Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Chuyện dài Kiến trúc Việt Nam(26)

Quy hoạch và Quản lý Môi trường

Khu đô thị mới kiểu mẫu phải phù hợp 6 tiêu chí
Khu đô thị mới kiểu mẫu phải phù hợp với quy hoạch xây dựng. Đó là một trong những điều kiện bắt buộc để được xét công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu.
Nội dung này được khẳng định tại Thông tư hướng dẫn việc đánh giá, công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu do Bộ Xây dựng ban hành ngày 22.4.
Để được công nhận danh hiệu này, các khu đô thị phải đáp ứng được 6 tiêu chí: quy định về diện tích; phát triển đầy đủ và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp quy hoạch, hài hoà cảnh quan; quản lý xây dựng và bảo trì công trình; môi trường văn hoá đô thị lành mạnh, thân thiện; quản lý, khai thác sử dụng khu đô thị mới vì lợi ích công cộng, xã hội.
Theo đó, các khu đô thị mới được xét phải có diện tích từ 50 ha trở lên. Nếu là khu vực cải tạo đô thị hiện tại thì có thể nhỏ hơn nhưng không dưới 20 ha với số lượng khoảng 1.000 căn hộ từ chung cư cao tầng, thấp tầng, biệt thự đến nhà ở phân lô theo quy hoạch chi tiết. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải sẵn sàng đấu nối cho các công trình xây dựng; đảm bảo an toàn cháy nổ và tiện lợi cho cả người khuyết tật sử dụng...
Ngoài ra, các khu đô thị kiểu mẫu bắt buộc phải đạt các thông số như: khoảng cách tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng từ nơi ở, làm việc không quá 500 m; tiêu chuẩn cấp nước trên 150 lít/người/ngày trở lên; tỷ lệ cây xanh công cộng trên 7 m2/người... Đặc biệt, các công trình hành chính, thương mại, dịch vụ, trường học các cấp, bệnh viện, nhà văn hoá, công trình thể thao phải đạt tiêu chuẩn, quy mô, chất lượng.
Bộ Xây dựng có quyền thẩm định và công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu với thời hạn hiệu lực là 5 năm.
Thiếu nhà vệ sinh, đô thị văn minh “nặng mùi”
Đi bộ trên các vỉa hè rộng thênh thang ở các đường trục chính như Lê Duẩn (đoạn trước bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV), Lý Tự Trọng (đoạn ngang thư viện Tổng hợp), Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn ngang Thảo cầm viên, trường Cao đẳng Mẫu giáo)… nếu không chú ý chúng ta có thể dẫm phải “mìn” được “cài” từ tối hôm trước.
“Nặng mùi” vì đâu?
Đi bộ trên các vỉa hè rộng thênh thang ở các đường trục chính như Lê Duẩn (đoạn trước bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, ĐH KHXH&NV), Lý Tự Trọng (đoạn ngang thư viện Tổng hợp), Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn ngang Thảo cầm viên, trường Cao đẳng Mẫu giáo)… nếu không chú ý chúng ta có thể dẫm phải “mìn” được “cài” từ tối hôm trước.
Vỉa hè các tuyến đường này tuy rộng và ít bị lấn chiếm để buôn bán nhưng du khách thường phải nhanh chân vượt qua chứ không dám nhàn tản du ngoạn bởi… quá nặng mùi. Có thực trạng này là vì các đoạn đường trên chủ yếu là các công sở, cơ quan văn hóa… tường rào dài và vắng vẻ, rất thuận tiện để những người trót… nặng bụng “quay lưng vào” hoặc “ngồi thụp xuống” giải quyết mà ít bị nhòm ngó.
Còn khi chúng ta chạy xe bon bon trên các tuyến đường TP, dễ bắt gặp cái cảnh các anh, các chú đứng bên mép cầu, vô tư xả thẳng “nỗi buồn” xuống các con kênh, các dòng sông. Cảnh này dễ thấy trên cầu Điện Biên Phủ, cầu Nguyễn Hữu Cảnh, dưới chân cầu Sài Gòn…
Trên các đoạn quốc lộ vắng nhà dân, cảnh này cũng không hiếm. Đơn cử như xa lộ Hà Nội, cánh đàn ông thường xả xuống khu cỏ xanh mơn mởn trồng dọc con đường.
Trong nội thành, nhà dân san sát mà không tìm được hàng rào cơ quan nào thì người ta thường tìm 1 con hẻm hẹp, tối hay một góc tường nào đó để “xử”. Vậy là cả TP văn minh nhưng lâu lâu lại có chỗ thoang thoảng mùi “hương”…
Có chuyện này là bởi TP quá thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC) đặt ven đường. Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường thì hiện TP có trên 100 nhà VSCC, nhưng lại tập trung hầu hết ở các công viên, ven đường quận 1, quận 3; còn quận nội thành khác thì lèo tèo vài cái, các quận huyện ngoại thành thì vắng bóng.
Anh N.Q.N kể: “Tui ra khỏi nhà thì mắc tiểu, định tìm nhà VSCC nào đó trên đường đến nơi hẹn giải quyết luôn cho tiện. Nhưng chạy từ Bình Chánh theo quốc lộ 1 về Kinh Dương Vương, qua Hồng Bàng, đến đường 3/2, rẽ qua Cách Mạng Tháng 8, xuống Nguyễn Thị Minh Khai vào trung tâm TP mà chẳng tìm thấy nhà VSCC nào. Nhịn suốt quãng đường 20 km không chịu nổi nữa nên tôi đành…”.
Thừa mà thiếu!
Thực tế là tại nhiều địa điểm trong TP không hề thiếu nhà VSCC, nhưng các địa điểm ấy vẫn là những điểm “nặng mùi” nhất. Đơn cử là khu vực Thảo cầm viên Sài Gòn.
Ngoài hệ thống nhà VSCC trong Thảo cầm viên, dọc hàng rào bên ngoài Thảo cầm viên còn có hai trạm VSCC ở phía đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2) và phía đường Nguyễn Thị Minh Khai. Gần đó, ngay chân cầu Thị Nghè 1 cũng có 1 trạm gồm 2 nhà VSCC trên đường Trường Sa. Vậy mà, quanh hàng rào Thảo cầm viên vẫn đầy điểm đen “nặng mùi”, ngay chân cầu Thị Nghè 1, 2 vẫn đầy người tiểu bậy.
Vì sao? Bởi trong 3 trạm VSCC trên thì có đến 2 là không hoạt động, chỉ có mỗi trạm VSCC trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là có người trông coi, nhưng đoạn này lại vắng người nên rất ít người sử dụng.
Còn đoạn Nguyễn Thị Minh Khai rất đông người qua lại thì 2 trạm VSCC đều không hoạt động, 2 trạm VSCC này trở thành một bức vách thuận tiện để những kẻ “nặng lòng” núp vào đằng sau để giải quyết “bầu tâm sự”.
Công viên Lê Văn Tám thì có đến 2 nhà VSCC, nhưng lại nằm ở hai góc công viên, khuất sau rừng cây và khu vui chơi thiếu nhi. Trong khuôn viên hàng chục hecta, để tìm được nhà VSCC này cũng mờ mắt.
Hàng rào quanh công viên cũng đầy mùi xú uế. Dãy hàng rào không hề có nhà VSCC ven đường này rất thuận tiện cho khách vãng lai, xe ôm giải quyết… Bởi muốn vào công viên đi vệ sinh phải gửi xe (2.000 đồng/chiếc) và trả tiền vệ sinh (1.000 đồng/lần), chưa kể phải tốn công tìm.
Những nơi có nhiều nhà VSCC còn vậy, huống gì các công viên như 30/4 (không hề có nhà VSCC), 23/9 (có 3 cái nhưng đóng cửa im ỉm)… thì sao? Nhếch nhác và nặng mùi là chuyện dễ hiểu.
Tùng Nguyên( Dan Tri 23.5.08)Tránh hình thành siêu đô thị theo kiểu "bạch tuộc"
Mô hình thiết kế khu B Kim Liên, HN
Ý kiến từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: Khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, mô hình tổ chức không gian chung của Hà Nội sẽ được hình thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu Vùng Thủ đô. Tuy nhiên các nhà làm quy hoạch sẽ phải xác định lại phạm vi và quy mô phát triển ổn định cho thành phố trung tâm, tránh hình thành siêu đô thị theo hướng mô hình “bạch tuộc”.
“Tấm áo mới” cho nhiều dự án phát triển
Theo Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội: Trước đây, do quỹ đất hạn hẹp nên thành phố đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều lần cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất dự trữ, đất nông nghiệp trong địa giới hành chính Hà Nội sang phát triển đô thị. Nay thực hiện Chỉ thị số 260/CT-TTG ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại toàn bộ các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng; Hà Nội sẽ có điều kiện bố trí các khu quy hoạch, tạo điều kiện cho các dự án phát triển.
Cụ thể như, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa hình thành được Trung tâm hành chính quốc gia; trụ sở các Bộ, ngành TƯ còn phân tán rải rác trong khu vực nội thành. Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô lần này và mở rộng địa giới hành chính, Thành phố sẽ xem xét cụ thể vị trí cho Trung tâm hành chính quốc gia.
Việc hình thành trung tâm lớn về văn hóa, Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để hình thành và kết nối các khu vực đặc trưng về di tích, lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống gắn kết với các danh lam thắng cảnh đặc trưng của Thủ đô, gắn với Hà Nội và Hà Tây trong vùng mở rộng để hình thành được trung tâm lớn về văn hóa của Thủ đô.
Về trung tâm khoa học hiện tại, theo đánh giá của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hơn 40 trường đại học, cao đẳng tập trung tại Thủ đô, trong điều kiện ranh giới hành chính hạn hẹp đã gây nên bức xúc về giao thông, nhà ở, môi trường, hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Trong khuôn khổ ranh giới hành chính cũ, khu dãn các trường đại học được xác định tại Tây Mỗ, ranh giới giáp với tỉnh Hà Tây nay địa giới hành chính được mở rộng, cần có sự xem xét rà soát lại để bố trí hợp lý, đảm bảo quy mô và phù hợp với quy hoạch Vùng. Theo đó, hệ thống các trường đào tạo dạy nghề không nhất thiết đặt ở trung tâm thành phố mà phân bố lại phù hợp với quy hoạch Vùng; Hệ thống giáo dục phổ thông được xác định phân bố đều trong các khu dân cư, các khu đô thị mới đảm bảo nhu cầu học tập, giáo dục phổ thông. Tại Thủ đô chỉ giữ lại các Viện nghiên cứu đầu ngành, các Viện hàn lâm khoa học phù hợp với lợi thế nguồn nhân lực chất xám của Thủ đô.
Việc mở rộng địa giới Thủ đô được dự báo cũng sẽ tác động mạnh đến trung tâm về kinh tế Hà Nội. Hiện trong 921km2, Hà Nội hình thành 5 KCN tập trung và khoảng 20 cụm công nghiệp vừa và nhỏ; Công nghiệp nhỏ lẻ, phân tán trong khu vực nội thành chiếm một tỷ lệ đất đai lớn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn… cần phải được đưa ra ngoài, chỉ giữ lại Thủ đô các ngành công nghệ cao có chọn lọc. Các cơ sở sản xuất sau khi di chuyển phải ưu tiên giải quyết các nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho thành phố trung tâm, phát triển các loại hình dịch vụ, công cộng đa dạng đáp ứng nhu cầu mới của Thủ đô. Chủ trương của thành phố Hà Nội là không tiếp tục phát triển loại hình công nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích chuyển đổi sang hướng kỹ thuật cao, các làng nghề tập trung cũng cần được khôi phục kết hợp du lịch và đảm bảo môi trường để phát triển bền vững.
Mặt khác, về trung tâm giao dịch quốc tế, Hà Nội hiện chỉ có khu ngoại giao đoàn cũ trên địa bàn quận Ba Đình và phân tán trong khu vực nội thành cũ. Theo quy họch chung 108, xác định mới một khu ngoại giao đoàn tại Xuân Đỉnh, quy mô khoảng 60ha nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần được nghiên cứu đề xuất mới trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này.
Bên cạnh đó, sông Hồng là một thắng cảnh đẹp của Thủ đô. Việc khai thác giá trị to lớn của sông Hồng vào phát triển đô thị là rất quan trọng và cần thiết. Đây là trục cảnh quan chính với các yếu tố cây xanh – mặt nước – văn hóa, là chủ đạo gắn kết với trục không gian chính Cổ Loa – Hồ Tây để hình thành bố cục không gian chung toàn thành phố, cũng cần được nghiên cứu đặt trong tổng thẻ chung của Thủ đô khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội.
Các công viên lớn ven đô trong quá trình mở rộng địa giới cũng cần được xem xét để phân bố hợp lý, tạo thành các nêm cây xanh gắn với vành đai xanh thành phố để đảm bảo cho Thủ đô phát triển ổn định, bền vững, đạt hiệu quả cao trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường.
Phát triển mạnh công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đầu mối
Hiện nay, về hạ tầng kỹ thuật khung Bắc sông Hồng, thành phố đang chỉ đạo lập quy hoạch đồng bộ, tuy nhiên cũng còn biến động về quy hoạch trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch; Trong đó có tuyến đường cầu Nhật Tân lên sân bay quốc tế Nội Bài và phần đất phía Nam Cổ Loa nằm trên trục không gian Cổ Loa – Hà Tây. Hiện vành đai đầu mối đường bộ, đường sắt của Hà Nội còn chưa thống nhất trong các định hướng chung.
Các tuyến đường vành đai 1,2,3 và các trục quốc lộ hướng tâm:QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL32 đã và đang được Bộ GTVT đầu tư cải tạo mở rộng phù hợp với định hướng quy hoạch chung phát triển đô thị Hà Nội. Một số tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh đang được Bộ GTVT triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên… phù hợp với Chiến lước phát triển GTVT VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt… Thành phố Hà Nội còn phối hợp với một số tỉnh lân cận xây dựng các tuyến đường liên tỉnh như Hà Nội – Hưng Yên: Hà Nội – Hà Tây (tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Hà Tây; tuyến đường từ Khu công nghiệp Nam Thăng Long đi vành đai 4); Hà Nội – Vĩnh Phúc (đường nối từ trục Trung tâm Mê Linh đến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài).
Trong hệ thống giao thông đường sắt, tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi kết hợp giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia đang được triển khai nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng và có khả năng phục vụ cho mở rộng Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đang triển khai xây dựng, có thể kéo dài để phục vụ cho khu vực dự kiến mở rộng Hà Nội về Hà Tây.
Sân bay quốc tế Nội Bài cũng đang triển khai mở rộng đáp ứng vai trò sân bay quốc tế quan trọng nhất của khu vực miền Bắc.
Có thể thấy, ở rộng địa giới Thủ đô sẽ là cơ hội lớn để biến nhiều ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến một Hà Nội chật hẹp thành một Thủ đô “hoành tráng”, vươn tầm phát triển.
Lan Hương ( Báo Hà Nội Mới, 14.4.08)
TP.HCM: Quy hoạch các khu liên hợp xử lý chất thải rắn - Điều kiện thu hút các nhà đầu tư
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có ý tưởng quy hoạch các khu liên hợp (KLH) xử lý chất thải rắn đầu tiên trong cả nước, đây là tiền đề hết sức thuận lợi để thành phố có thể phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với phát triển bền vững. Những ý tưởng đó đã trở thành hiện thực.
Với việc quy hoạch KLH đầu tiên, KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) được phê duyệt từ năm 1999, những thách thức về việc đối mặt với ô nhiễm chất thải rắn trong một đô thị mà dân số ngày càng tăng sẽ dần dần giảm một khi các KLH xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động.
Việc xây dựng các KLH xử lý chất thải rắn nằm trong chiến lược bảo vệ môi trường của thành phố đến năm 2010, hướng đến năm 2020 là một phần trong quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn thành phố. Hiện nay, thành phố đang quy hoạch 3 KLH xử lý chất thải rắn với diện tích vào khoảng 2.838 ha.
Trong đó, khu công nghiệp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa - Long An là 1.760 ha (do tỉnh Long An giúp thành phố), KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc TPHCM (xã Phước Hiệp - huyện Củ Chi) 822 ha và KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước 256 ha (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - sau khi điều chỉnh mở rộng sẽ lên đến khoảng 400 ha).
Các KLH khi hình thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành công trường xử lý rác, mà trước hết là có công nghệ tiên tiến như hệ thống phân loại, tuyển chọn rác để tái chế, tái sinh, đốt rác thu hồi khí gas trong chôn lấp rác, phân hủy vi sinh trong xử lý rác để sản xuất điện, chế biến phân compost..., chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, bố trí cây xanh, mặt nước, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, một cách đồng bộ, hoàn chỉnh để nhà đầu tư có điều kiện triển khai dự án có hiệu quả.
Mới đây, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố. Đây là động thái thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc triển khai hoạt động KLH chất thải rắn nhằm khống chế ô nhiễm môi trường.
Đến nay, một số nhà đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư, được giao đất tại KLH xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi như Công ty VietStar (Hoa Kỳ) xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn làm phân compost với công suất 600 tấn/ngày (giai đoạn 1), 600 tấn/ngày (giai đoạn 2); Công ty Liên doanh Saigon Earthcare xử lý rác làm phân hữu cơ vi sinh, đã được cấp giấy phép đầu tư và được giao đất trong KLH, công suất 500 tấn/ngày (giai đoạn 1), 2.000 tấn/ngày (giai đoạn 2); Công ty YUNG I đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác y tế, chất thải rắn nguy hại, công suất 9 - 10 tấn/ngày đã được cấp giấy phép đầu tư đang chờ giao đất.
Đối với KLH xử lý chất thải rắn Đa Phước, Công ty California Waste Solutions, Inc. (Hoa Kỳ) đã được cấp giấy phép đang chuẩn bị đầu tư dự án xử lý chất thải rắn bằng việc phân loại, tái chế, chôn lấp và xử lý rác làm phân compost, công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày. Khu công nghiệp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa - Long An đang tiến hành giải tỏa đền bù và trồng cây xanh.
Hiện có thêm nhiều nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn, một số đang lập dự án, một số đang trình dự án cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình cấp trên quyết định chọn lựa tùy theo quy hoạch, nhu cầu xử lý và khả năng tài chính của thành phố; như dự án xử lý chất thải rắn của Công ty Waste to Energy Pte. Ltd. (Singapore); dự án đốt rác sản xuất điện của Công ty Fluid Tech (Australia); dự án xử lý rác bằng nhiệt phân (liên doanh giữa Công ty Đại Lâm và Entropic Energy Co. - Hoa Kỳ); dự án đốt rác phát điện (Công ty Keppel - Singapore); dự án xử lý rác và sản xuất phân hữu cơ vi sinh (Công ty Nam Thành); dự án xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ TBS do Công ty Môi trường Đô thị thực hiện; dự án đốt rác phát điện - Công ty Naanovo (Canada)...
Chủ trương xã hội hóa trong việc xử lý chất thải rắn của TPHCM là hết sức đúng đắn và kịp thời, vừa phát huy nội lực, tranh thủ vốn huy động từ đầu tư nước ngoài. Sở Tài nguyên và Môi trường một mặt phối hợp với các ngành, mặt khác đang tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm giúp các dự án đã được cấp phép có điều kiện triển khai đi vào hoạt động; đối với các dự án chưa được cấp phép, sở tạo điều kiện để các nhà đầu tư được tiếp cận, tìm hiểu thông tin cần thiết trong quá trình xúc tiến dự án.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo cho chủ đầu tư các KLH tháo gỡ khó khăn, khẩn trươnghoàn thành hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.
Tiếp tục khắc phục tình trạng các nhà đầu tư có giấy phép nhưng chậm giao đất để xây dựng và triển khai dự án, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có các giải pháp xử lý kịp thời nhằm giúp tiến độ triển khai hoạt động các KLH theo đúng kế hoạch đề ra.
Th.S NGUYỄN VĂN PHƯỚC(Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM)
Báo động về ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh
Vận chuyển rác bằng cách thô sơ làm tăng ô nhiễm
Sau 5 năm TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường, bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra về chất lượng không khí, môi trường nước từ năm 2002 đến nay đều không đạt. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe và cuộc sống người dân thành phố. Vậy giải pháp nào để giảm ô nhiễm môi trường thành phố ?
Ô nhiễm lan rộng
Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường (BVMT) TP Hồ Chí Minh tại nhiều khu vực và các nút giao thông chính như Bình Triệu, An Sương, Phú Lâm, An Lạc... cho thấy chất lượng bầu không khí tại thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng. Mức độ ô nhiễm, khói bụi ngày càng tăng cao, luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai đến ba lần.Năm 1999, nồng độ bụi trong không khí tại thành phố đo được khoảng 0,53mg/m3, năm 2006 tăng lên 0,63mg/m3. Bụi PM 10 (liên quan trực tiếp đến các bệnh về hô hấp), chì, ben-den (gây ung thư) tăng vọt so với năm 2000 từ ba đến tám lần. Nhiệt độ tại thành phố luôn ở mức cao nhất trong khu vực, chênh lệch từ 1-3 độ C.Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, liên tục tại nhiều điểm, khu vực càng làm cho không khí thành phố thêm ngột ngạt. Một số quận, huyện ngoại thành như quận 2, 9, 12, Bình Chánh, Tân Phú... môi trường không khí cũng không khá hơn. Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân tại các phường Phước Long, Long Bình, Tân Phú, Long Thành Mỹ (quận 9) phải sống chung với khói, bụi, mùi hôi thối độc hại thải ra từ 120 lò gạch thủ công, Xưởng thực nghiệm của Công ty hóa chất miền nam, Cơ sở luyện thép Tiến Ðạt, Xí nghiệp chăn nuôi heo Phước Long...
Nhiều kênh rạch trong nội thành như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ, kênh Ðôi, kênh Tham Lương... cũng đang "lâm bệnh" nặng vì ô nhiễm. Trên các kênh rạch chứa đầy rác thải đủ loại, nước đen đặc, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, các loài thủy sản như tôm, cá... vắng bóng từ lâu. Ông Võ Liên, sống bên kênh Tàu Hũ gần 50 năm nay cho biết: Nước kênh ô nhiễm quanh năm, nhưng khổ nhất là khi triều cường, hoặc mưa xuống, nước bẩn ngập lênh láng, tràn cả vào nhà mang theo rác thải, gây mất vệ sinh. Tình trạng ngập úng triền miên ở nhiều khu vực không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn tác động xấu đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tại các quận, huyện ngoại thành, nhiều kênh rạch như kênh Xáng, kênh Thầy Cai, An Hạ, Củ Chi, kênh Ba Bò, Thủ Ðức, v.v. cũng đang "hấp hối" vì ô nhiễm. Huyện Bình Chánh đang kêu cứu vì 72 kênh, rạch ô nhiễm "bao vây" tứ phía, khiến cho nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở 10/13 xã bị ảnh hưởng.
Vì sao ô nhiễm ngày càng lan rộng? Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do nhiều năm liền công tác quản lý môi trường yếu kém, phương tiện giao thông đang trở nên quá tải, sản xuất công nghiệp chưa chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường và ý thức người dân trong bảo vệ môi trường chưa cao.
Trong cuộc hội thảo mới đây về môi trường thành phố, các nhà khoa học đã khẳng định: 90% các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường thành phố hiện nay là do phương tiện giao thông gây ra, nhất là xe gắn máy. Theo thống kê của Sở Giao thông công chính, hiện nay thành phố có 320.000 xe ô-tô, hơn 3,2 triệu xe gắn máy, mỗi ngày "đốt" hàng triệu lít xăng, dầu các loại trên đường phố. Hơn 70% số xe máy đang lưu hành tại thành phố có tuổi từ năm đến 10 năm trở lên. Nhiều xe được sản xuất từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nay vẫn còn hoạt động, không ít xe tuy còn trong thời hạn bảo hành chất lượng nhưng vẫn không đạt chuẩn an toàn về khí thải. Ngoài ra, còn phải kể đến gần một triệu xe ô-tô, xe gắn máy đăng ký từ các địa phương khác đang sử dụng tại thành phố cũng "góp phần" làm cho bầu không khí thành phố thêm ngột ngạt, ô nhiễm hơn.
Cứ mỗi lần triều cường là nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh lại thêm ô nhiễm.
Thành phố có 103 bệnh viện, 24 trung tâm y tế (một số trung tâm đang chuyển thành bệnh viện), 317 trạm y tế xã, phường và hơn mười nghìn phòng mạch tư nhân. Các cơ sở y tế nêu trên mỗi ngày thải ra từ 8 đến 10 tấn rác thải y tế và từ 17.000 m3 đến 20.000 m3 nước thải y tế. Trong khi mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở y tế trên có hệ thống xử lý nước thải (XLNT), số nước thải còn lại mang nhiều mầm bệnh, được các cơ sở y tế "vô tư" đổ thẳng vào hệ thống thoát nước chung, rồi hòa vào sông Sài Gòn.
Ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp còn kinh hoàng hơn. Trên địa bàn thành phố hiện có 15 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và hàng chục cụm công nghiệp tập trung với khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất lớn, gần 12.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa (không ít doanh nghiệp vẫn còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư), mỗi ngày thải ra từ 1.200 - 1.500 tấn chất thải rắn, trong đó 2% là chất thải độc hại và chỉ có 8% chất thải loại này được thu gom, xử lý, số còn lại các doanh nghiệp "vứt" đi đâu không ai biết(?).
Chung quanh các KCN, KCX, tình trạng ô nhiễm càng trở nên tệ hơn. Dạo qua các KCN Lê Minh Xuân, Bình Chánh; Tân Tạo, Bình Tân; Tân Phú Trung, Củ Chi,... chúng tôi thấy tình trạng ô nhiễm rất nặng, nhưng chậm được khắc phục. Mỗi ngày, đêm hàng nghìn m3 nước thải trong các KCN Tân Phú Trung chưa xử lý, đổ thẳng ra kênh Xáng, Thày Cai, An Hạ khiến cho nước các con kênh này đổi mầu đen, đục.
Tháng 9-2007, Chi cục BVMT kiểm tra 45 mẫu nước thải lấy từ 5 KCN, KCX, chỉ có một mẫu đạt chuẩn, 44 mẫu còn lại không đạt. Mẫu nước thải tại KCN Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Bình Chiểu chứa nhiều chất gây ô nhiễm, vượt chuẩn từ 80-100 lần, có chất vượt hàng nghìn lần. Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay mới có 6/15 KCN, KCX tại thành phố có hệ thống XLNT tập trung. Không ít doanh nghiệp đã xây dựng xong bộ phận XLNT, nhưng chỉ hoạt động khi bị kiểm tra nhắc nhở, đoàn kiểm tra đi rồi lại "nằm im" vì sợ vận hành gây tốn kém.

Giải pháp nào giảm ô nhiễm?
Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp nhằm hạn chế, đẩy lùi nạn ô nhiễm môi trường, dành nhiều công sức, tiền của đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình, công trình nhằm cải thiện môi trường. Chỉ riêng hai dự án Cải tạo vệ sinh môi trường thành phố và vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đã đầu tư (bằng vốn ngân sách và vốn vay ODA) hơn 500 triệu USD. Tuy nhiên, tiến độ hai dự án trên và nhiều dự án khác rất ỳ ạch.
Sau bốn năm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, các khu dân cư, đến nay đã có 1.261 đơn vị di dời, ngừng sản xuất, khắc phục ô nhiễm tại chỗ. Nhiều vùng trước kia ô nhiễm kéo dài như sản xuất thép ở quận 7, sản xuất nhôm ở quận 11, thuộc da ở quận Tân Bình... nay đã bớt ô nhiễm.
Tuy nhiên, rà soát lại, số lượng các cơ sở di dời tăng thêm, trong khi diện tích đất trong các KCN có hạn, không đủ chỗ cho các doanh nghiệp phải di dời. Nhiều doanh nghiệp muốn đi ngay, nhưng không được, do thiếu vốn, đến địa điểm mới phải xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo đảm việc làm liên tục, thu nhập thường xuyên ổn định cho hàng trăm lao động... rất khẩn trương và tốn kém.
Trong khi đó, thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà, nhất là thời gian thanh lý nhà xưởng cũ, chuyển quyền sử dụng đất, v.v. kéo dài từ năm này qua năm khác, không biết bao giờ xong, đã ảnh hưởng đến tiến độ di dời. Mặt khác, giá đất thuê trong các KCN cũng quá cao (trung bình từ 25-50 USD/m2/năm) cộng với biến động về giá nên nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch di dời nhiều lần. Bên cạnh đó, còn không ít doanh nghiệp có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xin hoãn, kéo dài thời hạn di dời hoặc nấn ná "tranh thủ" sản xuất thêm ngày nào hay ngày ấy, làm ảnh hưởng đến tiến độ di dời.
Từ năm 2004 đến nay, ngành bảo vệ môi trường thành phố đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm soát 346 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, phát hiện hàng trăm đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính hơn 2,5 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2007, tổ chức thanh tra 120 đơn vị, phát hiện 114 doanh nghiệp vi phạm, xử phạt với tổng số tiền là 483 triệu đồng. Nhưng nhiều đơn vị vẫn tiếp tục tái phạm.
Thành phố cũng đã có văn bản quy định chậm nhất là đến ngày 31-12-2007, chín KCN, KCX còn lại phải khởi công xây dựng hệ thống XLNT. Nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn "án binh bất động".
Ðể giảm ô nhiễm môi trường, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình vệ sinh môi trường. Cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch và dành thêm quỹ đất cho các doanh nghiệp thuộc diện di dời. Có chính sách ưu đãi về vốn vay, miễn thuế, giảm giá thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để các đơn vị doanh nghiệp thực hiện di dời và sớm ổn định sản xuất. Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, giám sát, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ khi nào các đơn vị xây dựng xong, vận hành suôn sẻ hệ thống XLNT, mới được phép hoạt động sản xuất. Kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm, bắt ngừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh những đơn vị doanh nghiệp cố tình vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần, gây hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng.
Ðồng thời, cần tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân, nhất là xe gắn máy chạy trong thành phố. Nhanh chóng loại bỏ số xe hết hạn sử dụng. Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát và xử lý các phương tiện gây ô nhiễm. Sớm áp dụng thu phí môi trường, tăng phí nước thải. Dành đất trồng thêm cây xanh. Thực hiện phân cấp bảo vệ môi trường đến tận quận, huyện, xã, phường. Tuyên truyền, vận động nhân dân tại các khu phố, tổ dân phố nêu cao ý thức cộng đồng, cùng tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi ra đường, ra kênh rạch, góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Nguyễn Đình Kháng và Hồng Nam ( Nhandan 21.11.07)
Chương trình đào tạo môn học "Quy hoạch môi trường": được xây dựng nhằm đào tạo những chuyên gia có đủ kiến thức chuyên môn liên ngành về quy hoạch môi trường, các chính sách về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
8. Mô tả tóm tắt môn học : Chương trình đào tạo môn học "Quy hoạch môi trường" được xây dựng nhằm trang bị cho học viên những kiến thức chuyên môn về phương pháp luận và kỹ thuật xây dựng quy hoạch môi trường gắn với quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội tại một vùng lãnh thổ. Môn học sẽ góp phần nâng cao kỹ năng của học viên trong nghiên cứu, đánh giá và triển khai xây dựng quy hoạch môi trường gắn với quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội tại một vùng lãnh thổ. Học viên sau khi kết thúc khóa học có thể làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường có liên quan ở trung ương cũng như ở địa phương.
9. Nội dung :
9.1. PHẦN GIẢNG DẠY TRÊN LỚP : 30 tiết
Chương
Nội dung
Số tiết
TLTK
1
CÁC CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG
1.1. Đặt vấn đề
1.2. Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam
1.3. Luật bảo vệ môi trường và mối liên hệ với các luật khác
1.4. Các văn kiện của đảng về tài nguyên và môi trường
1.5. Các văn bản pháp lý của chính phủ, các bộ ngành liên quan
1.6. Các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về môi trường
1.7. Hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
3
2
KHÁI NIỆM QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG
2.1. Tình hình nghiên cứu QHMT trên Thế giới và Việt Nam
2.2. Khái niệm QHMT
2.3. Mục tiêu của quy hoạch môi trường
2.4. Mối quan hệ giữa QHMT và phát triển bền vững
3
3
NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG VÙNG
3.1. Nội dung QHMT
3.1.1. Đánh giá hiện trạng môi trường gây ra bởi hiện trạng phát triển KTXH
3.1.2. Nhận định về những vấn đề môi trường cấp bách
3.1.3. Dự báo các tác động môi trường gây ra bởi quy hoạch phát triển KTXH
3.1.4. Xây dựng các quan điểm, mục tiêu của QHMT
3.1.5. Xây dựng nội dung QHMT phục vụ phát triển KTXH
3.1.6. Xây dựng bản đồ QHMT phục vụ phát triển KTXH.
3.2. Quy trình xây dựng QHMT
3.2.1. Sự chuẩn bị
3.2.2. Đánh giá hiện trạng và và dự báo các tác động môi trường gây ra bởi hiện trạng và QHPT.
3.2.3. Định rõ các mục tiêu và chỉ tiêu của QHMT.
3.2.4. Đề xuất các nội dung của QHMT
3.2.5. Sự phê chuẩn QHMT
3.2.6. Thực hiện và quản lý QHMT.
6
4
PHÂN VÙNG LÃNH THỔ PHỤC VỤ QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG VÙNG
4.1. Mục tiêu phân vùng
4.2. Tiêu chí phân vùng
4.3. Cấu trúc địa hình
4.4. Định hướng phân khu chức năng phát triển KTXH
4.5. Phân vùng chức năng môi trường
2
5
PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ KỸ THUẬT XÂY DỰNG QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG VÙNG
5.1. Phương pháp thống kê
5.2. Phương pháp ma trận
5.3. Phương pháp đánh giá nhanh
5.4. Phương pháp mô hình hóa
5.5. Phương pháp chồng ghép bản đồ (GIS)
5.6. Phương pháp phân tích lợi ích – chi phí mở rộng
12
6
LẬP BẢN ĐỒ QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG VÙNG
6.1. Cơ sở dữ liệu
6.2. Bản đồ nền
6.3. Các bản đồ chuyên đề
6.4. Bản đồ tổng hợp chất lượng môi trường
6.5. Bản đồ quy hoạch môi trường
2
7
THUYẾT MINH BẢN ĐỒ QUY HOẠCH MÔI TRƯỜNG
7.1. Tỷ lệ bản đồ
7.2. Hệ thống màu sắc, chú giải trên bản đồ quy hoạch môi trường
7.3. Sử dụng bản đồ quy hoạch môi trường phục vụ quy hoạch phát triển KTXH.
7.4. Cơ chế phối hợp, xét duyệt các dự án phát triển nhằm quản lý quy hoạch môi trường.
2
9.2. PHẦN GIẢNG DẠY THỰC HÀNH, THÍ NGHIỆM TẠI PTN, PMT: 0 tiết
TT
Bài TH, TN
Số tiết
PTN, PMT
TLTK
9.3. PHẦN BÀI TẬP, TIỂU LUẬN NGỌAI KHÓA, HV ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN NGÒAI TRƯỜNG : 15 tiết
TT
Nội dung
Số tiết
Địa điểm
TLTK
01
Nghiên cứu xây dựng quy hoạch môi trường tại tại 1 vùng kinh tế hoặc 1 địa phương (Cấp tỉnh/ thành, cấp huyện/thị)
10
Học viên tự chọn
02
Đi nghiên cứu thực tiễn, thu thập số liệu tại hiện trường
5
Học viên tự chọn
10. Tài liệu tham khảo :
10.1. Tài liệu tham khảo bắt buộc
[1]. ADB, 1991. Guidelines for Intergrated Regional Economic-cum-Environmental Development Planning. Environment Paper No 3.
[2]. Frederic O. Sargen; Paul Lusk; Josd A. Rivera and Mariá Varela, 1991. Rural Environmental Planning for Sustainable Communities. Island Press.
[3]. John Tillman Lyle, 1999. Design for Human Ecosystems. Island Press, Washington D.C.
[4]. Ortolano, Leonard, 1992. Environmental Planning. John Wiley & Sons, New York.
[5]. Susan Buckingham-Hatfield & Bob Evans (Editorial Leader), 1996. Environmental Planning and Sustainability. John Wiley & Sons, New York.
[6]. United State Environmental Protection Agency (US EPA), 1994. Environmental Planning for Small Communities – A Guidefor Local Decision Makers. Office of RegionalOperations and State/Local Relations, Washington.
10.2. Sách tham khảo tùy ý
[1]. Lê Văn Khoa, Chiến lược và chính sách bảo vệ môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]. GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Quản lý môi trường đô thị và Khu công nghiệp, NXB Xây dựng, Hà Nội, 2000, 282 trang.
[3]. Quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia : đường lối chỉ đạo dựa trên những kinh nghiệm ban đầu trên thế giới, 1995. Tài liệu dịch của Viện Tài nguyên Thế giới (Hoa Kỳ). Cục Môi trường, Hà Nội, 161 trang.
[4]. Báo cáo Hội nghị khoa học lần thứ nhất do Chương trình “Bảo vệ môi trường và Phòng tránh thiên tai”, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại Đồ Sơn, 2003, NXB Khoa học Kỹ thuật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét