Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Dục. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo Dục. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Giáo dục công dân, ngoại ngữ và 'Giá trị Việt Nam'

Giáo dục công dân, ngoại ngữ và 'Giá trị Việt Nam'
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Việc thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ có sự thay đổi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngoại ngữ rồi sẽ là môn bắt buộc, hướng tới học để biết, để giao tiếp chứ không phải để thi.
Ngoài ra, Bộ dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Có thể cộng điểm thưởng cho những học sinh là tấm gương điển hình về đạo đức, lối sống... Sự thay đổi nhằm tới 2 vấn đề, nhắm thẳng vào 2 môn trong nhà trường: Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Xin được phép lạm bàn về 2 điều này.

2. Cùng nhìn sang Singapore, một mảnh đất hiếm tài nguyên, khan hiếm ngay cả nước ngọt, có trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới được không, nếu ở đó không có cái tên Lý Quang Diệu, nhà kiến tạo với triết lý nổi tiếng: “Công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore”.

Lý Quang Diệu quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học. Ông khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa.

Thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa khó xin việc làm, đặc biệt là trong khu vực công vì không thông thạo tiếng Anh. Lý Quang Diệu đã có một quyết định triệt để: sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore trở thành Đại học Quốc gia Singapore.

Việc này gây ảnh hưởng lớn, ngay các giáo sư nổi tiếng nói tiếng Hoa cũng buộc phải học để dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối mạnh mẽ.

Nhưng Lý Quang Diệu đã đúng. Qua ba thập kỷ nhiệm quyền, Singapore đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên nghèo nàn.

Hiện đại và truyền thống tạo nên giá trị quốc gia.

Chuyện học Ngoại ngữ ở Singapore đã từ cách đây nhiều thập kỷ. Còn Việt Nam, đây có phải là bài học?

3. Đã có rất nhiều lo ngại về vấn đề đạo đức học đường. Giáo sư Hoàng Xuân Sính, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ.

Thực tế, rất nhiều trẻ con Việt Nam hiện nay mất dần những đức tính rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Đó là sự khuyết thiếu của “Giáo dục công dân”.

Nói đến môn Giáo dục công dân, chúng ta cần nhìn sang “giá trị Nhật Bản”.

Nước Nhật được thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ. Là nước công nghiệp nhưng Nhật đã và đang thực hiện một chương trình Giáo dục đạo đức dưới sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước. Mục đích giáo dục của Nhật là nhằm bảo tồn “Giá trị xã hội” truyền chúng lại cho thế hệ sau.

Theo nghiên cứu của nhà giáo Nhà giáo Ưu tú Châu An, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Nhật đề ra cụ thể 6 mục tiêu và 3 trọng điểm rõ ràng.

6 mục tiêu được ghi trong khung chương trình quốc gia nhằm đào luyện con người có: Tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống; Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống và sáng tạo văn hóa giàu tính cá nhân; Tinh thần nỗ lực hình thành và phát triển một xã hội và đất nước dân chủ; Có đóng góp cho sự phát triển một thế giới hòa bình; Có thể tự quyết định một cách độc lập; Có ý thức đạo đức: Kỷ luật, tự kiềm chế, tinh thần tập thể....

Ba trọng điểm gồm: Lòng tôn trọng cuộc sống - Quan hệ cá nhân và cộng đồng - Ý thức về trật tự dọc (Kỷ luật xã hội). Ý thức về trật tự dọc là tôn ti xã hội nghiêm ngặt và là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của quốc gia Nhật Bản.

Theo nhà giáo Châu An, nguyên nhân chủ yếu khiến giáo dục Nhật Bản thành công là do chính trật tự dọc này. Nó đã chuyển hóa vào các đơn vị cơ sở của xã hội, bao gồm cả trường học. Trật tự dọc bắt nguồn từ gia đình, từ trường học, đến các cộng đồng… các thành viên thuộc nhiều thế hệ gắn kết với nhau bởi tình cảm tự nhiên hơn là bởi mục đích khác. Tập thể mới tạo nên sức mạnh. Điều đó góp phần tạo nên Giá trị Nhật Bản.

Trong giáo dục cần những người thầy. Chúng ta có thể coi người Singapore hay người Nhật là thầy mình, ít nhất là trong cách tiếp cận môn Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Ảnh 3D giải phẫu bộ não người

Ảnh 3D giải phẫu bộ não người
Chùm ảnh dưới đây sẽ đem đến cho bạn cái nhìn rõ nét và hiểu hơn về bộ não con người – cơ quan “đầu não” của cơ thể. Bộ sưu tập hình ảnh bộ não người của tiến sĩ Rhoton.
Não phải
Bộ não con người nặng khoảng 1,4kg, bao gồm chất béo, các mô và tế bào thần kinh. Nó có tới một nghìn tỉ tế bào thần kinh làm việc với nhau để điều phối các hoạt động thể chất và quá trình tâm thần của con người.

Vừa qua, bằng cách sử dụng phần mềm 3D trực tuyến, tiến sĩ Albert Rhoton của ĐH Florida (Mỹ) đã thu thập và tạo ra một thư viện tuyệt vời về hình ảnh giải phẫu não người. Những mạch máu được nhuộm màu xanh và đỏ sẽ giúp cho các bác sĩ phẫu thuật có cái nhìn tinh tế hơn về cấu trúc não người với độ chuẩn xác cao.

Bộ não được phân chia thành 2 bán cầu đối xứng - não trái và não phải. Dù hoạt động cùng nhau, nhưng não trái thiên về suy nghĩ mang tính phân tích và lý trí cùng khả năng ngôn ngữ, trong khi đó, năng lực tập trung, sáng tạo, sâu sắc phụ thuộc vào não phải. Hình ảnh trên ghi lại phần não phải của chúng ta.


Ở hình ảnh này, phần bán cầu não trái đã gần như được loại bỏ, để lộ phần bề mặt não phải cùng điểm trung gian. Trên hình, các động mạch và tĩnh mạch ở não “chạy ngoằn ngoèo” qua các mô não.

Dịch não tủy (CSF) là một chất lỏng không màu, nằm ở trong đệm não và có chức năng bảo vệ cho não. Dịch não tủy hình thành chủ yếu trong hệ thống não thất, do sự bài tiết của đám rối màng mạch trong não. Đám rối này nằm trong hai não thất bên, số lượng dịch não tủy ở người trưởng thành khoảng 140ml và được đổi mới từ 3 – 4 lần trong 24 giờ.


Tiểu não vẫn nhận được thông tin từ các bộ phận khác, thông qua các kết nối đến một phần của não gọi là cầu não.

Tiểu não là phần thần kinh trung ương nằm ở hố sọ sau, ngay phía sau thân não. Tiểu não gồm một thuỳ nhộng ở giữa và hai bán cầu tiểu não ở hai bên. Trên bề mặt tiểu não có nhiều khe chia tiểu não ra làm nhiều thuỳ. Tiểu não dính vào thân não bởi 3 cặp cuống tiểu não trên, giữa và dưới.

Các phần của thân não có cấu tạo chất trắng ở ngoài, chất xám nằm sâu bên trong. Còn tiểu não thì ngược lại, chất xám phủ bên ngoài, tạo nên vỏ tiểu não, chất trắng bên trong tạo nên thể tuỷ. Ngoài ra còn có các nhân xám tiểu não như nhân răng, nhân cầu…


Hình ảnh này cho thấy các “bề mặt dưới chẩm” của tiểu não, chụp từ dưới lên.

Tiểu não là một cơ quan kiểm soát và điều chỉnh các vận động cả tự động lẫn chủ động, có chức năng điều hòa trương lực cơ, qua đó giữ thăng bằng cho cơ thể. Tiểu não sẽ truyền những xung động đi xuống (qua các bó tiểu não – tiền đình, tiểu não – nhân đỏ ở não giữa) để điều hòa trương lực cơ và giữ thăng bằng cho cơ thể.


Sau khi vùng tiểu não được loại bỏ, phần phía trên cùng của cột sống xuất hiện. Đây được gọi là phần trên cùng của tủy sống, gắn với vùng não gọi là tủy não. Nó giữ chức năng quan trọng là sự phản xạ. Tủy não gồm chất xám ở giữa và bao quanh bởi chất trắng.


Toàn bộ máu nuôi não trở về tim qua hai hệ thống tĩnh mạch: hệ sâu và hệ nông. Hệ tĩnh mạch sâu nhận máu của các tổ chức dưới vỏ não và hệ tĩnh mạch nông nhận máu từ các tổ chức vỏ não. Các tĩnh mạch hợp nhất lại thành các xoang tĩnh mạch màng cứng đưa máu về tim qua hai tĩnh mạch cảnh trong. Hình ảnh trên ghi lại tĩnh mạch lớn ở trong não (được hiển thị bằng màu xanh).

Tuyến tùng có hình dạng giống như quả tùng nhỏ, nằm gần trung tâm, giữa hai bán cầu có nhiệm vụ tạo ra melatonin dẫn xuất từ serotonin – hormone tác động lên nhịp thức/ngủ cũng được nhìn thấy ở đây.


Tuyến yên có hình hạt đậu và trọng lượng cũng chỉ bằng hạt đậu. Nó nằm dính liền dưới não và được che chở bằng một cấu trúc xương. Những hoá chất do tuyến tiết ra đi thẳng vào máu để được dẫn đi khắp cơ thể. Được gọi là “tuyến tổng thể,” tuyến yên giải phóng kích thích tố, điều tiết sự tăng trưởng, kiểm soát hoạt động của các tuyến nội tiết khác.


Vùng Brainstem (trên cùng cột sống, gần cổ) là khu vực quan trọng bậc nhất trong sự phát triển bộ não. Nó điều khiển toàn bộ phản xạ như giật mình, khóc, đồng thời duy trì các chức năng cơ bản như thở, huyết áp, nhịp tim và giấc ngủ REM. Vùng Brainstem còn kiểm soát một số cảm xúc, đặc biệt là sự lo lắng cũng giúp giữ bình tĩnh.

Các tế bào thần kinh ở vùng này cũng chịu trách nhiệm truyền cảm giác, thông tin giữa não và cơ thể qua thân não.


Hình ảnh các dây thần kinh và động mạch ở “góc cầu tiểu não” – điểm giữa tiểu não và cầu não. Những dây thần kinh này sẽ có nhiệm vụ chuyển thông tin giữa tiểu não và phần còn lại của não. Do đó, các bác sĩ phẫu thuật rất cẩn thận khi tiếp cận các dây thần kinh, mạch máu này.

Tình thương

Tình thương
"Thương hai em bé mồ côi
 Áo không đủ ấm... lặng ngồi co ro 
Thương em chị vẫn chở che 
Em ơi ngoan nhé...chị cho ân tình. 
Tôi nhìn chỉ biết lặng thinh 
Cầu mong hạnh phúc...yên bình cho em". 
Bức ảnh đã nhận được hơn 40.000 lượt like, gần 600 lượt chia sẻ, cùng với những bình luận bày tỏ sự cảm thông, đau xót cho số phận của hai em nhỏ. Không biết rồi mai này đây dòng đời sẽ xô đẩy hai em đi về đâu...?
Ảnh được đăng tải trên tạp chí Time theo cùng bài viết cực kỳ cảm động của David Von Drehle. Bức ảnh chụp một đôi nam nữ ôm nhau chết trong đống đổ nát, đã chạm tới trái tim của hàng triệu người trên thế giới. Một vòng tay luôn dang rộng, luôn che chở. Cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, vòng tay ấy vẫn không bao giờ buông ra.

Trong ảnh là những người dân Nam Định đang ân cần chăm sóc một người đàn ông nhặt ve chai bị ngất dọc đường. Giữa cái nắng oi bức, vì đói vì mệt người đàn ông này đã lả đi, nhưng nhờ có bàn tay giúp đỡ của những người qua đường nên đã tỉnh lại. Hành động đẹp ấy thực sự làm xúc động lòng người.

"Yêu thương đâu phải mỗi con người, ở các loài động vật chúng cũng có những cách yêu thương riêng". Bức ảnh đã thu hút được hàng nghìn người quan tâm, có tới 31.000 lượt like, 600 lượt chia sẻ bức ảnh.

"Mẹ ơi con hiểu một điều
 Khi con mất mẹ như diều đứt dây
 Cuộc đời như ớt chín cây 
Trái ngọt thì ít trái cay thì nhiều. 
Mẹ ơi con chịu bao điều 
Nhưng không chịu nỗi thân diều đứt dây".
 “Con đã mất bố rồi, mẹ đừng bỏ con đi nhé”. 
Bức ảnh đã nhận được hơn 41.000 lượt like, hầu hết cư dân mạng "quệt ngang nước mắt" bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh cùng số phận của nhân vật.

Dù khuôn mặt của cha bị biến dạng vì điện giật, nhưng cô bé Scarlette vẫn hôn lên khuôn mặt và yêu quý người cha của mình. Bức ảnh được hàng nghìn cư dân mạng chia sẻ nhau xem với tốc độ chóng mặt.
"Dấu chân mẹ dãi dầm thân cát bụi 
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời nuôi con..."

"Dù thế nào bố vẫn yêu con".

Nhớ đàn con đã hy sinh

"Tình cha con". Bức ảnh ghi lại cảnh, một người con (khoảng 42 tuổi) đang gắp từng miếng bún nhẹ nhàng đưa lên miệng cho cha mình ăn, tại điểm dừng xe Bù Đăng (Bình Phước, Việt Nam). Ảnh khiến hàng nghìn người xem phải xúc động, trước tình cảm mà người cha già nhận được từ đứa con trai hiếu thảo của mình. Những hành động đơn giản của cuộc sống tưởng chừng ít ai quan tâm đến, tuy nhiên nhiều lúc những hành động nhỏ đó lại trở thành một điều gì đó vô cùng quý giá và đẹp đẽ.

"Thiêng liêng hai tiếng gia đình"

"Con sẽ là cánh tay của mẹ, mẹ nhé?"

"Đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ của bạn thôi, sẽ giúp thay đổi cuộc sống của một ai đó. Hãy cố gắng sống thật tốt và thật có ích nhé!"












ảnh trên mạng

Những lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014

Những lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014
Mạng xã hội Facebook ngày càng kém hấp dẫn hơn đối với người dùng.
Đã bao giờ bạn tự nói với mình rằng sẽ từ bỏ Facebook và cảm thấy mạng xã hội này đang dần trở nên nhàm chán? Có vẻ như sang năm tiếp theo, sự "nhàm chán" trên Facebook sẽ còn tiếp tục phát triển thêm cao hơn. Gần đây, rất nhiều người trẻ tuổi đã từ bỏ Facebook để gia nhập những mạng xã hội khác nhau. Nếu như bạn đang muốn từ bỏ Facebook và chưa có lý do chính đáng? Dưới đây sẽ là 9 điều trên Facebook trong năm tới có thể sẽ làm bạn khó chịu.
1. Chẳng ai quan tâm tới những gì bạn nói trên Facebook nữa
Những cập nhật trạng thái, hình ảnh đăng tải và kể cả ngày sinh nhật cũng dần nhận được ít sự quan tâm hơn trên Facebook. Đối với một số người, qua mỗi năm thì lượng bạn bè chúc mừng sinh nhật trên Facebook ngày càng giảm mạnh. Điều này có thể đơn giản được lý giải bằng việc mọi người không chú ý tới bạn, thế nhưng thực chất vấn đề tới từ sự nhàm chán của người dùng với hành động đó.
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 1
Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều mạng xã hội xuất hiện với các tác dụng khác nhau. Nếu như người dùng muốn chia sẻ ảnh, họ sẽ làm điều đó trên Instagram, muốn check-in họ sẽ thực hiện điều này với Foursquare... không có nhiều người dùng muốn sử dụng Facebook để tổng hợp tất cả những hành động đó nữa.
2. Facebook không còn "riêng tư" như ngày nào
 9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 2
Nếu như trước đây, bạn từng tự hào vì chẳng ai có thể theo dõi mình trên Facebook bởi khả năng tùy chỉnh giúp bạn dường như biến mất trên mạng xã hội. Có vẻ như điều này không còn đúng nữa, Facebook đã tái cấu trúc lại cách thức tìm kiếm, kết bạn và tính năng Graph Search có thể tìm ra rất nhiều bài viết khác nhau nếu bạn không tùy chỉnh chúng chính xác. Hãy thử tưởng tượng mọi hành động của bạn đều bị theo dõi và có rất nhiều người đang "đùa cợt" với những thông tin bạn đăng tải, bạn nghĩ sao về điều đó?
3. Phụ huynh cũng "chơi Facebook"
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 3
 
Ngày một nhiều người lớn tuổi tham gia mạng xã hội Facebook, không những để cập nhật những xu hướng công nghệ mới mà người lớn còn dùng Facebook như công cụ để quản lý con cái. Rất nhiều trường hợp những người dùng Facebook trẻ tuổi đã bị phụ huynh bắt quả tang khi làm những hành động sai trái hoặc nói những điều không làm cha mẹ hài lòng. Tất nhiên, tất cả những điều bố mẹ muốn đều tốt cho con cái, thế nhưng việc quản lý thông qua mạng xã hội phần nào làm mất đi sự tự do của mỗi người dùng.
4. Những bức ảnh... đáng giấu đi bỗng nhiên xuất hiện
 9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 4
Nếu như phụ huynh dễ tính và sử dụng mạng xã hội để hòa nhập cùng con mình, sẽ có những hình ảnh "xấu hổ" như trên xuất hiện ngay ở trang cá nhân của bạn.
5. Facebook làm cho chúng ta bi quan hơn
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 5
 
Rất nhiều nghiên cứu đã xác nhận quan điểm này, thời gian sử dụng Facebook càng lớn, sự cô độc và bi quan của người dùng càng tăng lên. Nghiên cứu gần đây của trường đại học Utah còn cho thấy ngoài việc làm cho người dùng cô độc, bi quan, Facebook còn làm giảm khả năng học tập cũng như các hoạt động cộng đồng của người dùng. May mắn rằng sự bi quan và cô độc này không đúng với nhiều người sử dụng Facebook.
6. Những lời mời kết bạn kì lạ
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 6
 
Công cụ giới thiệu bạn bè mới của Facebook cho phép người dùng tìm kiếm người thân dễ dàng hơn, thế nhưng đôi lúc công cụ này cũng phản tác dụng. Một ngày nọ, sẽ ra sao khi có hàng chục người bạn không hề hay biết gửi tin nhắn kết bạn sau đó theo dõi nhất cử nhất động của bạn trên mạng xã hội? Nếu như bạn là một người muốn có nhiều bạn bè "ảo", đây sẽ là điều tốt. Thế nhưng, nó sẽ trở thành sự phiền toái với đại đa số người dùng còn lại.
7. Lượng bạn bè được quan tâm trên Facebook ngày một ít đi
Facebook cũng giống như cuộc sống thật, con người chỉ tương tác với những đối tượng mà chúng ta thật sự thân thiết cũng như thật sự quan tâm tới. Bạn có nhận ra rằng số bạn bè bạn tương tác trên Facebook đang ngày một ít đi?
8. Các mối quan hệ trên Facebook xuất hiện ngày một nhiều.
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 7
 
Anh A đang hẹn hò với chị B, chị B đính hôn với anh A... Những thông tin này xuất hiện ngày một nhiều hơn trên Facebook. Vào năm vừa qua, hoạt động phổ biến nhất trên Facebook chính là việc "đặt mối quan hệ" với một người khác. Nếu như bạn đã tìm thấy "nửa còn lại" hoặc không quan tâm tới những gì bạn nhìn thấy, các mối quan hệ xuất hiện hàng loạt trên Facebook sẽ không làm phiền bạn. Thế nhưng nếu bạn đang độc thân, có lẽ bạn nên tránh xa Facebook một thời gian.
9. Quảng cáo ở khắp mọi nơi
9 lý do để... từ bỏ Facebook trong năm 2014 8
 
Ban đầu xuất hiện ở thanh công cụ phía bên phải, giờ đây những quảng cáo len lỏi vào từng trang cá nhân, trang chủ, những tài khoản cũng được sử dụng với mục đích quảng cáo. Mới đây nhất, Facebook còn áp dụng tính năng quảng cáo dạng video tự chạy bắt buộc người dùng phải xem cho dù họ có ghét tới mức nào. Giờ đây việc đầu tiên khi bạn vào Facebook sẽ không còn là kiểm tra tin nhắn hay những thông báo nữa, mà đó sẽ là... xem quảng cáo.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Bát phở thưởng tết cho người thầy

Chuyện này năm nào cũng được nhắc tới. Nhưng thôi đành; hy sinh đời mình cho học sinh để thế hệ sau làm được gì đó cho đời hết bất công như hiện nay.
Bát phở thưởng tết cho người thầy
Người thầy ở đây là giáo viên với phấn trắng bảng đen trên khắp đất nước này. Tết đến, nhiều ngành nghề xôn xao lương thưởng. Có nơi công bố thưởng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Nghe tới chuyện này, nhiều người lao động chạnh lòng vì không bao giờ có thưởng, hoặc có nhưng chỉ là ví dụ làm vui.
Trong những người chạnh lòng đó, có người thầy. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận chân thành: "Thưởng tết với ngành giáo dục là rất khó. Ngay cả ở bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, không có ngân sách nào cho thưởng tết".

Trên thực tế, tuỳ theo địa phương, cơ sở đào tạo, có sức đến đâu thì thưởng cho giáo viên đến đó. Có một số trường ở thành phố lớn, có nhiều nguồn thu linh hoạt, tích lũy đến cuối năm dành thưởng cho giáo viên. Tuy không nhiều như doanh nghiệp, nhưng cũng xông xênh mua sắm.

Còn đa số giáo viên, chỉ có vài trăm ngàn đồng làm quà. Cầm đồng tiền thưởng tết mà rơi nước mắt. Nhưng vài trăm ngàn đồng cũng an ủi đôi chút. Ở các tỉnh nghèo, vùng nông thôn, tiền thưởng của giáo viên còn thê thảm hơn. Có nhiều thầy cô giáo không biết đến chuyện thưởng tết, hoặc có thì chỉ đủ để ăn một bát phở.

Ngay cả ở thủ đô hay thành phố, cũng không ít thầy cô nhận tiền thưởng bằng giá một bát phở. Nhận vài chục ngàn đồng tiền thưởng sau một năm nhọc nhằn sao khỏi tủi thân.

Rất chia sẻ với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là ngay ở bộ cũng không có bất cứ nguồn nào để thưởng tết. Nhưng quý quan chức ở bộ còn có nhiều thứ bù đắp, nói thẳng băng đi, quà cáp không thiếu. Còn giáo viên nghèo ở khắp đất nước này, chỉ duy nhất đồng lương èo uột, vén khéo qua ngày.

Tết là một nỗi ám ảnh đối với họ. Họ không những không có được một phần quà mà còn phải chia sẻ với những gia đình nghèo, để thuyết phục phụ huynh đừng bắt con cái nghỉ học đi làm trong và sau mùa tết. Cải cách giáo dục có quá nhiều việc, nhưng có những việc không phải đau đầu suy nghĩ, không phải triết lý cao siêu, đó là có chế độ đãi ngộ cho người thầy. Chỉ riêng chuyện thưởng tết, chưa có chính sách thì đề xuất, bộ chưa làm được thì địa phương, gói ghém để chia sẻ với khó khăn của thầy cô giáo.

Nghĩ mà đau đầu, tiền tham nhũng lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng nghe quen cả tai, vậy mà kiếm hai bát phở cho giáo viên ngày tết cho đủ vợ đủ chồng lại kiếm nguồn không ra. So sánh dù có khập khiễng, nhưng không thể không liên hệ đến sự thật cay đắng này.

Người thầy không có đời sống tốt, nghèo hơn nhiều thành phần khác trong xã hội, thì không bao giờ giáo dục có sự chuyển biến tích cực. Chuyện bát phở thưởng tết cho người thầy là một ví dụ trong rất nhiều nỗi suy tư đối với nghề giáo trong xã hội hiện nay.

Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ

Bài này hay:
Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ
Nhiều thanh niên học hành không ra gì nhưng muốn kiếm nhiều tiền và chê những công việc bẩn thỉu, khó nhọc.
Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi. Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.

Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.

Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.

Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.

Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.

Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.

Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ.

Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in - chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.

Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày vốn là lẽ sống của mình. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.

Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!

Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.

Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.

Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.

Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.

Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.

Sự hư hỏng công nhiên phô phang ra và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.

Vương Trí Nhàn

(Blog Vương Trí Nhàn)



Chắp cánh cho đời con bay cao

Chắp cánh cho đời con bay cao 
Tác giả: Helen Vũ 
Chuyến bay thẳng từ phi trường Los Angeles sang Washington D.C. sáng nay có một cô bé trùm áo khoác đen, ngồi lọt thỏm trong ghế ở hàng đầu. Cử nó sang làm việc và dự khóa huấn luyện đặc biệt ở trụ sở chính (“headquarter”) của công ty, mà “sếp” lớn báo trước chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Cô thư ký chuyên việc hành chính không tìm ra vé hạng “thương gia” nên mua ngay vé khứ hồi này cho nó. 
Cha vẫn đau đáu theo con gây dựng đời sống mới. 
Giữa những gương mặt đạo mạo và sang trọng trong khoang nhất lọt vào một bé “hạt tiêu,” làm bà vợ quý phái của ông khách kề bên nó tò mò. Bà nghiêng đầu sang bên hỏi nó:

- Hello, young lady! What brings you up here, going to D.C.?
(Chào cô em! Cái gì đưa em lên đến tận đây, đi mãi đến D.C.?)
- The wings, right beneath my arms!
(Những đôi cánh, ngay dưới cánh tay tôi đây nè!)

Nó nửa đùa nửa thật trả lời. Bà khách gật gù ra chiều đồng tình với câu trả lời của cô bé Á Châu nhỏ nhắn mang kính cận dày cộp, kè kè cái máy điện toán cá nhân nơi chân. Khi máy bay tăng tốc, rời đường băng bay lên cao, cô bé tựa đầu vào lưng ghế da êm ái, chợp mắt trong chốc lát. Nhớ lại câu hỏi của bà tóc vàng kia, ký ức về những năm tháng đầu tiên trên xứ người của nó chợt ùa về...

 Chuyến bay mang Ba và bốn chị em nó cùng nhiều gia đình “HO” tỵ nạn chính trị khác đến phi trường Los Angeles vào một tối đầu Thu năm 1992. Trên xa lộ lấp loáng đèn xe ngược xuôi, chiếc xe buýt lao vun vút đưa gia đình nó về phi trường Ontario, gần nơi bác Tăng, người bảo trợ nhà nó thông qua hội thiện nguyện World Relief, đang sống. Máy bay đến trễ nên vợ chồng chú Ðức “đường” và cô Ðào-chú Sanh cùng mấy người con đã chờ từ chiều, tốn khẳm tiền đậu xe, đến khuya mới đón được nhà nó. Qua giây phút mừng vui được gặp lại nhau ở xứ tự do, cả đoàn kéo về nhà cô B. cho bữa cháo gà khuya. Dẫu sau này trong đời được ăn nhiều gà ngon, với nó đây là tô cháo gà ngon nhất. Cô B. mang mền gối cho cha con nó ngủ lại trong phòng khách ấm áp của nhà cô. Ðêm đầu tiên ở vùng đất mới, cha con nó thiếp đi trong bình an, dẫu cho những ngày mai có bão bùng mưa gió...

Bác Tăng nhờ vợ chồng chú Ðức mướn căn hộ trước nhà chú cho gia đình nó, và sáng hôm sau cha con nó lạ lẫm cầm chìa khóa bước vào “nhà” mới. Chú Ðức mua giùm một tủ lạnh cũ, nhờ chồng cô B. chở về để sẵn trong bếp. Vợ chú mua giùm nồi cơm điện, bao gạo, và mang sang năm cái chén, cùng đũa từ bà hàng xóm gửi sang “chia” cho. Cô Ðào xin cho hai tấm nệm cũ, để ngay trên thảm nơi hai phòng ngủ tầng trên. Một cái tủ đựng quần áo loang lổ trắng có các hộc tủ lỏng lẻo chực rớt, được chú Sanh khiêng ở đâu về cho, làm vách ngăn phòng khách và bếp. Cùng với mấy thùng đựng sách vở, quần áo và “album” hình kỷ niệm của gia đình nó khiêng từ Việt nam sang, đó là tất cả tài sản, và là Nhà của cha con nó. Căn hộ nhỏ này ở trong một khu phố tồi tàn có nhiều nhà Mỹ đen, ngờ đâu gắn bó với gia đình nó hơn mười năm trời, cho đến khi tất cả anh chị em nó đều “công thành danh toại” trên vùng đất mới.

Những ngày sau đó, chú Ðức, chồng cô B., và gia đình cô chú Sanh-Ðào, những người rành đường đi nước bước vì sang Mỹ sớm hơn gia đình nó, thay nhau chở giúp gia đình nó đi làm giấy tờ xin số an sinh, trợ cấp xã hội, khám sức khỏe, và đi chợ mua thức ăn. Chính phủ Mỹ chỉ trợ giúp sáu tháng cho các gia đình tỵ nạn chính trị, nên chị em nó lo lắng từng ngày, mong tìm được việc làm để ổn định cuộc sống rồi mới tính chuyện “đường dài” học hành như cả nhà nó ước mong. 

Gần ba tuần sau, bà hàng xóm tốt bụng (đã cho cha con nó mấy cái chén) nhờ chị Thu Lan, hàng xóm của bà, đưa chị em nó ra “shop” may tìm việc. May thay, hãng may chị làm vừa đổi chủ; chủ cũ mang thợ đi theo, nên chủ mới nhận chị em nó ngay lập tức. Kinh nghiệm may áo dài của chị nó và thợ “vịn” tay mơ của nó ngày xưa trên máy may Singer cọc cạch ở quê nhà không đủ để chạy theo tốc độ 6,000 rpm của máy may công nghiệp Juki. Ngày đầu, chị em nó được Ngọc, bà chủ trẻ xinh đẹp giao đồ dễ, và chị Lan chỉ giúp rị mọ ráp hàng may. Anh trai chị Lan chở cho đi vài bữa, rồi chị em nó tự đi bộ về mỗi sáng-tối đến hãng may, phía sau vườn dâu trên đường Holt ở thành phố Pomona.

Ngay góc đường Holt và Ramona có tiệm đồ cũ, mà người trong hãng may gọi đùa là “chợ cũ Hồng Kông,” là nơi chị em nó lục lọi mua được những nồi niêu, chén bát đĩa cũ còn tốt, và quần áo ấm mùa Ðông cho cả nhà. Nó mày mò đếm những đồng “penny,” “nickel,” “quarter” đầu tiên trong đời, khi được người ta trả lại tiền lẻ, vì... nó không biết đếm! Chị em nó “trung thành” với tiệm đồ cũ ấy gần mười năm, vì tiền may đồ còng lưng ngày đêm được đếm từng đồng. 

Ðược hàng xóm chỉ cho chợ trời gần đường Ramona, cha con nó lần hồi mua thêm được nhiều thứ cần thiết, cũ nhưng còn tốt, và rẻ. Cha con nó mua được năm cái túi ngủ - mùa Hè mở dây kéo ra thành mền, mùa Ðông chui vô ngủ trong túi ấm áp như con tằm trong tổ kén. Cái túi ngủ màu hồng pha sọc xanh lá cây mà Ba mua cho nó ngắn chủn, đã ủ ấm nó bao nhiêu mùa đông, cho đến khi nó rời nhà đi xa. Cái túi in đầy chứng tích những tháng năm may đồ ở nhà của chị em nó: Sáng thức dậy bò ra khỏi “mền,” nó thò tay bật khởi động cho nóng máy may, nấu rồi ăn vội vàng giữa bộn bề hàng may, rồi may cố đến đêm thì bò vô túi ngủ, mặc cho chỉ vương đầy quần áo tóc tai. Lâu ngày, chỉ vụn quấn chằng chịt mặt trong của túi ngủ, đủ mọi sắc màu!

Trả nợ sách đèn. 

Xấp nhạc tiền chiến in đẹp mang theo từ Việt Nam được cất dưới cái nệm cũ (gãy lò xo mà nó không biết). Hôm dựng nệm lên để hút thảm, thấy xấp nhạc bị đâm nham nhở, nó rớt nước mắt thương cho nhạc, cho chút kỷ vật ít ỏi mang sang xứ người của nó. Ði làm về theo hẻm ngõ sau, nó thấy một tấm nệm khác còn tốt dựng cạnh thùng rác. 

Nó ba chân bốn cẳng chạy về gọi anh chị ra phụ khiêng “nệm mới” về, rồi vất tấm gãy kia đi. Hôm sau nắng to, chị em nó hì hụi vác “nệm mới” ra sân, xịt nước, chà xà-bông, giội rửa lại, rồi dựng nơi vách tường cả ngày cho khô. Chiều chạng vạng, nó nghe tiếng chạy rầm rập lên thang kề bên, có vẻ nặng nề lắm. Ngó ra sân, thấy mất tiêu tấm nệm, nó biết ngay thủ phạm là hai đứa Mỹ đen trẻ mới dọn tới. Nó đập cửa ầm ầm, quát to:

- Open the door! Bring it down here! Give back my mattress!
(- Mở cửa! Khiêng xuống! Trả tui tấm nệm ngay!)
Một thằng ló đầu ra, tiu nghỉu:
- Sorry! I thought you threw it away!
(- Xin lỗi, tui tưởng bà quăng đi!”)
- Are you dreaming?!”
(- Mi mơ hả?!)
Hai tên đành tẽn tò khiêng cái nệm xuống lầu trả lại.

Nghe kể thương quá, cô Vân và dượng Chánh từ xa về thăm, chở cho cái nệm nhỏ mới tinh và mấy bao to quần áo, còn gạo và thức ăn đầy cả thùng xe tải của dượng thì cha con nó ăn cả tháng chưa hết.

Thu sang Ðông, trời lạnh dần và hay mưa. Chị em nhà nó nhiều lần lội mưa đi-về, nhưng thỉnh thoảng được anh Nhật “Qua-cơn-mê” ghé đón tụi nó và chị Lan đi may. May ở hãng được ba tháng, quen việc quen người nên bà chủ đứng ra mua giùm một máy may và một máy may-vắt sổ-5-sợi Juki, để chị em nó nhận hàng may ở nhà, cho đỡ lạnh và may được nhiều hơn. Một lượng vàng chỉ bốn trăm đô; bà dám bỏ ra gần hai ngàn rưởi cho tụi nó may trả góp lại mỗi tháng, mà chỉ lấy cái biên nhận mua máy để khai thuế cuối năm. Ngoài bà chủ hãng may tốt bụng, cha con nó còn được người quen thương giúp. 

Bác sĩ Bảo, đồng nghiệp cũ và từng là bạn “tù cải tạo” của ba nó, đưa vợ con đến thăm cha con nó, và chở hết ra nhà hàng đãi đằng. Nghe nó than trời lạnh nên ăn gì cũng lạnh, ngày hôm sau chú đến tận hãng may, mang tặng cho cái máy vi sóng mới tinh. Máy này đã giúp Ba nó hâm nóng những bữa trưa một mình khi tụi nó đi làm vắng nhà, làm nóng cơm tối cho chúng nó khi đi học hay đi làm về khuya lắc, và theo cha mẹ nó gần hai mươi năm. Khi rời California sang Texas “dưỡng già,” Ba Mạ nó gửi nhà thờ chuyển cho một gia đình nghèo khác. Gia đình nó luôn ghi nhớ tấm chân tình bảo bọc cho đời sống của người đến sau ấy của Bác Sĩ Bảo.

Vài ngày sau khi tụi nó đi may, anh và em trai nó cũng được hàng xóm dẫn vô hãng khác xin việc ủi đồ và cắt chỉ cho các hàng may xong sắp giao đi. Ủi trong mùa Ðông còn đỡ, lúc mùa hè nóng như thiêu, hơi nước từ bàn ủi công nghiệp xông lên hầm hập trong cái “lò bát quái” xưởng may chỉ có vài cây quạt thổi gió nóng lòng vòng. Hai thằng con trai lớ ngớ được chỉ cho đứng ủi; Tiền công mỗi cái chỉ vài “cents,” nên mỗi ngày phải cố ủi hàng trăm cái mới may ra đủ sống. Bàn tay trắng trẻo thư sinh của anh nó bị mấy lần ủi phỏng thành sẹo, mấy năm chưa phai. Thằng út mang kính dày cộp, lui cui phụ cắt chỉ cho sạch các hàng đã ủi để kiếm thêm tí tiền, đầu cổ tóc tai vương đầy chỉ vụn.

Ba nó đi thăm hàng xóm, lăn về được một mặt bàn gỗ cũ, tròn to màu nâu vec-ni, mà ai vất ở sau đường hẻm. Lâu sau, lượm được một khung chân bàn, Ba nó hì hục khiêng về, gắn thêm ba con ốc với mặt bàn cho chắc. Mua thêm mấy cái ghế cũ, cha con nó được cái bàn ăn tươm tất. Cái bàn ăn có ba con ốc lồi lên đó đã chứng kiến những bữa cơm sum họp hiếm hoi của gia đình nó, trước khi chia lìa đi khắp chốn. Cái bàn ấy cũng là nơi chị em nó chong đèn ngồi học miệt mài, và nơi anh nó viết nháp bài đáp từ cảm ơn trong lễ nhận giải thưởng học bổng danh dự cao quý nhất của trường đại học cộng đồng, chỉ sau một năm theo học.

Những năm tháng đầu tiên khi mới qua Mỹ, vì Mạ nó kẹt lại Việt Nam một thời gian, Ba nó như hụt hẫng đi rất nhiều vì không có Mạ nó chăm lo cho miếng ăn, giấc ngủ, dù rằng chị em nó đều đã trưởng thành, biết lo việc bếp núc từ lâu. Chắt chiu tiền trợ cấp mấy tháng của cả nhà, Ba nó nằng nặc đòi mua chiếc xe Cressida '84 của ông B. ăn tiền “cò” giới thiệu. Mua nhằm xe nát, xe chưa lái về tới nhà đã hư nhiều, làm tốn tiền sửa thêm. Ðêm Giao thừa, xe chết ngắt ngay dốc đường Garey nên phải nhờ dượng Chánh đẩy giùm đi mà vẫn chết máy mấy lần, rồi cháy máy. Ba nó ôm đầu, ngồi thẫn thờ ngó vô đêm tối. Có một ngày mùa đông, chị em nó vừa khóc vừa cóng tay giặt rồi phơi lên sợi dây giăng sau hè những miếng vải của một lô hàng may, mà trong một phút nóng giận không kiềm chế được, Ba nó đã hắt cả tô bún bò Huế sóng sánh nước màu vô. Di chứng của nhiều năm tháng tù đày đã làm Ba nó thành người khác.

Khi Mạ nó qua, chị em nó được xuống chức phụ bếp, vì đi làm ngoài nhiều hơn và đi học lại. Nó để dành tiền, mua được chiếc xe Geo Prizm '91 cũ, từ người đi đấu giá xe về sửa lại. Xe này là “chân” đưa nó đi làm, đi học, chị em chở nhau đi khắp chốn. Cuối tuần chị em nó chở Mạ đi chợ, xong về chúi mũi học bài, đọc sách. Chị em nó vừa làm vừa học nên toàn đi sớm, về trễ, mang theo bánh mì lát kẹp thịt kho để gặm suốt mấy năm đại học. Xin được Pell Grants học trường đại học cộng đồng Mt. San Antonio, nhờ điểm cao nên chị em nó đều làm “tutors” theo chương trình “work-study.” Anh và em trai nó giúp các học sinh khác cho các môn toán-lý-hóa, còn nó và chị thì cho các môn giải phẫu, sinh lý học, vi sinh học. Giữa các mùa học, công ty giới thiệu việc làm gửi nó đi làm đủ việc tạm thời: ráp đèn pin MAC-lite, đóng gói nước hoa, làm trong nhà máy dây chuyền thổi bình nước ngọt soda,...

Mấy mùa đầu chuyển lên Cal Poly Pomona, nó ghi danh hơi nhiều lớp, và hệ miễn dịch của nó quá tệ nên vô phòng thí nghiệm là ốm nặng. Nó không thể theo đuổi ngành Y khoa nào, vì... vi trùng mạnh hơn! Nó đổi cái ào sang học điện toán, nhặt “bugs” và viết “codes” trị “vi trùng” cho máy. Nó quay về trường cũ xin được việc khác trong “Professor Development Department,” làm thêm ngoài giờ học, trong nhiều năm. 

Ông “sếp” trẻ hay thấy nó chui dưới gầm bàn, sửa ráp và sắp xếp dây nhợ máy móc cho ngăn nắp. Có lần nó sửa giùm cái máy tính xách tay của một giáo sư, cần nộp hồ sơ gấp mà toàn bộ đơn từ bị “giam” chết trong máy. Vài tuần sau bà báo tin được chức vị mới, tặng nó cái thiệp viết thư giới thiệu khen nó hết lời. Có lẽ lá thư này đã góp phần giúp nó, hai tháng trước khi tốt nghiệp, được nhận vào làm chuyên viên điện toán cho một trong năm công ty “nhà thầu” lớn nhất của Bộ Quốc Phòng, mà không tốn một con tem gửi hồ sơ xin việc?

***

Ba Mạ nó trồng bụi chuối nước đỏ rực nơi vạt đất trước sân, thêm mấy dây rau lang, bụi quế, sả ớt, và cây chuối sau hè, và luôn nhắc cho chúng nó không quên nguồn cội. Nó nhìn mà khắc khoải nhớ quê, trút nỗi lòng... làm thơ trên giấy trắng. Làm sao nó quên được tiếng Việt thân thương! Những cuối tuần chở Mạ đi chợ, nó luôn rinh về hai tờ Người Việt Thứ Bảy và Chủ Nhật; Hôm nào không có báo, nó buồn thiu như mèo mất tai. Những ngày Ðông lạnh lẽo cận Tết Nguyên-đán mỗi năm, chị em nó rong ruổi đường xa xuống “Tiểu Sài Gòn,” ghé tìm mua các tờ báo Xuân đem về đọc và để dành “làm của.” Có năm, bận bịu mùa thi nên nó lần lữa... Ðến giáp Tết, mấy tờ báo Xuân ăn khách, nhất là của Người Việt và Việt Báo, có người mua hết. Chị em nó lái về, buồn hiu hắt như bị đánh cắp cả mùa Xuân.

Ba Mạ nó chỉ đủ sức đưa chị em nó đến bến bờ tự do, nhưng bao người khác và đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ bao dung đã giang rộng cánh tay giúp chúng nó có cơ hội vươn lên, tạo dựng đời sống mới cho mình, và chắp cho chúng nó đôi cánh mạnh mẽ để bay cao, bay thật xa trong vùng trời an bình tự do... cho thế hệ nó và đời đời con cháu Việt.

Như hôm nay, đôi cánh sắt máy bay đang chao nghiêng xuống vùng trời Washington D.C., đưa cô bé “ốc tiêu” từng bán thuốc lá lẻ, vé số dạo quanh các nẻo đường nơi quê nghèo ngày cũ, đến một hành trình mới trong đời, rất khác...
(Texas, Mùa Ðông 2013)

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

'Tâm niệm đầu năm'

Năm mới nói chuyện 'Tâm niệm đầu năm' 
Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, CA (NV) - Sáng sớm của ngày làm việc cuối cùng trong năm, mọi người xúm quanh bình cà phê, chờ đến lượt mình, rồi sẽ rót một ly cà phê thật nóng để giữ cho đầu óc minh mẫn, làm việc thật nhanh để còn về quây quần quanh gia đình, bạn bè, đón mừng năm mới.
Người Mỹ lập New Year's resolution thì nhiều, nhưng thực hiện được thì ít. Thế nhưng đây là một thói quen khó bỏ, vì là một "chiến thắng của hy vọng trên kinh nghiệm thực tiễn. (Hình: Peter Dazeley/Getty Images)
“Nhanh thật, mới đó đã hết một năm nữa rồi. Mọi người đã sẵn sàng cho năm 2014 chưa?” Một người hỏi.

“ Nhanh thật đấy chứ!” Có tiếng trả lời.

“Thế New Year's resolution của mọi người là gì?”

Câu hỏi đơn giản này không ngờ được mọi người nhao nhao hưởng ứng. Mỗi người một câu, một ý.

“Tôi thì hứa với bà xã sẽ nhớ mang thùng rác ra trước cửa cho đúng ngày, còn bà xã tôi thì hứa sẽ bớt đi shopping.”

“Tôi nhất định sẽ đi gym đều đặn.”

“Tôi sẽ bớt đi nhậu với bạn bè.”

“Tôi sẽ làm cho xong hết todo list của vợ giao cho.”

“Tôi sẽ vẫn cố gắng làm việc mỗi ngày y như năm trước. Đừng coi thường điều này à nhe. Mình càng già thì càng yếu đi, mà vẫn làm y như trước là đâu phải dễ.”

“Tôi ấy à, nếu sáng ngày New Year tôi ngủ dậy mà thấy mình còn sống thì mới tính đến chuyện làm New Year's Resolution.”

“Còn em, em sẽ thực hiện new year resolution của năm trước!”

Mọi người cùng cười ồ trước câu nói dí dỏm mà sâu sắc của người trẻ nhất trong nhóm.

Tâm niệm đầu năm


New Year's resolution, tạm dịch là tâm niệm đầu năm, là những điều người ta tự hứa với lòng hay người thân sẽ thay đổi cho năm mới, là một tập tục từ lâu đã ăn sâu trong văn hóa của người Mỹ.

Thật vậy, thói quen này thông dụng đến nỗi thậm chí trang web http://www.usa.gov của chính phủ đã dành hẳn một trang để liệt kê danh sách những điều tâm niệm thông dụng nhất, theo thứ tự, gồm: Giảm cân, làm việc từ thiện, bỏ hút thuốc lá, lấy thêm một mảnh bằng, tìm việc làm tốt hơn, để dành tiền, tập thể dục đều đặn, bớt căng thẳng, đi du lịch, giảm dùng credit card, bớt uống rượu v.v...

Kết quả một cuộc thăm dò của Đại học Marist University, thực hiện năm 2011, cũng cho thấy "giảm cân" đứng đầu danh sách, theo sau là "đi gym đều đặn hơn," và "chi tiêu ít hơn hay tiết kiệm nhiều hơn" và "bỏ hút thuốc" đồng xếp hàng thứ ba.

Nhưng đó là tâm niệm. Còn người ta có thực hiện được những tâm niệm này hay không lại là một chuyện khác.

Và thường thì “lực bất tòng tâm.”

Nhiều thống kê cho thấy hầu hết mọi người chẳng thực hiện được những điều tâm niệm này là mấy, ai giỏi lắm thì cũng chỉ thực hành được vài tháng đầu năm, rồi thì lại đâu vào đấy.

Richard Wiseman, nhà tâm lý học, cũng là một tác giả chuyên thực hiện những thí nghiệm về thói quen của quần chúng, khám phá ra rằng 52 phần trăm những người có New Year's Resolution, tin là họ sẽ thực hiện được, nhưng trên thực tế, chỉ 12% giữ đúng được lời hứa với bản thân.

Nếu thế thì tại sao người ta phải bận tâm lập danh sách làm gì cho phiền toái?

Tâm niệm đầu năm, theo nhận định của như tác giả Emrys Westacott, một giáo sư triết học tại đại học Alfred University, là “một chiến thắng của hy vọng trên kinh nghiệm thực tiễn."

Giáo sư Westacott giải thích thêm rằng nghị quyết đầu năm là một cách để con người bầy tỏ những gì họ ao ước cho chính bản thân mình, hay những gì chúng ta chưa hoàn toàn hài lòng về mình, một ước muốn thay đổi.

“Quan trọng nhất, New Year's resolution là một cơ hội để người ta xóa đi làm lại, xóa bỏ những khiếm khuyết của năm cũ, làm lại một năm mới hoàn chỉnh hơn.” Ông Westacott nói.

Làm sao để thực hiện?


Theo giới chuyên gia, New Year' resolution, tâm nguyện đầu năm, hóa ra, không chỉ là một sản phẩm của người Mỹ hiện đại. Từ 4,000 năm trước, cứ mỗi giao thừa, hay sáng sớm của ngày đầu năm, người Babylon đã thầm thí khấn hứa với Thượng Đế, để hy vọng sẽ được ngài chúc lành cho năm mới.

Thời đó, đa số người Babylon đều có một ước mơ được thoát khỏi cảnh nghèo khổ, và họ hứa sẽ làm việc thiện, tu thân tích đức, để mong Thượng Đế sẽ cho họ một năm sung túc hơn.

Ước mong thoát khỏi cảnh nghèo?


Nghe quen tai quá. Nhiều người trong chúng ta ngày nay vẫn mong ước như thế, nhưng nói theo ngôn ngữ ngày nay, nó là ước mong giảm nợ, một tâm niệm đứng hàng thông dụng thứ ba trong danh sách tâm niệm đầu năm.

Soạn danh sách xem ra rất dễ. Nhưng chỉ ngồi liệt kê những điều mình muốn hay định thay đổi, thì chẳng thay đổi được gì. Còn cần phải quyết tâm thực hiện điều tâm nguyện của mình. Và đây là điều khó nhất.

Một lần nữa thống kê đưa ra những con số không khả quan lắm: 67% người có New Year's resolution đưa ra một danh sách dài hơn ba điều tâm niệm trong năm mới. Và chỉ 63% nói rằng họ chỉ giữ được lời hứa đầu năm mới trong vòng hai tháng. Rồi kể từ tháng Ba trở đi, mọi việc lại đâu vào đấy.

Theo Giáo sư Joe Ferrari, dậy môn tâm lý học tại DePaul University ở Chicago thì có một cách giúp người ta thực hiện, đó là chia xẻ tâm niệm của mình với bạn bè người thân.

"Khi bạn giữ bí mật tâm niệm của mình thì không ai giúp bạn theo dõi tiến triển của mình. Và cái gì không được theo dõi thì sẽ rơi vào quên lãng.” Giáo sư Joe Ferrari nói.

Vẫn theo giáo sư Ferrari, công bố tâm niệm đầu năm của mình là một cách hữu hiệu để mừng năm mới. Với email, và những trang mạng xã hội ngày nay, việc chia xẻ không khó tí nào.

Đồng ý với Giáo Sư Ferrari, ông Michael Kitchens, giáo sư tâm lý học tại Lebanon Valley College nhấn mạnh:

“Một khi bạn nói cho người thân biết tâm niệm của mình thì chẳng chóng thì chầy cũng có một người nào đó hỏi thăm xem mười điều tâm niệm bạn đã thực hiện được đến đâu. Điều này giúp động viên bạn.”

Theo ông Kitchens, có một số bí quyết giúp bạn thực hiện những điều tâm niệm.

Chẳng hạn đừng làm một danh sách dài lê thê, mà hãy giới hạn trong chỉ vài điều tâm niệm thôi, thậm chí chỉ có một thôi, lại càng tốt.

“Thường thì khi hứng chí, bạn sẽ lập một danh sách dài, nhưng khi có nhiều điều phải thay đổi quá thì khi cơn hứng nguội đi, bạn sẽ thấy bị áp đảo, thối chí và bỏ cuộc trước khi bắt đầu.” Ông Kitchens giải thích.

Cũng đừng có những tâm niệm mơ hồ, mà phải có mục tiêu cụ thể, tỳ dụ như: “Tôi muốn thụt 10 lbs trước ngày 1 tháng Hai.” hay “tôi muốn để dành mỗi kỳ lương thêm $100.”

Giáo sư Ferrari đồng ý:

“La Mã không thể xây xong trong một ngày. Một mục tiêu quá tham vọng có thể làm chúng ta mất sự tự tin, khi không thể đạt được.”

Thay vào đó, nên chia mục đích lớn thành những mục tiêu nhỏ, và không cần biết mục tiêu của bạn là gì, cần phải thường xuyên theo dõi sự tiến bộ của mình. Nếu muốn giảm cân, hãy cân mỗi tuần lễ để xem mình đã đi được bao xa trên đoạn đường gay go này.

Richard Wiseman, người chuyên thực hiện những cuộc trắc nghiệm về thói quen của quần chúng, đưa ra một vấn đề ít người nghĩ đến. Ông nói:

Những tâm niệm thông thường nhưng khó thực hiện như bỏ hút thuốc, ăn ít lại, hay bớt uống rượu rất khó thực hiện, bởi vì khi buồn bực chúng ta thường dựa vào những thói quen khó bỏ này để giúp mình bớt căng thẳng.

Vì vậy, theo ông Wiseman, chúng ta cần có một nhóm bạn hữu để động viên tinh thần. Chẳng hạn khi thấy buồn hay căng thẳng, hãy đến thăm hay gọi điện thoại nói chuyện với một người bạn nào đó, thay vì hút thuốc liên miên, hay khui chai rượu vang ra uống hết ly này đến ly khác.

Nhà nghiên cứu Wiseman cũng đề cập đến một ngộ nhận khác. Ông cho biết nhiều người nghĩ rằng chỉ cần khoảng ba tuần là con người tạo được một thói quen mới. Thật ra theo một cuộc nghiên cứu mới, con người phải cần cần phải có 66 ngày mới tạo được một thói quen mới, và gắn bó với thói quen mới đó.

Bí quyết đã nắm trong tay rồi, bạn còn đợi gì mà không có New Year's resolution. Nhưng lập danh sách ngắn thôi nhé. Và cùng nhau chia xẻ tâm niệm đầu năm của mình./.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Gỡ bỏ tin “Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK"

Tin tốt như thế mà bị gỡ bỏ, kể cũng tiếc. Hai nước độc lập nhau, đều có chủ quyền riêng, lịch sử riêng và quyền dạy con em biết về lịch sử riêng của nước mình; sao mà vì họ đang tốt thì mình không dạy con em mình đất đó lịch sử chứng minh rõ ràng là đất của mình ? Họ dạy con em họ như vậy mà họ có cần nghĩ gì tới nước mình tốt hay xấu với họ đâu.
Tin “Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK" đã bị gỡ bỏ
Đôi lời: Thông tin về buổi làm việc của TT Nguyễn Tấn Dũng với Hội Khoa học Lịch sử VN, trong đó ông chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, giáo dục … chuẩn bị nội dung đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa vào Sách giáo khoa các cấp học phổ thông.
Thế nhưng, sau khi bài được VNN đăng, một số báo như Dân trí, Pháp luật TPHCM, An ninh Hải Phòng … đã đăng lại, thì đột nhiên đồng loạt bị gỡ bỏ (*).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại diện Hội Khoa học lịch sử VN là GS Phan Huy Lê, GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Chung Hoàng
Chúng tôi tìm hiểu thì được một vị lãnh đạo một tờ báo cho biết việc gỡ bỏ bài đó là do có chỉ thị miệng từ cấp cao. Lý do cho quyết định này là vì phía Trung Quốc đang tỏ ra hòa hoãn với ta, thì ta cũng cần tránh có động thái có thể gây căng thẳng.

Khó biết được sự thực đằng sau hiện tượng này, như lời vị lãnh đạo báo kia nói, hay do nguyên nhân nào khác, ví như bị “Thiên triều” nạt nộ, qua “đường dây nóng” chẳng hạn, thậm chí có thể chỉ một cú điện thoại từ tòa đại sứ TQ tới thôi … Thậm chí biết đâu, đó là do TT … “lỡ miệng”, còn việc hệ trọng này phải được BCT thông qua?

Bổ sung, 13h: sau khi đăng bài thì phát hiện hai bản tin ngắn: - Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK (PLTP, trích từ VNN). - Hoan nghênh đưa kiến thức biển Đông vào sách giáo khoa (TT).
Thật khó hiểu!
BT


Baomoi.com/VietnamNet
VietnamNet - 30/12/2013 18:39 3 tin đăng lại

THỦ TƯỚNG ỦNG HỘ ĐƯA HOÀNG SA, TRƯỜNG SA VÀO SGK

Việc đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa cần cân nhắc, tính toán về mức độ, nhưng chắc chắn là không được chập chờn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Chiều nay (30/12), gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê kiến nghị đưa việc phổ biến kiến thức về Biển Đông và chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông.

Đồng tình với đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Hiện trong chương trình giảng dạy ở các cấp học đã có nội dung này, nhưng chưa đủ, chưa nhất quán, chưa cụ thể”.

Ông ủng hộ việc đưa những nghiên cứu đã rõ, đã được khẳng định về Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa.

“Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ về một trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước để thống nhất đầu mối lưu giữ các tài liệu gốc, phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền cũng như khai thác nguồn lợi biển đảo về lâu dài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương và giao các Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng nghiên cứu triển khai.

Thủ tướng cũng ủng hộ dự định của Hội là biên soạn một bộ sử chính thống, một cuốn đại sử như cách nói của GS Phan Huy Lê, để làm tiêu chuẩn đối chiếu trong hoạt động nghiên cứu lịch sử nói chung.
Chung Hoàng
* Kết quả tìm kiếm

https://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/01/01/thong-tin-thu-tuong-ung-ho-dua-hoang-sa-truong-sa-vao-sgk-da-bi-chi-dao-go-bo/