Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Việt Nam có tất cả nhưng lại chẳng có gì

Việt Nam có tất cả nhưng lại chẳng có gì
Rừng bị tàn phá ở Dak Lak hôm 12/03/2013. AFP
Tận dụng tài nguyên chưa hiệu quả
Việt Nam tụt hậu rất xa so với láng giềng sau 38 năm thống nhất đất nước. Nguyên nhân nào đưa tới tình trạng yếu kém của một quốc gia luôn tự hào về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhân lực dồi dào.
Trên báo mạng VnExpress ngày 14/12/2013, ông Vũ Khoan nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, đã nêu trường hợp Thụy Sĩ để so sánh với Việt Nam. Theo đó Thụy Sĩ từ một đất nước nghèo ở châu Âu đã trỗi dậy mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ XIX để ngày nay trở thành một trong các quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.

Ông Vũ Khoan nhận định: “Thụy Sĩ biết tận dụng tài nguyên của mình như đất đai, đồng cỏ để phát triển ngành nông nghiệp, họ cũng tạo nên được ngành du lịch nổi tiếng thế giới từ những hạt tuyết trắng xóa trên dãy Alpes. Thụy Sĩ xây dựng được một cơ cấu kinh tế rất hiệu quả, gồm lĩnh vực dịch vụ, những ngành đòi hỏi trí tuệ, công nghệ cao.” Vẫn theo VnEpress, ông Vũ Khoan cho rằng Thụy Sĩ là tấm gương rất đáng để Việt Nam học tập và nhấn mạnh: “Họ không có gì nhưng lại có tất cả, trong khi ta có tất cả nhưng lại chẳng có gì.”

Theo lời ông Vũ Khoan, Việt Nam đưa ra nhiều mũi nhọn đột phá nhưng không rõ ràng, đáng lẽ phải chọn lựa đúng những lĩnh vực mũi nhọn để theo đuổi. Ông cho rằng Việt Nam vốn đi lên từ một nước nông nghiệp, nhưng đến nay đóng góp của ngành này trong GDP ngày càng giảm. Vẫn theo VnExpress và ông Vũ Khoan, Việt Nam đã chưa phát triển được ngành dịch vụ du lịch tương xứng với tiềm năng dù đất nước cũng có biển, sông núi trải dài với nhiều danh lam thắng cảnh. Ngoài ra Việt Nam cũng chưa quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực.

Người đọc báo cho là một người như ông Vũ Khoan, nhân vật từng nắm nhiều trọng trách của Chính phủ và đảng Cộng Sản, tất nhiên biết rõ nguyên nhân của sự tụt hậu của đất nước chính là từ đầu não, từ quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Đối với giới trí thức ở trong nước, Việt Nam có những gút thắt đã cột chặt sự phát triển của đất nước như vấn đề một đảng độc quyền lãnh đạo, người dân không có quyền tư hữu đất đai và trong nền kinh tế quốc dân lại giao cho các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo… Những chiếc vòng kim cô này đã làm cho kinh tế không thể phát triển đúng mức, ngoại trừ làm giàu cho những nhóm lợi ích liên quan đến Đảng và Nhà nước cũng như tạo ra hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội.

TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức tư nhân đã tự giải thể, từ Hà Nội nhận định:

000_Hkg798155-250.jpg
Mỏ than ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.
“Ở Việt Nam người ta sử dụng ngôn ngữ khác, người ta gọi là xã hội chủ nghĩa nhưng thực sự cái người ta đang xây dựng là chủ nghĩa tư bản man rợ chứ không phải theo kiểu xã hội chủ nghĩa bên Tây âu. Tức là những chuyện công bằng xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì ở đây người ta nói như vậy, nhưng thực sự không phải là như vậy. Khoảng cách gia tăng giữa giàu và nghèo, giữa những người thu nhập rất là lớn và những người rất nghèo thì càng ngày càng dãn thêm ra và nếu họ không để ý đến thì vấn đề này sẽ sinh ra bất ổn xã hội lớn.” 

Nhân dịp ông Vũ Khoan có nhận định đáng chú ý về sự tụt hậu của đất nước trên VnExpress, ngược dòng thời gian vào ngày 31/1/2012 nhân cuộc gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn do Tập đoàn Trung Nguyên và Báo Tia Sáng tổ chức tại Hà Nội, ông Vũ Khoan từng phát biểu, người ta hay nói thế giới đầy khó khăn nhưng ông muốn nhấn mạnh là “Thế giới đang thay đổi, cái khó khăn ấy nó phản ảnh sự thay đổi của thế giới, những thay đổi rất là sâu sắc và mang tính quyết định. Nếu chúng ta không nhận thức nó, không tiếp cận nó mà không ‘lượn’ theo nó thì chúng ta sẽ ‘ngửi bụi’ sẽ ‘lệch pha’ và phát triển sẽ rất khó khăn. Bây giờ cái mốt thời thượng hay nói tới tái cấu trúc, chúng ta cứ loay hoay tái cấu trúc theo cái của mình nhưng mà không nhìn ra được cái thay đổi của thế giới thì chúng ta loay hoay tái thế nào đó rồi lại tái nữa…”
Vẫn chưa có hành động chiến lược

Báo Đất Việt Online ngày 5/12 trích lời TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả năng nề, dư chấn vẫn còn song nhìn chung đã bước vào quĩ đạo phục hồi nhưng Việt Nam không nằm trong quĩ đạo đó. Vẫn theo lời TS Thiên “Nền kinh tế  có thể chạm đáy, nhưng vẫn chưa chạm đáy ‘tồn kho thể chế’, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình và khả năng tiếp tục ‘thủng đáy’. Vẫn theo Đất Việt, đối với nguy cơ nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch ngang theo nhận xét của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, TS Trần Đình Thiên cho rằng kinh tế đang đi xuống chứ chưa thể đi ngang. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại về tiến trình tái cấu trúc. Về tái cấu trúc nền kinh tế, ông nói là vẫn chưa có hành động chiến lược.

Trong dịp trả lời chúng tôi, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từng nhận định:

“Vì cải cách thế chế chậm nên các mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu kinh tế cho đến nay cũng chưa được thực hiện bao nhiêu. Thí dụ như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công đều chậm. Tình hình kinh tế khó khăn trong mấy năm vừa qua liên tục kể cả kéo dài cho đến năm nay, triển vọng cũng chưa rõ trong thời gian tới. Ý kiến chung cũng cho là nguyên nhân chính là do cải cách thể chế không được tiến hành đúng như yêu cầu cần thiết.”

SaigonTimes Online ngày 13/12/2013 trích lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhìn nhận tái cơ cấu ngân hàng không thể chậm trễ, nhưng cũng không thể làm căng, nếu không, già néo đứt dây. Thống đốc Bình cũng cho biết Nhà nước cương quyết quyết dẹp bỏ tình trạng sở hữu chéo làm lũng đoạn, khiến tính chất ảo trong hoạt động ngân hàng tăng lên. Vẫn theo SaigonTimes, Thống đốc Bình nhấn mạnh là đã phát hiện tất cả tình trạng sở hữu chéo nhưng chẳng thể xử lý hết được. Thí dụ ngân hàng A sở hữu 10% ngân hàng B, muốn bán lắm nhưng ai mua? Trong lúc thị trường thế này, người bán nhiều người mua ít. Theo lời Thống đốc, người mua ở đây phải là người có tiềm lực tài chính lành mạnh, nếu không nó lại tạo ra sở hữu chéo mới.

Được biết, tình trạng sở hữu chéo theo hướng tiêu cực trong hệ thống ngân hàng, đã dẫn tới tình trạng chôn vốn bất động sản khoảng 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2012. Chính vấn đề này đã làm cho nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng thực sự.

Giới chuyên gia cho rằng, phát biểu của Thống đốc Bình thể hiện tính mong manh của hệ thống ngân hàng Việt Nam lồng trong khung cảnh kinh tế tài chính nói chung với rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Hiến pháp sửa đổi mới được ban hành của Việt Nam dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản vẫn giữ nguyên những gút thắt từng làm trì trệ sự phát triển của đất nước. Ngoài vấn đề một đảng duy nhất lãnh đạo, đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, còn là chuyện vẫn duy trì quan niệm Kinh tế Nhà nước là chủ đạo nền kinh tế.

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính Việt kiều hiện sống và làm việc tại Hà Nội nhận định về giải pháp ưu tiên cứu vãn kinh tế

“Bây giờ cần tạo mọi điều kiện cần thiết cho lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân phát triển chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước nữa. Doanh nghiệp Nhà nước nói là vai trò chủ đạo nhưng không chủ đạo được gì, từ hiệu suất đầu tư cũng không có rồi sản phẩm của họ cũng không phải có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Phải tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển vì đó là nòng cốt trong nền kinh tế thị trường.” 

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mong muốn Việt Nam học bài học phát triển của Thụy Sĩ, cải cách cơ cấu nền kinh tế cùng sự quản lý hiệu quả để phát triển bền vững. Nhưng có lẽ đó chỉ là một giấc mơ đẹp, vì như TS Nguyễn Quang A từng nói “Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tái cơ cấu khi nào đảng Cộng sản Việt Nam tái cơ cấu lại chính mình.”


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-12-20

0 nhận xét:

Đăng nhận xét