Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Chuyện bên nhà (10)

Những cụ già Sài Gòn chống cướp hung tợn
Đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng nhiều ông, bà lão khi đối mặt với các tên cướp hung tợn vẫn mưu trí, dũng mãnh.
Ngày 25/12, Công an quận Thủ Đức tạm giữ hình sự đối với Tống Duy Tân (27 tuổi, sống lang thang) để điều tra hàng loạt hành vi như Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích, Đe dọa giết người. Đây là kẻ đã đâm một dân phòng và khống chế bé gái 2 tuổi để tìm đường thoát thân.
Để bắt được tên này, nhiều cảnh sát đã phải thuyết phục hơn một giờ và đặc biệt nhờ mưu trí của bà  ngoại cháu bé gần 60 tuổi.
baba-6765-1388039766.jpg
Bà Ba kể lại quá trình bắt cướp. Ảnh: Q.T
Chiều 24/12, trong lúc đang ngồi chơi với hàng xóm trước cửa nhà, bà Phạm Thị Ba (56 tuổi) nghe tiếng tri hô cướp và Tân cầm dao đầy máu chạy vụt vào nhà. Tên này kẹp cổ đứa cháu ngoại 2 tuổi của bà Ba, yêu cầu bà phải khóa cửa lại nếu không sẽ sát hại bé gái.
Nhiều cảnh sát vây chặt hiện trường khuyên can nhưng Tân vẫn hung hăng vung con dao đầy máu, gí vào cổ bé gái. Hắn buộc cảnh sát phải rút lui nếu không sẽ đâm con tin, mặc cho bé khóc lóc thảm thiết. Một mặt các cảnh sát tiếp tục thương thuyết để đánh lạc hướng cho một nhóm trinh sát khác bắc thang leo lên tầng hai căn nhà, ra hiệu nhằm trấn tĩnh bà Ba. Là người duy nhất tiếp cận được tên cướp lúc này, bà Ba được công an hướng dẫn tìm cách lấy con dao để Tân không làm hại được cháu bé khi các trinh sát phía ngoài ập vào.
Một giờ trôi qua, nhiều lần bà Ba tiến gần Tân nhưng hắn đề phòng, ngồi sát vào tường. “Con có con chưa? Con bé có tội gì đâu, con bỏ con dao ra đi. Không có vũ khí mọi người bên ngoài không ai làm gì con cả, cô sẽ xin mọi người cho con”, bà Ba nhẹ giọng năn nỉ và xoa khắp người gã thanh niên để xem hắn còn giấu vũ khí khác không.  
Xác định tên này chỉ có một con dao, bà Ba ra hiệu cho cảnh sát đồng thời lén mở khóa cửa để khi cần công an sẽ ập vào. Lúc này, bé gái lại khóc thét khiến tên cướp phải dỗ dành. Hắn tỏ vẻ mệt mỏi nên lấy ra một viên thuốc và bảo bà Ba cho xin ly nước. Tân vừa đặt dao xuống để cầm ly nước, lập tức bà Ba lấy cái chăn cạnh đó phủ lên con dao rồi ôm ghì hắn vật ra sau. Cùng lúc cảnh sát ập vào khống chế Tân, giải thoát bé gái.
Đến lúc này bà Ba mới thật sự hoảng hốt thi được cảnh sát cho biết Tân vừa đâm một bảo vệ dân phố vì ngăn cản hắn xin đểu.
Không được hỗ trợ, chỉ dẫn từ công an như bà Ba nhưng một cụ ông khác đã một mình đánh đuổi được 3 tên cướp có dao trong màn đêm. 
Rạng sáng ngày cuối tháng 1, ông Mai Văn Ở (ông Hai “Chăn Bò”, 85 tuổi) ngủ trong căn chòi lá ở ấp 4, xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) thì giật mình nghe tiếng nói sát giường. "Mày vô lấy giấy tờ đi". Ông lão bật dậy, tốc mùng chui đầu ra xem thì phát hiện cửa tôn bị mở toang.
ongcu-1424-1388039767.jpg
ông Hai "Chăn bò". Ảnh: A.N
Trong ánh sáng nhờ nhợ của màn đêm, một mũi dao sắc nhọn dí sát người ông kèm giọng đe dọa: “Ngồi im không tao chém chết”. Ông lão vờ làm theo, đưa 2 tay lên đầu lui người xoay về phía vách chòi. Khi tên thanh niên áp sát, ông bất ngờ tung cước khiến tên cướp cao chừng 1,7m ngã nhào.
Với khúc tầm vông dài 2m dắt ở vách chòi thủ thế, ông lại đã quất liên tiếp vào tên cướp vừa vùng dậy lao vào chém chủ nhà. Tay văng mất dao, gã thanh niên to lớn chưa hết choáng thì “ăn” tiếp một nhát gậy ghim thẳng vào ngực ngã nhào vào tên đồng bọn đang dắt xe ở cửa. Tên dắt xe lồm cồm ngồi dậy xông tới đánh trả cũng bị lĩnh vài cây vào đầu. "Hạ được tên thứ hai, tôi thấy người choáng váng và ngã lăn vào cánh cửa", cụ ông 85 tuổi kể.
Đang cảnh giới phía ngoài thấy đồng bọn bị đánh, tên thứ ba cũng lao vào quyết đấu với cụ già. Tên thanh niên cao chừng 1,6m vung con dao sáng loáng nhưng ông cụ kịp cầm được cặp côn nhị khúc để ở cửa, chống đỡ. Thấy cụ ông ngồi bệt ở cửa, tên cướp xông vào chém.
"Với thế võ học từ nhỏ, tôi chống tay bật dậy, vung côn đánh tới tấp làm văng con dao của hắn vào bụi cỏ gần đó", ông Hai "Chăn Bò" nói và cho biết nghe tiếng tri hô “cướp, cướp” của ông cụ, hàng xóm chạy đến hỗ trợ. Ba thanh niên kéo nhau bỏ chạy vào màn đêm, để lại chiếc xe máy vừa định cướp của ông. Chuyện ông cụ 85 tuổi đánh gục 3 tên cướp khiến nhiều người dân địa phương chuyền tai nhau đầy khâm phục.    
bahuong-1349873252-480x0-3721-1388039767
Bà Hường được tuyên dương vì bắt cướp. Ảnh: Q.T
Tương tự là cụ bà Nguyễn Thị Hường (71 tuổi) ở xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) đã từng chống lại 2 tên cướp hung tợn.
Theo cơ quan điều tra, một ngày giữa năm 2012, bà cụ có mái đầu bạc trắng ngồi bán tạp hóa tại nhà thì có 2 thanh niên bước vào quán. Họ hỏi mua hết thứ này đến thứ khác và liên tục đổi hàng, trong khi mắt cứ ngó ngang ngó dọc. Rời tiệm, một tên dắt xe, kẻ còn lại băng nhanh tới trạm chờ xe buýt trước cửa nhà bà Hường rồi giật phăng sợi dây chuyền của người phụ nữ.
Nghe tiếng tri hô, bà Hường bước ra thấy 2 thanh niên lúc nãy đang định lên xe bỏ chạy nên lao ra cản trước đầu xe. Dù cả hai tên cướp cùng đẩy mạnh xe ra đường, nhằm hất văng bà lão nhưng bà Hường   nhất mực không chịu buông tay mà ra sức truy hô.
Tiếp tục bị hai tên cướp kéo lê, ngã ra đường khiến đầu gối chảy máu nhưng bà lão nhất quyết ghì lại. Nghe tiếng bà kêu to, anh hàng xóm đang bế con trước nhà liền gửi con, lao ra hỗ trợ. Một tên cướp rút kim tiêm tấn công đâm vào chân anh này nhưng ngay sau đó bọn chúng đã bị người dân bắt giữ giao công an. Sợi dây chuyền được trả lại cho khổ chủ. “Dù chân chảy máu rất đau nhưng tôi quyết tâm không để bọn cướp chạy thoát”, cụ bà cho biết.
Với hành động dũng cảm mà ngay cả nhiều thanh niên khỏe mạnh cũng chưa chắc dám làm, bà Hường đã được Công an TP HCM tuyên dương là một tấm gương sáng phố phường.
Bà ngoại quăng xe đạp chặn tên cướp dây chuyền
Thấy thanh niên lạ giật chiếc dây chuyền bạc của cháu ngoại, bà Vàng hô hoán rồi quăng xe chặn bắt tên này.
Chiều 8/5, bà Nguyễn Thị Vàng (54 tuổi, ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn còn chưa đi lại nhiều vì đầu gối bị sưng tấy sau khi vật lộn với tên cướp giật.
Bà Vàng đang thực hiện lại phút đối đầu với tên cướp. Ảnh: Hoàng Việt.
Bà Vàng đang thực hiện lại phút đối đầu với tên cướp. Ảnh: Hoàng Việt.
Bà Vàng cho biết, sáng 5/5, hai cháu ngoại đạp xe qua nhà bà chơi. Đến khoảng 10h15 cùng ngày, bé trai 8 tuổi đạp xe đi trước, bà Vàng chở cháu gái 4 tuổi đi sau cách nhau khoảng 20m. Khi vào đoạn đường bê tông làng Huyền Kỳ, bà thấy thanh niên lạ mặt đi xe máy ngược chiều chặn đường cháu trai mình.
"Tôi thấy anh ta hỏi han rồi tay túm vào phía trước ngực thằng bé. Cháu tôi giúi vào bụng hắn, miệng ú ớ, tay bám chặt gấu áo kẻ này", bà Vàng kể. Lúc đó, bà hô hoán "cướp, cướp" nhưng tên này rú ga bỏ chạy. Cậu bé bị hắn kéo lê, chân, tay và sườn bị mài trên đường.
Bà Vàng cho biết, phán đoán kẻ này lao vào mình nên vội xuống xe. Tên này vẫn tăng ga nên bà Vàng quăng chiếc xe đạp chặn đường. Bà Vàng cũng bị ngã đập đầu gối dưới nền đường nhưng tay vẫn giữ áo hắn, đồng thời rút chìa khóa xe máy.
Trong lúc đó, nghe thấy tiếng rồ ga to, một người hàng xóm chạy ra, tên cướp líu ríu nói: "Cháu chỉ va vào người bé trai kia, thôi cho cháu đi". Bà Vàng vội thông báo hắn vừa giật sợi dây chuyền của cháu nên mọi người xúm lại, bắt thanh niên này đưa về trụ sở.
Bà Vàng cho biết, từ hôm xảy ra sự việc, tinh thần cháu trai vẫn hoảng loạn. Cháu bé không dám ra ngoài đường. Em cậu bé cũng hốt hoảng, sợ ra ngoài.
Tên cướp khai là Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi, ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông), từng có một tiền án về tội ma túy và là kẻ nghiện heroin. Dũng tường trình, thấy bé trai đi xe đạp cổ đeo dây chuyền và đang hướng vào trong làng Huyền Kỳ, gã phóng trước, tìm đoạn vắng để ra tay.
Gã giả vờ gọi hỏi đường cháu bé rồi giật sợi dây chuyền bạc trọng lượng 1 cây. Dũng đang bị tạm giữ để làm rõ về hành vi cướp giật tài sản.
Chuyện cổ tích có thật về 'hai trái tim vàng'
Cách đây 70 năm, hai người trốn vào rừng sâu để tránh điều thị phi rồi cùng nhau sống những ngày thiếu thốn nhưng rất hạnh phúc.
Anh Hà Văn Viên (sinh năm 1968, ở thôn Mành, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) là trưởng thôn Mành nên tường tận về cuộc đời hai cụ Hà Văn Nghệ (91 tuổi) và Hà Thị Lênh (85 tuổi), những người gần 70 năm qua sống bình lặng trên một góc rừng sâu nơi anh phụ trách. Bì bõm lội qua những khe nước sâu lạnh buốt, anh Viên vừa đi vừa hào hứng kể về cuộc sống của hai cụ Nghệ và Lênh, những con người cho đến nay đã trở thành niềm tự hào của thôn bản về một tình yêu giản dị nhưng bền chặt đến khó tin.
Theo đó, hai cụ Nghệ và Lênh có với nhau 6 mặt con, đều đã trưởng thành và bươn chải ngoài xã hội nhưng kinh tế chẳng lấy gì làm khấm khá. Cũng có một thời gian ngắn, nghe lời người con cả, hai vợ chồng cụ Nghệ chuyển ra ngoài bìa rừng sống quây quần với các con. Nhưng bởi quá đau lòng khi chứng kiến con cháu vẫn phải chạy ăn từng bữa, hai cụ quyết tâm trở lại rừng sâu, quay về túp lều đã gắn bó với mình nhiều chục năm để tự rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Theo anh Viên, vì địa hình cách trở khó khăn nên trong khu rừng hoang sơ ấy giờ chỉ còn duy nhất vợ chồng cụ Nghệ sinh sống. Chẳng điện, cũng chẳng nước máy, hai vợ chồng cụ sống chủ yếu bằng tình thương yêu dành cho nhau trong những bữa rau rừng đắng ngắt.
Túp lều nơi hai cụ già nay đã "gần đất xa trời" chỉ được cất tạm bợ bằng phên nứa và cỏ tranh trong một diện tích đất hẹp được rào sơ sài bằng thân cây sắn khô và cành tre. Theo lời chia sẻ từ anh Viên, hai cụ ở trong căn lều ấy rất khốn khổ. Trời hè nóng nực đã mệt mỏi, mùa đông buốt giá lại càng khổ hơn, gió lùa qua phiên nứa mỏng rít lên từng chập khiến hai thân già càng phải nằm sát bên nhau lấy hơi ấm. Thế nhưng hai cụ vẫn luôn sống hạnh phúc bên nhau, đến nay đã được 70 năm có lẻ.
Đã 91 tuổi, nhưng cụ ông Hà Văn Nghệ vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ vẫn cày bừa được và trồng rau nuôi lợn. Còn cụ Lênh cũng không hề kém cạnh, vẫn tay liềm tay cuốc thoăn thoắt trên những mảnh đồng xa. Anh Hà Văn Viên vẻ mặt rạng rỡ, "khoe khéo" rằng những thửa ruộng nơi hai cụ canh tác luôn sạch sẽ đến từng ly từng tý. Quanh căn lều nhỏ, ngoài chiếc chăn bông để đối phó với cái lạnh cắt da cắt thịt vùng rừng sâu mỗi khi đông về, hầu như không có bất cứ vật dụng nào của xã hội văn minh xuất hiện tại căn lều dột nát.
Chuyện tình của hai cụ đã làm lay động nhiều trái tim người dân thôn Mành.
Chuyện tình của hai cụ đã làm lay động nhiều trái tim người dân thôn Mành.
Tai cụ Nghệ nay đã không còn được thính như trước nữa, mọi người phải nói to hơn bình thường cụ mới có thể nghe và hiểu được. Ngồi bên cạnh, cụ Lênh im lặng quan sát và lắng nghe cuộc hội thoại, những chỗ cụ ông lãng tai không nghe rõ, cụ bà lại nhẫn nại nói lại từ đầu, giọng đầy trìu mến. Theo lời kể, hai cụ chẳng mấy khi rời rừng, sống hoàn toàn bằng động vật mình tự nuôi và rau mình trồng. Để giữ thịt qua mùa hè nóng, cụ Nghệ bọc thịt vào một túi nilon kín, buộc dây rồi thả chìm xuống dòng suối sâu gần nhà. Lúc nào cần ăn cụ lại kéo lên xẻo một miếng rồi lại thả xuống. Theo lời giải thích, dưới đáy nước rất lạnh, có khả năng giữ tươi thịt cả tuần lễ.
Sau khi tin cẩn những khách lạ do đích thân người trưởng thôn dẫn tới, cụ Nghệ vui vẻ dựa lưng vào vách tường, kể lại toàn bộ cuộc tình đầy chông gai của hai người. Cụ bảo, cả hai người đến với nhau sau khi mỗi người đã có một cuộc hôn nhân trước đó. Cụ Nghệ đã có vợ và có 3 người con, còn cụ Lênh bị gia đình ép lấy chồng khi đã là thiếu nữ còn người chồng chỉ mới hơn 10 tuổi.
Cụ Lênh bồi hồi nhớ lại: "Thời đó, bỏ chồng là một điều gì đó vô cùng khủng khiếp và bị cả dân làng dè bỉu. Nhưng gia đình tôi bắt tôi lấy chồng khi không có tình yêu và lúc đó chồng cũng chỉ là một đứa trẻ. Một lần đi làm đồng, tình cờ gặp ông Nghệ đây rồi chúng tôi phải lòng nhau từ lúc nào không hay. Biết ông có vợ con rồi nhưng tôi vẫn thấy yêu ông và quyết tâm theo ông về làm vợ hai".
Việc cô gái trẻ từ bỏ nhà chồng để theo một cuộc tình mới gây náo loạn cả một làng quê mà cho đến bây giờ vẫn còn nặng nề về các lễ giáo phong kiến. Cụ Lênh ngay lập tức bị đem ra để làm đủ các thủ tục phạt vạ và người chịu những điều đó không ai khác chính là cụ Nghệ. Cụ Nghệ đã phải nai lưng đi làm không công cho làng suốt nhiều năm trời nhằm để cứu cô gái trẻ Hà Thị Lênh ra khỏi một cuộc hôn hân bất hạnh.
Kể từ sau đận ấy, cụ Lênh chính thức trở thành người một nhà với người đàn ông hơn mình 6 tuổi. Tục lệ thời ấy vẫn cho phép đàn ông đa thê nên cụ Lênh về làm vợ lẽ, sống hòa thuận với cụ Nghệ cùng vợ cả trong căn nhà nhỏ.
Thế nhưng do không thể chịu đựng được sự soi mói của láng giềng xung quanh việc "dung túng" cho một đứa con gái "trốn chồng theo trai", cụ Nghệ quyết định bàn bạc với hai người bạn đời chuyển nhà vào tận trong rừng sâu sinh sống để được yên ổn. Những ngày đầu tiên, do chưa thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt và thiếu thốn, cả ba người cùng bầy con nhỏ đã cực khổ rất nhiều.
Rồi một điều đáng tiếc đã xảy đến khiến cụ Nghệ bây giờ vẫn còn ân hận mãi, đó là người vợ cả của cụ, chẳng may vì rừng thiêng nước độc mà ngã bệnh rồi mất sau đó không lâu. Túp lều tranh giờ chỉ còn cụ Nghệ và người đàn bà đã mang tiếng xấu với cả thôn bản.
Vượt qua bao nỗi khó khăn, hai cụ sống rồi lần lượt sinh hạ thêm 6 người con khác rồi dựng vợ gả chồng ngay tại chính căn lều nhỏ ọp ẹp này. Nói về chồng mình, cụ Lênh tự hào: "Sống với nhau ngần ấy năm, tôi chỉ bị ông nặng lời đúng một lần, đó là lần tôi chẳng may đánh đổ siêu nước vào chân một người con của chị vợ cả. Ông mắng rồi ôm cả tôi và cháu bé vào lòng rồi tất cả cùng khóc. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình thật vụng về và đáng trách".
Cũng trong ký ức rõ nét của hai người, vì là những người làm nông nên hai cụ có sức khỏe rất tốt, chẳng mấy khi đau ốm. Giờ đây, chứng kiến con cái trưởng thành nhưng vẫn kinh tế vẫn khốn khó, hai cụ đau lòng lắm nhưng đành bất lực, chỉ biết giúp các con bằng cách không dám cậy nhờ đến ai, chỉ hai thân già lặng lẽ đùm bọc nhau trong mái lều trống hoác giữa đại ngàn gió lạnh.
Theo lời cụ bà, trời trở lạnh khiến cụ đang bị đau chân không đi lại được, nên mọi việc nhà đều do cụ ông đảm trách, kể cả nấu nướng. Nhìn nồi rau luộc bốc khói nghi ngút, tỏa mùi hương ngai ngái đặt giữa lều, là món ăn chính của hai cụ trong bữa ăn sắp tới, ai cũng chạnh lòng. Loại rau hai cụ thường ăn mọc la liệt ven rừng, người dưới xuôi hầu như không ăn, thường chỉ đem nấu cho lợn. Thế nhưng bù lại, hai cụ vẫn khỏe mạnh, vui tươi và hạnh phúc bên nhau.
Cặp đôi 100 tuổi vẫn lãng mạn
Tuổi đã cao, có tới 120 cháu chắt nhưng hai cụ vẫn ở riêng tại Diễn Châu (Nghệ An) và ngày ngày cùng nhau đọc báo, nghe đài và nấu ăn.
Ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An), không ai không biết cặp vợ chồng Cao Viễn (107 tuổi) và Vũ Thị Hai (100 tuổi), cặp đôi được mệnh danh là vợ chồng cao tuổi nhất xứ Nghệ. Ngôi nhà của cặp vợ chồng đặc biệt này nằm phía cuối làng, xung quanh là cây cối xanh tươi. Đang đọc báo, thấy khách vào, cụ ông liền chào hỏi thân thiện, rồi rảo bước đi pha chè mời khách. Nhìn cách cụ Viễn đi lại nhẹ nhàng, thao tác linh hoạt ít ai ngờ rằng người đàn ông này đã bước sang tuổi 106.
Cụ Viễn trầm ngâm kể về cuộc đời nhiều niềm vui nhưng cũng lắm gian truân của mình. Cụ Viễn sinh năm 1906, trong một gia đình nông dân nghèo tại chính mảnh đất cụ đang sống. Năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên khác khi đó, chàng trai Viễn lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhưng vào chiến trường được 3 năm, cụ bị thương nặng trong một lần càn quét của địch và phải trở lại quê hương với thương tật trên mình.
Trở về nhà dưỡng thương, chàng thanh niên trẻ trúng "tiếng sét ái tình" với thôn nữ Vũ Thị Hai trong một lần tình cờ nhìn thấy cô đang ngồi dệt vải. Không lâu sau đó, họ được gia đình hai bên chấp thuận và nên duyên vợ chồng. Khi đó người con gái mới đôi mươi, còn người con trai mới bước qua tuổi 23.
Từ khi về chung một mái nhà, họ luôn động viên nhau cùng cố gắng làm lụng xây dựng cuộc sống, nuôi dạy con cái. Hàng ngày, người vợ ở nhà dệt vải còn người chồng cặm cụi cày xới ngoài đồng. Nhà đông con, dù bữa đói bữa no nhưng họ sống với nhau hạnh phúc. Suốt hơn 83 làm vợ chồng, họ ít khi to tiếng tranh cãi vì quan điểm sống rất tường đồng. “Dù có đói nghèo đến mức nào, tôi cũng không bao giờ tơ hào của ai cái gì, thậm chí là cây rau ngoài đồng. Mình sống phúc đức, không trộm cắp của ai thì con cháu về sau cũng được hưởng lộc”, cụ Viễn tâm sự.
Cụ Viễn và cụ Hai dù đã trên 100 tuổi nhưng hai cụ vẫn không ngại dành cho nhau những cử chỉ âu yếm.
Cụ Viễn và cụ Hai dù đã trên 100 tuổi nhưng hai cụ vẫn không ngại dành cho nhau những cử chỉ âu yếm.
Đến nay, con cháu muốn được đến ở cùng để tiện cho việc chăm sóc nhưng cả hai cụ đều không đồng ý. Còn sức khỏe, hai cụ vẫn thích lao động và tự chăm lo cuộc sống của mình. Điều đặc biệt là hai cụ vẫn chưa phải dùng đến kính khi đọc báo. "Bí quyết của chúng tôi là sống đơn giản, thanh thản, ham lao động. Tâm hồn khi nào cũng thanh thản, thoải mái thì chuyện trường thọ không có gì là khó khăn cả. Ăn uống điều độ, hạn chế hút thuốc lá và uống rượu chè”, cụ Viễn nói.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hai cụ vẫn rất lãng mạn, không ngại dành cho nhau những cử chỉ âu yếm. Họ có một thói quen là sáng ra dậy sớm cùng nghe đài, rồi đọc báo cho nhau. Không những vậy, hai cụ đều có sở thích vào bếp để trổ tài những món ngon mà người kia yêu cầu. “Ông ấy thường nấu cơm cho tôi ăn, được cái đàn ông nhưng nấu ăn thì rất ngon, chắc nhờ món ăn của ông mà tôi mới sống đến ngày hôm nay”, cụ bà tếu táo.
Hàng ngày, cụ Hai vẫn đi bộ ra chợ để mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cho hai người. Cụ bà chọn con cá, mớ rau tươi non cho bữa cơm gia đình nên họ ăn rất ngon miệng. Hai cụ chủ yếu sinh hoạt trong khuôn viên nhà mình, chỉ những ngày lễ, các cụ mới dắt nhau đi thăm con cái và hàng xóm.
Đầu năm, cụ Viễn và cụ Hai được UBND huyện Diễn Châu tổ chức buổi lễ trao song thọ. “Hôm đó, chúng tôi được mời đến trụ sở xã rồi mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ ngồi trên chiếc ghế chính diện”, cụ Hai nhớ lại. Đó là niềm vinh dự lớn không những của con cháu mà bà con trong làng này cũng thơm lây. Nói về cụ Viễn và cụ Hai, ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch hội người cao tuổi xã Diễn Hoa phải thốt lên: “Người dân chúng tôi gọi vui hai cụ là đôi vợ chồng “già không đều” vì dù tuổi tác đã trên 100 tuổi nhưng tính cách của họ lại rất trẻ”.
Vì nổi tiếng là cặp vợ chồng nhiều tuổi, lại sống phúc đức và rất hòa thuận nên cụ Viễn và cụ Hai được rất nhiều gia đình tìm đến nhờ làm mai mối, làm người chứng kiến trong đám cưới để chúc phúc cho các đôi bạn trẻ nhân ngày vu quy. Từ khi bước sang tuổi 100, hầu hết các đám cưới trong làng đều có sự hiện diện của hai cụ. “Thấy tình cảm chân thành của bà con, tôi vui vẻ nhận lời đến tham dự các đám cưới trong làng”, cụ Hai nói. Trong những lần tham dự ấy, ngoài vai trò là khách mời đặc biệt của hôn lễ, hai cụ còn được xem là người cố vấn đặc biệt chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về cuộc sống gia đình cho đôi bạn trẻ.
Sau khi kết thúc buổi tiệc, các đôi vợ chồng trẻ đó thường được hai cụ xoa đầu, một hành động ý chỉ chúc phúc để họ sống yêu thương nhau suốt đời. Không những vậy, trong những lần đến tham dự đám cưới, cụ Viễn thường đọc to những bài thơ mình tự sáng tác để tặng đôi vợ chồng trẻ. Hiện nay, do sức khỏe không thật tốt, việc đi lại khó khăn nên hai cụ được gia chủ tận tình đánh xe đến nhà để rước đi. Nhiều cặp đôi thậm chí tự tìm đến nhà hai cụ để được chúc phúc cho ngày trọng đại và chỉ bảo những điều cơ bản khi bước vào cuộc sống gia đình.
Hai cụ khoe: “Tính đến nay, vợ chồng chúng tôi đã có 120 cháu, chắt, sống khắp nơi, đó là chưa kể những đứa chuẩn bị chào đời nữa”. Cụ bà tiếp lời: "Những khi đến lễ Tết, ngày cuối tuần, chúng lại kéo nhau về chật kín cả nhà. Tuổi về già, chỉ cần như vậy là chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi".
Làng Phượng Lịch (nay gọi là thôn 2) của xã Diễn Hoa nổi tiếng cả vùng vì từ bao đời nay họ được mệnh danh là “làng trường thọ”. Đến đây, người ta không khỏi "choáng" bởi hàng chục cụ ông, cụ bà đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. Ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Hoa cho biết, hiện nay toàn xã có gần 250 cụ bước sang tuổi 80 và 8 cụ bước qua tuổi 100. Nhưng điều đặc biệt, các cụ cao tuổi tập trung nhiều ở thôn Phượng Lịch.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Hoa cho biết: "Có nhiều cách khác nhau để lý giải chuyện trường thọ ở ngôi làng Phượng Lịch. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm lúa nước và vườn tược nên khi nào cũng thoải mái về tư tưởng. Chính từ việc cần cù lao động, môi trường trong lành khiến con người nơi đây dẻo dai, sống thọ hơn".
Trong số những cụ cao tuổi còn sống, có lẽ đáng chú ý nhất là trường hợp của gia đình cụ Cao Viễn và Vũ Thị Hai. Cặp vợ chồng cụ Viễn được xác nhận là trường thọ nhất Nghệ An. Người con đầu của ông bà là cụ Cao Du mất năm 2011 khi bước sang tuổi 76. Người con thứ 3 là cụ Cao Đại hiện nay được 73 tuổi, sống khỏe mạnh ngay sát nhà bố mẹ.
Cụ ông 80 tuổi 'tán gái' đến 'cháy' cả điện thoại
Chưa đầy một tuần quen nhau, nói chuyện nóng bỏng cả điện thoại, hỏng cả sim, ông Xê 'tán đổ' bà Thực, 74 tuổi, và dọn về chung sống.
Chuyện cụ ông Trần Quang Xê (80 tuổi, thôn Đan Điền, xã Dũng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) 'tậu' được bà vợ 74 tuổi lan nhanh, thành đề tài thời sự suốt thời gian qua.
Khung cảnh trong nhà ông Xê rất thanh bình với vườn cây, ao cá. Cụ ông đang còng lưng cất vó ở bờ ao, cụ bà Nguyễn Thị Thực thì đang ngồi tuốt rau ngót chuẩn bị bữa tối. Khi được hỏi chuyện mối tình già, ông Xê bảo: “Khổ lắm cháu à. Có lẽ ông là người đi trước thời đại, không hợp với phong tục ở quê, nên bị dị nghị nhiều lắm. Cái làng, cái xã này họ coi chuyện của ông bà như chuyện hài ấy, cứ lôi ra bàn tán suốt ngày”.
Ông Trần Quang Xê có một cuộc đời khá vất vả. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Quýt, sinh năm 1931, hơn ông Xê 2 tuổi, từng là du kích cứu thương. Năm 2007, bà Quýt đổ bệnh nặng, con cháu đưa đi viện, mới biết bà bị ung thư não, chạy chữa khắp nơi nhưng khó qua khỏi. Năm 2008, một ngày mưa giông, bà Nguyễn Thị Quýt, dặn các con nhớ tìm cho ông một bà vợ, để có người đỡ đần sớm hôm. Rồi bà Quýt quay sang nói với chồng: “Ông ở một mình, mà ông vụng thế, không biết làm việc nhà, tôi đi rồi thì quần áo ai giặt cho ông, cơm nước ai nấu. Ông cứ chủ động đi tìm bà khác đỡ đần, chứ sống một mình khổ lắm!”. Dặn dò con cháu xong, chỉ chỗ cất giấu tiền, vàng cho chồng xong, bà Quýt nhắm mắt ra đi thanh thản.
Ông Xê ở vậy suốt mấy năm trời để hương khói cho vợ nhưng vì cô đơn quạnh quẽ mà chả thiết làm gì, cơm không thèm nấu, cá không thèm bắt, cỏ mọc đầy vườn, ông cũng mặc kệ. Con cái ông Xê trông bố mỗi ngày thêm héo hắt thì rầu lòng, lo lắng. Đàn con nghĩ, cứ tình trạng thế này, rồi không sớm thì muộn, bố cũng đi theo mẹ, nên nhớ lại lời mẹ dặn, họ đã chủ động đi tìm vợ cho bố.
Sau chưa đầy 1 tuần tán tỉnh, bà Thực quyết định về chung sống với ông Xê.
Sau chưa đầy 1 tuần tán tỉnh, bà Thực quyết định về chung sống với ông Xê.
Mấy người con vừa chủ động đi tìm những bà góa chồng, vừa nhờ vả bạn bè tìm hộ. Gặp bà nào thấy ưng ý, họ lại chụp ảnh đem về cho bố xem để bố duyệt. Tuy nhiên, các "ứng viên" mà con cái ông mang về đều bị ông từ chối ngay khi nhìn ảnh, giới thiệu bà nào ông cũng chê. Nghĩ chuyện tìm vợ đâu có đơn giản, cũng phải tán tỉnh, tìm hiểu, xem có hợp duyên không thì mới lấy chứ, nên ông quyết định đi tìm vợ.
Ông Xê già rồi, sức yếu, mắt kém, không đi được xe máy, nên con cháu sắm cho ông cái xe đạp. Ngoài ra, ông còn tự sắm thêm phương tiện để “tán gái” là cái điện thoại di động chụp được hình, quay được phim. Có xe đạp, có điện thoại rồi, hễ nghe tin ở xóm nào, xã nào có bà góa, là ông đạp xe tìm đến làm quen, tìm hiểu.
Trong điện thoại của ông bây giờ vẫn lưu giữ hình ảnh của người vợ quá cố trong bộ quân phục trang nghiêm, hiện ở màn hình. Ông Xê bảo, mỗi khi nhớ vợ, ông lại mở điện thoại ra ngắm bà, rồi trò chuyện cứ như bà đang ngồi trước mặt. Trong file ghi ảnh mà ông mở ra rất thuần thục, thấy có khuôn mặt của mấy bà liền. Bà thì già quá, không đủ sức khỏe để chăm sóc ông, nếu có lấy về thì chỉ làm khổ cả hai, bà thì có vẻ đanh đá, sợ lấy về, làm chồng ông, nên ông cũng loại; bà thì to béo quá, mà ông thì nhỏ con, đứng bên nhau trông không cân xứng.
Trong số những bà có hình trong điện thoại, ông Xê kể kỹ nhất về 3 bà, là bà Tiến, bà Hồi và cô Dưỡng. Đây là 3 bà mà ông đã mất khá nhiều công sức tán tỉnh, tìm hiểu. Tuy nhiên, con cháu lại nhất quyết không đồng ý cho ông lấy bà Tiến.
Còn bà Hồi thì ông “kết” lắm, mê bà như điếu đổ. Ông Xê đã suýt lấy được bà, nhưng đến phút cuối, thì bà quay sang từ chối, không muốn đi bước nữa. Bà Hồi làm ông đau khổ, thẫn thờ, thất tình mất thời gian dài. Cô Dưỡng cũng “kết” ông và ông cũng “kết” cô. Hai người đã định ngày về với nhau, cũng đã tính làm vài mâm báo cáo tổ tiên, song cuối cùng ông lại từ chối.
Lý do là cô Dưỡng còn trẻ quá, mới 50 tuổi. Qua tìm hiểu thì ông được biết, cô Dưỡng vẫn còn khả năng sinh đẻ. Nếu ông lấy cô Dưỡng, nhỡ "tòi" ra đứa con, thì thực sự không ổn. Lý do ông Xê thoái thác lời cầu hôn với cô Dưỡng là vì thế.
Người đàn bà định mệnh của cuộc đời ông Trần Quang Xê là bà Nguyễn Thị Thực, 74 tuổi. Ông Xê quen bà Thực qua một lời giới thiệu. Khi ông ngỏ lời một bà không “đổ”, bà này đã giới thiệu ông với bà Thực ở xã Thắng Thủy, cách nhà ông Xê chừng 6 km.
Hái xong mớ rau ngót, ngồi trước ngôi nhà hạnh phúc, bà Thực vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa kể về cuộc đời mình. Bà lấy chồng, sinh được 4 người con. Chồng bà mất vì bạo bệnh từ 20 năm trước. Dù đã cao tuổi, song vẫn có một số người hỏi cưới bà. Tuy nhiên bà nhất định không đi bước nữa, cứ ở vậy lam lũ nuôi con trưởng thành. “Hôm 12 tháng Chạp, ông Xê lóc cóc đạp xe đến chơi, tôi cứ buồn cười. Tôi bảo, cái ông này, già thế còn đi tán gái, người ta cười chết. Ông ấy lại bảo, cười thì hở mười cái răng, kệ người ta”, bà Thực tủm tỉm cười kể lại buổi đầu gặp gỡ.
Buổi gặp đầu tiên, ông Xê trình bày gia cảnh của mình, rồi hỏi kỹ lưỡng về gia cảnh của bà Thực. Trình bày, hỏi han tỉ mỉ xong, ông Xê lóc cóc đạp xe ra về. Bà Thực bảo: “Ông ấy đi rồi, tôi thấy buồn cười quá, cứ như chuyện hài. Nhưng lạ ở chỗ, đêm nằm trằn trọc, nghĩ giá có ông ấy ở cạnh, trò chuyện thì có phải đỡ buồn không. Cái ông này tính hài ước, nói chuyện vui đáo để”.
Tối hôm sau, ông Xê không đến, nhưng lại gọi điện cho bà Thực. Hai ông bà trò chuyện trên trời dưới bể, nóng bỏng cả điện thoại, hỏng cả sim. Sau hôm đấy, cứ một ngày thì gọi điện “buôn chuyện”, một ngày ông Xê lại lóc cóc đạp xe 6 km dọc sông Luộc đến gặp bà Thực.
Dù không đăng ký kết hôn, nhưng hai cụ đã lập bản 'cam kết hôn ước' .
Dù không đăng ký kết hôn, nhưng hai cụ đã lập bản 'cam kết hôn ước' .
Sau một tuần gặp gỡ, thấy “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, ông Xê liền ngỏ lời: “Tôi mến bà lắm rồi. Bà về ở với tôi nhé? Tôi với bà thì chẳng xây dựng tương lai làm gì nữa, nhưng nương dựa vào nhau sống cuộc đời còn lại. Sớm hôm có người chuyện trò vui vẻ, tôi và bà đều bớt cô đơn bà ạ”.
Nghe ông Xê tỏ tình, bà Thực suy nghĩ lắm. Nếu còn trẻ thì không nói làm gì, đằng này đã già rồi, con cháu, xóm làng dị nghị, nên bà Thực bảo: “Cảm ơn ông thương tình, nhưng tôi xin phép ra Giêng sẽ trả lời”. Không đợi được đến tháng Giêng, ngày 18 tháng Chạp, sau hôm tỏ tình, sau đúng 6 ngày quen nhau, ông Xê và con cháu đã kéo sang nhà bà Thực định ngày lành tháng tốt để đưa bà về.
Tuy nhiên, có một điều khó là các con bà Thực đều phản đối quyết liệt. Có anh còn khóc lóc xin cụ đừng “bôi gio trát trấu” vào mặt con cái. Tuy nhiên, cảm động trước tình cảm của ông Xê, nên bà Thực nhất quyết đi bước nữa.
Hai ngày sau, ngày 20/12/2012, ông Xê làm 10 mâm cơm, với đông đủ con cháu, đại diện họ hàng, chính thức tuyên bố lấy bà Thực về làm vợ. Không có loa đài xập xình, rình rang như đám cưới hiện đại, song cũng có màn trao nhẫn và hoa tai để khẳng định tình yêu mãi mãi.
Ông Xê giơ ngón tay khoe chiếc nhẫn vàng chóe to tướng, còn bà Thực được trao cho đôi hoa tai lấp lánh ánh vàng. Như vậy, tính ra, từ lúc làm quen, đến lúc hai người về chung sống với nhau, vẻn vẹn chỉ có 8 ngày.
Theo ông Xê, sở dĩ ông “đánh nhanh thắng nhanh” được như vậy là vì các con ông đều nhất trí ủng hộ. Con cái nhìn thấy ảnh bà Thực phúc hậu mà ông Xê chụp trong điện thoại, lại nghe ông kể về tính cách chịu thương chịu khó, ở vậy nuôi con suốt 20 năm trời, thì đồng ý liền.
Hiện tại, 6 người con dâu rể của bà Thực đã chấp nhận cho bà Thực đi bước nữa và đã đến thăm ông bà, vui vẻ gọi ông Xê là dượng. Đám cháu thì vài hôm lại phóng xe máy đèo nhau xuống thăm bà, kêu nhớ bà.
Hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn, ông Xê bảo, đã mấy lần ông giục bà về xã xin giấy giới thiệu để làm đăng ký, nhưng bà Thực không đồng tình. Bà Thực bảo, già rồi, sống với nhau bằng cái tình là chính, chứ đăng ký kết hôn cũng chả để làm gì.
Dù không có đăng ký kết hôn, song ông bà lại có tờ “cam kết hôn ước”. Bản cam kết này do hai bên gia đình soạn thảo, với nội dung, 12 người con của hai cụ đều phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ cho đến khi mất.
Hiện tại, ông bà vẫn chưa cần phụ thuộc hoàn toàn vào con cái. Hàng ngày ông bà vẫn tự trồng rau, bắt cá sống qua ngày. Ngoài ra, ông Xê khoe, bà Quýt, trước khi mất, đã để lại cho ông 70 triệu đồng. Ông gửi số tiền đó vào ngân hàng, mỗi tháng lĩnh mấy trăm ngàn tiền lãi. Số tiền không nhiều nhưng ông bà chắt chiu thì cũng đủ sống nốt cuộc đời đạm bạc.
Theo Gia Đình và Xã Hội

0 nhận xét:

Đăng nhận xét