và thứ tự tác giả sẽ được quyết định bằng chữ cái của họ. Nói cách khác, tác giả nào có chữ cái là A sẽ đứng tên tác giả đầu, và cứ theo thứ tụ đến tác giả sau cùng có chữ cái của họ là Z. Đối với văn hóa tương đương, việc tính điểm dễ hơn, vì chỉ cần lấy k chia cho số tác giả trong bài báo.
• Văn hóa "đầu chót" (first-last emphasis). Theo văn hóa này, tác giả thứ nhất và tác giả sau cùng là hai người có đóng góp nhiều nhất và chịu trách nhiệm về dữ liệu trong bài báo. Thông thường, tác giả thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, tác giả sau cùng là trưởng nhóm nghiên cứu của lab hay cơ sở nghiên cứu, và các tác giả theo sau tác giả đầu được xếp theo mức độ đóng góp. Đối với văn hóa trước đầu chót, tác giả đầu có k điểm, tác giả chót k/2 điểm, các tác giả còn lại có k/n điểm, trong đó n là tổng số tác giả.
• Văn hóa định lượng (percent contribution indicated). Trong văn hóa này, chi tiết về đóng góp của từng tác giả được liệt kê một cách vắn tắt, và định lượng trong nội bộ với nhau. Chẳng hạn như hai hay ba tác giả có đóng góp tương đương nhau, và thứ tự tác giả được sắp xếp theo chữ cái của họ hay theo một phương pháp khá khoa học : đó là ngẫu nhiên hóa ! Đối với văn hóa định lượng, mỗi tác giả i có số phần trăm đóng góp (kí hiệu là pi), và điểm cho từng tác giả chỉ đơn giản là kpi.
Do đó, chúng ta cần phải điều chỉnh chỉ số Hc cho vị trí tác giả. Mới đây, có đề nghị tính yếu tố Z (Z factor) như sau [6]:
Z = tổng số (IFi x Pi)
Trong công thức này, P là “contribution factor”, phản ảnh đóng góp của tác giả cho công trình nghiên cứu. Chẳng hạn như tác giả đầu và cuối có P = 1, còn tác giả đóng vai trò hợp tác thì P có thể 0.3. IF là chỉ số ảnh hưởng của tập san. Thường thường, thời gian đòi hỏi một paper được trích dẫn cũng phải 2-5 năm, cho nên khi đánh giá thành tích trong năm, người đánh giá không có lựa chọn nào khác là dựa vào IF.
Do đó, một nhà khoa học công bố được N = 5 bài với IF của 5 tập san đó lần lược là 1, 2, 4.5, 2.5, và 3. Ngoài ra, trong số này nhà khoa học là tác giả chính của 2 bài, còn 3 bài kia là người hợp tác, chỉ số Z được tính như sau:
Z = 1×1 + 2×1 + 4.5×0.3 + 2.5×0.3 + 3×0.3 = 6
Một nhà khoa học khác cũng có 5 bài báo và cũng với IF như trên, nhưng nếu là tác giả chính thì chỉ số Z là 13.
Như vậy Z khắc phục được khiếm khuyết của số lượng bài báo và tính đến công trạng của tác giả. Tuy Z có phần tốt hơn IF, nhưng vấn đề lớn nhất của chỉ số Z là không tính phần trích dẫn và dựa vào IF, một chỉ số tự nó đã không hoàn hảo.
Chỉ số Hirsch (H index)
Nhưng hệ số ảnh hưởng IF chỉ phản ánh uy tín của tạp chí chứ không hẳn phản ảnh chất lượng của một bài báo cụ thể. Năm 2005, nhà vật lí học Jorge Hirsch (Đại học California San Diego) thực hiện một phân tích về xu hướng công bố bài báo khoa học và tần số trích dẫn, và qua kết quả phân tích, ông đề nghị một chỉ số mà ông lấy tên là H index (H có lẽ là viết tắt họ của ông) [7]. Ngay từ khi chỉ số H ra đời, có nhiều người tán thành và lấy đó làm thước đo thành tựu và ảnh hưởng của một nhà khoa học. Ngày nay, các tập san khoa học danh tiếng như Nature, Science, Cell, PNAS, v.v… và các cơ quan quản lí khoa học ở Âu châu, Mĩ châu, Úc châu đều sử dụng chỉ số H để làm cơ sở cho đề bạt, cấp tài trợ, và đánh giá thành công của một nhà khoa học hay một nhóm nghiên cứu.
Chỉ số H được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn. Mục tiêu của chỉ số H là đo lường mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học. Chỉ số H được định nghĩa như sau: Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Một giáo sư (professor) ở đại học có tiếng ở Mĩ thường có chỉ số H khoảng 20. Một nhà khoa học với H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học thành công (successful); một chỉ số H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là xuất sắc (outstanding) thường hay thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; một chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là thật sự cá biệt (truly unique) [7].
Chỉ số H qua cách tính như mô tả có 2 vế : năng suất và ảnh hưởng của nhà khoa học. Tuy được phát triển để đánh giá năng lực một cá nhân, nhưng ngày nay, chỉ số H được sử dụng để đánh giá một nhóm nhà khoa học, phân khoa trong đại học, thậm chí đánh giá năng lực khoa học của một quốc gia. Ngay cả Viện thông tin khoa học (ISI Thomson) cũng sử dụng chỉ số H trong báo cáo của họ.
Nhưng chỉ số H vẫn chưa hoàn hảo. Trong những khiếm khuyết mà giới khoa học chỉ ra trong thời gian qua, có 3 khiếm khuyết lớn. Thứ nhất, chỉ số H luôn luôn tăng theo thời gian, và do đó tùy thuộc vào độ tuổi của nhà nghiên cứu và thời gian làm nghiên cứu. Thứ hai, chỉ số H không phân biệt được những nhà khoa học đã nghỉ hưu với những nhà khoa học đang làm việc. Thứ ba, chỉ số H còn tùy thuộc vào ngành khoa học, với các ngành khoa học tự nhiên và thực nghiệm (như vật lí, y sinh học) có xu hướng công bố nhiều công trình nghiên cứu và thường hay trích dẫn nhau hơn các nghành khoa học như toán học hay xã hội học.
Để khắc phục các khiếm khuyết về thời gian tính, một vài chỉ số khác đã được đề xuất để “điều chỉnh” chỉ số H. Để điều chỉnh cho thời gian làm nghiên cứu, Hirsch đề nghị chia chỉ số H cho thời gian làm nghiên cứu và ông gọi chỉ số này là Chỉ số m. Chẳng hạn như một người làm khoa học 30 năm với chỉ số H = 61 thì chỉ số m là 61 / 35 = 1,74.
Nhưng khiếm khuyết thứ ba là đáng quan tâm nhất. Chúng ta biết rằng các bộ môn khoa học có những văn hóa ngành khác nhau. Chẳng hạn như các ngành khoa học thực nghiệm thường có truyền thống trích dẫn cao hơn so với các ngành khoa học tự nhiên như toán học. Do đó, rất khó mà so sánh chỉ số H của một nhà vật lí học với một nhà toán học, nếu không có một hệ số điều chỉnh.
Khi phân tích tổng số bài báo từ 1995 đến 2005, người ta thấy tần số trích dẫn bình quân (tính trên mỗi bài báo) của ngành miễn dịch học là 19.55, vật lí 7.22, còn ngành toán chỉ 2.66, ngành khoa học máy tính 2.49, v.v... Do đó, người ta phải đề ra một chỉ số H chuẩn hóa (standardized H index). Cách chuẩn hóa là lấy ngành vật lí làm ngưỡng chuẩn. Chỉ số H chuẩn hóa (kí hiệu Hc) là Hc = H×c, trong đó H là chỉ số H do ISI cung cấp, và c là hệ số liên quan đến trích dẫn của một ngành khoa học. Chẳng hạn như hệ số c của ngành vật lí [đương nhiên là] 1, toán 1.83, khoa học máy tính 1.75, miễn dịch học 0.52. Do đó, nếu một nhà toán học có H = 10 thì Hc = 18.3, tức cao hơn một nhà vật lí học có cùng H.
Vài nhận xét
Thành quả nghiên cứu khoa học có thể đánh giá qua số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Trong thời gian qua, đã có khá nhiều tranh cãi chung quanh con số và cách tính điểm bài báo khoa học trong qui trình đề bạt chức vụ giáo sư, nhưng chưa ai bàn đến cách đánh giá chất lượng bài báo khoa học. Chẳng hạn như vị cựu Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư, cho biết: "Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín", và mỗi ngành chỉ có hai "tạp chí uy tín" ở trong nước, hiểu theo nghĩa "nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi." Đây là một cách đánh giá theo số lượng là chính, nhưng không/chưa xét đến chất lượng một cách có hệ thống.
Nhưng phân tích trên đây cho thấy số lượng bài báo khoa học không phải là một chỉ số đáng tin cậy, vì còn có vấn đề nhiều tác giả và văn hóa ngành. Ngay cả IF chỉ là chỉ số phản ảnh chất lượng của tập san, chứ không phải cá nhân nhà khoa học. Trong trường hợp này, chỉ số Z có lẽ là một thước đo tương đối khách quan, nhưng để áp dụng chỉ số này, cần phải hiểu phân định công trạng trong văn hóa ngành.
Có lẽ chỉ số đánh giá năng lực của một nhà khoa học tốt nhất hiện nay là chỉ số H (hay các chỉ số được cải tiến như chỉ số m). Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng chỉ số H dựa vào tần số trích dẫn, mà tần số trích dẫn thì còn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu (database). Hiện nay, có 3 cơ sở dữ liệu chính là ISI Web of Knowledge, Scopus, và Google Scholar, và mỗi cơ sở dữ liệu có những ưu và khuyết điểm riêng. Chẳng hạn như ISI Web of Knowledge có đầy đủ các tập san in (print journals), nhưng dữ liệu về các bài báo trong các hội nghị chính (vốn rất quan trọng trong ngành khoa học máy tính) thì không đầy đủ ; do đó, chỉ số H dựa vào ISI có thể thấp hơn so với thực tế cho các nhà khoa học máy tính. Scopus thì bao trùm tốt các bài báo trong hội nghị nhưng lại rất thiếu các tập san ; do đó, dựa vào nguồn dữ liệu này có thể cho ra chỉ số H thấp hơn thực tế. Google Scholar có khả năng bao trùm các tập san in và bài báo hội nghị, nhưng chỉ hạn chế những bài sau 1990 ; do đó, không thể sử dụng cơ sở dữ liệu này để tính chỉ số H.
Không có một chỉ số nào là hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các chỉ số như H hay Z vẫn còn khách quan hơn là đánh giá dựa vào ý kiên cá nhân hay cơ chế bình duyệt (peer review). Trước đây, một số nước Âu châu, kể cả Anh, từng dựa vào cơ chế bình duyệt để đánh giá các đại học, nhưng sau 2008 họ quyết định áp dụng các chỉ số trích dẫn để đánh giá các đại học. Ở nước ta, việc đánh giá năng lực nhà khoa học đã được đặt ra, nhưng phương pháp đánh gia vẫn chưa thích hợp và chưa khách quan. Hi vọng rằng những chỉ số trình bày trên đây sẽ cung cấp cho các hội đồng khoa bảng và đại học một số thước đo để đánh giá năng lực nhà khoa học chính xác và khách quan hơn. Áp dụng các chỉ số trên đây để đánh giá hoạt động khoa học của một đại học hay trung tâm nghiên cứu cũng là một hình thức giúp khoa học nước ta hội nhập quốc tế. NGUYỄN VĂN TUẤN
Không cần lượng, chỉ cần chất
Câu chuyện về những khuất tất đằng sau buổi bảo về luận án tiến sĩ như phản ảnh qua 3 bài báo trên Sài Gòn Giải Phóng vào tuần qua có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm trong kĩ nghệ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Theo tôi thấy, điểm mấu chốt trong câu chuyện mà bài báo tường thuật là vấn đề đầu vào và qui trình đào tạo.
Đầu vào
Đầu vào, hay cụ thể hơn là tiêu chuẩn nhận nghiên cứu sinh, ở trong nước, nếu nhìn vào thủ tục và văn bản chính thức, ai cũng thấy khá chặt chẽ. Nào là phải thi vào, kể cả thi tiếng Anh; phải có đề cương nghiên cứu, và đề cương phải được duyệt qua. Nhưng trong thực tế thì nó mang nặng tính hình thức và “hành là chính” chứ chẳng mang tính khoa bảng gì cả. Còn qui trình đào tạo thì nếu đọc hết dự thảo “Qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ” của Bộ GDĐT thì mới thấy có nhiều điều bất cập. Qui chế này có đến 50 điều chia thành 7 chương, qui định về những chuyện nhỏ nhất (như số trang của một luận án) đến chuyện quan trọng nhất (như tổ chức đào tạo), nhưng nội dung khoa học thì không nhiều. Điều đáng tiếc là có nhiều qui định chưa đi sát với trào lưu và chuẩn mực đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến. Liên quan đến phần “đầu vào” là vấn đề đánh giá đề cương xứng đáng cho một luận án tiến sĩ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong thực tế, đại đa số đề cương nghiên cứu cấp tiến sĩ (tôi chỉ nói trong ngành y) ở Việt Nam chỉ là những công trình mang tính mô tả, hay kiểm kê lâm sàng (clinical audit), chứ chẳng có gì mang tính nguyên thủy (original) hay chuyên sâu nhằm cung cấp câu trả lời cho một vấn đề khoa học.
Qua những phản ảnh của loạt bài báo, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề. Tức là có vấn đề đã tồn tại ngay từ đầu vào. Rất khó biện minh một công trình mang tính lặp lại ý tưởng của người khác (thuộc loại nghiên cứu “me too”) mà được chấp nhận cho nghiên cứu cấp tiến sĩ. Nhưng đây không phải là vấn đề của nghiên cứu sinh, mà có lẽ là vấn đề của người hay nhóm người hướng dẫn luận án.
Qui trình
Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy qui trình đào tạo tiến sĩ tại nhiều trung tâm và đại học ở trong nước chưa được hoàn chỉnh mấy. Nhiều nghiên cứu sinh tự “bơi”, và người hướng dẫn hầu như chẳng có giúp đỡ nào đáng kể và đó là một sự vô trách nhiệm. Nghiên cứu sinh cũng chưa làm quen với văn hóa khoa học, không được khuyến khích công bố kết quả trên các tập san khoa học quốc tế, không có điều kiệm tham dự các hội nghị chuyên ngành cấp quốc tế. Hệ quả là khi nghiên cứu sinh tốt nghiệp đáng lẽ họ trở thành một nhà nghiên cứu độc lập thì họ vẫn còn là một … nghiên cứu sinh.
Luận án tiến sĩ ở trong nước thường được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Nhiều luận án mà chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để … cho đủ số trang! Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ là hoàn toàn thừa (vì lặp lại bảng số liệu). Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ mà trong đó, tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê gần phân nữa luận án, và những kết quả thì phải nói là … không kết quả! Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Tôi có đề cập đến vấn đề này thì người ta nói kiểu làm ở VN như thế, làm khác đi là rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt!
Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: đó là thành viên trong hội đồng phản biện. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu thông qua! Tại sao? Có thể những câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Hay vì nghiên cứu sinh không nắm vững vấn đề? Nhưng dù sao đi nữa thì quyết định này cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng, của các chuyên gia phản biện. Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), nhưng họ cũng có quyền phản bác quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu hội đồng hỏi … tào lao. Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Những vị nể, cảm tình, đường dây móc nối như phản ảnh trong câu này: "Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống 'có đi có lại' theo kiểu 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi'. Sau khi 'qua' cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!" Ngoài ra, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều người chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học độc lập, chưa bao giờ có công bố quốc tế, nhưng lại ngồi trong các hội đồng chấm luận án tiến sĩ! Tôi cho đó là một bất cập cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt.
Vài đề nghị
Đã từ lâu, tôi đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước:
Thứ nhất là (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học. Hiện nay, nước ta có quá nhiều trung tâm (kể cả đại học) đào tạo tiến sĩ, nhưng rất nhiều những trung tâm này không có cơ sở vật chất đầy đủ để đảm bảo những nghiên cứu có chất lượng cao. Ngoài ra, nhiều giáo sư hướng dẫn nghiên cứu cấp tiến sĩ nhưng bản thân họ chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học độc lập, chưa bao giờ có những công trình được công bố trên các tập san quốc tế, chưa nắm vững những đề tài “nóng” trong chuyên ngành trên thế giới, và có nhiều người thậm chí chưa thạo phương pháp nghiên cứu khoa học. Những giáo sư như thế không nên tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ.
Thật là buồn cười khi có những giáo sư như mô tả trong bài trên SGGP sau đây mà ngồi vào hội đồng chấm luận án: "một vị phó giáo sư nọ (thuộc ngành cơ khí nông nghiệp) không biết lấy đạo hàm của ln(x/R) với R là hằng, x là biến, không biết đầy đủ phương pháp quy hoạch thực nghiệm và nhiều cái sai trong khoa học khác. Vì vậy mà NCS làm đúng nhưng 'bài văn' phản biện của vị hội đồng ấy lại cho là sai."
Thứ hai là ra một qui định mới về đào tạo tiến sĩ. Việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch. Cần soạn thảo hẳn một bảng tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ cho từng ngành. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi viết luận án. Ở các nước trong vùng và trên thế giới, người ta qui định một nghiên cứu sinh (trong ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, y sinh học, v.v…) phải có ít nhất là 2 bài báo khoa học được công bố trên tập san quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ. Để hội nhập, chúng ta cũng cần nghiên cứu qui định này ở Việt Nam.
Thứ ba là bỏ buổi lễ bảo vệ luận án. Buổi bảo vệ luận án hiện nay ở nước ta là một hình thức rất … không giống ai, làm tốn kém tiền bạc cho nghiên cứu sinh và có khi gây tiêu cực. Thật là vô lí khi một công trình nghiên cứu 3-4 năm mà chỉ được hỏi qua loa vài ba câu có khi chẳng dính dáng gì đến nội dung luận án! Ở nước ngoài, buổi bảo vệ luận án rất nhẹ nhàng (có khi rất vui vẻ), chỉ là hình thức “trình làng” tân tiến sĩ, vì luận án đã được duyệt và thông qua trước đó. Ở một số nước (như Anh và Úc) người ta không có buổi bảo vệ luận án, nhưng thay vào đó là những kiểm tra định kì (mỗi 6 tháng trong suốt quá trình theo học) bằng những seminar, và tổ chức phản biện kín với 3 người bình duyệt, trong đó có ít nhất là 1 giáo sư từ nước ngoài. Không có lí do gì Việt Nam ta không làm được như thế.
Xin nói ngay rằng tuy buổi bảo vệ luận án có vài bất thường, nhưng nếu nhìn tổng thể về tỉ lệ tốt nghiệp tiến sĩ thì kết quả cũng nằm trong xác suất dự đoán. Ở Úc và Anh, trong số 100 nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ, chỉ có 50-60 người tốt nghiệp, phần còn lại chưa đạt yêu cầu và không được cấp bằng tiến sĩ. Không ai biết tỉ lệ này ở Việt Nam là bao nhiêu, nhưng ấn tượng mà tôi có được là cao hơn so với xu hướng quốc tế.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo và không làm hao tốn tiền của của nghiên cứu sinh, tôi nghĩ cần phải quan tâm đến tiêu chuẩn cho đầu vào, và cải cách qui trình đào tạo tiến sĩ. Như người phương Tây thường nói “nếu đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác” (garbage in, garbage out), nếu chúng ta đảm bảo khâu đầu vào thật chuẩn mực và thật tốt, cùng với qui trình đào tạo nghiêm chỉnh, thì đầu ra chắc chắn phải tốt. Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần lượng mà cần phẩm chất; chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó để khi ra nước ngoài nghiên cứu sinh có thể tự hào về mảnh bằng “doctor” từ Việt Nam.
"Đào tạo tiến sĩ - 'Chất' và 'lượng'"
“Câu chuyện tiến sĩ” phản ảnh qua 2 bài báo dưới đây có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm trong kĩ nghệ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Theo tôi thấy, điểm mấu chốt trong câu chuyện mà bài báo tường thuật là vấn đề đầu vào và huấn luyện. Đầu vào của qui trình đào tạo tiến sĩ ở trong nước, nếu nhìn vào thủ tục và văn bản chính thức, ai cũng thấy khá chặt chẽ. Nào là phải thi vào, kể cả thi tiếng Anh; phải có đề cương nghiên cứu, và đề cương phải được duyệt qua. Nhưng trong thực tế thì nó mang nặng tính hình thức và “hành là chính” chứ chẳng mang tính khoa bảng gì cả. Còn qui trình đào tạo thì nếu đọc hết dự thảo “Qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ” của Bộ GDĐT thì mới thấy có nhiều điều bất cập. Qui chế này có đến 50 điều chia thành 7 chương, qui định về những chuyện nhỏ nhất (như số trang của một luận án) đến chuyện quan trọng nhất (như tổ chức đào tạo), nhưng nội dung khoa học thì không nhiều. Điều đáng tiếc là có nhiều qui định chưa đi sát với trào lưu và chuẩn mực đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến.
Đánh giá đề cương xứng đáng cho một luận án tiến sĩ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ở đây, chưa nói đến chuyện phương pháp, mà chỉ mới nói đến phần ý tưởng. Trong thực tế, rất rất nhiều đề cương nghiên cứu cấp tiến sĩ (tôi chỉ nói trong ngành y) ở Việt Nam chỉ là những công trình mang tính mô tả, hay kiểm kê lâm sàng (clinical audit), chứ chẳng có gì mang tính original hay chuyên sâu nhằm cung cấp câu trả lời cho một vấn đề khoa học. Ngay cả luận án cũng được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Một luận án chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để … cho đủ số trang! Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ là hoàn toàn thừa (vì lặp lại bảng số liệu). Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ mà trong đó, tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê gần phân nữa luận án, và những kết quả thì phải nói là … không kết quả! Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Tôi có đề cập đến vấn đề này thì người ta nói kiểu làm ở VN như thế, làm khác đi là rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt!
Qua những tranh cãi như bài báo dưới đây phản ảnh, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề. Tức là có vấn đề ngay từ đầu vào. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu ok! Có thể những câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Nhưng dù sao đi nữa thì quyết định này cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng, của các chuyên gia phản biện. Ở bên này, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), và họ cũng có quyền bất đồng (thậm chí phản biện lại) quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu họ hỏi … bậy và tào lao. Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: đó là thành viên trong hội đồng phản biện. Những lem nhem về tiền bạt, đường dây móc nối , như phản ảnh trong câu này: "Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống 'có đi có lại' theo kiểu 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi'. Sau khi 'qua' cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!"
Đã từ lâu, tôi đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Thứ nhất là (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, và chỉ cho phép đào tạo cho những trung tâm có tư cách khoa bảng và có nghiên cứu nghiêm chỉnh. Thứ hai là ra một qui định mới về đào tạo tiến sĩ, trong đó việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch, tiêu chuẩn đào tạp cũng phải rõ ràng, đề ra tiêu chuẩn ai là người có tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ (điểm này rất bát nháo ở VN), qui trình đào tạo tiến sĩ và hậu tiến sĩ. Thứ ba là bỏ buổi lễ bảo vệ luận án; thay vào đó là những kiểm tra định kì (mỗi 6 tháng trong suốt quá trình theo học) bằng những seminar, và tổ chức phản biện kín với 3 người bình duyệt (ít nhất là 1 người từ nước ngoài).
Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần lượng mà cần phẩm chất; chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó để khi họ ra nước ngoài có thể tự hào về mảnh bằng doctor từ Việt Nam.
1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?“Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “TS hóa” đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.Loạt bài này, từ một vụ việc cụ thể, Báo SGGP muốn đặt ra vấn đề về chất lượng TS và đào tạo TS hiện nay.Ngày 4-12-2009, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), hơn 10 vị giáo sư và TS bước ra khỏi phòng họp với vẻ mặt tức giận. Họ, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, gần như không kềm nổi bức xúc trước câu chuyện vừa xảy ra trong cuộc họp… bàn về luận án TS.
Còn hơn cả tức giận, nghiên cứu sinh (NCS) T.T.S., người suýt bước lên hàng danh giá của bậc học cao nhất, cho biết sẽ kiện trường và Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước vì có chuyện... mờ ám. Chuyện gì đã xảy ra tại một trường đại học có tiếng chỉn chu và khắt khe trong việc đào tạo TS?
“Lật tẩy” luận ánSự việc nói trên tiếp nối câu chuyện diễn ra từ 4 tháng trước. Đó là buổi trưa 10-8-2009, Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức bảo vệ luận án TS của NCS T.T.S. với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.
14 giờ 30 phút, lễ bảo vệ được bắt đầu. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Khoa học tiến hành những thủ tục cần thiết, NCS T.T.S. được mời lên tóm tắt nội dung luận án. Ngay lúc bắt đầu, NCS này đã lộ vẻ lúng túng, trình bày không mạch lạc, không nêu được vấn đề trọng tâm của đề tài cũng như cái mới trong luận án của mình. Căng thẳng thật sự bắt đầu khi NCS này đối diện với hơn 10 câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng Khoa học. Một vị trong 7 vị của hội đồng yêu cầu: “Đề nghị NCS phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”. Một vị khác hỏi: “NCS giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”. Hai câu hỏi khá khái quát và liên quan vấn đề chuyên môn nhưng NCS này lại… “bỏ qua” bằng cách gãi đầu, khiến Hội đồng Khoa học cũng… ngẩn ngơ. Hơn 10 câu hỏi phản biện, gần như NCS không trả lời nổi câu hỏi nào. Và điều gây chấn động tại buổi bảo vệ là khi kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Khoa học công bố, lại có tới 5/7 thành viên (trong đó có cả phiếu của chủ tịch hội đồng) cho điểm luận án này… đạt chất lượng. Cả hội trường nhốn nháo…
Tham dự buổi bảo vệ, thạc sĩ N.L.Q., người tham gia nhóm nghiên cứu đề tài này năm 2004 rất bức xúc, nhiều lần xin phép được phát biểu ý kiến nhưng vẫn không được chủ tịch hội đồng chấp thuận. Chính vì vậy, kịch tính xảy ra khi trong lúc chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì thạc sĩ N.L.Q. bật dậy tuyên bố: “Tôi khẳng định những cam kết của NCS là không trung thực bởi đề tài bảo vệ luận án TS cấp nhà nước của NCS T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) chúng tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế…”.
Sai sót vẫn cứ bảo vệNhiều thông tin cho thấy luận án TS do NCS T.T.S. thực hiện còn nhiều “sơ sót” cả về nội dung, chất lượng, thậm chí còn vi phạm quy chế như không đủ 2 giáo viên hướng dẫn và không có nhận xét của người hướng dẫn trước khi đưa luận án ra bảo vệ, thậm chí bị tố cáo là trùng với một đề tài đã nghiên cứu trước đó…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề tài chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế đã được nghiên cứu từ năm 2002 và báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trường vào năm 2004 do nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Năm 2005, một giảng viên trong nhóm nghiên cứu ở trường là PGS-TS T.D.S. (giảng viên hướng dẫn NCS T.T.S.) cải tiến từ thiết bị chế tạo của khoa thành thiết bị mới tốt hơn nên khi đưa đi tham dự hội chợ triển lãm công nghiệp năm 2005 đã được giải thưởng và được cấp chứng nhận bằng sáng chế công nghiệp.
“Với nhiều lỗi sơ đẳng như vậy, lẽ ra luận án TS của NCS T.T.S. phải bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chứ không thể vào vòng “chung kết” cấp Nhà nước được” - một nhà khoa học nhận xét. Theo ông, tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, nhưng nội dung bên trong lại là chế tạo ra thiết bị làm bánh tráng rế công nghiệp! Mà chế tạo thiết bị làm bánh tráng rế thì chẳng cần phải nghiên cứu vì… đã có nhiều rồi. Ông lắc đầu, nói: “Một luận án TS mà sai cơ bản ngay từ đầu như thế là không thể chấp nhận”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận những “sai sót chết người” có nguồn gốc từ những kẽ hở trong quy trình xét duyệt ở cấp cơ sở. TS Lê Trung Chơn, quyền Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, khẳng định: “Đây là bài học “xương máu” của trường”.
Hội đồng khoa học... không nắm quy chế?
Điều khó hiểu và không thể chấp nhận được, đó là trách nhiệm của hội đồng khoa học. Trong 7 vị hội đồng, có 2 vị bỏ phiếu không chấp thuận, nhưng hội đồng vẫn kết luận thông qua luận án. Theo quy chế đào tạo sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM và của Bộ GD-ĐT: “Luận án đạt yêu cầu nếu được ít nhất 3/4 số thành viên hiện diện trong hội đồng bỏ phiếu tán thành”. Việc hội đồng thông qua luận án khi chỉ có 5/7 phiếu tán thành luận án là sai với quy chế. Lẽ nào, cả một hội đồng với nhiều tên tuổi như trong buổi bảo vệ ngày 10-8-2009 lại không nắm được quy chế?
Về những thiếu sót trong khâu thẩm định, quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án, TS Lê Trung Chơn cũng thừa nhận phía trường có một số thiếu sót. Tuy nhiên, sai sót cũng ở chủ tịch hội đồng khoa học vì khi phát hiện ra vấn đề này, trường đã báo lại nhưng chủ tịch hội đồng vẫn cho bảo vệ chứ không ra quyết định tạm ngưng để xác minh làm rõ những vấn đề tranh cãi.
Đặt vấn đề này với GS-TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, ông cho rằng có nghe trường báo cáo lại nhưng do hội đồng khoa học chỉ là tham vấn, còn việc hoãn hay không là do Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định. Ngoài ra, phía nhà trường cũng không cung cấp đầy đủ danh mục để hội đồng kiểm tra…
Để làm rõ giải thích này, chúng tôi đã tìm hiểu và xác định, trong luận án của NCS có kèm theo bằng sáng chế và bằng khen của Bộ KH-CN cho Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cho PGS-TS T.D.S. Như vậy, không thể nói là hội đồng khoa học không được cung cấp danh mục cụ thể để kiểm tra.
Hủy kết quả bảo vệ luận ánNgày 25-9-2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến ĐH Quốc gia TPHCM về kết quả buổi bảo vệ luận án trên. Ngày 15-10-2009, ĐH Quốc gia TPHCM có công văn trả lời và đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2009, Trường ĐH Bách khoa có công văn kết luận: “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S.
Có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?Không chỉ “ầm ĩ trong phòng bảo vệ luận án” mà những thông tin “ngoài lề” cũng khiến dư luận quan tâm và bức xúc. Từ chuyện thầy hiệu trưởng và một người thầy chuyên môn về cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM bị gọi điện, nhắn tin dọa tạt axít, phóng hỏa đốt nhà… đến việc GS-TS Phạm Ngọc Lãng ngay sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà (cùng đi với NCS T.T.S. lúc 21 giờ ngày 10-8), khi đi ngang qua phường 14, quận 10 đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo.
Xâu chuỗi những sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?
Hội đồng du di!
Việc sao chép, mua bán, đổi chác đang là chuyện cơm bữa trong “chợ” luận án tiến sĩ (TS)… Nhưng thật ngạc nhiên khi ít có luận án nào không đạt yêu cầu mặc dù quy trình để một luận án TS được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước rất khắt khe, từ việc thi tuyển, đến xét duyệt của cấp bộ môn, đến cấp trường, cấp bộ, quá trình đào tạo, nghiên cứu… Vậy mà, ít ai dám nhìn thẳng nhìn thật vào các cơ sở đào tạo và cấp hội đồng ấy “có gì”, bởi, ngồi vào hội đồng đều là những nhà khoa học có uy tín.17 bài đi thi, du di 15Việc Trường ĐH Bách khoa TPHCM hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. cho thấy một thực tế: Hội đồng đã không “hiểu” quy chế! Nhưng đó chỉ là bề nổi, phần chìm mới là điều được dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Ngày 4-12-2009, trên tinh thần chỉ đạo xử lý của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức buổi góp ý cho luận án TS của NCS T.T.S. sau khi kết quả bảo vệ đã bị hủy. Tại buổi góp ý có sự tham dự của PGS-TS T.D.S., người đã cải tiến thiết bị kỹ thuật của nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí chế tạo máy và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế năm 2005, và cũng là… người hướng dẫn luận án cho NCS T.T.S.!
Tại đây, TS Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, cho rằng luận án còn sơ sài, nội dung và tên đề tài chưa phù hợp, trình bày thiếu logic, chương trước với chương sau chưa hợp lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm, phần tính toán vừa mơ hồ vừa không khớp với thực tế và không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả… Với nhận xét như vậy, không hiểu vì sao luận án vẫn được hội đồng cấp bộ môn thông qua?
Có thể nói, việc bảo vệ luận án ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật bị “lật tẩy” là trường hợp hy hữu. Trong buổi bảo vệ của NCS T.T.S., nếu một trong 2 vị bỏ phiếu chống, “ngủ gật” trong lúc ngồi hội đồng, thì chúng ta lại có thêm một… TS (!). Và, nếu TS Nguyễn Trung Chơn, Trưởng phòng Sau đại học ĐH Bách khoa TPHCM, không hoàn thành nhiệm vụ của “người gác đền” khi kiên quyết đề nghị hủy kết quả chấm luận án, thì Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước của buổi bảo vệ “chấn động” kia vẫn là một hội đồng… uy tín.
Tại một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), khi nói về chất lượng các luận án TS, đã cho biết: Khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của thí sinh NCS vào Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam năm 2005 tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên thì chỉ có… 2 bài đạt yêu cầu!
Thật là nực cười chuyện một NCS được yêu cầu viết lại năm lần bảy lượt bản thông tin về luận án để giới thiệu cái mới trong luận án. Cuối cùng, NCS này đã trình bày cái mới là: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng” - một điều đã nằm trong… Điều lệ Đảng! Đó không chỉ là câu chuyện cười ra nước mắt, mà còn là một trong hàng trăm câu chuyện hóm hỉnh về thực trạng “người người làm TS” của chúng ta.
Vấn đề là những bài thi không đạt, những luận án sao chép, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tiễn ấy vẫn lần lượt vượt qua hội đồng chấm đề cương, hội đồng khoa học bộ môn, hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn và… hội đồng khoa học cấp nhà nước!
“Những bông hoa điểm 10”Xem lại “đường đi” của một luận án TS sẽ thấy suốt chặng đường với khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua khá dễ bằng nhiều cách “làm luật”. Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!
Ở giai đoạn học, thường thì các thầy hướng dẫn đều ở xa đến, NCS phải lo từ khách sạn, vé máy bay, thậm chí ăn uống… Những khoản này đã có trong tiêu chuẩn, nhưng thầy hướng dẫn vẫn… chấp nhận nên không tránh khỏi việc du di cho học trò của mình.
Đến hội đồng cấp nhà nước, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng với cơ sở đào tạo, với các thành viên hội đồng khác khiến một thành viên nào bỏ phiếu chống thì chẳng khác nào tố cáo rằng trình độ của các thầy ở hội đồng cơ sở và cơ sở đào tạo nói chung là… dốt!
Một vị GS nổi tiếng kể, trước đây ông là một trong những người được mời ngồi hội đồng khoa học thường xuyên. Nhưng theo ông, sau này, thấy có nhiều “vấn đề” quá nên không tham gia nữa. Ông chỉ xin tham gia làm thành viên ở một số đề tài hay để cập nhật thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông xót xa… cho mình: “Mỗi lần làm hội đồng là… cay đắng lắm, vì mình phải nhân nhượng, có những luận án không đạt nhưng mình cũng phải cho đạt. Một hội đồng thường có 6 hoặc 7 thành viên, nếu các thành viên khác đều cho đạt mà mình bỏ phiếu không đạt thì… “coi sao được”. Có lần ở một hội đồng, bản thân đề tài và chất lượng NCS chỉ ở mức dưới trung bình. Đang phân vân thì thấy người ta “ném” ra những phiếu toàn đạt, tốt! 6/7 thành viên trong hội đồng cho đạt, mình cũng phải cho qua chứ không thì là người kỳ dị! Nếu mình có bỏ phiếu chống thì luận án vẫn qua như thường vì đạt số phiếu yêu cầu. Sau mấy lần phải bỏ phiếu chung như vậy, đành xin rút khỏi hội đồng”.
Vị GS già kể tiếp, trước đây có một chị bên ngành kinh tế, vẫn thường được gọi là “bông hoa điểm 10”. Chị này thường xuyên tham gia các hội đồng về kinh tế, với một bản nhận xét dùng đi dùng lại trong… nhiều đề tài. Đến mức, các thành viên hội đồng nghe riết rồi thấy cũng… quen. Với bản nhận xét này, mỗi lần được mời ngồi hội đồng thì chị lại… chỉnh sửa vài chữ cho hợp lý một tí là đưa vào đọc trong buổi bảo vệ. Hầu hết NCS được chị cho đạt bằng bản nhận xét mẫu ấy, nên mọi người gọi là “bông hoa điểm 10”.
Nhưng thật cay đắng khi có những đề tài… dở ẹc mà cũng thấy chị ta đánh giá như những luận án tốt! “Tôi được biết thu nhập của nhiều giảng viên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Không hiểu sao nhiều người ngồi hội đồng mà giàu lắm!” – vị GS bộc bạch.
Đề tài “núp bóng”Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hủy kết quả bảo vệ luận án của NCS T.T.S., là một trong những trường hợp được dư luận phản ánh như là một điển hình cho chất lượng đào tạo TS. Nhiều luận án TS có rất ít tính chất nghiên cứu mới, trong khi đó là điều bắt buộc ở bậc TS. Có những đề tài, theo các nhà khoa học, chỉ là thu thập tư liệu để tổng hợp một vấn đề… không cần nghiên cứu! Tài liệu về các đề tài luận án NCS của một trung tâm đào tạo TS lớn ở phía Nam, trong danh mục hàng trăm luận án đã được bảo vệ thì chiếm đa số là các dạng như “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”, “Những chuyển biến kinh tế - xã hội của…”, “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”… Với các đề tài na ná nhau trên đây, việc ứng dụng vào thực tế gần như không có.
Trong một lần đặt vấn đề về việc này, PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) cho rằng NCS hiện nay thường né tránh các nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các nghiên cứu chất lượng thấp nhưng nhẹ nhàng hơn dưới bóng các nhà khoa học làm lãnh đạo hoặc các GS tên tuổi để dễ bảo vệ. Trong khi một thực tế khác là các vị GS – lãnh đạo luôn bận bịu với công tác quản lý nên không còn nghiên cứu khoa học trình độ cao nữa!
GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) bức xúc: “Đào tạo TS là để có các công trình nghiên cứu. Tên gọi NCS đã nói lên mục đích này. Thế nhưng trên tất cả các bảng thành tích đào tạo của đất nước, ta chỉ thấy trưng ra số lượng TS mà lảng tránh họ đã sản xuất bao nhiêu công trình”.
Nhưng sự nối tiếp thì không ngừng. Những TS với các luận án “lặn sâu” như vậy vài ba năm sau lại trở thành người hướng dẫn cho những NCS khác…
NGUYỄN VĂN TUẤN Đánh giá đề cương xứng đáng cho một luận án tiến sĩ vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ở đây, chưa nói đến chuyện phương pháp, mà chỉ mới nói đến phần ý tưởng. Trong thực tế, rất rất nhiều đề cương nghiên cứu cấp tiến sĩ (tôi chỉ nói trong ngành y) ở Việt Nam chỉ là những công trình mang tính mô tả, hay kiểm kê lâm sàng (clinical audit), chứ chẳng có gì mang tính original hay chuyên sâu nhằm cung cấp câu trả lời cho một vấn đề khoa học. Ngay cả luận án cũng được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Một luận án chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để … cho đủ số trang! Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ là hoàn toàn thừa (vì lặp lại bảng số liệu). Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ mà trong đó, tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê gần phân nữa luận án, và những kết quả thì phải nói là … không kết quả! Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Tôi có đề cập đến vấn đề này thì người ta nói kiểu làm ở VN như thế, làm khác đi là rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt!
Qua những tranh cãi như bài báo dưới đây phản ảnh, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề. Tức là có vấn đề ngay từ đầu vào. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu ok! Có thể những câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Nhưng dù sao đi nữa thì quyết định này cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng, của các chuyên gia phản biện. Ở bên này, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), và họ cũng có quyền bất đồng (thậm chí phản biện lại) quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu họ hỏi … bậy và tào lao. Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.
Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: đó là thành viên trong hội đồng phản biện. Những lem nhem về tiền bạt, đường dây móc nối , như phản ảnh trong câu này: "Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống 'có đi có lại' theo kiểu 'tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi'. Sau khi 'qua' cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!"
Đã từ lâu, tôi đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Thứ nhất là (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, và chỉ cho phép đào tạo cho những trung tâm có tư cách khoa bảng và có nghiên cứu nghiêm chỉnh. Thứ hai là ra một qui định mới về đào tạo tiến sĩ, trong đó việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch, tiêu chuẩn đào tạp cũng phải rõ ràng, đề ra tiêu chuẩn ai là người có tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ (điểm này rất bát nháo ở VN), qui trình đào tạo tiến sĩ và hậu tiến sĩ. Thứ ba là bỏ buổi lễ bảo vệ luận án; thay vào đó là những kiểm tra định kì (mỗi 6 tháng trong suốt quá trình theo học) bằng những seminar, và tổ chức phản biện kín với 3 người bình duyệt (ít nhất là 1 người từ nước ngoài).
Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần lượng mà cần phẩm chất; chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó để khi họ ra nước ngoài có thể tự hào về mảnh bằng doctor từ Việt Nam.
1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?“Chất” và “lượng” trong đào tạo tiến sĩ (TS) đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trước hệ thống giáo dục Việt Nam: Được “lượng” thì mất “chất” và được “chất” thì… “lượng” không còn. Điều đáng nói là thời gian gần đây, trước nhu cầu “TS hóa” đã khiến không ít người nhận thức sai lệch rằng, làm luận án TS giống như mua một món đồ trang điểm, đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục phải thốt lên: “Bằng TS không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm TS, đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.Loạt bài này, từ một vụ việc cụ thể, Báo SGGP muốn đặt ra vấn đề về chất lượng TS và đào tạo TS hiện nay.Ngày 4-12-2009, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), hơn 10 vị giáo sư và TS bước ra khỏi phòng họp với vẻ mặt tức giận. Họ, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, gần như không kềm nổi bức xúc trước câu chuyện vừa xảy ra trong cuộc họp… bàn về luận án TS.
Còn hơn cả tức giận, nghiên cứu sinh (NCS) T.T.S., người suýt bước lên hàng danh giá của bậc học cao nhất, cho biết sẽ kiện trường và Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước vì có chuyện... mờ ám. Chuyện gì đã xảy ra tại một trường đại học có tiếng chỉn chu và khắt khe trong việc đào tạo TS?
“Lật tẩy” luận ánSự việc nói trên tiếp nối câu chuyện diễn ra từ 4 tháng trước. Đó là buổi trưa 10-8-2009, Trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức bảo vệ luận án TS của NCS T.T.S. với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”.
14 giờ 30 phút, lễ bảo vệ được bắt đầu. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Khoa học tiến hành những thủ tục cần thiết, NCS T.T.S. được mời lên tóm tắt nội dung luận án. Ngay lúc bắt đầu, NCS này đã lộ vẻ lúng túng, trình bày không mạch lạc, không nêu được vấn đề trọng tâm của đề tài cũng như cái mới trong luận án của mình. Căng thẳng thật sự bắt đầu khi NCS này đối diện với hơn 10 câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng Khoa học. Một vị trong 7 vị của hội đồng yêu cầu: “Đề nghị NCS phân biệt phương pháp Box Hunter (phương án quay) và phương án tổ hợp cấp 2 của UYNXON đã ứng dụng trong luận án…”. Một vị khác hỏi: “NCS giải thích thế nào là nâng cao hiệu quả sản xuất …”. Hai câu hỏi khá khái quát và liên quan vấn đề chuyên môn nhưng NCS này lại… “bỏ qua” bằng cách gãi đầu, khiến Hội đồng Khoa học cũng… ngẩn ngơ. Hơn 10 câu hỏi phản biện, gần như NCS không trả lời nổi câu hỏi nào. Và điều gây chấn động tại buổi bảo vệ là khi kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng Khoa học công bố, lại có tới 5/7 thành viên (trong đó có cả phiếu của chủ tịch hội đồng) cho điểm luận án này… đạt chất lượng. Cả hội trường nhốn nháo…
Tham dự buổi bảo vệ, thạc sĩ N.L.Q., người tham gia nhóm nghiên cứu đề tài này năm 2004 rất bức xúc, nhiều lần xin phép được phát biểu ý kiến nhưng vẫn không được chủ tịch hội đồng chấp thuận. Chính vì vậy, kịch tính xảy ra khi trong lúc chủ tịch hội đồng thông báo kết quả của luận án thì thạc sĩ N.L.Q. bật dậy tuyên bố: “Tôi khẳng định những cam kết của NCS là không trung thực bởi đề tài bảo vệ luận án TS cấp nhà nước của NCS T.T.S. không phải là đề tài thực hiện đầu tiên ở Việt Nam. Cách đây 5 năm (năm 2004) chúng tôi đã thực hiện và chế tạo thành công thiết bị này và đề tài này cũng đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế…”.
Sai sót vẫn cứ bảo vệNhiều thông tin cho thấy luận án TS do NCS T.T.S. thực hiện còn nhiều “sơ sót” cả về nội dung, chất lượng, thậm chí còn vi phạm quy chế như không đủ 2 giáo viên hướng dẫn và không có nhận xét của người hướng dẫn trước khi đưa luận án ra bảo vệ, thậm chí bị tố cáo là trùng với một đề tài đã nghiên cứu trước đó…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề tài chế tạo thiết bị sản xuất bánh tráng rế đã được nghiên cứu từ năm 2002 và báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trường vào năm 2004 do nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực hiện. Năm 2005, một giảng viên trong nhóm nghiên cứu ở trường là PGS-TS T.D.S. (giảng viên hướng dẫn NCS T.T.S.) cải tiến từ thiết bị chế tạo của khoa thành thiết bị mới tốt hơn nên khi đưa đi tham dự hội chợ triển lãm công nghiệp năm 2005 đã được giải thưởng và được cấp chứng nhận bằng sáng chế công nghiệp.
“Với nhiều lỗi sơ đẳng như vậy, lẽ ra luận án TS của NCS T.T.S. phải bị loại ngay từ “vòng gửi xe” chứ không thể vào vòng “chung kết” cấp Nhà nước được” - một nhà khoa học nhận xét. Theo ông, tên đề tài là “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, nhưng nội dung bên trong lại là chế tạo ra thiết bị làm bánh tráng rế công nghiệp! Mà chế tạo thiết bị làm bánh tráng rế thì chẳng cần phải nghiên cứu vì… đã có nhiều rồi. Ông lắc đầu, nói: “Một luận án TS mà sai cơ bản ngay từ đầu như thế là không thể chấp nhận”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận những “sai sót chết người” có nguồn gốc từ những kẽ hở trong quy trình xét duyệt ở cấp cơ sở. TS Lê Trung Chơn, quyền Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, khẳng định: “Đây là bài học “xương máu” của trường”.
Hội đồng khoa học... không nắm quy chế?
Điều khó hiểu và không thể chấp nhận được, đó là trách nhiệm của hội đồng khoa học. Trong 7 vị hội đồng, có 2 vị bỏ phiếu không chấp thuận, nhưng hội đồng vẫn kết luận thông qua luận án. Theo quy chế đào tạo sau đại học của ĐH Quốc gia TPHCM và của Bộ GD-ĐT: “Luận án đạt yêu cầu nếu được ít nhất 3/4 số thành viên hiện diện trong hội đồng bỏ phiếu tán thành”. Việc hội đồng thông qua luận án khi chỉ có 5/7 phiếu tán thành luận án là sai với quy chế. Lẽ nào, cả một hội đồng với nhiều tên tuổi như trong buổi bảo vệ ngày 10-8-2009 lại không nắm được quy chế?
Về những thiếu sót trong khâu thẩm định, quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án, TS Lê Trung Chơn cũng thừa nhận phía trường có một số thiếu sót. Tuy nhiên, sai sót cũng ở chủ tịch hội đồng khoa học vì khi phát hiện ra vấn đề này, trường đã báo lại nhưng chủ tịch hội đồng vẫn cho bảo vệ chứ không ra quyết định tạm ngưng để xác minh làm rõ những vấn đề tranh cãi.
Đặt vấn đề này với GS-TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, ông cho rằng có nghe trường báo cáo lại nhưng do hội đồng khoa học chỉ là tham vấn, còn việc hoãn hay không là do Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định. Ngoài ra, phía nhà trường cũng không cung cấp đầy đủ danh mục để hội đồng kiểm tra…
Để làm rõ giải thích này, chúng tôi đã tìm hiểu và xác định, trong luận án của NCS có kèm theo bằng sáng chế và bằng khen của Bộ KH-CN cho Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cho PGS-TS T.D.S. Như vậy, không thể nói là hội đồng khoa học không được cung cấp danh mục cụ thể để kiểm tra.
Hủy kết quả bảo vệ luận ánNgày 25-9-2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã có công văn báo cáo và xin ý kiến ĐH Quốc gia TPHCM về kết quả buổi bảo vệ luận án trên. Ngày 15-10-2009, ĐH Quốc gia TPHCM có công văn trả lời và đưa ra hướng giải quyết. Trên cơ sở đó, ngày 28-10-2009, Trường ĐH Bách khoa có công văn kết luận: “Hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S.
Có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?Không chỉ “ầm ĩ trong phòng bảo vệ luận án” mà những thông tin “ngoài lề” cũng khiến dư luận quan tâm và bức xúc. Từ chuyện thầy hiệu trưởng và một người thầy chuyên môn về cơ khí ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM bị gọi điện, nhắn tin dọa tạt axít, phóng hỏa đốt nhà… đến việc GS-TS Phạm Ngọc Lãng ngay sau khi tham dự lễ bảo vệ trên đường về nhà (cùng đi với NCS T.T.S. lúc 21 giờ ngày 10-8), khi đi ngang qua phường 14, quận 10 đã bị 2 thanh niên theo dõi và cướp chiếc cặp táp trong đó có tài liệu báo cáo.
Xâu chuỗi những sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc “xã hội đen” can thiệp vào khoa học?
Hội đồng du di!
Việc sao chép, mua bán, đổi chác đang là chuyện cơm bữa trong “chợ” luận án tiến sĩ (TS)… Nhưng thật ngạc nhiên khi ít có luận án nào không đạt yêu cầu mặc dù quy trình để một luận án TS được đưa ra bảo vệ ở Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước rất khắt khe, từ việc thi tuyển, đến xét duyệt của cấp bộ môn, đến cấp trường, cấp bộ, quá trình đào tạo, nghiên cứu… Vậy mà, ít ai dám nhìn thẳng nhìn thật vào các cơ sở đào tạo và cấp hội đồng ấy “có gì”, bởi, ngồi vào hội đồng đều là những nhà khoa học có uy tín.17 bài đi thi, du di 15Việc Trường ĐH Bách khoa TPHCM hủy kết quả đánh giá của Hội đồng Chấm luận án cấp Nhà nước ngày 10-8-2009 của NCS T.T.S. cho thấy một thực tế: Hội đồng đã không “hiểu” quy chế! Nhưng đó chỉ là bề nổi, phần chìm mới là điều được dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Ngày 4-12-2009, trên tinh thần chỉ đạo xử lý của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tổ chức buổi góp ý cho luận án TS của NCS T.T.S. sau khi kết quả bảo vệ đã bị hủy. Tại buổi góp ý có sự tham dự của PGS-TS T.D.S., người đã cải tiến thiết bị kỹ thuật của nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí chế tạo máy và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế năm 2005, và cũng là… người hướng dẫn luận án cho NCS T.T.S.!
Tại đây, TS Trần Thiên Phúc, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, cho rằng luận án còn sơ sài, nội dung và tên đề tài chưa phù hợp, trình bày thiếu logic, chương trước với chương sau chưa hợp lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm, phần tính toán vừa mơ hồ vừa không khớp với thực tế và không đủ độ tin cậy. Thậm chí trong luận án còn có quá nhiều lỗi về chính tả… Với nhận xét như vậy, không hiểu vì sao luận án vẫn được hội đồng cấp bộ môn thông qua?
Có thể nói, việc bảo vệ luận án ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật bị “lật tẩy” là trường hợp hy hữu. Trong buổi bảo vệ của NCS T.T.S., nếu một trong 2 vị bỏ phiếu chống, “ngủ gật” trong lúc ngồi hội đồng, thì chúng ta lại có thêm một… TS (!). Và, nếu TS Nguyễn Trung Chơn, Trưởng phòng Sau đại học ĐH Bách khoa TPHCM, không hoàn thành nhiệm vụ của “người gác đền” khi kiên quyết đề nghị hủy kết quả chấm luận án, thì Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước của buổi bảo vệ “chấn động” kia vẫn là một hội đồng… uy tín.
Tại một hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau ĐH (Bộ GD-ĐT), khi nói về chất lượng các luận án TS, đã cho biết: Khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại 17 bài thi môn Anh văn của thí sinh NCS vào Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam năm 2005 tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên thì chỉ có… 2 bài đạt yêu cầu!
Thật là nực cười chuyện một NCS được yêu cầu viết lại năm lần bảy lượt bản thông tin về luận án để giới thiệu cái mới trong luận án. Cuối cùng, NCS này đã trình bày cái mới là: “Phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng” - một điều đã nằm trong… Điều lệ Đảng! Đó không chỉ là câu chuyện cười ra nước mắt, mà còn là một trong hàng trăm câu chuyện hóm hỉnh về thực trạng “người người làm TS” của chúng ta.
Vấn đề là những bài thi không đạt, những luận án sao chép, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tiễn ấy vẫn lần lượt vượt qua hội đồng chấm đề cương, hội đồng khoa học bộ môn, hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn và… hội đồng khoa học cấp nhà nước!
“Những bông hoa điểm 10”Xem lại “đường đi” của một luận án TS sẽ thấy suốt chặng đường với khá nhiều “vọng gác”, nhưng dù chưa đảm bảo an toàn giao thông vẫn có thể vượt qua khá dễ bằng nhiều cách “làm luật”. Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho NCS của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho NCS… an tâm!
Ở giai đoạn học, thường thì các thầy hướng dẫn đều ở xa đến, NCS phải lo từ khách sạn, vé máy bay, thậm chí ăn uống… Những khoản này đã có trong tiêu chuẩn, nhưng thầy hướng dẫn vẫn… chấp nhận nên không tránh khỏi việc du di cho học trò của mình.
Đến hội đồng cấp nhà nước, mối quan hệ giữa thành viên hội đồng với cơ sở đào tạo, với các thành viên hội đồng khác khiến một thành viên nào bỏ phiếu chống thì chẳng khác nào tố cáo rằng trình độ của các thầy ở hội đồng cơ sở và cơ sở đào tạo nói chung là… dốt!
Một vị GS nổi tiếng kể, trước đây ông là một trong những người được mời ngồi hội đồng khoa học thường xuyên. Nhưng theo ông, sau này, thấy có nhiều “vấn đề” quá nên không tham gia nữa. Ông chỉ xin tham gia làm thành viên ở một số đề tài hay để cập nhật thông tin trong lĩnh vực nghiên cứu. Ông xót xa… cho mình: “Mỗi lần làm hội đồng là… cay đắng lắm, vì mình phải nhân nhượng, có những luận án không đạt nhưng mình cũng phải cho đạt. Một hội đồng thường có 6 hoặc 7 thành viên, nếu các thành viên khác đều cho đạt mà mình bỏ phiếu không đạt thì… “coi sao được”. Có lần ở một hội đồng, bản thân đề tài và chất lượng NCS chỉ ở mức dưới trung bình. Đang phân vân thì thấy người ta “ném” ra những phiếu toàn đạt, tốt! 6/7 thành viên trong hội đồng cho đạt, mình cũng phải cho qua chứ không thì là người kỳ dị! Nếu mình có bỏ phiếu chống thì luận án vẫn qua như thường vì đạt số phiếu yêu cầu. Sau mấy lần phải bỏ phiếu chung như vậy, đành xin rút khỏi hội đồng”.
Vị GS già kể tiếp, trước đây có một chị bên ngành kinh tế, vẫn thường được gọi là “bông hoa điểm 10”. Chị này thường xuyên tham gia các hội đồng về kinh tế, với một bản nhận xét dùng đi dùng lại trong… nhiều đề tài. Đến mức, các thành viên hội đồng nghe riết rồi thấy cũng… quen. Với bản nhận xét này, mỗi lần được mời ngồi hội đồng thì chị lại… chỉnh sửa vài chữ cho hợp lý một tí là đưa vào đọc trong buổi bảo vệ. Hầu hết NCS được chị cho đạt bằng bản nhận xét mẫu ấy, nên mọi người gọi là “bông hoa điểm 10”.
Nhưng thật cay đắng khi có những đề tài… dở ẹc mà cũng thấy chị ta đánh giá như những luận án tốt! “Tôi được biết thu nhập của nhiều giảng viên 30 - 40 triệu đồng/tháng. Không hiểu sao nhiều người ngồi hội đồng mà giàu lắm!” – vị GS bộc bạch.
Đề tài “núp bóng”Quyết định của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hủy kết quả bảo vệ luận án của NCS T.T.S., là một trong những trường hợp được dư luận phản ánh như là một điển hình cho chất lượng đào tạo TS. Nhiều luận án TS có rất ít tính chất nghiên cứu mới, trong khi đó là điều bắt buộc ở bậc TS. Có những đề tài, theo các nhà khoa học, chỉ là thu thập tư liệu để tổng hợp một vấn đề… không cần nghiên cứu! Tài liệu về các đề tài luận án NCS của một trung tâm đào tạo TS lớn ở phía Nam, trong danh mục hàng trăm luận án đã được bảo vệ thì chiếm đa số là các dạng như “Xu hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở…”, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành… ở nước ta qua khảo sát ở…”, “Những chuyển biến kinh tế - xã hội của…”, “Quá trình nghiên cứu và giới thiệu văn học… ở Việt Nam”… Với các đề tài na ná nhau trên đây, việc ứng dụng vào thực tế gần như không có.
Trong một lần đặt vấn đề về việc này, PGS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) cho rằng NCS hiện nay thường né tránh các nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các nghiên cứu chất lượng thấp nhưng nhẹ nhàng hơn dưới bóng các nhà khoa học làm lãnh đạo hoặc các GS tên tuổi để dễ bảo vệ. Trong khi một thực tế khác là các vị GS – lãnh đạo luôn bận bịu với công tác quản lý nên không còn nghiên cứu khoa học trình độ cao nữa!
GS Nguyễn Ngọc Lanh (Trường ĐH Y Hà Nội) bức xúc: “Đào tạo TS là để có các công trình nghiên cứu. Tên gọi NCS đã nói lên mục đích này. Thế nhưng trên tất cả các bảng thành tích đào tạo của đất nước, ta chỉ thấy trưng ra số lượng TS mà lảng tránh họ đã sản xuất bao nhiêu công trình”.
Nhưng sự nối tiếp thì không ngừng. Những TS với các luận án “lặn sâu” như vậy vài ba năm sau lại trở thành người hướng dẫn cho những NCS khác…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét