Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bài viết hay(776)

Tại sao VN vẫn không thu hút được "nhân tài"? Do chính sách "đãi ngộ" chưa thích đáng? do hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc + sinh hoạt? do không tạo được niềm tin vào chế độ chính trị? do boss "hồng" hơn "chuyên" nên khó làm việc chung? hay là do ...tất cả những lý do đó cộng lại? Đến hôm nay, ngoại trừ một số trí thức đã được "dọn ổ" sẳn hay do hoàn cảnh gia đình, hầu hết du học sinh đều ..."một đi, không trở lại"!  Chắc chắn lãnh đạo biết rõ điều đó hơn ai hết nhưng họ vẫn chưa tìm ra lời giải thoả đáng nào cho bài toán này.
Sàng lọc nhân tài
TTCT - Năm 20xx, chúng ta trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công tác đào tạo nhân tài. Tính chung trong cả nước đã có một đội quân gồm hơn hai vạn tiến sĩ.
Con số trên vượt qua cả những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới khiến nhiều nước ngưỡng mộ và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm. Để làm vẻ vang cho thành tích của nền giáo dục nước nhà, một vị tiến sĩ “biết ăn nói” đã được đặc cách lên giáo sư để trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng thông tấn nổi tiếng nhất thế giới.
PV: Xin giáo sư cho biết sao nước ngài lại có thể đào tạo ra nhiều giáo sư, tiến sĩ đến thế trong thời gian ngắn ngủi như vậy?
- Vấn đề này thật ra rất đơn giản. Nhân tài thì ở đâu, thời nào mà chẳng có. Cái chính là làm sao phát hiện và đào tạo họ kịp thời. Ở nước các anh, nhân tài được phát hiện khá muộn và phần nhiều do tự ứng cử. Điều này có tính rủi ro rất cao. Ngược lại ở nước tôi từ lâu đã hình thành một hệ thống gọi là “sàng lọc nhân tài” để phát hiện họ từ rất sớm.
PV: Thật thú vị! Xin giáo sư cho biết rõ hơn về hệ thống “sàng lọc nhân tài” này được không?
- Nói đơn giản thì hệ thống này được xây dựng trên ba loại phí khác nhau. Qua mỗi lần phí như thế, chúng tôi lại lọc ra được những người đủ điều kiện. Dân gian chúng tôi có câu “lọt sàng xuống nia” là vậy!
Loại thứ nhất là phí sinh: bắt buộc mỗi cặp vợ chồng sẽ phải cân nhắc thật cẩn thận trước khi sinh khi phải tính đến: trợ cấp sinh nở không đảm bảo, viện phí cao, bồi dưỡng y tá, bác sĩ... sau nữa là thuốc men khi trẻ đau ốm, thức ăn, sữa giúp trẻ thông minh, phát triển... Mà anh biết rồi đấy, những thứ này ở nước tôi phải gọi là thuộc hàng “top” thế giới. Loại phí này khiến nhiều cặp vợ chồng “chột dạ” khi muốn có con và chỉ những ai thật sự có điều kiện để lo cho tương lai con mình mới “có quyền đẻ”.
PV: Nếu họ vẫn quyết tâm sinh con thì sao?
- Thế thì đã có loại phí thứ hai gọi là “phí học”!
PV: Ý của giáo sư là học phí?
- À không! So với loại này, học phí chẳng đáng là gì và không có cũng được. Đây chính là những khoản đóng góp đầu năm, cuối tháng, giữa kỳ cho nhà trường như tiền cơ sở vật chất, trang trí lớp, chiếu sáng, thuê bảo vệ... Những khoản này dù không chính thức nhưng lớn hơn học phí gấp mấy chục lần và không đóng không được, phải đóng để được học nên mới gọi là phí học. Gia đình nào không kham nổi phải cho con nghỉ. Vậy là thêm một lần sàng lọc.
PV: Còn loại phí thứ ba, xin giáo sư nói nốt ạ!
- Loại phí thứ ba cũng là loại phí quan trọng nhất, đó chính là phí điều kiện hay phí cơ hội. Đúng như tên gọi, đó là những khoản mà cha mẹ phải bỏ ra để tạo những điều kiện tốt nhất cho con mình phát triển.
Ví dụ như con học hơi kém so với bạn: cho học bồi dưỡng, nâng cao; muốn con hơn bạn: thuê gia sư tận nhà, rồi đua cho con vào bằng được trường điểm trái tuyến, bồi dưỡng giáo viên để con khỏi bị “đì”... Con ra trường thì tiếp tục chạy việc làm, dùng vật chất, các mối quan hệ giúp con xin vào làm những nơi dễ thăng tiến, phát triển. Lúc này thì chúng tôi chỉ việc “hốt” những người này và đào tạo tiếp lên. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã có cả hàng vạn tiến sĩ.
Nói đến đây vị giáo sư tỏ vẻ mặt dương dương tự đắc. Người phóng viên im lặng lúc lâu rồi lên tiếng:
- Xin thứ lỗi! Theo cách hiểu của tôi về những gì giáo sư nói từ nãy đến giờ, nếu không có những loại phí kể trên thì chẳng phải nước ngài đã có nhiều nhân tài hơn rồi sao? Trong số những người không bao giờ được phát hiện đó có khi có người sẽ đoạt cả giải Nobel chưa biết chừng!
Nghe vậy vị giáo sư bỗng ngớ người, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi lẩm bẩm:
- Ờ... ờ... nhỉ!
LƯU ĐỖ THÀNH TRUNG 
Khu quy hoạch... da lân

TTCT - Thuở ấy xóm tôi nằm trong khu quy hoạch, nhà cửa xuống cấp muốn sửa cũng không được, khổ sở trăm bề.
Năm này qua năm khác, trong khi nhiều nơi trong thành phố xây dựng, phát triển đẹp như mơ thì xóm tôi vẫn ẩm thấp, tồi tàn, lạc lõng và tụt hậu. Người thi vị thì gọi đó là xóm cổ, còn người bi quan thì gọi xóm... cùi vì trông nó lở lói phát ghê!
Năm đó đã cận tết rồi mà nhà cửa ai cũng nhếch nhác. Trong lòng buồn bực nhưng đành chịu vì chẳng biết kêu ai. Thời may có Trạng Quỳnh tình cờ đi qua. Nghe dân trong xóm than thở, Trạng bảo dắt Trạng đi tham quan xóm.
Đến nhà thứ nhất thấy nền nhà nằm thấp hơn mặt đường cả thước, mỗi lần dắt xe lên xuống thật trần thân; nhà thứ hai thì cơi mái lên làm gác như cái chuồng cu, mỗi khi gió mưa thì chuồng rung bần bật; nhà thứ ba thì chật, lấy chái bên hông làm gian bếp, nhìn vào cứ như cửa hàng xén; căn thứ tư nhà trệt mà bên trong cải tạo thành hai gác lửng, mỗi lần lên gác đi đứng phải khom lưng như chui vào hàm cá mập...
Mỗi nhà mỗi cảnh. Xem xong khắp lượt, cảm thông với nỗi khổ của bà con nhưng ngặt nỗi Trạng cũng chẳng có chức quyền, vai vế để đề đạt lên trên nguyện vọng xóa quy hoạch treo của dân xóm tôi. Suy nghĩ một lát, Trạng vỗ trán cái bốp rồi nói bà con cứ yên tâm.
Hôm sau, trước lối vào xóm Trạng cho dựng cổng chào với băngrôn ghi dòng chữ “Mô hình sinh thái khu quy hoạch da lân. Mời vào xem miễn phí”. Trên cổng chào có cắm dãy cờ đuôi nheo xanh đỏ vui mắt. Da con lân thì chưa thấy bao giờ (có thấy chăng là đồ giả từ các đội múa lân) nên ai cũng tò mò muốn vào xem mô hình da lân là thế nào. Rồi chẳng hiểu bằng cách nào người ta kháo nhau trong xóm có con lân thật hiện về ăn tết ở đây. Nghe chuyện lạ nên ai cũng rủ nhau đi xem. Một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn. Người xem ngày một đông.
Theo mũi tên hướng dẫn, khách tham quan đi một vòng qua các căn nhà xuống cấp như nói ở trên và cuối cùng là ra cổng sau có gắn tấm bảng với dòng chữ “Ai kể lại coi chừng lân vặn cổ”. Thế là tham quan xong ai cũng im thin thít, cạy răng cũng chẳng dám hé một lời.
Chuyện lân hiện về bỗng chốc lan nhanh như tên lửa, lần hồi cũng đến tai quan. Một hôm có một đoàn ôtô biển số xanh đỗ trước cổng chào. Lần đầu tiên xóm tôi đón một đoàn khách sang trọng như thế tới tham quan. Ban đầu mặt mày ai cũng rạng rỡ, nhưng càng đi vào sâu mặt các vị càng kém vui. Cuối cùng họ không buồn lên tiếng dù có mấy nhà báo đi theo quay phim, chụp ảnh. Đến cổng sau thấy tấm bảng, bấy giờ mới có người buột miệng:
- Có thấy lân đâu mà sợ lân vặn cổ.
Lúc này Trạng ở đâu bất ngờ xuất hiện nói:
- Dạ, bẩm có lân đó ạ!
Mọi người ngạc nhiên đồng loạt hỏi:
- Lân đâu?
Trạng tủm tỉm cười chỉ vào những người dân xóm tôi đang có mặt ở đó:
- Dạ, mấy năm nay sống trong khu quy hoạch treo khổ quá nên dân la dữ lắm. Dân la nói lái là da lân. Vâng, chính những người này đã làm nên vụ da lân đó ạ!
Nghe vậy, các quan đổi ngay thái độ từ bực tức sang ân cần, niềm nở. Họ giải thích với đám da lân do bận trăm công nghìn việc nên hôm nay mới đến được, mong bà con thông cảm. Thấy cơ hội bằng vàng đã tới, Trạng thay mặt bà con đề đạt nguyện vọng sớm xóa quy hoạch treo để sửa sang nhà cửa đặng đón tết. Các quan hội ý chớp nhoáng rồi đồng ý ngay. Bà con hoan hô vỡ trời.
Nhờ Trạng, năm đó dân xóm tôi ăn một cái tết vui nhất, lớn nhất từ trước tới nay.
TRỐNG CANH
Hiện vật
 TTCT - Nhân viên sở văn hóa thông tin đang rối. Từ ngày có dự án xây dựng bảo tàng khoa học tỉnh, sếp đã gọi mọi người lại và phân công:
 
- Quan trọng nhất là hiện vật. Mỗi người hãy lùng sục, tìm kiếm chuẩn bị sẵn cho tôi 100 hiện vật để khi bảo tàng xây xong có cái mà trưng bày!

Mấy tháng trời liền, tất cả nhân viên lao đi tìm kiếm đến mất ăn mất ngủ. Ngày hẹn giao hiện vật gần kề mà ai nấy mặt mày đều như cái bánh bao chiều. Họ tụ tập ở căngtin, than khổ với nhau. Một chị sồn sồn rên rỉ:

- Bó tay! Tôi đi kiếm mấy làng nghề đỏ cả mắt. Cuối cùng chỉ tìm được một cuộn chỉ tơ và con thoi dệt vải bị gãy đôi! Còn 98 hiện vật nữa đào đâu ra?

Một anh chàng trẻ măng lắc đầu:

- Chị còn đỡ hơn em. Hăm hở chạy lại công ty máy tính. Hóa ra ở đó công nhân mình chỉ làm mỗi việc duy nhất là... vặn mấy con ốc. Chẳng lẽ đem mấy con ốc làm hiện vật cho bảo tàng khoa học?

Cô nhân viên xinh đẹp nhất sở thở dài đánh sượt, chép miệng:

- Xe máy xe hơi em biết là toàn đồ nhập rồi. Nhào tới thương hiệu xe đạp nổi tiếng nhất mới hay rằng té ra chúng ta vẫn chưa sản xuất hoàn chỉnh một chiếc xe đạp... Ưm.. xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu...

Chú trưởng phòng nãy giờ ngồi im, giờ lên tiếng gắt:

- Hát với hò, đang rối cả đầu đây nè! Tui xộc vô thẳng mấy viện nghiên cứu khoa học, thấy người thì đang chơi game, kẻ đang coi phim... Thấy có vị đang hí hoáy gõ bàn phím mừng muốn chết. Té ra là đang viết luận án thuê...

Vừa lúc ấy giám đốc sở đến. Ông ta nghiêm giọng:

- Mọi người chuẩn bị đến đâu rồi?

Không ai dám mở miệng, mọi người nhìn sếp lấm lét. Không khí căng thẳng...

Bỗng giám đốc phá lên cười:

- Được rồi... Báo cho mọi người tin mừng: dự án xây bảo tàng khoa học tỉnh đã được hủy vì không khả thi.

Sự căng thẳng đã được giải tỏa. Mọi người ồ lên mừng rỡ. Anh chàng trẻ tuổi mua ngay mấy chai bia... ăn mừng. Sếp nhìn mọi người, thong thả:

- Nhưng chúng ta cũng cần có bảo tàng khác để... thay thế. Vì vậy nên ở trên đã quyết định sẽ xây bảo tàng... giao thông!

Tất cả cùng trợn mắt ngạc nhiên. Đây là khái niệm quá mới. Chị sồn sồn lắp bắp:

- Thưa... thưa sếp... cả thế giới…

Giám đốc sở khoát tay:

- Cả thế giới không có thì mình có. Vậy mới độc đáo. Vậy mới thu hút được khách du lịch. Nào, bây giờ các bạn hãy gợi ý giúp tôi các loại hiện vật sẽ trưng bày để tôi tổng hợp báo cáo...

Một phút im lặng rồi tiếng nhao nhao tranh nhau, hào hứng:

- Dạ, em đề nghị trưng bày mấy chiếc xe bị tai nạn, món này nhiều lắm.

- Dạ, thưa sếp, tôi nghĩ nên trưng bày cái xuồng ba lá và cây cầu khỉ vẫn đang còn xài hà rầm ở vùng quê tỉnh mình ạ...

- Dạ, nên chụp hình mấy cái ổ gà, ổ voi treo lên..

- Sếp ơi, có con đường liên huyện làm... tám năm chưa xong mà dân đặt tên là “con đường đau khổ”, mình nên làm cái clip chiếu ở bảo tàng cho thiên hạ xem...

Khuôn mặt giám đốc rạng rỡ. Triển vọng về một bảo tàng tràn ngập các loại hiện vật hiện ra, ông ta háo hức:

- Tốt, tốt... tôi sẽ ghi nhận hết vào báo cáo. Nhưng các bạn lưu ý từ nay đến khi bảo tàng xây xong, chúng ta cần cập nhật thêm những loại hiện vật mới cho bảo tàng giao thông thêm hấp dẫn...

Một giọng nói to cắt ngang lời giám đốc:

- Có ngay đây, nóng hổi, nóng hổi...

Mọi người quay lại, đó là bà bán căngtin. Bà ta cầm tờ báo trên tay, huơ huơ lên:

- Nhanh nhanh chạy đi mua lại cái máy quay phim này làm hiện vật mai mốt mà trưng bày...

Mọi người nhao nhao:

- Máy quay phim gì? Quay cái gì?

- Thì cái máy này quay phim bắt quả tang vụ mãi lộ với mục đích để... tống tiền nhân viên công lực.

Giám đốc liếc qua tờ báo, reo lên:

- Hiện vật hấp dẫn đây rồi, hoan hô!

THỤC ANH
Lỗ đen
TTCT - Trừ những trường hợp đặc biệt, còn thì đàn ông không nên có con khi đã bước vào tuổi 40. Tại sao? Vì một số bác sĩ cho rằng từ tuổi ấy người ta khó có thể cho ra đời một cầu thủ bóng đá tương lai.Một số khác lại khẳng định với những ông bố có tuổi như thế, rất nhiều quý tử sẽ trở nên... dại gái khi trưởng thành. Một thống kê còn cho thấy hầu hết những hoa hậu, á hậu, ngôi sao ca nhạc - điện ảnh, doanh nhân thành đạt... đều ra đời khi ông bố còn rất trẻ.
***
Tôi không tin lắm những lời giải thích và cả các số liệu thống kê rất tào lao kia nên vẫn quyết định sinh thêm thằng Út, khi đứa con gái duy nhất đã đến tuổi được quyền uống bia. Nhờ thế mà tôi biết rằng vẫn còn những cách giải thích khác với tuyên bố của các vị bác sĩ và các nhà thống kê...
Khi thằng Út bắt đầu biết hỏi thì bố nó lại đến cái tuổi rất chán phải trả lời mọi sự. Nhưng Út không quan tâm điều đó, vừa mở mắt là nó đã hỏi:
- Bố ơi, tại sao mặt trời lại mọc trước cửa nhà mình mà không ở phía sau lưng?
Đó là một câu hỏi dễ, tôi xoa đầu con:
- À, tại vì nhà mình ở hướng Đông, mặt trời luôn mọc ở hướng Đông con trai à.
- Nhưng tại sao nó lại luôn mọc ở hướng Đông?
Câu này thì không dễ nữa rồi, nên tôi bắt đầu gắt:
- Tại nó... muốn như vậy. Mà sao con hỏi hoài thế, để bố đọc báo một chút coi nào!
Thằng Út xịu mặt, chạy xuống bếp với mẹ. Nhưng sự bình yên không kéo dài, chưa đọc hết trang báo thì nó đã quay trở lại níu tay tôi:
- Bố ơi, tại sao mẹ phải rửa chén mà không ngồi đọc báo như bố?
Tôi ôn tồn:
- Tại vì lúc lấy nhau bố mẹ đã phân công như vậy rồi, ai làm việc nấy.
- Sao bố khôn thế, toàn chọn việc dễ... À, bố ơi, sao mấy chú công an lại bắt ông này?
Thằng Út chỉ vào tấm hình ở tờ nhật báo. Tôi ậm ừ:
- À, tại ổng phạm tội tham nhũng.
- Tham nhũng là gì hả bố?
Rõ ràng là câu trả lời vừa rồi của tôi rất dở. Bây giờ thì bắt đầu mệt với nó rồi đây. Tôi chép miệng:
- Tức là ăn cắp tiền của nhà nước. Đó là một việc làm xấu con ạ.
- Nhà nước là ai vậy bố, sao có tiền không chịu cất kỹ như mẹ lại để ông này ăn cắp?
Mệt thật! Tôi xua tay:
- Không phải ai cũng cẩn thận được như mẹ của con đâu. Mà thôi, để bố yên, bật tivi xem phim hoạt hình đi.
Con trai tôi tiu nghỉu đi sang phòng khách. Nhưng cũng chỉ được một lúc.
- Bố ơi, bố có phải đóng thuế không?
Tôi trả lời mà không nhìn con:
- Có, con ạ. Người lớn ai cũng phải đóng thuế.
- Thế... lỗ đen là gì hả bố?
Tôi ngừng đọc báo, trợn mắt nhìn con:
- Con nghe ở đâu cái từ đó vậy?
- Dạ, ở trong tivi...
Nghĩa là thằng Út không thèm xem kênh hoạt hình.
- Con à, lỗ đen là thứ không nhìn thấy được nhưng rất nguy hiểm. Nó như cái thùng không đáy hút hết mọi vật xung quanh và không bao giờ nhả ra. Rất may là lỗ đen chỉ có ở rất xa trong vũ trụ con trai à...
Quý tử của tôi bỗng gân cổ lên:
- Không phải trong vũ trụ, bố nói sai rồi. Chú kia vừa nói trên trên tivi là người ta đã gây ra một khoản nợ như cái lỗ đen hút hết tiền đóng thuế. Ở trên vũ trụ mà sao nó hút tiền được? Mà nước mình có tất cả bao nhiêu cái lỗ đen hả bố?
Tôi trừng mắt:
- Con không nên xem mấy chương trình như thế nữa, nghe chưa!
***
Mệt thật. Tuổi mình là cái tuổi không muốn phải trả lời bất cứ chuyện gì nữa. Vậy mà còn dại dột sinh thêm thằng quý tử lắm chuyện này!
THỤC ANH
Câu chuyện Viện hàn lâmTTCT - Vậy là Việt Nam chính thức có Viện hàn lâm Khoa học xã hội với 31 viện nghiên cứu trực thuộc và trên 600 chuyên gia từ bậc tiến sĩ trở lên.
Đây là cơ quan ngang cấp bộ do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm người lãnh đạo, đã ra nghị định thành lập từ cuối năm ngoái và chính thức có hiệu lực từ ngày 22-2 vừa qua.


Đường dài trước mặt

Về mặt tổ chức, cơ quan này phát triển từ cơ cấu của Viện Khoa học xã hội, mà viện trưởng vốn là ủy viên Trung ương Đảng, được sáp nhập thêm các đơn vị khoa học nhỏ lẻ vốn trước vẫn đứng riêng hoặc trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Có thể thấy tên của 31 đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc là định nghĩa đầy đủ nhất của Việt Nam về khoa học xã hội, bao gồm cả kinh tế, triết học, văn - sử cho đến khoa học phát triển vùng và các viện nghiên cứu các khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào vị trí văn phòng của các viện trực thuộc và cơ cấu nhân sự thì đa số đều nằm ở Hà Nội, lý giải tại sao sự ra đời của một cơ quan khoa học quan trọng như vậy hầu như không được dư luận ở các địa phương nhắc tới. Ngay trong quyết định thành lập đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoạt động theo đơn đặt hàng của Đảng và Nhà nước: “Cung cấp luận cứ trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Với khung làm việc như vậy, mong đợi Viện hàn lâm của Việt Nam sẽ có được những công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế đem lại cho đất nước cả chục giải Nobel như tổ chức khoa học giống như vậy ở Đức là Viện Max Planck hẳn còn rất xa xôi.
Viện hàn lâm khoa học Ba Lan
Được thành lập từ năm 1952, là cơ quan khoa học quốc gia, “phục vụ phát triển và hội nhập, quảng bá khoa học, đồng thời đóng góp giúp phát triển giáo dục và làm giàu văn hóa dân tộc”.
Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan vừa là nơi tập trung các viện sĩ khoa học theo mô hình Viện hàn lâm Khoa học Pháp, đồng thời cũng là các cơ quan nghiên cứu theo đơn đặt hàng của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương tùy thuộc vào nguồn tài trợ. Viện được chia thành các viện nhỏ theo chuyên ngành như triết và xã hội học, sinh học, toán - lý - hóa, các ngành kỹ thuật, nông nghiệp - rừng và thú y, y khoa, địa chất và mỏ. Các trung tâm nghiên cứu của viện được phát triển đều trên các vùng của đất nước, bên trong cơ cấu tổ chức của các viện có văn phòng dành cho các hiệp hội nghiên cứu, ví dụ như Hội các nhà xã hội học Ba Lan nằm trong Viện Triết và xã hội học.

Xét về thực lực thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam cũng phải phấn đấu rất nhiều mới hi vọng bắt kịp các nước trong khu vực, chẳng hạn với nước láng giềng Thái Lan, chưa nói gì đến trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á ở Đại học Quốc gia Singapore, hay xa hơn là Hàn Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ.

Cách đây năm năm trong một cuộc họp tại Phủ chủ tịch có mặt GS Phan Huy Lê và lãnh đạo đơn vị tiền thân là Viện Khoa học xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng đề nghị hãy tổ chức hội thảo quốc tế về Việt Nam học thường xuyên hơn nữa để tăng cường trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam, nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thể nào tổ chức thường xuyên hơn là bốn năm một lần.

Trong khi đó, một trường đại học ở tỉnh lẻ của Thái Lan thôi đã đủ tầm danh tiếng để mời ít nhất là các nhà khoa học trong khu vực đến dự hội thảo hằng năm và trao đổi nghiên cứu trên tiến sĩ (post-doc). Đây chỉ là đơn cử cho một vài điểm mốc mà Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải lần lượt vượt qua.

Lấp khoảng trống nghiên cứu khoa học xã hội

Một trong số những viễn kiến được nêu thành nhiệm vụ cho viện là “phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp,” góp phần “phổ biến tri thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí”. Đây là nguồn vốn tối cần thiết để bảo đảm giúp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Kiến thức khoa học là một thành phần của vốn văn hóa, được định nghĩa như là tập hợp những thành tựu tri thức mà một dân tộc chắt lọc được theo thời gian và truyền lại cho thế hệ sau. Từ ngày mở cửa đến nay, rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam đã ra nước ngoài học và tình trạng thiếu vắng sinh viên trong các ngành triết và xã hội học vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngay cả kinh tế là một ngành vốn xuất thân từ triết và tiếp tục được nhiều nước xếp vào ngành khoa học xã hội thì sinh viên Việt Nam trong ngành này hầu như thua kém các bạn đồng lứa trên thế giới về kiến thức nền tảng trong tâm lý xã hội, ngoại trừ một số thông tin vụn vặt từ bộ môn tiếp thị - marketing.

Nếu bậc học phổ thông ở các nước đã trang bị đầy đủ cho các em kiến thức về mối quan hệ gia đình - xã hội - quốc gia và kỹ năng cơ bản để đọc và viết báo, làm phim, hay hiểu biết về chính trị cơ bản để ứng dụng trong môi trường văn phòng và địa phương, thì học sinh Việt Nam ra nước ngoài thường thua kém các bạn cùng tuổi về những chuyện này.

Ngày nay khi Việt Nam đã thông thương hoàn toàn với các nước trong khu vực thì không chỉ các em học sinh muốn đi du học mà tất cả người Việt ở trong nước đều phải được trang bị những kiến thức xã hội cơ bản đó, để đủ sức đề kháng trước những cú sốc văn hóa ngoại nhập như làn sóng Hàn hay chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây. Đây mới thật sự là đề bài khó cho các nhà khoa học Việt Nam trong các ngành xã hội và nhân văn, mà đầu tiên hết là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đi theo con đường này ta sẽ thấy thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa của viện hàn lâm của một nước, đó là phải duy trì và phát triển một tư tưởng khoa học dân tộc. Các triết gia xã hội học hàng đầu của Ba Lan luôn nhắc đến một ngành khoa học xã hội dù là mang tính phổ quát trên toàn thế giới nhưng luôn đậm đà bản sắc nguồn cội Ba Lan, mang tính đặc thù và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề của Ba Lan. Trong lĩnh vực sử học chẳng hạn, hàng chục năm qua vẫn chưa tìm được ai có công trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng dân tộc. Đây cũng sẽ là nhiệm vụ lớn cho Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thêm một điều nữa, khoa học Việt Nam ngoài tính Đảng và tính dân tộc, ngoài mục tiêu vị nhân sinh thì cũng nên chú ý đến nhu cầu vị khoa học. Trong nghị định của Chính phủ chưa thấy có quy chế phong hàm viện sĩ cho các nhà khoa học xứng đáng cả ở trong nước lẫn nước ngoài, như Viện hàn lâm Khoa học Pháp. Ngoài ra, cũng chưa thấy có quy định về nhiệm vụ đỡ đầu trong học thuật của viện cho rất nhiều tổ chức quy tụ các nhà nghiên cứu khác.

LÊ THANH HẢI
(Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan)

Hiệp hội nghiên cứu khoa học mang tên Max PlaNck
Được coi là viện hàn lâm khoa học của Đức, thành lập từ năm 1948, và nay mỗi năm đóng góp cho kho tàng khoa học thế giới tổng cộng khoảng 13.000 bài viết mà tính ra có ít nhất 17 công trình đã được công nhận giải Nobel. Tất cả 80 viện nghiên cứu thành viên của hiệp hội chỉ tập trung vào các ngành khoa học mới và mũi nhọn, dừng tài trợ và nghiên cứu khi ngành học đã trở thành phổ biến trong các trường đại học của Đức.
Kết hợp với các trường đại học, hiệp hội cũng mở chương trình đào tạo sau tiến sĩ để thu hoạch các nghiên cứu chuyên sâu của tiến sĩ trẻ đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Tính chất quốc tế của viện thể hiện qua con số 1/3 các giám đốc viện và 1/2 nghiên cứu sinh là người nước ngoài. Tỉ lệ này trong số nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học là 80%.
Sự hiện diện của khoa học xã hội Việt Nam trên trường quốc tế
Phân tích các ấn phẩm khoa học xã hội của Việt Nam trên các tập san quốc tế từ năm 1996-2010 (số liệu thu thập từ Scopus - cơ sở dữ liệu về ấn phẩm khoa học toàn cầu) cho thấy Việt Nam công bố được 354 công trình nghiên cứu liên quan đến khoa học xã hội. Phần lớn những công trình này tập trung vào các lĩnh vực địa lý học (chiếm 21% trên tổng số), phát triển học (16%), y tế (12%), xã hội học (11%).
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng có sự hiện diện nhưng tương đối khiêm tốn hơn, như nhân chủng học (5%), chính trị học (5%), dân số học (4%). Riêng ngành khảo cổ học suốt 15 năm chỉ công bố được 7 bài (1,4%). Năm 1996, Việt Nam chỉ công bố được 10 công trình, đến năm 2010 số công trình tăng lên 50. Trong cùng thời gian này, Malaysia công bố được 1.836 bài, cao hơn Thái Lan (1.437) và Philippines (789 bài).
Gần 90% những công trình nghiên cứu về khoa học xã hội là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Tỉ lệ này khá cao khi so sánh với tỉ lệ 40% của các nước trong vùng. Trong số 200 quốc gia có công bố về khoa học xã hội, Việt Nam đứng hạng 69. Hạng này thấp nhất trong vùng Đông Nam Á, so với Thái Lan (hạng 43), Malaysia (41) và Philippines (50).
Tuy số ấn phẩm ít hơn, nhưng chất lượng của các công trình khoa học xã hội Việt Nam tương đối cao hơn các nước trong vùng. Trong thời gian 1996-2010, mỗi công trình của Việt Nam được trích dẫn 6,87 lần, cao nhất so với Thái Lan (5,09), Philippines (4,58) và Malaysia (3,18). Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng (qua chỉ số H) thì các công trình của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trong vùng (Việt Nam 17, Philippines 16, Thái Lan 25 và Malaysia 20).
Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN
(ĐH New South Wales, Úc)

Tieu cuc xa hoi tren phim truyen hinh: Nua voi!Tiêu cực xã hội trên phim truyền hình: Nửa vời!
PNCN - Tiếp sau những bộ phim về đề tài xã hội: Con nhện xanh, Chạy án, Ám ảnh xanh… và loạt phim Cảnh sát hình sự… Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài TH VN (VFC) sắp trình làng bộ phim Đồng sau bão (38 tập, kịch bản: Đình Kính, đạo diễn: Bùi Huy Thuần) đụng đến những vấn đề tham nhũng trong xã hội hiện đại… Vẫn đề tài này là bộ phim Đàn trời (30 tập, VFC sản xuất) sắp khởi quay, xoay quanh việc rút ruột dự án đường giao thông nông thôn... Không né tránh bất kỳ một vấn đề xã hội nào đang là ưu thế dễ thấy của các bộ phim truyền hình thuộc “dòng” chống tiêu cực. Các nhà làm phim mạnh dạn đưa vào phim những mảng hiện thực nóng hổi của cuộc sống đương đại: từ chuyện vợ của thứ trưởng dựa vào thế chồng, “đi đêm” với các doanh nghiệp để làm ăn (Chạy án) đến loại đại gia phất lên nhờ dùng tiền mua chuộc cán bộ, sau đó dùng sự sa ngã của họ để khống chế lại họ, lũng đoạn kinh tế (Ám ảnh xanh)… Kể cả những chi tiết nhạy cảm có thể cắt bỏ để phim an toàn hơn, vẫn được tái hiện trên phim: công an nhận phong bì (Cổ cồn trắng) hay bà chủ doanh nghiệp nước ngoài cầm dép đánh vào mặt công nhân VN (Ám ảnh xanh)…. Với Đồng sau bão, khá nhiều vấn đề “nóng” được đề cập: tham ô, tham nhũng, “chạy” dự án, “chạy” chức quyền, mối quan hệ “chân dài - đại gia”, các trò lừa bịp, tống tiền, gạ tình… với những con người vừa hám danh, vừa mưu lợi. Phim xoay quanh các nhân vật thuộc hàng ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để thăng quan, tiến chức và thu vén lợi ích cá nhân… Ở đó có những vụ móc nối làm ăn từ đại gia đến quan chức, dẫn đến sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp cao và không ít cuộc tranh giành quyền lực diễn ra đầy phức tạp. Phim Chạy án đưa trường hợp vợ một ông lớn “đi đêm” với các doanh nghiệp để làm ăn Tuy nhiên, nhược điểm của hầu hết các phim về đề tài xã hội nói chung, phim phản ánh các vấn đề tiêu cực xã hội nói riêng, là không phản ánh tận cùng những cái xấu, cái tiêu cực… Một nhà biên kịch của VFC cho biết, “Đồng sau bão có những nhân vật xấu, như: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh tiền nhiệm, nhưng chưa được đẩy đến tận cùng. Vì vậy, các nhân vật và vấn đề liên quan thành ra… nửa vời, dù kịch bản được đánh giá tốt”. Bên cạnh mảng tối có vẻ ít được chăm sóc đó thì mảng sáng - về những người tốt, lại “được” tô hồng… quá mức. Chẳng hạn, nhân vật Chủ tịch tỉnh do Phạm Cường thủ vai trong Đồng sau bão là người tốt đến mức khó tin. Vai diễn này sẽ thuyết phục hơn nếu Chủ tịch tỉnh được xây dựng tính cách đa diện và… thật hơn. Đó cũng là lý do các nhà làm phim quyết định đổi tên Chủ tịch tỉnh thành Đồng sau bão. “Hiện thực trong phim càng nghiệt ngã, người xem càng cảm thông với nỗi “ám ảnh xanh” về lý tưởng, tinh thần xã hội, phẩm chất cách mạng của những người lính năm xưa - những đảng viên chân chính”, nhà văn Chu Lai - tác giả kịch bản Ám ảnh xanh chia sẻ về bộ phim tái hiện cuộc chiến giữa những người đồng đội cũ trên mặt trận kinh tế hôm nay. Các nhà làm phim chưa thực sự đi sâu vào thực tế và chưa dám đương đầu với những thách thức, mà chỉ phản ánh… khơi khơi, ở bề mặt bên ngoài, không dám “chọc thẳng, xuyên thủng” vào bản chất bên trong hay tái hiện được những con người, tình huống điển hình có sức khái quát thuyết phục. Thực tế cho thấy, cuộc chiến giữa tốt và xấu, tích cực và tiêu cực dai dẳng và trường kỳ; có những thời điểm cái xấu, cái tiêu cực thắng, có lúc bất phân thắng bại, trong khi đa phần các phim đều đi vào cái kết có hậu, với sự dẫn giải đôi khi quá nhanh chóng và dễ dãi, vừa thiếu thuyết phục vừa thiếu logic. Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập trong phim Đồng sau bão Khó khăn khi làm phim về các vấn đề xã hội, nhất là phản ánh các tiêu cực, không chỉ ở cách thể hiện trên phim mà còn ở lúc tác nghiệp. Đạo diễn Bùi Huy Thuần chẳng giấu việc khi đoàn phim đến các địa phương tìm địa điểm quay, thấy kịch bản Chủ tịch tỉnh “đụng chạm” nên nhiều nơi lắc đầu từ chối. May mắn là đoàn làm phim nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, Thành ủy, UBND TP. Bắc Ninh. Chẳng hạn đoàn được cho mượn bối cảnh từ phòng làm việc của chủ tịch tỉnh đến các phòng làm việc khác, nên không mất công dựng bối cảnh. Phản ánh những góc khuất, những tiêu cực trong xã hội nhưng để không né tránh, cũng không “bôi đen” hiện thực và bi quan, là thách thức của không riêng những người làm phim. “Bao giờ phim nước mình dám nói thẳng, nói thật, dám đi vào những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội mà không sợ mang tiếng là “nói xấu chính quyền”; người làm phim dám sòng phẳng, công khai với mọi vấn đề thì phim mới hay được”, nhà báo Nguyễn Như Phong - tác giả kịch bản của nhiều bộ phim về đề tài xã hội (Cổ cồn trắng, Chạy án…) chia sẻ. Hoàng Sơn
Ai sẽ dẹp loạn?

TTCT - Suốt mười năm qua (2002-2012), không biết bao nhiêu văn bản được ban hành, kể cả việc buộc các bệnh viện (BV) phải tổ chức đấu thầu công khai nhưng thực trạng “mê hồn trận” giá thuốc trong các BV vẫn tồn tại.
Việc bắt đấu thầu công khai (từ năm 2006) cũng không trị dứt điểm được tình trạng giá thuốc vênh nhau loạn xạ, giá thuốc trong BV cao hơn các nhà thuốc bên ngoài. Bởi đằng sau bức màn đấu thầu công khai là cuộc đua quyết liệt giữa các trình dược viên, các công ty dược, từ phần trăm hoa hồng đến các chuyến tham quan, du lịch để miễn sao được đưa thuốc vào BV.
Loạn giá triền miên, tại sao?
Gần đây, dư luận càng bức xúc khi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) phát hiện giá thuốc trúng thầu giữa BV các địa phương và ngay cả các BV trên cùng một địa bàn chênh nhau “phát chóng mặt”. Một hộp thuốc Perabact (hoạt chất Cefoperazon, Ấn Độ sản xuất) giá trúng thầu tại Đồng Tháp là 18.000 đồng/hộp, nhưng ở Cần Thơ là 30.000 đồng/hộp (chênh 66%).
Hoặc cùng một hoạt chất Arginin hàm lượng 200mg do VN sản xuất nhưng với nhiều tên thuốc khác nhau, giá trúng thầu vào các BV cũng rất khác nhau: thấp nhất 650 đồng/viên (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đồng Hới) và cao nhất là 1.900 đồng/viên (BV Phong - da liễu trung ương Tuy Hòa). Cùng hoạt chất Acarbose sản xuất tại VN với cùng hàm lượng và quy cách đóng gói, kết quả trúng thầu năm 2011 tại BV Thống Nhất (TP.HCM) giá 2.982 đồng/viên nén, tại BV Bạch Mai (Hà Nội) 4.400 đồng/viên (cao hơn 47%)…
Không chỉ có sự khác biệt về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương mà ngay trong một BV giá cũng chênh nhau tới gần 45%. Đơn cử: cùng hàm lượng 0,5g + 0,5g hoạt chất Cefoperazon + Sulbactam nhưng thuốc Trikapezon plus (Công ty CP DP trung ương 1 sản xuất) và Midapezon (Công ty CP DP Minh Dân sản xuất) giá trúng thầu tại BV Phổi trung ương là 33.000 đồng và 47.800 đồng/hộp.
Tương tự, hoạt chất Cefalexin 500mg tại tỉnh Bình Phước có tới ba mức giá trúng thầu, thấp nhất là 716 đồng/viên và cao nhất là 2.000 đồng/viên. Cùng hoạt chất Glucosamin 250mg, BV C Trung ương Huế chọn thuốc Zennif giá 410 đồng/viên, BV C Đà Nẵng chọn thuốc Éloge - Glucosamin giá tới 8.000 đồng/viên…
Theo quy định, giá thuốc trúng thầu vào BV không được cao hơn giá bán buôn do công ty kê khai tại Cục Quản lý dược. Nhưng trên thực tế, giá trúng thầu vào BV vẫn “điềm nhiên” cao hơn gấp 2-3 lần mà chẳng thấy ai huýt còi.
Thử đối chiếu cho thấy: thuốc Azilide có giá đăng ký 2.798 đồng/viên, trúng thầu vào BV Đại học Y Hà Nội là 9.500 đồng/viên; Coltab (Citicolin 500mg, Ấn Độ) giá nhập khẩu 12.000 đồng/viên, nhưng giá đang bán tại nhà thuốc BV Bạch Mai là 31.565 đồng/viên (gấp 2,5 lần). Thuốc Micropim 1g (Ấn Độ) giá kê khai tại cục là 38.903 đồng/hộp, nhưng trúng thầu vào BV Bệnh nhiệt đới trung ương năm 2011 đến 105.000 đồng/hộp…
Tại TP.HCM, nhóm thuốc sản xuất trong nước, đơn cử như: BBD 25mg trúng thầu vào BV Từ Dũ 900 đồng/viên, vào BV Hùng Vương 3.500 đồng/viên (gấp bốn lần); Aubactam 1g/200mg, trúng thầu vào BV Từ Dũ 24.500 đồng/lọ, nhưng vào BV Chấn thương chỉnh hình 32.000 đồng/lọ... Với nhóm thuốc ngoại nhập, giá trúng thầu vào các BV cũng rất hỗn loạn: Bernodan (Indonesia) trúng thầu vào BV An Bình 15.000 đồng/ống, trong khi vào BV Q.Thủ Đức 22.000 đồng/ống. Thuốc Planitox 500mg (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Nguyễn Tri Phương giá 2,405 triệu đồng/lọ nhưng vào BV Q.Thủ Đức 2,5 triệu đồng/lọ…
Cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng vào mỗi BV mà chênh nhau 5-7% thì còn tạm chấp nhận, nhưng cao hơn 20-50%, thậm chí gấp 3, 4, 5… lần thì cần làm rõ đằng sau đó là cái gì? Bởi hậu họa của hoa hồng cao là BV ưu tiên nhận hàng, là loạn chỉ định của bác sĩ, là kê toa không đúng, là kê càng nhiều thuốc càng tốt...
Đấu thầu tập trung: tại sao không?
Bộ Y tế vừa ban hành thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thuốc vào cơ sở y tế (có hiệu lực từ ngày 1-9-2012) với những “điểm nhấn” được coi là mới: quy định rất rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật các nhóm thuốc dự thầu, năng lực của nhà cung cấp, nguồn gốc thuốc...
Trường hợp nhà thầu cung cấp một loại thuốc mà nhiều loại giá sẽ bị loại khỏi danh sách thuốc tham gia đấu thầu. Các BV có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm của các nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc trong kỳ trước về Cục Quản lý dược và cục có trách nhiệm tổng hợp, công bố danh sách các nhà thầu vi phạm cho các đơn vị xem xét, lựa chọn thầu trong kỳ tiếp theo.
Liệu những biện pháp này có đủ sức răn đe, ngăn chặn được tình trạng loạn giá thuốc tại các BV?
Gần đây, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho biết sở sẽ “đấu thầu tập trung”, dự kiến năm 2013 việc này sẽ được thực hiện để chấm dứt tình trạng hỗn loạn giá thuốc. Theo kế hoạch này, TP sẽ thành lập trung tâm tiếp liệu thuốc, trung tâm này sẽ tổ chức đấu thầu thuốc tập trung để cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở các bệnh viện thuộc sở. Đây không phải là ý tưởng mới.
Tháng 9-2007, cục trưởng Cục Quản lý dược đã đề nghị đấu thầu tập trung như tại một số quốc gia (họ thường giao cho cơ quan BHXH đấu thầu tập trung một lần các thuốc sử dụng trong BV, sau đó các BV sẽ căn cứ vào giá trúng thầu để tiến hành mua thuốc). Năm 2010, rồi năm 2011, BHXH VN cũng từng đề nghị nên đấu thầu tập trung.
Một bác sĩ từng công tác tại BHYT TP.HCM cho biết năm 1995, anh đã lập đề án mang tên “Phương án cung ứng thuốc một đầu mối trong hệ thống khám chữa bệnh BHYT” (BHYT ra đời năm 1992). Năm 1998 làm lại một lần nữa, với mô hình “tay ba” giữa BHYT (đấu thầu tập trung) - các công ty dược cung ứng thuốc - BV (có nhu cầu cứ tới công ty dược nhận). Người trả tiền là BV hoặc BHYT (bệnh nhân BHYT). Mô hình rất đơn giản và hiệu quả: thuốc chỉ một giá thống nhất trên toàn địa bàn, quản lý được số lượng chi dùng và kiểm tra được đơn cấp thuốc. Đề án đã được trình lên Bộ Y tế lúc bấy giờ.
Vì đấu thầu tập trung phải công khai minh bạch giá từng loại thuốc tại một đầu mối và các BV có thể đối chiếu, kiểm tra nên sẽ không có tình trạng công ty dược gặp trực tiếp các BV để thương thảo đấu thầu, trình dược viên không còn gặp trực tiếp bác sĩ để gạ gẫm, chung chi. BHXH thanh toán thuốc trực tiếp cho công ty dược nên không cần phải tạm ứng trước từng quý cho từng BV (phải ứng trước 80% dựa trên tổng chi của quý trước, sau đó quyết toán 20%) mà không biết người ta sẽ mua cái gì, giá thuốc cứ tăng và hiện tại không kiểm tra gì được.
“Đây chính là thời điểm chín muồi để triển khai” - vị bác sĩ này nhận định. Vì bộ máy trung tâm điều phối thuốc cũng gọn nhẹ, chỉ khoảng mười người, không cần thành lập kho trung tâm tiếp liệu mà thuốc vẫn để tại các công ty khi cần thì BV đến nhận. Khởi đầu nên đấu thầu tập trung khoảng 500 mặt hàng thuộc nhóm cơ hữu như: thuốc tim mạch, nội tiết, kháng sinh, dịch truyền. Những năm tiếp theo tăng dần số lượng mặt hàng...                     
Cần một "Thượng phương bảo kiếm"
Tiền thuốc sử dụng hằng năm ngày càng tăng và hiện chiếm khoảng 50-60% tổng chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê của ngành y tế, tiền mua thuốc năm 2010 của các BV công lập là 15.000 tỉ đồng, trong đó chưa đến 39% để mua thuốc nội.
Năm 2011, tổng tiền thuốc sử dụng trong các BV gần 18.500 tỉ đồng, trong đó thuốc ngoại chiếm hơn 11.310 tỉ đồng. Các BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỉ lệ sử dụng thuốc ngoại nhiều nhất, chiếm 66-88%. Riêng tại TP.HCM, các BV công đã tiêu thụ lượng thuốc bằng 1/3 tổng lượng thuốc cả nước. Chỉ riêng đối tượng bệnh nhân BHYT, một năm BHXH TP phải chi khoảng 3.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các BV trên địa bàn.
Tại nhiều BV, bác sĩ kê toa bao vây lên đến 9-10 loại thuốc, trong đó nhiều thuốc ngoại đắt tiền. Một khảo sát gần đây cho thấy có đến 20% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là thuốc bổ trợ, thực phẩm chức năng! Tùy thuốc, hoa hồng mức thấp là 2%, trung bình 5-10%, thậm chí đến 20-50%… Thử tính dù chỉ ở mức thấp 2% trên vài ngàn tỉ đồng tiền thuốc  mỗi năm thì đó vẫn cứ là con số khổng lồ.
Đó là căn nguyên của 1.001 lý do đưa ra để tìm mọi cách tồn tại việc mỗi BV tự đấu thầu. Cái mắt xích ấy ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng chặt đứt nó không dễ. Nên rất cần một “thượng phương bảo kiếm” để quản lý tốt hơn, để người bệnh - vốn đã chịu rất nhiều cực nhọc khi bước chân vào BV - không phải gánh lấy quá nhiều cái tròng tiêu cực, trong đó có giá thuốc. Điều quan trọng hơn là tạo một môi trường làm việc mà người thầy thuốc thanh thản hơn trước cám dỗ của đồng tiền.
KIM SƠN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét