Xây dựng nền dân chủ mới lấy con người làm trung tâm để phát triển
TRẦN NGỌC HIÊNThứ hai, 23 Tháng 12 2013 21:49
Lời Tòa Soạn: Xây dựng chiến lược phát triển đất nước là vấn đề quan trọng mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Và vấn đề cốt lõi trong xây dựng chiến lược phát triển là xây dựng triết lý phát triển cho đất nước. VHNA đã có buổi trao đổi với GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một chuyên gia về kinh tế chính trị về vấn đề trên.
PV:Phát triển là mục tiêu hướng tới của tất cả các cộng đồng, quốc gia – dân tộc. Mỗi thời đại có một điều kiện, một nhu cầu phát triển riêng của mình. Và trong mỗi thời đại thì các cộng đồng, các quốc gia dân tộc, các tổ chức, đảng phái chính trị lại có mục tiêu phát triển không đồng nhất với nhau. Và từ đó, các chủ thể có triết lý phát triển riêng của mình. Chúng tôi nghĩ Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Thưa giáo sư, quả thực thì Việt nam chúng ta cũng đã có các Cương lĩnh phát triển do Đảng Cộng Sản xác định qua các kỳ đại hội mỗi khi có sự thay đổi lớn về tình hình trong nước và quốc tế. Nhưng hình như, theo chúng tôi, chúng ta vẫn chưa có một triết lý phát triển. Theo giáo sư thì trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên chọn lựa, hay là xác định triết lý phát triển nào để phù hợp với tình hình đất nước và những biến chuyển của thời đại trong một cái nhìn toàn cầu?
GS Trần Ngọc Hiên (TNH):Triết lý phát triển là một vấn đề lớn, vấn đề cơ bản của chiến lược phát triển của một đất nước. Chúng ta đã mất gần 30 năm đổi mới để lần tìm con đường, tìm triết lý để phát triển đất nước. Và đến hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong công cuộc tìm kiếm triết lý phát triển đất nước.
Về mặt phương pháp luận, để xây dựng triết lý phát triển đất nước, cần xuất phát từ hai cơ sở nền tảng: thứ nhất là xu thế phát triển của thời đại và thứ hai là đặc điểm của đất nước ta. Từ đó để trả lời được câu hỏi quan trọng là phát triển vì ai?, Việt Nam đang ở đâu và Việt Nam sẽ đi đến đâu?
Về xu thế phát triển của thời đại:Nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường hiện đại. Đó là một nền kinh tế ở các nước tư bản với nhiều thành tựu to lớn trong tăng trưởng của cải. Mô hình này vận động trong mâu thuẫn và cũng là động lực giữa tính chất xã hội và tính chất tư nhân. Chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường phát triển dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ và lao động xã hội. Chủ nghĩa tư bản thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất trong đó các nhà tư bản đóng vai trò như một nhạc trưởng. Chủ nghĩa tư bản dựa vào khoa học và gắn liền nhu cầu phát triển kinh tế với lợi ích của chủ tư bản. Đó là động lực thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản cũng định hướng phát triển giáo dục theo nhu cầu của nền kinh tế để đào tạo nhân lực cho nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản cũng tổ chức quản lý tốt và ngày càng nâng cấp sao cho phù hợp với lực lượng sản xuất. Những điều này phù hợp với các quy luật mà Karx Marx đã trình bày trong bộ Tư bản.
Sự phát triển kinh tế quyết định tiến bộ xã hội từng bước nhưng hạn chế vì mục đích lợi nhuận tối đa. Trong đó cấu trúc và trình độ phát triển kinh tế sẽ quyết định cấu trúc xã hội, hình thành xã hội dân sự. Trình độ phát triển kinh tế, xã hội sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền văn hóa.
Nền chính trị thế giới cũng đang có nhiều biến đổi. Kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi thể chế chính trị phù hợp với nó là nhà nước pháp quyền tư sản. Trong nhà nước pháp quyền tư sản, pháp luật điều chỉnh các lợi ích kinh tế để khắc phục khủng hoảng.
Trong nền kinh tế công nghiệp, có hai vấn đề các nhà nước không giải quyết được là quan hệ con người với con người và quan hệ con người với tự nhiên. Trong khi sự phân hóa giàu nghèo ở các nước phát triển đang lên cao thì môi trường tự nhiên cũng đang bị tàn phá. Tuy nhiên, khi chuyển biến sang nền kinh tế tri thức, các nhà nước có nhiều khả năng để giải quyết hai vấn đề lớn này. Và thực tế, dù đảng chính trị nào đi nữa, nếu nắm được quy luật này và giải quyết được hai mối quan hệ cơ bản này thì sẽ thành công trong việc phát triển đất nước.
Về đặc điểm của đất nước ta: Chúng ta xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu với nền kinh tế tiểu nông. Điểm xuất phát này tạo ra các mặt tích cực và tiêu cực. Về tích cực, người dân Việt Nam có tinh thần yêu nước và sáng tạo, lại cần cù lao động, tính cố kết cộng đồng rất cao. Nếu những điểm mạnh này được phát huy trong quá trình xây dựng đất nước thì sẽ là một động lực lớn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khá nhiều những quan niệm tiểu nông, thấy lợi là làm. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lenin rất phê phán tính tiểu nông. Kinh tế thị trường hoang dã có phần thúc đẩy tính tiểu nông như trốn tránh lách luật chứ không tuân theo pháp luật, cùng với sự tổ chức yếu kém sẽ trở thành lực cản lớn cho quá trình phát triển.
Một sự thay đổi quan trọng nữa là xu hướng phát triển của khoa học. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có xu hướng liên kết với nhau hướng tới mục tiêu vì con người, nên quá trình phát triển phải coi trọng sự phát triển cá nhân, coi trọng trí tuệ của những con người thông minh, sáng tạo.
Triết lý phát triển của nước ta hiện nay là làm sao kết hợp được những thế mạnh của dân tộc với xu thế phát triển của thời đại. Chúng ta đang ở bước chuyển quan trọng từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Vậy nên Đảng Cộng sản cần tranh thủ và vận dụng được trí tuệ của giới trí thức tinh hoa nhằm tạo ra được những bước phát triển đột phá cho dân tộc.
Theo tôi nghĩ, triết lý phù hợp cho sự phát triển của đất nước ta hiện nay là đi theo con đường rút ngắn để tiến lên kịp thời đại. Muốn vậy, cần phải có một lực lượng lãnh đạo phải có trí tuệ, có tầm nhìn để nắm bắt được các thành tựu từ khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và tổ chức quản lý của nhân loại để đưa đất nước phát triển. Đồng thời, phải có nhân cách, có úy tín và phương pháp để tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện đường lối chính sách.
PV:Mục tiêu của sự phát triển của nước ta, dân tộc ta trong thời đại ngày nay cần đề cao những vấn đề, giá trị nào?
TNH:Có rất nhiều vấn đề, nhiều giá trị cần được chú ý trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, phải đặt con người lên cao nhất, phải tôn trọng sự phát triển cá nhân của mỗi con người. Trước đây, con người cá nhân không được biểu hiện, không được coi trọng. Mọi chuyện đều đưa vào danh nghĩa cộng đồng, chờ cộng đồng thông qua chứ không để cá nhân thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình. Vậy nên sinh ra chủ nghĩa hình thức, không coi trọng thực chất.
Phải kết hợp được giá trị dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của người dân để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, đưa đất nước đi lên theo kịp thời đại. Nhưng phải phân biệt rõ rằng giá trị dân tộc khác với chủ nghĩa dân tộc. Thời đại ngày nay đã chứng minh rằng chủ nghĩa dân tộc, dù dưới hình thức nào cũng sẽ thất bại. Giá trị dân tộc là giá trị văn hóa cốt lõi, giá trị về con người và sức mạnh truyền thống của dân tộc ta. Đó là động lực, là tiềm năng để phát triển dân tộc nếu được kết hợp và phát huy một cách phù hợp với xu thế thời đại.
Phải xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa như quan niệm của Hồ Chí Minh, tôn trọng con người cá nhân, lấy đó làm cơ sở để xây dựng nền dân chủ mới. Theo tôi hiểu, ở đây, nền dân chủ mới là thể chế dựa trên quan hệ nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước không độc quyền mà phải hài hòa lợi ích, dựa vào tổ chức xã hội và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phát triển đất nước, phát triển nền kinh tế hiệu quả.
PV: Căn cứ vào các đòi hỏi khách quan, sự phát triển hiện nay của nước ta cần đáp ứng những yêu cầu gì?
TNH:Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa. Tiến hành cải cách giáo dục theo sát nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phải hướng mục tiêu đầu tiên của nền giáo dục là học để làm người có đạo đức, làm người có ích cho xã hội. Tiếp đó, từng bước xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Phát triển khoa học kỹ thuật phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, lấy đó làm thước đo và làm nhu cầu để xây dựng chiến lược phát triển khoa học. Đó cũng là điều kiện cốt lõi để xây dựng nền dân chủ mới - một nền dân chủ được xây dựng trên cơ sở sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội chứ không phải phụ thuộc vào ý muốn chủ quan.
PV: Phát triển ngày nay phải đảm bảo sự bền vững. Nhưng hình như lâu nay chúng ta nghiêng về sự bền vững của môi trường tự nhiên, sinh thái tự nhiên mà ít chú ý đến môi trường nhân văn, đến sự bền vững của xã hội, không gian sinh tồn và phát triển của các giá trị nhân văn?Chúng tôi cũng xin nói là ngay cả sự bền vững của môi trường tự nhiên thì chúng ta cũng chỉ là hô hào còn trên thực tế thì mấy chục năm qua chúng ta đã tàn phá môi trường tự nhiên dã man và tàn khốc chưa từng có trong lịch sử, kể cả trong chiến tranh chống Mỹ.
TNH:Tôi đồng tình và chia sẻ với nhận xét của các anh về sự tàn phá môi trường trong thời gia vừa qua ở nước ta là quá lớn.
Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, chúng ta đã nói nhiều về phát triển bền vững. Nhưng chỉ nói thôi chứ chưa hiểu rõ về phát triển bền vững, còn thực hiện thì lại càng chưa đến đâu cả. Thực tế cho thấy, không chỉ môi trường nhân văn, môi trường xã hội mà môi trường tự nhiên cũng chưa được quan tâm theo hướng phát triển bền vững. Để tăng thu nhập quốc dân, chúng ta vẫn tiếp tục đào bới, tàn phá tự nhiên để phát triển. Các dự án khai thác tài nguyên vẫn tiến hành mà không có cơ quan đánh giá, kiểm soát về mức độ tàn phá môi trường tự nhiên. Nói đúng ra, chúng ta đang phát triển bằng mọi giá và cái giá mà mai này phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ. Như vậy, chúng ta chưa đạt được một bước nào trong phát triển bền vững, từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu nhận thức về phát triển bền vững một cách khoa học. Khi thực hiện thì thiếu sự dân chủ, thiếu cơ chế kiểm soát, đánh giá việc thi hành các dự án phát triển kinh tế.
PV:Chúng tôi nghĩ là rất nhiều dự án lớn có tầm quốc gia đã thể hiện rõ ràng và sâu sắc nhận xét của giáo sư. Bauxite tây Nguyên là một ví dụ. Thủy điện tràn lan, bất chấp cũng là một ví dụ. Vậy, theo giáo sư, chúng ta cần thiết phải hiểu sự bền vững của môi trường nhân văn như thế nào? Làm gì để kiến tạo và đảm bảo sự bền vững đó?
TNH:Môi trường nhân văn là môi trường con người sống và hoạt động trên các nguyên tắc đảm bảo tính nhân văn chứ không phải bằng cai trị hay ban ơn. Môi trường nhân văn hướng đến mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là giá trị con người.
Thước đo môi trường nhân văn là “quan hệ kép”, là quan hệ con người với tự nhiên và con người với con người. Phát triển bền vững môi trường nhân văn là phát triển mối quan hệ kép này một cách hài hòa, coi trọng các giá trị con người và giá trị bền vững của tự nhiên.
Muốn phát triển bền vững môi trường nhân văn, cần xây dựng được một chế độ dân chủ mới thật sự. Trước hết, đội ngũ lãnh đạo phát có tâm, có tầm và có tài. Dân gian đã nói “quan tham thì dân gian”. Khi những người lãnh đạo không đặt lợi ích đất nước lên trên hết, chỉ lo vun vén cho gia đình, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật thì nhân dân cũng sẽ không tuân thủ pháp luật và tìm cách lách luật, làm việc mờ ám. Chúng ta cần phải trở lại với những giá trị đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là về đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải nghiêm minh, có năng lực, và phải tôn trọng ý kiến của người dân. Người dân phải có quyền lực kiểm tra hoạt động của cán bộ lãnh đạo đại diện cho họ. Lãnh đạo phải tập hợp nhân dân để phát triển đất nước chứ không phải cai trị đất nước và ban ơn cho nhân dân. Lãnh đạo nhân dân là hướng dẫn nhân dân về nhận thức và phương pháp đúng đắn để dân tự xây dựng cuộc sống của mình bằng năng lực phát triển thì mới bền vững.
PV:Chúng tôi có được đọc một bài viết của giáo sư về xã hội dân sự ở các nước Đông nam Á, trong đó có lưu ý trường hợp Việt Nam. Chắc hẳn là giáo sư quan tâm đến sự tương đồng về văn hóa, và lịch sử, cũng như bối cảnh hiện tại, của nước ta với các nước trong khu vực. Thưa giáo sư, bản chất của xã hội dân sự là gì?
TNH:Xã hội dân sự thực chất là một hình thức tổ chức mang tính dân chủ cao, một bước phát triển cao trong tổ chức xã hội. Xã hội dân sự hướng về lợi ích con người, coi trọng giá trị con người và được bảo vệ bởi chính con người tham gia trong đó. Xã hội dân sự đảm bảo mọi hoạt động của nó được diễn ra bình thường, đảm bảo công bằng và tuân thủ các nguyên tắc của nó.
Xã hội dân sự được tổ chức từ sự tự nguyện của các thành viên, nó có thể là các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội … Các thành viên tập hợp nhau lại để bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau phát triển; Tự đưa ra các nguyên tắc tổ chức làm cơ sở để tuân thủ trong quá trình phát triển, phù hợp với pháp luật của các quốc gia.
Trong tình hình đất nước ta hiện nay, Đảng Cộng sản rất cần các tổ chức xã hội dân sự. Bởi các xã hội dân sự là tổ chức của nhân dân, nó thể hiện đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước cần kết hợp với xã hội dân sự để xây dựng chính sách phát triển.
PV:Liệu cấu trúc xã hội này có phù hợp với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam? Tại sao?
TNH:Cơ tầng văn hóa Đông Nam Á là văn hóa của cư dân nông nghiệp với cấu trúc xã hội nông nghiệp trồng trọt là chủ yếu. Dù chỉ tương đối nhưng cũng cần đưa ra một vài ranh giới để phân biệt các khái niệm mà chúng ta đang bàn đến. Xã hội dân sự là một chỉ số, một hình thức tổ chức xã hội trong nền văn minh công nghiệp. Nền dân chủ là chỉ số của nền văn minh hậu công nghiệp. Trong khi đó, văn hóa Đông Nam Á thuộc chỉ số của nền văn minh nông nghiệp với những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Nói vậy không có nghĩa là xã hội dân sự không có vai trò gì với các nước Đông Nam Á. Mà ngược lại, xã hội dân sự thúc đẩy sự phát triển của các mặt mạnh, các ưu điểm và hạn chế các mặt tích cực của xã hội nông nghiệp. Nhưng muốn làm được vậy thì phải có chính sách phát triển xã hội dân sự một cách hợp lý, xem xã hội dân sự là một thành phần của thể chế mới, là một chân trong cái kiềng ba chân là nhà nước-thị trường-xã hội dân sự.
PV:Từ kinh tế công nghiệp bước vào thời đại kinh tế tri thức, xã hội sẽ biến chuyển, thay đổi rất sâu sắc theo hướng văn minh và nhân văn hơn. Nhìn vào thực tiễn nước ta hiện nay, chúng tôi thấy, phát triển kinh tế đang tàn phá văn hóa, tàn phá môi trường nhân văn, và môi trường sinh thái một cách khủng khiếp, hơn cả chiến tranh. Vậy phải chăng đất nước ta chưa bước vào thời đại kinh tế tri thức và với cơ chế thị trường chập chững [và đa mang] hiện nay, có phải chúng ta đang trong quá trình tích lũy tư bản, tương tự châu Âu hồi thế kỷ XVII – XVIII, nhưng lộn xộn hơn nhiều vì “tiếp nhận” và nhân đôi sự ma quái và tàn tạo của tư bản Phương Tây hồi trước bởi những ma mãnh xảo thuật tiểu nông, và vì thiếu một cơ chế quản trị xã hội tương ứng để khắc chế sự tàn bạo của cơ chế thị trường?
TNH:Chúng ta đang trong quá trình tích lũy tư bản nên có nhiều biểu hiện khác. Sự ma quái và sự tàn bạo như nói trên chính là sự kết hợp của việc thúc đẩy các mặt tiêu cực, mặt xấu của con người. Bên cạnh đó là sự dung dưỡng, vì lợi ích cá nhân của một bộ phận quản lý. Nó tạo nên những tác hại to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Nhưng cũng phải nhìn nhận thêm rằng: trong quá trình phát triển lộn xộn đó đã tạo ra một lớp người văn minh hơn, tài năng hơn và nhận thức được thời đại, tiếp cận được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Và bộ phận này đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, họ lại tập trung chăm lo nhiều đến gia đình và cá nhân mà chưa có điều kiện phục vụ đất nước, thực hiện khát vọng đưa đất nước đi lên ngang tầm thời đại.
PV:Hậu quả lâu dài và nặng nề nhất của tình trạng này sẽ là gì? Biện pháp chính trị và văn hóa nào để khắc chế tình trạng này hiệu quả nhất?
TNH:Hậu quả thì nhiều, nhưng nặng nề nhất là làm cho đất nước ta rơi vào tình trạng tụt hậu ngày càng xa so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Nếu không có chính sách phát triển hợp lý, tiếp tục tụt hậu thì nguy cơ đáng sợ nhất là nước ta sẽ trở thành một bãi rác công nghiệp. Bãi rác về kinh tế đã khủng khiếp nhưng đáng lo ngại hơn là trở thành bãi rác văn hóa. Nếu điều đó xẩy ra thì dân tộc ta khó mà ngóc đầu lên được. Một hậu quả khác nữa là chảy máu chất xám, trí thức ngày càng xa rơi đất nước, bỏ quê hương ra đi. Tiến vào nền kinh tế tri thức mà thiếu những người trí thức thì sẽ không bao giờ vươn lên được và chúng ta vẫn mãi là một nước lạc hậu, nghèo đói.
Có nhiều biện pháp nhưng trước tiên phải đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa. Cải cách thể chế chính trị để xây dựng một nền dân chủ mới, nền dân chủ thật sự vì con người. Từ đó xây dựng các chính sách phát triển kinh tế hợp lý, đi vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội chứ không phải chạy theo tăng trưởng GDP mà bỏ rơi thực tế kinh tế đất nước. Phải tiến hành cải cách giáo dục, hướng đến phát triển con người toàn diện hơn, có khát vọng phục vụ đất nước. Phải huy động và sử dụng trí tuệ của trí thức, coi trọng nhân tài và động viên trí thức đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
PV:Thưa giáo sư, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Đó là quy luật muôn thuở. Chỉ có điều là trong tình thế hiện nay khi các giá trị văn hóa không được đề cao thì phải nhấn mạnh để xã hội tiếp tục nhận thức một cách sâu sắc hơn, đặc biệt là nhằm giáo hóa những kẻ coi thường văn hóa. Nhưng trong triết lý phát triển, chúng ta vẫn phải đề cao và tìm cách giải quyết ổn thỏa nhất, tốt nhất mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Giáo sư nhận định như thế nào về mối quan hệ này ở nước ta? Cần nhận thức vấn đề này như thế nào để thực sự khách quan, đúng quy luật? Và chúng ta cần làm gì để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này trong thực tiễn đầy sinh động, biến động của đời sống?
TNH:Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: văn hóa là chính trị và chính trị là văn hóa. Nền văn hóa và cả nền chính trị đều phải được xây dựng từ nền tảng phát triển bền vững về kinh tế-xã hội. Chính cấu trúc kinh tế-xã hội là cở sở, nền tảng để xây dựng nền văn hóa, chính trị và ngược lại, chính nền văn hóa, chính trị cũng là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trong quan hệ văn hóa và chính trị, thì chính trị cũng là một phần của văn hóa. Và trình độ chính trị cũng được thể hiện trên nền văn hóa. Văn hóa và chính trị có quan hệ tương hỗ lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Nền văn hóa thường làm cơ sở để xây dựng và phát triển thể chế chính trị để không rơi vào chủ quan, duy ý chí trong thực tiễn.
Chúng ta cần nhận thức lại rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa hai yếu tố quan trọng này. Nhận thức rõ ràng các giá trị của văn hóa dân tộc để phục vụ phát triển đất nước. Từ đó, xây dựng thể chế chính trị trên cơ sở các giá trị văn hóa dân tộc và thời đại. Đồng thời, thể chế chính trị cần phát huy được giá trị văn hóa, xem đó là thước đo về sự phát triển của chính trị. Cần xây dựng một nền văn hóa chính trị mới, trân trọng con người và thân thiện với tự nhiên. Phải lấy con người và giá trị con người làm nền tảng của triết lý phát triển.
PV:Như trên giáo sư đã đề cập, Con Người là trung tâm của phát triển. Vậy trong thực tiễn hiện nay, chúng ta cần giải quyết Vấn đề Con Người như thế nào để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển bền vững của đất nước?
TNH:Từ đầu chúng ta trao đổi đều quay quanh việc nhận thức về con người và xem con người là trung tâm. Chúng ta nói đến con người cá nhân cụ thể chứ không nói về con người chung chung. Trước đây, chúng ta chỉ coi trọng cộng đồng và nhân dân chứ không nhận thức rõ về con người cá nhân. Và do vậy, con người cá nhân không được biểu hiện, chỉ được ẩn sâu trong một tập thể. Giải quyết con người, trước hết là thay đổi nhận thức về con người. Phải là một con người cụ thể và phát triển con người là phát triển các phẩm chất và năng lực của cá nhân con người. Phải tôn trọng lợi ích kinh tế của mỗi người một cách hợp pháp. Giáo dục phải hướng đến sự phát triển của con người, phát triển năng lực cá nhân, phẩm chất cá nhân của mỗi người. Đào tạo con người hướng đến mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát triển bền vững phải bắt đầu từ phát triển bền vững con người.
PV:Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi bổ ích này. Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sựi quan tâm và cộng tác của Giáo sư.
(Văn hóa Nghê An)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét