Môt ngày tiêu biểu ở trường trung học công lập Hoa Kỳ.
Bùi Dương Chi
Thư của tác giả: Thưa bọ Lập, tôi xin được gửi tới mạng điện tử bolapquechoa một bài viết có tựa đề là: "Một ngày tiêu biểu ở trường trung học công lập Hoa Kỳ". Mong ông cho đăng để tôi có cơ hội trình bầy những điều tôi được biết về cấp trung học phổ thông ở Hoa Kỳ với tư cách là một giáo viên đã đứng lớp ở Mỹ hơn 10 năm. Mục đích bài biên soạn là để góp thêm thông tin về một đề tài mà hiện nay khá nhiều phụ huynh, học sinh và giáo chức ở Việt Nam quan tâm.Tuy tiết học 1 khởi sự đúng 8 giờ sáng nhưng giáo viên (gv) chúng tôi được khuyến nghị phải có mặt tại phòng học trước 8 giờ.
Cũng trước 8 giờ sáng, hơn 1.500 xe buýt của Các Trường Công Lập Quận Fairfax (Fairfax County Public Schools), bang Virginia (VA) đều đã trên đường đi đón và chở phần lớn hs tới trường. Hs nhà ở gần trường phải đi bộ hoặc cha mẹ có thể tự đưa đón. Hs khuyết tật nặng có xe đưa đón riêng.
Khi hs đến, một vài thành viên ban giám hiệu kể cả hiệu trưởng, dù mưa dù tuyết vẫn phải tươi cười ra chào đón. Trong khi đó, mỗi gv trong mỗi phòng học đã được giao khoán suốt niên khóa (NK) kiểm điểm sổ sách, bài vở, học cụ, .... trước khi ra đứng ở cửa phòng để vừa giữ trật tự hành lang, vừa nhắc nhở hs vào lớp. Hs không phải xếp hàng. Tại những trường có kỷ cương, khi chuông reo 8 giờ, hs và gv thường sẵn sàng khởi đầu một ngày mới.
Mỗi niên khóa, tùy từng bang (Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ không có quyền can thiệp vào việc tổ chức và điều hành trường sở của tiểu bang) hs phải học khoảng 190 đến 200 ngày. Nếu vì lý do thời tiết hay có sự cố phải tạm nghỉ thì hs phải học bù trong kỳ nghỉ Hè để tránh tình trạng học không hết giáo trình. Gv vắng mặt đều có các nhóm gv phụ giảng theo hợp đồng bán thời gian đến dậy thế. Nếu gv vắng mặt đột xuất thì nhân viên văn phòng tạm đứng lớp trong khi chờ gv phụ giảng đến. Hs học hành và sinh hoạt nguyên ngày ở trường để cha mẹ yên tâm làm ăn.
Tiết học 2 thường gọi là “homeroom”. Trong tiết này, hs cùng một lớp “gốc” (hs có tên trong danh sách toàn niên khóa của một lớp “gốc”) phải về phòng gv chủ nhiệm. Sinh hoạt gồm: điểm danh, báo cáo hs vắng mặt lên ban giám hiệu (nếu hs nghỉ không phép thì nhà trường liên lạc ngay với cha mẹ hoặc giám hộ để hỏi lý do), chào cờ, nghe thông cáo, thảo luận sinh hoạt trường và lớp,..... Homeroom là tiết học mà tất cả hs cùng một lớp “gốc” được gặp nhau trong ngày học.
Tới các tiết học các môn thì hs đến phòng theo môn đã chọn và theo trình độ của mình. Vì vậy một vài hs lớp 9 có thể ngồi học môn Đại số cao cấp chung với một vài hs lớp 10 và/hay lớp 11 và/hay lớp 12 có trình độ tương đương sau khi được kiểm tra xếp lớp (Placement Test.). Hoặc một vài hs lớp 12 có thể ngồi học môn Pháp Văn trung cấp hay Vật Lý sơ cấp với một vài hs lớp 8, 9, 10, .... (*)
Hs học 5 ngày một tuần, 7 tiết một ngày. Đại để gồm 4 tiết văn hoá và/hay kỹ thuật/ hướng nghiệp (mỗi học kỳ thường học 4 môn), 1 tiết ăn trưa, 1 tiết thể dục, 1 tiết homeroom. Sau mỗi tiết 50 phút, hs có 10 phút để đổi phòng, cất hay lấy sách vở để trong tủ sắt (locker) riêng đặt ở hành lang, đi vệ sinh, đàn đúm…. (**)
Khoảng 3 giờ chiều tan trường, xe buýt đưa đa số hs về nhà. Một số hs tự ra về, hoặc có thân nhân đón. Nhiều hs thường ở lại trường để học thêm ở thư viện hay chơi thể thao hay tham gia các sinh hoạt ngoại khóa khác. Sau đó nhà trường có thể có đợt xe buýt thứ hai đưa hs về hoặc thân nhân phải tự lo.
Hs xuất sắc có quyền yêu cầu trường xét để được học chương trình đặc biệt. Nhiều trường lớn có dậy một số môn có cấp tín chỉ Đại Học (AP = Advanced Placement) hay chương trình “thiên bẩm và tài năng” (GT = Gifted & Talented)…. Hs trường nhỏ thuộc dạng này nếu gia đình yêu cầu sẽ được đưa tới trường lớn.
Gv thường phải ở trường 8 tiết: dạy 5 tiết, chủ nhiệm 1 tiết, nghỉ ăn trưa 1 tiết và ở lại trường 1 tiết sau tiết 7 để hội họp hay dậy kèm miễn phí cho hs kém hay phải học bù vì vắng mặt ....
Cuối ngày, các toán vệ sinh của quận sẽ phụ trách dọn dẹp trường sở.
Ở Hoa Kỳ, luật giáo dục toàn quốc quy định trẻ trong tuổi đi học, dù bị khuyết tật, đều được học trường công lập miễn phí tới hết lớp 12. Hs không phải mặc đồng phục, không phải đóng bất cứ khoản phí nào, có xe đưa đón nếu ở xa trường. Nếu thu nhập của cha mẹ ở mức “cần trợ cấp/nghèo” thì con cái được ăn trưa hay ăn sáng miễn hoặc giảm phí ở căng tin, được mượn sách giáo khoa ….
Ngân sách của khu học chính thường chiếm tỉ phần rất cao của ngân sách quận/huyện, có khi tới 50% . Ở quận Fairfax, bang Virginia, chi phí giáo dục cho 1hs là khoảng 13.300USD một NK (Báo Cáo 2012-2013). Tại các khu học chính lớn, lương của Giám Đốc Quận/Sở Giáo Dục (Superintendent) thường không thua lương căn bản của Tổng Thống Mỹ, thuờng cao hơn lương của Thống Đốc tiểu bang và hơn xa lương của Quận Trưởng. Hội Đồng Giáo Dục Quận/Bang (School Board) do dân bầu ra, có trách nhiệm tuyển dụng/bãi chức Superintendent theo hợp đồng, giám sát mọi sinh hoạt học đường và phán quyết và xử lý mọi sự việc hành chính liên quan tới giáo chức và nhân viên. Tuy nhiên, quyền phán quyết pháp lý tối hậu khi có tranh chấp/kiện tụng đều trực thuộc toà án.
Trên toàn quốc, gv tối thiểu phải có bằng cử nhân, phải hoàn tất một số tín chỉ sư phạm, phải thi lấy được bằng hành nghề nhà giáo của tiểu bang sở tại thì mới được đứng lớp. Tốn phí và với điều lệ nhân sự đại cương như trình bày ở trên nhưng theo các chuyên gia giáo dục, giáo chức, phụ huynh và cả học sinh thì giáo dục trung tiểu học Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhất là trong lĩnh vực kỷ luật và an ninh học đường.
Tác giả gửi Quê ChoaBài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả http://bolapquechoa.blogspot.ch/2013/12/mot-ngay-tieu-bieu-o-truong-trung-hoc.html?utm_source=BP_recent
..............................................
CHÚ THÍCH
(*) -Nhờ căn cứ vào trình độ từng môn của hs để xếp lớp nên tránh được cảnh hs “giỏi” và “kém” ngồi chung lớp khiến việc học và dậy gặp thêm nhiều trở ngại.
-Vì mỗi hs cùng một lớp “gốc” thường có thời khóa biểu và môn học khác nhau trong mỗi học kỳ nên việc làm bảng điểm và theo rõi các môn học của mỗi hs đòi hỏi nhân viên học vụ phải có đầy đủ khả năng và lương tâm chức nghiệp.
-Luật GD của các tiểu bang thường chỉ bắt buộc hs phải học đạt chuẩn 4 niên khóa môn văn, 2 NK toán, 2 NK khoa học tự nhiên, 2 NK khoa học nhân văn, 2 NK ngoại ngữ và một vài môn nhiệm ý như gia chánh, mộc, nữ công, cơ khí, vẽ, nhạc, v..v.. là được khu học chính hay có khi là nhà trường cấp bằng Tú Tài.
-DO ĐÓ, rất khó so sánh chính xác khả năng “giỏi” một môn học nào đó của hs cấp lớp nào đó ở Mỹ với hs cùng cấp lớp ở VN. Chưa kể, cách giảng dậy ở cấp trung học Mỹ -ngoài việc nhằm truyền đạt kiến thức phổ thông như ở VN- còn rất chú trọng hướng dẫn học sinh tìm/hỏi “Tại Sao” thay vì quá chú trọng tới lối học “thuộc lòng” để làm bài thi lấy bằng hay lấy thành tích như ở VN.
(**)-Việc hs di chuyển đổi phòng sau mỗi tiết học trong lớp là rất có lợi cho thể chất và tâm thần các em nhưng ban giám hiệu và thầy cô lại rất vất vả giữ trật tự khi hs được “sổ lồng” trong 10 phút sau mỗi tiết học.
TƯ LIỆU
-Dựa vào kinh nghiệm đứng lớp kiêm thành viên ban tuyển chọn hs thuộc dạng “Thiên Bẩm và Tài Năng ” của Khu Học Chính quận Fairfax, VA. 1976-1982.
-Mạng Fairfax County Public Schools http://www.fcps.edu (có phần tiếng Việt)
Người biên soạn: Bùi Dương Chi, tư vấn tuyển sinh cho Hiệp Hội Giao Lưu Giáo Dục Quốc Tế Youth For Understanding YFU-USA từ 1995 đến nay; nguyên giáo viên cấp 2 và 3 ở Ban Mê Thuột/Darlac (1963-74), ở Fairfax/ Virginia (1976-82), ở Brattleboro/ Vermont (1992-95).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét