Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bài viết hay(774)

Tôi thích nghe và đọc những bài phân tích về kinh tế của ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhưng nói thật, từ khi tôi thấy ông tỏ ra "cực đoan" với những lời lẽ quá đáng khi nói về TT Obama, tôi thật sự thất vọng và chán nãn cho một trí thức như ông lại quá nặng đầu óc đảng phái(thiên về Cộng Hoà?), kỳ thị(ghét da đen?)!  Là con người, không ai tránh được những khuyết điểm rất ư là "con" và rất khó giữ được cái tánh "người" nhưng đó là một ví dụ điển hình cho những trí thức hải ngoại rất ư ..."cực đoan"!  
Obama, và hơn thế nữa...
Sân khấu chính trị Mỹ đang quay cuồng trong điệu rock man rợ, chợt im tiếng. Có một người da đen mảnh khảnh bước lên bục diễn với cây kèn trompette. Và điệu Blues trầm lắng vang lên. Đó là Obama. Nhưng chàng không chỉ đến với điệu Blues, chàng mang cả một thế giới mới lạ được phối màu trầm của contrebasse, kèn gỗ và chất giọng khàn đục của Louis Armstrong xập xình lắc lư…Chàng mang lại sự hoà dịu, êm ái. Điệu Blues của chàng đã làm nhiều người khóc, có cả những người da trắng.
Obama là một người hùng biện, dễ mến và có chiến lược tranh cử hợp lý. Ông là sự chọn lựa của nhân dân Hoa Kỳ nhưng trước hết ông là sự chọn lựa của các thế lực tài phiệt Mỹ. Sự đắc cử của Obama đồng nghĩa với sự thay đổi chiến lược toàn cầu của các tập đoàn kinh tế ấy.
Bọn họ đã lắp Obama trên cánh cung và bắn đi. Obama là chiếc nỏ thần của Thục An Dương Vương. Cái mũi tên màu sô-cô-la hiền hoà ấy một lúc đã bắn trúng nhiều con chim: sự hiếu chiến, sự phân biệt chủng tộc, chiến tranh Iraq, Hồi giáo, lá chắn tên lửa…

Obama là điều kỳ diệu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Là chọn lựa đẹp nhất, khôn ngoan nhất của giới tài phiệt Hoa Kỳ.
Obama sẽ làm được những gì, điều đó thời gian sẽ trả lời, nhưng trước hết Obama đã thay đổi được hình ảnh nước Mỹ trong con mắt của thế giới. Đó là điều trước đây chưa ai làm được.
* Sự có mặt của Obama tại Nhà Trắng còn có ý nghĩa rất lớn rằng: kể cả kẻ ngạo mạn nhất, hung hăng nhất, giàu mạnh nhất như Mỹ rốt cuộc cũng phải xét lại mình, phải tìm cách thay đổi. Cái đó Marx gọi là “biện chứng”. Nhưng tiếc thay những người tự nhận là marxiste như đảng cộng sản Việt Nam, như đám cầm quyền “ăn vạ” ở Bắc Triều Tiên hiện nay, như các nhà lãnh đạo còm cõi quá “đát” ở Cu Ba… lại không hiểu cái phép biện chứng ấy. Đúng ra là họ rất sợ sức mạnh của quy luật biện chứng và tìm mọi cách để ngăn cản sự phát triển của quy luật ấy. Thực chất, nói theo ngôn ngữ Mác-xít, họ là những kẻ phản động.
Họ ít học, lại hẹp hòi, tiểu nhân, độc ác. Miệng họ nói “hoà giải, hoà hợp dân tộc” nhưng tay họ cầm súng dí vào lưng, cầm còng số 8 khóa vào tay, cầm dây thòng lọng tròng vào cổ những người Việt Nam đã bại trận, đã bị tước vũ khí, đã bị lột sạch, trần trụi…
Họ không có kiến thức và lòng nhân ái để hiểu rằng tháng 4 năm 1994 khi Nelson Mandela, người bị giam giữ hơn hai thập niên trong nhà tù, lên làm tổng thống Nam Phi đã không tìm cách trả thù những kẻ đã đàn áp nòi giống mình suốt 300 năm. Ở Nam Phi lúc ấy chẳng những đã không có “học tập cải tạo”, không có dí súng vào lưng, treo cổ hay đày đoạ đối phương trong lao dịch như ở Việt Nam mà chính quyền của Mandela gần như giữ nguyên trạng bộ máy hành chính và cả bộ máy cảnh sát. Các đảng phái chính trị vẫn hoạt động tự do bình thường. Tất nhiên vẫn có những phiên toà xử các tội phạm phân biệt chủng tộc trong chế độ Apartheid nhưng không kể đến màu da, đảng phái, cũ mới. Các chánh án và luật sư phần lớn là người da trắng từng hành nghề trong chế độ cũ vì họ có kiến thức và hiểu biết luật pháp.
* Mùa đông năm 1997, tôi có dịp sang Đức, ngụ tại Potsdam. Buổi sáng tôi gặp một ông già người Đức ngồi ăn phở tại quán của người bạn tôi. Với vốn liếng tiếng Anh không lấy gì làm lưu loát lắm ông khoe ông là đại tá phi công của chính quyền Đông Đức cũ. Tôi hỏi:
- Thế khi nước Đức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo không?
Ông già tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng chẳng những không có “cải tạo” mà ông còn được chính quyền mới trả lương hưu nữa.
Nhưng ngoạn mục nhất là sự xuất hiện của nữ thủ tướng Angela Merkel. Bà sinh ở Đông Đức, từng là sinh viên của trường đại học Leipzig, đậu tiến sĩ vật lý năm 1986, từng là đại biểu quốc hội của chính quyền cộng sản Đông Đức. Thế mà khi nước Đức thống nhất bà lại được thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách về phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 23/11/2005 bà đắc cử chức Thủ tướng Chính phủ Đức. Sự đắc cử của bà Angela Merkel cũng ngoạn mục không kém gì thắng lợi của Obama.
Rõ ràng là những người cầm quyền ở Âu Mỹ (và cả Nam Phi) dù bị mang tiếng là thực dân, đế quốc… nhưng khi cần cao thượng họ là những người cao thượng, khi cần nhân ái họ là những người nhân ái, khi cần lẽ phải họ là những người rất tôn trọng lẽ phải. Còn Việt Nam chúng ta, suốt trong chiều dài lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Tây Sơn… chỉ thấy trả thù, trả thù, trả thù, chỉ thấy những trò hèn hạ như tứ mã phanh thây, đào mồ cuốc mả cho lính đái vào đầu lâu, tru di tam tộc, cửu tộc, chém ngang lưng, chôn sống tập thể, đấu tố, thủ tiêu, ám sát…
Đó là lỗi của ai vậy? Có phải tại cái “gen” của nói giống Lạc Hồng? Xin thưa, không phải đâu. Bởi vì Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Pôl Pôt, Hitler, Staline…đều thế cả. Đó là lỗi của bọn cầm quyền. Nếu chúng dã man hoặc theo những học thuyết dã man, chúng sẽ đẩy cả dân tộc vào sự man rợ.
Nhân dân không có lỗi gì cả.
Sự xuất hiện của Angela Merkel, Barack Obama, Nelson Mandela, Thabo Mbeky… là thành quả của sự hối lỗi, sự điều chỉnh, sự xét lại của Quyền Lực tại các nước ấy.
Hãy vứt những cái đầu tủn mủn vào đống phế liệu của lịch sử. Việt Nam cũng đang cần một sự hối lỗi, một sự điều chỉnh, một sự thức tỉnh như thế.
Ngày 28.03.2009
Đào Hiếu 

Bao nhiêu ý dân thì đủ?
Từ khi tôi trở thành công dân Đức, Hiến pháp Đức đã có 10 bổ sung, sửa đổi mà tôi không hề được hỏi ý kiến. Nhưng không chỉ riêng tôi. Hàng xóm, bạn bè, người quen, đồng nghiệp, tất cả đều như vậy. Nhân dân CHLB Đức chưa bao giờ được trưng cầu ý kiến về văn bản tối thượng mang tên Grundgesetz (Luật Cơ bản) của mình.
Nó được soạn thảo bởi 65 vị trong Parlamentarischer Rat (Hội đồng Nghị viện), dưới sự ủy nhiệm và kèm cặp của chính quyền quân quản Anh, Pháp và Mỹ sau Thế chiến II. Sau khi được thông qua với 53 phiếu thuận và 12 phiếu chống trong Hội đồng Nghị viện, nó được trình cho ba chính quyền Đồng minh nêu trên xét duyệt. Sau khi được các Thống đốc Quân sự Anh, Pháp, Mỹ chấp nhận, nó được gửi đến các nghị viện tiểu bang để phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, ngày 23-5-1949 nó được Hội đồng Nghị viện chính thức tuyên bố là văn bản lập quốc. Nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức cũ) ra đời với bản Hiến pháp ấy. Người dân – bốn năm trước còn sống trong Đế chế Quốc xã với Quốc trưởng Hitler – không trực tiếp, nếu không muốn nói là không tham dự vào quy trình lập hiến đó. Bản hiến pháp được coi là hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Đức ấy không do ý nguyện dân chủ từ dưới lên sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với áp đặt từ các thế lực ngoại bang.
Năm 1990, trong quy trình thống nhất nước Đức, nghị viện của các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ cũng phê chuẩn và gia nhập Hiến pháp này mà nhân dân Đức ở cả bên Đông lẫn bên Tây đều không được trực tiếp biểu quyết. Trong 64 năm từ khi ra đời, Hiến pháp Đức có 59 bổ sung, sửa đổi, lần cuối cùng vào giữa năm ngoái. Không một lần nào có trưng cầu ý dân [1]. Song điều đó không cản trở nước Đức, không lâu sau sự ngự trị của cả hai chế độ toàn trị kinh hoàng của thế kỉ 20 là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản trên lãnh thổ của mình, thành một trong những nền dân chủ trưởng thành và ổn định nhất trên thế giới.
Hiển nhiên mỗi quốc gia có con đường lập hiến của riêng mình. Trong cuộc thảo luận về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang diễn ra ở Việt Nam, một trong những tiêu chí được nhấn mạnh không chỉ ở giới cấp tiến là quyền lập hiến của người dân. Báo chí Việt Nam, cả chính mạch lẫn ngoài luồng, tràn ngập những lời đòi hỏi, xác nhận và xiển dương nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân và thuộc về nhân dân. Trên mặt chữ, chưa bao giờ nhân dân được kính trọng, được gửi gắm nhiều tin cậy, được phó thác nhiều quyền lực như thế. Nhiều đến mức không thể không nghi vấn. Trong thực tế, những khái niệm trừu tượng này được thực hiện qua những hình thức và cấp độ khác nhau của trưng cầu ý dân (referendum).
Song trong những điều kiện hiện có, tôi rất hoài nghi giá trị của một cuộc trưng cầu như thế tại Việt Nam. Thậm chí tôi còn cho rằng thay vì thực hiện chức năng thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa xã hội lên phía trước, nó có nhiều nguy cơ kéo giật lùi tiến trình ấy về phía sau. Một phát đạn ngược nòng. Điều này không liên quan gì đến lập luận nhảm nhí rằng dân trí chưa cao thì chưa thể thi hành dân chủ, bởi lẽ một cuộc trưng cầu ý dân tại Việt Nam, đặc biệt ở hình thức cao nhất là toàn dân phúc quyết hiến pháp, có thể là tất cả mọi thứ, chỉ trừ là một hành động thực thi dân chủ.
Ai nắm trong tay mọi phương tiện có thể khuynh loát vô giới hạn tất cả các khâu trọng yếu của một cuộc trưng cầu ý dân trong thời điểm hiện tại, từ chuẩn bị nội dung cần đưa ra trưng cầu, tổ chức thông tin và quảng bá, tổ chức và giám sát bỏ phiếu, tổ chức và giám sát kiểm phiếu, đến đánh giá, công bố và thực thi kết quả? Ai có thể điều khiển, nhồi sọ và lừa mị dư luận bằng bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình? Ai có thể đe dọa cử tri bằng guồng máy đàn áp khét tiếng của mình? Ai có thể mua những lá phiếu bằng đủ thứ hứa hẹn ban phát ưu đãi và thậm chí bằng đất tươi và tiền mặt? Ai có thể tùy tiện chế biến, diễn giải và sử dụng kết quả bỏ phiếu theo ý mình? Những người đưa ra kiến nghị trưng cầu ý dân đã không quên đòi hỏi đi kèm, rằng nó phải được “tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới“. Nhưng chỉ cần đặt tiếp một số câu hỏi đơn giản hơn – Báo giới nào? Người dân nào được chọn trên cơ sở tiêu chuẩn nào vào vai giám sát? Minh bạch theo đánh giá của ai?… – là có thể thấy rằng hiện tại, một cuộc trưng cầu đáp ứng được những đòi hỏi ấy là hoàn toàn bất khả thi.
Thêm vào đó, đa số dân chúng Việt Nam là những người đã có hơn một nửa thế kỉ để rèn luyện tinh thần cầu an và thụ động như những kĩ năng sống căn bản. Hai chục năm gần đây họ còn tích lũy thêm một kĩ năng đầy tinh thần thời đại khác: bàng quan với mọi vấn đề không trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của mình và gia đình. Họ cũng dễ bị tha hóa và đã bị tha hóa sâu sắc như chính những người cai trị họ. Tôi không có những con số cụ thể – tất nhiên, không ai có cả – nhưng theo cảm nhận riêng thì ước chừng 20% cử tri Việt Nam là những người từ trung thành đến trung thành tuyệt đối với chế độ hiện tại; 30% là những người có thể không ưa mặt này hay mặt khác của chế độ đó, ít hay nhiều có những bất mãn hoặc bất bình cục bộ, song hợp tác và gắn bó với chế độ về nhiều phương diện – kể cả phương diện sổ hưu. Vâng, vì sao không? – và không có nhu cầu thay thế nó bằng một chế độ nào khác mà họ chưa từng biết hay chỉ nghe nói loáng thoáng; 40% là những người không biết và không cần biết mình đang sống trong một thể chế nào, miễn sao cuộc sống thường nhật của mình được bảo đảm; 8% là những người mong muốn thay đổi thể chế chính trị bằng phép mầu từ lột xác của Đảng Cộng sản và liều thuốc thần tự cải cách của chế độ. Những người chủ trương thay thế toàn bộ hệ thống Đảng trị và công an trị hiện tại bằng mô hình dân chủ tự do phương Tây chiếm vỏn vẹn 2% còn lại – tức trên dưới 1 triệu người, tính một cách hào phóng, con số trong thực tế có thể khiêm tốn hơn rất nhiều.
Từ những hoàn cảnh ấy, không cần phải là một nhà tiên tri cũng có thể biết trước kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân tại Việt Nam. Không có gì dễ dàng và khôn ngoan hơn cho chính quyền Hà Nội, nếu nó cho diễn ngay lập tức một màn kịch như thế. Trong khói lửa của cuộc nội chiến, đầu năm ngoái Tổng thống Syria Assad đã thành công rực rỡ với nước cờ toàn dân phúc quyết hiến pháp, trong khi phe đối lập nỗ lực ngăn cản sự kiện này. Gần 90% cử tri tán thành bản hiến pháp mới, trong đó thậm chí nguyên tắc đa đảng được xác nhận. Nhà độc tài lại hoàn toàn chính danh. Trước đó, chính quyền không thể gọi là dân chủ ở Maroc cũng nhanh chân thoát khỏi áp lực của Mùa Xuân Ảrập bằng cách mở vài cái van phụ trong hiến pháp sửa đổi và có thể hài lòng với 98 % số phiếu thuận. Trưng cầu ý dân ở Ai Cập thì đem lại cho đất nước này một hiến pháp thần quyền, với nền tảng là Luật Hồi giáo Sharia, bất chấp sự cự tuyệt của chính các thẩm phán và các nhóm đối lập. Xa hơn một chút trong lịch sử, cuộc trưng cầu ý dân duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam năm 1955 phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống đã không tặng cho người dân miền Nam một thể chế dân chủ đáng mơ ước. Xa hơn chút nữa, cuộc biểu quyết của toàn dân (Volksabstimmung) năm 1934 tại Đức với gần 90% số phiếu thuận đã đặt một nhân vật lên bệ phóng, để đẩy cả lịch sử đất nước này lẫn lịch sử thế giới vào một chương cực kì đen tối: Adolf Hitler.
Bao nhiêu ý dân thì đủ đảm bảo một hiến pháp tốt đẹp?
Tôi không ủng hộ đề nghị tổ chức toàn dân phúc quyết hiến pháp tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.
Phạm Thị Hoài © 2013 pro&contra 
Anh Lê Thăng Long nếu có khùng?
Thời gian rồi, anh Lê Thăng Long làm xôn xao các diễn đàn bằng việc tuyên bố rút lui khỏi phong trào Con Đường Việt Nam - PT mà anh là một người sáng lập - và có đơn xin gia nhập Đảng CSVN. Nhiều người cho rằng anh bị khùng, người đa nghi hơn cho rằng “thuốc” đã đến lúc phát huy tác dụng, người cẩn thận hơn cho rằng anh “hoang tưởng”.
Tôi viết bài này, chia sẻ suy nghĩ của tôi, một người có ủng hộ phong trào CĐVN, có tiếp xúc với anh vài lần. Hy vọng rằng, trong bài viết này tôi giữ được sự công tâm, có cái nhìn đa chiều.
Là một người cổ xúy cho dân chủ, tôi tôn trọng quyền được lên tiếng của mọi người, dù xấu hay tốt, nói vô hay nói ra, khen hay chê. Tôi tôn trọng các ý kiến và làm việc trên các giả thuyết.
Đầu tiên, phải nói rằng những người lên tiếng như anh và tôi nhiều lúc rất mệt mỏi, không chỉ là chuyện sách nhiễu, tù đày, hành hung, đánh đập, tạm giam,… mà còn là từ gia đình, người thân. Mấy hôm nay, tôi thấm thía chuyện này. Mẹ tôi thì khóc lóc, kể lể. Tôi xuống Qui Nhơn làm CMND về muộn bà cũng lo, lên mạng truy cập thông tin bà cũng ngăn. Đến giờ ăn cơm hay cả nhà xem tivi, tôi cũng bị “dàn đồng ca”. Má tôi nhiều lần muốn nhốt tôi vô buồng (một phòng nhỏ trong kiến trúc nhà ở quê, nơi để lúa gạo, vật quý,..), bà muốn chăm tôi như đứa trẻ lên ba. Bà nói nửa đùa, nửa thật “con cứng đầu quá, làm vậy má mới an tâm”. Anh em ruột cũng ngán tôi, sợ tôi vô nhà, công an lại đụng đến. Đứa em trai mà tôi ở nhờ phòng trọ, sau khi rắc rối, chủ nhà cũng đuổi đi. Nó cũng mệt mỏi phần vì đi tìm phòng, phần vì nó cũng bị chứng máu khó đông, đi lại cũng khó khăn như tôi.
Phần ba má đẻ, gia đình đã vậy; bên vợ, ba má vợ tôi cũng bị “huyết áp và yếu tim”. Tôi thật sự thấy có lỗi, rất nặng nề với các bậc sinh thành.
Rồi vợ tôi, một cô gái phố cổ Hội An, chân yếu tay mềm, vì thương tôi mà chấp nhận ưng tôi rồi bị cuốn vào công việc. Cô ấy hết bị đe dọa hành hung ở nhà, lại bị làm “ầm ĩ” ở trường (trong vụ xe hàng). Tôi thấu hiểu áp lực, nỗi khổ của cô ấy chịu đựng nhưng nhiều lúc vì không nghe lời tôi dặn nên tôi cũng nổi nóng. Sống trong tâm trạng vừa thương vừa tức giận; vừa muốn nghe lời ba má, làm con có hiếu; vừa muốn sống như con người tự do, làm điều mình cho là đúng, làm tôi nhiều lúc thấy bức bối, “khùng khí”. Một cảm giác thật kinh khủng.
Tôi nghĩ anh Long trải qua cảm giác “ác liệt, khủng khiếp” hơn thế nhiều lần. Khi anh đi tù, con anh đứa rất nhỏ, đứa nằm nôi. Tôi chưa có con nên chưa có cảm giác nhung nhớ, thương con. Rồi gia đình anh bao nhiêu người là “đảng viên gộc”. Bố mẹ tôi, dòng họ tôi chỉ là lương dân, không chút gì tình cảm với đảng, không ăn một “giọt lộc” nào của đảng, chỉ vì lo lắng cho tôi thôi mà tôi đã thấy sự quyết liệt, huống chi là anh (theo tôi thấy ba má, gia đình anh Long rất thành công, hưởng nhiều “lộc” của chế độ)? Anh hẳn sẽ bị sức ép gia đình ghê gớm lắm.
Khi anh đi tù, anh là một doanh nhân thành đạt, nắm tiền tỷ trong tay, đi tù là mất tất cả. Tôi thấy nhiều người mất vài triệu bạc đã tiếc đứt tóc, đứt ruột; thậm chí là khóc lăn lộn (cảnh quê tôi). Mất từng đó của tiền, hẳn không phải là chuyện thường?
Tổng hợp những gì anh đã trải qua, anh có “khùng” thật, cũng là điều có thể.
Là một người quan tâm đến chính trị, tôi thường đọc những chuyện hậu cung ở các nước độc tài như Liên Xô, Trung Quốc,…thấy nhiều câu chuyện người ta đầu độc, tiêu diệt đối thủ chính trị, tù nhân chính trị bằng thuốc độc, thuốc gây mất trí nhớ, thuốc gây điên mà rùng mình. Ai dám chắc điều này không xảy ra ở xứ ta? Giữa thanh thiên bạch nhật, người ta còn mượn tay côn đồ đánh người máu me đầy mặt, chấn thương sọ não thì trong thế giới âm u nhà tù, ai mà biết được điều gì? Khi người ta biết rằng, một tay có thể che bầu trời thì không gì là không dám làm!?!
Nếu anh bị nạn (đầu độc), anh là người rất đáng thương, một con người dù có khùng cũng đáng để nghiêng mình. Người khùng mà lòng còn canh cánh với nước non, với dân tộc thì cũng đáng yêu lắm.
Trên đây là suy luận theo giả thiết anh khùng thật như ai đó nói về anh, còn đây là cảm nhận của tôi. Khi có dịp vô Sài Gòn, tôi thường ghé đến thăm anh, thậm chí là có lần ngủ lại nhà anh. Cảm nhận của tôi về anh: anh là người hết sức bình thường, giàu tình cảm, rất thương yêu gia đình, con cái, có trách nhiệm với công việc, bạn bè. Có lần anh nói với tôi: “nếu anh không nhận tội, giờ anh vẫn còn ở tù, má anh đang bệnh thế này chắc anh không có cơ hội chăm sóc, báo hiếu. Có khi bà xanh cỏ, anh còn chưa ra,…”. Đó là lúc anh đang chăm sóc mẹ anh khi cụ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thời gian ngắn sau thì nghe má anh mất. Nghĩ về câu nói đó của anh, tôi rất ngậm ngùi.
Vì cùng cổ xúy cho phong trào CĐVN, chúng tôi cũng trao đổi với nhau về các vấn đề chính sự cùng quan tâm, tôi nhận thấy trong anh có sự chân thành, chung thủy với bạn bè cùng lý tưởng (tôi có cảm nhận anh là một người bạn chân thành, một “phụ tá” thân tín cho anh Trần Huỳnh Duy Thức). Không dám nhận xét về anh, nhưng nếu nói quan điểm thì tôi thấy anh có phần “ngây thơ chính trị”, kiểu tin rằng ĐCS là một đảng còn có nhiều con người tốt, có lý tưởng cao đẹp, có thể chuyển hóa để lãnh đạo đất nước (tôi nghĩ điều này có thể anh hấp thu tình cảm đảng của gia đình?). Anh thật tâm, chân thành muốn làm điều gì đó cho đất nước, nhưng có vẻ nôn nóng trong việc mong muốn giải quyết vấn đề. Anh hay nói với tôi “nếu không hóa giải được thì sẽ đổ máu, con người sẽ bắn giết nhau, cắt cổ nhau, thủ tiêu nhau,… rất kinh khủng (có lẽ anh nghe những chuyện giết nhau từ bố mẹ, ông bà hồi chiến tranh?).
Đọc các bài anh công bố gần đây, thấy nhiều điều “quái quái”, nhưng tôi tôn trọng anh, dù anh “ngây thơ chính trị”, chân thành quá mức hay “đang đánh võ say”,… Một danh nhân thế giới đã nói “chính trị là nghệ thuật của những điều có thể”. Ai mà biết được điều gì?
Khi anh công bố PT CĐVN, nhiều người công kích anh là chim muồi, là “con đường vô liêm sỉ”, nhưng tôi thì đăng ký ủng hộ, đơn giản là tôi đọc nội dung của nó. Phong trào CĐVN bàn đến vấn đề quyền con người (QCN), một vấn đề có vẻ mới mẻ, cần thiết cho cuộc sống. Cổ xúy cho QCN mà đi tù thì cũng đáng.
Qua câu chuyện về anh Lê Thăng Long và liên hệ bản thân, tôi suy ngẫm và rút ra kinh nghiệm “người có tấm lòng, lên tiếng cho lẽ phải, cho công lý rất là hiếm, họ bị nhiều áp lực khó khăn, thiệt hại. Họ có thể làm được hay không làm được, họ làm tiếp hay nghỉ, tiến lên hay rút lui,… ta cũng nên tôn trọng. Dù gì họ cũng đã có thành ý tốt. Dù có thất bại, “hoang tưởng”,… nếu không góp được hòn đá, viên sỏi trên con đường dân chủ thì ít ra họ cũng có lòng, hơn bao người xa lánh sự đời, tìm kiếm hạnh phúc, thành đạt trong lối sống ích kỷ”.
Thời đại dân chủ, ai cũng có quyền nói nhưng nói lời đau người khác cho sướng miệng thì mình cũng tổn thương uy tín! (Chưa xét đến hậu quả làm lòng người ly tán, kéo dài con đường đến đích dân chủ).
Tây Sơn 30/12/2013Nguyễn Văn Thạnh 
TS Alan Phan, chuyên gia kinh tế cho biết, gói 30.000 tỷ là một chiêu PR. Vấn đề lớn nhất của bất động sản hiện nay là vấn đề giá cả. Hoặc thu nhập người dân tăng hoặc giá bất động sản phải giảm nếu không tình trạng bất động sản đóng băng sẽ tiếp diễn trong năm 2014, 2015, 2016...
"Đóng băng" đến năm 2016?
PV: - Về mặt quản lý nhà nước, gói 30.000 tỷ được kỳ vọng như liều thuốc cứu bất động sản. Trong suốt quá trình triển khai, Bộ Xây dựng liên tục đưa ra các đề xuất nới điều kiện cho vay, mở rộng đối tượng vay, cho phép chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội... Tuy nhiên, thất bại của gói 30.000 tỷ đã nhìn thấy rõ.
Theo ông, những biện pháp giải cứu bất động sản năm qua đã thực chất chưa, đã xử lý được vấn đề của bất động sản Việt Nam chưa?
TS Alan Phan: - Theo tôi, gói 30.000 tỷ là một chiêu PR vì thực tình không ai muốn bỏ tiền ra như "muối bỏ biển" nhất là thời điểm đang phải ráo riết truy thu thuế, ngân sách đang thiếu hụt, rất nhiều thứ để chi, lại mang 30.000 tỷ đưa vào bất động sản chẳng đi đến đâu vì nợ xấu bất động sản đang đầy rẫy.
Thêm nữa, gói 30.000 tỷ là tin PR tác động tâm lý để người dân có nhu cầu mua nhà nên mọi cách họ làm sau đó để nới điều kiện cho vay với gói 30.000 tỷ cũng khó ai có thể tiếp cận được
Chẳng hạn nếu muốn giúp người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội sẽ dễ thôi, ai đủ khả năng, điều kiện cấp giấy, phiếu đi ra ngân hàng nhận tiền, số tiền nhiều ít tùy từng trường hợp cụ thể thì chỉ 3 ngày sẽ hết ngay 30.000 tỷ. Vấn đề muốn làm thì dễ, còn đây không ai muốn thực làm.
Khi kinh doanh họ biến thành doanh nghiệp chứ không còn là cơ quan kiểm soát. Họ tìm cách để các thành viên trong hiệp hội bán được hàng. Tôi thấy điều này không đáng ngạc nhiên khi mà nền kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường.
PV: - Xin ông cho biết, kịch bản cho thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào, bất động sản sẽ đổ vỡ rồi phục hồi hay phải chạm đáy rồi phục hồi dần?
Theo ông, biện pháp nào có thể giải cứu thị trường bất động sản sắp tới? Nhà đầu tư có nên kỳ vọng vào thị trường bất động sản năm 2014?
TS Alan Phan: - Vấn đề bất động sản ở Việt Nam không phải là vấn đề nhu cầu vì nhu cầu rất lớn, cũng không phải là vấn đề người dân không có tiền, tiền của dân rất nhiều dù bất cứ phân khúc nào.
Vấn đề của bất động sản là vấn đề giá cả. Giá thị trường còn cao vì các công ty địa ốc luôn nói giá như vậy là sát lắm rồi, không thể bán dưới giá vì sẽ lỗ. Nhưng nếu lỗ thì ai bắt ông làm nên vấn đề lỗ lãi là vấn đề của doanh nghiệp, giá thị trường là giá thị trường người dân thấy đúng giá họ sẽ mua, không đúng giá họ sẽ chê.
Những người sản xuất bất động sản họ nhất định không xuống giá trong khi thu nhập của người dân giỏi lắm chỉ tăng khoảng 10% trong vòng vài năm tới thì giá bất động sản cũng còn xa cách như vậy thì thị trường không có gì thay đổi. Thị trường không lên không xuống mà sẽ đi ngang.
Sẽ không có bất kỳ sự chuyển động nào của thị trường bất động sản đến khi 1 trong 2 điều thu nhập của người dân tăng hoặc giá bất động sản phải giảm xảy ra. Không cần giải pháp của nhà nước hay bất kỳ ai, vấn đề là để thị trường lo liệu.
Nếu không có gì thay đổi về giá cả thì tình trạng bất động sản sẽ đóng băng cho đến năm 2014, 2015, 2016... Nếu doanh nghiệp muốn bán phải giảm giá, bán tống, bán tháo sẽ có người mua ngay.
Lợi ích đằng sau những dự báo thị trường
PV: - Thời gian vừa qua, nhiều công ty nghiên cứu thị trường đưa ra những dự báo thị trường sai, có lợi cho doanh nghiệp mình. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này? Liệu có sự làm ngơ để cứu vãn bất động sản bằng mọi giá trong trường hợp này không, thưa ông?
TS Alan Phan: - Điều này xảy ra trên khắp thế giới, doanh nghiệp bỏ tiền ra để thu lợi nên bất cứ chiêu PR nào cũng đều có mục đích đằng sau có khi là mục đích dài hạn có khi là mục đích ngắn hạn, có khi họ cải trang là nghiên cứu thị trường nhưng thực chất trong nền kinh tế thị trường cần phải có lợi nhuận và đều phải có mục tiêu để gia tăng lợi cho doanh nghiệp.

Vấn đề lớn nhất của bất động sản hiện nay là vấn đề giá cả, tình trạng bất động sản đóng băng có thể tiếp diễn đến năm 2016. Ảnh: Nguyên Thảo
PV: - Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, chưa có dự án nhà ở nào giảm giá trên địa bàn Hà Nội, thông tin giảm giá chỉ có trên các báo cáo. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phản pháo Chủ tịch Hà Nội, tiếp tục khẳng định các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, nhiều dự án giảm 50% về mức giá của năm 2006. Ông bình luận như thế nào về 2 ý kiến trái chiều trên?
TS Alan Phan: - Tất cả những số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị bóp méo theo lợi ích nào đó khó có thể kiểm chứng được vì mỗi bên đều muốn che giấu con số chính xác để không ai tìm ra.
Thứ hai, bất cứ ai khi tuyên bố điều gì đều phải xem lại mục đích đằng sau của mỗi tuyên bố. Tôi không quan tâm ai nói thế này, ai nói thế kia nhưng những người đó họ chắc chắn sẽ có những mối lợi khi nói những điều này.
Ở Mỹ hay các quốc gia khác đều có những công ty hay cơ quan độc lập không thuộc về chính phủ hay những công ty địa ốc kể cả là người tiêu dùng, họ lấy dữ liệu từ 4-5 nơi khác nhau như từ ngân hàng, từ báo cáo mua bán... và tổng hợp lại, những cái phi lý sẽ được bỏ đi.
Không lệ thuộc vào ai thì mới tin được còn anh vừa bán hàng vừa nói thì ai tin được?
PV: - Có ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng đã lạc quan khi đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, ông có đồng tình với quan điểm này hay không?
TS Alan Phan: - Ở Mỹ, châu Âu họ không hề có Bộ Xây dựng vì có những luật lệ về hành chính, tài chính ví dụ hành chính ở thành phố, chính quyền thành phố phải lo, người kiểm soát thanh tra bảo đảm xây dựng theo đúng luật, họ chỉ có mục tiêu áp dụng luật. Chính quyền không dính dáng đến việc kinh doanh xây dựng còn ở Việt Nam Hiệp hội địa ốc, xây dựng đều có Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch, Phó chủ tịch tức là bằng hình thức nào đó liên quan rất mật thiết đến doanh nghiệp.
Đừng làm nghèo đất nước!
Nhiều nhà khoa học đã “lên ruột” khi tham gia phản biện hoặc được mời có ý kiến về một số dự án lớn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gần đây. Thời sự nhất có lẽ là dự án cầu - đường ô tô Tân Vũ vượt biển phục vụ kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (TP Hải Phòng).
Trong khi Công ty TNHH Sơn Trường (một công ty tư nhân ở Hải Phòng) đề xuất phương án thi công dự án này với chỉ 1.000 tỉ đồng thì Bộ GTVT dự toán cao hơn nhiều lần. Dù ông Tạ Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, cam kết “nếu chi phí cao hơn 1.000 tỉ đồng, chúng tôi xin tự chịu số phát sinh đó”, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm “đề xuất của Công ty Sơn Trường là không khả thi”!
Vụ việc chưa ngã ngũ song hầu hết các nhà khoa học tâm huyết đều ủng hộ phương án của Công ty Sơn Trường bởi có lợi cho đất nước, chính công ty lại cam kết sẽ rút ngắn thời gian thi công còn 15 tháng thay vì 35 tháng như tính toán của Bộ GTVT. Tuy nhiên, những người trong cuộc cho biết đã có những chỉ dấu cho thấy mọi chuyện đã an bài theo sự sắp đặt của Bộ GTVT.
Từ đây, một lần nữa dấy lên mối lo về lãng phí trong đầu tư công, nhất là ở lĩnh vực GTVT, thể hiện qua nhiều siêu dự án gần đây. Đó là dự án “đường cao tốc tâm linh” Mỹ Đình - Bái Đính với vốn dự kiến 4.300 tỉ đồng do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, dài 91,5 km từ huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đến huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được cho là phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội (!). Chẳng rõ nhu cầu tâm linh quan trọng đến mức nào mà ngân sách phải chi khoản tiền lớn đến như vậy để xây đường cao tốc phục vụ hành hương, trong khi vẫn còn đó nhiều tuyến đường sử dụng không hết công năng và đều hướng về tỉnh Ninh Bình, như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc - Nam (đang thi công từng bước). Ngoài ra, tuyến Mai Dịch - Linh Đàm - Pháp Vân nối liền với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và từ Cầu Giẽ cũng có đường cao tốc đi Ninh Bình.
Vậy thì người ta quyết xây “đường cao tốc tâm linh” vì cớ gì?
Dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng vậy. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất còn khoảng 158 ha đất, có thể mở rộng để tăng công năng sử dụng thì Bộ GTVT dự tính dùng diện tích đất này để xây sân golf và vay nước ngoài 8 tỉ USD để xây sân bay Long Thành! Hiệu quả của dự án (nếu được triển khai) phải chờ 30-40 năm nữa mới biết, còn sự lãng phí thì có thể thấy ngay bởi cả nước hiện đã có hơn 155 sân golf, nay mở thêm làm gì nữa! Và vay đến 8 tỉ USD để phải lo trả nợ triền miên trong khi tại nhiều nơi trẻ em còn thiếu trường học, bệnh nhân không có chỗ nằm, doanh nghiệp cạn vốn sản xuất - kinh doanh, người nghèo hầu như đã kiệt sức... thì có nên?
Kinh tế đang khó khăn. Những dự án kiểu như trên không giúp đất nước giàu lên mà có thể làm nghèo thêm. Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng song tình trạng lãng phí trong đầu tư công vẫn nhức nhối. Dự án Luật Đầu tư công được bàn tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII có đề cập: “Người đứng đầu các cấp có thẩm quyền, nếu phê duyệt chủ trương đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn của nhà nước trong đầu tư công sẽ bị kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Những mong với chế tài như vậy, đồng tiền của dân sẽ được sử dụng hết sức cân nhắc, có trách nhiệm. Bằng không, các thế hệ con cháu sau này sẽ mãi còng lưng trả nợ!
 Dương Quang
“Thủ trưởng” cưỡng dâm
Chỉ trong vòng một tuần lễ, báo chí Việt Nam bỗng nhiên bán chạy như tôm tươi, đặc biệt là tờ nào có loan nơi trang nhất vụ kiều nữ Hải Dương cưỡng dâm tài xế taxi của các hãng Mai Linh, Hoàng Hải, Hoàng Minh... Bài báo đầu tiên đưa tin này là tờ Người Đưa Tin của Hội Luật gia Việt Nam, có văn phòng tại Hà Nội và bài viết này của tác giả Diệu Nam. Bài báo viết:
“Tại bãi đỗ xe của hãng Mai Linh trước cửa Bệnh Viện đa khoa tỉnh Hải Dương, tài xế X chia sẻ: “Ban đầu, thủ đoạn của N hết sức đơn giản. Khi tài xế lái xe đến đón, N thường yêu cầu đánh xe vào trong sân của biệt thự. Sau đó yêu cầu tài xế lên phòng ngủ xách hàng loạt đồ nặng từ phòng ngủ của ả từ tầng 3 xuống. Lúc đó ả đã ra khóa cửa và cho thuốc kích dục vào nước mời tài xế. Xách quá nhiều đồ, mệt, nên hầu như tài xế nào cũng uống vài ngụm nước. Sau những câu chuyện tếu táo, thuốc kích dục trong nước ngấm, tài xế đờ đẫn, kiều nữ này bắt đầu thỏa mãn dục vọng của mình”.
Như để chứng minh là câu chuyện có thật, Diệu Nam đưa ra một nhân vật có tên là D với các chi tiết như sau:
“Sáng sớm, ả kiều N gọi cho D vào đón, nhưng đã vào chẳng có đường ra. Sau 2 ngày bị N lạm dục, D lê lết bò ra cửa kêu cứu. Do nhà rộng, cửa đóng kín, chẳng ai nghe tiếng D. Phải gắng hết sức D mới bấm được số của quản lý cầu cứu. Khi quản lý đến, D như kẻ mất hồn, thều thào: "Cứu em với, em chết mất, nó bắt em quan hệ hơn 30 lần rồi".
Vấn đề đặt ra: Tuy tờ báo chụp tấm ảnh căn nhà của người bị tố cáo là dâm nữ tên Ngọc (hay nạn nhân) tuy nhiên bài báo không chứng minh được tài xế tên gì, chạy cho hãng nào, thời gian cụ thể bị cưỡng dâm và nhất là anh ta có báo cáo vụ việc cho công an hay không nếu sức khỏe bị suy kiệt như “nạn nhân” D như mô tả.
Hậu quả nhãn tiền: Căn nhà trong tấm hình đã được nhận dạng là của bà Phạm Thị Thanh N. (mà bài báo của Diệu Nam viết là Ngọc) một Việt kiều Mỹ, chủ căn nhà trong ảnh mà bài báo đăng tải. Bà Thanh N đã gọi cho hãng tin VTC sau khi đọc được bài này và cho biết bà đã sang Mỹ được 14 năm, có chồng và hai con, hiện sống tại Texas. Bà N khẳng định không hề có bất cứ một tài xế taxi nào bị cưỡng dâm như vậy cả. Bà nói sẽ về Việt Nam và làm cho rõ chuyện này và có thể sẽ khởi tố tờ báo về tội mạ lỵ công dân.
Câu chuyện chưa ngã ngũ nhưng người ta có thể nhìn thấy những yếu tố lá cải quá lớn trong bài báo của Người Đưa Tin. Kích động dục tính qua câu chuyện không khác mấy với những mẩu chuyện dâm thư đầy dẫy trên mạng Internet. Nhưng khác với Internet, vốn khó truy được người viết hay post lên mạng, nếu được cũng mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng đối với một tờ báo, dù là của nhà nước hay một hội lớn như Hội luật gia Việt Nam thì cơ quan chủ quản không còn đường thoát, ngoại trừ con đường hối lộ để chạy tội.
Qua câu chuyện này người đọc báo có quán tính bầy đàn sẽ rung đùi thích chí. Người đứng đắn sẽ lắc đầu ngao ngán, người ưu tư cho văn hóa Việt sẽ tuyệt vọng vì một nền báo chí đã bị tinh trùng và nội y bao phủ.
Còn người trong nghề thì sao?
Họ sẽ theo gương nhà báo cung đình Xuân Ba viết bài phóng sự chuyến viêng thăm các nhân vật đỉnh cao của Việt Nam trên tờ Tiền Phong để tránh mang tiếng là lá cải chăng?
Nếu Người Đưa Tin giật tít: “Hoang mang kiều nữ có sở thích... cưỡng hiếp lái xe taxi” đang dậy sóng dư luận thì một bài khác của Xuân Ba trên tờ Tiền Phong lại có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn với cách viết rất kinh điển của một nhà báo có kinh nghiệm viết cho cung đình nhiều chục năm qua.
Vấn đề đặt ra là cái tít: Thủ tướng Hun Sen thăm “thủ trưởng” cũ Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh. Hai chữ thủ trưởng được báo Tiền Phong cẩn thận đặt trong ngoặc kép.
Nhưng dù bị đặt bên trong ngoặc kép như vậy hai chữ này cũng “bức xúc” tung ngoặc chạy ra. Vừa chạy vừa la to: “Ối làng nước ơi Việt Nam sỉ nhục Thủ tướng Hun Sen của Campuchia”!
Bài viết của Xuân Ba khó thể được gọi là một bài báo. Nó là một bài “tán” đúng nghĩa khi mặc dù được nằm nơi trang nhất của tờ báo, thay vì viết theo thể phóng sự của báo chí tác giả đã sử dụng những câu văn mà khi đọc lên người đàng hoàng không thể không nhăn mặt.
Với một lô một lốc những gì ông Hun Sen được đào tạo, giúp đỡ từ Việt Nam để leo lên ghế thủ tướng, nhà báo Xuân Ba đã giúp cho nhân dân Campuchia vốn đang biểu tình chống ông vì đã cầm quyền quá lâu, quá lệ thuộc vào Việt Nam và nhất là đã thỏa thuận cho Việt Nam lấn chiếm biên giới ở các tỉnh Tây Nam biết thêm những gì mà có thể họ còn lờ mờ vê ông Thủ tướng thân “duồn” nầy.
Là nhà báo nhưng ông Xuân Ba không ý thức được sự cao đạo, khiêu khích thậm chí khinh bỉ khi dùng từ “thủ trưởng” để nói về một thủ tướng đương nhiệm của nước bạn.
Cái sự nhơn nhơn vô ý thức đó của ông đã di truyền từ hệ thống mà ông là cây viết
cốt lõi của nó. Ông có thể biết nhưng bất cần. Ông cần hai ông Phiêu và Anh hơn vì hai ông này sẽ vỗ đầu ông mà kêu lên “ngoan đấy” nhưng ông Hun Sen thì không thể ban cho ông chút lợi lộc nào.

Bài báo của ông Xuân Ba toát lên một sự thật: Việt Nam luôn coi Campuchia là nước chịu ơn vì lãnh đạo của nó thừa nhận và hành động công khai như vậy. Tuy nhiên là báo chí, tờ Tiền Phong không thể giật một cái tít có thể gây chiến tranh và chí ít có thể gây bạo loạn trong đất nước Campuchia.
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy của Campuchia đã bỏ bao nhiêu tiền cho nhà báo Xuân Ba để ông này giật cái tít và viết một bài báo sặc mùi quỳ gối của Hun Sen như thế?
Báo chí là khuôn mặt văn hóa một quốc gia nên khi đọc bài của tờ Người Đưa Tin người ta thấy Việt Nam khó thoát ra khỏi căn nhà thổ mang cái tên rất mỹ miều: thuần phong mỹ tục.

Báo chí là khuôn mặt chính trị của một quốc gia nên qua bài báo của Tiền Phong khuôn mặt chính trị ấy đã lộ ra sự lỗ mảng khó tha thứ. Khi đặt một nguyên thủ quốc gia nước bạn trong vai trò một “anh lính” dưới quyền thì nó không còn là khiếm khuyết nữa. Nó đại diện cho một thứ quyền uy mà nhiều người, cũ cũng như mới, trong Bộ chính trị thèm khát: Thủ trưởng của chư hầu.Cánh Cò
Về khuynh hướng Dân chủ Xã hội cho Việt Nam
Lời kêu gọi thành lập một đảng mới của Luật sư Lê Hiếu Đằng đang dấy lên những tranh luận về độc đảng và đa đảng, về phương cách và khuynh hướng đấu tranh chính trị, về hiện tình và tương lai đất nước... Bài viết này mong làm rõ hơn con đường xã hội dân chủ để xem con đường này có thích hợp với Việt Nam hay không?
Khuynh hướng Dân Chủ Xã Hội Ông Đằng cho rằng con đường xã hội dân chủ như đường lối của Đệ Nhị Quốc tế và dựa trên chủ nghĩa Marx, đó là điều thiếu chính xác.
Các đảng theo khuynh hướng dân chủ xã hội Âu Châu về tư tưởng và phương cách hoạt động chịu nhiều ảnh hưởng của Ferdinand Lassalle (1825-1864). Ông là người sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội Đức năm 1863 và là chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Theo ông nhà nước là tổ chức của mọi thành viên trong xã hội. Để xây dựng xã hội mới thay vì đấu tranh cách mạng lật đổ chế độ cũ, giai cấp công nhân phải tích cực cải cách xã hội cũ qua đấu tranh nghị trường, đấu tranh giành quyền bằng phương thức bầu cử tự do.
Ngay sau đó năm 1869, Đảng Dân chủ Xã hội Đức tham gia cuộc tranh cử tự do, với chủ trương không phân biệt nguồn gốc của cử tri, cấm trẻ em lao động và cổ vũ sự độc lập của tòa án.
Mãi trên 30 năm sau, đến năm 1889 Engels và một số người khác mới đứng ra thành lập Liên Minh Quốc Tế Các Đảng Xã Hội còn gọi là "Đệ Nhị Quốc tế". Liên minh này thu hút được một số đảng xã hội, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Nhưng vì không thống nhất về tư tưởng chiến lược và chia rẽ về phương cách đấu tranh Liên minh này phải giải tán năm 1914.
Chủ nghĩa Marx Theo Karl Marx lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp và nhà nước là công cụ nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Từ đó Marx chủ trương giai cấp công nhân phải đoàn kết lại và phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bộ máy nhà nước cũ, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản.
Tư tưởng Marx kết hợp với phương cách tổ chức Đảng Bolshevik của Vladimir Lenin đã dẫn đến cuộc vũ trang cướp chính quyền tại Nga vào tháng 10 năm 1917. Khi đó nhiều người tin rằng “cách mạng vô sản” sẽ nhanh chóng lan sang nước Đức và các quốc gia Âu châu, nhưng sự việc đã không bao giờ xẩy tới.
Năm 1919, Lenin phải cho thành lập Đệ Tam Quốc Tế nhằm “xuất cảng cách mạng vô sản”. Nhưng cũng không như Karl Marx tiên đoán, giai cấp công nhân chưa bao giờ đứng lên giành chính quyền. Một số quốc gia đã trở thành các quốc gia cộng sản lại do thế chiến thứ hai hay do các cuộc nội chiến xảy ra.
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Marx, một nhà nước chuyên chính và toàn trị đã xây dựng tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản: nhà tù, đàn áp, khủng bố, đói kém và chiến tranh. Cũng chỉ vì sai lầm đấu tranh giai cấp kiểu Marx Phong trào Cộng sản đã khiến hằng trăm triệu người thiệt mạng và hằng tỷ người bị ảnh hưởng thể xác hay tinh thần.
Mặt khác chủ nghĩa Marx là tước bỏ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là quyền tư hữu, nên hầu các nước theo cộng sản dân chúng đều sống trong nghèo đói, bất bình đẳng, bình quyền. Năm 1989 người dân các nước Liên Xô và Đông Âu đã phải đứng lên để giành lại chính quyền. Hiện chỉ còn vài quốc gia theo cộng sản và tất cả đều đang trong tình trạng khủng hoảng toàn diện.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 150 năm thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức, ngày 23-5-2013 vừa qua, Tổng Thống Đức Joachim Gauck đã nêu rõ sự khác biệt giữa khuynh hướng dân chủ xã hội và Phong Trào Quốc Tế Cộng sản. Ông Gauck nhận xét “Những đảng viên Dân chủ Xã hội đã giữ vững lý tưởng tự do, công bằng, đoàn kết và quyết tâm chống lại những ai đi ngược với tự do và cổ võ chiến tranh.”
Rồi ông so sánh: “Phong trào Cộng sản Thế giới đã quyết định khác và tất yếu đã dẫn tới những hậu quả khốc hại. Nó tạo ra một giai cấp mới của những người cai trị để thay thế giai cấp cũ nay không còn quyền lực. Ở đó những người lao động uổng công chờ đợi tự do, công bằng xã hội và hạnh phúc!”.
Con Đường Xã Hội Dân Chủ Khởi Đầu Bằng Tự Do Tự do và bình đẳng là hai mục tiêu mà nhân loại luôn muốn đạt đến. Nhưng tự do đến một mức độ lại tiêu diệt bình đẳng của các cá nhân các nhóm khác trong xã hội.
Ngược lại mọi thành viên xã hội nếu ai cũng như ai, sẽ mất đi động năng khích lệ phát triển xã hội, thăng tiến xã hội sẽ bị chậm lại thậm chí bị kéo lùi.
Dân chủ vừa là mục tiêu, lại vừa là phương tiện để cân bằng giữa tự do và bình đẳng.
Từ đó các xã hội dân chủ phát sinh hai khuynh hướng chính trị: tự do và xã hội. Những người theo khuynh hướng xã hội cổ vũ và đấu tranh cho sự bình đẳng: bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền lợi chính trị, kinh tế, giáo dục và xã hội, bình đẳng về nhân phẩm và giới tính.
Các đảng dân chủ xã hội sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị để tranh luận và tìm sự ủng hộ cho chiến lược và chính sách từng thời điểm. Họ đấu tranh không theo chủ thuyết, không dựa vào ý thức hệ, mà hướng đến phục vụ con người, hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, sự tái phân phối lợi ích quốc gia tạo công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.
Các đảng thắng cử sẽ có cơ hội để thực hiện các chính sách thính hợp với hoàn cảnh đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ đó xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.
Trong khi ấy chủ nghĩa Marx chỉ là những lý thuyết không tưởng, không thể làm căn bản để đề ra các chiến lược, các chính sách có thể thuyết phục được cử tri nên trên thực tế không một đảng chính trị nào sử dụng nó trong cuộc đấu tranh nghị trường.
Bạn Bè Quốc Tế Xã hội Chủ nghĩa Từ ý thức nói bên trên ông Đằng nhận định rằng theo con đường xã hội dân chủ là chỗ dựa vững chắc ở bạn bè quốc tế. Thực ra các quan hệ quốc tế không đơn giản như thế.
Rõ nhất là Tổ Chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (Socialist International) gồm 143 các đảng chính trị theo khuynh hướng xã hội thuộc 140 quốc gia trên thế giới, không có sự hiện diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tại Âu châu, các chính phủ Âu Châu hầu hết do các đảng xã hội trực tiếp cầm quyền, nhưng đa số lại không ngừng lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Thụy Điển còn công khai ý định đóng cửa Tòa Đại Sứ tại Hà Nội.
Tháng 7 vừa qua Ngoại trưởng Lao Động Úc Bob Carr công khai yêu cầu giới chức cộng sản phải trả tự do cho ba người hoạt động công đoàn, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Ngoại trưởng Bob Car cho biết: “Chúng tôi đặt nặng tầm quan trọng cho việc bảo vệ quyền tự do lập hội và tự do thành lập công đoàn”.
Điều mà các đảng xã hội và chính phủ các quốc gia dân chủ mong muốn là Việt Nam có tự do, có dân chủ, có đa đảng chính trị thực sự. Sẽ không ai chấp nhận ý kiến của ông Đằng thành lập một đảng với mục tiêu góp ý cho đảng cầm quyền được hoàn thiện hơn.
Hai Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội Việt Nam. Như đã trình bày bên trên những người đấu tranh cho tự do chính trị và bình đẳng xã hội đều có thể xem như những người theo khuynh hướng xã hội. Lịch sử phát triển chính trị tại Việt Nam đang được viết lại.
Gần đây ông Hà Sĩ Phu và một số người khác cho rằng Cụ Phan Chu Trinh là người đầu tiên mang khuynh hướng dân chủ xã hội vào Việt Nam. Nhưng theo tôi khuynh hướng này có thể trước đó đã được những người Âu Châu trực tiếp giới thiệu vào tầng lớp trí thức tại Việt Nam.
Chúng ta biết đến tên Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội nhưng các tài liệu về 2 đảng này quả thật hiếm hoi. Theo Bản “Báo cáo về công tác mặt trận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (25 – 30-1-1953)” thì hai đảng do Đảng Cộng sản “xây dựng”.
Trước năm 1952, riêng tại Liên khu 5 Đảng Xã hội đã có hơn 3.000 đảng viên và đa số là những người trí thức. Đảng Dân chủ có cơ sở khắp nơi, số lượng đảng viên lúc cao nhất là gần 3 vạn, đa số là nông dân hay tiểu thương. Nhưng vì thiếu kiểm soát nên Đảng Cộng sản không thực hiện ý định đã đề ra. Để sửa soạn tiến hành Cải cách Ruộng đất và để có thể trấn an các tầng lớp trí thức, nông dân và tiểu thương, bản Báo Cáo cho biết hai đảng cần được tổ chức lại.
Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đảng viên của hai đảng nói trên chịu chung một số phận với đồng bào miền Bắc nên gần như tan rã, và đã thực sự bị Đảng Cộng sản giải tán năm 1986. Ôn lại lịch sử để rút ra bài học: một đảng chính trị mới muốn vững chắc cần có tư tưởng chỉ đạo, có mục tiêu và mục đích rõ ràng, và phải độc lập với Đảng Cộng sản.
Trong khi ấy Luật sư Lê Hiếu Đằng cho biết ý định muốn nhập chung tên của 2 Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội thành tên của đảng mới nên suy nghĩ của ông khó có thể thuyết phục được những người muốn thực sự dân chủ hóa nền chính trị tại Việt Nam.
Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng. Trong đấu tranh giành độc lập, chỉ từ 1939 đến 1945, Phật Giáo Hòa Hảo một tôn giáo lấy dân tộc làm nền tảng đã thu hút được hằng triệu tín đồ. Trong khi đó Đảng Cộng Sản với chủ nghĩa quốc tế ngoại lai chỉ có được chưa đến 5.000 đảng viên. Điều này nói lên phần nào sự thực: thế hệ ông cha chúng ta đã không chọn con đường xã hội cộng sản.
Do hoàn cảnh đất nước, may ra chúng ta chỉ biết đến Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ đã sáng Phật Giáo Hòa Hảo, ít người biết Đức Thầy còn sáng lập Đảng Dân chủ Xã hội một đảng thuần khiết chọn con đường xã hội dân chủ.
Ngày 16-8-2013 vừa qua, Cụ Lê Quang Liêm đã chính thức lên tiếng: Đảng Dân chủ Xã hội hay Dân Xã Đảng là 1 chính đảng theo khuynh hướng dân chủ xã hội và đã Đức Huỳnh Phú Sổ chính thức công bố thành lập ngày 21/9/1946.
Theo Tuyên Ngôn: “Việt Nam Dân Xã đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân chủ: chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân. Đã chủ trương Toàn Dân Chánh Trị thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào. Việt Nam Dân Xã Đảng là một đảng cách mạng xã hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: không để giai cấp mạnh cướp công quả của giai cấp yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình; những người tàn tật yếu đuối thì được nuôi dưỡng đầy đủ.”
Tư tưởng toàn dân chính trị là tư tưởng chỉ đạo của Dân Xã Đảng: dân chủ tuyệt đối, dân chủ hạ tầng, dân chủ phân quyền, mọi người đều có quyền tham gia chính trị một cách bình đẳng. Thực tế cho thấy quốc gia nào càng dân chủ, đất nước càng phát triển và người dân càng bình đẳng bình quyền.
Đức Huỳnh Phú Sổ nói rõ mục đích thành lập đảng để tạo môi trường cho “tất cả anh em tín đồ, nếu thấy mình còn nặng nợ với Non Sông, Tổ Quốc, thương nước thương dân, hãy tham gia đảng mà tranh đấu.” và mục tiêu là để thiết lập một nước Việt Nam “Công bình và nhơn đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ tiền tiến trên hoàn cầu”.
Dân Xã Đảng hiện vẫn công khai hoạt động tại hải ngoại và trong nước Đảng vẫn âm thầm sinh hoạt. Cụ Lê Quang Liêm là người được Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ chính thức giao trọng trách về Dân Xã Đảng.
Tạm Kết Tóm lại, khuynh hướng của ông Lê Hiếu Đằng chưa phải là khuynh hướng của người dân chủ xã hội. Có chăng chỉ là khuynh hướng của những người đang muốn từ bỏ tư tưởng cộng sản để từ bỏ Đảng Cộng sản. Ông viết lời kêu gọi trên giường bệnh, có thể ngầm ám chỉ cơn bệnh của Đảng Cộng Sản, của chế độ cộng sản hay của cả dân tộc Việt Nam. Một dân tộc mà phân biệt đảng viên và người dân, phân biệt tầng lớp, phân biệt giàu nghèo, phân biệt nông thôn thành thị, phân biệt quốc nội hải ngoại ngày càng mở rộng.
Trở lại với con đường xã hội dân chủ tại Việt Nam, có người hỏi Đức Huỳnh Phú Sổ: “Tại sao đi đâu ông cũng ở nhà những người giàu có, chớ không thấy ở nhà kẻ nghèo hèn?” được Đức Huỳnh trả lời: “Nhà giàu như cái gò, nhà nghèo như cái hố. Tôi ở nhà giàu cũng là để ban cái gò xuống cho cái hố nhờ cậy”.
Câu trả lời nói trên không khác gì các chính sách chính trị toàn dân, chính sách lấy thuế người giàu chia cho người nghèo, chính sách phát triển thành thị thu hút nhân công từ nông thôn, chính sách hải ngoại đóng góp xây dựng quốc nội, chính sách nước giàu đóng góp cho nước nghèo... các chính sách để xây dựng một Việt Nam tự do dân chủ và một xã hội Việt Nam bình đẳng bình quyền.
29-8-2013
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nguyễn Quang Duy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét