Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Bài viết hay(781)

Hạnh phúc bất ngờ làm sao khi hôm nay tui mới tỉnh ngộ ra rằng, từ khi ba tui chết đi, tui đã ngu dại đi vượt biên một mìn, qua Mỹ cắm cúi làm kiếm tiền gửi về nuôi mẹ và các em của tui suốt bao nhiêu năm nay. Sau khi bảo lãnh mẹ và tụi nó qua Mỹ, tui cứ nghĩ như vậy đã là vui và hạnh phúc rồi. Ai dè, hạnh phúc cứ chồng chất mỗi ngày nhiều hơn. Tụi nó ỷ lại vào tui khi mà không đứa nào phải lo trả tiền nhà hàng tháng.  Muốn cái gì, la lên một tiếng, tui chạy đi mua ngay. Mua chiếc xe Toyota Tacoma mới tinh nhưng đi được vài tháng mà không thích là sang tay bán ngay rồi kêu tui mua cho chiếc Tundra khác mới tinh. Khổ nỗi, nó vừa lái xe, vừa ôm cell phone talking too much nên ...ầm, total lost! Bảo hiểm đền cho nó, nó mua ngay xe Honda Accord khác mới cáu cạnh mà nó không hề nói gì với tui một tiếng, coi tui như ...ne pas. Hôm nay, tụi nó lộ mặt thật hết rồi nên ...mừng quá, tui nghẹo ngào nói không nên lời. Tui ngu dại sang tên căn nhà cho Chi - đứa em gái kế tôi khi sắp lấy vợ nhưng hôm nay nó nói thẳng là nó đã cướp trắng luôn ngôi nhà này với lý do rất rõ ràng: ông sang tên cho tui thì đây là nhà tui, tui muốn bán hay không là quyền của tui. Con Hương thì chuyên môn bịa đặt, thêm thắt, thêu dệt đủ điều cho dù nó mở miệng ra là đi chùa, ăn chay... Từ ngày nó qua Mỹ đến nay, nó đã nói với bạn nó là tui bắt buộc nó phải học Dược trong khi nó học không nỗi nên khi nó bỏ qua học Pharmacy Technician không xong rồi qua Xray Technician... thì nó cứ đổ thừa tại vì tui bắt ép nó học theo ý tui nên nó học hoài không xong sau 12 năm ở Mỹ! Đêm nay nằm vắt tay lên trán, tui ngẫm nghĩ: Chưa có thằng anh nào khốn nạn hơn tui khi tui cứ đinh ninh là đừng lấy vợ, hãy hy sinh cho mẹ và mấy đứa em thì tụi nó sẽ biết ơn. Ai dè, hôm nay, tụi nó chỉ muốn duy nhất một điều rất đơn giản: Tui hãy đi chết đi, tất cả tài sàn: từ nhà cửa, xe cộ đến tiền lương + hưu bỗng(401K hay 457) đều để lại cho nó.  Bất ngờ quá!  Bây giờ tui mới hiểu ra là mấy đứa em rất ích kỷ, chỉ muốn lo cho chính bản thân tụi nó thôi. Tui ra đi, đừng đem theo bất kỳ thứ gì là tụi nó vui rồi. Có ai hạnh phúc như tôi không nhỉ?  Nếu như ba tôi còn linh thiêng, mong rằng ba tôi sẽ vui và hạnh phúc khi có được những đứa con quý hiếm như vậy!  Mẹ tôi còn nằm đó ở VN, tuy bệnh nặng, không ăn uống, không nó năng, không đi đứng gì được nữa nhưng tôi chỉ mong mẹ sẽ vui khi thấy tui ra đi không còn gì nữa khi tất cả đã để lại cho mấy đứa em Chi, Hương, Phong của tôi.  Nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tất cả sẽ làm lại từ đầu...  Hạnh phúc thật bất ngờ khi hôm nay tui đã trả xong tất cả nợ nần với mấy đứa em tui! Ừ mà hình như ông Trời hay ông Phật đã bị chột hay đã bị glaucoma rồi nhỉ?  Có lẽ tui phải đi mua ngay cho mấy ổng một cặp kính khác rồi đó.
Hạnh Phúc Bất Ngờ
Bác sĩ Paul Bissett, nhìn chăm chú vào những con số trên bản tường trình về kết qủa thử máu rồi ông lẩm bẩm …làm sao có thể thế này được? Thật sự câu hỏi không phải là một thắc mắc mà để diễn tả một tuyệt vọng khi ông ngập ngừng đi về phía phòng 714 nơi người bệnh nhân đang chờ ông đến thăm.
Người bệnh là một cô gái ba mươi mốt tuổi mắc phải bệnh tiểu đường (diabetes). Ông nhớ ngày đầy tiên khi gặp cô gái trong phòng mạch cách đây hai năm. Trước mặt ông người bệnh nhân nhỏ nhoi như một đứa bé mười tám với mái tóc thề buông thả ngang vai, đôi mắt to tròn đượm một nét buồn xa vắng. Cô gái có một nét đẹp dịu dàng á đông pha lẫn một chút tây phương với sóng mũi thẳng cao. Ông giật mình nhìn cô gái như có một chút gì quen thuộc từ trong qúa khứ, như có một liên hệ ràng buộc tự đời nào. Nhưng cái cảm giác đó không tồn tại lâu khi ông bắt đầu cuộc phỏng vấn về cuộc đời và qúa khứ sức khỏe của cô (H&P---History and Physical) để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh.
Cô gái đến từ Việt Nam lúc chỉ mới được ba tháng, bố mẹ đều là người Việt.
Bà mẹ rất trẻ bốn mươi tám tuổi, bố năm mươi, cô là con một không có anh chị em gì cả. Ông bà hai bên nội ngoại đều đã mất hết. Gia đình không ai bị tiểu đường hoặc một chứng bệnh hiểm nghèo nào khác. Một lịch sử về y tế bình thường của một gia đình rất lành mạnh.
Hai năm qua cô gái vẫn đi khám bệnh đều đặn, một năm ba bốn lần vì sự phức tạp của căn bệnh tiểu đường. Trong vòng một năm gần đây cô gái bị đưa vào nhà thương điều trị bốn lần vì những biến chứng của căn bệnh đã ảnh huởng tới thận. Ông vẫn thường tự nhủ là trời không có mắt vì chưa bao giờ ông thấy một bệnh nhân nào trẻ tuổi mà kiên nhẫn và làm theo những lời chỉ bảo của bác sĩ tận tường như cô gái này, vậy mà cô không may vẫn bị biến chứng hành.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh nan giải được liệt kê vào hàng thứ sáu có thể hại đến tánh mạng nếu không giữ kỹ. Có những người không theo đường hướng chỉ dẫn thì bị những sự phức tạp của chứng bệnh như mắt bị mờ, áp huyết cao, bị dị chứng tim hoặc là ảnh hưởng tới sự lưu thông của máu và làm hư thận.
Cô bệnh nhân nhỏ bé này rất chừng mực, một ngày tự thử máu bốn lần trên đầu ngón tay (self testing blood glucose). Vì máu đường không được ổn định nên trong năm qua ông đã đề nghị cô nên mang một cái máy phân phát insulin (insulin pump) trong người để mong lượng máu đường được điều hòa hơn.
Cái máy này giống như một cái computer nhỏ và nhẹ cỡ bằng một cái máy điện thoại cầm tay. Số lượng của insulin được tính (programming) vào máy dựa trên sự sinh hoạt hàng ngày của từng bệnh nhân và mỗi số lượng đó được đưa vào cơ thể qua một cái kim nhỏ gắn vào bụng. Với phương pháp này bệnh nhân hy vọng sẽ điều hòa được mức độ của đường trong máu và tránh được những đảo lộn của cơ thể và tinh thần mỗi lần máu đường lên qúa cao hoặc xuống qúa thấp.
Làm bác sĩ đối với ai ông cũng nhiệt tâm săn sóc nhưng riêng với cô gái này ông có một sự lo lắng đặc biệt, một cảm tình sâu sắc hơn mọi người mà chính ông cũng không làm sao giải thích được.
Ông gõ nhẹ vào cửa phòng. Có tiếng trả lời yếu ớt:
- Xin cứ vào
Mái tóc xõa dài trên gối trắng, khuôn mặt đẹp xanh xao và tấm hình hài nhỏ bé núp dưới làn mền mỏng khiến ông thấy xót xa:
- Andrea có khoẻ không?
Cô gái cố gượng nụ cười:
- Thưa ông vẫn vậy thôi. Ông đã có kết qủa của máu chưa?
Ông đi chậm đến gần và ngồi xuống bên cạnh giường, cầm bàn tay gầy guộc của cô gái nói một cách từ tốn:
- Không được tốt Andrea à!
Đây không phải là lần đầu tiên ông nói một tin không hay với Andrea nhưng lần này giọng nói của ông chất chứa sự lo lắng lẫn thêm một chút hoảng sợ trong đó. Andrea nhìn sững ông chờ đợi ….Ông tiếp tục:
- Có thể phải nghĩ tới chuyện thay thận.
Bàn tay nhỏ bé của Andrea cấu chặt trong lòng bàn tay ông, rồi cô gục đầu vào lòng ông khóc nức nở. Nước mắt của Andrea thấm ướt bờ ngực ông và làm cho ông bứt rứt. Một kỷ niệm nào rất gần trong trí nhớ với những giọt nước mắt tiễn đưa trong qúa khứ. Có một sợi giây liên hệ thiêng liêng nào đó chập chờn trong tâm tưởng nhưng cảm giác đó rồi cũng chóng qua đi như những linh tính nhẹ nhàng thoảng đi trong hai năm vừa qua ông quen biết và chữa trị cho Andrea.
Ông lấy tờ Kleenex chậm nước mắt cho Andrea :
- Tôi biết Andrea khổ lắm cứ khóc đi cho vơi bớt nỗi đau
Andrea nghẹn ngào:
- Ông ơi, chuyện gì sẽ xảy đến…
Những ngày sắp tới là một thử thách, ông phải lo cho Andrea lên được trong danh sách chờ đợi (waiting list) của những người chờ nhận thận (kidney transplant). Sự chờ đợi có thể kéo dài hơn thời gian Andrea có thể đợi chờ. Điều có thể cứu vãn tình hình nhanh chóng nhất là bàn tính với những người trong gia đình xem có ai chịu chia xẻ bớt một trái thận cho Andrea không. Nếu có sự đồng ý thì tất cả mọi người đều phải đi thử xem coi loại máu của ai sẽ hạp với máu của Andrea (matching blood type between the donor and the recipient). Ngày mai ông cần gặp ba mẹ của Andrea trong văn phòng. Ông đã gặp ba mẹ của Andrea trong những lần Andrea nằm trong nhà thương, hai người rất mộc mạc và bộc lộ với ông sự ưu tư của họ về căn bệnh hiểm nghèo của đứa con gái.
- Ừ! Mà ba mẹ tên gì đó Andrea.
Andrea gạt nước mắt:
- Thúy Mai và Văn
Ông tiếp tục gợi chuyện:
-Thế Andrea tên Việt là gì?
- Tường Vi
Tên của một loài hoa hồng nhỏ nhắn, dễ thương mà đã có lần trong một vùng trời dĩ vãng ông đã từng yêu thích. Ông thở dài... Hơn ba mươi năm rồi, qúa khứ và hiện tại nhập nhòa trong đời sống làm ông có những bất ổn nội tâm.
*
Ngày đó ông ba mươi tuổi vừa hành nghề bác sĩ được vài năm thì với chí hướng nhiệt thành của tuổi trẻ ông xin vào binh ngũ, tự nguyện đi qua Việt Nam phục vụ lý tưởng của mình. Ông là y sĩ chiến trường và đã từng chứng kiến biết bao sự đổ máu tàn khốc của chiến tranh trên vùng đất nhỏ bé. Ông nhìn thấy sự chịu đựng vô bờ bến của người dân Việt và từ đó ông đâm ra yêu thương mảnh đất thật thà đó.
Hơn một năm trước khi Sài Gòn thất thủ, ông được lệnh trở về Biên Hòa làm ở bệnh viện Cơ Đốc và nơi đây là khởi đầu của một chuyện tình muôn thưở không quên của ông.
Cái barrack ông làm việc khá yên lành so với những bận rộn tới tấp của chiến trường trong những năm trước. Ông không những chữa bệnh cho những người lính ngoại quốc mà còn chữa bệnh cho những sĩ quan cũng như những người lính Việt Nam.
Một buổi sáng khi ông vào làm thì trong văn phòng ông xuất hiện một bóng dáng làm ông sửng sốt. Bóng dáng nhỏ nhắn của một cô gái với suối tóc mây dài qúa bờ vai, đôi mắt giống như đôi mắt đã diễn tả của Andrea. Cô gái dịu dàng trong tà áo dài tím và đang sắp đặt những lọ thuốc cho có thứ tự trên chiếc kệ gỗ nhỏ. Cô cho biết nhiệm vụ của cô là giúp ông thu xếp chuyện trong văn phòng và thông dịch cho những người bệnh nhân. Từ đó hai người quen nhau và mối tình bắt đầu chớm nở.
Người con gái ông yêu có cái tên rất lạ Lê Thụy Nam, vừa học xong sư phạm nhưng không thích đi dạy, một người anh của cô bạn gái giới thiệu nàng vào làm trong chỗ này.
Thụy Nam hiền lành, ít nói nhưng nàng có những giấc mộng rất lạ lùng so với lứa tuổi của nàng. Đã bao lần nàng bộc lộ ý muốn là một mai sẽ tìm cách gia nhập Red Cross để có dịp giúp đỡ nhân loại. Nàng và ông cùng một chí hướng.
Tình cảm của cả hai càng ngày càng sâu đậm, hơn năm sau ông ngỏ ý muốn gặp gia đình nàng thì Thụy Nam thẳng thắn từ chối, nàng bảo “anh biết đó là điều không thể nào xảy ra, xã hội của em phong kiến lắm”. Ông năn nỉ “nhưng anh yêu em và anh yêu nước Việt của em, anh sẽ làm tất cả những gì gia đình em mong muốn để được gần em”. Thụy Nam vẫn khăng khăng từ chối “Cha mẹ em còn phong kiến hơn cả xã hội”.
Ông quen với nàng đã hơn một năm mà chưa bao giờ nàng nói với ông về gia đình của nàng ngoài sự khó khăn của cha mẹ. Ông không biết nơi chốn nàng cư ngụ, mỗi lần ông hỏi tới thì Thụy Nam đều đùa “ anh đến Biên Hòa thấy căn nhà nào trồng nhiều hoa hồng Tường Vi nhất thì đó là nhà của em”. Ông không biết sinh nhật của nàng chỉ biết là nàng lúc đó hai mươi hai tuổi.
Nơi Thụy Nam ông thấy sự bướng bỉnh dễ thương, một cương quyết mãnh liệt với tình yêu không lối thốt. Ông tôn trọng đời sống riêng tư của nàng nhưng đồng thời ông rất đau khổ vì không tính tốn được tương lai trước mặt. Thụy Nam vẫn thường trấn an ông “anh đừng lo, em sẽ tìm cách…”
Thời gian không đủ cho nàng dự định chuyện của hai người, ngày ông vội vã đến báo tin là ông được lệnh trở về nước gấp thì Thụy Nam chỉ biết khóc ngất trong tay ông. Những giọt nước mắt ấm như những giọt nước mắt thơ ngây của Andrea làm lòng ông nhói đau.
Đêm cuối cùng hai người chia tay ông đã hối hận vì đã để cho sự cuồng nhiệt làm mờ lý trí. Ông và Thụy Nam đã để lại trong đời nhau một kỷ niệm nhức đau ngàn đời bất tuyệt.
Khi Việt Nam rơi vào tay cộng sản, ông đã tìm tòi trong làn sóng người di tản qua bờ đại dương mong tìm được lại bóng hình người ông yêu thương. Ông đã đăng báo, đã loan tin, đã tìm mọi cách nhưng tất cả chỉ là tuyệt vọng.
Ông thất chí trở về học thêm nghành chuyên môn về khảo cứu nghành nội tuyến (Endocrinology), chuyên trị bệnh tiểu đường. Năm tháng qua đi ông vùi đầu vào sự nghiệp, đã một lần tạo dựng gia đình với một bác sĩ đồng nghiệp nhưng rồi cũng thêm một lần nữa dở dang. Năm nay ông đã hơn sáu mươi mà cuộc đời vẫn đơn độc, vẫn ôm hoài hình ảnh nguời con gái phương đông thuở nào.
*
Tiếng của Andrea đưa ông về hiện tại:
-Mệt mỏi qúa rồi ông ơi!
Ông nhỏ nhẹ an ủi:
-Andrea hãy can đảm, tôi sẽ cầu nguyện cho Andrea.
Những ngày kế tiếp ba mẹ Andrea đi qua những cuộc thử máu và hồi hộp đợi chờ. Hôm nay Thúy Mai và Văn lại có hẹn với ông Bissett để biết về kết qủa thử nghiệm đó.
Đối diện với ông là hai khuôn mặt đượm vẻ lo lắng, bần thần. Ông buồn bã giải thích:
- Máu của hai ông bà đều không hợp với cháu Andrea….
Thúy Mai nghẹn lời :
- Có nghĩa là chúng tôi đành bó tay?
Giọng ông Bissett ngậm ngùi:
- Thưa bà, thông thường thì những người trong gia đình dễ có cơ hội hòa hợp máu với nhau, trong trường hợp này qúa nan giải, phải chờ đợi… một đợi chờ có thể lâu dài
Thúy Mai và Văn nhìn nhau ứa nước mắt, cả hai đều buột miệng:
- Chỉ còn có giải pháp…
Tiếng thì thào của Thúy Mai kể về một câu chuyện làm ông Bissett chống váng.
Năm 1975, vài tháng sau khi mất nước, người chị độc thân bà con xa của tôi xin về tá túc trong vùng kinh tế mới với gia đình chúng tôi để che giấu đi nỗi tủi hổ vì đã mang bầu mấy tháng. Trong những ngày tháng khổ sở cùng cực đó chị sống nhẫn nhục trong im lặng.
Khi đứa bé gái của chị ra đời được ba tháng thì gia đình ba mẹ tôi thuê được một chiếc tàu khá lớn đi vượt biên và có rủ chị cùng đi. Chị đã khóc lóc với ba mẹ tôi xin đem đứa bé đi để nó có một tương lai còn chị phải trở về nhà lo cho người cha đang bị bệnh nặng. Ba mẹ tôi thấy hoàn cảnh chị rất tội nên nhận lời với một điều kiện là chị đừng bao giờ tìm cách liên lạc với con và cũng đừng bao giờ nói cho chúng tôi biết gì về người cha của nó. Chị đau khổ đồng ý. Tôi lúc đó mới mười bảy tuổi coi đứa bé gái kháu khỉnh như một đứa em.
Chúng tôi đến California được năm năm thì cha mẹ tôi bị tử nạn xe hơi trong một chuyến đi chơi xa. Từ đó con bé gái là con của tôi, rồi khi tôi và Văn làm đám cưới, chúng tôi không có con được nên chính thức nhận Andrea làm con. Ông thấy đó, Andrea rất xinh đẹp, nó lai hai giòng máu và có những nét giống mẹ.
Bà chị họ xa của tôi vẫn còn ở Việt Nam, sau khi ba mẹ tôi mất tôi có liên lạc và tiếp tục cho chị biết về đời sống của Andrea.
Chị là người giữ uy tín, thấy chúng tôi không có con mà lại thương yêu Andrea nên không hề đòi hỏi gì ngoài việc cám ơn chúng tôi đã lo lắng chăm sóc cho Andrea. Chị mãn nguyện vì biết con đã sống ở một nơi chốn an lành. Chúng tôi không muốn làm xáo trộn đời sống tinh thần của Andrea nên cũng không bao giờ hỏi tông tích về cha của Andrea. Bây giờ vì sự sống của con, chúng tôi sẽ yêu cầu chị Thụy Nam nói về qúa khứ của chị.
Paul Bissett lặng người, trước mặt ông quay cuồng tà áo tím, mái tóc dài, đôi mắt buồn của Andrea và một vùng trời hạnh phúc xa xưa nhưng rất gần trong tâm tưởng.
Ngày mai ông đi thử máu biết đâu ông sẽ chia xẻ được một chút đời còn lại của ông cho đứa con lạc lõng đang sống trong tuyệt vọng.
Nguyễn Thị Huế Xưa
Huệ lấy chồng 
Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị, các dì trong nhà bếp. Tiếng máy đèn chạy tạch tè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đờn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micro gần miệng mà uống rượu. Nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm.
Huệ với Điềm ngồi xếp quần áo trong buồng. Điềm bò lại cửa sổ mở chốt, đẩy hai cánh cửa lá sách sơn xanh ra, trời khuya sâu hun hút, nó la lên :
- Trời, gió mát ghê hen.
Huệ gật đầu, ừ, mát, gió chạy nghe thông thống trong lòng. Nghe rõ ràng mùi xoài cát trái mùa chín son ngoài song cửa. Tự dưng Huệ thấy nhớ nhà ghê lắm. Ngồi ngay ở nhà mà cũng nhớ thiếu điều rớt nước mắt cái độp xuống mặt chiếu bông. Lúc nảy, ăn cháo khuya xong, ba Huệ biểu cả nhà ra đằng trước, ông đốt nhang khấn trước bàn thờ làm lễ xuất giá cho con gái út. Chưa đủ lễ thì má Huệ đã khóc òa. Mấy chế, mấy dì ở nhà dưới chạy lên, bắt khóc theo, nước mắt nước mũi lòng thòng. Thành ra ai cũng xúm lại khóc nên không có màn dặn dò như mấy những lễ xuất giá khác. Huệ nghĩ vậy mà tốt, nó đỡ buồn tủi. Điềm dặn, "Bây giờ mầy khóc cho đã đi, để mai lúc rước dâu thì ráng nhịn, cô dâu mà khóc, son phấn trôi tèm lem, thấy rầu lắm". Trời đất, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi. Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi ?
- Hồi sáng này, lúc đi chợ mua đồ về tao thấy ông Thi đi ngang nhà mình.

Điềm rũ cái áo bà ba hường làm cái đèn chao ngọn, nó lên tiếng. Huệ ra bộ dửng dưng :
- Ừ !
- Thấy cái mặt ổng buồn, đứt ruột lắm.
- Ừ !
Điềm trở giọng quạo quọ :
- Ừ, ừ hoài. Phải chuyện mầy với ổng mà thành, đám nầy vui biết bao nhiêu không.
Huệ cười, biểu Điềm nói nho nhỏ thôi rồi cái giọng lại nửa dửng dưng nửa phân trần :
- Thành gì mà thành, người ta đã nói là không có tiền sắm trầu cau.

- Sạo, trầu cau rẻ rề, mà, sao lại có tiền đi cưới người khác.

Huệ cười, người ta vậy, mầy còn nhắc làm chi. Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu. Cái vali da mới màu vôi đã đầy quần áo. Đồ của Huệ không có bao nhiêu, cũ hết rồi, đồ bên chồng cho mới nhiều, tới mười hai bộ. Điềm nhắc :- Còn tập chép bài ca, mầy đem theo không ?
- Ừ, đem theo, chút nữa tao quên rồi.
Mà, đem theo chắc cũng không làm gì hết. Về bên nhà chồng không biết còn rảnh rổi vừa đưa võng vừa ngêu ngao hát. Nhà Thuấn vườn rộng, ruộng cũng nhiều, công chuyện chắc vô số. Thuấn kể, chỉ tính bẹ dừa khô rụng xuống, má Thuấn đã đi chặt mãn một năm còn chưa giáp vườn. "Nhưng em đừng sợ, về bển, ba má với anh không cho em làm gì nặng nề đâu", Thuấn nói thêm. Huệ cười, cực khổ nó không sợ, chỉ sợ không được vui. Nghĩ lại, có chồng vừa hiền vừa giỏi như Thuấn, lại thương mình như vậy làm gì mà không vui.
Huệ lại chỗ đầu nằm, giở gối lên, nâng niu ấp trong tay tập chép bài ca đã cũ. Nhắm mắt, nó vẫn lật ra ngay cái trang có nét chữ nắn nót của Thi, dưới bài hát "Nhẫn cỏ", Thi ghi thêm hai câu thơ "Trăm năm ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim". Con Điềm thường bảo, người ta lấy thơ để thay lời thề hẹn đó.
- Tao tội nghiệp ông Thi quá, mà tao cũng tội nghiệp mầy nữa. - Điềm vừa nằm xuống, vừa thở dài cái thượt. Huệ kêu Điềm ngủ đi rồi lụi hụi xuống giường, nó nói nó còn quên sợi dây nịt. Điềm xì một cái, "mầy có tật tiếc đồ cũ". Huệ gắt, "Kệ tao. Ngủ đi". Huệ bò lại chỗ cửa sổ và ngồi đó, đưa mắt nhìn xa thẳm màu đêm. Huệ ngồi đó thật lâu, đến má ghé vô buồng biểu Huệ nhắm mắt một chút đi, ngày mai rước dâu mệt lắm. Huệ dạ, thổi phù cho tắt đèn. Con Điềm vốn mê ngủ, đặt lưng xuống chưa bao lâu đã thở sâu. Huệ lại thắp đèn coi bây giờ là mấy giờ rồi giở vali ra, nói thầm trong bụng : "Không biết mình có quên gì không ta ?"

Nó làm như lỡ quên món gì sau này không có dịp về lấy nữa. Mà, từ Đất Cháy qua nhà Thuấn có bao xa, chạy xuồng băng tắt qua Đầm, rẽ theo kinh Thợ Rèn chừng mười lăm phút là tới. Nhưng với đứa con gái theo chồng, quãng đường đó cũng chở thương, chở nhớ. Chế Lê, chế thứ ba của Huệ lấy chồng sát bên nhà, chỉ cách một hào ranh mà còn khóc lu bù. Hồi đó, Huệ cười, chế cú cái cóc lên đầu nó," Sau này có chồng rồi biết, cưng ". Huệ không tin, nó biết mình rắn rỏi lắm, sức mấy mới khóc. Té ra không phải vậy, nó cũng là một đứa lạc lòng. Sáng mai thôi nó sẽ xuống võ rồi về ở miết nhà người ta. Nhớ cái cối xây bột dựa hàng kệ đựng tiêu tỏi, dầu ăn, nước mắm... Con mèo ngủ thiu thiu trên đầu bộ ngựa, mấy cái võng giăng quây quần quanh bồ lúa. Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc. Lối này đổ ra con đường xóm xáng múc hôn hang chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt, bẹ dừa kéo xuồng nằm vảnh cổ, có bẹ đã khô quắt, có bẹ còn tươi thơm. Xóm kinh ăn sâu vô đồng. từ vườn nhà Huệ dòm xéo về phía tây, bỏ cánh đồng lúa lơ thơ gốc rạ là một vệt xanh rờn của dừa, của chuối.
Và nhà Thi ở đó. Huệ với Thi quen nhau hồi nhỏ. Thi có tật khoái đi tắt đường đồng đâm thẳng vô vườn nhà Huệ để đến trường. Tan học về, nó có thể nhẩn nha, lang thang đồng khơi thả diều cho tới chạng vạng. Có bữa tan trường, Thi về cùng Huệ, Thi hỏi, "tao thấy con gà mái nhà mầy đẻ bậy đống rơm sau hè, sao mầy không làm ổ ?" Huệ xụ mặt xuống, môi trề ra "Gà nhà tao, kệ tao." Thi mất hứng, càu nhàu :"Con gái gì... vô duyên".
Đó là chuyện hồi nhỏ, chớ khi hai đứa lớn lên, Thi nhận ra Huệ có duyên, đã có duyên mà còn đẹp nữa. Thi học lớp trung cấp sư phạm xong về dạy trường cấp II Ấp Chín. Thi dạy lớp sáu, ngay lớp con bé Mén con anh Hai Mận học. Huệ đi họp phụ huynh hoài. Vô đó, không phát biểu gì, thẹn thò ngồi cuối dãy bàn, cũng không để ý coi Thi nói gì, chỉ nhìn Thi cười. Trời đất quỹ thần ơi, người gì cười hiền thấy thương quá. Hồi xưa, lúc còn con nít đứa nào cũng hôi nắng, cũng lùi bùn sình, đâu phải như bây giờ. Ở chợ hay ở quê gì rồi người ta cũng lớn lên.
Ở xóm này, người biết tụi nó thương nhau đầu tiên là con Điềm, nhỏ bạn thân nhất của Huệ, người thứ nhì, thứ ba biết là chú thím Mười Ba. Chú Mười Ba bán quán cà phê cặp bờ kinh xáng. Quán chú buổi sáng toàn đàn ông, buổi trưa của mấy thím đàn bà, ôm đứa con nẹo một bên vú nói chuyện làng trên xóm dưới. Buổi chiều, tụi con nít tụ lại quán chạy lòng vòng trong sân chơi. Riêng buổi tối, quán chạy máy đèn chiếu phim bộ Hồng Kông phục vụ cho đám thanh niên. Có lần coi bộ phim kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ", tới đoạn A Châu chết, con Huệ nước mắt rịn rịn, chắc lưỡi như nói với con Điềm: "Ước gì trên đời này có ai thương tao như ông Kiều Phong thương A Châu, chắc tao sướng tới chết luôn quá". Con Điềm cười, ngó ra sau lưng, nói xa xôi, "Có chớ, sao mà không?". Thi ở đằng sau, kế dãy ghế Huệ ngồi, hít đầm đìa hương tóc thơm của cô bạn gái, mỉm cười. Ra về, Thi thả chầm chậm theo tới chỗ quẹo vô nhà Huệ, Thi mới níu tay Huệ lại, Thi nói rằng:"Ông Kiều Phong đó mà nhằm gì, có người còn thương Huệ hơn..." Tay Huệ ấp vào giữa tay Thi líu ríu. Sáng ra Bà Hai, má Huệ nói với thím Mười Ba :" Làm gì hồi đầu hôm nầy mấy con chó nhà tôi sủa ong ỏng hoài vậy không biết ?" Thím cười, chó sủa chuyện vui.
Rồi con Điềm làm nhân chứng cho mối tình của Huệ. Gặp Thi ở đâu, Thi nói cái gì Huệ đều kể cho Điềm nghe. Nhiều lúc Điềm phải nạt, " Trời ơi, mầy kể cho tao nghe hoài, tao phát ghen luôn đây nè". Mai mốt đây, hai đứa phải lấy chồng (con gái ở quê nuôi lớn không để lấy chồng thì làm gì ?), Điềm ước gì mình gặp được một người tử tế, hiền hậu, có học thức như Thi, lấy được người chồng mà tự mình tìm hiểu, yêu thương như Huệ. Huệ cười, chưa gì hết mà chồng chồng vợ vợ, nghe kỳ. Nói vậy, nhưng lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô.
Thương thì thương vậy, nhưng nhắc chuyện cưới, thấy không gấp gáp được. Nhà Thi đã nghèo mà anh em lại đông. Má Thi giao, đứa nào nấy làm để cưới vợ riêng. Lương Thi thì ít lắm, dư dả bao nhiêu. Vì vậy mà Thi xin đổi ra Rạch Ráng dạy trường huyện. Thi tính, ra ngoài đó Thi dạy thêm giờ, chắc lương lên được hai trăm mấy, để dành không bao lâu nữa đủ tiền lễ để cưới Huệ rồi. Huệ cười, cưới vợ chớ đâu phải mua vợ đâu mà phải tốn nhiều tiền. Thi bảo, không cần rình rang nhưng cũng phải có năm sáu bộ đồ, đôi bông, sợi dây chuyền cho Huệ không phải tủi chứ. Những lúc nhớ Thi, Huệ ngồi mơ về đám cưới, bữa đó, chắc là vui lắm. Hết học kỳ đầu, tự nhiên bặt cả tháng Thi không về, có về cũng chui nhủi trong nhà, ốm như ma đói. Huệ hỏi hoài, nhưng Thi cúi đầu, tìm được ánh mắt Thi đã khó, mong gì Thi nói ra.
Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị "gài" như trong Lan và Điệp. Tội nghiệp. Tội nghiệp ai?
Thì Thi chớ ai, ở đời ngược ngạo vậy đó. Thi cưới vợ xong rồi nhưng vẫn thường tha thểu về ở lì trong này. Huệ gặp Thi giữa đường muốn cười nhưng Thi lầm lũi cúi mặt. Huệ lấy chồng. Thím Mười Ba chép miệng, giọng không biết khen hay chê:"Con Huệ nó dứt tình lẹ quá ha, dứt cái "rụp". Huệ cười, thấy đâu có chê Thuấn được cái gì, Thuấn biết Huệ từng thương Thi mà anh cũng bước tới. Huệ bây giờ, còn chờ ai nữa ?
Huệ chuẩn bị cho đám gã mình từ mấy tháng trước. Suốt ngày nó cặm cụi ngoài vườn. Lá dừa khô bó láng vo, tề đầu tề đít chất đầy giàn bếp, dựng qua tới bồ lúa. Củi phơi từ lúc chớm hết mưa, lổn nhổn ngoài sân. Mớ cọng dừa đã róc lá dựng ngoài giàn, chưa khô hẳn thì đám bìm bìm đã leo xanh rờn, nó cũng dỡ xuống, chặt phơi. Chuyện gì nó cũng giành làm một mình, làm từ sáng sớm tới chạng vạng, không đi coi phim nữa mà tối tối nằm nhà nghe cải lương hoặc đưa võng cò kẹt, hát "Thương nhớ nhớ mãi không thôi. Chàng mới ra về chị em tôi thương nhớ...". Điềm tới chơi thường, như giữ Huệ, sợ Huệ vì Thi mà làm chuyện dại. Sợ vậy thôi, chớ Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên dẻ gì nhau. Điềm hỏi "Sao tao không thấy mầy buồn gì hết ?". Huệ cười, "Tao quên ông Thi mất tiêu rồi, tệ quá, nhớ làm chi ?" Hồi đám cưới Thi, Huệ chép miệng tiếc, phải chi Thi mời... Không được mời nên mới nằm nhà, gió đưa tiếng hát ngang qua đồng lúc gần. lúc xa thăm thẳm.
Hôm gần đám, Thuấn chạy xuồng qua chở Huệ đi chợ. Hai đứa mua nhiều thứ, cuối cùng dắt nhau tới tiệm tạp hóa lựa bốn trái tim bằng giấy đỏ lớn bằng cái thúng để Huệ dán bên nhà hai trái, buồng cưới nhà Thuấn hai trái. Lúc Huệ giở mấy trái tim coi kỷ coi có thủng lổ không thì thấy Thi đằng cuối chợ đứng nhìn. Huệ cười ráo hoảnh. Tưởng Huệ không thấy, Thuấn quay qua, nhắc nhỏ, "Thi kìa, em ! ". Huệ cười, ừ, Thi đó, Thi chớ ai, rồi biểu người bán hàng lựa thêm cho hai chữ Song Hỷ mới lại gần chào, Huệ biểu, "Thi đừng có nhìn tui trân trối vậy, tui cũng phải lấy chồng chớ, phải hôn. Mà anh nhớ đối xử với người ta tốt như đối xử với tui vậy nghen". Thi gượng gạo cười rồi cắn môi quay đi. Thuấn nhìn theo, nắm tay Huệ, nắm rất chặt, nửa như để an ủi, nửa lại giống như rịt lấy, như sợ Huệ bỏ chạy đi mất. Huệ mắc cười, đó là lần đầu tiên từ lúc xuống mối, tới ăn trầu uống rượu rồi chuẩn bị cưới Thuấn mới nắm tay cô. Thì phải vậy thôi, mai mốt là vợ chồng rồi...
... Huệ ngồi chỗ cửa sổ cho tới lúc gà gáy rộ. Bà Hai lủi thủi đốt cây đèn cóc ngồi lột tỏi, không biết có phải tỏi nồng hay không mà mũi bà sụt sịt, nước mắt kèm nhèm. Bà con cô bác cũng trở dậy râm ran. Thức ăn đãi buổi mai đã làm sẵn từ hôm qua một mớ nhưng thịt kho tàu vẫn chưa thấm lắm, lớp mỡ chưa trong. Than bắt lửa cháy lép bép. Huệ kêu Điềm dậy, sửa soạn ra chợ xã đánh tóc, làm mặt. Điềm ngồi dậy, tay lò mò kiếm cây kẹp tóc, giọng tỉnh queo nhưng hơi bàng hoàng :- Trời ! Sáng rồi sao ? Mau vậy ?
Đám thanh niên đằng trước quét qua nền rạp, xếp bàn ghế ra. Nhóm ca cải lương đã mỏi mòn ngoẹo vào nhau ngủ mê mệt, thay vô đó là băng nhạc đám cưới xập xình "Ô vui quá xá là vui..." Xuống xuồng, Huệ giành lái máy. Điềm ngồi co ro đằng trước mũi, than lạnh quá chừng đi. Gió này mà không lạnh sao được. Một tháng mười ba ngày nữa là Tết rồi còn gì. Và sau tết nầy, mấy thím ngồi quán trưa bảo nhau, "Vợ chồng con Huệ có về". Trong tiếng máy Koler 4 nổ lùng bùng, tự dưng Huệ bảo :
- Ừ, lạnh quá, Điềm ha ?
Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt.
Nhưng nói để làm gì, ta ?
NGUYỄN NGỌC TƯ Nguồn: Văn Nghệ Sông Cửu Long

0 nhận xét:

Đăng nhận xét