Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Bài viết hay(780)

Ngày xưa, ông Thiệu ghét nhất là những đứa "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".  Ngày nay, Bolsa tràn ngập ăn cơm Mỹ mà chửi Mỹ te tua. Tức cười nhất là có đứa làm báo chống Cộng nhưng cứ thậm thò thậm thụt đi đêm với VC!  Bạn tui ghét nhất là lũ 2 mặt nhưng thực ra con người ta có muôn mặt kia mà? Từ xưa, ông bà ta đã dạy rằng: Đi với bụt thì mặc áo cà sa. Đi với ma thì mặc áo giấy. Bởi thế dân VN ta chúng ta có quá nhiều đứa láu cá cứ đi "hàng hai", thích bắt cá 2 tay, ưa làm gián điệp 2 mang, quen sống láu cá với muôn mặt giả trá!
Gặp “ông chủ” Viet-studies

 Các “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng.
http://fs.chungta.com/File.ashx/14124E6776864C6D8FB32525A6F38DAA/image=pjpeg/21056300bb0c4b3491d8d87e2d858df1/Tran-Huu-Dung-3.jpgDị ứng với “trí thức” và “Việt kiều”
 Dị ứng với cách gọi “trí thức” “Việt kiều” vậy thưa phải gọi ông là gì ạ?

Gíao sư Trần Hữu Dũng: Một người sống xa tổ quốc. Tôi không nghĩ mình là Việt kiều. “Trí thức” nghe quá kênh kiệu. Người khác dùng trung hoà hơn. Tôi cũng dị ứng với các từ “toàn cầu hoá” và “hiến kế”. Nghe to tát quá.

 Ông quan niệm trí thức chỉ là một thuộc tính của nhiều ngành. Toàn cầu hoá sản sinh một giai cấp mới, làm việc sinh sống khắp nơi. Nhưng vì sao tham luận của ông trong hội thảo hè Nha Trang vừa xong lại là về trí thức Trung Quốc 20 năm gần đây?

Quan niệm mới của một nhà kinh tế - triết gia (Amartya Sen) viết về “toàn cầu hoá nhân thân” cho rằng toàn cầu hoá và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương. Giúp toàn cầu hoá trọn vẹn đúng nghĩa hơn. Nhưng sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê. Bên nhà lâu lâu lại nói “thu hút Việt kiều về nước đóng góp” là cổ lỗ sĩ. Trí thức là đầu óc mở rộng, không là bằng cấp. Nhiều người bằng cấp không trí thức.

 Nhưng tại sao tham luận của ông không là nghiên cứu trí thức Việt Nam mà lại là trí thức Trung Quốc?

 Tôi phát hiện thấy họ có sinh hoạt rất sinh động, bộc lộ được quan điểm công khai trên báo, có những phê phán chính phủ được lắng nghe. Nhiều chính sách ra đời từ ý kiến như thế. Trí thức mình ít bộc lộ - nước mình không như Âu Mỹ (mặc dù ai mà nói chỉ có Mỹ dân chủ là tôi “xin phép” đó). Nhưng tôi hiểu ở đâu cũng có những vùng trống cho phép. Thí dụ ở Trung Quốc đó là các vấn đề môi trường, y tế giáo dục, đất đai, hành chính, lãnh chúa đỏ… Họ thử từng bước, không ngồi than. Lãnh đạo phải tự tin, phải để vùng trống cho suy nghĩ, không sợ nghe phản biện.

 Có phải vì thế mà trang web của ông có tờ Thời Đại Mới, “Một tạp chí nghiên cứu thảo luận” – và một web tiếng Anh (cùng làm với một giáo sư triết người Mỹ) - web này được giải lớn tương đương Oscar trong điện ảnh và tờ New York Times gọi đó là “chỗ hẹn trí thức toàn cầu”?

 Sở trường của tôi là đọc nhiều trào lưu kinh tế văn hoá. Tờ Thời Đại Mới của chúng tôi viết khoa học cho dân đọc, những vùng trống có thể làm được. Nếu không thử, sẽ không tìm ra cách. Ở ngoài nước, cứ tối ngày ngồi than Việt Nam thiếu dân chủ, nhưng có nhiều vấn đề ích lợi học thuật sao không làm. Không ai thử, chỉ ngồi than. Tiếp xúc trong nước tôi cũng thấy vậy, 2/3 câu chuyện là than phiền.

 Làm Viet-studies.info

 Ông vừa giảng dạy đại học, hướng dẫn sinh viên vừa viết sách giáo khoa kinh tế bằng tiếng Anh, lại làm trang web như một bộ lọc tri thức lớn, ông lấy đâu ra thời gian và có ai giúp không?

 Tôi làm một mình từ A-Z kể cả đánh máy, còn bỏ tiền túi ra làm. Nhưng mỗi năm bỏ 2.000 USD không là vấn đề. Mà bỏ rất nhiều thời gian. Một ngày ngủ 4 tiếng, trừ thời gian lái xe trên đường là không làm việc. Còn thì ngồi computer. Cơm cũng dọn ăn ở bên computer.

 Tôi ham nhiều thứ, luôn viết trễ. Giáo trình kinh tế lãnh nhuận bút rồi mà chưa nộp. Tôi ham chuyện này làm một nửa lại bắt chuyện khác. Tội tôi thường xuyên.

 Ông làm Viet-studies như thế nào?

 Tôi không coi đó là tờ báo, chỉ thu thập những bài vở có nhiều người thích như tôi để chia sẻ với bạn bè. Tôi đọc không phân biệt. Bài hay ở nguồn nào cũng đăng. Tờ Công An Nhân Dân có mục văn hoá khá.

 Sao ông không cho đăng mục ý kiến ngắn như nhiều web làm?

 Tôi không thích những comment, giống như “người tức giận chạy xe qua quăng lựu đạn rồi chạy mất”. Ngay cả nhiều trang hải ngoại nghiêm túc để cho độc giả phê bình, tôi thấy như có người đi ngang qua chửi, cười hà hà, bất công với tác giả.

 Nhưng lời bình ngắn của ông sau các bài, tuyệt vời độc đáo đấy chứ! Nhiều câu đau. Nhiều câu hóm lắm, đọc rồi cười mãi không thôi. Ngay cả vấn đề nghiêm túc…

 Vậy à?

 Thí dụ: “Bộ trưởng chống lãng phí hội họp” – bình: Bộ trưởng cho biết không bao giờ ông ngủ gật lúc họp – xin lỗi bộ trưởng, tôi không tin”. Hoặc: “Cho ăn kẹo tôi cũng không dám bình luận chỉ thị này”. “Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em” - bình: Một dân tộc mà không che chở được con cháu của mình là một dân tộc gì. “Tường đổ đè trúng 3 người đang uống café sáng” – bình: tự nhủ, về Việt Nam lần sau phải cẩn thận chọn chỗ ngồi uống café, không nên để fan của viet-studies dẫn đi đâu thì đi đó, hahaha!

 Tôi vẫn thường nhờ anh em khi nào có lời bình quá đáng thì nhắc nhở giùm. Tôi cố khách quan, đúng đắn, không phá đám, cũng không cuồng tín.

 Ông có lý giải được vì sao độc giả miền Bắc đọc Viet-studies nhiều hơn miền Nam?

 Thắc mắc của tôi đó. Hỏi nhiều anh em. Có lẽ miền Bắc văn chương chú ý nhiều. Miền Nam kinh tế làm ăn năng động hơn.

 Giáo dục – khó không do tiền bạc

 “Một nhóm tư nhân” – chữ dùng của Ban tổ chức – thường tổ chức những hội thảo hè ở nhiều nước (vừa rồi ở Nha Trang). Ông còn tham gia đề án cải cách giáo dục Việt Nam cùng nhóm giáo sư – nhà nghiên cứu tên tuổi trong ngoài nước. Ông thấy khó nhất của Việt Nam là gì? 

 Là cơ chế.

 Xin ông nói rõ. Vì “cơ chế” như cái “bị bông” đấm hoài không đổi. Rất mơ hồ, xin ông nói cụ thể.

 Ai cũng biết tình trạng giáo dục như thế nào. Chúng tôi làm đề án không thấy khó tiền bạc. 20 triệu USD là có thể có một trường đại học chất lượng cao. Bằng kinh phí cuộc thi hoa hậu hoàn vũ vừa rồi. Kinh nghiệm canh tân của Hàn Quốc, Nhật rất cần quyết tâm nhà lãnh đạo. Dự án nguyên tử Manhattan của Mỹ, hoặc dự án đưa người lên mặt trăng. Chọn người chỉ huy project toàn quyền, tổng thống đứng sau. Đó là cơ chế.

 Còn ở Việt Nam? Làm sao chọn được người chỉ huy như vậy?

 Đúng. Nếu ở Việt Nam cho tôi làm bộ trưởng, tôi cũng không biết làm được gì. Khó khăn nhất là cơ chế chồng chéo mê hồn trận. Sự cố lặt vặt hành chính giấy tờ không tưởng tượng được. Nhiều người Việt ở ngoài muốn giúp đất nước lắm, nhưng cơ chế xơ cứng ngăn cản. Thí dụ nhỏ thôi như ông Võ Tòng Xuân được mấy anh em bên Úc về An Giang thấy cơ sở của ông xài vi tính cũ quá. Anh em gửi, hải quan không cho nhập, bảo hàng second-hand, phải có lệnh bộ Tài chính. Ông chạy tới chạy lui. Mấy trăm cái vi tính nằm hải quan cả năm. Chắc hư hết rồi. Tôi cũng có mấy ngàn quyển sách quý muốn gửi về, nghe nói phải kiểm duyệt.

 Là một giáo sư đại học Mỹ, ông thấy sự khác biệt nào trong giảng dạy, học hành so với Việt Nam?

 Chuyện lương đủ sống để chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu thì biết rồi. Còn nạn xin điểm, dùng áp lực thì Mỹ chỗ tôi không có. Trưởng khoa tôi không có quyền nếu tôi cho học sinh rớt. Có chuyện con một giám đốc cỡ lớn, ông ta cho trường cả triệu đô. Tôi cho rớt vì điểm kém. Ban giám hiệu đứng sau giáo sư, ủng hộ. Đó cũng là cơ chế chứ gì?

 Sinh viên tôi vào lớp không đọc – chép. Phải đọc sách trước đó, phải hỏi, phải thảo luận. Một cua tôi dạy mỗi người có thể chọn một SGK tham khảo, đọc các bài báo chuyên ngành để vào lớp thảo luận.

 Nhớ mùi hương tuổi trẻ

 Về Việt Nam lần này, ông thấy sao?

 Tôi khá ngạc nhiên, tưởng lạm phát kinh tế suy thoái, mà dân thành thị vẫn ăn nhậu như điên. Giàu nghèo phân hoá sâu sắc. Kinh tế thuơng mại thiếu dữ liệu, nhiều tin đồn. Tập đoàn này của ông này, vợ ông kia, đúng sai không rõ, nhiều việc không biết địa chỉ ai làm. Về lần này tôi phát giác một điều: cuộc sống tôi may mắn. Bình ổn. Có cảm giác sống ở Việt Nam bon chen quá, ham kinh tế, quyền lực.

 Biểu hiện nào làm ông nghĩ tới ham quyền lực?

 Qua câu chuyện, họ tả xã hội Việt Nam ông này muốn làm cái này, muốn tranh chức kia. Bị ám ảnh quyền lực.

 Cuộc sống của ông ở Mỹ thế nào?

 Tương đối bình ổn, dù con người không bao giờ hết lo. Lúc trẻ lo lên, xuống, biên chế… tôi qua rồi. Làm chuyện nghiên cứu. Nhược điểm: ham nhiều việc, không có thời gian. Đời sống ở Mỹ khắc nghiệt so với châu Âu. Nhưng ít bị áp lực nhóm xã hội như ở Nhật. Chữ hạnh phúc cũng khó nói. Châu Á liên hệ gia đình nhiều. Thời kỳ tôi phỏng vấn đi làm, một người hỏi: mày li dị mấy lần rồi. Họ cho là thường nhưng ở Việt Nam đó là điều tổn thương nặng nề. Vậy mà người Việt bên đó bắt đầu như vậy.

 Ông có như nhiều người lớn tuổi muốn về Việt Nam sống?

 Ai cũng nhớ quê hương . Nhưng nhiều người nói để tôi ở bên ấy làm nhiều điều ích lợi hơn về đây dạy học. Mỗi năm chúng tôi cũng giúp cho các em sinh viên đi du học. Còn bây giờ bắt tôi vào lớp Việt Nam dạy cách đó tôi dạy không được.

 Yêu và nhớ thương quê hương nhất là những khoảnh khắc: chiều mưa, một nụ cười cô gái, cụ thể chứ không hùng vĩ sông núi. Tôi nhớ mùi hương, khó nói lắm. Mùi sau cơn mưa. Nước, lá cây, gió lạnh mát… không diễn tả được. Sáng nay tôi nghe ở nội thành Sài Gòn có tiếng gà gáy. Tiếng bà hàng xóm quét lá. Quê hương là tố chất của con người. Không có thì thiếu thốn. Nghĩ nặng nặng, buồn buồn trong tâm hồn. Quê hương quá khứ của mình…

 Buồn buồn vì nghĩ quê hương còn khổ, hay vì phải xa cách?

 Vì xa cách theo hai nghĩa: địa lý và thời gian. Quê hương sinh đẻ. Đi con đường nghe mùi hương chợt nhớ mùi hương tuổi trẻ của mình. Thế mới biết công ơn nhân loại như Einstein hoặc mỗi ngày nghe nhạc Mozart đem lại cho con người niềm vui hoài hoài. Phần thưởng tạo hoá cho con người hưởng mãi.

 Ông là con trai bác sĩ nổi tiếng Trần Hữu Nghiệp, yêu thích y khoa, văn học, báo chí, âm nhạc lại trở thành giáo sư kinh tế ở Mỹ?

 Con người là sự tình cờ của lịch sử. Ngay việc tôi qua Mỹ, được học bổng, đổi nghề (ngày xưa tôi là kỹ sư), cũng tình cờ như tung đồng xu sấp, ngửa. Tôi thích sử. Hồi lên 7 tuổi, tết được tiền lì xì. Đang buổi tối tôi gõ cửa nhà sách xin mua cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim về đọc liền.

 Ông có biết tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn?

 Cũng tình cờ, mà đâu biết ông làm tình báo. Thời kỳ tôi mới học ở Mỹ về còn chờ việc làm, hay ra ngồi café với ông Ẩn và đám báo chí tán dóc. Thời kỳ ở Givral – tiệm Café.

Tôi học tiếng Việt thực sự

 Qua Mỹ rất sớm, từ những năm 60, nhưng tiếng Việt của ông thật tuyệt vời – là do ông làm báo mạng?

Không dễ vậy đâu. Tôi học tiếng Việt thật sự. Câu nào hay, tôi chép lại. Hơn 10 năm về trước tôi viết tiếng Việt chưa thạo. Vì có nhu cầu viết nên tôi làm một từ điển kinh tế Anh Việt cho mình.

Ông thấy tiếng Việt trong nước có nhiều biến đổi không?

Tiếng Việt giàu có hơn. Tiếng đời thường đi vào viết lách nhiều hơn. Xưa miền Nam không đưa vào văn viết chữ “hầm bà lằng” chẳng hạn. Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều tiếng dân dã. Tôi dám viết vì thấy xài rồi. Tôi yêu tiếng Việt có những cái hồn, người hiểu tiếng Việt mới thấm được. Ngay cả khi viết mail, đối với tôi tiếng Việt không dấu thì cũng như bỏ một đoá hoa thơm vào bao giấy kiếng, không có mùi hương gì hết.

Tôi viết có dựa vào cuốn từ điển của Hoàng Phê. Mua hai cuốn. Một để ở sở làm, một ở nhà. Nhiều người muốn viết hồi ký để lại cho các con, nhưng con đâu biết tiếng Việt. Thật buồn phải không?...

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)
Khóc theo
Thời bao cấp – tem phiếu – xếp hàng cả ngày, có một từ thông dụng để chỉ những người chưa đến tuổi lao động, ngoài tuổi lao động hay mất sức lao động nhưng được hưởng tiêu chuẩn phân phối nhu yếu phẩm theo lao động chính trong gia đình.
Đó là từ “ăn theo”, nghe khá là hạ thấp phẩm giá với những người được hưởng thứ phụ cấp gia đình từ người lao động chính ấy. Nhưng thời tem phiếu xếp hàng, người ta thường cứ nói huỵch toẹt ra vậy, mấy ai quan tâm đến cái phẩm giá chi xa xôi. Có “tiêu chuẩn” là vui rồi.
Từ chuyện phân phối tiêu chuẩn theo lao động chính, từ “ăn theo” đã dần dà mở rộng ngữ nghĩa để chỉ ai đó làm việc gì đó nhằm hưởng lợi từ vị trí, tiếng tăm, uy tín của người khác. Chẳng hạn trong việc đón tiếp người khuyết tật và nhà thuyết giáo nổi tiếng Nick Vujicic, đội môtô hộ tống đã “ăn theo”, lợi dụng sự kiện này để hú còi inh ỏi, vung gậy dẹp đường, chạy bất chấp luật giao thông.
Người ta còn có thể “ăn theo” nhiều thứ khác, nhân vật khác. Như “ăn theo” sự kiện nhà toán học Ngô Bảo Châu được trao giải Fields để “tự sướng”, để vuốt ve lòng tự hào hơn là từ đó nghiêm túc nhìn lại sự tụt hậu về khoa học của đất nước và vạch kế hoạch thực sự xây dựng tiềm lực khoa học cho đất nước đi lên.
Và mới nhất là quanh sự kiện đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Bên cạnh đông đảo người dân lặng lẽ xếp hàng đến viếng đại tướng tại tư gia, tại nhà tang lễ quốc gia hoặc đứng dọc hai bên đường tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà, thì vài người khá nổi tiếng, không biết có nhỏ giọt nước mắt nào tiếc thương ông thật tình không, nhưng đã “ăn theo”, khóc theo khá phô trương.
Họ không khóc thầm, không nuốt nước mắt vào trong như không ít đồng đội cũ của ông và nhiều người bình thường khác. Họ khóc nhưng muốn mọi người đều biết, đều thấy là họ đang khóc.
Họ khóc nhưng chọn chỗ ai cũng thấy, và trống giong cờ mở để khóc. Họ đứng bên cạnh các VIP để khóc, để được thiên hạ thấy qua TV. Họ khóc và ca ngợi công lao của người quá cố nhưng không quên tranh thủ nói về mình.
Họ cầu danh hay cầu gì? Thực ra họ đâu có thiếu danh. Nhưng với cái danh, với vị trí của họ, người ta tự hỏi khi tướng Giáp còn sống và đưa ra hết ý kiến này đến cảnh báo khác để phát triển và bảo vệ đất nước, họ ở đâu, họ đã làm gì với cái danh và vị trí của họ? Để bây giờ, họ đến khóc và ca tụng ông, như chưa từng biết đến những ý nguyện không thành của ông.
Nhìn họ khóc rồi nhìn hình ảnh những bà con người dân tộc thiểu số từ xa lẳng lặng về Hà Nội để nhìn mặt vị tướng lần cuối, những thương binh đạp xe đạp nhiều cây số để mong gặp linh cữu ông đi qua, không khỏi thấy ngậm ngùi.
Người ta nói nhân dân làm nên lịch sử, nhưng lịch sử làm nên rồi thì người dân thường mất dấu, để lại sân khấu cho những diễn viên có tài diễn.
Mà cái văn hóa người mình cũng thật lạ. Hễ ở đâu có đám, thế nào cũng có một số ít người ăn theo, khóc theo.
Người Đô Thị
Nhanh một giây chậm cả đời
Trước đây, trong nhiều lần trò chuyện, Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Trần Văn Khê khi nói về văn hóa Việt Nam, một trong những vấn đề mà ông thường đề cập đến đó là văn hóa đi đường của người dân chúng ta… chưa ổn. GS nói rằng, văn hóa đi đường của chúng ta từ nhiều năm qua vẫn chưa có gì thay đổi. Nghĩa là, người tham gia giao thông ở nước ta chưa biết tôn trọng luật đi đường, chưa biết nhường nhau trong lúc đi đường, cứ mạnh ai nấy chạy nên thường xảy ra kẹt xe, ùn tắc. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều và cách đi đường của chúng ta đã làm cho họ giật mình. Họ cho rằng, mỗi khi đi qua được một con đường là họ thấy mình như vừa… thoát chết.
Suy ngẫm về điều này mới thấy, văn hóa đi đường của chúng ta quả thật còn rất nhiều vấn đề khó giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi thế văn hóa đi đường, hay nói đúng hơn là văn hóa giao thông ở Việt Nam luôn là vấn đề nóng hổi. Chỉ cần quan sát một chút sẽ thấy, nhiều người đi đường biết luật nhưng vẫn phạm luật. Những hình ảnh người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm mà chỉ móc lè kè trên xe, hay lấn tuyến, vượt đèn đỏ… vẫn thường xuất hiện trên mọi tuyến đường. Một số người còn có thái độ bất nhã với nhau khi xảy ra va chạm, quẹt xe hoặc dừng xe khi đèn đỏ mà chưa kịp chạy khi đèn xanh... Thế mới thấy, một khi con người chưa có ý thức cao trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ thì khó mà thực thiện được văn hóa giao thông.
Ông bà ta có câu “Một sự nhịn chín sự lành” để răn dạy con cháu phải biết nhường nhịn nhau trong cuộc sống. Đó là văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Còn các sở, ngành khi tuyên truyền về an toàn giao thông cũng có câu “Nhanh một giây chậm cả đời” để khuyên rằng, khi tham gia giao thông mọi người đừng vì “nhanh một giây” mà đánh mất cả cuộc đời. Nhanh thêm một giây trong khi tham gia giao thông chẳng làm nên việc gì, nhưng cái giá phải trả có thể rất lớn, đó là tính mạng. Thế mới thấy, văn hóa giao thông rất quan trọng. Mọi người nên thể hiện văn hóa giao thông khi đi đường để không phải ân hận một đời và để những người đi khác không phải thốt lên rằng “đi qua được một đoạn đường là thấy mình vừa thoát chết” như lời GS-TS Trần Văn Khê đã chia sẻ.
 CẨM LÝ 
Tâm, tài và tội
 Khi bàn về tâm, tài, tôi nhớ câu Kiều: “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần” và “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vậy tâm và tài trong một con người có tầm được thể hiện như thế nào trong đời sống xã hội? Xin nêu vài chuyện để cùng bạn suy nghĩ.

Thứ nhất, có vị chức sắc làm đến chức bộ trưởng một bộ quan trọng có thể chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Chắc chắn người đó phải có tài, từng trải và qua nhiều thử thách. Tư cách đạo đức phải được đánh giá tốt mới được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ. Khi về nghỉ hưu, vị đó không chỉ sống trong ánh hào quang quá khứ mà đương nhiên đời sống vật chất cũng khá đầy đủ. Với uy tín cá nhân khi còn đương chức vị đó được một ngân hàng thương mại lớn mời ra làm cố vấn rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhiều người biết việc này đều ca ngợi tâm, đức của người cán bộ tốt, bởi về hưu rồi vẫn còn đem tài năng phục vụ xã hội. Thế nhưng không ngờ, khi ở cương vị mới vị đó lại quên cái tâm, dùng tài của mình, mưu mô nhiều việc làm bất chính, qua mặt luật pháp nhằm thu lợi cá nhân, gây hậu quả lớn cho ngân hàng. Và chữ tài đã liền kề với chữ tai khi luật pháp phải mời vị ấy vào tù.

Chuyện thứ hai, có doanh nhân rất tự hào về tài năng của mình, bởi chỉ học có lớp 8 phổ thông, đi bộ đội về đã từng bước làm nên cả cơ nghiệp mang tầm thế kỷ. Vâng, điều đó nhân dân và xã hội phải thừa nhận vì những công trình ông ta làm ra có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi người. Nhưng nhân dân cũng biết rõ rằng, vì “có đất dụng võ” (hiểu theo nghĩa rộng), tài năng của ông mới được thi thố phát huy và liên tục được tiếp sức bằng những cơ chế cho quyền tự chủ một cách thông thoáng. Nếu không, dù có tài đến đâu thì ông cũng chỉ là một ông chủ nhỏ. Đáng lẽ, trên đỉnh cao của thành công, doanh nhân trên phải biết ơn vùng đất đã nâng đỡ, chắp cánh cho mình, cùng bàn bạc chân thành về những khó khăn trong giai đoạn phát triển mới để tìm giải pháp tháo gỡ thì ông ta lại tự tung tự tác, quyết định công việc theo ý mình một cách kiêu ngạo. Nhẫn tâm hơn là ông ta đã chối bỏ nơi mình được cưu mang, lớn tiếng chê trách vô căn cứ việc làm của chính quyền, gây ảnh hưởng đến uy tín thu hút đầu tư của một địa phương vốn nổi tiếng là “đất lành”. Việc làm đó chẳng khác gì làm bớt đi bát cơm, manh áo của người dân, làm giảm niềm tin của một xã hội đang phát triển. Như vậy đâu còn tâm, phúc, đức mà doanh nhân nọ vẫn hô hét.

Quả là “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. 
Bàn về “Tâm” và “Tài”
Một cô công nhân cạo mủ cao su hôm chủ nhật đến nhà chơi, nêu một vấn đề: Người ta nói nhiều đến “tâm” và “tầm” khi nói về việc tiến cử người “tài, đức” vào các cương vị lãnh đạo, vậy công nhân chúng em có “tầm” không?
Câu hỏi thật hay. Quả là lâu nay người ta nhào, ép đến nhuần nhuyễn từ ngữ “tâm” và “tầm” khi bầu, chọn, đề bạt người vào các chức vụ của Đảng, chính quyền và các đoàn thể của các cấp, các nhà quản lý kinh tế đứng đầu doanh nghiệp… Nói nhiều đến nỗi có ai đó đã may mắn nắm trong tay cương vị lãnh đạo của cấp nào đó cứ đinh ninh lầm tưởng, ngộ nhận mình là người có “tâm” và “tầm”. Theo cảm nhận của tôi, chữ “tâm” thì ai cũng hiểu đó là một tấm lòng chứa đựng tình yêu thương con người, hay còn gọi là người có đạo đức tốt. Nhưng nếu một người chỉ có đạo đức tốt thôi thì chưa ổn mà còn phải làm việc tốt, được thực hiện bằng tài năng sáng tạo của mình, nên mới có từ kết hợp “tâm” và “tài”. Còn chữ “tầm” mang ý nghĩa của cả “tâm” và “tài”, là đỉnh cao của trí tuệ, chiều sâu, rộng của kiến thức. Người có được yếu tố này sẽ luôn có tư duy sáng tạo, đưa lĩnh vực mình phụ trách tiếp cận với xu thế thời đại để đạt những thành công mới làm phong phú cuộc sống. Nếu nói người có chức vụ là có “tầm”, người ta sẽ kê ra hàng loạt và gán vào các loại “tầm” từ tầm thế giới đến “tầm” xã, “tầm” phường, “tầm” thôn, ấp. Ai cũng có “tầm” hết. Không hẳn như thế phải không?
Với em, một công nhân cạo mủ cao su, để có được một mùa thu hoạch mủ cao su năng suất cao, chất lượng tốt, góp vào việc kinh doanh của công ty có lãi, nhất định em đã dày công nghiên cứu chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, chăm bón đúng cách, cạo mủ vào thời điểm cây cao su cho ra nhiều mủ nhất với kỹ năng cá nhân điêu luyện. Để rồi nguyên liệu em và các bạn làm ra sẽ cung cấp cho các nhà máy chế tạo các sản phẩm cao su, phục vụ tiêu dùng toàn thế giới. Vậy là em đã có “tầm” thế giới. Tóm lại, bất cứ ai cũng có thể có “tầm”nếu hiểu được việc mình làm hòa nhập với xu thế thời đại, có tác động đến đời sống của mọi người và xã hội.
PHÚC LÊ 
Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường
Đang chạy xe trên đường tôi bỗng khựng lại vì hai vợ chồng trẻ chạy phía trước thản nhiên quăng bịch rác lên vỉa hè nhưng bịch rác rơi xuống cả lòng đường. Nhìn xung quanh đó cũng đã có nhiều bịch rác như thế nằm vương vãi khắp nơi, bên cạnh là tấm biển không biết của ai ghi với dòng chữ: “Cấm đổ rác, phạt…”. Có thể nói đây là một trong hàng trăm bãi rác tự phát trên địa bàn tỉnh nhất là trong nội ô TP.TDM do những người thiếu ý thức vứt bừa bãi lên vỉa hè. Những bãi rác tự phát như thế đang làm xấu đi bộ mặt đô thị và nhất là ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, đến sức khỏe của chính chúng ta. Đó là chưa nói đến tình trạng “rác một bên và bô rác một bên”, ở những nơi có bô rác hẳn hoi nhưng người ta vẫn cứ vứt rác bên ngoài. Đó là nói về những người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, còn nói về chuyện đặt bô rác ở nơi nào cũng là chuyện đáng nói vì tôi thấy có chỗ người ta đặt bô rác ngay nhà chờ xe buýt, những ai đi xe buýt mới thấy hết nỗi khổ khi phải ngồi chờ ở những nơi như thế.
Kinh nghiệm tại các thành phố lớn cho thấy tình trạng rác thải là một vấn đề hết sức nan giải, chủ yếu là do ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Với một tỉnh đang phát triển thì vấn đề vệ sinh môi trường và xử lý rác thải cần phải được quan tâm. Mà mấu chốt để có được một môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp vẫn là ý thức của mỗi người dân.
ĐỨC LÊ
 Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm
Không khí chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 đang lan tỏa ở khắp mọi nơi. Ông bà ta có nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Bản thân câu nói đó đã khẳng định vị trí, vai trò của người đàn ông và phụ nữ trong đời sống xã hội, dù là xã hội hiện đại. Nhưng có phải cũng vì chữ “bình đẳng” được hiểu một cách hơi thô thiển nên ngày càng có nhiều đàn bà vừa “xây nhà”, vừa phải “xây tổ ấm”.
Nhiều gia đình chẳng biết do vợ đảm đang quá hay do những anh chồng “trẻ con” mãi không chịu lớn mà từ việc lớn, việc nhỏ, việc to, việc bé… từ làm nhà, mua xe, đến đóng đinh, thay bóng đèn… đều đến tay vợ hết. Chẳng trách bây giờ cơ quan nào cũng có đến gần 100% chị em phụ nữ đạt danh hiệu “3 đảm đang”…
“Phái mạnh muôn đời phải là phái mạnh và phái đẹp muôn đời phải là phái đẹp”. Điều quan trọng là cái đẹp và mạnh ấy được đánh giá ngang nhau, coi trọng như nhau… Những người đàn bà vừa “xây nhà”, vừa “xây tổ ấm” có thể rất được nể phục. Nhưng thiết nghĩ, mỗi người phụ nữ cứ vun đắp cho tổ ấm theo cách riêng của mình. Còn việc “xây nhà”, luôn bên cạnh nhưng hãy cứ nhường cho người đàn ông của đời mình cái trách nhiệm vĩ đại đó có khi lại hay hơn.
NGỌC THANH 
Văn hóa điện thoại
Cách nay khoảng 20 năm, khi điện thoại di động chưa phổ biến, mỗi khi cần liên lạc mọi người thường gửi thư cho nhau. Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, các hãng điện thoại ồ ạt cho ra nhiều sản phẩm mới, phục vụ mọi giới. Giờ đây, từ cô công nhân, người bán ve chai cũng dễ dàng sở hữu chiếc điện thoại di động. Mỗi khi liên lạc với nhau mọi người thường nói gắn gọn để không bị “cháy túi”, lâu dần trở thành thói quen của một bộ phận người dân. Cũng từ đây phát sinh nhiều chuyện trở thành nỗi bực mình của nhiều người. Không ít người than phiền họ hay nhận được những cuộc điện thoại gọi nhầm số, lúc thì bị chửi xối xả, khi thì hẹn hò đến một quán nhậu nào đó. Đối với giới trẻ, chúng không chỉ tiết kiệm lời mà còn đem những ngôn ngữ chợ búa khi giao tiếp với nhau. Có lần tôi không khỏi bực mình khi nhận được cuộc điện thoại mà người bên kia giọng nói nghe còn non choẹt. Không cần biết tôi là ai, em xổ một tràng. Khi tôi thông báo đã nhầm số, em tắt máy ngay mà không một lời xin lỗi.
Điện thoại là phương tiện giao tiếp tiện ích, giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian khi có việc cần trao đổi với nhau. Tuy nhiên liên lạc qua điện thoại chúng ta dễ bị đánh lừa, vì người nghe có thể từ chối cuộc hẹn bằng những lời nói ngọt ngào. Để làm vừa lòng nhau, mỗi người cần xây dựng cho mình văn hóa khi nghe điện thoại. Với giới công sở, xung quanh chiếc điện thoại cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Có lần tôi điện thoại đến một đơn vị xin gặp lãnh đạo, cô thư ký bảo chờ máy. Đầu dây bên kia cô gọi: “Chú ơi có điện thoại”, nhưng vài giây sau cô báo lại lãnh đạo đi họp rồi. Khi nghe tôi lặp lại câu nói đã được nghe, cô quay sang trao đổi tiếp với vị lãnh đạo: “Bà đó nói sẽ trao đổi ngắn gọn thôi…”.
Thư ký là người trực tiếp tiếp xúc với người dân, với các cơ quan hữu quan. Văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công sở, trong đó có giao tiếp qua điện thoại là thước đo văn minh của cán bộ, công nhân viên chức. Vì thế, mỗi người cần xây dựng cho mình văn hóa trong giao tiếp. Khi trả lời điện thoại cần nhỏ nhẹ, rõ ràng, nên dùng đại từ nhân xưng, không xưng hô theo kiểu gia đình hoặc với bạn bè.
 H.THÁI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét