Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Bài viết hay(767)

Đọc báo giấy lẫn báo mạng thấy tình hình VN sao mà tui thấy ...loạn quá, ông ạ. Bạn tui "đập" cho 1 phát: Mẹ tổ, từ xưa đến nay đều loạn cào cào chứ đâu phải chỉ co bây giờ mới loạn? Chẳng qua họ bưng bít kín quá; vả lại bây giờ "mở cửa" nên ...gió thổi tứ bề lồng lộng, giấu được cái gì thì giấu, còn hổng giấu được nữa thì thiên hạ rùm beng lên thôi!  Cái xứ có cả rừng luật mà thích xài luật rừng là vậy đó. Nhìn em Kim Tiếng là muốn ...ói, nghe em KT phát biểu là muốn ...rởn tóc gáy; vậy mà nó vẫn làm bộ trưởng y tế mới kinh !
Tết Tây
Năm đó vợ chồng tôi khăn gói lên Las Vegas đón tết Tây với gia đình cô cháu gái, quà mang theo mấy hộp chocolat, con nhỏ thích nhất chocolat có nhân đủ loại rượu trái cây, chồng mi là « thầy thử rượu » mà chỉ thích “rượu mùi », nghe tôi chê, nó phân trần, rượu xịn Bill uống rồi diễn tả cảm giác mùi vị coi như mình cũng thưởng thức luôn, uống rượu nhiều cháy lá gan làm sao “có gan” gánh cái gánh xiếc cha con nhà này.
Tôi ngạc nhiên, chồng con nhà mi làm răng mà mi gọi là gánh xiếc, bộ cha con nó  say xỉn li bì rồi quậy phá, nó lắc đầu, say được cũng mừng, họ tỉnh táo quá mới phiền, tía con mỗi người đòi ăn một thứ, thằng cu lai mê cá kho nước mắm, tía nó mê mì ý, thế là hôm nào ăn đồ ý thằng nhãi nhìn tía với ánh mắt “ý ẹ mafia” phát rét. Tôi sốt ruột, đến bữa cơm cá kho tía nó làm răng, con nhỏ cười, tía độ lượng hơn thằng con, nhậu cá kho với rượu, cũng như bợm bên nhà nhậu xí quách vậy đó, nhậu hết cá rồi nấu mì gói ăn. Tôi nể thằng cháu rể Mỹ, cưới vợ Việt coi như bật gốc Ý và ẩm luôn cái bếp Việt. Ông xã tôi gốc Nam Định nhưng là “mít dỏm”, kỵ nước mắm, tương chao ..., chỉ xì dầu, Maggi và muối, hỏi tại sao, chàng cười bí hiểm, chỉ có giời biết, tôi trộm nghĩ có thể hồi nhỏ chàng té vào lu nước mắm của bà mẹ chồng tôi chế biến nên thất kinh hồn vía đến bây giờ.
Đêm cuối năm cả nhà kéo nhau ra phố coi pháo bông, đại lộ The Strip cấm xe, thiên hạ đi bộ chặt cứng, xe đậu trong parking hoặc phía ngoài vành đai phố chính, gần giờ giao thừa đoàn người càng đông hơn, đám đông như dậm chân tại chỗ khi mọi người cùng đếm, one, zero ... Keng một cái pháo nổ tung toé, năm cũ rũ áo bỏ ta ra đi không thương tiếc, mặc cho ta nửa vui vì năm vừa qua sức ta chưa đến mức báo động, nhức xương vì hết xí quách, cao mỡ vì tội tham ăn, BS chỉ cảnh cáo, chưa dùng biện pháp “treo mỏ”, nửa lo không biết sẽ ra sao năm sau. Trong giây phút nhấp nháy đó nhìn bầu trời lung linh ngàn sao ta mơ có ngôi sao xẹc để ta ước sang năm sức khoẻ vẫn ổn, chả ngôi sao nào chơi đẹp, xẹc một cái cho ta nhờ, chỉ có đám trẻ hôn nhau đến xẹc lửa chưa chịu buông nhau ra.
Xong màn pháo hoa, thiên hạ tảng hàng đi ăn đêm, quán ăn tấp nập khách xếp hàng rồng rắn, cô cháu bảo cả nhà ra xe đi coi đèn rồi về nhà ăn giao thừa, qua bên này tôi học thêm cụm từ “đi coi đèn”, tức là ban đêm chạy xe vòng vòng xem phố lên đèn, cụm từ Việt gốc tỵ nạn đây, nhưng vui chứ không vương buồn như Người Di Tản của bác Nam Lộc.
Về đến nhà gần hai giờ sáng, bế hai đứa bé lên phòng thay đồ cho chúng ngủ, người lớn xuống bếp ăn cháo gà, món này do tôi đề xướng, ăn cho nhẹ dạ sau những bữa tiệc thừa thịt thiếu rau. Bill lôi rượu ra mời chúng tôi nhậu với gỏi gà, tuy BS có dặn chừa rượu, nhưng đêm nay coi như mình phá rào, uống mừng năm mới, uống cho cháu rể vui. Lúc vào phòng ngủ, ông xã diễu, mẹ nó chơi bạo lấy tiếng, vài bữa nữa BS viết bảng “cấm» coi như “đời chỉ đẹp khi ta không bị treo mỏ” nhé, tôi chống chế, “chỉ đêm nay thôi rồi mai ta sẽ chia tay” mà, tiếng ông xã vang vang, để rồi xem, hơi men chếnh choáng đưa tôi vào mộng.
Sáng hôm sau tôi thức lúc mười giờ sáng, uống ly cà phê dằn bụng, cơm trưa ăn trái cây là đủ sức đi shopping với cô cháu, để hai ông kẹ ở nhà chăn đám con lai, ông Mẽo cũng như ông Mít đâu có quen chăm sóc con nít, họ bày bộ loto ra, hai đứa bé bu vô là xong. Tôi nói, lên xứ này rồi không vào Casino cũng gầy sòng tại gia chứ làm sao thoát nổi cảnh đỏ đen, ông xã nói khẽ, chuyến này ông quyết thua để tụi nhỏ có tiền ăn kẹo, đen bạc đỏ tình ấy mà, mẹ nó chuẩn bị đêm nay đấy, tôi trợn mắt, tết nhất mà cũng chưa chịu “đình chiến”, chàng huýt gío, đừng mơ em ơi, tết đến ta làm một cú “đắp bồ” (double) lấy trớn cho năm tới, tôi hoảng vía chạy ra xe.
Đi rạc giò hai dì cháu chưa mua được món nào để tặng chủ nhà mời tiệc tân niên chiều nay, Jane, bà chủ cung cấp rượu cho các casino lớn như Bellagio, Venetian, Caesars ... Tôi đề nghị, mang đến nhà Jane hộp chocolat king size và hộp gan ngỗng nửa ký, cô cháu nói mang thêm nồi cháo gà, tôi ngẩn ngơ, cháo gà, tụi Mỹ bị mi thuần hóa hồi nào mà biết ăn cháo gà, con nhỏ chắc mẩm, dì cứ tin cháu đi, tụi này hảo thức ăn á châu.
Hồi trước Jane đại diện cho hãng rượu ở New York buôn bán với casino ở đây, dọn về LV hơn một năm nay, Jane mở hãng và bán thẳng cho casino, thời gian đầu nhờ Bill giúp đỡ để chào hàng, nên cô kết thân với cháu của tôi.
Chúng tôi là đám khách đến sau cùng, trong nhà có đến bốn cặp trẻ và một bầy con nít, Jane biết vợ chồng tôi đến từ Châu Âu nên rất thích khi tôi đưa hộp gan ngỗng và chocolat, ngoài sân đàn ông đang nướng thịt, nghe có gan ngỗng với “bánh mì mềm” thiên hạ “giải lao” ăn bánh mì trét gan.
Rượu khai vị, rượu cocktail cây nhà lá vườn ê hề, ông xã cảnh cáo, mẹ nó liệu đấy, sa vào hầm rượu, tàn tiệc tôi không cõng nổi đâu, tôi nguýt chàng, khéo lo tôi đã đi xiêu vẹo bao giờ, chàng cười cầu hòa, nói trước cho chắc ăn, tối nay còn “tăng ca đêm” nữa đấy. Tôi cười thầm, đã thế thì bà quỵt đêm nay cho bỏ cái tật nhây, vừa lúc đó Jane kéo tôi ra sân bên cái bàn lớn bày những món khai vị. Cô giới thiệu món “xà lách cocktail” cô vừa sáng chế, tay buôn rượu thứ thiệt mà chế cocktail rau quả chắc phải ngon, tôi múc một đĩa xà lách, nghĩ vội, chuyến này mình trúng mánh, mấy bữa nay ăn thịt đến cứng bụng, giờ ăn rau để “tiêu mỡ”. Món xà lách thập cẩm “tếch níc cô lo” trông bắt mắt, rau củ quả tươi trộn với thịt nguội pha sốt chua, Jane còn cho vào “mì gói sống”. Jane cười đưa đẩy, bà dùng thử xem vị mì gói có đậm đà không, theo phép lịch sự Tây âu, tôi hiên ngang nhai “xà lách mì sống”, cọng mì nhão ra, mùi vị kỳ dị phát rợn, lần đầu trong đời tôi hiểu, “Đông Tây” không thể gặp nhau... trong một thau xà lách kiểu này. Jane “lên men” lúc nào mà dám trổ tài “bếp Tây bếp Ta giao duyên» trong ngày Tân Niên, tây ta choảng nhau “tới bến”, Jane nhìn tôi chờ đợi, tôi lơ lửng con cá vàng, vị lạ, tùy sở thích mỗi người, đúng là lần đầu gặp Jane tinh tú quây cuồng đến ngất ngư dù tôi chưa uống rượu. 
Jane quay gót, tôi hớp một ngụm rượu để xua đi cái vị âu á ngang cổ họng, và cảnh báo ông xã, đừng ăn xà lách cocktail, ăn vào sẽ hối đấy, chàng hỏi tại sao, không có giờ giải thích, tôi nói ẩu, có NƯỚC MẮM, chàng rẽ qua hàng thịt nướng. Tôi tìm cô cháu báo động, xà lách mì gói, ăn vào “á khẩu”, con nhỏ nhíu mày, có chuyện lọa đầu năm sao, thì ra Jane báo sẽ có “surprise”, đúng là dân rượu nhà nghề bị ma men nhập, may là ăn vào không chết người, tôi châm biếm, chỉ “một nửa khẩu vị của ta mất đứt đuôi đêm tân niên” thôi.
Tôi chợt hỏi cô cháu, mi bày cho Jane ăn mì gói phải không, con nhỏ chắc cú, dĩ nhiên, mì gói ăn với hành lá  chanh ớt ngon tuyệt, ai ngờ Jane ngẫu hứng tài tử quá đáng, hậu quả thật khó lường nếu có ai đó ôm bụng chạy vào restroom. Con nhỏ làm tôi đâm hoảng, không biết có qua đêm nay không, thế là tôi nốc thêm rượu để đẩy lùi cơn lo đang hoành hành, giờ này BS có can tôi cũng ba bảy liều “cãi lệnh” vì mùi mì gói nó ám đến khó tả.
Giời ạ, mì gói, món khoái khẩu đối với đám sinh viên chúng tôi sau năm 75, đi lao động cộng sản đào kênh đắp đê, bụng đói meo, chân tay bủn rủn, được xơi gói mì còn gì ngon hơn, vậy mà lúc này mì trở nên “dễ giận” đến thế.
Bữa tiệc rơm rã đến đêm, thiên hạ hỏi chúng tôi, Paris mùa đông có gì lạ ngoài cảnh tuyết rơi đẹp, thơ mộng và lãng mạn, tôi trả lời nửa vời, quý vị cứ đến rồi sẽ thấy, hay hoặc dở tùy nhãn quang mỗi người, thành phố du lịch đương nhiên phải hấp dẫn. Ông xã thúc cùi chỏ, sao mẹ nó bảo “dở”, thủ đô ánh sáng mà lị, có sao nói vậy người ơi, đẹp thì có đẹp thật, nhưng đường phố Paris cũng lắm cứt chó, ngay đại lộ Champs Elysées du khách vừa bước ra khỏi khách sạn sang trọng năm sao, dẫm vào phân của chú cẩu coi như hôm đó Paris hết đẹp.
Thịt nguội, thịt nướng, mì ý, mì gói, rượu đủ loại, thiên hạ nít một bụng chắc nịch, Jane bảo, để “tiêu cơm” không gì hay bằng âm nhạc đưa đẩy ta vào điệu nhảy xì lô nhẹ nhàng giúp thức ăn “định vị” an toàn trong bao tử. Hình như Jane biết món xà lách đang nổi đình nổi đám trong bụng thiên hạ nên nàng dùng biện pháp “ngoài xoa” để giải vây cái món ăn chơi “bệnh thật” do nàng sáng tác đây. Thiên hạ kéo nhau ra sàn nhảy, dưới ánh đèn mờ nhấp nháy, ông xã nắm tay tôi, làm một bản tình tứ xem nào, tôi làu bàu, tình gì nổi, “rượu đang tán tỉnh mì gói” đây, chàng lim dim, thế thì ông ăn theo tán bà nhé, báo cho mẹ nó biết đêm nay ông chơi hết mình.
Chàng làm tôi phát hoảng, ngày đầu năm có nhiều điều lọa, mới thò mặt ra đã bị mì gói “chơi” một cú để đời, đêm nay ông đòi chơi hết mình, chắc tôi phải say xỉn may ra mới cầm cự nổi. Đang du dương, con bé lai níu tay tôi, bà ơi mẹ con nhờ bà coi nồi cháo, đành hy sinh điệu nhảy tình tứ để lo nồi “đặc sản”, tôi giao chàng cho “hai bạn nhảy” nhỏ tuổi nhất đêm nay. Đến bên nồi cháo đặt trên lò barbecue nướng thịt, mùi cháo bốc lên thơm lừng, hàng Á thứ thiệt mùi nào vị đó, càng ăn càng nghiện, làm gì có chuyện ăn vào mất vía như “thứ kia”, tôi như tỉnh rượu, nêm thêm ít muối rồi vào bếp tìm tô và thìa.
Nhà Mỹ làm gì có tô ăn cháo, lục hết tủ chén chỉ có chục bát trung trung để ăn cereal với sữa vào buổi sáng, tôi lấy thêm mấy cốc to uống bia chữa lửa. Đúng như cô cháu tôi dự đoán, nhảy đã đời, khách xếp hàng xin bát cháo nóng, có đủ hành lá, gừng thái nhuyễn, nước mắm chanh ớt tùy nghi sử dụng, đêm tân niên mà thiên hạ húp cháo ngon lành, may là dân Mỹ không dị đoan.
Nhớ những năm đầu tỵ nạn, đêm Tết Tây chúng tôi kết thúc bữa tiệc bằng nồi cháo gà, thằng bé con chị bạn hỏi tôi, nhà bác hết gạo phải không, ngẩn ngơ vài giây tôi chợt hiểu, Sàigòn dạo đó chỉ có ngô khoai, thằng bé chưa quên nơi chôn nhau cắt rún.
Khách bê bát cháo ngồi ngoài sân hì hụt húp, tôi đến bên hòn non bộ ngồi, tiếng nước chảy róc rách, nhâm nhi “cốc cháo”, không có món ngon vật lạ nào trên đời hấp dẫn bằng cháo nóng lúc này, gừng đã “tàn sát mì gói”, hú vía chưa ai bị “tào tháo mì gói” rượt đuổi.
Bầu trời đen nghịt những vì sao lăn tăn nhấp nháy, sương xuống lành lạnh khiến bát cháo nóng váng mỡ gà hành ngò thơm quyến rủ “khách ăn đêm”, có người xin thêm một bát nữa, đâu cần cao lương mỹ vị, khéo tay xoay sở cơm cháo bỗng chốc biến thành món ăn sành điệu.
Khách tíu tít khen cô cháu của tôi khéo nấu, Bill muốn nổ lỗ mũi, cao hứng hắn mời khách ngày mai đến nhà dùng Phở, Jane là người đầu tiên tán thành, mấy người kia không hiểu phở là gì. Jane tình nguyện diễn tả món phở bò có hồi, quế, gừng ... tuyệt lắm, có người hỏi, có ngon như “chicken congee» này không, Jane léo nhéo kể tiếp.
Tôi khều cô cháu, Jane ăn phở nhà mi hồi nào mà rành “sáu câu” quá vậy, cô cháu cười, thường xuyên, lúc nào nấu phở Jane cũng ghé chơi... và xin một bát, ăn ngoài phố bị bột ngọt dần một trận nó tởn đến gìa, tiếc quá mai dì về Little Sàigòn rồi.
Hôm sau cô cháu, tường trình qua điện thoại, khách thưởng thức phở tái nạm gầu húp hết nước lèo, tiện tay Bill quảng cáo mì gói, thiên hạ ái ngại nhớ đến thau xà lách hôm qua ở nhà Jane. Để giải oan cho món “instant noodle soup”, Bill làm một tô mì tại chỗ cho hành lá vài cục bò viên vào, thiên hạ cầm lòng không đặng, có người xin Bill một gói làm mẫu để đi chợ sau này.
Từ đó bên xứ sòng bài gia đình cô cháu của tôi có thêm món cháo gà trong dịp tết Tây, ăn vào nhẹ dạ để lòng thảnh thơi “sân si đủ thứ” trước thềm năm mới. Đám Mỹ ham vui ăn theo Mít cũng du nhập món này, dễ nấu dễ ăn, sự tích nồi cháo gà đêm tân niên chỉ thế thôi, còn cái cú “đắp bồ” của ông xã có bị tôi quỵt không, xin hẹn dịp khác.
Năm nay kinh tế “đao” (down) khiến thiên hạ đau lòng khi móc bóp chung chi những món quà đầu năm, đã thế bão tuyết rơi phủ khắp nơi, tiếc nhỉ gía như tiền cũng rơi hào phóng như tuyết còn gì sướng hơn, ông xã chỉnh, mẹ nó chỉ mơ hão, suốt ngày trên “phố ảo” đi trên mây như người mộng du. 
Mộng du hồi nào, chỉ mộng mị tí thôi, mơ màng sang năm kinh tế phục hồi để nhân thế bớt vất vả, tiền không rơi như tuyết, thì xin mưa HỒNG ÂN AN LÀNH HẠNH PHÚC bao phủ trần gian, sao xẹt xuất hiện liền tù tỳ để nhân gian tha hồ ước “ngày mai tươi đẹp”.
Để kết bài viết cuối năm mời quý vị thưởng thức bản nhạc HAPPY NEW YEAR của nhóm ABBA, xin chúc quý vị và gia quyến một  đêm giao thừa vui vẻ ấm cúng và năm mới, VẠN SỰ NHƯ Ý.Tác giả: Đoàn Thị 

Ông Già Nô-en Không Đến
Ông Già Nô-en đã không đến, và em biết ông sẽ không bao giờ đến.
Và em đã không buồn mở những gói quà. Em biết người đặt những gói quà đó, ngay dưới chân cây thông rực sáng ánh đèn, là Má chứ không ai khác. Là Má chứ không phải Ông Già Nô-en chi hết. Em không muốn ăn cơm. Em nằm rã rượi trong chăn, cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn quá! Má đã đi làm từ sáng sớm. Đêm qua Má căn dặn em khi nhắc em đi ngủ sớm, rằng sáng em thức dậy sẽ có quà của Ông Già Nô-en tặng. Quả là có quà thật, nhưng Má không còn có thể đánh lừa được em.
Là bởi vì cái hình ảnh Ông Già Nô-en quen thuộc em thường thấy trong những tấm thiệp Má để trên đầu lò sưởi, hoặc xem trong các cuốn phim mùa Giáng Sinh, nghe những câu chuyện Má kể, hay chính em đã sà vào lòng những người hóa trang giống như ông cho trẻ con chụp ảnh trong các khu “mall”… đều đã mất hết. Không có ai là Ông Già Nô-en cả. Hay nói đúng ra là không có Ông Già Nô-en trên đời này.
Ai cũng biết rằng Ông Già Nô-en không có thật, từ người bình dân cho đến các vị giáo sư. Vậy thì tại sao mọi người cứ tiếp tục làm cho người khác tin? Và cứ mỗi năm lại làm cho trẻ con tin một lần. Ôi, em thấy chán ngán quá! Em chợt thấy mình giận Ông Già Nô-en lạ lùng. Em biết là mình giận vô cớ, bởi vì ông ấy có thật đâu! Em tự hỏi hay là em giận Má. Má là người bảo em viết thư cho Ông Già Nô-en. Vậy Má cũng “tiếp tay” với mọi người để lừa dối em chăng? Không, không phải thế! Em thương Má lắm. Má làm cái gì thì cũng chỉ để em vui, vì Má thương em, mà thôi.
Khi cái bụng của em bắt đầu cồn cào thì bỗng dưng đó là lúc em tỉnh táo nhất. Hình như có ai đó đã nói rằng con người sẽ sáng suốt nhất lúc họ đói bụng. Lạ chưa! Em choàng dậy. Em nghĩ ra rồi! Chính là cái vụ cô bạn Aisha Harris nào đó, mà trong một chương trình trên ti-vi có nói đến. Cô bạn ấy viết rằng Ông Già Nô-en nên là một con chim penguin. Vâng, là một con chim cánh cụt. Trời ạ! Em hết hồn khi thấy tràn ngập những hình ảnh chim penguin mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, mang ủng, vác túi đi tặng quà cho con nít. Eo ơi! Bạn ấy bằng tuổi khoảng em thôi, nhưng có sáng kiến đến lạ kỳ. Em nể bạn ấy lắm! Nhưng rồi đến lúc mọi sự ngạc nhiên và hào hứng lắng xuống, em thấy mình… ghét bạn ấy thế nào! Mình có nên thay đổi một hình ảnh đã có từ lâu hay không? Mình có nên đòi hỏi một thần tượng nào đó phải giống như ý mình muốn hay không?
Aisha có nét hao hao giống em, mấy bạn trong lớp em nói thế đó. Và giống nhất là màu da. Trong hình, bạn ấy cười thật tươi. Em soi gương thấy mình cũng cười tươi như vậy. Nhưng sao tự nhiên thấy buồn quá! Lại cũng cái đài truyền hình CNN, cách nay khoảng một năm, họ đã giới thiệu cái gì mà… thăm dò các bạn nhỏ trong các lớp học. Khi được hỏi “ai đẹp hơn, ai tốt hơn”, đa số các bạn đều chỉ vào hình của người da trắng, dù bạn là da màu hay da trắng. Em có kể cho Má nghe, thì Má chỉ cười buồn.
Má về. Em không muốn Má thấy em lười biếng và buồn rầu, nên em chạy ù vào nhà tắm. Khi em ra chào Má, em đã trở lại thành con bé ngoan của Má.
* Em thường không giấu được chuyện gì quá năm phút với Má, nên em đã thố lộ hết với Má rồi. Má ôm em vào lòng. Em ngước nhìn Má. Má đẹp lắm, da Má trắng muốt, mắt Má xanh thẳm, tóc Má có sắc óng ánh vàng. Má giống như một nữ diễn viên người Mỹ, một bà tiên trong truyện cổ tích vậy. Má nói:
“Má xin lỗi con.”
“Sao Má phải xin lỗi con hở Má?”
“Là bởi vì Má đã không nói chuyện nhiều với con. Má bận đi làm, về tới nhà thì mệt mỏi. Má không hiểu con nghĩ gì. Nên… Má phải xin lỗi con chứ!”
“Má kể chuyện cho con nghe đi! Con không muốn Má xin lỗi con.”
“Phải, để Má kể chuyện “đời xưa” cho con nghe nhé!”
“Giống như chuyện cổ tích hở Má?”
“Ừ, nhưng không bắt đầu bằng “Once upon a time” đâu con, mà là bắt đầu từ một năm cách nay vài chục năm. À, nói sao cho con hiểu nhỉ? Có một gia đình, người chủ của Má, nơi Má giúp việc nhà và giữ con cho họ, nhận Má làm con nuôi. Họ làm giấy tờ đàng hoàng. Thế là Má có một gia đình, một mái nhà. Rồi thì… Má vẫn cứ giúp việc nhà, vẫn cứ giữ con cho họ. Đến một hôm, Má được lên máy bay. Cả nhà người cha mẹ nuôi và Má cùng lên máy bay. Má được qua Mỹ. Qua tới nơi, Má lại vẫn tiếp tục giúp việc nhà, và giữ con cho họ. Má không được đi học, vì sẽ không ai làm giúp cho Má việc nhà, làm giúp chuyện giữ trẻ cho Má. Người ta nhìn Má cứ tưởng Má giỏi lắm, không ai ngờ Má vẫn chưa học hết tiểu học, lại còn rất kém tiếng Anh. Người ta bạc đãi Má. Má vẫn chỉ là một người ở. Khi Má ra ngoài, nói chuyện được với nhiều người, Má bỗng hiểu ra là Má đáng được hơn như vậy. Thế là…”
“Con biết rồi! Má muốn thoát!”
“Con giỏi thật!”
“Con biết chứ! Má muốn thoát, giống như mấy cô bé cậu bé trong truyện chằn tinh há!”
“Ừ, và Má đã trốn đi. Má tới Sở Xã Hội xin giúp đỡ. Người ta cho Má đi học, kiếm việc làm cho Má. Má đã thoát thật sự.”
“Má ơi, con thương Má!”
“Má gặp Ba, Má thương Ba lắm vì Ba cũng cùng cảnh ngộ như Má, và Ba cũng cố gắng thoát khỏi cái nghèo, cái dốt như Má.”
“Con cũng thương Ba nữa!”
Hai mẹ con cùng im lặng. Eo ơi! Em nhớ Ba quá chừng! Không có năm nào Ba được về nhà vào dịp cuối năm. Ba đang ở Afghanistan. Má nói sớm nhất cuối năm tới Ba mới được về, mà lần này có thể sẽ về hẳn. Em mong lắm, em nôn nao lắm. Ồ, mà khi nào có Ba ở nhà trong dịp Giáng Sinh, chắc là em sẽ nói Ba mặc đồ Ông Già Nô-en, làm Ông Già Nô-en thay cho Má. Má lâu nay vẫn chỉ là “Ông Già Nô-en giấu mặt”, làm em cứ lầm tưởng là có Ông Già Nô-en ở xứ tuyết phủ trên miền gần Bắc cực mang quà đến cho em chứ!
* Em nhờ Má chỉ cách cho em vào trang của Aisha Harris, và em viết cho bạn ấy.
“Aisha thân mến,
Bạn có biết không, ban đầu thì mình rất khổ tâm khi đọc những ý tưởng của bạn. Mình đương nhiên là cũng giống như bạn, rất yêu Ông Già Nô-en bấy lâu nay. Mình giả dụ nếu da của mình cũng trắng như ông, chắc là mình chẳng bao giờ băn khoăn cả. Nhưng thú thật là mình cũng giống như bạn vậy. Ba của mình là người gốc Phi châu bạn ạ! Ba của mình học giỏi lắm! Và Má của mình cũng giỏi nữa. Bạn biết không, Má của mình một nửa là người Việt Nam và một nửa là người Mỹ. Má mình nói ở quê của Má mình, nơi miền đông, vùng cư ngụ của người dân miền Bắc di cư, mỗi độ Giáng sinh về, nơi hang đá trước các nhà thờ, người ta trang hoàng rực rỡ lắm, và các tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse đều mặc trang phục như người Việt. Đức Mẹ mặc áo tứ thân, trùm khăn mỏ quạ, Thánh Giuse mặc áo dài khăn đóng, trông thân thương lắm bạn ạ! Mấy cái tên trang phục này nói ra chắc bạn chưa hình dung được đâu, mình sẽ có dịp gửi hình cho bạn xem, bạn sẽ hiểu liền. Đâu có ai cấm mình suy tưởng theo cách của riêng mình phải không bạn?
Vậy thì Ông Già Nô-en của chúng ta có ăn mặc thế nào, có là người da trắng, da vàng hay da đen, cũng chỉ là một. Ông có là thật hay là tưởng tượng thì ông cũng là một người dễ mến. Dễ mến vì ông đã đi đến mọi miền của trái đất này, phát quà cho các trẻ em, bất kể trẻ em da trắng, da vàng hay da đen. Duy có điều chúng ta không cay cú về ông, bởi vì cay cú thì tự chúng ta làm cho mình thất vọng, tự mình làm khổ chính mình. Và thí dụ là chính mình đây, mình đã có một nửa ngày nằm buồn rầu trong chăn rồi đó bạn ạ!
Mình chấm dứt đây. Ước mong sẽ thường xuyên làm “vi hữu” của bạn.”
Ái chà, em viết văn cũng “rườm rà” gớm! Má xem, và cười thật ấm áp. Khi Má và em ngồi bên nhau, nhìn tuyết rơi bên ngoài cửa sổ, em bỗng ao ước lúc này Ba hiện ra như người lính trong một đoạn phim trên ti-vi. Ngạc nhiên lắm! Người cha trở về trong một dịp đặc biệt như lễ Giáng sinh, mùa lễ cuối năm, mùa đón chờ Năm Mới, sẽ hạnh phúc biết bao! Như Má thuở nhỏ đã từng ước mong gặp người cha chưa bao giờ thấy mặt. Em may mắn và hạnh phúc hơn Má rất nhiều.
Chuông cửa vang lên. Em biết Ông Già Nô-en đã đến!
Mùa Giáng sinh 2013
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh(
trước 1975, đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng Tư 1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.)

 Giáng Sinh 2014
Tôi đã nghe nhiều người nói “Số tôi số con rệp”. Nhưng con rệp không có trong 12 con giáp. Suy ra, cách nói thậm xưng đó chỉ nhằm ta thán về sự kém may mắn của người nói đã quá sức chịu đựng của bản thân. Nhìn lại từ ngữ bình dân trong tiếng Việt, đôi khi sự hệch hạc đến buồn cười như: “Có tiền mua tiên cũng được/ không có tiền mua cây lược cũng không xong”. Hàm ý nói đến sự nghèo túng, (người nghèo túng) thường vò đầu bóp trán để nghĩ cách thoát nghèo, làm cho đầu bù tóc rối như ổ quạ, nhưng tiền mua cái lược để chải lại đầu tóc cho gọn gàng như mọi người cũng không có. Tiếng Việt có lối nói thậm xưng tức là nói quá để làm nổi bật ý chánh muốn nói, như nói về một người thường nói vóc thì người ta nói, “Ôi, hơi đâu nghe kẻ trăm voi không được bát nước sáo”. Tiếng Việt ta rất hay với biện pháp tu từ thì kể ra rất đểu với nghệ thuật thậm xưng, sạo đến cao hơn trời khi nói “con rận bằng con ba ba/ đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh”… nên lắm người Việt mang số con rệp như quả báo nhãn tiền.
Không cần giở lại sách vở, chỉ ngồi xuống với mình, nghĩ đến, thì trong đầu sẽ từ từ nhả ra bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống cũng có những câu nói mang hàm ý sâu xa từ đời xưa mà dân gian đã tích luỹ được để trở thành ca dao, tục ngữ... Nhưng nói đến số phận của con người, cũng là nói đến duyên phận - nghiệp quả của con người, sự phát sinh ra duyên và phận, nghiệp và quả, từ đâu đến, đi về đâu… Đó là biển thức mà mỗi người giác, ngộ theo cách riêng của mình để có sự khác biệt về số phận từng người trong biển đức mênh mông mà ta được mấy phần…
Trong một ngày cuối năm, trời lạnh căm căm ngoài ngõ, ngoài đường không một bóng người, không tiếng xe qua… cả không gian lắng đọng như tuyết đá lặng thinh trên nhành cây ngọn cỏ, vạn vật tịnh độ để tiễn biệt một năm nữa đi qua - một năm nữa lại về. Bốn mùa thay lá của năm qua đã đi đâu; bốn mùa của năm mới sẽ từ đâu đến; những người ta đã gặp trong đời nhưng không còn gặp nữa, họ đã đi đâu? Những người đang cùng ta hiện hữu sẽ tan biến về đâu; và ai sẽ đến thay những người ra đi để duy trì sự bất tận của vòng luân hoán này? Duyên khởi từ đâu để có ta và duyên tận về đâu để người thay ta đến mà duy hoài tâm linh đời đời trên hành tinh mà trời đất đã tạo ra vạn vật và con người…
Có lẽ do quyển sách “Hành trình về phương đông” của Blair T. Spalding vô tình nằm ở góc bàn ăn đã khiến tôi suy tư trong buổi sáng bói tìm không ra chút nắng. Quyển sách nằm không đúng nơi nó được đặt để; không đến tay người tìm đọc, mà chỉ đến tay người tìm hiểu dở dang rồi bỏ mặc hiếu kỳ; không mất đi như thức ăn trên bàn ăn… nghĩa là một (những) món khó tiêu hoá thường xót lại để thừa thãi, đóng bụi với thời gian theo duyên phận, duyên nghiệp của nó. Ngay việc tôi không tìm đọc nhưng chỉ có tôi với quyển sách trên bàn đã là duyên hội ngộ trong buổi sáng nay thay…
Nghĩ về duyên phận theo thuyết luân hồi của nhà Phật trong sáng ngày Chúa Giáng sinh thì thật tréo nguẩy, nhưng những trang sách cũ trong đầu giở lại có cửa hơn để nghĩ suy, vì kiến thức của nhân loại mênh mông như biển cả mà ta nhỏ nhoi như hạt bụi nước giưa mù khơi bến bờ… Đó là sự khác biệt giữa đạo Phật với kinh sách của các tôn giáo khác. Kinh sách Phật như những quyển sách vỡ lòng, lòng ai vỡ ra được sau khi đọc (hiểu) thì mở ra được những chân trời vô biên riêng, tuỳ theo sự (sức) hiểu biết riêng của từng người; cũng mang chứa trong đó kỳ duyên với đạo, nhưng có phận để trở thành thầy tu hay không lại là chuyện khác. Đạo Phật không đóng khung người tu luyện trong những phần thưởng nhất định ở trên trời bằng một cuộc sống đời đời an vui trong cõi vĩnh hằng nào đó… Có thể nói (theo cá nhân thôi), đạo Phật là đạo mở. Tôi ngồi ghép lại những mảnh vụn về số phận, duyên nghiệp mà những mùa thay lá đi qua đời mình đã trầm tích được. Nói theo khoa học thì con người là một thực thể sống, mang tính xã hội cao nhất trong các loài động vật. Được hiểu gồm hai phần. Phần thấy được là thể xác, phần cảm nhận được thôi là tâm linh (tinh thần) chính là năng lượng sinh tồn của mỗi thực thể sống. Sự hiện hữu của hai phần kết hợp giữa thể xác và năng lượng sống không tồn tại mãi mà luân hồi theo vòng sinh lão bệnh tử của vạn vật và con người. Nghĩa là sau khi được sinh ra một thời gian dài hay ngắn tuỳ theo số phận của từng người thì cuối cùng ai cũng đến cái đích cuối cùng như nhau là sự chết. Sau khi chết đi, phần vật chất (thể xác) trở về với cát bụi (theo nhiều cách giải quyết của con người), nhưng chung quy cũng là trở lại khởi thuỷ trong vũ trụ tự nhiên. Còn phần tâm linh (tinh thần) - phần năng lượng sống vẫn tồn tại, nhưng ở một thế giới khác với thế giới hằng sống, (nơi đó không có thời gian một chiều và không gian ba chiều như thời gian và không gian hiện hữu trong cõi người). Tính khoa học trong Phật sách đã có mấy ngàn năm nhưng rất phù hợp với định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng, “mọi vật chất và năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác”. Phần năng lượng (phần hồn) theo sách Phật sẽ đi tái sanh, sớm hay muộn tùy vào mức độ nặng nhẹ của nghiệp. Linh hồn người đã chết chỉ ở tạm trần gian thêm 49 ngày, sau đó sẽ tùy vào nghiệp thiện-ác đã tạo trong kiếp vừa qua sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi (trời, người, atula, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục).  Sự tái sinh không mang theo hình hài kiếp trước mà chỉ mang theo phần năng lượng (linh hồn, tinh thần) hoà nhập vào những cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp (tức là hành vi, đạo đức của kiếp trước). Cõi địa ngục sẽ đón nhận những linh hồn hằng sống bất lương, tà, ác… Nơi có vạc dầu, quỷ sứ, đầy trong chín tầng địa ngục là hậu quả phát sinh từ linh hồn tội lỗi, tự cảm thấy để đau đớn với tiền kiếp ). Khác với sự tái sinh vào cõi người, không quá đau khổ như cõi súc sanh, ngạ quỷ, nhưng cũng không quá sung sướng như cõi trời, thì năng lượng đó sẽ theo nhân quả của nghiệp ở kiếp trước mà đầu thai vào nhân duyên của một người cha và một người mẹ của kiếp sau. Sự bất diệt của linh hồn - là sự bất biến của năng lượng trong vũ trụ sẽ chuyển tiếp qua kiếp khác; kiếp khác nữa, mãi mãi… Trừ những linh hồn thành tâm, ngộ được Phật pháp, hết tham sân si thì có thể thoát khỏi vòng luân hồi thường tình mà về cõi tịnh độ. Không tái sinh nữa. Có lần tôi đã đọc và hiểu được (rất không chính xác), nhưng tôi nghĩ là đạo Phật đã dựa vào hai điểm mấu chốt để giải thích thế giới. Một là nhân quả: gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành. Nên kiếp sau được tạo thành từ nghiệp của kiếp trước. Và nghiệp là cái mà ta đã sống, đã làm thiện hay ác trong tiền kiếp để kiếp sau được hưởng nhân quả hay bị trừng phạt từ nhân quả của tiền kiếp. Và trong nghiệp được chỉ giáo có cộng nghiệp và nghiệp riêng của mỗi người, chia thành nhiều loại như: tích nghiệp, cận tử nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp… tức mọi hành vi trong đời thường như lời nói, hành động của mỗi người trong đời sống hiện hữu đều được trời đất phán xét để hình thành nên quả cho kiếp sau. (Những linh hồn có chung cộng nghiệp có thể được đầu thai về một nơi thích hợp, như những người ăn cơm là chánh có thể sẽ đầu thai về các nước trồng lúa, những người ăn thịt là chánh sẽ đầu thai về những xứ chăn nuôi…) Đó là phần phước của những người ăn hiền ở lành. Ngược lại kẻ thiếu chánh trực, nếu không biết ăn cay thì cũng đừng thắc mắc sao tôi lại đầu thai làm người Đại hàn để ngày nào cũng phải phồng môi rộp mỏ với hũ kim chi…
Nghiệp có tốt thì có xấu do sự tích phước mà thành. Vì vậy thế dân gian mới có câu, “làm ơn đừng nhớ thiếu nợ đừng quên”., làm ơn là tích phước, quên nợ là bạc phước. - Phước - qua nhiều kiếp theo thuyết luân hồi tạo thành số phận. Như dân oan thường nói kẻ cậy quyền cướp đất có tu chín kiếp cũng không thành chánh quả là vậy! Sách Phật dựa vào phước để lý giải tại sao có người mới sinh ra đã sung sướng mà lại còn sung sướng cho tới mãn phần, vì họ đã tích phước từ nhiều kiếp trước nên kiếp này sung sướng từ sinh ra tới khi chết đi. Và dễ hiểu cho người sinh ra đã khổ đau suốt đời với tật nguyền, nghiệp chướng, là vì những kiếp trước bạc phước, -không chia sẻ với ai miếng ăn khi đói, lời an ủi khi bất hạnh xảy ra… Đó chính là số phận của mỗi sinh linh được tạo ra bởi nhiều nghiệp từ những tiền kiếp. Cũng vì thế mà phước cần được vun bồi để dồi dào mãi - bởi không xài kiếp này thì xài kiếp sau. -Cho người ăn mày đồng bạc lẻ buổi sáng không đồng nghĩa với trúng số độc đắc vào buổi chiều. Sự tích phước qua nhiều lần giúp người hoạn nạn sẽ làm cho ta được sống an vui, yên bình ngay trên quê nhà; không còn người biệt xứ nữa - nhất là những ngày năm tàn tháng tận với góc trời riêng mang như nhiều mảnh đời trôi dạt khắp hành tinh bây giờ. -Phước như dầu; nghiệp như đèn. Dầu không châm thì đèn lụi tim. Dân gian ta xưa, không mấy ai được sách đèn nhưng đạo Phật từng là quốc giáo trong một thời gian dài của lịch sử nên sự thấm nhuần Phật pháp đã để lại cho những đời sau nhiều câu nói bình dân nhưng hàm chứa ýnghĩa sâu xa như: có phước có phần; người năng tích phước bằng hành vi từ thiện; nhường nhịn đồng loại lời ăn tiếng nói - không ác mồm ác miệng mà dân gian quen gọi là khẩu nghiệp. Người hiếu để với cha mẹ mà chính Đức Phật đã từng dạy chúng sanh: Cha mẹ trong nhà là Phật; người biết để phật tánh tự nhiên chan hoà với vạn vật, yêu thương đồng loại bằng chính thành tâm, hảo ý tự nhiên của lòng thành thì phần phước về sau mỹ mãn. Có phước có phần, không sớm thì muộn phần thưởng của trời đất sẽ đến tay người năng tích phước trong kiếp phù sinh.
Những trang sách mở còn cho thấy, người đức hạnh hôm nay sao phải chịu quá nhiều bất hạnh trong đời sống. Đơn giản là người đó đang trả nợ tiền kiếp (lãnh quả) do nhân kiếp trước mỏng phước. Sự đức hạnh hôm nay, việc tích phước hôm nay, sẽ có quả tốt lành trong kiếp sau. Và nghiệp dĩ hôm nay cũng sẽ vượng về sau nếu hối cải thành tâm, và năng tích phước qua nhiều kiếp. Sự công bằng của trời đất đã có từ khai thiên lập địa là vậy. Như Tiên Điền Nguyễn Du đã phán, “ngẫm hay muôn sự tại trời/ trời kia đã bắt làm người có thân/ bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Kể ra triết lý Phật của tiên sinh rất cao thâm trong truyện Kiều.
Số phận từng con người riêng lẻ được giải thích khá rõ trong sách Phật. Nhưng càng moi trí nhớ nhỏ nhoi thì kết hợp được triệu triệu linh hồn trong muôn vạn kiếp, như dòng chảy bất tận từ kiếp này qua kiếp khác, tới kiếp kiếp sau… Vậy sao một đôi vợ chồng không thể là người đàn ông hay người đàn bà khác, mà nhất định, chính xác là hai người ấy! Đó là chữ “duyên” trong phật sách. Mọi sự trên đời đều có cái duyên của nó. Giữa nhân và quả là duyên. Hai người có duyên nên mới gặp, nhưng tiền kiếp mỏng phước nên quả không như ý là không thành vợ chồng; để từ đó đau khổ tới suốt đời. Nhưng năng tích phước, dù trọn đời khổ đau bởi duyên không thành. Nhưng hệ quả của sự tích phước (ngay trong đời khổ đau) làm cho nghiệp chướng tiêu tan. Có thể hai người thành tâm được gặp lại nhau trong tình nghĩa vợ chồng vào kiếp sau.
Duyên có khởi thì có tận theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Duyên tiền kiếp nên giờ là vợ chồng; nhưng vòng luân hồi mà dương gian thường nói gọn trong bốn chữ: sinh lão bệnh tử sẽ xảy ra việc người này hay người kia đi trước về cõi hư vô. Nếu năng tích phước ngay trong hạnh phúc lứa đôi đang hưởng phước thì duyên lại đến với kiếp sau được gặp lại để yêu thương và tích phước cho kiếp sau, sau nữa… Ngược lại với “duyên phận” như bao nhiêu người phụ nữ trên nước Mỹ, sao lại chỉ có một người trở thành đệ nhất phu nhân. Mà nhất định, chính xác là người phụ nữ đó chứ không ai khác. Đó là duyên phận của đệ nhất phu nhân và đương kim tổng thống. Vậy “duyên nợ” là gì? Sao lại có hoàng hậu tự tử. Vì nàng đã thiếu nợ quân vương từ tiền kiếp nên duyên se khó tránh để kiếp tái sanh trở thành hoàng hậu. nhưng thay vì hạnh phúc trong nhung lụa thì chỉ có tan nát cõi lòng, con tim mệt mỏi trong lầu son gác tiá, nên thế gian mới có việc hoàng hậu quyên sinh…
Sáng mùa đông không chút ánh mặt trời, hôm nay là Giáng sinh. Trên hành tinh này có bao nhiêu gia đình đang tề tựu, nói cười, ấm áp trong niềm vui, hạnh phúc; cũng không biết có bao nhiêu gia đình đang chống chọi với giá lạnh và cơn đói đang cào cấu ruột gan… Người nghèo kia tơi tả, nhưng đang nở nụ cười hân hoán đón Chúa (trời) vào lòng khi ngộ ra ân sủng người đã ban cho một đời khổ cực để giác ngộ về thân, tâm, tội, nghiệp… kẻ giàu sang nọ đang chán ghét xa hoa cũng vì ngộ được tội lỗi của xa hoa có từ tranh cướp được. Hạnh phúc mù loà là hạnh phúc có được từ khổ đau của người khác. Hạnh phúc đích thực của nhân sinh nằm ở sự cho đi, hãy bẻ nửa cái bánh có được trong cơn đói để chia cho người đói hơn ta, thì sự nhận được là bến bờ hoá giải sự bơ vơ trong tâm tưởng, như Đức Phật đã dạy kẻ giết người, “đời là bể khổ, ta bơi mãi cũng chẳng thấy bến bờ đâu. Nhưng quay lại sẽ thấy bến bờ ngay…” Kẻ giết người ngộ được nên đã viên tịch với chức danh Đại đức - là đại đệ tử thứ tư của Đúc Phật.
Duyên khởi tôi đi từ trang giấy trắng vào một sáng mùa đông, sáng Giáng sinh thứ 2014. Những con chữ vô nghĩa nhỏ nhoi như những con rệp tới giờ hành động, chúng bò trong tư tưởng bò ra, bò lên trang giấy “số con rệp” của mình là sự cô đơn trong căn nhà vắng, bàn ăn cũng là bàn viết lạnh căm với cái laptop đã không còn thấy mặt chữ trên keyboard; quyển “Hành trình về phương đông” của Blair T. Spalding nơi góc bàn không lật ra trang chữ, chỉ bóng Người ngồi quán thế trong ánh tà dương ở trang bìa đã làm cho con rệp lưu vong thấy lại quê nhà, người thân, bếp lửa gia đình ấm tối nay - cùng mừng Chúa ra đời…
Giáng sinh 2014
Phan
 

Du Lịch Mỹ Hay Việt Nam 
Năm nay TT Obama và gia đình đi nghỉ cuối năm ở Tiểu Bang Hawaii, trời xanh, biển xanh và nắng ấm. Cuối năm dương lịch lễ Giáng Sinh bắt cầu qua Tết Tây, người Mỹ có một thời gian nghỉ cuối năm dài, học sinh sinh viên được nghỉ cả hai ba tuần, nên thường đi du lịch. Du lịch là một nhu cầu của cá nhân và là một kỹ nghệ làm ra tiền mà không có khói của một quốc gia. Nhưng du lịch cũng là một chọn lựa. Du lịch khôn ngoan, thích thú không có nghĩa du lịch xa hay du lịch gần.
Người Mỹ gốc Việt dù sống ở Mỹ vẫn ăn Tết Âm Lịch rất lớn. Có người cắc ca cắc củm để dành tiền cả năm đề về quê VN ăn Tết. Nên nhiều đoàn thể kêu gọi không đi VN, không gởi tiền về VN. Lương tâm người Việt hải ngoại tỵ nạn CS nói chung trong đó có người Mỹ gốc Việt chiếm hơn phân nửa, đứng trước một chọn lựa: du lịch Mỹ hay du lịch VN.
Du lịch VN dưới chế độ CS, người Mỹ gốc Việt, công dân hay thường trú nhân hợp pháp lớn tuổi, dư thời giờ, lợi tức khiêm tốn, được hưởng tiền trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế công Medicare, Medicaid ở Cali gọi là MediCal, đi du lịch nước Mỹ bao lâu cũng được hưởng. Chớ đi ngoại quốc như đi VN thì không được hưởng Medicare, Medicaid và nếu qua bốn tuần sẽ bị mất tiền trợ cấp xã hội, xin lại rất phiền.
Người Mỹ gốc Việt du lịch VN là chở củi về rừng. Du lịch VN quá tốn kém. Nội tiền máy bay không thôi đã gần cả ngàn rưởi Đô rồi. Cả mười mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối, chỉ thấy mây xanh. Danh lam thắng cảnh VN đã quá quen thuộc lại còn bị biến đổi quá nhiều, trở thành chỗ ăn chơi Tây không ra Tây, Mỹ chẳng ra Mỹ. Không khí và môi sinh quá ô nhiễm. Ở thành phố ra đường ai cũng mang “khẩu trang” che mũi, che miệng, đi một chút là bụi đóng đầy. An ninh khi ra đường không bảo đảm vì nhiều mánh khoé cướp giựt. Kiểu nói đánh đầu của Hải Quan bây giờ (ngày xưa VNCH gọi là Quan Thuế), ở phi trường, bộ mặt hình sự của công an đầy đường đầy chợ gây bực bội, mất hứng đi chơi. An toàn giao thông quá kém, VNCS theo thống kê mới nhứt là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhứt thế giới. Cũng theo thống kê cứ 10 du khách ngoại quốc đến VN, thì chỉ có 2 người trở lại.
Cảm nghĩ người Mỹ gốc Việt, CS gọi là “Việt Kiều” đi du lịch VN là áo gấm mặc về làng hay đi tìm bò lạc cỏ non là sai lầm. Cán bộ đảng viên CS hầu hết tham nhũng và những người ăn theo bóc lột mồ hôi nước mắt người lao động VN bây giờ là những trọc phú, giàu nứt đố đổ vách. Một đêm họ nhậu rượu Pháp toàn Cordon Bleu, Cordon Rouge của họ hơn một năm lãnh tiền già của người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhứt ở Mỹ. Bò lạc cỏ non bây giờ đa số là giả dạng; VN là nước nhận tiền trị và phòng bịnh HIV/ Aids của Mỹ nhiều nhứt Á châu. Đụng vào bịnh thế kỷ này kể như đời tàn khi về Mỹ, vợ con sợ bị lây xa lánh, bè bạn không ai dám đến gần. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN rất kém, một năm không biết bao nhiêu vụ trúng độc. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở VN rất đáng sợ. Nước sạch thiếu trầm trọng ở Saigon.
Còn du lịch Mỹ là một khám phá đối với người gốc Việt. Nước Mỹ chiếm một phần tư Trái Đất, danh lam thắng cảnh các hiện tượng địa chất, thời tiết và các vùng địa lý nhân văn của thế giới đều có đủ ở Mỹ. Đường sá từ xa lộ tiểu bang liên bang đến nội ô xe chạy như ngồi trên ghế nệm ở nhà. Cảnh sát có khi đi cả ngày không gặp. Du lịch bình dân, ngủ motel một đêm khoảng 45 Đô là tối đa, tiện nghi, sạch sẽ không thua gì ở nhà Mỹ. Trên đường nhiều tiệm ăn nhanh Mỹ, Mễ, Tàu quen thuộc. Trong thành phố thì có nhà hàng có món đặc sản của địa phương. Xã hội Mỹ đa văn hoá, đa sắc tộc, đi du lịch để biết những nét đặc thù của nhiều sắc dân như cộng đồng Nhân Loại thu gọn ở Mỹ. Nhưng sướng một cái là tiếng Anh là chuyễn ngữ nên giao tế nhân sự dễ dàng như sống trong cộng đồng địa phương mình.
Vốn thích du lịch từ nhỏ, thời trai trẻ may mắn được đi lại đó đây ở ngoại quốc khá nhiều, nhứt là công du Mỹ, biết được một số nước và một số tiểu bang Mỹ. “Tôi có lần đi lại đó đây, Du hành Bắc Mỹ, viếng Âu Tây. Paris, La mã nhìn say đắm, Nhựt bổn, Hoa kỳ ngắm ngất ngây”. 20 năm được tỵ nạn chánh trị ở Mỹ, mãi theo cái nghiệp truyền thông đại chúng, chúi mũi vào báo và truyền hình, mà không đi đâu xa được ở Mỹ. Nhơn đầu hè năm 2009, một người bạn trẻ là một kỹ sư Pháp gốc Việt, chuyên ngành điện tử đến Little Saigon muốn đi một vòng miền Tây Nam Mỹ. Thế là chuyến đi được anh bạn vốn là Chủ Tịch Hội đồng tỉnh Kiến Hòa tuy nay đã thất thập cỗ lai hi mà còn lái xe rất giỏi và rất thích đi du lịch bằng xe hơi. Còn người vợ của Ông là một trưởng bếp của một tiệm phở cùng đi lo thủ qũy và ăn uống.
Thật là một chuyến đi vô cùng hứng thú mà rẻ tiền, 4 người mỗi người chia ra chỉ tốn có 200 Đô. Đi qua 4 tiểu bang Nevada, Arizona, Utah, Cali suốt từ Bắc chí Nam. Máy GPS định vị, chỉ dẫn đường bây giờ đóng vai trò tuyệt mỹ, tìm con đường ngắn nhứt để đi, báo thời tiết, báo trạm xăng, nhà hàng thuận tiện, giá mua ở Mỹ chưa tới 100 Đô. Anh bạn kỹ sư Pháp gốc Việt mê như điếu đổ. Trên đường ở TB Utah, đường vắng, tốt, xe lên tốc độ, cảnh sát công lộ bật đèn bảo xe vào lề. Cảnh sát cho biết xe chạy quá tốc độ, máy báo 93 miles. Sau khi trình bày cho cảnh sát biết người lái xe ở Pháp qua, quen dùng kilomet và xe xuống dốc, nên không chú ý tốc độ, cảnh sát cười thông cảm, bảo chỉ cảnh cáo thôi.
Còn danh lam thắng cảnh, tuy ít thì giờ không xem đủ như những chuyến du lịch do các cơ sở chuyên nghiệp tổ chức. Nhưng được một cái đi riêng thì xem thư thả, tùy ý thích. Cảnh tuyết rơi khi xe chạy, hai bên là đồng và núi đầy tuyết trắng phau tạo cảm giác vừa thích thú đi dưới tuyết vừa bồn chồn lo xe trợt. Cảnh xe chạy đêm dưới bầu trời lạnh của miền trung nước Mỹ sao sáng rất nên thơ. Còn danh lam thắng cảnh dù được bố trí để ngồi xe mà ngấm vì quá lớn nhưng giữ được phong cảnh nguyên trinh của thiên nhiên hoang dã. Công viên quốc gia vùng bảo tồn văn minh người Mỹ thổ dân Zion ở TB Utah, qua hang động, đường hầm, với đồi núi trập trùng, đá đỏ đưa du khách vào thời hồng hoang nguyên thủy, thời Viễn Tây ít người của Mỹ. Cô gái Mỹ có duyên và đẹp, cười chào và cấp cho chiếc xe có thẻ Handicap được vào và còn nhắc có thẻ này tất cả các công viên quốc gia được miển phí, khỏi trả 25 Đô.
Hồ muối, đồng muối ở Salt Lake City muối nước, muối khô kết tinh như tinh thể rộng bằng Địa Trung Hải của Âu Châu làm người bạn trẻ kỹ sư Pháp từng du lịch Kenya, Ai cập đứng ngây người, ánh mắt diệu vợi như những dãy núi mập mờ bao quanh, khiến địa danh Salt Lake thành thủ phủ Salt Lake City của TB Utah.
Xa lộ 80 nối liền Đông và Tây của Mỹ xe hàng chạy ngày đêm, được Tướng Eisenhower một nhà tiếp vận xuất sắc, người điều quân khiển tướng chiến thắng Hitler, giải phóng Âu châu, khi lên làm Tổng Thống Mỹ gọi là đường chuyển quân của nước Mỹ.
Vùng Napa xứ rượu chát của Cali, vườn nho thẳng tấp mút mắt. Hãng rượu như những lâu đài thời Phục Hưng ở Âu châu mở cửa cho người vào nếm rượu, chạy dài đến TP Santa Helena. Chỉ cần một hãng rượu ghé nếm một hớp thôi, cuối đường trở lại là “quắc cần câu” nên TP có đường xe lửa chở người đi nếm rượu. Rượu chát Napa ngon, rẻ đã trở thành rượu các hãng máy bay quốc tế chọn để phục vụ hành khách trên máy bay đường dài.
Sau chuyến đi du lịch Mỹ này, ba người Mỹ gốc Việt và một người Pháp gốc Việt trên xe đều kết luận. Mỹ chiếm một phần tư Địa Cầu, tất cả những hiện tượng đia lý, nhân văn đều có đủ, đi chơi rất rẻ mà có nhiều thứ cần xem, tại sao du lịch VN làm gì cho bực mình với CS./.(Vi Anh) 

Phác họa 12 bức tranh ảm đạm của Việt Nam 2013 
1. Đầu năm ăn bánh vẽ cuối năm húp cháo lừa
Phát động từ ngày 2/1/2013, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”. Tuy nhiên, chiêu bài dân chủ cuội này là một nước đi sai lầm của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Ngày 19/1/2013, bảy mươi hai nhân sĩ trí thức cùng đứng tên trong bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (gọi tắt là kiến nghị 72), đã đến trao trực tiếp cho Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nội dung bản kiến nghị gồm 6 điểm chính:
- Loại bỏ Điều 4 HP để thực sự trao quyền cho nhân dân Việt Nam
- Yêu cầu tôn trọng các giá trị Nhân quyền phổ quát theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia
- Sở hữu đất đai toàn dân là khái niệm mơ hồ tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân
- Thực thi tam quyền phân lập để xây dựng một nhà nước pháp trị
- Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân (không phải trung thành với bất cứ đảng phái chính trị nào)
- Đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý công khai đối với bản Hiến pháp sửa đổi.
Dự kiến thời hạn góp ý sửa đổi ban đầu là ngày 31/3/2013 phải dời đến cuối năm. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013 với tỷ lệ hơn 97%!!! Về tổng thể nội dung, không có gì thay đổi mang tính đột phá so với quy mô huy động trí tuệ 90 triệu dân trải dài trong hơn 11 tháng ròng rã, đó là một kết quả đáng hổ thẹn. Về mặt hình thức, hành văn của bản Hiến pháp sửa đổi còn nhiều chỗ luộm thuộm, rườm rà, thậm chí còn chưa rõ nghĩa gây hiểu nhầm. Điều này chứng tỏ đội ngũ gần 500 người tham gia bỏ phiếu (bấm nút) trực tiếp chưa phải là thành phần tinh hoa của dân tộc Việt.
2. Bóng tối và Ánh sángKhi ánh sáng sự thật được soi tỏ bởi ngọn đèn truyền thông sử dụng nguồn lực Internet được chiếu rọi khắp nơi nơi, quyền lực bóng tối bắt đầu rung rinh. Nỗi lo sợ ánh sáng buộc nhà cầm quyền Cộng sản phải gia tăng đàn áp tiếng nói trái chiều.
Mở đầu là quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vào cuối tháng 2/2013. Lý do chỉ vì nhà báo này đã bày tỏ công khai việc phản đối quan điểm coi thường ý kiến nhân dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (Ông Nguyễn Phú Trọng đã chụp mũ "suy thoái" cho các nhân sĩ trí thức đòi loại bỏ Điều 4-HP và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN).
Tiếp đến là các quyết định "bắt khẩn cấp" đối với hai nhà báo tự do Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Mong muốn gieo rắc nỗi sợ hãi tù tội cho giới cầm bút theo tư tưởng phóng khoáng đã bất thành khi ngay sau các sự việc đó, nhóm Công dân Tự do ký các bản Tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên, nhóm Blogger Tự do ra Tuyên bố 258 để phản đối Điều 258 - Bộ luật Hình sự dùng làm cớ bắt giam tùy tiện người cầm bút.
Phong trào lập hội nhóm cũng được phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của Mạng lưới Blogger Việt Nam và Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vào ngày 10/12/2013. Các đội banh No-U (phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng) ban đầu chỉ có ở Sài gòn và Hà nội, nay cũng đã xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Các hội nhóm như Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, phong trào Xã Hội Dân Sự cũng bắt đầu định hình.
Sự phản kháng ôn hòa không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn phát triển ở sau chấn song nhà tù. Các vụ tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LS Lê Quốc Quân, Thanh niên Công giáo Paul Trần Minh Nhật... để phản đối tình trạng xâm phạm nhân quyền trong các trại giam.
Trong các phiên tòa sơ và phúc thẩm ở Long An, sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã công kích thẳng vào sự nhập nhằng của các quan tòa khi đánh đồng Đảng Cộng sản với Nhà nước và dân tộc Việt Nam.
Phiên tòa phúc thẩm ở Phú Yên đã y án sơ thẩm ông Ngô Hào 15 tù và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, các chứng cớ chỉ là "tàng trữ, viết bài, phát tán và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, nói xấu lãnh tụ ..."
Tình trạng dân oan khiếu kiện vẫn không dứt trước các cơ quan công quyền, tiếp sau vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn là chuyện người thanh niên Đặng Ngọc Viết dùng súng bắn chết một người trong đội cưỡng chế đất rồi sau đó tự sát.
Thế giới vẫn theo sát thực trạng của xã hội Việt Nam và có những hành động cụ thể ủng hộ xu hướng Tự do Dân chủ và Nhân quyền:
- Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2013, Hoa Kỳ đã vinh danh blogger Tạ Phong Tần cùng 8 phụ nữ khác là trên thế giới vì lòng can đảm và khả năng lãnh đạo xuất chúng trong việc cổ vũ cho các quyền của phụ nữ và Nhân quyền nói chung.
- Cũng trong tháng 3/2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF và Google đã trao giải Công dân Mạng Netizen 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh tại Paris, Pháp.
- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 65, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã vinh danh LS Lê Quốc Quân, nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, và nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
3. Lương y như phù thủyNghề y bốc thuốc cứu người xưa nay được xem là ngành nghề cao quý nhất trong xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh suốt 68 năm ở miền Bắc và 38 năm trên toàn cõi Việt Nam, những ung nhọt trong ngành này đang bùng phát như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Ngoài vấn nạn chung là thiếu thốn giường bệnh, phong bì hối lộ, bảo hiểm y tế bất cập... thì năm 2013 có ba khối u ác tính nổi cộm:
- Nhiều trẻ sơ sinh chết oan sau khi tiêm ngừa, đến nay vẫn chưa được xử lý làm rõ.
- Nhân bản kết quả xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức dấy lên hoài nghi liệu còn cơ sở y tế nào chưa bị lộ việc "nhân bản" này hay không?
- Thẩm mỹ viện Cát Tường giải phẫu làm bệnh nhân tử vong rồi phi tang luôn xác, cơ quan điều tra tự hào "giỏi bậc nhất thế giới" bó tay không tìm được tung tích.
4. Tư pháp và hành pháp cùng thi thố trên đường đua vô phápTòa án và cơ quan điều tra Công an Bắc Giang đã cùng nhau tạo nên kỳ án oan sai có một không hai trong lịch sử. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân với cáo buộc giết người. Trong các phiên xét xử và suốt thời gian thụ án 10 năm, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng cho đến khi hung thủ ra đầu thú! Ông Chấn khai vì đã bị ép cung và nhục hình trong quá trình điều tra nên đã nhận tội giết người.
Thế giới bất bình trước việc tòa án xử LS Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam về tội "trốn thuế", thực chất đó chỉ là cái cớ để đàn áp tiếng nói trái chiều.
Phiên tòa xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc trong vụ án tham nhũng thì các phóng viên báo chí chỉ được xem qua màn hình TV. Và án tử hình được cho là quá vội vã trong khi nhiều tình tiết và nhân chứng có liên đới vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.
Việc tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chuyên chém người (chưa có án mạng) - đã gây nên cảnh hỗn loạn trước sân tòa.
Tình trạng công dân tử vong trong trụ sở công an vẫn tiếp diễn và gia tăng với 7 vụ được biết đến trong năm 2013:
- Nạn nhân Trần Thị Hải Yến chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, Phú Yên (7/10/2013)
- Nạn nhân Cao Văn Tuyên chết tại Công an xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa (5/7/2013)
- Nạn nhân Y Két Byă chết tại Công an xã Ea Bhốk, Cư Kuin, Daklak (27/11/2013)
- Nạn nhân Hoàng Văn Ngài chết tại Công an Thị xã Gia Nghĩa, DakNong (22/3/2013)
- Nạn nhân Trần Văn Tân chết tại trụ sở UBND xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương (2/1/2013)
- Nạn nhân Đinh Ngọc H. chết tại Công an phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương (21/12/2013)
- Nạn nhân Đỗ Duy Việt chết tại phòng tạm giam Công an huyện Thường Xuân, Thanh Hóa (25/12/2013)
Ngoài ra, chuyện nhân viên công lực lạm dụng quyền hạn để bạo hành người dân cũng gia tăng. Vụ điển hình là 9 nhân viên TTĐT + Dân phòng cùng hùa vào đánh hội đồng người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình tại phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Vụ nổ súng do mâu thuẫn cá nhân tại trạm CSGT Suối Tre ngày 26/9/2013 khiến một CSGT chết và 2 CSGT khác bị thương nặng.
5. Đạo đức băng hoại, xã hội suy đồiCó thể nói Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu đạo đức lối sống, nào là "Sống, Chiến đấu, Lao động và Học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM"... Nhưng thực tế xã hội ngày càng điên đảo với những câu chuyện quặn lòng hoặc cười ra nước mắt:
- Cuồng sát, loạn sát: Cuồng yêu đâm và thiêu chết bạn gái, vợ giận chồng ném con xuống sông, đâm chết bạn nhậu vì sàm sỡ bạn gái, tỏ tình thất bại rút dao đâm thủng tim thiếu nữ 18, chồng giận vợ thiêu luôn 2 đứa con nhỏ...
- Bạo hành trẻ thơ: Bảo mẫu giẫm đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi, clip quay được cảnh 2 bảo mẫu bạo hành nhiều cháu bé ở trường mầm non tư thục...
- Mạt pháp: "Sư" đem tượng mình vào chùa, "sư" ăn mặn uống bia hại đời thiếu nữ 16 tuổi đến có bầu, "sư" giết người tình yểm bùa rồi chôn xác phi tang...
- Cướp cạn: kề dao vào cổ cháu bé 2 tuổi để kiếm tiền tiêu, trấn lột lão ăn xin 86 tuổi...
- Văn hóa nơi công cộng: Chen lấn xô đẩy để ăn sushi miễn phí, hôi bia bị rơi xuống đường...
- Nhảm nhí: Mr. Đàm hôn sư thầy, bà Tưng tung clip gây sốt cộng đồng mạng, Ký sự "Xách ba lô lên và đi" với quảng cáo 100% "sự thật" của Huyền Chíp...
6. 'Kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu Sở cứu hỏa'Với hồ sơ Nhân quyền tệ hại, Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Bình luận về nghịch lý này, Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của LHQ, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.
Ngay trong dịp kỷ niệm 65 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013, các hoạt động đàn áp, sách nhiễu giới blogger đã xảy ra ở TPHCM, Hà nội, Đà nẵng, Nghệ an... dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc sử dụng côn đồ và an ninh mặc thường phục gây sự đánh đập gây thương tích cho các thành viên của MLBVN.
Mặt khác, còn ra quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với công dân Đỗ Anh Tuấn vì "hành vi tàng trữ trái phép các bản in Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và Hiến pháp 1992".
7. Xả lũ đúng quy trình, dân chết sai quy cách!Tháng 11/2013, miền Trung Việt Nam may mắn thoát hiểm khi cơn cuồng phong Haiyan đổi hướng chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn khiến các hồ thủy điện xả lũ đồng loạt. Cao điểm nhất vào ngày Thứ Bảy 16/11/2013 đã có tới 15 hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả tràn, với 9 hồ xả có lưu lượng lớn từ trên 650 m³/giây tới 2.500 m³/giây, trong đó có các hồ, đập như Bình Điền, Hương Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai), PlaiKrông (Kon Tum)...
Hậu quả: Bình Định là tỉnh có số người thiệt mạng nhiều nhất với 14 nạn nhân; tiếp đến là các địa phương Quảng Ngãi với 13 người, Quảng Nam 5 người, Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người; Kon Tum 1 người mất tích. Hàng ngàn nhà cửa, gia súc gia cầm bị cuốn trôi.
Tuy nhiên, các quan chức có liên đới đã phát biểu hết sức vô trách nhiệm rằng, việc xả lũ là đúng quy trình!
8. Cơ đồ sắp hưng?Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thọ 103 tuổi) được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bên lề sự kiện này cũng có những chi tiết đáng chú ý.
- Thứ nhất, là câu hỏi vì sao một vị công thần tầm cỡ như vậy lại bị giới cầm quyền gạt bỏ ngoài tai về những lời can ngăn tiến hành dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên?
- Thứ hai, trong khi lễ hạ quan còn đang tiến hành ở Quảng bình thì tại Hà nội, cờ rủ được hạ xuống để treo cờ nghinh đón Thủ tướng Trung Quốc. Với quy mô của một lễ đại tang, người ta có thể đánh giá vị thế và mối quan hệ cũng như ứng xử ngoại giao của hai quốc gia vẫn tự tán xưng nhau là "anh em láng giềng" này!
- Cuối cùng, câu sấm truyền trong dân gian đem lại chút ít niềm tin cho những ai theo xu hướng thay đổi:
Bao giờ Đồng cạn Hồ khô,
Chinh rơi Giáp rớt cơ đồ sẽ hưng!

9. Nhà ngoại cảm và xương động vậtTháng 10/2013, sau khi tiến hành giám định hài cốt liệt sĩ do "nhà ngoại cảm" tìm thấy, Viện Pháp y Quân đội xác định là răng lợn, xương động vật và đất đá.... Một sự thật phũ phàng bị lật tẩy gây rúng động dư luận. Điểm lại các sự kiện có liên quan, người ta giật mình khi thấy Việt Nam sở hữu một lượng rất lớn (vài chục người) có khả năng "ngoại cảm", đồng thời thành tích phát hiện ra hài cốt của họ cũng cao ở mức khủng khiếp. Niềm tin tâm linh của các gia đình liệt sĩ càng bị khủng hoảng mạnh khi một tiết lộ cho hay các "chương trình đi tìm hài cốt" (với sự trợ giúp của "nhà ngoại cảm") có quy mô lớn thực chất chỉ là giải pháp tình thế để xoa dịu nỗi đau của quá nhiều gia đình không tìm được tông tích người thân. Chưa hết, một vị luật sư đã trưng ra các bằng chứng để tố cáo việc ngụy tạo khi làm chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" được phát sóng nhiều kỳ trên VTV.
Khả năng của các "nhà ngoại cảm" càng thực sự phơi bày khi hàng loạt "thầy/bà ngoại cảm" chỉ sai vị trí thi thể của nạn nhân trong vụ TMV Cát Tường.
10. Con voi chui lọt lỗ kimChuyện 600 bánh heroin (229 kg) đi trót lọt qua cửa khẩu TSN đến tận Đài Loan đặt một dấu hỏi to tướng về thực trạng an ninh hàng không và công tác phòng chống ma túy. Hiện tại vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về sự việc này.
11. Xu hướng bỏ Đảng (Cộng sản) và một chuyện muốn vào Đảng hy hữuNgày 5/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu, tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự suy thoái biến chất của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mà ông gọi là lực cản cho sự phát triển của dân tộc.
Cùng ngày, nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng - xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền - cũng tuyên bố ra khỏi đảng. Ông viết: 'Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm'.
Trong khi đó, doanh nhân Lê Thăng Long, một trong những sáng lập viên của phong trào Con Đường Việt Nam, lại muốn xin vào đảng với ý định "để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách, cải cách triệt để, cải cách toàn diện để giúp cho ĐCSVN cống hiến được nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam".
12. Đỉnh cao phát ngôn ấn tượng 2013Người cộng sản Việt Nam thường tự hào là "đỉnh cao trí tuệ" loài người. Trong giai đoạn xế chiều này, những phát ngôn của họ càng khẳng định rõ "tầm cao" ấy:
- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giành ngôi quán quân với 3 phát ngôn ấn tượng: "Tăng viện phí là thành tựu y tế"
"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm thì xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật"
"Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền"
- Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng giành ngôi á quân với 2 phát ngôn ấn tượng: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."
"Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng."
- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền: "Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới"
- Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh: "Các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế."
- Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp: "Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng."
- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Lý Quang Thái: "Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì... đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị"
- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác."
Việt Man  Thứ Bảy, 28/12/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét