Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Vụ Cát Tường: Không tìm thấy thi thể thì đành chịu?

Vụ Cát Tường: Không tìm thấy thi thể thì đành chịu?
Liên quan đến vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng phi tang, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho biết: "Chưa thể khẳng định có khả năng tìm thấy xác hay không, nhưng nếu không thấy thì cũng đành phải chịu". Trước đó, quan điểm của Giám đốc Công an Hà Nội là phải tìm bằng được xác bị phi tang.
Gia đình nạn nhân vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thi thể chị Huyền

Trả lời báo chí về vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết sau hơn 50 ngày nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

"Chưa thể khẳng định có khả năng tìm thấy xác hay không, nhưng nếu không thấy thì cũng đành phải chịu", ông Hiếu nói.

Theo Thứ trưởng, quan điểm của Bộ là "chứng cứ đến đâu xử lí đến đó", dù việc tìm kiếm không có kết quả thì nghi phạm vẫn phải bị đưa ra xét xử.

Trước đó, chiều 29/10, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã khẳng định: “Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Cơ quan công an quyết tâm phải tìm thấy xác nạn nhân”.

Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn đánh giá: “Vẫn xử được dù không tìm thấy thi thể người chết nếu truy tố ông Tường về 2 tội danh đã truy tố”.

Luật sư Tám phân tích, trong vụ án này có rất nhiều bằng chứng vật chất khác ngoài thi thể của nạn nhân có thể được thu thập làm chứng cứ của vụ án. 

Chẳng hạn như, lời khai của ông Tường, của các nhân viên ở viện thẩm mỹ, của vợ ông Tường, của bảo vệ Khánh; các bằng chứng như phiếu thu, chứng từ, hóa đơn thu giữ ở viện thẩm mỹ cho thấy có sự hiện diện của chị Huyền ở Cát Tường. Rồi 11 ống xi lanh hút mỡ của nạn nhân; những nhân chứng như cô gái đến viện thẩm mỹ sửa mũi chứng kiến thấy Khánh cầm túi nylon loại lớn; những dấu vết còn để lại trên chiếc xe ô tô chở xác nạn nhân…

Ông Tám diễn giải thêm, chẳng hạn như chất dịch từ người chết tiết ra để lại trên xe, một sợi tóc của nạn nhân trên xe ô tô, chiếc điện thoại của nạn nhân… Tất cả những cái này đều là nguồn chứng cứ, là cơ sở để buộc tội đối với ông Tường.

“Nhưng nếu khởi tố, truy tố ông Tường về tội danh "giết người" thì bắt buộc phải tìm thấy thi thể nạn nhân. Bởi theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo chỉ buộc tội bị cáo giết người nếu tìm thấy thi thể, giải phẫu tử thi, chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi bị vứt xuống nước, thì mới đủ cơ sở buộc tội ông Tường”, luật sư Tám nhận định.

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong trường hợp không tìm thấy thi thể chị Huyền thì án đến đâu, xử lí đến đó, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty luật TNHH Fanci cho rằng: "Phải căn cứ xem Bộ Công an làm được đến đâu thì mới có kết luận đến đó, tùy thuộc theo số lượng chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được, không thể nói 1 câu đơn giản là không tìm thấy xác thì không truy tố".

Có những vụ có hành vi giết người nhưng chưa giết được nhưng đủ chứng cứ thì vẫn có thể truy tố, tức là cứ có căn cứ và đủ chứng cứ cấu thành tội phạm là truy tố được. Theo luật sư Tú, việc có tìm thấy thi thể chị Huyền hay không không hẳn là yếu tố bắt buộc để truy tố bác sĩ Tường tội giết người.

"Để có căn cứ truy tố về tội danh giết người, Bộ Công an phải thu thu thập đầy đủ những chứng cứ về tất cả các yếu tố có liên quan đến vụ việc. Giết người là cố tình tước đoạt trái phép tính mạng của người khác, vì vậy nếu có đủ chứng cứ về việc bác sĩ Tường cố ý giết người thì có thể truy tố được. Phải xem công an điều tra được những căn cứ nào".
Trong khi đó, từ khi chị Lê Thị Thanh Huyền bị bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác xuống sông Hồng đến nay, gia đình nạn nhân vẫn nỗ lực tìm kiếm mà chưa tìm được thi thể. 

Người nhà nạn nhân cho biết: “Gia đình chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm xác cháu Huyền, ai mách chỗ nào chúng tôi cũng đến địa điểm đó với mong muốn tìm được xác cháu sớm”.
Mới đây gia đình đã được sự giúp đỡ từ giáo sư Vũ Văn Bằng (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) dùng máy bức xạ từ kiểm tra ở một số địa điểm nhưng vẫn chưa có kết quả.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét