Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Bài viết hay(783)

Bạn có giận, tui cũng chịu. Tui nhất định giữ vững ý kiến của tui dựa trên kinh nghiệm xương máu của chính mình mà nói rằng: Thà chơi với chó chứ chơi với người (nhất là người Việt ở Bolsa!) rất ư là ..mệt, nhức đầu và chán nãn!  Suốt 30 năm sống ở Bolsa, thú thiệt là tui không dám có 1 người bạn nào hết !  Nếu không lợi dụng thì cũng là dân xỏ lá, láu cá, giả trá, đểu cáng, lưu manh... nên rốt cuộc thằng nào cũng ăn xong rồi quẹt mõ mà chạy mất tiêu!  Cái hay là mấy thằng "bạn" ở Bolsa này đều luôn vỗ ngực tự cho rằng họ là thông minh, hiểu biết, giỏi nhất thiên hạ nhưng khi đi ăn thì hổng bao giờ móc túi ra trả tiền mà cứ thích ăn chực, ăn free!  Ăn xong, nó sẽ chửi ngay sau lưng mình là ..."thằng ngu"!  Ngu vì đã mời nó đi ăn và sau đó bị nó chửi! Nó cứ thất nghiệp thường trực hay chỉ "chạy mánh" chút xíu thôi nhưng lúc nào cũng áo quần bảnh bao, mặt mũi sáng sủa để đi lừa tình và lừa tiền! Bởi vậy, tôi thà cho chó ăn, thà chơi với chó chứ nhất định không thể nào có những đứa "bạn" tệ hơn chó, bạn ạ !  Tôi ghét nhất là hạng người ăn của mình xong rồi lại chủi mình, phản mình, nói xấu mình, hãm hại mình, tráo trở, lưu manh như vậy thì suốt đời không khá nỗi!
 Chó Và Người
 Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẻ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.
     Hôm ấy tôi mặc chiếc áo dài mới may. Chiếc áo màu xanh ngọc bích, thứ hàng mới có trên cửa hàng tơ lụa, mẹ tôi nói với tôi, mua cho nó để may mặc Tết. Nhưng chờ đến Tết thì lâu quá, (với thời gian chờ đợi dài gấp mấy lần thời gian bình thường) tôi phụng phịu đi may liền mặc liền, cũng chiều nó thôi. Chiếc áo ấy mãi đến ngày hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ rõ như đang nhìn thấy trước mắt, chiếc áo hiện ra cùng với cảm giác được mượt mà. Màu xanh tuyệt đẹp, tưởng chừng đó là màu xanh của một khối ngọc non vừa được mang ra ánh sáng từ một hang động nào trên cõi thiên tiên. Khi tôi ướm thử vào người, chiếc quần trắng mới, chiếc áo lót mới làm nổi bật màu xanh vời vợi. Mẹ tôi, nhìn tôi sững sờ ngạc nhiên thấy tôi bỗng lớn hẳn lên. Đã nói, nó dậy thì trông xinh ra. Mẹ ngờ ngợ nhìn vào ngực tôi, đôi vú nhỏ bắt đầu nhú lên như hai quả cau non. Mẹ nói nhỏ với dì, chắc vài bữa cũng phải mua cho nó cái xú chiên, áo lót mỏng không đủ che nổi. Mẹ lại bảo, khi nào đi chơi mới được mặc áo này, áo đắt tiền không phải lúc nào cũng mặc được. Dạo ấy, mẹ bắt đầu mua bán làm ăn phát tài, cái ǵì đẹp mẹ cũng mua cho con gái đầu.
     Tối ấy, tôi xếp bộ áo quần mới, chiếc áo dài mới đặt dưới gối ngủ cho êm, cho thấy ấm áp, và được mơ giấc mơ có hoa có bướm, có bà tiên đến dẫn đi chơi.
     Không biết có phải với sự xúc động với áo dài đẹp, hay vì một lý do sinh lý của cơ thể, sáng hôm sau, tôi thấy máu thấm ướt cả quần, chảy ra chiếu. Hoảng sợ, ngẫm nghĩ không biết nguyên nhân nào. Không ngờ sau khi mình may mắn có áo đẹp, lại phải chịu một cực hình như thế. Ông Trời khó khăn chi lạ. Thấy tôi nằm dài măi trên giường, hỏi tại sao không dậy đi học, tôi nói, cháu bị thương nặng lắm. Bị khi nào? Hồi đêm đó dì, máu chảy nhiều quá, chắc cháu phải vô nhà thương. Dì tôi Dì à lên một tiếng, mi lớn rồi đó, không phải bị thương. Dì mau mắn đưa một miếng vải trắng mỏng xếp nhiều lớp (bấy giờ làm gì có các loại bông băng ) nai nịt gọn gàng cho tôi, nói tôi nằm nghỉ, bữa nay khỏi phải đi học, dì đến trường xin phép cho. Đầu óc tôi rối bời loạn xạ, tôi đưa tay ấn vào bụng, hình như có cục gì trong đó đang vỡ ra, bụng căng, hai quả cau cũng căng. Đi không dám đi, ngồi không dám ngồi, nên chỉ có việc nằm là đỡ sợ đỡ lo. Vì khi bước đi, máu lại ra nhiều hơn. Nếu chảy mãi như thế này, có lẻ tôi sẽ chết mất, áo dài đẹp thế kia chưa có dịp mặc. Nước mắt tôi ứa ra.
     Mẹ tôi nói, nó có sớm quá, mới mười ba, thường thì mười lăm, có sớm thì khổ sớm. Câu này cứ ám ảnh tôi măi về sau. Tại sao mình khổ sớm. Sau này tôi diễn nghĩa thêm, như là biết sớm thì khổ sớm, yêu sớm thì khổ sớm, hay biết nhiều khổ nhiều. Những ngày bị bệnh, trời mưa dai dẳng, buồn muốn chết. Tôi nghỉ học cả một tuần lễ, chờ hết. Mẹ dặn dì, không được ăn me chua, không được ăn ổi xanh, không được ăn chùm ruột chấm muối ớt. Chao ơi, nhớ mà thèm, nhưng khoái lắm, vì biết mình bệnh thật, không cần giả bộ đau bụng như những lần trước trốn học.
     Sáng hôm ấy, tôi nhớ trời đẹp lắm, gần Tết rồi. Khi thấy cây mai trước sân nở ra những chùm hoa vàng đầu tiên, tôi đánh liều quyết định mặc áo dài xanh mới. Giữa sự hiện diện của chùm hoa mới nở và sự mộng mơ tuổi mới lớn, hình như có ai thúc đẩy mình hành động quyết định một điều mà lý trí không thể kiểm soát được. Vì nếu không liều lĩnh quyết định, e rằng mình không thể lớn lên làm người.
     Tôi nói bữa nay con phải đến trường ăn tất niên. Tiệc tất niên cũng như tiệc Tết, nên cần phải mặc áo quần mới, đó là lẻ đương nhiên. Tắm rửa sạch sẽ xong, tôi mặc nguyên bộ đồ mới. Nhìn thấy mình trong gương tươi tắn, bỗng nhiên nhớ chuyện máu chảy, thấy ớn lạnh quá. Dì nói máu sẽ ra một tháng một lần, may chưa tới một tháng, mau mau mặc đẹp đi chơi, kẻo rồi lại khổ sớm.
     Hôm ấy, tôi không đạp xe đạp, vì mặc áo quần đẹp thế kia phải đi bộ thong thả cho ra dáng thiếu nữ con nhà khuê các. Chẳng thế mà mấy người đẹp lừng danh xứ này đều luôn luôn đi bộ đến trường, đi qua cầu Trường Tiền gió bay tà áo thì phải biết, đẹp mê hồn đi chứ.
    Tôi ghé qua nhà Tố.
     Vừa vào đến cổng nhà, con chó lớn bỗng dưng hôm nay nó nhào ra, ngoạm ngay vạt áo dài bích ngọc của tôi, kéo rách toạc. Tố chạy ra ôm con chó đuổi nó ra sau nhà. Tôi hoảng sợ nhìn vạt áo, nghẹn ngào.
    
     Tố phân bua, hôm nay bạn mặc áo đẹp quá nên nó tưởng người lạ đó, mọi lần nó đâu có dữ tợn như vậy. Nói xong Tố lấy chiếc kim băng ghim tà áo phía bên hông. Tôi không nói được nên lời, im lặng, không thèm nhìn Tố, trở về nhà không đến trường nữa. Để nguyên bộ áo quần mới, tôi nằm dài ra giường tấm tức khóc. Tôi thề từ nay không thèm đến nhà nó, thề không chơi với nó và không nhìn mặt nó. Con Tố, chủ của con chó hung dữ độc ác kia. Tố có nhiều tính không được bạn bè ưa cũng phải, con nhà giàu kín cổng cao tường. Mẹ nó thường cho lối xóm vay nợ ăn lời cắt cổ, tiền của nhiều nên phải nuôi chó dữ. Nó còn hay mượn bài vở của mình chép lại. Tố bỗng hiện nguyên hình một cô bạn nhiều nét xấu. Làm sao nói với mẹ, với dì. Thế nào họ cũng nói con ni lanh chanh như hành không muối, vào nhà ấy làm chi.
     Sở dĩ tôi ghé qua nhà Tố vì nó căn dặn, khi nào đi bộ ghé qua rủ mình đi với nghe. Nó có chiếc răng khểnh duyên dáng, và hơn thế nữa, ngôi nhà của nó đẹp lắm, đẹp nhất xóm, tọa lạc giữa một khu vườn cây xanh mát, hai bên lối đi có trồng cả hoa hồng. Đi vào một ngôi nhà sang như thế mình cũng thấy dễ chịu, nhất là khi mặc chiếc áo dài mới như thế này. Người ta thường nói, chọn bạn mà chơi. Bạn sang thì mình cũng sang theo, bạn đẹp thì mình cũng đẹp theo. Các chị lớn mấy lớp trên thường chơi với đám bạn đẹp nên nổi tiếng, nên lừng danh. Sau khi bị chó cắn, tôi hứa từ nay chừa cái tật chọn bạn như vậy. Con Hường gần nhà, thích lân la với tôi nhưng nào tôi có màng để ý. Nhà nó vách gỗ vách ván, chẳng vườn tược hoa trái, buồn chết. Nhưng nó không hề có chó dữ, khi mẹ nó nấu chè đậu ván, nó mời tôi sang ăn, nhưng tôi lắc đầu bận học bài. Tôi đâm ra ân hận đủ thứ.
     Nhìn chiếc áo mới, ôm vào lòng, như ôm một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Tôi nhanh chóng nghĩ ra được cách che dấu, ngày Tết chắc chắn sẽ lạnh, tôi có dịp mặc áo len bên ngoài áo dài mới, chẳng ai thấy được đường rách, mẹ không biết.
     Nhưng chiếc áo rách rồi, tay ai tài giỏi vá lành lại đây, buồn không tả. Rách, không thể lành, không thể hàn gắn như xưa. Cái áo mới sẽ được khâu vá lại, nếu khéo che đậy, có khi không ai thấy, nhưng thực chất nó đă trở thành một chiếc áo cũ rách. Tôi bần thần ngẩn ngơ về những điều lạ lùng xảy ra. Tuổi mười ba, cùng với một sinh lực chớm nở dậy thì đầy mộng mơ, tôi đă biết ngậm ngùi thất vọng một điều không may xảy đến cho ḿnh. Vừa mới hân hoan hănh diện mặc tấm áo dài mới, bỗng chốc con chó dữ xé toan vạt áo. Tôi choáng váng suốt cả mấy ngày liên tiếp vì biến cố này. Đúng như mẹ nói, có sớm khổ sớm. Tôi thấy khổ vì biết cảm nhận cái vô lư, cái không bình thường vừa xảy ra.
     Từ dạo ấy, con chó gây nên một ấn tượng không mấy đẹp với tôi. Nhà ai có nuôi chó, tôi tránh xa, quen biết mấy tôi cũng không muốn vào.
    

- o O o -

     Lúc qua ở bên Tây, thỉnh thoảng về thăm mẹ ở tỉnh xa. Mẹ nuôi chó. Thấy mẹ cưng quỷ chó, tôi cũng phải nể nang nó ra mặt. Tôi mạnh dạn đưa tay vuốt ve đầu nó nói vài ba câu xã giao cho ra vẻ có tính ( để làm vui lòng mẹ). Nhưng tôi nói tiếng Việt nó chẳng hiểu gì cứ sủa gâu gâu. Mẹ bảo phải nói tiếng Tây. Tôi chột dạ, lỡ nói không đúng văn phạm, chắc nó chẳng hiểu.
     Trong phòng khách, con chó được ngồi một vị trí ưu tiên nhất, đó là chiếc ghế bọc nệm gần mẹ tôi. Trong phòng ăn, nó cũng chiếm một vị trí gần bà chủ nhà. Thức ăn của nó được nấu riêng, không phải là thứ dư thừa. Mẹ tôi gọi nó là Bu (viết theo chữ Pháp là Bou). Cái tên dễ gọi không lôi thôi như Jean Louis David, hay Jonathan.
     Tối ngủ, mẹ nói Bu qua ngủ với mẹ, còn phòng nó để dành cho tôi. Đó một căn phòng có giường rộng dành cho khách, nhưng không có khách thì Bu chiếm ngự. Căn phòng có mùi đặc biệt, dù thay áo gối ra giường khác sạch sẽ tươm tất, tôi vẫn ngửi được cái mùi kỳ lạ từ khi bước vào phòng. Đó chính là mùi của con Bu, nó khác với mùi của con người. Suốt cả một đêm tôi không thể nhắm mắt ngủ vì cái mùi này.
     Cuộc đời mẹ, từ những ngày ấu thơ, lớn lên lấy chồng cho đến nay, trải biết bao thăng trầm. Tôi ít dịp được ở gần mẹ, sau năm mười ba tuổi, mẹ đă đi buôn bán xa rồi. Tôi vào học nội trú trường bà sơ, kỷ luật nghiêm nhặt. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đă làm rách nát mọi gia đình, trong đó có tôi. Cha tôi đi kháng chiến chống Pháp, mẹ ở nhà buôn bán tần tảo với người Pháp (đôi khi lo tiếp tế cho cha tôi ở mật khu). Nhờ có học tiếng Pháp, mẹ làm ăn phát đạt. Mấy tấm hình của mẹ chụp ngày xưa, thấy mẹ rất đẹp. Có lẻ nhờ ở những ưu điểm ấy mà mẹ tôi sớm chịu những oan trái cuộc đời. Tôi luôn ám ảnh, cho rằng một con người có ưu điểm, hay có may mắn hơn người khác thì phải bị thua thiệt ở mặt nào đó. Tôi nhớ có lần gặp một bác lớn tuổi cho biết rằng mẹ cháu xưa kia đẹp lắm. Tôi thật xúc động, chỉ muốn ôm bác nói vạn lời cám ơn. Tôi là một đứa con như muôn vạn đứa con khác, luôn mong muốn nghĩ rằng mẹ của ḿnh là người đàn bà hơn người. Mẹ đẹp hơn người, giỏi hơn người, thông minh hơn người, nhưng, mẹ khổ hơn người. Nghĩ vô lư thật.
     Mỗi khi gặp có tôi bên cạnh, mẹ kể chuyện đời xưa, những chuyện buồn khổ ám ảnh mẹ không nguôi. Tôi an ủi, mẹ ơi đừng nhắc những chuyện buồn nữa, sao mẹ không nhớ những chuyện vui. Mẹ lắc đầu, mẹ chẳng biết cái chi vui mà kể. Thuở nhỏ năm lên mười tôi thuộc thơ TTKH, vì mẹ hay ngâm nga. Mẹ cũng ngâm lại bài thơ của cha tôi làm tặng mẹ khi hai người mới thương nhau, ngâm xong mẹ nói thương vậy mà cũng bỏ đi.
     Đang lan man nghĩ ngợi, nửa đêm, con Bu bỗng chạy qua phòng tôi, có lẻ muốn chiếm lại giường ngủ. Nó nhảy phóc lên giường. Tôi khiếp vía ngồi ngay dậy bật đèn sáng. Nó nhả vào cạnh tôi một khúc xương ống trắng hếu, lại gầm gừ nhìn tôi. Con này thật quá quắt, nó muốn đuổi mình đây.
     Sáng mai tôi đáp xe lửa về Paris sớm, vì giận con Bu quá. Mẹ tôi hỏi sao không ở lại thêm. Tôi buột miệng ngủ với chó hôi quá chịu không được. Câu trả lời rất đúng sự thật, nhưng làm phẫn nộ mẹ. Mẹ giận dữ nói tao nhờ nó mà sống được đến ngày hôm nay, con cái có đứa nào chịu ở với tao, mi chê nó hôi tức chê tao hôi. Tôi ân hận lỡ lời. Tôi chào mẹ ra về, con Bu thấy thế, vì cũng không mấy ưa tôi, đứng cửa sủa gắt lên. Đáng lẽ ra tôi phải vung tay nói muôn ngàn lời cảm tạ với Bu, rằng em đă thay mặt chị ở với mẹ, yêu thương mẹ, em đã giúp thêm nghị lực cho mẹ sống với đời này, chị biết em là con người hóa kiếp chó, em nhiều tình cảm đối với mẹ, mẹ bảo gì em cũng vâng lời,không hề tỏ ư kiến trái lời mẹ, em là đứa con ngoan ngoãn nên được mẹ thương yêu nhất nhà. Tôi thầm thì nói với Bu khi ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành trở về. Ừ! Ừ nhỉ, tôi sẽ viết cho nó bức thư dài tạ lỗi. Nhưng về đến nhà, công việc dồn dập trước mắt, tôi lăn vào cuộc sống mệt mỏi và quên bức thư tha thiết dự tính viết cho Bu.
     Mẹ tôi giam giữ quá nhiều cay đắng trong lòng, chỉ cần một vết nứt nhỏ, niềm đau nỗi khổ ấy chợt vỡ ra, tuôn ào ạt. Mẹ viết cho tôi một bức thư dài nói về con chó của mẹ. Mẹ ca tụng nó như một đứa con nuôi hiếu thảo nhiều tình cảm, và kết luận nó là con chó nhưng tốt hơn con người.
     Những chuyến về thăm Việt Nam, mẹ đem Bu đi theo, mua cho nó một chỗ ngồi trên máy may. Mẹ không thể sống xa Bu. Bu là điểm tựa tinh thần, là sự an ủi, là sự ve vuốt cho nỗi cô liêu hoang vắng đời mẹ. Mẹ quyết định về sống lại ở Việt Nam, vì theo mẹ, xứ Tây này ích ỷ quá, sống không nổi.
     Năm vừa qua, vào nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy vì cú điện thoại gọi từ Sàigòn cho biết mẹ đă chết rồi.
     Khi người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ? Muôn ngàn mũi kim châm chích vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim mình. Vé máy bay mua không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa mẹ vào lò thiêu xác. Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động kịp, cuộc đời tôi bớt tiếc nuối nhiều chuyện.
     Hôm tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết, người ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan tài bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ vui lòng được chết trên quê hương mình sau nữa đời xa cách.
     Dì tôi nói chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có chết, mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự hỏi tại sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa cách mẹ và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn quay, trời vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ có mẹ là chết.
     Tôi không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.
     Hôm tôi về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận diện quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao nó còn nhớ tới mình. Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đă sống cùng với nó như hình với bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ mất, nó bỏ ăn nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh tôi. Tôi ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo ǵì cũng mặc, chỉ có tôi bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu huyết tôi là máu huyết mẹ, Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng nó thay mẹ tôi ( có thể nó quên chuyện đă từng dọa nạt tôi trong đêm khuya).
     Buổi tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc. Tôi không ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu Bu, nó dụi đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử chỉ Bu thường làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến. Tôi thương mẹ quá, tôi thấu hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có khi nào tôi ôm chân mẹ như thế chưa. Bu đă hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.
     Tôi bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẻ mẹ tôi ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đă thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui ḷng lắm.
     Khi đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng gác với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực tiếp nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi vào. Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn luổi về đây ở đều bị chết sớm, không khí ở đây rất độc vì dơ bẩn. Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa lãnh sự, họ xem tôi là người đồng hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa họ và tôi, điều này tôi khó tìm ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố hương mình. Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê hương thực của ḿnh, Pháp hay Việt Nam? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự, không khí thoáng mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép e dè hồi hộp vào làm giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này. Ngày ấy, tôi người Việt Nam. Hôm nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một công dân Pháp, được đối xử lịch sự thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt? Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình không hẳn là người Việt. Đó là sự mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.
     Tôi sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần hình ảnh mẹ vào vali, Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà bếp nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh thoảng Bu ngẩn đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền long lanh và thắm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi, không thể đem nó theo cùng, tôi không thể cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại đây thôi. Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết ḿnh cũng yếu đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.
     Tôi và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí óc lẩn thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn cực không biết nó có chịu được không. Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết thân biết phận chứ. Tuy nói vậy, tôi không tránh khỏi xót xa.
     Buổi sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem hành lý ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe. Khi xe rồ máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào thét. Xé lòng.
     Xe ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy giờ Bu còn sống chăng.
     Mẹ tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh, cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ người làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ hoang phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó. Tác Giả: Trần Thị Diệu Tâm
Một Đời Đau Thương
Tác giả là cư dân Austin, Texas; Công việc: y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố. Huế Xưa đã góp nhiều bài viết sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, đặc biệt dành cho kỷ niệm 32 ngày 30 tháng Tư. Nhân vật chính trong chuyện kể là một cựu chiến binh chính gốc Hoa Kỳ mang họ Ngô, dòng họ của người phụ nữ Việt mà ông yêu thương nhất.
     *     Chiếc xe lăn bằng điện cồng kềnh to lớn hơn xe lăn khổ thông thường nằm ngay trước cửa phòng 828 làm tôi giật mình để ý.
    Khi tôi bước đến gần thì không cần quan sát kỹ tôi đã nhận ra sự quen thuộc của những dụng cụ linh tinh chung quanh chiếc xe lăn rất khác thường này. Chiếc xe lăn bằng điện to gần gấp hai chiếc xe lăn thường và không có hai cái bánh xe lớn mà lại có bốn cái bánh nhỏ như bánh xe hơi nằm dưới một cái sườn vuông vứt bằng sắt cao chồng ngồng. Trên cái sườn bằng sắt cao đó là một mặt ghế ngồi có lót bằng một miếng nệm khá dày bằng móp (eggcrate). Phía bên phải của ghế có gắn một cái đèn chớp màu đỏ giống như đèn báo hiệu trên xe cảnh sát. Phía bên trái cũng có một cái đèn giống như vậy chỉ khác là màu xanh. Kế đó là cái tay cầm tròn như tay sang hộp số để điều khiển chiếc xe. Phía sau ghế có một cái khung cũng bằng sắt trong đó có đựng một hộp đổ nghề màu đen và một cái lồng chim bằng gỗ xiên xẹo. Một cái bình đựng nước bằng nylon màu xanh két, một sợi dây xích cũ máng ngay một bên tay ghế, cái áo thun màu đỏ với giòng chữ " Peace not War" bọc sau lưng chiếc ghế.
    Mỗi ngày khi ngồi ăn trưa trong văn phòng nhìn qua phía bên kia đường của cái clinic đối diện, tôi thường bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông với đầu tóc dài rối bù như chiếc dẻ xoắn lau nhà ngồi trên chiếc xe lăn đặc biệt này với những thứ đồ lỉnh kỉnh đó.
    Sở dĩ tôi chú ý đến ông ta vì dường như trưa nào đúng mười một gìờ rưỡi người đàn ông này cũng hùng hổ liều mạng lái chiếc xe lăn phăng phăng, bất chấp những dòng xe hơi nhộn nhịp, mạnh dạn băng qua phía bên kia đường để vào một quán café có cái tên là TÈO. Mỗi lẩn ông ta rời quán TÈO thì tôi thấy ông ta cầm cái bình nylon màu xanh két dốc lên miệng. Tôi đoán có lẽ ông ta vào quán đó mua café đổ vào bình. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt ông ta cho lắm vì từ văn phòng tôi nhìn qua khoảng cách khá xa.
    Một bữa tôi có hẹn bên văn phòng ông bác sĩ gần đó cũng vào dịp trưa, khi đứng ở cột đèn chờ dấu hiệu đèn xanh bật lên để băng qua đường tôi tình cờ thấy ông ta rõ ràng hơn. Mái tóc dài màu hung vàng rối bù không biết là dơ vì lâu ngày không gội hay màu hung hung đó là màu tóc nguyên thủy. Bộ râu cùng màu rập rạp che hơn nữa khuôn mặt, chỉ chừa lại cặp mắt dấu sau đôi kính đen to. Trên người ông ta có lẽ cũng có chừng năm lớp áo mà cái áo ngoài hết là một áo rằn ri nhăn nheo. Đôi giày bốt nâu bạc màu to như hai chiếc xuồng nằm lửng lơ trên hai miếng để chân mà tôi có cảm tưởng như hai bàn chân của ông ta qúa nhỏ so với đôi giày. Ông ta ngồi bất động trên chiếc xe lăn, chỉ có đôi tay di chuyển để điều khiển chiếc xe thôi. Mỗi khi chiếc xe lăn tới khiến những dụng cụ máng chung quanh tạo ra những tiếng động nhỏ kỳ khôi và cái đèn màu đỏ trên chiếc xe lăn thì cứ chớp liên hồi.
    Trong khi tôi kiên nhẫn đứng chờ đèn xanh bật lên để băng qua bên kia đường thì ông ta nhìn tôi thách thức, và qua đôi kiếng màu đen đó tôi đã tưởng tượng được cặp mắt chế giễu trước khi ông ta bạc mạng lái vùn vụt chiếc xe lăn chạy qua phía bên kia lề bất chấp những giòng xe điên cuồng vội vã.
    Hai buổi trưa vừa qua tôi nhìn qua cửa sổ không thấy bóng dáng người đàn ông này nên tôi cũng hơi làm lạ, không dè ông ta nhập viện và đang nằm trên lầu thứ tám này. Tôi bước đến lật hồ sơ của phòng 828 xem, cái tên trên hồ sơ làm tôi khựng lại, Kevin Ngô.
    Tôi nhủ thầm như vậy là chiếc xe lăn này để lộn qua phòng người khác rồi vì chủ của chiếc xe lăn có một không hai này không thể là người Việt Nam. Tôi định đẩy chiếc xe lăn qua một bên và đi tìm người chủ của nó thì lúc đó một ông y tá mặt đầy tàn nhang, tóc đỏ hoe đang đi trong hành lang ngừng lại cản tôi:
    - Bà đừng đem xe đi vì ông Ngô sẽ giận dữ.
    Tôi gặng hỏi:
    - Ông Ngô?
    Ông y tá tiếp tục nói:
    - Đúng rồi, của cải của ông ta chỉ có bao nhiêu đó cho nên tôi phải hứa là "bảo vệ chiếc xe thì ông ta mới đồng ý để nó ở ngoài này, nếu để trong phòng thì chật chội qúa, mỗi ngày vào chữa trị vết thương cho ông ta không có chổ để máy móc.
    Tôi chất vấn:
    - Phải ông Ngô nằm trong phòng 828 không?
    Nhìn sự thắc mắc trên khuôn mặt của tôi ông y tá lật đật nói:
    - Ông Ngô nằm trong phòng đó đã hai ngày. Bà cần kiểm soát (audit) hồ sơ của ông ta hả?
    Tôi không còn kiên nhẫn được nữa nên gật đầu đại cho xong chuyện:
    - Ừ! Để tôi coi hồ sơ của ông ta xem sao
    Kevin Ngô năm nay 54 tuổi, góa vợ, không nghề nghiệp và vô gia cư. Ông ta nhập viện cách đây hai hôm với triệu chứng lở loét ở xương chậu (sacral decubitus). Càng đọc tiểu sử của ông Kevin Ngô tôi càng thấy lạ thêm.
    Kevin Ngô là Viet Nam Veteran, theo lý lịch hồ sơ thì ông ta là người Mỹ. Ông ta đã từng bị gãy xương sống, chấn động mạch máu não và sau khi bình phục thì hai chân ông ta rất yếu, đã phải dùng xe lăn từ bao nhiêu năm nay.
    Sau khi đọc lướt qua hồ sơ, sự tò mò khiến tôi mạnh dạn gõ cửa phòng của ông để xem có phải đây là chủ nhân của chiếc xe lăn điện không.
    Vì cái tên Việt nên mặc dù người đàn ông trước mặt qủa thật là người đàn ông mà tôi đã từng thấy bên lề đường hằng ngày, tôi giới thiệu với ông ta tôi là y tá trưởng và mở lời chào hỏi bằng tiếng Việt Nam:
    - Chào anh Kevin, anh có khỏe không?
    Đôi mắt không còn giấu sau làn kính đen nửa mà là đôi mắt xanh biếc với cái nhìn rất thờ ơ, ông ta ngạo mạn trả lời:
    - Nằm một chỗ như thế này thì làm sao khỏe được.
    Tôi ngạc nhiên khi nghe câu trả lời hằn học bằng tiếng Việt khá rõ ràng của ông ta.
    - Xin lỗi anh nghe, đáng lẽ phải hỏi là anh có cần gì không thì mới phải.
    Đôi mắt xanh bây giờ không nhìn tôi mà nhìn chăm lên trần nhà:
    - Lỗi phải chi bà, mà bà có cần gì không?
    Lại là lời thách thức. Tôi từ tốn trả lời:
    - Tôi tưởng anh người Việt Nam nên chỉ muốn vào thăm thôi.
     Ông ta nhìn tôi châm biếm:
    - Như vậy là bà chỉ thăm viếng người Việt Nam thôi sao? Tôi người Mỹ nhưng nhờ có tên Việt, may qúa mới được bà vào thăm.
    Tôi vẫn điềm đạm:
    - Nếu có dịp ai tôi cũng thăm cả nhưng có những người Việt Nam không thông thạo Anh ngữ thì họ là những người được tôi ưu đãi giúp đỡ trước tiên.
    Kevin bắt đầu dịu giọng:
    - Bà giúp được những gì?
    Tôi nói với ông ta là tôi thường thông dịch cho những người Việt Nam nếu cần và vì đây là nhà thương công giáo nên chỉ có mấy bà soeur vào thăm mỗi ngày. Nếu những người đạo Phật muốn cầu an thì tôi có thể liên lạc với thầy ở chùa đến an ủi, cầu an cho họ.
    Đôi mắt xanh của Kevin không dưng sáng lên và tia nhìn của ông trở nên thân thiện:
    - Bà hay đi chùa phải không? Tôi cũng đạo Phật.
    Tôi ngạc nhiên đến tột cùng.
    Cuộc đàm thoại với người đàn ông Mỹ có cái tên Việt này bắt đầu kỳ thú. Có lẽ bắt gặp cái nhìn nghi ngờ của tôi nên Kevin đưa tay vào cổ áo lôi ra một sợi giây chuyền vàng với cái tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm thạch rồi giọng buồn kể:
    - Vợ tôi tặng cho tôi sợi dây chuyền này khi chúng tôi mới lấy nhau...
    Rồi bỗng dưng Kevin ngưng kể, đôi mắt nhắm lại và lắc đầu:
    - Chuyện tôi buồn lắm, lúc khác nói chuyện nữa nghe bà.
    Tôi biết Kevin không muốn tiếp tục và vừa lúc đó người physical therapist đến phòng để chửa trị vết lở cho ông.
    Nhìn cái máy Whirl Pool kềng càng và cái giường khác biệt dành cho những bệnh nhân với vết thương lở nặng, tôi mới hiểu tại sao ban nãy ông y tá bảo là mỗi lần chữa trị vết thương không có chỗ xoay xở trong căn phòng chật hẹp.
    Tôi cáo từ Kevin, cho số điện thoại và bảo nếu cần gì thì cứ gọi thẳng cho tôi.
    Ba ngày kế tiếp tôi phải đi học một khóa tu bổ trong nghành nên không vào bệnh viện. Ngày thứ tư trở lại khi lên đến lầu thứ tám, chiếc xe lăn bằng điện không còn nằm chình ình trước phòng 828 mà nằm khuất sau một cánh cửa ở cuối hành lang. Cô y tá Karen cho biết là Kevin được đưa xuống Intermediate Care ngày hôm qua vì trong phổi có nước. Tôi lật đật đi xuống lầu ba nơi Kevin đang nằm điều trị. Mái tóc không còn rối bù mà bây gìờ đã được chải chuốt thẳng dài mướt trên gối. Bộ râu xum xuê cũng được tỉa gọn gàng để lộ khuôn mặt rất dễ coi nhưng phong trần, khắc khổ. Khi tôi bước vào Kevin có vẻ mừng rỡ.
    Tôi nhìn thân thể yếu đuối của ông nằm bồng bềnh trên chiếc giường nước (pressure released bed), chưa kịp hỏi han thì mặc dầu kẹt ống Oxygen trên mũi, Kevin cũng gắng đùa, lần này bằng tiếng Anh:
    - Tôi được...vinh dự lắm mới được nằm trên cái giường nước này đó bà.
    Giọng Kevin không có gì mỉa mai cho nên tôi cũng đùa theo:
    - Tại vì anh... đặc biệt...
    Thật sự thì khi những người bệnh nhân nhập viện với vết lở khá nặng ăn sâu vào da thịt vì không có đủ khả năng di chuyển nên máu không lưu thông đều, tạo nên áp xuất mạnh gây ra sự lở loét (decubitus) thì chúng tôi phải dùng những chiếc giường nước như thế này để giảm bớt sức ép của mặt giường vào cơ thể với làn da vốn đã rất mỏng manh.
    Vì hai bàn chân yếu Kevin phải ngồi trên xe lăn cả ngày, mặc dầu chiếc ghế có lót miếng nệm dày bằng móp như đã nói nhưng vì ngồi một chỗ qúa lâu, sức ép của cả thân thể dồn vào phần xương chậu, cho nên Kevin mới phải nhập viện với vết lở đó
    Kevin cười buồn:
    - Bà coi đó, cái... bàn tọa của tôi thì lở loét, bây gìờ thì cái phổi cũng...lều bều đầy nước.
    Tôi an ủi:
    - Anh ráng tịnh dưỡng, năm ba bữa sẽ mạnh lại rồi về nhà...
    Tôi nói chưa xong câu thì đã biết mình lỡ lời. Ông bệnh nhân này là người vô gia cư. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Kevin mệt mỏi thì thào:
    - Nhà đâu mà về bà. Tôi sống trên chiếc xe lăn bao năm nay, nhà là những con đường, những bờ bụi...
    Kevin nói tới đây thì thở dài và có ý như không muốn tâm sự nữa:
    - Thôi bà đi làm đi, không dám làm mất thì giờ của bà.
    Lần này là lần thứ hai Kevin cố ý tránh kể chuyện riêng tư của chính mình.
    Tôi làm việc với bệnh nhân lâu năm và lúc nào cũng tôn trọng sự riêng tư của họ, tôi cũng hiểu là đối với Kevin, sống trang trải một mình ngoài đường, góc xó và va chạm những thực tế hiểm hóc trong đời sống trên lề đường thì ông ta khó có thể tin tưởng ai để tâm sự về cuộc đời mình. Tôi chào Kevin sau khi chúc ông ta nhiều may mắn.
    Những ngày kế tiếp tôi không đích thân đến thăm Kevin vì tôi nghĩ sự thăm viếng của tôi chỉ làm phiền ông ta thôi mặc dầu tôi vẫn hoài thắc mắc về cái tên họ Việt Nam của ông. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của Kevin qua điện thoại với những người y tá săn sóc cho Kevin. Tôi cũng liên lạc với cô Nancy làm về xã hội nhờ cô lo cho Kevin một nơi chốn cư ngụ khi sau khi xuất viện.
    Lúc nói chuyện với cô Nancy thì tôi mới khám phá ra Kevin là " khách hàng thường xuyên" của bệnh viện và cũng là người được cô Nancy dành rất nhiều thì gìờ lo lắng cho mỗi khi ông ta nhập viện trong những năm qua.
    Cô Nancy cho biết là Kevin rất bướng bỉnh vì cô đã từng lo cho Kevin đi đến ở viện dưỡng lão cũng như đến những nhà dành cho những người tàn tật, nhưng Kevin chỉ ở vài hôm sau đó lại bỏ đi ra sống lang thang trên đường phố trên chiếc xe lăn. Chính cô Nancy là người xin giấy tờ cho Kevin có được chiếc xe lăn bằng điện để tiện việc di chuyển.
    Khí hậu miền Texas tuy nóng nhiều nhưng mùa đông cũng có những ngày lạnh căm xương. Kevin sống dưới những gầm cầu của những con lạch nhỏ. Hôm nào chịu lạnh không thấu thì Kevin xin vào ở trong Salvation Army, nhưng được vài hôm thôi rồi cũng bỏ đi ra ngoài sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Cô Nancy cho tôi hay là Kevin đã và đang trải qua những khủng khoảng tinh thần sau khi rời quân ngũ (post traumatic stress), cho nên tính tình đôi lúc bất bình thường.
    Một tuần sau đó thì cô y tá gọi cho tôi hay là Kevin đã đỡ nhiều và đã được đưa trở về lại lầu tám. Kevin có nhắn lại là ông ta muốn gặp tôi. Tôi trở lên thăm và lần này thấy ông ta gầy guộc hẳn đi.
    Sau khi chào hỏi qua loa, Kevin ngập ngừng:
    - Có một chuyện làm phiền bà...
    Trong khi tôi nhìn Kevin chờ đợi thì ông ta lấy từ dưới cái gối ra sợi giây chuyền có tượng Phật Bà bằng cẩm thạch mà lần trước Kevin đã khoe với tôi. Lần này Kevin buồn bã nhắc lại:
    - Tượng Phật này là của vợ tôi tặng cho tôi khi chúng tôi mới lấy nhau. Sợi dây chuyền bị đứt rồi, nhờ bà giữ giùm vì tôi không có chỗ cất sợ để mất đi.
    Tôi cầm sợi giây chuyền vàng, thật sự sợi giây không bị đứt chỉ có cái móc bị gãy thôi. Trong khi tôi còn mân mê sợi giây chuyền trên tay thì dường như Kevin không cầm lòng được nên bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời bi thảm của ông.
    Nếu nói theo số mệnh thì Kevin là người khổ hạnh cho nên cuộc đời của ông thật nhiều đớn đau.
    Kevin lớn lên mồ côi cha mẹ, sống với một bà dì góa bụa. Sau khi xong trung học hai năm thì Kevin bị động quân và được gửi qua Việt Nam đóng binh ở Kontum. Nơi đây Kevin đem lòng thương một một cô gái miền cao nguyên chất phác, hiền lành. Cha mẹ cô gái sống trong khu gia binh rất nghèo và đông con nên khi Kevin ngõ lời muốn cưới để đưa cô về Mỹ ở thì hai ông bà đồng ý ngay. Chẳng may sau một đêm khu gia binh bị pháo kích thì cô gái bị trúng đạn chết. Kevin rất đau khổ và chỉ vài tháng sau khi ra chiến trường thì bị thương trên xương sống rồi được đưa trở về Mỹ.
    Khi trở về với tấm thân tàn tật và sự ám ảnh tàn khốc của cuộc chiến điêu tàn ở Việt Nam khiến Kevin bị khủng khoảng tinh thần. Vì phải mổ xương sống mấy lần nên Kevin nằm nhà thương gần cả năm trời. Lúc xuất viện thì bà dì góa bụa của ông ta qua đời.
    Một thân một mình, Kevin sống qua ngày trong căn nhà nhỏ của bà dì cho đến khi bị bệnh chấn động mạch máu não thì không thể lo cho chính mình, và sau nhiều lần ra vào nhà thương thường xuyên, Kevin đồng ý vào một viện dưỡng lão ở tạm. Ngày tháng ở trong viện dưỡng lão này là một nỗi đọa đày đối với Kevin. Sống chung đụng với những người già nua nhiều thụ động càng làm cho Kevin qúa chán chường. Nhưng chính nơi chốn buồn tẻ này lại là môi trường mà Kevin đã gặp thêm một phụ nữ Việt Nam khác, người vợ mà ông quí trọng yêu thương nhất.
    Cô Lài làm y tá phụ. Một trong những phận sự của cô là mỗi tối giúp cho Kevin thay áo quần sửa soạn để đi ngủ. Vì hai chân của Kevin qúa yếu nên mỗi lần di chuyển từ cái xe lăn qua tới giường nằm thì cô Lài dường như phải dùng hết sức từ hai cánh tay của mình nâng cả cơ thể của Kevin để đưa qua. Dạo đó Kevin xử dụng chiếc xe lăn thường nên cái ghế không cao như xe lăn điện hiện đang có nên dự di chuyển từ chiếc xe lăn qua giường rất khó khăn. Kevin thấy cô Lài nhỏ nhắn, mỗi lần cô phụ như vậy thì Kevin thấy rất áy náy. Cô Lài tiếng Anh thì hạn chế nhưng cô cũng hiểu được sự quan tâm của Kevin đối với cô nên lần nào cô cũng nhắc Kevin là cô tuy nhỏ người nhưng lại mạnh, vả lại đây là nhiệm vụ của cô.
    Mỗi ngày cô Lài đi làm vào ca chiều, Kevin ngồi ở ngay cửa nhìn cô thoăn thoắt đi vào và để ý là cô làm việc rất chăm chỉ, ai cô cũng lo lắng rất chu đáo cho nên tất cả mọi người trong viện dưỡng lão đó đều thương mến cô.
    Kevin để ý là khoảng sáu giờ chiều sau khi phụ những bệnh nhân ăn uống xong thì cô Lài ra ngồi một mình trên chiếc ghế đá ở một góc sân bắt đầu ăn cơm và đọc một cuốn sách nhỏ trong tay. Sau vài tuần để ý thì Kevin mân mê lại làm quen. Cô Lài lúc đầu còn rụt rè nhưng sau đó với vốn liếng Anh ngữ kém cỏi cô cũng hàn chuyện với Kevin.
    Được biết cô Lài lúc trước ở miệt Phan Rang, khi cộng sản chiếm nước được vài năm sau thì cha mẹ cô mượn được một số vàng cho cô đi theo chiếc tàu chở mướn qua được tận đảo bên Mã Lai.
    Sau một thời gian đợi chờ mòn mỏi thì cô được bốc qua Mỹ. Qua đến Texas cô vừa đi học chương trình ESL luyện Anh ngữ và vừa xin đi học ra làm y tá phụ. Với đồng lương có giới hạn của một phụ tá, cô Lài hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về giúp cho cha mẹ nuôi đàn em ở Việt Nam. Cô vẫn hằng mong muốn có dịp trở về thăm quê và thăm gia đình nhưng mỗi lần nghĩ tới tốn phí di chuyển thì cô lại tiếc, vả lại số vàng mà cha mẹ cô mượn bây giờ cô phải đi làm trả lại cho chủ nợ ở bên Mỹ này.
    Kevin thấy cô cầm một cuốn sách mỏng bằng tiếng Việt Nam và mỗi ngày lại đọc vài trang sau khi ăn cơm. Cô Lài cho biết đó là cuốn phật kinh, cô đọc cho tâm hồn được thư thái. Cô là một phật tử sùng đạo với một niềm tin mãnh liệt là con người phải sống cho chân chính thì mọi việc sẽ tốt lành trong đời sống.
    Lúc đầu nghe cô Lài nói thì Kevin chỉ cười ngạo báng, vì mỗi lần nhìn thân thể tàn tật của mình, nhớ tới những cảnh bom đạn, chết chóc trong cuộc chiến mà ông ta từng tham dự ở Việt Nam thì Kevin không khỏi giận dữ. Kevin đâm ra nghi ngờ sự che chở của đấng linh thiêng. Cô Lài nghe vậy vẫn không nản chí, cô tiếp tục đọc kinh và nhẫn nại nói về niềm tin của mình.
    Sau một thời gian gặp gỡ, trò chuyện với cô Lài, Kevin cảm thấy lòng dịu lại. Nỗi buồn thì còn đó nhưng đã bớt được sự phẫn nộ đối với cuộc đời. Riêng cô Lài cũng cảm thấy bớt cô đơn. Hai người trở nên tâm đầu hợp ý và môt năm sau thì tất cả mọi người trong viện dưỡng lảo GF hoan hỉ tổ chức một cái đám cưới nhỏ cho cả hai. Kevin không ngờ đời mình lại may mắn như thế. Cô Lài nhận lời cầu hôn của Kevin không một chút do dự, đắn đo. Qùa cưới của Kevin dành cho cô Lài là lời tuyên bố sẽ ra tòa xin đổi họ theo họ của vợ là họ Ngô.
    Tôi nghe câu chuyện tới đây thì cảm động rưng rưng nước mắt. Thì ra là như thế nên Kevin mới có họ Việt Nam. Nếu tôi là một nhà văn thì tôi có thể viết nên một câu chuyện tình rất tuyệt vời. Kevin tiếp tục kể:
    - Bà biết không, Lài là một người vợ hiền và là một người đàn bà rộng lượng nhất trên đời. Tôi học được cái tính nhẫn nhục, vô vụ lợi của Lài. Tôi tàn tật không lo được cho Lài, mỗi ngày Lài đi làm thì tôi chỉ biết đợi chờ và trong lúc đó thì tôi tìm hiểu thêm về đạo Phật. Cuốn sách đầu tịên tôi đọc là cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bà đã đọc "Đường Xưa Mây Trắng" chưa? Tôi không biết Phật giáo có bao nhiêu phái chỉ biết là thiền sư này viết sách qúa hay. Tôi càng đọc càng thấm thía những gì Lài đã cố nhẫn nại khuyên răn tôi sống một đời sống đầy ý nghĩa và rộng lượng bao dung bởi vì mai này ai cũng chết, chỉ có những gì mình để lại cho đời mới đáng kể thôi.
     Ông kể tiếp cho biết là sau khi làm đám cưới ông và cô Lài thuê một căn nhà nhỏ. Cô Lài vừa đi làm vừa săn sóc cho ông. Cuộc sống tuy vất vả vì cô Lài phải cáng đáng mọi chuyện trong nhà nhưng không bao giờ cô than vãn. Nổi mong muốn duy nhất của cô Lài là được trở về thăm gia đình. Vì muốn có một số tiền chi phí cho chuyến đi nên cô Lài đi làm bất chấp gìờ giấc. Kevin thấy xót xa cho vợ nên trong lúc ở nhà ông ta đóng những cái chuồng nuôi chim nho nhỏ và đứng trước những góc đường bán, hoặc bán cho những người làm trong nhà thương mà ông quen biết.
    Nghe Kevin kể, tôi nghĩ tới hộp đồ nghề và cái chuồng chim xéo xẹo của ông trên chiếc xe lăn mà đâm ra tội nghiệp. Tự nhủ là mai mốt Kevin lành bệnh thì tôi cũng sẽ đặt ông làm cho vài ba cái chuồng nhỏ nuôi chim sau sân nhà.
    Kevin còn cho biết là cả hai vợ chồng ông đều ăn chay trường. Cô Lài ăn chay trường vì lời nguyền từ khi biết đưọc tin mẹ cô bị ung thư tử cung. Cô mãnh liệt tin rằng với sự cầu nguyện hy sinh chân thành của cô thì mẹ cô sẽ tai qua nạn khỏi. Kevin ăn chay vì trong lòng anh muốn cám ơn bà mẹ vợ đã có công nuôi dưỡng dạy dỗ vợ anh từ thưở nhỏ nên anh mới có được một cô vợ thật thà rộng lượng như vậy.
    Tôi nhìn nét mặt khắc khổ của Kevin, không ngờ dưới bộ mặt hung hăng của người cựu chiến binh Việt Nam đó lại chất chứa môt tâm hồn dịu dàng chân thành. Tôi đang tự hỏi không biết câu chuyện của Kevin kể sẽ đưa đến thêm những chi tiêt bi đát nào nữa thì không dưng Kevin nhìn tôi lạ lùng:
    - Như tôi đã nói mai này ai cũng chết nhưng cái chết của vợ tôi thì qúa tức tưởi, bất ngờ. Trời Phật không công bằng với tôi cho nên bắt tôi chịu đựng từ những khổ đau này đến tai biến khác. Có lẽ kiếp trước tôi vụng tu đó bà.
    Nói đến đây thì Kevin nghẹn lời, tia mắt quắc lên một tia nhìn giận dữ:
    - Quê hương nhỏ bé của bà là mảnh đấtoan nghiệt nhất mà tôi thấy trong đời. Chính mảnh đất ấy, bằng cách này hoặc cách khác đã cướp mất những yêu thương trong đời của tôi. Lài là người đàn bà thứ hai đã bỏ tôi trên cuộc đời đầy cô đơn, buồn tẻ này.
    Theo chuyện Kevin kể lại, tôi được biết cách đây ba năm, cô Lài mừng rỡ dành giụm được một số tiền để trở về Việt Nam thăm bà mẹ đang bệnh ung thư. Kevin khuyến khích vợ nên về ngay để còn có thì gìờ ở bên mẹ trong lúc bà còn tỉnh táo. Cô Lài hớn hở trở về và tính ở bên nhà cho trọn một tháng. Hai tuần lễ đầu cô Lài điện thoại về cho chồng kể chuyện về gia đình nghe vui ghê lắm. Rồi chỉ vài hôm sau đó anh nhận được một tin làm anh bàng hoàng, chới với. Cô Lài trong lúc băng qua đường phố bị xe tông chết.
    Tôi nhớ đến những lần bắt gặp Kevin lái chiếc xe lăn bất chấp hiểm nguy để băng qua đường trong làn sóng xe tấp nập. Phải chăng đây là sự thử thách ngạo mạn của ông với định mệnh? Như định mệnh đã cướp mất người vợ hiền lành cao qúi của ông.
    Cô Lài chết trong lúc bà mẹ bệnh hoạn vẫn còn để thầm khóc nhớ thương con. Kevin cũng thầm khóc thiết tha nhớ vợ. Trên đời này có lẽ không bao giờ anh có thể tìm được một người đàn bà nào khác đầy lòng từ bi như cô Lài.
    Từ đó cuộc sống đối với Kevin không còn ý nghĩa, ông đâm ra gàn bướng, cáu kỉnh với mọi ngưòi. Vài tháng sau Kevin gom góp hết chút tài sản chất lên chiếc xe lăn và ra sống dưới gầm cầu SC.
    Tôi lặng người nghĩ đến số phận qúa hẩm hiu của Kevin rồi bỗng thấy xót xa. Còn biết bao nhiêu người là nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của cuộc đời đầy rẫy thương đau này?
    Tôi đem sợi dây chuyền đưa ra tiệm nữ trang nhờ người làm lại cái móc cho thật chắc. Khi nhìn kỹ tôi thấy trên lớp vàng mạ phía sau tượng Phật bà, hai chữ LK quấn quít nhau như tên tuổi và cuộc đời của cô Lài và Kevin đã gắn chặt với nhau như một mối duyên được phật trời sắp đặt.
    Ngày hôm sau tôi đi làm thật sớm ghé lên thăm Kevin trước khi đến văn phòng. Khi bước vào phòng của Kevin, tôi đụng ngay chiếc xe lăn bằng điện với đầy đủ "gia tài" của Kevin. Kevin cho tôi biết là chiều nay ông ta phải chuyển qua một nhà thương dành cho cựu chiến binh cách đây một trăm dặm. Vết thương lở loét của ông qúa sâu nên phải làm ghép da (skin graft) và nhà thương quân đội SW là nơi sẽ chịu tất cả phí tổn về việc mổ xẻ. Kevin chỉ ngay chiếc lồng chim xéo xẹo trên chiếc xe lăn và nói:
    - Không có gì tặng bà làm kỷ niệm ngoài món qùa nhỏ này. Bà tin đi bao giờ tôi khỏe, tôi sẽ trở về kiếm bà và sẽ sửa nó lại cho thẳng thớm.
    Tôi cầm sợi giây chuyền bước đến đeo vào cổ cho Kevin:
    - Đây là sự thương yêu của anh, hãy ráng giữ lấy niềm tin.
    Trên khuôn mặt phong trần của người thương phế binh Mỹ bất ngờ có hai giòng lệ chảy dài và tôi bắt gặp một nỗi an hòa trong đôi mắt xanh biếc của Kevin khi anh bắt đầu thì thầm lời nguyện cầu: Nam Mô A Di Đà!

Nguyễn Thị Huế Xưa 
Chuyện Ông Rọm
Tôi vừa bước lên từng cấp thứ nhất của chiếc thang lầu thì cáí pager vang lên điệu nhạc tha thiết của bài Fur Elise. Tôi làm việc trong nhà thương nên bị thiên hạ…réo gọi hoài là chuyện thường, và dường như số extension của ai tôi cũng thuộc làu hết, nhưng khi tôi nhìn mấy con số lạ hoắc hiện lên thì tôi lẩm bẩm… ai lại page lộn số nữa rồi.
Bỏ lại cái pager trong túi, tôi tiếp tục trèo lên những bực thang dài. Tôi có cái tật là ít khi xài thang máy, mà văn phòng tôi nằm tận trên lẩu tám cho nên mỗi sáng hì hục leo lên hết một trăm tám mươi sáu bực thang thì mấy người làm chung khi thấy mặt tôi là cứ đòi đem bình oxygen ra cấp cứu.
Sáng hôm nay khi thấy tôi cô thư ký không nói đùa về bình oxygen như thường lệ mà là một lời nhắn nhủ khẩn trương … làm ơn gọi ngay bà Kelli.
Bà Kelli là bà xếp về phần khối lao động lo về việc vệ sinh, dọn dẹp trong nhà thương. Bà Kelli đối với tôi tình nghĩa rất gắn bó vì tuy tôi làm bên ban y tế nhưng những tháng vừa qua trong lúc khối của bà cần người giúp việc thì được tôi giới thiệu nhiều người Việt Nam cần cù chăm chỉ vào làm. Từ lâu, thỉnh thoảng bà cũng nhờ tôi thông dịch trên điện thoại giùm.
Tôi gọi ngay bà Kelli, nghe giọng chào hỏi ngập ngừng của bà thì tôi đoán chắc là có chuyện gì đã xảy ra. Thật như vậy, bà ấy bảo “It’s about...Danh…” . Tôi chỉ cần nghe bao nhiêu đó thì tự nhủ… trời đất, lại là chuyện… Ông Rọm.
Thật sự Ông thằng Rọm là tên của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của bà Nhã Ca tôi đọc thưở mới lớn. Ông thằng rọm là người ở trong nhà cô Đông Nghi. Ông thằng rọm có một vẻ mặt già nua nhưng người thì gầy còm bé xíu. Có lần Đông Nghi đã diễn tả là có ông thằng rọm trong nhà thì không sợ ma vì thằng rọm còn xấu hơn ma. Nhưng mà thằng rọm lớn tuổi rồi và còn thương lo cho Đông Nghi từ thưở bé nên Đông Nghi lễ phép gọi là ông thằng rọm.
Tính tôi nhiều tưởng tượng, khi đọc một cuốn truyện nào mà thích thì cố tìm gắn một hình ảnh nào đó trong đời sống với nhân vật trong truyện. Chẳng hạn như bà chị họ xinh đẹp có mái tóc thề buông xõa bờ vai là hình ảnh của Đông Nghi, ông bạn trai phi công người bắc của cô bạn thân là hình ảnh của Tuấn người yêu Đông Nghi, cả ngay đến ông hàng xóm mập mạp tượng trưng cho ông Bồ Nha, nhân vật mà Đông Nghi thù ghét. Nhưng nhân vật tôi thích nhất vẫn là ông thằng rọm. Thế mà bao nhiêu thập niên qua rồi tôi vẫn chưa tìm được ai tiêu biểu cho hình ảnh và tính tình đặc biệt, ngộ nghĩnh của ông thằng rọm.
Như tôi đã đề cập, tôi làm về y tế trong nhà thương nhưng tánh tôi hay…tào lao, gặp ai bệnh hoạn thì lo lắng, chăm sóc, thấy ai hoạn nạn thì giúp đỡ. Mấy năm nay tình hình kinh tế càng ngày càng xuống dốc nên rất nhiều người nhất là người Việt Nam làm cho những hãng điện tử bị thất nghiệp dài dài. Thằng cháu con của ông anh hai tôi tính cũng tào lao như tôi, nó thấy tôi đưa một vài người quen vào làm trong nhà thưong thì ngày nào cũng lại năn nỉ:
- Cô ơi trong sở cô có công việc chi nhờ cô giới thiệu thêm giùm mấy người quen của con vào làm kẻo tội ….
Lúc đầu tôi cứ mắng nó:
- Cái thằng ni thật dị hợm, ta đi làm y tá mà mi biểu ta kiếm việc chi cho ai được”.
Nó cứ cười hì hì:
- Nhưng cô làm xếp mà...
Tôi tiếp tục mắng:
- Xếp quần, xếp áo chứ xếp gì….
Nói như vậy chứ hôm sau tôi gọi cho văn phòng nhân viên (Human Resources), rồi đưa một số đơn về cho thằng cháu và bảo nó đưa cho mấy người nó quen điền xong đưa lại cho tôi. Những người vào làm không có kinh nghiệm gì về y tế mà khả năng anh ngữ của họ rất yếu nên phần lớn làm những công chuyện ở nhà bếp hoặc về ngành quét dọn. Những người này sau một thời gian ở nhà ăn hết tiền thất nghiệp và lo sợ vì gia đình không có bảo hiểm nên họ không chấp nhất, công chuyện gì cũng nhận hết. Tôi giới thiệu được tất cả là tám người mà người nào cũng là… bà con của tôi vì cùng mang cái họ Nguyễn độc đáo như tôi. Cũng nên nói rõ là những người này tôi chưa bao giờ gặp mặt.
Một trong những người tôi đưa vào làm là ông Danh, người mà tôi cũng chỉ biết qua tờ đơn xin việc đưa cho bà Kelli thôi.
Một bữa tôi đang ngồi trong văn phòng gõ lọc cọc trả lời email thì sau lưng tôi có một giọng nói miền trung rất nặng:
- Cô ơi cho tui hỏi chút chuyện hỉ.
Khi tôi quay lại thì trước mặt tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn chừng năm thước Anh (feet), có lẽ nặng chừng 100 pounds là cùng. Nét mặt của ông ta có những nét nhăn nheo già nua mà tôi không thể nào đoán được tuổi. Tôi nhìn kỹ thì còn thấy lạ lùng hơn là mái tóc dài lưa thưa vài sợi của ông ta buộc búi tó bằng sợi giây thun. Người đàn ông này có một vẻ gì rất đặc biệc kỳ quái từ đôi mắt nhỏ nhưng sâu hũng. Đã nói tôi là người nhiều tưởng tượng nên khi nhìn thấy ông là tôi thảng thốt nói thầm sau bao nhiêu năm chờ đợi cuối cùng tôi đã tìm được… “ông thằng rọm” ở xứ Mỹ này rồi.
Sau khi trò chuyện qua loa thì tôi biết ông tên Danh, nhưng từ đó với tôi ông là ông rọm…ông rọm mới vô làm được một tuần nay và công việc của ông là đẩy những thùng rác lớn từ những từng lầu xuống. Nhìn thân thể ốm o gầy mòn của ông rọm tôi thấy ngại nên mới hỏi:
- Chú ơi mấy thùng nặng như thế kia liệu chú làm nổi không"
Ông rọm trợn mắt lên như tôi vừa nói một điều gì sai quấy lắm (tôi thấy giống như lần ông thằng rọm của bà Nhã Ca phùng mang trợn mắt la rầy Đông Nghi vậy đó)
- Cô đừng lo, tui như thế ni chớ khí lực rất mạnh vì tui có… nội công.
Nói xong ông ta còn gồng bắp tay cho tôi xem. Tôi nhìn cánh tay khẳng khiu mặc dầu cố sức gồng lên mà không nổi được... con chuột dù là con chuột lắt thì buồn cười và nói thầm trong bụng làm như là có chưởng vậy.
Từ đó ông rọm mỗi tuần đều lên văn phòng thăm tôi. Thỉnh thoảng ông đem cho tôi một trái xoài ngọt hoặc một củ khoai Nhật bổn thật ngon. Ông nói với tôi rằng ngày trước đi tù chỉ được ăn cơm độn khoai lang, khoai mì, vậy mà qua Mỹ biết bao nhiêu món ăn ngon nhưng không hiểu sao ông vẫn còn thèm củ khoai, củ sắn. Ông nói “cái mùi quê hương nó ăn sâu trong người mình rồi cô ơi”.
Mỗi lần ông ta lên là tôi lấy gìờ ăn trưa để trò chuyện với ông. Được biết ông rọm qua Mỹ từ sáu năm nay và đã thay đổi công việc chừng mười hai lần rồi. Ngày xưa ông ta là lính biệt kích, lúc cộng sản vào chiếm nước ông bị đi trại tù chín năm, khi được thả về thì nhìn cái cảnh “con mình nó đánh vợ mình nó…cưỡi”, vợ ông cũng như những người đàn bà yếu nhược không nuôi nổi con nên đành lấy cán bộ sống qua ngày. Ông buồn qúa mới về ở tạm nhà ông em cột chèo, thì một năm sau ông em cột chèo chết về bệnh gan. Thế là duyên tiền định đưa đẩy, ông ta và cô em vợ nên duyên vợ chồng.
Sống nhẫn nhục dưới chế độ cộng sản thêm mười lăm năm thì ông và bà vợ thứ hai này đi qua Mỹ theo diện HO. Hai vợ chồng qua định cư đã bốn tiểu bang và thay đổi việc làm bao nhiêu lần rồi mà vẫn còn lang bang chưa quyết định hẳn là sẽ gọi nơi chốn nào là nhà.
Tôi tò mò có hỏi tại sao ông thay đổi công việc như thay áo thì khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt sâu hút đó lại quắtc lên với một giận dữ mông lung.
Ông rọm cho biết sau những năm đi tù về thì những tiếng chuông, tiếng trống trong trại tù cứ ám ảnh chát chúa trong đầu nên ông ta bị chứng nhức đầu kinh niên (migraine headache) không làm đâu lâu được, lần nào ông cũng bị đuổi sở vì vấn đề Absenteeism gọi vào nghỉ nhiều qúa. Khi nói đến chuyện này thì ông lại than:
- Tụi Mỹ nó …kỳ thị tui đó cô chứ tui nghỉ có mười mấy lần thì ăn thua chi.
Một lần nữa ông ta làm tôi nhớ tới nhân vật ông thằng rọm khi Đông Nghi nhờ lén cất thư giùm. Mỗi ngày khi ông phát thư đi qua mà không có thư cho Đông Nghi thì ông thằng rọm cứ chửi thầm là bà tổ nó thư cả đống mà nó không chịu đưa cho mình cái nào.
Ông rọm vào làm mới được bốn tháng mà tôi và bà Kelli… thân thiết nhau như bạn bè lâu năm, vì ông rọm tiếng anh rất dở mà lại hay cãi bướng. Bà Kelli cứ cầu cứu tôi hoài. Mà công nhận người Mỹ họ cũng rất nhẫn nại và tôn trọng quyền phát biểu của nhân viên nên biết bao nhiêu lần dù tôi thấy rõ ràng ông rọm chướng qúa mà bà Kelli chỉ cảnh cáo sơ sơ.
Ông rọm lại có cái tật đi làm trễ mỗi ngày. Bà Kelli nghĩ là tại ông ta không hiểu tiếng anh nhiều nên không thông thạo luật lệ nên nhờ tôi giải thích giùm. Tôi cố gắng hết sức để nói với ông rọm về việc đi làm trễ hằng ngày là vi phạm luật (tardy policy) nhiều lần có thể bị đuổi. Ông rọm trả lời ngang bướng:
- Tui đi làm trễ thì tui về trễ chớ có mắc mớ chi ai.
Ông ơi! Tôi biết nói sao đây" Xứ này xếp lớn còn đi về đúng giờ huống chi cắc ké như mình mà muốn vô gìờ nào thì vô đâu. Đi làm có luật lệ đàng hoàng, tới đúng giờ phải quẹt thẻ (swipe in), làm xong đến giờ thì cũng phải quẹt thẻ ra (swipe out). Bữa nào cần người thì bà xếp thiếu đìều muốn quỳ xuống lạy năn nỉ nhân viên ở lại làm, vài hôm sau không cần thì cứ lăm le canh chừng không cho over time, mặc dù đôi khi chỉ lỡ làm lấn thêm năm mười phút cho xong công chuyện.
Giải thích hoài không đựợc tôi cũng phát cáu nên bèn hỏi tại sao ông cứ đi làm trễ. Ông rọm đột nhiên buồn bã:
- Tui thức trắng đêm canh chừng vợ tui vì bả bị kinh giựt.
Tôi là y tá nên hễ ai nói tới chuyện bệnh tật là phải méo mó nghề nghiệp hỏi cho ra lẽ. Ông rọm thở dài:
- Bả mổ… óc sáu năm nay rồi, may có chiếc vòng ngọc cứu độ chớ không đã chết rồi đó cô.
Câu trả lời của ông rọm mang nhiều bí ẩn cho nên tôi tiếp tục hỏi tới về chuyện chiếc vòng ngọc cứu độ đó. Ông rọm chỉ kể sơ thôi là tôi đã hình dung và nhớ tới người đàn bà mà tôi đã thông dịch lo lắng giùm cách đây sáu năm.
Dạo đó tôi còn làm trên lầu chuyên trị bệnh cho những người bị ung thư thì một hôm có ông bác sĩ nhờ xuống dưới phòng giải phẩu để thông dịch và giảng dạy cho một bệnh nhân hoàn toàn không biết tiếng anh.
Lúc tôi đến nơi thì trước mắt tôi là một người đàn bà yếu đuối có lẽ chừng bốn mươi lăm với nét mặt xanh xao tiều tụy. Sau khi chào hỏi qua loa, cô làm về xã hội (social worker) cho biết là bà ta từ Việt Nam vừa qua được mấy tháng, một thân một mình không có ai ngoài trừ người chồng đang mắc bệnh cúm nằm ở nhà. Ông bác sĩ chuyên khoa về giải phẩu thần kinh (Neurosurgeon) nhờ tôi giải thích là bà bị cục bướu khá lớn trong đầu và cần phải mổ sọ não (craniotomy) vào ngày mai nếu bà đồng ý. Khi tôi chuyển lời thì bà ta gật gù chịu ký giấy tờ. Sau đó tôi tiếp tục giúp cô y tá giải thích tỉ mỉ thêm về những điều cần biết trước và sau khi giải phẩu. Bà bệnh nhân vẫn không nói gì nhiều mà cũng không hỏi, có lẽ bà qúa đột ngột và đang bị bối rối tâm thần vì căn bệnh ngặt nghèo mới khám phá ra.
Một trong những thủ tục trước khi sửa soạn cho bệnh nhân vào phòng mổ là phải dời hết những nữ trang đang đeo trong người để khỏi vướng bận trong lúc giải phẫu và cũng tránh sự mất mát trong lúc còn mê man. Người đàn bà này hoàn toàn không đeo nữ trang gì ngoài trừ một chiếc vòng cẩm thạch màu huyết dụ trên cườm tay trái. Nhìn ánh mắt thảng thốt của bà ta khi cô y tá đang cố lấy cái vòng ngọc tính cất đi thì tôi chợt nhớ tới cái vòng cẩm thạch của mẹ tôi đeo trên tay đã bao nhiêu năm rồi và sự tín ngưỡng của mẹ tôi đối với chiếc vòng đó.
Mẹ tôi vẫn bảo chiếc vòng là tượng trưng cho sự vĩnh cửu và là một bảo vật linh thiêng. Nhớ tới đó tôi bèn hỏi bà bệnh nhân là bà có muốn giữ chiếc vòng đeo trên tay không. Chỉ trong một thoáng giây đôi mắt vô hồn của bà bừng lên một tia sáng hy vọng với nụ cười mừng rỡ. Tôi bàn với cô y tá là nên chuyền nước biển ở bên tay phải rồi lấy băng keo dán kỹ chiếc vòng lên cườm tay trái của bà. Cuộc giải phẩu kéo dài tám tiếng và thành công như một tin tưởng đã thành sự thật từ chiếc vòng cẩm thạch nhiệm màu kia.
Sau khi bà ta nằm điều dưỡng ở intensive of care unit (ICU) ba ngày thì được đưa lên lầu khác (Neurology floor). Tôi tiếp tục thăm viếng và hằng ngày đem cơm thịt kho vào vì thấy bà ta ăn đồ ăn của nhà thương, nhất là đồ ăn Mỹ không được. Suốt trong khoảng thời gian đó tôi chưa bao giờ gặp người chồng của bà.
Một tuần sau ngày trước khi bà ta xuất viện tôi có đến dặn dò về cách thức đi đứng, ăn uống cũng như là thuốc uống lúc về nhà. Vì bà ta mới qua không có bảo hiểm nên cô lo về xã hội làm thủ tục cho bà được lãnh Medicaid. Khổ nỗi Medicaid chỉ trả cho ba thứ thuốc một tháng mà bà ta cần uống tới năm thứ nên tụi tôi phải lo cho bà một mớ thuốc từ ngân quỹ của nhà thương (charity prescription).
Mười hai giờ đêm tối hôm đó cô y tá săn sóc cho bà gọi về nhà tôi vừa xin lỗi vì đã làm phiền tôi vừa hốt hoảng cầu cứu vì cô ta trong khi đi trực nửa đêm vào phòng thì thấy bà ta có ý định tự tử, định uống hết một hũ thuốc an thần. Tôi khuyên lơn bà qua điện thoại và sáng hôm sau vào thăm thật sớm.
Qua câu chuyện tôi hiểu là tối qua người chồng bà có vào thăm và khi ông ta đi về bà nhìn vào gương thấy đầu mình cạo trọc và một bên đầu có một vết thẹo dài còn bị băng bó, bà cảm thấy xấu xí và thấy lạ lùng với chính mình nên đâm ra quẫn trí, buồn nản.
Thế là bà ta lại được một bác sĩ tâm lý thăm viếng liền trong ngày. Ngày hôm sau thì tôi đi nghỉ hè. Hai tuần sau khi tôi trở về thì bà ta đã xuất viện.
Cuộc đời qủa là có những tình cờ thật hy hữu. Không ngờ sáu năm sau tôi mới gặp được chồng bà là ông rọm. Nghe ông ta nói bà vợ bị kinh giật (seizure) hoài thì tôi đoán sau khi mổ có lẽ bà đã không uống thuốc ngừa kinh giật (anticonvulsive) đều đặn như đã giặn. Hỏi thêm nữa mới biết là cả hai vợ chồng không đủ tiền mua thuốc, từ ngày mổ xong bà vợ không thể đi làm được, thuốc thì ngày uống ngày không. Tôi nói với ông rọm đem giấy tờ của bà vợ vào và một lần nữa tôi nhờ cô làm bên xã hội bổ túc hồ sơ cho bà có thêm quyền lợi về thuốc men.
Sáng nay khi nói chuyện với bà Kelli xong tôi có hứa là sẽ đến gặp bà và ông rọm vào lúc trưa. Tôi nghĩ là chuyện không hay nên cũng cố làm xong công việc cho lẹ để đến kịp giờ. Tôi vừa bước ra khỏi văn phòng thì thấy ông rọm đứng ngay cửa, nét mặt nhăn nheo, cằn cỗi đượm thêm vẻ thê lương.
- Lúc sáng sớm tui có gọi để số mà không thấy cô kêu lại nên tui lên đây gặp cô.
À! Thì ra cái số điện thoại lạ hoắc sáng nay là số của ông rọm. Ông cho hay là cách đây hai ngày sau khi đi nha sĩ về thì đi làm, tới sở vì răng mới nhổ xong còn đau qúa nên ông bèn uống một viên thuốc giảm đau (Vicodin). Thuốc này thuộc loại narcotic khá mạnh và có thể làm cho chóng mặt, buồn ngủ. Thế là ông cứ ngất ngư dật dừ và mở mắt không nổi. Bà supervisor thấy thế mới cho về vì sợ trách nhiệm về sự an toàn của nhân viên và có dặn dò là ngày mai nếu còn uống thuốc thì không nên vào làm. Hôm sau vì không còn sick time mà nghỉ thì không được trả tiền nên ông rọm đi làm như thường và nói dối là hết đau rồi. Thật sự nguyên một hàm răng năm cái của ông bị nhổ nên còn đau ghê lắm. Thế là ông chịu đau không nổi bèn uống thêm một viên Vicodin nữa rồi sau đó vào nhà tắm ngồi ngủ gục hết mấy tiếng đồng hồ. Ông rọm phân trần với tôi:
- Cô nghĩ coi tôi ngủ có chút xíu mà tụi Mỹ nó làm rùm beng lên như tôi ăn cắp đồ của nó.
Tôi biết cái luật lệ chặt chẽ của nhà thương nên bắt đầu thấy lo cho ông. Cái tội ngủ trong giờ làm việc thì rất nặng, “sleeping on duty” là tội phạm (misconduct) có thể bị đuổi ngay.
Khi tôi và ông rọm đến văn phòng của bà Kelli thì nhìn tờ giấy counseling tôi chỉ còn biết nói nhỏ với bà Kelli là hãy để cho ông ta xin nghỉ việc (resign) hơn là đuổi ông ấy. Bà Kelli nể tình nên đồng ý. Tôi buồn bã nhìn nét mặt nhăn nheo, khắc khổ và bàn tay ốm nhom run run ký lên tờ giấy của ông rọm tự hỏi không biết bà vợ sẽ còn tới bao nhiêu cơn kinh giật nữa vì không đủ tiền mua thuốc.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, với một nụ cười héo hắt và ánh mắt rưng rưng ông rọm của tôi, người cựu biệt kích thời chiến tranh Nam Bắc, thì thào…. trời sanh voi sanh cỏ mà cô.

Nguyễn Thị Huế Xưa 
GẶP LẠI ÔNG RỌM
Mười một giờ rưỡi sáng thứ bảy thành phố Houston đông đúc xe cộ, khói bụi ngập trời.  Thành phố đã nhiều lần tôi ghé đến nhưng không bao giờ có ý định dừng chân vì đối với tôi nơi chốn nhộn nhịp này thật là ngột ngạt, khó thở.  Con đường xa lộ cong vòng với những đoàn xe vun vút nối đuôi nhau.  Tôi nhìn đồng hồ mà lòng nóng như lửa đốt, còn nửa tiếng nửa thì làm lễ rước dâu mà giờ này ông xã còn lạc lòng vòng trên hướng bắc của xa lộ 59.  Từ đây mà tới nhà gái cũng phải mất 20 phút nếu không kẹt xe. 
Hai vợ chồng tôi vì được tiếng là "mát tay" nên được anh bạn nhờ đại diện đàng trai đến giạm ngõ xin cưới vợ cho con.  Ngày trọng đại như thế này mà đến trể thì bậy lắm vì anh bạn đã coi ngày và giờ thật kỹ lưỡng, anh ấy cứ dặn đi dặn lại là phải làm sao canh cho đúng giờ Ngọ tức là mười hai giờ trưa thì hãy gõ cửa nhà gái liền vì giờ đó hạp với tuổi của hai đứa nhỏ.  Ngày lành giờ tốt thì hai trẻ mới kết hợp nhau cho đến trọn đời.  Tôi càng nhìn đồng hồ thì ông xã tôi biết ý càng nhấn ga cho xe dọt nhanh hơn.  Tôi cứ van vái thần trong bụng là đừng để cảnh sát bắt phạt về tội chạy nhanh thì hỏng hết mọi sư.
Khi chúng tôi đến nơi thì nhà trai có khoảng chừng chục người đã đứng ngoài đường chờ. Tất cả đều sẵn sàng mâm qủa hẳn hòi.  Chú rể mặt mũi bơ phờ mặc áo dài xanh khăn đóng lăng xăng đi tới đi lui trên bờ đường trông thật tội nghiệp. Anh bạn thấy mặt chúng tôi thì mừng rỡ hẳn và tôi cũng thở phào nhẹ nhm, còn năm phút nửa mới mười hai gìờ.  Tôi vuốt lại vạt áo dài nghe anh bạn dặn dò lần cuối và cùng ông xã tôi mạnh dạn lại gõ cửa nhà cô dâu. 
Cánh cửa đưọc trang hoàng rực rỡ với hai chữ vu quy đỏ tươi thắm từ từ mở rộng.  Tôi nhìn sửng người đàn ông đại diện cho nhà gái.  Thân hình gầy guộc nhỏ nhoi trong bộ đồ tây màu đen rộng thùng thình, mái tóc lưa thưa vài cọng buộc bó lại đằng sau ót, đôi mắt nhỏ sâu hút và giọng nói nặng nề miền trung: 
“Mời cô chú vô nhà.”
Tôi nói nhỏ một mình: A lại gặp ông thằng rọm.  Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
“Ông thằng rọm” là tên một nhân vật trong truyện “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của bà Nhã Ca, được mô tả là ngang bướng tức cười. Tôi mượn biệt danh này để gọi ông. 
Thật ra, ông là một cựu biệt kích Việt Nam Cộng Hòa tên Danh sau bao năm đi tù cải tạo về được sang Mỹ theo diện HO, nhưng đến xứ người thì sống một cảnh đời thất chí.  Cách đây gần hai năm ông ta làm lao công trong nhà thương nơi tôi đang làm việc, vì những khó khăn riêng tư nên ông phải từ chức và từ đó tôi không biết ông trôi giạt nơi đâu.  Tôi vẫn thường nhớ tới ông với đời sống vất vả và tự hỏi không biết bà vợ hay giựt kinh phong của ông đã bớt bệnh chưa. 
Thường ngày tôi đi làm hay mặc đồng phục của y tế hoặc   phục, có lẽ hôm nay tôi mặc áo dài nên chi sau vài giây phút bỡ ngỡ có lẽ ông cũng đã nhận ra tôi nhưng vì chưa tiện để tay bắt mặt mừng cho nên ông chỉ nhìn tôi mỉm cười gật đầu chào.
Buổi lễ cưới tại gia diễn tiến rất êm xuôi.  Bàn thờ gia tiên được chưng dọn thật kỹ càng và long trọng.  Hình ảnh của hai họ nội ngoại được chưng trên bàn thờ, hai bên bàn là hai cặp đèn đỏ cao có trổ hình con rồng. Đặc biệt nhất là hai qủa đựng trái cây sắp xếp theo hình hai con phụng thật là khéo léo. 
Tôi không biết ông rọm liên hệ với nhà gái như thế nào nhưng hôm nay ông ta là chủ lễ.  Nhà gái đứng sắp hàng bên phía tay trái của ông và nhà trai thì bên tay phải. Khi cô dâu mặc áo dài hồng thướt tha được hai cô phụ dâu dìu từ phòng đi ra thì ông ra hiệu cho cả cô dâu và chú rể đứng giữa bàn thờ tổ tiên.  Hai vợ chồng tôi đại diện nhà trai chính thức ngỏ lời xin hỏi cưới, ông rọm chính thức đại diện nhà gái đưa lời chấp thuận.  Sau  khi cả hai bên giới thiệu gia đình quí tộc xong thì ông rọm bắt đầu đốt hai cặp đèn lên cho cô dâu và chú rể làm lễ ra mắt ông bà. Ông rọm cũng đốt thêm ba thẻ nhang, một thẻ đưa cho cô dâu, một thẻ đưa cho chú rể còn một thẻ ông kính cẩn cầm và vái xá bàn thờ. Sau khi xá ba xá ông bắt đầu nghiêm trang khuấn nguyện:
"Hôm nay ngày lành tháng tốt kính hương hồn hai bên nội ngoại về đây chứng kiến cho hai trẻ nên duyên chồng vợ, ăn ở với nhau cho đến khi đầu bạc răng long. Hai họ Trần Nguyễn kể từ đây ràng buộc với nhau trong tình thân ái gia đình. Trai tài gái sắc ăn nên làm ra, vợ chồng thuận hòa, con cháu an khang....."  ông rọm còn nói rất dài dòng, giọng nói mang âm hưởng miền trung dày đặc nhưng có một chút gì rất quyến rũ với những lời khấn cùng chúc tụng.  Tôi ngạc nhiên nhìn ông, không tưởng tượng đây là một người lính lực lượng đặc biệt một thời ngang dọc chống cộng. 
Ông bây gìờ giống như một người đang an phận với cuộc đời. Bổng nhiên tôi để ý đến nét mặt khắc khổ của ông và con mắt phía bên phải của ông đều đặn giựt liên hồi, những nhịp giựt của con mắt đi đều với những lời nói từ tốn.  Tôi bắt đầu hơi thắc mắc nhưng lại phải chú ý đến diễn tiến của buổi lễ.  Sau khi ông nói xong lời khấn nguyện và hai trẻ làm lễ gia tiên xong thì những chiếc khăn trùm đỏ  trên mâm qủa đuợc mở ra để phơi bày những món nữ trang đi cưới, những trà, rượu, trầu cau xứ này đều có đầy đủ hết,  có cả bánh xu xê với nhãn hiệu song hỷ . 
Thủ tục nhận lể vật đeo bông tai, đeo nhẫn cho cô dâu xong thì ông rọm ngỏ lời xin họ hàng quan khách thứ lỗi nếu trong buổi cưới tại gia hôm nay có điều gì xơ suất và cũng nhắc nhở mọi người là buổi tiệc chính vào lúc sáu giờ chiều tại nhà hàng Kim Sơn.  Kế đó ông mời tất cả qua bên phòng ăn để nhập tiệc trà. Tôi nghe người trong nhà gọi ông rọm là bác Hai.  Bác Hai mời ba mẹ cô dâu và chú rể đi trước trong khi họ hàng sắp hàng đễ lấy thức ăn. 
Tôi lấy xong thức ăn thì ra ngồi ở một góc bàn và thấy ông rọm từ từ đi đến, ông cười cười hỏi tôi:
“Cô còn nhớ tui không"”
Tôi cũng cười và nói:
“Ai mà quên chú được.  Mà chú có nhớ tôi không"”
Ông rọm trợn mắt:
“Tên cô là quê hương của tui răng tui quên được.”
Phản ứng trẻ con và câu trả lời mộc mạc của ông làm tôi cảm động.  Sau khi đã hết bỡ ngỡ và giới thiệu ông với nhà tôi, ông rọm ngồi bên cạnh và dường như đọc được sự quan tâm của tôi, ông bắt đầu kể cho tôi nghe đời sống của ông trong những ngày tháng qua.
Gần hai năm trước sau khi ông không còn làm việc ở nhà thương nữa thì ông đã lần lượt làm không biết bao nhiêu công việc khác mà chổ nào cũng chỉ được vài ba tháng rôì thôi. Lần cuối cùng ông đi làm cho một hãng đồ hộp và chỉ trong vòng hai tháng thì bị đuổi sở.
 Vẫn giọng nói ngang bướng như dạo nào ông kể:
“Cô coi đó đời tui ở cái xứ này nó dị hợm chi lạ, đi làm toàn với mỹ đen hay mễ thôi.  Mà tụi nó ... vô hậu kế đợi lắm cô, tui ngồi ngủ trong phòng tắm có một chút mà tụi hắn đuổi tui.”
 Tôi nhìn ông sững sờ... cũng câu nói ngang ngược bất hủ, cũng tại cái tội ngủ gục và tôi nghĩ ngay đến bà vợ với căn bệnh giựt kinh phong mà có lẽ đó là nguyên do ông rọm không có thì giờ ngủ.  Tuy nhiên tôi cũng trách nhẹ: 
“Chú ngủ ngồi có sướng ích chi mà để cho bị mất việc một lần nữa.”
Ông rọm nhìn tôi nhoẻn nụ cười hóm hỉnh:
“Cô không biết chứ từ nhỏ tới lớn tui chỉ ngủ ngồi thôi nên quen rồi không bao giờ nằm giường.”
Tôi nhìn ông rọm nghi ngờ thì ông kể tiếp là thuở nhỏ theo bà mẹ bán chè dưới đò nên ông quen đi thói ngủ ngồi dưới khoang đò. Ông còn nói ngủ dưới đò rất thú vị vì khoang đò tuy chật hẹp nhưng nước sông đánh bồng bềnh, người cứ lắc lư như em bé được ru nôi nên ngủ ngon lắm.
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Lúc trước làm trong nhà thương tôi thường lấy gìờ ăn trưa để có dịp trò chuyện cùng ông mà có bao giờ ông nói cho tôi nghe những chuyện kỳ thú này đâu, rồi tôi tưởng tượng đến hình ảnh người chiến sĩ lực lựợng đăc biệt này ngồi...ngủ trên những cánh dù tung gió.  Tôi bật cười một mình làm ông rọm có vẻ hơi giận nên ông nói cô không tin thì cứ hỏi... vợ tôi đi.  Tôi cười vì sự tưởng tượng vớ vẩn của tôi thôi cho nên sợ ông phật lòng tôi lật đật hỏi:
“Ngày xưa chú là lính biệt kích phải không"”
Đôi mắt sâu hũng của ông rọm với cái nhìn xa vắng:
“Thời đó xưa rồi cô.  Lúc sau này tui về làm phòng mật cho nên mới bị đi học tập, còn đám anh em nhảy dù thì bị tụi nó nhốt rục xương trong tù rồi.  Tui ở lại với đám anh em thời đó thì có chết cũng chết vinh...”
Ông rọm nói xong thì nhấp thêm tí rượu, đôi mắt nhỏ sâu hũng chứa chan sự buồn bã vô biên. Phải rồi, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sinh tử Bắc Nam thì có màng chi đến cái chết, nhất là chết để bảo vệ quê cha đất tổ của mình. Tôi cũng là con cháu nhà binh nên tôi cảm thông được thâm tình của ông đối với binh nghiệp và đồng đội một thời.
Theo lời ông rọm kể thì cái chứng nhức đầu khinh niên nó tiếp tục  hại ông. Tôi nhìn nét mặt khắc khổ, nhăn nheo và con mắt bên phải của ông chớp giựt liên hồi thì tôi nghĩ là cuộc đời trôi nổi của ông nó hành ông thì nhiều hơn. Tôi đột ngột hỏi:
Chú có vẻ buồn phiền nhiều, có lẽ chú uống thuốc an thần phải không"
Ông rọm nhìn tôi bối rối:
“Cách chi mà cô biết được"”
Tôi chỉ đoán thôi vì triệu chứng tự động giựt gân mắt (máy mắt) một bên và một bên miệng (dyskinesia) là phản ứng của những người uống thuốc an thần dài lâu.  Có lẽ ông nhớ ra là tôi có cái tật hay lo lắng, hỏi han về những vấn đề bệnh hoạn nên ông rọm nhìn quanh quất các quan khách rồi hạ giọng nói nhỏ với tôi:
Buồn thúi ruột cô nờ, tui chán đời, bứt rứt nên tui uống đại thuốc an thần của vợ tui, mấy tháng sau đi bác sĩ bị rầy rà qúa rồi rút cuộc ông cũng cho tui uống một ngày hai viên thuốc nhỏ trắng trắng, vàng vàng....
Tôi đoán có lẽ ông uống thuốc Haldol, một loại thuốc an thần thông dụng.
Ông rọm đứng lên đi lấy thêm một ly rượu rồi tiếp tục câu chuyện.  Được biết sau khi nghỉ ở hãng làm đồ hộp ông rọm chán nản và lo lắng vì bà vợ của ông đã bớt giựt kinh phong nhưng lại sanh ra chứng mất ngủ và mỗi đêm như vậy thì bà cứ đi vòng quanh nhà, có khi còn đòi mở của đi ra ngoài đường. Ông rọm rất khổ sở, ông thức suốt sáng để canh chừng bà vợ sợ bà làm quấy hại đến tính mạng. Người ông rọm đã...rọm rồi mà ăn uống, ngủ nghê không đủ nên càng ngày càng còm cỏi thêm.  Ông không đi làm lụng chi được nên hai vợ chồng sống trong căn nhà hai phòng khu chung cư của chính phủ trợ cấp và nhờ vào vài trăm đồng tiền xã hội mổi tháng.
Vợ ông càng ngày càng bệnh nặng, suốt ngày cứ lầm lầm lì lì, ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế, ban đêm thì thức đi lòng vòng.  Thêm vào đó bà ta không thiết tha gì đến ăn uống, đến diện mạo.  Ông rọm cho biết là ngày nào cũng phải kho cá, nấu canh, năn nỉ lắm bà mới ăn dược chút cơm, hai ba bửa ông lại phải tắm rửa cho bà vợ.
Tôi nghe đến đây thì mường tượng đến ông thằng rọm của bà Nhã Ca trong "Mưa Trên Sầu Đông" khi bà ngoại của Đông Nghi mỗi tối ra lu nước tắm thì réo ông thằng rọm ra kỳ cái lưng nhăn nheo như vỏ cau khô của bà. Có một sự nhẫn nại nào đó của cả hai ông rọm làm tôi thấy mến thương.  Ông rọm tâm sự:
“Ai cũng khuyên tui nên xin cho bả vào viện dưỡng lão ở vì thấy tui lo không xuể, nhưng tui làm như rứa thì bất nhân, bạc nghĩa qúa. Vả lại, vợ tui vô trong nớ tụi Mỹ nó nói ba xí, ba tú thì  biết đường đâu mà xoay trở.”
Dường như lâu ngày không có ai để trút hết nổi lòng nên ông rọm nói miên man cho tôi nghe về nổi đau buồn không đo lường được của ông. Ông là người sống vì tình, vì nghĩa.  Bà vợ hiện tại của ông mặc dù là người đến sau nhưng đã chia xẻ những cay đắng ngọt bùi trong nhũng ngày tàn tạ của cuộc đời ông sau khi ông đi cải tạo về.  Nhắc đến bà vợ trước ông rọm cay đắng:
“Mụ ...ngựa thượng tứ...lúc trước mụ lãnh tiền tử của tui.  Ngày tui đi cải tạo về mụ lấy thằng cộng sản, xin lỗi cô nghe, rõ ràng là bông hồng cắm bãi c...  trâu...”
Ông rọm ứa nước mắt sau khi thốt ra những lời hằn học đó. Tôi nghĩ ông còn thương bà vợ cũ và không trách móc bà bằng trách hoàn cảnh oái ăm, ông căm giận thời thế đổi thay. Thời thế tạo anh hùng nhưng ngày nay anh hùng đành phải nhẫn nhục vì trong cuộc chiến bao giờ cũng có những thua thiệt thương đau, những mất mát tàn nhẫn. Ông còn nói tiếp: 
“Trái tim và đầu óc mình sinh ra là đã thuộc về nền cộng hòa chân chính thì tụi nó có ép đến mấy cũng không hòng mị đưọc tư tưởng của mình, bày đặt cải với tạo.”
Tôi nghe ông rọm nói vừa buồn vừa cảm phục.  Đất nước có mất nhưng tấm lòng chung thủy và tinh thần cường tráng vẫn tồn tại mãi trong lòng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Ông rọm còn nói say sưa về những bạo tàn, điêu đứng của cuộc chiến đã qua trong hơn ba mươi năm. Ông bảo rằng nếu bà vợ của ông không đau yếu thì ông cũng xin đi theo chân ông Lý Tống về phục hồi quê hương vì ông không có gì để lưu luyến ở xứ người.  Ông nhớ tới giòng sông, ông nhớ tới con đò, ông thương thời chiến đấu sát cánh bên những anh em chiến sĩ oai hùng lẫm liệt.  Ông tâm sự tiếp:
“Đời tui đứt đoạn rồi cô, đứt như sự nứt rạn của chiếc vòng ngọc mà vợ tui không may làm bể thành đôi.”
Tôi nhớ đến câu chuyện chiếc vòng ngọc cứu độ mà cách đây mấy năm cả ông và vợ ông tin tưởng là nhờ sự linh thiêng của nó mà bà vợ ông sống thoát qua cơn mổ màng óc.  Không cần hỏi ông rọm đã cho tôi biết thêm chi tiết là bà vợ ông bị té một lần và khi chống tay vào thành cửa chiếc vòng ngọc luôn luôn mang trên tay bị bể làm hai.  Ông cố gắng đem chiếc vòng đến tiệm nữ trang mong gắn lại, chiếc vòng mặc dầu vẫn còn trong ngắt màu huyết dụ nhưng sự rạn nứt là một dấu tích được gắn lại bởi một mảnh vàng nhỏ ngay chính giữa.  Nó không còn là một chiếc vòng tròn nguyên thủy nữa, giống như khối óc tròn của bà vợ ông không còn nguyên vẹn sau cơn mổ óc với vết sẹo dài chạy ngang vành đầu.  Từ đó ông đâm ra chán nản.  Khi nhận được tin của một người bạn cũ đang làm chủ một cửa tiệm chạp hóa ở Houston và người bạn này rủ ông lên đây sinh sống thì ông nhận lời ngay. 
Đến Houston ông xin được trợ cấp tàn tậtcho bà vợ ( SSI) và xin luôn được trợ cấp nhà.  Mỗi ngày ông ra cửa tiệm của ông bạn uống café và tán dốc năm ba phút rồi về đưa bà vợ đến ngôi chùa phía bắc của thành phố.  Nơi đây bà vợ của ông thẩn thờ ngồi lượm những chiếc lá rụng trong sân chùa còn ông thì nghe kinh kệ và tiếp giúp làm những chuyện lặt vặt trong chùa.  Cũng trong khoảng thời gian này ông rọm tìm sự thanh thản cho tâm hồn bằng cách học đọc kinh cầu an, cầu siêu cũng như những kinh lễ khác, cùng cách sắp đặt bàn thờ cho những buổi lễ.
Nhờ tính tình điềm đạm, cách trình bày bàn thờ khéo léo và sự khấn cầu thành thật của ông mà những người quen lần lượt nhờ ông làm chủ lễ cho những đám cưới tại gia, và cái tên bác Hai cũng từ đó mà ra. 
Bây giờ tôi mới biết là ông không có liên hệ chi với gia đình nhà gái hết.  Buổi tiệc cưới đơn giản nhưng khá vui nhộn rồi cũng tàn.  Trong khi tôi cùng mọi người chào từ giã, tôi có hẹn là chiều nay sẽ gặp tại nhà hảng Kim Sơn thì ông rọm lắc đầu:
“Tui đi không được đâu cô, gửi vợ tui lâu qúa bà lại đâm ra quẩn trí.  Nãy gìờ đi là đã qúa sức rồi, chiều nay phải..."baby sit" bả đó mà.”
Khi bàn tay xương xẩu của ông bắt tay tôi, ông nói hy vọng sẽ có dịp gặp lại, tôi cũng nói thầm trong lòng là mong lần gặp gỡ tới, đời sống của ông bớt lao đao, và mong sẽ còn dịp đuợc nghe chú Danh, ông rọm, bác Hai, người cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa năm xưa kể  chuyện về những chiến công oai hùng của ông và đồng đội khi bảo vệ đất nước.
Nguyễn Thị Huế Xưa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét