Những bài học quy hoạch đô thị chưa hề cũ
Bảo tồn và Đổi mới
68 tấm bản đồ Hà Nội, cũ nhất là bản đồ năm 1873, mới nhất cũng được ấn hành từ năm 1954, đang thu hút sự chú ý của không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn đông đảo người dân thủ đô.
Và hơn cả sự tò mò về những sử liệu giá trị, người Hà Nội quan tâm đến triển lãm này (*) bởi chúng nhắc lại nhiều bài học về quy hoạch đô thị không hề cũ. Hà Nội, từ kinh kỳ bị bỏ rơi... Một thời gian khá dài từ khi Gia Long Nguyễn Ánh dời đô vào Huế (1802) đến khi người Pháp đặt chân lên Bắc Thành (1882) - tên mới của Thăng Long, kinh đô của nước Đại Việt đã bị “bỏ rơi” trong gần một thế kỷ. Từ việc đổi chữ “long” trong “Thăng Long” từ ý nghĩa là “rồng” - biểu tượng của vương quyền - sang ý nghĩa là hưng thịnh, đến việc đổi tên thành Bắc Thành - chỉ còn là một thành (thị) có một tòa thành phía bắc như bao tòa thành khác. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (thành phố trong sông), nhà Nguyễn xóa hẳn dấu vết của một Thăng Long xe ngựa, lâu đài. Một số đáng kể những thành phần vật liệu quý giá nhất của thành quách, lâu đài bị di dời, từ cột kèo rui mè đến chân tảng, phù điêu... vào Phú Xuân, làm nên một kinh đô Huế đậm chất vương triều Nguyễn. Hà Nội lúc ấy bên ngoài chỉ còn đơn giản là một phố thị với những hoạt động giao thương và những làng nghề truyền thống. Năm 1858, Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng, bắt đầu cuộc xâm chiếm Đông Dương. Tháng 11-1873, Franc5oise Garnier chỉ huy quân đánh thành Hà Nội. Nhà Nguyễn chủ hòa, nhưng người Hà Nội vẫn kiên cường chống trả dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Năm 1884, vua Tự Đức ký hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội chính thức bước vào thời kỳ thuộc địa. ... đến một đô thị châu Âu hiện đại Nhưng lịch sử cận đại bi hùng, đầy máu và nước mắt của Hà Nội không chỉ có những trang đen tối. Với “thân phận” một xứ thuộc địa, Hà Nội hưởng một nền hành chính thuộc địa với tất cả những văn minh khai sáng cũng như bóc lột man rợ của nó. Ngày 19-7-1888, Sadi Carnot, tổng thống Pháp, ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Đến năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn liên bang Đông Dương. Với sự quy hoạch của người Pháp, thành phố dần có được bộ mặt mới. Lũy thành thời Nguyễn bị triệt hạ dần, đến năm 1897 thì kể như phá xong, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc với vết đạn năm 1873, Đoan Môn (lần cửa trong cùng dẫn vào cung vua) và lan can rồng đá trong Hoàng thành cũ. Năm 1901, các công trình phủ thống sứ, nhà bưu điện, kho bạc, nhà đốc lý... được xây dựng. Khi những nhà tư bản người Pháp tới Hà Nội ngày một nhiều hơn, các rạp chiếu phim, nhà hát, khách sạn... dần xuất hiện, những con phố cũng thay đổi để phù hợp với tầng lớp dân cư mới. Năm 1921, thành phố có khoảng 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa (theo Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin). Tất cả những biến động lịch sử, xã hội ấy tuy không thể bao quát hết, cũng không thể đi vào từng chi tiết tỉ mỉ, nhưng với những ai quan tâm, nó hiển thị một cách sinh động trong những tấm bản đồ quy hoạch, theo thứ tự thời gian, từ khu vực trung tâm đến ngoại ô, từ những ngôi nhà mặt phố đến đường tàu điện, từ cây cầu Long Biên lừng danh đến phố Lò Lợn dân dã. Đặc biệt hơn, với một nền văn hóa có “thói quen lưu trữ bằng cách truyền miệng”, những tư liệu và bản đồ có từ 60-130 năm tuổi đã cho người hôm nay thấy một quyết tâm khoa học và bài bản của những nhà cầm quyền và những kiến trúc sư quy hoạch từ hơn một thế kỷ trước. Khi xác định địa giới thành phố, phân chia khu vực sinh sống giữa người châu Âu và người bản xứ, phá bỏ nhà tranh vách đất ở khu trung tâm, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, đường điện, quy hoạch ô phố theo mạng lưới bàn cờ..., người Pháp đã nhanh chóng biến Hà Nội từ một kinh kỳ bị bỏ rơi thành một thành phố mang phong cách châu Âu trên diện tích 1.220ha, rồi ngày càng phát triển về chiều sâu với những bản quy hoạch chi tiết, khả thi và nhiều công trình đặc sắc. 5km tài liệu và những bài học quy hoạch đô thị không bao giờ cũ Nghị định số 91 ngày 7-7-1921 của Thống sứ Bắc kỳ về các công trình xây mới tại một số đường của Hà Nội đã quy định rất cụ thể: “Tại 26 con đường của thành phố Hà Nội và tất cả các đại lộ được mở trên khu đất của công ty điền thổ, từ đại lộ Carnot (Phan Đình Phùng ngày nay) đến đường Duvilliers (Nguyễn Thái Học) chỉ được phép xây dựng những căn nhà kiểu châu Âu, cấm xây nhà kiểu bản xứ hoặc nhà chia ô. Số người sử dụng ở mỗi phòng ngủ tối đa là 1 người/25m2”. Hà Nội thời đó không chỉ thực thi Luật đô thị nghiêm ngặt, những chính sách và đặc biệt quy hoạch đô thị không chỉ khiến người dân tận hưởng được những điểm ưu việt mà còn rất dễ dàng khi thực thi nó. Xem rất kỹ những bản đồ trong triển lãm, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính tâm đắc: “Ernerst Hebrard là một kiến trúc sư quy hoạch bậc thầy. Ông rất hiểu Hà Nội, hiểu lối sống của các tầng lớp cư dân khác nhau để vạch những nét quy hoạch khác nhau cho từng khu dân cư. Tôi thán phục nhất là vì họ vẫn giữ nguyên được khu phố cổ, trong khi xây mới hoàn toàn một khu phố Tây với những kiến trúc thuộc địa rất hài hòa và tương xứng với khu phố cổ. Hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước cũng là những bài học rất bổ ích về quy hoạch. Không phải ngẫu nhiên mà đến thời điểm hiện tại, mỗi khi Hà Nội ngập lụt, hai khu phố này vẫn bình yên vô sự. Và vào giờ cao điểm không bao giờ tắc đường”. Đi sâu hơn vào những vấn đề quy hoạch mang tính lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Người Pháp có những sai lầm khi quy hoạch Hà Nội như phá thành cổ Hà Nội, lấp một số ao hồ... nhưng họ nhận ra sai lầm rất nhanh và ra sức sửa chữa. Các đời quan toàn quyền sau đều phê phán mạnh mẽ và công khai người tiền nhiệm vì những sai lầm này. Đã trót phá thành cổ, người Pháp giữ nguyên khu phố cổ Hà Nội với tất cả đặc thù của nó, thiết kế và quy hoạch một hệ thống thoát nước cho khu phố Tây mới rất tốt, phải nói là gần như hoàn hảo. Có những câu hỏi mà đến hôm nay chúng ta vẫn phải đặt ra để thấy tầm nhìn trong quy hoạch Hà Nội của người Pháp: tại sao sau hơn một thế kỷ quy hoạch đó vẫn khắc phục được những áp lực về dân số, hạ tầng và không bị rơi vào bế tắc như các khu đô thị hiện đại? Tại sao có nhiều giá trị kiến trúc Pháp và Pháp được Việt Nam hóa trong thời kỳ này còn nguyên giá trị, điều mà kiến trúc của chúng ta sau này không thể đáp ứng nổi?”. Ông Ngô Thiếu Hiệu - nguyên giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia, người đã dành phần lớn cuộc đời truy tìm những tài liệu, hồ sơ lưu trữ về Hà Nội trong mọi thời kỳ lịch sử và tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày, triển lãm, cung cấp tư liệu cho hàng ngàn xuất bản phẩm về Hà Nội - nồng nhiệt bày tỏ: “Không một địa danh nào trên đất nước này lại có nhiều tài liệu lưu trữ về nó như Hà Nội. Riêng những tài liệu mà chúng tôi tiếp cận và lưu trữ được đã lên đến... 5km (file tài liệu xếp đứng, sát nhau). Số lượng bản đồ và tài liệu văn bản mà trung tâm công bố hôm nay chỉ là một số vô cùng nhỏ trong kho lưu trữ khổng lồ đó. Vấn đề là người quản lý quy hoạch đô thị hôm nay cần có sự tiếp cận, khảo sát và học hỏi nghiêm túc từ nguồn tài liệu quý này”. “Triển lãm này có rất đông người dân đến xem, nhưng lại không có bóng dáng một quan chức thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc hay xây dựng nào. Hi vọng, vì triển lãm còn kéo dài, sẽ có một trong số các vị ấy quan tâm, và từ những tấm bản đồ quy hoạch cũ này tìm ra được một cái gì đó bổ ích cho những quyết định quy hoạch cho tương lai” - ông Hiệu nói thêm. VIỆT HOÀI ___________ (*) Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trưng bày các tài liệu với chủ đề “Quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội giai đoạn 1873-1954”; giới thiệu 68 tấm bản đồ Hà Nội xưa và các văn bản quan trọng giúp người xem tìm hiểu về Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, trong đó có một số bản đồ gốc trên chất liệu vải, được xem là nguồn tư liệu quý, có giá trị lịch sử lớn. Triển lãm kéo dài từ 16-8 đến 31-12-2010 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 đường Trung Yên 1, quận Cầu Giấy). |
Năm 1956, được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, bước đầu các kiến trúc sư Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra một sơ phác “Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội”. Mặc dù quy hoạch mới chỉ ở dạng sơ đồ, song phương án này đã có một số điểm đáng chú ý và được triển lãm để lấy ý kiến người dân vào năm 1960. Tuy không trở thành hiện thực nhưng những điểm hay trong đó được sử dụng để tham khảo cho quy hoạch tổng thể Thủ đô sau này.
Đầu năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc và năm 1966, bom Mỹ đã ném xuống Hà Nội, thế nhưng những công trình vẫn mọc lên. Phần lớn trong số đó do các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô viện trợ, giúp đỡ thiết kế và xây dựng. Phần còn lại do các kiến trúc sư thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đảm nhiệm và sau đó là lớp kiến trúc sư được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tầm nhìn của họ còn hạn chế, có lúc rơi vào quan điểm sản xuất nhỏ, lại có lúc tưởng có thể áp dụng nguyên xi kinh nghiệm của những nước khác, chưa thấy được kiến trúc thành phố phải có những đặc điểm phù hợp với tình trạng một nước đang phát triển. Trong lĩnh vực kiến trúc nhà công cộng, nét đặc trưng nhất thời kỳ này là sự ra đời những công trình hành chính, trụ sở cơ quan và những trường học lớn để đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội. Các trụ sở: Bộ Xây dựng, khu liên cơ Vân Hồ, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê, Bộ Công thương, Ủy ban Khoa học xã hội… đều cùng một phương pháp xây dựng (tường gạch, sàn panen) và phong cách đối xứng na ná như nhau. Mặt bằng, mặt đứng đều đơn điệu, gờ cửa sổ, lỗ thông gió có thể thấy ở đâu cũng có, rồi thêm vào những chi tiết kiến trúc như gờ ngang, sọc đứng… đánh dấu một chủ nghĩa kinh nghiệm sơ lược kết hợp với một phong cách nhiệt đới máy móc. Những công trình này không có cá tính, do vào thời điểm đó, nhiều kiến trúc sư cùng tham gia thiết kế và trình duyệt thì nhiều người góp ý sửa đổi.
Trường học là nhu cầu bức thiết cần phải đáp ứng ngay để có nơi đào tạo cán bộ. Từ nhu cầu đó đã dẫn đến một loạt trường được xây dựng theo một công thức chung. Trường Đại học Thương nghiệp, Đại học Nông lâm, Thủy lợi, Kinh tế – Kế hoạch… đều có bố cục là một khối nhà lớn ở giữa, hai khối nhà học hai bên hoặc một hội trường lớn ở giữa, hai nhà học hai bên. Lối kiến trúc đối xứng này tuy tôn được vẻ đồ sộ, to lớn, nhưng kềnh càng, không tiện dụng. Chúng toát lên quan niệm đơn giản của kiến trúc sư thiết kế về công năng phức tạp của các trường đại học. Trường đại học có các thành phần chức năng đáp ứng tương đối đầy đủ nhất yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học thời kỳ này là Đại học Bách khoa (Khởi công năm 1961, hoàn thành khoảng năm 1965, do Liên Xô thiết kế và viện trợ). Thời kỳ này, thành tựu đáng khích lệ thuộc về lĩnh vực kiến trúc nhà ở. Hà Nội đã đưa vào sử dụng một số khu nhà một tầng như: An Dương, Phúc Xá, Mai Hương, Đại La… và hai khu nhà ở hai tầng tại đường Bờ Sông. Đặc điểm của những khu nhà là thành phần công năng của căn hộ đơn giản, chỉ gồm một số dãy nhà chính, nhiều căn phòng xếp cạnh nhau, mỗi nhà chính có thể có dãy nhà phụ phía sau hoặc ở hai đầu hồi đặt bếp, vệ sinh. Những khu nhà này đã có tác dụng nhất định trong việc ổn định chỗ ở cho công nhân và nhân dân lao động. Theo số liệu thống kê, từ năm 1961 đến 1963, Hà Nội đã xây dựng được 9.700m2 nhà ở kiểu này. Dự kiến trong 5 năm, sẽ cố gắng xây dựng được khoảng 160.000m2 nhà ở để giải quyết được khoảng 1/6 khối lượng yêu cầu đề ra trên cơ sở dân số đô thị lúc đó. Tuy nhiên Mỹ ném bom miền Bắc nên kế hoạch dự kiến bị chậm lại.
Trong những năm 1960, Hà Nội xuất hiện một công trình thu hút mạnh mẽ sự hưởng ứng sáng tác của giới kiến trúc đó là trụ sở Quốc hội. Tuy đồ án được giao cho tập thể chuyên gia Trung Quốc chịu trách nhiệm chính, nhưng các kiến trúc sư Việt Nam đã cố gắng chủ động đề xuất ý kiến với ý thức nghề nghiệp cao, trong đó phải kể đến Quy hoạch chi tiết do KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Lê Văn Lân đảm nhận; về công trình là KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Tạ Mỹ Duật, KTS Trần Hữu Tiềm. Đó chính là những tác phẩm mở đầu cho các thiết kế nhà công cộng tiếp đó. Trong những năm 1970 và 1980 có hai công trình vô cùng quan trọng là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cả hai công trình này đòi hỏi phải có giá trị kiến trúc vì không chỉ cho ngày hôm nay mà còn cho hàng trăm năm sau, và có rất nhiều kiến trúc sư Việt Nam tham gia.
Năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, luồng gió mới tác động đến kiến trúc Hà Nội bắt đầu vào năm 1990 và đã tạo ra những thay đổi rõ nét. Số lượng công trình nhiều hơn, số tầng cao hơn, đánh dấu giai đoạn của nền kinh tế thị trường làm cho Hà Nội sinh động, hấp dẫn và tăng thêm tính hiện đại. Những cao ốc văn phòng và khách sạn do nước ngoài đầu tư như: Daewoo, Hilton, Nikko, Hanoi Tower, Sofitel Plaza… đã liên tiếp mọc lên. Bên cạnh những công trình do các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế thì một số kiến trúc sư Việt Nam bắt đầu đặt được một chân vào các công trình lớn này. Phong cách của công trình và cá tính của kiến trúc sư đã rõ nét hơn, bắt đầu hình thành trào lưu và xu hướng. Xu hướng hiện đại cách tân, nhấn mạnh việc dùng kết cấu mới, vật liệu mới chủ yếu là kính, thép, bê tông và vật liệu trang trí. Xu hướng này nhấn mạnh đường thẳng, góc vuông, nhấn mạnh chất “trí tuệ” của ngôn ngữ kiến trúc. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu như: Tòa nhà Bảo Việt, Hamatco (KTS Vũ Hoàng Hạc), Trung tâm Tin học – Viện Khoa học Việt Nam (KTS Tạ Xuân Vạn), Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam (KTS Đặng Thái Hoàng), Công ty Mitsubishi (KTS Nguyễn Hải), Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội (KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Đặng Kim Khôi và cộng sự)… Trào lưu hiện đại này ngày một phát triển và tiến bộ hơn cùng với sự phát triển của kỹ thuật và vật liệu xây dựng mới. Nổi bật có công trình Nhà ga T1 – Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (KTS Lương Anh Dũng) được đánh giá là một thành công lớn trong kiến trúc hiện đại. Năm 2000, “Tạp chí Kiến trúc” đã xếp hạng Nhà ga T1 là công trình thiết kế đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên, công năng của nhà ga này lại không ổn, chỉ cần 2 chuyến máy bay về cùng lúc là ùn tắc.
Năm 1998, khu nhà 9 tầng đầu tiên được xây dựng ở Bắc Linh Đàm đã mở đầu cho thời kỳ mới – thời kỳ của khu đô thị với chung cư cao tầng. Các chung cư “đổi mới” như: Định Công, Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Làng quốc tế Thăng Long… là một bước tiến thực sự. Trước tiên là việc thiết kế các căn hộ có diện tích sử dụng gấp đôi, gấp ba so với trước, tức khoảng 70m2 tới 150m2 (cá biệt lên tới 180m2), bảo đảm cho các gia đình đủ chỗ sinh hoạt và do đó yêu cầu cơi nới mở rộng diện tích không còn được đặt ra. Thoát khỏi nguy cơ bị cơi nới là yếu tố quan trọng hàng đầu để kiến trúc nhà ở và không gian ở duy trì được cấu trúc cần có của mình, do đó không bị biến dạng. Khu đô thị mới được xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong một môi trường tự nhiên tốt đó là các khu ở văn minh hiện đại có tiện nghi sinh hoạt cộng đồng tốt. Kiến trúc phong phú về thể loại: Biệt thự, nhà liền kề, xếp dãy, nhà chung cư. Các căn hộ độc lập khép kín, được bảo đảm thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.
Khu đô thị mới tạm coi là phần kết về kiến trúc Hà Nội thế kỷ XX với thành công và thất bại. Tuy nhiên nó là bài học để Hà Nội tự điều chỉnh làm cho kiến trúc Thủ đô ngày càng đa dạng nhưng không mất đi nét riêng vốn có từ thời các chế độ phong kiến định đô cũng như các kiến trúc mang nhiều dấu ấn giao hòa Đông – Tây của một thời sau đó.
Bảo tồn phố cổ Hà NộiQuá trình đô thị hoá, đặc biệt là sự tăng dân số cơ học đã làm cho phố cổ ngày càng bị biến dạng và xuống cấp. Muốn “cứu” phố cổ khỏi tình trạng này thì phải giải được bài toán giãn dân. Dưới đây làý kiến của một số chuyên gia về vấn đề giãn dân để bảo tồn phố cổ. TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội: Chủ trương giãn dân trong phố cổ là một chủ trương hay nhưng thực tế đây là một việc rất khó.Tuy nhiên, nếu có chủ trương và quyết tâm thì vẫn làm được. Việc giãn dân không thể làm cùng một lúc mà cần có tính toán. Đầu tiên phải giãn dân ở khu di tích trước, khi đã nhận diện rõ giá trị của di tích rồi thì phải chuyển dân trong đó đi để bảo tồn.Nhưng vấn đề là phải tìm được một phương án hợp lòng dân ý Đảng thì mới chuyển được. Thành phố có thể xây dựng một khu vực nào đấy phù hợp với những đặc thù của người dân phố cổ để họ có thể kinh doanh buôn bán được, thậm chí còn tạo ra một khu thương mại mới cho thành phố. Chứ đừng có chuyển theo kiểu tôi đang đi cày lại bảo tôi đi bán hàng, hoặc tôi đang là một vũ công lại bảo tôi đi đá bóng.Việc giãn dân trong phố cổ không nên cứng nhắc chuyển sang mấy cái nhà bất kỳ nào đó mà cần phải tính đến cả những yếu tố như tâm lý, địa lý... Chúng ta đã có những bài học xây dựng tốn tiền nhưng không sử dụng, có những nhà biệt thự không ai mua, thì giãn dân trong phố cổ cũng phải tính đến điều kiện như vậy, cần phải đảm bảo điệu kiện sống cho người dân. Theo tôi đấy mới là mấu chốt quan trọng, chứ không phải là người dân không muốn chuyển đến những nơi ở mới tốt hơn. Nếu muốn người dân tự nguyện di dời sang nơi ở mới thì không thể chỉ có lý thuyết mà cần phải có những quy định, những chế độ trả lời cho câu hỏi: khi chuyển sang nơi ở mới tôi sẽ được hưởng thụ những gì và cuộc sống trong tương lai sẽ ra sao?. Câu trả lời sẽ phải là: Cuộc sống của quý vị ít nhất cũng được đảm bảo như hiện tại nếu không nói là hơn thế. Và câu trả lời đó không chỉ là câu trả lời mà là một thực tế, một thực thể được chính người nhận câu trả lời đó kiểm tra và tiếp nhận. TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội: Chính sách di dân để giãn dân phố cổ cũng đã có rồi nhưng không hợp lý. Nó cần phải có một cơ chế ưu đãi thích hợp. Thành phố đã xác định khu vực trên 20ha gắn với khu đô thị Việt Hưng để giãn dân song vẫn chưa xác lập được mô hình một cơ chế tạo được sức hút với người dân và có tính khả thi. Theo tôi, trước hết phải lên ngay kế hoạch di dời các nhà dân đang lấn chiếm các di tích. Sau nữa là xác định ngay các dự án bảo tồn một vài tuyến phố quan trọng, công bố ngay giải pháp để hơn 70% nhà đang xuống cấp được cải tạo thích hợp. Vận động đầu tiên ở các phường, tổ dân phố để lấy nguồn lực thực hiện công tác di dời...Tuy nhiên, nếu muốn người dân phố cổ chấp thuận đi thì không phải chỉ tạo cho họ một môi trường sống tốt hơn, đồng thời tạo công ăn việc làm mà còn phải tạo được các cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện chất lượng cao...Để bảo tồn lâu dài, phố cổ sẽ chủ yếu làm nơi giao dịch, phải chuyển sản xuất gia công đi nơi khác, giảm bớt hộ khẩu thường trú, giải phóng và tôn tạo lại hơn 50 di tích đang bị xâm phạm nghiêm trọng hiện nay, xây dựng thêm nhiều vườn hoa, cây xanh để bảo vệ môi trường. Nhà văn Băng Sơn: Tôi rất ủng hộ dự án giãn 10.000 dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng. Tuy nhiên để thuyết phục được người dân đi không hề dễ. Muốn làm được, Nhà nước buộc phải chấp nhận chịu thiệt, phải mua đắt, bán rẻ. Chứ bồi thường theo kiểu cò kè bớt 1 thêm 2 là không ai nghe, vì đất ở phố cổ là tấc đất tấc vàng. Nếu tôi là lãnh đạo thành phố, tôi sẽ cho không đất ở Việt Hưng. Bên cạnh đó, phải để cho thành phố hoạt động về đêm. Cái hồn của phố cổ chính là làm ăn buôn bán. 11 giờ đã phải dẹp hết mọi hoạt động thì thành làng quê mất rồi. Chính quyền thành phố cũng cần phải có chính sách quyết liệt hơn trong việc xử lý, cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm, phá hoại di tích.Quyết liệt cả trong việc bảo tồn những vốn quý dù chỉ nhỏ nhặt như một mẹt kim chỉ, hay một lò than ngô nướng vỉa hè. Giáo sư Phạm Huy Dũng - Đại học Thăng Long: Tôi biết thành phố cũng đã có khu di dân cho phố cổ nhưng không thực hiện được. Theo tôi khu di dân phải là khu Nhà nước làm hạ tầng cơ sở để bán trực tiếp cho người dân, dân phố cổ sẵn sàng mua và trả tiền ngay. Còn nếu Nhà nước giao cho công ty nào đấy thực hiện thì nó lại lên mấy “cây” một mét thì những người dân phố cổ như tôi không thể nào mua được. Kế hoạch di dân nên để người dân tham gia thì mới thành hiện thực. Việc giãn dân ra khỏi khu phố cổ tôi nghĩ là một ý kiến táo bạo và rất hay vì người dân phố cổ có đủ sức làm nên một khu phố mới, một “Hoàn Kiếm” mới, với cái “chất” của người dân phố cổ họ còn có thể tạo thêm một khu phố nữa hiện đại cho thành phố.Song chết nỗi là khu giãn dân lại được cho công ty nào đó rồi mua bán lộn xộn và người dân không được hưởng, còn nếu tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh thì nhà cửa và những người dân không đến nỗi như thế này. Nhà nước cần phải tạo ra một khu phố hẳn hoi và phải cho ngươi phố cổ ra đấy ở, đồng thời cũng có ràng buộc với người dân phố cổ, nếu chấp nhận di dời thì mới được ở đó thì tôi nghĩ chắc là người dân phố cổ cũng đồng tình. Kỹ sư Đặng Trần Chính – Chuyên gia kết cấu công trình xây dựng: Phương án giãn dân là hợp lý tuy nhiên phải có giải pháp kinh tế phù hợp. Rất nhiều hộ gia đình phản đối việc di dời không phải chỉ do thói quen mà vì cuộc sống của họ gắn bó với công việc kinh doanh nhỏ lẻ. Nếu chuyển sang một khu đô thị khác thì họ biết buôn bán cái gì, lấy gì để sinh sống. Do vậy, thành phố cũng nên xem xét đến yếu tố nghề nghiệp trong việc di dân, đồng thời phải xây dựng một môi trường sống chất lượng cao phục vụ cho việc tái định cư.Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án này, thành phố cần tổ chức các cuộc thăm dò minh bạch nguyện vọng của người dân, để biết họ muốn gì, yêu cầu, đòi hỏi gì hoặc sáng kiến gì với việc di dời. Có sự bàn bạc, phối hợp giữa chính quyền và người dân thì mới có thể tìm ra cách bảo tồn tốt nhất đối với phố cổ. TS Nguyễn Doãn Tuân: Nếu nói rằng người dân muốn ở lại phố cổ là do thói quen thì theo tôi cũng không phải, phần lớn những người bị di dời đều nói như thế. Họ không muốn di dời là vì họ chưa nhìn thấy chân trời mới chứ không phải vì thói quen. Hơn nữa, thói quen ấy không nhất thiết phải đeo bám con người đến cùng. Thói quen sinh hoạt là do mình tạo nên, và nó cũng dễ thay đổi, dễ sửa chữa. Việc quen với cái tốt đẹp cũng nhanh lắm. Đi một xe máy cũ quen rồi nhưng khi anh có xe máy mới tốt hơn, đẹp hơn thì cũng làm quen được ngay, thậm chí chuyển cả sang đi ôtô thì cũng quen được. Đấy là tôi nói về yếu tố tâm lý, còn về quy phạm pháp luật thì nếu vì nhiệm vụ chung vẫn phải di dời. Cái đó đã được quy định vì lợi ích quốc gia. Song cái quan trọng là phải xây dựng được cơ chế chính sách cụ thể: Bảo tồn bằng cách nào, giãn dân bằng cách nào, nâng cao đời sống bằng cách nào. Dường như người dân chưa nhìn thấy tương lai của họ nên họ mới chán nản. Tất nhiên, giãn dân là công việc phải trăn trở mà chưa thể thực hiện ngay một lúc được. Đây cũng là vấn đề khó và đỏi hỏi sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và cả những người dân để đưa ra được một giải pháp hợp lý. (Theo KT&ĐT) |
"Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa... Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng những lời lẽ đau lòng như thế để nói đến công việc trùng tu các di tích hiện nay mà bắt đầu từ đền Đô (Bắc Ninh)...
Ngay trước cổng đền Đô là con sư tử... Tàu! - Ảnh: Đỗ Lãng Quân |
Quả thật bây giờ mỗi lần đi thăm các đền chùa lại thấy ngại. Ngại gặp sản phẩm trùng tu. Một ngày gần đây, một số anh em đồng học cũ chúng tôi năm nào cũng họp lớp, họp trường mãi chẳng còn gì nhiều để nói, bèn rủ nhau làm một chuyến du xuân sang bên kia sông Hồng về vùng văn hóa Kinh Bắc nổi tiếng. Thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ thăm chùa Bút Tháp, chùa Man Nương, chùa Dâu và buổi chiều qua đền Đô.
Đã là văn hóa, phải giữ từng ngày...
"Cụ" voi đá khổng lồ, mới toe và chẳng giống ai, được trưng bày ở khu vực trung tâm của đền Đô (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Lãng Quân |
Bút Tháp vẫn còn đẹp, Man Nương và chùa Dâu cũng thế. Theo tôi biết, một lẽ quan trọng (và đáng buồn): các nơi ấy không - hay là chưa? - được trùng tu những năm gần đây! Tôi sang đây nhiều lần, không lần nào không kinh ngạc về các tượng ở đấy, mỗi lần cứ như được khám phá thêm, vẫn sững sờ về khuôn mặt rất Phật mà rất đời, rất nhân loại mà vô cùng Việt, xưa mà hiện đại quá chừng của Man Nương, của các bà chúa “thuần nôm” ở các chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp, những tượng chân dung hiện thực đến lạ lùng ở Bút Tháp, hơn nửa thiên niên kỷ rồi vẫn đau đáu nỗi đau của những ông hoàng, bà chúa xưa bị giằng xé đến rách nát cả kiếp người giữa hạnh phúc riêng và quyền lực rồi hóa cũng chỉ phù du...
Thôi thì cũng còn được một số ít nơi như thế để thỉnh thoảng tìm về, suy ngẫm và được đắm mình trong văn hóa của cha ông nghìn năm không phai. Tôi cũng được biết các chùa ấy còn giữ được như thế một phần nhờ một người họa sĩ say mê và am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa cả một vùng đất này, say mê đến mức bỏ nhà sang ở ngay chùa, được mọi người trong chùa và bà con quanh vùng tin cậy, quý trọng gọi là “thầy”.
Có dạo một đại gia đem cúng chùa Bút Tháp hai lọ sứ Giang Tây cao lút đầu người, nếu ở nơi khác chắc đã được đem chưng sang trọng hai bên bàn thờ Phật rồi sẽ lạc lõng, kệch cỡm, chùa ta biến thành chùa Tàu, mà lại khó ngăn cản nổi.
Ông họa sĩ của chúng ta đã khéo léo cho đặt tạm hai cái lọ trọc phú kia ngoài hiên như là của ai gửi nhờ đấy, rồi lần sau tôi sang thì không còn thấy nữa, dẹp luôn đâu đó rồi. May quá! Hành động nhỏ ấy đã cứu Bút Tháp một phen không nhỏ, tôi dám nói thế. Văn hóa là vậy, tinh tế đến mức mong manh, một chút thô bạo có thể phá hỏng cái quý nghìn năm và mở đầu cho sự tàn hủy sẽ liên tục không ngừng. Đã là văn hóa thì phải giữ từng ngày...
Đèn treo ở các gian thờ của đền Đô không khác gì đèn chùm sang trọng ở khách sạn - Ảnh: Đ.L.Q. |
Tai họa của trùng tu
Sơn mới bằng... sơn Nhật Hôm trước tôi có nghe GS Phan Huy Lê kể ông rất xấu hổ khi đưa một số bạn nước ngoài lên thăm chùa Tây Phương, định khoe với các bạn những pho tượng la hán tuyệt vời. Khi đến nơi thì tất cả vị la hán ấy đã được sơn mới lại hết bằng... sơn Nhật. Chắc cả nước đều biết loại sơn hằng ngày vẫn được quảng cáo trên tivi: “Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp”! |
Hóa ra đi đền Đô cũng không uổng phí. Để mà biết thêm cái gọi là trùng tu các di tích văn hóa lịch sử đang gây tai họa tới mức nào. Quả thật có điều gì đó hầu như không thể tưởng tượng nổi. Ngay trước cổng đền là hai con sư tử... Tàu, ai đã đi Trung Quốc hẳn đều biết. Những con sư tử to tướng, khách sạn nào ở bên ấy cũng có đặt trước cửa, không ai bảo là không đẹp, nhưng chắc chắn chẳng ăn nhập gì hết với bất cứ đền chùa nào của ta. Vậy người ta định làm gì ở đây, các nhà trùng tu? Triển lãm văn hóa Trung Hoa chăng? Đố ai hiểu được.
Nhắm mắt bước qua hai con sư tử hùng vĩ ấy rồi vào đến tiền sảnh liền gặp hai tượng... người gì đây nhỉ? Là người Việt thời sơ khai chăng: ở trần, thân hình sơn trắng phau đến ngỡ bằng sứ, đầu quấn khăn đỏ, lại đóng khố đỏ, không thể không liên tưởng ngay đến... các chú Tễu rất vui mắt ở các phường rối nước. Cứ thế, cứ thế, các sáng tác độc đáo cái sau không kém cái trước, lần vô đến gian chính thờ tám vị vua Lý, đương nhiên có Lý Thái Tổ ngồi giữa, tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, mới toanh. Và ngẩng lên: suốt mấy gian, gian nào cũng lấp lánh những chùm đèn Tây to tướng, óng ánh, đúng nguyên đèn chùm sang trọng vẫn thấy ở... khách sạn Continental hay Rex Sài Gòn...
Hết chịu nổi, tôi quay ra. Và lần nữa tôi kinh ngạc: các bạn tôi, đều là những chuyên gia trong nhiều ngành khoa học, những người trí thức, tôi xin lỗi các bạn ấy, các bạn tôi điềm nhiên đi ngắm hết chỗ này đến chỗ nọ, vẫn cung kính và tấm tắc nữa, không ai có chút phản ứng nào trước đền thiêng đã bị làm đỏm kệch cỡm kia. Chẳng lẽ văn hóa của xã hội ta đã đến mức ấy, từ người quản lý văn hóa, người là chuyên gia trùng tu đến người trí thức, người dân thường?...Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa. Có người đã khẩn thiết kêu gào, không hề quá đáng đâu: Xin đừng trùng tu gì hết, chạm đến đâu là hỏng đến đó. Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu.
Một “sáng tác” ở đền Đô: Người Việt thời sơ khai hay chú Tễu ở phường rối nước? - Ảnh: Lãng Quân |
Các công trình đề cử đã được bình chọn theo 3 tiêu chí:
- Công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc, phù hợp với xu hướng kiến trúc tiến bộ, hiện đại (40%);
- Công trình - tổ hợp công trình kiến trúc có giá trị đột phá, tạo dấu ấn, làm biến đổi hình ảnh đô thị, cảnh quan môi trường sống, đi tiên phong trong công nghệ xây dựng và nghệ thuật kiến trúc dân tộc - hiện đại (40%);
- Công trình có giá trị sử dụng hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân, cũng như cải thiện môi trường sống đô thị và nông thôn (20%).
1.Khu đô thị Linh Đàm - Hà Nội
Một khu nhà ở với nhiều thể loại nhà ở, căn hộ cho tầng lớp bình dân và trung lưu, được quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp dịch vụ sinh hoạt đi cùng, kiến trúc bố trí gắn với cây xanh và mặt nước, tạo được nét kiến trúc sinh động cho vùng đất phía Nam của Hà Nội. Đây là mô hình kiến trúc đô thị đầu tiên và có tính tiên phong của Hà Nội trong việc tạo lập các khu ở mới hoàn chỉnh. Nó khai phá vùng phía Nam Hà Nội, là hình mẫu và tạo tiền đề cho việc phát triển các khu nhà ở chất lượng cao tiếp theo tại Hà Nội, đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi về nhà ở rất cấp bách của người dân thủ đô.
2.Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - TP.HCM
Được phát triển theo mô hình đô thị dải và phân thành nhiều khu chức năng gắn kết hài hòa trong một tổng thể với cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã góp phần khai phá vùng đất phía Nam của TP.HCM biến một vùng đất sình lầy thành một khu đô thị hiện đại với đầy đủ các tiện ích của một đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là khu đô thị hiện đại và đẹp nhất Việt Nam hiện nay với diện tích đất dành cho không gian công cộng, công viên cây xanh chiếm tỉ lệ rất cao.
3.Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore - Bình Dương
Được công nhận là một trong những KCN hàng đầu quốc gia, KCN Việt Nam – Singapore mang đến cho nhà đầu tư một cơ sở hạ tầng có chất lượng trong một môi trường sản xuất an toàn và hiệu qủa. Với diện tích quy hoạch là 500 ha, đây là KCN có quy hoạch đồng bộ, các công trình công nghiệp được xây dựng thống nhất. Là KCN sạch khi chỉ tập trung vào các ngành không gây ô nhiễm môi trường nên việc quản lý, sản xuất luôn tuân thủ theo qui trình quản lý môi trường rất khắt khe. KCN luôn duy trì một chế độ nghiêm ngặt đối với chất thải nhằm biến nơi đây thành một khu công nghiệp công viên xanh.
4.Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 - Bà Rịa Vũng Tàu
KCN với quy mô 620,06 ha rất thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không. Nó nằm ở vị trí đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Dương. Đây là KCN đi đầu trong quản lý quy hoạch đầu tư, có kiến trúc công nghiệp đẹp và hiện đại tạo ra một môi trường KCN sạch và hấp dẫn. Trong quá trình xây dựng các hạng mục công trình trong KCN, nhà đầu tư đã tận dụng tối đa mảng cây xanh hiện hữu và trồng thêm ở những vị trí cần thiết là KCN duy nhất của tỉnh có các mảng cây xanh xen lẫn các nhà máy.
5.TT Hội nghị Quốc tế - Hà Nội
Công trình gồm 2 khối nhà: nhà họp và trung tâm báo chí và khách sạn, do Việt Nam thiết kế, xây dựng và đầu tư (có một phần hỗ trợ của Pháp). Công trình đáp ứng được yêu cầu Hội nghị quốc tế cấp nguyên thủ quốc gia, có quy hoạch hợp lý trong điều kiện đất đai chật hẹp, kiến trúc có phong cách hiện đại kết hợp nét truyền thống, hài hòa trong môi trường kiến trúc, cảnh quan khu biệt thự Ba Đình, phù hợp với điều kiện của Việt Nam đạt được tính “chân - thiện - mỹ”.
6.TT Hội nghị Quốc gia - Hà Nội
Công trình lấy cảm hứng từ hình tượng của những ngọn sóng. Ngôn ngữ kiến trúc giản dị, thống nhất trong đa dạng, thích ứng với môi trường và trật tự trong kết cấu. Giải pháp thiết kế theo xu hướng hiện đại, công năng và hình thức hài hòa, bố cục mạch lạc, không gian khóang đạt, sử dụng vật liệu đồng nhất, giản dị về mảng khối và đường nét, thể hiện một công trình hòanh tráng mà dễ gần.
7.Nhà ga Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM
Là công trình kiến trúc hiện đại do Nhật Bản thiết kế và thi công, công trình nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất là một nhà ga hiện đại, tiện ích và thân thiện đối với hành khách. Đây là sân bay đầu tiên của cả nước trang bị hệ thống điều hành xử lý trung tâm, hệ thống phân loại hành lý tự động, hành khách có thể làm thủ tục tại bất kỳ quầy check-in nào. Hành lý ký gửi của khách được tập kết đúng vị trí cho từng chuyến bay. Có hệ thống phòng cháy chữa cháy được đánh giá là hiện đại và hoàn thiện nhất Việt Nam...
8.Cafe Gió và Nước - Bình Dương
Công trình biểu đạt một ý tưởng sáng tạo độc đáo, tạo hình giản dị và duyên dáng với những nghiên cứu tìm tòi theo hướng dân tộc và hiện đại. Công trình đã rất thành công khi khai thác và sử dụng một cách tài tình các vật liệu địa phương, ở đây là cây tầm vông. Tác giả đã thể hiện thành công hoài bão và khát vọng của mình về một kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc. Công trình đã đạt được rất nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế và trong nước.
9.Khách sạn Daewoo - Hà Nội
Là tổ hợp văn phòng, khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội, có thể nói đây là cụm công trình có hình thức kiến trúc đáng chú ý, biểu hiện một phương án thiết kế thành công về nhiều mặt: từ tổ chức mặt bằng, tạo khối đến các chi tiết kiến trúc và mầu sắc công trình, nhất là đã tạo được một không gian sinh động, hòa nhập với cảnh quan. Các tác giả đã sử dụng rất tốt sự tương phản về hình thức và mầu sắc giữa 2 phần chức năng của 3 khối kiến trúc lớn để gây được chú ý với ngôn ngữ thể hiện mạch lạc.
10.Khách sạn Furama - Đà Nẵng
Với nguồn cảm hứng mang đậm bản sắc á Đông và phản phất nét văn hóa Chăm. Furama Resort là một khu nghỉ yên tĩnh, riêng biệt, nằm sát ngay bờ biển Đà Nẵng. ở khu nghỉ này đâu đâu ta cũng cảm nhận được sự ấm cúng của kiến trúc mộc, nét độc đáo của nội thất với những ban công xinh xắn nhìn ra biển. Khu nghỉ được bao bọc bởi hệ thống cây xanh, những loài hoa quý, một khu vườn nhiệt đới và những bể bơi tuyệt đẹp.
11.Trụ sở Tập đoàn Dầu khí - 18 Láng Hạ - Hà Nội
Toà nhà Trung tâm Thương mại dầu khí Hà Nội toạ lạc tại số 18 đường Láng Hạ- Hà Nội, được xây dựng cao 19 tầng với tổng diện tích xây dựng 25.000 m2, diện tích sử dụng 17.000 m2, được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 11/2007. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc mới, hiện đại, bề thế, khang trang và đã tạo thành một điểm nhấn về kiến trúc xây dựng của Thủ đô Hà Nội.
12.Metropolitan - TP.HCM
Công trình gồm hai khối 12 và 16 tầng, trước thấp, sau cao, có khoảng lùi vừa đủ để không lấn át không gian quảng trường Công xã Paris và ảnh hưởng đến tầm nhìn từ các trục đường. Công trình thể hiện tính duy lý nghiêm ngặt của kỹ thuật và tìm thấy được một sự thỏa hiệp khéo léo, trong sự hòa hợp với những biểu tượng văn hóa của những giai đọan lịch sử khác nhau của thành phố. Giải pháp xử lý tinh tế từ đường nét, mầu sắc đến hình khối nóc mái đã tạo cho công trình một sự hòa điệu quen thuộc giữa không gian kiến trúc và con người, giữa quá khứ và hiện tại. Tòa nhà đã thỏa mãn những đòi hỏi nghiêm túc về nghệ thụât kiến trúc và không gian đô thị ở một khu vực hết sức nhạy cảm của TP.HCM, được dư luận đánh giá cao.
13.Trụ sở UBND Quận 10 - TP.HCM
Đây là công trình có tính đột phá trong ngôn ngữ kiến trúc và quan niệm tổ chức không gian trụ sở công quyền nhà nước. Công trình với đường cong mềm mại của khối hình và một chiều cao vừa phải, đường nét kiến trúc giản đơn, chắc khỏe, đã tạo được sự gần gũi với con người và đây là nét đặc trưng cần có của một trụ sở cơ quan chính quyền của dân, do dân và vì dân.
F. Khu du lịch - tưởng niệm
14.Đài tưởng niệm Tuyên Quang - Tuyên Quang
Công trình mang tính cách mạng trong ngôn ngữ biểu hiện, vượt ra khỏi hình dáng thường thấy của thể loại đài tưởng niệm để tìm đến sự cô đọng, khái quát có tính tư tưởng nghệ thuật, vừa hoành tráng vừa giàu chất thơ. Nó gợi lên nhiều sự liên tưởng, hình ảnh của một ngọn nấm khổng lồ, dáng dấp của cây đa cách mạng, hình hài một đụn khói lớn của trái bom vừa nổ tất cả đều độc đáo và gợi lại nơi người chiêm ngưỡng một không gian lạ khiến họ phải suy tư, ngẫm nghĩ. Công trình đã thành công khi tạo dựng được trong lòng người xem một cảm xúc mạnh, một bầu không khí cách mạng hào hùng xen lẫn đau thương.
15.Khu du lịch Vin Pearl - Nha Trang
Nằm trên hòn đảo xinh đẹp ở tận cùng phía Nam của bờ biển duyên hải miền Trung, Vinpearl Resort & Spa được biết đến như một Thiên Đường của miền nhiệt đới. Ngoài hệ thống phòng ốc tiện nghi, sang trọng đạt tiêu chuẩn 5 sao, nơi đây còn sở hữu một bể bơi lớn nhất Đông Nam á - 5000 m2 với những dịch vụ hoàn hảo. Khu nghỉ đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều sự kiện văn hóa lớn góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam ra thế giới.
16.Resort Nam Hải - Hội An
Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) đã dành cho khu Resort Nam Hải tại Hội An giải thưởng công trình du lịch có thiết kế đẹp của năm 2008. Đây được coi là khu nghỉ sang trọng bậc nhất Việt Nam với những ngôi biệt thự trong khu resort mô phỏng kiến trúc nhà Rường của người Việt, nhưng được cách tân khéo léo để phù hợp với những kỹ thuật và tiện nghi hiện đại. Sự tao nhã của loại gỗ đen và sự cao cấp của các loại chất liệu trong từng khu biệt thự đã được ca tụng.
17.Cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh
Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, cầu Bãi Cháy đánh dấu những kỷ lục xây dựng mới của Việt Nam và thế giới. Với kết cấu dây văng một mặt phẳng và chiều dài nhịp chính 435m, đây là cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng dây đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời, cây cầu cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính đối với kết cấu cầu dăng văng một mặt phẳng. Với kiến trúc thanh mảnh, hiện đại, cầu Bãi Cháy đem lại một nét kiến trúc mới và lãng mạn góp phần tô điểm và tôn thêm vẻ đẹp cho vịnh Hạ Long.
18.Cầu Mỹ Thuận - Cần Thơ
Với tổng chiều dài 1.535 mét, cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng lớn nhất Việt N am. Nó trở thành một công trình thể kỷ của sự hợp tác giữa những chuyên gia hàng đầu, kỹ sư và công nhân hai nước: Việt Nam - úc. Hiện nay mỗi ngày có khoảng trên 13.000 tấn hàng hóa được lưu thông qua đây, tiết kiệm cho Việt Nam hằng trăm tỉ đồng mỗi năm. Không chỉ đem lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn đáp ứng lòng mong mỏi và hy vọng từ bao đời của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận còn là công trình xây dựng có giá trị kiến trúc nổi bật, mang một nét tuyệt vời về giá trị thẩm mỹ, thu hút rất nhiều khách du lịch từ mọi miền đất nước.
19.Tổ hợp khách sạn Saigon tourist (Ninh Chữ, Phú Quốc, Nha Trang, Mũi Né, Hạ Long, Quy Nhơn, Đồng Hới):
Là tổ hợp gồm 54 khách sạn, 13 khu du lịch và 28 nhà hàng trải khắp cả ba miền của tổ quốc với đầy đủ tiện nghi. Các khách sạn của Saigon tourist do người Việt Nam thiết kế và thi công đều đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên với ngôn ngữ kiến trúc tốt được đầu tư xây dựng đồng bộ kèm cơ sở hạ tầng của khu vực, chúng tạo điểm đột phá, là động lực phát triển cho cả khu vực, thể hiện tinh thần phát huy nội lực rất đáng tự hào của người Vịêt Nam.
20.Làng trẻ em SOS (Hà Nội, HảPhòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau):
Là công trình nhân đạo có ý nghĩa xã hội đặc biệt, hệ thống làng trẻ em SOS được đầu tư thiết kế, xây dựng rất đẹp và khang trang theo lối kiến trúc mở. Các công trình ở đây có kiến trúc rất gần gũi với những ngôi nhà một tầng nhỏ nhắn và duyên dáng được lợp mái dốc thân quen và ấm áp. Các phòng được tổ chức rất khoa học và tiện nghi là nơi sống và học tập của rất nhiều em nhỏ bị khiếm khuyết hay có hòan cảnh đặc biệt cần được xã hội chăm sóc. Không gian cảnh quan tòan khu được chăm sóc rất chu đáo tạo thành một môi trường sống, học tập rất lý tưởng cho các em nhỏ.Những cây cầu mang kỷ lục Việt Nam luôn là điểm nhấn cảnh quan tại nơi mà chúng bắc qua, rất thu hút sự chú ý của người dân và du khách quốc tế.
Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội, nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định), dài gần 7 km, với tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng.
Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. |
Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành vào tháng 4/2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, chiều rộng 23,1 m với bốn làn xe với tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư của công trình là 4.832 tỷ đồng.
Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. |
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam, được thiết kế với 2 trụ tháp cao 92 m, cách nhau 405 m, tĩnh không thông thuyền 27 m, kết cấu dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 650 m, được chế tạo bằng công nghệ dầm tăng cứng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam. |
Cầu quay dây văng đầu tiên và duy nhất Việt Nam
Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Cầu sông Hàn là cầu quay dây văng đầu tiên và duy nhất Việt Nam. |
Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Sau khi mở cửa khoảng 4 giờ, cầu Sông Hàn sẽ được xoay về vị trí cũ.
Cầu dài nhất bắc qua sông Hồng
cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng trên quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được khởi công vào ngày 18/12/2011. Đây là cây cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng tính đến thời điểm hiện nay, kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Phối cảnh cầu Vĩnh Thịnh - cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng. |
Cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn có mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013; Với thiết kế thể hiện hình ảnh một con rồng đang bay trên sông Hàn, đầu ngẩng cao, thân uốn lượn... cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.
Phối cảnh cầu Rồng có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam. |
Cầu Long Biên là cây cầu sắt thép nhiều tuổi nhất bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng, từ năm 1899 - 1902, đặt tên là cầu Doumer. Vào đầu thế kỷ XX, Long Biên là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương. Dân gian còn gọi là cầu sông Cái, còn tên Long Biên được đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cầu Long Biên là cây cầu sắt nhiều tuổi nhất Việt Nam. |
Cầu rộng nhất
Cầu Vĩnh Tuy không chỉ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, mà còn giành các kỷ lục khác như: cây cầu hiện đại vào bậc nhất Việt Nam, cây cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất...
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu rộng nhất Việt Nam. |
Cầu có trụ cao nhất
Cầu Pá Uôn là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà (tại địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai), có tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng, đã chính thức được hợp long vào ngày 18/4/2010.
Cầu Pá Uôn là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam. |
Do cầu nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, phía thượng lưu là thủy điện Lai Châu nên trụ chính được thiết kế lên đến 98 m, khoan sâu 26 m.
Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và dài nhất
Nằm trên quốc lộ 18, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo biển Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Ninh, cầu Bãi Cháy khánh thành vào năm 2006, là cây cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và có nhịp cầu chính dài nhất thế giới.
Cầu Bãi Cháy là cây cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên và có nhịp cầu chính dài nhất thế giới. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét