BBC: Giá xăng và sự cam chịu của người dân
Lắng một lúc, người bảo vệ thốt lên “Hôm qua xăng lại tăng giá. Đồ ăn thức uống cũng ào ào lên theo. Cứ như thế này thì làm sao mà sống!”
Một lần nữa, lại một lần nữa trong rất nhiều tái hiện bất biến của lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt hàng chiến lược quốc gia này được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đẩy vọt chiến thuật ngay sau khi một kỳ họp quốc hội kết thúc.
“Cần tiếp tục độc quyền” Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền vùn vụt phất cờ chiến dịch bù lỗ vào dân.
Đống lửa nào vẫn âm ỉ lớp tro kích nổ tất có nguy cơ bùng cháy trở lại.
Mối lo thường trực của người dân đã có quá đủ cơ sở để biến thành một linh cảm thật tệ: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích và các quan chức lobby chính sách sẽ làm mọi cách để móc tiền từ túi nhân dân.
Giá lại đội lên một đỉnh cao mới, cùng với điều được coi là “đỉnh cao trí tuệ” mà bản hiến pháp năm 2013 đã lập kỷ lục như “tiếng nói của 90 triệu đồng bào” - một lời xác quyết chưa bao giờ vang vọng tháp ngà đến thế của Tổng bí thư Đảng.
"Hiến pháp 2013 đã trở thành một tín hiệu đồng thuận quyết liệt nhất cho sự tung hoành của các nhóm lợi ích."
Hoàn toàn không nằm ngoài dự báo của giới quan sát độc lập, Hiến pháp 2013 đã trở thành một tín hiệu đồng thuận quyết liệt nhất cho sự tung hoành của các nhóm lợi ích.
Hoàn toàn không ngó ngàng đến yêu cầu phải giảm độc quyền và đặc lợi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, những người cố thủ trong lô cốt soạn thảo bản hiến pháp bị coi là “thụt lùi chưa từng thấy” này đã tiến thêm một bước dài trong việc cổ vũ các tập đoàn đặc quyền lao lên phía trước.
Vỡ quỹ hưu? Phía trước ấy lại chính là gánh nặng sơn hà đang và sẽ luôn chồng chất lên đôi bờ vai lộ xương của các tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận giới công chức cùng toàn bộ lực lượng vũ trang.
Những đợt tăng giá bất tận của ít nhất hai tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Điện lực Việt Nam sẽ khiến cho những đồng lương hưu ít ỏi trở nên cạn nghĩa trong bối cảnh mặt bằng giá hàng tiêu dùng thực tế gấp ít nhất ba lần con số báo cáo về chỉ số lạm phát.
Chỉ số lạm phát lại luôn được “vẽ” theo cách mà không ít đại biểu quốc hội nghi ngờ về tính trung thực hay chính danh của nó.
Chịu nặng nề và thấm thía hơn hẳn so với lớp quan chức đương nhiệm “ăn của dân không chừa thứ gì”, giới hưu trí từng nguyện “trung với đảng” đang phải đối mặt với cơn đột biến co thắt túi tiền mà rất có thể sẽ đồng pha với khả năng từ thắt chặt đến vỡ quỹ lương hưu trong một tương lai không quá xa.
Bất chấp việc cho đến nay vẫn chưa có bất cứ hạng mục nào được gỡ bỏ trong số 432 loại phí và lệ phí - được hiểu một cách trung thực như núi thuế trút lên đầu dân chúng, ngân sách quốc gia vẫn ngồn ngộn dấu hiệu cạn kiệt.
Tình thế hiểm trở như vậy càng trở nên hiểm nghèo hơn khi vào năm 2012 đã lần đầu tiên manh nha thông tin về khả năng quỹ lương hưu có thể vỡ vào năm 2030.
"Nếu trong 3-4 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện... những người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén."
Không cần phải chờ đến năm 2030, nếu trong 3-4 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện, tức tiền thuế thu từ dân không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước mà thường lãng phí ít nhất vài chục phần trăm và làm giàu thêm cho các nhóm lợi ích, những người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.
Bài học hậu Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời kỳ hỗn loạn nhất về kinh tế cùng vô số nhóm lợi ích thi đua trục lợi, giá trị lương mà giới hưu trí và các công thần của chế độ xô viết nhận được chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá trị trước đó.
Cũng trong bối cảnh đó, những nhóm lợi ích như Petrolimex của Việt Nam hiện nay đã mặc sức tăng giá để khoét sâu hơn nữa nỗi khốn quẫn đau đớn của lớp người nghèo khó.
Sau đó và khi đã không còn đủ kiên nhẫn trung thành với chế độ, chính những người về hưu đã phải hàng hàng lớp lớp nắm tay nhau tuần hành phản đối ngay trên quảng trưởng Đỏ.
Một phần tư thế kỷ sau đó ở Việt Nam, nghịch lý phát triển trong suy thoái ở Việt Nam vẫn diễn ra theo logic hết sức tự nhiên của nó.
"Mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý."
Tinh thần cổ súy đáng khen ngợi như thế biến diễn theo chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn.
Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Cũng bởi thế trong những năm qua, giá xăng dầu Việt Nam đã liên tục tiến chiếm những cột mốc lịch sử - một thành tích hoàn toàn đáng tự hào nếu xét đến kết quả “tận thu”.
Cam chịu đến bao giờ? Điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều cú tăng giá xăng dầu và điện bất chấp đời sống có xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu thị hay biểu tình nào xứng đáng diễn ra trong lòng các đô thị.
Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40 hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.
Biểu thị thường thấy nhất chỉ là những nhóm tụm năm tụm ba bày tỏ thái độ bất mãn đối với chính sách điều hành kinh tế ngày càng tha hóa đạo lý của Chính phủ.
Không một ai hành động và xuống đường.
Không một ai xuống đường để phản đối và biểu thị thái độ cùng yêu sách giành lại cho mình cái quyền chính đáng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đảng vẫn luôn phát thanh như một khích lệ chỉ để nói.
Cũng không một ai xuống đường để thực thi cái quyền được biểu tình một cách hợp pháp đã được quy định trong các bản hiến pháp 1992, nhưng sau hơn hai chục năm vẫn chưa được luật định.
Không một trí thức và hưu trí nào xuống đường để cất lên tiếng nói “mình vì mọi người” và nói thay cho cả những người khác - lớp nông dân và công nhân thấp cổ bé họng không thể có nơi chốn biểu đạt và quá tự ti về thân phận chính trị đến mức không dám phản đối công khai những chính sách độc quyền đến mức độc địa của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị.
Nhìn ra thế giới
Mới vào đầu năm 2013, một cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Bungaria phản đối chính sách tăng giá điện đã làm thay đổi cả một chính phủ.
Sát với Việt Nam, đất nước Campuchia trong năm 2013 cũng đã rung chuyển bởi nhiều cuộc biểu tình của các tầng lớp dân oan đất đai.
Còn người Thái lại làm hơn cả thế với quy mô hàng triệu người xuống đường - một dũng khí mà đã khiến toàn bộ lực lượng quân đội bất động, còn cảnh sát không dám và càng không thể đàn áp.
Nhưng ở một quốc gia chưa hề chấp nhận đa nguyên chính trị như Việt Nam, làm sao dân chúng có thể gìn giữ chút “lòng tin chiến lược” còn lại vào Nguyễn Tấn Dũng - người đầu tiên trong nội bộ đảng cầm quyền phất cờ về Luật Biểu tình vào cuối năm 2011 - khi chính phủ của ông vẫn tiếp tục để cho xương tủy của người nghèo bị rút kiệt nguồn máu sinh nhai?
"Đợt tăng giá xăng dầu thất thần cuối năm 2013 đã dấy một dự cảm rất xấu cho những đợt tăng giá bất chấp tương tự sẽ diễn ra trong năm 2014, nhưng cũng sẽ gây ra sự phản kháng và có thể cả biến động mạnh mẽ khó ngờ từ phía người dân."
Đợt tăng giá xăng dầu thất thần cuối năm 2013 đã dấy một dự cảm rất xấu cho những đợt tăng giá bất chấp tương tự sẽ diễn ra trong năm 2014, nhưng cũng sẽ gây ra sự phản kháng và có thể cả biến động mạnh mẽ khó ngờ từ phía người dân.
Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam đang phụ thuộc mật thiết vào những đợt tăng giá.
Cơ chế tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những đợt xuống giá chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Nhưng khác hẳn với sự luân chuyển không ngừng nghỉ như một quy luật tự nhiên giữa các chế độ, điều duy nhất bền vững mà các công dân có trách nhiệm có thể sáng tạo cho đất nước là một không khí dân chủ được thể hiện bằng tính phản biện, phản đối và giám sát chặt chẽ của người dân.
Nếu không có được cái dũng khí ấy, xã hội và người nghèo sẽ mãi bị điêu đứng do các cuộc tranh giành bất tận của các nhóm quyền lực, cuộc chiến thao túng hoành hành không có giới hạn của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn hẳn.
Người dân Việt Nam còn cam chịu đến bao giờ nữa?
Phạm Chí Dũng
BBC: 'Ông Dương Trung Quốc không nên phán'
Một nhà ngoại giao Việt Nam nói sử gia Dương Trung Quốc 'coi nhẹ' chuyện hoa hậu VN đeo băng sai tên nước và có những bình luận 'phản tác dụng'.
Trong bài phỏng vấn được đăng trên Tạp chí Quê Hương, trang thông tin của Uỷ ban Nhà nước về Người việt ở Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đã đưa ra một số thông điệp gửi dân biểu, sử gia Dương Trung Quốc."Đã là một nhà sử học, khi những sự việc động đến Quốc hiệu, đến tên đất nước, vì làm Sử đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, không những vậy còn là Sử dân tộc, Sử đất nước nữa nên ông phải là người chạm lòng đầu tiên mới đúng," ông Sơn nói.
Vào ngày 6/12, ông Quốc được Văn Hóa dẫn lời trong phỏng vấn với báo này nói rằng nhận xét của một thứ trưởng [Nguyễn Thanh Sơn] về sự cố cô Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Vietnam” thành “Vietnem” của hoa hậu trong một cuộc thi sắc đẹp trên đấu trường quốc tế là một sự “sỉ nhục” đã “gây một sự phản cảm lớn”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc được dẫn lời nói không nên "nâng tầm quan trọng hoá” việc này và rằng "trong việc này trách nhiệm không chỉ có ngành văn hóa. Bởi những hoạt động văn hóa của VN ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao phải tham gia vào theo dõi chứ không phải riêng ngành văn hóa."
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn trả lời báo Đất Việt rằng "sự thật thì hoa hậu Việt không phải chỉ dốt sử Việt mà còn dốt nhiều thứ khác" và "Chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng cho hoa hậu những kiến thức lịch sử trước các cuộc thi sắc đẹp."
"Ông cho rằng tôi nhận xét đây là sự "sỉ nhục" là mang tính thậm xưng thì tôi xin nhắc lại với ông Dương Trung Quốc rằng tôi cũng đồng tình với ý kiến của xã hội.
"Tôi cũng như hàng nghìn người dân đã có ý kiến coi đó là sự sỉ nhục thì đâu có quá đáng, sai sót này không còn trong khuôn khổ phường xã, mà che giấu được, nó mang tầm cỡ quốc tế.
'Toàn dạy bảo'
"Việc ông Quốc chưa hiểu hết ý của tôi mà đã phát biểu thì chỉ làm mất đi uy tín của ông. Tôi nghĩ qua vụ việc này, ông Dương Trung Quốc nên dùng những kiến thức Sử học của mình để giúp cho các Hoa hậu.
"Tôi cũng xin lưu ý lại ông rằng, ông là nhà sử học, là đại biểu Quốc Hội, ông phát biểu sao cho đúng tinh thần xây dựng, còn tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau.
"Tôi cảm ơn ông đã có lời dạy bảo, ngược lại tôi cũng xin lưu ý ông sau khi ông lưu ý tôi, nếu có dạy thì cũng phải dạy cho đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Không nên phán, không nên dạy như vừa rồi thành ra phản tác dụng.
"Mặt khác, tôi xin lưu ý thêm ông Dương Trung Quốc trong phát biểu trả lời phỏng vấn thì nên khiêm tốn trong phạm vi trình độ nhận thức, kiến thức của mình." ông Sơn nói.
Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam cũng tỏ ý rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không nên cùng gánh vác trách nhiệm trong sự cố kể trên vì điều ông gọi là bộ "không biết về cuộc thi hoa hậu này".
"Nếu có yêu cầu sự giúp đỡ của Cơ quan đại diện Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ trách nhiệm, nhưng chúng tôi không có bất kì thông tin nào thì tham gia ra sao, thưa ông Dương Trung Quốc," ông Sơn nói.
Dải băng có ghi chữ ‘Viet Nem’ này đã được thí sinh đại diện cho Việt Nam là Trần Thị Quỳnh đeo trong đêm chung kết hôm thứ Bảy ngày 23/11 tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Trong khi đó, bản thân cô Trần Thị Quỳnh cũng gửi một lá thư riêng nhận sai và ‘chân thành gửi lời xin lỗi’ đến ‘đất nước và nhân dân Việt Nam’ và ‘cầu mong sự tha thứ’.
Sự cố này đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích cô Quỳnh và Ban tổ chức Mrs. World 2013 trên các diễn đàn mạng.
Ông Dương Trung Quốc gần đây thu hút sự chú ý của dư luận vì đã không bấm nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi phiên bản 2013, trước đó, ông cũng từng đưa ra gợi ý về 'văn hóa từ chức' trước Thủ tướng Chính phủ tại một phiên chất vấn ở Quốc hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng được biết tới như một nhà ngoại giao có một số phát biểu, bình luận từng gây sự chú ý trong dư luận, cộng đồng Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước.
Giới quan sát nói nỗ lực ổn định vĩ mô của chính phủ có kết quả tích cực nhưng cảnh báo doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn 'lết bết'.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 5,42% so với năm ngoái, thấp hơn 0,08% so với chỉ tiêu 5,5% của chính phủ đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% trong năm 2012.Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC rằng "những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ đã có những kết quả tích cực."
Tuy nhiên ông cũng nói ông không tin là mức tăng trưởng 5,42% trong năm nay sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm sau như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu.
"Có thể năm sau sẽ khá hơn năm nay một chút nhưng sẽ không đạt được 5,8%," ông nói.
Về công tác ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ông A đánh giá 'Chính phủ đã đạt được những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô đáng ghi nhận' và nói ông mong Chính phủ 'tiếp tục phát huy và không lơ là trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô'.
Tuy nhiên ông cho rằng các kết quả đạt được 'vẫn rất mong manh' và nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại 'vẫn còn nguyên đó'.
"Có nhiều người ham mê tăng trưởng kêu gọi kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng," ông giải thích, "Không khéo sẽ rót tiền vào thùng không đáy là các doanh nghiệp nhà nước và bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào."
Nhận định tình hình kinh tế năm 2014, Tiến sỹ A cho rằng 'chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn'.
"Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi mà quan trọng nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn chưa lấy được đà của mình," ông nói.
"Lẽ ra trong thời gian vừa qua tình hình đã được cải thiện rất nhiều về mặt lãi suất mà các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vì ngân hàng đang lún sâu vào nợ khó đòi," ông nói thêm.
"Khu vực kinh tế nhà nước vẫn tiếp tục lết bết như năm nay thôi."
Về công tác điều hành kinh t́ế của Chính phủ, ông cho rằng 'cũng khó' vì 'Chính phủ khó có thể nhúc nhích được gì trong vòng kim cô rất khắt khe của Đảng cộng sản vẫn bám lấy những giáo điều cũ kỹ'.
Về cuộc sống của người dân, ông A nói 'vẫn khó khăn'.
"Kinh tế tăng trưởng chỉ 5,4% với lạm phát 6% thật sự không đủ cho sự phát triển cuộc sống của người dân."
BBC: Cảnh báo học sinh phần mềm "lưỡi bò"
Trước đó, trong tin đăng ngày 23/12, Thanh Niên cho biết trong chương trình tin học lớp 7 được biên soạn từ năm 2007 có bài "Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer."
Tuy nhiên khi học sinh thực hiện thao tác để xem biên giới các nước, 'đường lưỡi bò' lại hiện ra khá rõ nét trên bản đồ.
Phần mềm Earth Explorer là phần mềm do tập đoàn Motherplanet, có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc, cung cấp.
Phiên bản được sử dụng trong chương trình dạy học của Việt Nam, là phiên bản demo, tức phiên bản thử nghiệm, của phần mềm này.
Trong công văn ngày 24/12 trả lời tờ Thanh Niên về vụ việc, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, xác nhận về việc có hình lưỡi bò trong chương trình dạy tin học nói trên.
Công văn này cũng nói từ năm 2013, sách tin học dành cho trung học cơ sở đã không còn bài học nói trên và cho biết Bộ đã "đề nghị các đơn vị" vẫn còn sử dụng sách cũ ngưng dạy bài học có sử dụng phần mềm Earth Explorer.
'Không sử dụng nữa'Sau khi sự việc được đưa lên mặt báo, ông Bùi Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ tin học nhà trường School@net, đơn vị cung cấp phần mềm nói trên, đã viết lời giải thích về vụ việc trên trang Facebook cá nhân.
Theo đó, ông nói vào năm 2007, các phần mềm giáo dục của Việt Nam hầu như không có nên nhóm tác giả cung cấp phần mềm tin học cho cấp trung học cơ sở phải "chọn một số phần mềm của nước ngoài".
Bên cạnh đó, vì hầu hết các trường học đều không thể sử dụng phần mềm Google Earth vì không có internet và vì không có tiền mua bản quyền các phần mềm khác nên phải sử dụng phiên bản demo (thử nghiệm) của những nơi khác, ông Hà giải thích.
Cũng theo ông này, 'đường lưỡi bò' trong chương trình đã bị một số giáo viên phát hiện và đến năm 2012 đã không còn sử dụng nữa.
“Vì vậy theo tôi việc này không phải là một lỗi quá trầm trọng. Mọi người cùng nên hiểu và giải thích điều này cho những ai còn thắc mắc," ông viết.
Vấn đề chủ quyền biển đảo là một chủ đề khá nhạy cảm tại Việt Nam.
'Đường lưỡi bò' là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực biển Đông do Trung Quốc thiết lập, trong đó bao gồm hầu hết khu vực Biển Đông mà phía Việt Nam đã luôn phản đối.
Hồi tháng Ba, báo chí trong nước cũng phản ánh việc một cuốn sách dành cho trẻ em chuẩn bị vào lớp một ở Việt Nam cũng in lá cờ Trung Quốc trên bìa sách.
Cuốn "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ", được dịch lại từ nguồn sách Trung Quốc, cũng bị yêu cầu thu hồi.
Giá vàng trên thế giới lao dốc kỷ lục dịp Giáng Sinh trong lúc có hiện tượng "tháo chạy" khỏi vàng từ Việt Nam.
Chốt phiên giao dịch trước Giáng Sinh, giá vàng trong nước giảm mạnh xuống còn 35 triệu đồng (1666 đô la) mỗi lượng.Theo thông tin từ Công ty đá quý Sài GònSJC, công ty độc quyền về vàng miếng ở Việt Nam, giá vàng trong nước đã giảm xuống tới khoảng 35 triệu đồng (1666 đô la) trong ngày 24/12. Công ty này cho biết, giá vàng trong năm 2013 đã giảm 24% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Công Tường, Giám đốc kinh doanh của SJC than thở về hiện tượng "tháo chạy" khỏi vàng từ khách hàng, trích dẫn từ VNexpress. Một công ty được quyền kinh doanh vàng khác ở Việt Nam là công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lượng vàng khách mang đến bán lại gấp đôi đi mua.
"Có thể nhiều người thấy giữ vàng lỗ khi giá ngày càng giảm nên họ mang đi bán", Vnexpress trích lời đại diện của PNJ.
Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng lao dốc kỉ lục trước kì nghỉ Giáng Sinh, xuống còn gần 1200 đô la/ounce, quy đổi ra tiền đồng là vào khoảng 30.5 triệu/lượng.
Theo tờ Financial Express, đây là mức giảm trong năm lớn nhất của vàng trong vòng 31 năm qua. Giá vàng từng đạt ngưỡng 1700 đô la/ounce vào đầu năm nay.
Theo ông Douglas Fraser, biên tập viên kinh tế của BBC Scotland, đây là một động thái khá bi quan của thị trường, vì Giáng sinh thường là thời điểm để mua vào nhiều hơn.
“Điều này cho thấy vàng là một mặt hàng đầu tư rất dễ biến động,” ông cho biết.
"Chênh giá lớn”
Mức chênh lệch giá luôn giữ ở mức cao kể từ đầu năm nay, khi chính phủ Việt Nam tuyên bố độc quyền thị trường vàng, có những lúc đạt ngưỡng hơn 7 triệu đồng (350 đô la).
Hồi giữa năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải thích việc định giá bán vàng là do "thị trường quyết định" và nói việc nhà nước độc quyền vàng là để "đảm bảo giá cả thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn".
Tuy nhiên, điều mà ông Bình gọi là "cơ chế thị trường" đã gặp phải sự chỉ trích từ giới chuyên gia trong nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi "hiện nay Nhà nước thì độc quyền, số lượng người mua thì hạn chế. Tôi không biết đó là cái loại thị trường thế nào?"
Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài cũng bị cho là nguy cơ dẫn đến chảy máu ngoại tệ vì tình trạng buôn lậu.
Ông Nguyễn Văn Bình đã từng đạt mục tiêu là sẽ đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về ngưỡng 400.000 đồng (20 đô la) cho một lượng."Khi tiền đồng vẫn mất giá, người dân tại sẽ tìm đến thứ tài sản chắc chắn hơn để sở hữu. Tại một đất nước mà người dân chọn tiền chắc chắn (vàng) thay cho tiền xấu (VND), sẽ luôn có một nhu cầu muốn sở hữu vàng"
Ông cũng gây tranh cãi khi nói việc chênh lệch giá vàng là có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân.
Mặc dù phải chịu nhiều sức ép, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố gần đây rằng Ngân hàng Nhà Nước “cần dứt khoát tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng.”
Lượng vàng giao dịch trên thị trường giảm mạnh trong năm vừa qua, sau khi chính sách độc quyền vàng của nhà nước được công bố và giới quan sát nói khách hàng mua bán vàng chỉ còn bằng 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên vào giữa năm nay cây bút phân tích tiền tệ Max Keiser nhận định khi tiền đồng vẫn mất giá, người dân tại Việt Nam sẽ tìm đến thứ tài sản chắc chắn hơn để sở hữu.
Tại một đất nước mà người dân chọn tiền chắc chắn (vàng) thay cho tiền xấu (VND), sẽ luôn có một nhu cầu muốn sở hữu vàng.
Trong một báo cáo gần đây, Hiệp hội Vàng Thế giới ước tính số lượng vàng vật chất tại Việt Nam đang được trữ trong người dân là vào khoảng 400-500 tấn.
Cũng theo tổ chức này, tổng giá trị lượng vàng trên nếu tính theo mức giá hiện nay sẽ tương đương với 17-21 tỷ đôla.
Đây được cho là một nguồn ngoại tệ tiềm năng có thể giúp giảm áp lực vay nợ từ quốc tế và tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức được trao độc quyền cung ứng vàng từ ngày 25/5 năm ngoái.
Kể từ đó đến nay, cơ quan này đã tổ chức tổng cộng 74 lần đấu thầu, cung ứng ra thị trường gần 1,8 triệu lượng vàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét