Hiển thị các bài đăng có nhãn Cha Mẹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cha Mẹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Vu Lan này, con về mẹ vui lắm!

Con đã nói với mẹ rằng, chỉ cần có tình yêu của gia đình, con sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu có vấp ngã phải không?

Con gái!

Mẹ viết những dòng này khi nhìn con và em đang say ngủ, bỗng bao kỷ niệm xưa cũ ùa về. Nghĩ mà vui con ạ!

Mẹ mang nặng đẻ đau hơn chín tháng, sinh ra con từ khi còn là giọt máu đỏ hỏn. Bao nhiêu mệt nhọc và lo lắng trước đó chỉ tan biến hết khi nghe tiếng con khóc và tận mắt nhìn thấy con lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Đứa con gái đầu của mẹ vừa sinh ra đã bụ bẫm và trắng trẻo, mẹ bật khóc và trong lòng vui sướng biết bao nhiêu!

Ông trời ban cho mẹ một bầu sữa ngọt lành, tưới mát hồn con một thuở ấu thơ. Sẽ chẳng bao giờ quên được cái ánh mắt tròn xoe, trong veo, khi bất chợt con đang bú lại ngước lên nhìn mẹ, như thể “yên tâm” rằng mẹ vẫn ở đây! Hồi ấy con khó tính lắm, gần như chẳng cho ai bế cả. Bao đêm con ốm, con khóc, bố có muốn bế đỡ cho mẹ ngả lưng một chút cũng không được. Có lần mẹ vắng nhà, con khóc đòi bú, bố nhờ sữa hàng xóm nhưng con nhất định không chịu…

Thế mà con gái mẹ khi lớn lên lại khác hẳn, mạnh mẽ lắm! Hôm đầu đi nhà trẻ, con không khóc, cũng chẳng quyến luyến khi mẹ về. Con ngoan ngoãn rời tay mẹ, chạy sang phía cô giáo. Vậy mà chẳng hiểu sao trưa hôm ấy, đang lúi húi với mâm cơm dưới bếp thì nghe tiếng hàng xóm ới, chạy lên đã thấy con đứng trước cửa. Con đi bộ từ trường về nhà. Thực ra cũng chỉ cách vài trăm mét thôi, nhưng mẹ không hiểu sao con có thể đi về như thế mà không ai biết nữa.

Con gái của mẹ thích hoa. Không biết mẹ đã quát con bao nhiêu lần vì cái tật suốt ngày hái hoa đồng nội về làm rác hết cả nhà rồi nhỉ? Có lần mẹ xin được cho con một cây hồng nhung, con thích lắm, chăm chỉ tưới nước cả ngày. Đến khi nó nhú được cái nụ xanh non mơn mởn, chẳng may gặp phải cơn bão mà gãy. Con buồn, con khóc và mẹ dỗ dành thế nào cũng chẳng ăn cơm. Còn chuyện hái bèo, con có nhớ không? Con với bạn ra sông hái hoa bèo chơi đồ hàng, bất cẩn thế nào con bị ngã. Thật may là có người ở gần đấy cứu! Nhìn con về nhà trong bộ dạng ướt sũng còn lấm lem bùn ao, mẹ vừa hoảng hốt vừa giận. Mẹ khóc rồi đánh con một trận lằn cả mông. Thế mà con cắn môi im re, không khóc lấy một tiếng.

Vào cấp III, con ra dáng một người chị đảm trong gia đình, một người trò ngoan ở trường và một thiếu nữ duyên dáng trong mắt các bạn nam đồng lứa. Con bắt đầu biết quan tâm và chăm chút hơn đến vẻ bề ngoài của mình. Con cũng có nhiều mối quan hệ hơn…

Mẹ nhớ nhất một lần, con đi sinh nhật bạn về khuya, mẹ nhắc nhở và mắng con. Con cãi. Mẹ không giữ được bình tĩnh và tát con. Đó cũng là cái tát cuối cùng bởi sau này mẹ không bao giờ đánh con nữa. Con tức tưởi bỏ về phòng và đóng sầm cửa lại. Lúc ấy, lòng mẹ đau lắm. Cảm giác cánh cửa đóng lại là con lại xa mẹ hơn một chút nữa rồi!

Sáng hôm sau, vừa thức dậy con đã chạy lại ôm và ngả trên lưng mẹ thủ thỉ, rằng “Cho con xin lỗi!”.Con biết không, thực ra cả đêm mẹ cũng chẳng thể nào chợp mắt nổi, mẹ cũng muốn nói lời xin lỗi con nhưng thật khó làm sao! Mẹ hiểu rằng những cái ẩm ương ở cái tuổi mới lớn của con cũng như mẹ ngày trước: đặc biệt nhạy cảm, dễ tự ái và cứng đầu. Mẹ cũng giống như con, thật sự khó khăn để vượt qua cái ngưỡng “người lớn” của mình. Thực sự muốn con hãy hiểu cho mẹ rằng, mẹ chẳng hề dễ dàng như con vẫn nghĩ!

Thi Đại học, bố mẹ hoàn toàn để con chọn trường theo nguyện vọng của mình. Con làm một hồ sơ vào một trường kinh tế thuộc dạng Top trong không ít ngỡ ngàng của thầy cô và bạn bè. Mọi người hiểu rõ học lực của con, chỉ không ngờ con lại kiên quyết đến thế. Thầy chủ nhiệm bảo mẹ động viên con làm thêm vài bộ hồ sơ để có thể linh động thay đổi khi đến sát kỳ thi. Mẹ nhớ lúc ấy bố nói với con “Hãy theo đuổi điều mà con thích. Chỉ cần con nhớ, nếu sức mình đã từng gánh được 1kg, thì lần này con chỉ nên thử với 8 lạng. Còn bố mẹ tôn trọng quyết định của con!”. Và con không thay đổi!

Con đậu ĐH với điểm số cao. Từ đó đến giờ là chuỗi bốn năm dài con sống tại Thủ đô nhiều hơn ở nhà. Thời gian đầu con mới ra Hà Nội, bữa cơm gia đình bỗng trở nên thiếu vắng hẳn. Dần dà rồi cũng quen... Cuộc sống nơi đất khách đòi hỏi sự ganh đua, bon chen và không ít mệt mỏi, nhưng con không bao giờ gọi cho bố mẹ những lần con ốm, mà bố mẹ thường chỉ biết khi con kể về sau hoặc qua lời cô bạn cùng phòng. 

Con cũng không bao giờ quên chúc mừng bố mẹ hay động viên em mỗi khi có sự kiện quan trọng. Học tập và rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện khiến con trở nên năng động và lớn hơn rất nhiều. Có những cuộc điện thoại vội vàng, ngắn ngủi, chỉ để mẹ nghe con cười hay nói một câu “Mọi việc ngoài này vẫn ổn!”.

Giờ đây, con đã ra trường và có một công việc ổn định, mái đầu mẹ thì đã phai nhạt màu thời gian. Con cũng đã gặp được một chàng trai hiền lành, hiểu biết và yêu thương con nhiều như mẹ đã từng. Chẳng bao lâu nữa, con sẽ khoác lên mình bộ váy trắng tinh khôi mà ngày bé mỗi lần mẹ chở con trên chiếc xe đạp cũ qua tiệm áo cưới, con vẫn thường nhìn nó và ước ao, dù chỉ với ánh mắt long lanh của một đứa trẻ còn ngây thơ. Khoác tay người đàn ông mà con hết mực yêu thương, mỉm cười bước đi trong sự chúc phúc của mọi người, và con trở thành cô dâu xinh đẹp, dịu dàng nhất trong mắt mẹ.

Con có gia đình, rồi con sẽ lại trải qua những khó khăn, vất vả, cả cái ngưỡng “người lớn” giống mẹ đây. Nhưng mẹ tin rằng đứa con gái đầy bản lĩnh của mẹ sẽ luôn cố gắng vượt qua tất cả mà làm tròn vai trò của mình cho dù ở đâu, và vị trí nào.

Chẳng ai ngoài bố mẹ có bổn phận phải luôn yêu thương con. Nên nếu chẳng may có một lúc nào đó trên đường đời mà cả thế giới quay lưng lại với con, hay con bỗng thấy mất niềm tin vào mọi thứ, thì hãy nhớ giữ niềm tin cho chính bản thân mình, và chạy về bên mẹ. Lúc ấy, tấm thân gầy yếu ớt có thể chẳng còn đủ sức lực mà bước đi, hay dù đã mắt nhắm tay buông thì hãy nhớ là mẹ mãi yêu con, và linh hồn mẹ vẫn mãi theo con! 

Con đã nói với mẹ rằng, chỉ cần có tình yêu của gia đình, con sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu có vấp ngã phải không? Bố mẹ và cả chàng trai ấy sẽ luôn giữ cho con cái điểm tựa thật vững chãi đó, con gái ạ! Mẹ hứa!

Hôn con!

Tái bút: Vu Lan này, con về mẹ vui lắm!

Theo: Kenh14.vn
______________________________________________
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

"Bạn nên bỏ thi Đại học để bớt gánh nặng cho mẹ cha..."

Sẽ chẳng còn cảnh bố mẹ bạn đày nắng hàng tiếng đồng hồ để chờ bạn thi xong. Sẽ chẳng có cảnh bố mẹ vội vàng sấp ngửa, trằn trọc hàng đêm để lo cùng bạn, thức cùng bạn... Nếu bạn biết dũng cảm từ bỏ thi ĐH...

Hàng trăm ngàn sĩ tử trên cả nước đang dồn hết tâm sức cho các đợt thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2013. Trong những ngày qua, nhiều câu chuyện, hình ảnh ấn tượng về các thí sinh và phụ huynh đã khiến nhiều người xúc động, nhưng cũng để lại nhiều nghĩ suy.

Chúng tôi nhận được bài viết thể hiện những trăn trở của bạn đọc Nguyễn Thanh Bình (quê Nam Định) xung quanh vấn đề thi đại học với nhiều góc nhìn mới. Xin gửi tới bạn đọc nguyên văn bài viết này.
----------//----------
Những ngày tháng 7 này, không khí thi cử đang tràn ngập trên khắp cả nước khi hàng trăm ngàn sĩ tử đang tham dự kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2013. Đi qua khu vực các trường thi, cảnh tượng hàng nghìn bậc phụ huynh đứng chờ con bên ngoài đã trở nên quen thuộc, thật đúng với câu “cả nhà đi thi”. Tôi như thấy lại hình ảnh của mình 7 năm về trước, khi tôi đang cặm cụi làm bài thi trong phòng thì cha tôi đội nắng đứng đợi bên ngoài cùng hàng ngàn phụ huynh khác.

Mới đây, đọc một bài báo viết về chuyện nhiều phụ huynh thức trắng đêm để lo cho con thi đại học, hay những giọt nước mắt lặng lẽ trong đêm của một người cha khi biết con mình thi không tốt, tôi đã vô cùng xúc động. Nhiều bạn đọc cũng đã comment dưới bài viết thể hiện sự xúc động giống tôi trước tình thương bao la, sự chăm sóc không gì sánh được của cha mẹ dành cho con đang thi đại học. 

Nhưng cũng có những comment đặt ra câu hỏi “Nghe những câu chuyện như vậy, thấy những hình ảnh cha mẹ đội nắng vạ vật chờ con như vậy, bạn có suy nghĩ gì? Nếu phải lựa chọn, bạn có dám từ bỏ việc thi đại học để cha mẹ không phải có những đêm thức trắng, không phải chờ trong nắng, khóc trong đêm không?”.

Đó cũng là những trăn trở, những điều tôi suy nghĩ trong nhiều năm qua và muốn chia sẻ, cũng như muốn đặt câu hỏi đó cho các bạn.
"Bạn nên bỏ thi Đại học để bớt gánh nặng cho mẹ cha..."
Bạn suy nghĩ gì khi thấy cha mẹ mình vạ vật giữa trời nắng nóng để chờ bạn thi đại học? Ảnh: Dương Linh.

Tôi không đặt câu hỏi trên cho những bạn có đủ năng lực, sự yêu thích và quyết tâm khi lựa chọn thi tuyển vào các trường đại học. Tôi đặt câu hỏi ấy cho những bạn đi thi đại học chỉ vì "học hết lớp 12 thì tất nhiên phải đi thi đại học", "đi thi cho bằng bạn bằng bè" và cho cả không ít bạn đi thi với niềm tự an ủi"Biết đâu may mắn sẽ đỗ"... dù biết rõ, với sức học của mình, điều đó thật là... xa vời.

Cách đơn giản nhất khi biết rõ sức mình, khi hiểu rằng mình không thể vượt qua, đó là Dừng lại. Điều này không đồng nghĩa với thoái lui, từ bỏ mơ ước. Mà đó là tỉnh táo và thực tế, biết lượng sức mình đến đâu, để rồi tìm một đường đi đúng đắn hơn, hợp với mình hơn. Nhưng thật ít bạn đủ dũng cảm để nói lời Dừng lại. 

Bạn sợ đối mặt với những ánh nhìn thắc mắc của bè bạn: "Sao cậu lại không thi đại học à. Cậu sẽ làm gì nếu không học đại học?". Bạn sợ xung quanh sẽ chê cười nếu mình thừa nhận không đủ sức để đỗ đại học. Bạn sợ phải nói với bố mẹ rằng: "Con không thể đỗ đại học được đâu, con sẽ chọn một con đường khác".

Dù bạn biết rõ, nếu mình Dừng lại, bố mẹ sẽ bớt chuỗi ngày lo lắng, trằn trọc trong suốt kì thi đại học của bạn, gia đình bạn có thể sẽ bớt tiêu tốn một khoản chi phí cho kì thi. Rộng hơn, giảm bớt những thí sinh "biết mình không thể đỗ", áp lực mà kì thi đại học tạo ra cho xã hội sẽ giảm đi rất nhiều... 

Bố mẹ bạn có thể sẽ nuôi hi vọng trong 1 tháng, 2 tháng, từ khi bạn đi thi cho đến khi bạn biết kết quả. Nhưng để làm gì, nếu đó là niềm hi vọng không thể thành sự thực? Có đáng để cả gia đình bạn và bạn phải vất vả, khổ sở cho một điều như thế?

Cách đây mấy năm, tôi đi thi đại học với một sự chấp chới và gần như biết chắc mình không thể đỗ vì lực học của tôi cũng chỉ ở mức trung bình. Nhưng vì việc thi đại học được xem như là một lẽ dĩ nhiên khi học hết lớp 12 nên tôi cũng hào hứng đi thi như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi tôi bước ra từ phòng thi đại học, tôi đã vô tình nghe được một thí sinh nói với người cha đang đứng đợi giữa trời nắng rằng: "Chắc con trượt rồi bố ạ. Từ đầu con đã xác định thế rồi mà". Chứng kiến cái thở dài, cái cúi đầu lặng lẽ của người cha vừa nghe con mình nói tỉnh bơ như vậy, tôi giật mình và bất giác lo sợ. 

Năm đó, tôi trượt đại học. Mặc dù bố mẹ động viên tôi thi tiếp năm sau, bố mẹ sẵn sàng bỏ tiền cho tôi lên thành phố ôn luyện, nhưng tôi đã quyết định sẽ không thi đại học nữa mà đi học nghề sửa chữa điện lạnh. Bởi tôi biết rõ sức học của mình, tôi sợ ôn luyện một năm sẽ tiêu tốn nhiều tiền bạc của bố mẹ mà không đem lại kết quả gì. Tôi không muốn làm bố mẹ tôi hi vọng để rồi thất vọng vì tôi biết mình sẽ không thể thi đỗ. Tôi sợ nếu cứ cố thi tiếp, tôi sẽ phải chứng kiến cái thở dài và ánh mắt buồn rười rượi của cha tôi giống như câu chuyện tôi vừa kể về cậu học sinh ở trên. Vậy nên, tôi quyết định Dừng lại!

Cho đến bây giờ, càng ngày tôi càng thấy quyết định ngày đó của mình là đúng đắn. Với nghề điện lạnh đã học được, tôi đã mở một cửa hàng sửa chữa của riêng mình và có nguồn thu nhập ổn định từ nó. Ngoài việc tự lo được cho bản thân, mỗi tháng tôi cũng biếu bố mẹ được một khoản tiền nho nhỏ.

Tôi đã làm như vậy. Còn bạn, những người đi thi đại học mà biết mình sẽ không thể đỗ hay coi kì thi đại học là một cuộc dạo chơi được chăng hay chớ, bạn sẽ làm gì?

Có nhiều con đường đến với thành công và vào đại học chỉ là một trong những con đường đó. Nhưng đôi khi, người ta bị ánh sáng của con đường này làm mờ mắt, lầm tưởng đó là con đường độc đạo mà quên mất rằng còn nhiều con đường khác. Hãy suy nghĩ lại, hãy chọn và đi con đường dành cho mình, phù hợp với mình, đừng cố gồng mình chạy theo người khác để rồi cảm thấy mệt mỏi và hối tiếc!
Có nhiều con đường đến với thành công, vào đại học chỉ là một trong số đó. Bạn có đủ tự tin, nghị lực và niềm tin để dám bước đi trên con đường dành cho mình, phù hợp với mình?

Một điều nữa khiến tôi băn khoăn là tại sao cứ mỗi mùa thi đến, người ta có thể dễ dàng nhận ra một thí sinh lên thành phố dự thi qua hình ảnh phụ huynh tay xách nách mang đi cùng. Phải chăng cứ đi thi đại học là phải có người nhà đi theo đưa đón, phục vụ?

Ở đây, tôi không bàn đến việc tại sao cha mẹ lại chấp nhận đứng giữa trời nắng suốt mấy tiếng đồng hồ để chờ con thi bên trong, mặc dù đã có người cho rằng “làm vậy mệt mỏi mà chẳng giải quyết được gì, lại còn có thể gây thêm áp lực cho sĩ tử”. Bởi vì dù thế nào, đó cũng là cách cha mẹ quan tâm, lo lắng khi các con mình bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời; là vì “con đi thi lo một, cha mẹ lo gấp mười” nên các ông bố, bà mẹ bất chấp cái nắng thiêu đốt để đứng ngoài cổng trường – nơi gần con nhất có thể - để đồng hành cùng con trong kì thi.

Tôi đặt thắc mắc này cho các bạn, những sĩ tử đi thi đại học. Không lẽ, nếu không có bố mẹ đưa đón đến trường thi, không có bố mẹ tháp tùng từ quê lên thành phố thì bạn không thể tự mình vượt qua kì thi đại học?

Bạn có thể trả lời rằng: "Thi đại học rất quan trọng nên cần bố mẹ đưa đi cho yên tâm", rồi thì "chưa lên thành phố lần nào, không có bố mẹ đi cùng thì biết làm sao"... Nhưng theo tôi, xét cho cùng, đó chính là hậu quả của việc nhiều sĩ tử vốn chỉ biết cắm đầu vào học mà không biết rèn luyện cho mình những kĩ năng khác của cuộc sống, dẫn tới sự phụ thuộc, ỷ lại vào bố mẹ, không thể tự độc lập giải quyết khó khăn nên đi đâu, làm gì cũng phải kéo theo bố mẹ, dựa vào bố mẹ. Khi nghe đến đây, có thể bạn sẽ lý luận rằng "tự bố mẹ muốn đưa đi đấy chứ", nhưng đã bao giờ bạn có suy nghĩ, có ý định hay một lần nói với bố mẹ là "Con sẽ tự đi thi đại học được một mình" chưa?

Từ trước đến nay, hình ảnh mỗi sĩ tử đi thi là có ít nhất một người nhà đưa đón, tháp tùng, phục vụ đã trở nên quá quen thuộc, gần như là mặc định như vậy. Điều này kéo theo hệ quả là khu vực quanh trường thi luôn chật cứng phụ huynh chờ con gây ách tắc giao thông, rồi các bến xe luôn rơi vào tình trạng quá tải, chật cứng người đến ngạt thở mỗi khi sĩ tử và người nhà đến hay rời khỏi thành phố vào mỗi mùa thi đại học. Bên cạnh sự cực nhọc mà sĩ tử và người nhà phải chịu đựng, điều đó còn gây ra những áp lực rất lớn cho xã hội, tiêu tốn những nguồn lực không hề nhỏ của xã hội.

Thi đại học là một kì thi rất quan trọng với những áp lực khủng khiếp đè lên vai thí sinh dự thi vì nhiều lý do từ gia đình, xã hội. Nhưng xét cho cùng, nó cũng chưa là gì với những khó khăn, chông gai mà bạn sẽ gặp phải trong chặng đường dài của cuộc đời phía trước. Vậy thì, bạn hãy thử một lần tự mình vượt qua thử thách thi đại học, tự mình đi thi mà không cần bố mẹ vất vả, bỏ công bỏ việc để đưa đi. Chắc chắn, bạn sẽ có cảm giác tự tin hơn và có những trải nghiệm bổ ích trong cuộc đời mình.

Theo: Kenh14.vn

Blog Tinh Yeu |Blog Cam Xuc |Blog Cuoc Song |Blog Cam Xuc |Goc Yeu Thuong |Qua Tang Cuoc Song |Hat Giong Tam Hon |

______________________________________________ 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Cảm động bộ tranh "Cha yêu con theo cách của cha"

Bộ tranh mang tên "Cha yêu con theo cách của cha" đang chiếm được tình cảm yêu mến của rất nhiều cư dân mạng.

Với thông điệp "Tình yêu của Cha đôi khi khó nhận ra, nhưng không có nghĩa là không tồn tại. Người vẫn yêu chúng ta theo cách của riêng Người...", bộ tranh "Cha yêu con theo cách của cha" quả thực là một điểm nhấn nhắc nhở những người con luôn biết ơn công lao dạy dỗ, tình yêu thương vô bờ bến mà thầm lặng của những người Cha vĩ đại. 

Bên cạnh dòng sữa ngọt ngào, sự chăm sóc tảo tần, những giọt nước mắt, cái xiết chặt thương con của Mẹ, nhiều người còn được lớn lên trên bờ vai vững chắc, bên những giọt mồ hôi thầm lặng của Cha. Vậy nhưng, có đôi khi trong cuộc đời, chúng ta lại không thấu hiểu và cảm nhận được hết tình thương yêu của Cha, để rồi có những lời nói, hành động khiến Cha đau buồn.

Theo những dòng chia sẻ của thầy Khắc Hiếu, dù Cha ít khi chuyện trò tâm sự, nhưng không có nghĩa là Cha không cần con gần gũi sẻ chia... Dù cha luôn nghiêm khắc, kỷ luật nhưng đó là cách dạy dỗ của riêng cha. Dù có khi Cha nặng tay đánh con, nhưng đằng sau những đòn roi ấy, nước mắt Cha cũng đang lặng lẽ tuôn rơi.

Bộ tranh đang nhận sự chú ý và chia sẻ rất nhiều từ các cư dân mạng. Nét vẽ đơn giản nhưng nội dung lại ẩn chứa hàm ý sâu xa, bộ tranh là một bài học đáng nhớ về tình mẫu tử dành cho tất cả mọi người. Dù cách thể hiện tình cảm của Cha, của Mẹ có khác nhau, nhưng hãy biết trân trọng và thấu hiểu nỗi lòng của cả Cha và Mẹ.
Cảm động bộ tranh "Cha yêu con theo cách của cha"
Cảm động bộ tranh "Cha yêu con theo cách của cha" 1

Theo: Kenh14.vn
______________________________________________
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Blog Radio 290: Xin mãi luôn có cha bên đời!

Blog Radio 290: Trong không khí những người con hướng về cha với những tình cảm chân thành tốt đẹp nhất, mời các thính giả Blog Radio dành 30' của chương trình dành tặng cha những tình cảm trân trọng, thân yêu nhất. 

Đặc biệt cùng chia sẻ, cảm thông với những lá thư của những người con mà cha đã không còn ở bên họ. Mong bạn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia và sức mạnh trong những ngày tiếp theo dẫu hôm nay không có cha bên mình. Và rất nhiều thính giả khác, chúng ta sẽ trân trọng, yêu thương hơn phút giây có ba bên mình... 

Lá thư trong tuần: Những thông điệp của các thính giả Blog Radio gửi tới đấng sinh thành qua trang Fanpage của Blog Radio

Con thèm được gọi bố mỗi ngày!

“Mẹ ơi sao mọi người có bố, có cha mà con lại không có? Hay mẹ mua bố khác về cho con đi!”

Tôi còn nhớ như in lúc 3 tuổi tay tôi cầm tấm ảnh của bố, miệng tôi nói với mẹ như vậy. Mẹ chẳng biết nói gì với sự thơ ngây cuả 1 đứa bé 3 tuổi mà chỉ biết khóc.

Tôi không được may mắn như nhiều đứa trẻ khác, lúc mới 2 tuổi bố tôi ra đi vì 1 căn bệnh hiểm nghèo bỏ lại 2 mẹ con côi cút nuôi nhau nơi đất khách quê người. Mẹ tôi một mình nuôi tôi ăn học đến nơi đến chốn, thà nhịn đói cho con ăn học tử tế chứ không để khổ như mẹ.

Lúc bố ra đi, tôi nào đâu biết mặt bố nhưng mẹ bảo tiếng nói đầu đời của tôi là tiếng "bố" chứ không phải tiếng mẹ như mọi người, lúc mới biết nói tôi chỉ biết gọi "bố", chẳng biết nói từ khác. Mọi người thỉnh thoảng cứ hỏi mày đã bao giờ mơ thấy bố chưa? Thực sự là chưa bởi không biết mặt bố làm sao mà mơ được?

Nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa được bố cõng đi chơi, được bố đánh khi nó mải chơi không chịu học bài mà tôi thấy tủi thân vô cùng, tôi rơm rớm những giọt nước mắt như lúc tôi đang ngồi viết nhật ký này đây. Tôi cũng mong mình có bố như mọi người, mong được bố cõng đi chơi khắp xóm, mong được bố khuyên những lời khuyên chân thành, mong được bố đánh mỗi khi mình hư hỏng, mong được tâm sự cùng bố mỗi khi mình thích một ai đó, mong được thấy cả nhà mình cùng ăn chung 1 mâm cơm do mẹ nấu, mong được gọi từ "bố" mỗi ngày...
Blog Radio 290: Xin mãi luôn có cha bên đời!
"Con mong lắm bố ạ, con muốn được gọi thật to 2 tiếng "bố ơi!". Có thể bố sẽ không bao giờ nghe thấy tiếng con gọi nhưng con muốn nói con yêu bố rất nhiều. Con thèm lắm cảm giác có bố bởi con đâu biết cảm giác có bố sẽ hạnh phúc như thế nào? Không có bố, mẹ con con phải sống trong tủi nhục bao năm qua, bị người ta bắt nạt, bên ngoại thì xa xôi, bên nội thì gần như cắt đứt liên lạc, họ chẳng bao giờ đoái hoài đến con nhưng con vẫn yêu họ lắm, bởi họ dù sao cũng là máu mủ ruột thịt của con. Có thể họ chẳng nhớ hoặc trong tâm trí họ chẳng bao giờ có con nhưng con vẫn yêu họ bởi họ vẫn là nguồn gốc của con.

May mắn thay, cuộc đời không quá bất công với con khi con còn có mẹ, người đã tần tảo nuôi con ăn học, vất cả sớm hôm để con nên người. Nhưng bù lại con đã là được gì cho mẹ? Có thể trong mắt mọi người con là một đứa con ngoan, hiếu thảo nhưng con vẫn thấy mình không xứng với điều đó, con chưa thực sự ngoan, thỉnh thoảng hay cãi lời mẹ làm cho mẹ buồn.

Từ nhỏ đến giờ lúc nào con cũng thấy buồn, buồn vì nhiều chuyện, nhưng nỗi buồn lớn nhất là không được gọi tiếng "bố". Những lúc con vui con vẫn thấy trong lòng mình man mác buồn. Có lẽ đến đây thôi, con không viết tiếp nữa bởi con sợ mình sẽ khóc."

Nhật ký về cha
Ngày 6 tháng 6 năm 2013

Một tháng sau ngày cha mất, mọi chuyện cũng tạm ổn dần. Mẹ ít khóc hơn nhưng lâu lâu Mẹ lại nhắc về Cha. Thấy cái gì liên quan đến Cha là Mẹ lại nhắc rồi nước mắt Mẹ cũng rơi làm con cũng xót. Mẹ nói “ Nếu Cha con không mất vào lúc này thì Cha con sống thọ lắm”. Con cũng nghĩ như Mẹ nhưng đâu có ngờ số phận này cướp mất Cha đi rồi. Cướp Cha đi bất ngờ quá khiến con không hiểu nỗi lí do là gì.

Từ ngày Cha mất con về nhà ba lần nhưng chỉ thấy nét buồn trên gương mặt của cả nhà mình và không khí hiu quạnh đến se lòng. Tiếng cười duy nhất có được khi vui đùa và nhìn thấy sự ngây thơ, vô tư của đứa cháu nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Nhưng mỗi lần nhìn thấy nó là con lại nghĩ tới Cha vì nó có nét hơi giống Cha và Cha cưng nó lắm. 

Khi Cha còn bên gia đình mình, nó cũng đeo Ông Ngoại suốt, cứ gọi “ Ông Ngoại ơi! Ông Ngoại đâu rồi?” Thế nhưng từ ngày Cha đi xa nó chẳng gọi “Ông Ngoại ơi” nữa. Mẹ hỏi nó “Ông Ngoại đâu rồi con?”, nó trả lời ngọng nghịu “Ông Ngoại ngủ..chết rồi..” Con thương nó lắm vì nó giờ này cũng giống con lúc nhỏ. Tuổi thơ của con, con chẳng có tí ký ức nào về Ông Bà vì từ nhỏ cả Ngoại và Nội đều mất sớm. Con không biết được cảm giác được gọi Ông Bà như thế nào và cũng không cảm nhận được tình thương của Ông Bà là gì. Nhưng từ nhỏ đã như thế nên con cũng quen dần.

Đây là lần thứ ba con về nhà, là lần đầu tiên con xuống xe tốc hành mà không có ai đón con về. Con bước đi trong mưa từ ngoài lộ lớn hết 20 phút mới vào đến nhà mình vì nhà mình ở trong con đường nhỏ. Con cũng không biết diễn tả cảm xúc của mình lúc đó như thế nào nữa, Một cảm xúc mà trước giờ con chưa từng có. Về đến nhà chỉ còn đươc thấy Mẹ, anh Hai và anh Ba, con ước gì con còn được nhìn thấy Cha và được Cha “la” con rằng “ Trời mưa sao không đục? Có ướt áo không con?” Nhưng rồi đó chỉ là hy vọng và chút ký ức về những gì đã qua, còn bây giờ con phải đối diện với cái hiện tại này…
Con về được một tuần rồi con lại đi. Và con chẳng còn biết cảm giác vui khi về nhà là thế nào nữa. Ở nhà một tuần bao ký ức về Cha cứ xuất hiện trong đầu con, con nghĩ về cha và cảm giác buồn nhiều hơn khi con ở Thành Phố. Ở Thành Phố con có thể tạm thời quên đi nỗi đau này bởi nhịp sống ồn ào nơi Đất lạ nhưng về nhà có quá nhiều thứ quen thuộc làm con nao lòng.

Và đây cũng là lần đầu tiên con đi lên Thành Phồ cũng không có ai đưa con ra xe vì ai cũng bận bịu. Cảm xúc bây giờ chỉ có thể tóm gọn trong một từ “nhói”. Lúc trước còn có Cha, mỗi lần con đi là cả nhà mình đều xúm xít lại khi con chuẩn bị hành trang lên thành phố và anh Ba là người đưa con ra xe, rồi Cha và Mẹ luôn nhìn theo từng bước chân của con vậy mà giờ đây…chỉ mình con lẻ loi tự bước đi một mình.

Bây giờ nước mắt con không rơi nhiều nữa, những lúc nhớ và nghĩ về cha con thấy cay cay nơi khóe mắt. Mỗi buổi tối khi ngồi bên cái máy tính con lại buồn và không thể nào ngăn được cảm xúc của mình, chênh vênh, hụt hẫng lắm. Bao nhiêu cảm xúc cứ rối bời. Con sợ nhất là cái cảm giác đau lắm nhưng nước mắt không rơi được.Gía như nước mắt có thể rơi để vơi đi nỗi đau này. 

Những lúc con cần khóc thì nước lại không rơi chỉ có thể khóc trong suy nghĩ, trong lòng mình... Con không biết là mình quá mạnh mẽ hay vì con đã chai lì với những cảm xúc. Có quá nhiều nỗi buồn xảy ra trong cuộc sống của con khiến con hận cuộc đời này và hận cả bản thân mình. Hận đời này vì nó bất công và phủ phàng, đắng cay và nghiệt ngã với con, với những người thân con yêu thương nhất. Và con hận cả bản thân mình vì đã 20 tuổi đầu mà con vẫn không chiến thắng nỗi mình, con chưa làm được điều gì cho gia đình mà chỉ khiến cả nhà phải lo lắng cho con. 

Đôi lúc con ghét mình lắm, sống thế nào để rồi khi nhìn lại quá khứ chỉ thấy buồn và tiếc nuối cho những gì đã qua. Giờ đây không còn được Cha che chở và lo lắng cho con nữa, con nhận ra mình phải tự bước đi trên con đường này mặc dù cuộc đời chông chênh theo từng bước chân của con. Con sẽ cố để không gục ngã trước số phận mặc dù con đã té rất đau và đang dần ngã quỵ. Con sẽ cố đứng dậy và bước đi thật vững vàng để không phụ tình thương mà Cha đã dành cho con và những gì mà Cha đã lo cho con có được ngày hôm nay và con biết ở nơi xa đó Cha luôn dõi theo đứa con gái út này. Con thương Cha nhiều lắm…!

Gửi từ Van Nguyen <angmaynho@>
Chốn bình yên xa xăm
“01665376XXX” – “ Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc đươc” . Dẫu biết rằng đầu dây bên kia sẽ vang lên câu nói ấy, nhưng sao tôi vẫn cứ bấm những con số ấy trong vô thức. Hình như nó đã là thói quen của tôi kể từ ngày đó, cái ngày mà ông trời đã mang ba rời xa tôi mãi mãi. 

Hằng ngày tôi vẫn tự hỏi tại sao ba không giữ lời hứa chứ, ba từng nói ba sẽ luôn nhắn tin cho con gái cơ mà. Đứng canh mộ ba tôi như đang ở nơi cuối con đường, nước mắt hay nước mưa đang rơi nhỉ?” Ba à, ba khỏe không”, “ Ba à, ba ăn cơm chưa” …. “con nhớ ba lắm” chỉ mong được nói chuyện cùng ba, chỉ mong những tin nhắn tôi gửi đi được báo 2 chữ “thành công” nhưng đó vẫn là giấc mơ, một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Phải chi thời gian quay lại, phải chi con trò chuyện cùng ba nhiều một chút, phải chi con có thể nói một lần rằng: “ con yêu ba” thì giờ đây con đã không phải hối tiếc đến thế này. Trước đây có ai đã từng nói: “ vô tư quá cũng là một cái tội” giờ đây tôi đã thấu hiểu, hiểu để trưởng thành hơn, hiểu để sống tốt hơn, hiểu để trân trọng những gì đang có.

Giờ đây khi cuộc sống của mỗi người trong gia đình đã trở về binh thường, mẹ , anh và chị bắt đầu lại công viêc và tôi cũng đã bận rộn cho bài báo cáo thực tập tôt nghiệp nhưng hằng đêm hình ảnh ba vẫn luôn hiện lên trong tôi để rồi để tự hỏi mình : “ cái gì đang rơi thế không biết, sao mắt mình lại cay thế này”. Cuộc đời là một bộ phim dài tập và ba à con đã cùng ba trải qua 22 tập, 22 năm sống trong tình thương sự bảo boc, che chở của ba, con thầm cảm ơn duyên phận đã đưa con đến là con gái của ba. 

Tôi vẫn luôn tự bảo rằng sẽ cố gắng hơn, mạnh mẽ hơn một chút nhưng sao khó quá, một vết thương không biết bao giờ lành. Ở nơi xa ấy tôi biết ba vẫn luôn âm thầm dõi theo bước chân của chị em tôi, ba vẫn như ngày nào quan tâm lo lắng dù là những lúc công tác xa hay ở tận trời cao xa xăm kia. Ba không muốn con gái ba khóc, không muốn con buồn vì vậy mà lặng lẽ ra đi, ra đi mà không gặp chị em con lần cuối. Nhưng ba à, tha lỗi cho đứa con hư này, con sẽ vẫn khóc, vẫn đau nhưng rồi khi nhìn lại những yêu thương đã qua, những hạnh phúc đã có trong quá khứ con sẽ đứng dậy nhanh thôi, một ngày nào đó đứng trước mộ ba con sẽ mỉm cười thật tươi ba nhé.

Đúng là khi mất đi mới biết cảm giác đau là thế nào? hi vọng tất cả mọi người luôn trân trọng những gây phút hạnh phút bên người thân của mình vì đó là những giây phút vĩnh cửu, hãy nói rằng ban yêu họ nhiều lắm vì trong vô số người trên trái đất này vì sao lại có duyên là người thân của nhau. Con sẽ mạnh mẽ hơn đổi lại ba phải sống tốt nha, con sẽ vẫn nhắn tin, gọi điện hằng ngày ba sẽ không bao giờ cô đơn vì mẹ và chị em con luôn cạnh ba. “ Con yêu ba” ba vẫn đang nghe đúng không? Bình yên ba nhé!

Theo: Blogviet.com.vn
______________________________________________ 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/