Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Nhìn lại Kinh tế 2013, dự đoán 2014: CẦM CỰ LÀ CHÍNH

Nhìn lại Kinh tế 2013, dự đoán 2014: CẦM CỰ LÀ CHÍNH
Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu bình ổn ! Có đúng vậy không? Giới quan sát nói nỗ lực ổn định vĩ mô của chính phủ có kết quả tích cực nhưng cảnh báo doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn 'lết bết'.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 5,42% so với năm ngoái, thấp hơn 0,08% so với chỉ tiêu 5,5% của chính phủ đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% trong năm 2012.Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC rằng "những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ đã có những kết quả tích cực."

Tuy nhiên ông cũng nói ông không tin là mức tăng trưởng 5,42% trong năm nay sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm sau như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu.


"Có thể năm sau sẽ khá hơn năm nay một chút nhưng sẽ không đạt được 5,8%," ông nói.
Về công tác ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ông A đánh giá 'Chính phủ đã đạt được những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô đáng ghi nhận' và nói ông mong Chính phủ 'tiếp tục phát huy và không lơ là trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô'.

" Kinh tế tăng trưởng chỉ 5,4% với lạm phát 6% thật sự không đủ cho sự phát triển cuộc sống của người dân. " - tiến sỹ Nguyễn Quang A
Tuy nhiên ông cho rằng các kết quả đạt được 'vẫn rất mong manh' và nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại 'vẫn còn nguyên đó'.

"Có nhiều người ham mê tăng trưởng kêu gọi kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng," ông giải thích, "Không khéo sẽ rót tiền vào thùng không đáy là các doanh nghiệp nhà nước và bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào."
Nhận định tình hình kinh tế năm 2014, Tiến sỹ A cho rằng 'chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn'.
"Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi mà quan trọng nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn chưa lấy được đà của mình," ông nói.

"Lẽ ra trong thời gian vừa qua tình hình đã được cải thiện rất nhiều về mặt lãi suất mà các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vì ngân hàng đang lún sâu vào nợ khó đòi," ông nói thêm.

"Khu vực kinh tế nhà nước vẫn tiếp tục lết bết như năm nay thôi."

Về công tác điều hành kinh t́ế của Chính phủ, ông cho rằng 'cũng khó' vì 'Chính phủ khó có thể nhúc nhích được gì trong vòng kim cô rất khắt khe của Đảng cộng sản vẫn bám lấy những giáo điều cũ kỹ'.

Về cuộc sống của người dân, ông A nói 'vẫn khó khăn'.

"Kinh tế tăng trưởng chỉ 5,4% với lạm phát 6% thật sự không đủ cho sự phát triển cuộc sống của người dân."

Năm 2014 sẽ là năm mà Việt Nam có nhiều biến động về chính sách, tuy nhiên đây vẫn sẽ là một năm kinh tế 'cầm cự là chủ yếu' và chưa có 'điểm sáng nào rõ rệt', theo đánh giá của một nhà nghiên cứu về chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 30/12/2013 từ Hà Nội, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển thuộc MPI cho rằng sang năm mới nền kinh tế vẫn tiếp tục phải 'tái cơ cấu' trong biên độ mà bản Hiến pháp mới thông qua đã quy định và giới hạn.

"Người ta hy vọng một cú hích... sẽ làm cho tổng cầu vốn yếu ở năm 2013, năm 2014 có thể được tăng thêm, làm cho tổng cầu mạnh thêm và hy vọng cái đó hỗ trợ cho tăng trưởng," ông nói.

"Kích cầu không lo lạm phát lắm, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn có những nguy cơ về lạm phát, về tài chính cũng như thế."

'Vẫn xuất khẩu thuê'

" Nếu như các doanh nghiệp không phục hồi được, xuất khẩu không đạt được những chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy hải sản, mà không đạt được, thì nguồn thu sẽ khó khăn "

Ngoài ra, theo chuyên gia này, về nguồn thu ngân sách năm tới, Việt Nam sẽ vẫn còn gặp những khó khăn.

Ông giải thích: "Bởi vì nếu như các doanh nghiệp không phục hồi được, xuất khẩu không đạt được những chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy hải sản, mà không đạt được, thì nguồn thu sẽ khó khăn."

Theo nhà phân tích này, xuất khẩu năm vừa qua của Việt Nam, dù đạt con số vài chục tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn là 'xuất khẩu hộ' các nước ngoài, trong đó hàm lượng gia công vẫn là chính và hàm lượng công nghệ như một giá trị gia tăng của Việt Nam vẫn rất thấp.
Nhà nghiên cứu chính sách cho rằng Việt Nam chủ yếu là cầm cự trong năm tới và khuyên các doanh nghiệp tiếp tục 'kiên trì, phấn đấu.'

Mở đầu cuộc trao đổi, PGS. TS Phạm Quý Thọ tóm lược một số hướng đánh giá về xu thế kinh tế, tài chính và thị trường của Việt Nam trong năm mới 2014 từ các luồng quan sát khác nhau.
(Theo BBC)

http://bongbvt.blogspot.ch/2013/12/nhin-lai-kinh-te-vn-2013-du-oan-2014.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét