Cuộc đời li kỳ của tướng cướp có tới 19 bà vợ
Thời gian trôi qua, mối tình dang dở của bà và ông Tư Thuận (người được mệnh danh là “đại ca của các đại ca” giang hồ Sài Gòn) giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng mỗi lần gợi lại quá khứ, người phụ nữ tuổi ngoài thất thập vẫn nói về người chồng không hôn thú bằng lòng trân trọng và sự ngưỡng mộ.Tư Thuận khi còn trẻ (ảnh nhỏ) và lúc cuối đời
hoàn lương ở núi Chứa Chan (Đồng Nai).
Nếu không có ông, 4 đứa con riêng và chính bà chưa biết sẽ ra sao trong những ngày tháng khó khăn. Ơn nghĩa ấy là lý do giải thích tại sao, bà chấp nhận chờ Tư Thuận cả khi ông vào tù ra tội. Và cả khi tướng cướp này mải chạy theo tình mới, bà cắt đứt tình cảm nhưng vẫn không một lời oán trách.19 bóng hồng… tự nguyện yêu “Đệ nhất sát gái”
“Tứ đại thiên vương” cũng phải kính nể
Bà Lợi cho biết, Điền Khắc Kim vốn chỉ là một thanh niên bình thường, có thời gian quy phục Tư Thuận để học võ. Sau này thành nghệ, Kim tách ra và đi con đường riêng, trở thành một tên tướng cướp kì dị chuyên trộm của, hiếp vợ bọn quan Tây. Thuở đó, bà Lợi gặp Điền Khắc Kim như cơm bữa, bởi hắn thường sang võ đường của Tư Thuận chơi và nhờ dạy võ. Theo bà thì giữa tướng cướp họ Điền và Tư Thuận chỉ quan hệ trên cơ sở thứ bậc của giới giang hồ, với tư cách Tư Thuận là đàn anh; còn chuyện Điền Khắc Kim làm gì thì đó là chuyện cá nhân. Tư Thuận khác đàn em ở chỗ, tướng cướp này đàng hoàng trong giới giang hồ. Vì vậy, đến những tay tướng cướp gạo gội thời đó như Huỳnh Tỳ, Đại Ca Thay, Nguyễn Cái Thế… đều kính nể.
Càng về sau này, cái tên Tư Thuận càng ít được người đời nhắc đến. Nhưng trên “chiếu giang hồ” Sài Gòn thời kỳ trước 1975, Tư Thuận thực sự là một đàn anh khiến giới tội phạm phải kính nể. Sinh thời, Tư Thuận là đại ca của tướng cướp “chọc trời khuấy nước” Điền Khắc Kim. Đại bản doanh của Tư Thuận đặt tại vùng ngã ba Cây Thị (Q. Gò Vấp xưa, nay là P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM). Tên cúng cơm của Tư Thuận là Trương Văn Thuận, sinh năm 1944 tại làng Cây Thị. Về sau, trong thời gian vùng vẫy giang hồ, người ta gọi tướng cướp này bằng biệt danh Thuận “Cây Thị” để phân biệt với một tay giang hồ khác cùng tên ở quận 4.
Dù là đại ca giang hồ nổi tiếng giỏi võ, cuộc đời Tư Thuận lại khá bình lặng, bởi ông không manh động như những giang hồ khác gây nhiều tai ương cho xã hội. Chỉ một điểm nổi bật mà giới giang hồ Sài Gòn tời kỳ “Tứ đại thiên vương” – Đại – Tỳ – Cái – Thế (Đại Ca Thay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế) ai cũng biết, Tư Thuận thuộc hàng “Đệ nhất sát gái”. Nếu tính trọn cuộc đời, giang hồ Tư Thuận có một “vốn khủng” về vợ, với 19 người (cả vợ lớn và vợ bé). Trên hành trình đi tìm lại những bóng hồng từng gắn bó cùng tướng cướp này, chúng tôi đã gặp bà Trương Thị Lợi (em cùng cha khác mẹ với Tư Thuận). Hỏi về chuyện tình duyên của anh trai, bà Lợi cười hóm hỉnh: “Chú phải hỏi là bà nào, ở đâu, bà thứ mấy, chứ làm sao tôi nhớ nổi. Ổng nhiều vợ lắm, vợ chính thì ít, vợ bé thì nhiều, tôi nhớ không nhầm thì chính xác ông ấy có đến 19 vợ, bà Oanh là người cuối cùng, nay vẫn còn sống và đi tu ở một ngọn núi ở Vũng Tàu”.
Bà Lợi cho biết, nhà có hai anh em, cuộc sống tuổi thơ khổ cực, lớn lên đùm bọc nhau nên cuộc đời Tư Thuận phải trải qua giai đoạn nào, biến cố gì bà đều thuộc nằm lòng. Thời kỳ trước 1975, Tư Thuận có thượng đài đấu võ kiếm tiền, ngoài ra còn lập băng nhóm anh em tứ chiếng. Thế nhưng, theo bà Lợi thì giang hồ ngày đó có tính hào hiệp, không cướp bóc giết người, không trộm cắp hại dân, chỉ kinh doanh những loại hình như đánh bạc, đá gà độ… mà thôi. Nhờ nguyên tắc này, Tư Thuận rất được nhiều đàn em nể trọng, tìm về quy thuận, trong đó có tên Điền Khắc Kim ở vùng Chuồng Bò (chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp ngày nay).
Bà Lợi cũng cho biết, Tư Thuận có khiếu ăn nói khiến ai đã từng tiếp xúc một lần cũng phải nhớ mãi. Đặc biệt với phụ nữ, ông có một sức hút lạ thường. 19 bóng hồng đi qua đời Tư Thuận, có người vì gần gũi mà nảy sinh tình cảm, có cô nghe danh tìm đến, có cô gá luôn cuộc đời chỉ vì một câu tán tỉnh. Giới giang hồ bảo, đó là cái vốn trời ban, không phải ai cũng có được. Điều đặc biệt, người nào đến với Tư Thuận cũng đều tự nguyện, đều rất yêu thương và trân trọng. Ở Tư Thuận, họ nhìn thấy những phẩm chất mà không ai có được, đó là cách sống chân thật, luôn giang vòng tay hào hiệp gánh vác khó khăn cho người khác.
Bị bỏ rơi vẫn không một lời phẫn hận
Qua bao biến động của thời gian, những phụ nữ từng gắn cuộc đời với Tư Thuận, người đã chết, người lưu lạc ở nước ngoài. Sau nhiều ngày lần tìm manh mối, chúng tôi được biết bà vợ cuối cùng của ông đang sống trên một ngọn núi ở Vũng Tàu, hoàn toàn khép mình với thế giới bên ngoài. Một người khác hiện nay còn sống thì tá túc trong một con hẻm ở vùng ngã ba Cây Thị, bà là Đào Thị Liên (tên khác là bà Năm Tiệm), người có khoảng thời gian gắn bó lâu nhất bên cạnh tướng cướp Tư Thuận.
Thời điểm chúng tôi tìm đến, bà Liên đang sống cùng người con gái, vui vầy bên con cháu. 75 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng khi nói về “chồng cũ”, bà lại kể mọi chuyện rành rọt như thể mới hôm qua. “Ông Tư ấy à, ổng tốt người, tốt tính lắm, dù rằng chúng tôi không sống trọn đời”. Bà cho biết, thực ra mình đến với ông cũng trong cảnh “rổ rá cạp lại”. Nhà bà chung đường với nhà ông Tư, chồng trước của bà là sỹ quan chế độ cũ nhưng ham gái nên bỏ rơi vợ một mình cùng 4 đứa con nheo nhóc. Bà từng nghĩ sẽ sống một mình và nuôi con cho đến hết cuộc đời sau khi bị chồng bỏ vì hận đàn ông.
Bà Liên vẫn trân trọng khi nói về Tư Thuận.
Thế nhưng, một năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, cái duyên tình cờ sắp xếp cho bà gặp Tư Thuận, người lúc đó đi tù ở Côn Đảo về. Đang một thân cô độc, thấy mẹ con bà Liên cũng neo đơn, ông Tư sau một thời gian “thăm dò” đã đề xuất: “Mẹ con bà lủi thủi một mình tội quá, hay về sống với tôi đi, tôi chăm sóc cho”. Bà Liên nghe xong đáp gọn lỏn: “Ông có nghề nghiệp gì để mẹ con tôi dựa dẫm đâu? Tôi đã khổ nhiều rồi lỡ đến với ông khổ thêm nữa thì sao?”. Thế nhưng sau khi từ chối chỉ vài tháng, không biết suy nghĩ ra sao, bà đột ngột thay đổi quyết định, tự dắt díu đàn con nhỏ qua nhà ông Tư. “Lúc đó, hàng xóm láng giềng thấy tôi quyết định thì xì xèo, dè bỉu dữ lắm. Họ bảo: “Lấy ai không lấy, sao lại trao cuộc đời cho gã giang hồ khét tiếng Sài Gòn, lại từng ra tù vào tội”. Tôi nghe rồi thì bỏ ngoài tai. Sống bên Tư Thuận, tôi mới thấy ông là người có nhân cách. 4 đứa con riêng tôi dắt về, ông không ngại chuyện “quạ nuôi con tu hú” mà chăm bẵm hết lòng. Mấy đứa con tôi, nhờ ổng mà được cơm no, áo ấm”, bà Liên nhớ lại.
Về với nhau chưa được bao lâu, Tư Thuận bị bắt đi tù 3 năm vì phạm pháp, bà lại ngược xuôi thăm nuôi chăm nom. Đáo hạn tù, ông Tư quyết định hoàn lương, cùng bà Liên mở xưởng thu mua phế liệu. Nhờ chăm chỉ làm ăn, vựa phế liệu của “vợ chồng” bà mua may bán đắt, cuộc sống mẹ con bà Liên dần thay đổi, khấm khá hơn. Thế nhưng, dường như máu đào hoa và chuyện sống có trách nhiệm với “vợ” là hai khái niệm rạch ròi trong suy nghĩ của Tư Thuận. Thấy có một phụ nữ ở bên quận 4 lỡ có bầu bị “tác giả” “quất ngựa truy phong”, Tư Thuận thấy thương liền sang nhận đỡ đầu làm cha và nhận cả trách nhiệm… làm chồng của người này. Tất nhiên, trước khi quyết định, Tư Thuận đều về hỏi ý kiến bà Liên.
Ngoài chuyện ông Tư sống đàng hoàng, bà Liên chỉ băn khoăn một điều là “chồng” quá đỗi đa tình. Hồi những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Tư Thuận còn nảy sinh tình cảm với bà Oanh, người phụ nữ đã 4 con. Nhờ miệng lưỡi dẻo quẹo, Tư Thuận khiến bà này bỏ cả chồng con, theo ông xuôi về ngọn núi gần Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) sinh sống. Cũng từ đó, bà Liên hoàn toàn cắt đứt tình cảm giữa hai người. Thế nhưng dù không còn gần gũi nhau, bà Liên vẫn giữ trọn đạo nghĩa. Những lần ông Tư về ngã ba Cây Thị thăm nhà mà bị hết tiền xe quay về Đồng Nai với người vợ mới, bà cũng hỗ trợ. Rồi ngày ông Tư Thuận mất (năm 2011), trong khi người vợ thứ 19 (vợ cuối cùng) không đến thì bà Liên và các con cũng ngược xe từ TP. HCM về tận Xuân Lộc, dù hạnh phúc với ông Tư Thuận dở dang nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy ân hận khi quyết định làm vợ ông trùm giang hồ.
Theo Hàn Phong (Đời sống & Hôn nhân)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét