Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bài viết hay(773)

Chung cùng giấc mơ
Gởi hương hồn “Chim Lửa” Việt Dzũng
Tôi với anh chung cùng giấc mơ
Một dòng sông thao thức mong chờ
Trong vũng đời tăm tối bơ vơ
Anh đi rồi mấy nỗi hoang sơ
Anh với tôi muôn ngàn món nợ
Nợ tình người nợ nước lao đao
Nên chẳng buồn đi hát đồng dao
Nên thơ tình gác lại vần thơ
Vần thơ nào giờ là thép cứng
Bỏ mặc tình bỏ cả tương lai
Ôi thanh xuân ôi giấc mộng dài
Nơi phận người chìm nổi không may
Này tù đày lần này thứ mấy?
Bắt bỏ tù bỏ hết dân ta
Ôi anh tôi ôm máu tim đầy
Thương cuộc đời giông bão qua đây
Tôi cùng anh như ve sầu lãng mạn
Trước sau như một chỉ có quê hương
Mùa hè vùng lên bước xuống lòng đường
“Chim Lửa” bay rồi tiếp nối giang san. 
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) 
Thư dạy con từ nhà tù Xuyên Mộc: "Đòi hỏi quyền lợi cho mình là không có gì xấu xa hay sai trái"

THƯ DẠY CON "BÀN VỀ MỐI QUAN HỆ NGHĨA - LỢI VÀ QUYỀN BẢO VỆ CHÍNH ĐÁNG QUYỀN LỢI CÁ NHÂN" DO TRẦN HUỲNH DUY THỨC VIẾT TỪ TRẠI GIAM XUYÊN MỘC THÁNG 11/2013

Xuyên Mộc 3/11/2013

Hôm nay là Chủ Nhật, buổi trưa ở đây vắng lặng hơn ở Xuân Lộc vì ít tiếng chim hót, dù là ở đây có nhiều cây xanh hơn. Ba thường chỉ chợp mắt 30’ rồi buông mình vào suy tư “tôi tư duy là tôi tồn tại” là câu triết lý mà ba rất thích. Cai duy nhất tạo ra sự khác biệt của thế giới loài người với các loài động vật khác chính là khả năng suy nghĩ. Nhờ nó con người mới hiểu được các quy luật vũ trụ và sáng tạo ra các giá trị phục vụ cho mình.
Chủ nhật tuần sau là đám giỗ bà nội. Đã hai năm rồi ba chưa thắp được cho bà nội nén hương… Khi nội còn sống, có những điều ba chưa làm được cho nội cũng khiến ba thật chạnh lòng. Ông bà nội cũng như ông bà ngoại đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực nhất để nuôi ba mẹ khôn lớn. Hai con sẽ rất khó hình dung ra được tình cảnh khốn cùng đó. Nhưng hồi đó ba không thấy khổ cực gì cả dù có phải ăn cơm lừng độn với khoai và thiếu chất đạm nghiêm trọng. Có lẽ do trẻ thơ hồn nhiên và sức trẻ nhiều nên ba cứ vui đùa cả ngày mà chẳng thấy chán. Thời gian khác thì làm lụng, chẳng có lúc nào mà nghĩ đến đau buồn, khổ cực. Nhưng khi lên cấp 3, vào cái tuổi mà người ta gọi là bắt đầu biết suy nghĩ, thì ba cũng bắt đầu cảm nhận được sự tuổi nhục của cái nghèo cái khổ. Ba vẫn còn nhớ như in cảm xúc vào buổi tối khi ba học lớp 11. Tối đó ba đi chơi về trễ nên rất đói, nhưng nhìn phần cơm đã để riêng cho ba thì ít hơn mọi bữa nên ba rất tức giận. Có lẽ ai đó trong nhà vì quá đói đã lén ăn bớt. Ba đã định giãy nãy với bà nội vì chuyện này. Nhưng lúc đó bà Nội đang ngồi trên võng và kéo suyễn nên ba dằn lòng lại trong một lát. Rồi ba nghĩ nếu mình là bà nội, ông nội phải chứng kiến cảnh con mình thiếu ăn như vậy dù đã làm hết sức mình, thì mình phải đau khổ đến mức nào. Một cảm giác kinh khủng chiếm lấy ba, rồi sau đó là ân hận. Ba ôm tô cơm nguội độn khoai chan với nước tương ăn cùng vài cọng rau muống ngồi ăn trên bậc thềm tam cấp trước chiếc võng của bà nội, ăn ngấu nghiến. Bà nội hỏi ba chơi ở đâu mà về trễ, rồi hỏi ba ăn có no không, ba nói dối là đủ no. Ba hỏi bà nội “Nếu sau này nhà mình có tiền, má thích ăn gì và muốn làm gì?”. Bà nội chắc có lẽ vì không đọc được quyết tâm của ba nên trả lời rằng “Có cơm cho tụi con đủ ăn mà không phải độn là vui lắm rồi, nghĩ gì đến nhiều tiền con”. Ba cười với nội và không nói gì.
Kể từ đó ba quyết tâm mãnh liệt sẽ làm cho gia đình mình hết nghèo và sống đầy đủ. Ba không bao giờ quên tự nhắc mình về ý thức trách nhiệm này từ ngày ấy. Ba đang viết mà thấy nhớ nội quá… Rạng sáng hôm qua ba tỉnh giấc khi đang mơ được ôm nội và thổn thức. Ba thấy mình vừa ra tù là chạy ngay đến chỗ nội. Trong mơ nội vẫn còn sống. Ba quỳ dưới chân nội và ngã vào lòng bà nội ngã vào lòng nội, cảm giác như hai câu thơ ba làm lúc còn ở B34: “Con về bên má quỳ thưa, bão giông tan hết gió mưa thuận hoà”. Hơn 30s sau khi tỉnh giấc ba mới nhận ra là mình đang mơ. Rồi ba buồn vì nội không còn trong vòng tay ba nữa. Ba không ngủ lại được nhưng cảm giác dần vui lên vì tin rằng hẳn nội rất thương nhớ ba nên thường hay về thăm ba trong mộng.
Gần 5 năm qua hai con của ba lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của mẹ nhưng thiếu vắng sự chăm sóc của ba. Ba rất biết ơn mẹ đã không để hai đứa con thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, và con truyền được nghị lực và niềm tin để tụi con vững bước trên chặng đường chông gai vừa qua. Ba cũng rất hạnh phúc vì 2 đứa đã không phụ thuộc tình thương yêu của ba mẹ mà cố gắng vương lên để xứng đáng với điều đó. Càng lớn tụi con sẽ càng hiểu tình yêu mà mẹ giành cho mình là bao la đến thế nào.Đến khi mình có con thì mới thực sự hiểu sau sắc thế nào là tình mẫu tử. Bao năm qua các con là mục đích sống của mẹ, là động lực để mẹ vượt qua giông bão. Ba rất vui vì thấy rằng hai đứa đã cảm nhận và thấu hiểu được điều đó. Hãy cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà mẹ đã giành cho tụi con nha!

Ngày 4/11/2013

Hôm nay ba muốn trao đổi với hai bạn nhỏ về chữ “Lợi” và ứng xử với cái lợi như thế nào?
Văn hoá nho giáo xem lợi là cái xấu khiến cho tâm lý con người ngại khi nói về cái lợi. Nền văn hoá đó còn tạo ra được tiêu chuẩn đạo đức mà người ta được ca ngợi khi từ bỏ cái lợi dù là rất chính đáng của mình. Nho giáo xây dựng hai mặt đối lập nhau giữa “nghĩa” và “lợi” thậm chí là phủ định lẫn nhau. Nó cho rằng người ta vì lợi mà mất nghĩa muốn có nghĩa thì phải từ bỏ lợi, không thể vừa có được lợi vừa có được nghĩa và nghĩa thì có thể tạo ra lợi nhưng lợi không thể tạo ra nghĩa. Cái tư tưởng này ra đời vào bối cảnh cổ đại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những phong trào mà các tầng lớp dân bị trị bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của mình. Các phong trào này lúc đó được hỗ trợ bởi các học thuyết tư tưởng tiến bộ hơn của Mặc Gia(vì lợi ích của giới tiểu thủ công nghiệp), Dương Gia (đại diện cho lợi ích của người sở hữu đất đai nhỏ - tiểu nông và địa chủ nhỏ) hay Nông Gia (vì lợi ích của người nông dân). Giới cai trị phong kiến lúc đó lung túng và lo sợ các phong trào này phát triển sẽ ảnh hưởng đe doạ đến quyền lợi của họ. Do vậy thuyết “nghĩa” và “lợi” của Nho Giáo đã nhanh chóng trở thành điểm tựa cho các tầng lớp này sử dụng để áp chế các đòi hỏi chính đáng của người dân, biến những đòi hỏi trở thành điều xấu xa về mặt đạo đức. Họ đã thành công nhờ nắm quyền lực trong tay. Nhưng hậu quả của việc này đã làm Trung Quốc lụn bại trở thành gã khổng lồ bạc nhược và bị xâu xé cho dù nó đã phát triển và đạt được những thành tựu vĩ đại trước các nước phương Tây đến cả ngàn năm (kiếm những thành tựu này). Nguyên nhân là nó đã tạo nên một nền văn hoá ứng xử tiêu cực mà ba đã viết từ lần trước, ở đó nhào nặn ra những con người cam chịu và thụ động. Họ không dám, thậm chí không có ý thức đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của mình mà chỉ trông đợi vào sự ban phát ân huệ từ vua – quan. Nền văn hoá này ảnh hưởng sâu sắc đến các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến các nước này chậm phát triển mấy trăm năm so với sự tiến bộ của thời đại.
Tình trạng này chỉ thay đổi ở nước nào mà cái tư tưởng “nghĩa đối nghịch lơi” sai làm nói trên bị thay đổi bằng những quan điểm ứng xử đúng đắn về lợi.
Lợi nghĩa rộng bao hàm cả quyền lợi, ích lợi, cả vật chất lẫn tinh thần.
Lợi là động lực tự nhiên của con người mà nhờ đó cả xã hội loài người mới phát triển. Con người càng làm lợi cho mình thì xã hội càng phát triển.
Con người hành động vì lợi không có gì là sai trái cả.Hành động tốt hay xấu là do cách người ta làm ra lợi và dùng lợi ứng xử với những người khác nhau như thế nào.
Lợi và nghĩa không phủ định nhau mà có thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một hành động
Điều tốt đẹp sẽ xảy ra khi ứng xử của con người và đạo đức xã hội cân bằng được giữa lợi và nghĩa. Và cái xấu sẽ hoành hành khi sự cân bằng này bị thiên lệch về lợi hay nghĩa.
Đối diện với một xã hội bị cho là suy thoái về đạo đức thì nguyên nhân thường được người ta gán cho là sự ích kỉ cá nhân vì những biểu hiện hay thấy là con người phần lớn ứng xử với nhau vì lợi riêng. Giải pháp sai lầm trong trường hợp này là đánh vào chủ nghĩa cá nhân với hy vọng triệt tiêu hoặc ít ra là hạn chế động cơ hám lợi của con người. Nhưng tự cổ chí kim từ Đông sang Tây, hành động vì lợi là một động lực tự nhiên của con người mà không một ai có thể thay đổi được. Động lực đó càng mãnh liệt khi cái lợi đó là lợi riêng. Do vậy sự áp chế bằng quyền lực thực chất là đè nén các động lực này chỉ dẫn đến những biến tướng tai hại, một trong những cái xấu nhất của nó là thói đạo đức giả. Nhiều người hành động vì lợi nhưng che dấu bằng nghĩ. Lắm kẻ dùng lợi chung để thủ lợi riêng. Những lễ nghĩa được cho là đạo đức tốt đẹp chỉ tồn tại trên danh nghĩa, sách vỡ mà có khi người ta dùng chúng để tranh giành và trừng phạt lẫn nhau. Còn trong thực tế thì mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau được chi phối bằng các mối quan hệ thuần tuý vật chất. Ở một tình trạng nhẹ hơn đạo đức giả là thói quen tâm lý vòng vo khiến xã hội hoạt động không hiệu quả. VD: một người muốn được trả lương xứng đáng với năng lực, thành quả mình làm ra được. Nếu là người Singapore thì người ấy sẽ rất thẳng thắn đề nghị cấp trên tăng lương kèm theo những chứng minh về năng lực của mình, nhưng nếu là ở Trung Quốc hay Việt Nam thì tụi con sẽ thấy người làm thuê rất ngại nói về những điều như vậy vì có tâm lý sợ người khác nghĩ mình “trọng tiền bạc”. Từ đó họ dùng nhiều cách vòng vo khác nhau để đạt được mục đích của mình, cách xấu nhất là làm cho đồng nghiệp của mình hiệu quả thấp hơn mình. Cách được cho là khéo léo và tế nhị nhất là xin nghỉ việc vào lúc mình đang làm việc hiệu quả nhất.
Còn rất nhiều các tác động tiêu cực khác của các giải pháp sai lầm nói trên mà hai đứa hãy quan sát và phân tích để thấy rõ. Ở đây ba muốn nhấn mạnh một tác động xấu nhất của nó là triệt tiêu mất động lực phát triển. Đây là nguyên nhân căn bản khiển các nước theo văn hoá Nho Giáo bị đẩy lùi xa phía sau kể từ thời trung đại đến thế kỉ 18, 19 và 20. Ở các nước này, trong hàng ngàn năm, các lễ giáo kiểu “trọng nghĩa khinh tài” (tài là tiền chứ không phải tài năng) không chỉ được nhồi nhét giáo dục cho con người từ nhỏ mà còn được luật hoá để trở thành các quy tắc ứng xử bắt buộc cho quan lại và dân thường. Vi phạm các quy tắc này sẽ bị phạt tiền và tù. Nhưng thực tế thì chẳng mấy khi quan lại bị phạt mà hầu hết dân thường bị lãnh đủ. Do vậy, cũng từ xuất phát từ động lực tự nhiên của con người là lợi nên người dân dần dần hướng đến những gì thiệt hại ít nhất cho mình khi không làm đc gì sinh ra lợi. Điều này cuối cùng tạo ra một xã hội ở tình trạng mà con người chẳng dám, chẳng dại làm gì mà quan lại không muốn, chỉ thụ động chờ sự ban phát. Sự chủ động phổ biến nhất mà họ có thể làm là đút lót.
Như vậy không thể triệt tiêu lợi riêng để có lợi chung, cũng chẳng thể tập trung cho lợi chung để có lợi riêng. Trong thời kì kinh tế bao cấp, mọi người được hướng toàn bộ vào phục vụ lợi chung nhưng hiệu quả thực sự là rất thấp mà tụi con đã được nghe nói nhiều. Sự đổi mới kinh tế đã tạo ra thành tựu ở Trung Quốc và Việt Nam về bản chất chính là làm cho con người có quyền làm lợi cho mình.
Tuy nhiên, giải pháp đúng đắn nhất cho tất cả các vấn đề nêu trên là làm sao để con người cân bằng được giữa lợi riêng và lợi chung thì xã hội sẽ cân bằng được giá trị vật chất và tinh thần. Các giải pháp cực đoan nhằm triệt tiêu phía này hay phía kia đều phá vỡ sự cân bằng này đều làm cho xã hội suy thoái và/hoặc phát triển thiếu bền vững, gây ra rất nhiều những vấn nạn. Đề tài “làm sao để cân bằng được các giá trị trong cuộc sống” ba đã trao đổi với hai bạn trẻ hồi 2 năm trước. Ngày mai ba sẽ trao đỗi kĩ hơn về nó trên phương diện những ứng xử cá nhân. Giờ thì ba xem film 18h trên VTV3 “Quý bà Go Bong Shit” (rất giống mẹ hihi).

Ngày 5/11/2013

Ứng xử cá nhân của mọi người quyết định nên tầm thức văn hoá của cả một dân tộc vì đó là ứng xử của số đông đa số. Rồi tầm thức này lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng xử cá nhân. Cứ như vậy tác động qua lại như hình xoắn ốc, có thể đi lên và tạo nên sự thăng hoa, nhưng cũng có thể đi xuống và dẫn đến lụn bại. Do vậy, như thư trước ba đã viết, việc giáo dục để định hình văn hoá ứng xử cá nhân để có được một tầm thức văn hoá tiến bộ của một dân tộc là hết sức quan trọng, quyết định mức độ thịnh vượng và văn minh của quốc gia. Ba sẽ so sánh giữa nước Anh và Trung Quốc để tụi con thấy rõ được điều này.
Trung Quốc: Một quốc gia có lịch sử và nên văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Rất nhiều phát minh quan trọng về Vật Lý, Thiên Văn, Toán Học được người Trung Quốc tìm ra hàng trăm, hàng ngàn năm trước cả châu Âu. Tư tưởng triết học của người Trung Quốc cũng hình thành rất sớm như ở Hy Lạp và Ấn Độ. Các tư tưởng này cũng rất đa dạng và phong phú nhưng Nho Giáo lại chiếm giữ vai trò thống trị xuyên suốt trong gần 2500 năm trong hầu hết các triều đại của TQ. Trong quá trình này Nho Giáo đã có rất nhiều cải biến nhưng bản chất của nó vẫn là những căn bản được xác lập bởi Khổng Tử - người sáng lập ra Nho Giáo. Các tư tưởng này ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội, biến nó thành một loại hiến pháp tự nhiên không phải bàn cãi, không cầu thay đổi. Do đó nó làm xã hội và con người TQ trở nên xơ cứng từ thời kì cận đại trước những biến đổi sâu sắc và nhanh chóng ở Châu Âu vào thời đó. Từ sau thế kỉ 15 TQ trở nên suy thoái nhanh chóng, tỉ lệ nghịch với tốc độ phát triển nhanh chóng ở Châu Âu. Đến cuối thế kỉ 18 thì TQ hoàn toàn lệ thuộc và sự điều khiển và xâu xé của các nước Phương Tây và kể cả Nhật Bản – một nước nhỏ hơn TQ rất nhiều và từng là chư hầu của TQ (như VN) nhưng đã kịp thay thế Nho Giáo từ thế kỉ 19. Có rất nhiều nguyên nhân làm Nho Giáo bám chặt lâu dài vào xã hội Trung Quốc. Nhưng theo ba một trong những nguyên nhân quan trọng là người Trung Hoa quá đặt nặng vấn đề sắc tộc trong ý niệm về dân tộc và quốc gia. Do đó Nho Giáo dễ dàng xây dựng tinh thần dân tộc và niềm tin về chủ quyền quốc gia xung quanh một gia tộc được đại diện bởi một người là Hoàng Đế. Từ đó sức mạnh dân tộc để bảo vệ chủ quyền quốc gia được biến thành để bảo vệ cho một triều đại. Nghiên cứu lịch sử các cuộc cách mạng ở Trung Quốc thì tụi con sẽ thấy rằng những cuộc đấu tranh của người Trung Quốc nhằm để cải thiện và bảo vệ quyền lợi của mình thì rất yếu ớt và luôn thất bại. Còn các cuộc cách mạng lật đổ và thay đổi triều đại thì luôn khốc liệt và đẫm máu lại thường dẫn đến thành công. Nhưng các cuộc cách mạng này không mang lại nhiều thay đổi về quyền lợi và lợi ích của quần chúng một cách thực chất. Rất nhiều lần thay đổi triều đại nhưng các chế độ mới đều là quân chủ chuyên chế, chủ quyền quốc gia thuộc về một người, một nhóm người. Nhìn một cách biện chứng thì có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vì thiếu ý thức đấu tranh thực sự cho quyền lợi của mình mà lại bị lợi dụng cuốn theo các cuộc đấu tranh vì quyền lợi của một nhóm người nhân danh dân tộc, quốc gia.
Nước Anh: là một quốc gia chưa hình thành vào thời cổ đại và vẫn còn chậm phát triển ở thời trung đại so với nhiều quốc gia khác ở Châu Âu vào thời đó như Pháp và Đức. Từ thế kỉ X trở đi Anh bắt đầu phát triển rồi trở thành quốc gia hùng cường nhất Thế Giới và mãi đến giữa thế kỉ 20, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho thế giới trong nhiều thế kỉ. Tui con đã học lịch sử nên biết nhiều nguyên nhân của kỳ tích này. Ở đề tài này ba sẽ phân tích nguyên nhân ở khía cạnh ứng xử cá nhân. Người Anh không coi trọng yếu tố sắc tộc trong tinh thần dân tộc và không gắn nó với chủ quyền quốc gia. Như tụi cọn biết, năm 1066 công tước William xứ Normandy của nước Pháp đã giao chiến với vua Anh lúc đó là Harold – một người Anglo Xắcxông gốc (chủng tộc chủ yếu của người Anh). Harold bại trận do người Anh không quan tâm nhiều đến cuộc chiến này. Họ chỉ xem đây là cuộc chiến tranh giành ngôi báu. Thay vào đó họ làm một điều mà người Châu Á cảm thấy rất khác thường. Đó là, họ ra điều kiện cho William muốn làm vua Anh thì phải ký vào bản cam kết sẽ luôn bảo vệ quyền lợi cho người dân Anh với những yêu cầu rất cụ thể. William đồng ý và được dân Anh tuyên làm vua nước mình. Điều thú vị là William là người Pháp và còn không biết nói tiếng Anh hơn nữa lúc đó Pháp vẫn là đối thủ của Anh. Nhưng William đã thực hiện đúng cam kết, tăng nhiều quyền lợi cho dân Anh và hi sinh một số đặc quyền của vua Anh so với các triều đại trước đó. Những cải cách này đã làm Anh phát triển tốt đẹp, trở nên hùng mạnh hơn nên càng là đối thủ đáng gờm hơn của Pháp. Sử gọi triều đại này là triều đạ Normandy, cũng là một thời kỳ phát triển quan trọng về văn học, văn hoá, kinh tế,… của nước Anh. Triều đại này kết thúc qua sự kiên vua John phải kí vào bản đại hiến chương vào năm 1215. John là hậu duệ của Vua William nhưng đã tiến hành chiến tranh với chính xứ Normandy-nguồn gốc của chính gia tộc này. Năm 1213 để có tiền thực hiện cuộc chiến này, vua John đã tăng thuế lên cao. Người dân Anh đã phản đối mạnh mẽ và dựa vào tuyên bố “Đặc quyền lệnh của Henry I” (Là vị vua kế nhiệm đời thứ 2 của vua William) để tuyên bố rằng vua John đã vi phạm cam kết với dân Anh. Họ cử đại diện là 25 Nam Tước chuẩn bị sẵn một bản thoả thuận trong đó buộc vua John nếu không muốn bị dân nổi dậy và chống lại phải kí vào. Đó chính là bản đại hiến chương nói trên. Nội dung cơ bản của nó như sau:
- Thần dân có quyền và phải luôn được đảm bảo tài sản và an toàn thân thể, tính mạng.
- Trong quan hệ giữa dân và vua, dân có quyền phản kháng bạo quân.
- Ngoài tô thuế phong kiến, vua không có quyền thu thêm bất kì một loại thuế hay quyên góp nào khác trừ khi được sự đồng ý của toàn quốc.
- Chưa trình ra phán quyết hợp pháp và thẩm xét của luật pháp trong nước thì không được bắt bớ bất kì người tự do nào.
Tụi con sẽ không tìm thấy bất kì một tuyên bố tương tự nào như thế ở Trung Quốc trong suốt mấy ngàn năm, mãi đến đầu thế kỉ XX. Sự tiến bộ này của người Anh cũng khác biệt và vượt lên hẳn so với nhiều nước châu Âu thời đó. Chính nhờ vậy mà nước Anh đã bức phá ngoạn mục. Sự kiện Đại Hiến Chương đã dẫn đến việc tiến hành thành lập nghị viện, rồi từng bước nghị viện dần giành được quyền lập pháp, biến Anh thành cái nôi của nên dân chủ trong thời kì cận và hiện đại của thế giới. Do tính cách của người Anh luôn thẳng thắn đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như vậy nên sự thay đổi các triều đại ở Anh rất ít xảy ra, và khi diễn ra lại rất ít đẫm máu cũng không kéo dài gây lầm than cho dân Anh. Sự kiện đẫm máu nhất là cuộc cách mạng 1640, cũng xuất phát từ sự việc lúc đó là vua Charles I cần tiền nên cũng tăng thuế nhưng không được nghị viện Anh chấp nhận. Charles I giải tán nghị viện nhưng các đại biểu nghị viện vẫn không nhượng bộ nên ông ta liều lĩnh tấn công – bắt giam các lãnh đạo của nghị viện. Người dân Anh thực hiện các quyền đã được thoả thuận của mình, tự vũ trang đứng lên ủng hộ các nghị sĩ chống lại nhà Vua. Mấy năm đầu, quân đội nhà vua thắng thế nhưng đến năm 1649 thì lực lượng vũ trang nhân dân đảo ngược tình thế. Họ bắt giữ và xử tử Charles I. Nhưng cuộc cách mạng không vì thế mà kết thúc ngay được vì nó được khởi nguồn bằng bạo lực và đáp trả bằng bạo lực. Những cuộc thanh trừng và tranh giành bằng bạo lực vũ trang vẫn diễn ra hơn 10 năm nữa. Đến năm 1660, chính những người đã lật đổ Charles I lại ủng hộ con của ông ta lên làm vua gọi là Charles II. Đến đây cuộc cách mạng này mới chấm dứt cùng với sự tang tóc của nó. (Tóm lại không cần kể người làm vua là ai chỉ cần đảm bảo được quyền lợi của dân Anh thì người đó được ủng hộ). Từ bài học này nên kể từ đó về sau người Anh không có thêm bất cứ một cuộc cách mạng bạo lực nào nữa cho mãi đến bây giờ. Một sự cải cách thay đổi sâu sắc các vấn đề chính trị cốt lõi của nước Anh được diễn ra hoàn toàn trong hoà bình vào năm 1688. Đó là cuộc cách mạng Quang Vinh mà tụi con đã học. Thay thế những cuộc cách mạng bạo lực & lật đổ là các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật lừng lẫy từ nước Anh và lan rộng ra cả chau Âu rồi sau đó ra toàn thế giới. Chúng đã tạo nên thành tưu vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, biến đổi sau sắc điều kiện sống của loài người.
Từ lúc hình thành nên quốc gia, nước Anh đã trải qua vài lần thay đổi triều đại. Bản chất của các chế độ này đã thay đổi từ toàn quân chủ sang toàn dân chủ. Nhưng hình thức của chúng thì gần như không có thay đổi gì đáng kể, vẫn là vua hay nữ hoàng là người đứng đầu đất nước. Điều này chứng tỏ người dân Anh chỉ quan tâm đến thực chất – tức là những gì thực sự mang đến quyền lợi thiết thực cho người dân, chứ không dễ bị hình thức của các tên gọi triều đại, chế độ làm cho ảo tưởng. Sự quyết tâm người anh bảo vệ quyền lợi của mình đã buộc những người cầm quyền phải đáp ứng để có thể duy trì sự tồn tại và quyền lợi hợp lý cho mình.
Từ sự so sánh giữa lịch sử TQ và Anh như trên ta có thể rút ra những kết luận sau:
- Văn hoá ứng xử cá nhân của đa số người dân quyết định sự phát triển hoặc suy thoái của dân tộc, quốc gia.
- Mọi người cần có quyền và cần hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đòi hỏi quyền lợi cho mình là không có gì xấu xa hay sai trái
- Những cuộc cách mạng thay đổi triều đại, chế độ thì không chắn chắn sẽ dẫn đến thay đổi tốt hơn cho người dân. Nhưng những cuộc cải cách bởi áp lực của quần chúng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình thì luôn dẫn đến những sự thay đổi tốt đẹp cho toàn xã hội

Ngày 6/11/2013

Nhìn từ quan điểm cân bằng các giá trị trong cuộc sống thì thấy người Anh đã cân bằng tốt giữa lợi riêng và lợi chung, giữa cá nhân và quốc gia. Trong khi người TQ thường đề cao lợi chung của quốc gia mà đè nén lợi riêng của cá nhân. Nhưng thực tế thì một số ít tầng lớp vua quan trên cùng của xã hội mới được hưởng lợi lớn.
Đọc sách của Trung Quốc thì tụi con thường thấy họ đề cao và kêu gọi quan lại hi sinh quyền lợi của mình và gia đình mình để chăm lo cho lợi ích của dân chúng. Nhưng tụi con sẽ thấy quan điểm “không chăm lo được cho mình và gia đình mình thì nói gì đến chăm sóc cho quần chúng” lại rất phổ biến ở Anh và các nước phương Tây.
Tuy vậy, như ba viết ở thư trước không nên du nhập thụ động hay buông thả theo các xu hướng văn hoá mới, mà phải tiếp nhận chúng một cách chủ động để tạo ra sự giao thoa tích cực. Văn hoá chỉ giao thoa được khi nó tìm ra được các điểm cân bằng. Mà sự cân bằng quan trọng nhất là sự cân bằng giữa riêng và chung. Một người mà chỉ chăm chăm vào lợi ích riêng của mình thì sẽ trở nên ích kỉ. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì sẽ trở nên mất gốc và ảo tưởng. Nếu chỉ chăm lo cho gia đình mình thì sẽ trở nên hẹp hòi và đánh mất cơ hội được tương trợ và hạnh phúc từ cộng đồng.
Nhìn rộng và sâu hơn nữa từ khía cạnh cân bằng và giao thoa văn hoá thì cần thấy rằng ứng xử của cá nhân nói riêng và số đông nói chung không nên có văn hoá phủ định những gì khác mình. Mình có quyền phê phán những gì thấy không tốt cho mình hoặc cho lợi ích chung để những điều đó có thể trở nên tốt hơn. Với thái độ như vậy thì con người sẽ tìm ra được những điểm chung để cân bằng lợi ích của nhau. Còn khi người ta chỉ nhằm mục đích phủ định lẫn nhau thì sẽ luôn xung đột lật đỗ lẫn nhau và đi kèm với các hành vi bạo lực rất khó tránh khỏi. Nghiên cứu kĩ hơn về Anh và TQ thì tụi con sẽ thấy rõ điều này. Hì hì đề tài lần này nhức đầu quá phải không hai bạn nhỏ. Nhưng ba biết rằng nó rất quan trọng và cần thiết. Lần sau ba sẽ trao đổi một đề tài vui vẻ và thú vị hơn ha.
Tháng này là sinh nhật mẹ. Hai đứa hãy chuẩn bị cho mẹ một món quà thật ý nghĩa nha. Hãy mang cho mẹ nhiều niềm vui thật thật lớn. Sau đó là sinh nhật ông nội nữa. Bé Quân thử làm một vật kỉ niệm tặng ông nội xem. Đến tháng sau đến giáng sinh và tết Tây, tụi con đừng quên gửi thiệp chúc bác Hans và Ronate. Theo văn hoá người phương Tây, những sự quan tâm như thế rất có ý nghĩa.
Ba yêu hai con gái cưng của ba lắm! Ba mong một ngày không xa sẽ thấy hai đứa thành đạt và hạnh phúc. Rồi tụi con sẽ nhớ về thời gian này như những kỉ niệm đẹp, Có nhiều điều không được may mắn với gia đình mình lúc tụi con còn nhỏ. Nhưng hai đứa đã có được sự may mắn nhất trong đời đó là mẹ. Hơn nữa, ông ngoại là người ông tuyệt vời nhất mà tụi con có được trong cuộc đời này. Ba tin tụi con cũng cảm nhận được như vậy, và đó chính là hạnh phúc!
Ba vừa điện thoại về cho cô sáu, biết được là ngày mai gia đình sẽ lên thăm. Ba nhớ cả nhà lắm rồi nhất là bé Quân xinh đẹp. Ba dừng ở đây nham lần sau ba sẽ viết thư cho mẹ nhân dịp sinh nhật.
Hôn ba mẹ con
Ba Thức

TB: dạo này ba bắt đầu trồng bông ở khoảng đất nhỏ phía trước buồng. Chắc một tháng nữa sẽ đẹp hihi!
01_544146_658737864188529_1268159604_n.jpg
Thoáng suy tư về cạnh tranh chính trị
Le Nguyen (Danlambao) Lịch sử nhân loại đã chỉ ra mọi cuộc đấu tranh, mọi cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài chuyên chế của loài người đều khởi nguồn hay nói cách khác là đều có nguồn gốc của phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn của bất công xã hội, xung đột của giai cấp thống trị với tầng lớp bị trị và các triết gia, tư tưởng gia, lý thuyết gia thuộc “trường phái” thế quyền lẫn thần quyền, có tà ý lẫn thiện ý muốn thu phục nhân tâm, thu hút sự ủng hộ của khối đại đa số quần chúng nhân dân nghèo khó thì trên lý thuyết, dù cho là thật lòng hay do tham vọng đen tối của cá nhân, phe nhóm đều phải có trong tay một lý thuyết “lãng mạn cách mạng” hoặc đề ra được phương án giảm thiểu bất công, xóa bỏ bất công và không thể thiếu lời hứa hẹn thực thi công lý mang công bằng xã hội đến cho con người.
Quan sát thực tiễn đời sống trong quá trình phát triển xã hội loài người giúp cho chúng ta thấy, để thực hiện mục tiêu công bằng xã hội đã có nhiều tư tưởng, khuynh hướng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nổi bật nhất là hai khuynh hướng có phần cực đoan, quá khích của hữu thần và vô thần. Nhóm hữu thần cho rằng “con người tốt thì xã hội tốt” nên họ tập trung nguồn lực, niềm tin vào công việc giáo dục cho con người tốt để có xã hội tốt. Nhóm vô thần quá khích lại bảo “xã hội tốt thì con người tốt” nên họ tập trung ý chí, quyền lực chính trị vào việc cải tạo xã hội tốt để cho ra con người tốt và cả hai đều tin chính kiến của họ là duy nhất đúng. Thật ra trong đời sống con người ít có điều gì gọi là duy nhất đúng, nếu đi vào phân tích theo cách khoa học và nghiêm chỉnh.
Phải công nhận lý thuyết “con người tốt thì xã hội tốt” và lý thuyết “xã hội tốt thì con người tốt” đều đúng cho mục tiêu thực hiện công bằng xã hội trên lý thuyết. Thế nhưng cả hai lý thuyết này, ngay cả nhiều lý thuyết khác nữa, hoàn toàn không phải là duy nhất đúng bởi từ lý thuyết đến thực hành là khoảng cách khá xa để đi vào hiện thực đời sống còn tiềm ẩn nhiều bất trắc phát sinh. Lý thuyết “con người tốt thì xã hội tốt” do nhóm hữu thần, tiêu biểu là các loại tín ngưỡng, tôn giáo chủ trương qua việc giáo dục con người tốt để xã hội tốt, dù không phải là tất cả nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc thực thiện công bằng xã hội. Riêng lý thuyết “xã hội tốt thì con người tốt” do nhóm vô thần, tiêu biểu là các tín đồ cộng sản thu tóm quyền lực chính trị, sử dụng công cụ nhà nước cưỡng bức, áp đặt triệt tiêu giềng mối truyền thống xã hội “cải tạo xã hội” với ảo tưởng đem đến công bằng xã hội cho con người và qua thời gian dài tồn tại, ít nhiều đã lộ ra dấu hiệu hoang tưởng trong đời sống hiện thực.
Có lẽ nên tạm ngừng luận bàn lý thuyết của hai “trường phái” hữu thần, vô thần về việc hướng đến thực hiện công bằng xã hội cho các lý luận gia, lý thuyết gia chuyên ngành chính trị, kinh tế, xã hội học... có liên quan đến mục tiêu thực hiện công bằng xã hội bàn luận và tốt hơn hết là nên đi thẳng vào nghiên cứu các mô hình tổ chức xã hội, cai trị xã hội đã thật sự ngăn chận được bất công phát tác, mang đến công bằng xã hội tương đối cho xã hội loài người trong thực tế.
Hẳn chúng ta ai cũng biết có nhiều nguyên nhân gây ra bất công xã hội bàng bạc trong đời sống con người. Bất công xã hội có nhiều nhưng bất công xã hội cụ thể dễ thấy nhất là khoảng cách giàu nghèo và nguyên nhân, hậu quả tạo ra khoảng cách giàu nghèo “ bất thường” gây bất mãn, bất bình trong lòng xã hội dẫn đến đấu tranh cách mạng, bạo loạn lật đổ. Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến cũng như không đi sâu vào phân tích các cuộc cách mạng, các loại cách mạng đã diễn ra trong tiến trình phát triển của xã hội loài người mà chỉ tìm hiểu một số quốc gia của không ít quốc gia trong cộng đồng nhân loại đã thành công trong nhiệm vụ lãnh đạo chính trị, dẫn dắt quốc gia thực hiện mục tiêu công bằng xã hội khá thành công cho đất nước họ.
Hiện tại ngay thời điểm này, có rất nhiều quốc gia giàu mạnh, đa phần là các nước theo thể chế dân chủ thực hiện được công bằng xã hội tương đối và mô hình tổ chức nhà nước hiệu quả khiến các nước nằm trong vùng trũng của các thể chế độc tài, man rợ mơ ước hướng tới, là mô hình tổ chức cai trị, thiết chế chính trị của các quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đã trở thành niềm khát khao có thật, làm cho một số người hoạt động chính trị, lãnh đạo chính trị trong nhà nước cộng sản Việt Nam ngộ nhận, cố nhận vơ vào cho đó là hình mẫu của nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa mà tiền nhân cộng sản của họ muốn tạo dựng?
Thời nay, nếu chịu khó quan sát sự thay đổi của thế giới chung quanh thời hiện đại chúng ta sẽ nhận ra, không chỉ riêng các đảng chính trị của các nước Bắc Âu thành công, hữu hiệu trong nhiệm vụ lãnh đạo nhà nước - xã hội mà hầu như tất cả các nước tiên tiến thiết lập thể chế dân chủ - dân thực sự làm chủ đất nước của mình đều đạt được kết quả khá gần với kết quả của các nước Bắc Âu đạt được. Bởi trong đời sống chính trị dân chủ, dù muốn hay không muốn, các đảng phái chính trị cũng không thể xa rời mục tiêu công bằng xã hội, là điều kiện tiên quyết để người dân an hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc trong thực tiễn đời sống và các đảng phái nào xa rời mục tiêu công bằng xã hội sẽ có khả năng bị loại khỏi cuộc đua tranh lấy quyền lực chính trị trong các cuộc bầu cử tự do, có định kỳ.
Như chúng ta thấy cạnh tranh chính trị trong các nước có thiết chế dân chủ thực hiện được nhiều mục tiêu xã hội và xã hội ít bất công hơn so với các nước có khuynh hướng xã hội, hô hào định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chỉ với một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước, xã hội như Việt Nam chẳng hạn, bất công không những không được đẩy lùi mà ngày càng tồi tệ hơn, tác động không nhỏ đến quyền làm người, đến tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân.
Với thể chế dân chủ chủ trương đa nguyên đa đảng, tuy có nhiều khuynh hướng nhiều đảng phái tham chính nhưng thật ra cũng chỉ cô đọng trong mục tiêu công bằng xã hội và các đảng chính trị lãnh đạo nhà nước, xã hội có nhiệm vụ làm thế nào để giảm thiểu phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, tránh gây mâu thuẫn chủ thợ, xung đột quyền lợi giữa chính quyền với người dân... Cũng như trong các nước dân chủ, các đảng phái chính trị tuy nhiều nhưng tựu trung lại cũng chỉ có hai khuynh hướng chủ yếu: một là bảo thủ, trung thành với truyền thống xã hội, bảo vệ quyền lợi người giàu; hai là cấp tiến, có tư tưởng cải cách xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo.
Ai cũng thấy những đảng phái chính trị trong các nước tự do, dân chủ theo khuynh hướng một (bảo thủ) thường có tên Cộng Hòa, Tự Do, Quốc Gia... và các đảng chính trị theo khuynh hướng hai (cấp tiến) thường có tên dân chủ, lao động, xã hội... Dù trên lý thuyết, các đảng chính trị bảo thủ thường có khuynh hướng bảo vệ quyền lợi cho giới giàu và các đảng phái cấp tiến có khuynh hướng bênh vực quyền lợi cho giới nghèo. Thế nhưng trong thực tế đời sống chính trị dân chủ, các đảng cầm quyền dù bảo thủ hay tiến bộ, khi ban bố chính sách hay hoạch định chương trình hành động không thể tùy tiện làm lợi cho một phía mà phải thỏa mãn quyền lợi tương đối có thể chấp nhận được cho cả hai phía giàu lẫn nghèo, xa hơn là cho mọi thành phần xã hội.
Chính nhờ vào việc cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái nên những bất cập, bất công trong các nước dân chủ đa đảng được ngăn chận kịp thời trước khi nó trở thành con bệnh hết thuốc chữa lẫn sai phạm khó khắc phục như những gì nhà nước độc tài, độc đảng cộng sản Việt Nam hiện nay mắc phải và những thành tựu kinh tế xã hội, những bất công dần dần bị đẩy lùi, an sinh xã hội từng bước được thiết lập, được hoàn thiện bảo đảm cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân... đều đến từ cạnh tranh chính trị của các đảng phái chính trị trong thiết chế dân chủ.
Nếu tỉnh táo không khó để nhận ra, kết quả đạt được ở mọi mặt đời sống của người dân trong các nước dân chủ không phải tự nhiên, không phải ngủ một đêm thức dậy là có được, tất cả đều do các nước có thiết chế dân chủ, có cạnh tranh chính trị lành mạnh, có sự đấu tranh bền bỉ lâu dài của người dân, nhất là người dân có cơ hội phát huy, thể hiện được quyền làm chủ của mình và các cán bộ, đảng viên của các đảng phái chính trị tham chính, họ ý thức được rằng hô không phải là vua. Họ được dân thuê, dân trả lương làm đại diện, họ thật sự là đầy tớ của nhân dân, họ không xem dân như cỏ rác, là kẻ thù giai cấp phải bị tiêu diệt!
Cụ thể là giới tinh hoa, thành phần chủ lực của xây dựng phát triển đất nước không bị xem như là kẻ thù, nhất là giới trí thức không bị xem không bằng cục phân, giới chủ nhân, giới giàu có không bị đấu tố “cướp giết” tịch thu tài sản sung công (?), không bị bắt đưa đi lao động cải tạo hay chung thân khổ sai. Thời nay những thành phần tinh hoa trong các nước dân chủ tham gia vào các dự án kinh tế vi mô hay vĩ mô đều không được hưởng những ưu ái đặc biệt, không được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để độc quyền kinh doanh, để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn nhân công bèo bọt như những nô lệ thời trung cổ... và giới tinh hoa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường trong các nước tư bản không hề có ngoại lệ, họ phải đứng trên chính đôi chân, phải làm việc bằng chính trí tuệ, phải đoạt lấy thành công bằng chính tài năng thật sự của họ... Tất cả đều không đứng vững hay tồn tại với nhân thân tốt, với gia đình có truyền thống, có công với cách mạng.
Lược sơ qua vài điểm bất cập lẫn nổi bật của các nước thiết chế độc quyền chính trị, cạnh tranh chính trị cho chúng ta thấy rằng chỉ có cạnh tranh chính trị lành mạnh của các đảng phái chính trị trong thiết chế dân chủ mới có thể mang đến công bằng xã hội cho người dân và cạnh tranh chính trị trong thể chế dân chủ đã chứng minh, nó chính là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Ngoài ra cạnh tranh chính trị còn là môi trường lý tưởng để rèn luyện các cá nhân có đủ phẩm chất tài năng, đức độ tham gia chính trị, làm chính trị trong thời đại dân chủ.
Lê Thăng Long giải thiêng ĐCSVN
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Sau đơn xin vào ĐCSVN, ông Lê Thăng Long có bài kêu gọi ủng hộ cá nhân mình trở thành một Lý Quang Diệu của Việt Nam. Cả hai điều này tiếp tục gây ra làn sóng phê phán ông càng mạnh mẽ. Đó là tín hiệu thật đáng vui mừng trong một xã hội như đang sống trên "Chuyên Tàu Băng Giá" [1], giờ đây cuộc sống lạnh lùng, lặng lẽ, thờ ơ, hững hờ đó đang dần dần biến mất.
Ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, một việc tạm gọi là "scandal", làm nổ ra tranh cãi ầm ĩ, thậm chí ông bị bôi nhọ hết sức tồi bại. Qua sự việc đó, người viết bài đã nhận định [2]:
"...Chính khách luôn đi liền với sự kiện và chữ nghĩa. Ngôn ngữ chuẩn xác của chính khách có thể giết chết kẻ thù ngọt lịm mà vẫn đảm bảo văn minh, hòa bình và hiện đại. Chính khách là một nghề. Hơn thế, nó là một nghề tinh tế và chuyên nghiệp thuộc hàng nghệ thuật. Không phải sao? Một chính khách giỏi và thành công khi biết xây dựng hình tượng và quan trọng hơn, tạo sự kiện và biết cuốn hút, thuyết phục quần chúng cũng như dư luận chạy theo sự kiện mình đưa ra".
Lần này, ông Lê Thăng Long đã tiếp tục chứng tỏ bản thân như một chính khách có nghề và độc đáo hơn.
Không làm cũng cằn nhằn, làm cũng cằn nhằn
M.C Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng cho biết [3]:
"...Cho đến gần đây qua mạng lưới mở rộng và kết hợp của mạng xã hội, tôi mới nếm thử mùi vị của 'văn hóa chỉ trích'. Tôi đã bị không phải một lần mà bao nhiêu lần, hầu như mỗi khi tôi post hình đi nghỉ mát, đi chơi, đi ăn hoặc những món ăn lạ (như bao nhiêu triệu người khác), y rằng cũng có vài người hằn học comment: "Sao không để tiền đi làm từ thiện?", "Có biết là bao nhiêu người đang đói khổ không?". Tôi "phiên dịch" như vậy nghe cho lịch sự chứ thật ra có nhiều câu nghe không được ngọt ngào như vậy (chẳng hạn như câu này của "Kimlien Kimlien: 'Suot ngay dj ngj .mat voi an uog. Mjen trug dg bj bao lu kja. Do vo tam' ). 
Wow... một người không biết tôi và cũng không biết là tôi có cho cứu trợ cho miền Trung không đã vội kết án một cách gay gắt. Thật ra, tôi có làm từ thiện và có cho từ thiện khá đều đặn nhưng tôi ít nói ra. Không nói nhưng bị thiên hạ chỉ trích quá, lâu lâu tôi cũng phải "xì" ra cho những người như KimLien biết: "Dạ thưa bác, em cũng có cho từ thiện chứ không đến nỗi vô tâm như bác nghĩ". Nhưng vừa hé ra lại gặp những người như bạn Trongtai Nguyen nhận xét: 'Đã làm việc tốt thì không cần ai biết. Nói ra rồi chẳng để làm chi', hay Lam Truc Huynh viết: 'Đã có lòng làm từ thiện thì nên âm thầm, không nên phô trương cho mọi người biết".
Chúng ta hẳn không quên cậu bé thông minh, khôi ngô Đỗ Nhật Nam đã bị ném đá, sau phát biểu của cậu mà trang megafun gọi là [4]: "Một đám đông sợ hãi và vô văn hóa".
Câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng đã gây ầm ĩ, khi ông Văn Như Cương, một người từng tỏ ra ủng hộ và giúp đỡ thầy Khoa, đã dùng nhiều từ ngữ xúc phạm đến đồng nghiệp để đả kích thầy Khoa, như: [5] "không bình thường", "tự đề cao mình", "đánh giá mình rất quan trọng", "định ứng cử vào quốc hội" v.v...
Ông Nguyễn Xuân Châu - một người Úc gốc Việt, từng bày tỏ mong muốn trở thành Thủ tướng Việt Nam để giúp dân, giúp nước, cũng đã nhận biệt danh "thủ tướng khùng".
Ông Trương Đình Anh từng mong muốn trở thành thủ tướng vào năm 40 tuổi. Sau này blogger Hiệu Minh có bài "Trương Đình Anh có nên mơ làm Thủ tướng?" [6], với "chất giọng" mỉa mai, cùng hành động đá xoáy vào ông đương kim Thủ tướng Việt Nam.
Có lẽ còn rất nhiều câu chuyện, nhiều con người quanh ta mà mỗi người đều có thể thấy khi người đó làm những chuyện mà một số người hay nói: "không giống ai". Tại sao những người chỉ trích, miệt thị người khác không đặt câu hỏi: "Việc những người đó làm có hại đến ai và có phạm pháp không?".
Đó là nói về dân thường. Nói về các chính khách, thử hỏi có ai không biết đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel - một người xuất thân từ quốc gia cộng sản? Nếu người dân Đức hẹp hòi và thành kiến, làm sao có thể có một Thủ tướng được người dân trong và ngoài nước Đức mến mộ như hiện nay? 
Nếu dân Hoa Kỳ vẫn còn mang nặng thành kiến màu da, chắc hẳn không thể có một Mr. Barrack Obama?
Nếu người Nam Phi không ủng hộ Nelson Mandela, chắc cũng không có một quốc tang trọng thể ảnh hưởng cả thế giới như vừa qua?
Còn Việt Nam? ông Võ Nguyên Giáp vẫn đang là đề tài tranh cãi lớn về "công - tội", về nhân cách sống và cả về trình độ thật sự để được coi như nhà quân sự tài ba.
Thay vì Lê Thăng Long mong vào ĐCSVN và làm Lý Quang Diệu Việt Nam, nếu đó là Trần Huỳnh Duy Thức thì có bị ném đá tơi bời không nhỉ? Chắc là không. Lý do? Có lẽ vì Lê Thăng Long đã từng "nhận tội"(?). Hóa ra, điều làm cho một số người có cớ để miệt thị, xúc phạm nhân phẩm ông Lê Thăng Long là vì thế (?). Quả là:
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì
(Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn)
Những ai mắng chửi không tiếc lời đối với ông Long, họ có dám thử hành động rồi "nhận tội" và chấp nhận đi tù như ông không(?). Một số người Việt Nam vẫn thích người khác làm theo ý mình trong khi bất chấp ý nguyện và những gì phía sau của người đó, họ vẫn chưa biết rõ.
Ai mới bị "Hội chứng hoang tưởng" và "Hội chứng phản xã hội"? 
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kể câu chuyện [7]:
"...Còn nhớ ngày xưa tôi có xem cuốn truyện dịch "Thế giới người mù" kể chuyện một thanh niên sáng mắt bị lạc vào một thung lũng, trong đó là cả một cộng đồng người mù đang sống. Bản tính hăng hái, thương người, anh hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng người mù ấy, được họ cưu mang, dựng cho một căn nhà, và cưới cho một cô vợ mù. Nhưng rồi dần dần, những điều anh mách bảo cho tập thể cư dân này dựa vào đôi mắt nhìn xa trông rộng của anh, làm họ đâm nghi ngờ và ghen ghét, ngỡ anh là một phù thủy, một người không hiểu vì sao lại khác với mình. Cuối cùng họ nhờ cô vợ của anh ngấm ngầm dò tìm và cô tìm ra nguyên nhân là ở đôi mắt khác người của anh. Thế là họ bàn nhau tìm cách bắt anh để dùng dao khoét đi cái vật nó là nguyên nhân làm cho anh thấy những điều cộng đồng không thấy. May sao anh dò ra được âm mưu đó và bằng mọi giá trốn thoát khỏi thung lũng. Hiện tại, công đồng người Việt đang ở vào tình cảnh oái oăm của một “thế giới người mù” chăng? Tôi không tin điều đó..."
Trích dẫn trên là lời bình trong bài của GS. Nguyễn Văn Tuấn, khi ông Tuấn đứng trước trường hợp thầy Đỗ Việt Khoa đã thốt lên:
"Đọc bản tin viết về sự việc thầy Đỗ Việt Khoa sắp bỏ nghề giáo mà thấy buồn nôn. Buồn không phải vì chuyện thầy Khoa bỏ ngành Giáo dục (mà tôi cho là một quyết định hết sức đúng), nhưng vì câu hỏi "được gì, mất gì". Câu hỏi gì mà tàn nhẫn thế!...".
Trong bài "Hội chứng hoang tưởng", BS. Ngọc cho biết [8]:
"...Triệu chứng nổi bật của người mắc chứng PPD (paranoid personality disorder) là không tin tưởng vào người khác, lúc nào cũng nghi ngờ người khác, nghi ngờ cả người thân và đồng nghiệp. Người mắc bệnh PPD có những đặc tính nổi bật như thiếu tin tưởng vào người khác, lúc nào cũng nghi kị người khác. Trong đầu của bệnh nhân PPD là người khác lúc nào cũng tìm cách ám hại mình, bất cứ hành động mang tính tích cực nào của người khác cũng được hiểu là có ý đồ xấu xa. Điều này rất đúng với người cộng sản vì họ không tin ai cả. Trong xã hội do người cộng sản điều hành và cấu tạo nên, ai cũng nghi kỵ lẫn nhau. Ngay cả trong gia đình cũng nghi kỵ lẫn nhau. Trong xã hội VN hiện nay mọi thành viên đều là những người tù dự khuyết. Bầu Kiên có thể là anh hùng hôm qua nhưng đùng một cái là tù nhân. Một ông cựu bộ trưởng đáng kính vẫn có thể đi tù dễ dàng. Người cộng sản không tin ai cả vì chính họ cũng không tin họ nói thật"...
"Một hội chứng có liên quan đến PPD là hội chứng phản xã hội (antisocial personality disorder, viết tắt APD). Đặc điểm chính của APD là khuynh hướng không quan tâm đến quyền lợi của người khác, hay xâm phạm quyền lợi người khác. Hội chứng này cũng rất phù hợp với người cộng sản vốn rất vô cảm và có khi tàn ác..."
Nếu độc giả nào có nhã hứng, xin mời vào bài viết chi tiết để xem blogger này phân tích thấu đáo dưới góc nhìn một bác sĩ. 
Trong "Bên Thắng Cuộc", nhà báo Huy Đức cũng nhắc đến quan chức cộng sản, dù bị bệnh ung thư đến giai đoạn cuối, nhưng vẫn khăng khăng bản thân mạnh khỏe và còn cho rằng bác sĩ đã cố tình "nói xấu" rồi trừng phạt các bác sĩ, ví dụ như thái độ ông Đoàn Khuê [9]:
"Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết..."
Hoặc ông Đỗ Mười, người bị bệnh tâm thần:
"...Giữa thập niên 1990, thỉnh thoảng, bị cánh nhà báo chặn lại khi vừa bước từ toilet ra, Tổng Bí thư Đỗ Mười, với quần quên kéo khóa, leo lên chiếc bàn nước nhỏ đặt phía sau Hội trường Ba Đình, ngồi xếp bằng vui vẻ chuyện trò với dân báo chí. Nhiều khi cao hứng, ông nói: “Tôi đã từng bị thần kinh đấy”.
Các chính khách Việt Nam đương thời thì sao? Mời độc giả tạm đọc bài viết "Những phát ngôn bi hài của quan chức Việt Nam" [10], vì không tài nào thu thập đầy đủ hết từ các "quý ông", "quý bà" cộng sản, trong đó tuyệt đại đa số là "giáo sư", "tiến sĩ", trong đó "quý bà" Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…”. Bà Tiến là một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghe đâu còn được Hàn Quốc cấp bằng "giáo sư"... nữa (!). Ai oán thật! Có ai muốn nói về "hội chứng PPD" và "hội chứng APD" của bà Bộ trưởng y tế không (?)
Điều đáng nói, dù những phát ngôn, tuyên bố, việc làm của quan chức Việt Nam lạ lùng hay lố bịch, lố lăng giữa rừng người lố... nhố, họ cũng chưa bao giờ bị miệt thị là "khùng điên" gì cả. Tại sao vậy? Chẳng lẽ nhân quyền cũng phân chia "thứ bậc"(?!). 
Lê Thăng Long - một hiện tượng chính trị sáng tạo và độc đáo
Đơn xin vào đảng của ông Lê Thăng Long, ngay phần gởi đi, không chỉ riêng ĐCSVN mà ông còn gửi tới đồng bào trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế. Điếu đó nói lên ý nghĩa gì? Vốn sinh trưởng, lớn lên, học hành và kinh doanh trong môi trường độc đảng toàn trị, ông Long hoàn toàn biết điều kiện để được kết nạp vào ĐCSVN - yếu tố này chỉ cần biết đọc, viết và làm bốn phép tính cũng đủ hiểu khi đọc điều lệ ĐCSVN.
Với đơn xin vào đảng, ông Long đã đẩy ĐCSVN vào thế "chiếu bí" trên "bàn cờ chính trị" hôm nay. Có nhà nước nào lại đi bỏ tù ngay chính người đang bày tỏ lòng yêu quý và thiết tha để được đứng vào tổ chức nắm toàn quyền như ĐCSVN hiện nay? 
Người cộng sản đang mang tâm trạng rối bời và bế tắc khi buộc phải chống đỡ nước cờ rất thông minh này. Tôi chân thành đề nghị ông Long hãy gửi bảo đảm "đơn xin vào đảng" qua đường bưu điện, đến các cá nhân và tổ chức đảng như trong lá đơn của ông. Đó là sơ sót nhỏ, hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng.
Ngoài yếu tố không thể bắt ông Lê Thăng Long bỏ tù một lần nữa, CSVN rơi vào thế hoàn toàn bị động - một trong những yếu tố quan trọng nhất mà không chính trị gia chuyên nghiệp nào muốn vấp phải.
Hãy tưởng tượng, một tổ chức tuyên bố "luôn gắn bó mật thiết với dân" phải im lặng trước lời khẩn cầu được đứng chung hàng ngũ, xuất phát từ thường dân, thì tổ chức đó sẽ như thế nào trong mắt đại đa số dân chúng, nếu không phải tổ chức đó chỉ luôn tìm mọi cách xa lánh và áp đặt quyền cai trị độc tôn của nó?
Hãy hình dung, một tổ chức "sáng ngời chính nghĩa" ra văn bản từ chối sự thiết tha của người dân được gắn bó chặt chẽ với mình để phục vụ nhân dân thì tổ chức đó có còn xứng với "đỉnh cao trí tuệ"?
Hãy để lương tâm hướng về một tổ chức mệnh danh "là đạo đức, là văn minh" lại đi xách nhiễu, đàn áp, bôi nhọ ngay người đang tha thiết mong gọi mình là "đồng chí", thì "văn hóa" của tổ chức đó là loại văn hóa như thế nào?
Đó là lời giải đáp cho ý nghĩa: "Hãy yêu thương và ôm hôn kẻ thù của mình". Lê Thăng Long đã sáng tạo một cách thực tế, sống động và thuyết phục qua việc làm của ông. 
Một tổ chức không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi như trên, lúc đó nó mất sạch: chính danh, chính nghĩa, đạo đức. Một tổ chức như thế hoàn toàn không có lý do tồn tại.
Chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ một hoạt cảnh rất vui, nhộn nhịp mà bình thường: Sau Lê Thăng Long xin vào đảng; sau Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên xin ra đảng, lần lượt mỗi tuần, mỗi tháng, lại có những người xin ra đảng, lần lượt lại có những nhà bất đồng chính kiến đang ở ngoài tù, những tù nhân lương tâm đang ở trong tù, những người dân oan, những hòa thượng, những linh mục, những mục sư, những blogger nổi tiếng, những sinh viên, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng, những người Việt hải ngoại (còn quốc tịch Việt Nam) v.v... tiếp tục làm đơn xin vào đảng. 
Tại sao không gợi ý ông André Menras Hồ Cương Quyết làm đơn xin vào đảng nhỉ? 
Lê Thăng Long - một chính trị gia độc đáo mà giản dị! Và còn nữa... nhưng bây giờ, người viết xin tạm nói đến đây thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét