Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

 https://lh3.googleusercontent.com/-HcBtCqmDkV0/UbdMG65gl1I/AAAAAAAAGAs/6X5ws_3mwoU/s360/xengua3.jpgxe ngựa là xe thổ mộ và người đánh xe ngựa là xà ích
Ngựa trong văn chương Việt Nam còn được gọi là: Ngọ, Câu hay Mã
Những gia súc nuôi nấng thân cận với người ta, thì Ngựa và chó được kể là hai con vật trung thành nhất với thân chủ, nên dân gian thường có câu: "Khuyển, Mã chí tình".
Hơn nữa Ngựa được kể là loài vật tinh khôn, biết phân biệt được gia đình và dòng tộc của chúng. Những chuyên gia nuôi Ngựa cho biết, gia đình con cái của giống Ngựa, mặc dù bị bán đi lưu lạc phương xa, nhưng lúc có cơ may hội ngộ, chúng gặp lại nhau, chỉ ngửi mồ hôi là biết họ hàng bàng tộc của chúng. Cho nên loài Ngựa thì không có chuyện loạn luân, như các giống vật khác. Ngựa cũng là một lọai gia súc đa dụng, từ bần dân thiên hạ cho đến vua chúa đều qúi mến và trọng dụng. Ngựa còn được nhân cách hoá cho nên chúng ta thấy một số nhân vật nổi tiếng, mang tên giòng họ Mã như: Mã Viện tướng Tàu sang xâm chiếm nước ta. Mã Xái, Mã Tuyên hai nhân vật được ghi vào lịch sử của nền Đệ I Cộng Hoà Việt Nam, đã cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu ẩn trú trong những ngày cuối cùng. Ông Mã Sanh Nhơn (ngựa đẻ ra người)-  một cựu Đại Tá tỉnh trưởng Hậu Nghĩa đã từng là chỉ huy trưởng lực lượng ĐPQ và NQ/QĐ4/QLVNCH. Mà tại hạ đã nhiều lần có dịp tháp tùng với ông đi công tác khi còn tại ngũ.
Âm lịch có 12 con giáp. Dân Việt miền Bắc thường bắt chước nhau, sanh đẻ năm nào, đặt tên cho con năm đó. Sanh năm con Ngựa thì cha mẹ đặt tên con là Ngọ cho dễ nhớ năm sanh. 
Ngựa còn biểu tượng cho sự hùng mạnh và được sử dụng qua nhiều hình thức khác nhau. 
Ngựa biểu dương trong lịch sử và quân sử của VN và nhiều quốc gia trên thế giới
Từ thời lập quốc đếÂn hưng quốc. Ngựa được trưởng tộc của các bộ lạc dùng để đi chinh phục đất đai lập quốc, ngựa kể như là một lực lượng hùng mạnh trong chiến lược dương đông, kích tây của quân đội. Tại hạ đã từng phục vụ trong binh chủng không quân, mà 5 phi đoàn trực thăng đổ quân của SĐ4KQ đều mang 5 năm danh hiệu của con ngựa mỗi khi bay hành quân là: Bạch Mã 217, Hắc Mã 211, Hồng Mã 225, Phi Mã 227 và Hải Mã 255. Phi hành đoàn phải dùng những danh hiệu này để liên lạc với đài kiểm báo không lưu radar "Paddy" mỗi khi cất cánh. Dù trên trời hay dưới đất QLVNCH vẫn dùng ngựa để biểu dương cho sự oai hùng dũng mãnh của mình. Trở lại những trang sử anh hùng của Việt Nam, qua nhiều hình ảnh, chúng ta thấy các tranh hí họa đều vẽ vua chúa và quân lính cỡi ngựa đánh giặc. Các tượng đài được dựng lên để ghi nhớ công ơn lập quốc và kiến quốc của các bậc tiền nhân như: tượng thánh Gióng "Phù Đổng Thiên Vương" cỡi ngựa sắt gần chợ Bến Thành, tượng Đức Trần Hưng Đạo thánh tổ hải quân QLVNCH cỡi ngựa đặt tại Bến Bạch Đằng, tượng Lê Lai cỡi ngựa mặc áo cẩm bào xông ra trước địch quân để cứu Chúa, tượng thánh tổ ngành truyền tin Trần Nguyên Hãn cũng cỡi ngựa, đi chuyển các mật tin v.v....
Lịch sử cho thấy, trong các trận chiến ngày xưa, từ lính lên đến vua quan đều dùng ngựa để xông ra đánh trận. Tướng, quân đánh giặc giỏi là yếu tố chính để chiến thắng, nhưng cũng còn tùy thuộc vào đoàn kỵ binh nữa. Ra chiến trường mà gặp những con ngựa bất kham, ngựa chứng thì nguy to.
Ở nước ta ngày xưa, các sĩ tử đậu ông nghè, ông cống, sau khi được thăng quan tiến chức, đều được Vua ban cho ngựa, cỡi về quê vinh qui bái tổ, để dân chúng trong huyện, thôn, làng ra đón rước:
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau
Cảnh sát Úc Châu ngày nay vẫn cỡi ngựa đi tuần tra trên đường phố, hay còn sử dụng ngựa để dẹp các vụ biểu tình. Ngựa còn là một đội quân dàn chào danh dự. Các ngày đại lễ ban tổ chức thường cho đội kỵ binh danh dự dẫn đầu các cuộc diễn hành.
Ngựa trong văn học nghệ thuật
Ngựa được biểu tượng như là điểm mốc của thời gian, cho nên trong Bích Câu Kỳ Ngộ, Giáng Kiều đã khuyên Tú Uyên :
Rằng coi cho thấu sự đời
Phàm danh, háo lợi những người thế gian
Gẫm xem tám chín mươi năm
Bóng Câu cửa sổ dễ cầm được ru
Thịt xương gửi đám sương phù
Sinh sinh hóa hoá trong lò hồng quân
Chúng ta thấy ngựa được ghi chép nhiều trong các nhạc phẩm hành khúc cũng như trữ tình nổi tiếng Ngựa được các nhạc sĩ dùng để viết lên những dòng nhạc hành khúc hùng hồn, mà dân ca miền Nam với khúc nhạc sau đây: Khớp con ngựa, ngựa ô. Ngựa ô ăn khớp! mở đầu cho một bản nhạc quen thuộc mà chúng ta thường nghe, đã nói lên tính cách văn hoá nghệ thuật của loài ngựa trong ca nhạc Viêt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng đã sáng tác lên những ca khúc:
Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng, trắng xoá
....................
Về Sài Thành đường còn xa, xa tít mờ xa
Ngựa chạy đều đoàn xe băng trong cát bay nhoà
..............
Về Saìgòn Ngựa phi mau, đua hí rền vang
Bụi mịt mờ cuộn tung lên theo vó Câu dồn
.............................
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Ngựa xe thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Phạm Duy & Ngọc Chánh phổ nhạc "Vết Thù Trên Lưng ngựa hoang...".của Duyên Anh
Ngựa hoang nào dẵm nát tơi bời, đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời. Ngựa phi như điên cuồng....
Một vài bộ phận trong thân thể của ngựa, cũng là những nhạc cụ hữu dụng như: lông ngựa và móng ngựa, được các nhạc công dùng, để trổi nên những cung nhạc hùng hồn và réo rắt.
Lúc còn sinh thời, ông Ngoại tôi là một nghệ sĩ chuyên về cổ nhạc miền Bắc, khi vào Nam cụ dẫn tôi lên Tây Ninh, đến Tây Ninh chúng tôi phải đón xe ngựa về Trảng Bảng nơi cậu út của tôi định cư. Trong lúc hai ông cháu ngồi trên xe để chờ cho đủ khách. Thừa lúc chủ xe vào quán uống nước, Ngoại tôi lén lấy con dao nhỏ, xén một nắm lông đuôi Ngựa, rồi cụ cuộn lại giấu vào trong túi áo.
Tôi thắc mắc hỏi cụ. Ông cắt lông ngựa làm gì vậy? Cụ không trả lời, mà chỉ đặt một ngón tay trỏ dọc trên miệng, ra dấu hiệu cho tôi im lặng không được hỏi gì hết. Trên suốt quãng đường dài về Trảng Bàng, tôi giữ im lặng không nói năng gì, nhưng trong thâm tâm cứ đặt dấu hỏi? Tại sao ông Ngoại lại cắt trộm lông ngựa? Mãi khi về đến nhà cậu út của tôi, cụ mới lôi trong túi áo ra một nắm lông ngựa, dài như các sợi tóc thề của các bà các cô, rồi khoe cho cả nhà biết: "Tao mới xẻo được mớ lông ngựa để cột vào cây vĩ kéo 2 cái đàn nhị." Ngày hôm sau cụ lôi cái đàn gáo, đàn nhị ra cột những sợi lông ngựa vào cây vĩ cầm, rồi cụ lấy cục nhựa thông cà qua, cà lại trên lớp lông ngựa đã cột thật căng vào cái cung vĩ cầm. Sau đó cụ lên dây đàn, kéo ngay bản nhạc Lưu Thủy nghe thật là mùi tai, lại du dương nữa. Bấy giờ tôi mới hiểu ra, tại sao Ngoại xén trộm lông ngựa và công dụng của chúng. Thế mới biết lông ngựa là một nhạc cụ tuyệt vời, hơn hẳn cả những sợi dây kéo đàn vĩ cầm của Tây phương. Đôi khi các nhạc công dùng móng ngựa gõ vào nhau để giữ nhịp điệu.
Ngựa được các đoàn xiệc huấn luyện, đi trình diễn các động tác nghệ thuật cho công chúng coi.
Về phim ảnh các nhà đạo diễn đã dùng một số lượng ngựa khá đông, để thực hiện các cuốn phim cao bồi. Coi cuốn phim "Cao Bồi Lười", ta thấy ngựa rất thông minh. Anh chàng cao bồi lười không bao giờ tắm. Quần áo dơ, chỉ phủi bụi. Anh ta huấn luyện con ngựa hiểu biết ý muốn của anh ta và định hướng được nơi anh muốn đến. Chỉ ra dấu cho nó rồi leo lên trên cái cáng không có bánh xe nằm ngủ, con ngựa tự động kéo đến đúng chỗ.
Tôi đến thăm một vài gia đình bạn bè quen thân, quan sát chung quanh phòng khách, thấy họ treo trên tường những bức tranh Mã Đáo Thành Công hay Song Mã Phi, nhìn cũng đẹp mắt.
Nếu bà con của chúng ta ở nước ngoài, hay ở các tiểu bang khác đến Nam Úc, chúng ta sẽ dẫn họ đi thăm quan "Ngựa Gỗ" cách Adelaide khoảng 40 cây số ở phố Gumeracha, được mệnh danh là con ngựa lớn nhất thế giới cao bằng một căn nhà lầu 3 tầng.
Ngựa biểu tượng cho sự giầu sang phú qúi và kính trọng
Ngày nay người ta vẫn còn sử dụng ngựa để biểu tượng như một sự kính trọng, giầu sang và phú qúi. Những ngày đại lễ tại Anh quốc, Nữ Hoàng và hoàng tộc đều ngồi trên những cỗ xe ngựa lộng lẫy nguy nga di chuyển từ hoàng cung đến lễ đài.
Đám tang cố Tổng Thống Kenedy, quan tài của ông được đặt trên khẩu súng đại bác có hai bánh xe và một đoàn ngựa kéo ra nghĩa trang quốc gia Arlington bên dòng sông Potomac.
Đám tang công nương Diana cũng được đoàn xe ngựa kéo quan tài theo sau, tới thánh đường làm lễ đưa chân, rồi sau đó mới chuyển bằng xe về an táng tại quê nhà.
Ngựa và truyện cười
Truyện tiếu lâm kể: Ngày xưa một ông quan huyện có một tiểu thư đã đến tuổi cập kê, ông cho thông báo kén rể đến các hào kiệt, sĩ tử. Rồi ông mở cuộc thi để tuyển chọn nhân tài, mong gả tiểu thư cho cân xứng. Sau khi nghe được tin tiểu thư muốn lên xe hoa. Thì có hai thanh niên đến xin ghi danh ứng thí. Một anh học giỏi nhà giầu nhưng lại xí trai, còn một anh nhà nghèo thất học nhưng đẹp trai, tới trình diện trước quan để thi thố tài năng, mong giành được người đẹp. Quan thấy anh học giỏi xấu trai, nên cho vào thi trước, để cố ý cho anh ta ra rìa sớm. Quan nhìn trong nhà chẳng thấy cảnh vật gì cụ thể để ra đề thi, thì bất chợt nhìn ra ngoài sân, thấy anh lính dẫn con ngựa trắng đắc dụng của quan đi qua dinh. Quan bèn bảo anh xí trai vịnh con ngựa, anh ta liền ứng khẩu 4 câu thơ như sau:
Bạch Mã mao như tuyết
Tứ túc Bạch Mã cứng như thiết
Tướng quân kỵ Bạch Mã
Bạch Mã tẩu như phi

Xin tạm dịch:
Ngựa trắng lông như tuyết
Bốn chân ngựa trắng, cứng như sắt
Quan ông cưỡi lưng ngựa
Ngựa chạy nhanh như bay

Quan gật gù và truyền cho anh ra ngoài ngồi chờ kết quả. Sau đó quan cho gọi anh thất học vào thi. Thì ngay lúc đó thấy thân mẫu của quan đang lững thững đi ngoài sân, ông liền ra đề thi. Anh hãy vịnh cho tôi bà cụ. Anh thất học vừa nghe được loáng thoáng, bài vịnh của anh xí trai nên bắt chước xướng liền:
Bà Lão mao như tuyết
Tứ túc bà lão cứng như thiết
Tướng quân kỵ bà lão
Bà lão tẩu như phi

Ông quan nghe xong bài vịnh, mặt mày đỏ gay, nổi trận lôi đình, sai lính cột cổ đánh cho anh ta một trận, chừa tật láo lếu.
Tôi cũng được coi cuốn video "Bá Hộ Kén Rể" do nhóm hài hước Tùng Lâm, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Bảo Quốc, Bảo Chung và Hoàng Mai, thực hiện. Thanh Hoài trong vai quân sư cho Bá Hộ kén rể, Hoàng Mai đóng vai Bá Hộ, có cô tiểu thư vừa mập, vừa lùn, đã quá tuổi cập kê. Vì giầu có, nên cũng nuôi ngựa, cho nên khi kén rể, Bá Hộ bắt bốn chàng thanh niên ứng thí phải lần lượt thi nhau vịnh con ngựa của ông ta, nhưng phải là ngựa phi nước đại mới được trúng tuyển. Do đó các ứng sinh cũng phải tuân lệnh rồi lần lượt đua nhau xuất khẩu thành chương, vịnh những vần thơ con cóc về ngựa phi nhanh như sau:
Chàng thứ nhất
Con vịt nhảy xuống ao
Ngựa ông chạy lao chao
Chạy qua rồi chạy lại
Lông vịt vẫn còn ráo
Chàng thứ hai:
Con chuột chạy vô hang
Ngựa ông chạy lang bang
Chạy lui rồi chạy tới
Đuôi chuột vẫn còn thò
Chàng thứ ba
Mặt nước để cây kim
Ngựa ông chạy như chim
Chạy ngang rồi chạy dọc
Cái kim vẫn chưa chìm
Chàng thứ tư
Ngọn lửa đặt cộng lông
Ngựa ông chạy như giông,
Chạy xuôi rồi chạy ngược
Sợ lông vẫn chưa hồng
Cho nên trong phong tục Việt Nam khi cô dâu, chú rể gửi thiệp mời đám cưới, thì trên các tấm thiệp thường in hình ảnh cô dâu, chú rể cỡi ngựa che lọng và hai họ cùng rước dâu về nhà chồng.
Phong tục Tây phương người ta tặng Móng ngựa cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới.
Ngựa được dùng làm phương tiện vận chuyển
"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" Giới bình dân thường sử dụng ngựa để làm phương tiện vận chuyển kéo xe, kéo cày, xay lúa, nhất là những dân tộc sống gần rừng núi thường hay cỡi ngựa đi săn bắn, dùng ngựa để chuyển, chở các thực phẩm hay vật dụng kiếm được từ trên rừng núi về nhà.
Trong cuốn sách học Anh Ngữ "English For Today" dạy cho học sinh trung học Việt Nam, vào thập
niên 60, đã kể lại lịch sử về phương tiện vận chuyển từ Cổ tới Kim. Tôi không nhớ rõ tên một người Âu Châu đã phát minh ra chiếc xe ngựa. Ông ta đã chế tạo ra xe ngựa với cặp bánh xe lăn tròn, nhưng rất nặng nề, và cồng kềnh, thế rồi ông tiếp tục tái chế biến, lấy rơm quấn chung quanh bánh xe cho
nhẹ và êm. Về sau có một nhà phát minh người Pháp tên là DUNLOP (Đoong Lốp) đã sáng chế ra bánh xe bằng cao su, Dunlop đã dùng cao su bọc chung quanh bánh xe bằng gỗ, cho Ngựa kéo trên đường, cũng như trên đường rầy giảm bớt được sức nặng của bánh xe và êm hơn. Do đó bánh xe hơi ngày nay mang cái tên là DUNLOP để ghi nhớ tên người phát minh. Công ty DUNLOP có chi nhánh sản xuất lốp xe tại Melbourne. Công nhân Việt Nam làm việc khá đông tại đây. Người Việt chúng ta thường quen gọi tắt vỏ, ruột bánh xe là Xăm, LỐP ra do danh từ DUNLOP mà ra.
Ngựa được sử dụng như một con bài trong ngành cờ bạc
Những tay có máu mặt, đã sử dụng ngựa như một con bài cờ bạc, cáp độ hạng sang là cá ngựa. Sống trong nước Úc, đi khắp các tiểu bang, các thành phố đều thấy rất nhiều sân đua ngựa. Mỗi thành phố lớn hay nhỏ có hàng chục sân đua ngựa. Cứ đến cuối tuần, các đài truyền hình thi nhau trực tiếp truyền hình và tường thuật các cuộc đua ngựa, để các tay anh chị ghiền môn thể thao cờ bạc này theo dõi. Nhờ vào các ngày cá ngựa của mỗi tiểu bang ở Úc Châu như: Adelaide Cup, Melbourne Cup v..v..mà các công nhân viên chức đều được nghỉ xả hơi, thế giới họ rất ngạc nhiên về chuyện này. Hàng năm chúng ta thấy có một ngày cờ bạc lớn nhất của nước Úc, đó là ngày đua ngựa Melbourne Cup. Ngày mà cả nước cùng cờ bạc, không biệt Nam Phụ Lão Ấu giầu nghèo mọi người đều tham gia, chẳng thấy ai than phiền gì cả, không những chỉ riêng cho dân Úc mà còn cả các nước cũng đem ngựa đến Flemington, Melbourne để đua nữa. Tôi cũng là một trong những dân ghiền cá ngựa của ngày đó, mỗi năm cũng dại dột đóng góp vài chục đồng cho mục đua ngựa này, đôi khi về nhà cũng bị chính phủ quần thâm của tôi, phát thanh vài phút complaints.
Khi coi đua ngựa bà con hồi hộp nhất là vòng đua chót cùng, có nhiều chú ngựa, mấy vòng đầu chạy tàng tàng, nhưng vòng chót ngứa cẳng chạy thật nhanh, cho nên bà con gọi mấy chú ngựa này là:
Ngựa về ngược hay Ngựa chạy nước rút
Ngựa trong dâm thư, lục phủ
Ngựa là loài vật có bộ sinh dục khá to, cho nên mấy chàng công tử nhà ta, tay nào mà có của qúi bự qúa kích thước đều bị ghép vào loại C. ngựa. Các nhà sinh vật học cho biết trước khi ngựa làm tình, con ngựa đực liếm vài lần Yumies! Yumies trên cái lá đa của con ngựa cái, sau đó hắn quay giò lái lại, đá mấy phát vào cái sự đời đó cho nó sưng lên thật to, rồi hắn mới nhảy lên hành sự, thời gian hành sự của hắn kéo dài thật lâu, cho đến khi đã đời, hắn hí lên miếng tiếng thật lớn, rồi tụt xuống.
Truyện đồn rằng có một bà nhà quê, gia tài của nhà bà, chẳng có gì đáng đem ra chợ bán, để mua sắm cho chồng con trong lúc tết đến, mà chỉ có một bầy gà nuôi trong vườn. Thế rồi bà quyết định sáng sớm hôm sau bắt hai con, sách trong tay đem ra chợ bán, trên đường đi chợ, bất chợt bà thấy hai con ngựa đang làm tình, tò mò đứng lại nhìn xem chúng làm ăn như thế nào, không ngờ sự tình của chúng đã làm bà đê mê quên cả đi chợ, đến khi màn ân ái của ngựa chấm dứt, bà sực tỉnh, nhớ lại cặp gà còn trong tay, hai con gà đã bị bà xiết cổ chết ngổm củ tỏi lúc nào không hay. Thế là toi cặp gà.
Hai chân sau của ngựa cũng là vũ khí rất nguy hiểm, sơ ý đứng gần dễ bị ngựa đá. Nếu chẳng may bị ngựa đá trúng chỗ yếu có thể toi mạng. Cho nên cha ông chúng ta thường dặn con cháu coi chừng:
"Mõm chó vó ngựa". Ngựa được coi là con vật tốt, hữu dụng. Nhưng dân Việt ta cũng hay dùng tiếng ngựa để bêu xấu, chửi rủa nhau một cách tục tằn thô lỗ, trong lúc bực tức như sau đây:
Người đàn bà con gái nào lăng loàn, hư thân, trắc nết thì bị bà con lên án chửi rủa là: Đồ đĩ ngựa.
Gái làng chơi, gái điếm trở về làm ăn lương thiện, thì gọi là: Ngựa hoàn lương.
Sau một thời gian các cô gái này không chịu nổi kham khổ. Ăn quen, nhịn không quen, quay lại hành nghề giang hồ cũ là: Ngựa quen đường cũ.
Các cô các cậu bồ bịch, yêu đương lâm ly bi đát, rồi bỏ nhau, thất tình, thì nói là: Bị ngựa đá.
Dỡn mặt với vua chuá, quan quyền, cấp trên là: Mó dái ngựa.
Bị lùng bắt, hay chờ ra hầu toà quan lớn, lo sợ, buồn rầu thì: Mặt dài như mặt ngựa.
Ba gai, ba đồ, mặt chai mày đá thì gọi là thứ: Đầu trâu mặt ngựa.
Bạn bè chơi xấu, phản phé, đâm sau lưng chiến sĩ, thì được mang cái danh hiệu: Ngựa đá giò lái.
Làm ăn xui xẻo, công danh thất bại thì nói là: Bị té ngựa.
Ba gai, bất trị là: Ngựa bất kham.
Con cái, hư hỏng, không giáo dục được gọi là: Ngựa đứt dây cương.
Ngoan ngoãn, làm ăn trôi chảy, bổng dưng phá ngang, bỏ bê công việc gọi là: Ngựa chứng.
Đang làm lãnh tụ, làm chỉ huy trưởng mà bị lật đổ là: Thay ngựa giữa giòng.
Tánh tình cà chớn, xìu xìu, ển ển, ăn nói tửng tửng, thì bị bà con quở là: Đồ ngựa búng.
Những chàng trai sở khanh sau khi tặng các bà, các cô một bầu tâm sự, rồi êm đềm rút lui có trật tự "Tẩu Vi Thượng Sách" không một lời từ giã gọi là: Quất ngựa truy phong.
Đang làm tình mê ly mà chết ngất trên bụng người yêu gọi là: Thượng mã phong.
Cùng cảnh ngộ tìm đến nhau là: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã,
Ôi thôi! Nói đến ngựa thì còn rất nhiều chuyện không sao kể hết. Tết nhất lại đến nơi rồi.
Tại Hạ xin tạm ngưng bút ở đây. À quên! Phải nói là ngưng oánh computer thì mới đúng.
Nhân dịp Năm Mới Xuân Con Ngựa, Tại hạ xin kính chúc qúi đồng hương một năm GIÁP Ngọ :
Thân thể Cường tráng như Tuấn Mã 
Nhanh chân như Ngựa, phi nước đại
Thành công như Ngựa về ngược
Làm ăn phát tài như Ngựa vượt mức
Jos. Vĩnh,Adelaide South Australia 2002
NGỰA ĐÁ HAI PHEN PHÒ XÃ TẮC
Theo lối kiến trúc cuả nước ta ngày xưa thì mỗi khi xây dựng đền đài, lăng miếu để thờ các vị vua chúa hay các bậc vĩ nhân trong lịch sử, người ta thường tạc hình các ngưạ voi băng đá đặt trước sân chầu, có lẽ để cho các vị nói trên sai khiến như lúc còn sinh tiền vậy. Chiêu lăng, nơi thờ các vị vua nhà Trần ở Long hưng, chính là một trong những nơi như thế.
Sử chép rằng vào thế kỷ thứ 13, dưới triều đại nhà Trần, nước ta đã ba lần bị quân Mông cổ sang xâm chiếm, nhưng cả ba lần chúng đều thảm bại, phải từ bỏ mộng thôn tính nước ta như chúng đã thôn tính nhà Tống bên Tàu và nhiều nước khác. Để làm nổi bật chiến công hiển hách cuả quân dân ta dưới đời nhà Trần, thiết tưởng cũng nên biết qua về sự hùng mạnh của quân Mông cổ. Nguyên người Mông cổ thuộc giống rợ Đạt đát, ở về phía tây bắc tỉnh Hắc long giang bên Tàu. Đó là một giống người hung bạo, hiếu chiến, có tài cưỡi ngựa bắn cung và xông pha trận mạc. Truyền đến Thiết mộc Chân thì đã rất cường thịnh, ông ta bèn đại hội các bộ lạc và lên ngôi Đại hãn (như Hoàng đế), lấy hiệu là Thành cát tư hãn (Gengis Khan - 1206). Đến đời các Đại hãn A hoạt đài, Mông kha, Hốt tất liệt... thì vó ngựa của quân Mông cổ đã tung hoành khắp nơi trên hoàn vũ. Họ đã diệt nước Kim, bình nước Tống, đoạt Tây bá lợi á, vào Nga la tư, tiến thẳng đến bờ sông Danube; một đạo quân khác từ Ba lan tiến đánh thành Venise cuả Ý, khiến các nước Âu châu rúng động, gọi quân Mông cổ là hoàng họa (cái họa da vàng), hoặc cây gậy cuả Thượng đế. Cũng may là vì trong nước có biến, quân Mông cổ phải rút về nên các nước Âu châu mới thoát nạn. Nhưng cũng chính đạo quân hùng mạnh đó, ba lần sang chinh phục nước ta thì đều bị đánh tan không còn manh giáp. Lần thứ nhất (1257), tướng Mông cổ là Ngột -lương -hợp- thai, từ Vân nam theo đường sông Thao giang xuống đến tận Thăng long, vua tôi nhà Trần phải tạm thời triệt thoái để rồi sau đó phản công ở Đông bộ đầu, khiến quân Mông cổ phải chạy thất điên bát đảo. Lần thứ hai (1284), tướng Mông cổ là Thái tử Thoát Hoan thống lãnh 50 vạn quân, dùng kế “dĩ đồ diệt Quắc” (mượn đường nước Ngu mà đi đánh nước Quắc), giả tiếng mượn đường nước ta đi đánh Chiêm thành, nhưng kỳ thực là để thôn tính nước ta. Bị triều đình ta cự tuyệt, quân Mông cổ bèn tràn sang, thế như vũ bão. Quân ta phải tạm thời rút lui rồi sau đó đánh tan quân địch ở các trận Hàm tử, Chương dương, Tây kết v.v.. khiến Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cho quân sĩ kéo chạy về Tàu. Lần thứ ba (1287). cũng lại chính Thoát Hoan quyết tâm sang đánh báo thù, mượn tiếng đưa Trần ích Tắc về làm An nam quốc vương, nhưng cũng như hai lần trước, lần nầy quân Mông cổ cũng bị quân dân ta đánh bại ở sông Bạch đằng, các tướng Ô mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc v.v..bị bắt, Thoát Hoan phải nhò bọn Trịnh bằng Phi, Áo lỗ Xích ...hộ vệ mới chạy thoát được về bên kia biên giới.
Khi đã quét sạch quân Nguyên ra ngoài bờ cõi, vua tôi nhà Trần bèn đem bọn tướng giặc bị bắt vào làm lễ hiến phù ở Chiêu lăng. Nhân thấy các ngựa đá ở trước lăng, con nào chân cẳng cũng lấm đầy bùn đất, vua Trần Nhân tôn cho rằng nhờ khí thiêng sông núi nên đến ngựa đá cũng ra trận và góp phần đánh thắng quân thù, do đó Ngài xúc cảm làm hai câu thơ chữ Hán:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Ngựa đá hai phen phò xã tắc
Âu vàng muôn thuở giữ sơn hà)
(Ghi chú : Quân Mông cổ ba lần sang xâm chiếm nước ta, nhưng lần đầu có tính cách thăm dò. Hai lần sau mới thực sự ác liệt nên vua Trần Nhân tôn mới nói là “Ngựa đá hai phen phò xã tắc...”).
CHUYện ông già ở cửa ải mất ngựa (tái ông thất mã)
Theo sách Hoài nam tử cuả Lưu An  đời Hán (trong Hán văn tinh túy cuả Lãng Nhân) thì có một ông già ở cửa ải, một hôm bị mất một con ngựa qúy. Mọi người chung quanh đến hỏi thăm và chia buồn cùng ông, nhưng ông nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái may cho tôi?” (Thử hà cự bất vi phúc hồ?). Được vài tháng, con ngựa đó trở về, lại dắt thêm về một con ngựa Hồ rất tốt. Mọi người đến chúc mừng, nhưng ông lão lại nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái rủi của tôi?” (Thử hà cự bất năng vi hoạ hồ?). Sau đó không lâu, người con trai ông lão cưỡi con ngựa mới, bị nó lồng lên, hất cậu ta té xuống đất, gảy cả hai chân. Mọi người chung quanh đều đến chia buồn, nhưng ông lão lại nói: “Biết đâu đó chẳng phải là cái may cho gia đình tôi?” (Thử hà cự bất vi phúc hồ?) Một năm sau, có giặc Hồ tràn vào cửa ải, hầu hết trai tráng trong vùng đều chết vì giặc giã, riêng người con ông lão vì cớ gảy chân nên còn sống sót, cha con đều được an toàn. Rồi Lưu An kết luận :õõXem thế thì trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi, sự biến hoá không biết đâu là cùng và lẽ sâu xa không thể lường trước đượcõõ (cố phúc chi vi họa, họa chi vi phúc, hóa bất khả cực, thâm bất khả trắc dã).
Còn nhớ cách đây mấy năm, sau khi đến Mỹ, kẻ viết bài nầy có đi học một lơp Anh ngữ buổi tối dành cho người lớn tuổi, gặp cô giáo cho học một bài có nhan đề “We never know what will happen in life” (Chúng ta không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra trong đời), nội dung y hệt như bài Tái ông thất mã trên đây, khiến tôi nghĩ rằng có lẽ người Anh (hay người Mỹ) dịch bài đó ra cho người bản xứ đọc để hiểu rõ cái lẽ họa phúc trên đời vậy.
Ngựa ký kéo xe muối (ký phục diêm xa)
Trong các loài ngựa, có ngựa kỳ và ngựa ký được gọi là thiên lý mã, vì mỗi ngày chúng có thể chạy được hàng nghìn dặm. Có một người họ Tôn tên Dương, tự là Bá Nhạc, sống dưới đời Tần Mục công, rất có tài xem tướng ngựa. Một hôm ông đi qua vùng Ngu bản, gặp một con ngựa ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái hàng. Móng nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, mồ hôi rỏ xuống đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó. Nó cúi đầu xuống mà phì hơi, ngưỡng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng kim tiếng thạch. Vì sao nó phản ứng như vậy? Vì nó biết Bá Nhạc là ngươi thông cảm cho tình cảnh của nó.
Đời nhà Đường, văn hào Hàn Dũ có bài Thiên lý mã, đại ý như sau: Đời có Bá Nhạc rồi sau mới có thiên lý mã. Thiên lý mã thường có mà Bá Nhạc chẳng thường có. (Vì không có Bá Nhạc) cho nên dù là danh mã thì cũng chỉ bị nhục nơi tay kẻ tôi tớ, chết nơi xó chuồng máng cỏ mà thôi, chẳng bao giờ được nổi danh thiên lý. Ngựa mà đi được hàng nghìn dặm, mỗi lần ăn thường hết một thạch thóc. Người nuôi nó không biết cái hay thiên lý của nó nên không cho nó ăn đầy đủ, do đó tài nghề giỏi dắn không xuất hiện ra được, dẫu muốn cùng ngựa thường so sánh còn chẳng được thay, làm sao cầu cái hay nghìn dặm cuả nó? Quất nó chẳng đúng phép, nuôi nó chẳng hợp với tài cuả nó, bắt nó hí mà không hiểu được ý cuả nó rồi than phiền rằng: “Thiên hạ không có ngựa” (Thiên hạ vô mã dã). Than ôi! Kỳ thật không có ngựa ư? Kỳ thật là không biết ngựa vậy!(Ô hô! Kỳ chân vô mã da? Kỳ chân bất tri mã dã!). Đời sau có thành ngử “Ký phục diêm xa” (Ngựa Ký kéo xe muối), ám chỉ những ngươi có tài năng mà không được ai biết tới hoặc không được dùng đúng chỗ.
CHỈ HƯƠU NÓI NGỰA
Theo sách Sử ký cuả Tư mã Thiên (bản dịch cuả Nguyễn hiến Lê) thì sau khi Tần Thủy hoàng chết rồi, Thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao giả chiếu buộc Thái tử Phù Tô phải tự sát rồi lập con thứ là Hồ Hợi lên thay, lấy hiệu là Tần Nhị thế. Sau đó Triệu Cao tìm cách hãm hại Lý Tư để được lên làm Thưà tướng. Lúc nầy thế lực nhà Tần đã vô cùng suy yếu, bên ngoài thì lực lượng chư hầu đã làm chủ tình hình mà trong triều thì Triệu Cao chuyên hoạnh, không coi Tần Nhị thế ra gì. Y đã nuôi dã tâm làm phản, nhưng còn e ngại sự chống đối cuả quần thần nên tìm cách thăm dò thái độ cuả họ. Một hôm y hội họp các quan rồi dâng cho Nhị thế một con hươu, nhưng bảo đó là con ngựa. Nhị Thế cười nói: “Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?” Rồi Nhị Thế hỏi các quan, nhiều người im lặng, nhưng cũng có người nói là ngựa để vừa lòng Triệu Cao, trong khi một số ít nói đó là con hươu. Triệu Cao bèn chú ý những người nói hươu để rồi tìm cách hãm hại. Từ đó ai nấy đều sợ Cao, đến nỗi y giết Tần Nhị thế và lập Tử Anh lên thay, tức là Tần Tam thế. Nhưng rồi y lại bị Tử Anh đâm chết ỏ trai cung trước khi ông nầy ra đầu hàng Lưu Bang và Hạng Võ. Cơ nghiệp nhà Tần đến đây là hoàn toàn chấm dứt
Khi vua Thủy Hoàng nhà Tần thống nhất Trung quốc, lên ngôi hoàng đế, đã tin tưởng rằng ông sẽ truyền ngôi cho đến vạn đời nên  lấy hiệu là Thủy hoàng (vị hoàng đế đầu tiên), đời con sẽ là Nhị thế, đời cháu là Tam thế và mãi mãi cho đến Vạn Vạn thế. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng 15 năm thì sự nghiệp tan thành mây khói. Sở dĩ như vậy là vì ông ta đã thi hành một chính sách cai trị độc tài tàn bạo, đốt hết sách vở cuả thánh hiền, chôn sống hàng ngàn nho sĩ và áp dụng nhiều hình thức đàn áp nhân dân trong nước. Đời nhà Hán, Giã Nghị có làm bài Quá Tần luận, phê bình chính sách nhà Tần một cách nghiêm khắc và xác đáng. Đến đời nhà Đường, thi hào Đỗ Mục có bài phú về cung A phòng rất nổi tiếng (cung nầy do Tần Thủy hoàng xây dựng nên), trong đó có đoạn kết đáng làm bài học cho đời sau: “Ô hô! Diệt lục quốc giả, lục quốc dã, phi Tần dã. Tộc Tần giả, Tần dã, phi thiên hạ dã. Ta hồ! sử lục quốc các ái kỳ nhân tắc túc dĩ cự Tần; Tần phục ái lục quốc chi nhân tắc khả chí vạn thế nhi vi quân, thùy đắc nhi tộc Tần dã. Tần nhân bất hạ tự ai nhi hậu nhân ai chi; hậu nhân ai chi nhi bất giám chi, diệc sử hậu nhân nhi phục ai hậu nhân dã” (Than ôi! kẻ diệt sáu nước chính là sáu nước chứ không phải nhà Tần. Kẻ diệt cả họ nhà Tần chính là nhà Tần chứ không phải là thiên hạ. Ôi! nếu người sáu nước biết đoàn kết thương yêu nhau thì đủ sức chống cự nhà Tần (ý nói vì người sáu nước chia rẻ nhau nên bị nhà Tần tiêu diệt). Nếu nhà Tần biết yêu thương dân sáu nước thì có thể truyền ngôi đến vạn đời chứ ai diệt nhà Tần cho nổi? Người Tần không rãnh để tự thương cho mình mà để đời sau thương giùm cho họ. Người sau thương giùm cho họ mà không biết lấy đó làm gương thì lại khiến đời sau nữa thương cho đời sau đó vậy). Than ôi! Nếu các nhà làm chính trị đời nay mà rút được bài học đó thì có thể khỏi bị thân bại danh liệt, nhân dân nguyền rũa và để tiếng xấu cho đời sau.
“BÒ KHÔNG THỂ ĐẺ RA NGỰA”
Vua Hoàn công nước Tề, một hôm đi săn, đuổi một con hươu chạy vào trong cái hang có một ông già đang ở. Vua hỏi hang nầy tên là hang gì, ông lão nói:
-  Tên là hang Ngu công.
-  Vì sao mà đặt tên như thế?
- Tại kẻ hạ thần nầy mới có cái tên ấy.
-  Coi hình dáng lão cũng không phải là người ngu, tại sao đặt tên cái hang như thế?
-  Để hạ thần xin nói: “Nguyên hạ thần có nuôi một con bò cái, đẻ được một bò con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đem đi bán, lấy tiền mua một con ngựa đem về nuôi chung với bò cái trong cùng một chuồng. Một hôm có một chàng thanh niên đến, lấy lý rắng bò không thể đẻ ra được ngựa nên bắt ngang con ngựa đem đi. Thần cô thế không cãi lại được, đành phải chịu mất con ngựa, do đó mọi người đều cho thần là ngu và đặt tên cái hang nầy là hang Ngu công.”
Hôm sau, trong buổi chầu, Hoàn công đem câu chuyện nói trên kể lại với quan Tướng quốc là Quản Trọng, tức Quản di Ngô. Ông nầy nói: “Đó chính là cái ngu cuả Di Ngô nầy chứ không phải cuả ông Ngu công nào cả. Thần làm Tướng quốc mà không giúp được gì cho Chúa công trong việc sửa sang phép nước, đến nỗi có người dám ngỗ ngược lấy không ngựa cuả người ta như vậy thì rõ ràng hình pháp ngày nay không ra gì. Vậy xin nhà vua kíp chỉnh đốn kỷ cương để cho người dân thấp cổ bé miệng như ông Ngu công nầy khỏi bị người ta ức hiếp...”
Nhà học giả Nguyễn văn Ngọc, trong sách Cổ học tinh hoa, khi đề cập đến chuyện nầy đã bình luận như sau:
“Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu mang cái tiếng là “ngu” vì trong ý lão nghĩ rằng gặp thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung bạo, thà để êm chuyện đi còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi mất cả bò và bao nhiêu tiền bạc, thì giờ vào đấy nữa. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi cuả mình, thế là có tinh thần trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác...”.
Nhìn lại thế giới ngày nay, có nhiều nơi còn tồn tại rất nhiều tệ nạn bất công, tham nhũng, cướp giật, băng đảng, mạnh đuợc yếu thua, khôn sống mống chết, khủng khiếp gấp trăm ngàn lần so với chuyện cướp ngựa nói trên, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận trách nhiệm về mình mà chỉ đổ cho hoàn cảnh, môi trường, hoặc cấp trên đổ cho cấp dưới, ngành nọ đổ cho ngành kia, nhiều lúc những người có lỗi lại được thăng quan tiến chức, so với Quản Trọng ngày xưa thật khác nhau một trời một vực.
BỘ XƯƠNG NGỰA GIÁ 500 NÉN VÀNG
Đời Chiến quốc, vua Chiêu vương nước Yên muốn báo thù nước Tề, vì các đời vua trước từng bị nước Tề đánh bại. Một hôm nhà vua nói với quan Tướng quốc là Quách Ngỗi rằng:
-  Mối nhục cuả tiên vương, ngày đêm ta vẫn hằng ghi nhớ. Nếu bây giò có được người hiền trợ giúp cùng mưu việc đánh Tề thì ta sẽ hết lòng trọng dụng. Vậy tiên sinh hãy vì ta mà tìm xem ai là người hiền để ta mời về cộng tác.
Quách Ngỗi nói:
-   Ngày xưa có một vị vua sai một viên quan đem nghìn nén vàng đi tìm mua một con thiên lý mã, giữa đường gặp một con ngựa chết mà có một số đông người xúm lại tỏ lòng thương tiếc. Viên quan bèn dừng xe, hỏi thăm duyên cớ thì người ta trả lời rằng đó là một con thiên lý mã, mỗi ngày có thể đi được hàng nghìn dặm, nay tự nhiên nó chết nên mọi người đều thương tiếc. Viên quan nghe nói bèn bỏ ra 500 nén vàng, mua lấy bộ xương gói lại đem về. Vua tức giận bảo rằng đó là bộ xương ngựa chết, còn dùng được việc gì mà bỏ nhiều tiền ra mua như vậy? Viên quan nói: “Thần sở dĩ mua bộ xương đó là vì muốn chứng minh rằng ngựa chết mà còn được Chúa công quý trọng đến mức đó, huống gì ngựa sống? Thần tin chắc rằng  nay mai sẽ có nhiều người đem ngựa quý đến bán cho Chuá công...” Quả nhiên chỉ một thời gian sau vị vua nọ đã mua được ba con thiên lý mã. Nay Chuá công muốn cầu hiền sĩ trong thiên hạ thì truớc hết hãy dùng Ngỗi tôi, coi như một bộ xương ngựa chết. Mọi người thấy một kẻ bất tài như Ngỗi tôi mà còn được trọng dụng thì những kẻ có tài hơn tôi gấp bội, sẽ tìm đến mà phục vụ cho Chúa công, như vậy Chuá công sẽ không còn lo thiếu hiền sĩ nữa.
Vua Chiêu vương nghe lời, bèn trọng dụng Quách Ngỗi hơn trước, xây lâu đài tráng lệ cho ở, cung phụng như bậc thầy. Từ đó tiếng tăm trọng hiền cuả nhà vua đồn đãi khắp nơi, khiến Trâu Diễn ở Tề sang, Tô Đại ở Chu lại, Kịch Tân ở Triệu đến v.v.., tất cả đều được vua Chiêu vương trọng dụng và nhờ thế, nước Yên đã có một thời cường thịnh.
Qua câu chuyện trên đây, ta thấy Quách Ngỗi đã tìm được một ví dụ rất hay để tự tiến mình, và vua Chiêu vương cũng biết nghe lời nói phải để làm cho nước nhà giàu mạnh.
MỘT CON NGỰA BỊ CHẾT OAN
Đời vua Cảnh công nước Tề, đất nước bị ngoại xâm đe dọa mà trong triều thì không còn tướng giỏi, nhà vua lấy làm lo lắng, bèn hỏi  quan Tướng quốc là Án Anh thì ông nầy tiến cử một  người tên là Điền nhương Thư, rất có tài thao lược nhưng còn  ẩn thân nơi thôn dã. Nhà vua liền triệu đến, nghe họ Điền giảng giải về binh pháp, rất lấy làm vừa ý bèn phong ngay cho làm chức Đại Nguyên soái, cầm quân ra biên thùy chống giặc. Điền nhương Thư tâu:
-  Hạ thần xuất thân trong đám bình dân, chưa có tên tuổi gì, nay Chúa công cho giữ binh quyền e lòng người không phục. Vậy xin Chúa công cử cho một vị đại thần có danh vọng làm chức Giám quân thì hiệu lệnh của hạ thần mới thi hành được.
Tề Cảnh công y tấu, bèn sai quan Đại phu là Trang Giả đi làm Giám quân. Khi bải triều, Trang Giả hỏi Điền nhương Thư bao giờ thì xuất quân? Điền nhương Thư hẹn đúng ngọ ngày mai thì tề tựu tại giáo trương để điểm duyệt quân mã rồi sẽ lên đường. Ngày hôm sau, Điền nhương Thư đến giáo trường, cho dựng một cây nêu để đo bóng mặt trời (vì ngày xưa chưa có đồng hồ) rồi ngồi chờ Trang Giả. Trong khi đó thì Trang Giả cậy mình là cận thần cuả nhà vua, coi thường Điền nhương Thư nên ở nhà dự tiệc tiển hành do bạn bè khoản đãi, đến chiều mới ngất ngưởng tới nơi. Điền nhương Thư nghiêm sắc mặt hỏi:
-  Ngài đã hẹn với tôi đúng ngọ hôm nay đến giáo trường để điểm duyệt quân mã, sao bây giờ mới đến?
-  Vì biết tôi sắp đi xa nên có một số bạn đồng liêu bày tiệc khoản đải, tôi uống hơi quá chén nên đến trễ, xin Nguyên soái miễn chấp. Điền nhương Thư nổi giận nói:
- Phàm đạo làm tướng, trong ngày chịu mệnh vua thì phải quên nhà mình; khi đã tuyên bá hiệu lệnh cho quân sĩ thì phải quên cha mẹ mình; khi cầm dùi trống xông pha tên đạn thì phải quên cả thân mình. Nay nước nhà đang có giặc, Chúa công ăn ngủ không yên, đem việc lớn phó thác cho chúng ta, như vậy còn lòng dạ nào mà ăn uống say sưa nữa? Nói xong, quay qua hỏi quan chấp pháp:
- Theo quân pháp, khi có lệnh tập hợp quân sĩ mà đi đến trể thì xử như thế nào?
- Bẩm, xử chém.
Điền nhương Thư liền thét quân sĩ bắt Trang Giả trói lại và điệu ra ngoài viên môn xử trảm. Người hầu cuả Trang Giả thấy vậy bèn chạy tuốt về triều phi báo. Vua Tề Cảnh công nghe báo giật mình, vội rút một cây lịnh tiễn trao cho quan Đại phu là Lương khâu Cứ, bảo phải đi gấp ra giáo trường truyền lệnh cho quan Nguyên soái tha tội chết cho Trang Giả. Khâu Cứ cậy mình là sũng thần cuả nhà vua, tới viên môn không thèm xuống ngựa, cứ sồng sộc chạy vào. Điền nhương Thư truyền quân ngăn lại rồi hỏi quan chấp pháp:
- Vào viên môn mà không xuống ngựa thì xử thế nào?
- Bẩm, xử chém.
Lương khâu Cứ nghe nói hồn phi phách tán, vội đưa lệnh tiễn cuả vua ra và nói rằng vì có mệnh vua sai đi gấp nên quên xuống ngựa, mong quan Nguyên soái tha thứ. Nhương Thư thấy có lệnh vua nên tha tội chết cho sứ giả, nhưng truyền quân chém đầu con ngựa để nghiêm quân pháp. Thế là con ngựa bị chết oan vì sự hống hách, kiêu căng của những người có quyền cao chức trọng. Đầu đời nhà Hán cũng có một trường hợp tương tự, khi Hàn Tín được đăng đàn bái tướng, Lịch Sanh vào viên môn không xuống ngựa nên cũng bị xử phạt như trên. Nhìn lại thế giới ngày nay. trừ những nước có chế độ dân chủ pháp trị vững chắc mà đến một ông Tổng thống có tật hảo ngọt cũng bị đưa ra luận tội, còn những chế độ độc tài toàn trị thì đều có cái dù che cái cán, những người làm lớn dù phạm tội tầy trời cũng bình chân như vại.
CON NGỰA THÀNH TROY (TROJAN HORSE)
Theo thần thoại Hy lạp thì vào đời thượng cổ, ở về mạn bắc Tiểu-á-tế-á có thành Troy là một đô thị giàu có, dân cư đông đúc, từng được thi hào Homère ca ngợi trong tập anh hùng ca Iliade. Người Hy lạp muốn chiếm cho bằng được thành Troy, nên đã phát động một cuộc chiến tranh kéo dài trong 10 năm nhưng vẫn không chiếm được. Cuối cùng, tướng Odysseus cuả Hy lạp bèn nghĩ ra một kế là chế ra một con ngựa bằng gỗ thực to lớn, cho quân sĩ nấp vào trong ruột rỗng cuả con ngựa rồi đẩy tới trước cổng thành. Sau đó quân Hy lạp kéo trở về, làm ra vẻ như muốn bỏ tham vọng chiếm thành từng theo đuổi lâu nay. Từ trong thành, quân Troy trông thấy vội mở cửa kéo ra, đoạt lấy con ngựa kéo vào thành. Đến tối, quân Hy lạp từ trong bụng ngựa tuông ra, cùng với quân mai phục ở ngoài tràn vào đánh phá và chiếm được ngôi thành. Từ đó điển tích con ngựa thành Troy được dùng để chỉ những âm mưu qũy quyệt nhưng được che đậy bằng những hình thức tốt đẹp bên ngoài.
NGỰA TRONG THÀNH, ĐIỂN TÍCH.
Ngựa Hồ chim Việt: Ngày xưa, ở mạn nam nước Tàu có nước Việt (không phải nước Việt nam ta ngày nay), sinh sản một loài chim mà dù bay đến xứ nào cũng chỉ chọn cành cây phiá Nam mà làm tổ (vì nước Việt ở về phương nam). Trong khi đó, về phía bắc sông Hoàng hà có nước Hồ, sinh sản một loài ngựa mà mỗi khi nghe gió thổi từ phương Bắc thì cất tiếng hí vang (vì nước Hồ ở về phương bắc), từ đó phát sinh thành ngữ Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong. Thành ngữ nầy dùng để chỉ tấm lòng tưởng nhó quê hương xứ sở, như cụ Phan bội Châu có biệt hiệu là Sào Nam, hoặc có người lấy hiệu là Nam Chi v.v.., đều nằm trong ý nghĩa đó.
Da ngựa bọc thây: Do câu của Mã Viện nói với vua Quang Vũ nhà Hậu Hán: “Đại trượng phu nên chết ở chiến trường, lấy da ngựa bọc thây chứ lẽ đâu lại chết trên tay đàn bà..”. Câu nầy nói về chí khí làm trai là nên xông pha nơi trận mạc chứ chẳng nên ru rú ở xó nhà. Trong bản Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán, ông Đặng trần Côn có dẫn điển tích nầy trong mấy câu:
Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao
Bà Đoàn thị Điểm diễn nôm:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao...
Bám đuôi ngựa ký: Có những con vật tự nó không đi xa được, nhưng nếu nó bám  đưọc vào đuôi con ngựa ký thì  cũng có thể đi được hàng nghìn dặm (ngựa ký đi tới đâu thì nó cũng đi được tới đó). Câu nầy nói về một người nào đó nhờ sự giới thiệu, tiến cử cuả một nhân vật có danh vọng, uy tín nên đựợc mọi người biết đến và làm nên sự nghiệp, bằng không thì cũng bị mai một mà thôi. Điển nầy rút từ việc thầy Nhan Hồi nhờ theo học đức Khổng tử và được Ngài khen là người hiền nên trở thành nổi tiếng. Đời sau có câu phụ ký vĩ nhi hành ích hiển (Bám đuôi ngựa ký mà công hành càng tỏ rõ). Ngoài ra, chữ phụ ký  còn có nghĩa là kết bạn với người giỏi
Thẳng ruột ngựa: Trong cơ thể con ngựa, đoạn ruột nối liền với dạ dày hơi thẳng, ít quanh co như những con vật khác, do đó có thành ngữ nầy để chỉ những người bộc trực, có sao nói vậy, ít cong queo lắt léo, nói chung là người tốt, không có ác tâm. Ngựa quen đường cũ: Ám chỉ những người có khuyết điểm gì đó mà không chịu sửa chữa, vẫn chứng nào tật nấy như con ngựa cứ theo đường cũ mà đi, không chịu theo đường khác. Ngựa non háu đá: Chỉ những người còn trẻ tuổi mà tự cao tự đại, háo thắng, ưa chống đối người nầy người khác như những con ngựa còn non, gặp đâu đá đó. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ: Câu nầy mượn chuyện ngựa để nói về tinh thần tương thân tương ái giữa con người với nhau. Khi một con ngựa bị đau, những con khác trong chuồng (tàu) đều nhịn ăn để chia xẽ sự đau buồn cuả nó, tương tự như câu thố tử hồ bi (thỏ chết cáo thương). Loài vật còn đưọc thế, huống gì con người? Do đó thật không thể hiểu được vụ khủng bố ngày 11.9.2001. Ngưu tầm ngưu,mã tầm mã: Có nghĩa là trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, ám chỉ người tốt thường giao du với người tốt, người xấu giao du với ngươi xấu, tương tự như câu Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu..
Trong tiếng Pháp có những thành ngữ: Brider son cheval par la queue:
Buộc cương ngựa ở đuôi, chỉ một việc làm trái khoáy. Changer son cheval borgne contre un aveugle: Đổi ngựa chột lấy ngựa mù, đổi cái xấu lấy cái xấu hơn. Cheval dans la main: Ngựa dễ bảo, ngựa thuần. Travailler comme un cheval: Làm việc hùng hục, làm việc như trâu ngựa.
Trong tiếng Anh, từ điển có ghi một số thành ngữ như sau: To change horses while crossing the stream: Thay ngựa giữa gìòng. To put the cart before the horse: Đặt cái xe trước con ngựa, ví như ta nói đặt cái cày trước con trâu. To flog a dead horse: Quất vào con ngựa chết, chỉ một việc làm phí công vô ích. To back the wrong horse: Đánh cá con ngựa thua, tức ủng hộ phe thua v.v...
oOo
Trên đây là vài câu chuyện tản mạn về con ngựa. Kể ra thì còn nhiều chuyện nữa như phép bảo mã của Vương an Thạch, thuật đua ngựa cuả Tôn Tẫn và Điền Kỵ, trâu gỗ ngựa máy (mộc ngưu lưu mã) cuả Khổng Minh, ngựa Ô chuy cuả Hạng Võ, ngựa Đích lư cuả Lưu Bị, ngựa Xích thố cuả Quan Công v,v,,,nhưng vì bài viết hơi dài nên người viết xin tạm ngừng nơi đây và nhân dịp đầu năm con ngựa, xin kính chúc qúy đồng hương một năm mới mã đáo thành công, kỳ khai đắc thắng.
 10 thần thoại nổi tiếng về loài ngựa 
(Kienthuc.net.vn) - Ngựa Chollima trong thần thoại châu Á cũng sở hữu đôi cánh sải rộng, có thể bay 400 km/ngày. Hiện nó là biểu tượng của sức mạnh và phát triển kinh tế.

10. Ngựa thần Chollima xuất hiện trong thần thoại châu Á: Giống như loài ngựa trắng có cánh Pegasus của thần thoại Hy Lạp, Chollima trong văn hóa dân gian châu Á cũng sở hữu đôi cánh sải rộng. Nó có thể bay 400km/ngày. Tương truyền, loài ngựa này xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên. Do con người thất bại trong việc thuần hóa loài ngựa siêu phàm này, chúng đã tự bay lên trời. Mãi cho đến khi sứ giả đích thân lên mời thì Pegasus mới chịu quay về Trái Đất và chấp nhận bị thuần hóa. Ngay nay, nó trở thành biểu tượng cho sức mạnh và sự phát triển kinh tế ở một số quốc gia như Triều Tiên, Hàn Quốc.

9. Truyền thuyết của Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại về ngựa Tulpar: Đây cũng là loài ngựa có cánh hay còn gọi là ngựa bay, xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và thần thoại châu Á. Một trong số đó kể rằng, anh hùng dân gian Tuvan Ösküs - ool đã sử dụng chú ngựa Tulpar yêu quý của mình để phát minh và làm ra chiếc đàn violon đầu tiên. Người ta cũng tin rằng, chú ngựa Tulpar xuất hiện như một sự kết hợp mang tính biểu tượng giữa loài ngựa với một loài chim săn mồi. Cả hai loài vật này đều là những công cụ được cư dân Trung Á dùng để săn bắn. Ngựa Tulpar đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Á. Nó là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Kazakhstan và Mông Cổ.

8. Truyền thuyết Hy Lạp cổ đại về đàn ngựa cái của Diomedes: Bốn chú ngựa cái của Diomedes gồm: Podagros, Lampon, Xanthos và Deimos. Chúng có sở thích ăn thịt người. Một số thần thoại kể rằng, Heracles được giao nhiệm vụ bắt và thuần hóa đàn ngựa đặc biệt này. Heracles đã khiến 4 con ngựa ăn thịt chính chủ nhân của chúng rồi thuần phục chúng. Đây chính là nhiệm vụ thứ 8 trong số 12 “điệp vụ” mà Heracles đã hoàn thành xuất sắc.

7. Ngựa Kan Tha Ka trong Phật giáo: Nó được miêu tả là "có chiều dài 18 thước và có chiều cao tương xứng". Loài vật này có lông màu trắng. Kan Tha Ka là con ngựa yêu quý của Đức Phật Siddhārtha Gautama. Con vật đặc biệt này đã trốn khỏi cung điện của gia đình Gautama khi ông quyết định trở thành nhà tu hành. Sau khi chết, Kan Tha Ka đã tái sinh thành học giả - người sau này có chuyến hành trình tu luyện đạt được sự giác ngộ.

6. Ngựa Widow-Maker/Lightning trong thần thoại Mỹ: Nó là con ngựa của chàng cao bồi huyền thoại Pecos Bill. Theo một số truyền thuyết, chỉ Pecos Bill mới có thể cưỡi nó.

5. Bốn con ngựa của Apocalypse trong Thần thoại Kitô giáo: Chúng là biểu tượng của sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết. Trong sách Khải Huyền, 4 con ngựa trên được coi là dấu hiệu của sự phán xét cuối cùng trong suốt Ngày tận thế. Chúng có màu sắc khác nhau, lần lượt là: trắng, đỏ, đen và xanh xám hay xanh lá cây. Những con ngựa này đã trở thành nhân vật trung tâm trong thuyết mạt thế của đạo Kitô trong suốt thiên niên kỷ đầu hình thành tôn giáo này. Chúng cũng được mọi người biết đến là nhà tiên tri của tự nhiên.

4. Ngựa Q al- Bur trong truyền thuyết của người Hồi giáo: Chúng được coi là chiến mã, là phương tiện di chuyển của các nhà tiên tri. Tên của loài ngựa này xuất phát từ tiếng Ả Rập "bur q" hoặc "tia chớp". Câu chuyện nổi tiếng nhất liên quan đến loài ngựa Al- Bur xuất hiện trong Kinh Qur'an. Nhà tiên tri Muhammad và thiên thần Jibril đã cưỡi chúng để di chuyển từ thánh địa Mecca tới Jerusalem. Sau đó, chúng bay lên thiên đường để phục vụ thánh Allah trong suốt “Chuyến du hành ban đêm”. Thỉnh thoảng, chúng được mô tả là mang khuôn mặt của con người với bộ lông màu trắng phủ và hai cánh mọc ở thân.

3. Ngựa Uchchaihshravas trong truyền thuyết Hindu: Nó là con vật thần thoại có bộ lông màu trắng, 7 cái đầu và biết bay. Uchchaihshravas là cầu nối giữa vị thần Hindu với vị vua trên trời Indra. Theo một số chuyện kể khác, nó là cầu nối giữa thần Hindu và vua quỷ Bali. Loài vật này xuất hiện cùng với những đồ vật vật thần thoại khác như thuốc trường sinh, Lakshmi và nữ thần may mắn.

2. Ngựa Sleipnir trong thần thoại Bắc Âu: Loài vật này được mô tả là có 8 chân và sở hữu sức mạnh vô địch, không thứ gì có thể khiến nó chạy chậm lại. Theo truyền thuyết, Sleipnir có khả năng đến Hel. Có một lần, Hermod đã cưỡi Sleipnir đến Hel để giải cứu anh trai Balder.

1. Ngựa Pegasus trong thần thoại Hy Lạp cổ đại: Nhắc đến những con ngựa thần thoại, ắt hẳn nhiều người sẽ nhớ đến chú ngựa trắng Pegasus của Hải thần. Sau khi giúp đỡ người anh hùng Hy Lạp Bellerophon đánh bại Chimera, Zeus đã biến ngựa Pegasus thành một chòm sao và cho nó một vị trí trên bầu trời. Nó là một trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng ở phương Tây và xuất hiện nhiều trong các bức tranh, bài thơ, bài hát, sách báo và phim ảnh.
CON NGỰA SẮT CỦA PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Ở nước ta, vào đời vua Hùng vương thứ 6, tại làng Phù dổng, huyện Võ giàng, tỉnh Bắc ninh, có đôi vợ chồng nọ sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh, khiến cha mẹ đúa bé rất vui mừng và hết lòng nuôi nấng để mong ngày sau nối dõi tông đường. Nhưng rồi sự vui mừng đó giảm dần đi để nhường chỗ cho sự lo âu, phiền muộn, vì không hiểu sao đứa bé suốt ngày chỉ nằm yên một chỗ, không cử động la khóc gì cả, mãi đến năm ba tuổi mà vẫn chưa biết nói và đi được bước nào. Cha mẹ bé đã đi cầu đảo nhiều nơi nhưng vẫn không hiệu quả.
Giữa lúc đó thì có tin giặc Ân đã tràn vào xâm lấn bờ cõi, thanh thế rất mạnh, đi tới đâu tàn sát dân lành tới đó, quan quân triều đình không chống cự nổi. Tin cấp báo bay về đến kinh sư, nhà vua rất lấy làm lo lắng, vội sai sứ giả đi rao truyền khắp nước để tìm người tài giỏi ra dẹp giặc. Khi sứ giả đi đến làng Phù đổng thì bỗng nhiên cậu bé nói trên ngồi nhổm dậy và cất tiếng nhờ cha mẹ đi mời sứ giả vào nói chuyện. Cha mẹ cậu bé lấy làm kinh ngạc, tưởng chừng như đang sống trong giấc chiêm bao. Nhưng với thực trạng rõ ràng trước mắt, cha mẹ cậu bé đi từ kinh ngạc đến vui mừng và cuối cùng, theo lời cậu bé, đi tìm sứ giả đến cho cậu ta tiếp kiến. Cậu bé nói với sứ giả về tâu vua cho đúc một con ngựa và một cây roi bằng sắt thật to lớn để cậu dùng đi đánh giặc. Sứ giả về tâu lại, nhà vua lấy làm lạ bèn cho đòi cậu bé vào chầu, sau đó cũng cho đúc ngựa và roi như lời xin của cậu bé. Khi đúc xong, toán thợ rèn đem ngựa đến, cậu bé vỗ vào đầu ngựa một cái, lập tức con ngựa đó nát ra từng mãnh vụn. Lần thứ nhì cũng thế. Đến lần thứ ba, triều đình trưng tập cả ngàn thợ rèn, thu gom hết sắt trong dân chúng, đúc một con ngựa và một cây roi cực lớn rồi hì hục khiêng đến sân chầu. Cậu bé trông thấy rất bằng lòng, lập tức vươn vai một cái, tự nhiên con người trở nên cao lớn hơn một trượng, đoạn từ biệt nhà vua, cha mẹ và mọi người rồi nhảy phóc lên mình ngựa, ra roi phi nước đại, không mấy chốc đã tới trận địa của giặc Ân. Cậu bé - mà lúc nầy đã trở thành một con người to lớn - thúc ngựa vào trận giặc, tới đâu ngựa phun lửa ra tới đó, còn cậu thì vung roi đánh tới tấp, bọn giặc ngả lăn ra chết, nằm ngổn ngang như rạ. Bỗng chiếc roi bị gảy, cậu liền vói tay nhổ cả một bụi tre làm vũ khí, tiếp tục tấn công quân giặc. Không bao lâu, toàn bộ quân giặc bị tiêu diệt sạch, nhưng rồi ngay sau đó, người con trai Phù đỗng cũng phóng ngựa đi luôn, đến núi Sóc sơn thì cả người lẫn ngựa đều bay thẳng lên trời, từ đó về sau không còn ai trông thấy nữa. Vua nhớ ơn, sai lập đền thờ ở làng Phù đỗng và phong tước là Phù đổng Thiên vương. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng Tư, dân chúng trong vùng mở hội linh đình để tưởng nhớ vị anh hùng đã có công cứu nước. Ngoài ra, dân gian còn có thành ngữ ỏVươn vai Phù đổngõ để chỉ một sự lớn mạnh phi thường, như cậu bé làng Phù đổng chỉ trong nháy mắt đã trở thành một con người vĩ đại.
(Kienthuc.net.vn) - Về việc rèn roi sắt, ngựa sắt cho Thánh Gióng, Sử ký không ghi gì, chỉ thấy ghi là vua ban cho gươm và ngựa.

Ngọc phả Hùng Vương hiện lưu tại    Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ.
Ngọc phả Hùng Vương hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ.
Chích quái thì ghi vua sai quần thần vội đi tìm 50 cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón cho Gióng (một nhận xét nhỏ: 50 cân sắt mà luyện cả ngựa, kiếm, roi và nón thì quá ít!). Cổ tích thì kể: Sứ giả lập tức phi ngựa trở về tâu vua, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé". Còn Ngọc phả ghi chi tiết hơn: "Sứ giả trở về chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh tâu vua đầy đủ mọi việc. Vua cả mừng, sai tìm đủ 50 trăm (tức = 5.000) cân sắt để rèn thành ngựa sắt, vọt sắt, nón sắt. Đến giờ Mão ngày 7 tháng Giêng năm Bính Dần vua sai quan Tiết chế đem 10 vạn hùng binh đem ngựa sắt, roi sắt, nón sắt đến làng Phù Đổng".
Về trận chiến Thánh Gióng đánh giặc Ân, Sử ký và Chích quái không nhắc đến chi tiết gãy gươm. Cổ tích kể gươm bị gãy, Gióng bèn nhổ tre hai bên đường làm vũ khí. Ngọc phả ghi chi tiết hơn và có hơi khác với Cổ tích: Không phải roi sắt bị gãy mà là bị rơi mất. "Thiết Đổng nói xong nhảy lên ngựa, thét vang như sấm: Ta là Thiên tướng thần vương, vâng sắc chỉ xuống giúp nước! Rồi quất ngựa phóng như bay, chỉ phút chốc đã đến dưới chân núi Vũ Ninh huyện Yên Việt đại chiến với Thạch Linh thần tướng bên sườn núi Vũ Ninh. Quân nước Ân thua to tan chạy. Thạch Linh thần tướng bị bắt sống chém đầu. Bọn giặc còn lại chưa diệt hết, nhưng roi sắt của Thiết Đổng thần vương đã bị rơi mất. Thần vương bèn nhổ lấy các bụi tre gai vung lên quét sạch các toán quân giặc!".
Về chi tiết Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời, các bản ghi chép tương đối giống nhau: "Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi" (Sử ký). "Đi đến đất Sóc Sơn, thiên tướng cởi giáp, cưỡi ngựa mà lên trời" (Chích quái). "Đến núi Sóc Sơn, Gióng cởi giáp, bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời" (Cổ tích). Còn Ngọc phả thì ghi: "Khi đến núi Sóc xã Vệ Linh huyện Kim Hoa Thiết Đổng thần vương bèn cởi bỏ bộ áo hoa lau, phóng ngựa bay lên không rồi cưỡi lên các đám mây mà bay đi. Nay nơi ấy vẫn còn dấu chân ngựa in trên lèn đá".
Tóm lại, qua các văn bản ghi chép về truyền thuyết Thánh Gióng, ta thấy Ngọc phả Hùng Vương ghi đầy đủ hơn, chi tiết hơn các văn bản khác. Tất nhiên, chúng ta không coi văn bản nào chính xác hơn văn bản nào. Mỗi văn bản có giá trị riêng của nó, bổ sung cho nhau và cho ta một hình ảnh đầy đủ hơn, phong phú hơn về người anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên của dân tộc ta.
 (Dân trí) - Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của loài ngựa mà hình tượng con ngựa trong văn hóa Đông hay Tây luôn đại diện cho những gì đẹp đẽ, nhưng cũng có những điểm khác nhau.

Hình ảnh loài Ngựa khác nhau như thế nào ở phương Đông và phương Tây?
Ngựa vốn là loài vật gắn bó với con người. Nó nằm trong “lục súc” - 6 loại gia súc nuôi trong nhà như ngựa, trâu/bò, cừu/dê, chó và lợn. Trước khi kết thúc thời đại đồ đá mới, các cư dân Á Đông đã thuần hóa thành công 6 loại gia súc này trước tiên.
Ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan, sống gần người và được con người yêu quý. Trong đời sống vất vả, ngựa không chê chủ nghèo mà luôn trung thành, cần mẫn lao động với chủ. Khi xông pha trận mạc, ngựa lại kề vai sát cánh, cùng chung sinh tử với chiến binh.
Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của loài ngựa mà hình tượng con ngựa luôn đại diện cho những gì đẹp đẽ. Ngựa vừa có dáng vẻ đẹp đẽ, tính cách mạnh mẽ, sức lực sung mãn, vừa có đức tính trung thành, tình nghĩa thủy chung.

Hình ảnh loài Ngựa khác nhau như thế nào ở phương Đông và phương Tây?
Ở các nước phương Tây, ngựa ứng với cung “Nhân Mã” - cung thứ 9 trong 12 cung Hoàng đạo. Về cung này, có khá nhiều truyền thuyết, tất cả đều nhấn mạnh vào sự dũng mạnh, thiện chiến. Như truyền thuyết kể rằng những chiến binh huyền thoại xưa kia sau khi hoàn tất sứ mệnh của mình sẽ bay lên trời, hóa thân vào chòm sao Nhân Mã.
Hình một cung thủ người ngựa, tay giương cung tên, còn được cho là tượng trưng cho vị thần Chiron, người đã truyền dạy cách chiến đấu cho nhiều anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Cũng có truyền thuyết nói rằng Nhân Mã là chòm sao được Thần Dớt tạo ra từ con ngựa thần có cánh Pegasus sau khi nó hoàn tất sứ mệnh giúp người anh hùng Hy Lạp Bellerophon thắng trận.
Truyền thuyết Hy Lạp cổ đại có kể về 12 kỳ công của Héc-quyn, trong đó có 2 kỳ công liên quan đến ngựa là thuần phục đàn ngựa cái của Diomedes - vua trị vì xứ Thracia và dọn chuồng ngựa của vua Augeas.
Bốn con ngựa trong sách khải huyền của thần thoại Kitô giáo biểu tượng cho sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết.

Hình ảnh loài Ngựa khác nhau như thế nào ở phương Đông và phương Tây?
Với người phương Đông, ngựa cũng gắn với nhiều truyền thuyết về trận mạc, giữ gìn bờ cõi, bảo vệ non sông. Như trong truyền thuyết “Thánh Gióng” của Việt Nam có hình ảnh ngựa sắt. Trong truyện “Tây Du Ký” của Trung Quốc có hình ảnh ngựa Bạch Long Mã hay trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có ngựa Xích Thố… Triều Tiên có truyền thuyết về ngựa thần Chollima (Thiên Lý Mã) sở hữu đôi cánh sải rộng.
Ở cả hai nền văn hóa, người ta đều coi ngựa là biểu tượng của lòng trung thành, sự phóng khoáng, vượt ra khỏi những giới hạn kiềm tỏa để vươn tới những điều lớn lao, ý nghĩa. Ngựa cũng là chủ đề khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng trong thơ ca, nghệ thuật. Ở cả phương Đông và phương Tây, người ta có thể thấy có nhiều thơ phú, nhạc họa sáng tác dựa trên hình ảnh ngựa.

Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Nổi tiếng nhất trong truyền thuyết phương Tây là hình ảnh “Con ngựa thành Troy” của thần thoại Hy Lạp - con ngựa gỗ đã giúp quân Hy Lạp dành chiến thắng trước đội quân thiện chiến của thành Troy (ngày nay là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ).
Có lẽ chính nhờ hình ảnh này mà người phương Tây thường gắn loài ngựa với những điều đẹp đẽ như khả năng chinh phục, vinh quang, chiến thắng... Những người sinh ra dưới chòm sao Nhân Mã vì vậy được cho rằng thiên bẩm đã là người có khả năng “tác chiến” độc lập, giàu tính sáng tạo, thể lực - trí lực dồi dào, dễ đạt tới đỉnh cao...

Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Theo quan niệm của người phương Đông, ngựa tượng trưng cho tính dương, đại diện cho hành Hỏa trong Ngũ hành. Vì vậy, ở một số quốc gia, ngựa tượng trưng cho mặt trời tỏa sáng.
Xưa kia, ngựa còn được sử dụng rất nhiều khi binh lính ra trận. Những vị danh tướng trong các truyện truyền thuyết luôn có ngựa hay. Quan hệ giữa chủ nhân và ngựa không khác gì đôi bạn thân, cùng nhau vào sinh ra tử, xông pha trận mạc. Bên cạnh chiến binh, ngựa được coi là chiến mã, tượng trưng cho sự dũng mãnh, thần tốc và lòng kiêu hãnh.

Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Trong cuộc sống đời thường, ngựa giúp con người lao động, làm những việc nặng nhọc như thồ hàng, kéo xe, thậm chí bần cùng, ngựa có thể thay trâu bò kéo cày. Ngựa chuyên dùng để di chuyển ở những nơi hiểm trở, khó đi… Vì vậy, ngựa đối với người phương Đông còn là biểu tượng của lòng trung thành, sự kiên trì, nhẫn nại và cần mẫn.
Người Á Đông dùng 12 con giáp để làm lịch. Ngựa hay Ngọ là con giáp thứ 7 trong 12 con Giáp. Câu chúc “chuẩn” nhất cho năm Ngọ là “Mã đáo thành công” (Có ngựa ắt sẽ thành công).
Người Trung Quốc còn có câu chuyện cảm động về ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường. Khi Quan Công mất, Xích Thố bỏ ăn, không cho ai cưỡi lên lưng. Cuối cùng, nó chết để tỏ lòng trung thành với chủ.

Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.
Theo quan niệm của người Trung Quốc nói riêng và người Á Đông nói chung, những người sinh ra trong năm Ngọ tính tình phóng khoáng, rộng rãi, thông minh, nhanh nhẹn, trung thực, cần mẫn, nhẫn nại. Gặp việc gì cũng thường bắt tay làm ngay, không chần chừ do dự nhưng chính sự nhanh nhẹn đó lại cấu thành nên điểm yếu nóng vội.
Ở Việt Nam, câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng và đặc sắc nhất về ngựa là hình ảnh ngựa thần của Thánh Gióng. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa thần bay lên trời tượng trưng cho sự tự do, bất khuất, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường.
Trong điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh, hình ảnh những chú ngựa phi nước đại cũng thường xuyên trở thành đề tài sáng tác bởi hình ảnh này rất truyền cảm hứng, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về sự dũng mãnh, khí thế.

Nếu xét kỹ hơn, hình ảnh ngựa trong hai nền văn hóa Đông - Tây vẫn chứa đựng nhiều nét khác biệt.


Tuy vậy, trong một số nền văn hóa, vẫn có những truyền thuyết không đẹp về loài ngựa. Như thần thoại ở các nước Bắc Âu có con ngựa nước, hình thù giống với hà mã, tên là Kelpie. Kelpie có màu trắng, thoạt nhìn giống với bạch mã nên nó lừa được nhiều người leo lên cưỡi. Khi đã cưỡi lên lưng con ngựa nước này rồi, con người sẽ bị nó đưa đến vùng nước sâu và ăn thịt.
Trong khi đó, truyện dân gian Philippines lại kể về con quái vật người ngựa Tikbalang thường ẩn nấp trong rừng sâu, đêm tối thì tới các bản làng cướp bóc, rình bắt phụ nữ, trẻ em…
Những con ngựa nổi tiếng
 Những con ngựa nổi tiếng trong sử sách Trung Quốc
Ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường có màu đỏ nổi bật, Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi lại có màu đen như chủ nhân... là đặc điểm của những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại.

1. Ngựa Xích Thố
Ngua-Xich-Tho.jpg
Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố.  Tranh: Baidu
Trong số những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại, đầu tiên phải nhắc đến Ngựa Xích Thố thời Tam Quốc. Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Ngựa Xích Thố từng qua tay rất nhiều chủ. Chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220). Trong triều đình lúc bấy giờ, có rất nhiều người khinh thường con người tàn bạo như Đổng Trác, trong đó có Đinh Nguyên, cũng là một tướng nhà Đông Hán. Trong một lần họp triều, Đinh Nguyên đã chửi thậm tệ vào mặt Đổng Trác, Đổng Trác định chém Đinh Nguyên thì con nuôi của Đông Nguyên là Lã Bố từ phía sau xông lên, khí chất anh hùng của Lã Bố đã khiến cho Đổng Trác sững lại, đành phải nhượng bộ. Từ đó, Đổng Trác nảy sinh ý định thu phục Lã Bố.
Vì muốn tiếp cận và thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem Xích Thố tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình là Đinh Nguyên, quy phục dưới chân Đổng Trác, và trở thành con nuôi của Đổng Trác.
Ngựa Xích Thố đã cùng Lã Bố chinh chiến khắp nơi. Trên chiến trường, ông chuyên cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Sau này, Lã Bố bị  trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác. Sau đó Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán.
Có lẽ do duyên số, Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường, một trong những người có công lớn thành lập nhà Thục Hán vào thế kỷ thứ 2, vì muốn bảo vệ hai vị phu nhân của người anh em kết nghĩa của mình là Lưu Bị đã tạm thời về phe Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng quý mến nhân tài như Quan Vũ, cũng muốn bắt chước Đổng Trác tặng ngựa cho anh hùng.
Nhưng Quan Vũ không như Lã Bố, ông tiếp nhận Xích Thố là để tìm được Lưu Bị nhanh hơn. Sau khi Quan Vũ bị giết, Xích Thố lại rơi vào tay một viên tướng nhà Thục Hán khác là Mã Trung. Nhưng lần này nó không còn ngoan ngoãn đi theo chủ nhân mới như trước, mà tuyệt thực đến chết.
2. Ngựa Tuyệt Ảnh
Ngựa Tuyệt Ảnh hy sinh thân mình cứu chủ
Ngựa Tuyệt Ảnh hy sinh thân mình cứu chủ. Tranh: Baidu
Ngựa Tuyệt Ảnh là ngựa yêu của Tào Tháo (155-220). Tuyệt Ảnh có nghĩa là phi rất nhanh, đến cái bóng cũng không đuổi kịp được.
Tương truyền, khi Tào Tháo tấn công Trương Tú, Trương Tú dâng thành đầu hàng Tào Tháo. Trương Tú là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Sau khi Đổng Trác bị giết năm 192, Trương Tế cùng các tướng khác của Đổng Trác mang quân đánh vào Tràng An, lại nắm vua Hán Hiến Đế, thao túng triều đình như Đổng Trác trước đây. 
Tuy nhiên, Tào Tháo không ngờ lại bị trúng kế của kẻ thù, bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, suýt nữa thì bị mất mạng. May có ngựa Tuyệt Ảnh mới thoát được ra ngoài.
Ngựa Tuyệt Ảnh bị trúng ba mũi tên trên mình mà vẫn cất vó phi nước đại, sau đó bị trúng một mũi tên vào mắt mới gục ngã. Trong trận chiến này, Tuyệt Ảnh đã hoàn tất sứ mạng của mình.
Đây là một thất bại nữa của Tào Tháo kể từ sau trận Xích Bích. Trong trận đánh này, Tào Tháo bị mất một con trai, Tào Ngang, một cháu trai, Tào An, và một con tuấn mã, Tuyệt Ảnh. Có thể nói đây là một thất bại thảm hại của Tào Tháo.
3. Ngựa Đích Lô
Ảnh: Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân
Ngựa Đích Lô cứu mạng chủ nhân.  Tranh: Weibo
Đích Lô vốn là ngựa của Trang Vũ, vốn là một tướng của một danh sĩ dòng dõi hoàng tộc nhà Hán là Lưu Biểu nhưng sau này phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị (người sáng lập ra nhà nhà Thục Hán) bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên về đầu quân cho Lưu Biểu vì hai người cùng trong hoàng thất, đợi thời cơ làm lại sự nghiệp. 
Lưu Bị nhìn thấy ngựa của Trương Vũ cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi rằng "con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý". Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân  lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền giết chết Trương Vũ để cướp ngựa. Triệu Vân là danh tướng thời cuối Đông Hán và thời Tam Quốc, người góp công lớn thành lập nhà Thục Hán.
Khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp Lưu Biểu liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này "có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ", còn nói rằng "Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết" chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.
Người hầu của Lưu Bị đem tin "ngựa sát chủ" nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, khi nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàm Khê.
Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên "Đích Lô sát chủ" ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: "Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!". Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện "Đích Lô sát chủ" , ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.
Khi đem quân đi đánh nước Thục, thấy ngựa của Bàng Thống, một trong những mưu sĩ của Lưu Bị, già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô đã bị kẻ địch tưởng nhầm là Lưu Bị nên bắn chết. Sau này ngựa Đích Lô cũng không rõ lưu lạc về đâu.
4. Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử
Ngua-Da-chieu-ngoc-su-tu-28Ha-My-2c-baid
Dạ chiếu ngọc sư tử. Tranh: Baidu
Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền một ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, sau này lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối con ngựa này còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử . 
Con ngựa này của Triệu Vân, sống vào khoảng thế kỷ thứ hai. Tương truyền, Triệu Vân đóng quân ở trên núi Trường Bản xuất quân đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử, có lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi xuống hố bẫy sẵn của quân địch, tưởng chừng không thể thoát thân. Nhưng sức ngựa rất lớn, cuối cùng cũng nhảy được lên trên miệng hố, cứu chủ nhân thoát chết. Trong bộ tiểu thuyết Thủy hử cũng từng nhắc đến con ngựa này.
5. Ô Vân Đạp Tuyết
O-Van-Dap-Tuyet-28Ha-My-2c-baidu-29.jpg
Ngựa Ô Vân Đạp tuyết. Ảnh: Baidu
Ô Vân Đạp Tuyết còn có tên là Vương Truy Mã, sống ở thế kỷ thứ hai, toàn thân màu đen nhưng bốn vó màu trắng. Đây là ngựa của Trương Phi, người anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Quan Công, được coi là anh hùng tuấn mã.
Ngựa của Trương Phi có tên rất ý nghĩa, Vương Truy Mã có nghĩa là con ngựa đi theo hầu hạ Đại Vương. Tương truyền Trương Phi và Ô Vân Đạp Tuyết đều đen như nhau. Trương Phi quý chú ngựa này như con đẻ, thường xuyên tự tay tắm rửa cho ngựa quý. 
Người đời về sau thường nói người dũng mãnh cưỡi ngựa dũng mãnh. Quan Công từng nói: "Người tôi nặng nề, ngựa không vác nổi nên thường hay gầy, chính vì vậy mà tôi không thể cưỡi ngựa bình thường được". Trương Phi cũng như vậy, ngựa bình thường thì không thể xứng với hào khí phi thường của Trương Phi được.
Ngựa hoang gần như đã tuyệt chủng
Những khám phá mới về các loài vật
Loài ngựa có thể được coi là rất quen thuộc với chúng ta. Tuyệt chủng ư??? Điều này nghe có vẻ thật phi lý nhưng chính xác là giờ chúng ta chỉ còn phần lớn là ngựa thuần dưỡng để nuôi. Loài ngựa có nhiều các phân loài và một số loài ngựa như ngựa Tarpan đã đi dần đến bước tuyệt chủng. Chú ngựa Tarpan cuối cùng trên thế giới đã qua đời trong một cuộc đua ở Ukraina năm 1876. Nhiều giống ngựa hoang dã khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhìn chung, hầu hết ngựa trên thế giới bây giờ đều là ngựa đã thuần chủng và sống trong điều kiện nuôi nhốt.
Qua hàng ngàn năm, những mất mát về giống loài này còn diễn ra ở nhiều loài khác. Những tác động của môi trường cũng chiếm ảnh hưởng nhưng lý do chính vẫn là do cách con người đối xử với tự nhiên. Trong trường hợp của ngựa Tarpan, nguyên nhân chính khiến loài này tuyệt chủng chính là thói quen phá rừng lấy gỗ làm nhà ở và nông dân giết hại vì chúng hay phá hoại mùa màng.
Hà My (Theo Baike)
Cuối thế kỷ 18, ở Việt Nam đã có trò chơi giống điệu nhảy Gangnam style của Psy (Hàn Quốc).
Ngựa là một con vật đẹp đẽ thanh cao, trung thành, tình nghĩa. Ngựa gắn với người ngay từ khá sớm, từ đời sống hằng ngày đến nơi trận mạc. Con người thường “dựa hơi” ngựa để tạo dáng vẽ tranh, chụp ảnh cho thêm phần quý tộc. Ngựa được đúc thành tượng, đặt nơi trang trọng trong nhà cùng với các nhân vật nổi tiếng như Quan Công hay Napoleon. Có hẳn một trường phái hội họa chuyên vẽ về ngựa, họa sỹ nổi tiếng nhất vẽ về ngựa đó là ông Từ Bi Hồng (1895-1953) người Giang Tô, Trung Quốc.
Ngựa có nhiều màu, màu trắng gọi là ngựa bạch, đen tuyền gọi là ngựa ô, đen pha đỏ tươi là ngựa vang, đen pha đỏ đậm là ngựa hồng, tím đỏ pha đen là ngựa tía, trắng sọc đen là ngựa vằn, ngoài ra còn có ngựa xám, ngựa đỏ (Xích Thố mã)... Về cách đi đứng của con ngựa có nhiều động từ để diễn tả như: Đi, bước, rảo, chạy, nhảy, kiệu, phóng, vút, phi (bay), tế, sải, lao, vọt, phốc, phi nước đại, phi nước kiệu, phi rạp mình, ngựa lồng... do đó trong nghệ thuật rất nhiều nhà điêu khắc tài hoa, họa sĩ nổi tiếng đã tạc tượng, vẽ tranh ngựa trên sách báo, đền đài, lăng tẩm. Nhiều nơi đều có tượng danh nhân ngồi trên lưng ngựa đặt trang trọng ở các quảng trường, công viên. Nhân vật huyền thoại nổi tiếng nhất nhì nước ta được phong Thánh là Thánh Gióng cũng được gắn với con ngựa.
Gần đây, các nhà sinh vật học vương quốc Anh vừa tình cờ phát hiện ra một giống ngựa vằn độc nhất vô nhị trên thế giới tại một khu bãi tắm nổi tiếng ở Việt Nam. Người dân ở đây thường sử dụng chúng cho khách du lịch thuê để chụp ảnh trong mỗi dịp hè. Đây là giống ngựa vằn khá nhỏ có tên khoa học là Variabilis color Equus quagga... Điều đặc biệt, những sọc đen trên giống ngựa vằn này cứ một thời gian là bị mờ đi thậm chí chúng còn bị trôi màu khi trời mưa, chính vì vậy sau một vài tháng người ta phải vẽ lại các sọc đen để loài ngựa vằn “độc đáo” này không tự động bị biến thành ngựa trắng. Sau sự kiện phát hiện ra tổ tiên người Việt cổ tại khu dự trữ sinh quyển Tràng An, Ninh Bình thì có lẽ đây là phát hiện gây ngạc nhiên không kém của các nhà khoa học Anh.
Ngựa trong chiến trận, trong văn học nghệ thuật tượng trưng cho sự dũng mãnh, nhanh nhẹn. Trong đời thường ngựa tượng trưng cho sự khỏe khoắn, lãng mạn. Hẳn trong chúng ta nhiều người đã từng ngồi trên chiếc xe ngựa chạy nước kiệu, vó ngựa gõ lốc cốc trên con đường chìm trong sương sớm Đà Lạt.
Tất nhiên ngựa đẹp là thế, nhưng đời vốn “mã vô thập toàn” nên người ta cũng hay bôi xấu nhau: Mặt dài như mặt ngựa, răng như răng ngựa. Những người hung hãn côn đồ được gọi là: “Đầu trâu, mặt ngựa”. Những người thiếu khiêm tốn, thích ra oai bị gọi là “Ngựa non háu đá”. Hạng người tầm thường, xuất xứ hạ đẳng chơi với nhau thì gọi là “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” (Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa). Một lời nói vô ý lỡ lời tuôn ra không thể nào lấy lại được miêu tả bằng thành ngữ: “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy” (Một lời trót nói bốn ngựa đuổi không kịp)…
Tuy nhiên vì là con vật nên ngựa vẫn có bản năng gốc của loài vật. Chuyện kể rằng vào thời Pháp thuộc, ở Hà Nội người ta cũng cấm xe không chính chủ nên có khá nhiều người đã chọn phương tiện giao thông là ngựa để đi lại trong thành phố, tuy nhiên ngựa lại có tật xấu đó là phóng uế tự do, ngay cả khi đang đi dạo cùng công tử, tiểu thư, ngựa vẫn sẵn sàng tùy tiện bĩnh vài cục ra đường. Hành động này gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thành phố nên bị chính quyền thời đó phạt rất nặng, do vậy người dân đã sáng chế ra một loại quần bọc vào mông ngựa để hứng chất thải, không cho rơi xuống đường, loại quần này phổ biến đến mức có hẳn một con phố chuyên sản xuất kinh doanh loại quần này, đó chính là phố… Quần Ngựa – Một con phố ở quận Ba Đình ngày nay. Tất nhiên đây rất có thể chỉ là Tin Vịt.
“Phương tiện giao thông hai chỗ ngồi, chạy trên mọi địa hình, có khả năng tăng tốc nhanh, lý tưởng để sử dụng trong nông nghiệp, thân thiện với môi trường, không sợ ngập lụt “chết máy” khi trời mưa… điều khiển bằng giọng nói hoặc xúc giác. Sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc thảo mộc thiên nhiên, giá thành hạ…” – Đó chính là định nghĩa vô cùng sang trọng dành cho Ngựa của tạp chí khoa học danh tiếng nước Mỹ Omni.
Chuyện xưa kể rằng, có một chàng trai bị thọt, chân ngắn chân dài muốn cưới vợ; một cô gái có dị tật mũi dài muốn tìm chồng. Bà mối đã làm mai hai người cho nhau. Để che đi nhược điểm trong lần ra mắt, người ta bố trí cho chàng trai cưỡi ngựa đến, còn cô gái đứng trước cửa ngửi một bông hoa để giấu mũi. Hai người ưng ý lấy nhau, đến khi cưới về mới phát hiện ra khuyết điểm.
Người đời dùng thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” để miêu tả sự việc này, về sau thành ngữ ấy được hiểu rộng ra, ám chỉ một việc làm qua loa, đại khái, không xem xét kỹ càng của con người.
Một trong những trò chơi thể thao mà nhiều nước ưa thích đó là trò đua ngựa, đua ngựa đem lại sự thích thú, sảng khoái, tiền bạc cho người cá độ, thậm chí giúp đàn ông “làm rõ sự thật” về mình, có chuyện rằng:
Có 2 anh chàng nhà giàu rủ nhau đi xem đua ngựa ở Monaco. Khi đang chứng kiến vòng đua thứ nhất, bất chợt một anh hỏi:
- Cậu có bao nhiêu du thuyền?
- 2 cái – Anh chàng kia đáp.
- Xoàng quá! Tớ có 3 cái.
- Vậy chúng mình sẽ cùng đặt cược con ngựa số 5 về nhất nhé.
- Đồng ý.
Và thật bất ngờ, con ngựa số 5 về nhất. Hai chàng thắng lớn. Một lát sau, vẫn dán mắt vào những con ngựa, chàng kia lại hỏi:
- Cậu có mấy phi cơ riêng?
- Tớ có 3 cái.
- Quá xoàng, tớ có 4.
- Vậy chúng ta cùng đặt cược cho con ngựa số 7 nhé!
Như có phép màu, con ngựa số 7 vô địch. Hai chàng lại kiếm bộn tiền. Một lát sau…
- Hỏi tế nhị nhé! Mỗi đêm cậu có thể làm “chuyện ấy” bao nhiêu lần?
- 4 lần.
- Quá xoàng, tớ thì phải 5 lần.
- Ồ, vậy ta đặt cửa con ngựa số 9 nhé!
- Tất nhiên rồi!
Và họ đặt cược tất cả số tiền vào con ngựa số 9. Nhưng thật bất ngờ, lần này con ngựa số 2 về đích đầu tiên. Ngẩn người tiếc của, một chàng than thở:
- Tiếc quá, biết thế tớ nói thật.
- Ừ, đáng lẽ tớ cũng nên thế!

Những con ngựa nổi tiếng trong văn học nghệ thuật có thể kể tên như: Ngựa sắt của Thánh Gióng, ngựa Xích Thố của Quan Công, ngựa Đích Lư của Lưu Bị, ngựa Bạch Long Mã của Đường Tăng. Thần thoại Hy Lạp còn có hình ảnh về Nhân Mã là một sinh vật có nửa thân trên của người và toàn bộ phần dưới của ngựa. Ở Triều Tiên có ngựa Ngựa thần Chollima (Thiên Lý Mã) xuất hiện trong thần thoại châu Á, giống như loài ngựa trắng có cánh Pegasus của thần thoại Hy Lạp, Chollima trong văn hóa dân gian châu Á cũng sở hữu đôi cánh sải rộng. Ngoài ra trong thần thoại Hy Lạp còn có điển tích “Con ngựa thành T’roa” để nói về một mưu kế nội ứng trong đánh ra, ngoài đánh vào trong quân sự.
Nói về ngựa, không thể quên món ăn, món uống, vị thuốc từ ngựa. Xương Ngựa (đặc biệt là ngựa trắng) rất bổ, nên người ta mới đua nhau nấu cao ngựa để uống. Người H'mông có Thắng cố (lẩu ngựa) là món ăn đặc trưng truyền thống làm từ ngựa rất thơm ngon bổ dưỡng với đầy đủ thịt thủ, thịt mông, tim, gan, lòng, tiết, thịt, xương… bốc khói nghi nghút, chỉ cần nghe tả đã rỏ nước dãi vì thèm. Người Trung Hoa có món đồ uống truyền thuyết “Trảm Mã Trà”. Một loại trà mọc hoang dã trên núi cao, ngựa ăn loại lá trà này bị người ta mổ bụng lấy trà ra chế biến, chính dịch vị dạ dày của ngựa làm cho loại trà này trở nên có hương vị đặc biệt.
Loài ngựa cũng được nhắc tới trong tiếng lóng để nói về sức mạnh tình dục của phái nữ, từ lóng "con ngựa" hay "con đĩ ngựa", “quá ngựa” dùng để ám chỉ về những người phụ nữ có sức mạnh tình dục cao. Trong phim ảnh người ta còn dùng thuật ngữ “phi ngựa”(gallop) để miêu tả một tư thế tình dục được các nhà giáo dục giới tính Âu Châu ưa thích. Đối với đàn ông, cũng thật sự quý giá khi cái làm nên đàn ông ở họ được nói là “dài như ngựa”, đó là một lời khen.
Trong trò chơi số đề, người chơi đề khi nằm mơ gặp con ngựa họ sẽ đánh các số 12 - 52 - 92, tất nhiên rất ít khi... trúng!
Gần đây, điệu nhảy Gangnam style của Psy (Hàn Quốc) mô phỏng những động tác cưỡi ngựa còn gọi là “Nhảy Ngựa” đã được mọi người khắp nơi trên thế giới đón nhận rất cuồng nhiệt. Tuy nhiên không ai biết rằng trên thực tế điệu “Nhảy Ngựa” này đã được một chàng trai có tên là Chiêu Hổ (người yêu của nữ sỹ Hồ Xuân Hương) sáng tạo từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Hãy xem Hồ Xuân Hương tả lại điệu “Nhảy Ngựa” của mình trong những câu thơ sau sẽ rõ:
Thoạt mới vào chàng liền Nhảy Ngựa
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.

(Trích trong bài thơ “Đánh Cờ” của Hồ Xuân Hương).
Các cụ xưa thường nói: Thời gian như “bóng câu qua cửa sổ” (Bóng ngựa trắng chạy vụt qua cửa sổ) quả nhiên không sai. Mới đó mà đã hết năm con Rắn, bước sang năm con Ngựa. Hy vọng trong năm mới mỗi người chúng ta sẽ chạy đua với “bóng câu” để làm được nhiều điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Kính chúc quý vị độc giả năm con ngựa: Dẻo dai, khỏe mạnh, giữ tinh thần ngựa chiến, mã đáo thành công!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét