Các Ông, Bà Già Noel... lạ đời
Tuy trời lạnh, cả trăm người mặc bikini dự cuộc chạy Toronto Santa Speedo Run để gây quỹ từ thiện hôm thứ Bảy 14/12. (Getty Images)
Ông Già Noel “của” Việt Nam tuy còn mang nhiều danh xưng khác nhau nữa tùy theo từng địa phương, chẳng hạn ở Pháp thì gọi là Père Noel; ở Mỹ, Canada, Úc là Santa Claus; Na Uy và Đan Mạch: Julenissen; Nhật: Hoteiosho/Santa Kurohsu, v.v. thế nhưng nhân vật này, tuy “bị” gọi là “già” nhưng luôn luôn có phong độ, đầy sinh lực đồng thời có một hình dáng bất biến: Béo tròn béo trục nên nhìn lùn, bụng phì nhiêu nên nhìn như đeo trống phía trước, râu tóc bạc phơ nên nhìn thấy đúng là một “ông già gân” - và suốt đời ông ta chỉ diện “nhất bộ”: Quần áo màu đỏ rộng thùng thình cộng với một đôi “bốt” đen to tổ bố - mỗi năm ông xuất đầu lộ diện duy nhất một lần vào dịp lễ Giáng Sinh mà thôi - và đặc biệt nhất, ông chỉ phải thi hành tốt một công tác: Ông cưỡi xe tuần lộc (do bầy hươu kéo) trên không gian thay vì trên xa lộ (có lẽ vì sợ nạn kẹt xe hoặc tai nạn giao thông) đến nhà nào có con nít để phát quà cho đứa trẻ nào đã được chấm điểm là ngoan suốt trong năm.
Cũng vì chỉ mong được quà vào dịp lễ Giáng Sinh mà trẻ em trên khắp thế giới đã tôn Ông Già Noel làm thần tượng của mình. Chẳng thế mà mới đến cuối tháng 10, các em đã viết thư cho Ông Già Noel để liệt kê trước một danh sách những thứ quà nào chúng thích hoặc “cảnh báo” ông phải cẩn thận khi chui xuống ống khói nhà chúng kẻo “giữa đường” mắc kẹt bụng mỡ, cách riêng năm nay, trẻ em ở các quốc gia thuộc Đông Nam Á đã nhắc nhở ông phải “đề cao cảnh giác” tối đa khi xe nai của ông di chuyển trong vùng “nhận dạng phòng không” của Trung Cộng, bởi chân lý muôn đời là “đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì chúng làm;” nếu cần thì phải ra tay phản công ngay.
Cũng vì biết Ông Già Noel là thần tượng của trẻ nít mà giới thương mại hàng năm vẫn khai thác triệt để khía cạnh này bằng cách thuê người mặc y phục Ông Già Noel nhằm dụ khị trẻ nít đến ngồi trên đùi để chụp hình với nhiều cảnh lạ - hoặc cầm chuông lắc leng keng hầu “mách nước” lũ con nít những thứ đồ chơi hấp dẫn, điển hình nhất là Games, cũng như “xúi dại” chúng đòi bố mẹ sắm các “hàng hiệu”... Mà cũng chẳng sao, miễn là trẻ con tin Ông Già Noel có thật để tự “cải tạo” cho tốt hạnh kiểm cốt sao được thưởng quà bánh, ấy là bố mẹ cảm thấy “quá đã” rồi. Vả lại, bố mẹ hồi còn xỉ mũi chưa sạch, mỗi năm đến dịp lễ Giáng Sinh, vẫn đã bị... lừa; bây giờ đến lượt bố mẹ lừa lại con cái - âu cái vòng lẩn quẩn ấy cứ tiếp tục mà đời... vẫn vui.
Thế nhưng, vai trò Ông Già Noel trong nhiều trường hợp đã bị lạm dụng “vượt chỉ tiêu” khiến hình ảnh của ông bị hoen ố đến độ “hết thuốc chữa”. Chẳng hạn:
30,000 “ông già Noel” say xỉn tấn công New York
Thứ Bảy vừa rồi, ngày 14-12-2013, theo bài tường thuật của nhật báo New York Times, lại một lần nữa thành phố New York đã bị hàng ngàn người, cả nam lẫn nữ, trong bộ y phục Ông Già Noel vừa say xỉn lẫn chơi đùa xả láng xâm lăng. Họ tự xưng thuộc lực lượng “SantaCon.”
Khởi đầu họ xuất phát từ các “cây Noel”, các “nhà bánh quế” rồi lan tràn khắp các đường phố ở Manhattan. Ngay từ giây phút “ban đầu lưu luyến ấy”, đa số Ông/Bà Già Noel này đã sặc mùi rượu và nếu bị cảnh sát bắt thổi bong bóng thì lượng rượu trong máu họ đã “thừa thắng xông lên” đến “thượng tầng kiến trúc”. Thế nhưng, toán quân Ông/Bà Già Noel này vẫn tỉnh như sáo, còn giữ được tục lệ cổ truyền Noel bằng việc phát quà, bánh cho những trẻ em nào họ gặp trên đường đi.
Tờ New York Times mô tả tiếp theo “sự cố”: Sau đó, vẫn là một “đoàn quân hồ hởi phấn khởi” di chuyển từ quán rượu này đến quán rượu khác - vẫn trong các bộ quần áo Ông Già Noel tuy hầu hết hàng cúc (nút) đã bật ra - nhưng càng gần về chiều thì áo đã đi đàng áo, quần cũng đã bay đi đàng nào mà “chủ nhân” cũng không hay. Toán Ông/Bà Già Noel này đã lộ nguyên hình thành những kẻ phá làng phá xóm, “quậy... hết ý”.
-”Bất khả chịu nổi”: Trung úy Cảnh Sát John Cocchi đã gửi văn thư cảnh cáo đến các chủ quán rượu ở Hell's Kitchen, một khu vực mà các Ông/Bà Già Noel đã “coi trời bằng vung”, xem chính quyền không bằng con tép: “Đã có hàng ngàn kẻ 'ham vui' quá độ đứng 'vô tư' nhậu nhẹt dọc theo hè phố; họ thản nhiên tiểu tiện, xả rác, ói mửa, phá phách... Những hành động mà chúng tôi không thể khoan dung diễn ra trong khu dân cư của chúng ta”.
-Được ủng hộ: Thế nhưng, không phải ai cũng “tố khổ” đám Ông/Bà Già Noel - thế mới “đau hơn hoạn” chứ - bởi bất ngờ xẩy đến thái độ ủng hộ của chính Cảnh Sát Trưởng thành phố, Raymond W. Kelly. Ông này nói: “Đây là một cuộc tổ chức mà chúng tôi ủng hộ hết mình. Phải, chính các sự kiện như vậy mới làm cho New York thành New York chứ.”
Dư luận bên ngoài... nước Mỹ lắc đầu, không hiểu nổi hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy.
Trưởng ban tổ chức với biệt danh Mr. Santa, vênh râu mà “thành khẩn khai báo” trước các ký giả: “Các tửu quán nào mà chúng tôi không đặt chân đến thì có mở rộng cửa từ sáng đến đêm vẫn cứ vắng tanh như chùa Bà Đanh. Mỗi quán rượu nằm trên đường ‘hành quân’ của chúng tôi đều đã long trọng hứa dành một phần lợi tức cho mục tiêu từ thiện. Ấy như năm ngoái đấy, sơ sơ cũng thâu được 56,000 Mỹ Kim. Thật ngon cơm!”
Mr. Santa cũng nhấn mạnh rằng mỗi một Ông, Bà Noel tự chịu trách nhiệm lấy mình, tuy nhiên mọi cố gắng của cảnh sát nhằm duy trì việc kiểm soát kể ra cũng gặp khó khăn đấy.
Hàng trăm Ông, Bà Già Noel “sexy”... xuống đường
Cảnh tượng diễn ra tại Budapest, thủ đô Hungary (Hung Gia Lợi, thuộc Đông Âu) và được đặt tên là “Santa Run.” Đây là “sự cố” vốn đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 nhưng chỉ loe que 12 mống ghi danh - tuy nhiên càng về sau càng thu hút đông đảo người tham gia - nay đã được bảo đảm là sẽ tiếp tục đầu đặn hàng năm vừa “hoành tráng” lẫn đầy “ấn tượng” với mục đích duy nhất là chào đón ngày lễ Giáng Sinh. Chẳng cứ người địa phương mà bất cứ ai cũng có thể tham dự.
Vâng, giờ xin tường thuật lễ hội “Santa Run” năm nay để quí bạn đọc lấy kinh nghiệm hoặc “tôi luyện” trước thân thể. Vâng, ngày 8-12-2013 vừa qua, hàng trăm người gồm đủ thành phần: Ông già, bà lão, thanh niên, thiếu nữ và cả trẻ nít. Ai cũng hào hứng hết chỗ chê, vui vẻ vô cùng tận mà tham gia cuộc chạy đua độc đáo này.
Đặc điểm của cuộc “Santa Run” là các tham dự viên đều chứng tỏ mình “sexy” trong bộ quần áo “mát mẻ” trong khí hậu cắt da xẻ thịt. Mà miệng vẫn cười toe toét nhé! Và hai hàm răng không đập vào nhau! Các “Ông Già Noel” thì chỉ đội mũ đỏ, quần đùi đỏ còn thì “trần trùng trục”. Trong khi các “Bà Già Noel” tuy trên đầu cũng mang chiếc mũ đỏ chỉ to bằng cái... lá đa, nhưng bên dưới rất “bắt mắt” với bộ bikini mong manh màu đỏ hay hồng rực rỡ. Những bộ đồ sexy để “thi gan cùng... tiết mùa Đông” đã gây nên sự chú ý từ khắp nơi thế giới.
Chẳng thế mà đã có nhiều người ngoại quốc đến “chạy sexy” ở Hungary hoặc tại một số nước khác, người ta cũng đã học đòi “sao y bản chính”. Quí độc giả nào muốn, như trên đã nhắc sơ qua, xin đừng quên sang năm cũng vào Chủ Nhật, tuần lễ thứ hai của tháng 12, nhớ bay sang Hungary, chỉ với một điều kiện: Coi như pha thời tiết giá lạnh đến thấu xương!
“Santa Run” được tổ chức nhằm “trước mua vui, sau làm việc nghĩa”. Bởi “vui” vì bản thân mình được dịp tha hồ mà “sexy” - “nghĩa” là bởi toàn bộ số tiền quyên góp từ cuộc chạy đua “sexy” này đều được chuyển cho Magic Lamp Foundation - quỹ cứu trợ bệnh nhân nhi đồng ở Hungary.
Phải chăng Ông Già Noel thật sự gặp đại họa?
Cũng vào Chủ Nhật vừa rồi, một Ông Già Noel ở Tân Tây Lan (New Zealand) đáng lý nói “Thank You”, nhưng khán thính giả dự buổi hòa nhạc Giáng Sinh của Auckland Symphony Orchestra lại cho rằng chắc chắn họ đã nghe ông ta phát ngôn câu gì khác cơ.
Một phụ nữ nói với nhật báo The New Zealand Herald: “Chúa ôi, Ông Già Noel nay đã bắt đầu văng tục rồi!” - rồi bà quả quyết một trăm phần trăm là Ông Già Noel đã nói “fuck”. Cả thảy trên 1,600 khán thính giả, kể cả vị lãnh đạo của nhóm Mormon, đều như “chết đứng như Từ Hải” khi Ông Già Noel đã buột miệng chửi thề.
Vẫn phụ nữ này tiếp tục trợn mắt như thể chỉ còn lại tròng trắng đồng thời xác quyết mạnh hơn nữa: ‘Tôi kinh ngạc và phẫn nộ. ‘Sự cố’ này đã làm hỏng hết buổi trình diễn tuyệt vời hôm nay. Hoàn toàn bất xứng. Và dân chúng đã phản đối”.
Mục sư trưởng Ron Lauese ở Greyfriars, có lẽ cũng đã nghe tiếng “Đ(an) M(ạch) ấy nhưng ông không giận dữ, trái lại đã khéo “chữa cháy” nhân danh Chúa Giáng Sinh: “Ồ, có lẽ ông ấy nói bằng âm giọng địa phương. Tôi nghĩ rằng dân chúng đã hiểu lầm lời ông ấy nói nên phản ứng”.
Và cả nhạc trưởng Gary Daverne, người điều khiển buổi hòa nhạc Giáng Sinh, cũng cố gắng “giải hòa vi quý” nhằm “đem an hòa vào nơi tranh chấp”, giãi bày rằng Ông Già Noel ấy với 84 tuổi đời đã không hề nói “fuck” nhưng đã thật tình “phúng pha phúng phính” phát âm “Thank you”!
Bất kể “tai nạn” gì thì công tâm mà nói, dân chúng cũng đã được thưởng thức một buổi hòa nhạc Giáng Sinh thành công... vĩ đại! Hoài Mỹ
Chuyện về Giáng Sinh
Ai ai cũng đều đã biết nghĩa của từ ngữ “Giáng Sinh” nhằm có ý nói đến việc Chúa Giêsu sinh xuống làm người để “chuộc tội nhân loại” nhằm “đưa con người trở lại làm con Thiên Chúa sau khi Tổ Tiên loài người đã phản nghịch Thiên Chúa qua hành động không vâng phục “ăn trái cấm” ở vườn Địa Đàng.”
Chữ “Giáng Sinh” còn đồng nghĩa với “giáng thế” hay “giáng trần.” “Sự cố” này diễn ra cách nay khoảng... 2013 năm, trên nguyên tắc vốn chỉ là của riêng tín đồ Thiên Chúa Giáo mà thôi. Thế nhưng do ảnh hưởng rộng lớn của Thiên Chúa Giáo nhất là từ thời Trung Cổ, trước nhất ở Âu Châu sau lan sang các lục địa khác mà nay tục mừng lễ Giáng Sinh này đã không còn là “độc quyền” của những người theo đạo Thiên Chúa (như Công Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc hay Chính Thống) nữa, trái lại đã trở thành thứ “ở đời muôn sự của chung” rồi.
Tuy nhiên cũng vì vậy mà tiếc thay, việc mừng lễ Chúa xuống trần không còn mang đặc tính tôn giáo hay tín ngưỡng thuần túy nữa mà đã trở thành một phong tục thế tục, không khác gì một sinh hoạt văn-hóa-xã-hội, đồng thời còn là một dịp để thiên hạ vui chơi tưng bừng hầu tạm quên những sự khắc nghiệt của thời tiết lạnh giá của mùa Đông vào thời gian cuối năm...
Thành thử cũng không còn là sự lạ nữa khi đã từ lâu nhiều người thuộc các tôn giáo khác, như Phật Giáo, Hồi Giáo hay đạo Ông Bà, và không thiếu kẻ vô thần, nhân mùa Giáng Sinh cũng gửi cho thân nhân, bạn hữu những lời chúc tụng tốt lành, cũng “khilykhitô” ( khi thì ly, thi thì tô), nghĩa là nhậu nhẹt xả láng, và nếu không cao giọng nho nhỏ, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời... “ thì cũng lẩm bẩm theo dĩa nhạc “Mùa Đông năm ấy” hoặc lắc lư tấm thân “cổ lỗ sĩ” theo những cung điệu quốc tế vốn đã quá quen thuộc như “Silent Night” hay “Ringle Bells...” Rất nhiều phụ huynh vốn là Phật Tử thuần thành vẫn “hồ hởi phấn khởi” đóng vai Ông Già Noel để tặng quà Giáng Sinh cho con, cháu...
Từ thế kỷ thứ II, thời đạo Công Giáo sơ khai, bắt nguồn từ quan điểm của thánh Irenaeus (sinh năm 13-, tử đạo năm 202) người Công Giáo đã dành ngày 25 tháng 12 mỗi năm để chính thức kính nhớ việc Chúa Giêsu giáng trần. Đêm 24 tuy có “lễ Nửa Đêm” trọng thể nhưng vẫn chỉ là “vọng (trông, mong) Giáng Sinh” mà thôi. Trong khi giáo hội Chính Thống Hy Lạp lại mừng biến cố này vào ngày 06 tháng Giêng; không phải vì họ tin là Chúa Giêsu “sinh làm người” vào đúng ngày này nhưng vì họ vẫn tiếp tục sử dụng lịch Julius vốn có nhiều năm nhuận hơn trong lịch Gregorian mà chúng ta hiện dùng - vốn được gọi theo tên Giáo Hoàng Gregory XIII và quốc tế chính thức công nhận sử dụng lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1582.
Sự khác biệt kể trên chỉ là “chuyện nhỏ” giữa Chính Thống Giáo và đạo Công Giáo, chẳng nhằm nhò gì đến lập trường của hai Giáo Hội. Điều quan trọng hơn cả là hai bên đều cùng xác tín “sự cố” vĩ đại Chúa Giêsu “xuống trần làm người” là có thật và là một tín điều.
Người Việt Nam mình quen gọi lễ này là lễ Giáng Sinh theo ý nghĩa đã trình bầy ở đầu bài; tiếng Anh gọi là “Chistmas,” tức là lễ kính nhớ đức (Jesus) Christ. Tiếng Đức là “Weihnachten,” nghĩa là “Đêm (nachtan) tận hiến (weih)”; tiếng Pháp là “Noel” vốn xuất xứ từ chữ Latin “Natalis” (sinh ra)... Có giả thuyết cho rằng, lễ Giáng Sinh vào “thuở ban đầu lưu luyến ấy” mang đặc tính của lễ hội Ánh Sáng - Hanukká - của dân tộc Do Thái, tuy nhiên tục lệ này của người Do Thái chưa từng bao giờ trở thành một phong tục cổ truyền quan trọng khả dĩ ảnh hưởng đến tư tưởng của đạo Công Giáo nếu không muốn nói ngược lại. Hiện nay ở Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ gốc Do Thái vẫn mừng Hanukká.
Mạn phép mở dấu ngoặc ở đây để nhấn mạnh là mặc dù Đức Chúa Giêsu là người Do Thái chính cống đồng thời các di tích lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu hiện vẫn tồn tại trên quê hương Do Thái và có thể nói, Thiên Chúa Giáo phát xuất từ dân tộc Do Thái... thế nhưng Do Thái Giáo (Judaism) vẫn không chấp nhận đấng Giêsu vốn chết thảm trên thập giá là Thiên Chúa, nhưng họ vẫn chờ đợi một đấng Messia (Thừa Sai) khác đến trong quyền lực, oai phong lẫm liệt khả dĩ dẹp hết các bọn kẻ thù không chỉ ở Trung Đông hay khối Ả Rập mà khắp thế giới để cuối cùng lãnh đạo “dân Chúa” là Do Thái lên đài vinh quang, bá chủ toàn cầu.
Xin trở lại đề tài. Giả thuyết khác nghe dễ “lọt tai” hơn, ấy là lối giải thích người Thiên Chúa Giáo thời sơ khai đã lấy “nguồn cảm hứng” từ các tục lệ của người La Mã đối với thần Mặt Trời vốn được “đánh giá” là bất khả chiến bại. Theo đó, ngày 25 tháng Chạp tuy vẫn thuộc Đông chí nhưng người ta ăn mừng sự trở lại của Mặt Trời bằng các cuộc trác táng thâu đêm suốt sáng như cờ bạc, say sưa, khiêu vũ khỏa thân và hành lạc tập thể... Giáo lý Công Giáo chứng minh ngược lại: Thiên Chúa mới là đấng vô địch thật sự, là Mặt Trời vĩnh cửu; Ngài xuất hiện (xuống trần) nhằm mang lại nguồn sống bất diệt cho loài người. Lễ Giáng Sinh được ra đời từ đó với các tục lệ tốt lành và mang sắc thái tinh thần, đạo đức...
Mặc dù tục mừng lễ Giáng Sinh vẫn không ngừng thay đổi nhưng để càng phong phú hơn theo thời gian, tuy vậy tựu trung người ta vẫn chỉ thực hiện những việc chính yếu tổng quát như sau: Trang hoàng nhà cửa với ánh đèn nhiều mầu, dựng “cây Noel” long lanh tuyết trắng và sao sa, đến nhà thờ dự lễ, hát thánh ca và nghe giảng giải về mầu nhiệm Giáng Sinh, trao quà cho nhau và cùng tham dự tiệc tùng...
3 điều ước trong Mùa Giáng Sinh: Chồng rước người yêu về nhà...
Đài thông tin Des Moines Register có thói quen yêu cầu thính giả gửi cho đài những điều ước vào dịp trước lễ Giáng Sinh và đài sẽ tìm cách giúp họ thực hiện. Năm nay 2013, ngày 15 tháng 12, đài Des Moines Register ở Đức đã phổ biến lá thư của bà Brenda Schmitz, mẹ của bốn đứa con nhỏ, đã chết cách nay hai năm vì bệnh ung thư. Trước khi từ trần, bà đã viết lá thư này mà gia đình không hề hay biết; trong đó bà viết cho chồng bà, “Khi anh và các con nhận được thư này thì em đã thua cuộc chiến chống lại bệnh ung thư buồng trứng. Em đã xin một người bạn thân của em giữ hoàn toàn bí mật lá thư này và chỉ gửi thư đi sau khi biết chắc chắn người chồng yêu quí của em, anh David, đã ổn định lại được cuộc sống và đã gặp được một người đàn bà khác khả dĩ san sẻ được với anh phần cuộc đời còn lại.”
Và người bạn đã thực hiện lời trăn trối của bà Brenda là gửi lá thư cho đài phát thanh kể trên sau khi điều viết trong thư đã xẩy ra. Nhờ vậy thân nhân và hàng xóm láng giềng mới được biết 3 điều ước nhân dịp lễ Giáng Sinh 2013 của vong linh bà Brenda Schmitz:
-Điều ước thứ nhất của bà Brenda là một ngày nào đó, người chồng, David và người tình mới, Jane, sum họp một nhà, “Hãy đem đến cho bà ta những nụ cười, bởi bà xứng đáng được hưởng vì bà là kế mẫu của bốn đứa con trai (của tôi). Và hãy cho bà biết là bà làm cho các đứa trẻ này điều gì thì tôi cũng thật sự đánh giá cao.”
-Điều ước thứ hai là tất cả gia đình cùng thực hiện một chuyến đi “huyền diệu” (magic) đến Disneyland.
-Và điều cuối cùng là làm một bữa tiệc với thực phẩm và thức uống thật ngon cộng với văn nghệ dành cho các bác sĩ, y tá tại bệnh viện mà bà Brenda đã được điều trị chứng ung thư.
Cả 3 điều ước trên đây của bà Brenda đã được đài phát thanh và những người ủng hộ ở địa phương tán thành.
Phát ngôn viên của đài Des Moine Register phát biểu, “Trong phòng này, không có đôi mắt nào có thể ráo lệ khi chúng tôi đọc lá thư này. Nó khơi nguồn cho chúng tôi cần phải làm được điều gì đó cho bà...”
Phần gia đình ông David Schmitz, sau khi nghe đọc lá thư, vẫn có cảm giác như đang sống trong giấc mơ. Lúc sau, tỉnh lại, người chồng “độc thân tại chỗ,” David, đã vội gọi điện thoại cho đài phát thanh, rồi bằng một giọng xúc động, long trọng hứa sẽ thực hiện đầy đủ 3 lời ước của người vợ quá cố ngay trong dịp lễ Giáng Sinh này: Đón Jane về dinh - Khoản đãi tiêc toàn thể y sĩ, y tá chuyên trị ung thư ở bệnh viện địa phương - và Thứ Sáu, 27-12-2013, với sự trợ lực của đài phát thanh, cả gia đình lên đường “tham quan” Disneyland!
Điều ước của phụ nữ béo nhất thế giới: Ăn cho đã trong ngày lễ Giáng Sinh
Thứ Bẩy vừa rồi, bà Donna Simpson, 44 xuân xanh, mẹ của 2 đứa con, nặng 300 kg, cư ngụ ở New Jersey, Hoa Kỳ, đã “cởi mở cõi lòng ” với tờ báo Sunday Mirror về điều ước Giáng Sinh của bà: Ăn thùng bất tri thình một bữa “Christmas-dinner,” tổng cộng trên 30,000 ca-lo, trị giá hơn 280 Mỹ Kim. Thực đơn đã được kê sẵn: 2 con gà tây vĩ đại (mỗi con trên 11 kg, 2 cục giăm-bông, 7 kg khoai tây (gồm vừa nướng vừa nghiền), 5 ổ bánh mì, 5 kg chất và hương liệu để nhồi gà, 2 kg “dressing” loại “cranberry,” 10 kg rau quả. Chưa hết, “tráng miệng” sẽ gồm có bánh kẹp, kem phó mát, kẹo dẻo...
Bà Donna cười tươi hơn hoa nở đại đóa, khoe, “Tất cả đều được phép thả dàn trong ngày Christmas. Tôi được quyền ăn nhiều bao nhiêu tôi muốn, bất cứ lúc nào tôi muốn; vào dịp này tôi thật sự coi mọi sự như pha. Đúng ra trong ngày lễ Giáng Sinh, nên cho người ta quyền được tự do làm bất cứ gì...”
Được hỏi về mộng ước tuơng lai, Donna Simpson “bật mí” là mau chóng “thừa thắng xông lên” đến 450 kg để được ghi danh vào cuốn Kỷ Lục Guinness Recordbok là người phụ nữ nặng/béo nhất thế giới. Hiện bà chỉ còn thiếu 150 kg nữa thôi. Tuy nhiên bác sĩ đã cảnh báo rằng bà có thể đột tử vì “cholesterol” (chất mỡ) cao, nhưng xem ra nàng Donna vẫn muốn trêu chọc tử thần. Trong chương trình “Generation Fet” trên đài TV3 Thụy Điển, tối Thứ Bẩy vừa rồi, bà nói, “Tôi ăn rất nhiều vào ban đêm, bởi vì ăn vào giờ này, người ra dễ lên cân.”
Quí vị nam độc giả nào muốn tặng quần áo làm quà Giáng Sinh cho Donna Simpson, hãy ghi nhớ kích thước của nàng là XXXXXXXL. Nàng chỉ di chuyển được tối đa 10 mét, đứng lên được mỗi lần 5 phút là cùng - nên rất cần người... bế hoặc đỡ dùm bàn tọa!Hoài MỹNhững sự quá lạ ở chốn trang nghiêm
Nói đến trang nghiêm thì chắc chẳng nơi nào sáng giá hơn tòa án, tang gia và lễ đường. Vậy mà tại các chốn này vẫn diễn ra những cảnh “cười ra nước mắt” hoặc vẫn có những kẻ cả gan đến các địa điểm này mà... giỡn mặt các bậc quyền uy vốn nắm quyền sinh sát trong tay hoặc để “mua vui cũng được một vài... phút” cho thiên hạ. Các “sự cố” độc nhất vô nhị này trong hiện tại tôi tạm gọi là “những sự quá lạ,” bởi không biết phải đặt cho tên gì khác để phù hợp với “thời trang nhạc tuyển.” Vả lại, tôi cũng chỉ dám viết là “trong hiện tại” thôi, cũng bởi nay mai còn có thể xảy ra nhiều chiêu “quá lạ” - vốn đồng nghĩa với “quá đã” - hơn nữa. Đó là chưa nói đến sẽ không thiếu những kẻ vốn “cùi không sợ hủi” mà học đòi bắt chước thực hành các sự “quá lạ” này không chỉ ở những chốn trang nghiêm mà tại bất cứ đâu thấy... tiện và lợi.Dê bị hiếp dâm, cùng ra hầu tòa
Thể nào cũng có độc giả... nhăn mặt như ăn nhằm đồ chua khi đọc tựa đề trên. Mà nhăn mặt cũng phải thôi, bởi từ thuở tạo thiên lập địa tới... giờ, chuyện “hiếp dâm” vốn là tội của nhân loại, chẳng mắc mớ chi đến súc vật, vậy mà nay lại có “sự cố” dê là... “nạn nhân”? Thưa, đã nói rằng thời buổi này đến như khí hậu địa cầu còn bị loài người đảo lộn tùng phèo huống hồ cương thường đạo lý.
Số là một người đàn ông thứ thiệt tên là Katana Kitsao Gona, 28 tuổi đời, cư dân của xứ Kenya, Phi Châu, chẳng hiểu do động cơ nào mà chiều thứ Hai, ngày 25-11-2013, bỗng động cỡn mà hiếp dâm một con dê cái của nhà hàng xóm. Hành động phạm pháp này đã bị bắt tại trận và chủ nhân của con dê “bị hại” đã lập tức đệ đơn kiện nghi phạm ra trước “ba tòa quan lớn” của thị trấn Malindi.
Tư pháp của xứ Kenya vốn tự “đánh giá” mình là công bình vào bậc nhất thế giới, xét xử quang minh chính đại bất cứ vụ tranh chấp nào mà không phân biệt động vật, nên đã thụ lý vụ kiện ngay. Trước tòa ngày 29 tháng 11, Serah Kadenge, nữ chủ nhân của kẻ “bị hại” - tức là con dê đấy - khai rành mạch rằng “thằng cha” Katana Kitsao Gona thấy con dê cái của bà đang được cột bên một bụi rậm, bèn đến trước ve vãn sau... làm thật, bất kể sự chống cự quyết liệt của con dê. Chứng cớ là con dê cái này cứ nhẩy cỡn lên, lồng lộn, chạy loạn xạ ngầu để phản đối. Can phạm đã bị bắt tại trận với các tang chứng như đang trong tình trạng “trần như nhộng” và ở tư thế “khom khom gối cật.” Nữ chủ nhân Serah đã tri hô cho bà con lối xóm đến chứng kiến cảnh tượng “quá lạ,” rồi không cho Kantana được mặc quần áo lại, cứ để y khỏa thân mà dẫn giải đến sở cảnh sát Watamu. Mặt khác, con dê “bị hại” cũng được dẫn ngay tới trạm thú y để khám nghiệm thay vì chờ bác sĩ đến lập “ráp-po” tại hiện trường.
Trong phiên xử, bà Serah đã trình cho biện lý y chứng do bác sĩ thú y Munga Gambo ký tên bằng bút mực màu đỏ và đóng dấu màu vàng. Trong đó, bác sĩ xác nhận “sự cố” tấn công tình dục đã xẩy ra và ở cấp độ 5 khiến con dê mang nhiều thương tích khả dĩ mang thương tật suốt đời. Bị cáo Katansa sau khi đã “thành khẩn khai báo” hết thú tính của y vốn đã có từ lúc cha sinh mẹ đẻ, rồi bèn “xưng tội” về tình trạng của y khi chợt nhìn thấy... con dê cái nhởn nhơ trong lúc y lại bị “khí tồn tại não” ở cao độ, bởi vì vợ y tàn tật vĩnh viễn vốn có “cầu chứng tại tòa” và vẫn được “ăn tiền bệnh” nên cơ thể y bị cưỡng bách “thất nghiệp” lâu năm. Chủ nhân không đòi tòa bỏ tù can phạm, chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại $500 đô la để bà... thuốc thang cho con dê cái yêu quí.
Nét độc đáo của vụ kiện là tòa cũng cho gọi cả “bị hại” trình diện để “hai bên” đối mặt nhau. Trong lúc chánh án hỏi cung Katana thì con dê cái thỉnh thoảng lại thốt lên những âm thanh “be he... be he...” nghe rất ai oán. Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt Katana Kitsao Gona 10 năm tù ở. Y kháng án vì cho rằng 10 năm là quá ư nặng, đồng thời y “ca bài con cá” với tòa rằng vợ y vốn tàn tật “có chính nghĩa” nên hoàn toàn lệ thuộc vào y; trong khi ngược lại, vợ không “đáp lễ” y được tiết mục nào cả. Tòa tuyên bố sẽ tái xử vào đầu năm mới. Y được “tại ngoại hầu tra” nhưng không được di chuyển khỏi địa phương.
Văn nghệ giúp vui trong đám tang
Người thân chết mà buồn rầu, đau khổ; “mốt” này... xưa rồi - vả lại, ai cũng “sao y bản chính” như vậy nên dễ gây... nhàm chán. Có lẽ nhận thức như vậy mà một gia đình ở đảo quốc Đài Loan (Taiwan) đã hành động “chẳng giống ai” trong ngày tiễn đưa một người quá cố về bên kia thế giới.
Tin tức không cho biết kẻ chết là ai, chức tước và địa vi thế nào, hưởng thọ hay hưởng dương, vai vế ra sao với những người còn sống, chỉ nhấn mạnh rằng tang quyến đã “nhất trí” không chấp nhận bầu khí ảm đạm, u ám trong đám ma, trái lại chỉ muốn từ đầu chí cuối lúc nào cũng vui tươi, thoải mái, mệt thì nghỉ. Tuyệt nhiên trong nhà không hề có tiếng khóc hoặc sụt sịt, thút thít này nọ dù kín đáo. Để thực thi nghiêm túc “chính sách và đường lối” vừa kể, họ đã thuê một ban nhạc thuộc hạng cao cấp gồm toàn “chân dài” thứ thiệt cộng với những “đồi núi” đầy “ấn tượng” về giúp vui tang gia và tiễn biệt người qua đời. Đó là ban nhạc nữ nổi tiếng Yuan-Rong Life hiện ăn khách nhất ở Đài Loan..
Trước phút ban nhạc này khai mạc “chương trình văn nghệ” dành cho người quá cố, vị trưởng tộc đội mớ tóc và đeo râu giả màu trắng bạc phơ và mặc bộ âu phục “hàng hiệu” đã châm đốt một bánh pháo dài có lẽ gần hai thước. Tiếng pháo đì đùng ròn tan khiến ai cũng... náo nức - không phải náo nức muốn được chết để được hưởng những phúc lợi như vậy - nhưng cảm thấy rộn ràng khắp thân thể như đang đón Tết mới. Sau đó các nữ nghệ sĩ trong đồng phục váy ngắn đến gần ngang thắt lưng, đi “boot” trắng, không mang vớ (bí tất), vừa thổi kèn, đánh trống... ngực, vừa nhẩy nhót chung quanh quan tài người chết, được đặt ở giữa nhà.
Trong suốt 3 - 4 tiếng đồng hồ liên tục, các cô toàn chơi những nhạc phẩm nổi tiếng ở Đài Loan hoặc phổ thông trên thế giới. Điệu nhạc nào cũng mạnh, giật. Chẳng thế mà toàn thể tang gia hiện diện, kể cả các bậc trưởng bối, người nào người nấy cũng... lắc lư đầu, mình và tứ chi theo. Thời gian trôi qua đã hơn nửa khuya mà chẳng ai để ý. Mãi cho tới lúc mặt trời ló dạng to bằng cái bánh đa, bá quan văn võ mới giật mình nhận ra đã tới giờ chôn người chết. Các “chân dài” khỏe thế đấy, vẫn chơi bạo, vẫn thổi mạnh, vẫn hét lớn... thành ra bầu khí không ngừng nhộn nhịp, sống động và hấp dẫn. Chẳng thế mà vị tộc trưởng phải ra hiệu đến hai, ba lần, toàn thể tang quyến mới sửa lại áo quần, chỉnh lại khăn tang, lần lượt vào... “restroom” (ở Việt Nam, đồng bào mình quen gọi là nhà vệ sinh hay toa-lét) trước khi “thơ thới hân hoan” tiến đến nghi thức động quan.
Một đoạn video đã được đưa lên mạng YouTube cách nay hơn tuần lễ khiến cả triệu người khắp thế giới được thấy cảnh một đám tang ở vùng Tây Nam, Đài Loan... vui đến thế. Trên đường đưa quan tài ra nghĩa địa, ban nhạc nữ này tiếp tục chơi tiếp. Các cô chẳng tỏ dấu hiệu nào mệt. “Chân dài” vẫn mát mẻ, thoăn thoắt nhún nhẩy. Do ảnh hưởng của sự sót lại bởi cơn bão Haiyan (Hải Yến) từ Phi Luật Tân bén mảng qua, thời tiết ở Đài Loan vào lúc tang lễ ấy cũng rét lắm, vậy mà các nữ nghệ sĩ cũng vẫn mặc áo sát nách, cổ xệ. Họ yêu nghề đã đành, nhất là còn chứng tỏ sự hết lòng đối với người quá cố. Tang quyến “chịu” lắm, bởi vậy đã quyết định ngay tại chỗ việc gia tăng thù lao cho các nàng đồng thời hứa hẹn sẽ không quên các cô vào các dịp sau.
Tuy nhiên, cảnh tượng các cô gái trẻ trung, xinh đẹp, mũm mà mũm mĩm nhẩy múa, thổi kèn, hát hò trong một đám tang đã khiến cư dân ngạc nhiên “can không nổi.” Có người cho rằng hành động như vậy nhằm “đánh thức” người chết, biết đâu đương sự có thể gõ gõ quan tài, báo hiệu đã sống lại. Người khác lại tin rằng đây là một lối “báo hỉ” để người quá cố cứ “vô tư” mà... ngậm cười nơi chín suối. Ý nghĩa nào xét ra cũng chí lý, nghe cũng lọt tai. Vả lại, người Hoa cũng như người Việt mình vẫn quan niệm “sống gửi thác về.” Thí dụ, có ai về Việt Nam mà... khóc đâu, cười toe toét không hề biết mỏi miệng. Người nhà ra đón càng vui hơn vì nhiều lý do, nhất là lý do tiềm ẩn trong lòng. Vậy trường hợp thân nhân có “thác về” thì hành động ca xướng, nhẩy múa... âu cũng hợp tình hợp lý thôi. Nhà nhân chủng học Marc L. Moskowitz nhân cơ hội này đã giải thích như sau: Việc thuê ban nhạc nữ gồm các “chân dài” ở đám tang tại Đài Loan thật ra cũng chẳng mới mẻ gì và cũng chẳng là một hình thức “sáng tạo” nào. Thời thượng cổ nhiều chủng tộc vẫn ca múa, uống rượu mấy ngày liền bên tử thi của thân nhân; có bộ lạc còn xơi luôn thịt người chết. Chẳng ai khóc. Học giả Moskowitz suy đoán thêm là “chương trình văn nghệ” trong đám tang ở Đài Loan rồi sẽ được nhiều người theo, tạo ảnh hưởng sâu và rộng. Hơn thế nữa, khi nhà đám thuê các ban văn nghệ, nhất là ban nữ nổi tiếng thì đây cũng còn là một “hành động từ thiện,” bởi mang đến cho những người nghèo ở nông thôn hoặc cho các cộng đồng... một “dịp may hiếm có” được giải trí miễn phí. Các cụ nhà ta xưa bảo rằng một công mà đôi ba việc là vậy đó.. Hoài Mỹ
Thêm chút xíu nữa về ngực lép lái xe ở Việt Nam
Sau 4 kỳ hầu chuyện quí độc giả về một “sự cố” vô cùng hiếm có đang diễn ra nóng bỏng ở quê nhà - đó là việc nhà nước cộng sản Việt Nam sắp sửa ban hành cái gọi là “Quy Định nghiêm cấm những kẻ thuộc hạng ngực lép lái xe” - tôi đã định bế mạc câu chuyện để “a men tắt đèn đi ngủ.” Thế nhưng nhiều bạn đọc vẫn còn hăng say đóng góp ý kiến qua các cú điện thoại với kẻ hèn này hoặc gửi các lá “meo.” Trước thịnh tình quí báu ấy và để gọi là “đáp lời sông núi,” tôi mạn phép kéo “ngực lép” dài thêm một hiệp nữa.
Tâm lý học gọi một phản ứng tự nhiên là phản ứng-Pavlov. Số là triết gia Ivan Pavlov đã thực hiện một thí nghiệm: Mỗi khi cho con chó ăn vào một thời điểm cố định trong ngày, ông lại đánh vài tiếng kẻng. Sau nhiều lần như vậy, cứ nghe tiếng kẻng, dù không được ăn, nội tạng con chó vẫn tự động tiết ra các chất tiêu hóa.
Có lẽ bởi thế mà mỗi lần nghe trên TV một đấng “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” quảng cáo loại sà-phòng gội đầu làm ít rụng tóc, tôi lại một cách máy móc lẩm bẩm một câu tụng sau đây về... ngực lép mặc dù giữa tóc rụng và vú xẹp chẳng “ăn nhậu” gì với nhau, “Chẳng cứ đến tuổi già, người ta mới bị nguy cơ ngực lép... Mà ngay thời niên thiếu, người ta vẫn có thể gặp nhiều nguy cơ làm ngực lép... như chính tôi vậy.”
Phải, tôi tuy mang tiếng là “nam nhi chi khí” với đầy đủ “đồ nghề” trên thân thể vốn đã được “cầu chứng tại tòa (nghĩa là có giấy Khai Sinh chứng nhận đàng hoàng), tôi vẫn chỉ có một bộ “ngực lép” mà những ai vô tình nhìn thấy, đều kinh hoảng bật gọi là “ngực lò xo.” Ý thức được thân phận, tôi chẳng bao giờ dám cởi trần, kể cả sau khi lấy vợ, cùng lắm những khi thời tiết quá ư nóng bức, tôi mới “uống thuốc liều” chỉ mặc chiếc áo mai-ô 3 cửa. Tôi chưa dám một lần anh dũng đo kích thước vòng 1 của tôi, bởi may mắn lắm hoặc ăn gian cỡ nào, ngực tôi cũng không đạt nổi chỉ số 60 cm (nói chi mộng tưởng những 72 cm). Còn về trọng lượng thân thể và chiều cao thân xác, tôi chẳng thể “vạch áo cho người xem lưng,” nhưng mạn phép bật mí một chút “mặt phẳng” để quí độc giả hiểu mà thông cảm: Nhiều lần trong cuộc “lâm trận sáp lá cà” giữa vợ chồng, vợ tôi vẫn chỉ dùng độc nhất một tay để bế bổng tôi lên mà... lắc. Ngoài ra, những khi vợ chồng “dung dăng dung dẻ” ở đường phố, chẳng may gặp trời mưa bất chợt, tôi chỉ cần đứng phía trước sát người vợ là chẳng một giọt mưa nào rơi vào đầu tôi.
Vậy mà cách nay hơn chục năm, tôi đã thi đậu lấy bằng lái xe và được nha Lộ Vận Hoa Kỳ (DMV/Department of Mortor Vehicles) cấp bằng lái có giá trị 10 năm để nay tôi hàng ngày vẫn lái ô tô đi đây đó, phóng phây phây trên “free way.” Phải, tuy chiều cao của tôi quá ư... khiêm nhượng nhưng tôi vẫn có thể điều chỉnh ghế tài xế lên xuống cho thích hợp với tầm nhìn. Thêm vào đó, bộ phận thắng (phanh) cũng nhẹ mà “ăn” như thể bánh xe có chất keo đặc biệt dán vào mặt đường, không đòi hỏi tài xế phải dùng hết sức lực, bậm môi trợn mắt mà đạp thắng. Thời buổi văn minh hiện đại, các phương tiện giao thông cơ giới đã tiến triển “vượt chỉ tiêu,” việc vận hành (lái) xe quả “khỏe re như con bò kéo xe,” chẳng đòi hỏi tài xế phải “sức dài, vai rộng” hay phải có “ngực tấn công, mông phòng thủ.” Ở các quốc gia khác trên thế giới, điển hình như Na Uy, một xứ sở nổi tiếng khó khăn nhất trong việc thi lấy bằng lái xe vì đường xá chật hẹp, ngoằn ngoèo, lại lắm đèo, nhiều dốc... vậy mà số đông người tàn tật liệt cả đôi chân (trong số này, theo chỗ tôi biết chắc chắn, có ít nhất hai người Việt Nam), vẫn được phép lái ô tô, bởi vì xe của họ đã được chế tạo đặc biệt, phù hợp với điều kiện cơ thể của họ, chẳng hạn các bộ phận điều khiển xe ở dưới chân đều được chuyển lên trên, thuận lợi với tầm tay. Nói thật sự chứ, chẳng ma nào lái xe bằng ngực hay bằng bụng như thể chính quyền Việt Nam, nơi các “đỉnh cao trí tuệ” vẫn tối ngày.... “chạy đầy đường,” hiện quan niệm.
Ba cơ quan chủ yếu, Bộ Y Tế, Bộ Giao Thông Vận Tải và Bộ Công An, mới chỉ quy định tổng quát, ai muốn đuợc lái xe thì vòng ngực phải đo được tối thiểu 72 cm; nhưng đo như thế nào thì chính quyền vẫn còn giữ bí mật. Thái độ này khiến nhiều chị em phụ nữ băn khoăn hồi hộp, điển hình như một nữ độc giả ký bút hiệu là vuthuylove đã bầy tỏ trên trang mạng, “Vòng ngực chắc ý là chân ngực thôi chứ nhỉ? Ai lại đo cả bầu? Nhưng nói chung là đo ở đâu thì nghe vẫn cứ ghê ghê thế nào ấy.”
Hơn nữa, nhà nước cộng sản Việt Nam cũng vẫn còn nhi nhô nhập nhằng giữa “ngực lép” và “ngực bơm.” Kể ra cũng khó ăn khó nói đối với họ, bởi “mở miệng thì mắc quai”: Nếu dễ dãi với “ngực lép,” tức là “hàng thật,” ắt sẽ bị các thẩm mỹ viện, các cơ sở giải phẫu mông ngực rút lại “toàn bộ công sức và tiền của” mà họ đã “ủng hộ tí” vào việc soạn thảo bản Quy Định “cấm người ngực lép lái xe.” Còn nếu đề cao “ngực bơm” thì lại mang tiếng trọng “hàng giả,” đánh giá “bèo... cây nhà lá vườn.” Chẳng thế mà trên một WebSite, nhóm Saigonhanoivietnam đã khơi dậy lòng trắc ẩn đối với các thế hệ người Việt, “Tại Việt Nam có hàng triệu phụ nữ, trong đó có các bà, các mẹ, cô, dì của các nhà soạn thảo văn bản luật, hiện đã trên 45 tuổi. Ai cũng biết, phụ nữ càng lớn tuổi, ngực sẽ nhỏ dần và teo lại, đặc biệt là những bà mẹ khốn khổ, một sương hai nắng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm tiền nuôi các con khôn lớn. Chiều cao của họ đã hạn chế, càng lớn tuổi càng thấp hơn. Nếu quy định như trên, họ làm sao có bằng lái xe? Ai sẽ gánh nặng cơm áo gạo tiền thay họ khi họ không có phương tiện hợp lý để đi làm? Họ không được lái xe đi làm, lấy gì nuôi con ăn học? Hãy nghĩ về những người mẹ, người chị của các bạn trước khi đưa ra những đề xuất “phản bội” lại họ như thế này?”
Ấy chỉ mới đề cập đến mục “ngực lép” thôi đấy nhé mà dân muốn lái xe đã gặp biết bao sự “trần ai khoai củ,” trong khi còn phải vượt qua những 83 cửa ải khác, nào không được phép mang những chứng bệnh da liễu như vẩy nến, giời bò, nhiễm nấm, nhiễm HIV hay sida... có tính lây lan, nào không được phép sa trực tràng, lòi dom, trĩ nội, trĩ ngoại, nào không được phép lở loét bao tử, không được sa trực tràng, tá tràng, không suy thận mãn tính, sơ gan, không bị bệnh tiền liệt tuyến có biến chứng, không rò rỉ hậu môn hay đái són, nào mắt không được phép lé (lác) đến độ “mắt nọ chửi cha mắt kia” hoặc mắt toét ba vành sơn son khiến “lập lòe, mắt to mắt bé, mắt không có lò so.”
Hãy tưởng tượng, hồ sơ xin thi bằng lái xe sẽ dầy cộm đến chừng nào, bởi vì phải nạp đủ tất cả tài liệu xác nhận không vướng mắc các chứng bệnh kể trên. Để được các y chứng ấy, đương đơn đã phải trải qua biết bao ngày tháng lê gót đến các phòng khám của bác sĩ hay bệnh viện, e rằng khi nộp hồ sơ, một số giấy chứng được cấp đầu tiên đã hết hiệu lực. Đó là chưa kể những cuộc “tiền trao cháo múc” ở các phòng mạch, các “vụ lựa chọn đúng nhất” ở bệnh viện, thí dụ, “Phong lan, phong cách, phong bì - trong 3 phong ấy, phong bì nặng hơn....”
Dư luận tiên đoán, mặc dù đa số – 75.5% - dân chúng đã chê rằng “Quy Định nghiêm cấm người ngực lép lái xe” này “không phù hợp” (vô lý) nhưng dưới chế độ cộng sản độc quyền, ý dân không còn phải là ý trời nữa, nhưng rồi đảng và nhà nước Việt Cộng vẫn cứ “mũ nhi che tai” cho thi hành. Thế là toàn thể guồng máy cán bộ, công nhân viên nhà nước sẽ được lệnh bỏ hết công vụ hiện tại của mình - mặc dân, dân tự lo, mặc nhu cầu cuộc sống của dân “xuống dốc không phanh” - hầu được điều động sang bộ Y Tế và bộ Giao Thông Vận Tải để xét nghiệm tất cả công dân muốn thi lấy bằng lái xe....Trong khi đó, ở các ngã tư đường, trên các vỉa hè... diễn ra những cảnh khám ngực “vui như tết.” Cảnh sát giao thông, tên thì cầm thước đo ngực và chiều cao của các tài xế; người thì quan sát cái cân trọng lượng thân thể; kẻ thì khám xét da thịt tài xế để đảm bảo các đương sự không mang bệnh truyền nhiễm... Để tiết kiệm “thời giờ là vàng bạc,” một số đông nam tài xế đã cởi sẵn hết quần áo để “giúp” cảnh sát giao thông “thi hành tốt” nhiệm vụ; trong khi đó liên tục diễn ra cảnh “đấu võ miệng” sôi nổi giữa cảnh sát và các nữ tài xế về “hàng thiệt,” “hàng giả” và về thước đo không “chuẩn”...
Và rồi chắc chắn sẽ diễn ra thêm một hiện tượng rất mới nữa: Phải, mai mốt đây, kể từ ngày áp dụng “Quy Định cấm ngực lép lái xe,” các bà vợ cảnh sát giao thông sẽ bỏ hết công ăn việc làm thường nhật của mình để ra đứng... đầy đường, nhằm theo dõi “thằng chồng” đo đạc, nắn bóp “ngực lép,” “ngực bơm” của các nữ tài xế.
Xã hội Việt Nam lại càng có cơ hội “thừa thắng xông lên” mà... “hồ hởi phấn khởi” hơn nữa, càng vui “can không nổi”! Hoài Mỹ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét