Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Chuyện dài Trung Quốc (2)

  10 vụ bê bối đình đám nhất
Chỉ tính 4 năm gần đây, đã có 10 vụ xì-căng-đan an toàn thực phẩm cả thế giới đều biết.
Nền tảng pháp lý an toàn vệ sinh thực phẩm có quá nhiều lỗ hổng, một bộ phận cán bộ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) tham lam, vô trách nhiệm, là “bà đỡ” của những vụ thực phẩm nhiễm bẩn, thậm chí độc hại gây chết người.
Không tính những phát hiện mới đây như tảo spirulina nhiễm chì, dùng phụ gia độc hại biến thịt heo thành thịt bò “ăn là ghiền”, từ năm 2008 đến nay có 10 vụ thực phẩm không an toàn nổi đình nổi đám nhất.
Sữa bẩn
Trong 10 vụ, có 2 vụ sữa bẩn mà đứng đầu là “đại dịch” sữa nhiễm melamine. Đây là vụ bê bối nghiêm trọng nhất về an toàn thực phẩm trong lịch sử Trung Quốc bởi quy mô rộng lớn và cách xử lý vấn đề có nhiều khuất tất của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm. Vụ bê bối này đã gây thiệt hại lớn cho ngành sữa Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi đây là vụ bê bối nghiêm trọng nhất mà tổ chức này phải đối phó. WHO còn tiên đoán rằng còn lâu ngành thực phẩm Trung Quốc mới vượt qua được cuộc khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng.


Một nạn nhân của sữa Sanlu. Ảnh: Dalje
Sự việc bắt đầu từ tháng 12-2007 khi thư khiếu nại của người tiêu dùng bay tới tấp về tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc). Tháng 8-2008, sữa Sanlu nhiễm melamine – hóa chất độc hại giàu nitơ cho vào sữa tạo cảm giác giàu đạm – đã được xác định. Thay vì tích cực giải quyết vấn đề như thu hồi sản phẩm nhiễm độc, tập đoàn Sanlu hối lộ 3 triệu tệ (1 tệ = 3.300 đồng) cho trang tìm kiếm Baidu để đừng đăng thông tin bất lợi cho tập đoàn. Chính quyền hạn chế tối đa thông tin về vụ bê bối này trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian tiến hành điều tra bởi sợ ảnh hưởng đến Thế Vận hội Bắc Kinh 2008.
Hậu quả là trong năm 2008 có ít nhất 6 trẻ chết, 294.000 em mắc bệnh suy thận, sỏi thận khiến 51.900 trẻ nhập viện do uống nhằm sữa nhiễm bẩn của Sanlu và 22 công ty sữa khác. Kết quả điều tra của Công an Trung Quốc dẫn đến 21 người bị bắt, trong đó có một số quản lý cao cấp và trung cấp của Sanlu, 2 người bị xử tử hình năm 2009 vì sản xuất bột melamine và sữa thành phẩm nhiễm melamine. Riêng chủ tịch công ty Sanlu bị tù chung thân và bị phạt 20 triệu tệ.
Sữa nhiễm melamine tuy vậy vẫn còn được sản xuất lén lút cho đến bây giờ do lợi nhuận quá hấp dẫn. Tháng 4-2011, Công an Trùng Khánh bắt được 26 tấn sữa nhiễm melamine để sản xuất bánh ngọt và kem. Trước đó, tại tỉnh Thanh Hải, công an đã phát hiện 64 tấn sữa bẩn có hàm lượng melamine cao gấp 500 lần mức cho phép.
Vụ thứ hai là sữa nhiễm đạm thủy phân từ phế liệu động vật, gọi tắt là “sữa da”. Loại đạm bẩn chứa kim loại nặng crôm có khả năng gây ung thư này khó phát hiện hơn melamine. Vì vậy, tuy xuất hiện từ năm 2005, từng được Nhật báo Trung Quốc báo động hồi năm 2009 nhưng mãi đến tháng 2-2011, nó mới thành “chuyện lớn” khi hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã chính thức trấn an dư luận rằng chính quyền đang làm hết sức mình để loại trừ “sữa da”.
Giá sống và đậu đũa gây ung thư
Đứng thứ 3 và 4 trong bản “top ten” là giá đậu và đậu đũa. 40 tấn giá nhiễm hóa chất độc hại bị tịch thu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào tháng 4-2011. Các nhà nông đã dùng phụ gia chứa nitrit natri, urê, thuốc kháng sinh và hormon tăng trưởng để làm giá cho cọng lớn, trắng phau cấp kỳ. Nitrit natri phản ứng với acid trong dạ dày là một trong những tác nhân gây ung thư.
Tháng 3-2010, Công an thành phố Vũ Hán đã tịch thu và tiêu hủy 3,5 tấn đậu đũa có dư lượng thuốc trừ sâu isocarbophos quá cao nhập từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Vụ này sở dĩ nổi đình đám vì nghi ngờ có dấu hiệu bao che sau khi cơ quan tư pháp thành phố Tam Á phê bình chính quyền thành phố Vũ Hán “thiếu thận trọng” khi công bố vụ bê bối này.
Dầu ăn nước cống, gạo cadmium
Trong 6 vụ còn lại, ngoài “bánh bao nhôm” do dùng bột nổi chứa nhôm ở Thâm Quyến; 7 triệu hộp xốp đựng thức ăn nhiễm hóa chất hại gan, thận và cơ quan sinh sản ở Giang Tây; heo siêu nạc nuôi bằng “bột tạo nạc” đã nêu trong số báo trước và thịt heo phát sáng trong bóng tối phát hiện hồi tháng 3-2011 ở Thượng Hải mà chính quyền giải thích do “nhiễm vi khuẩn phát sáng, ăn vô hại nếu nấu chín”, còn có 2 vụ đáng chú ý dưới đây.

Cơ sở sản xuất dầu ăn từ nước cống ở Vũ Hán. Ảnh: C.S
Đó là gạo nhiễm cadmium phát hiện hồi tháng 2-2011 ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Nam Kinh, khoảng 10% lượng gạo bán trên thị trường Trung Quốc nhiễm kim loại nặng có hại cho sức khỏe, trong đó có cadmium. Có nơi 60% mẫu gạo nhiễm kim loại nặng, trong đó có một vài mẫu chứa hàm lượng cadmium cao gấp 5 lần mức cho phép. Cadmium cùng với chì và thủy ngân là kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người.Cuối cùng là “dầu ăn nước cống”, được tinh chế từ váng dầu và thức ăn thừa nổi lềnh bềnh trong nước cống của nhà hàng. Phát hiện từ tháng 3-2011 tại tỉnh Chiết Giang, dầu ăn bẩn này cũng xuất hiện ở 14 tỉnh khác. Theo một giáo sư ở Trường Đại học Bách khoa Vũ Hán, có đến 10% dầu ăn bán trên thị trường là dầu bẩn, phần lớn được các cơ sở nhỏ lẻ tái chế từ nguyên liệu dầu nước cống.Sau sự kiện sữa nhiễm melamine năm 2008, lòng tin của người tiêu dùng hầu như không có cơ hội phục hồi bởi hàng loạt xì-căng-đan thực phẩm bẩn diễn ra liên tục ở Trung Quốc
Phát hiện mới nhất là  túi trà Lipton của Tập đoàn Unilever chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Ngày 24-4 vừa qua, Hòa Bình Xanh (HBX), một tổ chức bảo vệ môi trường chi nhánh Đông Á, tuyên bố họ đã phát hiện methonyl trong trà lài, trà xanh và trà Ô Long dạng túi lọc mang nhãn hiệu Lipton mua ngẫu nhiên tại các siêu thị ở Bắc Kinh. Methonyl là thuốc trừ sâu cấm dùng trong ngành trồng trà, có thể làm tổn hại hệ nội tiết hoặc hệ sinh sản của nam giới.
Sống trong nỗi lo ngộ độc
Vào đầu tháng 4, một số sản phẩm của nhiều hãng trà hàng đầu Trung Quốc cũng bị HBX phát hiện nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Tổ chức này đã mua 18 loại trà xanh, trà lài và trà Ô Long của 9 hãng trà  ở Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Hải Nam đem xét nghiệm với kết quả tất cả đều có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Một số trà Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu methonyl. Ảnh: G.E.A
Văn phòng Unilever ở Thượng Hải lập tức bác bỏ cáo buộc của HBX. Unilever khẳng định sản phẩm của họ hợp chuẩn Trung Quốc và đã được kiểm định đàng hoàng. Tuy nhiên, họ không đưa ra lời giải thích nào về những trường hợp cụ thể nói trên.
Hàng loạt vụ bê bối mới đây càng làm cho người tiêu dùng Trung Quốc hoang mang, mất lòng tin vào hàng nội, từ thực phẩm đến dược phẩm. Minh chứng mới nhất là một trang web cảnh báo thực phẩm độc hại đã sập mạng hôm 3-5 vì có quá nhiều người (350.000 lượt) truy cập tìm hiểu. Nó chỉ được phục hồi sau khi được tăng cường thêm một máy chủ.
Trang web có tên “Trì xuất song ngoại” (ném qua cửa sổ) ghi nhận 2.300 vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc từ năm 2004, mô tả chi tiết từng vụ việc, số nạn nhân, nơi diễn ra, theo đó Bắc Kinh chiếm đầu bảng nơi có nhiều thực phẩm bẩn nhất, Thượng Hải đứng hạng 4.
Tác giả trang web là Ngô Hằng, 26 tuổi, sinh viên cao học Khoa Sử Trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải. Bức xúc trước những vụ bê bối lớn như sữa nhiễm melamine, thịt heo chứa clenbuterol, dầu ăn nước cống..., tháng 6-2011, họ Ngô đã hoãn thi tốt nghiệp một năm để dành thời  gian thiết lập trang web nói trên giúp người tiêu dùng nắm được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và yêu cầu chính quyền hành động cấp tốc để cải thiện tình hình.
Phát biểu trên Nhật báo Thượng Hải, họ Ngô bức xúc: “Tôi rất bất bình vì tình hình chẳng được cải thiện gì cả so với năm ngoái. Tôi rất thích ăn sữa chua đặc nhưng  từ khi nghe nó làm bằng gelatin công nghiệp chứa crôm, thỉnh thoảng tôi mới ăn một lần”.
Hàng ngoại hưởng lợi
Sự kiện sữa nhiễm melamine đã gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp sữa Trung Quốc. Người tiêu dùng trong nước sợ hãi sữa bẩn nội địa đã quay sang hàng ngoại. Chị Lưu Sóc, 30 tuổi, nhân viên một công ty nước ngoài ở Bắc Kinh có một đứa con 2 tuổi, giải thích: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài sữa ngoại. Sữa bột trẻ em Trung Quốc luôn luôn dính xì-căng-đan cho nên tôi không còn tin hàng nội”.

Sữa bột trẻ em ngoại tràn ngập thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Chị Lưu Sóc là một trong hàng chục triệu lao động thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc (dự kiến đạt 100 triệu năm 2015) có xu hướng nuôi con bằng sữa bột. Thị trường sữa bột trẻ em ở Trung Quốc trị giá 30 tỉ USD  là nhờ số khách hàng này.
Sau xì-căng-đan sữa bột trẻ em nhiễm melamine liên quan đến hầu hết các hãng sữa Trung Quốc, kể cả những “đại gia” như hãng Mengniu (Mãnh Ngưu), sữa bột trẻ em của các hãng ngoại như Pfizer (SMA, Promil, S-26), Mead Johnson, Danone (Dumex) và Abbott bán chạy như tôm tươi.
Hấp dẫn bởi tiềm lực thị trường sữa bột trẻ em Trung Quốc (16 triệu bé chào đời mỗi năm, dự kiến năm 2016 đạt 16 tỉ USD, tăng gấp đôi hiện nay), lợi dụng tâm lý chán ngán sữa nội của người Trung Quốc, tháng 4 vừa qua,  hãng sữa Thụy Sĩ hàng đầu thế giới đã bỏ ra 11,9 tỉ USD mua lại các sản phẩm của công ty kinh doanh thực phẩm trẻ em Pfizer bán ở Trung Quốc để giành giật thị trường béo bở này từ tay Mead và Danone.
Lắm thầy thối ma
Công bằng mà nói thì chính quyền Trung Quốc các cấp đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và từng đề ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Đầu tháng rồi, Phó Thủ tướng Lý Khắc Kiệt đã chỉ đạo thiết lập một cơ chế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dài hạn đồng thời trừng phạt thật nghiêm những kẻ có tội.
Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (SFDA) cũng đang chỉnh sửa quy chế sử dụng phụ gia, yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường việc kiểm tra chất phụ gia, kể cả thuốc kháng sinh. Chính quyền Thâm Quyến hứa sẽ thưởng 500.000 tệ (1 tệ = 3.300 đồng) cho ai phát hiện thực phẩm không an toàn.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là có quá nhiều cơ quan trực thuộc các bộ chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm, bao gồm  cả Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế. Khi đụng chuyện, bộ này chỉ qua bộ kia, né tránh trách nhiệm.
Cũng vì chuyện quản lý chồng chéo, các biện pháp thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm không hữu hiệu. Hơn nữa, chính những người trong ngành tư pháp xác nhận các tội phạm không bị trừng phạt đích đáng. Trừ những vụ án điểm như vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 có 2 án tử hình, hầu hết các vụ án khác đều được xử nhẹ. 
(NLĐO) - Một phóng sự điều tra của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 8-1 tiết lộ thông tin gấy sốc về vi cá mập bán tại các nhà hàng ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang và Phúc Kiến: Hầu hết đều được làm từ hóa chất độc hại!

Được tạo ra từ hỗn hợp bột đậu, chất gelatin, natri và một số hóa chất khác, vi cá mập giả tại các nhà hàng đắt tiền và tiệc cưới đã trở thành lựa chọn ưa thích của khách hàng, nhất là những người muốn gây ấn tượng bằng các món ăn hảo hạng. Theo ước tính của CCTV, khoảng 40% vi cá mập tiêu thụ tại các nhà hàng ở Trung Quốc có thể là đồ giả.
Các chuyên gia cảnh báo những hóa chất và chất phụ gia được sử dụng làm vi cá mập giả đều có độc và có thể gây nguy hiểm cho phổi cùng nhiều cơ quan khác trong cơ thể người. Hơn nữa, vi cá mập giả chỉ có giá 5 nhân dân tệ/vi (khoảng 16.710 đồng) nhưng các nhà hàng bán giá trên trời, có nơi đến 1.000 nhân dân tệ/chén (tương đương 3,34 triệu đồng). 
 
Một cơ sở chế biến vi cá mập tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: NHẬT BÁO TRUNG QUỐC

CCTV ước tính khoảng 40% vi cá mập tiêu thụ tại các nhà hàng ở Trung Quốc có thể là đồ giả.
Ảnh: EPA
Tại tỉnh Chiết Giang, các nhà chức trách phát hiện nhiều vi cá mập bán tại chợ là đồ giả, trong đó một số chứa dư lượng cadmium và chất metyl thủy ngân. Giới chức địa phương đã chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập từ các nhà hàng để mang đi kiểm tra, kết quả là không tìm ra chút vi cá mập thật nào.
Đây không phải là lần đầu tiên vi cá mập giả bị phanh phui ở Trung Quốc. Trước đây, phóng viên Tân Hoa Xã từng đột nhập các xưởng sản xuất vi cá tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam và phát hiện một đường dây làm vi cá mập giả. Các cơ sở sản xuất này đã hô biến 21,2% gelatin, 73,5% nước và 5% muối natri thành vi cá mập rồi xuất ra thị trường với giá rẻ bất ngờ từ 50 - 120 nhân dân tệ/kg.
Tiết lộ mới nhất của CCTV đã gây xôn xao khắp các diễn đàn mạng Trung Quốc. Một cư dân mạng mỉa mai: “Các quan chức tham nhũng là những người ăn vi cá mập, đúng không? Thế giới quả là công bằng” 
Hàn Quốc vừa ra tay xử lý mạnh tay những kẻ buôn bán loại thuốc “thịt người” nhập từ Trung Quốc.
Theo tờ Korea Times đưa tin ngày 6-5, Cục Hải quan Hàn Quốc vừa bắt 29 kẻ buôn lậu thuốc “thịt người” bằng cách hóa trang thành du khách đem theo khoảng 11.000 viên thuốc trong hành lý. Trong đó có 6 người dùng dịch vụ bưu điện quốc tế để chuyển lậu.
Hàn Quốc đang mạnh tay trấn áp nạn buôn lậu thuốc "thịt người" từ Trung Quốc. Nguồn: Internet
Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS) phát hiện ra các vụ buôn lậu thuốc “thịt người” lần đầu vào tháng 8-2011 và đã ngăn chặn 35 vụ cho đến nay, tịch thu 17.451 viên thuốc được cất giấu trong hành lý của du khách hoặc chuyển qua đường bưu điện.

Các chiêu buôn lậu cũng biến hóa đa dạng. “Nhiều người cho thảo dược vào viên con nhộng để nhân viên hải quan không ngửi được cái mùi và màu đặc trưng của thuốc. Một số khác cho thuốc vào vỉ để qua mắt hải quan” – một nhân viên KCS kể.
Sắp tới, KCS dự định kiểm tra toàn bộ thuốc và các loại bột do du khách Trung Quốc mang theo hoặc gửi qua bưu điện, đặc biệt là thuốc xuất xứ từ các thành phố Diên Cát, Cát Lâm, Thanh Đảo và Thiên Tân, vốn được cho là nơi sản xuất thuốc “thịt người”.
Thuốc “thịt người” Trung Quốc được làm từ thai nhi hoặc trẻ sơ sinh đã chết và được nhiều người chuộng mua do tin rằng có thể tăng cường sinh lực, giúp trẻ hóa và cải thiện khả năng tình dục cho nam giới. Thậm chí có người còn dùng để chữa bệnh ung thư. Giá của một viên thuốc vào khoảng 40.000 won (khoảng 730.000 VNĐ). Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo loại thuốc này có thể chứa nhiều chất có hại do đã bị nhiễm các loại siêu vi khuẩn. 
Ngày 10-4, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (SFDA) bác bỏ cáo buộc bao che xì-căng-đan tảo spirulina nhiễm chì của giới truyền thông. Nhưng không có lửa làm sao có khói?
Từ đầu năm, dư luận quần chúng và một số tờ báo Trung Quốc phản ánh “thực phẩm kỳ diệu” spirulina – một loại tảo xoắn giàu đạm, vitamin và axít amin - bán trên thị trường Trung Quốc dưới dạng viên nén bị nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân, toàn là kim loại nặng độc hại, quá mức cho phép. Người ta còn chỉ đích danh những nhãn hiệu danh tiếng như By-Health và Green A.
SFDA tự mâu thuẫn
Tháng 2 vừa qua, SFDA mở một đợt kiểm tra đặc biệt thực phẩm chức năng tảo spirulina dạng viên nén. Ngày 30-3, SFDA chính thức thông báo kết quả kiểm tra 13 nhãn hiệu tảo spirulina trên trang web của mình. Các nhà điều tra nói đã phát hiện 3 nhãn hiệu là hàng giả (Onice, Conice, Hongyangshen) và 1 nhãn hiệu (Cont-healthy) của Công ty Dược phẩm Xinfulai, tỉnh Phúc Kiến, chứa hàm lượng chì và thạch tín vượt mức cho phép. Conice và Cont-healthy được quảng cáo có xuất xứ từ Mỹ còn Onice là sản phẩm của Úc.

Trại nuôi trồng tảo spirulina ở hồ Trịnh Hải, Vân Nam. Ảnh: PLANET BIO
Cũng theo thông báo trên, sản phẩm tảo spirulina của 9 công ty Green-A, By-Health, Jinaoli, Chenghai Lake, Green Classic, B&H, Shengaolikang, Gaozhi và Shirulan đều chứa hàm lượng chì trong giới hạn cho phép là 2 mg/kg sản phẩm.

Thông báo trên làm giới truyền thông Trung Quốc thật sự bất ngờ. Bởi ngày 29-2 và sau đó ngày 5-3, SFDA gửi thông báo nội bộ cho các chi nhánh cấp tỉnh và các cơ quan trung ương có nội dung hoàn toàn khác được hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã (THX) đưa tin. Bản tin THX còn cho biết tảo spirulina của Trung Quốc bị nhiễm chì tràn ngập thị trường và nêu tên 13 sản phẩm tình nghi nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân vượt mức cho phép.
Tất cả các nhãn hiệu của 9 công ty đều chứa kim loại chì vượt chuẩn quốc gia, do đó bị xếp vào loại kém chất lượng cần thu hồi. Vậy mà 1 tháng sau, tên 9 công ty đều “biến mất”.
SFDA vốn có tiền án tiền sự trong quá khứ mà đỉnh điểm là vụ cựu cục trưởng SFDA Trịnh Tiêu Du bị xử tử hình năm 2007 về tội ăn hối lộ. Liệu lần này các quan chức SFDA có đi theo vết xe cũ hay không? Theo nhật báo Tham chiếu Kinh tế thuộc Tập đoàn THX, một số người trong các công ty có vấn đề giải thích rằng sở dĩ có chuyện “không đạt chuẩn” biến thành “đạt chuẩn” là nhờ có chiến thuật PR (quan hệ công chúng) phù hợp với SFDA.
 0,5 mg/kg hay 2 mg/kg?
Để làm sáng tỏ nghi vấn SFDA có ăn hối lộ hay không, THX tổ chức một cuộc điều tra riêng, mang 8 mẫu thực phẩm chức năng spirulina dạng viên nén mua tại các cửa hàng thuốc tây, siêu thị và trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hồ Bắc đem đi xét nghiệm tại các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập.
Tảo spirulina Green A nhiễm chì vẫn còn được bày bán trên kệ siêu thị
Bắc Kinh sau khi bị SFDA đánh giá “không đạt chuẩn”. Ảnh: T.L
Kết quả cho biết 6/8 mẫu đều bị nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân vượt chuẩn. Đặc biệt, viên tảo mang nhãn hiệu Mỹ Cont-healthy chứa hàm lượng chì vượt mức đến 820%! Có nghĩa là ai uống nhầm sản phẩm này sẽ bị đau bụng, thiếu máu và động kinh. Các hệ tiêu hóa, thần kinh và sinh sản bị tổn hại.

Điều đáng nói là các mẫu đem đi xét nghiệm của THX đều được kiểm định hàm lượng kim loại nặng theo mức tối đa cho phép là 0,5 mg/kg đối với mọi sản phẩm. Đây là tiêu chuẩn quốc gia do Cục Giám định Kỹ thuật Nhà nước ban hành năm 1997 áp dụng cho mọi sản phẩm, đến nay vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, trong thông báo ngày 30-3, SFDA lại dùng chuẩn 2 mg/kg sản phẩm để đánh giá chất lượng tảo spirulina dạng viên nén. Theo bảng chuẩn quốc gia, mức 2 mg/kg sản phẩm chỉ áp dụng cho bột uống và viên bao con nhộng.
Tại sao SFDA lại nhập nhằng giữa viên nén và viên bao con nhộng khi đánh giá sản phẩm tảo spirulina của 9 công ty nói trên? Tờ Tin tức Bắc Kinh đặt vấn đề với SFDA. Câu trả lời của SFDA là “chưa có tiêu chuẩn rõ ràng đối với viên nén tảo spirulina. Chuẩn 2 mg được hầu hết chuyên gia chấp nhận vì liều lượng tương đương với bột uống. Họ còn cho biết tiêu chuẩn của châu Âu cao hơn nhiều, đến 3 mg/kg”.
Tờ Tham chiếu Kinh tế cũng thắc mắc: “Nhưng cách đây 1 tháng, tại sao các quan chức SFDA tuyên bố với báo chí rằng họ dùng chuẩn 0,5 mg/kg?”. Cũng theo tờ báo này, do 2 thông báo của SFDA “chửi nhau”, ngày 9-4, Viện Công tố Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra các quan chức SFDA theo hướng nghi vấn tham nhũng. Tờ Tham chiếu Kinh tế đã cung cấp cho các công tố viên những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra riêng.
Chưa được quan tâm đúng mức
Giải thích thái độ bất nhất của SFDA, ông Dali Yang, giáo sư chính trị học Trường Đại học Chicago, nhận xét rằng tuy có cố gắng cải thiện tính minh bạch và tăng cường kiểm tra chất lượng dược phẩm, SFDA thiếu nhân sự có chất lượng và bị quá tải. Theo chuyên gia về SFDA này, công tác kiểm tra chất lượng thảo dược ở Trung Quốc đã không được quan tâm đúng mức và đó là kẽ hở để những kẻ xấu – những công ty sản xuất tảo spirulina vô lương tâm - lợi dụng.
THX dẫn lời một người giấu tên am hiểu tình hình ở tỉnh Vân Nam, nơi cung cấp 40% tảo spirulina nuôi trồng trong hồ Trinh Hải cho khắp thế giới, cho biết: “Các công ty thường dùng bột tảo thứ cấp có hàm lượng chì, thạch tín và thủy ngân rất cao để bào chế viên nén tảo spirulina. Làm như vậy, công ty giảm được giá thành sản phẩm và thu được lợi nhuận lớn”. 
(NLĐO) – Chính quyền tỉnh Giang Tô – Trung Quốc vừa phát hiện loại chất phụ gia có tên “Vua loài thịt” dùng để chế biến thịt và có tác dụng như thuốc phiện.

Khi được thêm chất phụ gia này, thịt có màu đỏ đẹp, hương thơm đặc biệt, có tác dụng gây nghiện nên khiến người dân càng ăn càng thèm.

Giáo sư Mạc Bảo Khánh thuộc trường Đại học Y Nam Kinh khẳng định phụ gia “Vua loài thịt” là một hỗn hợp các chất phụ gia, trong đó có chứa chất chlorine để làm chất xúc tác, gây tổn hại tới sức khỏe con người. 
Theo một số đầu bếp tại Nam Kinh, chất phụ gia này có mặt ở hầu hết các cửa hiệu và họ thường gọi đó là những chất ma thuật.

Hộp chất phụ gia “Vua loài thịt” (Ảnh: SINA)
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xảy ra bê bối an toàn thực phẩm. Liên quan đến thịt, báo chí Trung Quốc từng đưa tin về một loại bột trộn vào thức ăn cho heo ăn để có được những sản phẩm thịt tươi ngon và nhiều nạc. Loại bột này có tác dụng tạo nạc, hạn chế mỡ phát triển trong cơ thể heo vì thế sẽ cho hiệu quả kinh tế tối đa.

Các chuyên viên y tế cho biết việc ăn loại thịt heo có chứa chất tạo nạc có thể khiến bạn phải đối mặt với cảm giác đau đầu, chóng mặt, rối loại chức năng tim, tiêu chảy và những hệ lụy không mong muốn khác.

Ngoài ra, người dân nước này còn phải đối mặt với nạn sữa nhiễm melamine, giá đỗ nhiễm độc, dầu bẩn…
 
Thịt heo có chứa chất tạo nạc có thể làm người dùng bị đau đầu, chóng mặt, rối loại chức năng tim…
(Ảnh: CCVIC.COM)
Hơn 100.000 quả trứng vịt muối và 2,2 tấn muối công nghiệp độc hại dùng để sản xuất loại thực phẩm này đã bị tịch thu ở thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, tờ Shanghai Daily đưa tin ngày 3-6.


Các cán bộ quản lý thị trường và cảnh sát Giang Môn đã đột kích vào một cơ sở sản xuất trứng vịt muối rạng sáng 1-6 sau khi nhận được tin tố giác cơ sở này sử dụng muối công nghiệp có chứa nitrit - một phụ gia bị cấm do có khả năng gây ung thư - vào đêm hôm trước.

Đến lượt trứng vịt muối của Trung Quốc chứa chất gây ung thư. Ảnh: china.org.cn
Tại cơ sở rộng khoảng 50 m², ông chủ họ Lưu và hai công nhân bị bắt giữ cùng tang vật là 40 bao muối công nghiệp và 102.200 quả trứng vịt muối, trị giá 57.000 nhân dân tệ (khoảng 9.048 USD). Lưu cho biết giá muối công nghiệp chỉ ở mức 500 - 800 nhân dân tệ/ tấn, trong khi muối ăn lên đến 1.000 nhân dân tệ/ tấn. Cơ sở này bán  ra thị trường hơn 3.000 quả trứng vịt muối/ ngày, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm số trứng "bẩn" nhưng thừa nhận rất khó khăn, vì hầu hết chúng tuôn ra thị trường với số lượng lớn ra thị trường mà không có nhãn mác. 
Trứng vịt muối là thực phẩm truyền thống của Trung Quốc, được làm bằng cách ngâm trứng vịt trong nước muối hoặc đóng gói từng quả trứng bằng hỗn hợp than/vỏ trấu ẩm ướt với muối ăn. Trứng vịt muối được ăn nhiều vào mùa hè khi tiết trời nóng bức khiến nhiều người ăn uống không ngon miệng. 
Đây là vụ bê bối mới nhất về an toàn thực phẩm đang xảy ra hàng loạt ở đất nước đông dân nhất thế giới. Ngay cả người Trung Quốc cũng không dám ăn thực phẩm sản xuất trong nước, bằng chứng là 73% người được hỏi thừa nhận không yên tâm, theo thăm dò của Tân Hoa Xã 
Một số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung Quốc gần đây có thể kể đến bắp cải xịt formaldehyde, dầu ăn chiết từ nước cống, thịt pha phụ gia gây nghiện…Nguồn : Người Lao Động

Singapore chỉ mặt băng đảng Trung Quốc trộm đồ trên máy bay
TNO) Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore vừa công bố những con số cho thấy có những băng đảng từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, chuyên lấy trộm tài sản của hành khách đi máy bay.Công dân Trung Quốc Diệp Lương Phúc (Yue Liangfu), 32 tuổi, bị kết án 9 tháng tù giam hồi tháng 7.2013 vì hành vi lấy trộm đồ của hành khách trên chuyến bay của SilkAir cách đó 1 tháng - Ảnh: MediaCorp
 
Trong vài năm gần đây, các chuyến bay của các hãng hàng không Singapore - gồm Singapore Airlines (SIA), SilkAir và Tigerair - liên tục bị đối mặt với nạn hành khách bị trộm đồ.
Thủ phạm trên phương tiện lưu thông được coi là cao cấp này không ai khác hơn là các công dân Trung Quốc.
Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore (AGC) - cơ quan tương đương Viện KSND tối cao của Việt Nam - hôm 31.12 cho hay, cảnh sát nước này đã bắt 47 tên trong năm 2013. Con số của năm 2012 là 36.
Điều đáng lưu ý là trong số các tên trộm này, phần đông đến từ tỉnh Hà Nam. Có 41 tên bị bắt năm 2013 và 29 tên bị bắt năm 2012 đến từ tỉnh trung đông của Trung Quốc này.
AGC tin rằng những tên này thuộc các băng đảng tội phạm có tổ chức.
Truyền thống ăn cắp!
Những con số mà AGC đưa ra không hề làm ngạc nhiên những người đến từ Hoa lục.
Phó giáo sư Lý Minh Giang (Li Ming-jiang) từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore nói với báo Straits Times rằng người Hà Nam vốn “nổi tiếng” trộm cắp.
“Tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, ấn tượng chung của mọi người là những hành động tội phạm như buôn bán trẻ em, lừa đảo, bán đồ dỏm... nhiều khả năng là do người Hà Nam thực hiện”.
Thầy giáo Diêu Lạc Giang đến từ thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, cũng thừa nhận: “Người Hà Nam xưa nay vốn chẳng có danh giá gì mấy ở Trung Quốc. Nay tin này lại càng đổ thêm dầu vào lửa”.
Là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc với hơn 100 triệu người, Hà Nam cũng là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong cả nước.
“Độc chiêu” trộm trên máy bay
Qua điều tra nhiều vụ, AGC cũng đúc kết được công thức hoạt động của những tay trộm Hà Nam như sau:
Từ Đại lục, Macau hoặc Hồng Kông, bọn này bay qua Singapore và dừng lại trong vòng một ngày, sau đó bay tiếp sang các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Indonesia và Campuchia.
Trên mỗi chuyến bay của SIA, SilkAir hay Tigerair, bọn này luôn đi 2 tên.
Chọn lúc các hành khách khác say ngủ, một trong hai tên này sẽ đi mở ngăn hành lý trên đầu hành khách, lấy những chiếc túi có khả năng chứa đồ có giá trị như túi đựng máy tính, túi xách tay.
Tại chỗ ngồi của mình, tay này lục lọi túi xách và lấy đi những tài sản quý giá, đưa cho tên thứ hai, rồi trả túi xách lại chỗ cũ.
Trong nhiều vụ, do tình thế bất lợi, tay trộm không thể giao của lấy cắp cho đồng bọn, nên nhét đại trong nhà vệ sinh trên máy bay.
Đề phòng
Sau quá nhiều vụ trộm lặp đi lặp lại, các hãng hàng không Singapore cho biết trước khi máy bay cất cánh, tổ bay có phát thông báo nhắc hành khách lưu ý những tài sản quý giá, không để trong hành lý ở cabin phía trên đầu, cũng như báo với tiếp viên nếu thấy có hành vi khả nghi.
Bên cạnh đó, tiếp viên của các hãng này cho biết họ cũng tăng cường theo dõi những cử động của hành khách suốt chuyến bay.
Tigerair còn nói họ sẵn sàng cấm bay những tội phạm và nghi phạm mà họ biết.
Trong khi đó, AGC cho hay họ đang theo dõi sát sao chiều hướng của loại tội phạm mới này. “Nếu đà tăng này cứ tiếp diễn và nhận thấy cần phải tăng mức án của loại tội trạng này, chúng tôi sẽ kiến nghị lên tòa án vào thời điểm thích hợp”, đại diện AGC nói.
Hiện tại, theo luật hình sự Singapore, hành vi trộm này này có mức án tối đa 3 năm tù giam và phạt 10.000 SGD (168 triệu đồng).
Cho đến thời điểm này, mức án cao nhất mà tòa Singapore tuyên phạt những tên trộm Trung Quốc là 16 tháng tù giam, được đưa ra hồi tháng 9.2013.
Nghị sĩ Hri Kumar Nair, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp và Nội vụ của Quốc hội, ủng hộ việc xử lý nghiêm hơn các tên tội phạm có tổ chức này.
“Những tên này không trộm đồ vì bộc phát lòng tham mà là có kế hoạch chu đáo. Ngoài ra, hành động của chúng còn làm tổn hại ngành hàng không và ngành du lịch vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta. Chưa kể, nó cũng ảnh hưởng uy tín của SIA, vốn là một hãng hàng không danh giá và là biểu tượng của Singapore”, ông Nair nói.
Thục Minh (Văn phòng Singapore)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét